Nguồn gốc của khái niệm ‘cánh tả’ và ‘cánh hữu’

Rất đơn giản, khái niệm ‘cánh tả’ và ‘cánh hữu’ bắt nguồn từ việc sắp xếp chỗ ngồi của những người bất đồng ý kiến.

canh ta canh huu
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Ngày nay, thuật ngữ ‘cánh tả’ và ‘cánh hữu’ được sử dụng như các từ tượng trưng cho những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ.

Cánh tả, định nghĩa một cách đơn giản, là một xu hướng chính trị dựa trên chủ nghĩa cào bằng (chủ nghĩa bình quân) với mục tiêu hướng tới sự bình đẳng cho tất cả mọi người bất chấp sự khác biệt về năng lực, đặc điểm cá nhân, khả năng lao động và thường sử dụng công cụ là sự can thiệp của Nhà nước với nền kinh tế.

Cánh hữu, định nghĩa một cách đơn giản, là một xu hướng chính trị dựa trên cơ sở của luật tự nhiên, truyền thống, tự do cá nhân và tự do kinh tế với mục tiêu hướng tới sự giàu có cho toàn xã hội mặc dù điều này có thể gây ra bất bình đẳng. Đồng thời cánh hữu cũng mong muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Nhà nước đối với nền kinh tế.

Nhưng ban đầu, chúng được đặt ra để chỉ việc sắp xếp chỗ ngồi thực tế của các chính trị gia trong cuộc Cách mạng Pháp.

Mùa hè năm 1789, khi các thành viên Quốc hội Pháp gặp mặt để soạn thảo hiến pháp. Các đại biểu tham gia đã bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề Vua Louis XVI nên có bao nhiêu quyền hành. Khi cuộc tranh luận nổ ra, các nhà cách mạng chống lại Hoàng gia đã cùng ngồi về phía bên trái của chủ tọa, còn những nhà ủng hộ chế độ quân chủ, bảo thủ hơn thì tập trung ở phía bên phải chủ tọa. Đây được coi là ‘lãnh địa’ của các phe chính trị có quan điểm ngược nhau và là nguồn gốc của khái niệm ‘cánh tả’ và ‘cánh hữu’.

Nói về vấn đề này, một vị nam tước cánh hữu viết: “Tôi đã cố gắng ngồi ở các vị trí khác nhau trong hội trường và không ngồi theo sự sắp xếp của các phe, nhằm giữ nguyên quan điểm ban đầu của mình. Nhưng tôi đã bị buộc phải hoàn toàn từ bỏ cánh tả, nếu không sẽ bị lên án vì luôn luôn phải lên bỏ phiếu một mình và do đó sẽ phải chịu những lời nhạo báng từ hội trường”.

Sự chia rẽ này tiếp tục xuất hiện trong những năm 1790, khi các tờ báo bắt đầu nhắm đến người ‘cánh tả’ là có quan điểm tiến bộ và người ‘cánh hữu’ có quan điểm truyền thống trong Quốc hội Pháp. Sự phân biệt này sau đó biến mất trong nhiều năm dưới thời trị vì của Napoleon Bonaparte.

Nhưng với giai đoạn Bourbon phục hoàng (thời kỳ nhà Bourbon quay trở lại ngai vàng sau khi mất quyền lực kể từ Cách mạng Pháp) và khởi đầu của một chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1814, những người đại diện cho chủ nghĩa tự do và bảo thủ một lần nữa lại tập hợp và ngồi cùng nhau, chia hội trường họp quốc hội thành hai phe riêng biệt ở bên trái và bên phải.

Tới giữa thế kỷ XIX, ‘cánh tả’ và ‘cánh hữu’ đã biến thành câu cửa miệng tiếng Pháp như là từ viết tắt cho những tư tưởng chính trị đối nghịch. Sau đó, các đảng phái chính trị bắt đầu nổi lên nhiều và tự nhận mình theo hướng ‘trung tả’, ‘trung hữu’, ‘cực tả’ và ‘cực hữu’.

Khái niệm ‘cánh tả’ và ‘cánh hữu’ bắt nguồn từ Pháp và đã lan rộng ra thế giới vào thế kỷ XIX, nhưng chúng chưa thực sự trở nên phổ biến ở các nước nói tiếng Anh cho đến đầu thế kỷ XX.

Ngày nay, hai khái niệm này vẫn được sử dụng để đại diện cho các đảng phái chính trị đối nghịch, nhưng nguồn gốc của chúng vẫn được thể hiện rõ trong việc sắp xếp chỗ ngồi ở nhiều cơ quan lập pháp. Ví dụ, ở Quốc hội Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có truyền thống ngồi ở các bên đối diện nhau trong các phòng họp của Hạ viện và Thượng viện.

Cực hữu là gì?

Chính trị cực hữu (tiếng Anh: Far-right politics), còn gọi là cánh cực hữu, phái cực hữu, cánh hữu cực đoan, ý chỉ nhân sĩ hoặc tổ chức mà lập trường chính trị của họ nằm ở phía ngoài cùng bên phải của dải chính trị tả–hữu, là hình thức cực đoan của chính trị cánh hữu, tức là chuyên chế và dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Phái cực hữu và phái cực tả thường hàm ý chủ nghĩa cực đoan (extremism). "Phái cực hữu" cũng thường được rất nhiều nhà bình luận chính trị dùng đến để miêu thuật một số đoàn thể chính trị, cuộc vận động và chính đảng khó có thể quy vào phái hữu truyền thống. Một số đảng có thể có khuynh hướng ngầm theo chủ nghĩa tân ph.át x.ít hoặc Tân Quốc xã.

Chính trị cực hữu thường nhấn mạnh lòng yêu nước cực đoan, bài ngoại, hay các xu hướng ủng hộ phân tầng xã hội cực đoan hay tôn giáo cực đoan.

Một số học giả sử dụng "phái hữu cực đoan" (Extreme Right) hoặc "phái hữu thiên kích" (Ultra Right) để thảo luận đoàn thể chính trị phái hữu mà nằm ngoài phạm vi chính trị của cuộc tuyển cử truyền thống, thông thường có các phần tử phái hữu cách mệnh, như người theo chủ nghĩa tối cao chủng tộc hiếu chiến với người theo chủ nghĩa cực đoan tông giáo, người theo Chủ nghĩa Quốc xã mới (Neo-Nazism) và đảng viên KKK, v.v. Trong loại cách dùng này, tất cả danh từ ấy có sự phân biệt với phái cực hữu không hiếu chiến hoặc người theo chủ nghĩa dân túy phái hữu cũng như các phái cực hữu có hình thức khác.

Cực tả là gì?

Cực tả là thuật ngữ sử dụng để nói về một người hoặc một nhóm người ý thức hệ chính trị có một quang phổ chính trị quá khích, cực đoan khuynh tả. Các nhóm được xem là cực tả là những nhóm không muốn cai trị trong khuôn khổ tổ chức, và đây là đặc điểm để phân biệt họ với các nhóm thiên tả. Cực tả thường là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa cộng sản khuynh tả, chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ, chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa Trotsky và chủ nghĩa Mao mà không chấp nhận chế độ tự do dân chủ. Thông thường, những đối tượng được coi là cực tả thường nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản và bạo lực là những nền tảng và mục tiêu của nền chính trị hiện đại.

Cực tả có khi còn được họ tự hiểu theo một nghĩa khác là cách mạng (đối nghịch cái mà họ gọi là "Phản động"), hay cấp tiến ở mức xa trong mục tiêu của họ. Thông thường các tư tưởng cực tả xuất phát từ sự chống đối cực đoan đối với chủ nghĩa tư bản, phát xít, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và quân chủ, phong kiến hay tôn giáo tín ngưỡng.

Theo Baoquocte/Wiki