• Chị Hồng Phước, Việt kiều Canada 46 tuổi tranh thủ ba tuần về Việt Nam ăn Tết để làm 20 chiếc răng sứ giá 6.000 USD.

    Chị chọn một trung tâm nha khoa ở quận 1, TP HCM làm răng với lý do chi phí "rẻ đến bất ngờ". Ở TP Red Deer, bang Alberta, chị được báo giá 1.000 USD cho một chiếc răng. Con gái chị Phước chỉ niềng răng cũng tốn 10.000 USD cho hai hàm.

    "Ngoài khám chữa bệnh theo bảo hiểm, các dịch vụ y tế khác đều rất đắt đỏ", Phước nói. "Trong khi đó, dịch vụ y tế ở Việt Nam có chất lượng tương đương mà giá rẻ hơn rất nhiều".

    Chị Phước quê TP HCM, kết hôn và theo chồng sang định cư ở Canada. Lần đầu về Việt Nam năm 2015 một chiếc răng của chị bị hỏng và cần phải trám. Ban đầu chị chần chừ muốn về Canada làm nhưng được người quen giới thiệu đến một trung tâm nha khoa ở quận 1, Phước bất ngờ trước kết quả ưng ý.

    Từ 2015 đến nay, người phụ nữ này về Việt Nam nhiều lần nhưng lần nào cũng đưa các con và em chồng là người Canada theo để kết hợp làm răng, chăm sóc da mặt, thẩm mỹ, phun xăm chân mày. Cuối 2023, chị chi 26 triệu cho hai lần massage da mặt, làm rãnh cười 18 triệu.

    Phước cho biết, khoảng ba năm nay các dịch vụ làm đẹp hoặc khám, chữa bệnh ở Việt Nam đã được cộng đồng người gốc Á biết đến nhiều.

    "Trước kia người ta thường nghĩ đến Thái Lan hoặc Hàn Quốc để làm đẹp, giải phẫu thẩm mỹ nhưng nay họ đang quan tâm tới Việt Nam", chị nói. "Tôi cảm thấy thoải mái khi sử dụng dịch vụ ở quê nhà. Họ nói tiếng Việt, hiểu tâm lý khách hàng và hướng đến nét đẹp Á Đông".

    ve vn kham rang
    Chị Hồng Phước (ngoài cùng bên phải) cùng các con ở cơ sở làm đẹp tại quận 1, TP HCM. Ảnh Nhân vật cung cấp

    Bốn năm trước, cơn đau đầu kéo dài khiến Nguyễn Linh, 38 tuổi, lo lắng. Ở TP Edmonton, Canada nơi chị định cư, người muốn chụp X-quang phải qua nhiều quy trình. Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám rồi cho thuốc để bệnh nhân uống. Nếu triệu chứng kéo dài trên một tháng, họ sẽ tiến hành chụp X-quang, kết quả sẽ được báo về cho bác sĩ gia đình thay vì trực tiếp cho bệnh nhân. Linh sẽ nhận được chỉ định thông qua bác sĩ gia đình.

    "Tôi có chút lo lắng và không muốn để lâu, nếu có vấn đề bệnh sẽ được phát hiện lúc đã trở nặng", chị giải thích.

    Trong chuyến thăm Việt Nam giữa 2019, chị Linh được người bạn đưa đến chụp X-quang ở một bệnh viện công thuộc quận 1, TP HCM, kết quả có sau đó vài tiếng. Những kỳ nghỉ ở quê nhà sau đó của Linh đều kết hợp với chuyện khám bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế thẩm mỹ.

    Linh và Phước là những người Việt định cư ở nước ngoài có xu hướng trở về quê hương để sử dụng dịch vụ y tế. Theo thống kê của Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 Việt kiều, người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh.

    Khảo sát của VnExpress tại trung tâm nha khoa thẩm mỹ 126 ở TP HCM, tính riêng quý 4/2023 khoảng 25% khách hàng là Việt kiều từ Mỹ, Canada, Australia, Đức và Pháp. Những dịch vụ họ sử dụng chiếm đa số là làm răng sứ và cấy ghép implant.

    "Ở nước ngoài chi phí cho các dịch vụ cao gấp 5-7 lần Việt Nam", đại diện nha khoa giải thích. "Họ ưa thích bởi dịch vụ phù hợp với khuôn miệng của người châu Á".

    Đại diện khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết lượng khách Việt kiều tập trung đông nhất vào thời điểm một đến hai tháng trước Tết. Theo ước tính, cận Tết Giáp Thìn, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 5 khách Việt kiều. Họ thường đến từ Nhật Bản, Mỹ, Australia và Mỹ. Do thời gian ở Việt Nam ngắn và kết hợp nhiều việc cá nhân khác nên những khách hàng này có xu hướng kết hợp nhiều dịch vụ cùng ngày như laser kết hợp với tiêm botox, trẻ hóa khuôn mặt.

    TS BS Trần Nguyên Ánh Tú - trưởng khoa Thẩm mỹ da, cho biết lượng khách hàng Việt kiều tăng đều qua từng năm. "Kiều bào về nước khám chữa bệnh hoặc làm thẩm mỹ thường quay lại cùng bạn bè và người thân", TS BS Tú nói. "Đây là dấu hiệu rất đáng mừng, minh chứng cho sự phát triển chuyên môn ngành da liễu".

    TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, cho biết một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng không thua kém. Cuối 2023, nhiều bệnh viện đã làm chủ được các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu tiên tiến ngang tầm các nước trong khu vực.

    Ngoài ra, Việt kiều lựa chọn Việt Nam bởi bác sĩ có chuyên môn tốt, trang thiết bị hiện đại, thời gian chờ đợi ngắn, chi phí rẻ và được người thân ở Việt Nam chăm sóc. Ông Sơn cho biết những dịch vụ được họ quan tâm bao gồm nha khoa - răng hàm mặt, làm đẹp, thẩm mỹ và các vấn đề liên quan đến phẫu thuật như đại trực tràng, tiêu hóa hoặc sản phụ khoa, điều trị vô sinh, hiếm muộn, trữ đông trứng.

    Chị Linh nói mình nằm trong số những Việt kiều quan tâm đến những dịch vụ trên. Trong lần gần nhất tháng 3/2023, chị Linh sửa mũi 60 triệu và thực hiện căng da bụng và ngực khoảng 200 triệu. Linh cho biết mức giá này rẻ hơn 50-60% so với Canada.

    Tuy nhiên, người phụ nữ quê Đồng Nai thừa nhận không dễ dàng để chị tìm được địa chỉ uy tín. "Tôi 'nằm vùng' trong các nhóm làm đẹp ở Việt Nam để đọc chia sẻ, bình luận, xem hình ảnh thực tế khoảng vài tháng trước khi lựa chọn dịch vụ", Linh kể.

    Đợt về phẫu thuật thẩm mỹ, chị phải ở TP HCM gần một tháng để đề phòng rủi ro có thể xảy ra như biến chứng hậu phẫu hoặc khuôn mũi chưa vào phom dáng.

    Một hạn chế nữa Linh cảm nhận là lo sợ bị "vẽ" tiền, làm nhiều dịch vụ với giá đắt hơn. "Ở Canada độ an toàn cao hoặc tôi có thể kiện họ ra tòa nếu xảy ra vấn đề", chị nói. "Tuy nhiên, tôi vẫn hài lòng với những lựa chọn ở Việt Nam".

    Ông Sơn nói thêm, y tế Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được các nhu cầu về điều trị lâm sàng của người bệnh, nhưng chưa đáp ứng được các nhu cầu khác như an toàn, giao tiếp, tín ngưỡng, vui chơi giải trí hoặc cung cấp các kiến thức về sức khỏe.

    Các bệnh viện lớn còn quá tải bệnh nhân và chỉ có 5,5% bệnh viện có khu điều trị quốc tế chất lượng cao và số bệnh viện có khu hoặc khoa điều trị theo yêu cầu chiếm 22,2%. Hiện cả nước có khoảng 50 bệnh viện đạt chất lượng tốt theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế.

    Lần gần nhất chọn cơ sở làm răng chất lượng cao, Hồng Phước cảm thấy thoải mái khi được mời dùng nước, trò chuyện và tư vấn kỹ lưỡng. Cô nói xứng đáng với số tiền bỏ ra.

    "Không ai hiểu người Việt bằng người Việt", Phước nói.

    Theo VnExpress

  • Hết mấy ngày tết, Hà ngó xuống đôi bàn tay mình, thấy te tua, nham nhở. Mọi năm, Hà đều tranh thủ đi làm móng để kịp đón xuân. Nhưng năm nay, lu bu công việc, thêm con gái lớn bị té xe trầy trụa cần chăm sóc, nên Hà đành tặc lưỡi, thôi kệ. Giờ mọi thứ lễ nghi, thủ tục của tết nhất đã xong, Hà chợt thấy muốn dành cho bản thân một chút quan tâm nhỏ nhỏ.

    Chạy xe vòng vèo, mấy tiệm làm móng quen thuộc đều chưa mở cửa, Hà đành ghé lại một cái tiệm ngoài đường lớn, trông bề ngoài khá rộng rãi. Chắc sẽ đắt tiền hơn thông thường đây, nhưng dù sao Hà cũng chỉ cắt da cho gọn sạch, coi như xài sang một bữa vậy. Thấy Hà tần ngần, một người phụ nữ đon đả mời khách vào, ngồi trên chiếc ghế nệm êm ái. Tiệm vắng nên mở nhạc khá lớn, giàn âm thanh loại xịn đang phát mấy bài hát hiện đại. Hà khoan khoái hít một hơi dài đầy thư giãn.

    Người phụ nữ mang dáng dấp chủ tiệm vui vẻ nói như phân bua “thợ về quê ăn tết chưa lên, để em làm cho chị nhé!”. Hà mỉm cười gật đầu, quan sát cô gái dáng thon, da đẹp, tóc tai lẫn ăn mặc đều kỹ lưỡng trước mặt. Chẳng biết có phải vì là ngày đầu năm, mà hai bên cùng thấy có thiện cảm với nhau…

    Cô hỏi Hà sao bây giờ mới đi cắt da, có phải do tết bận quá. Hà ngượng nghịu gật đầu, tự dưng nghĩ về những chén bát, khách khứa, mâm cúng mà mình đã “cân” trong mấy ngày vừa qua. Cô gái tiếp tục tỏ ra quan tâm, như cách rất nhiều cô thợ chuyên nghiệp khác hay dành cho khách đến tiệm: Tết thì chị em mình là cực nhất, chị ha. Mà da của chị hơi khô nè. Chị nhớ uống nước nhiều hơn, chăm đắp mặt nạ nữa nha...

    chuyen dau nam o tiem nail
    Phụ nữ đi chăm sóc bản thân đôi khi còn là để thư giãn, nhẹ lòng... (ảnh minh họa)

    Hà giật mình, nhìn xuống đôi bàn chân có phần thô ráp của mình. Lại liếc sang cô gái trắng trẻo đang ngồi bên cạnh, tỉ mỉ cắt, giũa. Từng đường kềm điêu luyện. Cô không còn quá trẻ, nhưng trông rạng rỡ đáng yêu quá. Mấy người làm nghề này thường biết cách chưng diện, làm được bao nhiêu thì đổ vào chăm sóc bản thân, nhưng cuộc sống riêng lại thường không mấy viên mãn. Hà vừa chủ quan nghĩ thế, vừa buột miệng: Em nay bao nhiêu tuổi rồi?

    Câu trả lời khiến Hà chưng hửng, chẳng dám thú nhận rằng, hóa ra chúng ta trạc tuổi nhau. Sự tò mò khiến Hà hỏi thêm, con em lớn chưa? Hà cũng hơi quê, không muốn đổi cách xưng hô cho phù hợp hơn. “Em chỉ có một đứa con trai, đang học Y năm thứ 2 rồi chị. Cũng tốn kém lắm, nhưng em cố gắng làm để nuôi nó. Cái tiệm này mặt bằng em thuê, em tự làm là chính, chỉ thêm vài thợ vào mùa cao điểm thôi, lấy công làm lời…”.

    Hà khó giấu nổi lời trầm trồ ngưỡng mộ. Kèm chút xấu hổ vì thành kiến ban đầu của mình. Hà khen ngợi: “Một người học Y, cả họ được nhờ, sau này mẹ có thể dựa vào con rồi”. Tuy ngành đó học hơi lâu nhưng ra trường là ổn định, cả đời yên ổn, phát triển. Nói xong thì Hà thực tâm kể, con gái mình cũng mới vào đại học, trường tư, lo học phí thôi là cũng đủ mệt rồi. Nó lại lười biếng, bề bộn, chỉ thích đua đòi son phấn, yêu đương, rầu lắm. Hà tự dưng hơi ngậm ngùi, nói như phân bua, là mình cũng mới thừa cân gần đây thôi. Mấy ngày tết ít có thời gian nên da dẻ mới bị sạm lại. Tuổi này rồi, sao dễ “xuống cấp” quá! Cô gái lại tỏ vẻ đồng cảm, thời gian với chị em mình đi nhanh lắm. Bọn trẻ nó lại ham vui, vô tâm, ít biết nỗi vất vả của cha mẹ… Nên ta phải tự biết yêu bản thân, giữ sức khỏe, chứ đừng quá trông mong vào ai, lại thất vọng, chị nghĩ đúng không!

    Chuyện tới đó, thì một đứa con trai dong dỏng thư sinh xuất hiện. Cậu lễ phép gật đầu chào khách, rồi quay sang hỏi mẹ muốn ăn gì, để cậu đi mua. Hà nhìn bóng cậu con trai đi khuất, nhận xét với cô chủ tiệm rằng con trai em nhìn trẻ ghê. Lại trông ngoan ngoãn, thương mẹ, em thật có phúc. Không phải ai cũng được cái may mắn đó đâu, nhiều bậc cha mẹ bây giờ phải khóc vì con đó. Cô gái ngó theo hướng con trai vừa đi, ánh mắt ngập tràn tự hào: Dạ con trai em nó cũng hiếu thuận, chăm chỉ, em chẳng mong gì hơn. Cuộc sống của chị em mình tầm này chủ yếu hướng về con cái, giữ sức khỏe và mong lòng an vui, chị nhỉ!

    Hà trả tiền, gởi lại thêm hai chục ngàn tiền bo, chào rồi về. Tiễn Hà ra tận cửa, cô chủ tiệm nói chúc chị luôn vui khỏe, trẻ đẹp, chị nhé. Chị đâu có mập, chị cũng không già, nhìn chị thân thiện dễ thương lắm. Hà lại mỉm cười, dù biết có khi đấy chỉ là mấy lời xã giao, nhưng Hà vẫn thấy lòng tràn ngập niềm vui và biết ơn.

    Baophunu

  • Manchester đánh dấu sự khởi đầu của năm mới âm lịch bằng cuộc diễu hành rước rồng khắp thành phố. Nhiếp ảnh gia của Guardian Christopher Thomond đã ghi lại khoảnh khắc ấn tượng.

    ruoc rong o manchester 1

    Biểu tượng rồng dài 50 m cùng với các vũ công lân sư rồng và vật trang trí truyền thống, các nghệ sĩ biểu diễn kinh kịch Trung Quốc và 12 con giáp - tiến vào khu Chinatown ở Manchester (Anh).

    ruoc rong o manchester 1

    Trẻ em háo hứng tham gia sự kiện đón năm mới Âm lịch. 

    ruoc rong o manchester 1

    Đoàn rước rồng dẫn đầu nhóm diễu hành.

    ruoc rong o manchester 1

    Những người phụ nữ trong trang phục truyền thống giữa khán giả.

    ruoc rong o manchester 1

    Các nghệ sĩ chuẩn bị cho lễ rước rồng.

    ruoc rong o manchester 1

    Các nhân vật cổ xưa - cũng như các ca sĩ, nghệ sĩ violin, biểu diễn hợp xướng và nhào lộn Thành Đô - là một phần của cuộc diễu hành.

    ruoc rong o manchester 1

    Con rồng dài 50 m đi khắp thành phố khi hàng nghìn người xếp hàng trên đường để tham gia lễ mừng năm mới.

    ruoc rong o manchester 1

    Lễ rước rồng đánh dấu sự khởi đầu của năm mới Âm lịch.

    ruoc rong o manchester 1

    Các vũ công dắt rồng đi khắp đường phố.

    ruoc rong o manchester 1

    Trẻ em dọc đường rước rồng.

    ruoc rong o manchester 1

    Lễ rước rồng đi qua trung tâm thành phố Manchester từ đường Oxford, kết thúc ở Chinatown.

    ruoc rong o manchester 1

    Sự kiện năm nay ở Anh được tổ chức bởi Liên đoàn các Hiệp hội người Hoa ở Manchester (FCAM), hợp tác với Khu Phát triển Kinh doanh Trung tâm Thành phố Manchester (BID) và Hội đồng thành phố Manchester.

    ZNews (Ảnh: Christopher Thomond/Guardian)

  • Dù thích nhưng tôi vẫn băn khoăn có nên mua hay không vì phải đem cả chậu cây vào nhà, vặn máy sưởi để vượt qua mùa đông.

    Theo thông lệ mỗi năm, tôi sẽ đi chợ tết. Ở Mỹ, điều đó có nghĩa là tôi và gia đình cùng nhau chất chồng lên một chiếc xe hơi đi đường xa để cùng tiến vào khu Little Saigon của người Việt.

    Năm nào cũng vậy, người Việt sẽ có một khu chợ Tết được tổ chức với các gian hàng bán những thứ chỉ dùng cho Tết. Mặt hàng phổ biến nhất là hoa Tết, theo cách gọi của người miền Nam là chợ bông.

    Chợ bông ở Mỹ cũng có thể bán những loại bông sống được ở Mỹ. Vì vậy có một số thứ khiến tôi nhớ nhung, như hoa mào gà, những cây quất to bự, ớt kiểng. May mà các thứ hoa vạn thọ, cúc, đào khá phổ biến.

    Tôi chỉ quan tâm tới mai vàng năm cánh, cây mai mà người miền Trung gọi là mai rừng. Cũng có những cây được quảng cáo là mai, có năm cánh, nhưng nhỏ xíu và co ro trong cái lạnh, và tất nhiên là hơi đắt.

    Tôi tần ngần trước chậu mai mà mình thích, không biết mình có khả năng chăm sóc nó hay không. Để mai có thể sống sót, phải đem cả chậu vào nhà vặn máy sưởi mới được.

    Sau cùng, tôi chấp nhận bỏ qua chậu mai vàng bởi không thể chấp nhận nổi viễn cảnh mình sẽ phải khiêng một chậu cây ra vào suốt mùa đông.

    Thay vào đó, tôi chọn hai bó mai Mỹ, đại khái là cành cây của một loại gì đó có hoa màu vàng. Ở Mỹ loại cây này mọc hoang, cũng không biết người Việt đi hái ở đâu về, nhưng chợ Tết lúc nào cũng có.

    mai vang o my
    Đi mua bông trong chợ Tết ở Mỹ. Ảnh: Liên

    Với các loại trái cây chưng mâm ngũ quả, các siêu thị của cộng đồng người Việt lúc nào cũng có cả. Năm nay tôi đã biết "khôn", nên tôi vội mua trái mãng cầu còn cứng ngắc, về nhà để ít lâu sẽ chín. Ngoài ra thì còn có trái dừa Thái, trái đu đủ Mexico, và trái xoài Philippines. Nói thế thôi chứ chắc chỉ có đu đủ là được trồng ở Mexico, dừa thì cũng không biết có phải là Thái hay không, hay là đều được trồng đâu đó trên nước Mỹ.

    Đặc biệt nhất là năm nay có bưởi da xanh, nhập từ Việt Nam sang, với giá 15 USD một trái. Tuy có hơi mắc nhưng quê tôi là quê bưởi da xanh ngon nhất Việt Nam, vì vậy tôi cũng đành vác một trái về cho nó giống ngày xưa cũ.

    Còn lạ, hàng bán bánh mứt chất đầy. Ở Việt Nam, ngày tết sẽ có những thứ bánh mứt đặc biệt như các loại bánh quy phương Tây, chà là, hay kẹo chocolate bọc nho. Còn ở Mỹ thì hàng kẹo tết giống y như những gì tôi hay mua ngày xưa: mứt dừa, mứt hạt sen, mứt gừng, mứt me, mứt bí, mứt mãng cầu, thèo lèo kèm theo món kẹo với cái tên cứt chuột, kẹo mè xửng, kẹo đậu phộng. Đôi khi tôi cảm thấy dịp Tết là lúc người ta đi tìm kiếm những cái mà mình ngày thường không có.

    Cũng có những hàng quán bán bánh chưng bánh tét, với các kích cỡ khác nhau. Cô bán hàng nói giọng Huế đặc bảo rằng cô chỉ có bánh tét thông thường thôi, không có loại ba màu đâu. Bánh chưng thì cô chỉ vào hai cái bánh ngày trước mặt tôi, chúng nó hình như không được vuông lắm.

    Công cuộc chuẩn bị cho cái tết ngày xưa của tôi thường kết thúc vào ngày 30 tết với việc kho thịt là nấu canh khổ qua dồn thịt bằm. Vì vậy ngày nay công cuộc đi chợ Tết của tôi cũng chấm dứt ở hàng rau, nơi một đống khổ qua Ấn Độ đã được chất sẵn.

    Tôi mua một bao to, đem về cho mẹ, người mà mấy chục năm qua vẫn luôn nấu canh khổ qua cho tôi ăn. Người miền Nam xem trọng từ ngữ, canh khổ qua là để cho nỗi khổ qua đi, nên năm mới ai cũng có món này.

    Mẹ tôi giờ đã nấu tới mẻ bánh tét thứ hai. Mẻ thứ nhất là để thử nghiệm tìm lại tay nghề, bánh nấu ra được đem đi biếu tặng. Mẻ thứ hai mới là để cho nhà ăn. Mẹ tôi lau lá chuối để gói bánh, con cháu thì vẫn đi học đi làm. Nói chung cái Tết ở Mỹ thì cái gì cũng có, chỉ có mỗi thời gian là không mà thôi.

    Theo VnExpress

  • Câu chuyện dưới đây sẽ giải thích một phần lý do người dân một số quốc gia phương Đông tổ chức Tết Nguyên đán mừng năm mới.

    Ngày xửa ngày xưa, người dân một thôn nọ thường bị con quái vật tên là Niên tới quấy phá. Niên được miêu tả có “hàm răng nhọn, móng vuốt khổng lồ và tiếng gầm gừ xấu xa”. Niên sinh sống trong rừng là chủ yếu, nhưng cứ đến đêm cuối cùng trong năm thì nó lại vào thôn làng quấy phá người dân. Người dân thôn này trong nhiều năm đã hứng chịu sự tàn phá của con Niên mà không thể làm gì nó.

    truyen thuyet tet nguyen dan 1
    Con Niên trong truyền thuyết. Ảnh: WMi Com Pte Ltd/ Youtube

    Về sau, một cụ ông thông thái đã tới và dạy cho dân làng cách đối phó với con Niên, đó là sử dụng âm thanh lớn, lửa và màu đỏ. Khi Niên tới quấy phá làng, người dân tại đây “đã đánh tiếng trống to nhất có thể, đốt mọi dải pháo họ có và mặc trang phục đỏ từ đầu đến chân”. Con Niên thấy vậy liền sợ hãi chạy trốn và không bao giờ quay lại thôn này nữa.

    truyen thuyet tet nguyen dan 1
    Dân làng chiến đấu với con Niên

    Về sau, việc đốt pháo, đánh trống và mặc đồ đỏ vào dịp cuối năm đã trở thành thông lệ, từ đó dần hình thành tục lệ mừng Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác.

    Ngày nay, Tết Nguyên đán không chỉ là một trong những lễ hội được một số quốc gia phương Đông coi trọng, mà người dân nhiều nước trên khắp thế giới cũng đón mừng.

    Dưới đây là một số hình ảnh đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn do Reuters tổng hợp:

    truyen thuyet tet nguyen dan 1
    Người dân Indonesia đón mừng Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters

    truyen thuyet tet nguyen dan 1
    Múa rồng mừng Tết Nguyên đán ở Moscow, Nga. Ảnh: Reuters

    truyen thuyet tet nguyen dan 1
    Múa rồng dưới nước ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

    truyen thuyet tet nguyen dan 1
    Ảnh: Reuters

    Theo Vietnamnet

  • Ngày mùng 1 Tết là ngày khởi đầu năm mới. Những hành động trong ngày này có thể ảnh hưởng đến vận mệnh và may mắn của cả năm.

    Kiêng quét nhà

    Kiêng quét nhà là một trong những việc mà người Việt thường tránh làm trong ngày mùng 1 Tết. Theo quan niệm, nhà cửa trong ngày này mang một linh khí đặc biệt, và việc quét dọn có thể làm hao tổn tiền tài, may mắn năm tới.

    Vì vậy, dù bận rộn đến mấy, vào ngày 30 Tết, mọi người đều nỗ lực dọn dẹp, quét nhà để đảm bảo nhà cửa sạch sẽ trước giao thừa. Nếu nhà bẩn, gia chủ chỉ nên nhặt rác chứ không động đến chổi quét nhà, để tránh "quét đi" may mắn.

    Thậm chí ở miền Nam Bộ, người ta tin rằng, nếu gia đình nào mất chổi trong những ngày Tết thì cả năm đó sẽ bị trộm xâm nhập và mất đi của cải.

    Kiêng đánh thức người khác trong ngày mùng 1 Tết

    Ngày Tết là dịp mọi người tạm gác lại những lo toan, căng thẳng của công việc để tận hưởng những khoảnh khắc bình yên bên gia đình.

    Nếu ai đó bị đánh thức và phải thức dậy sớm vào ngày đầu năm, họ có thể cảm thấy lo lắng về việc không thể có một giấc ngủ tròn trĩnh và bình yên trong ngày đầu tiên của năm mới.

    Trong trường hợp muốn chúc Tết người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt nhất là vị khách nên chờ dịp khác để trao lời chúc một cách thích hợp và không làm gián đoạn sự nghỉ ngơi của người khác trong ngày lễ quan trọng này.

    kieng ki mong 1

    Kiêng cãi vã, va chạm ngày đầu năm

    Ngày đầu năm mới là cơ hội để bắt đầu một trang mới trong cuộc sống. Việc kiêng cãi vã, va chạm giúp đảm bảo khởi đầu năm mới tốt đẹp, không mang theo những mâu thuẫn và xung đột từ năm cũ. Thay vì quát mắng hay lớn tiếng, người lớn thường lựa chọn cách cười xòa và bỏ qua khi trẻ nhỏ nghịch ngợm và phạm lỗi trong những ngày này.

    Cùng với đó, theo tín ngưỡng dân gian, những gì bạn làm trong ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng đến cả năm tiếp theo. Nếu bắt đầu năm mới bằng sự hòa thuận, bình yên, thì năm mới có thể tràn ngập may mắn và thành công.

    Hơn nữa, người ta cũng khuyên nên tránh những cảm xúc tiêu cực như khóc lóc, buồn bực, bực tức vào ngày đầu năm. Nếu không may phải đối mặt với những tình huống không vui trong ngày Tết, bạn nên cố gắng kiềm chế cảm xúc và tìm cách giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và thấu đáo.

    Kiêng làm đổ, vỡ đồ đạc

    Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ và rủi ro trong tương lai.

    Bằng cách tránh làm đổ, vỡ đồ đạc, mọi người thể hiện sự trân trọng và sẵn lòng bảo vệ tài sản. Điều này là cơ sở để cuộc sống gia đình diễn ra êm đềm và an lành trong năm mới.

    Kiêng vay mượn tiền bạc

    Trong ngày Tết, gia đình và người thân quây quần bên nhau, tận hưởng không khí đoàn viên và niềm vui của mùa xuân. Việc vay mượn tiền bạc trong thời điểm này có thể gây ra xung đột và căng thẳng trong quan hệ gia đình hoặc bạn bè.

    Kiêng động tới dao, kéo

    Một trong những lý do chính để kiêng động tới dao, kéo trong ngày Tết là đảm bảo an toàn cho mọi người, nhất là đối với các gia đình có trẻ em trong nhà.

    Ngoài ra, kiêng động tới dao, kéo trong ngày Tết còn mang ý nghĩa tâm linh và tín ngưỡng. Dao, kéo được xem là công cụ sắc bén và có tính sát thương lớn. Trong ngày Tết, việc sử dụng dao, kéo có thể cắt đứt may mắn và mang lại điềm xấu cho gia đình. Do đó, để đảm bảo một năm mới tràn đầy may mắn và tốt lành, người ta kiêng cử hành các hoạt động liên quan đến dao, kéo.

    Kiêng đóng cửa nhà

    Mở cửa nhà vào ngày Tết được coi là một cách để chào đón sự may mắn và tài lộc vào nhà. Người Việt tin rằng việc đóng cửa sẽ cản trở sự lưu thông và dòng chảy của năng lượng tích cực trong không gian gia đình, gây ra một cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến tài lộc trong năm mới.

    Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2

    Theo quan niệm dân gian, ngày đầu năm là ngày sinh thủy thần nên kiêng giặt quần áo được coi là cách để tránh mạo phạm thần thánh và đảm bảo một năm mới an lành, bình an.

    Màu sắc của quần áo cũng có ý nghĩa quan trọng trong ngày Tết. Màu đen và trắng thường có ý nghĩa tượng trưng cho sự tang tóc và điềm xấu.

    Do đó, trong ngày Tết, người ta thường tránh mặc quần áo màu đen và trắng. Thay vào đó, họ chọn những bộ quần áo mới với nhiều màu sắc tươi sáng như đỏ, vàng, xanh lá cây và hồng.

    Theo Đời sống & Pháp luật

  • Làng Vũ Đại xưa (nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam) từ lâu nổi tiếng với món ăn dân dã truyền thống cá kho. Gần Tết Nguyên đán, nhà nhà trong làng lại tất bật kho thâu đêm, phục vụ thực khách trong cả nước.

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    Làng Vũ Đại xưa từ lâu đã nổi tiếng với món ăn dân dã truyền thống là cá kho. Gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhà nhà trong làng lại tất bật kho cá thâu đêm, để phục vụ thực khách trong nước và xuất khẩu.

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    Cá để kho phải là cá trắm đen, có trọng lượng trên 4-8 kg. Cá sau khi được làm sạch, bỏ đầu và đuôi, chỉ lấy khúc giữa, cắt thành từng khúc vừa ăn, để ráo nước rồi đem ướp với những gia vị như riềng củ, gừng, ớt, chanh, hành củ, muối hạt, đường và nước dùng gia truyền.

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    Củi dùng kho cá phải là củi nhãn, bởi củi nhãn cho lượng nhiệt cao khử mùi đất nung và giúp cá nhừ xương, chín tới.

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    Niêu cá đạt chuẩn đạt chất lượng sẽ được kho liên tục từ 8-12 tiếng, lửa luôn phải đều, không quá to cũng không quá nhỏ, không được để bùng ngọn lửa lớn, dùng hơi nóng để giữ nhiệt kho là chính.

    ca kho lang vu dai 1

    “Trung bình mỗi tháng ngày thường gia đình tôi chỉ kho khoảng vài chục niêu, còn vào dịp lễ Tết thì kho hàng trăm niêu mỗi ngày. Nhà tôi làm lâu năm nên có một lượng khách quen khá lớn, nên vào dịp cận Tết, đơn hàng đặt tăng cao, các thành viên trong gia đình thay nhau kho cá thâu đêm mới đáp ứng kịp những đơn hàng đã đặt", anh Toản - chủ một cơ sở kho cá ở Lý Nhân, Hà Nam - chia sẻ.

    ca kho lang vu dai 1

    ca kho lang vu dai 1

    Kho cá trong thời gian dài trong môi trường khói mù mịt, nhiều người đã dùng đeo kính bơi để tránh khói bay vào mắt.

    ca kho lang vu dai 1

    Điểm đặc biệt của cá kho Vũ Đại nếu được để ở nơi có nhiệt độ mát, món ăn này có thể giữ nguyên được hương vị tươi ngon tới 2-3 tuần mà không cần sử dụng bất kỳ loại chất bảo quản nào. Tùy theo kích thước và trọng lượng của nồi cá, giá từ 700.000 - 1.500.000 đồng/nồi.

    Theo Tienphong

  • Bỏ cái cũ, đón cái mới! Tết Nguyên đán mang ý nghĩa cầu chúc may mắn và thịnh vượng cho gia đình. Được tổ chức bởi hơn 1,5 tỉ người mỗi năm trên toàn thế giới, ngày lễ này giàu truyền thống và ý nghĩa nhưng khác nhau tùy theo nền văn hóa.

    Năm 2024, Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu vào thứ bảy, ngày 10.2 và đánh dấu "năm con rồng". Tuy nhiên, đối với Thái Lan, năm 2024 là "năm của Naga" - con rắn thần thoại. Năm rồng được cho là thời điểm của những tiềm năng và cơ hội.

    Tết Nguyên đán là ngày lễ đánh dấu ngày trăng non đầu tiên của âm lịch, là loại lịch truyền thống được sử dụng ở nhiều nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc. Ở những nước này và các nước châu Á khác, đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm.

    tet nguyen dan giap thin 1
    2024 sẽ là năm con rồng. Ảnh: Nhật Thịnh

    Nhiều nền văn hóa sử dụng lịch Gregorian để đếm thời gian trôi qua, nhưng một số nền văn hóa khác lại sử dụng các phương tiện khác. Lịch Gregorian được hầu hết thế giới sử dụng không theo dõi các giai đoạn của mặt trăng và mặt trời, trong khi lịch âm thì có. Đây là lý do tại sao Tết Nguyên đán rơi vào những ngày khác nhau mỗi năm trong lịch dương.

    Lễ đón năm mới này còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, ở Trung Quốc, được gọi là Chūn Jié. Còn ở Việt Nam được gọi là Tết, Seollal ở Hàn Quốc, Losar ở Tây Tạng hay Mông Cổ là Tsagaan Sar...

    Mỗi Tết Nguyên đán tương ứng với một con giáp thuộc cung hoàng đạo, bao gồm nhiều con vật dựa trên chu kỳ 12 năm. Tết Nguyên đán 2024 là "năm con rồng", cung thứ năm trong lịch hoàng đạo. Người tuổi Thìn được cho là người tự tin, độc lập, lôi cuốn, đầy tham vọng, thích phiêu lưu và không hề sợ hãi. Tuy nhiên, có những con giáp khác nhau tùy vào mỗi nước, như năm 2023, ở Việt Nam là con mèo còn Trung Quốc là con thỏ.

    Những năm Thìn gần đây bao gồm 2012, 2000, 1988, 1976, 1964 và 1952.

    tet nguyen dan giap thin 1
    Múa rồng được cộng đồng người gốc Á tổ chức trong ngày đầu năm mới ở Melborne, Úc. Ảnh: PV

    Màu đỏ là màu phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên đán vì truyền thống gắn liền với hạnh phúc, may mắn, giàu có và cát tường. Nó cũng có nguồn gốc từ ngày lễ Trung Quốc - màu đỏ là công cụ xua đuổi tà ma, do đó đèn lồng đỏ và pháo nổ gắn liền với ngày đầu năm mới.

    Tết Nguyên đán ngày nay được tổ chức khắp nơi trên thế giới, nhất là ở những nơi có đông đúc người dân gốc Đông Nam Á hoặc Đông Á sinh sống.

    Tuy nhiên, hiện chỉ còn số ít quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đón Tết Nguyên đán, bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Mông Cổ. Một số nước cũng tổ chức Tết Nguyên đán khá quy mô nhưng chủ yếu trong cộng đồng người gốc Hoa ở các khu "China Town" như Thái Lan, Indonesia...

    tet nguyen dan giap thin 1
    Nhiều nơi ở châu Á bắn pháo hoa để đón tết. Ảnh: PV

    1. Trung Quốc

    Hãy hòa mình vào những truyền thống sôi động của Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Từ màn múa rồng đầy mê hoặc cho đến đoàn tụ gia đình ấm áp, Tết Nguyên đán là sự bùng nổ của văn hóa và truyền thống ở Trung Quốc mà du khách sẽ không muốn bỏ lỡ.

    Tết Nguyên đán sẽ không trọn vẹn nếu không có màn múa rồng ở đất nước này. Bạn sẽ thấy những con rồng dài, tráng lệ này len lỏi qua các đường phố, được điều khiển bởi một nhóm người.

    2. Việt Nam

    Tết Nguyên đán ở Việt Nam bắt đầu từ nhiều ngày trước năm mới, khi người dân đổ ra đường mua sắm, trang trí hay dọn dẹp nhà cửa… Đặc biệt, trải nghiệm phiên chợ tết hay chợ hoa là điều đặc biệt không ở đâu có. Du khách sẽ tìm thấy những con phố tràn ngập hàng hóa lễ hội, đồ trang trí các món ăn tết truyền thống, muôn hoa khoe sắc...

    Trong dịp tết, nhiều người Việt Nam đi chùa để cầu mong một năm thịnh vượng, sức khỏe dồi dào phía trước. Đó là trải nghiệm thanh bình và đẹp đẽ, mang đến cái nhìn thoáng qua về khía cạnh tinh thần của văn hóa Việt Nam. Du khách cũng có thể phiêu lưu với các món ăn tết truyền thống như bánh tét, bánh chưng…

    tet nguyen dan giap thin 1
    Đường hoa Nguyễn Huệ đông nghịt người trong ngày tết. Ảnh: NT

    3. Hàn Quốc

    Tết Nguyên đán được gọi là Seollal ở Hàn Quốc. Đó là thời điểm mà trang phục truyền thống hanbok được mặc một cách đầy tự hào. Nhiều người Hàn Quốc, cả già lẫn trẻ, đều mặc những bộ trang phục đầy màu sắc và trang nhã này trong các lễ hội.

    Một trong những truyền thống Seollal quan trọng nhất là Charye. Tại đây, các gia đình bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên bằng cách bày biện bàn ăn theo nghi lễ.

    tet nguyen dan giap thin 1
    Người dân Hàn Quốc trong trang phục truyền thống hanbok. Ảnh: NT

    4. Nhật Bản

    Vào thời điểm các nước láng giềng bắt đầu đón tết của riêng họ vào cuối tháng 1 hoặc qua tháng 2, thì người Nhật Bản đã kết thúc kỳ nghỉ lễ năm mới từ lâu. Người Nhật đón năm mới vào ngày 1.1 dương lịch và gọi đây là ngày đầu năm mới (Ganjitsu).

    tet nguyen dan giap thin 1
    Người dân Nhật Bản đi chùa trong ngày đầu năm mới theo lịch dương. Ảnh: NTT

    Năm 1873, như một phần của cuộc Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản đã áp dụng lịch Gregorian (lịch dương) với mong muốn tiến kịp phương Tây. Vào thời điểm đó, thái độ phổ biến của các tầng lớp tinh hoa Nhật Bản là xem những tập quán của châu Á kém hơn phương Tây và kìm hãm sự phát triển của đất nước, trong đó có ngày tết âm lịch. Họ cho rằng bỏ ngày này sẽ giảm bớt ngày nghỉ, tập trung làm việc, tăng sản lượng quốc gia, phát triển kinh tế...

    Ngày nay, Tết Nguyên đán chỉ còn tổ chức ở một số nơi có người gốc Hoa sinh sống ở Nhật Bản.

    Theo Thanh Niên