• Đòi bồi thường 6 căn nhà nhưng không được chấp thuận, cuối cùng sau 14 năm sống giữa 2 làn xe, gia đình ông Trương cũng quyết định rời đi với khoản đền bù mà chính quyền đưa ra.

    Được mệnh danh là "ngôi nhà đinh cứng đầu nhất Thượng Hải", tòa nhà 3 tầng nằm trơ trọi giữa con đường huyết mạch ở quận Tùng Giang, ngoại ô Thượng Hải cuối cùng cũng đã bị phá bỏ. Con đường luôn trong tình trạng bị ùn tắc giờ đây thông thoáng đến lạ.

    Theo trang Sina, vì ngôi nhà này mà dự án tái thiết đường cao tốc Hộ Đình Bắc vào năm 2010 phải thu hẹp con đường 4 làn theo thiết kế ban đầu thành đường 2 làn. Việc rẽ đường đột ngột khiến khu vực này trở thành điểm tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và cũng là điểm xảy ra tai nạn giao thông cao. 

    Kể từ năm 2011, một số cư dân gần đó đã liên tục phản ánh rằng: "Chỉ cần có các phương tiện lớn đi qua từ cả hai hướng, nơi này sẽ như bị phong tỏa, thậm chí có xe còn suýt đâm vào căn nhà".

    Nhất quyết ở lại vì đền bù không thỏa đáng

    Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Trương Tân Quốc. Ông cho biết vào năm 1996, bố vợ anh đã dùng số tiền 300.000 NDT mua căn nhà 2 tầng có diện tích sàn 100m2 này. Sau đó, ông đã chi thêm 200.000 NDT nữa để cải tạo và xây thêm, biến nó thành tòa nhà 3 tầng như hiện trạng. Vào thời điểm đó, ngôi nhà của anh Trương được xem là bề thế nhất vùng. Cứ thế, gia đình 4 đời có đến 9 người cùng sống ở tầng 2 và tầng 3. Tầng 1 được gia đình anh cho người khác thuê.

    Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông, ngay từ ngày 19 tháng 9 năm 2003, những hộ gia đình ở khu vực này đã nhận được thông báo di dời của chính quyền. Sau đó đến năm 2008, dự án mở rộng đường cao tốc Hộ Đình Bắc được lên kế hoạch thực hiện nhưng do đối tượng phải di dời rất lớn nên ngày tiến hành đã bị lùi lại nhiều lần. Số hộ “ở lại” giảm dần từ hơn 10 hộ ban đầu xuống còn 4 hộ, đến tháng 7/2009 chỉ còn 2 hộ và đến tháng 1/2011 chỉ còn hộ gia đình ông Trương ở lại không chịu di dời.

    ngoi nha dinh cung dau o thuong hai 1

    Nói về lý do không chịu chuyển đi, ông Trương cho biết khi có thông báo phải di dời, các con ông đã đến tuổi lập gia đình nên ông muốn đấu tranh để có nhà cho con gái nhưng không được chấp thuận. Ông mong muốn gia đình mình được nhận đền bù 6 ngôi nhà với lý do 9 người trong nhà (lúc đó mẹ chồng còn sống và cháu trai chưa chuyển ra ngoài) thuộc 2 sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, theo các quy định có liên quan vào thời điểm đó, yêu cầu này của gia chủ không phù hợp nên không được phê duyệt.

    Rời đi sau 14 năm sống giữa đường lớn

    Vì kiên quyết ở lại, gia đình ông Trương phải đối mặt với nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày.

    "Mọi thứ ồn ào suốt ngày, đặc biệt là vào đêm khuya khi xe tải qua lại nhiều. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào khi là kẻ sống giữa đường. Đã có 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do tài xế không quen đường, không kịp rẽ ngoặt để tránh nhà tôi", một thành viên trong gia đình chia sẻ.

    Theo Sina, ông Trương cho biết gia đình ông không muốn gây bất tiện cho mọi người nhưng vẫn ở trong ngôi nhà từ năm 2003 vì không đồng ý với số tiền đền bù mà chính quyền đưa ra. Đồng thời có một nguyên nhân sâu xa được người đàn ông này tiết lộ là do giấy chứng nhận thổ cư của gia đình vào những năm 1950 chưa được phê duyệt.

    Do đó, bất chấp tiếng ồn, khói bụi và rủi ro về tính mạng cũng như áp lực tâm lý, gia đình ông vẫn trụ lại, chịu đựng ánh mắt soi mói của mọi người và truyền thông. Mãi đến ngày 21 tháng 8 năm 2017, truyền thông địa phương đưa tin gia đình này đã đồng ý chuyển đi. Lý do được tiết lộ khiến nhiều người bất ngờ.

    ngoi nha dinh cung dau o thuong hai 1

    Theo trang The Paper, vào tháng 9 năm 2016, một văn phòng phụ trách việc thuyết phục người dân thuộc diện tái định cư được thành lập và chủ động liên hệ với gia đình ông Trương. Hai người chịu trách nhiệm đã có 8 cuộc đàm phán trực tiếp và hơn 10 cuộc trao đổi qua điện thoại với người nhà. Họ thường xuyên giữ liên lạc, công bố chính sách tái định cư và phân tích thực trạng. Các tổ trưởng, tổ phố phụ trách khu phố nơi ông Trương sống cũng đến để khuyên bảo và động viên gia đình.

    Qua những lần trao đổi đó, gia đình ông Trương dần dần thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với giám đốc và phó giám đốc văn phòng tái định cư. Hai người đã liên lạc với gia đình ông Trương, phân tích một cách khách quan những ưu và nhược điểm của việc di dời theo thỏa thuận và thu hồi theo pháp luật. Đồng thời thuyết phục họ đối mặt với việc di dời với thái độ tích cực.

    ngoi nha dinh cung dau o thuong hai 1

    Trước sự nhiệt tình của 2 vị cán bộ, gia đình ông Trương cuối cùng cũng sẵn sàng hợp tác với việc di dời của chính quyền. Gia đình được đền bù 4 căn nhà với tổng diện tích khoảng 400m2 cùng với số tiền đền bù 2,3 triệu NDT. Vị trí của các căn hộ không được tiết lộ.

    Sáng ngày 7 tháng 9 năm 2017, nhìn lô đồ đạc đầu tiên được vận chuyển đi, ông Trương xúc động nói: "14 năm nay chúng tôi có cuộc sống bế tắc ở đây, giờ đây cuối cùng cũng thoát ra được. Tổ trưởng dân phố thường xuyên đến thăm hỏi và giúp đỡ rất chân thành khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Bây giờ chúng tôi không quan tâm tiền đền bù nhiều hay ít, miễn là cả nhà khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần là được."

    Nhịp sống Thị trường (theo Sina, Thepaper.cn, Chinadaily.com.cn)

  • Người đàn ông họ Lâm ở Thâm Quyến, Trung Quốc đã bốc trúng giải đặc biệt là "365 ngày nghỉ phép có lương" trong buổi tiệc liên hoan cuối năm của công ty.

    Trong bữa tiệc tất niên trước Tết Nguyên đán vào ngày 26/1, một công ty truyền thông ở Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đã tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho các nhân viên. Trong đó anh chàng họ Lâm đã may mắn giành giải đặc biệt là "365 ngày nghỉ phép có lương".

    nghi phep

    "Ban đầu tôi nghĩ là trò đùa, nhưng giám đốc nói rằng đó là một phần thưởng nghiêm túc. Tôi sẽ được nghỉ 365 ngày mà vẫn nhận lương như bình thường ", Lâm chia sẻ niềm vui.

    Ngày 27/1, Lâm nhận được cuộc gọi từ Giám đốc, hỏi anh có muốn nghỉ đủ 365 ngày có lương hay muốn nhận 200.000 tệ (712 triệu đồng) - thay thế giải thưởng. Vị lãnh đạo này còn hứa nếu tiếp tục đi làm, Lâm sẽ không bị áp giờ làm việc hành chính như những nhân viên khác mà anh có thể đến công ty bất cứ khi nào. Sau cùng, Lâm đã chọn cách thứ hai.

    Với 200.000 tệ, Lâm lập tức chuyển 10.000 tệ cho một quỹ từ thiện, ủng hộ trẻ em vùng cao dịp Tết nguyên đán. Chàng trai 30 tuổi trích một khoản biếu bố mẹ ăn Tết, còn lại sẽ mua sắm một số vật dụng thiết yếu và gửi tiết kiệm.

    Ngày 28/1, ông Hoàng, người phụ trách công ty truyền thông nơi Lâm làm việc chia sẻ, năm 2021 lợi nhuận công ty rất tốt, vì vậy ban giám đốc đã nghĩ ra giải thưởng nhằm khích lệ sự cố gắng và làm việc của nhân viên.

    Được biết, bữa tiệc tất niên hôm đó có 70 nhân viên tham dự. Các giải thưởng gồm có chuyến du lịch trong nước, bộ 3 sản phẩm Apple (iMac, iPhone 13 và iPad) và giải nhất 365 ngày nghỉ phép có lương. Ông Hoàng cho biết thêm, Lâm là nhân viên mẫn cán, đã đem về doanh số 20 triệu Nhân dân tệ cho công ty vào năm 2021.

    Sau khi thông tin này được chia sẻ, nhiều người dùng mạng tỏ ra ghen tị với Lâm và đặt câu hỏi: "Liệu quá muộn để gia nhập công ty này không?".

    Thực tế, vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc không ngần ngại thưởng cho nhân viên những món quà đắt giá để ghi nhận đóng góp của họ cho công ty.

    Gần đây một bảng xếp hạng thưởng Tết bình quân ở các thành phố lớn tại Trung Quốc cũng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Theo đó, Thượng Hải là thành phố có mức thưởng Tết cao nhất với 425.000 tệ (1,5 tỷ đồng); tiếp theo là Bắc Kinh, Thâm Quyến, Hàng Châu, Quảng Châu với số tiền lần lượt là 402.000 tệ, 355.000 tệ và 305.000 tệ.

    Theo Người Đưa Tin

  • Hàng trăm dự án bất động sản dừng vô thời hạn, đẩy nhiều người mua nhà Trung Quốc vào tình cảnh hàng tháng phải trả tiền cho món tài sản có thể không bao giờ được nhận.

    Theo một khảo sát nửa đầu năm 2022 của Viện Nghiên cứu Bất động sản Yiju Thượng Hải, khoảng 5% căn hộ đang được xây dựng tại 50 thành phố lớn hiện đang bị dừng xây dựng (tiếng Trung gọi là lanweilou).

    Một số người mua nhà đã ngay lập tức ngừng thanh toán các khoản thế chấp; số khác đe dọa sẽ làm vậy nếu dự án không khởi động trở lại. Phong trào ngừng trả nợ thế chấp ngân hàng đã nổ ra tại hơn 100 thành phố của Trung Quốc.

    "Ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp là một canh bạc. Chúng tôi không có lối thoát. Chúng tôi đã cùng đường mới làm thế", Kuang Hong, một người mua nhà 27 tuổi, nói.

    Kuang mua căn hộ trị giá 900.000 tệ (khoảng 3 tỷ đồng) tại Sinic City, một khu dân cư phức hợp ở Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây vào năm 2019, khi dự án xây dựng ở giai đoạn 2. Anh phải trả trước 300.000 tệ và vay thế chấp số còn lại từ ngân hàng, với phương thức trả cả gốc và lãi 4.000 tệ mỗi tháng.

    Đó là một khoản đầu tư lớn đối với Kuang, một nhân viên bán hàng trong ngành xây dựng và chỉ kiếm được dưới 10.000 tệ mỗi tháng. Ngôi nhà là một điều kiện cần để anh có thể lấy vợ.

    nguoi mua nha o trung quoc
    Một người mua nhà đứng trên công trường xây dựng dự án nhà ở Sinic City, ở Nam Xương, Giang Tây tháng 11/2022. Ảnh: Sixthtone

    Tháng 8/2021, ác mộng của người mua nhà bắt đầu diễn ra. Nhà thầu tạm dừng xây dựng Sinic City, lấy lý do chủ đầu tư Sinic Holdings Group chậm giải ngân. Đó là một phần của một xu hướng rộng lớn hơn nhiều. Khi cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc lan rộng, các khu chung cư dở dang đã trở thành cảnh tượng phổ biến ở các thành phố trên cả nước.

    Trong những tháng tiếp theo, những người mua nhà ở Sinic City đã tập hợp để khiếu kiện chính quyền địa phương và tỉnh hơn 10 lần. Họ gửi quan chức địa phương hàng trăm lá thư khiếu nại, cũng như kiến nghị trực tuyến.

    Ban đầu kế hoạch bàn giao nhà là trước tháng 11/2021. Các vòng đàm phát lặp đi lặp lại với chủ đầu tư và chính quyền địa phương mãi không đi đến đâu. Cuối cùng người mua đã phát động dừng thanh toán thế chấp, sau khi biết có nơi đã làm vậy trước đó. Bằng cách này họ hy vọng ngân hàng và chính phủ có hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo chủ đầu tư khởi động lại các dự án xây dựng.

    Do không trả nợ ngân hàng, xếp hạng tín dụng của Kuang giảm xuống, làm tiêu tan giấc mộng kinh doanh. Anh thường xuyên nhận được những cuộc gọi của nhân viên ngân hàng đe dọa bị đưa vào danh sách đen trên hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc, khiến anh không thể mua đồ xa xỉ, đi máy bay hay tàu cao tốc.

    Ngoàn Kuang, gần 1.000 người khác, chiếm 1/3 lượng người mua dự án Sinic City cũng không trả nợ ngân hàng. Peng Gong, một người mua nhà khác tại Sinic City nói: "Giống như phải bẻ gãy cánh tay để tồn tại. Chúng tôi hiểu rõ hậu quả nhưng phải làm điều đó, vì đã hết lựa chọn".

    Đến mùa hè năm 2022, Sinic City vẫn chưa hoàn thành. Tường bê tông của các tòa nhà lộ ra ngoài, thang máy chưa được lắp đặt và chưa bắt đầu làm nội thất. Đôi khi, vài chục công nhân sẽ xuất hiện tại địa điểm, nhưng gần như không thể hoàn thành khu phức hợp khổng lồ. Còn hầu hết thời gian, khu này vắng vẻ.

    Sự kiên nhẫn của người mua đã hết. Peng, một nhà tư vấn kỹ thuật 33 tuổi, đang sống với vợ và con nhỏ trong một căn hộ 2.000 tệ mỗi tháng, chờ đợi nhận nhà trong vô vọng. Trong nhiều tháng, Peng dành hàng giờ mỗi ngày xem tin nhắn trong nhóm mua nhà. Sự căng thẳng khiến anh mất ngủ, hiệu quả công việc bị giảm và chủ đã giảm lương anh xuống còn 1/3 trước, tức chỉ nhận được 10.000 tệ mỗi tháng, với lý do Covid.

    Peng vật lộn để nuôi sống gia đình và tiền thế chấp hàng tháng. "Giống như ném tiền xuống sông mà không có sóng. Căn hộ chưa hoàn thiện mà tôi đã phải trả thế chấp hàng tháng. Tôi cảm thấy bị lừa. Chúng tôi không làm gì sai, nhưng đã phải gánh chịu mọi hậu quả", anh nói.

    Bụi bao phủ các cửa sổ bên trong một tòa nhà chung cư đang xây dở ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, tháng 11/2022. Ảnh: Sixthtone

    Vào đầu tháng 10, chủ đầu tư dự án đã nhận được khoản vay đặc biệt trị giá 89 triệu tệ để tiếp tục xây dựng Sinic City và các khoản tiền tiếp theo dự kiến sẽ sớm được cung cấp. Kể từ khi có tiền, việc xây dựng tại Sinic City đã tăng tốc. Hiện có khoảng 200-300 công nhân làm việc ở công trường mỗi ngày.

    Nhưng vẫn không thể đủ. Tập đoàn Sinic Holdings ước tính cần ít nhất 400 triệu nhân dân tệ để hoàn thành dự án và nhà phát triển vẫn chưa đưa ra lịch trình chi tiết về thời điểm có thể giao nhà hoàn thiện. Một số người mua ước tính, với tốc độ xây dựng hiện tại, có thể mất vài năm khu này mới xong.

    Một số người mua quá chán nản và đang cân nhắc việc kiện chủ đầu tư. Nhưng chi phí là vấn đề không nhỏ với họ. Trong hầu hết các trường hợp trước đây, người mua đã phải cắt hợp đồng mua bán và mất quyền sở hữu căn hộ để kiện chủ đầu tư. Cũng có rủi ro là người mua sẽ không thể thu hồi các khoản thanh toán trước vì các công ty có thể mắc nợ quá nhiều để trả nợ cho họ.

    Peng chưa có kế hoạch ra tòa, mặc dù anh có thể làm như vậy trong tương lai. "Tôi đã đầu tư khoảng 500.000 tệ vào ngôi nhà này, tôi không thể chịu được việc mất tất cả số tiền đó. Nhưng nếu mọi thứ vẫn vô vọng trong 5 năm nữa, tôi sẽ thực hiện bước đó", anh nói.

    Vào một buổi tối tháng 11 tĩnh lặng, Peng đứng bên ngoài Sinic City, nhìn chằm chằm vào chung cư cao tầng trước mặt. Trong khi một số ngôi nhà giờ đã được sơn màu vàng sáng và có cửa sổ, những ngôi nhà khác chỉ là những bộ xương bằng bê tông.

    Khi mặt trời bắt đầu lặn, Peng đi về phía tàu điện ngầm. Anh sẽ phải đi một hành trình dài mới trở về được ngôi nhà đang thuê ở phía kia Nam Xương. Đằng sau anh, những tòa nhà dang dở của Sinic City tan vào bóng tối.

    VnExpress (Theo Sixthtone)

  • Cô gái trẻ coi việc làm ở nghĩa trang bình thường như bao công việc khác, thậm chí còn ăn ngủ ở kí túc xá cạnh nghĩa trang.

    co gai lam viec o nghia trang 1
    Cô gái hài lòng về công việc hiện tại.

    Tiểu Đàm (22 tuổi) làm việc tại nghĩa trang Vạn Phúc Sơn (Trùng Khánh, Trung Quốc) và sống ở kí túc xá gần đó. Mới đây, Tiểu Đàm quay video chia sẻ về cuộc sống và công việc hàng ngày của mình khiến nhiều người dùng mạng bất ngờ.

    Tiểu Đàm cho hay văn phòng của cô gồm 8 người, 5 nhân viên làm công việc quản lý trông coi và 3 người làm ở bộ phận nấu nướng. Nói về việc vì sao chọn nghĩa trang này để làm việc ,Tiểu Đàm cho hay, nơi này gần nhà cô ở. 

    co gai lam viec o nghia trang 1
    Tiểu Đàm có ngoại hình xinh đẹp. Ảnh Sohu

    Theo Tiểu Đàm, công việc ở nghĩa trang của cô khá nhẹ nhàng. Ngoài việc trông coi nghĩa trang, khi có khách đến thăm, cô sẽ dẫn họ đi. 

    "Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là các ông bà khoảng 70-80 tuổi. Họ lo lắng về tang lễ và tự đi chọn phần mộ cho mình. 

    Ở đây, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người tự chọn mộ cho mình, có người đưa người thân đến chọn mộ. Có những người không có đủ điều kiện để mua ngôi mộ cho mình. Chúng tôi đã góp tiền để giúp đỡ họ. Lúc đó, tôi thực sự cảm nhận được ý nghĩa lớn lao từ công việc này", Tiểu Đàm nói. 

    Nhiều người cho rằng một cô gái trẻ như Tiểu Đàm làm việc ở nghĩa trang có vẻ rất kì lạ. Nhưng Tiểu Đàm cho biết, nghĩa trang nơi cô làm việc rất sáng sủa, giống như một khu công viên. 

    co gai lam viec o nghia trang 1
    Chó mèo được nuôi ở nghĩa trang. Ảnh Sohu

    "Tôi thường sống ở khu kí túc xá ngay sát nghĩa trang. Văn phòng của chúng tôi cũng được đặt gần đó. Từ nơi ở đến văn phòng chỉ cách nhau vài bước chân", Tiểu Đàm nói. 

    Thậm chí những người làm việc ở đây còn chơi những bản nhạc mà họ yêu thích. Âm nhạc vang vọng khắp nghĩa trang, tạo bầu không khí tốt hơn. Điều đó giúp mọi người đều thấy thoải mái với công việc hiện tại.

    Khi rảnh rỗi, Tiểu Đàm và đồng nghiệp chơi game trong văn phòng. Cô cho biết, sếp chỉ đến họp vài lần trong tháng và còn đưa nhân viên đi chơi. Khi nào rảnh rỗi, các nhân viên tranh thủ rủ nhau đi xem phim, đi chơi, ăn uống... 

    "Chúng tôi nuôi chó, mèo, trồng nhiều cây và hoa ở đây. Mỗi khi rảnh, chúng tôi cùng nhau dắt chó mèo đi dạo xung quanh nghĩa trang. Những người lớn tuổi ở dưới núi cũng thường xuyên lên nghĩa trang chơi. Chúng tôi thường xuyên tổ chức một số hoạt động ca hát, khiêu vũ và còn bố trí cả karaoke. Người già khiêu vũ và ca hát, chúng tôi thì quay video. Mỗi ngày mọi người đều trải qua những giây phút rất thú vị, thoải mái và vui vẻ. Công việc khiến tôi cảm giác như mình đang sống thời kỳ hưu trí", Tiểu Đàm chia sẻ.

    co gai lam viec o nghia trang 1
    Đối với Tiểu Đàm, nghĩa trang không u uất như nhiều người nghĩ mà sáng sủa như công viên.

    Đối với Tiểu Đàm, sống ở nghĩa trang giống như sống ở nhà của mình. Nó giống như một ngôi làng ở nông thôn, mọi người cùng nhau quây quần. 

    "Nhiều người hiểu lầm về công việc của chúng tôi. Trên mạng thường có tin đồn làm việc nghĩa trang được trả rất nhiều tiền nhưng trên thực tế không phải vậy. Công việc của chúng tôi cũng như bao công việc bình thường khác. Mức lương hiện tại khoảng 3000-4000 tệ (tương đương hơn 10 triệu đồng)", cô gái 22 tuổi tiết lộ. 

    Được biết, Tiểu Đàm học chuyên ngành Quản lý và Công nghệ tang lễ hiện đại tại một trường cao đẳng. Trước khi làm việc chính thức tại nghĩa trang, cô từng có thời gian thực tập khá lâu cùng các bạn học. 

    Khi quyết định theo ngành học này, bố mẹ của cô từng rất phân vân. Họ lo ngại con gái theo học ngành tang lễ sẽ khó kết hôn. Nhưng Tiểu Đàm cho rằng công việc mình yêu thích mới là điều quan trọng, kết hôn hay không, không phải là chuyện cô bận lòng. 

    Nhu cầu về nhân lực của ngành tang lễ hàng năm ở Trung Quốc là khoảng 10.000 người, trong khi số lượng người được đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc chỉ khoảng 500 - 600 người/năm. Điều này có nghĩa là sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học lạ này có cơ hội việc làm rất lớn.

    Theo đề cương do Bộ Giáo dục Trung Quốc xây dựng cho chuyên ngành kỳ lạ này, thời gian học là 3 năm. Để có thể tốt nghiệp chuyên ngành tang lễ, các sinh viên cần phải học tập thường xuyên và hoàn tất 4 phần chính, bao gồm: Thiết bị, dịch vụ, bảo quản thi hài và nghĩa trang.

    Vietnamnet (theo Sohu, Chinatimes)

  • Ở Trung Quốc có những ngôi nhà “mặt dày” quyết tâm bám trụ tại mảnh đất chúng được cất lên chứ không chịu tháo dỡ.

    Trên khắp đất nước Trung Quốc hiện nay, những công trình mới thi nhau mọc lên khắp nơi cho kịp với tốc độ phát triển vũ bão của nền kinh tế nước này, và kết quả là sẽ có những ngôi nhà tồi tàn lọt thỏm giữa một rừng cao ốc hết năm này qua năm khác.

    Chủ của những ngôi nhà nói trên đã cắm đất sinh sống tại đó từ nhiều đời qua, và quyết tâm bám trụ tại mảnh đất của ông cha họ, dù cho được đền bù bao nhiêu vẫn nhất quyết không di dời. Cũng có một số trường hợp người ta quyết ngồi lì một chỗ để đòi thêm tiền. Dù sao hình ảnh những ngôi nhà cũ nát giữa muôn trùng vây cao ốc cũng đem đến sự thú vị cho cư dân mạng, chúng giống như những chiếc đinh quyết cắm chặt một chỗ và không chịu để bị nhổ đi.

    nha khong chiu di doi 1

    Một ngôi nhà gạch nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng ở Nam Ninh, thuộc Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây. Được biết chủ nhà không đạt được thỏa thuận với chính quyền địa phương về tiền bồi thường.

     

    nha khong chiu di doi 1

    Được biết, căn nhà nằm ở Chiết Giang, Trung Quốc Khi cơ quan chức năng nước này quyết định xây cao tốc từ Ôn Lĩnh đến một thị trấn ở Chiết Giang, các hộ dân nằm trên trục đường đã được đề nghị nhận bồi thường và di dời.

    Tuy nhiên, chủ nhân căn nhà là ông Luo Baogen và vợ đã lên tiếng từ chối chuyển đi. Bởi, họ cho rằng số tiền bồi thường không hợp lý nên không đủ tiền xây lại căn nhà mới ở nơi khác.

    Theo New York Times, có hơn 450 chủ hộ xung quanh đã chuyển đi và nhận tiền bồi thường. Mỗi người được nhận khoảng 35.000 USD (819 triệu đồng, số tiền hồi năm 2012). Mặc dù, gia đình Luo Baogen ở lại song vẫn được cấp điện nước đầy đủ.

    nha khong chiu di doi 1

    Trước hành động của gia chủ, cơ quan chức năng vẫn quyết định làm con đường như đã định. Khi con đường hoàn thành, ngôi nhà vẫn nằm chình ình ở giữa. Các xe cộ đi qua đây đều phải luồn theo 2 bên để vượt qua ngôi nhà.

    Sau đó Tân Hoa Xã đưa tin, gia đình Luo Baogen đã đồng ý mức bồi thường 42.000 USD (983 triệu đồng) và chuyển đến nơi ở mới. Hiện nay, căn nhà nằm giữa đường này đã không còn. 

    nha khong chiu di doi 19

    Năm 2017, một căn nhà 3 tầng nằm giữa con đường giao thông có nhiều phương tiện đi lại ở Song Giang, Thượng Hải, Trung Quốc đã chính thức bị phá bỏ. Như vậy việc phá bỏ này đã kết thúc 14 năm, căn nhà này án ngữ trên cung đường huyết mạch giao thông của thành phố.

    nha khong chiu di doi 19

    Trước đó, người dân xung quanh đã chuyển đi sau khi nhận bồi thường để mở rộng đường lên 4 làn mỗi bên. Ở các đoạn khác, đường 4 làn nhưng quanh căn nhà này chỉ có 2 làn, các xe phải đi vòng qua khu đất này. 

    Anh Zhang Xinguo, con rể của bà Xu Jun, 89 tuổi, chủ sở hữu ngôi nhà, cho biết gia đình đã phải trả một cái giá lớn trong cuộc sống hàng ngày của họ vì cố ở lại. "Cuộc sống ở đây ồn ào suốt ngày đêm đặc biệt khi xe tải chạy qua. Mẹ vợ tôi mất hồi năm 2014 vì đau tim", anh Zhang cho hay.

    nha khong chiu di doi 1

    Ngôi nhà này ở Hợp Phì, An Huy bị đập dỡ nửa chừng rồi dừng lại vì chủ nhà muốn đòi thêm tiền bồi thường.

    nha khong chiu di doi 1

    Ngôi nhà này nằm cheo lên trên một mô đất cao ngay giữa một công trường ở Trùng Khánh. Chủ nhà đã giăng biểu ngữ và treo cờ trên nóc để phản đối, không chịu bán lại đất.

    nha khong chiu di doi 1

    Người phụ nữ này đi ngang qua ngôi nhà 4 tầng bị dỡ bỏ một phần của mình tại Thụy An, Ôn Châu, Chiết Giang mà cô đã sống ở đây gần một năm. Do không đồng ý với khoản bồi thường, cô đã từ chối di dời dù điện và nước đã bị cắt hơn nửa năm.

    nha khong chiu di doi 1

    Vợ chồng chủ căn biệt thự 6 tầng này từ chối di dời cũng vì tiền bồi thường không thỏa mãn.

    nha khong chiu di doi 1

    Đây là một ngôi mộ nằm trên một mô đất cao đến 10m được chừa lại tại một công trường ở Thái Nguyên, Sơn Tây.

    nha khong chiu di doi 1

    Sau khi đạt được mức bồi thường 800 tệ (2.7 triệu đồng), chủ ngôi mộ đồng ý di dời. Người ta phải dựng một lối đi vào bên trong để họ tiện bốc mộ.

    nha khong chiu di doi 1

    Một gia đình 7 người vẫn quyết bám trụ tại ngôi nhà 3 tầng đã bị tháo dỡ một phần ngay giữa một con đường ở Tây An, Thiểm Tây dù điện nước đã bị cắt. Được biết chủ nhà từ chối di dời vì tức giận do thua trong cuộc tranh chấp đất đai với anh mình.

    nha khong chiu di doi 1

    Một ngôi nhà lì khác ở Trùng Khánh.

    nha khong chiu di doi 1

    Một ngôi nhà tồi tàn nằm ngay trước một trung tâm mua sắm ở Trường Sa, Hồ Nam. Chủ nhà tận dụng địa thế thuận lợi để mở một cửa hàng quần áo.

    nha khong chiu di doi 1

    Dù đã đâm đơn kiện đòi thêm tiền bồi thường nhưng bị thua cuộc, chủ ngôi nhà này đành nhìn nó bị đánh sụp tại một công trường ở Quảng Châu, Quảng Đông.

    nha khong chiu di doi 1

    Người đàn ông này đang lấy nước đọng quanh ngôi nhà của mình ở Côn Minh, Vân Nam để sinh hoạt sau khi nhà của ông bị cắt điện và nước do ông không chịu di dời.

    nha khong chiu di doi 1

    Một “thành lũy” khác được “chiến hào” bảo vệ tại Tương Dương, Hồ Bắc.

    nha khong chiu di doi 1

    Một ngôi nhà khác ăn vạ giữa đường ở Hà Nam.

    nha khong chiu di doi 1

    Ngôi nhà này là thứ duy nhất còn nguyên vẹn giữa một công trường ngổn ngang gạch đá ở Thường Châu, Giang Tô.

    nha khong chiu di doi 1

    Người nông dân này cầm cuốn Luật Sở hữu đứng trước ngôi nhà của mình ở vùng ngoại ô Vũ Hán, Hồ Bắc. Ông đã tự chế ra súng thần công làm từ xe cút kít, ống tre và pháo để xua đuổi những người có ý định chiếm đất của mình.

    Thể thao & Văn hóa (Ảnh: theatlantic, CNN)

  • Một người đàn ông ở Quảng Tây (Trung Quốc) trúng vé số 767 tỉ đồng nhưng không thông báo cho vợ con, làm dấy lên tranh cãi.

    trung so nhung giau vo con
    Ông Li trong bộ trang phục hóa trang đến nhận tiền thưởng hôm 24-10 tại Trung tâm xổ số phúc lợi tỉnh Quảng Tây - Ảnh: BREAKINGLATEST

    Theo truyền thông địa phương, hôm 24-10 vừa qua, người đàn ông họ Li đã trúng xổ số 219 triệu nhân dân tệ (767 tỉ đồng) khi mua vé số của chương trình xổ số phúc lợi tỉnh Quảng Tây.

    Báo Nanning Evening News cho biết người đàn ông này đã không nói với vợ con về việc mình trúng vé số.

    Chia sẻ với truyền thông, ông Li cho biết mình không thông báo với vợ con về việc này vì lo họ sẽ lười biếng và ỷ lại vào số tiền này.  

    Ngay sau khi nhận tiền trúng số, ông Li đã lập tức quyên tặng 5 triệu nhân dân tệ (17 tỉ đồng) cho quỹ từ thiện vì cộng đồng của Trung tâm xổ số phúc lợi tỉnh Quảng Tây.

    Chia sẻ về kế hoạch sử dụng số tiền này, ông Li cho biết bản thân vẫn chưa nghĩ đến và sẽ có kế hoạch sử dụng dần trong tương lai.

    Tuy nhiên, một số người cho rằng việc người đàn ông này giấu gia đình về việc trúng vé số là vi phạm pháp luật.

    Luật sư Fu Jian, giám đốc Công ty luật Zejin ở Hà Nam (Trung Quốc), cho biết do vé số được mua trong thời điểm hôn nhân nên tiền thưởng thuộc về cả hai vợ chồng.

    Ông Jian cho rằng việc ông Li giấu kín thông tin mình trúng vé số có thể được xem là vi phạm quyền được biết của bên còn lại. Theo Luật dân sự của Trung Quốc, tiền trúng thưởng vợ/chồng có được trong thời gian hôn nhân là tài sản chung và vợ/chồng có nghĩa vụ thông báo trung thực cho nhau về tài sản chung sau kết hôn.

    Theo Tuổi Trẻ

  • trung quoc xay dap thuy dien bang cong nghe 3d 2

    Trung Quốc đang sử dụng AI và công nghệ tương tự in 3D để biến một dự án thủy điện trên cao nguyên Thanh Tạng từ bản vẽ thành thực tế mà không cần đến sức người.

    Theo South China Morning Post ngày 8.5, nhà máy thủy điện Dương Khúc cao 180 m sẽ được xây dựng "từng lớp" bằng công nghệ "sản xuất đắp dần" (additive manufacturing) như trong in 3D. Toàn bộ máy xúc, xe tải, máy ủi, máy lát và xe lu tại công trường được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và không cần con người vận hành.

    Trong một bài báo đăng trên chuyên san Học báo Đại học Thanh Hoa (phiên bản Khoa học tự nhiên), nhà khoa học dẫn dắt dự án Liu Tianyun nói việc xây dựng đập thủy điện và in 3D là "giống hệt nhau về bản chất".

    trung quoc xay dap thuy dien bang cong nghe 3d 2
    Công trường nhà máy thủy điện Dương Khúc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

    Sau nhiều năm thử nghiệm phát triển, công nghệ in 3D cho cơ sở hạ tầng lớn giờ đã có thể được ứng dụng hàng loạt và sẽ "giải phóng con người khỏi những công việc nặng nhọc, lặp đi lặp lại và nguy hiểm", theo ông Liu.

    Bài báo cho hay AI sẽ được sử dụng để "cắt" mô hình đập trên máy tính thành nhiều lớp và sau đó sẽ điều khiển robot tiến hành thi công từng lớp tại công trường. Máy xúc không người lái sẽ có thể xác định và tải vật liệu từ bãi tập kết vào các xe tải tự động, một số chạy bằng điện.

    Theo một lộ trình được tối ưu hóa do AI trung tâm tính toán, các xe tải sẽ vận chuyển đúng vật liệu đến đúng vị trí, vào đúng thời điểm, được định vị bởi máy ủi và máy lát robot, và biến thành một lớp của cấu trúc đập. Các xe lu tự động sẽ ép lớp này cho đến khi nó chặt và chắc.

    Từ 10 năm trước, ông Liu và cộng sự đã nảy ra ý tưởng "in" các dự án xây dựng quy mô lớn. Họ cho rằng cả một công trường xây dựng có thể được biến thành một chiếc máy in khổng lồ, với một số lượng lớn máy móc tự động hoạt động liên tục cùng nhau một cách độc lập.

    Công nghệ in 3D ban đầu được phát triển để có thể làm ra sản phẩm từ vật liệu quý mà ít lãng phí hơn. Công nghệ này - còn gọi là "sản xuất đắp dần" - tạo ra ít chất thải hơn so với cắt và mài.

    Kể từ đó, một số kiến ​​trúc sư đã bắt đầu áp dụng công nghệ này vào các tòa nhà, mặc dù các dự án cho đến nay vẫn còn nhỏ. Tòa nhà văn phòng đầu tiên ra đời từ công nghệ in 3D là trụ sở của Quỹ Tương lai Dubai, chỉ cao 6 mét.

    Các kỹ sư dân dụng Trung Quốc không xa lạ gì với AI, vốn được sử dụng trong xây dựng con đập lớn thứ hai thế giới Bạch Hạc Than chỉ trong 4 năm. Song cho đến nay, AI chủ yếu đóng vai trò phụ trong các dự án.

    Nhà máy thủy điện Dương Khúc đã được khởi công vào cuối năm ngoái tại tỉnh Thanh Hải. Khi hoàn thành vào năm 2024, đập Dương Khúc mỗi năm sẽ chuyển gần 5 tỉ kilowatt giờ điện từ thượng nguồn sông Hoàng Hà đến tỉnh Hà Nam ở vùng trung tâm Trung Quốc. Dòng điện sẽ đi qua hệ thống đường dây cao thế dài 1.500 km được xây dựng dành riêng cho việc truyền tải năng lượng xanh.

    Theo Thanh Niên

  • bay no trung quoc 1
    Cầu Pelješac do Trung Quốc xây tại Croatia

    Hàng tỷ đôla Mỹ, là tiền từ Trung Quốc, đang thúc đẩy một số nền kinh tế châu Âu - thế nhưng một số thương vụ không phải là diễn ra mà không có điều kiện kèm theo. Những người chỉ trích cho rằng chúng là "bẫy nợ", là thứ khiến Trung Quốc có thể có quyền chọn xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu như các khoản vay không được hoàn trả.

    Trung Quốc khẳng định mình là đối tác đầu tư đáng tin cậy - nhưng nước này cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc bóc lột công nhân và hủy hoại môi trường.

    Đó là một trong những khoảnh khắc được camera an ninh (CCTV) ghi được về một thảm họa sắp xảy ra. Người ta thấy hình ảnh một công nhân bến tàu tại cảng Piraeus rộng lớn của Hy Lạp, gần Athens, đang đi dọc theo bờ sông bên cạnh một đống container khổng lồ.

    Đột nhiên, anh ngước lên và thấy một trong số những container đang lao từ trên cao xuống về phía mình, với một chiếc khác đang rớt ngay tiếp sau. Anh tức tốc chạy vọt đi, thoát chết trong gang tấc thay vì bị hai vỏ thùng khổng lồ đè bẹp - những container này đập mạnh vào một chiếc xe tải không chở gì.

    Năm ngoái, một công nhân khác ở Piraeus không may mắn như vậy. Dimitris Dagklis, 45 tuổi, đã không thoát kịp và thiệt mạng trong một vụ tai nạn cần cẩu.

    "Cái chết của ông ấy là hậu quả của việc chúng tôi phải làm việc căng thẳng và của thực tế là không có đủ các biện pháp an toàn tại chỗ," Markos Bekris, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân đóng tàu, nói.

    Kể từ cái chết của Dagklis, các nghiệp đoàn đã đình công để phản đối tình trạng cắt giảm nhân sự tại cảng - nơi mà Cosco, một công ty quốc doanh của Trung Quốc nắm hai phần ba quyền sở hữu.

    Trên toàn châu Âu, trong lúc các chính phủ đang lo lắng về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sau đại dịch, Bắc Kinh đang tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư của mình. Đó là việc nắm quyền điều hành các cảng, các mỏ ở châu Âu, xây dựng cầu đường, đầu tư vào những nơi mà người khác không làm.

    Nhưng các quốc gia đang phải cân nhắc giữa những cái được và những rủi ro của việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc. Nhiều chính phủ ngày càng cảnh giác với cái gọi là "bẫy nợ", khi mà những bên cho vay - chẳng hạn như nhà nước Trung Quốc - có thể đòi hỏi các nhượng bộ kinh tế, chính trị nếu quốc gia tiếp nhận đầu tư không thể trả nợ.

    Hy Lạp bán cảng biển sau vụ khủng hoảng kinh tế trầm trọng 2008

    Cũng có những cáo buộc về việc người lao động bị các công ty Trung Quốc bóc lột - về mức lương, điều kiện làm việc và lượng nhân công mà họ sử dụng. Chúng tôi nêu câu hỏi cho Cosco về cái chết của Dimitris Dagklis, mức sử dụng nhân sự tại Piraeus và những lo ngại về môi trường về việc mở rộng cảng. Công ty nói họ sẽ không trả lời phỏng vấn của chúng tôi và không hỗ trợ gì thêm.

    bay no trung quoc 1
    Markos Bekris

    Bekris không đổ lỗi hoàn toàn cho Bắc Kinh trong việc đã đóng góp vào những điều mà ông gọi là bào mòn quyền lợi của người lao động. Ông nói rằng hệ thống tư bản sau khủng hoảng tài chính toàn cầu cho phép bất kỳ công ty nước ngoài nào cũng có thể nhảy vào, tối đa hóa lợi nhuận mà đổi lại là quyền lợi của người lao động sẽ bị cắt giảm.

    Không ai nghi ngờ gì về chuyện khoản đầu tư của Bắc Kinh đã thúc đẩy sự phục hưng của cảng kể từ khi chính phủ Hy Lạp buộc phải bán nó đi - và các tài sản công khác - sau hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hồi 2008.

    Khi lướt dọc bờ biển trên một chiếc thuyền máy nhỏ, chúng tôi nhanh chóng nhận thấy một dãy dài các tàu vận tải chở container khổng lồ xếp hàng dài phía chân trời chờ cập bến - một bãi đậu xe khổng lồ trên mặt nước, chứa đầy hàng trăm nghìn tấn hàng hóa các loại, chủ yếu là do Trung Quốc sản xuất và sẽ được phân phối đến mọi ngóc ngách châu Âu.

    Sự bùng nổ ở Piraeus - bao gồm cả cơ hội việc làm cho người dân địa phương - phản ánh sự chuyển biến rộng rãi hơn trong vận may tài chính của Hy Lạp. Hiện nước này là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của EU.

    Tuy nhiên, giống như các nước quốc gia láng giềng khác ở châu Âu, nước này cũng đang phải vật lộn để thích ứng với tác động - cả về kinh tế và những khía cạnh khác - của cuộc chiến Ukraine. Các quốc gia đang đánh giá lại ý nghĩa của việc làm ăn với Trung Quốc - quốc gia hồi tháng Hai đã tuyên bố một trật tự toàn cầu mới, cùng nhịp với đồng minh Nga.

    Vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông vừa rồi, tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc tuyên bố quan hệ đối tác "không có giới hạn" với Nga và hứa sẽ hợp tác nhiều hơn để chống lại phương Tây. Kể từ đó, Trung Quốc kiên quyết không lên án hành động tấn công Ukraine của Tổng thống Putin.

    bay no trung quoc 1
    Hàng trăm container xếp đống ở cảng biển tại Piraeus

    Tại Piraeus, những thiệt hại về môi trường được cho là do việc mở rộng cảng đã khiến người dân địa phương khởi kiện chống lại chủ sở hữu Trung Quốc, hãng Cosco.

    Có những lo ngại đặc biệt về việc nạo vét đáy biển không được kiểm soát và tình trạng ô nhiễm độc hại cũng như sự gia tăng mức độ giao thông trên cả đường biển và đất liền.

    Luật sư Anthi Giannoulou - người thuở ấu thơ từng dạo chơi trên bờ biển đầy đá - lo sợ cho tương lai lâu dài của cộng đồng nơi cô sinh sống.

    "Điều đó không có lợi cho Piraeus. Nó sẽ chỉ có lợi cho những người không sống ở đây."

    "Piraeus là một thành phố thực sự nhỏ và những người vẫn đang ở đây là những người đã sinh sống ở đây trong nhiều thế hệ. Vì vậy, chúng tôi không thể bị đuổi ra bởi một số khoản đầu tư mà không được hỏi ý kiến."

    Trong tiền sảnh lát đá cẩm thạch của một tòa nhà chính phủ ở trung tâm Athens, chúng tôi được chào đón bởi Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias. Ông giải thích việc đầu tư vào Piraeus là đôi bên cùng có lợi - và gợi nhớ rằng Trung Quốc là nhà đầu tư duy nhất xuất hiện ở thời điểm chính phủ Hy Lạp buộc phải bán cảng.

    "Về quan hệ kinh tế của chúng tôi, tôi nghĩ rằng cả hai bên đều có lợi. Trung Quốc có lối vào để các sản phẩm hàng hóa của họ vào được Liên minh châu Âu, tới vùng Balkan và đến trung, đông Âu. Còn chúng tôi có một cảng thương mại lớn được nâng cấp, hiện đại."

    Sau vụ sụp đổ hồi 2008, cái gọi là "troika châu Âu" thuộc Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kiên quyết bán cảng để giúp giải quyết các khoản nợ đang tăng nhanh chóng mặt của Hy Lạp.

    "Sự thật là Trung Quốc đã mua Piraeus và bây giờ Piraeus là một trong những cảng lớn nhất ở châu Âu và - nếu những gì họ nói là đúng, và tôi không có lý do gì để nghi ngờ điều đó - có thể sẽ trở thành số một, hoặc số hai, trên toàn châu Âu. Tức là có sự cải thiện to lớn, và khoản đầu tư vào đó là rất đáng kể."

    bay no trung quoc 1
    Công nhân làm việc tại cảng Piraeus

    Nhưng còn những "bẫy nợ" có thể có, đi kèm với những khoản đầu tư nào đó của Trung Quốc trong tương lai vào Hy Lạp thì sao? Cảng Piraeus có phải là điểm quan trọng trong quan hệ của Athens với Bắc Kinh? Ông Bộ trưởng thừa nhận chính phủ của ông đã chưa ký thêm bất kỳ thỏa thuận lớn nào, nhưng nói rằng sẽ đánh giá các cơ hội làm ăn trong tương lai trên cơ sở xem xét từng trường hợp.

    "Không có bất kỳ khoản đầu tư lớn nào khác của Trung Quốc vào Hy Lạp, nhưng chúng tôi đánh giá khoản đầu tư này trên cơ sở thương mại. Ý tôi là, nếu người Trung Quốc muốn đầu tư, thì chúng tôi là một quốc gia tự do và một nền kinh tế tự do."

    Công nhân Việt Nam ở 'thành phố Trung Quốc giữa lòng châu Âu' của Serbia

    Hy Lạp không phải là nơi duy nhất của châu Âu nhận hàng tỷ đô la của Bắc Kinh đầu tư vào.

    Đứng trên sườn đồi nhìn ra thành phố Bor của Serbia, bạn sẽ không bị coi là bất thường gì nếu ngỡ rằng mình đang ở một tỉnh của Trung Quốc. Các công nhân hét lên bằng tiếng Quan Thoại, cờ đỏ cắm khắp nơi, và các văn phòng hành chính có dáng dấp của những đền chùa.

    Trung Quốc đang đổ tiền vào mỏ đồng, vốn là thứ đã định danh cho nơi này từ nhiều thập kỷ qua. Việc khai thác kim loại đã khiến nước ở một số hồ và bể chứa gần đó chuyển sang màu gỉ sét.

    bay no trung quoc 1
    Mỏ đồng gần thành phố Bor của Serbia

     

    Đó cũng là một phép ẩn dụ về cách mà màu đỏ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang để lại dấu ấn trên khắp lục địa này.

    Nằm trong châu Âu nhưng lại ngoài Liên minh châu Âu, Serbia không có mức bảo vệ quyền lợi cho người người lao động cao như ở Dublin, Madrid hay Vienna.

    Điều này đã được thể hiện vô cùng sắc nét khi chúng tôi gặp một người đàn ông Việt Nam 35 tuổi trong bóng râm của một tòa nhà vô chủ ở thành phố Zrenjanin, phía bắc thủ đô Belgrade.

    "Công ty Trung Quốc đối xử với chúng tôi rất tệ. Họ không tôn trọng chúng tôi," người đàn ông đã có ba con nói với chúng tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ.

    Dũng - không phải tên thật - cho biết anh được trả số tiền tương đương 1.200 bảng Anh để đến Serbia xin việc tại nhà máy sản xuất lốp xe Ling Long. Nhưng anh đã sớm hối hận.

    "Họ bắt chúng tôi phải làm việc nhiều hơn, nhưng không cung cấp đủ đồ ăn uống. Khi mới đến, tôi được cấp lượng thức ăn nhiều gấp đôi so với bây giờ."

    Dũng giải thích rằng khoảng 400 công nhân Việt Nam được tuyển mộ nhận được mức lương thấp hơn so với công nhân Trung Quốc làm cùng.

    "Cứ khoảng 20 đến 30 công nhân sống chung với nhau trong một container. Họ đối xử với chúng tôi như nô lệ."

    Anh đã cố gắng bỏ việc của mình sau năm tháng, nhưng chủ lao động tuyên bố anh không có cơ hội bay trở về Việt Nam. Anh bị mắc kẹt lại nơi cách nhà hàng ngàn dặm.

    Sau đó, chúng tôi nghe nói Dũng đã tìm cách trở về với gia đình - nhưng phải đi vay khoản tiền 1.500 bảng Anh để lo trang trải chi phí.

    Không chỉ điều kiện sinh hoạt tồi tệ mới là điều một số tổ chức từ thiện đang cảnh báo - các hợp đồng mà người lao động được yêu cầu ký cũng là cả vấn đề.

    Các giấy tờ tuyển dụng mà chúng tôi xem được ở Serbia - một quốc gia đang muốn gia nhập EU - dường như đã được sao chép, cóp nhặt từ những tài liệu được sử dụng cho lao động nước ngoài ở các quốc gia Trung Đông vẫn còn duy trì mức án tử hình.

    bay no trung quoc 1
    Nhà máy sản xuất lốp ô tô Ling Long, Serbia

    Các tổ chức phi lợi nhuận (NGO) của Serbia - những tổ chức đầu tiên nói với chúng tôi về điều kiện tại nhà máy sản xuất lốp xe Ling Long - nói rằng họ đã rất sốc khi nhận ra điều gì đang xảy ra ở đó.

    "Đó là trường hợp buôn người và bóc lột lao động rõ ràng nhất mà chúng tôi gặp phải ở nước này cho đến nay," Danilo Curcic từ tổ chức phi chính phủ A 11 Initiative nói. Ông nói những gì đã xảy ra tại nhà máy là lời cảnh báo đối với phần còn lại của châu Âu - khi các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng khắp lục địa.

    Nhà máy Ling Long không phản hồi những cáo buộc của Dũng và những người khác, nhưng truyền thông địa phương ở Serbia đưa tin công ty nói rằng họ đã cam kết thực hiện các tiêu chuẩn cao về phúc lợi cho người lao động.

    Chính phủ Serbia lập luận rằng đầu tư từ Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này, và Tổng thống Aleksandar Vucic nói rằng đầu tư của Trung Quốc hơn nữa không nên bị làm tổn hại chỉ bởi một số lượng nhỏ công nhân Việt Nam.

    'Bẫy dữ liệu'

    Những cáo buộc vi phạm nhân quyền như thế này ở châu Âu của Trung Quốc làm rõ thêm cách đối xử của nước này với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại tỉnh Tân Cương.

    Nhưng cũng có những lý do cần thận trọng khác.

    Richard Moore, người đứng đầu bộ phận tình báo nước ngoài của MI6, Anh, đã cảnh báo không chỉ về bẫy nợ của Trung Quốc mà còn cả "bẫy dữ liệu". Năm ngoái, ông nói với BBC rằng Trung Quốc có khả năng "thu thập dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới" và sử dụng tiền để "khiến mọi người mắc câu".

    Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc như vậy.

    Tuy nhiên, ở Anh, hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei đã bị cấm sử dụng cơ sở hạ tầng 5G của Anh. Công ty cũng phải đối mặt với sự giám sát liên tục đối với các hoạt động bảo mật của mình và về việc liệu họ mối liên hệ mật thiết gì với chính phủ Trung Quốc hay không, điều mà họ phủ nhận.

    Hoa Kỳ đã áp các biện pháp trừng phạt đối với công ty này.

    Trở lại Belgrade, chúng tôi thấy có một số trong tổng 8.000 camera an ninh đã được lắp đặt trên đường phố. Các nhóm nhân quyền lo ngại rằng công nghệ sinh trắc học của Huawei có thể được sử dụng cùng với những camera này, nhưng chính phủ Serbia cho biết khả năng nhận dạng khuôn mặt sẽ không sớm được đưa ra sử dụng.

    bay no trung quoc 1
    Đường cao tốc ở Montenegro

    Đường cao tốc ở Montenegro

    Đối với bẫy nợ của Trung Quốc, những người chỉ trích Bắc Kinh chỉ ra một dự án lớn khác ở châu Âu. Cũng như với Serbia, dự án này nằm ngoài quỹ đạo của các quy tắc và quy định của EU - nó nằm ở Montenegro.

    Lái xe dọc theo đường cao tốc duy nhất của đất nước là một trải nghiệm siêu thực. Cả con đường chỉ có chúng ta, ngoài ra chỉ có đàn cừu đang thơ thẩn ở khu bảo tồn trung tâm.

    Ý tưởng thai nghén từ lâu về con đường có thể di chuyển cực nhanh, với mục tiêu nhằm thúc đẩy thương mại ở quốc gia Balkan này - bằng cách nối cảng Bar, trên Biển Adriatic ở phía nam, với biên giới với Serbia ở phía bắc. Nhưng các nghiên cứu khả thi liên tiếp của châu Âu kết luận rằng nó sẽ quá phức tạp và quá tốn kém.

    Thế là Trung Quốc bước vào, với ngân khoản 1 tỷ đô la (793 triệu bảng Anh). Không phải là một món quà cho Montenegro, mà là một khoản vay nước này sẽ phải hoàn trả.

    Tuy nhiên, sáu năm sau khi khởi công xây dựng, mới chỉ có khoảng 41 km (25 dặm) được hoàn tất - khiến nó trở thành một trong những con đường xe chạy đắt nhất thế giới.

    Sau khi lượn qua những cây cầu và qua những đường hầm chạy xuyên qua vùng nông thôn trên đoạn đường đã xây xong, chúng tôi thực sự đến được phần cuối của xa lộ. Dự án bị cáo buộc tham nhũng và lại quả - và đã trễ hai năm. Một số người đặt câu hỏi rồi không biết đến khi nào nó mới được làm xong.

    Các điều khoản của thỏa thuận với Trung Quốc nêu rõ rằng nếu Montenegro không trả được khoản vay này theo từng đợt đã định, thì bất kỳ quyết định nào về những thiệt hại có thể phải bồi thường sẽ được thực hiện tại Bắc Kinh. Trung Quốc có thể chiếm giữ các tài sản khác - bao gồm cả cảng Bar.

    Bộ trưởng trong chính phủ Montenegro được thừa kế chiếc cốc tẩm độc này là Milojko "Mickey" Spajić, 34 tuổi. Ông trông rất sáng sủa và dễ chịu khi chúng tôi gặp nhau trên Zoom, và giải thích cách ông đã nghĩ ra và đảm bảo một thỏa thuận trả nợ để con đường cao tốc không bao giờ có thể phá sản đất nước của ông.

    Đối với ông, vị thế của Montenegro là biểu tượng cho nhiều quốc gia nhỏ hơn đang tìm kiếm nguồn vốn để bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế của mình.

    "Chúng tôi cần các khoản đầu tư. Nếu Trung Quốc là bên duy nhất quan tâm đến việc đầu tư vào, tôi nói hãy tiếp tục, nhưng chỉ cần cẩn thận về các điều khoản của các khoản đầu tư này, các điều kiện và đảm bảo mọi thứ phù hợp với các chính sách chung của mình."

    Tuy nhiên, vào tuần trước, Spajić đã mất ghế khi một chính phủ thiểu số mới được hình thành. Việc xây dựng phần còn lại của đường cao tốc - và trả nợ cho Trung Quốc - giờ đây sẽ là vấn đề đối với người kế nhiệm ông.

    Cây cầu Croatia

    Đối với tất cả những lời chỉ trích ở Trung Quốc, có một dự án mà một số người coi là một ví dụ về thực tiễn xây dựng tốt và sự hợp tác hiệu quả giữa Đông và Tây. Nó nằm ngay trên bờ biển Adriatic từ Montenegro - ở Croatia.

    Mặc dù hôm chúng tôi tới là Chủ Nhật, nhưng công việc trên cây cầu Pelješac vẫn đang diễn ra sôi nổi - với những chiếc xe tải chạy qua cầu và các thanh dầm được hạ xuống, bắt vào vị trí.

    Đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Croatia; nó sẽ nối bán đảo Pelješac với đất liền Croatia. Hiện tại, để đến được đất liền, người Croatia trên bán đảo phải vượt qua một đoạn bờ biển thuộc nước láng giềng Bosnia.

    bay no trung quoc 1
    Cầu Pelješac, Croatia, đang được xây dựng

    Hầu hết các hóa đơn cho cây cầu mới đã được EU chi trả - Croatia là một thành viên EU - nhưng cầu là do Bắc Kinh xây dựng, cho đến tận đinh ốc cuối cùng. Đội quân các thợ sơn, quét, rải nhựa đường đều là người Trung Quốc.

    Tuy nhiên, dự án này không khỏi gây tranh cãi.

    Giá thầu từ công ty quốc doanh Trung Quốc, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, rẻ hơn 20% so với đối thủ đeo bám sát nhất. Các đối thủ châu Âu gọi là m màn chơi xấu - nhưng điều đó không đủ để chặn việc nhà thầu Trung Quốc đạt được thỏa thuận thực hiện dự án.

    Đối với Branimir Vidmarovic, giáo sư tại Đại học Pula ở Croatia, cầu Pelješac là một minh chứng về nơi các nước châu Âu có thể tìm thấy sự cân bằng giữa Đông và Tây và không xa lánh Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới.

    "Nếu chúng ta loại trừ các công nghệ quan trọng, nếu chúng ta hợp tác trên những lĩnh vực vật lý như đường sắt, dự án cơ sở hạ tầng, thì tôi không nghĩ có vấn đề gì trong việc làm hài lòng cả EU, NATO, Hoa Kỳ và Trung Quốc," ông nói.

    Nhưng Tòa Bạch Ốc của ông Biden, thừa hưởng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc từ chính quyền ông Trump, thì không làm dịu bớt quan điểm của mình đối với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, và kêu gọi châu Âu quay lưng lại với các nguồn tài trợ và ưu đãi của Trung Quốc.

    Chúng tôi hy vọng được nói chuyện với một nhà ngoại giao đương nhiệm hàng đầu của Trung Quốc để tìm hiểu thêm về suy nghĩ của Bắc Kinh đằng sau việc mở rộng sang châu Âu. Nhưng không ai trong số năm đại sứ Trung Quốc mà chúng tôi tiếp cận dành thời gian trả lời.

    Cho dù bên trong EU, như Hy Lạp và Croatia - hay ở ngoài, hạn như Serbia và Montenegro - các quốc gia châu Âu sẽ phải cân nhắc những ưu, khuyết khi chọn có các thỏa thuận với Trung Quốc trên cơ sở xem xét từng trường hợp.

    Việc người bạn thân nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình là ông Vladimir Putin - người đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất kể từ Thế Chiến II - là một yếu tố sẽ làm lu mờ mọi quyết định được đưa ra.

    Nội dung tường thuật được hỗ trợ bởi Kostas Kallergis

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Trên phố, người đàn ông chống hai tay xuống đất, bò qua đám đông, thỉnh thoảng giơ tờ giấy hỏi người đi đường có nhìn thấy đứa bé không. Cảnh tượng này đã xuất hiện suốt bảy năm kể từ khi Trần Thăng Khoan mất con trai.

    bo nua vong trai dat tim con 1
    Trần Thăng Khoan đến từ tỉnh Quảng Đông đã bò khắp Trung Quốc để tìm con trai mất tích từ năm 2015. Ảnh: Huanqiu.

    Trần năm nay 34 tuổi, ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Khi sinh ra, bàn chân anh đã bị biến dạng và không thể đi lại bình thường. Để di chuyển được như những đứa trẻ khác, thay vì đứng dậy tập đi, Trần chỉ biết bò. Năm 20 tuổi, người đàn ông này được nhận vào làm công nhân của một nhà máy gần nhà.

    Tại đây, Trần gặp một thiếu nữ cũng tàn tật. Hai người yêu nhau rồi kết hôn. Tháng 4/2013, con trai Trần Đào Nguyên chào đời. Đứa trẻ khỏe mạnh và đáng yêu, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình nhỏ.

    Nhưng ngày 2/1/2015, Đào Nguyên đột ngột biến mất trước cửa nhà. Trần khi đó đang làm việc đã vội vã trở về, bò xung quanh làng tìm kiếm nhưng không có tung tích. Không có camera cũng như nhân chứng, cuộc điều tra của cảnh sát địa phương đi vào ngõ cụt.

    Người cha nghi ngờ con trai bị bắt cóc nhưng anh không có bất kỳ manh mối nào về những kẻ buôn người. "Tôi rất tuyệt vọng vào thời điểm đó, thậm chí còn không muốn sống", Trần hồi tưởng.

    Để thoát khỏi đau đớn, người cha không ngừng tự nhủ, nếu bản thân tuyệt vọng sẽ không bao giờ gặp lại con trai.

    Vì vợ cũng là người tàn tật nên một mình Trần ra ngoài tìm con. Thời điểm sau khi cậu bé mất tích, anh đã bò khắp thành phố Trạm Giang đăng thông báo tìm người. Ở những nơi có nhiều người qua lại như nhà ga, bến xe... Trần sẽ ở lại đó vài tiếng, hỏi hết người này đến người khác. Mệt mỏi, lại nằm xuống ven đường nghỉ ngơi.

    Để tìm kiếm sự giúp đỡ của truyền thông, Trần đã chi vài nghìn tệ đăng thông báo trên đài truyền hình địa phương cũng như tìm đến Hội người khuyết tật thành phố. Mỗi lần có tin báo ở đâu đó nghi ngờ về thông tin con trai, anh lại lập tức lên đường.

    Vài tháng sau, có người mách Trần đến Quảng Châu, nơi có nhiều phương tiện truyền thông và những người tốt bụng. Tại đây, Trần nhận được sự chú ý mà anh nói "không tưởng tượng nổi", đồng thời có thêm nhiều manh mối. Nhưng kết quả là những đứa trẻ đó không phải là Đào Nguyên.

    Sau đó, "dấu tay" của Trần Thăng Khoan ngày càng đi xa. Suốt bảy năm qua, anh đã đến Bắc Kinh, Nam Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và các tỉnh thành khác. Hành trình tìm con đưa người đàn ông này tới nhiều nơi anh chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra. "Một nửa đất nước Trung Quốc," Trần ước lượng.

    Để tìm con trai, người cha này thường đi mười ngày rồi trở về. Mặc dù tằn tiện hết mức có thể nhưng anh đã tiêu hết số tiền tiết kiệm 30.000 tệ (107 triệu đồng). Trần vừa đi tìm con vừa làm việc để duy trì cuộc sống gia đình, cũng như có thêm lộ phí để tiếp tục cuộc hành trình mà anh chưa biết khi nào mới dừng lại.

    bo nua vong trai dat tim con 1
    Trần Thăng Khoan bên tấm ảnh cậu con trai Trần Đào Nguyên thời điểm trước khi mất tích. Ảnh: Huanqiu.

    Người đàn ông này cũng tham gia vào nhóm phụ huynh có con bị bắt cóc. Những nhóm này thường tổ chức các hoạt động tìm kiếm theo thời gian cụ thể, nhưng đôi khi, thành viên nhóm cảm thấy Trần Thăng Khoan đi lại khó khăn, di chuyển bất tiện nên không yêu cầu anh đi cùng. Nhưng Trần vẫn nhất quyết tham gia, bởi anh muốn nhiều người biết tới việc con trai mình bị bắt cóc. "Con là mạng sống của tôi, bởi vậy dù ở đâu tôi vẫn đi tới cùng", người cha khẳng định.

    Trong quá trình này, anh cũng nhận được những lời chế giễu, thậm chí có người bảo anh "làm màu", lừa tình thương của người khác, nhưng Trần không quan tâm. Anh thừa nhận đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều mạnh thường quân, có người mua cho nước và thức ăn, có người cho tiền hay giúp chỗ ở.

    Nhiều năm trôi qua, Trần và vợ có thêm một con trai và một con gái, nhưng mối quan tâm của anh dành cho Đào Nguyên vẫn giữ trọn vẹn. Vào ngày sinh nhật cậu bé, ông bố luôn mua một chiếc bánh nhỏ để chúc mừng cậu con trai không biết đang ở đâu.

    Hai năm trở lại đây, ảnh hưởng của Covid-19 và áp lực con cái nên những chuyến đi của Trần cũng ít hơn. Tuy vậy, người đàn ông này chưa bao giờ từ bỏ ý định tiếp tục tìm con của mình.

    "Tôi từng gặp ác mộng. Trong giấc mơ ấy, Đào Nguyên bảo với tôi rằng ' bố không muốn tìm con'. Tôi thức dậy khi trên người đầm đìa mồ hôi. Nhưng giờ, tôi lại mơ tìm thấy con và cả hai bố con đều hạnh phúc", Trần nói.

    Vy Trang (Theo Huanqiu)

  • Tên tiếng Anh của các ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh đã được đổi thành bính âm tiếng Trung. Sự thay đổi dấy lên những liên tưởng và thắc mắc trong dư luận.

    Bước sang năm 2022, người dân Bắc Kinh nhận thấy một sự thay đổi đang diễn ra trong hệ thống tàu điện ngầm của thành phố: Trên các biển báo, từ "ga" trong tiếng Anh (station) đã được đổi thành "Zhan", tức bính âm, hay phiên bản Latin của các ký tự tiếng Trung, theo CNN.

    Một số nhà ga có tên tiếng Anh như Olympic Park hay Terminal 2 of the Beijing airport đã trở thành "Aolinpike Gongyuan" và "2 Hao Hangzhanlou". Những thay đổi này bắt đầu từ tháng 12/2021 và diễn ra chỉ vài tuần trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

    ga tau trung quoc olympic
    Phiên bản bính âm của tên các ga tàu điện ngầm tại Bắc Kinh. Ảnh: CNN.

    Phía Tàu điện ngầm Bắc Kinh tuyên bố vào tuần trước rằng những thay đổi này là một phần của "những nỗ lực không ngừng của thành phố nhằm thống nhất các bản dịch tên ga tàu cho phù hợp với các quy định liên quan".

    Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội Trung Quốc vẫn xôn xao với những bình luận kiểu như: “Tại sao không dùng tiếng Trung thôi? Bản dịch kiểu này thật thừa thãi" hay “Đại đa số người nước ngoài có lẽ không biết bính âm... Vì vậy, dịch kiểu này có thể dẫn đến tình huống éo le: người Trung Quốc không cần, người nước ngoài không hiểu".

    Anh Alistair Baker-Brian, mang quốc tịch Anh, hiện sống ở Bắc Kinh và nói tiếng Trung Quốc, cho biết những thay đổi này không ảnh hưởng đến cá nhân anh, vì anh có thể đọc hầu hết tên ga bằng tiếng Trung.

    Nhưng đối với nhiều người, động thái này cho thấy giới cầm quyền đang ngày càng muốn đẩy lùi tiếng Anh.

    "Họ đang bắt đầu bỏ tiếng Anh. Cơn sốt học tiếng Anh ở thời điểm Olympic Bắc Kinh 2008 dường như cách đây cả thế kỷ”, một người dùng bình luận trên Douban. Theo đó, Thế vận hội 2008 đã khuyến khích một thế hệ người dân Bắc Kinh học tiếng Anh khi họ chào đón hàng chục nghìn khách nước ngoài.

    Trước sự kiện này, chính quyền Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch sửa các bản dịch tiếng Anh sai trên các biển báo và tên các địa điểm công cộng. Nỗ lực này thậm chí còn được coi là một "phong trào quần chúng" nhằm nâng cao "nhận thức về Olympic" của công chúng và cải thiện "trình độ tiếng Anh và văn minh của thành phố", đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin vào thời điểm đó.

    Theo Zing

  • Sau bốn năm đóng băng thi thể vợ trong nitơ lỏng chờ hồi sinh, ông Quế Quân Dân có bạn gái mới và dự định đi bước nữa.

    Ông Quế, 53 tuổi, sống tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông chưa khi nào nói về cái chết của vợ mà cho rằng "cô ấy đang ngủ".

    Ngày 8/5/2017, khi vợ ông là bà Triển Văn Liên chết lâm sàng vì ung thư phổi, các bác sĩ ở Viện nghiên cứu Khoa học Sơn Đông đã thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự sống của tế bào như kết nối với máy hồi sức tim và làm lạnh tổng thể. Quá trình này kéo dài 55 tiếng. Sau đó thi thể của bà Triển được đưa vào bể nitơ lỏng 2.000 lít ở nhiệt độ âm 196 độ C.

    "Tôi chọn ướp đông thi thể vợ, chờ ngày y học phát triển hơn sẽ hồi sinh cô ấy", ông Quế nói và khẳng định sẽ dùng phần đời còn lại đợi vợ.

    dong bang thi the 1
    Quế Quân Dân và bạn gái mới (ngồi cạnh ông) đã dọn về ở với nhau gần một năm. Ảnh: sina.

    "Đóng băng xác người" là một thuật ngữ khoa học dùng để chỉ những trường hợp được làm lạnh và chờ ngày hồi sinh khi khoa học công nghệ tiến bộ hơn trong tương lai. Quá trình này gồm giữ xác người trong khí nito lỏng ở nhiệt độ âm và sử dụng các máy móc chuyên biệt để giữ cơ thể vẫn hoạt động bình thường.

    Ông Quế chọn đóng băng xác vợ vì tin rằng trong tương lai gần, các bác sĩ sẽ tìm ra cách chữa khỏi bệnh ung thư phổi. Trước giây phút bà Triển nhắm mắt, người chồng đã cầm tay vợ, vừa khóc vừa nói: "Khi em mở mắt ra, anh sẽ gặp lại em". Tin và thương chồng, người vợ gật đầu đồng ý làm thí nghiệm dù bị những người thân khác trong nhà phản đối vì nghiên cứu này còn quá mới mẻ và gây tranh cãi.

    Trên thế giới hiện nay, hàng trăm người tham gia thí nghiệm này. Triển Văn Liên, vợ Quế Quân Dân, là trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc. Hợp đồng đóng băng thi thể người vợ có giá trị trong 30 năm. Không ai đảm bảo Triển Văn Liên có thể tỉnh lại nhưng người chồng vẫn hy vọng.

    Bốn năm qua, Quế luôn sống trong hồi ức về người vợ. Ông thường ngủ ở ghế sofa và ít khi sử dụng điện thoại. Hàng năm, ông đều đặn ghi nhật ký về những sự kiện lớn, những gì đang xảy ra với ông và gia đình. "Tôi hy vọng khi vợ hồi sinh, nhưng thông tin đó sẽ giúp bù đắp khoảng cách 30 năm kỳ lạ này", Quế nói.

    dong bang thi the 1
    Thi thể Triển Văn Liên được đóng băng trong ni tơ lỏng bốn năm nay tại Viện nghiên cứu khoa học tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: sina

    Lời hẹn thề đợi vợ 30 năm của Quế Quân Dân từng được ca ngợi "ngôn tình đời thực" với nội dung như trong các bộ phim tình cảm kết hợp viễn tưởng.

    Sau bốn năm đông lạnh xác vợ, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Quế Quân Dân chuẩn bị tái hôn với bạn gái mới. Tháng 6/2020, thấy ông quá cô đơn nên một người quen giới thiệu một phụ nữ "rất hợp tính cách". Hai con cũng ủng hộ mối quan hệ của bố vì họ đi làm xa, không thể chăm sóc ông.

    Ông Quế gần đây cũng tiết lộ về khả năng đi bước nữa trong tương lai, với điều kiện "đối phương phải hiểu cho chấp niệm của tôi với vợ đầu".

    Tuy nhiên khi thông tin này được chia sẻ, Quế bị nhiều người chỉ trích là kẻ phụ tình. Thậm chí có người còn cho rằng, sau khi ký hợp đồng tình nguyện làm thí nghiệm đông lạnh, ông Quế, với tư cách là chồng bà Triển đã nhận được một số tiền khổng lồ. Họ chỉ trích ông dùng số tiền này lo việc cưới xin với vợ mới.

    Trước những ý kiến trái chiều về mối quan hệ mới, Quế Quân Dân cho hay, bản thân mình không phản bội vợ.

    "Tôi phải chấp nhận hiện thực. Hiện tại vợ chưa thể hồi sinh. Tôi cũng không rõ mình có thể sống được 30 năm nữa không. Tôi là con người, cũng có những suy nghĩ và mong muốn bình thường. Tôi không thể ngu ngốc chờ đợi mãi", ông nói. Ông Quế cũng tiết lộ, bản thân đang bị bệnh gout, cần người ở bên chăm sóc.

    Tuy vậy, ông vẫn hy vọng trước khi chết có thể gặp lại vợ cũ Triển Văn Liên.

    VnExpress (Theo sohu, sina)

  • Câu chuyện này đã gây sốc cho nhiều người và cũng khiến nhiều người cảm thấy ghen tỵ bởi sự may mắn vô cùng của Dean.

    Trúng số là một điều vô cùng may mắn mà ai cũng ao ước được tận hưởng cảm giác ấy một lần trong đời nhưng trúng độc đắc lại còn trúng đến 2 lần thì quả thực không còn lời nào để diễn tả. Mới đây, cư dân mạng lan truyền câu chuyện của anh chàng tên Dean Weymes ở Anh trúng số đến 2 lần, tiêu hết tiền lại trúng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

    Cụ thể, người ta kể rằng Dean trúng số được một khoản tiền lớn. Anh nghỉ làm ở nhà tiêu hết tiền trong suốt 5 năm rồi đi làm lại nhưng vừa đi làm ngày đầu, chàng trai may mắn lại trúng tiếp giải 10.000 bảng Anh (tương đương 280 triệu đồng) mỗi tháng trong suốt 30 năm. Tổng cộng số tiền mà là hơn 100 tỷ đồng. Thế là Dean mạnh dạn viết đơn xin nghỉ hẳn.

    photo 1 16080415008301877662510

    Người ta đồn Dean liên tục trúng số độc đắc như thể "trời đã thương thì muốn làm người thường cũng không được"

    Câu chuyện này đã gây sốc cho nhiều người và cũng khiến không ít người cảm thấy ghen tỵ bởi sự may mắn của Dean.

    Tuy nhiên, thực tế thì câu chuyện này chỉ đúng một phần và một phần khác được thêu dệt thêm khiến nó trở nên phi thực tế.

    Theo thông tin trên tờ Business Insider, chàng trai trẻ Dean Weymes (năm nay 25 tuổi) đến từ Peterborough (Anh quốc). Anh từng là một công nhân của công ty Amazon. Cuối tháng 7 năm 2019, Dean bất ngờ trúng giải thưởng mang tên Set For Life, theo đó anh chàng sẽ nhận được số tiền 10.000 bảng Anh mỗi tháng trong vòng 30 năm. Trước đó, Dean chưa từng trúng số và anh chàng cũng chẳng phải là nhân viên đi làm ngày đầu tiên ở Amazon.

    Xôn xao chuyện chàng trai may mắn nhất quả đất: Nghỉ việc 5 năm để tiêu tiền trúng số, đi làm được 1 ngày lại trúng hơn 100 tỷ đồng nhưng đây mới là sự thật - Ảnh 2.

    Dean cho biết anh đã kiểm tra số trúng thưởng của mình sau khi đến nơi làm việc lúc 7 giờ sáng ngày 30/7/2019.

    Anh nói rằng khi biết mình đã thắng giải độc đắc, anh nhận ra rằng mình không cần phải đi làm nếu không muốn kiếm thêm tiền, vì vậy anh lấy lý do là bị ốm và về nhà.

    "Ngày hôm sau, tôi đến xin nghỉ việc. Tôi đến gặp bộ phận nhân sự và nói rằng tôi phải rời đi. Họ nói hãy điền vào biểu mẫu, trong đó có nội dung câu hỏi 'Tại sao bạn lại rời đi?'. Tôi đã viết 'Trúng xổ số và nghỉ hưu luôn' và họ nghĩ rằng tôi đang đưa ra một lý do bông đùa và yêu cầu tôi nghiêm túc", Dean kể với tờ Daily Mail.

    Xôn xao chuyện chàng trai may mắn nhất quả đất: Nghỉ việc 5 năm để tiêu tiền trúng số, đi làm được 1 ngày lại trúng hơn 100 tỷ đồng nhưng đây mới là sự thật - Ảnh 3.

    Xôn xao chuyện chàng trai may mắn nhất quả đất: Nghỉ việc 5 năm để tiêu tiền trúng số, đi làm được 1 ngày lại trúng hơn 100 tỷ đồng nhưng đây mới là sự thật - Ảnh 4.

    Anh cũng tiết lộ với Daily Mail rằng anh dự định sử dụng số tiền này để giúp hỗ trợ anh trai của mình, người đang mắc chứng "tự kỷ nặng", và bắt đầu sự nghiệp của một biên kịch.

    “Tôi đã học ngành biên kịch ở trường đại học, vì đây luôn là niềm đam mê của tôi, nhưng tôi chưa bao giờ được làm theo sở thích của bản thân", anh nói thêm. “Tôi có thể biến đam mê của mình thành một công việc - điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến".

    Một đại diện của Amazon nói với Business Insider rằng rất "vui mừng" cho Dean và chúc anh thành công trong việc trở thành nhà biên kịch. "Có lẽ một ngày nào đó anh ấy sẽ tạo ra những bộ phim bom tấn cho Amazon Studio!", người đại diện cho biết.

  • Cuộc đời Paul tưởng chừng như chạm đáy vì anh không có gì trong tay nhưng chẳng ai ngờ chỉ sau một đêm anh đã là triệu phú.

    Trước khi cuộc đời thay đổi hoàn toàn trong một đêm, Paul Long chỉ là một công nhân của nhà máy Dagenham Ford. Người đàn ông 55 tuổi không may gặp tai nạn trong lúc làm việc khiến anh không thể tiếp tục công việc của mình.

    chia tay trung so 1
    Paul trúng số hơn 9,3 triệu bảng.

    Tình hình khó khăn hơn khi người yêu 5 năm của Paul là Julie West, đề nghị chia tay, buộc anh phải rời khỏi căn nhà của cả hai ở Essex, Anh. Chỉ với 10 USD trong túi, Paul không bao giờ dám mơ đến điều kỳ diệu sẽ xảy đến với mình.

    Cho đến một ngày nọ, Paul thức giấc và nhận được email thông báo anh đã trúng xổ số số tiền 11.000 USD. Nghĩ mình bị lừa, Paul đã chuyển tiếp email cho một người bạn và nhận được thông tin còn kì lạ hơn.

    Thực tế, Paul không chỉ trúng hơn một chục nghìn USD mà anh là chủ nhân của 13 triệu USD (9,3 triệu bảng). Tất nhiên Paul không tin hoặc không dám tin. Anh đã gọi điện lên đường dây nóng của công ty xổ số để kiểm chứng. Thậm chí lúc này, Paul không tin nhân viên tổng đài nhưng liên tục nhận được những thông tin lặp lại từ đầu dây bên kia.

    "Chúc mừng, anh đã trở thành triệu phú rồi" - nhân viên tổng đài nói.

    Một vài ngày sau đó, Paul mới định thần trở lại và tin rằng anh cần phải ăn mừng chuyện vui này. 

    Theo Paul, việc trúng số là sự kết hợp hoàn hảo của 3 yếu tố: Đúng thời điểm, may mắn và bóng đá. Trước đó, CLB Leyton Orient, đội bóng yêu thích của Paul, đã giành chiến thắng áp đảo 3-0 trước đối thủ Woking trong giải đấu quốc gia. Sau khi trận đấu kết thúc, Paul đã mua vé số để thử vận may và mọi chuyện sau đó ai cũng rõ.

    chia tay trung so 1
    Paul Long ăn mừng chiến thắng.

    Sau khi biết tin Paul trúng xổ số, CEO của CLB Leyton Orient đã trực tiếp chúc mừng và mời anh đến xem trận đấu trên sân nhà của đội bóng. Ngoài ra, vị CEO này còn gợi ý cho Paul đầu tư vào CLB nhưng người đàn ông 55 tuổi lại do dự. Đối với Paul, việc trở thành triệu phú không khác gì một giấc mơ và anh vẫn chưa biết mình nên làm gì tiếp theo. Chính vì vậy nên Paul tìm đến cổ đông chính của đội bóng là Kent Teague để xin lời khuyên. Người này đã ngăn cản Paul đổ tiền vào đội bóng vì không chắc anh có giữ được nó hay không.

    Sau đó, Paul quyết định chia sẻ số tiền thắng xổ số cho vợ cũ và 3 người con đã trưởng thành. Ngoài ra, Paul tin rằng cô bạn gái cũ Julie chắc hẳn giờ đây đang cảm thấy tiếc nuối lắm vì đã chia tay anh trước khi số tiền (9,3 triệu bảng) từ trên trời rơi xuống tay anh. Dù vậy, Paul vẫn vui vẻ nói anh dự định sẽ mời Julie đi một chuyến du lịch hoặc một bữa tối.

    chia tay trung so 1
    Bạn gái cũ của Paul.

    (Nguồn: Boredom Therapy)

  • Sau 8 năm trúng số với số tiền lớn nhất ở Anh từ trước tới nay, vợ chồng nhà Weir đã ly dị ở tuổi gần đất xa trời.

    Năm 2011, vợ chồng ông Colin, 71 tuổi và bà Christine Weir, 62 tuổi, sống tại vùng ven biển Ayreshire, Scotland, gây chấn động dư luận khi trúng giải độc đắc 161 triệu bảng Anh (hơn 4.500 tỷ đồng) của chương trình xổ số EuroMillions.

    Cặp vợ chồng - một nhà quay phim truyền hình và một y tá - đều đã nghỉ hưu cho biết họ không sợ giàu vì sẽ có rất nhiều trò vui với số tiền này. Họ đã mua nhà và xe hơi riêng cho các con mình. Họ cũng quyên góp một triệu bảng ngay sau khi giành chiến thắng.

    Vợ chồng nhà Weir ngày mới trúng xổ số. Ảnh: PA.

    Tuy nhiên việc bất ngờ trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm không giúp cuộc sống của cặp vợ chồng hưu trí viên mãn hơn mà lại khiến mọi thứ đi theo chiều hướng xấu. Trước đó, hôn nhân của họ không có vấn đề gì, nhưng sau khi trúng xổ số, mỗi người theo đuổi một niềm vui riêng. Ông Colin đầu tư cho các đội bóng yêu thích còn bà Christine chăm tham dự các sự kiện từ thiện.

    Tháng 8/2018, ông Weir đã ký giao biệt thự trị giá 3 triệu bảng của họ ở Troon cho vợ. Bà đã rao bán nó chỉ vài tuần sau đó, còn ông Weir chuyển đến một ngôi nhà ven sông trị giá 1,5 triệu bảng (gần 43 tỷ đồng). Tháng 5/2019, chỉ vài ngày sau khi căn biệt thự ở Troon được bán, tòa án Edinburgh cũng tuyên bố cặp vợ chồng chính thức ly hôn sau gần 4 thập kỷ chung sống, có hai con đã trưởng thành và đã lên chức ông bà.

    Một người bạn thân của gia đình chia sẻ: "Chúng tôi đã nghe về tin đồn chia tay của họ từ lâu. Thật buồn vì họ đã cùng nhau trải qua rất nhiều thứ suốt những năm qua".

    Cuộc ly hôn của ông bà Weir giống như một sự tiếp nối câu chuyện nhà Adrian Bayford - Gillian, về sự bất hạnh sau khi trúng số. Đôi vợ chồng này trúng 148 triệu bảng năm 2012 và 15 tháng sau cũng chia tay với lý do mâu thuẫn, căng thẳng về tiền bạc.

    Trong khi cả ba cuộc tình sau đó của Adrian đều không đi đến đâu (anh đều bị các cô người yêu bỏ sau khi đã đính hôn hay đã nhận quà đắt tiền) thì cô Gillian kết hôn với một anh chàng vừa bị kết án hồi tháng 8 năm ngoái và cô đang phải hầu tòa vì bị cáo buộc hành hung người tình vào năm 2017.

    Vợ chồng nhà Bayford ngày mới trúng xổ số. Ảnh: SWNS

    Sống cô đơn, anh chàng cựu nhân viên bưu điện Adrian mỗi tuần đặt người mang tới nhà 50 chiếc bánh ngọt để hồi tưởng lại thời thơ ấu. Người đàn ông 48 tuổi này đã trả tiền cho mọi người, bao gồm cả huấn luyện viên quyền anh của mình, để làm bạn và đưa anh ta đi khắp nơi.

    Khi Adrian đi ra ngoài, anh được nhiều người chỉ trỏ bàn tán về sự giàu có, và khiến anh nhiều lần nổi đóa, đánh lộn với họ. Một người bạn của Adrian nói: "Anh ấy giờ chỉ muốn sống một cuộc sống yên tĩnh".

    Cặp vợ chồng Dave và Angela Dawes sống ở Cameftgeshire, trúng số hơn 101 triệu bảng vào tháng 10/2011, tuy không ly hôn nhưng lại gặp vấn đề với con trai. Anh chàng Michael Dawes, 32 tuổi, một cựu chiến binh Afghanistan trong hai năm đã tiêu hết 1,6 triệu bảng và tiếp tục vòi vĩnh thêm cha và mẹ kế. 

    Tại tòa án, anh ta nhận xét cha "không khoan dung, rộng lượng với con". Tuy nhiên, tòa án đã phán quyết người cha triệu phú không cần phải bảo lãnh cho con trai mình.

    Theo VnExpress

  • Người chơi xổ số may mắn có thể kiếm được hơn 167 triệu bảng vào hôm nay, thứ Sáu 27/9, khi giải độc đắc EuroMillions lần thứ 19 diễn ra.

    Đây là chuỗi giải thưởng tích lũy dài nhất trong lịch sử của cuộc thi, đến mức giải độc đắc hiện đã chạm giới hạn cao nhất cho phép.

    Nếu ai đó quốc tịch Anh có được tất cả các con số, họ sẽ trở thành người trúng xổ số lớn nhất từ trước đến nay ở quốc gia này.


    Anh Ade Goodchild, người đã thắng £71 triệu giải Euromillions hồi đầu năm nay.

    Những người nắm giữ kỷ lục hiện tại của Vương quốc Anh là Colin và Chris Weir, hai người từng giành được 161 triệu bảng vào năm 2011.

    Không ai bỏ túi được toàn bộ số tiền thưởng vào hôm thứ Ba, mặc dù một người may mắn nào đó ở Anh đã giành được 3,6 triệu bảng vì trùng hầu hết các con số.

    Các số trong chuỗi trúng thưởng bao gồm 2, 33, 42, 47 và 48, với các số "ngôi sao may mắn" là 1 và 2.

    Andy Carter, cố vấn cao cấp của National Lottery, cho biết: "Khi giải độc đắc đã chạm giới hạn, trong lần quay số ngày thứ Ba, đã có ba người chơi trúng giải thưởng lớn hơn chỉ với năm số trùng và một ngôi sao may mắn."

    VietHome (Evening Standard)

  • Một người chơi may mắn đã giành được giải thưởng đặc biệt trị giá 10.000 bảng mỗi tháng trong 30 năm trong lần quay số mới nhất của National Lottery.

    Người chiến thắng phải có số trùng khớp với năm quả bóng và cả bóng Life Ball để có thể giành giải thưởng cao nhất Set For Life.

    Các con số chiến thắng cho lần quay số vào ngày thứ Hai, 29 tháng 7 là: 18, 21, 23, 34, 39 và Life Ball là 03.

    Một người chiến thắng khác đã có vé khớp năm con số và giành được £10.000 mỗi tháng trong một năm.

    Andy Carter, cố vấn cao cấp của National Lottery, nói: "Lại thêm một người chiến thắng nữa sẽ được trải nghiệm thế nào là Set For Life sau khi có được năm con số chính và cả số Life Ball trong cuộc quay số tối nay.

    "Họ sẽ được sống một cuộc sống tuyệt vời và bắt đầu thực hiện những giấc mơ trong danh sách của mình. Tất cả người chơi hãy nhanh chóng kiểm tra vé - ai đó ngoài kia là chủ nhân của Set For Life."

    Vào năm ngoái, một người đàn ông ở Úc đã trúng giải xổ số trị giá 3,5 triệu USD nhờ vào một dãy số mà ông nằm mơ thấy. 

    Theo tờ UPI, người đàn ông sống tại Úc này cho biết, việc ông trúng số 3,5 triệu USD hoàn toàn là một bất ngờ khi ông đã mơ thấy dãy số trúng giải chỉ ba tuần trước đó.

    Người đàn ông sống tại Sydney, Úc đã kể lại sự việc hy hữu đó với các quan chức của Công ty NSW Lotteries khi ông và vợ ông tới nhận giải thưởng.

    Giấc mơ đó đã để lại cho ông một cảm giác mạnh mẽ rằng ông sẽ giành chiến thắng của loại vé số Set for Life, với giải thưởng cao nhất là 14.374 USD mỗi tháng trong suốt 20 năm.

    “Ba tuần trước, tôi đã có một giấc mơ rằng tôi giành chiến thắng của xổ số Set for Life. Đến ngày hôm qua, khi vợ chồng tôi đang ngồi trên bãi biển thư giãn, tôi nhìn vợ tôi, nắm lấy tay cô ấy và nói với cô ấy rằng chúng ta sắp giành được một cái gì đó, em chỉ cần chờ đợi thôi”, ông nói.

    Đáng nói, sau giấc mơ đó, người đàn ông này chỉ có cảm giác chắc chắn rằng vợ chồng họ sẽ thắng, và hóa ra họ đã đúng.

    Chia sẻ với báo chí, hai vợ chồng này nói rằng, họ có kế hoạch sử dụng số tiền thưởng để nghỉ hưu sớm, đi du lịch, sửa nhà và làm từ thiện.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Một kho báu toàn vàng và bạc cổ được phát hiện trên mảnh đất của người nông dân 75 tuổi.

    Hai người đàn ông đã phát hiện ra kho báu Anglo-Saxon trị giá 3,3 triệu Bảng Anh (hơn 96 tỉ đồng) - được đặt tên là Staffordshire Hoard - sau khi đi khám phá trong vườn.

    Terry Herbert, 64 tuổi, đã phát hiện ra một kho báu toàn vàng và bạc cổ trên mảnh đất của người nông dân 75 tuổi, Fred Johnson. Phát hiện của họ, vào ngày 5/7/2009, đã nhanh chóng nổi tiếng trên toàn thế giới và được bán cho các viện bảo tàng, đem lại sự giàu có cho họ.

    Nhưng sau 10 năm, hai người này vẫn đang có tranh chấp về các khoản phân chia tiền mặt, ông Herbert nói rằng ông Johnson đã lấy tất cả cho riêng mình và không cho ông một đồng nào.

    Ông Herbert thậm chí còn cho biết việc tìm thấy 3.900 cổ vật - kho báu Anglo-Saxon lớn nhất từ trước đến nay ở Anh - là một lời nguyền và nói rằng chính việc này đã hủy hoại tình bạn của ông với Johnson.

    dao kho bau vang rong 1
    Trong một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 10 năm sau phát hiện, ông Johnson thừa nhận rằng ông và người bạn cũ vẫn còn tranh chấp.

    Ông nói: “Đó là kho báu tuyệt vời. Nhưng tôi không muốn nói về Herbert. Tôi thà tập trung vào những điều tích cực và những người bạn mới mà tôi gặp được sau khi tôi bán kho báu này.”

    Khi được hỏi liệu ông có hối hận khi mất người bạn Herbert hay không, ông nói thêm: “Điều hối tiếc duy nhất của tôi là tôi đã không giữ một cuốn nhật ký và sổ địa chỉ. Herbert chưa bao giờ là bạn tôi, vì vậy tôi chẳng mất ai cả”.

    Ông Johnson, người lái chiếc Land Rover Defender và sở hữu máy kéo John Deere, sống một mình trong ngôi nhà gỗ mới trên vùng đất nơi tìm thấy kho báu.

    Ông ấy nói: “Tôi chưa tiêu hết tiền và tôi sẽ không đề cập cụ thể. Nhưng tôi đã có một số khoản đầu tư hợp lý.”

    Ông Johnson cho biết ông không bao giờ cố gắng tìm kiếm bất kỳ kho báu nào còn lại trên mảnh đất này và ông đang bận rộn trên trang trại trồng trọt này.

    Trong khi đó, ông Herbert đã từ chối tham dự sự kiện kỷ niệm 10 năm này, sự kiện được tổ chức bởi Hội đồng Hạt Staffordshire, Anh.

    Ông Herbert, người thất nghiệp vào thời điểm đó, đã tìm thấy kho báu bằng máy dò kim loại được mua vào năm 1995 với giá 2,5 bảng trên chính mảnh đất trồng trọt của người bạn từng rất thân Johnson.

    Nhà khảo cổ học thuộc Hội đồng Hạt Staffordshire cho biết kho báu có tới 5kg vàng nguyên chất và 2,5kg bạc chủ yếu là trên các mũ giáp, kiếm và khiên và hầu hết có lẽ thuộc về hoàng gia hoặc quý tộc.

    Kho báu, thời điểm đó được định giá 3,285 triệu Bảng, Bảo tàng Birmingham và Phòng trưng bày nghệ thuật bảo tàng Potteries đã cùng mua nó.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Ngay cả $273 triệu cũng không thể làm bà Eileen Murray trở về Alpha, New Jersey, sống với người chồng cũ.

    Bà Murray là vợ cũ của ông Mike Weirsky, một người thất nghiệp, vừa trúng số Mega Millions được $273 triệu. Ông Weirsky trúng số một cách lạ lùng, vì sau khi mua, ông làm rớt tờ vé số mà không biết.

    Ông Mike Weirsky phát biểu sau khi nhận tiền trúng số. (Hình: AP Photo/Jacqueline Larma)

    May cho ông là có người nhặt được đưa lại cho nhân viên của tiệm. Ngày hôm sau ông trở lại, nhận tờ vé số, và sau đó biết là mình trở thành triệu phú.

    Trong khi nhiều người tiếc nuối cho bà Murray, bà nói với nhật báo New York Post hôm Thứ Sáu, 8 Tháng Ba, rằng bà không có dự định trở về sống với người bà từng sống chung 15 năm, trước khi ly dị hồi Tháng Mười năm ngoái.

    “Ông ấy không hấp dẫn tôi tí nào dù ông có số tiền lớn,” bà nói với tờ báo.

    Bà nói rằng bà là người kiếm cơm chính trong gia đình – và cho tới nay, vẫn phải trả tiền cấp dưỡng cho ông. Bà làm công việc tài chính cho một công ty tiện ích, trong khi ông Weirsky vẫn còn thất nghiệp.

    Và trong khi ông chồng cũ sắp lãnh $162.5 triệu sau khi trừ thuế, bà sẽ không hỏi xin ông một đồng nào, mà bà xứng đáng được hưởng, theo nhiều người nghĩ.

    “Tôi sẽ không đòi hỏi gì cả. Tôi có tư cách của tôi. Tôi biết tôi làm gì, và đó là tất cả tôi có,” bà nói.

    Bà cũng không nghĩ là ông chồng cũ sẽ tìm đến bà để giải quyết gì cả, nhưng bà hy vọng ông sẽ “làm điều đúng.”

    “Suy nghĩ đi,” bà nói. “Tôi phải làm việc trong bao lâu? Tôi nuôi ông ấy trong bao lâu? Tôi phải đưa cho ông rất nhiều tiền trong vụ ly dị. Nói cho tôi biết đi – nên làm gì cho phải đạo?”

    Tại một cuộc họp báo, ông Weirsky nói bà Murray có gọi cho ông hôm Thứ Năm, nhưng bà nói không có chuyện đó.

    Bà nói thêm là bà không có dự tính liên lạc với ông, ít nhất là trong hai tháng tới.

    “Ông ấy sẽ tưởng là tôi đến gặp ông và chìa tay ra, và tôi không có ý định làm điều này,” bà Murray nói tiếp.

    Tuy nhiên, bà vẫn chúc may mắn ông chồng cũ.

    Bà nói: “Tôi muốn chỉ những người tốt bủa vây xung quanh ông. Tôi nghĩ không ai nên lợi dụng ông cả.”

    Viethome (theo Người - Việt)

  • Lửa chính là mối đe dọa lớn nhất với thắng cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc do công trình này có nhiều kết cấu gỗ.

    Trong lịch sử, 9,999 phòng của Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) luôn phải đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn tiềm ẩn khắp nơi, từ hàng nghìn ngọn đuốc chiếu sáng trong cung cho tới khả năng sét đánh khi trời mưa. Do đó, Cố Cung cần một hệ thống phòng cháy chữa cháy đơn giản mà hiệu quả từ hàng trăm năm trước.

    Hỏa hoạn xảy ra trong Tử Cấm Thành vào năm 2016. Ảnh: Xinhua.

    Một phần của hệ thống đó là 308 vạc làm bằng sắt hoặc đồng. Một vạc lớn có thể chứa tới 3.000 lít nước. Mỗi ngày, các thái giám đều phải thay nước sạch cho vạc để đảm bảo không có mùi hôi thối, theo China Plus.

    Sử sách dưới thời Hoàng đế Càn Long ghi rằng những chiếc vạc đồng mạ vàng có đường kính 1,66 m, nặng gần 1,7 tấn. Chi phí đúc chúng tốn hơn 500 lượng bạc (một lượng bằng khoảng 50 gr), dát thêm 3 kg vàng quanh thân một số chiếc. Tới nay vẫn còn 18 chiếc vạc dát vàng đặt trong Điện Thái Hòa, Điện Bảo Hòa và Càn Thanh Môn, theo South Morning China Post.

    Những chiếc vạc có nhiều kích cỡ và kiểu dáng. Sản phẩm dưới thời nhà Minh có hình dáng tự nhiên, vòng khoen đơn giản gắn bên ngoài. Trong khi đó, thiết kế dưới triều Thanh lại có dáng bầu tròn với miệng nhỏ, đầu sư tử ngậm khoen điêu khắc tinh xảo. 

    Nhiều du khách tới Tử Cấm Thành hay chạm tay vào vạc đồng để lấy may. Ảnh: Tall Tales.

    Vào mùa đông, những hào nước trong Cố Cung đều đóng băng, quan lại phải tìm cách để những vạc nước không chịu chung số phận. Mọi vạc đồng đều được đặt trên đá tảng có lỗ tròn chính giữa, thái giám đốt than cháy bên trong để đun nước.

    Ngoài ra, người xưa cũng có công cụ để phun nước vào đúng chỗ. Ngày nay, lính cứu hỏa dùng vòi rồng để phun nước, nhưng người Trung Quốc trước đây đã dập tắt đám cháy ở những nơi cao hay xa bằng "jitong". Thiết bị này có hai đầu. Khi chữa cháy, người ta đặt xô nước vào một đầu "jitong" và đẩy đầu còn lại, nước sẽ bắn lên.

    Theo lệnh của Hoàng đế Khang Hy, một đội quân mang tên "Jitong" thành lập với trách nhiệm phòng cháy chữa cháy. Năm 1905, biệt đội "Jitong" được đổi tên thành đội cứu hỏa với quy mô từ 100 đến 200 người, theo CGTN.

    Dưới thời nhà Minh và nhà Thanh, hơn 20 vụ cháy lớn đã xảy ra ở khu vực này. Tất cả đều có một đặc điểm chung. Thiên An Môn giống như một ranh giới, lửa chỉ cháy ở nội cung hoặc ở bên ngoài. Nguyên nhân là Thiên An Môn nhìn ra một con đường rộng 30 m, phân cách hai khu vực trên, ngăn lửa lan qua cổng thành.

    Ngọ Môn là cổng lớn nhất trong Tử Cấm Thành, nằm ở phía nam cung điện. Ảnh: ZBKC.

    Hai bức tường ở phía Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn của Cố Cung cũng đóng vai trò làm rào cản. Các bức tường sừng sững gợi nhớ tới kết cấu nhà gỗ với kèo, cột nhưng thực tế được xây bằng đá.

    Những họa tiết trên các vật dụng bằng gỗ không đơn thuần chỉ nhằm trang trí - chúng giúp niêm phong và bảo vệ đồ đạc trong cung. Từng lớp sơn được tô vẽ có chủ đích theo nhiều lớp, trong khi đó những mảnh giấy có hoa văn được dùng để bảo vệ bề mặt từng vật dụng.

    Tử Cấm Thành được xây dựng từ 600 năm trước, ngày nay người Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi di chuyển giữa các điện nếu hỏa hoạn xảy ra, và không thể lắp đặt vòi chữa cháy trong công trình lịch sử này. Dù có các thiết bị chữa cháy tiên tiến như xe cứu hỏa, robot, các phương pháp chống cháy cổ xưa hiện vẫn được sử dụng.

    Viethome (theo VnExpress)