Người đàn ông tâm thần bị tạm giữ nhập cư hơn 800 ngày được đền bù 100,000 bảng

Một người đàn ông Iran mắc bệnh tâm thần từng bị giam giữ nhập cư trong 838 ngày đã nhận được khoản bồi thường 100,000 bảng từ Bộ Nội vụ.

Phiên tòa này sẽ được dùng làm chuẩn cho những vụ án sau này. Trong đó một người đàn ông với bí danh AKE đã được xét xử tại Tòa án tối cao.

Luật sư Hamish Arnott của hãng Bhatt Murphy, đơn vị có tham gia trong vụ án, nói:

“Chỉ nhờ may mắn AKE mới nhận được hỗ trợ pháp lý tại thời điểm gần ba năm sau khi bị giam giữ nhập cư. Nếu không có sự can thiệp của một tổ chức từ thiện, anh ấy sẽ bị giam cầm trong một thời gian lâu hơn nữa, không thể tiếp cận sự giúp đỡ mà anh ấy rất cần''.

''AKE là một ví dụ khác về sự cần thiết phải áp đặt các giới hạn và tiêu chí theo luật định rõ ràng đối với quyền lực hà khắc này.”

AKE bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực với các triệu chứng loạn thần và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Theo hồ sơ, anh đã bị giam giữ tổng cộng 838 ngày trong nhiều năm, từ ngày 1 tháng 12 năm 2015 đến ngày 11 tháng 7 năm 2016 và một lần nữa từ ngày 19 tháng 10 năm 2016 đến ngày 25 tháng 6 năm 2018.

Thay vì cho phép anh điều trị bệnh tâm thần, Bộ Nội vụ đã sử dụng phương án cách ly để quản lý hành vi mất kiểm soát của anh. Sức khỏe tâm thần của AKE càng bị suy giảm trong trại giam giữ người nhập cư. Cuối cùng anh nhận được bồi thường theo Đạo luật Sức khỏe Tâm thần, nhưng chỉ sau khi được thả ra khỏi trại tạm giữ.

Luật sư cấp cao Stephanie Harrison, Shu Shin Luh và Anthony Vaughan của Văn phòng luật sư Garden Court, cho biết “khi AKE xuất viện, Bộ Nội vụ áp đặt các điều kiện để AKE được bảo lãnh mặc dù họ không có quyền hợp pháp để làm như vậy và anh vẫn thiếu năng lực tinh thần để hiểu và tuân thủ theo các điều kiện trên.”

Phán quyết bồi thường có nghĩa là các vấn đề pháp lý trong vụ kiện sẽ không được đưa ra tòa nữa. Tòa án phúc thẩm đã nhiều lần cho rằng hệ thống giam giữ người nhập cư có tính chất phân biệt đối xử với người di cư có vấn đề sức khỏe tâm thần, vi phạm Đạo luật Bình đẳng 2010.

VietHome (Theo Free Movement)