• Virgin Media và O2 sẽ hợp tác trong một thương vụ sáp nhập ở Anh, tạo nên một công ty trị giá 31 tỷ bảng.

    Công ty truyền thông Mỹ Liberty Global, chủ sở hữu của nhà cung cấp truyền hình cáp và băng thông rộng Virgin Media, cho biết thỏa thuận sẽ kích hoạt khoản đầu tư 10 tỷ bảng vào thị trường Anh sau 5 năm kể từ khi hoàn thành.

    Tùy theo các điều khoản cụ thể, kế hoạch sẽ được thực hiện vào năm tới.

    skynews virgin media shop mobile 4489451

    Nhà cung cấp điện thoại di động O2 là một phần của công ty Telefonica của Tây Ban Nha.

    Giám đốc điều hành của O2, Jose Maria Alvarez-Pallete, cho biết: "Sự kết hợp mãng kinh doanh di động hàng đầu của O2 với mạng băng thông rộng và dịch vụ giải trí siêu tốc của Virgin Media sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc chơi ở Anh, vào thời điểm nhu cầu kết nối quan trọng hơn bao giờ hết.

    "Chúng tôi đang tạo ra một đối thủ cạnh tranh với quy mô và sức mạnh tài chính đáng kể để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Vương quốc Anh và mang lại cho hàng triệu khách hàng, doanh nghiệp và khách hàng lĩnh vực công cộng nhiều sự lựa chọn giá trị hơn."

    Telefonica và Liberty sẽ có cổ phần bằng nhau trong liên doanh mới. Họ thông báo với các nhà đầu tư rằng cho đến năm hoạt động thứ năm, việc hợp tác cũng sẽ tạo ra khoản tiết kiệm hơn 6 tỷ bảng mỗi năm.

    Chưa có thông tin chi tiết về việc liệu các nhân viên có phải đối mặt với nguy cơ mất việc hay không.

    Cả hai đều mong đợi nhận được tiền mặt khi hoàn thành thỏa thuận - với gần 6 triệu bảng cho Telefonica và 1,4 tỷ bảng cho Liberty.

    Thỏa thuận cho phép công ty Tây Ban Nha kiểm soát tiền từ O2 và được hiện diện ở Anh, trong khi Virgin có quyền truy cập vào mạng không dây của riêng mình, tiết kiệm số tiền vẫn phải chi để thuê hạ tầng di động từ trước đến nay.

    Cổ phiếu của Telefonica đã tăng 3% trong các giao dịch đầu ngày thứ Năm, 7/5.

    O2, nhà tài trợ cho đội bóng bầu dục quốc gia Anh và một số sự kiện âm nhạc lớn, có hơn 34 triệu kết nối trong mạng lưới của mình.

    Ngoài thương hiệu O2 cốt lõi, công ty còn hợp tác với các nhà khai thác mạng di động Sky Mobile - công ty có quyền sở hữu chung với Sky News - giffgaff và Lyca Mobile, cũng như sở hữu một nửa Tesco Mobile.

    Virgin Media có khoảng 5,3 triệu khách hàng băng thông rộng - nhiều người trong số họ cũng mua dịch vụ di động và truyền hình trả tiền từ công ty.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Cảnh sát đã triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt gây tranh cãi ở trung tâm London chỉ sau hai giờ thông báo, gây ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư.

    Cảnh sát Metropolitan đã lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt (LFR) tại Oxford Circus, một khu vực thương mại đông đúc ở City of Westminster, vào sáng thứ Năm (20/2) và thử nghiệm cho đến đầu giờ chiều, một phát ngôn viên cho biết.

    Lực lượng này đã đẩy mạnh các kế hoạch triển khai nhận diện khuôn mặt trên khắp London, mặc dù công nghệ có độ chính xác kém và những lo ngại cho rằng nó ảnh hưởng đến quyền riêng tư của những người dân vô tội.

    Các cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi Met từ giữa năm 2016 và 2018 có độ nhầm lẫn lên đến hơn 90% khi xác định sai một số người dân là tội phạm tiềm năng.

    Người phát ngôn của Met cho biết các thử nghiệm cho thấy khả năng cảnh báo sai chỉ là 0,1% khi một người không có trong danh sách theo dõi đi ngang qua camera LFR. "Mọi cảnh báo đều được đánh giá bởi một cảnh sát viên và cảnh báo sai từ hệ thống không phải lúc nào cũng có nghĩa là cảnh sát sẽ nói chuyện với đối tượng bị xác định nhầm", họ nói.

    Silkie Carlo, giám đốc của nhóm chiến dịch bảo mật Big Brother Watch, cho biết họ từng đưa ra cảnh báo về hệ thống giám sát sinh trắc học được sử dụng ở London.

    Bà cho biết: “Trước đây, công dân còn chưa bao giờ bị kiểm tra danh tính khi không nằm trong diện tình nghi, chưa nói đến theo quy mô lớn như thế này. Tất cả các bằng chứng cho thấy công nghệ này khiến cho chúng ta có ít tự do hơn và kém an toàn hơn.”

    Ủy viên sinh trắc học của Vương quốc Anh, người giám sát việc sử dụng LFR, đã cảnh báo vào tháng trước rằng việc triển khai công nghệ của lực lượng cảnh sát có thể là bất hợp pháp.

    Người biểu tình đã có mặt tại Oxford Circus hôm thứ Năm với các biểu ngữ chống lại thiết bị nhận dạng khuôn mặt trong khi một chiếc camera đang hoạt động quét khuôn mặt trong khu vực.

    Họ tuyên bố rằng họ đã nhìn thấy hai người đàn ông da đen bị các sĩ quan trong khu vực tra hỏi và còng tay trước khi được thả ra.

    Tám vụ bắt giữ đã được thực hiện do kết quả của tám thử nghiệm đối với phần mềm nhận dạng khuôn mặt trong ba năm qua.

    Lần triển khai chính thức đầu tiên của Met - diễn ra vào thứ Ba (11/2) bên ngoài ga xe lửa Stratford ở phía đông London – không dẫn tới vụ bắt giữ nào, cũng như không có cuộc truy đuổi nào với tội phạm truy nã.

    Công nghệ được sử dụng tại City of Westminster hôm thứ Năm là một phần của hoạt động trị an chủ động nhắm tới các hành vi phạm tội nghiêm trọng, cảnh sát cho biết trong một thông báo trên trang web của họ.

    Hannah Couchman, từ nhóm chiến dịch Liberty, đã so sánh công nghệ này với việc “lấy dấu vân tay mà không cung cấp thông tin hay nhận được sự đồng ý từ người dân.”

    Cô nói “Đó là hành vi vi phạm quyền riêng tư của chúng ta và là mối đe dọa đối với quyền thể hiện bản thân và sống tự do của chúng ta.”

    Người phát ngôn của Met cho biết: “Ngày hôm nay, chúng tôi đã thông báo trên Twitter về việc triển khai LFR từ tài khoản MPS Westminster và MPS, chiểu theo trách nhiệm của chúng tôi là phải ”thông báo trước về việc triển khai. Tờ rơi và các biển báo lớn cũng sẽ được sử dụng trong quá trình triển khai.”

    Một phát ngôn viên của thị trưởng London cho biết ông Sadiq Khan đã yêu cầu cảnh sát bảo đảm đã đáp ứng các điều kiện được nêu trong báo cáo của một hội đồng độc lập về việc sử dụng công nghệ.

    "Công nghệ mới có vai trò giữ an toàn cho người London, nhưng điều quan trọng không kém là Cảnh sát Met phải có biện pháp triển khai thích hợp và minh bạch về việc sử dụng nó ở đâu và khi nào để giữ niềm tin của tất cả người dân London", ông nói.

    "Tòa thị chính và hội đồng đạo đức sẽ tiếp tục theo dõi việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt."

    VietHome (Theo Independent)

  • YouTuber nổi tiếng David Dobrik - Khởi nghiệp bằng bánh mỳ rẻ tiền và làm video dài 6 giây, chàng trai gây dựng thành công đế chế YouTube có hơn 15 triệu người đăng ký.

    Hiện tại, "đế chế" của Dobrik trị giá 7 triệu USD. Những trò mạo hiểm và vlog thú vị đã mang lại cho anh cơ hội trở thành người dẫn chương trình Teen Choice Award, cũng như một số vai diễn điện ảnh và một lượng người hâm mộ trung thành không hề nhỏ.

    Anh có hai kênh là David Dobrik để làm vlog và David Dobrik Too để đăng tải nội dung liên quan tới các thành viên của Vlog Squad. Tổng cộng, Dobrik có hơn 20 triệu người đăng ký.

    Dobrik và Vlog Squad của anh được biết đến với những trò trêu đùa rất "ngông". Năm 2019, Dobrik từng kết hôn với mẹ của Jason Nash, một thành viên của nhóm Vlog Squad để trở thành cha dượng của Nash. Cuộc hôn nhân này kéo dài một tháng trước khi họ ly hôn và cho biết đây chỉ là trò chơi khăm để dạy cho Nash một bài học khi nói rằng "chẳng có ai thèm yêu" Dobrik. 

    Câu chuyện bắt đầu khi Jason Nash, người bạn thân hơn tuổi của David và đồng thời cũng là một Youtuber có tiếng, trong một lần vui miệng đã cà khịa rằng: "Này Jason ạ, tao không tưởng tượng nổi mày mà có vợ cũ thì sao luôn, vì tao tin chẳng ai trên cõi đời này thèm yêu mày". 


    Nhớ nhé các bạn: Tình yêu đích thực sẽ luôn chiến thắng.

    Ơ kìa, cà khịa một chút thì vui chứ cà khịa nhiều chút thì chơi một mình nha. Tưởng rằng đó chỉ là một câu nói đùa vui nhưng ai ngờ David lại không hề thấy vui chút nào cả. Vậy là chỉ sau 3 tiếng đồng hồ kể từ lúc câu nói được thốt ra, anh chàng đã tiết lộ với 15 triệu người theo dõi trên Youtube rằng mình sẽ bay thẳng một mạch đến Boston để... cầu hôn mẹ của Jason! Tất nhiên là bà cụ vô cùng sững sờ, nhưng khi nghe được những lời tâm sự đầy ấm ức từ David cũng như biết được đây chỉ là một trò đùa thì cụ đồng ý luôn vì cũng muốn "chơi" thằng con giai già đầu của mình một vố.


    Cưới luôn, sao phải xoắn nhỉ?

    Thế là David và mẹ của Jason ngay lập tức tổ chức hôn lễ ở Las Vegas rồi cùng nhau đi hưởng trăng mật ở hòn đảo Hawaii mộng mơ, sau đó cặp đôi mới thông báo cho Jason biết rằng thằng bạn thân "không con nào thèm lấy" giờ đã trở thành bố mình, theo luật! 

    May cho Jason rằng trò đùa đã chính thức kết thúc khi David thông báo với mọi người rằng "cuộc hôn nhân" này không hề hạnh phúc và họ sẽ ly dị sau 1 tháng "làm vợ làm chồng". Pha cầu hôn chơi khăm đỉnh cao của David đã giúp anh chàng hốt được 7 triệu view cho video cầu hôn của mình!


    Đám cưới hoành tráng.


    Đi trăng mật hẳn hòi nhé.

    Tổng giá trị tài sản của Dobrik hiện khoảng 7 triệu USD. Anh sở hữu một ngôi nhà trị giá 2,5 triệu USD ở Los Angeles, nơi có phòng thu âm trong nhà và vô số xe hơi, trong đó có một chiếc Tesla và Ferrari. Năm 2019, Dobrik lọt hạng Top 5 YouTuber được xem nhiều nhất trên nền tảng này.

    Theo Helino

  • Cảnh sát London sẽ triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt thời gian thực để “trấn áp tội phạm nghiêm trọng”.

    Trong thông báo ngày 24/1, Sở Cảnh sát London cho biết sẽ đưa camera với công nghệ nhận dạng thời gian thực vào hoạt động.

    Camera với công nghệ nhận dạng khuôn mặt thời gian thực được lắp đặt tại nơi đông người. Ảnh: Sianberry.

    Trước đó, công nghệ này đã được cảnh sát Anh thử nghiệm tại thủ đô London và một số nơi. Kết quả cho thấy 70% nghi phạm bị truy nã sẽ bị phát hiện khi đi qua camera, trong khi tỷ lệ báo động sai là 1/1000.

    Trước mắt, camera với công nghệ trên sẽ được lắp đặt ở khu vực đông người như trung tâm thương mại lớn, sự kiện thể thao hoặc âm nhạc, hoặc tại nơi có tỷ lệ tội phạm cao. Mỗi lần vận hành camera sẽ kéo dài 5-6 tiếng. Để đảm bảo minh bạch, cảnh sát sẽ đặt biển báo và phát tờ rơi thông báo tại nơi lắp đặt camera.

    Theo Nick Ephgrave, trợ lý giám đốc Sở Cảnh sát London, công nghệ mới không thay thế nhiệm vụ của cảnh sát vì cảnh sát viên vẫn sẽ phải tiếp cận đối tượng để xác minh trực tiếp sau khi nhận được thông tin từ phần mềm. Vị này cũng chỉ ra công nghệ trên còn có thể được dùng để mau chóng tìm kiếm tung tích người mất tích và trẻ nhỏ, bên cạnh truy tìm tội phạm.

    Theo The New York Times, công nghệ sắp được triển khai của Sở Cảnh sát London sẽ vượt xa nhiều hệ thống nhận dạng khuôn mặt khác, vốn chỉ đối chiếu ảnh tĩnh với kho dữ liệu để xác minh đối tượng. Trong khi đó, hệ thống nhận dạng thời gian thực có thể lập tức phát hiện đối tượng trong danh sách cần theo dõi ngay khi xuất hiện trên camera.

    Nơi lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt sẽ có biển báo. Ảnh: Sianberry.

    Động thái trên của Sở Cảnh sát London được đưa ra trong bối cảnh tội phạm dùng dao tại thành phố này đạt mức kỷ lục. Theo Phòng Thống kê quốc gia Anh, từ tháng 9/2018 tới tháng 9/2019, hơn 15.000 vụ phạm tội bằng dao xảy ra tại London.

    Sự thay đổi chiến thuật của Sở Cảnh sát London được cho là sẽ làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư nhưng Nick Ephgrave cho biết cảnh sát London có "nghĩa vụ" sử dụng công nghệ mới để đảm bảo an ninh. 

    Theo VnExpress

  • Một quán bar ở trung tâm London đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới lắp đặt công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI mới để giúp nhân viên xác định chính xác ai là người tiếp theo trong hàng đợi.

    Được phát triển bởi công ty AI của Anh DataSparQ, hệ thống xác định những người đang chờ trước quầy quán bar, hiển thị vị trí của họ trong hàng đợi và hiển thị ước tính thời gian chờ đợi của họ.

    DataSparQ tuyên bố họ đã phát triển công nghệ ‘AI Bar’ từ hồi tháng 7, và đây là lần lắp đặt đầu tiên.

    ‘Có một màn hình lớn phía sau quán bar, webcam ghi lại cảnh mọi người đến xếp hàng, dựa trên cơ sở ai đến trước sẽ được phục vụ trước,’ John Wyllie, giám đốc điều hành DataSparQ, giải thích.

    ‘Số một sẽ xuất hiện trên đầu những người đang xếp đầu hàng để cho thấy bạn là người đầu tiên trong hàng đợi.

    ‘Những người chờ đợi trong khoảng thời gian ngắn nhất sẽ ở phía sau trong hàng.’

    Mục đích của công nghệ này là để ngăn chặn hành động nhảy hàng và giúp cho việc gọi đồ trở nên nhanh chóng hơn, công bằng hơn và ít gây rắc rối hơn.

    Hệ thống AI cũng hỗ trợ kiểm tra ID, bằng cách cảnh báo nếu khách hàng có ngoại hình giống như người dưới 25 tuổi.

    Tính năng bổ sung mang tên “FaceTab” cũng đang được phát triển, cho phép khách hàng liên kết danh mục gọi đồ của họ với khuôn mặt, vì vậy không ai khác có thể đặt đồ uống lên danh mục thanh toán của họ.

    ‘Một số người rất thích phá luật, và nếu họ thích chen lên trước người khác, công nghệ này có lẽ không dành cho họ”, ông Wyllie nói.

    ‘Nhưng tôi nghĩ rằng có rất nhiều người quá nhút nhát hoặc quá nhỏ bé và không thể thu hút sự chú ý của người pha chế, đối với họ, công nghệ này mang lại sự công bằng.’

    Sammy Forway, chủ sở hữu quán The Underdog, gần London Bridge, hy vọng công nghệ có thể giúp nhân viên quán bar hoạt động hiệu quả hơn.

    “Dữ liệu được tạo ra, bao gồm số lượt gọi món mỗi giờ và thời gian chờ trung bình, cũng có thể giúp quán cải thiện dịch vụ của mình.

    ‘Ở Anh mọi người đều giỏi xếp hàng, nhưng chắc chắn không phải khi đang muốn làm một ly,’ Forway nói.

    ‘Mọi người đều muốn đến và được phục vụ trước. Vì vậy, mặc dù nhóm của chúng tôi đã được huấn luyện tốt, nhưng nếu họ quay lưng lại và phục vụ khách, họ khó có thể biết chính xác ai là người tiếp theo. Công nghệ này đã giúp họ biết chính xác ai đã đứng ở quầy bar và ai là người tiếp theo sẽ được phục vụ.'

    Đây có thể là tin tốt dành cho những người gặp khó khăn khi muốn làm một ly ở các quán bar đông đúc, nhưng các nhà vận động về quyền riêng tư cảnh báo đây có thể là một ‘công nghệ theo dõi nguy hiểm’.

    ‘Nó không giải quyết được một vấn đề rất cần được giải quyết, vì vậy, không có nhu cầu rõ ràng nào đối với nó. Tuy nhiên, những người chỉ định uống một ly rượu sẽ bị quét và phân tích sinh trắc học khi ngước mặt lên màn hình, đó là một thứ thực sự khá khó chịu,’ ông Silkie Carlo, giám đốc tổ chức chiến dịch tự do dân sự Anh Big Brother Watch, bày tỏ.

    'Và trên khắp thế giới, có thể thấy rằng nhận dạng khuôn mặt đang được sử dụng như một công nghệ giám sát khá ngột ngạt, vì vậy chúng tôi không muốn thấy nó len lỏi vào đời sống xã hội ở Anh.'

    Ông Wyllie nói khách tới quán bar không nên lo lắng về quyền riêng tư của họ bởi lẽ dữ liệu được thu thập bởi webcam không được lưu trữ và hình ảnh chụp nhanh khuôn mặt sẽ được xóa vào cuối mỗi phiên.

    Các dữ liệu sẽ không được chuyển ra khỏi quán. Nó được xử lý nội bộ bằng thiết bị AI.

    ‘Chúng tôi rất minh bạch về cách chúng tôi sử dụng khuôn mặt của bạn cho mục đích này,’ Wyllie nói.

    ‘Không có camera ẩn, không có dữ liệu nào được lưu trữ theo bất kỳ phương thức cố định nào.

     ‘Và vì vậy, chúng tôi thực sự muốn tìm hiểu mức độ phù hợp theo quan điểm của công chúng, mức độ đồng ý và cho phép nào là đủ để chúng tôi làm điều này.’

    The Underdog hy vọng có thể sử dụng công nghệ vào thời gian cao điểm. Nhưng, do tiêu chuẩn GDPR, họ phải có được sự đồng ý rõ ràng từ tất cả moi người vào quán, vì vậy hiện tại nó chỉ được sử dụng cho các sự kiện đặc biệt khi đã có được sự đồng ý.

    VietHome (Theo Metro)

  • Máy quét cơ thể giúp phát hiện súng, dao và các thiết bị nổ giấu dưới quần áo sẽ được cảnh sát bắt đầu triển khai từ ngày 17/9.

    Cuộc thử nghiệm do Bộ Nội vụ tài trợ đang diễn ra tại nhà ga Stratford ở phía đông London và được coi là đòn tấn công mới nhất nhắm vào vấn nạn tội phạm bạo lực ở thủ đô.

    Cảnh sát Giao thông Anh đang sử dụng máy quét Thruvision đời mới, hoạt động bằng cách quét nhiệt và làm hiển thị các vật thể ẩn bên trong quần áo. Camera cảm ứng có khả năng kiểm tra 2.000 hành khách mỗi giờ, cho phép cảnh sát nhìn được kích thước, hình dạng và vị trí của bất kỳ lưỡi dao hay khẩu súng nào.

    Thruvision có thể quét thân thể những người đứng cách máy 30ft khi họ đi thang cuốn hoặc tiến vào hàng rào bán vé mà không cản trở công việc của họ hay buộc cảnh sát phải liên tiếng yêu cầu kiểm tra. Thử nghiệm cũng sẽ giúp tối ưu hóa cách cảnh sát sử dụng công nghệ để phát hiện các cá nhân đang mang dao, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các quyền hạn chặn người lục soát vốn gây nhiều tranh cãi.

    Thruvision đã được sử dụng tại hệ thống Los Angeles Metro, hệ thống giao thông lớn đầu tiên ở Mỹ áp dụng công nghệ này.

    Thử nghiệm năm ngày đầu tiên tại Stratford sẽ được điều hành bởi BTP với sự hỗ trợ của Cảnh sát Metropolitan.

    Lãnh đạo ngành cảnh sát, ông Kit Malthouse, cho biết: Chúng tôi đang tiến hành tất cả các biện pháp có thể trong cuộc chiến chống tội phạm dùng dao, ở London và trên cả nước.

    “Thêm hai mươi ngàn nhân viên cảnh sát sẽ vào cuộc, nhưng công nghệ mới có thể tạo ra tác động to lớn đối với an toàn công cộng. Không ai được phép đi trên đường với một con dao mà không bị phát hiện.”

    Lãnh đạo BTP, ông Robin Smith, nói thêm: “Thật may mắn, tỷ lệ tội phạm dùng dao trên mạng lưới đường sắt rất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng chúng tôi trong việc xác định những người có ý định dùng vũ khí gây chết người để gây ra tội ác tàn bạo.

    “Với sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ và các lực lượng cảnh sát khác, chúng tôi rất muốn tìm ra cách thức sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề tội phạm bạo lực nêu trên.”

    Sáng kiến ​​này được đưa ra khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố mở rộng quyền lực dừng chặn và lục soát của cảnh sát cùng với việc viện dẫn Section 60 nhiều hơn, cho phép cảnh sát được quyền tiến hành dừng chặn ở bất cứ khu vực nào mà không cần có lý do nghi ngờ hợp lý.

    Thử nghiệm sẽ cho phép Bộ Nội vụ, BTP và Met xem xét liệu các công nghệ như vậy có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực chống tội phạm dùng dao hay không.

    Bộ Nội vụ cho biết các máy quét không thể hiển thị bất kỳ bộ phận cơ thể nhạy cảm nào và cũng không xác định giới tính, tuổi tác hoặc sắc tộc của một cá nhân từ các hình ảnh quét được. Máy quét không phát bức xạ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

    VietHome (Theo Evening Standard) 

  • Một cuộc điều tra đang được thực hiện đối với hệ thống camera nhận dạng khuôn mặt tại ga King's Cross ở London.

    Văn phòng Ủy ban Thông tin cho biết họ "quan ngại sâu sắc" trước các báo cáo cho biết công nghệ gây tranh cãi này đang được sử dụng tại khu vực King’s Cross Central.

    Các gà tàu lớn King's Cross and St Pancras - cũng như các nhà hàng, quán cà phê, nhà ở và văn phòng làm việc của Google – đều có mặt tại khu vực rộng 67 mẫu này.

    Hiện chưa rõ hệ thống đã hoạt động được bao lâu và có tổng cộng bao nhiêu camera. Hàng ngàn người di chuển qua lại khu vực này hàng ngày.

    Ủy viên Thông tin Elizabeth Denham nói: "Việc quét khuôn mặt của mọi người với mục đích xác định danh tính khi họ đang di chuyển một cách hợp pháp trong cuộc sống hàng ngày là một mối đe dọa tiềm tàng đối với quyền riêng tư.

    "Đặc biệt là việc này được thực hiện khi mọi người không được thông báo hay có hiểu biết gì về nó.

    "Văn phòng của tôi và Bộ tư pháp đang xem xét các vấn đề pháp lý và đánh giá xem liệu khuôn khổ pháp luật hiện tại có theo kịp các công nghệ mới cũng như kỳ vọng của mọi người về cách dữ liệu cá nhân nhạy cảm nhất của họ được sử dụng hay không."

    Bà Denham nói thêm rằng bà đang yêu cầu thêm "thông tin chi tiết" về cách thức sử dụng công nghệ này để ICO có thể xác định liệu quy trình có tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu hay không.

    Hồi đầu tuần này, Thị trưởng London Sadiq Khan đã viết thư cho giám đốc điều hành đơn vị phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt để nêu những lo ngại của ông về việc sử dụng hệ thống.

    Argent, nhà phát triển bất động sản của khu vực, cho biết "những hệ thống tinh vi này được lắp đặt để bảo vệ sự riêng tư của công chúng".

    Khu vực Canary Wharf ở London được cho là đang xem xét một kế hoạch lắp đặt những thiết bị tương tự.

    Tháng trước, Sky News đã tiết lộ kết quả đánh giá độc lập về việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Cảnh sát London.

    Báo cáo chỉ ra rằng hệ thống có tỷ lệ lỗi lên đến 81%, có nghĩa là bốn trên mỗi năm người bị nhận diện không chính xác.

    Đánh giá cũng cho thấy các vấn đề trong "danh sách theo dõi" của lực lượng - danh sách những người đã được nhập ảnh chụp khuôn mặt của họ vào hệ thống - cảnh báo về "sự mơ hồ" và "thiếu tiêu chí rõ ràng" trong việc nhập danh sách.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới đây đã yêu cầu các hãng hàng không của nước này cấm hành khách mang những mẫu máy tính xách tay MacBook Pro có nguy cơ phát nổ lên các chuyến bay.

    Hồi giữa tháng 6 vừa qua, Apple đã phát đi thông cáo cho biết một lượng máy tính MacBook Pro được bán ra từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2017 gặp lỗi về pin có thể quá nhiệt, từ đó dẫn đến phát nổ và bốc cháy. Cụ thể, model MacBook Pro có nguy cơ phát nổ là MacBook Pro màn hình 15 inch sản xuất năm 2015. Apple đang tiến hành thu hồi và thay thế pin miễn phí cho những máy bị ảnh hưởng.

    Trong một tuyên bố mới nhất, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết họ đã biết được mối hiểm hoạ này và đã gửi cảnh báo đến các hãng hàng không lớn tại Mỹ. FAA yêu cầu các hãng hàng không tuân theo các hướng dẫn an toàn năm 2016 đối với hàng hóa có pin bị thu hồi, và những mẫu máy MacBook Pro nguy cơ cháy nổ sẽ không được mang lên máy bay, bất kể dưới dạng hành lý xách tay, hành lý ký gửi hay hàng hoá.

    Cụ thể, model MacBook Pro có nguy cơ phát nổ là MacBook Pro màn hình 15 inch sản xuất năm 2015.  

    Hồi đầu tháng, cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cũng đã đưa ra cảnh báo về các mẫu MacBook Pro này, yêu cầu các thiết bị có pin lithium-ion bị thu hồi phải ở trong trạng thái tắt và không được sử dụng trong các chuyến bay.

    Theo thông tin từ Bloomberg, bốn hãng hàng không được vận hành bởi Total Cargo Expertise (TCE) bao gồm TUI Group Airlines, Thomas Cook Airlines, Air Italy và Air Transat đã tiến hành cấm những máy MacBook Pro bị ảnh hưởng lên chuyến bay của hãng. Thông cáo của TCE gửi đến nhân viên viết: "Máy tính xách tay Apple MacBook Pro 15 inch, được bán từ giữa năm 2015 đến tháng 2/2017 không được mang lên bất kỳ chuyến bay nào của chúng tôi".

    Một trường hợp pin MacBook Pro quá nhiệt.

    Theo số liệu từ Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ, đã có 432.000 máy MacBook Pro lỗi pin đã được bán ra tại Mỹ và 26.000 tại Canada. Tính đến thời điểm hiện tại, Apple đã ghi nhận 26 trường hợp pin quá nhiệt, trong đó có 5 trường hợp bị bỏng nhẹ, 1 trường hợp hít phải khói độc và 17 trường hợp tài sản cá nhân bị tổn hại.

    MacBook Pro không phải là thiết bị công nghệ đầu tiên bị các hãng hàng không cấm. Vào năm 2016, smartphone cao cấp của Samsung là Galaxy Note 7 đã bị cấm trên các chuyến bay tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới sau khi hàng loạt báo cáo cho biết viên pin trong máy có thể quá nhiệt và phát nổ. Samsung sau đó đã tiến hành thu hồi dòng máy này và ngừng bán ra khỏi thị trường.

    Bài liên quan: Apple thu hồi MacBook Pro ở Anh vì lỗi quá nóng

    Viethome (theo Kiến Thức)

  • Mỗi mùa hè, một số con phố lớn ở London thường biến thành “đường đua” khi các tay chơi triệu phú khoe mẽ trong những chiếc siêu xe liên tục gầm rú.

    Nhưng công nghệ mới nhất vừa được giới thiệu có thể giúp chấm dứt sự khốn khổ mà người dân phải chịu đựng khi những âm thanh đinh tai từ động cơ không ngừng vang lên.

    Hội đồng Kensington và Chelsea đã đề xuất chính phủ lắp đặt một thế hệ “camera âm thanh” mới, giúp xác định - và ngăn chặn - những người điều khiển Lamborghini, McLaren và các siêu xe thích gây rối khác.

    Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng vào mùa hè khi các triệu phú từ vùng Trung Đông mang bộ sưu tập siêu xe của họ đến London. Hàng dài những chiếc xe hơi xa xỉ, bao gồm cả Bentley và Rolls Royce Phantoms, thu hút những người yêu thích xe hơi đến để chụp ảnh tự sướng.

    Khoản tiền phạt lên tới 1.000 bảng cho các tài xế ồn ào được áp dụng từ năm 2015 vẫn chưa đủ để ngăn chặn họ mặc dù hội đồng đã ban hành đến 148 án phạt.

    Ủy viên hội đồng Kensington và Chelsea, Johnny Thalassites, cho biết tình hình đã lên đến mức khủng hoảng. Ông vừa viết thư cho Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps trong tuần này để yêu cầu đưa một cuộc thử nghiệm camera âm thanh vào khu vực này, sau khi một tay đua đã đâm vào hàng loạt chiếc xe hơi sang trọng ở Phố Moore, Chelsea.

    Ông Thalassites cho biết: “Những chiếc xe có động cơ ồn ào cần được xử lý nghiêm khắc, và thật không may, khu vực của chúng tôi thường xuyên phải nhìn thấy và nghe thấy những tài xế nhầm tưởng đường phố là khu triển lãm xe hơi. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm và nó đã lên đến mức khủng hoảng.

    “Các camera âm thanh sẽ cung cấp cho chúng tôi một công cụ mới hữu hiệu để bắt các tài xế lách luật.”

    Ủy viên hội đồng cho biết chính quyền địa phương thường xuyên nghe người dân phàn nàn về những chiếc xe ồn ào. Các tài xế sử dụng siêu xe phân khối lớn ở chế độ đua và rồ ga ngay cả khi đang đứng yên trong khu vực đông đúc.

    Bộ Giao thông vận tải cho biết vào tháng 6 rằng họ sẽ bắt đầu thử nghiệm các camera phát hiện tiếng ồn trong bảy tháng tới. Chúng tương tự như camera tốc độ bình thường nhưng có gắn micro phát hiện các phương tiện vi phạm giới hạn tiếng ồn.

    Nếu âm thanh từ một chiếc xe vượt quá 74 decibel, camera sẽ chụp ảnh biển số và lệnh phạt sẽ được gửi cho chủ sở hữu. Mức quy định có thể giảm xuống 68 decibel vào năm 2026 nếu Cơ quan Đăng kiểm quyết định học theo luật pháp của EU.

    Chùm ảnh các xế hộp lãnh vé phạt vì dừng đỗ sai quy định: 

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Cho đến giữa năm 2020, hành khách có thể gọi điện hay lướt web ở bất cứ đâu trên các chuyến tàu London Underground.

    TfL vừa công bố kế hoạch phủ sóng 4G cho điện thoại di động trên toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm.

    Hành khách trên tuyến Jubilee Line sẽ là những người đầu tiên được tận hưởng tiện ích này, trong khi các tuyến phía đông sẽ có kết nối di động ở cả nhà ga và trên tàu điện từ tháng Ba.

    Hiện đã có 260 trạm kích hoạt wi-fi trên Tàu điện ngầm London và trên các dịch vụ đường sắt TfL.

    Shashi Verma, giám đốc công nghệ tại TfL, cho biết: "Chúng tôi đã bắt tay vào làm việc để giúp khách hàng có thể nhận điện thoại ngay trong các đường hầm từ tháng 3 năm 2020 bằng cách xây dựng nhiều trạm và đường dây trực tuyến hơn trong những năm tới."

    Thị trưởng London Sadiq Khan nói: "Đây là một bước tiến thực sự quan trọng đối với hàng triệu người sử dụng tàu điện ngầm mỗi năm.

    "Lắp đặt 4G và, trong tương lai, 5G, sẽ giúp người dân London và du khách giữ liên lạc và có được thông tin du lịch mới nhất ngay trong lúc đang di chuyển."

    Khu vực thử nghiệm trên tuyến Jubilee sẽ trải dài từ ga Westminster đến Canning Town - ngoại trừ các ga London Bridge và Waterloo - và cũng bao gồm cả các phòng bán vé và hành lang.

    Hai ga London Bridge và Waterloo sẽ được kích hoạt hoàn toàn 4G sau năm 2020.

    Toàn bộ dự án sẽ cần đến 2.000 km (1.242 dặm) dây cáp và các kỹ sư phải làm việc ca tối để giảm thiểu sự gián đoạn đối với hành khách.

    VietHome (Theo BBC)

     

  • Người dùng chỉ cần bật ứng dụng, đưa camera hướng đến văn bản cần dịch, Google sẽ thay thế lập tức bằng ngôn ngữ cần chuyển đổi. 

     

    Google hôm nay thông báo bổ sung thêm 60 ngôn ngữ cho tính năng dịch tức thì (Instant) trên Google Translate bao gồm tiếng Việt, Malaysia, Thái Lan... Hiện ứng dụng dịch của hãng đã hỗ trợ tổng cộng 88 ngôn ngữ khi người dùng muốn dịch trực tiếp thông qua camera. 

    Ngoài ra, bản nâng cấp của Google Translate cũng cho phép người dùng dịch trực tiếp qua lại giữa nhiều ngôn ngữ khác nhau thay vì chỉ tiếng Anh với các ngôn ngữ khác như trước đây. 

    Giao diện khi dịch sẽ được thay đổi và đề xuất ba lựa chọn là Instant (dịch trực tiếp), Scan (quét văn bản) và Import (lấy từ một văn bản sẵn có). Google cũng tuyên bố họ đã cải thiện tính năng dịch trực tiếp và đã giảm khoảng hơn 50% lỗi so với bản cũ.

    Google cho biết khả năng dịch ngày càng được hoàn thiện với văn bản sau khi chuyển đổi được thể hiện tự nhiên hơn. Người dùng cũng không cần chọn trước ngôn ngữ khi ứng dụng có thể tự phát hiện loại chữ viết khi đưa trước camera.

    Phiên bản mới của Google Translate mới chỉ cho nâng cấp trên một số giới hạn tài khoản. Google cho biết hầu hết người dùng sẽ được cập nhật lên bản mới trong tháng này. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Các dịch vụ thuộc mạng xã hội Facebook không thể hoạt động, hoặc truy cập chậm ở nhiều nơi trên thế giới.

    Theo Independent, Facebook và các ứng dụng thuộc của mạng xã hội này, gồm Messenger, Instagram và WhatsApp, đã gặp các vấn đề về truy cập, nhưng tùy khu vực, chỉ có một số tính năng nhất định bị ảnh hưởng.

    Cụ thể, người dùng Facebook phàn nàn không thể đăng ảnh lên trang, hoặc đã chia sẻ lên được nhưng ảnh không hiển thị dù các thông tin mô tả vẫn xuất hiện. Trong khi đó, người dùng Instagram không thể tải ảnh lên, còn WhatsApp không hiển thị cả ảnh, video lẫn tin nhắn.

    Trên trang DownDetector, hàng nghìn người cho biết các dịch vụ của Facebook khó truy cập bắt đầu từ khoảng 21h ngày 3/7, diễn ra chủ yếu tại châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ, Malaysia...

    Tại Việt Nam, một số người dùng Facebook cũng cho biết, hình ảnh mà họ đăng tải không xuất hiện trên trang hoặc bị lỗi. Một số khác nói ảnh không hiển thị hoặc không gửi được qua Messenger.

    Facebook chưa thông báo nguyên nhân sự cố.

    Lần gần nhất Facebook bị sập là vào tháng 3 năm nay, được đánh giá là kéo dài nhất và trên diện rộng nhất. 

    Trong năm 2018, Facebook gặp không ít sự cố, như giữa tháng 11 khi nhiều người không thể vào tài khoản của mình. Website hiển thị thông báo "Sorry, something went wrong" trên cả Messenger, WhatsApp và Instagram.

    Tháng 9/2018, hàng chục triệu tài khoản Facebook tự thoát và phải đăng nhập lại. Đại diện mạng xã hội này sau đó cho biết một cuộc tấn công tinh vi vào mạng xã hội đã diễn ra và phải đăng xuất gần 90 triệu tài khoản. Cuối tháng 2 năm ngoái, Facebook và cả Instagram đều không thể truy cập và tình trạng này kéo dài tới 30 phút.

    Bài liên quan: Facebook đang bị điều tra hình sự, sập toàn cầu suốt 14 tiếng qua

    Viethome (theo VnExpress)

  • Tuần lễ Công nghệ London (LTW) vừa chính thức khai mạc trong bối cảnh nền công nghệ Anh có rất nhiều đột phá đáng để ăn mừng trong năm nay. Theo dữ liệu của Tech Nation và Dealroom, Vương quốc Anh đứng thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghệ, sau Mỹ và Trung Quốc.

    Đặc biệt, Vương quốc Anh có rất nhiều công ty kỳ lân, tên gọi dành cho những công ty tư nhân trị giá 1 tỷ đô la (800 triệu đồng) trở lên. Kể từ tháng 6 năm ngoái, một loạt các công ty kỳ lân mới đã được thêm vào danh sách nhờ các khoản đầu tư đáng chú ý dành cho những doanh nghiệp như Monzo, Checkout.com, Deliveroo và Ovo Energy.

    Nhưng đây mới chỉ là những bước khởi đầu. Trong buổi khai mạc LTW sáng 10/6, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết hơn 1,2 tỷ bảng dự kiến sẽ được đầu tư vào các công ty công nghệ của Anh từ khắp nơi trên thế giới trong năm nay.

    Sau đây là danh sách 17 công ty công nghệ phát triển mạnh mẽ nhất ở UK

    1. BenevolentAI
    2. Checkout.com
    3. Darktrace
    4. Deliveroo
    5. Graphcore
    6. Greensill
    7. Immunocore
    8. Improbable
    9. Monzo
    10. OakNorth
    11. Oxford Nanopore Technologies
    12. Ovo Energy
    13. Radius
    14. Revolut
    15. Sum Up
    16. The Hut Group
    17. Transferwise

    VietHome (Theo Evening Standard)

     

  •  Ngày 18-6, Facebook công bố sẽ phát hành tiền kỹ thuật số của mình là Libra. Giới chuyên gia đánh giá đây sẽ là một "cơn địa chấn" của ngành tài chính. Vậy Libra là gì? Cơ chế hoạt động ra sao? Có gì giống và khác với Bitcoin?

    Libra là gì?

    Trước khi chính thức công bố đồng Libra vào ngày 18-6, những tin đồn trước đó đã râm ran về "tiền Facebook", với những tên gọi như Global Coin (tiền toàn cầu), hay Facebook Coin (tiền Facebook).

    Coin chính là thuật ngữ được giới tiền mật mã, tiền số, tiền điện tử ưa sử dụng, như Bitcoin, Litecoin…

    Libra cũng là một dạng tiền mã hóa - cryptocurrency - còn được gọi là tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa, tiền mật mã, tiền điện tử, tuy nhiên, hình dạng như thế nào, giá trị bao nhiêu… thì vẫn phải chờ đến năm sau, 2020, khi đồng tiền này được chính thức ra đời theo kế hoạch.

    Các thành viên sáng lập của Hiệp hội Calibra - Ảnh: NEW YORK TIMES

    Libra khác Bitcoin như thế nào?

    Bitcoin, hay các đồng tiền số khác trong cộng đồng encrycurrency, thường được "đào" bằng hệ thống máy tính và giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị.

    Để có được một đồng Bitcoin, những người khai thác, hay còn gọi là "đào", phải trang bị hệ thống máy vi tính công suất lớn nhằm giải mã được thuật toán khá tinh vi, điều được cho là ngốn điện rất lớn, nên gặp khá nhiều chỉ trích.

    Trong khi đó, Libra lại khác, không phải "đào" mà dùng tiền thật – tiền truyền thống – để mua. Sẽ có một "rổ tiền tệ" được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho Libra, như đồng đô la Mỹ (USD), euro hay yen Nhật. Libra, nói cách khác, ra đời nhằm mục đích thanh toán.

    Khác với Bitcoin, vốn rất dễ hơi giá trị. Vì có những lúc Bitcoin lên giá đến gần 20.000 USD rồi đột ngột rớt xuống chỉ còn vài ba ngàn USD.

    Mua Libra như thế nào?

    Bạn có thể được Facebook tặng một ít Libra, kiểu như Calibra hay một số ví điện tử tặng tiền cho bạn để khuyến khích bạn gia nhập vậy.

    Còn nếu mua, thì bạn cứ đặt lệnh mua Libra bằng cách chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, hay thẻ ghi nợ của mình.

    Khi đó, số tiền bạn mua sẽ được ký quỹ nằm trong tài khoản ngân hàng và nằm chết ở đó, không ai đụng vào được, và những đồng tiền bằng USD, euro hay yen này là dùng để bảo đảm cho các đồng Libra kia.

    Đây chính là điểm mấu chốt. Tiền ở ngân hàng thì sẽ được hưởng lãi suất. Và phần lãi suất này chính là "lợi nhuận" dùng để trả cho các nhà đầu tư ban đầu của đồng Libra này.

    Chính cơ chế này làm cho đồng Libra vừa có giá trị ổn định, lại vừa không bị giới hạn số lượng như đồng Bitcoin hay các đồng tiền mật mã khác.

    Vậy giá libra là bao nhiêu?

    Chưa biết, vì Libra chưa ra đời. Nhưng giá của từng đồng libra này sẽ do giá của rổ tiền mà đồng libra này bảo chứng quyết định. Nghĩa là nếu bạn dùng yen mua thì giá khác, euro thì giá khác và USD thì cũng giá khác. Libra phụ thuộc vào các đồng tiền "bảo đảm" đó.

    Ứng dụng được cho là ví điện tử Calibra trên điện thoại - Ảnh: NEW YORK TIMES

    Bạn có thể làm gì với đồng Libra?

    Giả dụ mọi thứ thuận lợi theo kế hoạch, đồng tiền này ra đời vào năm sau, được nhiều nơi chấp thuận, thì bạn chỉ việc "sắm" một chiếc ví điện tử, kiểu Calibra của Facebook chẳng hạn.

    Sau đó, bạn có thể mua sắm, thanh toán ở những nơi chấp nhận Libra, như trả tiền quảng cáo cho Facebook chẳng hạn (dĩ nhiên rồi), hay đi trả tiền cho Uber nếu đặt xe hãng này, hay đăng ký Spofify… chẳng hạn, hay trả tiền cà phê, trà sữa…

    Bạn có thể chuyển tiền Libra cho một người dùng Facebook khác, miễn là người kia có ví điện tử chấp nhận Libra.

    Cái hay của hình thức này là hầu như không mất phí, và cực nhanh. Nếu bạn chuyển tiền qua ngân hàng thì một khoản phí không nhỏ. Đây chính là điểm mà các ngân hàng sẽ phải lo nếu Facebook thành công với Libra. Còn ở góc độ người dùng thì bạn là người được hưởng lợi.

    Nếu không muốn xài Libra nữa thì sao?

    Lúc này, bạn có thể chuyển lại thành tiền truyền thống như USD hay euro… chẳng hạn. Khi đó, tiền của bạn sẽ về tài khoản của bạn, chỉ với một thao tác trên ví điện tử.

    Khi nào được xài Libra?

    Kế hoạch là sẽ nửa đầu năm 2020, Facebook và các đối tác sẽ tung ra đồng tiền này. Tuy nhiên, để có thể có "hình hài" của Libra, các thành viên của Hiệp hội gồm các nhà đầu tư này sẽ phải thống nhất thiết kế của đồng tiền này trước đã.

    Sau đó, họ phải đi tìm được các ngân hàng nào chịu nắm giữ tiền cho cái khoản bảo đảm đồng Libra vì chỉ khi có tài sản đảm bảo từ các định chế tài chính này thì đồng Libra mới có thể lưu hành ổn định được.

    Nhưng một rào cản khác không thể không nhắc tới: Phải có sự gật đầu của chính quyền các nước chấp nhận, vì đồng tiền gắn liền với chủ quyền quốc gia. Những Bitcoin, Litecoin hay các đồng tiền số khác đang gặp phải sự lưỡng lự không ít từ nhiều quốc gia, tổ chức. Vì thế, nếu không vượt ra được những rào cản này, Libra sẽ không thể ra đời vào năm sau, nếu không muốn nói tệ hơn là sẽ bị ngưng lại.

    Thêm một vấn đề khác: Sau khi Facebook dính một loạt scandal về dữ liệu, người dùng có còn tin tưởng để ch oFacebook quản lý mảng tài chính, túi tiền và các giao dịch của mình hay không?

    Cơ hội cho Facebook?

    Các mạng xã hội trên thế giới như PayPal, VenMo, Wechat… có ví điện tử của mình, nhưng chưa có ai đủ sức tung hoành trên toàn thế giới như Facebook cả, vì thế cơ hội ra rất lớn. Và dĩ nhiên, mục tiêu là tăng doanh thu cho mạng xã hội này.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Dòng laptop 15 inch đời cũ của Apple có nguy cơ gây mất an toàn vì viên pin trong máy quá nóng.

    Theo Apple, việc thu hồi chủ yếu ảnh hưởng đến MacBook Pro 15 inch được bán từ tháng 9/2015 đến 2/2017 và được xác định theo số serial của sản phẩm chứ không phải toàn bộ máy bán trong thời gian này. Công ty công nghệ Mỹ nói chỉ "số lượng hạn chế" máy cần được thu hồi vì lỗi quá nóng.

    Một số MacBook Pro 15 inch có thể bị lỗi quá nóng. Ảnh: Cnet.

    Để xác định thiết bị của mình có trong diện thu hồi không, người dùng truy cập trang của Apple và nhập số serial. Nếu đủ điều kiện, nhà sản xuất khuyến cáo ngừng sử dụng và gửi máy tới trung tâm dịch vụ của Apple để sửa chữa miễn phí. Thời gian xử lý có thể mất 1-2 tuần.

    Theo Apple, chương trình thu hồi được triển khai trên phạm vi toàn cầu. Các mẫu MacBook Pro khác trong cùng khoảng thời gian từ 9/2015 đến 2/2017, gồm cả model 13 inch, không bị ảnh hưởng bởi lỗi trên. Để xem số serial, người dùng bấm vào logo Apple ở góc trái màn hình và chọn "About this Mac".

    Số serial được hiển thị trong phần About this Mac.

    Cuối tháng 4, Apple cũng thu hồi đầu cắm sạc ba chân của iPhone, MacBook dành cho thị trường Hong Kong, Singapore và Anh, bán ra từ 2003 đến 2010 vì nguy cơ giật điện. Tháng 9/2018, một số mẫu iPhone 8 bị "khiếm khuyết sản xuất" cũng được Apple nhận lại để sửa chữa cho người dùng.

    Viethome (theo VnExpress)