Người đàn ông mất gần 200k bảng vì ghi sai sort code

Đó là một trong những cơn ác mộng tài chính. Bạn nhập sai một chữ số trong mã chuyển tiền (sort code) và gửi một lượng tiền mặt lớn cho sai người. Họ từ chối trả lại, và ngân hàng phủi sạch trách nhiệm, đổ mọi lỗi lầm cho bạn.

Đó là những gì đã xảy ra với Peter Teich, cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng của Anh. Chỉ vài giờ sau khi luật sư gửi cho người đàn ông sống tại Cambridge này thông báo về số tiền thừa kế 193.000 bảng sau cái chết của người cha 100 tuổi, một sai lầm khủng khiếp đã xảy ra.

Teich đã cung cấp đúng tên, địa chỉ và số tài khoản ngân hàng Barclays ở Cambridge cho luật sư của mình - nhưng lại sai sort code. Tiền đã được chuyển thẳng đến một khách hàng khác của Barclays, cũng ở khu vực Cambridge. Thật nguy hiểm khi người này lại có trùng số tài khoản với Teich, mặc dù mã chuyển tiền hơi khác. Tệ hơn, người này từ chối trả lại tiền.

Barclays biết rõ 193.000 bảng của Teich đang ở đâu, và thậm chí biết rõ khi nào người nhận bắt đầu rút số tiền mà họ có được một cách không trung thực.

Việc chuyển nhầm lẽ ra không thể xảy ra nếu các ngân hàng ở Anh khớp sort code và số tài khoản (account number) với tên chủ tài khoản (account holder’s name). Nhưng họ không làm thế. Tên người nhận có thể được đặt là Chuột Mickey và ngân hàng vẫn sẽ thực hiện giao dịch, chỉ dựa vào sort code và account number.

Ngành ngân hàng đã hứa rằng từ giữa năm 2019, việc kiểm tra tên sẽ được thực hiện khi khách hàng gửi tiền cho người khác, phần lớn là để ngăn chặn làn sóng lừa đảo chuyển khoản ngân hàng đang ngày càng gia tăng. Nhưng thời hạn trên đã bị trì hoãn, và bây giờ nó sẽ không có hiệu lực cho đến cuối tháng 3 năm sau.

Một điều kỳ lạ trong trường hợp Teich là Barclays sử dụng số tài khoản giống hệt nhau cho hai khách hàng khác nhau, cùng sống ở khu vực Cambridge.

Teich nhận ra lỗi gần như ngay lập tức. Tài sản của cha ông được chia cho ông và chị gái, người đã gửi email cho ông vào buổi trưa ngày chuyển nhượng, 26 tháng 4, để thông báo rằng bà đã nhận được 193.000 bảng của mình. Teich kiểm tra tài khoản của mình, không tìm thấy gì ở đó và liên lạc với luật sư.

Chỉ sau đó, ông mới phát hiện ra rằng ông đã đưa cho luật sư sai sort code. Luật sư ngay lập tức liên lạc với Barclays, cho biết tiền sẽ được chuyển trả trong vòng một tuần. Nhưng vào cuối tháng 5, Teich đã nhận được một lá thư từ Barclays với nội dung: “Do lỗi của quý vị, khoản tiền đã được chuyển đến cho một khách hàng khác… Rõ ràng quý vị đã thông báo sai thông tin liên quan đến tài khoản của mình và vì thế, chúng tôi đã chuyển vào tài khoản của quý vị một số tiền bồi thường tượng trưng là £25.”

Barclays cho biết họ đã yêu cầu người nhận tiền nhầm trả lại tiền, nhưng anh ta từ chối. Trong một lá thư gửi vài ngày sau đó cho luật sư của Teich, Barclays nói: “Thật đáng tiếc, chúng tôi không thể thuyết phục người nhận khoản tiền này trả lại cho ông Teich. Vì không phải lỗi về phía ngân hàng, chúng tôi không thể trả lại tiền.”

Về mặt pháp luật, không ai có quyền giữ tiền đã bị chuyển nhầm vào tài khoản của họ. Nhưng bắt buộc họ phải trả lại tiền, đặc biệt nếu nó đã được sử dụng, lại là một vấn đề khác. Barclays, cùng với các ngân hàng khác, thậm chí sẽ không cung cấp tên của người đã nhận tiền sai, trừ khi được tòa án yêu cầu.

Một số độc giả của tờ Guardian có thể nhận ra họ của Teich, vì cha của ông, Mikuláš - người đã để lại cho ông số tiền thừa kế 193.000 bảng – được nhắc đến trong một bài cáo phó của báo hồi tháng Tư. Mikuláš đã trốn thoát khỏi Tiệp Khắc do Đức Quốc xã chiếm giữ vào năm 1939, mặc dù cha mẹ ông đã chết trong cuộc đại diệt chủng Holocaust. Sau đó, ông trở thành một nhà sử học nổi tiếng tại Cambridge.

Mặc dù đã 74 tuổi và bị tàn tật, Peter Teich vẫn phải tự mình xoay sở trong quá trình đòi lại £193.000 của cha mình. Ông nói, “Barclays nhấn mạnh rằng tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn và duy nhất trong việc truy tìm khách hàng không trung thực của chính họ.”

Ông thuê luật sư và trải qua một quá trình pháp lý hai giai đoạn tốn kém và mất nhiều công sức. Vào tháng 6, sau khi mất 12.000 bảng phí pháp lý và phí tòa án, ông đã có được tên vị khách hàng đó của Barclays. Có được thông tin này, sau đó ông đã lên tòa án tối cao để xin lệnh đóng băng tài khoản - với chi phí 34.000 bảng. Cuối cùng, sau một quá trình không cần thiết, tốn kém và căng thẳng, tòa án đã ra lệnh buộc khách hàng này phải trả lại khoản tiền cho ông Teich.

“Tôi thừa nhận sai lầm của mình trong câu chuyện không vui này: Tôi đã cung cấp sai sort code của chi nhánh Barclays. Nhưng lỗi của tôi là không đáng kể khi đặt trong bối cảnh quy trình hoạt động của Barclays,” ông Teich nói.

Câu chuyện không dừng lại ở đó. Teich yêu cầu Barclays hoàn trả 46.000 bảng chi phí pháp lý mà ông đã tiêu tốn để lấy lại tiền của mình. Barclays từ chối. Tức giận vì câu trả lời của ngân hàng, Teich đã liên lạc với tờ Guardian để được giúp đỡ. Chúng tôi đã yêu cầu ngân hàng xem xét lại trường hợp của ông ấy, và trong một động thái lật mặt gần như ngay lập tức, giờ đây họ đã đồng ý trả tất cả các khoản phí pháp lý của ông và thậm chí còn đề nghị bồi thường cho ông £750.

Trong một tuyên bố, ngân hàng cho biết: “Rõ ràng là trong vụ việc này, chúng tôi đã không đáp ứng các tiêu chuẩn cao mà ông Teich có thể mong đợi nhận được từ Barclays, và vì điều này, chúng tôi xin đưa ra lời xin lỗi chân thành. Sau khi xem xét kỹ hơn về tình huống này, chúng tôi có thể xác nhận rằng ông Teich có thể mong đợi các khoản phí mà ông đã phải trả sẽ được hoàn lại đầy đủ kèm lãi, cùng với một khoản bồi thường cho những khó khăn và bất tiện mà vấn đề này đã gây ra.”

Teich vô cùng vui mừng vì thoát khỏi cảnh rỗng túi. Nhưng ông vẫn buồn vì hành vi của Barclays. “Barclays chỉ mất vài ngày để có thể lấy lại khoản tiền chuyển nhầm, nhưng thay vào đó họ không làm gì cả. Họ có thể đã cứu tôi và mọi người khác khỏi tất cả sự căng thẳng và lo lắng này. Nếu việc xác nhận các biện pháp thanh toán được thực hiện tại thời điểm chuyển tiền, tôi sẽ không trải qua quá trình thu hồi tiền tốn kém đến vậy. Xét cho cùng, Barclays lẽ ra có thể làm điều đúng đắn và can thiệp khi vẫn còn thời gian.”

VietHome (Theo Guardian)