Tôi tần ngần trước chậu mai vàng khi đi chợ Tết ở nước ngoài vì sợ mùa đông

Dù thích nhưng tôi vẫn băn khoăn có nên mua hay không vì phải đem cả chậu cây vào nhà, vặn máy sưởi để vượt qua mùa đông.

Theo thông lệ mỗi năm, tôi sẽ đi chợ tết. Ở Mỹ, điều đó có nghĩa là tôi và gia đình cùng nhau chất chồng lên một chiếc xe hơi đi đường xa để cùng tiến vào khu Little Saigon của người Việt.

Năm nào cũng vậy, người Việt sẽ có một khu chợ Tết được tổ chức với các gian hàng bán những thứ chỉ dùng cho Tết. Mặt hàng phổ biến nhất là hoa Tết, theo cách gọi của người miền Nam là chợ bông.

Chợ bông ở Mỹ cũng có thể bán những loại bông sống được ở Mỹ. Vì vậy có một số thứ khiến tôi nhớ nhung, như hoa mào gà, những cây quất to bự, ớt kiểng. May mà các thứ hoa vạn thọ, cúc, đào khá phổ biến.

Tôi chỉ quan tâm tới mai vàng năm cánh, cây mai mà người miền Trung gọi là mai rừng. Cũng có những cây được quảng cáo là mai, có năm cánh, nhưng nhỏ xíu và co ro trong cái lạnh, và tất nhiên là hơi đắt.

Tôi tần ngần trước chậu mai mà mình thích, không biết mình có khả năng chăm sóc nó hay không. Để mai có thể sống sót, phải đem cả chậu vào nhà vặn máy sưởi mới được.

Sau cùng, tôi chấp nhận bỏ qua chậu mai vàng bởi không thể chấp nhận nổi viễn cảnh mình sẽ phải khiêng một chậu cây ra vào suốt mùa đông.

Thay vào đó, tôi chọn hai bó mai Mỹ, đại khái là cành cây của một loại gì đó có hoa màu vàng. Ở Mỹ loại cây này mọc hoang, cũng không biết người Việt đi hái ở đâu về, nhưng chợ Tết lúc nào cũng có.

mai vang o my
Đi mua bông trong chợ Tết ở Mỹ. Ảnh: Liên

Với các loại trái cây chưng mâm ngũ quả, các siêu thị của cộng đồng người Việt lúc nào cũng có cả. Năm nay tôi đã biết "khôn", nên tôi vội mua trái mãng cầu còn cứng ngắc, về nhà để ít lâu sẽ chín. Ngoài ra thì còn có trái dừa Thái, trái đu đủ Mexico, và trái xoài Philippines. Nói thế thôi chứ chắc chỉ có đu đủ là được trồng ở Mexico, dừa thì cũng không biết có phải là Thái hay không, hay là đều được trồng đâu đó trên nước Mỹ.

Đặc biệt nhất là năm nay có bưởi da xanh, nhập từ Việt Nam sang, với giá 15 USD một trái. Tuy có hơi mắc nhưng quê tôi là quê bưởi da xanh ngon nhất Việt Nam, vì vậy tôi cũng đành vác một trái về cho nó giống ngày xưa cũ.

Còn lạ, hàng bán bánh mứt chất đầy. Ở Việt Nam, ngày tết sẽ có những thứ bánh mứt đặc biệt như các loại bánh quy phương Tây, chà là, hay kẹo chocolate bọc nho. Còn ở Mỹ thì hàng kẹo tết giống y như những gì tôi hay mua ngày xưa: mứt dừa, mứt hạt sen, mứt gừng, mứt me, mứt bí, mứt mãng cầu, thèo lèo kèm theo món kẹo với cái tên cứt chuột, kẹo mè xửng, kẹo đậu phộng. Đôi khi tôi cảm thấy dịp Tết là lúc người ta đi tìm kiếm những cái mà mình ngày thường không có.

Cũng có những hàng quán bán bánh chưng bánh tét, với các kích cỡ khác nhau. Cô bán hàng nói giọng Huế đặc bảo rằng cô chỉ có bánh tét thông thường thôi, không có loại ba màu đâu. Bánh chưng thì cô chỉ vào hai cái bánh ngày trước mặt tôi, chúng nó hình như không được vuông lắm.

Công cuộc chuẩn bị cho cái tết ngày xưa của tôi thường kết thúc vào ngày 30 tết với việc kho thịt là nấu canh khổ qua dồn thịt bằm. Vì vậy ngày nay công cuộc đi chợ Tết của tôi cũng chấm dứt ở hàng rau, nơi một đống khổ qua Ấn Độ đã được chất sẵn.

Tôi mua một bao to, đem về cho mẹ, người mà mấy chục năm qua vẫn luôn nấu canh khổ qua cho tôi ăn. Người miền Nam xem trọng từ ngữ, canh khổ qua là để cho nỗi khổ qua đi, nên năm mới ai cũng có món này.

Mẹ tôi giờ đã nấu tới mẻ bánh tét thứ hai. Mẻ thứ nhất là để thử nghiệm tìm lại tay nghề, bánh nấu ra được đem đi biếu tặng. Mẻ thứ hai mới là để cho nhà ăn. Mẹ tôi lau lá chuối để gói bánh, con cháu thì vẫn đi học đi làm. Nói chung cái Tết ở Mỹ thì cái gì cũng có, chỉ có mỗi thời gian là không mà thôi.

Theo VnExpress