Xuất hiện máy bay 'ngày tận thế' ở Anh khi Tổng thống Biden dự thượng đỉnh NATO

Chiếc máy bay "ngày tận thế" Boeing 747 E4-B của lực lượng Không quân Mỹ nằm trong đội bay hộ tống Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du tại châu Âu.

may bay ngay tan the
Chiếc máy bay Boeing 747 E4-B Nightwatch được mệnh danh là "Lầu Năm Góc bay". Ảnh: Offutt Air Force Base

Theo đài Sputnik, ngày 23/3, Tổng thống Biden đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày tại châu Âu. Tại đây, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và cuộc họp Hội đồng châu Âu tại Brussels.

Cùng ngày, chiếc máy bay Boeing 747 E4-B Nightwatch xuất phát từ căn cứ không quân Edwards bay tới căn cứ không quân hoàng gia Anh Midenhall ở Suffolk. Đây là chiếc máy bay được thiết kế vào những năm 1970 dành riêng cho các nhà lãnh đạo Mỹ và là một căn cứ trên không trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Chiếc Boeing 747 E4-B Nightwatch có bề ngoài giống với máy bay Không lực Một chuyên chở Tổng thống Mỹ. Nó là một phần của phi đội gồm 4 máy bay lần đầu tiên đi vào hoạt động vào những năm 1980.

Được mệnh danh là “Lầu Năm Góc bay”, Boeing 747 E4-B Nightwatch được thiết kế để trở thành trung tâm chỉ huy trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân vì nó có thể ngăn cản xung điện từ phát ra từ vụ nổ hạt nhân.

Việc điều động máy bay “ngày tận thế” của Tổng thống Mỹ tới châu Âu xuất hiện trong bối cảnh có thông tin cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden đã tập hợp một nhóm quan chức an ninh quốc gia vạch ra các kịch bản về cách Mỹ sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân từ phía Nga.

Trích các nguồn tin tham gia thảo luận, báo New York Times (NYT) cho biết một nhóm có tên "Mãnh Hổ" đã được thành lập trong một bản ghi nhớ do Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ký vào ngày 28/2, bốn ngày sau khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Mặc dù NYT nêu rõ “Mãnh Hổ” được giao nhiệm vụ đánh giá những yếu tố có thể khiến liên minh NATO triển khai lực lượng quân sự ở Ukraine, song bản thân Tổng thống Biden công khai lên tiếng phản đối hành động đó. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh hành động can dự trực tiếp vào cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine sẽ làm “Chiến tranh thế giới thứ 3” nổ ra.

Cuối tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động cao.

Tuy nhiên, phản ứng trước những đồn đoán của phương Tây về việc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, Moskva đã nói rõ phương án này chỉ được xem xét nếu như quốc gia bị đe dọa.

“Chúng tôi có một học thuyết về an ninh trong nước, nó được công khai. Quý vị có thể đọc trong đó để biết được mọi lý do dẫn tới việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Chỉ khi có mối đe dọa hiện hữu đối với sự sống còn của đất nước, vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng theo học thuyết của chúng tôi”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN.

Theo Báo Tin Tức