Khoa học nước Anh tiến bộ nhưng lại không làm ra nổi cây bút bi

Bút bi là một vật dụng rất quen thuộc với hầu hết mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, trên thế giới hiện chỉ có 4 nước sản xuất được viên bi sắt ở đầu bút, cho phép mực ra đều theo từng nét bút. 

san xuat but bi
Những viên bi nhỏ của đầu bút bi là sản phẩm của luyện kim trình độ cao. Nguồn: Tsubaki-nakashima.com

Khó khăn trong việc sản xuất chiếc bút bi đều nằm ở viên bi nhỏ có kích thước từ 0,5 đến 1mm. Chi tiết này đòi hỏi công nghệ luyện kim trình độ cao. Trước kia, người ta dùng thép không gỉ, đồng và một vài loại hợp kim khác.

Tuy nhiên, chỉ có Tungsten-carbide là đủ tốt để sử dụng lâu dài. Tungsten carbide còn được biết đến với cái tên khác là Vonfram cacbua - hợp chất hóa học có chứa các nguyên tử vonfram và cacbon, công thức hóa học là WC. Tungsten-carbide có độ cứng gấp đôi thép.

Đến nay chỉ có 4 nước trên thế giới là Thụy Sĩ, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc có thể làm chủ được công nghệ sản xuất viên bi này. Như vậy ngay cả các cường quốc như Mỹ, Pháp, Nga, Anh... cũng chưa thể tự sản xuất một chiếc bút bi hoàn chỉnh.

Đối với Trung Quốc thì đây là một "tiến bộ vượt bậc" khi lần đầu tiên có thể tự sản xuất viết bi. Bạn không đọc nhầm đâu bởi dù hàng năm họ sản xuất tới 40 tỷ cây bút, 80% trong số đó xuất khẩu ra thế giới nhưng toàn bộ phần bi ở đầu bút đều phải nhập từ Thụy Sĩ hoặc Nhật,... Nguyên nhân đơn giản là khắp Trung Quốc chưa có một công ty nào đủ trình độ tạo ra cỗ máy gia công kim loại chính xác để tạo ra những viên bi nhỏ ở đầu bút.

Và mãi cho tới cách đây 10 năm, một công ty Trung Quốc có tên Taiyuan mới nhận thấy rằng quốc gia này không có khả năng tạo ra rất nhiều thứ cơ bản, đơn giản. Từ đó tới nay họ bắt đầu nghiên cứu và mãi tới bây giờ, những cây bút bi chính chủ mới được nước này sản xuất thành công. Nhận định từ một tờ báo lớn trên thế giới, Trung Quốc dù là công xưởng của thế giới, làm ra vô vàn smartphone, thiết bị điện tử cho tới cả tàu vũ trụ nhưng thực chất, không thể sản xuất thứ nhỏ xíu như một viên bi cho bút.

Nguyên nhân là do trước giờ họ không có đủ trình độ sản xuất ra loại thép đủ chất lượng để gia công chính xác nằm ở đầu bút. Tất cả đều nhập từ Thụy Sĩ hoặc Đức và Nhật. Tính riêng năm 2016, họ đã chi 17 triệu đô chỉ để nhập đầu bút bi từ Nhật. Trên thực tế, loại thép làm đầu bút bi phải thỏa điều kiện dễ cắt nhưng không dễ nứt gãy. Vấn đề nằm ở chỗ quá trình xử lý, pha trộn và gia công sao cho sản phẩm cuối cùng là những viên bi có thể di chuyển liên tục trên tổng quãng đường 800 mét trong cuộc đời cây bút. Tất nhiên, đây là một bí mật thương nghiệp được các hãng bút giữ kín.

Giống như Trung Quốc, Thụy Sĩ cũng có một ngành công nghiệp sản xuất bút bi rất sôi động. Nhưng trong khi bút Trung Quốc thường được sản xuất hàng loạt và bán trong các cửa hiệu nhỏ, các công ty Thụy Sĩ tập trung làm ra những cây bút giá trị cao - loại có thể được dùng tại các sự kiện như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Thêm vào đó, bút Thụy Sĩ được làm hoàn toàn ở Thụy Sĩ - "từ đầu đến đuôi" như cách một công ty mô tả - và bằng chính công nghệ độc quyền Thụy Sĩ, vốn người Trung Quốc không thể dùng tiền để mua.

Những năm gần đây, cái tên Trung Quốc và cụm từ "gián điệp công nghiệp" hay xuất hiện chung với nhau cũng có lý do. Nhưng đó là một câu chuyện dài cần mổ xẻ riêng.

Lịch sử của bút bi

John J. Loud đăng ký phát minh chiếc bút bi đầu tiên tại Mỹ năm 1888. Nó có một viên bi sắt ở đầu giống như bút bi hiện nay. Tuy nhiên phát minh này không được đưa ra sản xuất thương mại.

Đến năm 1931, anh em Laszlo Biro và Gyorgy người Hungary đã thành công trong việc sản xuất bút bi. Họ đã đăng ký bản quyền và cùng bạn là Juan Jorge Meyne bay đến Argentina để mở nhà máy sản xuất. 

Bút bi có tên gọi "Birome", được bán tại Anh với tên "Biro" chuyên dùng cho phi công. Tại độ cao lớn, bút mực tại thời điểm đó bị rò mực và không thể sử dụng.

Sau Chiến tranh thế giới II, Milton Reynolds đã cải tiến mẫu bút Biro và sản xuất tại Mỹ với tên gọi "Reynolds Rocket". 

Rất nhiều công ty khác đã tham gia chạy đua sản xuất những mẫu bút bi mới. Sau đó vài năm, Marcel Bich (sau này đổi thành Bic) đã mua bản quyền của Biro và sản xuất bút bi Bic nổi tiếng toàn thế giới.

Theo Soha/Tuổi trẻ