Chuyến hồi hương bao gồm cả di chuyển, làm thủ tục xuất nhập cảnh, y tế, chờ các chuyến bay... hết tổng thời gian hơn 36 giờ với nhiều lo lắng và rủi ro trên đường.
Hành trình hồi hương ăn Tết nhớ đời
Tôi vừa từ Úc trở về Việt Nam với 1 hành trình nhớ đời. Nhưng có hàng nghìn người cũng đã chọn đi cung đường tương tự để về quê ăn Tết. Từ Úc, tôi bay đến Singapore. Qua một đêm vạ vật ở sân bay Singapore, tôi tiếp tục bay về Phnompenh (Campuchia). Sau khi xét nghiệm nhanh âm tính, tôi được nhập cảnh vào Campuchia.
Từ Thủ đô nước bạn, chúng tôi đi đường bộ về cửa khẩu Bavet, giáp cửa khẩu Mộc Bài của Tây Ninh. Tiếp theo là di chuyển về sân bay Tân Sơn Nhất để bay ra Hà Nội, trước khi leo taxi đi về nhà, thực hiện cách ly tại nhà 3 ngày.
Chuyến đi ấy tính tổng thời gian (bao gồm cả di chuyển, làm thủ tục xuất nhập cảnh, y tế, chờ các chuyến bay...) là hết hơn 36 giờ với nhiều lo lắng và rủi ro trên đường. Ai cũng nói đấy là hành trình hành xác. Nhưng cá nhân tôi vẫn thấy mình may mắn. Tôi may hơn những người thậm chí còn phải bay tới 3-4 chặng mới đến được Campuchia, để tìm đường về Việt Nam. Tôi may hơn những người chỉ trước đó 2-3 hôm vẫn phải cách ly 14 ngày tập trung hoặc tại khách sạn.
Từ Úc, tác giả phải bay về Singapore chờ một đêm, tiếp tục bay về Phnompenh, sau đó đi bộ đến cửa khẩu Bavet (giáp cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh). Ảnh minh họa
Tôi biết đến con đường "quá cảnh" ở Campuchia rồi đi đường bộ về Việt Nam qua 1 group (nhóm) chia sẻ kinh nghiệm trên Facebook. Không có con số chính xác, nhưng chắc chắn có hàng nghìn người Việt ở nước ngoài đã chọn cách "hành xác" như vậy để "về nhà".
Bởi tuy đã chuyển sang chế độ "riêng tư", group hiện đã có gần 30 nghìn thành viên, số bài đăng trong 28 ngày gần nhất là hơn 3000 bài. Những con số cho thấy nhu cầu tìm đường về Việt Nam của bà con ở nước ngoài là cực lớn. Cho dù 28 ngày trở lại đây là quãng thời gian các hãng hàng không Việt Nam đã bắt đầu mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Trước khi các đường bay thương mại quốc tế được mở lại thì quá cảnh Campuchia là cách duy nhất để những người Việt xa xứ tự chủ được thời gian hồi hương. Bằng không họ sẽ buộc phải trông chờ vào các chuyến bay giải cứu hay các chuyến bay charter - được thuê trọn gói nguyên chuyến bay theo hành trình yêu cầu của bên thuê. Ban đầu thì đầy tính may rủi (với các chuyến bay giải cứu) rồi sau đó lại đắt cắt cổ (với các chuyến charter).
Những chuyến bay charter có chi phí gấp 3-4 lần chi phí bay thương mại thông thường. (Ảnh minh họa)
Trước khi quyết định chọn hành trình 36 giờ việt dã, tôi đã tìm hiểu về 1 chuyến charter do 1 hãng lữ hành có tiếng đứng ra thực hiện. Khách hàng hoàn toàn không có quyền lựa chọn về gói khách sạn cách ly cho phù hợp với ngân sách của bản thân. Họ bắt buộc phải ở tại 1 khách sạn 4 sao được chỉ định sẵn với giá đắt đỏ. Chi phí trọn gói lên tới khoảng 70-80 triệu đồng/người, tức là gấp tới 3-4 lần chi phí bay thương mại thông thường.
Chính vì sự đắt đỏ và có phần cưỡng ép đó mà nhiều người Việt đã lựa chọn cách chủ động đi về hợp pháp qua đường Campuchia. Theo nhiều người chia sẻ trên group, họ thừa khả năng chi trả khoản chi phí bay charter, nhưng không chấp nhận bị chặt chém một cách vô lý.
Ai giải cứu ai?
Có lẽ, chính cách vận hành đầy cứng nhắc ấy đã đẩy các hãng hàng không lẫn lữ hành Việt tiếp tục có 1 năm đầy khó khăn. Theo báo cáo tài chính Quý III của Vietnam Airlines được công bố tháng 11/2021, hãng đã lỗ thêm hơn 3500 tỷ đồng. Có giảm so với các Quý trước đó, nhưng vẫn tăng hơn 500 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu tiếp tục giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, nhìn sang Singapore Airlines. Cũng theo một báo cáo được đưa ra vào tháng 11/2021 thì tính đến 30/9, khoản lỗ trong 3 tháng gần nhất của hãng này là 315 triệu USD, đã giảm đáng kể từ mốc hơn 1,7 tỷ USD 1 năm trước đó. Doanh thu của Singapore Airlines đã tăng gấp đôi trong Quý và dự kiến sẽ đạt đến mốc hòa vốn trong tháng 12.
Tất nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của Singapore Airlines so với Vietnam Airlines có liên quan đến các chính sách cho phép bay thương mại của Chính phủ 2 nước. Nhưng một điều quan trọng không kém là chính Singapore Airlines rất biết cách giành lấy niềm tin ở khách hàng. Họ vận hành các chuyến bay thương mại với chi phí không tăng nhiều so với lúc không dịch, trong khi chất lượng phục vụ vẫn được đảm bảo.
Nếu chậm thay đổi cách nhìn về việc "ai đang giải cứu ai", vẫn cung cấp dịch vụ theo kiểu mùa dịch thì rất có thể các hãng hàng không Việt Nam sẽ lại sớm cần phải giải cứu. (Ảnh minh họa)
Ngược lại, có vẻ như các hãng hàng không Việt Nam vẫn đang giữ tư duy kinh doanh mùa dịch. Nhiều người về Việt Nam qua đường Campuchia đã hi vọng có thể bay thẳng từ Phnompenh về TP Hồ Chí Minh từ đầu tháng 1.
Nhưng giá vé chuyến bay thương mại đầu tiên đã khiến phần đông thất vọng. Giá vẫn cao hơn vé thương mại trước dịch 2-3 lần. Quan trọng hơn giá vé chiều bay về Việt Nam đắt hơn chiều bay ra rất nhiều. Nó dễ tạo cho bà con cảm giác tiêu cực rằng các hãng hàng không muốn tranh thủ "chặt chém", "bắt chẹt"... Nên nhiều người tiếp tục đi đường bộ về Việt Nam.
Mới đây, 1 người bạn của tôi bay thương mại từ Úc về Việt Nam đã phàn nàn rằng chất lượng đồ ăn khá tệ. Bay quốc tế dài tiếng mà cả chuyến bay toàn bánh mì nguội lạnh, nuốt không nổi. Khi hỏi tiếp viên thì được trả lời ráo hoảnh "quy định thế".
Khi dịch mới bùng phát, các hãng hàng không đóng vai trò giải cứu công dân mắc kẹt ở nước ngoài. Nhưng trong điều kiện bình thường mới, thì chính khách hàng mới là những người giải cứu các hãng hàng không vốn đang chìm trong khó khăn, chứ chẳng phải các gói cứu trợ chỉ mang tính hà hơi thổi ngạt từ Nhà nước.
Nếu chậm thay đổi cách nhìn về việc "ai đang giải cứu ai", vẫn cung cấp dịch vụ theo kiểu mùa dịch thì rất có thể các hãng hàng không Việt Nam sẽ lại sớm cần phải giải cứu.
Theo Soha