Người Việt ở Anh thấp thỏm vì bạo động

Nhận cảnh báo từ trường về làn sóng tấn công dân nhập cư, Thiên Mai chuyển sang học online, sống trong nhà như thời lockdown, tìm mua vật phòng thân.

Hết ngày làm việc, Thiên Mai xuống đường mua đồ nhưng hàng quán đồng loạt đóng cửa. Cảnh sát xuất hiện khắp nơi và trực thăng bay trên đầu. Đây là hình ảnh chưa từng xuất hiện trong hơn 1 năm sống ở Liverpool của Mai.

"Bình thường, các cửa hàng có thể đóng cửa lúc 6h tối vào cuối tuần. Nhưng mà đến cả siêu thị cũng đóng cửa vào lúc 5h chiều thì mình thấy rất lạ. Mình hơi hoảng hốt, cảnh sát và mọi người xung quanh cũng rất nháo nhác. Cảnh sát rất nhiều đến nỗi con đường gần nhà mình cũng bị tắc. Bao quanh các tuyến phố có cả trực thăng nữa".

"Một số người bịt mặt đập phá các cửa hàng. Họ chia thành nhiều đoàn. Mỗi đoàn từ 20-30 người. Họ rất hung hăng. Lúc ấy rất đông người và mình nghe thấy một tiếng nổ rất to. Mình thấy người ta đập phá một cửa hàng điện thoại. Mình cũng quay đầu đi về luôn".

bao loan tai noi tuong niem nan nhan
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình gần nơi tổ chức tưởng niệm nạn nhân vụ đ.âm d.ao ở Southport ngày 30/7. Ảnh: AP

Sóng biểu tình và bạo loạn nổ ra và bao trùm khắp nước Anh hơn 1 tuần qua. Đây được xem là đợt bạo loạn tồi tệ nhất 13 năm với những đám đông đốt phá trên toàn quốc. Sự việc bắt nguồn từ ngày 29/7 khiến 3 bé gái thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong một vụ đ.âm d.ao tại Southport. Nhiều thông tin trên MXH cho rằng thủ phạm là người nhập cư, điều này đã kích động các cuộc biểu tình trên cả nước phản đối người nhập cư.

Giới chức ghi nhận hàng loạt vụ xô xát, đánh nhau xảy ra khắp nơi bất chấp sự hiện diện của cảnh sát chống bạo động. Khi trời tối, người biểu tình bắt đầu đốt pháo sáng, xô xát với cảnh sát và những người phản đối biểu tình. 

Tại Birmingham, đám đông mang cờ Palestine chặn xe trên đường để gây rối, tất công tài xế, trong khi một người đàn ông dùng loa phóng thanh kích động người biểu tình.

Quốc Thái, một chủ start-up, hiện đang sống ở London cho biết, dù đã quen với văn hóa biểu tình, song đây là lần đầu tiên anh cảm nhận bản thân bị đe dọa.

"Trước đây biểu tình ở bên này rất là bình thường, và họ chỉ đi lại. Cảnh sát cũng dẫn lối cho họ đi. Và họ cũng chỉ hô hào như thế thôi, họ không làm gì cả. Cuối tuần vừa rồi, tất cả các con đường chính đều bị cảnh sát chặn, các chuyến xe buýt đều bị hủy, mình đi bằng tàu, nhưng tàu cũng không dừng ở các khu vực có bạo loạn. Một số cửa hàng đóng cửa tới vài ngày", anh nói.

Nhóm ủng hộ cực hữu ở Anh kêu gọi đánh đuổi người nhập cư, với những khẩu hiệu: Chặn thuyền nhập cư, sống chết cùng nước Anh. Chúng ta phải đòi lại đất nước.

Quốc Thái kể sau đợt bài trừ người nhập cư trong dịch Covid-19, đây là lần thứ 2 anh cảm thấy lo lắng như vậy khi bản thân là một người nhập cư.

"Trong dịch Covid, cũng có những cuộc biểu tình như thế này và cũng có những cuộc tấn công trực tiếp vào người châu Á. Lần này còn là tấn công vào người nhập cư. Mình cũng từng bị tấn công nhưng mà bằng lời nói thôi. Mọi người đều lo sợ, vừa lo sợ vừa buồn, ít nhiều mình cũng cảm thấy có sự tổn thương nhất định", Quốc Thái nói.

Anh quyết định hủy mọi lịch trình bên ngoài, làm việc ở nhà và chuẩn bị tinh thần sống trong trạng thái hiện tại trong 3-4 tháng tới. "Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, đặc biệt mình còn là người châu Á nữa. Giống như những người nhập cư khác, mình sẽ hạn chế ra đường, tranh thủ đi siêu thị xung quanh. Sáng nào mình cũng xem báo".

"Ở thành phố (Hull), có một nhóm tấn công 1 người châu Á đang đi xe ô tô. Họ chặn xe và đánh, đập phá cái ô tô đấy luôn. Thế nên mọi người cũng dặn nhau tuần này ở nhà, không đi ra ngoài. Bạn bè mình ở các thành phố khác liên tục cập nhật với nhau. Một người bạn của mình ở Birmingham là chủ 1 quán cafe. Anh ấy phải đóng cửa cả ngày trong tuần này. Vì các cuộc biểu tình diễn ra ở trung tâm gần quán đấy. Mình cũng hơi bất an, cũng không biết làm sao cả, chỉ biết né những con đường có biểu tình, đi tới muộn hoặc cố gắng đi vào ban ngày".

Thiên Mai ở Liverpool cũng nhận cảnh báo từ trường vì là người châu Á. Cô chọn sống trong nhà như thời lockdown, mua vật phòng thân trong trường hợp phải ra ngoài.

"Người ta tấn công không có mục đích, mà Southport chỉ cách mình một đoạn 20 phút đi tàu. Mình cũng không dám kể vì sợ bố mẹ lo. Trường mình có gửi cảnh báo và cho phép mình chuyển sang học online, không biết sẽ kéo dài thế này đến bao giờ. Mình định mua những vật phòng thân khi đi ra ngoài. Các siêu thị đều đóng cửa nên mình cũng chưa mua được các vật phẩm thiết yếu".

Làn sóng biểu tình tồi tệ nhất ở Anh đã kéo dài 7 ngày liên tiếp, 2.200 cảnh sát được huy động để trấn áp bạo lực. 340 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình trên khắp cả nước, hàng chục cảnh sát bị thương phải nhập viện do bị đám đông ném gạch đá, chai lọ, vật dụng lớn vào người. 

Thủ tướng Anh ngày 5/8 tuyên bố thành lập đội quân thường trực gồm nhiều cảnh sát đặc nhiệm, tăng tần suất làm việc của hệ thống tư pháp để xét xử nhanh những người bị bắt giữ, cảnh báo bất kì ai gây rối sẽ phải đối mặt với luật pháp cứng rắn, kể cả người kích động trên MXH.

Hiện một số nước đã cảnh báo công dân cẩn trọng, tránh du lịch tới Anh trong bối cảnh bạo loạn.

Theo VnExpress