Tài khoản ngân hàng bị đóng băng vì những quy định "chết tiệt" hậu Brexit

Massimo và người vợ quốc tịch Anh cho rằng chính sách định cư được thiết kế để khiến người nhập cư phải khiếp sợ mà rời khỏi UK. 

phong toa ngan hang
"Tôi không thích đất nước này nữa", anh Massimo nói sau khi bị khóa tài khoản cá nhân và tài khoản kinh doanh mà anh đứng tên cùng với vợ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Massimo là một người quốc tịch Ý, vợ anh là công dân Anh quốc. Anh là chủ một nhà hàng món Ý. Chỉ trong một đêm, các tài khoản của vợ chồng anh đã bị phong tỏa vì những luật mới hậu Brexit. 

Vợ chồng anh là 2 trong số hàng ngàn công dân châu Âu đột nhiên phát hiện thẻ visa định cư vĩnh viễn của mình (permanent residence card) trở nên vô hiệu sau Brexit. Dù đã đóng thuế ở Anh suốt 21 năm, anh vẫn không được quyền ở lại UK. 

The3million là một tổ chức chiến dịch đại diện cho công dân EU. Tổ chức này cho biết đã có rất nhiều trường hợp người có thẻ định cư vĩnh viễn bị từ chối theo luật mới. 

CEO lâm thời của tổ chức, bà Andreea Dumitrache, cho biết: "Từ tháng 8/2023 trở đi, công dân EU không được phép viện lý do mình không biết luật để giải thích cho hành vi nộp hồ sơ xin visa trễ".

Công dân EU sống ở UK trước Brexit đều được đảm bảo quyền định cư theo Thỏa thuận Rút lui EU-UK với những ràng buộc về mặt pháp lý. Do đó đến tận bây giờ rất nhiều người vẫn không biết họ phải nộp đơn xin visa định cư theo chính sách EU Settlement Scheme (EUSS), hạn chót để xin visa này là ngày 30/6/2021.

Vì rất nhiều người không nộp đơn trước hạn chót, nên hàng tháng chính phủ Anh vẫn có chỉ tiêu cấp visa cho 4,000 hồ sơ nộp muộn. Đến tháng 9/2023, luật EUSS mới thay đổi. Theo đó, những người đã có visa tiền định cư (visa 5 năm) thì visa của họ sẽ tự động được gia hạn thêm 2 năm nữa trong trường hợp họ chưa nộp đơn xin visa định cư vĩnh viễn theo chính sách EUSS.

Lần đầu tiên vợ chồng Massimo nhận ra tình trạng định cư bấp bênh của mình là khi một nhà cung cấp gọi điện nói rằng họ chưa thanh toán hóa đơn. Lúc này họ vừa mới chuyển từ Kent đến Belfast (Bắc Ailen) để mở một nhà hàng, và họ quyết định đóng tài khoản kinh doanh Anh mở tại Santander, để mở một tài khoản mới với địa chỉ mới tại Bắc Ailen cho tiện làm việc. 

Nhưng chỉ trong vòng vài tuần, tài khoản mới mà họ mở với Santander đã bị phong tỏa. Massimo cũng bị phong tòa tài khoản cá nhân. Hai vợ chồng đã phải đóng cửa nhà hàng vì không thể trả tiền cho nhà cung cấp. Khi họ liên hệ với Santander thì ngân hàng không giải thích. 

Sau đó cặp đôi phát hiện ra Massimo phải nộp đơn xin visa định cư EUSS, lúc đó họ rất sốc. Massimo nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này lại xảy ra. Tôi đã sống ở đây 20 năm, tôi không làm gì sai nhưng đột nhiên lại bị chối bỏ. Họ đột ngột nói "bye, bye" mà không một lời giải thích. Thật khủng khiếp. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người giống tôi, đột nhiên không được chào đón ở đất nước này nữa".

Sau đó đôi vợ chồng đã cố gắng loại bỏ Massimo khỏi vị trí giám đốc nhà hàng trong hồ sơ đăng ký kinh doanh. Tờ Guardian đã tiến hành chất vấn Santander về trường hợp này. Khoảng 2 tuần sau, tài khoản kinh doanh của nhà hàng đã hoạt động trở lại, nhưng tài khoản cá nhân của Massimo thì vẫn bị đóng băng. 

Ngân hàng Santander vẫn từ chối trả lời. 

Sau Brexit, chính sách thù địch đã được áp dụng cho công dân EU, nhiều người trong số đó đã sống ở Anh vài chục năm. Một số người thậm chí đã nghỉ hưu. Bộ Nội Vụ đã không ngừng tăng cường áp dụng các mức phạt gắt gao đối với những chủ nhà, chủ lao động, những ngân hàng... không kiểm tra tình trạng nhập cư của đối tượng.

Viethome (theo Guardian)