• Chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính bị hủy sau khi Trung Quốc cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Anh có những tuyên bố mang "não trạng chiến tranh".

    Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. Ảnh: AFP.

    "Bộ trưởng Philip Hammond sẽ không đến Trung Quốc vào lúc này. Hiện chưa có chuyến đi nào được công bố hoặc xác nhận", phát ngôn viên Bộ Tài chính Anh hôm 16/2 cho biết, theo Bloomberg.

    Theo kế hoạch ban đầu, chuyến đi của ông Hammond nhằm thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ tài chính, kinh tế giữa Anh và Trung Quốc. Hammond dự kiến sẽ thảo luận kế hoạch kết nối thị trường chứng khoán hai nước và ấn định ngày tổ chức Đối thoại Kinh tế và Tài chính Anh - Trung.

    Quyết định của Bộ Tài chính Anh được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ quán Trung Quốc ở London chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson "có những tuyên bố mang não trạng Chiến tranh Lạnh". Williamson tuần trước công bố chiến lược an ninh - quốc phòng mới với điểm nhấn là kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông

    HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Williamson cho biết việc triển khai nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của Anh khi Trung Quốc ngày càng tăng cường tranh chấp tại các vùng biển trong khu vực.

    Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở London cáo buộc Williamson đưa ra những lời "buộc tội vô căn cứ". "Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó", người phát ngôn nói, đồng thời nhấn mạnh rằng người phát ngôn của Thủ tướng Anh đề cao việc duy trì mối quan hệ bền chặt và mang tính xây dựng với Trung Quốc.

    Hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ hôm 11/2 tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vài ngày sau đó, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố các nước Anh, Nhật, Australia, New Zealand, Canada, Pháp sẽ là đồng minh của Mỹ hoạt động tại Biển Đông dưới nhiều hình thức, sẵn sàng chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

    Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson vào cuối ngày 11.2 đã thông báo Anh chuẩn bị điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới vùng biển tranh chấp ở Thái Bình Dương, nhằm phô diễn 'sức mạnh cứng' với Trung Quốc.

    Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson hôm thứ hai đã có bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở thủ đô London, nơi ông công bố kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhằm tăng “quy mô và sát thương”.

    Tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabeth - tàu chiến lớn nhất của Hải quân Anh - Ảnh: Reuters

    Trong bài phát biểu quan trọng về chiến lược quân sự mới của đất nước, Bộ trưởng Williamson đã thông báo về việc huy động tàu sân bay mới của Hải quân hoàng gia - tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabeth - triển khai tới vùng biển tranh chấp ở Thái Bình Dương nhằm thể hiện “sức mạnh cứng" của xứ sở sương mù.

    Ông Gavin Williamson cho biết nhiệm vụ đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ bao gồm sự hiện diện ở các khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và Thái Bình Dương.

    Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng nói rằng Anh đang đứng trước cơ hội lớn nhất sau 50 năm để khẳng định lại vị thế của mình sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu, đồng thời ông cũng bày tỏ phản đối trước các hành vi “gây hấn” và sẵn sàng có những động thái đáp trả phù hợp.

    Ngoài ra, ông Williamson khẳng định sẽ duy trì chính sách can thiệp của Vương quốc Anh và nêu ra cái giá phải trả khi không có hành động đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu thường "cao tới mức không thể chấp nhận được”.

    Ông cũng thông báo thêm về việc Anh nhiều khả năng "có thể phải hành động" trong tương lai để đối đầu với Nga và Trung Quốc – hai nước đang được cho là "hồi sinh mạnh mẽ" trong việc tái xây dựng lại lực lượng vũ trang.

    Những bình luận trên của Bộ trưởng Quốc phòng Anh được đưa ra trong bối cảnh Hải quân Hoàng gia Anh trước đó, đã điều tàu chiến HMS Albion đi qua các khu vực ở Biển Đông - một tuyến hàng hải chiến lược và quan trọng về kinh tế, nhằm thách thức các “yêu sách chủ quyền quá đáng” của Trung Quốc.

    Vào tháng 9.2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ hy vọng rằng "Anh sẽ thực thi lập trường không can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và không làm xáo trộn sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước”.

    Viethome (theo Một Thế Giới)

  • Theo RT ngày 9-1 đưa tin, 5 đặc nhiệm Anh tử vong và nhiều người khác bị thương khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng tên lửa chống tăng dẫn đường tấn công làng Al-Shaafah, quận Abu Kamal, tỉnh Deir Ezzor, Syria.

    Khu vực bị tấn công là nơi đóng quân của lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Hiện ngoài việc 5 người thiệt mạng được xác định thì số người bị thương cũng như loại tên lửa sử dụng vẫn chưa được công bố. Đây là lần thứ 2 quân đội Anh bị IS tấn công chỉ trong một tuần qua tại Syria.

    Việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, khiến đồng minh rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" - Ảnh: AFP

    Bất kể việc nhóm khủng bố này đã hứng chịu nhiều tổn thất trước những đợt tấn công giữa liên quân Mỹ, kết hợp với quân đội Syria do Nga hậu thuẫn. Hiện IS chỉ còn co cụm lại một nhóm nhỏ ở sa mạc gần khu vực Deir Ezzor.

    Nhiều chuyên gia nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút toàn bộ 2.000 binh sĩ khỏi Syria vào tháng 12-2018, khiến nhiều đồng minh rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", đồng thời giúp IS có tia "hy vọng". Đó có thể chính là nguyên nhân khiến tần suất tấn công vào các lực lượng của Anh và đồng minh ngày càng gia tăng tại Syria. 

    VietHome (Theo Công An TP. HCM)