Ai là bên thắng trong cuộc chiến của các shop nails Việt?

Bài viết của đọc giả Jayden Nguyen gửi về cho Viethome, xin chia sẻ cùng bạn đọc:

Sau khi có bài về tìm ý tưởng để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng người Việt tại UK, tôi nhận ra rằng có mâu thuẫn không nhỏ trong suy nghĩ của cộng đồng chúng ta về việc ai là người hưởng lợi hơn trong shop nail. Tôi xin phép được nêu quan điểm của mình về vấn đề này và mong mọi người cùng đóng góp ý kiến. 

Cá nhân tôi không thể nhìn thấy hết mọi vấn đề nên quan điểm có thể đúng hoặc sai, rất mong nhận được ý kiến đóng góp chia sẻ. Chân thành cảm ơn anh chị và các bạn. Theo thiển kiến của tôi, ở UK không có chủ shop thực sự. Hầu hết chủ shop cũng kiêm nhiệm là thợ và là người thợ tích cực nhất. 

Chủ shop thường được thu nhập cao hơn thợ 1 vài lần nhưng lương đó cũng bao gồm tiền công của một người thợ, tiền lãi của nhà đầu tư (chủ shop phải dựng shop và xây dựng khách hàng), tiền công người quản lý, tiền công của người dọn dẹp vệ sinh, tiền công của người đi chợ nấu cơm cho thợ, tiền cho thuê nhà ở và quản lý nhà.Vào mùa đông vắng khách, thợ ung dung còn chủ thì ung thủ. 

Nếu tính gộp lại mọi khoản lương mà chủ shop đã làm chưa chắc gì chủ shop đã có tiền lương xứng đáng. Ngoài ra chủ shop còn có thể gọi là nô lệ cho chính shop của mình vì ngay cả một ngày nghỉ cũng không dễ gì có được vì khi vắng chủ ai sẽ làm thay họ. Ngày nay, về cơ bản thợ làm nail đã nhận được tiền lương tương xứng với những gì họ bỏ ra. Làm cho chủ 10 họ được trả lương 6,7. 

Tất nhiên, không chủ shop nào thuê thợ làm ra ít hơn số tiền mà họ phải trả lương cho thợ nhưng cũng không còn thợ nail nào chấp nhận làm 10 mà chỉ nhận 3,4 cả. Đôi khi gặp chủ không tốt, thợ cũng thấy không hài lòng nhưng họ hoàn toàn có quyền lựa chọn để đổi chỗ làm ngay lập tức. Thị trường việc làm trao cho họ quyền được lựa chọn đó.

Điều thiệt thòi cho thợ là ở chỗ: Thường thì họ không có nhà cửa ổn định, cuộc sống nay đây mai đó sẽ làm họ mệt mỏi theo thời gian. Thợ không được hoặc không muốn báo thuế sẽ không được bảo đảm quyền lợi về lương hưu và khó khăn trong việc vay ngân hàng mua nhà, bảo lãnh người thân hoặc những việc cần có độ tín nhiệm cao trong xã hội. Khi thợ nhiều tuổi sẽ khó khăn tìm việc và cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Theo phân tích trên, cả chủ shop và thợ nail đều có thuận lợi và khó khăn của họ. 

Nhưng cả hai có thật sự thành công, ai là người thắng cuộc ? Theo tôi thì chúng ta chưa thành công, chỉ có khách hàng là bên thắng cuộc. Thắng cuộc bởi họ nhận được sản phẩm tốt hơn nhưng giá thành lại luôn rẻ hơn. Người Việt chúng ta tham gia vào cuộc đua mà kiểu gì cũng thua, quân ta đánh quân mình thì làm sao không thua. Chủ shop có thể có thu nhập cao hơn chút ít nhưng công sức bỏ ra thì thêm rất nhiều. Còn thợ thì lương có cao, có được thoải mái hơn nhưng làm gì có chuyện lương cao mà năng suất thấp trên đất nước này. Là thợ, chúng ta luôn tạo ra giá trị thặng dư, tiền công nhận lại luôn nhỏ hơn công sức bỏ ra. 

Vì thê nếu giá trên mỗi sản phẩm chúng ta làm ra ngày càng thấp thì chắc chắn là lương của chúng ta cũng ngày càng thấp. Chúng ta, những người Việt Nam thua cuộc, thua ở đâu? Theo tôi thua bằng sức lực bỏ ra quá nhiều, mầm mống bệnh tật trong cơ thể chưa biết ngày nào bùng phát, sức khỏe, sức lao động xuống nhanh hơn tuổi tác. Trên các chuyến bay của Vietnam airlines UK – VN, người Việt trông thật ốm yếu trong những trang phục đắt tiền, điện thoại mới nhất, túi, ví hàng hiệu.

Nếu đánh giá về mức độ hạnh phúc, tôi không dám chắc chúng ta hạnh phúc hơn người Việt trong nước. Tôi nghĩ chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân thất bại này. Nghề nail đã mang đến sự đổi đời cho người Việt ở nước ngoài khắp năm châu, bản thân nó không phải không tốt. Lỗi là ở chúng ta những người đang là chủ của nó. Theo tôi, phần lỗi lớn là ở chính những người chủ shop. Họ cạnh tranh không cần biết thắng thua , không cần biết mình đang cạnh tranh với ai và được gì. 

Tại UK, sau khi đảng bảo thủ lên cầm quyền năm 2007, một số lớn người Việt được cấp giấy tờ cư trú và được quyền mở shop. Shop nail mọc lên như nấm sau mưa. Để cạnh tranh với nhau, vũ khí duy nhất chúng ta có là giá, shop mở sau giảm giá thấp hơn shop mở trước và shop mở trước lại chống lại bằng cách giảm giá bằng hoặc thấp hơn. Cứ như thế chúng ta cùng nhau phá giá đến đáy. 

Người Việt chiến đấu người Việt. Làm sao để bảo vệ và tăng giá? Câu hỏi này đang mong chờ câu trả lời từ ý kiến của các bạn !!! Tôi mong rằng chúng ta, những người Việt ở UK sẽ cùng nhau đoàn kết, xây dựng lại nghề nail, thương hiệu Nail Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường, chúng ta cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống và tầm vóc người Việt . 

Tôi xin chắp bút ghi nhận mọi ý kiến và góp ý của các bạn. Xin cảm ơn đã đọc bài.

Viethome