Hành trình Tom Ford vực dậy Gucci trước nguy cơ phá sản rồi tạo dựng thương hiệu đình đám của riêng mình

Tom Ford – nhà sáng lập thương hiệu thời trang xỉ cùng tên đã trở thành tỷ phú sau khi chuyển nhượng thành công hãng thời trang cho tập đoàn mỹ phẩm hàng đầu nước Pháp Estée Lauder.

Tom Ford 1
Tom Ford

Sinh năm 1961 ở Austin, Texas, Tom Ford học lịch sử nghệ thuật tại Đại học New York và sau đó là kiến ​​trúc tại Trường Thiết kế Parsons ở New York. Ford sau đó chuyển đến học xá Parsons ở Paris, và khi đang hoàn thành năm cuối ngành kiến trúc ở đó, ông đột ngột quyết định chuyển sang học thời trang.

Tom Ford đã từng nghỉ học một năm để làm việc tại văn phòng báo chí của hãng thời trang cao cấp Pháp Chloé ở Paris. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho nhà thiết kế đồ thể thao Cathy Hardwick.

Bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Ford là khi ông chuyển đến Milan và trở thành nhà thiết kế trang phục nữ cho Gucci vào năm 1990.

Nói về quyết định này, năm 1996, khi trả lời phỏng vấn của The New York Times, Ford nói rằng: "Nếu muốn trở thành một nhà thiết kế giỏi, tôi phải rời khỏi Mỹ".

Những thiết kế sáng tạo, đột phá 

Trong những ngày đầu sự nghiệp, Tom Ford tránh xa những món đồ da và khăn quàng cổ nổi tiếng của Gucci và giới thiệu tầm nhìn của riêng mình cho nhà mốt. Ông nhanh chóng thăng tiến, trở thành Giám đốc thiết kế vào năm 1992 và Giám đốc sáng tạo của thương hiệu vào năm 1994.

Chính tại Gucci, ông đã gặp đối tác kinh doanh hiện tại của mình, Domenico De Sole, khi đó là Giám đốc điều hành của công ty. Năm 1994, Ford được De Sole bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc sáng tạo của Gucci.

Ông nhanh chóng thay đổi bộ mặt thời trang cả thương hiệu bằng phong cách đặc trưng của mình. Bộ sưu tập năm 1995 của ông giới thiệu hàng loạt các bộ váy trắng gợi cảm với những đường cắt may đầy táo bạo ngay lập tức trở thành xu hướng. Sau đó, ông tiếp tục trình làng những bộ vest đẹp, các loại giày, túi, quần nhung, áo sơ mi satin mỏng và thậm chí cả đồ lót.

Vào thời điểm mà các chiến dịch thời trang trở nên lỗi thời, Tom Ford đã thay đổi tính thẩm mỹ bằng cách tiếp cận gây tranh cãi và đầy khiêu khích. Hình ảnh người mẫu bán khỏa thân và chữ G đặc trưng được thiết kế lộn xộn vào năm 2003 đã làm tăng vọt hình ảnh thương hiệu và doanh số bán hàng của Gucci, khẳng định tên tuổi của Tom Ford như một nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang. 

Bất chấp những sự khác biệt trong thiết kế, Tom Ford chia sẻ với Vogue Pháp rằng ông không “khiêu khích vô cớ”. Ông giải thích rằng: “Khi tôi quyết định chọn mẫu nam khỏa thân làm gương mặt đại diện cho sản phẩm, tôi đang bảo vệ bình đẳng giới.” 

Ngoài ra, Tom Ford còn chịu trách nhiệm giúp các ngôi sao Hollywood tỏa sáng với trang phục của Gucci trên thảm đỏ. Từ chiếc quần dài màu hoa cà của Madonna trong Lễ trao giải Grammy 1999, chiếc váy lấp lánh của Jennifer Lopez tại Lễ trao giải thời trang VH1 đến chiếc váy trắng của Charlize Theron khi tham dự Oscar 2004 đã đưa Gucci đến một kỷ nguyên mới.

Cứu Gucci trước nguy cơ phá sản

Trong nhiệm kỳ của Maurizio Gucci từ 1989-1993, tình hình tài chính của Gucci lâm vào cảnh nước sôi lửa bỏng khi người thừa kế vung tay quá trán vào trụ sở chính của công ty và cấp phép quá mức cho thương hiệu. 

Theo báo cáo của Forbes, chỉ riêng năm 1993, Maurizio đã mất hơn 22 triệu USD. Nhưng sau khi Tom Ford đảm nhiệm vị trí Giám đốc sáng tạo từ năm 1994 đến năm 2003, doanh số của Gucci đã tăng vọt với doanh thu 500 triệu USD vào năm 1995. Thu nhập của thương hiệu tiếp tục tăng, đưa giá trị thị trường của Gucci lên tới hơn 4 tỷ USD vào năm 1999, sau khi được mua lại bởi Tập đoàn Kering. 

Ford và De Sole giám sát việc mua lại các thương hiệu xa xỉ của Gucci bao gồm Balenciaga và Bottega Veneta. Ford cũng là người chịu trách nhiệm cải tiến Yves Saint Laurent vào những năm 2000 sau khi thương hiệu này được Tập đoàn Kering mua lại. Ông tiếp tục đưa doanh thu của Gucci tăng và giúp giá trị thị trường của thương hiệu lên hơn 4 tỉ USD cho đến khi công ty được tập đoàn Kering của François Pinault mua lại vào năm 1999.

Năm 2003, Ford rời Gucci sau 14 năm cống hiến và được coi là người có công hàng đầu trong việc đưa giá trị thương hiệu của Gucci lên con số 10 tỉ USD, theo StyleCaster.

Tom Ford 1
Hành trình trở thành tỷ phú USD của nhà sáng lập hãng thời trang xa xỉ Tom Ford (Ảnh: Fade to Black Productions)

Tạo nên kỷ nguyên Tom Ford

Tháng 3/2005, ông thành lập nhãn hiệu cùng tên của mình – Tom Ford, ban đầu tập trung vào kính mắt, quần áo nam và các sản phẩm làm đẹp. Sau đó, ông mở rộng sang trang phục nữ cao cấp, vốn đã định vị tài năng của ông trong lĩnh vực thời trang khi còn làm ở Gucci. Cửa hàng hàng đầu đầu tiên của Ford được mở ở New York vào năm 2007.

Cùng năm này, ông bán 25% cổ phần của thương hiệu cho Grupo Amorim với số tiền không được tiết lộ. Vào năm 2015, Amorim đã bán 15% cho Zegna, để lại 10% cho Tom Ford.

Với việc ra mắt thương hiệu quần áo nam mang tên mình vào năm 2006, Ford cũng tung ra một loại nước hoa - Black Orchid.

Ngay sau đó là dòng sản phẩm Tom Ford Beauty hợp tác với Estée Lauder và được ra mắt cùng năm. Ông đã từng gọi Estee Lauder là "một đối tác phi thường ngay từ ngày đầu tiên thành lập công ty".

Từ Beyoncé, Lady Gaga cho đến Michelle Obama, những thiết kế không thể xóa nhòa của Tom Ford đều được nhiều người nổi tiếng khoác lên trong những sự kiện quan trọng. Bên cạnh đó, các sản phẩm làm đẹp và kính mắt của ông liên tục lọt vào bảng xếp hạng ba thương hiệu hàng đầu thế giới. 

Năm 2020, nhãn hiệu Tom Ford được định giá hơn 6,1 tỷ USD, theo Fashion United. Riêng giá trị tài sản ròng cá nhân của ông là 500 triệu USD, theo Celebrity Net Worth.

Theo báo cáo thường niên năm 2021, Tom Ford đã thu về 96 triệu USD lợi nhuận từ thương hiệu do ông sáng lập. Các loại nước hoa cao cấp của Tom Ford như Black Orchid và Tuscan Leather, được bán lẻ với giá hơn 100 USD, thường lọt vào danh sách bán chạy nhất.

Tom Ford 1
Thiết kế của Tom Ford rất được các ngôi sao quốc tế yêu thích.

Tháng 11/2022, thông tin về thương vụ chuyển nhượng lớn nhất trong ngành trị giá 2,8 tỷ USD giữa Tom Ford và Estée Lauder được hé lộ. Ước tính sau khi thương vụ hoàn thành, với tỷ lệ sở hữu 64% số cổ phần công ty, Tom Ford sẽ thu về khoảng 1,1 tỉ USD, chính thức bước vào hàng ngũ tỷ phú.

Bên cạnh hãng thời trang, Tom Ford cũng thành lập công ty sản xuất phim Fade to Black.

Ngoài ra, Tom Ford cũng đầu tư vào nghệ thuật và bất động sản. Năm 2010, ông được cho là đã bán một bức chân dung tự họa của Andy Warhol với giá 32,6 triệu USD.

Ông cũng sở hữu Trang trại Cerro Pelon rộng 20.662 mẫu Anh ở New Mexico — từng là địa điểm quay các bộ phim như Silverado và Thor. Trang trại đã được Tom Ford bán vào tháng 1/1/2021 số tiền không được tiết lộ.

Hai tháng sau, ông cũng bán dinh thự 4 tầng ở khu phố Chelsea giàu có (London, Anh) với giá 17 triệu USD./.

Theo Viettimes