• Vậy là đã đến dấu mốc tròn 5 năm kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào lúc 23h ngày 31/1/2020.

    5 nam brexit 1
    Một người đàn ông vẫy cờ Anh vào ngày Brexit ở London. (Nguồn: Reuters)

    Cách đây đúng 5 năm, hai đám đông với tâm trạng trái ngược đã tập trung gần Tòa nhà Quốc hội Anh-một bên hân hoan vẫy cờ Liên hiệp Anh, bên kia rưng rưng nước mắt với lá cờ EU.

    Vào lúc 23h ngày 31/1/2020 (giờ London), tức nửa đêm tại trụ sở EU ở Brussels, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi khối sau gần 50 năm gắn bó. Quyết định này khép lại một giai đoạn tự do đi lại và thương mại giữa Anh với 27 quốc gia châu Âu khác.

    Đối với những người ủng hộ Brexit, Anh giờ đây là một quốc gia có chủ quyền, hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng với phe phản đối, đất nước đã trở nên cô lập và suy yếu.

    Không thể phủ nhận rằng nước Anh khi đó bị chia rẽ sâu sắc và đang bước vào một chặng đường đầy bấp bênh. 5 năm trôi qua, người dân và doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với những dư chấn kinh tế, xã hội và văn hóa mà Brexit để lại.

    “Tác động của Brexit thực sự rất sâu rộng”, Giáo sư Khoa học chính trị Anand Menon, Giám đốc Viện nghiên cứu "Nước Anh trong một châu Âu đang đổi thay" nhận định.

    “Nó đã làm thay đổi nền kinh tế của chúng ta. Cả nền chính trị cũng biến đổi một cách căn bản”, ông nói và cho rằng: “Chúng ta đã chứng kiến sự phân cực mới xoay quanh vấn đề Brexit, giờ đây trở thành một phần trong các cuộc bầu cử chính trị”.

    Từ lá phiếu bất ngờ đến hành trình đầy chông gai

    Theo phân tích của bài báo trên ABC News, là một đất nước với niềm tự hào sâu sắc về lịch sử, Anh chưa bao giờ thực sự thoải mái trong vai trò thành viên EU.

    Khi nước này tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016 về việc ở lại hay rời khỏi khối, bối cảnh kinh tế - xã hội đã tạo tiền đề cho làn sóng ủng hộ Brexit.

    Hàng thập kỷ phi công nghiệp hóa, cùng với các chính sách cắt giảm chi tiêu công và làn sóng nhập cư cao, khiến lập luận rằng Brexit sẽ giúp Anh “giành lại quyền kiểm soát” biên giới, luật pháp và nền kinh tế trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

    Thế nhưng, kết quả 52% ủng hộ rời EU và 48% muốn ở lại vẫn gây chấn động. Chính phủ Bảo thủ khi đó, vốn vận động để giữ Anh ở lại EU, và cả những người ủng hộ Brexit đều chưa có kế hoạch cụ thể cho một cuộc chia tay đầy phức tạp.

    Sau cuộc trưng cầu dân ý là chuỗi năm tháng tranh cãi gay gắt về các điều khoản "ly hôn" giữa một EU tổn thương và một nước Anh chia rẽ.

    Sự bế tắc trong Quốc hội cuối cùng đã khiến Thủ tướng Theresa May thất thế. Bà từ chức năm 2019, nhường chỗ cho ông Boris Johnson, người cam kết sẽ “hoàn tất Brexit”.

    Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản.

    5 nam brexit 1
    Ngày 31/1 đánh dấu 5 năm nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU. (Nguồn: Telegraph)

    Doanh nghiệp xoay xở trong muôn vàn khó khăn

    Anh rời EU mà không có thỏa thuận về quan hệ kinh tế tương lai với khối, vốn chiếm tới một nửa kim ngạch thương mại của nước này.

    Sau khi chính thức rời đi, London và Brussels bước vào 11 tháng đàm phán căng thẳng, cuối cùng đạt được một thỏa thuận vào đêm Giáng sinh năm 2020.

    Thỏa thuận thương mại ở mức tối thiểu cho phép hàng hóa giữa hai bên không bị áp thuế hay hạn ngạch, nhưng lại kéo theo hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà, chi phí tăng cao và sự chậm trễ trong giao thương.

    “Chúng tôi tốn kém hơn, vận hành chậm hơn và chắc chắn đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tồn tại”, anh Lars Andersen, chủ công ty My Nametags tại London, đơn vị chuyên xuất khẩu nhãn dán quần áo và đồ dùng học tập cho trẻ em đến hơn 150 quốc gia, chia sẻ.

    Để duy trì việc kinh doanh với EU, anh Andersen buộc phải mở một cơ sở tại Ireland, nơi tiếp nhận toàn bộ đơn hàng từ Anh trước khi vận chuyển sang các nước châu Âu.

    Anh cho rằng những phiền toái này vẫn đáng để duy trì hoạt động, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ mà anh quen biết đã phải ngừng giao dịch với EU hoặc chuyển dây chuyền sản xuất ra ngoài nước Anh.

    Cô Julianne Ponan, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng thực phẩm không chứa chất gây dị ứng Creative Nature, từng có một thị trường xuất khẩu phát triển tại EU nhưng đã bị Brexit giáng một đòn nặng nề.

    Tuy nhiên, cô đã nhanh chóng chuyển hướng sang Trung Đông và Australia, nơi cô coi là điểm sáng hiếm hoi hậu Brexit.

    Sau khi thích nghi với những thủ tục rắc rối mới, Ponan đang dần khôi phục hoạt động tại châu Âu. “Tuy vậy, chúng tôi đã mất 4 năm tăng trưởng ở đó”, cô nói, “Đó mới là điều đáng tiếc nhất. Nếu Brexit không xảy ra, chúng tôi chắc chắn đã tiến xa hơn nhiều”.

    Hệ lụy dài hạn, thương mại tổn thất nặng nề

    Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của chính phủ Anh dự báo trong dài hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này sẽ giảm khoảng 15% so với kịch bản nếu Anh vẫn ở lại EU. Năng suất kinh tế cũng được dự báo thấp hơn 4% so với mức có thể đạt được.

    Những người ủng hộ Brexit lập luận rằng khó khăn ngắn hạn sẽ được bù đắp bằng khả năng tự do ký kết các thỏa thuận thương mại với các đối tác toàn cầu.

    Kể từ khi rời EU, Anh đã đạt được các hiệp định thương mại với Australia, New Zealand và Canada.

    Tuy nhiên, chuyên gia thương mại David Henig, thuộc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu, cho rằng những thỏa thuận này không thể bù đắp được những tổn thất trong thương mại với các nước láng giềng gần gũi của Anh.

    “Những tập đoàn lớn không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Henig nhận định thêm: “Chúng ta vẫn có Airbus, vẫn có ngành rượu whisky Scotland, vẫn duy trì lĩnh vực quốc phòng và dược phẩm lớn. Nhưng các doanh nghiệp tầm trung lại đang chật vật để giữ vững vị thế xuất khẩu. Và không có doanh nghiệp mới nào đến đầu tư cả”.

    5 nam brexit 1
    Không ít người tự hỏi Brexit đã mang lại lợi ích gì cho nước Anh? Ảnh minh họa. (Nguồn: The Guardian)

    Không như kỳ vọng, nhưng khó có đường lùi

    Ở nhiều khía cạnh, Brexit không diễn ra như cả phe ủng hộ lẫn phản đối từng hình dung. Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây thêm những xáo trộn kinh tế, khiến tác động thực sự của việc Anh rời EU trở nên khó đo lường hơn.

    Đáng chú ý, trong vấn đề nhập cư, Brexit lại tạo ra hiệu ứng trái ngược với dự đoán của nhiều người. Một trong những lý do khiến cử tri chọn rời EU là mong muốn kiểm soát chặt hơn dòng người nhập cư.

    Thế nhưng hiện nay, số người nhập cư vào Anh thậm chí còn cao hơn trước Brexit, do chính phủ nước này cấp nhiều thị thực hơn cho lao động từ khắp nơi trên thế giới.

    Cùng lúc đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt với sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến Anh rơi vào thế khó giữa hai lựa chọn: duy trì quan hệ gần gũi với láng giềng châu Âu hay củng cố "mối quan hệ đặc biệt" xuyên Đại Tây Dương với Mỹ.

    “Thế giới bây giờ ít bao dung hơn nhiều so với năm 2016, khi chúng ta bỏ phiếu rời EU”, giáo sư Anand Menon nhận định.

    Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ngày càng nhiều người Anh tin rằng Brexit là một sai lầm. Tuy nhiên, khả năng đảo ngược quyết định này vẫn rất xa vời. Những ký ức về tranh cãi và chia rẽ vẫn còn nguyên vẹn, và không ai muốn lặp lại điều đó.

    Thủ tướng Anh Keir Starmer, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 7/2024, cam kết “tái thiết lập” quan hệ với EU nhưng loại trừ khả năng gia nhập lại liên minh thuế quan hoặc thị trường chung.

    Ông đặt mục tiêu thực hiện các điều chỉnh khiêm tốn hơn, như tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ lưu diễn, công nhận bằng cấp nghề nghiệp giữa hai bên và tăng cường hợp tác trong thực thi pháp luật, an ninh.

    Các lãnh đạo EU hoan nghênh sự thay đổi trong thái độ của Anh, nhưng họ cũng phải đối mặt với những thách thức nội bộ từ làn sóng dân túy gia tăng.

    “Tôi hoàn toàn hiểu điều đó, thật khó để quay lại sau một cuộc ly hôn đầy sóng gió”, doanh nhân Lars Andersen chia sẻ. Dù vậy, anh vẫn hy vọng Anh và EU sẽ dần xích lại gần nhau theo cách tự nhiên và ít ồn ào.

    “Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra, nhưng sẽ diễn ra chậm rãi và tinh tế, thay vì được chính trị gia công khai tuyên bố”, anh chia sẻ đầy hy vọng.

    Theo Baoquocte

  • Brexit đã gây ra khoản lỗ thương mại 27 tỷ bảng (tương đương 33,98 tỷ USD) cho Vương quốc Anh trong hai năm đầu tiên sau khi nước này rời EU.

    Một nghiên cứu toàn diện của Trường Kinh tế London (LSE) thuộc trường Đại học London (UCL) cho thấy Brexit, chỉ việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đã gây ra khoản lỗ thương mại 27 tỷ bảng (tương đương 33,98 tỷ USD) cho Vương quốc Anh trong hai năm đầu tiên sau khi nước này rời EU.

    Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trung tâm Hiệu suất Kinh tế (CEP) thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu từ hơn 100.000 công ty Anh quốc. Theo đó, họ phát hiện ra rằng các rào cản thương mại được áp dụng theo Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác (TCA) có hiệu lực từ năm 2020 đã gây khó khăn đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ, buộc nhiều doanh nghiệp phải ngừng giao dịch với các quốc gia EU.

    thay doi hau brexit

    Theo nghiên cứu, vào cuối năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Anh đã giảm 6,4% và nhập khẩu giảm 3,1%. Mặc dù các số liệu này khá đáng kể, chúng ít nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR).

    OBR đã ước tính thương mại của Anh về dài hạn sẽ sụt giảm 15% và dẫn đến thu nhập quốc dân giảm 4%. Dù thừa nhận khả năng suy giảm hơn nữa, các nhà nghiên cứu của CEP cho biết tổn thất thương mại hai năm đầu tiên chỉ bằng chưa đến một nửa so với dự kiến của OBR.

    Ông Thomas Sampson, một trong những tác giả của báo cáo và là Phó Giáo sư kinh tế tại LSE, lưu ý rằng cần thêm thời gian để xác định mức độ suy giảm thương mại có gia tăng hay không. Nhưng ông cũng chỉ ra mức suy giảm thêm sẽ phải lớn hơn nữa để phù hợp với các dự báo dài hạn của OBR.

    Nghiên cứu cũng phát hiện các công ty lớn đã điều chỉnh hoạt động hiệu quả hơn so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong khi các công ty lớn duy trì được khối lượng thương mại với EU, hơn 14.000 công ty - chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ chưa tới 100 nhân viên - đã ngừng hoàn toàn giao dịch với khối này.

    Ông Sampson gọi TCA là một "thảm họa đối với các nhà xuất khẩu quy mô nhỏ", lưu ý rằng những công ty lớn đã thích ứng tốt với các rào cản thương mại mới.

    TCA đã đưa ra nhiều yêu cầu thủ tục khác nhau, bao gồm kiểm tra hải quan, thủ tục giấy tờ, yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thuế tiêu thụ đặc biệt, kiểm tra vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Mặc dù thuế quan không phải là một phần của thỏa thuận, nhưng việc chứng minh các sản phẩm từ Anh quốc đáp ứng các quy định của thị trường EU đã tạo ra nhiều trở ngại hơn. Đáng chú ý, nhiều biện pháp kiểm tra nêu trên đã tạm được hoãn và các biện pháp tiếp theo dự kiến sẽ được thực hiện vào năm tới.

    Nghiên cứu chỉ tập trung vào hàng hóa, không gồm mảng nhập khẩu và xuất khẩu dịch vụ vốn phần lớn nằm ngoài thị trường chung châu Âu.

    Theo bà Kalina Manova, một đồng tác giả của nghiên cứu và Giáo sư kinh tế tại UCL, hiệu quả hoạt động lâu dài của các công ty sẽ phụ thuộc vào việc duy trì mạng lưới cung ứng và đa dạng hóa nhu cầu xuất khẩu trước bối cảnh những rào cản phi thuế quan cao hơn và xuất hiện các yếu tố không chắc chắn trong thương mại với EU.

    Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves có thể sẽ hoan nghênh những phát hiện này khi chúng nêu bật khả năng phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng gây áp lực yêu cầu bà Reeves phải tập trung vào việc giảm bớt các rào cản thương mại nhằm hạn chế thiệt hại hơn nữa.

    Vương quốc Anh dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán vào năm tới với EU về giai đoạn tiếp theo của TCA. Các bộ trưởng dự kiến sẽ phản đối lời kêu gọi mở cửa thị trường nông nghiệp Anh cho các nông dân và ngư dân của EU để đổi lấy việc hàng hóa Anh tăng khả năng tiếp cận vào khối này.

    Theo BNews

  • Việc Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu đã làm gia tăng các thủ tục hải quan đối với hàng hóa nông sản và thực phẩm của nước này xuất khẩu sang EU dẫn đến giá trị xuất khẩu giảm khá mạnh.

    xaut khau sang eu
    Quang cảnh cảng container ở thị trấn Felixstowe, Suffolk. (Ảnh: Getty Images)

    Ngày 3/12, Trung tâm Chính sách Thương mại Toàn diện (CITP) tại Anh công bố báo cáo cho thấy trong ba năm gần đây giá trị xuất khẩu thực phẩm và nông sản của nước này sang Liên minh châu Âu (EU) đã giảm trung bình hơn 16% mỗi năm.

    Điều này đồng nghĩa với việc sau khi rời khỏi EU (Brexit), xuất khẩu trong các lĩnh vực này của Anh đang chịu thiệt hại mỗi năm hơn 2,8 tỷ bảng (hơn 3,54 tỷ USD).

    Báo cáo của CITP cho thấy so với ba năm trước đó, việc Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu đã làm gia tăng các thủ tục hải quan đối với hàng hóa nông sản và thực phẩm của nước này xuất khẩu sang EU dẫn đến giá trị xuất khẩu giảm khá mạnh.

    Báo cáo cũng cho thấy sự sụt giảm này trùng với các sự kiện như hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Ukraine, nhưng dòng chảy thương mại giữa Anh và EU, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Anh, sẽ không quay trở lại mức trước Brexit.

    Anh chính thức rời khỏi thị trường chung châu Âu vào ngày 1/1/2021 và EU đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu từ Anh, bao gồm kiểm tra thực tế tại biên giới và yêu cầu chứng nhận y tế.

    Số liệu vào tháng 8/2024 cho thấy sau Brexit chỉ tính riêng các nhà xuất khẩu thịt và sản phẩm từ sữa của Anh đã phải chi hơn 205 triệu bảng cho các giấy chứng nhận an toàn sức khỏe để sản phẩm của họ đảm bảo đủ điều kiện vào thị trường chung.

    Theo nghiên cứu của CITP, mặc dù chính quyền Anh và EU đã nỗ lực hợp tác nhằm đơn giản hóa các thủ tục kiểm soát hàng hóa qua biên giới, nhưng các quy định hiện tại đang là rào cản lớn đối với tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa nông sản của Anh.

    Anh và EU đang áp dụng quy định khác biệt về nông sản và thực phẩm như EU yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn liên quan đến quy tắc đóng gói sản phẩm, thuốc trừ sâu và thuốc thú y, trong khi Anh có các quy tắc chặt chẽ hơn về phúc lợi động vật.

    Chính phủ Công đảng tại Anh đang thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận thú y với EU để giảm bớt các cuộc kiểm tra không cần thiết đối với hàng hóa tại biên giới và giảm chi phí thương mại cho các nhà sản xuất.

    Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào về vấn đề này và các cuộc đàm phán có thể sẽ mất nhiều năm để hoàn tất.

    Theo TTXVN

  • Thị trưởng thủ đô London của Anh, ông Michael Mainelli, cho biết việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã khiến trung tâm tài chính này mất khoảng 40.000 việc làm. Đây là bằng chứng cho thấy tác động của Brexit lớn hơn nhiều so với ước tính trước đây.

    Một cuộc điều tra của Reuters vào năm 2017 cho biết khoảng 10.000 việc làm sẽ được chuyển khỏi Anh hoặc tạo ra ở nước ngoài trong vòng vài năm, sau khi Anh rời khỏi liên minh châu Âu.

    Ông Mainelli khẳng định: "Brexit là một thảm họa”. Theo ông, London có 525.000 việc làm vào năm 2016 và đã bị mất gần 40.000 việc làm sau Brexit. Trong khi đó, Dublin - thủ đô của Ireland - nhận được nhiều lợi ích nhất từ Brexit khi thu hút được 10.000 việc làm mới. Các thành phố như Milan (Italy), Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan) cũng được hưởng lợi từ số việc làm dịch chuyển từ London sau khi Anh rời EU.

    Tuy nhiên, ông Mainelli cũng cho biết London đang phát triển nhiều việc làm mới trong và ngoài lĩnh vực tài chính để bù đắp cho hậu quả của Brexit. Đã có thêm 615.000 việc làm được tạo ra nhờ sự phát triển của các ngành bảo hiểm và phân tích dữ liệu.

    Theo các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, hầu hết người Anh coi Brexit là sự thất bại. Những người ủng hộ thì cho rằng Anh có nhiều quyền tự do hơn để theo đuổi con đường riêng của mình và không phải chịu hệ quả từ những khó khăn nảy sinh trong khối như sự suy giảm kinh tế ở Đức hay chính trị bất ổn ở Pháp...

    Nhưng kể từ đó đến nay, số người nhập cư và nhập cư bất hợp pháp vào Anh chỉ tăng lên chứ không giảm đi.

    trung tam tai chinh london 099

    Brexit tiếp tục tác động mạnh tới thương mại Anh - EU

    Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Đại học Aston (Anh) cho thấy trong giai đoạn 2021 - 2023, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU giảm 27% và nhập khẩu hàng hóa giảm 32% so với mức Anh vẫn là thành viên EU. Số lượng mặt hàng xuất khẩu thương mại sang các nước EU cũng giảm 1.645 loại.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của thỏa thuận thương mại Brexit với EU tăng theo thời gian, với năm 2023 chứng kiến thương mại giảm rõ rệt so với những năm trước. Nông sản, dệt may và sản xuất gỗ và giấy là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ một số ít ngành như đường sắt, hàng không và thuốc lá có thể duy trì tăng trưởng, đặc biệt trong xuất khẩu sang các nền kinh tế EU lớn như Đức và Pháp.

    Theo nghiên cứu, thương mại với EU giảm mạnh do nhiều nhà sản xuất nhỏ ở Anh từ bỏ xuất khẩu sang một số quốc gia châu Âu sau khi đối mặt với quy định gia tăng và thủ tục hành chính rườm rà.

    Giáo sư kinh tế tại Đại học Aston, Jun Du, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết việc tăng các quy định như tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm tra an toàn và yêu cầu về dán nhãn gây nhiều khó khăn và làm tăng chi phí cho thương nhân.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy thỏa thuận thương mại hậu Brexit (TCA) kìm hãm hoạt động thương mại khi chuỗi cung ứng Anh - EU bị gián đoạn và suy yếu nghiêm trọng sau TCA. Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh những thách thức dai dẳng của Brexit đối với khả năng cạnh tranh thương mại của Anh.

    Nghiên cứu của Đại học Aston tiếp nối nghiên cứu của tổ chức Resolution Foundation, theo đó cảnh báo Brexit đang đẩy Anh khỏi các hoạt động năng suất cao, vốn phụ thuộc vào sự hội nhập với chuỗi cung ứng của EU.

    Nhà kinh tế tại Resolution Foundation, Sophie Hale, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy những thiệt hại kinh tế của Brexit vẫn chưa kết thúc. Bà cho rằng chính phủ Công đảng cần khẩn trương thực hiện chiến lược thiết lập lại quan hệ Anh - EU để ngăn chặn các tác động xấu hơn và bảo vệ lợi ích kinh tế của Anh.

    Theo nhà kinh tế John Springford tại Trung tâm nghiên cứu cải cách châu Âu, kết quả nghiên cứu phù hợp với số liệu tổng hợp về thương mại hàng hóa của Anh. Theo đó xuất nhập khẩu của Anh với EU cũng như với phần còn lại của thế giới đều tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế tương đương, đặc biệt trong năm 2023.

    Giáo sư Jun Du cho rằng chính phủ cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính để cải thiện quan hệ thương mại với EU, gồm đàm phán theo từng ngành cụ thể như nông sản thực phẩm và dệt may; sử dụng công nghệ số tốt hơn để quản các giao dịch thương mại; và liên kết chặt chẽ hơn với EU về mặt quy định.

    Phản ứng trước kết quả của nghiên cứu, Văn phòng Nội các cho biết Anh sẽ hướng về tương lai thay vì quá khứ khi giải quyết những thách thức do Brexit, khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư với EU và xóa bỏ các rào cản thương mại không cần thiết. Tuy nhiên, chính phủ Công đảng loại trừ khả năng tái gia nhập thị trường chung EU hoặc thành lập liên minh thuế quan.

    Theo TTXVN

  • Công chúng Anh tham gia thăm dò trên toàn quốc, ủng hộ bỏ phiếu quay trở về Liên minh châu Âu (EU).

    quay tro lai chau au
    Người Anh muốn tái gia nhập EU.

    Theo một cuộc thăm dò trên toàn quốc, người Anh đang muốn quay trở lại Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn, Politico đưa tin hôm 13/8.

    Theo cuộc khảo sát của tổ chức lấy phiếu YouGo, 8 năm sau cuộc bỏ phiếu Br-exit của Vương quốc Anh, 59% người tham gia đã ủng hộ việc quay trở lại EU.

    Đồng thời, những người tham gia khảo sát đều tin rằng, Anh cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Liên minh châu Âu.

    41% người được hỏi cho rằng, Anh cần củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU mà không liên quan đến việc tái gia nhập khối, thị trường chung hoặc liên minh thuế quan.

    Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh rằng Đảng Lao động sẽ không tìm cách tái gia nhập EU hoặc thị trường chung hoặc liên minh thuế quan của EU dưới thời thủ tướng của ông. Thủ tướng 61 tuổi này đã nói rằng việc tái gia nhập sẽ không xảy ra trong suốt cuộc đời của ông.

    YouGov nhận thấy rằng phần lớn cử tri (51 phần trăm) tin rằng chiến thắng áp đảo của Đảng Lao động trong cuộc bầu cử không trao cho Starmer quyền tái gia nhập EU. 21% số người được hỏi tin rằng ông Starmer có quyền làm vậy.

    Những người bỏ phiếu Brexit năm 2016 có tỷ lệ ủng hộ và phản đối đều là 36%, cho rằng ông có nhiệm vụ thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Anh và EU.

    Politico cho rằng, Bản tuyên ngôn của Đảng Lao động hứa sẽ thiết lập lại mối quan hệ thương mại và đầu tư của Vương quốc Anh với EU và tìm kiếm một hiệp ước an ninh.

    Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông David Lammy với tư cách là ngoại trưởng là đến Đức, Ba Lan và Thụy Điển để cố gắng báo hiệu việc thiết lập lại mối quan hệ sau một thời kỳ căng thẳng dưới thời Đảng Bảo thủ.

    Trong cuộc khảo sát vào cuối tháng 11/2023, YouGov cũng nhận được thông tin tương tự khi 52% số người tham gia khảo sát hiện tin rằng việc rời khỏi EU là một sai lầm, và 70% mong muốn có mối quan hệ gần gũi hơn với khối này.

    Cuộc thăm dò cũng chỉ ra rằng 57% người Anh sẽ ủng hộ việc tham gia vào thị trường chung, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc khôi phục tự do di cư, một yếu tố quan trọng đã thúc đẩy quyết định rời EU vào năm 2016.

    Các đánh giá từ truyền thông chỉ ra rằng người dân Anh vẫn chưa thấy được lợi ích từ việc rời EU như những gì các chính trị gia đã hứa hẹn. Dữ liệu thương mại là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về những thiệt hại do Brexit gây ra.

    Cựu trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier, nhận định rằng Brexit không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và là một trò chơi cùng thua cho cả Anh và EU. Ông cho rằng cánh cửa vẫn mở và Anh có thể tái gia nhập EU bất kỳ lúc nào, tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay nước Anh.

    Theo Giaoducthoidai

  • Theo kết quả khảo sát của NCSR, 24% số người Anh được hỏi cho rằng nước này nên rời EU, giảm so với tỷ lệ 36% vào năm 2019 và 41% vào năm 2016.

    77eea1fc87b36eed37a2.jpg
    Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Chỉ 25% dân số Anh cho rằng nước này nên nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ thấp nhất kể từ cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về việc rời khỏi khối (còn gọi là Brexit).

    Trên đây là kết quả cuộc khảo sát về thái độ của người dân đối với các vấn đề xã hội, do Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Quốc gia (NCSR) của Anh thực hiện và công bố ngày 12/6.

    Anh dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới, cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nước này chính thức rời EU vào năm 2020.

    Mặc dù mối liên hệ với EU từ lâu đã là chủ đề gây chia rẽ trên chính trường Anh, nhưng vấn đề Brexit cho đến nay hầu như không được nhắc đến trước thềm cuộc bầu cử lần này.

    Theo kết quả khảo sát của NCSR, 24% số người Anh được hỏi cho rằng nước này nên rời EU, giảm so với tỷ lệ 36% vào năm 2019 và 41% vào năm 2016.

    Cuộc khảo sát cũng cho thấy so với năm 2019 khi cuộc bầu cử gần nhất được tổ chức, Brexit gây ra các tác động tiêu cực hơn đối với các vấn đề như kinh tế và nhập cư.

    Sự thay đổi quan điểm trong cuộc khảo sát chủ yếu ở những người đã bỏ phiếu "rời EU" vào năm 2016.

    Khoảng 40% số cử tri ủng hộ Brexit cho rằng nền kinh tế của Xứ sở Sương mù đang tồi tệ hơn do Brexit, tăng so với tỷ lệ 18% vào năm 2019.

    Ngoài ra, gần 70% tin rằng tỷ lệ nhập cư đã gia tăng do Brexit, so với chỉ tỷ lệ 5% trước đây.

    Chuyên gia John Curtice, đồng tác giả của báo cáo khảo sát trên, nhận định: “Tóm lại, có vẻ như đối với nhiều người bỏ phiếu rời EU, Brexit đã không diễn ra như họ mong đợi.”

    Cuộc khảo sát được thực hiện với 5.578 người, từ ngày 12/9-31/10/2023.

    Theo TTXVN

  • Cựu Ngoại trưởng David Miliband nhận xét Vương quốc Anh đã mất tầm ảnh hưởng kể từ Brexit và trở thành một trong nhiều "cường quốc tầm trung" trên thế giới.

    Viết cho tuần báo The Observer của Anh, cựu Ngoại trưởng David Miliband - hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế - cho rằng để đảo ngược tình trạng suy thoái, Anh cần tham gia vào "các cơ cấu và cam kết" mới với EU về chính sách đối ngoại.

    "Mối quan hệ của chúng ta với NATO rất bền chặt nhưng đối với EU thì mối quan hệ này gần như không tồn tại. Điều này càng rõ ràng hơn kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine đã đưa EU và NATO xích lại gần nhau hơn", ông Miliband nói.

    Ông Miliband nhận định xu hướng đi xuống của Vương quốc Anh có thể tăng tốc nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Miliband tin rằng ngay cả khi ông Joe Biden giành chiến thắng trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai, "những dấu hiệu cảnh báo về sự sẵn lòng, kiên nhẫn và khả năng của Mỹ trong việc cung cấp sự lãnh đạo toàn cầu mang tính chiến lược một cách tích cực và liên tục vẫn còn đó".

    Ông nói thêm: "Trong một thế giới nơi EU đang vận chuyển vũ khí đến Ukraine, tiếp đón 6 triệu người tị nạn Ukraine, là một tác nhân phát triển chính, nằm trong G20 và là một siêu cường quản lý trong các lĩnh vực thương mại, khí hậu và kỹ thuật số, chúng ta cần có sự thay đổi về tư duy của mình.

    vi the cua anh sau brexit
    Cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband. (Ảnh: Getty)

    Chính sách của Anh đối với Nga khi tách khỏi EU sẽ yếu hơn và kém hiệu quả hơn. Điều này cũng đúng đối với Trung Quốc. Vì vậy, quyết định rời khỏi EU vào năm 2019, từ chối mối quan hệ chính sách chính trị và đối ngoại với EU của Anh cần phải được đảo ngược. Các cơ cấu và cam kết cần được đưa ra để thúc đẩy hợp tác và phối hợp trong nhiều lĩnh vực mang lại lợi ích chung về chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh và chính sách phát triển".

    Nhận xét của cựu Ngoại trưởng Anh Miliband đi xa hơn bất kỳ chính sách nào được Đảng Lao động Anh vạch ra cho đến nay nhằm hướng tới sự hợp tác chặt chẽ hơn với EU, nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

    Ông Miliband - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh từ năm 2007 đến năm 2010 dưới thời hai cựu Thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown - nói rằng "một trong những ảo tưởng về Brexit" là số phận của Vương quốc Anh sẽ chỉ phụ thuộc vào quyết định của chính họ, thay vì khả năng tham gia và thương lượng với các nước khác.

    Ông nói nước Anh (hậu Brexit) vẫn có tầm ảnh hưởng và sức mạnh trên toàn cầu, đồng thời vẫn giữ được "quyền lực cứng" và "quyền lực mềm". Anh vẫn là một trong những quốc gia giàu có hơn nhiều nước khác trên thế giới và đặc quyền có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. "Nhưng chúng ta buộc phải hiểu thực tế quyền lực của chúng ta ngày nay không còn được như trước đây".

    Theo VTV

  • Ngày 31.1 vừa qua là tròn 4 năm nước Anh chính thức ra khỏi EU (Brexit). Chỉ mấy tháng nữa thôi, Anh sẽ bầu cử quốc hội.

    Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trong suốt thời gian dài gần đây thì đảng Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak sẽ bất lợi và Công đảng Anh có cơ hội chiến thắng. Những hệ lụy dai dẳng của Brexit đóng vai trò quyết định trong chiều hướng diễn biến chính trị ấy ở Anh.

    Nguyên do chính là cả quá trình Brexit lẫn tác động của nó đối với tương lai của Anh hậu Brexit đều không đúng như các thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ quả quyết và cam kết với người dân. Sau 4 năm, cái giá mà nước Anh đã phải trả cho Brexit đã chứng tỏ là quá đắt đối với người dân Anh và đảng Bảo thủ.

    4 nam brexit

    Tình hình kinh tế của Anh hiện tại, tức là 4 năm sau Brexit, tệ hơn rõ rệt so với giai đoạn Anh còn là thành viên của EU. Với Brexit, nước Anh không còn tham gia Thị trường nội địa chung và Liên minh thuế quan chung của EU mà sau 4 năm Anh vẫn chưa có được đối tác hợp tác kinh tế và thương mại thay thế EU cũng như thị trường thay thế thị trường EU.

    Những dự tính của chính phủ Anh khi toan tính và quyết định đưa nước Anh ra khỏi EU về ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại song phương với các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hay Canada đều chưa trở thành hiện thực.

    Quá trình liên quan Brexit đã lập kỷ lục khi trong thời gian ngắn "tiêu tốn" nhiều thủ tướng nhất gồm các vị David Cameron, Theresa May, Boris Johnson, Liz Truss và tới đây Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak (đều thuộc đảng Bảo thủ) cũng đứng trước nguy cơ. Brexit thậm chí còn có thể mở đường cho Công đảng Anh trở lại cầm quyền và đẩy đảng Bảo thủ Anh vào phe đối lập.

    Theo Thanh Niên

  • Ảnh hưởng trực tiếp từ Brexit, từ ngày 31/1, các mặt hàng như thịt, trứng, cá và sữa đang nằm trong số hàng loạt sản phẩm tươi sống sẽ bắt buộc phải xuất trình 'giấy chứng nhận y tế xuất khẩu' và các giấy tờ khác trước khi vào Vương quốc Anh.

    Biện pháp kiểm soát biên giới mới

    Theo hãng CNN, các biện pháp kiểm soát biên giới mới đối với một số mặt hàng thực phẩm nhập khẩu của Anh từ Liên minh châu Âu lần đầu tiên có hiệu lực vào ngày 31/1 kể từ khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn được gọi là Brexit. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy giá tiêu dùng ở Anh sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

    hang hoa nhap sang anh brexit
    Các sản phẩm thịt và sữa nhập khẩu vào Anh từ Liên minh Châu Âu nằm trong số những mặt hàng phải chịu sự kiểm tra bổ sung từ ngày 31/1. Ảnh: Chris J. Ratcliffe/Bloomberg/Getty

    Các mặt hàng như thịt, trứng, cá và sữa sẽ nằm trong số hàng loạt sản phẩm tươi sống sẽ bắt buộc phải cung cấp "giấy chứng nhận y tế xuất khẩu" và các giấy tờ khác trước khi vào Vương quốc Anh.

    Theo ước tính của Chính phủ Anh, các cuộc kiểm tra sẽ khiến các doanh nghiệp ở Anh thiệt hại khoảng 330 triệu bảng Anh (419 triệu USD) hàng năm và làm tăng lạm phát thực phẩm lên khoảng 0,2 điểm phần trăm trong 3 năm. Một số chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo về tác động lớn hơn đối với lạm phát.

    Những biện pháp kiểm soát mới cũng đánh dấu lần đầu tiên các nhà sản xuất thực phẩm EU phải đối mặt với rắc rối mới trong thủ tục giấy tờ thời hậu Brexit kể từ khi Anh rời khỏi thị trường nội địa của khối vào tháng 1/2021.

    Các nhà sản xuất thực phẩm tại Vương quốc Anh và sau đó xuất khẩu sang EU cũng phải chịu sự kiểm soát biên giới hoàn toàn trong 3 năm tới. Trước đó, chính phủ Anh đã trì hoãn việc áp dụng các biện pháp kiểm tra thực phẩm theo chiều ngược lại 5 lần vì lo ngại các biện pháp kiểm soát bổ sung có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp quan trọng.

    Đáng chú ý, các biện pháp kiểm soát mới sẽ giúp ngăn chặn việc nhập khẩu sâu bệnh từ các sản phẩm thực vật và động vật, đồng thời đưa biên giới của Anh trở thành "tiến bộ nhất trên thế giới".

    Giá thực phẩm tăng cao

    "Những thay đổi mà chúng tôi thực hiện sẽ đảm bảo khâu an toàn thực phẩm cho Vương quốc Anh đồng thời bảo vệ chuỗi cung ứng thực phẩm và ngành nông nghiệp của chúng tôi khỏi sự bùng phát dịch bệnh có thể gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho đất nước", Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết ngày 31/1.

    Tuy nhiên, một số nhóm ngành đã cảnh báo rằng các biện pháp mới cuối cùng có thể làm tăng giá một số mặt hàng chủ lực và làm gián đoạn nguồn cung khi biện pháp kiểm tra biên giới thực tế chính thức được áp dụng vào cuối tháng 4/2024.

    Hiệp hội Các nhà chế biến thịt của Anh (BMPA) cho biết "cú sốc bất ngờ đối với chuỗi cung ứng thực phẩm" có thể xảy ra vì các vấn đề từ sự khác biệt ngày càng tăng trong các quy định an toàn thực phẩm giữa Anh và EU. Tình trạng thiếu bác sĩ thú y của EU tham gia ký giấy chứng nhận y tế xuất khẩu cũng là một trở ngại.

    Trong một tuyên bố hồi đầu tháng 1/2024, Hiệp hội Các nhà chế biến thịt của Anh cho rằng ngay cả khi các bác sĩ thú y có thể phê duyệt, nhiều nhà cung cấp nhỏ hơn của EU cũng sẽ ngừng xuất khẩu sang Anh do tình trạng quan liêu quá mức trong thủ tục giấy tờ.

    Lạm phát giá thực phẩm hàng năm ở Anh đã tăng lên tới 19% vào tháng 3 năm ngoái, tỷ lệ cao nhất trong 45 năm. Theo số liệu chính thức, lạm phát đã giảm xuống 8% trong tháng 12, điều đó có nghĩa là giá vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với cách đây một năm.

    Giá lương thực tăng cao cũng là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở quốc gia này. Việc tăng thêm chi phí cũng như xung đột trong chuỗi cung ứng cũng sẽ không giúp ích được gì cho người tiêu dùng.

    Nhóm 30 tổ chức thương mại đại diện cho chuỗi cung ứng thực phẩm của Vương quốc Anh vào tuần trước cho biết các biện pháp kiểm tra biên giới mới sẽ "tác động đến dòng chảy xuất khẩu thực phẩm quan trọng" từ EU sang Vương quốc Anh.

    "Các doanh nghiệp thực phẩm của Anh sản xuất, chẳng hạn như món tráng miệng, sốt mayonnaise, nước sốt, đồ nướng sẽ không có đủ nguồn cung để tiếp tục sản xuất những loại thực phẩm này. Điều đó đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực và tính sẵn có của sản phẩm", nhóm cho biết.

    Châu Âu là nhà cung cấp thực phẩm nước ngoài hàng đầu của Vương quốc Anh, chiếm hơn 1/4 lượng thực phẩm được tiêu thụ ở Anh tính theo giá trị.

    Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Anh trong hai năm tới sẽ kém phát triển hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến khác. Brexit đã khiến các hộ gia đình Anh chật vật do chi phí sinh hoạt tăng và gây khó khăn hơn cho các công ty Anh với các rào cản thương mại thương mại gia tăng.

    Theo Toquoc

  • Là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nhưng nay chính sự kiện được gọi là Brexit ấy đang có nguy cơ trở thành rào cản đối với tham vọng tái đắc cử của Thủ tướng Rishi Sunak.

    Người Anh vỡ mộng với Brexit

    Theo một cuộc khảo sát ý kiến của Công ty nghiên cứu thị trường và dư luận Opinium nhân kỷ niệm 3 năm ngày Vương quốc Anh rời khỏi EU, phần lớn công chúng Anh hiện nay tin rằng Brexit là điều không tốt cho nền kinh tế Anh, khiến giá cả tại các cửa hàng tăng cao và cản trở nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát nhập cư.

    that vong brexit 1
    Một cử tri Anh bày tỏ sự thất vọng với những gì nhận được sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: The Guardian

    Cuộc khảo sát với hơn 2.000 cử tri Anh cũng cho thấy số lượng người tin rằng Brexit đã mang lại lợi ích cho họ hoặc đất nước rất thấp. Chỉ 1 trong 10 người được hỏi tin rằng việc rời khỏi EU đã giúp ích cho tình hình tài chính cá nhân của họ, so với 35% cho rằng điều đó có hại cho tài chính của họ và chỉ 9% cho rằng điều đó là tốt cho NHS (Dịch vụ y tế công quốc gia), so với 47% cho rằng điều đó đã có tác động tiêu cực.

    Điều đáng lo ngại đối với Thủ tướng Rishi Sunak, người ủng hộ Brexit và tuyên bố rằng nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế, chỉ có 7% người dân cho rằng việc rời EU đã giúp giữ giá ở các cửa hàng ở Anh ở mức thấp, so với 63% cho rằng Brexit là một yếu tố thúc đẩy lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sống.

    Một trong những tuyên bố chính của những người ủng hộ Brexit là việc rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của EU sẽ mở ra một kỷ nguyên thương mại toàn cầu mới cho Vương quốc Anh dựa trên các thỏa thuận thương mại với các khu vực khác trên thế giới. Song, nhiều cử tri giờ đây dường như đã kết luận rằng Brexit trên thực tế có tác động xấu đến thương mại. Khoảng 49% người được Opinium hỏi ý kiến cho rằng việc các công ty Anh nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài EU là điều không tốt, trong khi chỉ vỏn vẹn 15% nói điều đó đã giúp ích cho đất nước.

    that vong brexit 1
    Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, khi ấy đang là nghị sĩ, đã dẫn đầu các cuộc vận động rời khỏi EU hồi năm 2016 với cam kết Brexit sẽ giúp nước Anh kiểm soát biên giới tốt hơn. Ảnh: The Telegraph

    Như vậy, cuộc thăm dò của Opinium cho thấy, 7 năm rưỡi sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU, công chúng Anh hiện coi Brexit là một thất bại. Chỉ 22% cử tri tin rằng điều đó tốt cho nước Anh nói chung. Chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2016 do 2 nghị sĩ Bảo thủ Boris Johnson (người sau này trở thành Thủ tướng Anh) và Michael Gove dẫn đầu đã hứa rằng Brexit sẽ thúc đẩy nền kinh tế và thương mại, cũng như mang về 350 triệu bảng mỗi tuần cho NHS và cho phép chính phủ giành lại quyền kiểm soát biên giới.

    Nhưng, cho đến nay, thực tế đang diễn ra theo chiều ngược lại. Thay vì đóng cửa biên giới, Anh đã mở cửa biên giới. Chỉ khác là trong khi cắt giảm nhập cư cho công dân EU thì Anh lại nới lỏng hạn chế đối với những người đến từ nhiều nơi khác trên thế giới. Và, hệ quả là khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, việc nhập cư hợp pháp nhanh chóng bùng nổ. Di cư hợp pháp ròng - số người đến trừ đi những người rời đi - đạt gần 750.000 người vào năm 2022. Con số này cao hơn gấp đôi so với con số của năm trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

    Nhập cư đang bổ sung lực lượng lao động của Anh và làm sâu sắc thêm sự đa dạng của các thành phố - một chiến lược có chủ ý, mặc dù phần lớn không được nói ra, có lẽ là di sản ban đầu hữu hình nhất của Brexit. Nhưng, nó cũng gây sốc cho những người bỏ phiếu rời khỏi châu Âu để kiểm soát tốt hơn biên giới đất nước. Và, điều đó khiến nó trở thành một thách thức chính trị đối với đảng Bảo thủ cũng như Thủ tướng Rishi Sunak.

    Nỗi thất vọng đang lan rộng

    James Crouch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách và các vấn đề công tại Opinium, cho biết nhận thức về việc Brexit bị xử lý tồi tệ và có tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Vương quốc Anh dường như đang lan rộng.

    “Sự bất mãn của công chúng về cách chính phủ xử lý Brexit vẫn tiếp tục, với những thất bại được cho là ngay cả ở những lĩnh vực trước đây được coi là lợi ích tiềm năng khi rời khỏi EU. 53% số cử tri rời bỏ giờ đây cho rằng Brexit có tác động xấu đến khả năng kiểm soát nhập cư của Vương quốc Anh, thậm chí còn gây thêm áp lực lên một vấn đề mà chính phủ dễ bị tổn thương”, ông James Crouch nói.

    that vong brexit 1
    Lạm phát ở Anh đã lên đến 9%, cao nhất 4 thập kỷ. Ảnh: CNBC

    Nhận định về nỗi thất vọng của cử tri với Brexit, ông Robert Ford, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Manchester, cho biết: “Sức hấp dẫn của “Hoàn thành Brexit” không chỉ ở việc hoàn thành quá trình Brexit kéo dài mà còn ở việc giải phóng hệ thống chính trị và giải quyết các vấn đề bị bỏ quên từ lâu khác. Brexit đã hoàn tất, nhưng điều này vẫn chưa giải phóng được hệ thống chính trị và những rắc rối ở những nơi khác chỉ ngày càng sâu sắc hơn. Nhiều cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ đưa ra sự thay đổi giờ đây có vẻ bị thuyết phục rằng để đạt được sự thay đổi, họ cần loại bỏ đảng Bảo thủ khỏi tiến trình này”.

    “Sự thay đổi trong quan điểm này có thể đặc biệt rõ ràng trong số những cử tri thuộc nhóm “bức tường đỏ”, những người đã nhiệt tình ủng hộ ông Johnson 4 năm trước nhưng lại phải đối mặt nhiều nhất với các hóa đơn tăng cao và sự sụp đổ của các dịch vụ công kể từ đó”, giáo sư Ford nhấn mạnh.

    Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Vương quốc Anh dự kiến sẽ được tổ chức trong năm 2024 và không muộn hơn ngày 28/1/2025. Nó sẽ quyết định thành phần của Hạ viện, cơ quan quyết định chính phủ tiếp theo của Vương quốc Anh. Trong lúc này, ngoài cuộc thăm dò dư luận của Opinium thì nhiều cuộc khảo sát khác của những công ty thăm dò ý kiến là thành viên của Hội đồng Thăm dò ý kiến Anh (BPC) hầu hết đều cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền nhận được sự ủng hộ thấp hơn khoảng 17 điểm phần trăm so với Công Đảng.

    Nhiều nhà quan sát chính trị tại Anh dự đoán rằng chính phủ Bảo thủ đương nhiệm sẽ trì hoãn cuộc bầu cử càng lâu càng tốt trong khi nỗ lực giành lại ưu thế trước đảng Lao động đối lập trong việc thăm dò ý kiến.

    Cứu cánh nằm ở việc thúc đẩy kinh tế

    Tuy nhiên, giáo sư Robert Ford cho rằng tình hình cũng chưa đến nỗi quá bi quan với đảng Bảo thủ cũng như Thủ tướng Sunak. Bởi, mặc dù hiện nay có bằng chứng cho thấy nhận thức tiêu cực về Brexit, đặc biệt là về nền kinh tế, có thể ảnh hưởng đến phiếu bầu tại cuộc tổng tuyển cử, nhưng Brexit rất khó có thể đóng vai trò trực tiếp như như đã xảy ra ở 2 cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

    that vong brexit 1
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak từng nhiều lần cam kết sẽ ngăn chặn dòng người xin tị nạn vượt qua eo biển Manche. Ảnh: AFP

    “Sự chú ý của cử tri đã chuyển sang hướng khác, trong đó cử tri rời đi và cử tri ở lại đều tập trung vào chương trình nghị sự trong nước về hóa đơn gia tăng, dịch vụ công đang gặp khó khăn và tăng trưởng kinh tế yếu kém”, giáo sư Ford nhận định.

    Báo The Guardian nhận định, nhiều khả năng cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Anh có thể diễn ra vào các thời điểm: Tháng 5/2024; mùa thu năm 2024; hoặc cụ thể là ngày 31/10/2024. Từ nay đến lúc ấy, chính phủ của ông Sunak còn khá nhiều việc phải làm để cải thiện những vấn đề cốt lõi mà cử tri đang trăn trở, như đề cập của giáo sư Ford.

    that vong brexit 1
    Một người tị nạn Ukraine viết sơ yếu lý lịch trong thư viện ở làng Meopham, nơi cô đang ở cùng những người bảo trợ khi sống ở Anh. Di cư ròng vào nước Anh đã tăng mạnh kể từ Brexit. Ảnh: New York Times

    Nhưng, đấy cũng là thách thức khó khăn chẳng kém việc giảm bớt số lượng người nhập cư. Nền kinh tế Anh đã phát triển chậm chạp trong những năm gần đây, chỉ tăng trưởng 0,1% trong quý đầu tiên của năm 2023, do lãi suất tăng, lạm phát cao dai dẳng. Và, nếu mọi thứ không được cải thiện, Brexit lại càng được nhắc đến như một trong những nguyên nhân hàng đầu.

    Với các cử tri Anh, Brexit đã góp phần vào tình trạng lạm phát đặc biệt cao ở Anh bằng cách làm giảm giá trị đồng bảng Anh, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Một nghiên cứu gần đây của Trường Kinh tế London cho thấy Brexit là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 lạm phát giá thực phẩm ở Anh kể từ năm 2019, làm tăng thêm gần 7 tỷ bảng Anh (8,8 tỷ USD) vào hóa đơn hàng tạp hóa của Anh. Chỉ khi nào những con số này được cải thiện, nó mới giúp xua đi nỗi ám ảnh mang tên Brexit và giúp đảng Bảo thủ xoay chuyển lại cảm tình nơi công chúng Anh.

    Theo cand

  • Massimo và người vợ quốc tịch Anh cho rằng chính sách định cư được thiết kế để khiến người nhập cư phải khiếp sợ mà rời khỏi UK. 

    phong toa ngan hang
    "Tôi không thích đất nước này nữa", anh Massimo nói sau khi bị khóa tài khoản cá nhân và tài khoản kinh doanh mà anh đứng tên cùng với vợ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Massimo là một người quốc tịch Ý, vợ anh là công dân Anh quốc. Anh là chủ một nhà hàng món Ý. Chỉ trong một đêm, các tài khoản của vợ chồng anh đã bị phong tỏa vì những luật mới hậu Brexit. 

    Vợ chồng anh là 2 trong số hàng ngàn công dân châu Âu đột nhiên phát hiện thẻ visa định cư vĩnh viễn của mình (permanent residence card) trở nên vô hiệu sau Brexit. Dù đã đóng thuế ở Anh suốt 21 năm, anh vẫn không được quyền ở lại UK. 

    The3million là một tổ chức chiến dịch đại diện cho công dân EU. Tổ chức này cho biết đã có rất nhiều trường hợp người có thẻ định cư vĩnh viễn bị từ chối theo luật mới. 

    CEO lâm thời của tổ chức, bà Andreea Dumitrache, cho biết: "Từ tháng 8/2023 trở đi, công dân EU không được phép viện lý do mình không biết luật để giải thích cho hành vi nộp hồ sơ xin visa trễ".

    Công dân EU sống ở UK trước Brexit đều được đảm bảo quyền định cư theo Thỏa thuận Rút lui EU-UK với những ràng buộc về mặt pháp lý. Do đó đến tận bây giờ rất nhiều người vẫn không biết họ phải nộp đơn xin visa định cư theo chính sách EU Settlement Scheme (EUSS), hạn chót để xin visa này là ngày 30/6/2021.

    Vì rất nhiều người không nộp đơn trước hạn chót, nên hàng tháng chính phủ Anh vẫn có chỉ tiêu cấp visa cho 4,000 hồ sơ nộp muộn. Đến tháng 9/2023, luật EUSS mới thay đổi. Theo đó, những người đã có visa tiền định cư (visa 5 năm) thì visa của họ sẽ tự động được gia hạn thêm 2 năm nữa trong trường hợp họ chưa nộp đơn xin visa định cư vĩnh viễn theo chính sách EUSS.

    Lần đầu tiên vợ chồng Massimo nhận ra tình trạng định cư bấp bênh của mình là khi một nhà cung cấp gọi điện nói rằng họ chưa thanh toán hóa đơn. Lúc này họ vừa mới chuyển từ Kent đến Belfast (Bắc Ailen) để mở một nhà hàng, và họ quyết định đóng tài khoản kinh doanh Anh mở tại Santander, để mở một tài khoản mới với địa chỉ mới tại Bắc Ailen cho tiện làm việc. 

    Nhưng chỉ trong vòng vài tuần, tài khoản mới mà họ mở với Santander đã bị phong tỏa. Massimo cũng bị phong tòa tài khoản cá nhân. Hai vợ chồng đã phải đóng cửa nhà hàng vì không thể trả tiền cho nhà cung cấp. Khi họ liên hệ với Santander thì ngân hàng không giải thích. 

    Sau đó cặp đôi phát hiện ra Massimo phải nộp đơn xin visa định cư EUSS, lúc đó họ rất sốc. Massimo nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này lại xảy ra. Tôi đã sống ở đây 20 năm, tôi không làm gì sai nhưng đột nhiên lại bị chối bỏ. Họ đột ngột nói "bye, bye" mà không một lời giải thích. Thật khủng khiếp. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người giống tôi, đột nhiên không được chào đón ở đất nước này nữa".

    Sau đó đôi vợ chồng đã cố gắng loại bỏ Massimo khỏi vị trí giám đốc nhà hàng trong hồ sơ đăng ký kinh doanh. Tờ Guardian đã tiến hành chất vấn Santander về trường hợp này. Khoảng 2 tuần sau, tài khoản kinh doanh của nhà hàng đã hoạt động trở lại, nhưng tài khoản cá nhân của Massimo thì vẫn bị đóng băng. 

    Ngân hàng Santander vẫn từ chối trả lời. 

    Sau Brexit, chính sách thù địch đã được áp dụng cho công dân EU, nhiều người trong số đó đã sống ở Anh vài chục năm. Một số người thậm chí đã nghỉ hưu. Bộ Nội Vụ đã không ngừng tăng cường áp dụng các mức phạt gắt gao đối với những chủ nhà, chủ lao động, những ngân hàng... không kiểm tra tình trạng nhập cư của đối tượng.

    Viethome (theo Guardian)

  • Khoảng 3.000 người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô London vào ngày 24/9/2023 qua nhằm kêu gọi chính phủ nước này tái gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

    Ngày 24/9/2023, hàng nghìn người Anh đã tham gia biểu tình trong cuộc Tuần hành Tái hợp Toàn quốc nhằm phản đối Brexit, yêu cầu tái gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Người biểu tình đã vẫy cờ các nước EU dọc tuyến đường Park Lane và di chuyển hướng về phía Quảng trường Quốc hội để nghe phát biểu. Tại Quảng trường Quốc hội, các diễn giả, bao gồm cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt và nhà vận động cấp cao Gina Miller đã có bài phát biểu trước đám đông.

    bieu tinh tro lai chau au

    Một khẩu hiệu trong cuộc tuần hành ngày 23/9/2023: “Chúng tôi muốn những ngôi sao (trên lá cờ EU) trở lại!”

    Nỗi hối tiếc từ 'đảo quốc sương mù'

    Đó không phải là điều bây giờ mới hiện hữu. Kể từ năm 2016, khi cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) chính thức diễn ra cho tới lúc quá trình ấy hoàn tất ngày 31/1/2020, kết thúc 47 năm gắn bó, vẫn luôn có những luồng dư luận phản đối âm ỉ cháy. Và càng lúc, những cách thể hiện tâm trạng muốn 'trở về mái nhà chung', đảo ngược Brexit lại càng trở nên rõ rệt hơn, theo những biến động của thời cuộc.

    “Tôi nghĩ mọi người, từ già đến trẻ, đều đã có thể thấy rằng Brexit là một thảm họa” - tờ The Independent dẫn lời Eric Stock, một thanh niên 23 tuổi sống tại khu Bắc London.

    Stock trả lời phỏng vấn như vậy, khi tham gia buổi xuống đường ngày 2/9/2023 mang tên Cuộc tuần hành tái hợp toàn quốc (National Rejoin March/NRM) - cuộc biểu tình thu hút tới khoảng 3.000 người tham gia, với cờ các nước thành viên EU trên tay và điểm đến là bục diễn thuyết ở quảng trường Quốc hội.

    Cùng quan điểm với Stock, Ceira Sergeant - một thủ lĩnh trẻ của phong trào tái gia nhập - tuyên bố: “Tôi thực sự có niềm tin rằng nước Anh sẽ tái gia nhập EU. Trong năm qua, phong trào này đã phát triển theo cấp số nhân. Những người nắm quyền cần phải nhận thức được điều mà giới trẻ đặc biệt mong muốn này”.

    “Các chính trị gia đã làm mọi người thất vọng và giờ đây chúng ta có thể thấy hậu quả của điều đó: Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, mà trong đó, họ đã tước đi quyền lợi của chúng ta. Kêu gọi nước Anh tái gia nhập EU sẽ là một chiến dịch lâu dài, nhưng những người trẻ tuổi đã bỏ phiếu ở lại. Đây mới chính là tương lai của chúng ta!” - Madeleina Kay, người từng nhận giải thưởng Thanh niên châu Âu năm 2018 (do Quỹ Schwarzkopf trao), làm rõ về “bước ngoặt đen tối hơn” mà nước Anh đã và đang trải qua, sau Brexit.

    Dĩ nhiên, đây chưa thể coi là tâm trạng chung trong xã hội Anh hiện tại. Nói một cách chính xác, cuộc biểu tình này (cũng như những lần xuống đường trước đó trong thời gian qua) là sự biểu đạt quan điểm của giới trẻ, cũng như các công dân Anh lựa chọn khuynh hướng toàn cầu hóa và phản đối chủ nghĩa biệt lập.

    bregret
    Bregret - một thuật ngữ mỉa mai và cay đắng.

    Dù vậy, như trang National World hé lộ: Dựa trên một số kết quả thăm dò - khảo sát, khoảng 60% người dân Anh có khả năng sẽ bỏ phiếu tán đồng việc tái hợp với EU trong tương lai.

    Và The Independent bình luận: Chiến dịch của các Remainer (những người ủng hộ việc ở lại/tái gia nhập EU) đã được tiếp thêm sức mạnh, khi những con phố ở London bị tràn ngập bởi đoàn người mặc áo màu xanh lam (màu cờ EU).

    Peter Corr - người lãnh đạo, cũng là người đồng sáng lập NRM - khẳng định: “Brexit là một sai lầm khủng khiếp. Tất cả chúng ta - đặc biệt là tầng lớp lao động cũng như những người nghèo - đã phải trả giá đắt vì nó. Vì thế, chúng ta phải làm điều gì đó!”.

    Bregret - khái niệm cay đắng

    Nếu Brexit được hình thành bởi sự lắp ghép giữa hai từ “Britain (nước Anh)” và “Exit (rời đi), thì trong vòng 12 tháng qua, từ điển thuật ngữ quốc tế đã lại có thêm một khái niệm mới: Bregret (ghép giữa “Brexit” với “regret (hối hận)”, để chỉ những người đã bình chọn cho Vương quốc Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nhưng hiện cảm thấy hối tiếc về quyết định đó. Phái Bregret không phải là các Remainers, song đến lúc này, hai nhóm tư tưởng ấy đã đến rất gần nhau.

    Nguyên nhân của sự hiện hữu ngày càng rõ nét “tâm trạng tái hợp” này là gì? Một cách ngắn gọn, đó là sự bất ổn ngày càng tăng, trong các cấu trúc chính trị - kinh tế - xã hội Anh.

    Hãy ngược trở lại quá khứ gần, khi một cuộc thăm dò do YouGov tiến hành và công bố kết quả hồi cuối tháng 2/2023. Theo đó, 53% số người tham gia trả lời khảo sát cho rằng Vương quốc Anh đã sai khi lựa chọn rời EU, so với 32% vẫn tin rằng đây là quyết định đúng đắn. Một cuộc thăm dò khác của Ipsos hồi tháng 1 trước đó cũng ghi nhận kết quả 45% dân số cho rằng Brexit đã khiến cuộc sống hằng ngày của họ trở nên tồi tệ hơn. Chỉ có 11% cho rằng Brexit đã cải thiện cuộc sống của họ.

    Trước đó nữa, cuộc thăm dò dư luận do Focaldata và UnHerd thực hiện với 10.000 người trên toàn Vương quốc Anh cuối năm 2022 cũng đưa ra kết quả tương tự. Cụ thể, có tới 54% cho biết mình “hoàn toàn đồng ý” hoặc “phần nào đồng ý” rằng “Anh đã sai lầm khi rời khỏi EU”, trong khi những người không đồng ý chiếm 28%.

    Bao trùm lên tất cả, vào thời điểm đó, nền kinh tế Anh bị giới chuyên gia đánh giá sẽ là nền kinh tế hoạt động kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), trong vòng 2 năm tới.

    Lý do là bởi, trong bối cảnh toàn bộ guồng máy kinh tế toàn cầu tê liệt bởi đại dịch COVID-19, và sau đó, chưa kịp hồi phục thì đã lại tiếp tục phải nhận những cú đòn nặng nề về giá năng lượng, giá lương thực, chi phí sinh hoạt cũng như sản xuất..., sự “lẻ loi” lại càng khiến các công dân Anh dễ bị tổn thương hơn. Nếu các thành viên còn lại trong EU có thể “tựa vào nhau”, phối hợp nhằm cố gắng giảm nhẹ các tác động của những cuộc khủng hoảng chất chồng và liên tiếp, duy trì các chuỗi cung ứng, từ đó bình ổn và xoa dịu các vấn đề của xã hội dễ dàng hơn, thì bởi vì đã “dứt áo ra đi”, nước Anh bắt buộc phải “tự lực cánh sinh”.

    Tháng 7/2022, mức lạm phát ở Anh thiết lập kỷ lục mới, trong vòng 40 năm. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 đã tăng lên tới 10,1%. Đầu tháng 8/2022, mức lạm phát lên xấp xỉ 13%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), kể từ đó đến nay, cũng hầu như thường xuyên phải giữ lãi suất ở mức cao.

    Trên thượng tầng chính trị, nối nhau, các vị Thủ tướng Theresa May, Boris Johnson, Lizz Truss và hiện tại là Rishi Sunak đều chưa có đủ điều kiện cũng như phương tiện để có thể kiến tạo sự phồn vinh - như những viễn cảnh màu hồng được vẽ ra trên con đường thúc đẩy Brexit, trong vòng xoáy nghiệt ngã của thời cuộc.

    Brexit, cứ thế, dần đổi màu thành Bregret.

    Con đường vô định

    Trước mắt, như lãnh đạo Công đảng Anh - Keir Rodney Starmer khẳng định với BBC: Sẽ không có khả năng nào cho việc tái gia nhập EU, hoặc các thị trường chung, hoặc những liên minh thuế quan... Nói cách khác, nước Anh vẫn sẽ phải tiếp tục trên con đường biệt lập đã chọn, ít nhất là trong ngắn hạn (và có thể là trung hạn).

    Con đường ấy, lựa chọn ấy, chắc chắn không thể dễ dàng thay đổi bởi các cuộc biểu dương rầm rộ của NRM, hay sự lan tỏa của tâm lý Bregret. Tuy nhiên, nếu không sớm tìm được những công cụ cần thiết để vực dậy nền kinh tế và ổn định cuộc sống của các giai tầng thấp hơn trong xã hội, sóng gió chắc chắn sẽ mỗi ngày một thêm gay gắt.

    Chưa ai quên, ngày 01/02/2023, có tới gần 500.000 giáo viên, giảng viên đại học, viên chức và nhân viên lái tàu tham gia cuộc đình công lớn chưa từng có tại Anh trong nhiều năm qua, nhằm đòi hỏi cải thiện mức sống. Cuộc đình công ấy làm tê liệt nhiều hoạt động của xã hội Anh trên diện rộng và đó là cuộc đình công lớn nhất, chứ không phải duy nhất trong vòng 12 tháng qua. Các nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế, cùng nhiều tầng lớp cần lao khác cũng đã từng thực hiện các hình thức phản kháng tương tự, khi thu nhập của họ sụt giảm (so cả với mức lạm phát) quá sức chịu đựng.

    Thực tế đã chỉ rõ: Với Brexit, nước Anh có thể rũ bỏ các phần trách nhiệm của một cường quốc (mà các chính trị gia từng coi là gánh nặng) đối với cộng đồng châu Âu, nhưng lại không né tránh được ảnh hưởng của các biến động toàn cầu (đặc biệt là hệ lụy từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, nơi mà nước Anh là một trong những quốc gia viện trợ “mạnh tay” nhất cho Ukraine).

    Trong mùa đông 2022, có không ít người dân Anh không đủ tiền để bật giàn sưởi cho ngôi nhà của mình. Và, vào mùa hè 2023 vừa trôi qua, những cơn sóng nhiệt ập tới cũng từng khiến rất nhiều công dân Anh khổ sở. Mà theo đà biến đổi khí hậu - môi trường toàn cầu, mỗi năm, thời tiết sẽ càng trở nên cực đoan, khó lường, khắc nghiệt. Trong khi đó, thị trường năng lượng/nhiên liệu toàn cầu - mạch máu của mọi nền kinh tế - lại nằm ngoài quyền kiểm soát và tác động của nước Anh nói riêng, cũng như phương Tây nói chung.

    Chưa hẳn đã là dông bão, nhưng bầu trời London hiện vẫn còn vần vũ quá nhiều những cuộn mây đen...

    Theo cand

  • Một cuộc trưng cầu dân ý kéo theo nhiều tranh cãi đã đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sau ba năm, ngày càng nhiều người Anh chán nản với ý tưởng Brexit.

    Nước Anh đã Brexit được ba năm kể từ ngày 31/1/2020. Với những người trong cuộc thì có lẽ 3 năm qua đã trôi đi một cách khá vất vả, bởi nước Anh đã vấp phải một loạt vấn đề vừa là khách quan vừa là hệ quả từ công cuộc Brexit. Sự kiện này cũng khiến nhiều thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) nhận ra việc rời ngôi nhà chung không hề dễ dàng như tưởng tượng.

    nuoc anh ngheo di brexit

    Khó khăn liên tiếp hậu Brexit

    Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những khó khăn kinh tế đang đẩy lùi những hy vọng và hứa hẹn về triển vọng kinh tế tốt đẹp nhờ Brexit. Hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine lại càng chồng chất thêm thách thức cho nước Anh.

    Thị trấn Thurrock đã là một trong những nơi bỏ phiếu ủng hộ Brexit nhiều nhất tại Anh, người dân ở đây cũng phải nhận định lợi ích từ Brexit sẽ phải mất thời gian mới tới.

    Ông Ray Yates - Thị trấn Thurrock, Anh nói: "Tôi tính sẽ mất 10 năm nữa và một chính phủ mới thì hy vọng tình hình mới phục hồi".

    Các doanh nghiệp Anh cho hay, chính khó khăn trong làm ăn với thị trường gần nhất là EU hậu Brexit là rào cản lớn cho kinh tế. Như ở hạt Kent, quá trình chuyển tiếp không hề dễ dàng với doanh nghiệp từng xuất khẩu rau quả sang 6 nước EU. Phải đối mặt với thuế cao hơn và thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp này đã mất khách hàng EU. Trong khi đó, nhập khẩu nông sản từ Tây Ban Nha hay Italy giờ cũng gặp rủi ro hàng hóa hỏng trước khi giải quyết xong thủ tục hải quan, việc làm giấy tờ cũng dễ bị lỗi.

    Bà Nimisha Raja - Nhà sáng lập Công ty Nim's Fruit & Veg Crisps, Anh: "Ba năm rồi các vấn đề vẫn chưa được giải quyết mấy, chúng tôi đành tự bỏ cuộc vào lúc này. Xuất khẩu sang EU không còn là trọng tâm nữa".

    Còn Trung tâm gym Indirock thì thiếu nguồn thiết bị phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ leo núi nhân tạo cho khách hàng, vì các thiết bị này chỉ có ở EU, trong khi các công ty EU lại không muốn phải đương đầu với các thủ tục hải quan phức tạp của phía Anh.

    Bà Emily Vermont - Nhà sáng lập Trung tâm gym Indirock: "Brexit làm tình hình phức tạp đối với chúng tôi khi đặt mua các mấu tựa. Tất cả những mấu tựa ở đây đa phần đều thuộc các thương hiệu ở EU. Do Brexit, giờ việc đặt hàng bị đình trệ lắm, phải mất 3 đến 6 tháng mới nhận được hàng".

    Theo một nghiên cứu, Brexit đã làm giảm 20% lượng trao đổi thương mại giữa Anh và EU. Và dù đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine có gây ra những tác động tiêu cực thì cũng chỉ trong ngắn hạn, trong khi tác động của Brexit sẽ kéo dài.

    Phó Giáo sư Thomas Sampson - Đại học Kinh tế London, Anh: "Rời EU chắc chắn đã kéo kinh tế Anh phát triển chậm lại, các rào cản thương mại mới đã khiến các công ty Anh khó làm ăn với EU hơn. Về tổng thể, hậu quả là nền kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm hơn, nước Anh trở nên nghèo hơn vì Brexit".

    Brexit là một cuộc chia tay không bên nào có lợi

    Phía châu Âu cũng có những tổn thất, có lẽ không tổn thất như nước Anh, nhưng cũng là chuyện đáng tiếc. Không còn nước Anh đồng hành nữa, Liên minh châu Âu mất đi phần nào sức nặng trong chính sách đối ngoại trong quốc phòng và thương mại đối với phần còn lại của thế giới. Về thương mại, tiêu chuẩn hàng hóa khác biệt giữa Anh và châu Âu dẫn tới việc phải kiểm soát hải quan biên giới làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp. Thị trường lao động chia tách, 330.000 người từ các nước châu Âu khác không thể tới Anh làm việc tự do, một mặt làm cho nước Anh thiếu hụt nhân công, mặt khác làm giảm kiều hối từ Anh gửi về châu Âu.

    Đối với Liên minh châu Âu thì dường như Brexit đã là quá khứ xa xôi, và nhất là trong lúc này còn bao mối bận tâm khác, tăng trưởng, lạm phát, chiến tranh… Kỷ niệm ba năm nước Anh rời bỏ ngôi nhà chung châu Âu, lãnh đạo Liên minh châu Âu và lãnh đạo quốc gia đều không đả động gì tới Brexit, báo chí cũng không dành nhiều trang nhiều thời lượng cho Brexit. Điểm tích cực của Brexit đối với Liên minh châu Âu là, khi đã thấy rõ hậu quả, không còn nước châu Âu nào tính chuyện làm như nước Anh, ngay cả các đảng cực hữu bài ngoại và bài châu Âu cũng không còn nêu định hướng đưa đất nước ra khỏi Liên minh châu Âu nữa. Đã không xảy ra nguy cơ nước Anh ra đi sẽ tạo hiệu ứng domino kéo các nước khác ra theo.

    Nước Anh hướng tới tương lai

    Nước Anh đang loay hoay tìm cách gắn kết trở lại với EU. Tờ The Guardian trích lời một nguồn tin rằng, các quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh đang thảo luận về một mối quan hệ gần gũi với EU dựa trên mô hình của Thụy Sĩ. Nước này không phải là thành viên EU nhưng được quyền tiếp cận thị trường chung EU, ít chịu kiểm soát biên giới nhưng đổi lại phải đóng góp vào ngân sách của khối và chấp nhận một số luật lệ chung. Đích thân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng ủng hộ một cơ chế hợp tác kiểu mới với EU.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng: "Canada, Hàn Quốc và Nam Phi đều có giao dịch thương mại tự do với Liên minh châu Âu mà không cần từ bỏ quyền tự chủ của họ. Là một trong những khách hàng lớn nhất của châu Âu, tôi thấy không có lý do hợp lý nào khiến chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận tương tự".

    Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng nước Anh cần đẩy mạnh việc tăng thuế, coi Brexit thành chất xúc tác cho tăng trưởng của Vương quốc Anh.

    Trước đây các lãnh đạo nước Anh nhấn mạnh đến khía cạnh chủ quyền khi phải tuân thủ nhiều luật lệ do Liên minh châu Âu ban hành hay làn sóng di dân khi nói đến Brexit, nay người ta lại không đề cập đến các vấn đề này mà chỉ nhìn lại Brexit dưới lăng kính kinh tế. Mà dưới lăng kính kinh tế, rõ ràng Brexit không chỉ chặn dòng người nhập cư vào Anh, nó cũng chặn luôn hàng hóa dịch vụ của Anh xuất sang thị trường chung EU, gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế Anh.

    Tờ Independent trích lời bộ trưởng Hunt rằng, có 4 điều nước Anh cần phải làm ngay để hướng tới tương lai, thay vì Bregret, đó là đầu tư cho giáo dục, đạt thỏa thuận với EU trong về vấn đề người xin tị nạn. tăng cường tiếp cận các sản phẩm động vật và thực phẩm của Vương quốc Anh vào thị trường EU, đảm bảo các thỏa thuận về thị thực lao động theo ngành cụ thể và thiết lập sự công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn.

    Theo một cuộc trưng cầu dân ý gần đây thì 1/5 chính những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit hiện hối tiếc về sự lựa chọn của mình, khoảng 2/3 người Anh nói chung cho rằng quá trình Brexit 'được xử lý không tốt'. Tuy nhiên, Brexit đã xảy ra và nước Anh giờ chỉ còn tập trung tìm cách làm tình hình thời kỳ hậu Brexit khá lên mà thôi.

    Theo VTV

  • Nếu được thông qua, Khuôn khổ Windsor được ký kết ngày 27/2 sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng và mang đến sự cải thiện cần thiết trong quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU).

    Tờ Project Syndicate đăng bài viết của tác giả Philippe Legrain, cựu cố vấn kinh tế của Chủ tịch Ủy ban châu Âu và đang là Nghiên cứu viên cấp cao tại Viện châu Âu của Trường Kinh tế London (LSE), đánh giá về thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

    1 brexit khac

    Theo đó, dù không thể xóa đi tất cả những tranh chấp chính trị đang hiện hữu xung quanh vấn đề Bắc Ireland, nhưng nếu được thông qua, thỏa thuận được ký kết ngày 27/2 sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng và mang đến sự cải thiện cần thiết trong quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU).

    Cựu Thủ tướng Anh ông Boris Johnson đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2019 với lời hứa đưa ra một thỏa thuận để hoàn thành Brexit (chỉ việc Anh rời EU). Tuy nhiên, thỏa thuận của ông Johnson lại mang đến một giao thức gây tranh cãi sâu sắc về quy chế thương mại đặc biệt của Bắc Ireland.

    Do đó, việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak đàm phán thành công một thỏa thuận sửa đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là diễn biến đáng hoan nghênh, có thể đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Anh-EU.

    * Bước ngoặt trong quan hệ Anh-EU

    Tác giả Philippe Legrain cho rằng Brexit đã không chỉ phá hoại quan hệ kinh tế và chính trị của Vương quốc Anh với EU, mà còn đe dọa nền hòa bình mong manh ở Bắc Ireland.

    Thương mại giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland là dễ dàng trước Brexit - cả hai đều thuộc EU và chia sẻ các quy tắc thương mại giống nhau. Tuy nhiên, khi Bắc Ireland rời EU, một thỏa thuận kiểm soát đã được đưa ra. Đó là bởi EU có các quy định nghiêm ngặt về thực phẩm và yêu cầu kiểm tra biên giới khi một số hàng hóa - chẳng hạn như sữa và trứng - đến từ các quốc gia ngoài EU như Vương quốc Anh. Thủ tục giấy tờ này cũng được yêu cầu đối với các hàng hóa khác.

    Biên giới đất liền là một vấn đề nhạy cảm vì lịch sử chính trị phức tạp của Bắc Ireland. Người ta lo ngại rằng việc sử dụng camera hoặc chốt biên phòng như một phần của việc kiểm tra hàng hóa có thể dẫn đến sự bất ổn.

    Cựu Thủ tướng Boris Johnson đã đồng ý Nghị định thư Bắc Ireland với EU. Nghị định này đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế và có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Theo Nghị định thư Bắc Ireland, việc kiểm soát mới đã được đưa ra. Thay vì diễn ra tại biên giới Ireland, việc kiểm soát và kiểm tra giấy tờ sẽ được thực hiện tại các cảng của Bắc Ireland. Điều này áp dụng cho hàng hóa đi từ Vương quốc Anh (Xứ England, Scotland và xứ Wales) đến Bắc Ireland. Việc kiểm tra được áp dụng ngay cả khi hàng hóa vẫn còn ở Bắc Ireland.

    Tuy nhiên, các đảng liên hiệp - ủng hộ Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh - nói rằng việc kiểm tra này trên thực tế tạo ra một biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh. Các doanh nghiệp cũng phàn nàn rằng việc kiểm tra có nghĩa là tạo ra thêm chi phí và sự chậm trễ.

    Hậu quả là những gián đoạn kinh tế đáng kể và những hậu quả chính trị tương ứng. Những người ủng hộ Brexit đã tức giận vì Bắc Ireland không chỉ bị tách khỏi phần còn lại của Vương quốc Anh mà vẫn phải tuân theo luật pháp EU. Thêm vào đó, phản ứng của cựu Thủ tướng Johnson cũng không phù hợp như kế hoạch ban đầu của ông. Ngay trước khi buộc phải từ chức vào năm ngoái, ông đã đe dọa sẽ đơn phương từ bỏ Nghị định thư Bắc Ireland mà chính ông đã đàm phán, đe dọa một cuộc chiến thương mại với EU.

    Trong bối cảnh đó, thỏa thuận sửa đổi của ông Sunak – còn được gọi là “Khuôn khổ Windsor” – mặc dù không thể loại bỏ tất cả những căng thẳng này, song được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tâm lý đối đầu song phương.

    Khuôn khổ Windsor cắt giảm các thủ tục trong trao đổi thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, giảm vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) và luật pháp EU ở Bắc Ireland, đồng thời cho phép cơ quan lập pháp Bắc Ireland có tiếng nói đối với các quy định mới của EU.

    Khuôn khổ Windsor thiết lập làn xanh tại các cảng biển Ireland dành cho hàng hóa đến từ Vương quốc Anh lưu hành ở Bắc Ireland mà không chịu bất kỳ hạn chế thương mại nào, trong khi làn đỏ sẽ dành cho hàng hóa tiếp tục vào Ireland và thị trường EU. Hàng hóa như thuốc men, thực vật, xúc xích, bưu kiện và thú cưng cũng được vận chuyển dễ dàng giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, xóa bỏ “biên giới ở Biển Ireland”.
    Theo thỏa thuận mới, mặc dù ECJ vẫn giữ quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề thị trường chung ở Bắc Ireland, vai trò của tòa án này bị giới hạn, và Anh chứ không phải EU, sẽ nắm quyền kiểm soát thuế giá trị gia tăng và trợ cấp nhà nước trong khu vực.

    Đây là một thành công ngoài dự đoán dành cho Thủ tướng Sunak. Với khả năng ngoại giao kiên nhẫn và sự cẩn trọng đến từng chi tiết, ông đã đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều so với những gì ông Johnson đã làm, giúp khôi phục lòng tin giữa Vương quốc Anh và EU.

    Hiện tại, EU đã mời Vương quốc Anh tham gia chương trình Horizon Europe, một quỹ tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới trị giá 95 tỷ euro (101 tỷ USD). Nước Pháp cũng hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh để ngăn chặn dòng người di cư trên những chiếc thuyền mỏng manh băng qua Eo biển Manche.

    * Thách thức đến từ nội bộ nước Anh

    Tuy nhiên, trong phạm vi Vương quốc Anh, xung đột chính trị có thể sẽ tiếp diễn. Những người cực đoan trong đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland có thể từ chối thỏa thuận và tiếp tục tẩy chay khiến thỏa thuận bị đình chỉ.

    Một số người ủng hộ Brexit cứng rắn trong đảng Bảo thủ của ông Sunak cũng có thể phản đối vì thỏa thuận này khiến Bắc Ireland nằm dưới quyền tài phán một phần của EU. Ngoài ra, ông Johnson, người nuôi tham vọng một ngày trở lại làm Thủ tướng Anh, cũng sẽ khó chấp nhận thỏa thuận này.

    Tuy nhiên, nếu ông Sunak thành công trong việc loại bỏ sự phản đối trong nội bộ nước Anh, thì vị thế chính trị của ông có thể được nâng cao đáng kể, với việc công chúng coi ông là một nhà lãnh đạo dũng cảm sẵn sàng đối mặt với những ý kiến trái chiều để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Và con đường chính trị lâu dài của Thủ tướng Anh dù chông gai nhưng cũng sẽ tươi sáng hơn rất nhiều so với trước đây.

    Đối với EU, thỏa thuận mới về Bắc Ireland cũng mang những ý nghĩa nhất định. Sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, EU lo ngại rằng làn sóng dân túy sẽ dẫn đến nhiều kịch bản tương tự và thậm chí có thể dẫn đến sự sụp đổ của Liên minh. Tuy nhiên, hầu hết người châu Âu đã coi Brexit là một thảm họa. Ngay cả những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu như Marine Le Pen của Pháp cũng không ủng hộ việc đi theo bước chân của Vương quốc Anh ngày nay.

    Mối đe dọa về việc một Vương quốc Anh thời hậu Brexit có thể làm suy yếu thị trường chung của EU bằng cách cắt giảm thuế và cắt giảm quy định cũng đã giảm bớt. Khi người tiền nhiệm của ông Sunak là bà Liz Truss tuyên bố cắt giảm thuế khổng lồ vào mùa Thu năm ngoái, lãi suất tăng vọt và đồng bảng lao dốc, bà đã phải từ chức. Với điều này, EU có đủ khả năng để thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt và phù hợp hơn đối với Vương quốc Anh.

    Trong khi châu Âu có nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết hơn là những chi tiết nổi bật của Brexit, đặc biệt là cuộc xung đột Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng đi kèm, EU và Vương quốc Anh cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết những thách thức này nếu có thể.

    Điều này khiến thỏa thuận vừa được ký kết trở nên có giá trị. Sau 7 năm dài chìm đắm trong tranh chấp, cuối cùng EU và Vương quốc Anh đã có thể bắt đầu công việc lâu dài để xây dựng lại mối quan hệ song phương.

    Dù vậy, giới phân tích nhận định vẫn còn hai thử thách lớn chờ đợi thỏa thuận của ông Sunak.
    Thứ nhất là việc 12 quan chức của đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) sẽ nghiên cứu thỏa thuận trước khi quyết định liệu đảng này có chấm dứt việc tẩy chay tham gia cơ quan lập pháp Bắc Ireland hay không.

    Chủ tịch DUP Jeffrey Donaldson thừa nhận thỏa thuận đạt những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, song nhấn mạnh vẫn còn những vấn đề lớn cần quan tâm, như việc luật EU vẫn được áp dụng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế Bắc Ireland. Ông Donaldson cho biết, DUP sẽ đánh giá các nội dung của thỏa thuận nhằm xác định thỏa thuận có tôn trọng và khôi phục vị trí của Bắc Ireland tại Vương quốc Anh hay không.

    Thứ hai là thách thức từ Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG) gồm các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit, trong đó có nhiều luật sư. Rắc rối vẫn có thể xảy ra, song các đảng viên Bảo thủ thân châu Âu cho rằng ERG không còn mạnh như trước, khi chưa tới 30 nghị sỹ Bảo thủ tham gia cuộc họp của nhóm vào tuần trước để thảo luận về thỏa thuận này.

    Mặc dù chưa rõ Khuôn khổ Windsor có được DUP chấp nhận hay không, nhưng các nhà phân tích cho rằng ông Sunak đã đúng khi đánh giá rằng việc thúc đẩy thỏa thuận sẽ mang lại những lợi ích lớn cho Vương quốc Anh.

    Trong chuyến công du Belfast ngày 28/2 nhằm giới thiệu thỏa thuận mới tới các doanh nghiệp Bắc Ireland, Thủ tướng Sunak cho biết, thỏa thuận sẽ khơi thông đầu tư ở khu vực, đưa ra tín hiệu chính phủ sẽ thúc đẩy Khuôn khổ Windsor ngay cả khi bị DUP từ chối, nhấn mạnh thỏa thuận không phục vụ một chính đảng, mà vì lợi ích tốt nhất cho người dân, cộng đồng và doanh nghiệp ở khu vực.

    Theo BNews

  • Các nhà đầu tư và doanh nhân giàu có đang chuyển từ Anh đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông và châu Á.

    Đài RT của Nga ngày 21/1/2023 dẫn nghiên cứu của công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners cho biết năm 2022 có 1.400 cá nhân sở hữu tài sản trên 1 triệu USD đã rời Vương quốc Anh đi định cư ở nước khác.

    Những cuộc di cư mới nhất này tiếp tục xu hướng bắt đầu sau cuộc bỏ phiếu Anh rời EU (Brexit) vào năm 2016. Cụ thể, số triệu phú rời Anh trong các năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 4.200, 2.800 và 2.200.

    trieu phu roi bo nuoc anh 2
    Ảnh minh họa: Unsplash

    Henley & Partners ước tính sau Brexit có tổng cộng khoảng 12.000 triệu phú đã rời khỏi Anh dù trước đó nước này ghi nhận một lượng lớn vốn ròng từ các cá nhân.

    Theo ông Stuart Wakeling, người đứng đầu của văn phòng Henley & Partners ở London, Brexit đang cho thấy những hậu quả dài hạn rất thực tế.

    “Chúng tôi đã chứng kiến dòng di chuyển ngày càng tăng từ những công dân Anh giàu có. Họ đang tìm cách lấy lại vị thế EU của mình bằng cách có được quyền cư trú hoặc quốc tịch EU thông qua đầu tư”, ông nói Wakeling với tờ The Times.

    Theo Henley & Partners, nhiều triệu phú cũng đang tìm đến Trung Đông và châu Á như những điểm đến đầy hứa hẹn để tái định cư. Ví dụ: Năm 2022, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chứng kiến một số lượng triệu phú lớn chưa từng có đổ đến nước này.

    Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Cải cách châu Âu cho thấy Brexit đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh khoảng 33 tỷ bảng Anh (40 tỷ USD).

    Văn phòng Trách nhiệm ngân sách của Anh gần đây đã tính toán rằng hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU năm 2016 làm giảm 4% GDP của nước này, tương đương khoảng 100 tỷ bảng Anh trong khoảng thời gian 15 năm từ 2016 đến 2031.

    Tháng trước, Liên đoàn Công nghiệp Kinh doanh (Anh) cho biết nền kinh tế Anh đã rơi vào tình trạng suy thoái trong ngắn hạn và đang trên đà giảm 0,4% vào năm 2023 do lạm phát cao và đầu tư thấp.

    Theo Báo Tin Tức

  • Kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020, nước Anh phải liên tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

    Anh thieu lao dong hau brexit
    Một bảng thông báo tuyển nhân viên ở thị trấn Keswick, hạt Cumbria, tây bắc nước Anh - GUARDIAN

    Ngày 17-1, tờ Guardian dẫn báo cáo của các nhà nghiên cứu hàng đầu nươc Anh cho biết tính đến tháng 6-2022, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 330.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động có tay nghề thấp sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

    Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Nước Anh trong một châu Âu thay đổi và Trung tâm Cải cách châu Âu (CER), mặc dù số lượng người nhập cư vào Anh sau khi nước này rời EU có sự gia tăng nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu về lao động nước ngoài.

    Ông Jonathan Portes, giáo sư kinh tế tại Trường King's College (London), cũng cho biết những thay đổi trong thành phần lao động sẽ tạo ra những tác động lâu dài và sâu sắc với thị trường nước này.

    Năm 2020, sau khi rời EU, Chính phủ Anh đã chuyển sang sử dụng hệ thống nhập cư mới dựa trên thang điểm nhằm chấm dứt tình trạng đi lại tự do và dành sự ưu tiên cho những người có trình độ cao.

    Cụ thể, hệ thống quy định mỗi lao động nước ngoài phải có thu nhập ít nhất 25.600 bảng Anh/năm (31.424 USD) hoặc 10,10 bảng Anh/giờ (912,40 USD) để có thể đạt đủ điều kiện làm việc và được cấp thị thực tại nước này.

    Tuy nhiên, hệ thống này cũng không thể thay thể cho số lượng lao động thiếu hụt tại Anh.

    Trong đó, lĩnh vực vận tải và kho bãi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng lao động thiếu hụt là 128.000 lao động, tương đương 8% tổng số công nhân làm việc trong lĩnh vực này.

    Ngoài ra, ở số lượng lao động ở phân khúc bán lẻ giảm 3%, tương đương 103.000 lao động, ở lĩnh vực khách sạn và thực phẩm giảm 4%, tương đương 67.000 lao động, ngành sản xuất và xây dựng giảm 2%.

    Trái lại, ở các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao hơn như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và công nghệ thông tin lại có sự gia tăng những lao động từ bên ngoài EU.

    Ông Lord Wolfson, giám đốc điều hành Hãng bán lẻ Next tại Anh, kêu gọi chính phủ cần xem xét lại các quy định nhập cư để có thể thu hút thêm người lao động nước ngoài quay trở lại.

    Không những vậy, tình trạng thiếu hụt lao động tại Anh có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như đẩy mức lạm phát nước này lên cao hơn.

    Hôm 16-1, ông Andrew Bailey, giám đốc Ngân hàng Anh, đã đưa ra cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt lao động có thể gây ra những rủi ro lớn góp phần đẩy lạm phát lên cao hơn nữa thông qua việc tăng lương cho những lao động hiện tại, tăng giá sản phẩm trong khi sản lượng lại giảm đáng kể.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Trong suốt 10 năm qua, Ngân hàng Saxo của Đan Mạch mỗi năm đều đưa ra những “dự đoán kỳ lạ”. Một số dự đoán đã trở thành sự thật hoặc gần đúng như vậy.

    Ngân hàng đầu tư Saxo đang đưa ra những “dự đoán kỳ quặc” cho năm 2023, bao gồm một lệnh cấm sản xuất thịt, giá vàng tăng mạnh và Anh bỏ phiếu “huỷ Brexit”.

    Báo cáo thường niên của ngân hàng Đan Mạch này được công bố vào đầu tháng 12. Ngân hàng Saxo dự đoán các nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang chế độ “nền kinh tế thời chiến”, khi mà lợi ích quốc gia và sự tự lực vượt lên trên toàn cầu hoá.

    Các dự báo tuy không thể hiện quan điểm chính thức của ngân hàng, nhưng cũng xem xét tác động từ quyết định của các nhà hoạch định chính sách lên nền kinh tế toàn cầu.

    stop brexit

    Anh sẽ bỏ phiếu huỷ Brexit

    Theo giám đốc Jakobsen của Ngân hàng Saxo, một dự đoán rất có thể sẽ xảy ra vào năm 2023 là một cuộc trưng cầu dân ý khác về Brexit. Ông nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng đó là một trong những điều có khả năng cao sẽ xảy ra”.

    Nhà chiến lược thị trường Jessica Amir của Saxo cho biết Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt có thể hạ xếp hạng của Đảng Bảo thủ xuống “mức thấp chưa từng thấy”, khi chương trình của họ khiến Vương quốc Anh rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

    Ngân hàng dự báo rằng điều này có thể khiến người dân Anh và xứ Wales suy nghĩ lại về việc bỏ phiếu cho Brexit. Ông Jakobsen cho biết: “Các doanh nhân đang nói rằng điều duy nhất họ thu được từ Brexit là GDPR dành riêng cho Vương quốc Anh. Còn lại chỉ là tình trạng quan liêu gia tăng”.

    Trong khi đó, giám đốc 1 think tank ở Vương quốc Anh Anand Menon cho biết đây là việc không thể dự đoán trước. Ông cho rằng sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý khác.

    Menon cho biết, tâm lý của công chúng đối với Brexit đã thay đổi kể từ cuộc trưng cầu dân ý với kết quả 52% cử tri chọn rời khỏi EU vào năm 2016. Dư luận dường như đang thay đổi, ông nói.

    Nghiên cứu do YouGov thực hiện vào tháng 11 cho thấy 59% trong số 6.174 người được khảo sát cho rằng Brexit diễn ra kể từ cuối năm 2020 đến nay theo cách “khá tồi tệ” hoặc “rất tồi tệ”, trong khi chỉ 2% cho rằng nó diễn ra “rất tốt”.

    Vàng đạt ngưỡng 3.000 USD

    Trong số những “dự đoán kỳ lạ” cho năm tới, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hoá Ole Hansen của Ngân hàng Saxo dự đoán giá vàng giao ngay có thể vượt 3.000 USD/ounce vào năm 2023, cao hơn 67% so với mức giá hiện tại là 1.797 USD/ounce.

    Ba lý do khiến ngân hàng đưa ra dự báo này chính là bởi “tâm lý nền kinh tế thời chiến đang gia tăng” khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn dự trữ ngoại hối, những khoản đầu tư lớn cho ưu tiên an ninh quốc gia. Ngoài ra còn có sự gia tăng thanh khoản trên toàn cầu, khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng tránh vỡ nợ trong từng đợt suy thoái riêng lẻ.

    Giám đốc đầu tư Steen Jakobsen của Saxo cho biết: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy các nền kinh tế được thúc đẩy bởi mong muốn tìm đến vàng, vì mọi người thiếu các lựa chọn thay thế tốt hơn”. Ông nói thêm rằng vàng sẽ tăng rất cao.

    Theo công ty CRU, khi các nhà phân tích đang dự đoán giá vàng sẽ tăng vào năm 2023, mức tăng đột biến như vậy khó có thể xảy ra.

    Nhà phân tích cấp cao Kirill Kirilenko tại CRU nói với CNBC: “Dự đoán về giá vàng của chúng tôi phải chăng hơn nhiều”.

    Ông nói rằng khi Fed bớt diều hâu hơn, đồng USD có thể yếu đi. Điều này có thể mang lại cơ hội cho những người đầu tư vào vàng, tạo ra đợt phục hồi vào năm tới và nâng giá lên gần 1.900 USD/ounce.

    Tuy nhiên, ông Kirilenko nhấn mạnh rằng tất cả phụ thuộc vào các động thái của Cục Dự trữ Liên bang. Ông nói: “Bất kỳ dấu hiệu nào về việc ngân hàng trung ương Mỹ tăng cường “diều hâu” đều có thể gây áp lực giảm giá vàng.

    Lệnh cấm sản xuất thịt

    Theo nghiên cứu do Nature Food công bố, 57% lượng khí thải sản xuất thực phẩm ra môi trường đến từ thịt. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới đang đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0. Ngân hàng Saxo cho biết có thể ít nhất một quốc gia cắt bỏ hoàn toàn việc sản xuất thịt.

    Nhà chiến lược thị trường Charu Chanana của Saxo cho biết một quốc gia muốn đi tiên phong có thể quyết định đánh thuế nặng đối với thịt từ năm 2025 và có thể cấm hoàn toàn thịt có nguồn gốc từ động vật sản xuất trong nước vào năm 2030.

    Jakobsen của Saxo nói với CNBC: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy các trường học ở Đan Mạch và Thụy Điển cấm thịt hoàn toàn. Điều này nghe có vẻ điên rồ đối với những người lớn tuổi”.

    Bộ Môi trường Thực phẩm và Nông nghiệp Nông thôn của Vương quốc Anh cho biết họ “không có kế hoạch” áp dụng thuế thịt hoặc cấm sản xuất thịt.

    Một năm 2023 đầy sự kiện?

    Ngân hàng Saxo cũng có một số dự đoán kỳ quặc khác, bao gồm việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chức, Nhật Bản neo giá 200 yên đổi một đồng USD.

    Tuy nhiên, chính ngân hàng này cũng không hoàn toàn tin tưởng vào những gì họ dự đoán. Ông Jakobsen nói rằng chỉ có 5-10% khả năng những dự báo trên trở thành sự thật.

    Trong suốt 10 năm qua, Ngân hàng Saxo đều đưa ra những “dự đoán kỳ lạ” mỗi năm. Một số dự đoán đã trở thành sự thật hoặc gần đúng như vậy.

    Vào năm 2015, Saxo dự đoán Vương quốc Anh sẽ bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và Đức sẽ bước vào suy thoái năm 2019. Ngân hàng cũng dự đoán Bitcoin sẽ trải qua một đợt tăng giá chóng mặt vào năm 2017.

    CafeF (theo CNBC)

  • Một thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Anh khẳng định "không thể phủ nhận thương mại của Anh đang giảm sút hơn nhiều so với các nước khác" và theo bà, nguyên nhân là do Brexit.

    thiet hai nang ne do brexit
    Xe tải chờ nhận hàng hóa tại cảng biển Dover, miền Nam Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Giới chức ngân hàng trung ương Anh cho rằng việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) đang làm tổn hại nền kinh tế nước này.

    Trong một phát biểu ngày 16/11, bà Swati Dhingra - thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Anh khẳng định "không thể phủ nhận thương mại của Anh đang giảm sút hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới" và theo bà, nguyên nhân là do Brexit.

    Bà Dhingra đề cập diễn biến trên thị trường tại thời điểm sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, theo đó kinh tế Anh đã sụt giảm ở mức mạnh nhất mà bất cứ nền kinh tế nào trong nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ghi nhận chỉ trong một đêm. Theo bà, đây là ví dụ đơn giản nhất về hệ lụy của Brexit.

    Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey cho biết ngân hàng trung ương vẫn kiên định với các dự báo đưa ra ban đầu sau cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2016, theo đó cảnh báo rằng Brexit sẽ thu hẹp nền kinh tế Anh.

    Ngoài thương mại, một minh chứng rõ ràng về tác động của Brexit đã xuất hiện trong tuần này, với số liệu mới của Bloomberg cho thấy thị trường chứng khoán Paris đã vượt xa tổng giá trị của thị trường chứng khoán London - từ 2.823 tỷ USD so với 2.821 tỷ USD.

    Năm 2016, các cổ phiếu niêm yết ở London có tổng giá trị cao hơn 1.500 tỷ USD so với giá trị cổ phiếu niêm yết ở Paris. Có thể lý giải một phần sự sụt giảm nói trên là do đồng bảng mất giá nhiều hơn đồng euro so với đồng USD trên thị trường tiền tệ.

    Theo ông Michael Saunders, cựu quan chức hoạch định chính sách của Ngân hàng Anh, nếu không có Brexit, chính phủ sẽ có đủ năng lực tài chính để tránh gói ngân sách khẩn cấp dự kiến công bố ngày 17/11. Ông cho rằng Brexit làm giảm đáng kể sản lượng tiềm năng của nền kinh tế, làm xói mòn đầu tư kinh doanh.

    Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, người đã bỏ phiếu Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu năm 2016, chia sẻ: "Tôi không phủ nhận có những cái giá phải trả cho một quyết định như Brexit, nhưng cũng có những cơ hội và bạn phải nhìn nhận một cách toàn diện."

    Cũng như nhiều nước châu Âu khác, nền kinh tế Anh đang đối mặt với nhiều thách thức khi giá khí đốt tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chuỗi cung ứng hàng hóa tắc nghẽn, thiếu lao động...

    Các thị trường tài chính Anh bắt đầu rơi vào tình trạng căng thẳng từ ngày 23/9 sau khi chính phủ của Thủ tướng khi đó là bà Liz Truss công bố chính sách kinh tế được cho là không phù hợp.

    Hiện Thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đang nỗ lực giải cứu kinh tế Anh bằng kế hoạch ngân sách mới, theo đó sẽ đưa quốc gia châu Âu này trở lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng./.

    Theo TTXVN

  • Đại dịch Covid-19 hoành hành ở châu Âu đến mức làm cho chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) không còn là chuyện thời sự nổi bật hàng đầu trên châu lục.

    Trên danh nghĩa chính thức, cuộc chia tay giữa EU và đảo quốc sương mù hoàn tất, nhưng chuyện hậu kỳ xem ra không những chỉ có còn lâu mới kết thúc, mà rất có thể trở nên còn phức tạp hơn dự liệu trước đây của cả hai phía. Thực tế Brexit trong 100 ngày đầu tiên vừa qua cho thấy điều đó.

    https cdn.evbuc.com images 129808817 33969087699 1 original

    Mọi thỏa thuận lớn và cơ bản giữa hai bên liên quan Brexit và cần thiết cho việc xử lý những hệ lụy của Brexit đều đã có, nhưng tất cả dường như lại chưa thể đủ để giúp hai bên giải quyết ổn thỏa và kịp thời các thách thức phát sinh.

    Cọ xát và xung khắc lợi ích khiến cho EU và Anh sau Brexit gần như ngay lập tức, từ đối tác trở thành đối thủ, từ hợp tác trở thành đối phó, từ đồng minh với nhau trong cùng liên minh trở thành đối tác ganh đua nhau không khoan nhượng.

    EU chẳng khác gì bị Anh dội gáo nước lạnh khi gặp khó ngay với phía Anh trong hàng loạt chuyện cụ thể, từ quy chế ngoại giao cho nhân viên phái bộ của EU ở đảo quốc sương mù đến vấn đề thông thương giữa Bắc Ireland và Ireland, từ chuyện hợp tác cung ứng vắc xin ngừa Covid-19 đến xung đột nguồn vắc xin.

    Vấn đề nan giải nhất đối với EU ở thời hậu kỳ Brexit bây giờ là vấn đề Bắc Ireland. Còn đối với Anh, những chuyện nội bộ nảy sinh từ Brexit đang trở nên ngày càng thêm rắc rối.

  • Vương quốc Anh đã đánh dấu một chương mới vào ngày 25/12 sau khi đảm bảo một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) và các đặc phái viên của EU đã đưa ra nhận định thận trọng về thỏa thuận này, mà hai bên đạt được chỉ nhiều tháng đàm phán.

    doi mat thach thuc hau brexit
    Người ủng hộ chủ trương Brexit vui mừng khi Anh chính thức rời liên minh châu Âu (EU), tại quảng trường Nghị viện ở trung tâm London tối 31/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

    Các đặc phái viên dự kiến sẽ gặp lại vào ngày 28/12 để bắt đầu quá trình phê chuẩn. 

    Đối với Anh, thỏa thuận này có nghĩa là nước này sẽ không rơi vào tình trạng sụp đổ thương mại vào ngày 1/1/2021 khi tránh một loạt thuế quan và hạn ngạch bất lợi. Tuy vậy, những thay đổi lớn là không thể tránh khỏi khi London dứt khoát rời khỏi thị trường chung EU và sự tự do đi lại với khối kết thúc sau gần nửa thế kỷ hội nhập.

    Theo tờ The Times, thỏa thuận này có những hạn chế mới bao gồm chấm dứt việc di chuyển tự do vào Anh đối với người lao động châu Âu và vào EU đối với người lao động Anh. Giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Anh rút khỏi chương trình trao đổi sinh viên Erasmus áp dụng trên toàn châu Âu và được thay thế bằng một chương trình học tập tại quê nhà được đặt theo tên nhà khoa học máy tính tiên phong Alan Turing. 

    Một nhà ngoại giao EU cho AFP hay đối với lĩnh vực tài chính quan trọng của Anh, về lâu dài, vấn đề thực chất của Brexit sẽ là tuân theo các quy tắc của EU nếu không Anh sẽ hoạt động trong trạng thái tự cô lập.

    Theo AFP