• Đường phố Thủ đô Paris của Pháp ngày 29/12 đã chìm trong khói lửa khi người biểu tình Áo vàng tiến hành bạo động.

    Cuộc biểu tình kéo dài từ ngày 29/12, họ đốt phá suốt đêm tại Paris rồi tiếp diễn các hành động bạo lực đến ngày 30/12.

    Kênh truyền hình LCI của Pháp đã trích dẫn nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra con số người biểu tình là khoảng 12.000 người tính riêng tại Paris.

    Những hình ảnh đáng sợ nhất được diễn ra tại Paris, khi đoàn người biểu tình tụ tập hô vang các khẩu hiệu yêu cầu ông Macron từ chức. Chỉ chưa đến một giờ đồng hồ, các hành động từ ôn hòa thành bạo lực nhanh chóng diễn ra.

    Hàng loạt ô tô đã bị lật ngửa, đập phá và phóng hỏa trên khắp các con phố ở trung tâm Paris. Dưới chân ngọn tháp Effiel - biểu tượng của nước Pháp, người biểu tình chất kín lốp xe, ô tô rồi phóng hỏa.

    Toàn bộ tháp Eiffel chìm trong biển khói lửa tạo ra một hình ảnh kinh hoàng.

    Cả tòa tháp bị bao phủ trong khói đen, tiếng còi xe cứu hỏa, xe cứu thương cùng với tiếng hò hét của hàng nghìn người tạo ra một khung cảnh vô cùng hỗn loạn.

    Cảnh sát chống bạo động của Pháp đã phải hoạt động hết công suất. Họ sử dụng vòi rồng, hơi cay bắn vào đám người. Hàng chục người có hành vi quá khích đã bị bắt giữ.

    Không chỉ dừng lại ở các hoạt động đốt phá, người biểu tình đã tấn công lại cảnh sát bằng bom khói, gạch đá, gậy gộc. Họ dùng những tấm bảng hiệu bằng kim loại làm lá chắn, nhiều người tựa lưng vào nhau và đứng đối đầu với vòi rồng.

    Biểu tình áo vàng đốt cháy các xe ô tô bên đường ở Paris.

    Vài trăm người mặc chiếc áo gile màu vàng có vạch phản quang đã tụ tập quanh văn phòng của một số đài truyền hình nhà nước và kênh truyền hình BFM TV ở trung tâm Thủ đô Paris, hô vang khẩu hiệu "tin giả" và đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức. Các vụ phóng hỏa tập trung nhiều nhất tại bên ngoài báo Le Parisien.

    Những người biểu tình này đã lật đổ các ô tô và đốt cháy chúng giữa đường phố. Hàng trăm người cũng tràn xuống các ga tàu điện ngầm và tấn công cảnh sát.

    Người biểu tình kéo dài các hành động bạo động đến ngày 30/12.

    Không dừng lại ở Paris, các cuộc biểu tình và bạo động cũng diễn ra tại Nantes, miền Tây nước Pháp. Tại thành phố Marseille, khoảng 1.000 người đã xuống đường đòi ông Macron từ chức. Các thành phố Lyon, Bordeaux, Toulouse cũng gặp các tình trạng tương tự.

    Cảnh sát phải dùng đến lựu đạn hơi cay để trấn át các cuộc biểu tình.

    Những người biểu tình tại thành phố Rouen đã châm lửa đốt cửa ra vào trụ sở Ngân hàng Pháp, khiến khu vực này bị hư hại rất nhiều. Được biết, họ đã mang rác thải đến trước cửa ngân hang và châm lửa đốt.

    Xung đột dữ dội giữa cảnh sát và người áo vàng.

    Truyền thông địa phương ghi nhận, có khoảng 800 người đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình ở Rouen.

    Tổng con số người tham gia biểu tình ở Paris ước tính khoảng 12.000 người, giảm đáng kể so với lần biểu tình thứ sáu hôm 22/12 là hơn 30.000 người. Tuy nhiên, tính chất bạo động đã được gia tăng nghiêm trọng hơn.

    Những người biểu tình đã tự trang bị mặt nạ phòng độc cho họ trong cuộc xuống đường lần này.

    Trước khi cuộc biểu tình diễn ra vài tiếng, Sunghe Chalencon - một trong những nhà lãnh đạo của phong trào biểu tình "áo vàng" ở Pháp đã tuyên bố phong trào này không còn dừng ở các cuộc biểu tình đơn thuần.

    Cả Paris chìm trong khói lửa.

    "Chúng tôi đã thành lập một thực thể chính trị để đối đầu trực tiếp với chính quyền của Tổng thống Macron. Mọi thứ sẽ chỉ được giải quyết khi ông Macron từ chức. Chúng tôi có đại diện khắp nước Pháp và đang xây dựng các trụ sở chính trị của riêng mình" - ông Chalencon khẳng định.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp đã đưa ra các cáo buộc về một tư tưởng cực đoan đang lan tỏa trong những người "áo vàng". "Bạn có thể thấy họ đã giảm đáng kể về số lượng người tham gia biểu tình, nhưng tính chất phạm pháp lại gia tăng không ngừng. Họ là những người không thể thỏa hiệp và không biết bao nhiêu là đủ" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp cho biết hôm 23/12.

    Trước đó, ngày 22/12, Tổng thống Pháp và Quốc hội nước này đã thông qua hàng loạt biện pháp nhằm xoa dịu người biểu tình, trong đó có việc giảm giá nhiên liệu, tăng mức lương cơ bản, không đánh thuế giờ làm thêm, giải quyết các vấn đề nhà ở xã hội và nhu cầu y tế của người dân có thu nhập thấp...

    Tuy nhiên, người biểu tình áo vàng vẫn cho rằng những biện pháp đó chỉ mang tính tạm thời. Họ muốn có một sự thỏa hiệp cao hơn, tự quyết dân chủ cao hơn và yêu cầu ông Macron từ chức.

    Ngoài ra, người biểu tình áo vàng cũng gửi đi các khẩu hiệu yêu cầu ông Macron đưa nước Pháp rút khỏi liên minh quân sự NATO, cũng như đảm bảo các quyền tự quyết của nước Pháp trước sự áp đặt chính trị của Mỹ.

     

    Viethome (theo Báo Đất Việt)

  • Một người biểu tình ở Bordeaux, Pháp, bị thương sau khi nỗ lực ném trả lựu đạn cay về phía cảnh sát. 

    Nhóm hoạt động France en colere (Nước Pháp giận dữ) hôm qua đăng video một người biểu tình áo vàng bị chấn thương nặng ở bàn tay trong lúc tham gia cuộc biểu tình phản đối chính phủ Pháp ở thành phố Bordeaux ngày 8/12, theo RT.

    Người biểu tình áo vàng ở Pháp bị nổ nát bàn tay vì cầm lựu đạn cay. Ảnh cắt từ video

    Trong video, một người đàn ông đã chạy về phía nhóm biểu tình sau tiếng nổ lớn với bàn tay dính đầy máu và không còn nhận ra hình dạng. Người này sau đó được đưa tới bệnh viện.

    Công tố viên phó Bordeaux Olivier Etienne xác nhận một trong những người biểu tình bị thương nặng ở bàn tay. Nhật báo Sud Ouest cho biết người đàn ông này đã cố gắng nhặt một quả lựu đạn hơi cay để ném trả về phía cảnh sát thì lựu đạn bất ngờ phát nổ.

    Theo giới chức địa phương, khoảng 4.500 người đã tràn xuống đường phố Bordeaux để tham gia phong trào biểu tình "áo vàng" diễn ra trên khắp nước Pháp vào ngày 8/12. Căng thẳng leo thang khi nhiều người đã ném đá và pháo sáng vào lực lượng an ninh. Trên cả nước Pháp, số người tham gia biểu tình lên tới con số 125.000, hơn 1.700 người đã bị bắt.

    Cuộc biểu tình lớn nhất 5 thập kỷ tại Pháp nổ ra từ ngày 17/11, khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng xuống đường kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế xăng dầu, điều chỉnh chính sách kinh tế và thể hiện sự phản đối Tổng thống Macron. Họ cho rằng ông Macron không quan tâm tới người dân bình thường mà chỉ đem lại lợi ích cho giới giàu.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nước Pháp lại một lần nữa chấn động khi xảy ra vụ xả súng ở chợ Giáng sinh lớn nhất quốc gia này ngày 11/12 khiến nhiều người thương vong.

    Một người đàn ông nổ súng vào đám đông tại khu vực chợ Giáng sinh ở thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp vào khoảng 8h tối 11/12 (giờ địa phương) đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Ảnh: AP

    Các nhân viên cứu hộ đang cố gắng sơ cứu giúp một nạn nhân bị thương trong vụ xả súng ở Strasbourg. Ngay sau khi nổ súng vào đám đông, kẻ tấn công này đã tẩu thoát. Cảnh sát Pháp đã xác định được danh tính hung thủ và đang tiến hành truy bắt. Ảnh: AFP

    Lực lượng cảnh sát và các nhân viên cứu hộ được huy động đến hiện trường xảy ra vụ xả súng. Theo báo chí Pháp, kẻ khủng bố được xếp vào danh sách “hồ sơ S”, tức là các đối tượng có nguy cơ gây ra đe doạ về mặt an ninh khủng bố. Ảnh: AFP

    Hình ảnh trích xuất từ một video của CMM cho thấy mọi người đang nằm trên nền đất sau khi kẻ tấn công xả súng vào đám đông ở chợ Giáng sinh tại Strasbourg ngày 11/12. Ảnh: CMM

    Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết kẻ xả súng đã đụng độ 2 lần với lực lượng an ninh. Hiện 350 cảnh sát được huy động để truy bắt hung thủ đã chạy trốn khỏi hiện trường. Ảnh: Reuters

    Lực lượng an ninh Pháp tại hiện trường vụ xả súng ở Strasbourg. Ảnh: Reuters

    Đơn vị chống khủng bố tại Viện kiểm sát Paris đã thụ lý vụ việc để điều tra. Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã cắt ngắn buổi họp tại Phủ Tổng thống để theo dõi trực tiếp cuộc truy bắt kẻ tấn công. 

    Strasbourg là thành phố có khu chợ Noel lớn nhất tại Pháp, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. An ninh tại đây và nhiều khu vực khác đã được thắt chặt trong bối cảnh nước Pháp vẫn trong tình trạng báo động cao về khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố. Ảnh: Reuters

    Ngoài ra, “Kế hoạch trắng” cũng được triển khai tại các bệnh viện ở Strasbourg, nhằm tăng cường nhân lực cấp cứu các nạn nhân trong vụ xả súng. Nhiều khu vực quan trọng tại thành phố Strasbourg, trong đó có khu Nghị viện châu Âu, đã bị phong tỏa. Ảnh: Twitter

    Thị trưởng thành phố Strasbourg Roland Ries cho biết chợ Giáng sinh sẽ đóng cửa ngày 12/12. Ảnh: AFP

    Camille Belsoeur, một người ở khu vực gần hiện trường xảy ra vụ tấn công cho biết anh đã nghe thấy tiếng súng và tiếng la hét rồi mọi người chạy ra ngoài. Sau đó, cảnh sát yêu cầu mọi người ở trong nhà và những người đang ở bên ngoài hãy nhanh chóng trở về nhà./. Ảnh: AFP

    Viethome (theo VOV)

  • Nhiều thành phần quá khích với ý đồ xấu đã lợi dụng cuộc biểu tình diễn ra vào cuối tuần để đập phá, cướp bóc nhiều shop đồ xa xỉ phẩm tại Paris.

    Vào hôm thứ 7 (ngày 8/12) vừa qua, cuộc biểu tình tại Paris đã chính thức bước sang tuần thứ 4. Ngoài những thiệt hại nặng nề gây ra cho các công trình văn hóa như Khải Hoàn Môn, nhiều thành phần quá khích trong nhóm người biểu tình còn lợi dụng thời điểm này để đập phá, cướp bóc nhiều shop đồ hiệu như Chanel, Fendi, Dior... gây thiệt hại nặng nề về mặt của cải, vật chất. Cả các cửa hàng Apple cũng bị trộm cướp.

    Chanel cũng trở thành nạn nhân của cuộc bạo loạn tại Paris.

    Chính phủ Pháp đã ban bố lệnh đóng cửa toàn bộ các cửa hàng và shop đồ hiệu vào hai ngày cuối tuần, đồng thời khuyên người dân Paris nên ở trong nhà nhằm giảm thiểu phần nào sức ảnh hưởng từ nhóm biểu tình "Áo Vàng".

    Các cửa hiệu cũng đã đóng những miếng gỗ vào ô cửa kính để ngăn chặn nạn đột nhập, cướp bóc xảy ra. Tuy nhiên, một đoạn clip được quay tại một chi nhánh của Chanel tại Paris cho thấy các thành phần có ý đồ xấu đã tự tay tháo dỡ những miếng gỗ, xông vào bên trong cửa hiệu để vơ vét của cải có giá trị.

    Chanel cũng trở thành nạn nhân của cuộc bạo loạn tại Paris.

    Sau khi các miếng gỗ được dỡ bỏ, đoàn người biểu tình đã thẳng tay phá cửa kính, đột nhập vào bên trong cửa hiệu cướp bóc, tạo nên khung cảnh vô cùng hỗn loạn. Tuy sức phá hoại của phe "Áo Vàng" đã được kiểm soát phần nào bởi lực lượng công an, chi nhánh Chanel tại Paris vẫn phải chịu mất mát nhiều món đồ thời trang có giá trị, cửa kính trong và ngoài cửa hiệu thì bị đập vỡ hoàn toàn.

    Nhân viên cửa hàng đóng các tấm gỗ hoặc kim loại để bảo vệ cửa kính.

    Chưa dừng lại ở đó, một cảnh quay khác bên trong cửa hàng của Fendi sau một cuộc biểu tình cũng đã cho thấy sự phá hoại của phe "Áo Vàng" đã trở nên nghiêm trọng đến mức nào.

    Cửa hàng Fendi bị đập phá và vơ vét.

    Mới đây, chính phủ Pháp đã ra tuyên bố chấm dứt việc tăng giá xăng dầu, song bên phía người biểu tình vẫn chưa có động thái chấm dứt việc bạo loạn, đập phá cửa hàng trong tuần qua. Sự việc này khiến nhiều người dân nước Pháp nói chung và dân cư Paris nói riêng tin rằng cuộc biểu tình - bạo loạn sẽ còn tiếp diễn trong thứ 7 và chủ nhật tuần này (ngày 15/12 và 16/12).

    Viethome (theo Helino)

  • Những cuộc biểu tình ở Paris đã lan sang Bỉ và Hà Lan với 1.400 người bị bắt giữ trong khi cảnh sát Pháp kêu gọi 8.000 nhân sự tiếp viện trong nỗ lực kiềm chế sự bất mãn gia tăng.

    Các cuộc biểu tình tiếp tục xảy ra ở Paris trong ngày 8/12 với hàng loạt xe cộ và cơ sở vật chất bị đốt phá. Cảnh sát Pháp kêu gọi triển khai thêm 8.000 người tiếp viện dọc thành phố, trang bị xe bọc thép giữa thủ đô trong hoàn cảnh chưa từng thấy trong lịch sử.

    Trên toàn nước Pháp, 89.000 cảnh sát được huy động. Trong cùng ngày, các cuộc biểu tình với người biểu tình mặc áo vàng cũng xảy ra ở Brussels, Bỉ và Amsterdam, Hà Lan. 

    Các cuộc biểu tình tiếp tục xảy ra ở Paris ngày 8/12. (Ảnh: Getty)

    Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay, vòi rồng và phương tiện để ngăn chặn những người biểu tình trên đường tràn ra từ trung tâm Paris. (Ảnh: Reuters)

    Có khoảng 10.000 người biểu tình ở Paris và khoảng 125.000 người trên cả nước. (Ảnh: Getty)

    Khoảng 120 người biểu tình và 20 cảnh sát đã bị thương trên toàn nước Pháp, gần 1.000 người bị bắt giữ. (Ảnh: Getty)

    Những người biểu tình cho rằng các chương trình cải cách kinh tế có lợi cho người giàu và không giúp được gì cho người nghèo. (Ảnh: Reuters)

    Chính phủ Pháp trước đó vài ngày đã hủy một kế hoạch tăng thuế xăng dầu nhằm giảm căng thẳng tình hình, nhưng những người biểu tình đã chuyển sang một cuộc phản đối rộng lớn hơn nhằm vào Tổng thống Macron. (Ảnh: AP)

    Tổng thống Macron dự kiến sẽ đưa ra phát biểu vào đầu tuần tới để có thể làm mềm các cải cách và tăng thuế đã được lên kế hoạch. (Ảnh: Reuters)

    Biểu tình cũng diễn ra ở Amsterdam, Hà Lan. (Ảnh: Reuters)

    Hàng trăm người Hà Lan xuống đường phản đối các loại thuế trong một cuộc biểu tình ôn hòa. (Ảnh: Getty)

    Biểu tình cũng diễn ra ở Brussels, Bỉ, hàng trăm người bị bắt giữ. (Ảnh: EPA)

    Những người biểu tình ném đá và pháo sáng bị bắt giữ ở Bỉ. (Ảnh: EPA)

    Đây là cuộc biểu tình bạo lực thứ 2 diễn ra trong vòng 8 ngày tại Bỉ.

    Một chiếc ô tô bị vỡ kính sau biểu tình ở Brussels.

    Người biểu tình ngồi xuống đất sau khi bị cảnh sát bắt giữ.

    Những người biểu tình ở Bỉ cũng mặc áo vàng - được cho là bị ảnh hưởng bởi phong trào biểu tình ở Pháp.

    Viethome (theo VTC News)

  • Giới chức trách Pháp chuẩn bị triển khai thêm 8.000 cảnh sát ở Paris và 89.000 cảnh sát trên toàn quốc, trước thông tin những người biểu tình dự kiến tập hợp tại Điện Elysee, Paris ngày 8/12.

    Dù chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron đã từ bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu gây tranh cãi, hàng nghìn người biểu tình vẫn có kế hoạch tuần hành tại Dinh Tổng thống ngày 8/12.

    “Thứ Bảy (8/12) sẽ là kết quả cuối cùng” – người phát ngôn nhóm biểu tình Áo khoác Vàng Eric Drouet nói ngày 6/12. “Thứ Bảy sẽ là Elysee, tất cả chúng tôi đều muốn đến Elysee”.

    Pháp sẽ triển khai 89.000 cảnh sát để đối phó biểu tình quy mô lớn. (Ảnh: Reuters)

    Với lo ngại một cuộc bạo động lớn sẽ xảy ra, Pháp quyết định mở rộng lực lượng cảnh sát một cách đáng kể, nhằm ngăn chặn bạo lực và phá hoại đã tấn công thủ đô vào tuần trước, khiến hơn 130 người bị thương và hơn 400 người bị bắt giữ. Trong cuộc biểu tình bạo lực trước đó, 4 người thiệt mạng khi cảnh sát chống bạo động va chạm với người biểu tình hung hăng.

    Bộ Nội vụ Pháp cảnh báo về tình trạng cực đoan. Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố nếu bạo loạn xảy ra vào cuối tuần này, nó sẽ được xử lý bằng “các phương tiện đặc biệt”. "Chúng ta đang đối mặt với những người không phải ở đây để biểu tình mà để phá hoại và chúng tôi muốn có những phương tiện để kiềm chế họ” – ông nói.

    Theo RT, điều này có nghĩa là 75 đơn vị cảnh sát sẽ được triển khai ở Paris, tăng so với 50 đơn vị cuối tuần trước. Cảnh sát cũng sẽ được chỉ thị để trực tiếp theo sát những người biểu tình với lo sợ bạo lực sẽ vượt quá những gì từng xảy ra.

    Truyền thông Pháp cũng đưa tin ông Philippe sẽ triển khai 10 xe bọc thép đến các đường phố ở Paris, điều này chưa xảy ra kể từ cuộc bạo động ở ngoại ô Paris năm 2005. Bên cạnh đó, các cửa hàng dọc khu vực Champ-Elysees phải đóng cửa ngày 8/12, hàng chục bảo tàng và các địa điểm văn hóa cũng sẽ bị đóng cửa ngày cuối tuần, bao gồm cả tháp Eiffel biểu tượng.

    Với bạo lực tăng cao, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giảm xuống thấp còn 18%. Một khảo sát khác vào tuần này cho thấy 66% người Pháp đồng ý với những người biểu tình. Ít nhất 3 đảng cánh tả đã đồng ý thảo luận về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính quyền Tổng thống Macron.

    Dù bắt nguồn với tăng thuế xăng dầu, các cuộc biểu tình đã mở rộng thành một phong trào rộng lớn hơn phản đối các chính sách của chính phủ và cải cách kinh tế, bao gồm giảm thuế cho doanh nghiệp, cắt giảm lợi ích người về hưu.

    “Cuộc biểu tình không chỉ nhằm vào giá gas. Đó là sự phản ứng chống lại chính sách của chính phủ.” – nhà bình luận chính trị Pháp Jean Bricmont cho biết.

    Viethome (theo Kênh 14)

  • Lan Anh cho hay người dân Paris chỉ cần tránh đến khu vực biểu tình vào cuối tuần còn mọi sinh hoạt và giao thông không bị ảnh hưởng gì.

    20h tối 3/12, Lan Anh lái xe qua đại lộ Champs Elysees ngập tràn không khí mùa lễ hội cuối năm. Hàng cây hai bên đường được trang trí rực rỡ và các cửa hiệu hạng sang vẫn lấp lánh ánh đèn. Khung cảnh ở khu trung tâm nổi tiếng của Paris khiến khó ai nghĩ rằng nơi này vừa diễn ra một cuộc bạo loạn lớn nhất 5 thập kỷ.

    Cảnh sát Pháp đứng gác trước cổng Khải Hoàn Môn khi khu vực này được phong tỏa sau cuộc bạo loạn hôm 1/12. Ảnh: Al Jazeera

    “Nếu không đọc báo, xem tin tức, mọi người sẽ vẫn thấy đại lộ Champs Elysees như bao ngày”, cô gái Việt đang làm việc cho một công ty nội thất chia sẻ. Cửa hàng của công ty cô cũng nằm trên con đường này và vẫn mở cửa khi biểu tình diễn ra vào cuối tuần qua.

    Lan Anh cho hay sau khi làn sóng biểu tình bùng phát từ vài tuần trước nhằm phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu, giới chức Paris bắt đầu thắt chặt việc kiểm soát an ninh

    “Cuộc biểu tình vào thứ 7 vừa rồi là biểu tình  hợp pháp. Theo báo chí địa phương, từ hôm trước, lực lượng chức năng đã kiểm tra khu vực diễn ra biểu tình. Các cửa hàng gần đó đặt rào chắn phía trước, thu gọn mái che, dọn dẹp bàn ghế trên vỉa hè”, Lan Anh kể. “Tuy nhiên, bạo loạn nổ ra khi lượng người biểu tình quá đông và tràn sang khu vực khác rồi đụng độ với cảnh sát chống bạo động”.

    Hơn 260 người bị thương và hơn 400 người đã bị bắt sau vụ bạo loạn. Những hình ảnh trên báo chí quốc tế cho thấy trung tâm Paris bị biến thành một bãi chiến trường hoang tàn, chìm trong khói lửa. Tuy nhiên, theo những gì Lan Anh quan sát, chỉ khu vực Khải Hoàn Môn bị hư hại còn những nơi khác không bị ảnh hưởng gì nhiều. Paris có 14 tuyến tàu điện ngầm trong nội thành thì chỉ có tuyến 1 và 6 bị đóng cửa một số bến đi qua khu vực có biểu tình vào cuối tuần. 

    “Sau cuộc biểu tình ngày thứ 7, đến chủ nhật mọi thứ đã trở lại bình thường. Biểu tình chỉ diễn ra vào cuối tuần, còn trong tuần cuộc sống ở Paris vẫn không có gì thay đổi”, Lan Anh, người đã sống ở đây 6 năm, cho biết thêm. “Cộng đồng người Việt chủ yếu tập trung ở quận 13 và 16, cách xa nên không bị ảnh hưởng”.

    Lan Anh tại Paris. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Trâm Anh, một sinh viên người Việt, cho biết sau vài lần chứng kiến hoặc đọc qua báo đài về các cuộc biểu tình ở Paris, cô nhận thấy hoạt động này hầu như diễn ra ôn hòa với mục đích chính là để nói lên nguyện vọng và nhận được sự chú ý của truyền thông.

    “Tôi thấy Pháp là một đất nước dân chủ, những cuộc biểu tình trong hòa bình và ý kiến của người dân luôn được chào đón”, cô nói. “Tuy nhiên, cuộc biểu tình của Gilets Jaunes – Những người Áo Vàng diễn biến xấu đi khi có những người lợi dụng thời điểm nóng này để đập phá, gây thiệt hại. Trong vài tuần đầu, biểu tình chỉ diễn ra vào thứ 7 và vẫn ôn hoà, chỉ có đường quốc lộ bị tắc nghẽn, đến tuần thứ ba thì bạo loạn xảy ra”.

    Trước những thông tin khiến người thân ở Việt Nam lo lắng, Trâm Anh phải thông báo rõ tình hình và trấn an gia đình. Hiện nữ sinh ngành ngôn ngữ vẫn đi học như bình thường và háo hức chờ đón Giáng sinh thứ hai trên đất Pháp.

    “Sau một ngày bạo động, đường sá và các phương tiện được dọn dẹp, mọi người lại đi học đi làm, tình hình không quá căng thẳng và đáng lo sợ”, Trâm Anh cho biết.

    Chính sách cải cách gây tranh cãi

    Làn sóng biểu tình ở Pháp khởi phát từ một cuộc tuần hành hòa bình cách đây gần hai tuần, khi gần 300.000 người ở nhiều thị trấn nhỏ, thôn quê xuống đường phản đối tình trạng sinh hoạt phí tăng cao, đặc biệt là chính sách tăng thuế xăng dầu mà Tổng thống Emmanuel Macron thông báo hồi đầu năm.

    Từ nỗi bức xúc ban đầu về thuế xăng dầu, phong trào “Áo Vàng” dần quy tụ đông đảo mọi giai tầng trong xã hội, rồi lan nhanh trên khắp nước Pháp mà không có một nhóm lãnh đạo rõ ràng nào, quy tụ chủ yếu những người ôn hòa, nhưng cũng kéo theo không ít phần tử cực hữu lẫn những người thuộc phe cực tả.

    Lan Anh cho hay các đồng nghiệp Pháp của cô không hẳn là không lo lắng trước những thay đổi của chính sách kinh tế. Sinh sống tại thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, cô gái người Việt cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng từ các cải cách của chính phủ Pháp. Tuy nhiên, cô và các đồng nghiệp chỉ ủng hộ những người biểu tình ôn hòa và phản đối những hành động đập phá tài sản, gây tổn hại đến những địa danh biểu tượng của một bộ phận người biểu tình quá khích.

    Nguyễn Linh, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Paris, cho hay một trong những thay đổi của chính phủ Pháp ảnh hưởng trực tiếp đến các du học sinh Việt Nam là việc tăng học phí nhằm “cải tổ giáo dục”. Từ năm sau, học phí ở cả ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ đối với sinh viên ngoài EU đều tăng thêm khoảng 3.000 euro, trong khi tiền trợ cấp nhà ở cho đối tượng này sẽ giảm.

    Sinh viên Việt Nam tại Paris. Ảnh: Nguyễn Linh

    Hiện có khoảng 5.500 sinh viên Việt Nam đang học tại Pháp, giảm mạnh so với 7.000 người vào năm 2013. Trong đó, chỉ một phần rất nhỏ sinh viên có học bổng và ngoài những học bổng đặc biệt, có giá trị cao, thì phần lớn chỉ đủ trang trải cuộc sống.

    Linh cho biết Pháp vẫn hỗ trợ phần lớn chi phí đào tạo và việc tăng học phí góp phần tinh chọn sinh viên du học ở Pháp. Tuy nhiên, quyết định đột ngột hướng đến các sinh viên ngoài châu Âu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các cá nhân đơn lẻ đến từ quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam. 

    Lê Quốc Việt, cựu du học sinh và hiện làm việc trong ngành xây dựng tại Paris, thừa nhận cuộc bạo loạn của những người “Áo Vàng” và chính sách tăng học phí đang gây không ít lo lắng cho phụ huynh và những bạn trẻ có ý định du học Pháp. Tuy nhiên, anh cho rằng nếu nhìn rộng ra và xa hơn, những diễn biến trên không phải là trở ngại quá lớn so với những ưu đãi mà du học sinh nước ngoài được hưởng ở Pháp so với các nước phát triển khác.

    “Nếu chỉ tính tiền học phí và tiền sinh hoạt thì với mức tăng 3.000 euro một năm dành cho sinh viên nước ngoài, Pháp vẫn thuộc hàng rẻ nhất trong các nước phát triển. Bên cạnh đó, an sinh xã hội Pháp rất tốt, người thu nhập thấp được hỗ trợ rất nhiều khoản phí. Khả năng xin việc làm và định cư với người nước ngoài cũng rất lớn”, Việt cho hay. “Còn các cuộc biểu tình, nó dường như đã trở thành một phần văn hóa Pháp và cũng chỉ diễn ra vào cuối tuần nên mọi người không cần phải quá lo lắng”.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Xuất phát từ phong trào phản đối tăng giá nhiên liệu, cuộc biểu tình của những người “Áo vàng” đã khắc hoạ một nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc.

    Biểu tượng bị đập phá

    Vào cuối tháng 10, khi những người biểu tình đầu tiên khoác chiếc áo gi-lê vàng lên người và xuống đường phản đối việc chính phủ Pháp áp thuế môi trường khiến giá nhiên liệu tăng, suy nghĩ của những người này vẫn khá thô sơ.

    Họ chọn những chiếc áo gi-lê vàng, vốn là chiếc áo để mặc khẩn cấp mỗi khi buộc phải dừng đỗ xe trên đường vì sự cố. Thông điệp phát đi rất rõ ràng: Chúng tôi đang gặp nguy. Hãy giúp đỡ chúng tôi.

    Ban đầu những người “Áo vàng” chủ yếu tụ tập quanh các “rond-point”, tức vòng xoay giao thông ở các tỉnh lộ. Một vài người mạnh bạo hơn thì tiến ra quốc lộ, cố gắng làm ách tắc giao thông ở các “péage – điểm thu phí” nhằm thể hiện sự tức giận và lôi kéo sự chú ý của mọi người.

    Từ đó đến nay, những người “Áo vàng” đã có 3 cuộc xuống đường lớn, đều vào những ngày thứ Bảy cuối tuần.

    Ngày đầu tiên, 17/11, toàn nước Pháp có 282 ngàn người “Áo vàng” xuống đường.

    Ngày thứ hai, 24/11, con số là 166 ngàn người. Và thứ Bảy vừa qua, 1/12, là 136 ngàn người.

    Nhìn vào các con số, thì dường như phong trào đang yếu đi. Nhưng thực tế thì không phải vậy.

    Mức độ bạo lực gia tăng qua mỗi lần xuống đường. Đợt đầu tiên, 17/11, hầu như không có sự cố gì nghiêm trọng. Đến ngày 24/11, thiệt hại bắt đầu đáng lo: 2 người chết, 103 người bị bắt giữ, vài chục xe ô tô bị đốt cháy.

    Đến ngày 1/12 thì sự tồi tệ lên đến đỉnh điểm. Trung tâm thủ đô Paris biến thành “chiến trường” với khói lửa, hơi cay, vòi rồng, gạch đá.

    Khải Hoàn môn, biểu tượng chiến thắng của nước Pháp, nơi đặt “Ngọn lửa chiến sĩ vô danh” bị đập phá và bôi nhọ. Bức tượng nàng Marianne tượng trưng cho nền Cộng hòa Pháp bị đập vỡ đầu. Trên tường, các dòng chữ graffiti đen kịt những khẩu hiệu như “Macron démisssion”- “Macron từ chức”.

    Một trong những biểu tượng lớn nhất của Paris và nước Pháp đã bị ô uế, theo đúng nghĩa đen của từ này.

    Nhưng những gì xảy ra quanh các con phố ở quận 8, quận 16, quận 1 mới thực sự gây sốc. Trụ sở ngân hàng, các cửa hiệu đồ xa xỉ, siêu thị… bị đập phá, đốt cháy, hôi của. Gạch đá lát đường bị cậy lên để ném vào cảnh sát. Các thùng rác được huy động làm rào chắn và bị đốt cháy. Trong sáng ngày 1/12, khói đen bốc lên từ khu vực Khải Hoàn môn có thể được nhìn thấy từ cách đó hàng chục km. Hơi cay dày đặc đến mức có thể cảm nhận được ngay từ Porte Maillots cách đó hơn 1km.

    “Paris bốc cháy”, “Chiến trường Paris”, “Chiến tranh ở Khải hoàn môn”…. Tất cả những từ ngữ mà báo chí châu Âu mô tả Paris hôm thứ Bảy, ngày 1/12, đều không cường điệu.

    Đó là một cảnh tượng bạo lực khó có thể tưởng tượng ngay tại trung tâm thủ đô nước Pháp, gợi nhớ cuộc bạo loạn ngoại ô 2005 từng khiến cả nước Pháp hỗn loạn.

    Tổng cộng, sau ngày cuối tuần, 682 người đã bị bắt giữ trên toàn nước Pháp, trong đó riêng Paris là 412. Ít nhất 263 người bị thương, gồm 81 thành viên lực lượng an ninh. Đến tối Chủ nhật, 2/12, vẫn còn 378 người bị giam giữ, trong đó có 33 trẻ vị thành niên, chỉ tầm 12-13 tuổi.

    “Áo vàng” – họ là ai?

    Áo vàng, trước hết, là một phong trào phản kháng của nhân dân. Những người mặc “Áo vàng” xuống đường để biểu thị điều mà báo chí Pháp gọi là “colère populaire” – một sự tức giận của quần chúng.

    Nhưng khác với tất cả các phong trào xuống đường trước đây tại Pháp, “Áo vàng” không phải là một phong trào chính trị hay công đoàn.

    Không một đảng phái nào tại Pháp nắm được “Áo vàng”. Cũng không công đoàn nào tại Pháp, vốn nổi tiếng bởi quyền lực biểu tình, (như CGT, CFDT, FO)… thâm nhập và điều khiển được “Áo vàng”.

    Những người “Áo vàng” khước từ việc chính trị hóa hay công đoàn hóa các hành động của mình.

    Họ thậm chí khước từ việc lộ diện.

    “Áo vàng” không có ban lãnh đạo. Không có người phát ngôn. Không có cả phương châm hành động.

    “Áo vàng” không mang bất cứ gương mặt nào của một nhân tố đối thoại. Khi có bất cứ cá nhân hay một nhóm nào đứng ra tự xưng là đại diện cho “Áo vàng”, người đó và nhóm đó lập tức bị đám đông hạ bệ.

    “Áo vàng” cho đến thời điểm này, thực sự là một phong trào quần chúng tự phát, dù nó đã có hơi hướng bị trà trộn và lưu manh hóa trong vài ngày qua và có thể sẽ được tổ chức chặt chẽ hơn trong vài ngày tới như một lực lượng thực sự.

    Một “nước Pháp bị bỏ rơi”

    Nhưng một cá nhân “Áo vàng” tiêu biểu sẽ được mô tả ra sao?

    Quỹ Jean Jaures, một trong các think-tank tiêu biểu của cánh tả tại Pháp, nêu ra 3 đặc điểm nổi bật của những người “Áo vàng”: những người đói ăn cuối tháng, sống ở nông thôn hoặc trong các thành phố nhỏ.

    Đó là một tập hợp của những người tạo nên một nước Pháp khác, không phải ở Paris hay Lyon, đang giận dữ vì cảm giác bị bỏ rơi, bị bủa vây bởi đói nghèo và bất công xã hội.

    Khi chính phủ Pháp đưa ra chính sách tăng thuế đánh vào xăng dầu, mà mục đích là để có thêm tiền tài trợ cho chiến lược dài hơi về chuyển đổi sang các ngành năng lượng xanh, họ không ngờ rằng chỉ vài chục xen tăng lên trên mỗi lít nhiên liệu lại đủ để làm tràn cả ly nước giận dữ.

    Tại các vùng nông thôn hay các thành phố nhỏ tại Pháp, ô tô là lựa chọn di chuyển gần như duy nhất, đặc biệt với những người phải chạy cả trăm km mỗi ngày từ nhà đến nơi làm việc. Thêm vài chục xen giá nhiên liệu là cuối tháng lại thêm vài chục euro phải chi. Với những người chỉ hưởng lương tối thiểu Smic (1153 euros sau thuế, và ngày càng nhiều) hay những người hưu trí chỉ trông vào vài đồng ít ỏi, đó là cả một vấn đề.

    Nghiêm trọng hơn, những người này nhận ra rằng, suốt bao năm qua thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi và tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ, khinh miệt. Giữa nước Pháp thành thị và nông thôn, bất công lớn nhất đang tồn tại là về “mobilité - tính lưu động”.

    Sự lưu động ở đây là từ giao thông (giá nhiên liệu tăng, các tuyến đường sắt liên tỉnh bị cắt giảm) cho đến cơ hội. Từ 2018, học sinh nông thôn và thành phố nhỏ ngoại ô ngày càng khó vào các trường Đại học ở thành phố lớn vì phần mềm Parcoursup tạo ra bộ lọc gây tranh cãi về địa lý, khiến một học sinh bình thường trong thành phố đôi khi lại được ưu tiên lựa chọn hơn học sinh giỏi ở ngoại ô hay nông thôn.

    Và cuối cùng, sau nhiều thập kỷ phát triển không đồng đều, sự giàu có kinh tế tích tụ về các vùng đô thị lớn quanh Paris, Lyon, Toulouse… và để lại phía sau một nước Pháp nông thôn rộng lớn về lãnh thổ nhưng trống rỗng về của cải.

    Tất cả những mặc cảm, bức xúc, giận dữ… đó không phải do vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron tạo ra mà là tích góp bao năm qua từ các đời Tổng thống trước đó của các ông Chirac, Sarkozy, Hollande.

    Chỉ có điều, thái độ cứng rắn đến ngạo mạn, thậm chí bị những người hưu trí coi là “láo xược” của ông Macron, đã khiến mọi thứ dần vượt tầm kiểm soát.

    Điệp khúc “chúng tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu” mà các ông Macron, Édouard Philippe… nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua bị xem như là lời thách thức đầy khinh miệt với phong trào phản kháng, mà về sâu xa là xuất phát từ những bức xúc và đòi hỏi chính đáng của một lượng lớn người dân Pháp.

    Để rồi hiện tại thì tất cả được dịp bùng nổ.

    “Áo vàng” giờ là quy tụ của rất nhiều tầng lớp: người lao động lương thấp, hợp đồng ngắn, người về hưu bị tăng CSG (tiền đóng góp xã hội), công nhân đường sắt đang bị đe dọa sa thải, học sinh- sinh viên phản đối tăng học phí và đòi cải cách đầu vào Đại học.

    Những kẻ vô lại

    Nhưng nếu chỉ là tập hợp của những con người đang thực sự khó khăn trong cuộc sống và có nhu cầu được lắng nghe, “Áo vàng” đã không bạo lực đến mức đó. 

    Cảnh tượng tan hoang tại Paris hôm thứ Bảy, lại đến từ một vấn đề khác của nước Pháp: tội phạm. Chính xác hơn là tội phạm ngoại ô.

    Những kẻ này được gọi là “casseur” – “người đập phá”.

    Trong tất cả những cuộc biểu tình, xuống đường lớn tại Pháp, luôn có những nhóm “casseur” chuyên nghiệp. Mục đích duy nhất của những nhóm này, như tên gọi, là đập phá, hôi của, cướp bóc. Và để trà trộn vào đám đông, dĩ nhiên chúng cũng mặc “Áo vàng”.

    Những “casseur” này, kết hợp với các nhóm cực hữu hoặc cực tả, và đôi khi cả các nhóm “black bloc” (chuyên mặt nạ đen)… là thủ phạm chính gây ra bạo lực.

    Đây là những kẻ cơ hội, lưu manh, vô lại.

    Khi người Pháp bức xúc, chúng tham gia đập phá. Khi người Pháp vui mừng, như trong đêm ăn mừng chức vô địch World Cup 2018, chúng cũng đập phá. Để hôi của, cướp bóc hoặc chỉ để tấn công cảnh sát làm vui.

    Những “casseur” dĩ nhiên không từ trên trời rơi xuống. Đa số “casseur” là các thanh niên ngoại ô thất nghiệp, nghèo đói, luôn sẵn sàng phạm tội chỉ vì vài đồng bạc lẻ. Những kẻ ngông cuồng hơn, như chúng ta đã biết qua vụ Charlie Hebdo hay Bataclan…, thì đi làm khủng bố.

    Đây, thực ra là một cơn trọng bệnh khác của nước Pháp, khi bất công xã hội, đói nghèo, xung đột văn hoá-tôn giáo khiến hình thành một thế giới khác ở các ngoại ô – thế giới của tội phạm

    Khi mà ngay cả những đứa trẻ 12-13 tuổi cũng tham gia đập phá, cướp bóc, hôi của… thì chẳng có lí do hay bức xúc xã hội nào có thể biện minh.

    Những kẻ vô lại này khác với những người “Áo vàng” giận dữ thực sự, nhưng giờ thì đang bị hòa chung. Đó chính là điều khiến cho “Áo vàng” có thể nhanh chóng bị chính người Pháp tẩy chay, dù trong tuần trước, tỷ lệ ủng hộ “Áo vàng” luôn có chiều hướng gia tăng.

    Nhưng thực tế ở thời điểm này, khi đến Khải Hoàn môn cũng bị đập phá, thách thức lớn nhất với mọi người Pháp nói chung, từ người dân đến chính trị gia, không còn là câu chuyện giá xăng, sức mua kém hay bất công xã hội gì đó…. mà là ở việc phải chấm dứt ngay lập tức làn sóng bạo lực.

    Nước Pháp không thể có một ngày thứ Bảy bạo loạn nữa, nếu không muốn tái hiện một cuộc Cách mạng mà ngay cả những người khởi phát cũng không hề có ý niệm gì về nó./.

    Viethome (theo VOV)

  • Thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn khác của Pháp đã tan hoang sau các cuộc biểu tình bạo động mang tên "Áo vàng" cuối tuần qua nhằm phản đối chính quyền tăng giá xăng và tăng thuế.

    Nước Pháp cuối tuần qua tiếp tục rúng động bởi các cuộc biểu tình mang tên "Áo vàng". Đây là tuần thứ 3 liên tiếp các cuộc biểu tình Áo vàng diễn ra làm tê liệt thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp.

    Trên cả nước Pháp, ước tính khoảng 75.000 người đã tham gia vào các cuộc biểu tình.

    Họ chặn các tuyến đường chính, ngăn các lối với trung tâm thương mại, các nhà máy.

    Họ đập phá nhiều cơ sở hạ tầng.

    Người biểu tình cũng đốt phá nhiều xe hơi.

    Họ cũng dùng đá hay bom khói ném về phía lực lượng an ninh.

    Cảnh sát buộc phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để giải tán một số tụ điểm biểu tình.

    Tại Paris, cảnh sát cho biết đã bắt giữ hơn 400 người, trong khi 133 người bị thương, trong đó có hàng chục nhân viên thuộc lực lượng an ninh.

    Hiện tại chưa thể tính toán những thiệt hại do cuộc bạo động gây ra đối với nền kinh tế Pháp nói chung, cũng như với các doanh nghiệp địa phương nói riêng. Reuters dẫn một báo cáo cho rằng, các khách sạn và siêu thị ở thủ đô Paris có thể thiệt hại hàng triệu Euro.

    Chính phủ Pháp đang cân nhắc các biện pháp để đối phó với cuộc bạo động, trong đó có khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp cả nước.

    Các cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng thuế xăng và tăng một số loại thuế.

    Chính quyền của Tổng thống Macron tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người biểu tình, song cũng nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục các cải cách.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Sau khi lục soát một chiếc xe cảnh sát tại trung tâm thủ đô Paris, đám đông quá khích đã cướp được một khẩu súng trường, theo cảnh sát Pháp.

    Những người biểu tình đã tiến hành bạo loạn trên các đường phố của thủ đô nước Pháp và thậm chí đã cướp được súng từ tay lực lượng an ninh. Theo hai viên cảnh sát Pháp nói với hãng tin Reuters, những người biểu tình đã lấy được súng trường từ một chiếc xe cảnh sát ở trung tâm Paris.

    Một chiếc xe bị thiêu cháy trên đường phố Paris. Ảnh: Sputnik

    Các cuộc biểu tình tại thủ đô Paris đã dẫn tới việc khoảng 6.000 cảnh sát được triển khai trên đường phố trong một nỗ lực để duy trì trật tự công cộng.

    Một phần tử quá khích dùng vũ khí tấn công cảnh sát. Ảnh: AFP

    Đường phố Paris hỗn loạn vì các cuộc bạo động. Ảnh: AFP

    Theo kênh truyền hình BFMTV, đã có ít nhất 80 người bị thương trong các cuộc biểu tình ngày hôm qua (1/12) và khoảng 205 kẻ quá khích bị bắt giữ bởi lực lượng thực thi pháp luật.

    Từ những cuộc biểu tình ôn hòa, phong trào này dần biến tướng khi có sự tham gia của các phần tử cực đoan. Ảnh: AFP

    Các cuộc biểu tình của phe "áo vàng" nhằm phản đối chính sách tăng thuế đối với nhiên liệu ở Pháp bắt đầu vào giữa tháng 11, tuy nhiên các cuộc biểu tình trên xa lộ và đường phố đã dần biến tướng trở thành các cuộc bạo động.

    Viethome (theo Sputnik)

  • Giới chức Paris đang tìm cách ngăn chặn tình trạng chuột tràn lan khắp thành phố nhưng nhiều người dân vẫn kiên quyết đòi bảo vệ quyền được sống của những sinh vật gặm nhấm này.

    Chuột đang tràn lan khắp "kinh đô ánh sáng". Người ta nhìn thấy chúng nhan nhản tại các siêu thị, công viên và ở cả nhà trẻ, Wall Street Journal cho biết.

    Geofroy Boulard, thì trưởng Quận 17 tại khu vực phía tây bắc Paris, cuối năm 2017 phải triệu tập họp khẩn xử lý cuộc khủng hoảng gặm nhấm này. Giới chức quận đã thảo luận nhiều cách thức nhằm giảm bớt số lượng chuột tại thành phố, trong đó có sử dụng thuốc diệt chuột.

    Đó cũng là lần đầu tiên Boulard nhận ra rằng chuột tại Paris cũng có nhóm vận động hành lang bảo vệ quyền lợi. Khoảng 10 người biểu tình đã đối chất với ông, lên án kế hoạch của lãnh đạo quận. Họ yêu cầu chính quyền địa phương sử dụng một biện pháp nhân đạo hơn là rải thuốc tránh thai cho chuột.

    Chuột đông hơn người

    Boulard cho rằng lập luận của nhóm người biểu tình là không đủ sức thuyết phục, đặc biệt khi chuột hoành hành tại Paris ngày một nghiêm trọng.

    "Chúng ta không thể sống chung với chuột ở những nơi công cộng", ông nhấn mạnh. Tuy thành phố vẫn chưa đưa ra con số thống kê chính thức, một chuyên gia ước đoán hiện có gần 4 triệu con chuột ở thủ đô nước Pháp, đông hơn cả dân số thành phố. 

    Nhân viên môi trường của thành phố Paris phải thường xuyên dọn dẹp xác chuột ở các thùng rác công cộng. Ảnh: AP.

    Paris có nhiều yếu tố "địa lợi, nhân hòa" để loài gặm nhấm sinh sôi. Mật độ dân cư dày đặc của thành phố cùng với lượng khách du lịch khổng lồ đổ về mỗi ngày đã tạo ra vô số thức ăn thừa. Paris cũng được xây dựng trên nền của những kiến trúc từ thời La Mã cổ đại, tạo ra không gian ngầm thích hợp để chuột sinh sống.

    Tuy nhiên, những rắc rối bắt đầu khi lũ gặm nhấm quyết định tràn lên mặt đất. Những công trình ngầm của thành phố, mực nước sông Seine dâng cao, cộng với tình trạng vứt rác bừa bãi của người dân và khách du lịch... là những lý do phía sau cuộc di dân phiền toái của chuột.

    Giờ đây, không khó để khách du lịch bắt gặp hình ảnh chuột sục sạo trong những đống rác dạt ven sông Seine hay bên cạnh các tượng đài thành phố.

    "Chúng tôi không muốn giết hết lũ chuột tại Paris. Làm vậy không có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi chỉ muốn kiểm soát tình trạng chuột tràn lan khắp nơi", một quan chức thành phố cho biết.

    Trong thế kỷ 20, các nhà khoa học kết luận rằng chuột là vật trung gian lan truyền dịch hạch tại châu Âu thời trung cổ. "Cái chết đen" đã cướp đi sinh mạng của gần 60% dân số toàn châu lục. Dù hiện nay nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu đặt nghi vấn về kết luận của những nhà khoa học đi trước, định kiến của con người đối với loài chuột vẫn khó thay đổi.

    Những hình ảnh tiêu cực về nạn chuột xuất hiện khắp Paris như đổ thêm dầu vào lửa. Tháng 1, một nhân viên vệ sinh thành phố gửi đến Le Parisien đoạn video ghi lại hình ảnh hàng trăm con chuột sục sạo trong xe chở rác của anh.

    "Điều này không thể được tiếp diễn. Đây là một cơn đại dịch", người nhân viên này cho biết.

    Lượng rác thải lớn của người dân Paris trở thành nguồn thức ăn khổng lồ cho gần 4 triệu con chuột của thành phố. Ảnh: AFP.

    Chuột cũng có luật sư, người bảo vệ

    Cuộc tranh luận về quyền của chuột ở Pháp đã xuất hiện hàng thế kỷ trước, khi châu Âu trung cổ đang đau đầu trước nạn chuột phá hoại mùa màng và lan truyền bệnh dịch.

    Theo quyển sách "Xét xử hình sự và Án tử hình đối với động vật" được viết bởi E.P. Evans, chính quyền Pháp đã tìm cách xét xử các hành vi "sai trái" của loài chuột. Vào thế kỷ 16, chính quyền vùng Autun từng mở phiên tòa luận tội một đàn chuột phá hoại cánh đồng lúa mạch của người dân địa phương. Tòa thậm chí đã chỉ định một luật sư tên Bartholomew Chassenee đại diện cho đàn chuột.

    Giờ đây, những lời kêu gọi bảo vệ quyền của chuột vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội. "Chúng ta cần tìm được một sự cân bằng để chung sống", Claudine Duperret, một cựu chuyên viên quản lý hậu cần, cho biết. Cô đang điều hành nhóm "Giải cứu chuột" với 600 thành viên trên Facebook.

    Duperret bắt đầu nuôi chuột từ 11 năm trước, khi cô con gái muốn xin một con về làm thú cưng. Kể từ đó, cô đã giải cứu 25 con chuột khỏi đường phố. Duperet còn mang chúng theo khi dạo quanh thành phố hay trong các kỳ nghỉ lễ. 

    Khó khăn lớn nhất của Duperret có lẽ là việc tìm chỗ chôn cất những người bạn gặm nhấm của mình. Cô cho biết vẫn còn 4 con chuột được đặt trong tủ đông của nhà bếp chờ... an táng. 

    Những con chuột được nhóm giải cứu đa số từng là thú cưng trong nhà. Duperret cho biết trẻ em thành phố từng đổ xô đi mua chuột sau khi bộ phim hoạt hình "Ratatouille" của Walt Disney ra mắt vào năm 2007. Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ kéo dài được vài tháng và sau đó chuột lại bị vứt ra đường. "Chuột không phải loài thú nuôi dành cho trẻ em. Chúng rất thông minh", Duperret cho biết.

    Ngoài ra, nhóm cũng thường tìm thấy chuột bạch từng được nuôi trong các phòng thí nghiệm. Một vài thành viên của nhóm cũng thử nuôi chuột cống.

    Claudine Duperret, trưởng nhóm giải cứu chuột tại Paris. Ảnh: WSJ.

    Những nhà hoạt động như Duperret không đồng tình với giải pháp của chính quyền thành phố. Họ cho rằng giống chuột nâu cũng có quyền được cư ngụ giữa "kinh đô ánh sáng" như mọi loài động vật hữu nhũ khác.

    Đối với nhóm vận động này, các biện pháp như thuốc diệt chuột hay bẫy chuột là quá tàn nhẫn.

    Khi chính quyền thành phố bắt đầu chiến dịch tiêu diệt chuột 18 tháng trước, họ đã đăng trên mạng một thỉnh nguyện thư bảo vệ sinh mạng của hàng triệu con chuột. Lá thư đã thu được hơn 26.000 chữ ký đồng tình.

    "Chúng tôi rất quan ngại (về kế hoạch của chính quyền)", nhà tâm lý học đã về hưu Jo Benchetrit, người viết thỉnh nguyện thư đòi cứu chuột Paris, chia sẻ.

    Bà cho rằng nhiều người cảm thấy chiến dịch bảo vệ quyền của chuột là "không bình thường" do xã hội đã quen sống trong cảm giác "tàn nhẫn tầm thường".

    Viethome (theo Zing)