Người Việt ở Anh cần đoàn kết để tăng sức mạnh trong bộ máy chính quyền

Vietnamese Family Partnership VFP 1
Các thành viên VFP ở London

Một điều tra của kênh Sky News tại Anh tháng 7/2020 phát hiện những người da đen, châu Á và thiểu số (gọi chung là Black, Asian and minority ethnic - BAME) chỉ chiếm 7% trong số các ủy viên hội đồng quận của Vương quốc Anh.

Dữ liệu thể hiện lo lắng rằng việc thiếu đại diện sắc dân thiểu số trong các chính quyền địa phương sẽ "kéo dài bất bình đẳng và bất lợi về chủng tộc" ở Vương quốc Anh.

Đó là chi tiết mà bà Quỳnh Giao, từ tổ chức từ thiện Vietnamese Family Partnership - Gia Đình Việt (VFP) ở quận Lewisham, London, không thấy xa lạ.

"Ở Anh, nhiều khi họ nhắc tới 'disadvantaged community' (cộng đồng gặp khó khăn). Nhưng người Việt mình nhiều khi không nhận, nói rằng là chúng tôi chả có bất lợi gì cả."

"Người mình hầu hết không có mặt trong các chính quyền địa phương, thành ra không có ai đứng lên bảo vệ cho cộng đồng. Tôi thấy rất khổ cho mình, khi không có người ở trong bộ máy chính quyền để quyết định chi tiêu."

Hoài bão tham gia chính trị trong thế hệ trẻ, là tâm tư của bà. "Tôi muốn thế hệ thứ hai, thứ ba phải mạnh lên để cáng đáng những vấn đề của cộng đồng mình."

'Lỗ hổng' của giới trẻ Việt kiều

Thông qua một khảo sát của VFP, họ nhận ra những tâm sự thẳng thắn của giới trẻ gốc Việt. Trong "16 vấn đề của cộng đồng Việt Nam" được nêu ra trong khảo sát của VFP, có những chia sẻ của giới thanh thiếu niên:

- Người trẻ Anh gốc Việt thường gặp khó khăn khi muốn chắp nối văn hóa Việt và Anh, có nguy cơ đánh mất bản sắc sau nhiều thế hệ.

- Người trẻ đôi khi không tìm thấy xung quanh có những tấm gương người Việt để tìm cảm hứng.

- Không nói được tiếng Việt có thể khiến thanh niên khó giao tiếp trong gia đình

Trước đại dịch Covid-19, khi VFP và bà Quỳnh Giao tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em, cũng vì những băn khoăn như vậy. "Có bạn nói rằng là cô ơi, em giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng em rất buồn khi em nói tiếng Việt thì không ai hiểu em."

"Có những bạn nói họ rất buồn khi mình không bày tỏ được ý tưởng của mình cho những người cùng màu da máu thịt. Học tiếng Việt không chỉ là để học tiếng mà còn có thể giúp chữa những vết thương tâm lý."

"Một số em trước đây nghĩ rằng mình không cần tiếng Việt. Nhưng đến một lúc nào đó, các em lại muốn quay lại với bản sắc của mình, muốn giúp cộng đồng người Việt, thì khi đó, tiếng Việt chính là phương tiện để các em bước tiếp."

Điều thú vị là khi dịch Covid-19 tấn công Anh quốc, việc dạy tiếng Việt của VFP cũng mở rộng cho cả người lớn tuổi. Bà Quỳnh Giao chỉ ra: "Lúc đầu, chúng tôi chỉ dạy tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi, cùng lắm thì 19, 20 tuổi. Nhưng bây giờ ngoài lớp trẻ con, thì có những người sang bên này từ thời sau 1975, bây giờ lại bắt đầu học tiếng Việt." Ví dụ trên cũng gợi ý về nhu cầu kết nối trong gia đình với nhau, và trong cộng đồng người Việt.

Vietnamese Family Partnership VFP 1
Các thành viên VFP ở London

'Truyền cảm hứng'

Vào tháng 10, BBC Tiếng Anh chiếu một phim tài liệu về thảm kịch 39 người Việt chết trong xe tải năm 2019. Nói về người Việt ở Anh, không ít người nghĩ ngay tới hình ảnh di dân đi lậu, hay trồng cần sa. Đó có thể là một lý do vì sao có những người trẻ gốc Việt bộc lộ rằng họ thiếu "tấm gương" trong cộng đồng.

Cộng đồng cần làm những gì để kể ra những câu chuyện thành công truyền cảm hứng, thảo luận thẳng thắn về những điều chưa hay - là tâm sự của nhiều người, trong đó có bà Quỳnh Giao. Bà đồng ý rằng tham gia hoạt động cộng đồng, tham gia chính trị không phải là ước mơ hấp dẫn cho tất cả.

Một khảo sát 2019, Ipsos MRBI Veracity Index, cho biết y tá là nghề được dân Anh tin tưởng nhất (95%), còn Ủy viên Hội đồng Chính quyền địa phương chỉ được 41% tin tưởng, và chính khách là tệ nhất (14%).

Dẫu thế, ảnh hưởng của cộng đồng người Việt, dù ở trong xã hội nào, cũng phụ thuộc không nhỏ vào các gương mặt trong chính quyền. Bà Quỳnh Giao chia sẻ: "Không có trong chính quyền thì không làm được gì."

Vietnamese Family Partnership VFP 1
Bà Nguyễn Quỳnh Giao

"Các bạn trẻ có thể đi từng bước nhỏ, ban đầu tình nguyện, rồi tổ chức địa phương, cảnh sát, hiệp hội, để tăng tiếng nói. Các bạn bỏ ra chút thời gian để phụng sự, cộng đồng rất cần sự đóng góp đó."

Bà Quỳnh Giao tự hào kể về những bạn trẻ đang hoạt động trong tổ chức VFP, như một nơi "rèn luyện cho các em có sự tự tin, kỹ năng hoạt động nhóm, lãnh đạo để sau này có cơ hội áp dụng ở những môi trường lớn hơn".

Bà cho biết các bạn trẻ đó, một số học ngành Marketing, đang có kế hoạch chia sẻ những kiến thức chuyên ngành cho những người Việt làm trong ngành nail và cửa hàng ăn uống, vốn bị thiệt hại nặng vì Covid-19.

"Các em thử nghiệm các cách mà có thể có lợi cho người Việt, để gần hơn với cộng đồng," bà Quỳnh Giao nói. Bà tin rằng một bài học của Covid-19 là người Việt tại Anh cần, và hoàn toàn có thể, gắn kết để trở nên mạnh mẽ hơn.

"VFP chúng tôi cần những thêm những sự góp ý, gặp gỡ để hoạt động tốt hơn. Khi mạnh hơn, chúng ta mới giúp được người yếu."

"Hãy cùng nhau làm cho cộng đồng người Việt mạnh lên. Chúng ta gắn bó hơn, lớn hơn ở mảnh đất mình đang sống, con em chúng ta cũng sẽ vững bước hơn để giúp đỡ người khác, dù là ở Anh hay ở Việt Nam."

Câu chuyện của giới trẻ, thế hệ sau này, một lần nữa được bà Quỳnh Giao nhấn mạnh.

"Cộng đồng chúng ta làm thế nào để con em chúng ta cảm thấy tự hào, tìm thấy cảm hứng từ hoạt động của người Việt xung quanh mình. Có sự gắn kết, tự hào của thế hệ sau, người Việt mới có thể xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết ở mảnh đất này," bà chia sẻ.

Theo BBC Tiếng Việt