Theo một nghiên cứu, các doanh nghiệp tại Vương quốc Anh đang thu hẹp quy mô tuyển dụng đối với những công việc có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự triển khai của trí tuệ nhân tạo (AI).
Điều này cho thấy công nghệ mới này đang làm trầm trọng thêm đà suy giảm của thị trường lao động tại “xứ sở sương mù”.
Một phân tích của công ty tư vấn McKinsey & Co. chỉ ra rằng, số lượng vị trí tuyển dụng đã giảm trên diện rộng tại Vương quốc Anh, khi các công ty phải cắt giảm chi phí để đối phó với đà tăng trưởng trì trệ và lãi suất vay cao. Cụ thể, tổng số tin đăng tuyển dụng trực tuyến trong ba tháng tính đến tháng Năm đã giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, theo công ty tư vấn này, sự sụt giảm diễn ra mạnh mẽ nhất đối với các ngành nghề được dự báo sẽ bị thay đổi đáng kể bởi AI. Số lượng tin đăng tuyển dụng cho các công việc này – như các vị trí văn phòng trong lĩnh vực công nghệ hoặc tài chính – đã giảm tới 38%, gần gấp đôi mức giảm ở các lĩnh vực khác.
Xu hướng này dường như đang tạo thêm một sức ép lên thị trường việc làm của Anh, đúng vào thời điểm việc tăng thuế đang khiến các lĩnh vực như bán lẻ và khách sạn-nhà hàng phải cắt giảm nhân sự, đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng đang bị đình trệ.
Phân tích của McKinsey cho thấy, các ngành nghề được cho là chịu ảnh hưởng sâu sắc từ AI – tức là công nghệ có thể thay thế ít nhất một phần nhiệm vụ – đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về số lượng vị trí tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí như lập trình viên, chuyên viên tư vấn quản lý hay nhà thiết kế đồ họa đã giảm hơn 50% trong ba năm qua.
Một phần của sự sụt giảm này cũng có thể do các vấn đề đặc thù của từng ngành và bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức. Tuy nhiên, McKinsey cho biết trong một số lĩnh vực như dịch vụ nghề nghiệp và công nghệ thông tin, số lượng vị trí tuyển dụng vẫn giảm ngay cả khi các doanh nghiệp báo cáo tốc độ tăng trưởng khả quan.
Dữ liệu do trang web tìm kiếm việc làm Indeed chia sẻ cũng cho thấy những dấu hiệu ban đầu về việc AI đang ảnh hưởng đến các quyết định tuyển dụng. Theo ông Pawel Adrjan, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tại Indeed Hiring Lab, dữ liệu này chỉ ra rằng các công ty có xu hướng cắt giảm tuyển dụng trong những lĩnh vực liên quan đến việc xây dựng hoặc sử dụng công cụ AI.
Ví dụ, số liệu của Indeed cho thấy các vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực toán học (chủ yếu là các vị trí về khoa học dữ liệu và phân tích) có tỷ lệ đề cập đến AI cao nhất trong mô tả công việc, và số lượng tuyển dụng giảm gần 50% so với mức trước đại dịch. Ở chiều ngược lại, các công việc trong lĩnh vực bất động sản hoặc giáo dục, vốn hầu như không đề cập đến công nghệ này trong mô tả công việc, lại ghi nhận sự tăng trưởng trong cùng giai đoạn.
Theo số liệu công bố đầu tháng 6/2025 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS), tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng lên 4,6% trong 3 tháng tính đến cuối tháng 4/2025 và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Mức tăng này được ghi nhận sau khi chính sách tăng thuế doanh nghiệp của Chính phủ Anh có hiệu lực cũng như việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% đối với hàng hóa từ Anh vào tháng 4/2025. Theo Giám đốc thống kê kinh tế của ONS, Liz McKeown, thị trường lao động tiếp tục suy yếu với số lượng người có việc làm giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp được cho là đang trì hoãn tuyển dụng hoặc thay thế nhân sự do chi phí gia tăng và bất ổn kinh tế.
Trước đó, ONS cho biết nền kinh tế Anh tăng trưởng 0,7% trong quý I/2025, mức tăng trưởng mạnh nhất trong một năm, nhờ sự khởi sắc trong hoạt động mua bán bất động sản và các doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi Mỹ tăng thuế quan.
Nhà kinh tế trưởng Thomas Pugh của công ty dịch vụ tư vấn, thuế và kiểm toán RSM UK cho rằng sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng và hoạt động tuyển dụng trong thời gian qua có thể là phản ứng tạm thời trước việc tăng thuế với doanh nghiệp và chính sách thuế quan của Mỹ. Theo ông, tâm lý của người tiêu dùng đang được cải thiện và thị trường lao động đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Một khảo sát công bố trong ngày 30/6 cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp Anh hiện đạt mức cao nhất trong chín năm qua.
Trong khi đó, Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) của Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE), dưới sự chủ trì của Thống đốc Andrew Bailey, cảnh báo nước Anh vẫn đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một cú sốc về chi phí vay. Theo BoE, thị trường trái phiếu chính phủ vẫn còn rất mong manh sau đợt tăng mạnh chi phí vay bị kích hoạt bởi chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4/2025.
Các nhà hoạch định chính sách lưu ý rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh đã tăng cùng với chi phí vay của Mỹ. Tình hình căng thẳng này có thể đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn diện nếu không có tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày từ phía Mỹ. FPC cũng cảnh báo, cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng có nguy cơ làm đảo lộn trật tự tài chính toàn cầu.
Theo BNews