Thẩm phán cho rằng Bộ Nội Vụ đã quá vội vàng khi ra quyết định trục xuất Thi Lam Thao Dao.
Thi Lam Thao Dao là một chuyên gia đấu giá. Cô bị bắt khi đang làm việc bất hợp pháp tại một tiệm nail ở UK. Bộ Nội Vụ đã ra lệnh trục xuất cô, nhưng tòa án cho rằng quyết định này quá vội vàng. Tòa tuyên bố Dao được phép ở lại UK.
Trước đó, lực lượng di trú đã ập vào tiệm F. Nails ở Whitley Bay, gần Newcastle. Họ bắt giữ Dao khi cô đang làm pedicure cho khách. Trong vòng vài giờ, cô nhận được thông báo mình bị trục xuất.
Nhân viên Bộ Nội Vụ nói rằng cô phải rời khỏi Vương quốc Anh vì cô đã có hành vi sai phạm đối với tấm visa của mình. Thi Lam Thao Dao sở hữu visa skilled worker, Bộ cho rằng cô chỉ được phép làm việc ở nhà đấu giá, nơi đã bảo lãnh cho visa của cô. Nhưng cô lại bị bắt gặp khi đang làm bán thời gian ở tiệm nail. Được biết, Dao kiếm được £100 mỗi ngày tại tiệm nail.
Khi bị bắt, Dao đã vô cùng hoảng sợ, lo lắng và không biết phải làm gì khi nhận được lệnh trục xuất.
May mắn thay, sau khi trường hợp của cô được đệ trình tới Phòng Di trú và Tị nạn của Tòa án cấp cao (Upper Tribunal’s Immigration and Asylum Chamber), cô đã thắng cuộc chiến pháp lý với Bộ Nội Vụ và được ở lại UK.
Tòa án cho rằng Bộ Nội Vụ đã quá vội vã khi ban lệnh trục xuất đối với Dao. Tòa phán quyết có lợi cho Dao và cho phép xem xét lại vụ án.
Hồ sơ trình lên tòa án về hoàn cảnh của Dao cho thấy cô từ Việt Nam đến UK vào tháng 01/2019 theo diện visa sinh viên. Năm 2024, cô được gia hạn visa 5 năm với tư cách là skilled worker.
Theo đó, Dao phải làm việc cho công ty bảo lãnh mình là Cadmore Auctions, có trụ sở tại thị trấn Potters Bar, hạt Hertfordshire. Công việc của cô là định giá các tác phẩm nghệ thuật trước khi đem đi đấu giá.
Vào tháng 7/2024, Bộ Nội Vụ ập vào tiệm F. Nails cách đó 270 dặm (435km). Họ phát hiện Dao đang làm pedicure cho khách.
Khi được hỏi lý do có mặt tại Newcastle, Dao đã đưa ra những câu trả lời không thỏa đáng. Tại tòa án, Dao nói rằng cô trả lời lung tung vì quá sợ hãi, hoảng loạn khi bị giam giữ và thẩm vấn. Cô còn bị áp bức trong cuộc thẩm vấn.
4 ngày sau, Bộ Nội Vụ thông báo sẽ trục xuất cô. Nhưng cô cho rằng Bộ làm vậy là không công bằng, quá cứng nhắc và cũng không điều tra lịch sử làm việc của cô tại nhà đầu giá.
Thực tế Bộ Nội Vụ đã không thực hiện đầy đủ các bước để xác định rõ tình trạng lao động của cô Dao với nhà đấu giá. Bộ này chỉ nhăm nhe trục xuất cô.
Sợ hãi, lo lắng và bối rối
Dao nói rằng cô đã bị chèn ép và phải nói dối trong suốt cuộc thẩm vấn với Bộ Nội Vụ. Họ trấn an rằng cô sẽ được thả nếu cô chịu thừa nhận mình đã làm việc bất hợp pháp tại tiệm nail.
Dao đã hoảng sợ, lo lắng và bối rối. Đó là hậu quả của việc bị bắt giữ và giam giữ. Cô đã vô cùng sốc và run rẩy trong suốt cuộc thẩm vấn. Nhân viên Bộ Nội Vụ đã đe dọa sẽ trục xuất cô ngay lập tức.
Thẩm phán Leonie Hirst nói: “Trường hợp của Dao không phải là trường hợp khẩn cấp, và Bộ Nội Vụ cũng không đưa ra được lý do vì sao họ lại quyết định trục xuất cô chỉ trong vài giờ. Bộ Nội Vụ dường như cũng đồng ý rằng họ đã không xem xét vụ việc một cách thận trọng".
Tuy nhiên, luật sư của Bộ cho rằng Bộ Nội Vụ không cần phải "điều tra vụ việc một cách chi tiết", vì Dao rõ ràng đã bị bắt gặp khi đang làm nail cho khách. Chưa kể lời khai của cô khẳng định cô đang làm việc bất hợp pháp.
Thẩm phán tiếp tục tuyên bố: "Tôi không chấp nhận lời bào chữa của luật sư. Nếu Bộ Nội Vụ chịu cân nhắc đưa ra quyết định dựa trên các thông tin đầy đủ, thì chưa chắc Bộ đã dẫn tới quyết định hủy visa của cô Dao".
"Việc không điều tra thận trọng và vội vàng ra quyết định khi chưa thu thập đủ thông tin, đã dẫn tới quyết định sai lầm", thẩm phán kết luận.
Vậy là, quyết định hủy visa của Bộ Nội Vụ đã bị tòa đảo ngược. Thi Lam Thao Dao tiếp tục được ở lại UK.
Viethome (theo Telegraph)