• Ngoài Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, hai người phụ nữ Việt có tài sản hơn 10.000 tỷ đồng là vợ và em vợ ông Phạm Nhật Vượng. 

    Chân dung bà Phạm Thu Hương - vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

    Theo cập nhật mới nhất của Forbes, nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam - CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo - hiện sở hữu khối tài sản ròng 2,5 tỷ USD, tăng thêm 200 triệu USD so với thời điểm danh sách tỷ phú thế giới 2019 được công bố hồi tháng 3.

    Nhờ đó, nữ tỷ phú hàng không Việt đã vào top 1.000 người giàu nhất hành tinh. Tại Việt Nam, giá trị tài sản của bà Thảo chỉ xếp sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (10 tỷ USD). Bà nghiễm nhiên chiếm vị trí số một trong nhóm những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.

    Nếu chỉ dựa vào giá trị tài sản trên sàn chứng khoán (do các nữ đại gia khác chưa được thống kê và định giá đầy đủ những tài sản như tiền mặt, vàng, ngoại tệ và bất động sản), CEO Viejet bỏ xa nữ doanh nhân xếp phía sau gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Khoảng cách này đúng bằng khối tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương, người giàu thứ ba ở Việt Nam.

    Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ chịu xếp sau ông Phạm Nhật Vượng trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam.

    Vợ các tỷ phú USD đều góp mặt

    Đứng vị trí thứ hai trong danh sách phụ nữ giàu nhất Việt Nam là bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng và cũng là Phó chủ tịch HĐQT Vingroup. Bà Hương hiện giữ hơn 151 triệu cổ phiếu Vingroup với giá trị hơn 18.500 tỷ đồng.

    Một thành viên khác trong gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cũng giữ vị trí Phó chủ tịch Vingroup là người phụ nữ Việt còn lại có khối tài sản hơn 10.000 tỷ. Đó là bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương. Bà Hằng nắm trong tay gần 101 triệu cổ phiếu Vingroup, tương đương gần 12.400 tỷ đồng.

    Một nữ đại gia nghìn tỷ khác liên quan đến gia đình chủ tịch Vingroup là bà Phạm Hồng Linh, chị gái bà Hương. Chị vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu 1.500 tỷ đồng trên sàn chứng khoán với hơn 12 triệu cổ phiếu Vingroup. 

    Ba chị em bà Hương từ đầu năm đến nay hưởng lợi nhờ việc giá cổ phiếu Vingroup tăng hơn 20%. Tổng cộng tài sản trên sàn chứng khoán của bà Hương, bà Hằng và bà Linh cao hơn 5.800 tỷ đồng so với hồi tháng 1.

    Trái ngược gia đình ông chủ Vingroup, khối tài sản của vợ, mẹ và em dâu Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh lại sụt giảm hơn 2.100 tỷ do cổ phiếu ngân hàng này mất 20% giá trị sau 7 tháng.

    Vợ ông Hùng Anh - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - đang nắm hơn 174 triệu cổ phiếu Techcombank với giá trị thị trường gần 3.600 tỷ đồng. Mẹ chủ tịch Techcombank - bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - cũng sở hữu số lượng cổ phiếu tương tự con dâu.

    Nữ tỷ phú còn lại trong gia đình ông Hồ Hùng Anh là em dâu Nguyễn Hương Liên. Gần 70 triệu cổ phiếu Techcombank của bà Liên hiện có giá trị thị trường hơn 1.400 tỷ đồng.

    Gia đình tỷ phú Masan Nguyễn Đăng Quang lại là một trường hợp khác khi giá cổ phiếu hiện nay của tập đoàn này hầu như không biến động so với phiên giao dịch đầu tiên của năm 2019.

    Do đó, giá trị của hơn 42 triệu cổ phiếu Masan do bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ ông Quang - đứng tên chỉ tăng thêm 17 tỷ sau hơn nửa năm và đạt mốc 3.350 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, bà Yến cũng sở hữu thêm 620.000 cổ phiếu Masan Consumer Holdings, một công ty con của Masan, với giá trị 57 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của bà Yến ước tính hơn 3.400 tỷ.

    Tuy nhiên, nếu dựa theo cách tính toán tài sản các tỷ phú USD của Forbes gồm việc có thể gộp chung giá trị tài sản của vợ và các thành viên gia đình trên sàn chứng khoán, những con số nêu trên chỉ mang tính tương đối.

    Câu lạc bộ nữ đại gia nghìn tỷ còn những ai?

    Ngoài bà Thảo và những người phụ nữ liên quan các tỷ phú USD, danh sách nữ đại gia nghìn tỷ tại Việt Nam không thể thiếu Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Bà Khanh hiện giữ 42,8% cổ phần tại Vĩnh Hoàn, tương ứng khối tài sản 3.500 tỷ đồng. 

    Một nữ doanh nhân Việt nghìn tỷ cũng hoạt động trong lĩnh vực thủy sản là bà Chu Thị Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, với 2.500 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Bà Bình được dư luận biết đến nhiều trong 2 năm qua sau sự cố mất 245 tỷ đồng tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank. 

    Ba bóng hồng còn lại trên thương trường Việt sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đều có điểm chung khi đều là người thân của những ông trùm ngân hàng một thời. 

    Đầu tiên là bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Tài sản trên sàn chứng khoán của bàn Lan được định giá hơn 1.800 tỷ với gần 70 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng ACB và 15 triệu cổ phiếu Ngân hàng Viet Bank.

    Tiếp theo là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung, vợ của cựu Chủ tịch Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình. Bà Dung chính là cổ đông lớn nhất tại PNJ với 9% cổ phần, tương ứng khối tài sản 1.600 tỷ đồng.

    Ngoài ra, nữ tướng PNJ còn đứng tên gần 10 triệu cổ phiếu Ngân hàng Đông Á. Nhưng ngân hàng này hiện vẫn nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước nên cổ phiếu không được giao dịch. Do đó, khối tài sản của bà Dung tại Ngân hàng Đông Á không được thống kê. 

    Cái tên cuối cùng là bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái cựu Chủ tịch Ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành. Nữ chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công nắm trong tay 1.500 tỷ đồng nhờ số cổ phiếu tại các công ty trong Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình. 

    Viethome (theo Zing)

  • Sau khi khách hàng phản ánh hiện tượng xe VinFast Fadil bị chảy dầu, hãng xe Việt ngay lập tức khắc phục sự cố kịp thời.

    Đầu tháng 7, một khách hàng sở hữu xe VinFast Fadil tại Hà Nội bất ngờ chia sẻ về hiện tượng chiếc xe của mình bị chảy dầu trong quá trình vận hành. Nội dung chia sẻ này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng những người sử dụng xe VinFast, đặc biệt khi đây mới chỉ là lần sử dụng đầu tiên của chủ xe này.

    VinFast Fadil của một chủ xe ở Hà Nội gặp sự cố ngay lần đầu lăn bánh.

    "Hôm nay mới chính thức lái xe ra đường. Quãng đường đi từ Phạm Văn Đồng đến Trần Duy Hưng không vấn đề gì, tuy nhiên, khi xuống hầm Vincom Trần Duy Hưng thì xe báo tinh tinh inh ỏi đầy tap-lô, nổi đèn bình dầu và chữ "oil change" trên mặt đồng hồ thông tin. Khói bốc mù mịt đầy nóc capo xe", người dùng thuật lại quá trình xảy ra sự việc.

    Theo chia sẻ của chủ xe, ngay sau khi xảy ra sự cố người này nhanh chóng tắt máy và xuống kiểm tra thì thấy chất lỏng chảy đầy mặt đất. Khi kỹ thuật viên VinFast tới hiện trường đã xác định chất lỏng này là nước làm mát.

    Đội cứu hộ xác định chiếc xe không bị va chạm dưới gầm và di chuyển nó về Chevrolet Hà Đông kiểm tra toàn diện cũng như xác định nguyên nhân chảy nước làm mát như trên.

    Được biết chiếc VinFast Fadil này bàn giao vào tháng 6 và tới nay mới được lấy ra để sử dụng. Chủ xe đặt cọc ở thời điểm mở bán đầu tiên.

    Đội ngũ chăm sóc khách hàng của VinFast đã làm việc với chủ xe Fadil nói trên và thông báo kiểm tra lại xe cũng như tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

    Đại diện hãng xe cho biết đội ngũ kỹ thuật đã kiểm tra nguyên nhân dẫn đến việc khói bốc ra là do sôi nước làm mát, bởi quạt làm mát két nước bị tụt giắc trong quá trình vận hành. Cách xử lý đơn giản chỉ là cắm lại giắc, bổ sung nước làm mát.

    Để chủ xe Fadil cảm thấy yên tâm hơn, hãng xe Việt còn hỗ trợ thay toàn bộ dầu động cơ chiếc xe. Hướng giải quyết nhanh chóng này của VinFast đã nhận được sự đồng thuận từ cả 2 phía.

    Trước đó, VinFast Fadil từng bị người dùng phản ánh về việc xe không có ốp chắn bùn sau, gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của xe.

    Cụ thể, kể từ ngày 31/7, chủ sở hữu xe VinFast Fadil có thể mang xe đến các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của đơn vị này trên toàn quốc để lắp đặt miễn phí chi tiết này. Thời gian lắp đặt ốp chắn bùn sau cho 2 bên bánh xe dự kiến là 30 phút.

    Ngoài việc trang bị thêm miễn phí cho các mẫu xe đã bán ra thị trường, đơn vị này cũng bổ sung thêm cho những chiếc xe chuẩn bị xuất xưởng, nhằm đảm bảo sản phẩm phù hợp hơn với điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam.

    Viethome (theo VTC)

  • Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đủ sức mua nhiều công ty lớn trên sàn chứng khoán. Ông Vượng đang là người giàu thứ 204 trên thế giới, theo số liệu của Forbes.

    Ảnh: VnDirect

    Những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup liên tục tăng giá và xác lập những kỷ lục mới. Trong phiên sáng 29/7, VIC đã lên 124.200 đồng/cổ phiếu và chính thức đưa tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt mốc 10 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam.

    Ông Phạm Nhật Vượng hiện trực tiếp sở hữu 876 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu hơn 989 triệu cổ phiếu VIC thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Đây là công ty do ông Vượng nắm giữ 92,88% vốn.

    Với việc sở hữu 1,865 tỷ cổ phiếu VIC, tài sản ông Vượng hiện có giá trị khoảng gần 232 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 30% so với hồi đầu năm.

    Theo tính toán, tài sản của ông Vượng còn vượt qua cả vốn hóa nhiều công ty lớn trên sàn chứng khoán như Vinamilk (214 nghìn tỷ), Sabeco(181 nghìn tỷ), Masan (94 nghìn tỷ)...

    Ảnh: VnDirect

    Theo ghi nhận của Forbes, tính đến ngày 28/7, tài sản của ông Vượng có giá trị 8,1 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với số liệu hồi tháng 3/2019.

    Với việc tài sản tăng mạnh, thứ hạng của ông Vượng trong danh sách người giàu thế giới cũng được cải thiện. Từ vị trí thứ 239, ông Vượng hiện đã lên vị trí thứ 204. Có thể, sau khi cập nhật giá cổ phiếu Vingroup ngày 29/7, ông Vượng sẽ lọt top 200 người giàu nhất hành tinh.

    Trong 2 năm trở lại đây, Tập đoàn Vingroup của ông Vượng mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp, công nghệ như sản xuất ô tô, smartphone, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu bộ gen người Việt. Mới đây, Vingroup còn thành lập Công ty hàng không Vinpearl Air và mở trường đào tạo phi công, thợ máy với mục tiêu gia nhập thị trường hàng không trong tương lai không xa.

    Ngày 28/7 vừa qua, Vingroup đã chính thức bàn giao những chiếc xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 đầu tiên cho khách hàng. Trong thời gian tới, VinFast dự kiến bàn giao 200 xe, theo đúng tiến độ đề ra.

    Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu thời khắc những chiếc xe hơi Việt đẳng cấp quốc tế, do chính khách hàng chọn lựa chính thức tham gia thị trường.

    Lux A2.0 và Lux SA2.0 là hai mẫu xe thể hiện trọn vẹn giá trị cốt lõi “Việt Nam - Phong cách - An toàn - Sáng tạo - Tiên phong” của nhà sản xuất ô tô VinFast; do chính người tiêu dùng chủ động chọn lựa từ 20 bản vẽ phác thảo trong chương trình “Chọn xế yêu cùng VinFast 1” năm 2017.

    Lô 200 xe VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0 đầu tiên sẽ bắt đầu được bàn giao cho khách hàng từ ngày 28/7/2019.

    Không chỉ được coi là hai mẫu xe “quốc dân” tại Việt Nam, dòng xe Lux của VinFast cũng được cộng đồng quốc tế công nhận là “Ngôi sao mới” của công nghiệp ô tô thế giới, tại triển lãm Paris Motor Show 2018.

    Sau 21 tháng triển khai quyết liệt, VinFast đã đưa Lux A2.0 và Lux SA2.0 từ các mẫu phác thảo sơ bộ trở thành những lô xe thương mại và sẵn sàng tiến ra thị trường.

    Để chào mừng dấu mốc mang tính bước ngoặt trong ngành công nghiệp ô tô Việt, ngày 28/7/2019, VinFast đã tổ chức Lễ bàn giao xe đặc biệt tại nhà máy (thuộc khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng). Lần đầu tiên tại Việt Nam, người mua xe sẽ được tận mục sở thị dây chuyền sản xuất; đồng thời sẽ có những hoạt động ghi dấu cá nhân lên chiếc xe của mình theo cách “chưa từng có” tại Việt Nam.

    “VinFast vô cùng cảm kích trước sự tin tưởng và ủng hộ nhiệt thành của đồng bào, đặc biệt là hơn 10.000 khách hàng đã đặt mua xe khi sản phẩm vẫn trong giai đoạn thiết kế concept. Chính vì thế, chúng tôi không chỉ nỗ lực ngày đêm để bàn giao xe đúng tiến độ và chất lượng cam kết, mà còn cố gắng mang đến những trải nghiệm thật sự độc đáo, riêng có dành cho những khách hàng đã tin tưởng, ủng hộ VinFast từ những ngày đầu. Sự yêu mến của người tiêu dùng chính là động lực để VinFast tiếp tục phát huy tinh thần Việt Nam, cung cấp cho người dân không chỉ những chiếc xe hơi tốt nhất mà còn cả trải nghiệm và dich vụ người dùng đẳng cấp nhất”, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast chia sẻ.

    Ngay sau khi bàn giao lô 200 xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 đầu tiên cho khách hàng, VinFast cũng sẽ trưng bày và tổ chức các chương trình lái thử, trải nghiệm xe Lux tại hệ thống đại lý ủy quyền và showroom VinFast trên toàn quốc.

    VinFast Lux 2.0 là dòng xe đầu tiên, đặt nền tảng cho thương hiệu VinFast. Với sự hợp tác từ các tên tuổi công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới như Pininfarina, BMW, Magna Steyr, AVL… VinFast Lux 2.0 hội tụ tinh hoa thế giới: “Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức – Tiêu chuẩn quốc tế”.

    Trong đó, VinFast Lux A2.0 là mẫu xe sedan 5 chỗ, động cơ I-4 DOHC 2.0L, công suất tối đa 174 mã lực, mô-men xoắn cực đại 300 Nm ở bản tiêu chuẩn - và 228 mã lực, 350 Nm ở bản cao cấp. VinFast Lux SA2.0 là mẫu xe SUV 7 chỗ, động cơ 228 mã lực, 350 Nm mô-men xoắn. Cả hai đều đi kèm hộp số ZF tự động 8 cấp, hệ dẫn động cầu sau hoặc hai cầu (đối với mẫu Lux SA2.0), hệ thống treo trước, sau độc lập mang lại trải nghiệm lái đỉnh cao.

    Đặc biệt, dòng Lux 2.0 của VinFast được trang bị 6 túi khí, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), phân bổ lực phanh điện tử (EBD), hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA), cân bằng điện tử (ESC), chống trượt (TCS), hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HSA), chống lật (ROM)… đảm bảo an toàn tối đa cho người sử dụng.

    Bên cạnh động cơ mạnh mẽ và các tính năng an toàn đẳng cấp – hai mẫu Lux 2.0 còn nổi bật bởi thiết kế nội, ngoại thất sang trọng và thời thượng. Cả hai xe đều được trang bị cao cấp với hệ thống đèn chiếu sáng LED, la-zăng hợp kim nhôm cỡ lớn, nội thất bọc da cao cấp, hệ thống điều hòa tự động hai vùng độc lập và hệ thống giải trí hiện đại, tiện nghi. Khách hàng cũng có thể chủ động cả nhân hóa chiếc xe theo sở thích với nhiều lựa chọn đa dạng, bên cạnh hai phiên bản có sẵn là tiêu chuẩn và cao cấp.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Khách hàng khá hài lòng khi phản hồi về vô lăng xe Fadil đã được VinFast hỗ trợ nhanh chóng, trách nhiệm. Cũng trong thời gian này, hãng xe tung chương trình ưu đãi hấp dẫn cho người mua xe.

    VinFast được lòng khách hàng về chế độ hậu mãi

    Một tháng kể từ ngày VinFast chính thức bàn giao Fadil cho những khách hàng đầu tiên đặt cọc mua xe, trong một chương trình có quy mô lớn với 650 xe trong một ngày, những phản hồi và chế độ hậu mãi của hãng xe Việt đang nhận được sự hài lòng của khá nhiều người.

    Mới đây, trên diễn đàn Hội VinFast Fadil Việt Nam với cả nghìn thành viên, vị khách có tài khoản Facebook Thu.T. Huu (trú tại Hải Phòng) đã chia sẻ câu chuyện về chiếc Fadil nhận được không ít sự quan tâm.

    Theo vị khách này, sau khi anh bày tỏ thắc mắc về hiện tượng vô lăng xe có dấu hiệu bị bong khi sử dụng, anh đã rất bất ngờ khi nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng của ekip VinFast. Theo đó, có 4 nhân viên kỹ thuật VinFast từ Hà Nội xuống Hải Phòng hẹn khách để thay cho vô lăng mới.

    "Mình ấn tượng ở đây là bên Vin chưa cần xác định lỗi do người dùng hay do sản xuất mà đã thay ngay cái mới, mang cái cũ về kiểm tra xem lý do là gì", T.Huu chia sẻ.

    Hình ảnh nhân viên hãng xe VinFast hỗ trợ khách hàng được đăng tải trên Facebook.

    Dòng chia sẻ về trường hợp bản thân nhận được sự hỗ trợ của VinFast nhận được nhiều phản hồi. Các vị khách đánh giá, việc thực hiện chế độ hậu mãi nhanh chóng của hãng xe Việt đã gây được thiện cảm cho khách hàng.

    "Giải quyết nhanh gọn, có trách nhiệm cao, hợp tình, hợp lý, tạo sự vững tin cho khách hàng đã, sẽ sử dụng xe VinFast.", tài khoản Trần Đ. Cường bình luận.

    "Mình thấy chỉ cần thay miếng nhựa đã là được rồi. Đằng này thay ngay cả cái vô lăng mới. Quá tuyệt vời", tài khoản Hero.N nhận xét.

    Có những ý kiến cho rằng, cái họ hài lòng chính là thái độ tận tình và trách nhiệm với sản phẩm, của ekip VinFast. Mặc dù đây chỉ là chiếc xe hạng A, nhưng khách hàng có cảm giác họ đang được đối xử như sở hữu chiếc xe giá trị ngang ngửa siêu xe trị giá hàng chục tỷ.

    "Cảm giác mua xe hạng A như vừa đặt về 1 con Pagani Huayra và được hãng cho nhân viên xuống bảo hành", N. Hoàng so sánh vui.

    Đây không phải lần đầu, chính sách hậu mãi của hãng xe Việt nhận được sự quan tâm của cộng đồng xe Fadil và truyền thông.

    Trước đó, mẫu xe Fadil từng bị người dùng phản ánh về việc không có chắn bùn phía sau và VinFast cũng đã bổ sung miễn phí cho tất cả xe Fadil đã bàn giao trên toàn quốc, đồng thời bổ sung thêm trang bị này cho những chiếc xe chuẩn bị xuất xưởng, nhằm đảm bảo sản phẩm phù hợp hơn với điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam.

    Theo VinFast, kể từ ngày 31/7/2019, chủ sở hữu xe VinFast Fadil có thể mang xe đến các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của VinFast trên toàn quốc để lắp đặt miễn phí chi tiết này. Thời gian lắp đặt ốp chắn bùn sau cho 2 bên bánh xe dự kiến là 30 phút.

    Khuyến mại "khủng" tháng 7 cho Fadil

    Bên cạnh đó, thông tin mới nhất về chương trình khuyến mại từ hãng xe VinFast hiện đang được nhiều khách hàng quan tâm. Theo đó, chương trình khuyến mại VinFast Fadil từ 18/7- 31/08, dành gói ưu đãi trị giá 15 triệu đồng cho khách hàng có nhu cầu mua chiếc xe hạng A.

    Mẫu xe hạng A Fadil ưu đãi từ nay đến hết tháng 8.

    Theo đó, gói ưu đãi bao gồm, gói bảo hiểm thân vỏ ô tô VinFast Fadil trị giá 7 triệu đồng; gói dịch vụ bảo dưỡng – thay dầu xe ô tô VinFast Fadil tương đương 3 năm hoặc 45.000km (tùy điều kiện nào đến trước) trị giá 8 triệu đồng.

    Theo VinFast, trường hợp khách hàng đã chủ động mua bảo hiểm thân vỏ thì sẽ được nhận lại 7 triệu đồng tiền mặt, tương đương với giá trị gói bảo hiểm mà VinFast dành tặng khách hàng.

    Đối tượng khách hàng được hưởng gói ưu đãi bao gồm khách hàng sẽ nhận xe (xuất hóa đơn) VinFast Fadil từ 15/07/2019 đến 31/08/2019 và cả khách hàng đã nhận xe (xuất hóa đơn) trước ngày 15/07/2019.

    Toàn bộ các khoản ưu đãi nêu trên không được quy đổi ra ra tiền hay bất cứ hình thức khác ngoài quy định của chương trình.

    Khoản ưu đãi chỉ áp dụng cho khách hàng mua xe sử dụng cuối cùng không chấp nhận cho trường hợp xuất hóa đơn mua bán qua trung gian.

    Song song với chương trình ưu đãi, VinFast sẽ tổ chức sự kiện lái thử xe VinFast Fadil từ nay đến 31/08/2019 tại 32 Đại lý ủy quyền, Showroom của hãng.

    VinFast Fadil là mẫu xe đô thị đa dụng được trang bị động cơ mạnh nhất phân khúc với dung tích 1.4L, công suất 98 mã lực, mô-men xoắn cực đại 128 Nm, đi kèm hộp số vô cấp CVT.

    Xe được trang bị một loạt tính năng an toàn cao cấp như 6 túi khí, hệ thống cân bằng điện tử (ESC), chống bó cứng phanh (ABS), hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HSA), phân bổ lực phanh điện tử (EBD)…

    Viethome (theo Báo Dân sinh)

  • Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức nhảy vào lĩnh vực hàng không khi thành lập Công ty Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh là vận tải hành khách hàng không.

    <

    Mới đây thông tin về doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air xuất hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

    Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, công ty này có mã số doanh nghiệp và mã số thuế là 0108712524, bắt đầu hoạt động từ ngày 22/4.

    Trước đó, mã số thuế trên thuộc về Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia, doanh nghiệp có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

    <

    Ngày 29/5 vừa qua, phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho Công ty CP Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia đổi tên thành Công ty CP Hàng không Vinpearl Air. Cùng với việc đổi tên, ngành nghề kinh doanh chính của công ty cũng được thay đổi từ kinh doanh bất động sản sang vận tải hành khách hàng không.

    Theo thông tin đăng ký, hãng hàng không mới này có trụ sở tại tầng 2 khu Almaz Market, đường Hoa Lan, Khu đô thị sinh thái, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, tức nằm trong khuôn viên khu đô thị Vinhomes Riverside của Vingroup. Vốn điều lệ của Vinpearl Air là 1.300 tỷ đồng. 

    Doanh nghiệp này hiện đăng ký 9 ngành nghề kinh doanh, bao gồm vận tải hành khách hàng không; vận tải hàng hóa hàng không; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; dịch vụ ăn uống khác; dịch vụ phục vụ đồ uống; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; quảng cáo và đại lý du lịch. Trong đó, ngành nghề chính của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air là vận tải hành khách hàng không.

    Vinpearl Air được đăng ký hoạt động dưới dạng công ty cổ phần với 3 cổ đông sáng lập: công ty CP Phát triển du lịch VinAsia góp 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp 30% và ông Phạm Khắc Phương góp 25% tổng số vốn. Như vậy, cổ đông lớn nhất của Vinpearl Air là công ty CP Phát triển du lịch VinAsia, tiền thân là Công ty CP Phát triển du lịch Nam Hà, được thành lập vào tháng 6/2017.

    Cổ đông lớn thứ hai của Vinpearl Air, ông Hoàng Quốc Thủy từng được biết đến với vai trò Tổng giám đốc Công ty Đầu tư kinh doanh và phát triển Quang Thái, thành lập hồi tháng 10/2016.

    Cổ đông cuối cùng, ông Phạm Khắc Phương từng nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong ban lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cũng như Vinpearl. Ông Phương sinh năm 1967 xuất phát là một kỹ sư. Ông gắn bó với Vingroup từ khi tập đoàn này còn kinh doanh ở Ukraina với tên gọi Technocom. Đến năm 2007, ông là Trưởng ban kiểm soát Công ty Cổ phần Vincom…

    Người đại diện có tên Nguyễn Thanh Hương, sinh năm 1972. Theo hồ sơ mới nhất, bà Hương giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty trong khi trước đó bà nắm giữ vị trí Tổng giám đốc. Hiện bà Hương còn là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Nhất Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam. Hồi cuối năm 2018, Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn Thông A thuộc sở hữu của doanh nghiệp này.

    Đại diện Tập đoàn Vingroup vừa xác nhận thông tin về việc tập đoàn này đã thành lập Công ty Vinpearl Air hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

    Hiện Việt Nam đang có 5 hãng bay chuyên chở lượng hành khách đáng kể là Vietjet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco và mới nhất là Bamboo Airways.

    Thị trường hàng không Việt Nam 2 năm gần đây trở nên sôi động. Hồi đầu năm, hãng hàng không Bamboo Airways đã chính thức vận hành. Bên cạnh đó, còn 2 doanh nghiệp khác đang muốn thành lập hãng hàng không là Vietravel Airlines do Vietravel sở hữu và Thiên Minh Airlines do Tập đoàn Thiên Minh thành lập.

    Cùng với việc thành lập Công ty Vinpearl Air, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã ký kết với Tập đoàn CAE (Canada) một thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

    Theo kế hoạch này, trường đào tạo phi công và thợ máy của Vingroup dự kiến mỗi năm đào tạo được 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA. Vingroup cũng dự kiến đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy; huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tếvận tại hàng không và kỹ sư máy bay.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • "Với uy tín của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào mà Vingroup tung ra thị trường đều bán rất chạy" - bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup nói với phóng viên Financial Times trong một cuộc gặp tại văn phòng mới của VinFast.

    Cách đây vài tuần, tôi (phóng viên của Financial Times) đã có một chuyến thăm Việt Nam. Từ Hà Nội đi về phía Đông, tôi có mặt tại thành phố cảng Hải Phòng. Tài xế đưa tôi qua một con đường nhỏ đến đảo Cát Hải, nơi có nhà máy của thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam, VinFast.

    Đó là một dự án trị giá 3,5 tỷ đô USD của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, được điều hành bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhà máy đã được xây dựng trong khoảng 21 tháng - một công cuộc thần tốc đến nỗi, khi tôi mở Google Maps để kiểm tra vị trí của chúng tôi, ứng dụng định vị rằng tôi đang đứng giữa biển.

    Tại Việt Nam, Vingroup ngày càng giống với hình mẫu của một chaebol Hàn Quốc, một tập đoàn công nghiệp, như Huyndai hay Samsung, không chỉ thống lĩnh thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

    Tập đoàn Vingroup, khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh mì gói ở Ukraine đã lần lượt thành công trong lĩnh vực bất động sản, khu nghỉ dưỡng rồi mở rộng sang các siêu thị, trường học, y tế và gần đây là điện thoại thông minh và xe hơi.

    Vingroup cũng đã xây dựng một khách sạn năm sao và tòa nhà Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Đông Dương ở thời điểm hiện tại - một vị trí đắc địa để ngắm nhìn toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

    Khi F1 tổ chức cuộc đua đầu tiên tại Hà Nội vào năm tới, Vingroup sẽ là nhà tài trợ độc quyền. Hôm nay, người Việt có thể sống ở Vinhomes, gửi con cái họ đến Vinschool (và, từ năm 2020 sẽ có VinUni), đi nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng ở Vinpearl và sạc xe tay ga điện VinFast của họ tại VinMart. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch của Vingroup cho biết công ty sẽ là một nhà cung cấp hầu như đầy đủ hàng hóa và dịch vụ từ cơ bản đến trọng điểm cho một quốc gia đang tăng trưởng mạnh mẽ.

    "Với uy tín của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào mà Vingroup tung ra thị trường đều bán rất chạy" - bà Thủy nói với Financial Times trong một cuộc gặp tại văn phòng mới của VinFast.

    Sự phát triển của Vingroup đã phản ánh rằng Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Nhà sáng lập Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đồng thời cũng là người giàu nhất trong số năm tỷ phú của Việt Nam, theo tạp chí Forbes.

    Theo nhóm nghiên cứu thị trường Nielsen, tiền lương trung bình của người Việt tăng 17% và thu nhập khả dụng cá nhân tăng 29% trong giai đoạn 2014-2018. Tiền lương sẽ tăng thêm 30% và thu nhập sẽ còn tăng thêm 26% vào năm 2022. Nielsen lưu ý, tầng lớp giàu có ở Việt Nam đang tăng nhanh chóng, số lượng triệu phú ở Việt Nam sẽ tăng 170% lên 38.600 vào năm 2025.

    Không khó để thấy rằng nhiều người đang dành tình cảm cho Vingroup. Tập đoàn đã thành công trong việc tuyển dụng cả nhân lực Việt Nam, cả chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm về làm việc cho mình, bao gồm Jim DeLuca, cựu thành viên của General Motors, hiện đang là CEO của VinFast. 

    Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng công ty có thể sẽ gặp rủi ro khi đầu tư vào một ngành cạnh tranh như sản xuất ô tô.

    Giáo sư Vũ Hà Văn cho biết, nghiên cứu các ứng dụng dữ liệu lớn sẽ cho phép Vingroup cung cấp nhiều dịch vụ hơn khi hoạt động của họ mở rộng sang điện thoại và TV thông minh, nhà ở và ô tô. Ví dụ, các cửa hàng VinMart có thể sử dụng công nghệ để thu thập thông tin thời gian khách hàng ở lại trong một khu vực nhất định của cửa hàng, từ đó hiểu được nhu cầu mua sắm của họ.

    Trung tâm AI cũng đang tiến hành nghiên cứu nhằm giúp đỡ cộng đồng khoa học nói chung, bao gồm cả kế hoạch xây dựng bản đồ bộ gen người Việt Nam. Thông qua một chương trình có lợi cho sự phát triển của đất nước, với khu vực công nghệ cao mới thành lập, Vingroup đang hỗ trợ học bổng cho sinh viên tài năng mà không đòi hỏi họ sau này phải làm việc cho tập đoàn. "Chúng tôi tin rằng lực lượng lao động phát triển cũng sẽ có lợi cho bản thân chúng tôi" - ông Văn cho biết.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ/Financial Times)

  • Hình ảnh những chiếc xe VinFast Lux A2.0 và SA2.0 được ghi lại khi đang di chuyển trên đường phố châu Âu mà không cần ngụy trang.  

    Theo đó, 2 chiếc xe VinFast gồm Lux A2.0 và Lux SA2.0 vừa được trang tin motor.es của Tây Ban Nha ghi lại được ở miền Nam châu Âu, hình ảnh cho thấy 2 chiếc xe VinFast đang di chuyển một cách công khai và không cần ngụy trang để che logo hay ngoại thất như ở Việt Nam. Trang motor.es cũng cho hay, trên xe vẫn là các kĩ thuật viên của Magna, điều đó cho thấy 2 mẫu xe của Việt Nam đang trong quá trình chạy thử nghiệm.

    Trước đó, hơn 155 chiếc ô tô VinFast trong lô đầu tiên mới xuất xưởng sẽ được đưa tới 14 quốc gia thuộc 4 châu lục (Á, Úc, Phi, Âu) bằng đường hàng không để kiểm tra chất lượng và độ an toàn. Trong tổng số 155 chiếc ô tô VinFast được đưa ra nước ngoài thử nghiệm sẽ có 113 chiếc đã hoàn thiện và 42 chiếc bán hoàn thiện.

    Quá trình kiểm thử kéo dài liên tục từ nay đến tháng 8/2019 nhằm đảm bảo mọi sản phẩm VinFast đều đạt tiêu chuẩn cao của châu Âu và thế giới trước khi chính thức bán ra thị trường.


    Những chiếc xe VinFast lăn bánh ở trời Âu

    Tại Việt Nam, VinFast cũng đã đưa lô 58 xe Lux và Fadil tiến hành chạy thử tại Việt Nam. Sự kiện nằm trong chiến dịch kiểm thử xe VinFast tại quốc tế và trong nước, nhằm đảm bảo xe trải qua những bài kiểm tra đa dạng, ở mọi điều kiện khí hậu, địa hình, giao thông và đặc tính lái xe.

    Các chặng di chuyển dài từ 176km đến 350km từ Bắc vào Nam được Magna Steyr - đối tác danh tiếng thế giới đến từ Áo và VinFast phối hợp xây dựng nhằm vận hành ở đô thị, ngoại ô, đường cao tốc…, các địa hình khác nhau như đường đèo dốc, đường gập ghềnh, đường cát, đường ngập nước…, các điều kiện thời tiết thông thường hay kém thuận lợi như nắng gắt, sương mù, mưa lớn, giông bão…

    Viethome (theo tinnhanhonline)

  • Sáng 14/6, nhà máy ôtô VinFast khánh thành sau 21 tháng xây dựng, hoàn thiện.

    Nhà máy ôtô VinFast (Hải Phòng) được xây dựng trên diện tích 500.000 m2, khởi công từ cuối năm 2017 và hoàn thành sau 21 tháng. Theo thiết kế cứ mỗi giờ sẽ có 38 ôtô mang thương hiệu VinFast được sản xuất, xuất xưởng từ nhà máy này. 

    Sáng 14/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành Nhà máy ôtô VinFast. Ngoài kỷ lục tiến độ triển khai dự án trong 650 ngày, nhà máy này còn lập kỳ tích khi nhận được 10.000 đơn đặt hàng trước khi có xe thực tế một năm.

    Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup giới thiệu Thủ tướng về Nhà máy ôtô VinFast. Nhà máy này có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe một năm, tăng lên gấp đôi 500.000 xe vào năm 2025. 

    Ông Vượng tự lái xe điện chở Thủ tướng tham quan Nhà máy ôtô VinFast.

    Ông Phạm Nhật Vượng cầm lái chiếc SUV LUX 2.0, chở Thủ tướng trong khu vực đường chạy thử nhà máy. Từ tháng 7 tới, những chiếc xe dòng LUX A2.0 và LUX S A2.0 đầu tiên sẽ được giao cho khách hàng.

    Hệ thống robot tự động ABB được trang bị tại các phân xưởng sản xuất của VinFast. Hệ thống này trang bị hệ điều hành sản xuất thông minh, mang lại hiệu suất tối ưu. 

    Ngoài sở hữu chu trình sản xuất khép kín và tự động hóa cao, VinFast còn làm chủ được tất cả công đoạn cốt lõi, có khả năng tự sản xuất được những cấu phần chính của một chiếc ôtô. VinFast là cơ sở duy nhất tại Việt Nam có năng lực tự dập các tấm lớn (hơn 20 tấm cơ bản cho mỗi xe), và có khả năng gia công và sản xuất động cơ tại chỗ, theo tiêu chuẩn cao của châu Âu.

    Những chiếc xe Sedan đầu tiên đang được hoàn thiện và dự kiến giao cho khách từ tháng 7 tới. Trước đó, các mẫu xe VinFast đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm 6.000 km xuyên Việt trên nhiều loại địa hình khác nhau. 

    Chiếc xe dòng Sedan LUX A2.0 tăng tốc trên đường thử trong khuôn viên nhà máy. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • 9 nhân vật cốt cán được VinFast giới thiệu trong ban lãnh đạo công ty, trong đó có 2 nữ tướng trong tổng số 3 người Việt Nam.

    Có tổng cộng 9 người nằm trong ban lãnh đạo chính của VinFast. Ba trong số đó là người Việt. Họ đảm nhận những vị trí chủ chốt trong công ty như Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc cho đến phụ trách các khối chính.

    Người đầu tiên cần nhắc tới chắc chắn là bà Lê Thị Thu Thủy với chức danh Chủ tịch VinFast. Đây chính là người phát biểu mở màn cho buổi lễ ra mắt 2 dòng xe của VinFast tại sự kiện Paris Motor Show 2018 và được coi là cầu nối giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng với toàn bộ dự án tham vọng này. Bà Thuỷ từng có 7 năm gắn bó với Vingroup và đảm nhiệm vị trí mới tại VinFast từ tháng 8/2017. Bà từng nắm giữ nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại đây, trước đó có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.

    Từ năm 2000, bà Thuỷ đã là Phó Chủ tịch Lehman Brothers - một tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Hoa Kỳ. Từ năm 2008, bà Thuỷ chuyển sang Vingroup, giữ vị trí CEO và Phó Chủ tịch.

    Ông James DeLuca

    Ông James DeLuca đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc VinFast - người đồng hành với bà Thủy trong lễ ra mắt thương hiệu xe Việt Nam trên đất Pháp năm ngoái. Đây là vị lãnh đạo nổi tiếng của General Motors. Với hơn 16 năm gắn bó với hãng ô tô lớn của Mỹ, ông đã từng giữ nhiều vị trí quản lý sản xuất và cuối cùng lên tới chức Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu.

    Sau quyết định nghỉ hưu tại GM vào năm 2016, vị cựu lãnh đạo của công ty này đã được chiêu mộ về VinFast từ tháng 9/2017 bởi tài năng xuất chúng của ông.

    Ông Võ Quang Huệ

    Vị trí Phó Tổng Giám đốc Vingroup phụ trách VinFast thuộc về ông Võ Quang Huệ - một người Việt tiếp theo trong ban điều hành. Ông có tiểu sử "khủng" khi từng giữ chức Giám đốc điều hành của Bosch tại Việt Nam trong gần 10 năm. Ông cũng từng là trưởng phòng đại diện của BMW tại Ai Cập trong gần 7 năm.

    "Bản thân tôi là 24 năm 8 tháng làm trong Tập đoàn BMW. Tôi đã đi rất nhiều nước, tôi làm ở Mexico, ở Ấn Độ, ở Ai Cập, tôi đã phụ trách Đông Nam Á, tôi đã từng phụ trách đề án sản xuất xe BMW đầu tiên ở Việt Nam cách đây 24 năm và tôi đã quản lý một số sản phẩm ra đời của xe BMW tại một số thị trường Đông Nam Á. Cũng như các bạn đồng nghiệp như James DeLucs, Kevin Fisher và nhiều các bạn khác cũng đều thấy rất tự hào khi là thành viên của một đề án mang tinh thần Việt, một dấu ấn, một điểm nhấn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.", ông Huệ chia sẻ với báo giới.

    "Thực sự là tôi chuẩn bị về hưu rồi nên tôi rất bất ngờ được gặp anh Phạm Nhật Vượng trong một buổi sáng mà không bao giờ tôi quên được. Trong câu chuyện của chúng tôi trao đổi trong thời gian rất ngắn như vậy, tôi cũng phản biện, cũng nêu những câu hỏi để biết câu chuyện như thế nào. Tôi đã thực sự bất ngờ và bị thuyết phục ngay từ lúc ban đầu trước sự mãnh liệt của người lãnh đạo Tập đoàn Vingroup. Lúc đó anh Phạm Nhật Vượng đã định hướng cho tương lai của tập đoàn Vingroup là 10 năm tới sẽ là công ty hàng đầu Việt Nam có danh tiếng thế giới trong mảng công nghệ, công nghiệp và dịch vụ và VinFast là đề án đầu tiên theo định hướng mới đó.", vị phó Tổng Giám đốc Vingroup kể lại.

    Bà Nguyễn Thị Vân Anh (phải)

    Người thứ 2 giữ chức Phó Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Thị Vân Anh. Bà Vân Anh có chuyên môn cao trong lĩnh vực nhân sự. Tính đến thời điểm này, bà đã làm việc được 1 năm 7 tháng tại VinFast. Trước đó, bà từng là người đứng đầu bộ phận nhân sự của VPBank là đảm nhiệm những vị trí Giám đốc khu vực, Giám đốc điều hành của Navigos Search Vietnam.

    Các vị trí còn lại gồm ông Sam Casabene - Phó Tổng Giám đốc, khối Mua hàng, ông Kevin Fisher - Kỹ sư trưởng, ông Shaun Calvert - Phó Tổng Giám đốc, khối Sản xuất, ông Markus Leitner - Viện trưởng, viện Ô tô, và ông Roy Flecknell - Phó Tổng Giám đốc, Quản lý chương trình và Danh mục sản phẩm.

    Ông Sam Sasabene đã làm việc tại Ford trong hơn 39 năm. Từ năm 2007, ông giữ chức Phó Chủ tịch khối Mua hàng. Ông Kevin Fisher cũng có nhiều năm trong lĩnh vực ô tô. Vị trí gần đây nhất trước khi ông chuyển sang VinFast là Giám đốc Sáng tạo và Nghiên cứu nâng cao tại GM. Cùng từng làm việc tại GM, ông Shaun Calvert đã giữ chức Giám đốc Hệ thống sản xuất và Hỗ trợ. Ông Roy Flecknell cùng từng là nhân sự chủ lực tại GM.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Hiếm khi xuất hiện, ông chủ của Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng luôn khiến người khác tò mò về tất cả mọi thứ xung quanh ông.

    Khi tôi đặt bút viết bài này, những chiếc xe máy điện VinFast Klara đang lướt trên đường phố; hàng ngàn ô tô thương hiệu Việt đã được khách hàng đặt cọc mua. Trước đó, đầu tháng 10.2018, hai mẫu ô tô đến từ Việt Nam của tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã có màn ra mắt hoành tráng ở Paris Motor Show - sân khấu lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

    Tháng 12.2018, điện thoại thông minh của Vingroup cũng chính thức ra mắt người tiêu dùng nội địa. Tập đoàn này cũng đang khiến dư luận phát sốt với việc đưa giải đua xe F1 danh giá thế giới về VN... sau ánh hào quang đó, có nhiều chuyện ít người biết về tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng.

    Khát vọng làm đẹp cho đời

    Một doanh nhân là bạn của ông Phạm Nhật Vượng thời học ở Nga và làm ăn bên Ukraine kể: Khi hoàn thành khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl tại đảo Hòn Tre, Nha Trang (Khánh Hòa), dự án đầu tiên của Tập đoàn Vingroup ở Việt Nam, Vingroup đã mời những người bạn, những doanh nhân, đối tác từ Ukraine, Nga qua Việt Nam chơi. “Gần nửa máy bay hôm đó là để chứa thực phẩm. Bởi trong suy nghĩ của họ, Việt Nam là đất nước bị chiến tranh tàn phá, nghèo, lạc hậu, nên họ mang thực phẩm đi để dự phòng”. Đó là câu chuyện của hơn 2 thập niên trước nhưng cái “suy nghĩ của họ” lại ngấm sâu vào những du học sinh Việt Nam ở Nga ngày ấy. Những ánh mắt dò hỏi, thương hại của sinh viên bản địa trước hình ảnh sinh viên Việt Nam sẵn sàng đạp tuyết, xếp hàng buôn bán vài hộp dầu sao vàng, mấy chiếc quần jeans, áo gió... đã khơi dậy trong lòng các sinh viên Việt Nam khát khao khẳng định mình. Họ khát khao được cống hiến, góp phần giúp đất nước phát triển.

    Rất nhiều doanh nhân từ Ukraine đã trở về trong tâm thế như vậy. “Những người bạn Nga, Ukraine hết sức bất ngờ khi thấy một resort xinh đẹp, hiện đại như Vinpearl. Họ không thể hình dung, Việt Nam đã phát triển như vậy”, vị này kể. Đoàn khách đã được đón tiếp, thết đãi nồng ấm và chu đáo. Những người bạn Việt Nam không chỉ muốn giới thiệu về một đất nước xinh đẹp, thân thiện, phát triển. Trong lòng họ còn muốn truyền đi một thông điệp, con người Việt Nam cũng giỏi giang, có thể làm được tất cả những gì mà thế giới làm được.

    Ông Phạm Nhật Vượng không kể câu chuyện đó nhưng nội hàm triết lý “muốn làm đẹp cho đời” của ông lại bao hàm đầy đủ ý nghĩa đó. Ông phát triển rất nhanh các dự án bất động sản từ du lịch, trung tâm thương mại, khu đô thị... “quan trọng là làm sao cho đẹp, góp phần thay đổi bộ mặt đất nước mình một chút”. Ông miệt mài mở rộng Vinmart, Vinmart + vì xác định hệ thống phân phối là xương sống của nền kinh tế, nếu không nắm được thì hàng hóa Việt khó có chỗ đứng trên sân nhà. Ông xây dựng hệ thống trường học phi lợi nhuận để “ươm mầm tinh hoa”, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sẵn sàng cấp học bổng toàn phần cho những nhân tài của đất nước... Trong suốt quãng đường “làm đẹp cho đời” đó, ông vẫn trăn trở với khát vọng xây dựng thương hiệu Việt được thế giới thừa nhận. Một thương hiệu mà khi nhắc tới, người ta nhận diện ra Việt Nam, như Honda, Toyota, Sony... của Nhật; Samsung, Hyundai của Hàn Quốc.

    Hành trình từ khách sạn đến ô tô

    Ban đầu, ông Phạm Nhật Vượng chọn Vinpearl, thương hiệu bất động sản du lịch của tập đoàn, trong chiến lược đi ra thế giới. Vingroup đã quy hoạch 9 nước để “cắm cờ Việt Nam”, theo cách nói của ông Vượng, gồm Mỹ, Úc, Canada, Singapore... “Cách đây 50 - 70 năm, Sheraton, Accor cũng bắt đầu từ con số 0 thì tại sao chúng ta lại không làm”, ông nói.

    Ông thừa nhận, ở các nước này, tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 4 - 5%, không đủ để trả lãi ngân hàng. Thế nhưng “vì thương hiệu Việt trước đã. Hiện diện ở đó có lợi cho thương hiệu của mình”, ông Vượng nói.  

    Kế hoạch này đã thay đổi, sản phẩm được chọn là ô tô. Nhưng trước VinFast, ông Vượng đã tính tới bánh kẹo, bia, nước ngọt. Rồi ông lại trăn trở. “Làm những sản phẩm này thì không có cửa để cho một thương hiệu đẳng cấp quốc tế được...”. Đó là thực tế. Đi sau cả thế kỷ, chen vào đã khó, đừng nói đến chuyện cạnh tranh hay định vị thương hiệu Việt trên bản đồ quốc tế. Nhưng tất cả những khó khăn không đủ sức ngăn cản khát vọng của doanh nhân đó. Tấm biển quảng cáo ô tô chạy ngang tầm mắt trên đường từ sân bay về trụ sở Vingroup sau chuyến công tác đã khiến ông nảy ra ý tưởng chọn ô tô. “Trong thời đại công nghệ, công nghiệp thay đổi chóng mặt như thế này thì đó là cửa của mình”, ông nói.

    “Cửa” theo giải thích của ông Vượng là cuộc cách mạng xe điện mới bắt đầu khoảng 1 thập niên đã “vẽ lại bản đồ ngành công nghiệp xe hơi”. Mà “vẽ lại” thì cơ hội chia đều cho tất cả và ông không bỏ lỡ cơ hội đó. Khi Vingroup tuyên bố rẽ sang ô tô, thiên hạ bảo điên rồ. Cũng dễ hiểu. Giấc mơ về ngành công nghiệp ô tô đã được Việt Nam lên kế hoạch gần 3 thập niên trước nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Bỗng một ngày đẹp trời, doanh nghiệp tay ngang Vingroup tuyên bố sản xuất ô tô. Đừng đùa. Ô tô đâu phải mì gói, bia, bánh kẹo... có tiền thì nhảy vào làm. Ô tô không chỉ tiền mà rất rất nhiều tiền và rất rất nhiều yêu cầu, điều kiện khác nữa. Đúng là điên rồ. Thế nhưng từ khi tuyên bố cho tới khi hai mẫu ô tô thương hiệu Việt xuất hiện tại triển lãm lớn nhất thế giới về ô tô trong sự kinh ngạc của thế giới chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 năm. Ông Phạm Nhật Vượng đã chính thức ghi tên VinFast vào bản đồ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

    Tôi đọc ở đâu đó nhận xét về ông Vượng trong thực hiện các dự án là “tốc độ không giới hạn”. Nhưng không chỉ thực thi, ông cũng là người ra quyết định cực nhanh. Nhiều đại dự án của Vingroup được quyết định trong vài tiếng đồng hồ và hiện đang là những dự án thành công. Những ai làm việc hay từng tiếp xúc với ông Vượng đều biết rõ điều đó. Nhanh và hầu hết chuẩn xác.

    Trước mặt là rất nhiều núi cao

    Năm 2017, tôi đã tham dự vài buổi ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp đào tạo gần 1.000 lãnh đạo của tập đoàn. Ông nói về quản trị, marketing, về những sự việc điển hình xảy ra trong tập đoàn và cách xử lý... Tất cả đều súc tích, dễ hiểu và hết sức thiết thực. Cuộc đào tạo luôn được công bố trước về thời gian. Nếu là 1 giờ thì đúng boong 1 giờ, ông Vượng đứng lên. Chính xác đến từng phút. “Trước khi đào tạo, anh có soạn giáo án không?”. “Soạn chứ. Nói về marketing phải nghiên cứu cả đống sách marketing. Mình có thể nói câu chuyện thực tiễn nhưng từ chuyên môn cũng phải nói cho chuẩn. Phải làm việc một cách nghiêm túc chứ không phải đùa đâu”... Tôi hỏi ông có nghe người ta nói “ở nhà Vinhome, đi học Vinschool, khám bệnh Vinmec... hay không”. Ông bảo ông đang ăn thịt, cá, thực phẩm của các công ty khác sản xuất; sử dụng quần áo, giày dép của những doanh nghiệp khác... 

    Hiện Vingroup đã trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam nhưng với ông Phạm Nhật Vượng, tập đoàn này mới chỉ leo lên đỉnh đồi, phía trước vẫn còn rất nhiều núi...

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Vingroup tiết lộ phát triển một loạt các sản phẩm công nghệ và đầu tư nghiên cứu, thành lập mạng lưới công nghệ.

    Chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam ngày 9/5, Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết Vingroup xác định sẽ là tập đoàn công nghệ hàng đầu trong 10 năm tới. Công nghệ đang là 1 trong 3 trụ cột chính của doanh nghiệp này bên cạnh công nghiệp và thương mại dịch vụ.

    Vingroup cũng đã thành lập khối Vintech - Vinfast - VinSmart cùng nhiều công ty công nghệ con khác.

    VinTech như "thung lũng Silicon"

    Dự án VinTech City được bà Thủy giới thiệu sẽ hướng đến trở thành thung lũng Silicon tại Việt Nam, ươm mầm cho các công ty công nghệ mới thành lập. Theo bà Thủy, đây là cách tiếp xúc đỉnh cao ngay từ đầu.

    Lãnh đạo Tập đoàn cho biết đang có kế hoạch thành lập Mạng lưới nghiên cứu VinTech toàn cầu tại các nước mạnh về sáng tạo công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức... Vingoup cũng hợp tác với những tập đoàn hàng đầu thế giới để học hỏi và tiếp cận công nghệ nghệ lõi, rút ngắn thời gian. Đây là cơ sở để doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm như ôtô, xe máy, điện thoại chỉ trong thời gian ngắn.

    Ở hướng khác,Vingroup tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao và áp dụng vào sản phẩm của mình.

    Ngoài điện thoại sẽ sản xuất điều hòa, TV, tủ lạnh

    Với VinSmart, bà Thủy chia sẻ, đến cuối năm 2018, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường 4 mẫu điện thoại, dự kiến, năm 2019 thêm 12 mẫu. VinSmart đã chủ động động thiết kế được hệ điều hành riêng.

    Hiện tại Vinsmart đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất điện thoại với công suất 100 triệu máy/năm và sẽ lắp đặt máy móc giai đoạn đầu cho 30 triệu máy/năm.

    Ngoài điện thoại, Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G...


    Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

    Bên cạnh đó, Vingroup cũng phát triển dự án “trợ lý bác sĩ" ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng với công nghệ hình ảnh máy tính (computer vision) và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) giúp giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán.

    "Nếu thành công, Vingroup sẽ tặng miễn phí ứng dụng này cho tất cả các bệnh viện trong toàn quốc để áp dụng rộng rãi vì mục đích nhân đạo", bà Thủy cho biết.

    Còn thiếu chính sách hỗ trợ

    Lãnh đạo Vingroup cho rằng hiện tại Việt Nam vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ôtô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo.

    Bà Thủy cho rằng không có sự vào cuộc của Nhà nước sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp khi những sản phẩm công nghệ cao thì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp.

    Theo bà, Chính phủ có thể chủ trì tổ chức mạnh hơn nữa các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, đào tạo và đầu tư vào nghiên cứu một số công nghệ lõi để hỗ trợ các doanh nghiệp.

    Với doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể có những biện pháp động viên, thúc đẩy, tạo động lực và thậm chí là áp lực cho các doanh nghiệp buộc họ phải chuyển đổi.

    "Sự động viên tinh thần từ các lãnh đạo cấp cao, từ Chính phủ cũng rất quan trọng với các doanh nghiệp", bà Thủy nói và bày tỏ tin tưởng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu vào lĩnh vực công nghệ.

    Viethome (theo NDH)

  • Sau y tế và giáo dục, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tham gia vào lĩnh vực giao thông công cộng với hình thức phi lợi nhuận.

    Ngày 2/5/2019, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus, chính thức tham gia lĩnh vực vận tải hành khách.

    Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam.

    Dự kiến, VinBus sẽ cung cấp dịch vụ vận tải từ tháng 3/2020, bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

    VinGroup quyết định đầu tư xe buýt điện nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại (ảnh minh họa xe buýt chạy xăng dầu hiện nay)

    Vingroup cho biết VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Trước mắt, công ty sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất.

    Hiện nhà máy sản xuất xe buýt điện VinFast đang trong quá trình xây dựng và lắp đặt hệ thống nhà xưởng. Đối tác cung cấp công nghệ và linh kiện để sản xuất xe buýt điện cho VinFast là Siemens (Đức). Thành lập VinBus là bước đi cụ thể tiếp theo của Tập đoàn Vingroup trong chiến lược phát triển các dòng xe chạy điện thân thiện với môi trường nói chung và xe buýt điện nói riêng. 

    Về định hướng kinh doanh, VinBus sẽ hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Theo đó, 100% lợi nhuận thu được sẽ được công ty tái đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống và mở rộng địa bàn để đưa dịch vụ giao thông công cộng văn minh, hiện đại tới đông đảo người dân.

    "Tham gia cung cấp dịch vụ vận tải công cộng bằng loại hình xe buýt điện thông minh là một trong những bước đi quan trọng của Vingroup, nhằm mang đến các dịch vụ và trải nghiệm mới, ứng dụng công nghệ cao, góp phần hình thành nên những thói quen văn minh, kiến tạo một môi trường sống trong lành, hiện đại" - ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết.

    Như vậy, giao thông công cộng là hình thức kinh doanh phi lợi nhuận thứ 3 mà tập đoàn của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam đầu tư, sau y tế và giáo dục.

    Viethome (theo Người Đưa Tin)

  • Không chỉ gây bất ngờ khi công bố giá vé tham quan đài quan sát lên tới 810.000 đồng/vé người lớn và 405.000 đồng/vé trẻ em (thuộc hàng đắt đỏ so với các tòa nhà chọc trời trên thế giới), Landmark 81 còn gây xôn xao cộng đồng với giá dịch vụ tại nhà hàng ở độ cao nhất Việt Nam này.

    (Ảnh minh họa)

    920.000 đồng một tô phở có gì?

    Những ngày qua, thực đơn của nhà hàng được lan truyền trên mạng xã hội với câu hỏi: đùa hay thật.

    Trên thực đơn, ngoài món súp kem nấm và súp dừa bí đỏ nướng được bán với giá 255.000 đồng/suất, nhà hàng này còn gây sốc khi niêm yết giá một bát phở mang tên Phở “chọc trời” với giá 920.000 đồng.

    Theo miêu tả từ thực đơn tại nhà hàng, bát phở “chọc trời” bao gồm đuôi bò Úc, thịt bò Wagyu, bánh phở và rau gia vị.

    Việc niêm yết bát phở “chọc trời” với giá 920.000 đồng cũng khiến nhà hàng tại tòa tháp Landmark 81 trở thành một trong các địa điểm bán phở đắt đỏ tại Việt Nam.

    Trăn trở về đỉnh cao

    Trong một bài post của mình, khi thấy người ta chế giễu những người dám bỏ triệu bạc ăn bát phở ở Landmark 81, Facebook Nguyen Khanh bình luận:

    Khi mức lương của em dao động dưới 10 triệu / 1 tháng, em sẽ thấy một người suốt ngày đổi điện thoại đời mới thật là lãng phí.

    Khi mức lương của em dao động dưới 20 triệu / 1 tháng, em sẽ thấy một người suốt ngày đổi ô tô đời mới thật là kệch cỡm.

    Khi mức lương của em dao động dưới 30 triệu / 1 tháng, em sẽ thấy một người tháng nào cũng dẫn người yêu đi sắm vài cái túi xách giá chục nghìn đô không khác gì một lũ thần kinh.

    Sáng nay anh đọc facebook, thấy người ta chế diễu người dám bỏ triệu bạc ăn bát phở ở toà nhà cao nhất Việt Nam, phở đầy phố có 60k - đất nước còn nghèo sao có thể lãng phí như thế, rồi phê phán giá vé tham quan để lên trên ấy quả là giá “trên trời”, thiếu gì chỗ chơi mà mò lên cho bọn toà nhà nó thu phí cắt cổ.

    Thật ra không có ai lãng phí, kệch cỡm, thần kinh cả… chỉ là em chưa đủ tầm nhìn để thấy xã hội vận hành như thế là một xã hội bình thường. Xã hội chỉ bất thường khi đâu đâu cũng chỉ có người sắp hàng ăn cơm 2k và phát quà từ thiện.

    Ở đời cái gì rẻ, miễn phí và dễ dãi thì dễ bị coi thường. Tam Tạng muốn thỉnh chân kinh cũng phải để lại cái bát vàng, nơi Tây Thiên thì A Nan, Ca Diếp cần gì lấy cái bát vàng vốn chỉ mang ý nghĩa tài sản thế gian mới trao kinh? Nếu chân kinh không cần đi thỉnh mà được ship free qua Đông Thổ đại đường thì liệu chân kinh có được trân trọng?

    Đỉnh cao phải có giá của đỉnh cao - đó là chân lý, dù rằng ai đó có thể cải lương nói với em về đạo nghĩa, từ tâm, vô thường, buông xả thì em cũng phải hiểu rằng giác ngộ nó cũng có cái giá của giác ngộ.

    Nếu em còn không dám rút ví cho một dịch vụ không thiết yếu nào đó thì em hãy tin rằng nơi đó chưa dành cho em, hãy cố gắng nhiều hơn nữa. Nếu Tam Tạng cất cái bát vàng không chịu giao nộp thì xin mời ông come back về Đại Đường ăn chơi nhảy múa tiếp.

    Nơi đây là nơi tham quan chứ không phải phòng cấp cứu, không lên cũng không chết được. Hãy vui vẻ quay về và đừng chửi người xứng đáng bước lên trên ấy, đừng nguyền rủa họ sống lãng phí sau này không có cơm ăn.

    Nếu không thu phí thì điều gì xảy ra? Nếu phở có 60k/bát kèm quẩy kèm giá chần thì sao? Thì lúc ấy đỉnh cao sẽ không còn là đỉnh cao. Bình dân hoá đỉnh cao là có tội với nhà đầu tư, với kiến trúc sư và với biểu tượng của thương hiện doanh nghiệp. Muốn phóng tầm mắt ra xa nhất thì phải có đôi chân vững chắc nhất. Đừng cãi Anh Ba.

    Phần thưởng cho nhà leo núi là đỉnh núi và nếu không leo nổi hãy bỏ tiền đi cáp treo. Ai cũng xuất sắc theo một cách nào đó.

    Kể cả cậu ấm cô chiêu lấy tiền cha mẹ mua vé lên đây check in thì chúng nó cũng đã xuất sắc hơn quý anh chị trong việc chọn cửa đầu thai rồi.

    Hết lễ, biên vài dòng… nếu thấy vui thì like, không thì lướt. Đừng tranh luận ở stt này vì nó chả có gì để tranh luận cả.

    Người già ở quê người ta hạnh phúc với cái điện thoại trắng đen đời cũ miễn là hàng ngày con cháu gọi hỏi thăm. Anh chị xài cái khôn phôn lưu gần 1000 số điện thoại và 5000 bạn bè trên Facebook nhưng khi cần chỗ tựa vai tuyệt nhiên không thấy đứa nào.

    Ai hạnh phúc hơn ai… Biết đủ thì vị trí mình đứng chính là đỉnh cao.

    Viethome (Nguồn : Fb Nguyen Khanh)

  • Bài chia sẻ từ bạn Ngô Tuấn Hà, cư dân khu đô thị Vinhomes Times City. Viethome xin chia sẻ cùng bạn đọc, biết đâu chúng ta lại học được các chiêu bán nhà của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhỉ:

    TIÊN SƯ ANH TÀO THÁO!!!

    Mỗi lần đi qua Royal City, nhìn những ngôi nhà liền kìn kịt, trông như tổ kiến, xấu xí, bên trong thì méo mó, bất tiện mà bán với giá trên trời, làm mình luôn thấy khó hiểu. Vài người ngốc thì được chứ cả vài chục ngàn người cùng ngốc thì quá đáng ngạc nhiên. Các khu nhà khác cũng không hơn gì nhà trên thị trường nhưng bán đắt hơn hẳn mà vẫn chạy như tôm tươi. Và đây là vài thủ thuật của Vin, do người trong cuộc tiết lộ.

    Anh tao thật tài,

    Nói chuyện tiếp về xe Vinfast, nghe bọn mạng nói anh Vượng nhà tao ngu. Đầu tư cả núi tiền, cuối cùng ra cái xe với giá ngất ngưởng. Chó nó mua. Vậy để tao nói về anh tao, xem anh ngu thế nào nhé!

    Thường đi mua nhà, thằng nào cũng tránh nhà hướng Tây. Nhất là nhà chung cư, nóng chết bà luôn. Thế mà ở Times city, nhà hướng Tây giá còn cao hơn các hướng khác.

    Anh tao làm được đấy. 

    Hướng này, anh tao đào một cái hồ sâu khoảng hơn 1m. Đầu tư thêm ít nhạc nước. Thế là dân tình tranh nhau mua bằng được nhà hướng này với giá cao hơn chỉ mục đích view nhạc nước. Giờ tao biết nhiều nhà mỗi lần anh tao bật nhạc nước đành phải đóng cửa vì méo chịu được... ồn.

    Sau khi bán hết Time, còn miếng đất nằm sâu trong quận Hoàng Mai. Nói thẳng, về vị trí méo thể đẹp bằng Time được. Nhưng nhà trong này giá còn cao hơn Time. Anh tao làm được đấy. Anh tao gộp mịa nó hết tiện ích lại cho chung hết. Cho thêm vài tiện ích vô thưởng vô phạt... đầu tư thêm về cảnh quan. Sau đấy anh tao bảo đấy là resort. Thế là dân tình lại tranh mua giá cao để được vào resort sống.

    Bán xong Park Hill rồi, còn miếng đất cuối. Anh tao đầu tư thêm một số thứ tự động trong nhà như đèn, loa. Anh tao bảo đấy là nhà thông minh. Thế là dân ta lại lao vào mua với giá còn cao hơn Park Hill. Hôm tao vào xem cái nhà thông minh của anh mà phì cười. Phòng khách anh làm quả loa bluetooth âm trần. Tiếng loa méo bằng cái loa vi tính. Tao không hiểu phòng khách nhà nào cũng có loa dàn thì nghe cái loa này làm méo gì. Tóm lại cho vào cho có, nhưng méo để làm gì.

    Ở tận bên Gia Lâm, giá nhà chung cư anh tao bán còn ngang với giá trong trung tâm. Thế mà anh tao làm được đấy. Anh tao xây một cái gọi là biển hồ nước mặn. Đến giờ tao cũng méo hiểu đã là hồ thì nước mặn hay ngọt thì khác méo gì nhau. Anh tao bảo đấy là Singapore. Vậy là vừa mở bán, cả nghìn căn chung cư đã bán hết. Tóm lại với anh tao thì không gì là không thể. Anh hơn chúng ta cả cái đầu. Chắc chắn xe anh tao sẽ bán tốt. 

    Anh tao làm được đấy.

    Viethome sưu tầm

  • Trong cuộc phỏng vấn được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lần đầu tiên tiết lộ chuyện kinh doanh khi ông còn là sinh viên học tập tại Moscow, Nga.

    Ông Vượng cho biết, thực ra ông bắt đầu khởi nghiệp từ khi là sinh viên năm thứ 3 đại học. Khi đó, ông thuê một phòng tại Dom 5, Moscow để buôn bán nhưng càng buôn càng lỗ. Ông Vượng thừa nhận khi đó mình "buôn bán kém" và sau khi thua lỗ đã chuyển sang mở nhà hàng, cũng tại Dom 5.

    Một thời gian sau, ông Vượng quay lại với nghiệp buôn bán, nguồn hàng được nhập từ Việt Nam. Với đặc thù nước Nga có khí hậu lạnh, ông Vượng quyết định buôn áo gió và nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền.

    Thế nhưng, là một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, ông Vượng không phản ứng kịp với thị trường. Hệ quả là ông đánh mất sạch những gì mình kiếm được và phá sản. Đến khi rời Moscow để tới Kharkov, Ukraine, ông vẫn còn gánh trên vai khoản nợ 40.000 USD.

    Có thể thấy, việc kinh doanh rồi thua lỗ, thậm chí phá sản không phải là chuyện hiếm. Điều này xảy ra ngay cả với những người cực kỳ thành công và giàu có như ông Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, cách đứng dậy sau những thất bại thì không phải ai cũng giống ai. 

    Đối với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, sau khi rời Moscow, ông cùng vợ tới Kharkov chỉ với số vốn ít ỏi vài nghìn USD vay từ bạn bè. Không có nhiều tiền trong tay, ông Vượng đã quyết định mở một nhà hàng. Nhờ đồ ăn ngon, giá cả vừa phải, nhà hàng của ông Vượng nhanh chóng hút khách và nổi tiếng, giúp ông gây dựng lại những đồng vốn ban đầu.

    Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, đời sống người dân Kharkov gặp khó khăn, ông Vượng nắm bắt cơ hội, chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới, là sản xuất mì ăn liền với thương hiệu Mivina. Sản phẩm này nhanh chóng được người dân Kharkov đón nhận và lan rộng, nổi tiếng trên toàn Ukraine rồi sau đó được xuất khẩu đi hơn 20 nước trên thế giới như Đức, Ba Lan, Israel, Latvia, Estonia...

    Sau thành công với mì ăn liền, ông Vượng sản xuất tiếp nhiều mặt hàng mới, như khoai tây nghiền, gia vị, bao bì sản phẩm... và thành lập công ty Technocom. Công ty này đã giải quyết công ăn việc làm cho 3.000 người lao động Kharkov, trở thành doanh nghiệp đóng thuế lớn của tỉnh và là nhà tài trợ thường xuyên cho các chương trình phúc lợi y tế, môi trường, văn hóa xã hội của thành phố.

    Đầu những năm 2000, khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Vượng đã quyết định bán Technocom cho Nestle và trở về Việt Nam lập nghiệp. Ông lập ra công ty Vincom hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với điểm nhấn là tòa tháp Vincom trên đường bà Triệu, Hà Nội. Công ty Vincom sau này được sáp nhập với Vinpearl để trở thành Tập đoàn Vingroup, tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.

    Với bất động sản là xương sống, Vingroup liên tục mở rộng ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, như bán lẻ, du lịch, y tế, giáo dục. Đáng chú ý, từ giữa năm 2018, Vingroup đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

    Từ một anh sinh viên đi buôn áo gió, giờ đây ông Phạm Nhật Vượng đã trở thành tỷ phú đô la, trong top 300 người giàu nhất hành tinh. Vingroup của ông Vượng có slogan là "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" và ông Vượng đang muốn nhân rộng tinh thần này ra toàn xã hội. Vingroup đã thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng tài trợ cho các dự án nghiên cứu có ý nghĩa, có tác động lớn tới xã hội với mức đầu tư tối thiểu là 2 tỷ đồng và tối đa là không có trần. Nếu sản phẩm có ý nghĩa, quỹ này sẵn sàng hỗ trợ để sản xuất ra tới sản phẩm cuối cùng.

    "Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ, mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời", Chủ tịch Vingroup nói.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Có rất ít người được vào căn phòng làm việc của ông Phạm Nhật Vượng ở Long Biên, Hà Nội vì ông có thói quen tiếp khách tại phòng họp. Nhưng thuộc cấp của ông Vượng thì lại biết rất rõ: Trong căn phòng ấy, không có bất kì một chiếc máy tính nào...

    Cũng giống như các tỉ phú nổi tiếng thế giới như Carlos Slim, Warren Buffett, Donald Trump…, chưa bao giờ ông Vượng làm việc bằng máy tính. Chủ tịch Vingroup có một thói quen lạ: Tất cả tài liệu cấp dưới trình ông đọc, đều phải được in thành văn bản. Muốn chỉnh sửa, phê duyệt gì, ông sẽ trực tiếp dùng bút trên giấy. Chỉ đạo của ông cũng được viết ra giấy rồi thư ký sẽ gõ và chuyển email đi các nơi.

    Mặc dù vậy, tốc độ giải quyết công việc của ông nhanh đến kinh ngạc, và trí nhớ của ông không khác gì một chiếc máy tính.

    Tư duy và tốc độ của “người đàn ông không máy tính” ấy, đã trở thành động cơ phản lực giúp guồng máy 55.000 nhân viên chạy vượt qua chính mình, và tốc độ của VinFast, của Landmark 81, của Vinpeal Land, của Vinmec, của Royal city… là những minh chứng sinh động nhất.

    BÀI TOÁN HÓC BÚA CỦA ÔNG VƯỢNG VÀ TỐC ĐỘ KÍCH CHUỘT KỶ LỤC

    Khi hai chiếc xe VinFast xuất hiện tại Paris Motor Show, giữa cơn bão kinh ngạc và thán phục của truyền thông thế giới về chàng lính mới, có một đánh giá ngắn ngọn nhưng lại nói lên được tầm vóc, tốc độ của ông Vượng và Vingroup. Cây viết Safet Satara đã kêu lên trên tạp chí ô tô danh tiếng Top Speed (Mỹ): “Ban đầu, cụm từ "Ô tô sản xuất bởi công ty Việt Nam" nghe có vẻ giống như một câu đùa. Không ai tin vào chuyện đó cả. Nhưng hiện tại đã khác”.

    Dù đã làm việc cho đế chế ô tô khổng lồ General Motors (GM) tới 37 năm, giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi sản xuất toàn cầu, quản lý hơn 200.000 nhân viên, kỹ sư tại 171 chi nhánh thuộc 31 quốc gia, nhưng chắc chắn ông James B.DeLuca – TGĐ VinFast – cũng kinh ngạc giống như Safet Satara, khi được ông Vượng chốt KPI hóc búa về tốc độ.

    Ông James B.DeLuca cùng cộng sự chỉ có quỹ thời gian là 9 tháng để ra lò chiếc xe đầu tiên dự triển lãm tại Paris, dù ông đã trình bày với ông Vượng rằng ngay cả đối với các hãng hàng đầu thế giới, việc sản xuất ra một chiếc ô tô mới, phải sẽ phải mất từ 36 đến 60 tháng.

    Với cú đẩy bạo liệt của ông Vượng, B.DeLuca cùng cộng sự đã phải xỏ giày chạy nước rút như bước chạy của “tia chớp” Usail Bolt. Phó TGĐ Vinfast Võ Quang Huệ, người có 25 năm đầu quân cho ông lớn BMW, 11 năm là lãnh đạo ở Bosch, gọi cuộc chạy nước rút này là “một kỷ lục thế giới”.

    "Tạo ra một sản phẩm trong một thời gian ngắn như vậy thực sự là khó có thể tin được. Nó đúng như những gì tôi biết về VinFast - là một sự "thần kỳ" đến từ Việt Nam” – siêu sao David Beckham đã nói như vậy khi đứng cạnh hoa hậu Trần Tiểu Vy và 2 chiếc xe thu hút mọi ánh nhìn và ánh đèn flash tại Paris. Sau khi Beckham “thả tim” cho VinFast thì bức ảnh anh chụp bên VinFast trên tài khoản mạng xã hội của anh, cũng nhận được hơn 1.000.000 lượt thả tim.

    “Sự thần kỳ đến từ Việt Nam” ấy, cũng khiến tốc độ kích chuột và bật ti vi của công chúng nhanh chưa từng có. Chưa khi nào sự kiện ra mắt sản phẩm mẫu lại có thể đạt kỷ lục 8 triệu người theo dõi trực tiếp; 500 triệu người tiếp cận sự kiện VinFast kể từ ngày 2.10.2018. Chắc chắn đây sẽ là tốc độ và kỷ lục vô tiền khoáng hậu còn rất lâu mới bị xô đổ, ít nhất là ở Việt Nam.

    Có một chi tiết rất thú vị trong Paris Motor Show, đó là gian hàng của chú lính chì VinFast nằm giữa gian hàng của Ferrari và Kia.

    VinFast thì sơ sinh, trong khi Kia Motors thượng thọ 74 tuổi, còn Ferrari đã ở tuổi đại thọ 89. Kia là hãng xe lớn thứ hai ở Hàn Quốc – một đất nước có nền công nghiệp chế tạo ô tô đang trỗi dậy với tốc độ đáng kể. Ferrari, dĩ nhiên, chuyên cung cấp những chiếc xe đua nhanh nhất thế giới. Đó là hãng xe của tốc độ.

    Nhưng từ nay, cả hai ông lớn này, chắc chắn sẽ không thể coi thường tốc độ không tưởng của chàng lính mới VinFast.

    Tháng 8/1993, ông Vượng trực tiếp cầm lái, cùng 3 cộng sự ngồi trên chiếc Lada đời thứ 7 màu đỏ, hành quân liên tục 9 tiếng đồng hồ, vượt gần 800km từ Moscow xuống Kharkov. Đó là một hành trình không dài về km, nhưng lại rất dài đối với một người vừa tốt nghiệp đại học, tìm hướng rẽ bước ngoặt trong cuộc đời kinh doanh của mình. Đó là một hành trình ngược từ thành thị về vùng quê.

    25 năm sau, ông Vượng cầm lái cả cỗ xe nhiều tỉ đô Vingroup và chiếc xe vừa ra lò VinFast phải vượt một hành trình dài hơn nhiều . Đó không chỉ là quãng đường từ Hà Nội đến Paris (nơi có Paris Motor Show), mà còn là hành trình dài từ ao làng ra biển lớn, hành trình mang lá cờ Việt Nam lần đầu tiên cắm trên bản đồ công nghiệp chế tạo ô tô thế giới.

    Dù không phải xe đua giống Ferrari, nhưng với động cơ mua bản quyền của BMW, tốc độ tối đa của xe VinFast ghi trên bảng tablo cũng sẽ lên tới hàng trăm km/h. Nhưng người cầm lái - ông Phạm Nhật Vượng và trợ thủ - lại chứng minh rằng họ có thể đi nhanh hơn thế rất nhiều. Đó chính là tốc độ chinh phục, bứt phá, bật vọt chưa từng thấy của người Việt trên sân chơi toàn cầu.

    Tốc độ ấy, khát vọng bứt tốc ấy, không chỉ thể hiện ở VinFast mà nó trở thành một trong những nét tính cách nổi bật của ông Vượng và cộng sự.

    KỶ LỤC LANDMARK 81 VẪN BỊ CHÊ... CHẬM

    Trong 6 giá trị cốt lõi gây ấn tượng lớn của Vingroup (Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân), chữ Tốc đóng một vai trò quan trọng với thành công của tập đoàn tư nhân số 1 này. Động cơ phản lực chính của cỗ máy tốc độ ấy, không ai khác, chính là tỉ phú đô la sinh năm 1968.

    Tháng 7/2018, dù được hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục so với chuẩn xây dựng Việt Nam, nhưng tiến độ thực hiện tòa nhà cao thứ 8 thế giới - Landmark 81 – vẫn bị tỉ phú Phạm Nhật Vượng chê… chậm.

    Ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra một so sánh bất ngờ: “Năm 1931, Mỹ đã xây tòa nhà 101 tầng trong hơn 450 ngày. Thời đó công nghệ như vậy mà người ta xây được, bây giờ Vingroup xây tòa 81 tầng cũng phải mất hơn 2 năm, như vậy không phải là nhanh”.

    Lấy cường quốc số 1 để so bì về tốc độ, ông Vượng đã biểu lộ rõ khát khao và quyết tâm về tốc độ – điều khiến chiến tướng VinFast Võ Quang Huệ đã phải thốt lên: “Anh Vượng là lãnh đạo của không giới hạn, luôn đẩy giới hạn của những người làm việc chung quanh anh ra xa… Hợp đồng vừa ký xong, anh thúc tiến độ… Tất cả nghệ thuật, trí tuệ, suy nghĩ luôn luôn giúp đội ngũ phải vượt giới hạn chính mình”.

    Dù bị ông chủ “chê” về tiến độ, nhưng ở Việt Nam, tòa Landmark 81 đã vượt qua mọi giới hạn về tốc độ trong xây dựng.

    Chưa có một tập đoàn xây dựng nào của Việt Nam, trước đó từng đảm nhận thi công những tòa nhà siêu cao tầng, nhưng ở Landmart 81, ông Phạm Nhật Vượng đã dũng cảm giao cho một công ty trong nước: Coteccons.

    Nếu xét năng lực quá khứ, Coteccons, không thể cạnh tranh với hai nhà thầu tên tuổi của Hàn Quốc là Lotte và SsangYong, vì Coteccons mới chỉ có kinh nghiệm và giải pháp xây từ tầng 60 trở xuống.

    Nhưng cú điện thoại bất ngờ của ông Phạm Nhật Vượng gọi ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch Coteccons, đã thay đổi tất cả. Cú phone ấy, sau này không chỉ tặng cho Coteccons những trang đẹp nhất trong hồ sơ năng lực, mà còn giúp người Việt lần đầu tiên ghi danh vào lịch sử xây dựng những siêu công trình của thế giới.

    Nhưng đó cũng là cú điện thoại tạo áp lực nặng nề nhất từ trước tới nay của Coteccons, vì nhà thầu này không chỉ nhận trọng trách xây dựng một công trình tầm vóc chưa từng có, mà còn phải thi công với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử xây dựng Việt Nam.

    Còn nhớ, thời điểm 2007, sau 1 năm khởi công, tập đoàn Hàn Quốc Keangnam, chủ đầu tư dự án tòa nhà sẽ cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ - Landmark 72 – đã bị thách thức “treo thưởng 100 tỉ đồng để công trình về đích đúng tiến độ cam kết”.

    Thế nhưng, nhiệm vụ đó vẫn là bất khả thi với tập đoàn có tuổi đời gần 60 năm, đã từng là công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Tòa Landmark 72 chỉ được hoàn thành sau gần 5 năm thi công ròng rã, trễ hẹn gần 2 năm so với tiến độ công bố.

    Việc thi công Landmark 81 đã gặp rất nhiều thử thách lớn, nhưng họ đều đã vượt qua: “Sài Gòn mùa mưa, giông lốc như vậy, nhưng nhiều tấm kính cao 6m rộng 3m được kéo lên độ cao khủng khiếp, mà vẫn đảm bảo an toàn. Đấy là một kỳ tích trong xây dựng” – ông Vượng nhớ lại.

    NGƯỜI GIẢI ĐƯỢC BÀI TOÁN TỐC ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG

    Ở Việt Nam, tốc độ và chất lượng thường tỉ lệ nghịch với nhau. Không ít trường hợp tốc độ rùa mà chất lượng vẫn nham nhở. Khi Vingroup xuất hiện, bài toán khó này đã có lời giải.“Có thể nói chất lượng và tốc độ (đến một ngưỡng nào đó có thể ảnh hưởng lẫn nhau) nhưng về cơ bản không liên quan. Vấn đề là tổ chức, kiểm soát như thế nào, giải quyết những vướng mắc để nó chạy được” – ông Vượng lý giải.

    Ông Vượng cũng đã chứng minh cho nhân viên câu chuyện nhanh và chất lượng có thể “kết hôn” với nhau như thế nào. Đó là khi Vingroup xây khách sạn 5 sao có tới gần 1.000 phòng khách sạn và biệt thự ở đảo thuộc Nha Trang, trên nền nửa đất nửa biển, phải phá đá nổ mìn tạo mặt bằng.

    Thế mà tổng thời gian chỉ hết có 7 tháng và không ai phàn nàn về chất lượng. Trong khi đó có những khách sạn chỉ 500 phòng nhưng phải xây tới 18 - 24 tháng, sau đó vẫn phải sửa chữa lỗi.

    Mai Thu Thủy – Giám đôc Nhân sự, đào tạo VinMart - kể lại câu chuyện khiến chị muốn loạn nhịp tim, khi còn làm lãnh đạo ở Vinpearl. Tháng 3/2006, nhà báo Lại Văn Sâm và Tổng biên tập Báo Tiền phong Dương Xuân Nam hành quân tới Vinpeal Land khảo sát địa điểm tổ chức chung kết thi Hoa hậu.

    “Anh Vượng trực tiếp đưa hai nhà báo đi thăm thực địa. Khi thấy anh Vượng đứng chỉ tay xuống… biển, say sưa nói chỗ này là nhà hội nghị, chỗ kia là sân khấu nhạc nước, chỗ đó là nhà hàng ẩm thực… Anh Sâm và anh Nam chỉ dám gật gù, nhưng trong lòng vô cùng hoang mang lo lắng vì chỉ còn hơn 5 tháng nữa là diễn ra sự kiện”. 

    Không chỉ có ông Sâm, ông Nam lo lắng. Thủy và những thuộc cấp khác của ông Vượng cũng lo đến loạn nhịp tim với sức ép tiến độ khủng khiếp ấy. Nhưng tới đúng tháng 7, ông Sâm và ông Nam quay lại, họ sửng sốt thấy mọi thứ đã trong giai đoạn hoàn thiện. Lúc ấy, Ban tổ chức thi Hoa hậu mới “dám” chính thức chọn hòn đảo này cho cuộc Chung kết quan trọng đó.

    Royal City - khu đô thị phức hợp 5 sao hiện đại nhất Việt Nam – là một trong những công trình tạo ra nhiều nguồn lực và ghi dấu đẳng cấp của Vingroup. Công trình này cũng có một khởi đầu nhanh kỷ lục.

    Một buổi tối, ông Vượng đến nhà người quen chơi, được nghe kể chuyện đối tác Hàn Quốc không muốn tiếp tục đầu tư vào khu đất nhà máy Cơ khí Hà Nội do phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

    Sáng hôm sau, ông Vượng muốn gặp bên tư vấn đang làm việc với phía Hàn Quốc để thương lượng mua lại phần góp vốn của họ. Nghe tin đối tác này đang ở Thanh Hóa, ông Vượng tức tốc chạy xe vào. Sau khi gặp tư vấn tại đây và được giới thiệu với người đứng đầu công ty cơ khí Hà Nội, ông Vượng trở ngược Hà Nội gặp Ban lãnh đạo nhà máy Cơ khí ngay trong buổi sáng.

    12h trưa hôm đó, ông Vượng vẫn ra sân bay trở về Ukraina như lịch đã sắp trước. Đại dự án ấy đã được khởi đầu bằng 24h thần tốc như vậy.

    Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm TGĐ Vingroup còn nhớ rõ những câu chuyện thú vị về tốc độ xây dựng bệnh viện quốc tế Vinmec. Khi ấy, ngày khởi công bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đều có cùng một băn khoăn: Liệu mình có nghe nhầm về thời gian khánh thành? Thật khó hình dung một bệnh viện hiện đại chưa từng có, vượt xa các cơ sở y tế tốt nhất lúc bấy giờ ở Việt Nam, xứng tầm quốc tế, mà chỉ hoàn thành trong vòng gần 11 tháng.

    Ông Triệu, ông Thảo và những người dự hôm ấy, cuối cùng đã không nghe nhầm. Vinmec khánh thành trước mốc cam kết 16 ngày.

    Không thể kể hết những câu chuyện về tốc độ đi kèm chất lượng của Vingroup. Gần như tất cả các chung cư, khu đô thị, công trình chất lượng cao của Vingroup, đều về đích trước dự kiến.

    Khi chứng kiến tiến độ làm công trình giao thông vừa rùa bò vừa đội vốn kinh hoàng ở Việt Nam, nhiều người muốn Vingroup tham gia lĩnh vực này. Nhận thấy quy trình, thủ tục và dư luận quá phức tạp, ông Vượng không hào hứng. Đến nay, công trình lớn duy nhất mà Vingroup đảm nhận để góp phần giải cứu giao thông, là tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Và, như thường lệ, ông Vượng không chấp nhận sự chậm trễ.

    Ông Vượng xác định phải bù lỗ cho tuyến đường khoản kinh phí tính bằng triệu đô la, vì Vingroup chấp nhận trả thêm nhiều tiền khi yêu cầu nhà thầu rút ngắn thời gian thi công từ 24 tháng xuống còn 14 tháng.

    “Nếu làm 14 tháng thì họ phải mua thêm 10 giàn đúc của Đức về đúc. Trước đây có 1 giàn đúc, thì cứ hết 45 ngày đúc xong 1 cái cột trụ này thì mới chuyển sang cái khác. Giờ đây có 10 giàn thì mỗi trụ chỉ mất 4,5 ngày. Tôi chấp nhận chi để đẩy nhanh tốc độ” – ông Vượng cho biết.

    "KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ"

    Tốc độ của Phạm Nhật Vương, của Vingroup, của VinFast… từ lâu đã trở thành mỏ thông tin ngồn ngộn cho báo chí. Tất cả các dự án, dự định, khát vọng, các cuộc săn đầu người trên phạm vi toàn cầu…, xuất hiện với tốc độ ngày càng chóng mặt, đều là thông tin nóng hổi, và tạo sóng lớn.

    Ngoài đá bóng, ông Vượng có một sở thích rèn luyện sức khỏe ngược với tốc độ của ông trong công việc và suy nghĩ: thong thả đi bộ. Có một câu hỏi khá thú vị mà ngày trước người ta hay đặt ra với Bill Gates: Nếu nhìn thấy tờ 100 đô la rơi dưới đất, một con người tốc độ “không giới hạn” như Phạm Nhật Vượng có cúi xuống nhặt?

    Khi tốc độ gia tăng tài sản của ông Vượng tăng nhanh kỷ lục, báo chí Việt Nam cũng đã tính toán: Nhặt tờ đô la ấy mất đến 5s, mà cứ 5s trôi qua, tài sản doanh nhân quê Hà Tĩnh đã tăng thêm 400 đô la. Vì thế, nên ông Vượng sẽ không cúi nhặt.

    Một chuyên gia kinh tế đã bật cười khi được đặt câu hỏi thú vị ấy: “Theo tôi, ông Vượng cũng sẽ hành động như các tỉ phú thế giới khác: Cúi nhặt tờ 100 đô la. Những người gom góp cơ đồ từ hai bàn tay trắng, biết nhìn cực nhanh cơ hội kinh doanh, sẽ không để tờ tiền nằm vô nghĩa dưới mặt đường. Những thứ rơi vãi lãng phí, mất cơ hội vì chậm trễ ở Việt Nam đang diễn ra tràn lan, bằng tốc độ không giới hạn của mình, ông Vượng đang góp phần thay đổi điều đó. Mà nói thêm điều này cho vui: Người khác có thể mất tới 5s để nhặt tiền, ông Vượng chắc chỉ mất 2s”.

    Năm 2018, Vingoup bước vào tuổi 25 và ông Vượng bước vào tuổi 50, gấp đôi số tuổi của tập đoàn ông thành lập. Những running man siêu đẳng trong điền kinh, thường giải nghệ năm 30-32 tuổi. Ngày 6/10/2015, ông Vượng đã chuẩn bị về mặt tinh thần cho những cuộc đua lớn của đời mình và Vingroup, bằng việc thay đổi slogan từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” sang “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”.

    Trong lá thư viết nhanh gửi hệ thống, ông Vượng hai lần nhắc đến yếu tố tốc độ. Vingroup phải là nơi “không có các lề thói quan liêu, quan cách; là nơi tốc độ xử lý công việc còn nhanh hơn các cuộc họp”; “dứt khoát không chấp nhận tinh thần thái độ làm việc đối phó, sợ trách nhiệm, đổ lỗi, chậm chạp”.

    Ông Vượng luôn nói với thuộc cấp, Vingroup có 55.000 người, chỉ cần một vài bộ phận chạy chậm, thì cỗ máy lớn ấy sẽ không thể đạt vận tốc cực đại. Ai trụ lại được với guồng quay của Vingroup cũng sẽ được sếp và hệ thống thúc đẩy để vượt qua giới hạn của chính mình. “Không gì là không thể” là một trong những câu nói thường gặp nhất ở Vingroup.

    Nếu Việt Nam có thêm nhiều “running man” chạy với bầu nhiệt huyết trong tim và tâm niệm trong đầu “không gì là không thể”, thì ngày đất nước bứt phá trong cuộc đua tốc độ toàn cầu, chắc chắn sẽ gần hơn bao giờ hết.

     Bùi Hải

     7pm

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)