• Ngày càng có nhiều những người đàn ông Trung Quốc khá giả tìm kiếm một cô vợ người Đông Âu, kéo theo sự bùng nổ của dịch vụ môi giới hôn nhân.

    Inkstone News cho biết vào một buổi chiều cuối tuần tháng 1, những cặp đôi nam nữ gặp nhau bí mật tại thành phố Chu Hải, miền Nam Trung Quốc. Những người phụ nữ là công dân Nga hoặc Ukraine, trong khi tất cả nam giới là đàn ông Trung Quốc. Mục tiêu của họ rất đơn giản: tìm kiếm nửa còn lại cho cuộc đời mình.

    Hẹn hò xuyên biên giới

    Đàn ông ngồi bên trái, phụ nữ phía bên phải. Ở giữa họ, một người môi giới trong trang phục lịch thiệp ngỏ lời để người đàn ông bắt đầu cuộc trò chuyện.

    Cứ như vậy, câu chuyện tình yêu bắt đầu mở ra, với sự giúp đỡ của một phiên dịch viên.

    Nếu như không có người phiên dịch, chẳng ai trong số những cặp đôi người phương Đông, kẻ phương Tây kia có thể hiểu được đối phương. Thế nhưng, rào cản ngôn ngữ lại không phải là vấn đề lớn.

    Để gặp được người bạn đời, người ta cần sự giúp sức của "định mệnh" vốn thất thường và khó đoán định. Còn với những người đàn ông Trung Quốc có mặt tại thành phố Chu Hải, họ chỉ cần một người môi giới và trả khoản phí 880 USD.

    Buổi hẹn hò tại thành phố Chu Hải. Ảnh: Inkstone

    Khi người dân Trung Quốc đang ngày càng sung túc và có cái nhìn cởi mở hơn, số lượng nam giới chuyển hướng mục tiêu tìm kiếm bạn đời ra khỏi làng xã, thành phố, hay thậm chí ra nước ngoài đang ngày một tăng cao.

    Một sự kiện mai mối tổ chức vào tháng 1 vừa qua cho thấy người Trung Quốc đã vượt qua những định kiến về văn hóa, xã hội và kinh tế, họ ngày càng tham gia nhiều hơn vào trào lưu hôn nhân đa chủng tộc mới.

    Trong mắt đàn ông Trung Quốc, phụ nữ Nga và Ukraine được coi là xinh đẹp, bí ẩn và dễ gần, hình mẫu phụ nữ được yêu thích và được quảng cáo rầm rộ bởi những người mai mối cũng như truyền thông địa phương.

    "Rất bình thường nếu người ta cảm thấy tự hào vì có một cô vợ người Nga", George, chủ sở hữu một công ty tại Trung Quốc đồng thời có vợ là người Nga, cho biết. Người đàn ông từ chối tiết lộ tên thật.

    Quy luật cung cầu

    Trong những thập kỷ đầu tiên sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) năm 1949, đất nước này hầu như đóng cửa với thế giới bên ngoài. Qin Bo, nhà xã hội học từ Đại học Khoa học công nghệ Trung Quốc, cho biết các cuộc hôn nhân quốc tế gần như không tồn tại trong quá khứ.

    Thế nhưng, hơn 40.000 cuộc hôn nhân xuyên biên giới được đăng ký tại Trung Quốc chỉ trong năm 2017. Con số này bao gồm cả các trường hợp hôn nhân giữa người đại lục với cư dân sống tại Hong Kong, Đài Loan và Ma Cao.

    Các số liệu cho thấy đàn ông Trung Quốc đang tìm kiếm cô dâu ngoại quốc với tốc độ tăng ngày càng nhanh. Điều này được lý giải bởi quốc gia đông dân nhất thế giới đang đối mặt tình trạng thừa chú rể nhưng thiếu cô dâu.

    Ước tính, số đàn ông Trung Quốc đông hơn số phụ nữ tới 33 triệu người, hậu quả của nhiều thập niên áp dụng chính sách 1 con nghiêm ngặt và tình trạng trọng nam khinh nữ trong xã hội. 

    Hôn nhân xuyên biên giới không chỉ có lợi cho người Trung Quốc. Đối với những cô gái Đông Âu, cưới chồng Trung Quốc giúp họ sống cuộc sống tốt hơn tại một quốc gia có nhiều cơ hội kinh tế. Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh và mạnh hơn nhiều lần so với các nước Đông Âu và Nga.

    Phụ nữ Nga và Ukraine được đàn ông Trung Quốc ưa thích. Ảnh: Inkstone

    Ngành dịch vụ tình yêu

    Nhu cầu tìm kiếm hôn nhân xuyên biên giới là nguyên nhân đằng sau sự bùng nổ các tổ chức môi giới tình yêu, đặc biệt hướng tới phụ nữ Đông Âu. Meilishka là một công ty như vậy.

    Cái tên của công ty này chính là sự kết hợp giữa hai từ tiếng Nga và tiếng Trung. "Meili" có nghĩa là sắc đẹp mỹ lệ trong tiếng Quan Thoại, trong khi "shka" là một hậu tố chỉ giới tính nữ trong tiếng Nga.

    Pavel Stepanets, công dân Nga 32 tuổi làm việc trong một công ty thương mại, là người đồng sáng lập của Meilishka từ năm 2017 tại Bắc Kinh.

    "Phụ nữ Nga ít đòi hỏi hơn phụ nữ Trung Quốc, và sắc đẹp của họ thì hút hồn đàn ông xứ sở này", Stepanets nói.

    Theo Stepanets, khách hàng của công ty chủ yếu trong độ tuổi 35 đến 45, thường kiếm được khoảng từ 88.000 - 100.000 USD mỗi năm. Đây là mức thu nhập cao so với bình quân trên toàn Trung Quốc.

    Để đăng ký làm thành viên của Meilishka, mỗi người đàn ông phải trả 5.800 USD tiền phí, đổi lại họ sẽ được tham gia 3 buổi hò hẹn. Mỗi buổi hẹn hò tiếp theo bị tính phí 730 USD.

    Ngược lại, phụ nữ độ tuổi từ 18 đến 35 được miễn phí khi tham gia hò hẹn với Meilishka. Stepanets cho biết có khoảng 320 nữ giới là thành viên của Meilishka, và 20% trong số này đang sống ở Trung Quốc.

    Stepanets thừa nhận công việc của mình không giống mai mối tình yêu mà thực chất là kinh doanh hôn nhân. Doanh nhân này cho biết chẳng mấy nam nữ trong số thành viên của Meilishka tìm kiếm tình yêu thực sự, nhưng đó là điều "nằm ngoài khả năng kiểm soát" của công ty này.

    "Thành thật mà nói, đàn ông Trung Quốc giàu có không tìm phụ nữ vì yêu, và phụ nữ Trung Quốc cũng vậy. Nhiều phụ nữ Nga lấy chồng châu Âu hay Mỹ không phải vì yêu mà bởi họ muốn sống ở phương Tây. Điều này xảy ra ở nhiều quốc gia", Stepanets nói.

    Thể diện và cải thiện giống nòi

    Trong buổi mai mối ở thành phố Chu Hải, nhóm người trở nên sôi nổi sau sự xuất hiện của cô gái người Ukraine Linda cùng cô con gái 6 tuổi Olga. Những nam giới có mặt vây quanh cô bé và xin chụp ảnh cùng.

    Với những người đàn ông này, cô bé gái da trắng xinh xắn mang tới cho họ ý tưởng về một gia đình trong mơ hằng mong ước lâu nay. Một cô dâu ngoại quốc giúp họ nở mày nở mặt, và quan trọng hơn nữa, mang tới cho họ những đứa con với hai dòng máu.

    Lisa và cô con gái 6 tuổi Olga. Ảnh: Inkstone

    "Tình cảm thì quan trọng rồi, nhưng tôi sẽ còn phấn khích hơn nếu mình có được những đứa con lai. Về mặt di truyền, những đứa trẻ con lai sẽ xinh đẹp và thông minh hơn", Luo Hanjie, nam giới 37 tuổi làm việc trong ngành công nghệ, nói.

    Tại Trung Quốc, những thành phố đông đúc thường chỉ có những khuôn mặt và văn hóa của người Hoa như truyền thống đã mấy nghìn năm tuổi. Nhưng ngày nay, vẻ đẹp của những chàng trai, cô gái với dòng máu lai ngày càng được ngưỡng mộ, thậm chí tôn sùng.

    "Trẻ con lai thật đáng yêu", George nói. Người này đã có với cô vợ cũ người Nga một đứa con. George dự định sẽ có thêm 4 đứa con lai nữa, điều đó có nghĩa ông sẽ phải lấy thêm vợ.

    Buổi mai mối tại thành phố Chu Hải kết thúc, không cặp đôi nào đến với nhau. Thế nhưng, các khách hàng nam giới giàu có cho biết họ vẫn rất quan tâm tới những buổi hẹn như thế này trong tương lai.

    Trong nhóm phụ nữ, cô gái Nastya 26 tuổi người Ukraine cho biết những nam giới Trung Quốc này hơi già so với lứa tuổi của mình.

    "Tôi không muốn tìm đàn ông chỉ vì tiền. Cảm xúc cũng quan trọng, và hơn hết là phải cảm thấy thoải mái khi ở cạnh nhau", Nastya nói.

    Cô gái người Ukraine cho biết muốn tìm kiếm một người đàn ông Trung Quốc có đủ khả năng hỗ trợ cô và gia đình, và trên hết phải là một người chồng tốt.

    Viethome (theo Zing)

  • Theo Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) ở Canberra, hàng chục nhà khoa học và kỹ sư có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc đã phải che giấu sự thật này để nộp đơn du học.

    ASPI cho rằng, mối quan hệ cộng tác giữa các trường đại học ở 5 nước thuộc nhóm "Ngũ nhãn" là khăng khít nhất, tạo nên một liên minh tình báo bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Và điều đáng nói ở đây là cả 5 quốc gia này đều xem Trung Quốc là “đối thủ tình báo lớn của họ”.

    Đấy cũng chính là lí do nhiều trường đại học ở 5 quốc gia nói trên có chung mối quan ngại về việc liệu khi chấp nhận để các nhà khoa học Trung Quốc sang theo học có tạo cơ hội cho họ thực hiện hoạt động tình báo hoặc ăn cắp bản quyền trí tuệ hay không.

    Nghiên cứu của ASPI cho thấy, từ năm 2007, khoảng 2.500 nhà khoa học quân sự được quân đội Trung Quốc tài trợ đã đi du học. ASPI cho rằng, việc các nhà khoa học quân sự Trung Quốc được chấp nhận theo học ở các trường đại học quốc tế đôi khi đến từ cái bẫy tài chính mà Trung Quốc đưa ra. Đấy chính là lí do số lượng các ấn phẩm cộng tác chung giữa các trường đại học quốc tế và các nhà khoa học của quân đội Trung Quốc đang tăng đều. Đáng nói những ấn phẩm này lại liên quan tới hàng loạt lĩnh vực nhạy cảm như mật mã, công nghệ tự lái và công nghệ hàng hải.

    Theo đó, quân đội Trung Quốc đã cố tình che giấu mối quan hệ giữa các du học sinh và quân đội nước nhà để đưa họ ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. ASPI cho rằng, đây hoàn toàn trái với hoạt động trao đổi liên quân diễn ra một cách minh bạch giữa Trung Quốc và nhiều nước.

    Cũng theo ASPI, các sinh viên được cử ra nước ngoài thường chủ động làm sai hồ sơ khi tìm cách giấu giếm mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Chẳng hạn như đưa ra tên giả của một viện nghiên cứu hoặc thay đổi tên của các viện nghiên cứu đang tồn tại. Được biết, các viện nghiên cứu dù không tồn tại nhưng thường được du học sinh Trung Quốc ghi trong hồ sơ nhiều nhất là Viện Công nghệ và Khoa học Thông tin Trịnh Châu.

    Chỉ một viện này nhưng đã có hơn 1.300 tác giả ghi tên trong các cuốn sách đồng xuất bản với một loạt trường đại học quốc tế. Trong số này có hơn 20 cá nhân đã sử dụng Viện Công nghệ và Khoa học Thông tin Trịnh Châu để che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, trong đó 17 người đã tới Australia.

    Được biết, chính quyền Na Uy đã trục xuất 1 nhà khoa học Trung Quốc cùng người thầy hướng dẫn vào năm 2015 với những bằng chứng cáo buộc 2 người này tiến hành công trình nghiên cứu ở Đại học Agde để phục vụ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng phản đối việc Na Uy trục xuất nhà khoa học Hu. Sự việc diễn ra đúng thời điểm mối quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy bị đóng băng hoàn toàn sau khi ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010.

    Viện ASPI còn tiết lộ, từ năm 2007 có khoảng 500 nhà khoa học có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc đã được cử sang Anh và Mỹ, khoảng 300 người sang Australia và Canada cùng hơn 100 cá nhân sang Đức và Singapore. Được biết, trong số các trường đại học quốc tế thì Đại học Công Nghệ Nanyang của Singapore là có mối quan hệ thân thiết nhất với quân đội Trung Quốc trong việc xuất bản các cuốn sách đồng tác giả. Tiếp sau là Đại học New South Wales (UNSW) của Australia và Đại học Southampton ở Anh. Ngoài ra, vào năm ngoái một đại học khác của Úc là Đại học Công nghệ Sydney cũng đã thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu với một công ty quốc phòng Trung Quốc.

    Viethome (theo Baouc)

  • Trong quá trình tìm kiếm nguồn năng lượng sạch, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển “Mặt trời nhân tạo” đạt tới mức nhiệt độ 100 triệu độ C, nóng gấp 7 lần Mặt trời thật.

    Viện Vật lý Plasma thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm Lò phản ứng thực nghiệm tiên tiến siêu dẫn Tokamak (EAST).

    Đây được xem là bước tiến đột phá mở đường cho việc phát triển năng lượng sạch thông qua phản ứng nhiệt hạch, trong bối cảnh các nguồn năng lượng dự trữ trong thiên nhiên của Trái đất đang dần cạn kiệt.

    Lò phản ứng thực nghiệm tiên tiến siêu dẫn Tokamak, với chiều cao 11m, đường kính 8m và trọng lượng 400 tấn, nhằm mục đích cung cấp năng lượng sạch bằng sử dụng deuterium và tritium có sẵn trong nước biển để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân trong điều kiện nhiệt độ cao.

     

    Bên trong khoang từ tính dùng để chế tạo Mặt trời nhân tạo. (Ảnh: CNS)

    Lò phản ứng nhiệt hạch còn được biết đến với biệt danh “Mặt trời nhân tạo” do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo này đạt nhiệt độ lên tới 100 triệu độ C với công suất sinh nhiệt 10 megawatt.

    EAST là một chiếc máy lớn hình tròn đặt bên trong một chiếc hộp tròn. Nó được thử nghiệm ở đảo Khoa học, tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc.

    Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc có thể đạt tới mức nhiệt độ đáng kinh ngạc là 100 triệu độ C, nóng gấp 7 lần Mặt trời thật. Lõi Mặt trời thật có nhiệt độ khoảng 15 triệu độ C.

    Trước đó, hồi đầu năm 2017, tờ International Business Times cho hay, Đức khởi động “Mặt trời nhân tạo lớn nhất thế giới” có thể tạo ra năng lượng lớn gấp 10.000 lần bức xạ Mặt trời chiếu đến Trái đất và đạt nhiệt độ 3.000 độ C.

    Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thử nghiệm thành công “Mặt trời nhân tạo”.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Một bà mẹ ở Houston (Texas, Mỹ) hôm Thứ Sáu, ngày 30 Tháng Mười Một, đã bị cáo buộc dìm chết đứa con trai 5 tuổi trong nước, rồi sau đó cắt đầu đứa nhỏ, cho vào thùng rác, theo các công tố viên.

    Bản tin của tờ báo địa phương Houston Chronicle nói rằng, bà Lihui Liu, 43 tuổi, bị truy tố tội sát nhân trong trường hợp gia trọng và bị giam mà không được đóng tiền tại ngoại hậu tra khi xuất hiện trước tòa vào tối ngày Thứ Bảy.

    Bà Lihui Liu, 43 tuổi. (Hình: Houston Police Department)

     Bà Liu bị bắt sau khi cảnh sát Houston nhận được báo cáo có người bị giết vào lúc khoảng 7 giờ tối hôm Thứ Sáu, tại căn nhà của gia đình này, ở khu 13000 đường Holly Lynn.

    Trong nhà, các cảnh sát viên tìm thấy thi thể đứa nhỏ trên sàn nhà xe, bị mất đầu và được che một phần bằng tấm ni lông, ngay nơi cha đứa trẻ tìm thấy khi ở sở làm về nhà.

    Người cha khai với cảnh sát rằng ông rời nhà đi làm vào sáng hôm Thứ Sáu. Bà vợ ở nhà cùng hai đứa con, một đứa con trai 5 tuổi và đứa con gái 13 tuổi.

    Khi ông trở về nhà, ông thấy bà vợ đứng trong nhà để xe, nói rằng đã cho thằng bé ra đường chơi. Người cha ra kiếm đứa con mà không thấy. Bà Liu lúc đó mới nói đứa nhỏ “ở trong thùng rác,” theo biên bản của cảnh sát.

    Người cha mở nắp thùng rác ra thì thấy thi thể đứa con quấn trong bao ni lông màu đen. Chiếc đầu bị cắt đứt cũng ở trong thùng rác này. Cảnh sát sau đó tìm thấy một con dao đẫm máu trong phòng tắm với máu văng tung tóe khắp nơi trong bồn tắm.

    Sau khi bị thẩm vấn, bà Liu nhận là đã dìm nước khiến đứa bé chết ngộp, nhưng không chịu nói gì về việc cắt đầu. Bà sau đó bị bắt và bị đưa vào nhà tù. Hồ sơ cảnh sát cho thấy bà không có tiền sử phạm tội trước đó ở Harris County.

    Sở Bảo Vệ Trẻ Em (CPS) ở Harris County nói rằng họ có liên lạc với gia đình này vào năm 2015, nhưng không hề đưa hai đứa nhỏ ra khỏi nhà. Hiện chưa rõ vì sao CPS lại đến gặp gia đình ở khu vực Tây Houston này và chuyện gì xảy ra sau đó.

    Viethome (theo Người Việt)

  • Theo đó, cặp vợ chồng ra ngoài mua rau vào 9h sáng thứ ba vừa qua. Nhưng họ sớm lạc lối ngay trong khu phố quen thuộc vì khói bụi mù mịt, không thể nhận ra căn hộ của mình nằm ở tòa nhà nào.

    Cặp vợ chồng này cứ thế mò mẫm đến tận... 6h chiều thì được một người qua đường báo với công an. Ngay sau đó, Công an Nam Kinh đã giúp cặp vợ chồng cao tuổi liên lạc với cô con gái và đưa họ về nhà an toàn.

    Tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc đã đến mức báo động.

    Thông tin cho biết, vào đầu tuần này, sương mù ô nhiễm ở miền đông Trung Quốc đã khiến nhiều tuyến đường huyết mạch tại đây phải ngừng hoạt động. Thậm chí, các chuyến bay bị hủy bỏ, người dân nhận được cảnh báo hạn chế ra khỏi nhà khi trời tối.

    Đôi vợ chồng kể trên đi lạc cũng đến từ việc không khí mù mịt quá, không nhận ra lối về. Trước đó, một người phụ nữ ở tỉnh An Huy đi thăm họ hàng nhưng cuối cùng bị lạc nguyên một ngày do khói bụi quá mù mịt.

    Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Trung Quốc ngày 25/11 đã ban bố tình trạng báo động "da cam", mức báo động nguy hiểm thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 4 mức, do sương mù dày đặc làm giảm tầm nhìn tại các tỉnh miền Bắc, miền Đông và Tây Nam nước này.

    Các lái xe và người điều khiển phương tiện tại những khu vực này được cảnh báo giảm tốc độ. Riêng tại các sân bay, đường cao tốc và hải cảng, cơ quan dự báo thời tiết này khuyến cáo nên đưa ra các biện pháp an toàn thích hợp.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Tình trạng hàu Thái Bình Dương đang tràn ngập các bờ biển Đan Mạch có thể là một cơ hội kinh doanh tốt với các công ty du lịch Trung Quốc vì người Trung Quốc rất thích ăn hàu.

    Theo ước tính, khoảng 500 tấn hàu Thái Bình Dương từ châu Á đang xâm lấn các bãi biển Đan Mạch. Tình trạng này gây nguy hại cho loài hàu bản địa Limfjord và khiến người dân không tắm biển được.

    Hàu la liệt ở bờ biển Đan Mạch.

    Ngay lập tức, các công ty Trung Quốc đã đưa ra những giải pháp giúp Đan Mạch. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ nhập khẩu hàu và tổ chức các đoàn khách Trung Quốc tới quốc gia Bắc Âu này để ăn hàu. Vì hàu với tỏi nghiền và ớt là món ăn ưa thích của người Trung Quốc. Theo Zhiyan, 1,4 tỷ dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4,57 triệu tấn hàu trong năm 2015, chiếm khoảng 80% lượng hàu được nuôi trên toàn thế giới.

    Tổng số dân Đan Mạch chỉ khoảng 5,7 triệu người, họ không thích ăn loại hàu Thái Bình Dương này mà chỉ thích ăn hàu hoang dã của châu Âu.

    Nhiều trang mua sắm của Trung Quốc đã phát biểu: “Thời gian tới, chúng tôi có thể sẽ nhập những con hàu đang tràn ngập bờ biển Đan Mạch về Trung Quốc”.

    Weibo của Đại sứ quán Đan Mạch tại Trung Quốc bắt đầu phát hành chính thức một văn bản vào năm ngoái, và mời khách du lịch Trung Quốc nộp đơn xin thị thực sang Đan Mạch để ăn hàu.

    Trong đó có nêu chi tiết nơi có hàu, cách đi lại, giá vé, cách chế biến và ăn hàu kèm những tin rất thu hút khách du lịch Trung Quốc. Thông báo trên Weibo của họ đã thu hút 15.000 bình luận từ cư dân mạng Trung Quốc. Nhiều người chia sẻ sẽ tình nguyện đi du lịch để ăn hàu. 

    Để quảng bá và thu hút được khách Trung Quốc, địa phương này đã thúc đẩy vấn đề an toàn thưc phẩm và giới thiệu Thái tử Đan Mạch cũng thích ăn loại hàu này. Một loạt các chương trình phát sóng trực tiếp giới thiệu về hàu được tổ chức tại khu vực địa phương, và nhiều du khách Trung Quốc lập tức đã bay đến Đan Mạch để thưởng thức hàu. Vấn đề bảo vệ môi trường tại địa phương đang thực hiện rất tốt thế nên có thể ăn hàu ngay tại chỗ, khiến du khách Trung Quốc rất hào hứng.

    Du khách Trung Quốc sung sướng thưởng thức hàu ngay trên bờ biển.

    Đại sứ Đan Mạch tại Trung Quốc, Dai Shige, cũng phát biểu trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc rằng ông đặc biệt biết ơn khách du lịch Trung Quốc vì đã giúp họ giải quyết vấn đề hàu của Đan Mạch. Ông nói vẫn tiếp tục mời họ đến thăm thủ đô Copenhagen, các tỉnh ven biển và nông thôn để du lịch và thưởng thức hàu.

    Không ai có thể tưởng tượng được cuộc khủng hoảng sinh thái địa phương lại có thể thúc đẩy sự phát triển của du lịch, quả là ngưỡng mộ chính phủ Đan Mạch. Đôi khi, một chút động não, cuộc khủng hoảng có thể trở thành một bước ngoặt kinh tế. 

    Viethome (theo ĐNK)

  • Ngành du lịch ghép tạng đã và đang rất phổ biến tại Trung Quốc. Đã có nhiều báo cáo của truyền thông về người Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác du lịch tới Trung Quốc ghép tạng. Hôm 19/11, tổ chức Liên minh Quốc tế về Chấm dứt lạm dụng ghép tạng tại Trung Quốc đã đăng tải báo cáo về hoạt động du lịch ghép tạng từ Anh Quốc tới Trung Quốc, trích dẫn số liệu được xác nhận về những trường hợp bệnh nhân Anh Quốc tới Trung Quốc ghép thận.

    Dưới đây là toàn văn báo cáo du lịch ghép tạng Anh Quốc tới Trung Quốc của tác giả Andy Moody:

    Người dân tại Vương Quốc Anh (Anh Quốc) đang du lịch tới Trung Quốc Đại Lục để ghép tạng. Trung Quốc được biết đến là một quốc gia có nguồn nội tạng người phi đạo đức đến từ tử tù và thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm. Anh Quốc hiện nay không có luật ngăn chặn người dân du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng. Khách du lịch ghép tạng tự do quay lại Anh Quốc từ Trung Quốc để sử dụng các dịch vụ chăm sóc hậu ghép tạng trong các bệnh viện thuộc hệ thống Y tế Quốc gia Anh Quốc (NHS). Việc ghi chép và giám sát du lịch ghép tạng từ Anh Quốc tới Trung Quốc, cũng như cách thức các thông tin này được xử lý và báo cáo vẫn còn nhiều khác biệt lớn giữa các bệnh viện khác nhau và tổ chức NHS Trust (một tổ chức trực thuộc NHS), điều này dẫn tới thiếu minh bạch trong các dữ liệu về du lịch tới Trung Quốc ghép tạng.

    Cơ quan Máu và Ghép tạng của NHS (gọi tắt là NHS BT) được yêu cầu cung cấp thông tin về du lịch ghép tạng và họ đã xác nhận rằng vào khoảng thời gian từ năm 1995 tới năm 2012, đã có 22 người từ Anh Quốc du lịch tới Trung Quốc để cấy ghép thận. Năm người trong số này được ghi nhận ghép thận từ những người hiến tặng đã chết. Mười bảy người còn lại được ghi nhận ghép thận của những người hiến tặng còn sống. Nhưng NHS BT không có thông tin thêm về những người hiến tặng Trung Quốc.

    Nghị quyết Hàng Châu về cấy ghép tạng của Trung Quốc được ban hành từ năm 2013 với những biện pháp được ban hành trước đây trong năm 2007 (1). Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc chưa có chương trình hiến tặng nội tạng minh bạch trong khoảng thời gian có trong dữ liệu về du lịch ghép tạng của NHS BT, và cho tới nay Trung Quốc cũng chưa có chương trình này. Tại Trung Quốc, có rất ít người hiến tặng nội tạng đăng ký, nội tạng của nước này đến từ nguồn phi đạo đức.

    NHS BT cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng dữ liệu mà họ cung cấp là “chưa được báo cáo và không đáng tin cậy để phản ánh sự thật về số lượng bệnh nhân du lịch tới Trung Quốc ghép tạng”. Điều này cho thấy rằng có thể có nhiều người hơn nữa du lịch từ Anh Quốc tới Trung Quốc để ghép tạng.

    NHS BT chỉ biết về bệnh nhân ghép tạng tại Trung Quốc sau khi người này quay lại Anh Quốc và được chăm sóc hậu ghép tạng tại hệ thống NHS. Tương tự, Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của chính phủ Anh Quốc xác nhận rằng “họ không thể ngăn chặn công dân Anh Quốc du lịch tới những quốc gia quản lý yếu kém để tìm kiếm cấy ghép tạng, mặc dù các bác sĩ Anh Quốc vẫn luôn khuyên bệnh nhân của họ không nên làm như vậy”. Giới chức Anh Quốc không thể ngăn chặn du lịch ghép tạng là vì hiện tại ở Anh Quốc không có luật cấm du lịch ghép tạng ở các nước quản lý yếu kém như Trung Quốc. Từng bệnh viện riêng lẻ tại Anh Quốc cũng không có nghĩa vụ phải ghi nhận những thông tin về du lịch ghép tạng này và thực tế họ cũng không báo cáo bất kỳ trường hợp nào về du lịch tới Trung Quốc ghép tạng. Từng bác sĩ tại Anh Quốc chỉ có thể khuyên bệnh nhân của họ không nên sử dụng dịch vụ ghép tạng tại Trung Quốc và thông tin về du lịch ghép tạng có xu hướng được ghi lại trong hồ sơ bệnh nhân của từng các nhân, vì vậy dữ liệu đó thiếu tính minh bạch.
    Mọi bệnh viện ghép tạng tại Anh Quốc đều được yêu cầu cung cấp thông tin sâu thêm về du lịch ghép tạng. Nhưng chỉ một bệnh viện – Sheffield Northern General – có thể xác nhận rằng họ đã ghi nhận dữ liệu về một bệnh nhân người Anh đã tới Trung Quốc. Bệnh nhân này đã ghép thận vào năm 2004 ở bệnh viện Nanfang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

    Năm 2003, Bệnh viện Nanfang thực hiện trung bình 3 ca ghép thận mỗi ngày, chiếm 1/5 số ca ghép thận trên toàn Trung Quốc thời điểm đó. Đây cũng là thời gian trước khi Trung Quốc ban hành bất cứ hệ thống hiến tạng có tổ chức nào. Tờ Hoa Nam Tảo Báo (Hồng Kông) có đưa tin về báo cáo ‘Những người hiến tặng Không tự nguyện’ (4) của Tổ chức Nghiên cứu về Trại cải tạo Trung Quốc (Laogai Research Foundation). Báo cáo đó tuyên bố rằng “một quan chức tại Khoa Thận của Bệnh viện Nanfang đã xác nhận rằng phần lớn thận được sử dụng cho ghép tạng đến từ những kẻ tội phạm bị hành quyết gần đây”. Báo cáo cũng cho biết, “Bệnh viện Nanfang, ở Quảng Châu, Tỉnh Quảng Đông là bệnh viện ghép tạng lớn ở miền nam Trung Quốc… bệnh viện này do đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế quân đội điều hành. Nhờ vào mối quan hệ với quân đội, nên bệnh viện này dễ dàng tiếp cận nguồn tạng từ tử tù”.
    Tờ Epoch Times cũng có bài báo cho biết một cựu quan chức tỉnh Quảng Đông có tên “Mr. Vương” đã nhớ lại những trải nghiệm của ông tại Bệnh viện Nanfang. “Bệnh viện Nanfang có tất cả các loại nội tạng, và bán những nội tạng dư thừa cho các bệnh viện khác. Họ kiếm được rất nhiều tiền”. Bài báo của Epoch Times nói thêm rằng Bệnh viện Nanfang cũng là cơ hội cho những kẻ môi giới nội tạng kiếm tiền. Ông Vương cũng nhớ lại lời của một cựu nhân viên của bệnh viện này tuyên bố rằng “thu hoạch nội tạng [người] giống như giết lợn. Bạn có thể lấy bất cứ cái gì bạn cần”. (5).

    Nhiều bệnh viện khác tại Anh Quốc phản hồi yêu cầu tự do thông tin với các số liệu tương phản với dữ liệu của NHS BT. Chẳng hạn, có 4 bệnh viện nói rằng họ thực sự ghi nhận dữ liệu du lịch ghép tạng và tuyên bố rằng không có ai trong số các bệnh nhân của họ đã tới Trung Quốc ghép tạng. Tuy nhiên, NHS BT xác nhận rằng mỗi bệnh viện trong số 4 bệnh viện này đều có một bệnh nhân đã ghép thận tại Trung Quốc.

    Một ví dụ khác, Bệnh viện Queen Elizabeth tại Birmingham (QEHB) đã nói rằng họ không biết về bất kỳ bệnh nhân nào của họ du lịch tới Trung Quốc ghép tạng, nhưng dữ liệu của NHS BT chỉ ra rằng một bệnh nhân của QEHB đã du lịch tới Trung Quốc. Bác sĩ Adnan Sharif là chuyên gia tư vấn về thận tại QEHB, và ông cũng là Thư ký của tổ chức Các bác sĩ chống Thu hoạch Nội tạng cưỡng bức (DAFOH). Trong một cuộc trao đổi, ông nói: “Tôi có thể xác nhận rằng với tư cách là bác sĩ phụ trách một nửa chương trình sau cấy ghép của QEHB… tôi biết có hai bệnh nhân đã du lịch tới Trung Quốc ghép thận trong vòng 10 năm qua”. Thông tin này đã bổ sung thêm một bệnh nhân chưa được ghi nhận trước đây vào dữ liệu trong nghiên cứu này, tăng tổng số bệnh nhân Anh Quốc du lịch ghép tạng tại Trung Quốc được xác nhận lên 23 trường hợp.

    Bình luận về bản nghiên cứu này, Bác sĩ Sharif nói: “Đây không phải là thông tin được đối chiếu thường xuyên cho các đơn vị cấy ghép. Tôi không ngạc nhiên nhiều bệnh nhân (bao gồm cả bệnh nhân của tôi) không có đăng ký chính thức – hai bệnh nhân mà tôi biết chỉ có tài liệu trên thư lâm sàng của họ gửi đến [khoa nội của QEHB]. Không có cách nào để [NHS] Trust nhận thức được thông tin này, và NHS BT không có nghĩa vụ phải nhận thức về điều này”.

    Ví dụ cuối cùng, hai bệnh viện khác mà theo dữ liệu của NHS BT mỗi bệnh viện có ba bệnh nhân đã ghép tạng tại Trung Quốc, nhưng họ nói rằng họ không biết gì về thông tin này. Cả hai bệnh viện này đều là những cơ sở y tế uy tín cao tại Anh Quốc – Bệnh viện Nam khoa (Guy’s Hospital) và Bệnh viện Hoàng Gia London.

    Các bác sĩ phải đối mặt với tình huống khó xử về mặt đạo đức khi không có khung pháp lý hay thủ tục nào để bảo vệ họ và bệnh viện của họ tránh khỏi những sự đồng lõa tiềm ẩn, gián tiếp và không rõ ràng trong quy trình mua bán nội tạng phi đạo đức ở Trung Quốc. Họ chỉ có thể đưa ra lời khuyên với các bệnh nhân của họ không nên du lịch tới Trung Quốc ghép tạng. Cách thức mà các bệnh viện Anh Quốc đang giám sát du lịch ghép tạng tới Trung Quốc đang không hoạt động. Điều này nên hoạt động. Nhiều trong số các bệnh viện này không biết rằng bệnh nhân của họ đang tới Trung Quốc và trả tiền để ghép thận. Hơn nữa, điều quan trọng cần lưu ý là các dữ liệu được ghi nhận trong báo cáo này chỉ phản ánh các bệnh nhân điều trị trong hệ thống NHS. Với việc tổng số tiền cần để mua tạng tại Trung Quốc là khả thi, các du khách ghép tạng có thể cũng sử dụng hệ thống chăm sóc tư nhân mà không cần qua hệ thống NHS của chính phủ Anh Quốc.

    Nghiên cứu này không tập trung vào hoặc chỉ trích các lựa chọn đạo đức và cảm xúc thay đổi cuộc sống của mỗi bệnh nhân ghép tạng. Tuy nhiên, nghiên cứu này muốn dấy lên những câu hỏi khó cần được trả lời. Chính phủ và hệ thống pháp luật Anh Quốc nên làm gì nếu một người nào đó từ Anh Quốc mua nội tạng được thu hoạch từ một tù nhân lương tâm tại Trung Quốc? Đây có phải là người đồng lõa với tội phạm chống lại nhân loại? Hơn nữa, chính phủ và hệ thống pháp luật Anh Quốc làm gì nếu sau đó NHS cung cấp chăm sóc hậu cấy ghép cho người này? NHS có phải đang phạm tội đồng lõa gián tiếp? Chính phủ Anh có thể làm gì để bảo vệ các bệnh nhân, cũng như các bệnh viện và nhân viên thuộc NHS tránh khỏi bất kỳ liên quan nào tới tội phạm chống nhân loại đang diễn ra tại Trung Quốc? Các bệnh viện có thể làm gì để giám sát tốt hơn hoạt động du lịch ghép tạng tới Trung Quốc, và bảo vệ bệnh nhân của họ không sử dụng dịch vụ ghép tạng từ các nước quản lý yếu kém?
    Hiểu về sự phổ biến của du lịch ghép tạng Anh Quốc – Trung Quốc, tạo ra luật bảo vệ người dân tránh việc mua nội tạng tại Trung Quốc, và bảo vệ các cơ sở chăm sóc sức khỏe không bị vướng vào tội đồng lõa gián tiếp, chỉ là bước đi đầu tiên. Để đảm bảo rằng bất kỳ luật nào đều có hiệu quả toàn diện, thì cần thiết phải có hiểu biết sâu sắc hơn nữa về cách thức người dân tại Anh Quốc mua nội tạng tại Trung Quốc. Liệu có tồn tại các kênh thị trường chợ đen hoặc những người môi giới nội tạng tại hoặc có kết nối với Anh Quốc? Tiền được trả thế nào và trả cho ai? Các nội tạng phù hợp thế nào, và được tổ chức cấy ghép ra sao? Trải nghiệm của các bệnh nhân Anh Quốc tại Trung Quốc khi ghép tạng là gì và họ có bằng chứng quan trọng nào?

    Người dân tại Anh Quốc đang du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng. Tại Trung Quốc, chính quyền đang giết hại người dân vô tội và thu hoạch thận của họ để cung cấp cho hoạt động ghép tạng cho những người sẵn sàng trả tiền. Không hoàn toàn là không thể khi cho rằng vào một thời điểm nào đó hai điều này sẽ kết nối với nhau: ai đó từ Anh Quốc sẽ mua một quả thận được thu hoạch cưỡng bức từ một tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Với tất cả những gì chúng tôi biết, điều này đã xảy ra rồi, và có thể vẫn đang diễn ra. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục đặt rủi ro cho hệ thống y tế Anh Quốc và bệnh nhân ghép tạng của hệ thống này trở thành một phần mở rộng của hệ thống thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
    Viethome (theo TrithucVN)

     

  • Nhìn cảnh tượng tòa chung cư to đồ sộ sập tan tành ngay trước mắt khiến nhiều người hoang mang, lo sợ không dám ở những công trình tương tự.
     
    Tòa nhà ở Trung Quốc này dễ dàng đổ sập mà không có động đất hay thiên tai. Đây là hiểm họa rất lớn cho những cư dân ở đó hoặc sắp chuyển tới. Vì công trình làm không đảm bảo, rút lõi nhiều vật liệu, thậm chí là không có móng mới dễ dàng đổ sập giống mô hình đồ chơi như vậy.
     viethome nha sap
    Hiện chưa thống kê được thương vong, nhưng hậu quả không hề nhỏ, tốn kém nhiều tiền của và những nhà xung quanh cũng có nguy cơ tan tành nếu bị đổ vào.
     
    Trung Quốc cũng từng chứng kiến rất nhiều vụ sập chung cư tương tự. Chấn động nhất là vụ 3 tòa nhà chung cư ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đồng loạt đổ sập vào sáng ngày 2/2/2017.
     
    Trước đó hồi tháng 10/2016, cũng tại Ôn Châu, 4 tòa nhà cao tầng bất ngờ đổ sập đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng.
     viethome sap nha 2
    Theo một báo cáo năm 2014 được tờ Ôn Châu Nhật Báo (Wenzhou Daily) đăng tải cho biết có hơn 1.400 tòa nhà ở thành phố này được cho là không an toàn và cần phải gia cố lại hoặc phá hủy.

    Những ngôi nhà vừa xây xong đã sập ở Trung Quốc. 

    Đáng lẽ ra, nhà ở nên được xây kiên cố nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhiều người, nhưng vì lợi nhuận người ta sẵn sàng rút lõi công trình để làm giàu, đẩy hàng nghìn tính mạng vào tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
    Viethome (theo DKN)
  • Đội ngũ tiếp viên được coi là bộ mặt của một hãng hàng không, do đó không lạ khi khoản đồng phục luôn được các hãng chú trọng. Đồng phục của nhân viên hàng không thường được thiết kế kỹ lưỡng để vừa đảm bảo được tính chuyên nghiệp mà lại vừa đẹp mắt, phản ánh được hình ảnh mà hãng hàng không muốn hướng đến.

    Mặc dù phần lớn các hãng hàng không cao cấp đều không tiếc tiền của để đầu tư vào đồng phục của tiếp viên nhưng chịu chơi đến mức đặt cả thiết kế Haute Couture cho dàn nhân viên trai xinh gái đẹp thì có lẽ chỉ có mỗi Hainan Airlines - Hãng hàng không Hải Nam, Trung Quốc. Những trang phục này được trau chuốt hoàn mĩ như vừa được cắt ra từ bìa một tạp chí thời trang.

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 0

    Hãng hàng không của Trung Quốc đã kết hợp với nhà thiết kế gốc Hoa nổi tiếng Laurence Xu để sáng tạo ra bộ đồng phục cho nhân viên của mình. Lấy cảm hứng từ trang phục sườn xám, Laurence Xu đã kết hợp giữa khuynh hướng thời trang phương Tây và các hoa văn nghệ thuật Trung Hoa như họa tiết mây và sóng, thậm chí trên trang phục còn khắc họa một loài chim truyền thuyết là quái điểu Roc.

    Khác với vẻ cầu kì của đồng phục dành cho các nữ tiếp viên, trang phục của các tiếp viên nam thì đơn giản và đậm chất Tây phương hơn với áo choàng dài 2 hàng khuy cùng những họa tiết nhỏ. Bộ sưu tập này đã được giới thiệu tại tuần lễ thời trang Paris Couture Week hồi tháng 7/2017.

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 12

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 1

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 2

    Đầm xòe với chi tiết áo cape sang trọng, mũ pillbox thể hiện rõ nét dấu ấn phương Tây, khiến các tín đồ thời trang nhớ tới trào lưu New Look những năm 1940.

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 3

    Song song với thiết kế xường xám, đầm và áo choàng cape cho nữ, đồng phục của các tiếp viên hàng không nam cũng ấn tượng không kém. Ngoài mẫu suit cổ trụ màu ghi sáng, có phom dáng phổ biến thì áo khoác trench lịch lãm chính là điểm nhấn đặc biệt. Nếu trang phục nữ đượm nét phương Đông thì các mẫu áo nam lại nghiêng về cảm hứng phương Tây nhiều hơn.

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 4

    Xường xám truyền thống của Trung Quốc được lựa chọn làm đồng phục cho các tiếp viên hàng không nữ, với họa tiết mang đậm màu sắc phương Đông.

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 5

    Có thể thấy, Laurence Xu đã tốn không ít công sức để có thể kết hợp uyển chuyển các yếu tố văn hóa. Cũng chính từ những bộ đồng phục Haute Couture được chế tác kỳ công này, Hainan Airlines, hay thậm chí cả nhà thiết kế Laurence Xu đều có chung khao khát là mang hình ảnh một Trung Hoa mới mẻ, hiện đại tới bạn bè quốc tế.

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 6

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 7

    Người mẫu (giữa) mặc chiếc tạp dề hình cánh sen rất duyên dáng.

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 8

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 9

    viethome trang phuc tiep vien hang khong 10

    Bộ sưu tập này phải mất 2 năm để hoàn thành. Laurence Xu đã sáng tạo ra hơn 1.000 bảng thiết kế và kiểm nghiệm hơn 100 mẫu vải cùng phụ kiện để chắt lọc ra những sản phẩm ưng ý nhất. Bộ trang phục này giúp phi hành đoàn của hãng hàng không này luôn nổi bật dù ở phi trường trong nước hay quốc tế.

    Cùng Guo Pei, Laurence Xu là nhà thiết kế Trung Quốc được trình diễn ở Tuần thời trang cao cấp Paris. Laurence Xu tên tiếng Trung là Hứa Kiến Thụ, tốt nghiệp một trường học về thời trang ở Trung Quốc, sau đó du học Paris (Pháp). Anh là người từng giúp Phạm Băng Băng ghi dấu ấn trên thảm đỏ Cannes nhiều mùa. Chiếc váy long bào anh thiết kế cho người đẹp ở Cannes 2010 là một trong những tác phẩm "để đời". Trang Red Carpet Fashion Awards xếp bộ váy ở vị trí thứ ba trong danh sách 10 trang phục thảm đỏ đẹp nhất năm đó.

    Nếu Christian Lacroix từng khiến các tín đồ say mê bởi mẫu đồng phục hiện đại cho một hãng hàng không Trung Hoa vào năm 2013, thì Laurence Xu lại khiến giới mộ điệu trầm trồ vì các tuyệt phẩm Haute Couture mang đậm cảm hứng châu Á, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa và giá trị nghệ thuật riêng biệt.

    Viet Home (theo thethaovanhoa)

  • Giá nhà đất ở các thành phố đang trên đà giảm mạnh và đóng băng; thậm chí có nơi như Hạc Cương, giá căn hộ 46 mét vuông chỉ tương đương hai chiếc điện thoại Iphone 14.

    Từ lâu nay, người Trung Quốc đều cho rằng giá nhà đất ở các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến sẽ chỉ tăng chứ không thể giảm. Do đó, một số chuyên gia đề xuất nên mua nhà tại các khu vực lõi của các đô thị loại 1 kể trên để đầu tư bất động sản, vì vẫn còn dư địa để tăng giá mạnh hơn nữa và giá nhà không thể giảm. Nhưng thực tế, trên thế giới không có thứ hàng hóa nào "chỉ lên không xuống", vào những năm 1990 sau khi bong bóng bất động sản Nhật Bản bị vỡ, giá nhà đất ở Tokyo cũng đã giảm tới 70%.

    gia nha o trung quoc 1
    Chưa bao giờ việc mua nhà ở các thành phố Trung Quốc lại dễ như hiện nay.

    Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Thượng Hải có dấu hiệu suy giảm rõ ràng. Số lượng giao dịch nhà mới trong tháng 9 trên toàn thành phố chỉ hơn 1.000 căn hộ, khác xa với giao dịch mua nhà mới "mua tháng 9 bán tháng 10" mấy năm trước. Đây là số liệu có được sau khi Thượng Hải nới lỏng chính sách hạn chế nhập cư và mua nhà. Cùng với đó, lượng giao dịch mua bán nhà cũ tại Thượng Hải cũng bắt đầu yếu đi, ngoài việc giá niêm yết của nhà cũ liên tục giảm, một số chủ nhà còn tăng tiền thưởng cho các đại lý bất động sản nhằm bán được nhà sớm hơn.

    Đánh giá tình hình hiện tại, giá nhà cũ ở Thượng Hải đã sa vào xu thế giảm. Một cư dân mạng cho biết, trước đó vào năm 2018, ông mua một căn nhà rộng 91m2 ở Tuệ Nam, Phố Đông, tổng giá 2,4 triệu Nhân dân tệ (NDT), nhưng giờ rao bán trên thị trường nhà cũ, chỉ còn 2 triệu. Ngoài ra, giá nhà đất tại các thành phố trung tâm cũng đang có dấu hiệu điều chỉnh. Vào tháng 4 năm ngoái, giá niêm yết nhà ở cũ trung bình ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải đã tăng lên 108.000 NDT, nhưng nay chỉ còn 102.000 NDT và giá niêm yết nhà ở cũ đã giảm 6.000 NDT.

    Vậy, tại sao lại có xu hướng điều chỉnh giảm rõ ràng trên thị trường bất động sản Thượng Hải? Có ba yếu tố chính: Thứ nhất, xu hướng "khan hiếm" trên thị trường bất động sản Thượng Hải đã bị phá vỡ. Nguồn cung nhà mới trong năm nay đã tăng đáng kể, nhiều hơn năm ngoái. Đồng thời, nguồn cung đất nền ở Thượng Hải đã tăng 50% trong năm nay và nguồn cung nhà mới ở Thượng Hải trong năm tới sẽ tăng đáng kể trên cơ sở của năm nay. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở ít hơn rất nhiều và áp lực giảm giá nhà đất sẽ ngày càng rõ ràng hơn.

    Hơn nữa, giá nhà đất ở Thượng Hải quá cao, đứng thứ 4 trong số các thành phố hạng nhất thế giới, chỉ sau Hồng Kông, Bắc Kinh và Thâm Quyến. Ngày nay, mua một căn hộ thương mại mới ở Thượng Hải tốn ít nhất 60-70 triệu NDT, trong khi thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình Thượng Hải chỉ 150.000 NDT, tức là người Thượng Hải chỉ có thể mua một căn hộ thương mại mà không được ăn uống trong ít nhất 40 năm trở lên. Rõ ràng, giá nhà ở cao như vậy chỉ các nhà đầu tư và đầu cơ bất động sản mới chịu được. Nếu nhu cầu đầu tư buôn nhà giảm đi, không thể duy trì mức giá cao thì thị trường nhà đất Thượng Hải sẽ xuất hiện sự điều chỉnh rõ rệt, huyền thoại "chỉ tăng không giảm" về giá nhà sẽ tan tành.

    Thêm nữa, vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, Thượng Hải đã bị đóng cửa trong hai tháng do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, rất nhiều người phải ở nhà và không có nguồn thu nhập. Khi đại dịch qua đi, mọi ngành nghề trong xã hội đều suy thoái, nhiều công ty phải sa thải nhân viên và cắt giảm tiền lương, mọi người đều hết kỳ vọng về tăng trưởng thu nhập và đình chỉ kế hoạch mua nhà. Do thu nhập giảm sút và nỗi lo thất nghiệp đã khiến nhiều cư dân không thể mua nhà. Do đó, sau đợt dịch, thị trường bất động sản Thượng Hải không xuất hiện lượng giao dịch phục hồi mạnh như mọi người tưởng tượng trước đây, lượng giao dịch cả nhà cũ và nhà mới đều rất yếu.

    Giờ đây, dù là thị trường nhà mới hay nhà cũ, xu thế giá nhà ở của Thượng Hải giảm là điều rất hiển nhiên. Đầu tiên chủ yếu là thị trường nhà cũ bắt đầu giảm, và sau đó ảnh hưởng đến thị trường nhà mới. Nguyên nhân dẫn đến xu hướng giá nhà đất ở Thượng Hải giảm bao gồm: ① Nguồn cung nhà mới và nhà cũ trên thị trường rất lớn, nhà ở hiện đã quá dư thừa. ② Giá nhà đất ở Thượng Hải quá cao so với mức thu nhập của người dân địa phương. ③ Bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng thu nhập của mọi người chậm lại và nhu cầu về nhà ở giảm nhanh chóng. Vì vậy, các nhà đầu tư đầu cơ bất động sản cũng cẩn trọng để không trở thành những người thổi giá nhà đất.

    Thực tế đã chứng minh rằng chừng nào công chúng thực sự không mua nhà, thì giá nhà sẽ giảm. Không chỉ ở Thượng Hải. Số liệu của tháng 9 cho thấy, đường đồ thị giảm giá nhà trên toàn quốc ngày càng rõ ràng hơn và số thành phố giảm giá cũng ngày càng tăng. Trong số 70 thành phố vừa và lớn, có 54 thành phố giá nhà mới giảm, tăng 4 so với tháng 8; 61 thành phố giá nhà cũ giảm, tăng 5 so với tháng 8. Số thành phố có giá nhà tăng rất ít.

    Điều đáng nói là số thành phố có giá nhà giảm trong tháng 9 năm nay đã đạt mức cao mới kể từ tháng 3/2015. Thị trường nhà ở Trung Quốc hiện đang ở mức ảm đạm nhất trong 7 năm qua, nhiều nơi phải vắt óc cứu thị trường.

    Lấy Trịnh Châu làm ví dụ, để khôi phục niềm tin của thị trường, chính quyền thành phố đã ban hành "quân lệnh" vào tháng 9, dốc sức trong 30 ngày để đảm bảo rằng các tòa nhà chưa hoàn thành của thành phố thi công trở lại.

    Đánh giá từ kết quả mang tính giai đoạn do Trịnh Châu công bố, 145 trong số 147 tòa nhà chưa hoàn thành của thành phố đã thi công trở lại. Tuy nhiên, người dân địa phương dường như không hứng thú mua.

    Trong tháng này, chính quyền Quý Châu cũng đã ban hành một văn bản khuyến khích các công chức thực hiện việc mua nhà ở thương mại theo nhóm.

    Đồng thời với việc nhiều nơi đang nhộn nhịp cứu thị trường, lãi suất vay thế chấp cũng đang giảm. Ngân hàng trung ương và Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc đã thông báo các thành phố có giá nhà ở mới giảm có thể nới lỏng giới hạn của lãi suất cho vay cá nhân mua nhà ở thương mại đối với căn hộ đầu tiên trước cuối năm 2022. Hiện có 11 thành phố đã giảm tỷ lệ lãi vay thế chấp xuống dưới 4%/năm.

    Thạch Gia Trang và Tần Hoàng Đảo giảm mạnh nhất, xuống 3,8%; theo sau là Thiên Tân, Vũ Hán, Quý Dương, Nghi Xương, Tương Dương và Bao Đầu giảm 3,9%; Côn Minh, Tế Ninh và Đại Lý giảm xuống còn 3,95%.

    Mức lãi suất vay thế chấp này, không ai dám nghĩ đến khi thị trường bất động sản sốt nóng mấy năm trước. Rõ ràng, thị trường hiện đang ở mức đáy nên mức lãi suất vay thế chấp đã xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1992.

    Trước đây, khi giá nhà tăng mạnh, chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra các chính sách để cố gắng bình ổn giá nhà, nhưng giá nhà ở nhiều nơi vẫn tăng. Nay thời thế đã thay đổi, các chính sách giải cứu của địa phương nối tiếp nhau ra đời vì lo sợ thị trường bất động sản sẽ sụp đổ, nhưng hiệu quả còn rất hạn chế.

    Liệu giá nhà đã chạm đáy chưa? Chắc chắn là chưa. Việc giảm giá nhà đất ở tất cả các thành phố hiện chỉ dưới 1%, điều này có vẻ vô hại, nhưng so với việc giá nhà đất luôn tăng trước đây thì đây là vấn đề nghiêm trọng hơn.

    Sẽ tốt hơn nếu giá nhà thực sự giảm xuống đáy, bởi vì nếu nó thực sự "rẻ như giá bắp cải", bản thân nó sẽ là cách tiếp thị tốt nhất.

    gia nha o trung quoc 1
    Giá nhà ở thành phố Hạc Cương chỉ 300 NDT (Hơn 1 triệu VND) một mét vuông (Ảnh: Hangzhou.net).

    Theo trang NetEasy, gần đây, Hạc Cương, một đô thị nhỏ ở tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc, trở thành từ tìm kiếm "hot", lý do vì giá nhà ở đây quá rẻ - một cô gái sinh năm 1995 chỉ bỏ ra 15.000 NDT để mua căn nhà 46 mét vuông ở đây, tức là chỉ bằng giá 2 chiếc smartphone Iphone 14.

    Cô gái mua ngôi nhà không cần sửa sang nhiều: chi 15.000 tệ mua căn hộ và 50.000 tệ cho việc trang trí. Ngoài ra, cô còn thuê một người nấu ăn cho mình, với tiền công mỗi tháng là 1.000 tệ (3,5 triệu VND).

    Giá nhà đất và giá cả sinh hoạt ở Hạc Cương thực sự đáng ngưỡng mộ. Trên thực tế, những năm gần đây đã có nhiều người đến đây mua nhà, có người đến rồi đi, có người ở lại.

    Mỗi khi có một cuộc tìm kiếm nóng về Hạc Cương, cánh môi giới địa phương đều tranh thủ tạo sóng, mỗi ngày nhận được các cuộc gọi từ khắp nơi cả nước. Nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy những người này xin tư vấn và đến mua nhà là giá nhà đất ở đây quá rẻ.

    Giá nhà ở Hạc Cương rẻ, mua một căn có thể chờ lên giá, giá không tăng cũng không lỗ; giá nhà ở Hạc Cương rẻ, bạn có thể để lại tổ ấm cho mình ở thành phố lớn, đến đây chơi và ở thích hơn ở trong khách sạn...

    Một thị trường bất động sản như vậy rõ ràng là không thể chấp nhận được đối với các thành phố khác. Một khi giá nhà đất giảm mạnh, rủi ro tài chính rất dễ xảy ra, không chỉ người Trung Quốc đặt cược vào việc mua nhà và đầu tư vào chuỗi này bị đóng băng vốn.

    Có thể thấy, giá nhà rẻ của Hạc Cương không thể và sẽ không bị sao chép sang các thành phố khác. Từ logic này, việc "ép" người dân bình thường mua nhà giá cao có tính hợp lý nhất định.

    Nếu muốn ép những người bình thường mua nhà bây giờ chỉ có một cách: tăng giá nhà khiến tiền lương không thể theo kịp tốc độ tăng giá nhà, và tăng đến mức người ta thấy rằng nếu hôm nay không mua thì tới đây không thể mua được, giống như mấy năm trước; như vậy là ai cũng cắm đầu lao vào mua.

    Nhìn lại theo lối suy nghĩ này, sẽ thấy xu thế tăng và giảm giá nhà: năm 2008, ào ào một làn sóng 4 nghìn tỉ NDT; năm 2015 là làn sóng 6 nghìn tỉ; năm 2022, 8 nghìn tỉ NDT không thúc đẩy được giá nhà đất tăng, điều này cho thấy người dân bình thường thực sự bất động.

    Trên thực tế, đây cũng là một điều tốt, vì một khi giá nhà tăng mạnh, hậu quả có thể thấy ở nước láng giềng Nhật Bản: giá nhà cao quá, dân chúng đồng lòng không mua nhà, nhưng cũng đồng lòng không sinh con.

    Theo Viettimes