Tin vui: Hơn một nữa vụ kháng cáo quyết định nhập cư đã thành công

Theo số liệu của chính phủ, hơn một nửa các quyết định nhập cư của Bộ Nội vụ đã bị đảo ngược khi được đưa ra tòa.

Dữ liệu cho thấy 52% kháng cáo nhập cư và tị nạn đã được thông qua trong năm tính đến tháng 3 năm 2019, với 23.514 quyết định từ chối được đảo ngược. Tỷ lệ này chỉ là 39%, tương đương 20.306 trường hợp, trong ba năm trước đó.

Các nhà vận động cho biết các số liệu nêu bật chất lượng yếu kém của các quyết định nhập cư - và cảnh báo hậu quả đè nặng lên những người bị buộc phải chờ đợi hàng năm trong tình trạng tê liệt, thường bị tách khỏi gia đình, bị giam giữ hoặc thậm chí bị trục xuất.

Thông tin xuất hiện giữa một loạt các trường hợp được báo cáo bởi The Independent, trong đó những người có quyền lưu lại Vương quốc Anh rất rõ ràng lại bị từ chối tư cách, từ chối nhập cảnh vào Vương quốc Anh hoặc bị đe dọa trục xuất, gây ra sự phẫn nộ trong công chúng.

Trong nhiều trường hợp, các quyết định đã được Bộ Nội vụ lật ngược sau khi bị công khai, khiến giờ đây các luật sư di trú cho rằng công bố trên truyền thông thường là cách duy nhất để có được một giải pháp kịp thời và công bằng.

Chai Patel, giám đốc chính sách pháp lý của Hội đồng chung về phúc lợi của người nhập cư (JCWI), cho biết: “Các trường hợp bạn thấy trên phương tiện truyền thông đều liên quan đến một người nào đó đã bị Bộ Nội vụ hủy hoại cuộc đời, tuy nhiên còn có hàng ngàn trường hợp tương tự sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ sự chú ý nào. Những con số này đã chỉ ra thực tế đó.

“Khi Bộ Nội vụ chọn cách chống lại kháng cáo, bộ thường xuyên sai hơn là đúng, và tất cả các hậu quả đều đè nặng lên những người phải chờ đợi nhiều năm trong tình trạng lấp lửng, tách khỏi gia đình hoặc bị giam giữ hoặc là bị trục xuất.

“Ông Sajid Javid lại có thể yêu cầu chúng ta tin rằng ông ấy phù hợp để trở thành thủ tướng, trong khi cho phép Bộ Nội vụ giữ nguyên tình trạng hỗn loạn như vậy.”

Các chuyên gia pháp lý cũng nêu lên mối lo ngại về việc thiếu trợ giúp pháp lý cho những người muốn kháng cáo và thực tế chính phủ tuyên bố tư vấn pháp lý là không cần thiết cho các đơn xin nhập cư – coi những cáo buộc này là “một trò đùa” dù rất nhiều quyết định đã được chứng minh là sai phạm về pháp lý.

CJ McKinney, chuyên gia luật di trú và là phó tổng biên tập của Free Movement, cho biết: “Đây là những quyết định đã hủy hoại cuộc sống của nhiều người, nhưng hiện nay các quan tòa đã liên tục đảo ngược hơn một nửa số quyết định từ chối đưa tới tòa án di trú. "

Bà Diane Abbott, Bộ trưởng Nội vụ đảng đối lập, cho biết tỷ lệ thành công cao đối với các kháng cáo nhập cư là hệ quả tất yếu đối với chính sách đặt mục tiêu trục xuất lên hàng đầu và chính sách môi trường thù địch.

“Những dữ liệu này cho thấy rõ ràng rằng dưới thời chính phủ này, hầu hết các quyết định nhập cư ban đầu bị đưa ra kháng cáo đều sai, kể cả khi hầu như không có bất kỳ trợ giúp pháp lý nào dành cho người khiếu nại,” bà nói thêm.

Các trường hợp nhập cư gần đây đã gây ra sự phẫn nộ bao gồm vụ việc của Bhavani Espathi, người bị đe dọa trục xuất trong khi hôn mê và được cấp thị thực 12 tháng sau khi tờ Independent tiết lộ hoàn cảnh của cô, và Craig Pedzai, một người xin tị nạn ở Zimbabwe bị giam giữ bốn năm rưỡi rồi rơi vào tình trạng vô gia cư.

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Mỗi đơn xin tị nạn và đơn xin nhập cư được xem xét dựa trên giá trị phù hợp với các quy tắc nhập cư.

“Các nhân viên giải quyết hồ sơ đều được đào tạo và tư vấn nghiêm túc để đảm bảo họ có thể giải quyết các vấn đề phức tạp mà họ gặp phải, và có những người quản lý và cán bộ cao cấp sẵn sàng giúp đỡ nếu họ cần tư vấn hoặc hướng dẫn thêm.

“Kháng cáo được thông qua vì nhiều lý do, thường là vì bằng chứng mới được đưa ra trước tòa án mà trước đó chưa được trình cho người ra quyết định.

“Chúng tôi cam kết liên tục cải thiện chất lượng và độ chính xác của việc ra quyết định để đảm bảo chúng tôi có được quyết định đúng đắn ngay từ lần đầu tiên và tất cả các kháng cáo được thông qua đều sẽ được xem xét để đảm bảo chúng tôi học được các bài học liên quan.”

VietHome (Theo Independent)