Kinh nghiệm của mẹ Hà Nội đưa con đi trại hè mỗi năm một nước

Hồng Liên luôn xác định rõ mục tiêu học tập của con, chuẩn bị kế hoạch ít nhất nửa năm, đào tạo đủ các kỹ năng cho con... trước khi đi trại hè nước ngoài.

cho con di trai he 1
Nguyễn Thị Hồng Liên và hai con Vũ Hà, Lê Minh tham gia trại trong rừng 8 ngày đêm tại bang Michigan với học sinh Mỹ, năm 2022. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Hồng Liên, 40 tuổi, công tác trong một trường liên cấp ở Hà Nội, là mẹ hai con trai 17 tuổi và 14 tuổi. Ngay từ khi các con học cấp một, chị cho các bé đi trại hè trong nước để có trải nghiệm. Lúc các con lớn hơn, chị cho con đi trại hè nước ngoài, thu thập thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích và là hành trang du học sau này. Từ năm 2018, các con chị đã được đi trại hè Australia, đi Nhật và Mỹ năm 2019, rồi tiếp tục đi Mỹ năm 2022. Bản thân chị cũng từng đi nhiều nước, làm việc với các bạn trẻ đã đi du học, tiếp xúc người nước ngoài nên có khả năng ngoại ngữ tốt, thuận lợi đồng hành cùng quá trình học tập của con.

Dưới đây là các kinh nghiệm của chị để con có một trại hè nước ngoài hữu ích.

1. Xác định rõ mục tiêu của chuyến đi

Trong mỗi dịp cho con đi trại hè nước ngoài, bà mẹ hai con đều đặt ra mục tiêu rõ ràng. Với chuyến đi Australia 5 năm trước, chị muốn để các con học và sống cùng bạn bè nước ngoài, trải nghiệm một môi trường học tập quốc tế. Vì vậy, chị lên kế hoạch để con đi học bằng phương tiện công cộng, tự nấu ăn, giặt, phơi đồ và dọn dẹp nhà cửa, sống như các bạn Australia. Từ tháng 12 của năm trước đó, chị đã liên hệ với trường, sau đó trường gửi thư xin phép Sở giáo dục của bang và hỗ trợ xin visa. Ngay khi được trường và bang chấp nhận, chị đặt vé máy bay và thuê nhà ở, rồi mới nộp hồ sơ visa để tỷ lệ đỗ cao hơn.

Còn với chuyến đi Nhật, mục tiêu chị đưa ra cho con là trở thành người tổ chức, tự lên kế hoạch và dẫn cả nhà đi chơi.

Trong chuyến đi Mỹ, chị cùng các con tham gia một đoàn đi trại hè để trải nghiệm cuộc sống trong một trường học. Đoàn đặt ra mục tiêu cho thành viên nhỏ tuổi gồm:

- Biết tìm đường, tự đi lại ở các địa điểm thầy cô cho phép đi và có hướng dẫn cụ thể, có khoanh vùng

- Các anh chị lớn phải biết chăm lo và quản lý các em nhỏ, chia nhóm làm việc và mỗi nhóm đều có nhóm trưởng.

- Các bạn nhỏ học được sự tự lập như tự ăn uống, thức dậy vào mỗi sáng, biết chăm lo sức khỏe bản thân, tự giặt đồ, dọn dẹp.

- Tìm hiểu sự khác biệt văn hóa khi đến Mỹ, những lưu ý đặc biệt, điều gì là tối kỵ mà học sinh phải biết.

Để chuẩn bị nền tảng cho các con, chị gợi ý ba mẹ nên cho con được tham gia trại hè ngay từ cấp một và từng bước thích nghi với các trại bán trú với giáo viên nước ngoài ở trong nước, trại nội trú xa nhà 1-2 tuần. Mỗi tháng một lần, gia đình chị còn đi cắm trại với một hội nhóm đã nhiều năm nên các con quen với việc chuẩn bị đồ, di chuyển, cách sống trong tự nhiên.

2. Lập đoàn đi trại hè nước ngoài ít nhất trước nửa năm

Sau những năm đầu cùng con tham gia trại hè, bà mẹ hai con nhận thấy việc các con giao lưu được với bạn bè, tiếp xúc với văn hóa phụ thuộc nhiều vào người dẫn đoàn. Nếu người dẫn đoàn kỹ tính, biết chăm lo và giáo dục, các con sẽ tiếp nhận được nhiều điều mới, trưởng thành hơn. Còn không, đó là trải nghiệm gây lãng phí tiền bạc.

Tiếp theo, việc chọn lọc những học sinh trong đoàn cũng ảnh hưởng lớn đến chuyến đi của các con. Nếu các học sinh nói tục, chơi điện thoại, ỷ lại, không thích tìm hiểu văn hóa và chỉ thích mua sắm, thiếu ý thức thời gian, sự thành công của chuyến đi khó đảm bảo. Do đó, nên tìm nhóm học sinh có cùng văn hóa, được gia đình giáo dục kỹ, kèm dặn dò trước khi đi, chuyến đi sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời với các bạn nhỏ.

Do vậy, chị thường lập đoàn đi trại hè từ tháng 10-11 của năm trước, tìm các gia đình có cùng quan điểm về giáo dục con. Mỗi tháng nhóm gặp nhau một lần, học hỏi nhiều kỹ năng trước khi đi. Việc lập đoàn sớm còn có các ưu điểm:

- Lên phương án sớm nên dịch vụ được tính giá khách đoàn, có nhiều ưu đãi và giá rẻ. Ví dụ, được giảm giá vé máy bay, chi phí đặt khách sạn, đặt tour sớm.

- Có thời gian gộp đoàn, hướng dẫn kỹ năng trước khi đi cho các con. Bố mẹ có thêm thời gian hiểu chương trình, dễ giáo dục con.

Một nguyên tắc khác là gia đình luôn tìm người quen ở nước muốn đi để được hỗ trợ thêm thông tin về trại, địa điểm vui chơi, chỗ ăn ở hợp lý và hướng dẫn tất cả thủ tục. Nhờ vậy, chị có thêm phương án để phòng ngừa bất trắc khi dẫn con đi trại hè nước ngoài.

3. Đào tạo kỹ năng cho con

Để lên khung chương trình trại hè chuẩn chỉnh, Hồng Liên đào tạo con đủ các kỹ năng. Ví dụ, với trại hè diễn ra ở Mỹ, chị lên nội dung cần giáo dục các con như sau:

- Tìm hiểu thủ tục xin cấp visa và phỏng vấn visa. Hướng dẫn và phỏng vấn thử visa Mỹ

- Tìm hiểu văn hóa Mỹ, những điều phải lưu ý khi nhập cảnh và sống tại đây

- Tìm hiểu lạm dụng và bắt nạt, các điều tối kỵ khi ở đây

- Chọn một tiết mục thể hiện văn hóa Việt Nam, giới thiệu đến các bạn bè quốc tế

- Tìm hiểu về dinh dưỡng và học cách nấu bữa ăn cân bằng

- Tìm hiểu về các bệnh cá nhân hay gặp và cách phòng tránh khi đi Mỹ ba tuần

- Cách dọn nhà và dọn phòng

- Biết tìm kiếm siêu thị để mua đồ đạc cá nhân.

- Lên lịch trình đi chơi, tham quan tại Boston, Washington DC, New York. Biết bảo vệ quan điểm với đoàn tại sao nên đi đâu, làm gì

- Hiểu mình, cân bằng cảm xúc và xử lý tình huống không như ý

- Đọc sách du học, khoảng 3-5 quyển từ khi lên kế hoạch cho tới lúc đi (khoảng hơn nửa năm)

- Danh sách đồ cần mang theo khi đi, tự đóng gói đồ đạc

- Hiểu rõ nội quy, lịch trình đoàn đi trại hè

- Tự tìm hiểu về sức khỏe bản thân trước khi đi, điền mẫu tờ khai về sức khỏe

Các bé vừa học offline vừa học online trên group facebook của đoàn trại hè đi Mỹ về các kỹ năng này. Nhờ có chung mục tiêu học tập, các bé trong nhóm trại hè trở nên thân thiết với nhau từ trước chuyến đi. Sau khi đào tạo kỹ năng cho con, Hồng Liên theo dõi các đầu việc mà con đã hoàn thành, cùng các bố mẹ khác hỗ trợ theo dõi một số đầu việc của con.

4. Xin visa

Trước chuyến đi Mỹ, bà mẹ hai con từng nghe xin visa vào nước này rất khó khăn. Vì vậy, chị làm việc cẩn thận, kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị hồ sơ, chứng minh được mục đích đi rõ ràng, lên kịch bản phỏng vấn. Chị luyện phỏng vấn cho các con rất nhiều, chú ý về tác phong, thái độ của con, của bố mẹ... Đồng thời, chị nhân rộng quy trình này tới các gia đình khác cùng đoàn đi trại hè. Nhờ làm kỹ càng từng bước một, 30 bạn nhỏ cùng đoàn của chị đều đỗ visa Mỹ.

5. Chuẩn bị lên đường

Trước khi lên đường, đoàn họp một buổi, cho các con tìm hiểu kỹ về nội quy đoàn, cách tránh lạc nhau, các lưu ý khi ở sân bay. Đoàn cũng giả định tình huống các bé bị lạc thì nên làm gì, lưu ý kỹ ngày giờ chuyến bay, việc mua sắm, những dặn dò về ăn uống, theo dõi sức khỏe, cách đóng gói đồ, đồ ăn mang kèm... Thống nhất việc chia nhóm và các anh chị lớn tự quản các em bé theo nhóm. Phổ biến các nội quy, kỷ luật cần có cho các con. Qua buổi họp, học sinh sẽ thấm nhuần tinh thần tự lập, đúng giờ trước khi lên đường. Các bé cũng được phát đồng phục để dễ nhận diện, tránh lạc nhau ở nơi đất khách.

6. Trải nghiệm trại hè

cho con di trai he 1
Vũ Hà thuyết trình tại trại hè ở Boston năm 2019. Ảnh: NVCC

Trong các chuyến đi trại hè, giữ tinh thần bình tĩnh để xử lý các sự cố là điều mà bà mẹ hai con đúc rút được. Ở chuyến bay tới Mỹ, một số bé trong đoàn không nhập cảnh thuận lợi, bị gạch dấu chéo. Khi đó, chị trấn an các bé, tìm quản lý ở khu vực sân bay, trình bày đủ hồ sơ của tất cả học sinh đi trong đoàn. Sau khi cơ quan chức năng xem xét hồ sơ, tất cả đều được qua cửa nhập cảnh. Tuy nhiên, các bé trong nhóm trại hè bị thất lạc hành lý, vì vậy cả đoàn chờ đợi để được hỗ trợ và lấy lại đồ đạc.

Điều mà ba mẹ con chị nhận ra khi tham gia trại hè Mỹ là học sinh nơi đây đều tự lập, trưởng thành nhờ các hoạt động trải nghiệm và đi ra ngoài. Trong hai tuần ở Boston, các bé học tiếng Anh, xây dựng dự án kinh doanh, nêu ý tưởng bảo vệ môi trường, học về văn hóa khi được đi tham quan các địa điểm nổi tiếng tại đây. Các bé có cơ hội giao lưu nhiều du học sinh Việt ở Mỹ, biết cần chuẩn bị gì cho hành trang du học.

Đến với trại hè Australia, các con của chị nhớ về người bạn được trường giao nhiệm vụ hỗ trợ mình. Các con cũng thấm nhuần văn hóa im lặng, xếp hàng, phân loại rác của người Nhật khi phượt từ Tokyo, đến Kyoto, Osaka. Trong chuyến đi này, hai lần các bé bị nhầm tàu, nhỡ tàu và mất ví nhưng cuối cùng đều an toàn và nhận lại được ví, nhờ có kỹ năng ứng biến và giao tiếp ngoại ngữ.

Theo chị, mỗi loại trại hè là một trải nghiệm thực tế đến từng khía cạnh của cuộc sống, phù hợp với tình hình tài chính của từng gia đình. Năm nay, chị tiếp tục cho con tham gia trại hè ở Nhật Bản. Vì các con đã lớn, chị lo hộ chiếu, đặt vé máy bay, còn lại toàn bộ chương trình do các con thiết kế. Trong chương trình, các bé sẽ được học kỹ năng sinh tồn trong rừng 8 ngày đêm với các bạn Nhật, Mỹ.

Theo Ngôi Sao