• Lâm Ngọc Ngân - cử nhân chuyên ngành Công nghệ sinh học thuộc Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường Đại học Cần Thơ vừa xuất sắc giành được học bổng Thạc sĩ Nghiên cứu Y Sinh liên ngành (MSc in Interdisciplinary Biomedical Research) tại Đại học Warwick (Anh), đặc biệt hành trình chinh phục học bổng này của Ngân song song với thời gian nữ sinh chăm mẹ bị đột quỵ.

    Chăm mẹ đột quỵ, chinh phục học bổng

    Chia sẻ về lý do quyết định nộp đơn xin học bổng, Ngọc Ngân cho biết chính những điều kiện nghiên cứu thuận lợi, cơ sở vật chất hiện đại và các viện/trung tâm nghiên cứu lớn có những kinh nghiệm là lý do lớn nhất khiến nữ sinh quyết tâm theo đuổi chương trình sau đại học tại Anh.

    Đặc biệt hơn thông điệp và ý nghĩa của chương trình ASEAN-UK SAGE: “Women in STEM scholarship” cũng đã góp phần to lớn trở thành nguồn động lực để Ngân nộp đơn vào chương trình với mong muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học và truyền cảm hứng đến nữ giới tự tin theo đuổi nghiên cứu khoa học.

    Từ năm thứ 2 đại học, Ngọc Ngân đã nhen nhóm và đặt ra mục tiêu hoàn thành ước mơ đi du học sau đại học, đó cũng là thời điểm nữ sinh cảm nhận sự yêu thích và đam mê mãnh liệt với lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng chuyên ngành học.

    Ngân cho biết: “Mình đã chuẩn bị hồ sơ từ tháng 6/2023, bắt đầu tìm hiểu thông tin về trường, ngành học, chương trình học bổng và các thời hạn nộp hồ sơ cụ thể ở từng nước châu Âu”.

    nu sinh anh hoc gioi 1
    Ngọc Ngân giành học bổng Thạc sĩ Nghiên cứu Y Sinh liên ngành (MSc in Interdisciplinary Biomedical Research) tại Đại học Warwick.

    Trong hành trình xin học bổng, Ngân chia sẻ đã gặp một số khó khăn, đặc biệt trong việc chọn trường có định hướng nghiên cứu, chương trình học phù hợp với background của bản thân và các vòng tuyển chọn của chương trình học bổng.

    Cụ thể, với ngành học Thạc sĩ Nghiên cứu Y Sinh liên ngành (MSc in Interdisciplinary Biomedical Research) tại Đại học Warwick mà Ngân lựa chọn phải trải qua nhiều vòng xét duyệt hồ sơ. Đầu tiên là vòng tuyển chọn hồ sơ đầu vào, sau đó là vòng phỏng vấn chuyên môn với hội đồng tuyển sinh và giám đốc chương trình đào tạo để được nhận offer/admission/chấp nhận nhập học vào chương trình, và sau cùng là nộp hồ sơ lên chương trình học bổng.

    Với Ngọc Ngân, rào cản lớn nhất là vòng phỏng vấn vì đây là lần đầu tiên nữ sinh được tham gia phỏng vấn với các giáo sư lớn tại 1 trường đại học danh tiếng (Top 9 UK và #69 ranking thế giới).

    “Mình đã vượt qua bằng cách trả lời các câu hỏi của hội đồng một cách thành thật, chân thành chia sẻ về động lực học tập, dự định nghiên cứu trong tương lai và trung thực. Bên cạnh đó, mình thừa nhận những hạn chế đang tồn tại ở các nghiên cứu của mình trước đây và mong muốn chương trình thạc sĩ sẽ giúp mình cải thiện, khắc phục và phát triển các kết quả và định hướng nghiên cứu trong tương lai”, Ngân tâm sự.

    Song song với những khó khăn, Ngân cũng nhận được sự động viên về tinh thần từ gia đình, sự ủng hộ cũng như những lời khuyên chân thành, hữu ích từ quý thầy cô và các anh chị đi trước. Điều này phần nào giúp nữ sinh tự tin hơn, có động lực để chinh phục học bổng.

    nu sinh anh hoc gioi 1
    Nữ sinh hy vọng truyền cảm hứng đến nữ giới tự tin theo đuổi nghiên cứu khoa học.

    Ngày nhận kết quả đỗ học bổng, Ngân vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc. Ngân kể, cổ họng lúc ấy nghẹn lại, nữ sinh xúc động nhìn lại và cảm thấy quá trình đã qua là hoàn toàn xứng đáng, không cảm thấy hối tiếc điều gì.

    Nhắc thêm về ý nghĩa của học bổng, Ngân bộc bạch: “Mẹ mình bị đột quỵ vào tháng 4/2024. Sau đó 3 ngày, mình tham gia vòng phỏng vấn chuyên môn với hội đồng trường khi mình đang chăm mẹ trong bệnh viện”.

    1 tuần sau đó Ngọc Ngân nhận được thư chấp nhận vô điều kiện (unconditional offer) đỗ vào chương trình nghiên cứu Y Sinh liên ngành của trường. Cuối cùng khoảng 1 tháng sau kết quả đỗ học bổng toàn phần khiến Ngân vô cùng xúc động. Với nữ sinh, thành quả này đóng vai trò như liều thuốc tinh thần với mẹ.

    Ngân nói: “Mẹ mình rất vui, hạnh phúc và cũng có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực sau đó. Đối với gia đình mình, học bổng giống như một món quà lớn, bên cạnh là động lực học tập thì còn là nguồn hỗ trợ tài chính giúp mình có cơ hội được theo đuổi đam mê, học tập và nghiên cứu ở một quốc gia phát triển mà không lo về chi phí”.

    Mong muốn góp sức vào điều trị ung thư

    Chờ đợi ngày sang Anh nhập học, Ngọc Ngân đưa ra kế hoạch cụ thể, trong đó điều đầu tiên là ổn định, thích nghi với cuộc sống mới và tập trung học tập tốt để tích lũy kiến thức phục vụ cho các nghiên cứu.

    Nữ sinh bày tỏ mong muốn sau khi kết thúc khóa học sẽ có nền tảng kiến thức vững chắc, đặc biệt chuyên sâu về sinh học phân tử và tế bào ứng dụng trong y học. Đồng thời đây cũng là cơ hội để Ngân bồi đắp kỹ năng, kỹ thuật quan trọng hỗ trợ trong việc nghiên cứu ung thư.

    Sau khi tốt nghiệp, Ngọc Ngân dự định tiếp tục theo học và nghiên cứu ở bậc tiến sĩ để nghiên cứu chuyên sâu, có cơ hội để ứng dụng và thực tiễn hóa kết quả nghiên cứu, góp phần phát triển nền khoa học nước nhà, mang kết quả tích cực trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư.

    Chia sẻ với các bạn sinh viên có chung ước mơ du học, Ngân nói: “Các bạn nên có sự chuẩn bị từ sớm, tự tin, nỗ lực hết mình và quan trọng là không được nản lòng, bỏ cuộc trong suốt quá trình apply học bổng.

    nu sinh anh hoc gioi 1
    Ngoài việc học tập và nghiên cứu, Ngọc Ngân mong muốn phát triển các kỹ năng thông qua các hoạt động từ trường và tổ chức học bổng.

    Yếu tố quan trọng nhất để đạt được học bổng là mình phải hiểu được bản thân và mình phù hợp như thế nào với tiêu chí mà chương trình học bổng đang tìm kiếm, phù hợp với tính chất và mục tiêu phát triển của học bổng”.

    Vương quốc Anh hấp dẫn nữ sinh bởi sự chất lượng giáo dục thuộc top đầu thế giới, với những trường đại học và viện nghiên cứu công nghệ cao hàng đầu thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ y sinh và ung thư, nước Anh có nhiều thành tựu quan trọng, và sự phát triển mạnh trong chính lĩnh vực này.

    Tuy nhiên, điều khiến Ngân lo lắng nhất chính là sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là mẹ và bà ngoại khi đi học xa. Ngân cho biết đây là lần đầu tiên đi xa nhà lâu đến vậy, cảm giác nhớ nhà của Ngân sẽ cần thời gian thích nghi và làm quen với cuộc sống mới.

    Ngoài việc học tập và nghiên cứu, Ngọc Ngân mong muốn phát triển các kỹ năng thông qua các hoạt động từ trường và tổ chức học bổng, mở rộng mối quan hệ, kết nối với các giáo sư và các nhà khoa học.

    “Du học Anh giúp mình mở mang tư duy, đặc biệt là tư duy khoa học khi tiếp cận vấn đề nghiên cứu và cách để lý giải vấn đề đó một cách chuyên sâu, toàn diện. Bên cạnh đó, nước Anh là môi trường giáo dục đa văn hóa, với nhiều du học sinh và các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới là môi trường để tiếp thu được nhiều ý tưởng cũng như học hỏi được nhiều điều”, Ngân hào hứng.

    Tienphong (Ảnh: NVCC)

  • Sau khi trở thành Giáo sư, ông sẽ đảm nhận giảng dạy Khoa học dữ liệu tại 1 đại học ở Anh, ngoài công việc hiện tại ở FPT.

    Ông Trần Thanh Long, chuyên gia AI tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) thuộc FPT Software, vừa được phong hàm Giáo sư tại Đại học Warwick, Vương quốc Anh.

    Gia nhập FPT vào tháng 2/2022, ông Trần Thanh Long đã đảm nhiệm vai trò chuyên gia nghiên cứu chính và cố vấn về AI cho các sản phẩm của QAI như akaCam và akaOCR. Ông đã cùng đội ngũ FPT hoàn thiện nhiều giải pháp AI, nổi bật là dự án quản lý đồng cỏ toàn diện ở châu Phi với AfriScout, nhận được tài trợ từ Google Research. Dự án này đã mang lại hiệu quả đáng kể cho hơn 2 triệu nông dân châu Phi.

    chuyen gia FPT phong ham giao su
    Ông Trần Thanh Long, chuyên gia AI tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn - QAI (FPT Software). Ảnh: ĐVCC

    Ông Trần Thanh Long luôn mong muốn ứng dụng công nghệ AI vào thực tế tại Việt Nam. Với việc gia nhập FPT, ông đã tìm thấy những cộng sự cùng chung lý tưởng và cùng thực hiện các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ông Long chia sẻ: “Sự ghi nhận này là động lực thúc đẩy tôi tiến xa hơn. Còn rất nhiều điều tôi muốn thực hiện và lần thăng chức này khiến tôi mạnh mẽ, quyết tâm hơn”.

    Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ông Long đã xuất bản hơn 80 bài báo tại các hội nghị AI/ML hàng đầu (bao gồm AAAI, AAMAS, CVPR, ECAI, IJCAI, NeurIPS, UAI, WWW) và các tạp chí (JAAMAS, AIJ). Trải qua quá trình cống hiến không ngừng nghỉ, anh đã có giải thưởng quốc tế danh giá; được vinh danh tại các hội nghị AI cấp cao nhất như: AAAI và ECAI; 2 giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất ở Anh và châu Âu; giải thưởng báo cáo nổi bật của AIJ. Ông còn là tác giả của một trong những bài báo có ảnh hưởng được xuất bản trên tạp chí hàng đầu về AI.

    Hiện ông đang giữ vai trò Giám đốc nghiên cứu và Phó trưởng khoa Khoa học máy tính tại Đại học Warwick, cùng với vị trí thành viên danh dự của Hội đồng quản trị IFAAMAS (The International Foundation for Autonomous Agents and Multiagent Systems) nhiệm kỳ 2018-2024. Ông cũng đảm nhiệm vai trò chủ tọa tại Vương quốc Anh của hai kỳ hội nghị AAMAS 2021 và AAMAS 2023 - chuỗi hội nghị quốc tế hàng đầu của cộng đồng Trí tuệ nhân tạo.

    Với học hàm Giáo sư, từ ngày 1/8, ông Trần Thanh Long sẽ đảm nhận giảng dạy Khoa học dữ liệu tại Đại học Warwick, ngoài công việc hiện tại ở FPT. Sự kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tế trong lĩnh vực AI của vị Giáo sư này hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những đột phá mới.

    Mới đây, Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình tuyên bố: FPT sẽ đầu tư toàn bộ nguồn lực để bước vào cuộc 'đặt cược' lớn nhất trong lịch sử, cụ thể là tập đoàn sẽ dồn lực đầu tư để cho trí tuệ nhân tạo (AI). Việc một thành viên của FPT trở thành Giáo sư tại Vương quốc Anh là điểm nhấn đầy tự hào của FPT và cộng đồng công nghệ Việt Nam.

    Theo Nguoiquansat

  • Phạm Thanh Hằng (sinh năm 1997) hiện đang nắm giữ vị trí quản lý mảng Lập chiến lược truyền thông tại AKA - một công ty quảng cáo toàn cầu với thế mạnh ở mảng văn hoá, nghệ thuật và giải trí. 27 tuổi, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, cô đã được thăng chức liên tiếp 2 cấp từ chuyên viên lên quản lý và được công ty bảo lãnh để ở lại làm việc tại London, Anh.

    Tuổi chập chững, Hằng cũng mang trong mình nhiều những nỗi sợ…

    Cô tâm sự: “Năm 21 tuổi, lần đầu mình thấy sợ những ngã rẽ trong cuộc đời vì không biết mình nên làm gì. Khi không còn thứ gì sắp đặt sẵn cho mình như kỳ thi Đại Học, mình như con bò lạc đường, không biết phải đi đâu về đâu”. Thế nhưng, may mắn thay, trong khoảng thời gian vô định ấy, câu nói này đã tạo lực đẩy kéo cô tiến về phía trước: “Làm gì cũng được, miễn là con cố gắng và biết chịu trách nhiệm cho quyết định của mình”. Đó là điều mà bố mẹ Hằng mong mỏi mỗi khi cô đứng trước những quyết định lớn của cuộc đời.

    pham thanh hang aka 1

    “Miễn là con cố gắng” là tấm bùa hộ mệnh nâng bước chân Thanh Hằng trên suốt chặng đường chập chững truy tìm giấc mơ riêng, kiếm tìm con đường phát triển phù hợp cho bản thân. Nhờ sự động viên từ bố mẹ mà cô luôn tin rằng chỉ cần mình cố gắng, nỗ lực của mình sẽ được đền đáp xứng đáng. Vì vậy, khi cơ hội đến, dù có sợ hãi khi sợ bản thân không đủ tốt, cô vẫn nắm bắt và cố gắng hết sức tiến về phía trước. Đó chính là lý do cô đã có được cơ hội thực tập tại Deloitte Vietnam - 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới khi mới bước vào năm 3 Đại học. Ở đây, cô được học cách một thương hiệu lớn vận hành, được quan sát quy trình làm việc chuyên nghiệp để biết tình yêu của mình với Marketing là thật.

    Hành trình sau đó, cô cùng nhóm bạn tham gia cuộc thi Startup của trường Đại học Kinh tế quốc dân và vinh dự đạt giải Nhất. Dự án ấy tiếp tục được giải Nhất toàn thành phố và TOP 3 toàn quốc. Đặc biệt, nhóm dự thi của Phạm Thanh Hằng khi ấy còn được Shark Nguyễn Xuân Phú “thưởng nóng” tại SV. Startup mùa đầu tiên và nhận được bằng khen từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Bước sang tuổi 22, cô bắt đầu sự nghiệp quảng cáo với vị trí Thực tập sinh tại Dentsu Vietnam - công ty hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị tại Việt Nam, thuộc tập đoàn Dentsu (mạng lưới đại lý quảng cáo lớn thứ năm trên thế giới về doanh thu). Đây cũng là khoảng thời gian cô thử sức với việc viết nghiên cứu khoa học và may mắn được xuất bản 2 bài trên tạp chí quốc tế với cơ sở dữ liệu uy tín ISI + Scopus. Tuổi 23 chào đón Hằng với mức học bổng cao nhất từ 3 trường Đại học tại Anh quốc cho bậc học Thạc sĩ.

    pham thanh hang aka 1
    Thanh Hằng cùng đồng đội đạt giải Nhất cuộc thi Startup năm 2018.

    Từ nỗi sợ đến vị trí người đứng sau những chiến dịch quảng cáo của top địa điểm nổi tiếng nhất UK

    Vào kỳ học cuối cùng trong khóa Thạc sĩ, Thanh Hằng đã được nhận làm Thực tập sinh Marketing tại một Công ty Luật tại Anh (lọt top The Times “Best Law Firms 2023”) và ngay sau đó nhận được việc làm toàn thời gian tại London trước khi tốt nghiệp. Năm 2022, cô làm việc tại OOH agency (công ty chuyên lên chiến lược quảng cáo ngoài trời) lớn nhất trên thế giới, trực thuộc WPP và được lên kế hoạch về quảng cáo ngoài trời cho các nghệ sĩ của Sony Music, Warner Music như Beyonce, Justin Bieber, Ed Sheeran, cùng nhiều nghệ sĩ khác…

    pham thanh hang aka 1
    Ảnh chụp một trong những vở nhạc kịch Thanh Hằng chịu trách nhiệm lên kế hoạch truyền thông quảng cáo trong năm 2024.

    Chuyển sang làm Media Planner (người lập kế hoạch truyền thông) vào năm 2023, Thanh Hằng là một trong những người đứng sau chiến lược quảng cáo của những địa điểm nổi tiếng nhất tại UK như TATE Galleries, British Museum, Natural History Museum, National Portrait Gallery, Tower of London, Stonehenge,...

    pham thanh hang aka 1
    Ảnh chụp một trong những OOH posters Hằng lên kế hoạch và book gần đây cho Tate Galleries

    Trò chuyện với phóng viên về điều giúp cô có được công việc mình yêu thích và tự hào tại một trong những thị trường lao động cạnh tranh nhất trên thế giới như Anh, cô chia sẻ đó là:

    “Một chút may mắn

    Một chút liều lĩnh

    Một chút quyết đoán

    Một chút sợ hãi

    Một chút hy sinh

    Một chút lì lợm

    Một chút tích cực

    Một chút niềm tin

    Cùng với nhiều sự giúp đỡ

    Nhiều chút cố gắng

    Nhiều chút nỗ lực”.

    Trong đó, cô cho rằng, điều quan trọng nhất là độ bền và sự tích cực. Bởi “bền”, cô đã có thể vượt qua được mặc cảm tự ti khi nhận nhiều sự từ chối trước khi mình có được công việc đầu tiên tại UK, có thể đối mặt với những áp lực chất đống trong công việc,... Với sự tích cực - “vũ khí tối thượng” của mình, Hằng đã có thể khiến nhà tuyển dụng tin vào tư duy và cách xử lý vấn đề với một tinh thần tích cực; khiến đồng nghiệp tin tưởng và thích làm việc với mình hơn hay khiến sếp cảm thấy yên tâm mỗi khi để cô xử lý một công việc khó khăn hoặc vấn đề hóc búa nào đó. Đặc biệt, nó giúp cô yêu công việc của mình hơn qua từng ngày gắn bó.

    27 tuổi, Hằng giữ vị trí quản lý tại công ty lớn trong ngành quảng cáo tại Anh

    Hiện tại, Thanh Hằng - 27 tuổi đảm nhiệm vị trí quản lý mảng Lập chiến lược truyền thông tại AKA - một công ty quảng cáo toàn cầu với thế mạnh ở mảng văn hoá, nghệ thuật và giải trí. “Việc được công ty thăng chức và bảo lãnh cho ở lại làm việc tại London, Anh không tự nhiên đến với mình, mình đã có kế hoạch cho ngày này vào một năm trước”, Thanh Hằng chia sẻ.

    Trong ngành Quảng cáo - Truyền thông, nhu cầu tuyển dụng vị trí cho Media Planner đang ngày càng tăng trong những năm gần đây (theo Indeed). Tuy nhiên, việc có nhiều bạn sinh viên ra trường với kiến thức nền Marketing ngày càng tăng khiến cho việc xuất phát từ vị trí này trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Vì vậy, các công ty lại càng khắt khe hơn trong việc tìm kiếm nhân sự tài năng. Với vị trí này, cô chịu trách nhiệm lên chiến lược quảng cáo và quản lý dự án xuyên suốt từ giai đoạn nhận đề bài đến khi kết thúc chiến dịch. Bởi thế, để có chỗ đứng vững chắc trong ngành - nghề, cô cần làm tốt cả kĩ năng hoạch định chiến lược và kỹ năng mềm khi phải làm việc với rất nhiều đầu mối bao gồm khách hàng, nhóm nội bộ và cả phía nhà cung cấp.

    pham thanh hang aka 1

    "Sự sáng tạo trong giải pháp” là điểm nổi bật mà khách hàng luôn ấn tượng về Thanh Hằng. Đây cũng chính là điều khiến cô yêu thích công việc hiện tại bởi đó là cơ hội và thử thách để cô rèn luyện sự sáng tạo hằng ngày. Nhờ sự sáng tạo của cô cùng đồng đội, khách hàng đã có được những thành tích và giải thưởng xuất sắc trong suốt 5 năm vừa qua. Điển hình như: 2 bảo tàng đứng đầu danh sách “Most visited attractions in the UK 2023” (Top điểm đến được ghé thăm nhiều nhất tại UK) (thống kê được đưa ra bởi ALVA - Association of Leading Visitor Attractions). Ngoài ra 8/10 cái tên trong Top 10 ấy cũng chính là khách hàng của đội nhóm Hằng thuộc về.

    Không chỉ vậy, chiến dịch quảng cáo mà Thanh Hằng và sếp thực hiện cùng National Portrait Gallery đã đạt giải High Commendation hạng mục Marketing & Communications campaign of the year tại Museums & Heritage Awards 2024. Đây là giải thưởng quốc tế hàng năm nhằm tôn vinh những triển lãm, cá nhân, công nghệ xuất sắc nhất trong lĩnh vực Bảo tàng và Di sản văn hóa trên thế giới.

    pham thanh hang aka 1
    Một hình ảnh trong chuỗi chiến dịch quảng cáo Thanh Hằng lên kế hoạch cùng team.

    Từ những lời khen đến từ khách hàng và năng lực thực sự của bản thân, trong lần cân nhắc vị trí gần nhất, cô được phía lãnh đạo đánh giá rất cao và được thăng chức 2 bậc từ Executive (chuyên viên) lên Manager (Quản lý).

    Đôi lời nhắn gửi cho tuổi trẻ chênh vênh

    “Mình tin hầu hết chúng mình đều sợ bản thân không đủ giỏi để làm một điều gì đó lớn hơn bản thân mình. Nhưng nếu nghĩ lại, thì những lúc mình phát triển nhanh nhất là những lúc mình chớp lấy cơ hội dù mình chưa sẵn sàng”, cô nhắn gửi.

    Với cô, những trải nghiệm đáng nhớ nhất mà bản thân có được, đều là vì “liều mình làm tới” thay vì sợ hãi đợi lúc sẵn sàng. Cô đã thi khởi nghiệp khi mình còn chưa có ý tưởng gì trong đầu, cô đã nhận lời làm diễn giả Webinar khi mình thậm chí chưa biết nói gì hay đã quyết đi du học khi chưa từng ở một mình. Nhờ vậy, mà cô đã có thể “lớn” nhanh hơn rất nhiều.

    Nhìn lại hành trình đã qua, trải nghiệm làm việc mảng truyền thông tại Anh với cô là một điều tuyệt vời mà từ đó, cô đã học được những bài học thực sự giá trị. Đó cũng chính là lý do Hằng lập ra trang cộng đồng Gin the Planner để chia sẻ kiến thức, trải nghiệm và kỹ năng về ngành quảng cáo nói chung cũng như công việc Media Planning (lập kế hoạch truyền thông) nói riêng, bởi một lẽ duy nhất, cô biết, ở ngoài kia, có rất nhiều bạn trẻ cần những lời chia sẻ.

    pham thanh hang aka 1
    Trang cộng đồng Gin the Planner mà Thanh Hằng đã lập.

    Sau cùng, qua những chia sẻ của mình, cô mong muốn được gửi tới các bạn trẻ đang loay hoay giữa đại lộ đông tây của cuộc đời, rằng: “Tuổi trẻ là như vậy đấy, đừng nghĩ nhiều và cứ đi thôi, chúng ta sẽ nhận lại được những phần thưởng xứng đáng. Phần thưởng đó có thể là sự công nhận, là công việc mơ ước, là giải thưởng, cũng có thể là những trải nghiệm và cảm xúc vô cùng đáng giá mà chúng mình sẽ không bao giờ quên”.

    Theo SVVN / Ảnh: NVCC

  • Từ cậu học trò hay trốn tiết, 20 tuổi mới bắt đầu học tiếng Anh, Công Sơn tốt nghiệp tiến sĩ Oxford, tham gia dự án máy MRI hiện đại nhất thế giới.

    Chu Công Sơn, 34 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Oxford (Anh) - ngôi trường số 1 thế giới, năm 2020. Anh hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Glasgow, Scotland, đồng thời quản lý dự án tại MR CoilTech, một công ty chuyên sản xuất cuộn dây RF cho máy chụp cộng hưởng từ (MRI). Trước đó, anh là thủ khoa đầu ra bậc cử nhân và thạc sĩ của Đại học Sheffield Hallam, Anh.

    Giữa tháng 5, anh Sơn tham gia một số sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Anh. Chàng trai Hà Nội lần đầu có dịp kể về hành trình từ một học sinh không ít lần trốn tiết tới sinh viên người Việt duy nhất trong lịch sử hơn 250 năm của phân viện Harris Manchester, thuộc Đại học Oxford.

    "Đường tới Oxford không dễ dàng, nhưng 'con nhà người ta' chắc chắn không phải tôi", anh Sơn nói. "Cuộc sống có nhiều điều bất ngờ, và tôi cho mình cơ hội được mơ lớn".

    2 lan thu khoa 1
    Anh Sơn tại phòng nghiên cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Công Sơn là cựu học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, khóa 2005-2008. Đam mê bóng rổ, là thành viên đội tuyển Hà Nội dự Hội khỏe Phù Đổng 2008, cậu học trò 15 tuổi từng nhiều lần trốn tiết, nghịch ngợm nhiều hơn học hành.

    Bậc cử nhân, Sơn chọn ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, học ba năm tại trường Đại học Giao thông Vận tải, rồi chuyển tiếp hai năm còn lại ở Đại học Sheffield Hallam. Một năm trước khi sang Anh, Sơn mới bập bẹ nói được đôi câu tiếng Anh và bắt đầu học ngoại ngữ.

    Lần đầu xa gia đình, lại trong một môi trường cạnh tranh, chàng trai Hà Nội dần nhận thức được phải có điểm nổi bật hơn người khác thì mới phát triển được. Anh dồn cả thời gian cho việc học.

    "Chú tâm học, tôi mới thấy mình cũng có khả năng mà trước đây không nhận ra. Hồi cấp ba, tôi có thể vừa xem TV, vừa nghe nhạc và học thuộc 4 mặt giấy trong 15 phút nhờ khả năng ghi nhớ tốt", anh Sơn kể. "Tôi quyết định dùng khả năng học để cạnh tranh với người khác".

    Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cả bậc cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Sheffield Hallam, Sơn nộp hồ sơ học tiến sĩ tại Đại học Oxford. Anh cho biết đã quen với môi trường tại Anh và nghĩ chẳng có gì để mất khi ứng tuyển vào ngôi trường số 1 thế giới.

    "Tôi bước ra khỏi vùng an toàn, tin tưởng và thử thách bản thân với lựa chọn Oxford, và thành công", anh Sơn nhớ lại.

    Trở thành sinh viên người Việt duy nhất của phân viện Harris Manchester, chàng trai sinh năm 1990 bị sốc ngay từ đầu. Sơn kể, các giáo sư thường không hướng dẫn kiến thức cơ bản, chỉ đề cập đến các môn hay lĩnh vực, rồi sinh viên phải tự tìm đọc.

    Theo đuổi nghiên cứu ứng dụng của siêu vật liệu với việc truyền thông tin trong môi trường dẫn điện, Sơn gần như phải học lại từ đầu môn Sóng trường điện từ. Anh tìm các lớp bậc đại học ở Oxford đang dạy môn này để vào nghe từ đầu tới cuối khóa.

    "Đây là môn khiến tôi chật vật nhất. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi cải thiện được khả năng tự học, nghiên cứu độc lập", Sơn nói. Trong thời gian ở đây, anh có 6 bài báo khoa học đăng trên tạp chí, 11 bài công bố ở hội thảo.

    Cuộc sống tại Oxford cũng giúp Sơn có trải nghiệm sống phong phú. Trong các buổi giao lưu, anh ấn tượng với những người bạn xuất thân quý tộc, từ cách họ dùng dao, dĩa tới phong thái nói chuyện, kể một cách chừng mực về bản thân nhưng vẫn toát lên sự khác biệt.

    "Tôi thay đổi nhân sinh quan rất nhiều. Tôi không tự ti về xuất thân hay những gì mình đang có, nhưng hiểu rằng phải nhìn cái hay của họ để học và phát triển, hoàn thiện hơn", anh nói.

    2 lan thu khoa 1
    TS Chu Công Sơn hiện sống và làm việc tại Vương quốc Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2020, Sơn tới Đại học Glasgow, Scotland, để tiếp tục nghiên cứu. Tại đây, anh chuyển hướng sang lĩnh vực thiết bị y tế, và có thành tựu "tự hào nhất từ trước đến giờ".

    Sơn cho biết hiện nay, máy MRI dùng cho người chủ yếu là loại dùng từ trường 1,5-3 Tesla. Máy có từ trường mạnh nhất đến nay chỉ có một, do Pháp chế tạo trong 20 năm với từ trường 11,7 Tesla. Tham gia vào dự án phát triển máy MRI 11,7 Tesla, nhiệm vụ của anh là chế tạo cuộn dây RF dùng để chụp não tương thích với máy này.

    Sơn dò dẫm từng bước đi. Không chỉ đảm bảo về hiệu quả, anh còn phải tuân thủ các nguyên tắc về kích thước, cân nặng, mẫu mã sản phẩm, vì thiết bị này được dùng trong lĩnh vực y tế với nhiều tiêu chuẩn y khoa. Anh mất hai năm ngày đêm ở phòng nghiên cứu, nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, trước khi cuộn dây đầu tiên thành hình.

    "Được biết cuộn dây hoạt động tốt trong ngày chạy thử nghiệm, tôi sung sướng", anh Sơn nói.

    Anh giải thích, máy MRI 1,5-3 Tesla có thể phát hiện các bệnh thông thường, nhưng với 11,7 Tesla, điểm ảnh giảm xuống 0,2 mm, máy có thể chụp tất cả mao mạch nhỏ nhất của não. Điều này giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cấu trúc thần kinh của não, từ đó phát triển các giải pháp chữa bệnh. Nghiên cứu của anh được công bố, đồng thời được in lên trang bìa tạp chí Y khoa Magnetic Resonance in Medicine.

    Gần một năm sau, tháng 9/2023, anh hoàn thành cuộn dây thứ hai, khắc phục một số hạn chế về cấu trúc, hiệu suất, tăng độ tín hiệu và giảm nhiễm.

    Với kết quả này, Sơn nhận lời mời nghiên cứu từ Đại học Nottingham, Anh - nơi cũng đang phát triển máy MRI 11,7 Tesla.

    10 năm quen biết Sơn, thạc sĩ Vũ Đỗ Khanh, cựu sinh viên Oxford, cho biết ấn tượng của mình với đàn anh từ ngày đầu đến giờ không đổi. Với Khanh, Công Sơn là người nhiệt tình, kiên trì, quyết tâm và có đủ tham vọng, dù không hay thể hiện.

    "Anh Sơn thường tự đùa "ngày xưa rách lắm", nhưng tôi không nghĩ vậy. Trước khi vào Oxford, anh có thể chưa phải hình mẫu ưu tú điển hình, nhưng tố chất lãnh đạo, khả năng học thuật đã xuất hiện. Ở những thời điểm quan trọng, anh luôn có mục tiêu và quyết tâm lớn để đạt được những gì đặt ra", Khanh chia sẻ.

    2 lan thu khoa 1
    Nghiên cứu của TS Chu Công Sơn trên bìa tạp chí Magnetic Resonance in Medicine, số tháng 8/2023. Ảnh chụp màn hình

    Ngoài nghiên cứu, Sơn cùng Lê Quốc Minh, bạn học cũ tại Oxford, hỗ trợ sinh viên tìm cơ hội vào các trường danh tiếng và công ty đa quốc gia. Anh cho rằng Oxford hay những đại học, công ty hàng đầu thế giới đầy thách thức nhưng cũng phải là cánh cửa đóng chặt. Anh muốn chia sẻ những trải nghiệm và bài học mình đã có, mong giúp nhiều bạn trẻ vươn ra thế giới.

    "Điều tuyệt vời nhất tôi có được trên hành trình này không chỉ là sinh viên của đại học hàng đầu thế giới, mà còn cảm thấy mình được hiện diện trong dòng chảy tri thức nhân loại", anh nói.

    Theo VnExpress

  • Từng hụt hẫng vì bỏ lỡ giấc mơ du học, Khanh quyết tâm 'làm lại' ở bậc thạc sĩ, nhờ đó giành được học bổng toàn phần vào hai trường hàng đầu thế giới là Oxford và Harvard.

    Vũ Đỗ Khanh (1992) hiện là Giám đốc điều hành một đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách quốc tế. Trước đó, anh được biết tới là sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào chương trình thạc sĩ Chính sách công của Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, Đại học Oxford, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho hai cơ quan đầu não của Chính phủ Anh

    Giành nhiều thành tựu trên suốt hành trình đi qua, nhưng Khanh thừa nhận bản thân có không ít lần lên đến đỉnh cao rồi lại rơi xuống tận cùng. “Dẫu vậy, trong tình huống nào cũng sẽ có con đường để mình bước tiếp, miễn bản thân giữ được tâm trí bình tĩnh vượt qua”, anh nói.

    du hoc oxford 1
    Khanh tại Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra tại Morocco năm 2023.

    Thời phổ thông, Khanh từng có dự định đi du học. Anh cũng được nhận vào 3 ngôi trường đại học thuộc nhóm Ivy League. Nhưng vì một biến cố, mơ ước này đành phải tạm gác lại. Sau đó, anh lựa chọn thi vào ngành Đông Phương học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

    Trong năm đầu tiên, Khanh vẫn cảm thấy không mấy yêu thích. Từng viết đơn xin bảo lưu kết quả tuyển sinh của Đại học Columbia (Mỹ), nhưng rồi sau đó anh lại đắn đo.

    “Sang năm thứ hai, khi được tiếp xúc với các môn chuyên ngành, tôi dần nhận ra ngành học của mình cũng có nhiều điều khá thú vị. Tôi biết rằng bản thân không thể quay lại quá khứ được nữa nên chấp nhận thích nghi và bước tiếp”, anh nói.

    Từ đó, Khanh bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động, đồng sáng lập ra câu lạc bộ Giao lưu Quốc tế của trường. Ngoài ra, anh còn là thành viên của Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á – nơi giúp anh có được nghiên cứu đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp, Khanh làm trợ lý của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, Nguyên Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội...

    Năm 2013, nam sinh trường Nhân văn giành được giải Nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương Quốc Anh do Đại sứ quán Anh tổ chức. Cũng nhờ dấu ấn này đã giúp Khanh nhận được bức thư giới thiệu của Đại sứ Vương Quốc Anh khi nộp đơn vào các đại học hàng đầu Anh Quốc.

    Theo anh, việc nộp hồ sơ vào các trường top đầu cần được đầu tư càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, để có được bài nghiên cứu mẫu hay đề xuất nghiên cứu, trước đó, Khanh đã phải tìm hiểu về “profile” và hướng nghiên cứu của các giáo sư trong trường, xem những chủ đề họ quan tâm là gì, từ đó phát triển theo hướng giáo sư quan tâm để tăng khả năng được nhận.

    “Một chủ đề dẫu có xuất sắc đến mấy nhưng không phù hợp với hướng nghiên cứu của bất kỳ giáo sư nào trong trường, khả năng được nhận của ứng viên cũng sẽ rất thấp”.

    Còn với bài luận, theo anh ứng viên nên tập trung viết về các giá trị và tiềm năng phát triển của bản thân thay vì sa đà vào mô típ “kể khổ”. “Việc than vãn quá nhiều sẽ hạ thấp khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên ấy”, anh Khanh nói.

    Lọt vào vòng phỏng vấn, Khanh có cơ hội trò chuyện trực tiếp với hội đồng gồm 5 giáo sư. Một trong số đó đặt cho anh câu hỏi: “Dạo này bạn có đọc thứ gì khiến bản thân cảm thấy khó khăn khi tiếp cận không?”. Nam sinh người Việt khẳng khái đáp lại: “Tôi đã 23 tuổi, là thủ khoa đầu ra của một trường đại học. Với thành tích ấy, nếu tôi vẫn còn thường xuyên gặp những điều khiến mình phải khó khăn suy nghĩ, chắc chắn tôi không phải ứng viên các vị đang muốn tìm”. Sự tự tin này sau đó cũng góp phần giúp Khanh nhận được suất học bổng toàn phần của Đại học Oxford và Harvard.

    Không đắn đo, anh quyết định theo học tại Oxford vì trót “mê mẩn” văn hóa “chỉ quan tâm đến kết quả” hơn là cách tư duy “quan tâm đến quá trình” như nhiều trường khác hay áp dụng.

    Giấc ngủ 3-4 tiếng tại Oxford

    Tới Đại học Oxford vào tháng 8/2016 nhưng trước đó, Khanh đã có 5 tháng để tìm hiểu mọi thứ. Anh cũng chủ động liên hệ với chủ tịch các câu lạc bộ mình muốn vào, đề xuất việc muốn hỗ trợ các hoạt động của hội. Nhờ sự tham gia tích cực, tuy là người mới nhưng Khanh đã được chọn làm một trong các Chủ tọa điều phối thảo luận ở Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc tại ĐH Oxford ngay khi vừa bước chân vào trường.

    Dẫu vậy, cũng có nhiều điều tại Oxford khiến anh cảm thấy “sốc”. “Các giáo sư không bao giờ giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người học mà sinh viên phải tự đặt câu hỏi và tìm đáp án cho bản thân. Ngoài ra, trong học tập, các giáo sư cũng đặt yêu cầu rất cao ở sinh viên. Trung bình, mỗi tuần tôi phải đọc hơn 600 trang tài liệu của tất cả các môn, viết 2 bài luận dài và thực hiện nhiều bài phân tích tình huống...”

    Nhưng theo Khanh, điều thú vị là Oxford cho phép sinh viên được học bất kỳ những gì mình yêu thích mà không cần thêm chi phí. “Nó giống như thể một đại tiệc buffet kiến thức vậy, sinh viên muốn học gì cũng được”.

    Lần đầu làm bài luận, Khanh gặp khó khăn trong việc làm thống kê xã hội và sử dụng ngôn ngữ lập trình R để phân tích dữ liệu. Khi đề xuất với trường, ngay lập tức giáo vụ đã sắp xếp cho anh một giáo viên dạy bổ trợ các kiến thức anh yêu cầu. Nắm được những “đặc quyền” ấy, Khanh thường tận dụng các thời gian trống để xin học bổ trợ những kiến thức liên quan.

    “Cũng nhờ đó, tôi đã có được bộ kỹ năng đầy đủ để phục vụ cho công việc sau này”, Khanh nói.

    du hoc oxford 1
    Khanh cùng các đại diện khác của Đại học Oxford đến thăm Học viện Quân sự Hoàng gia Anh Sandhurst

    Đổi lại, thời khóa biểu của Khanh tại Oxford luôn kín mít từ 8h cho tới 19h, trong khi đó, có quá nhiều thứ anh cần quan tâm như điểm số, hoạt động xã hội và giấc ngủ.

    “Tôi chỉ có thể chọn 2 trong 3 thứ ấy, vì thế chấp nhận hy sinh giấc ngủ. Nhiều bạn bè của tôi thời điểm ấy còn hay đùa rằng chưa từng thấy tôi “offline” bao giờ”.

    Thay vì ngủ liên tục trong vòng nhiều tiếng, Khanh tập ngủ theo pha (polyphasic sleep), tức chia thành các giấc ngắn trong ngày để có nhiều thời gian hơn. “Cứ cách 8 tiếng tôi lại ngủ một giấc, trong đó có một giấc ngủ dài 2-3 tiếng và 2 giấc ngắn khoảng 45 phút. Điều này khiến cơ thể không quá mệt và vẫn có thể làm nhiều thứ một lúc”.

    Nhờ có tư duy mạch lạc, Khanh thường hệ thống kiến thức rất logic, việc học vì thế cũng không gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 1,5 năm tại Anh, Khanh là một trong 10 sinh viên của khóa tốt nghiệp hạng Xuất sắc tại Đại học Oxford.

    Trở thành người Việt Nam đầu tiên làm việc cho hai cơ quan đầu não của Chính phủ Anh

    Không để bản thân ngơi nghỉ, giai đoạn trước khi tốt nghiệp, Khanh cũng kịp rải đơn tại một số “ông lớn” như Google hay World Bank.

    Tại Oxford, Khanh có Professional mentor là ông Mark Lowcock - Thứ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Anh Quốc, cựu sinh viên của trường, hỗ trợ việc học và định hướng nghề nghiệp. Ông Mark Lowcock cũng thông tin cho Khanh về việc Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Quốc đang tuyển nhân sự và động viên anh nộp vào.

    Thông thường, Chính phủ chỉ tuyển người không có quốc tịch Anh cho những vị trí tại các cơ quan đại diện của Anh ở nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán. Với vị trí này, theo quy định về quốc tịch cho công chức, “Alien” (trường hợp người không có quốc tịch Anh ứng tuyển) chỉ được tuyển dụng khi thỏa mãn một trong hai điều kiện: Không có hoặc không đủ số lượng người mang quốc tịch Anh đủ trình độ để tuyển dụng hoặc “Alien” phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm đặc biệt.

    May mắn, thời điểm đó không có ứng viên mang quốc tịch Anh phù hợp ứng tuyển vào vị trí này. Được Hiệu trưởng Trường Quản lý Nhà nước của ĐH Oxford và ông Mark Lowcock tin tưởng tiến cử, hồ sơ của Khanh được chấp thuận.

    Trước khi được nhận vào làm chính thức, chàng trai người Việt cũng phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh gắt gao, kéo dài trong hơn một tháng.

    Công việc Khanh tại Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao là tư vấn, phân tích chính sách về khuyến học và truyền thông.

    du hoc oxford 1
    Khanh cùng các bạn học tại Oxford

    Sau đó, anh tiếp tục được chuyển sang làm việc tại Văn phòng Nội các Anh tại vị trí Phân tích viên chính sách.

    “Khi xuất hiện trong phòng họp, là một người châu Á, không có quốc tịch Anh, tôi thường xuyên phải giải thích vì sao mình lại có mặt ở đây. May mắn được mọi người xung quanh hỗ trợ, mọi việc sau đó đều diễn ra suôn sẻ”, anh Khanh nói.

    Trong hơn 5 năm kể từ khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, Khanh cũng từng trải một vài vị trí tại Liên Hợp quốc và Quỹ tiền tệ quốc tế. Đến cuối 2022, khi sự nghiệp đang thuận lợi, anh quyết định về nước với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề chính sách. Tuy nhiên, anh nói bản thân chưa từng hối hận về quyết định này.

    “Trở về, tôi vẫn được làm công việc tư vấn chính sách cho các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Hơn nữa thấy những gì mình làm, một phần nào đó có thể đóng góp cho Việt Nam, tôi thấy việc trở về này có ý nghĩa”.

    Từng chật vật học cách thích nghi trước khi tìm ra đường đi phù hợp, anh Khanh cho rằng, trong mọi tình huống, mỗi người cần phải tìm cách vượt qua hoàn cảnh. “Dẫu trong tình huống nào cũng sẽ có con đường để bước tiếp. Mình sẽ thất bại ngay từ bước đầu nếu nghĩ bản thân chẳng thể làm được gì”, anh Khanh chia sẻ.

    Theo Vietnamnet

  • Doanh nhân Ngô Công Trường là người Việt Nam đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ, và là 1 trong 4 vị quản lý trẻ tuổi nhất lịch sử tập đoàn Kimberly Clark.

    Doanh nhân Ngô Công Trường là người sáng lập và giám đốc chuyên môn tại Công ty cổ phần tư vấn và giáo dục John&Partners, công ty tư vấn và đào tạo doanh nghiệp chuyên về mô hình Operational Excellence. Công ty đã hoạt động được khoảng 15 năm và cung cấp dịch vụ cho hơn 1.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu.

    Năm 2022, doanh nhân Ngô Công Trường trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận visa nhân tài (EB-1A) từ Chính phủ Mỹ và hiện sinh sống, làm việc tại xứ cờ hoa. Trong hơn 2 năm sống tại Mỹ, anh đã thành lập thêm một số doanh nghiệp mới, tận dụng làn sóng Trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa khả năng. Ngoài ra, anh cũng là người sáng lập tạp chí doanh nghiệp và quản trị bằng tiếng Anh có tên BizInsider.

    Song song với đó, anh Trường cũng làm việc trong lĩnh vực nhượng quyền, mua bán doanh nghiệp tại Mỹ. Đồng thời, anh là thành viên cấp cao trong nhiều tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận (NGO) như Hiệp hội chất lượng Mỹ (ASQ), tổ chức Hiệp hội bất động sản Việt Nam toàn cầu - VNARP (Vietnamese Association of Realtor Professionals). Tại Việt Nam, anh giữ vai trò chủ tịch và người sáng lập VSE, cộng đồng chuyên gia xuất sắc để giúp Việt Nam phát triển.

    Chàng trai nghèo vượt khó

    Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng mình là “con nhà người ta” hay người “sinh ra ở vạch đích”, TS Ngô Công Trường chia sẻ gia đình anh trước đây rất khó khăn. Bản thân anh cũng là người đầu tiên trong gia đình có cơ hội đi học đại học. Khi ấy, anh đã chọn ngành Cơ điện tử của Đại học Bách khoa TP.HCM, một trong những ngành khó nhất.

    “Vì là người đầu tiên được đi học đại học trong gia đình nên lúc đó tôi không có ai để hỏi, chỉ nghĩ được rằng mình phải chọn trường tốt nhất, ngành tốt nhất để học. Thời điểm ấy, Cơ điện tử là ngành cao điểm nhất tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, phải liều lắm mới dám học. Giờ nghĩ lại tôi thấy thật may mắn vì đã đưa ra lựa chọn đúng đắn”, anh Ngô Công Trường chia sẻ.

    visa nhan tai 1
    Doanh nhân Ngô Công Trường là người Việt đầu tiên được nhận visa nhân tài từ Chính phủ Mỹ theo diện chuyên gia tư vấn doanh nghiệp về mô hình Operational Excellence.

    Anh Trường cho biết thời còn là sinh viên, anh cũng nhận được một vài lời mời thực tập tại các tập đoàn tên tuổi của thế giới như Kimberly Clark, Intel hay Unilever… và anh đã lựa chọn Kimberly Clark. Tại đây, anh có cơ hội tham gia chương trình quản trị viên tập sự và trở thành một trong 4 vị quản lý trẻ tuổi nhất lịch sử tập đoàn.

    Sau thời gian đi làm và có cơ hội đảm nhận những vị trí quan trọng trong nhiều tập đoàn lớn, anh Trường vẫn trăn trở vì chưa thể phát huy hết khả năng và ứng dụng toàn bộ kỹ năng, kiến thức mình học được. Theo đó, anh đã quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục và tư vấn - đào tạo bởi đây là ngành có thể giúp anh đóng góp cho sự thay đổi cốt lõi xã hội.

    Chia sẻ thêm về lựa chọn này, nam doanh nhân tâm sự: “Khi ấy mình chọn lĩnh vực dễ thay đổi được cốt lõi xã hội và mình chọn làm công ty đào tạo. Nhưng đào tại chỉ dùng từ 'training' thì chưa đủ nên sau đó công ty mình lập chọn tên giáo dục (education), trong education đã bao gồm training (đào tạo), coaching (huấn luyện), mentoring. (hướng dẫn). Nhưng education cũng chưa đủ vì mới chỉ thay đổi được cái gốc, còn cái ngọn liên quan tới các đối tượng lãnh đạo thì chưa thể tác động. Đó là lý do vì sao mình đưa cả consulting (tư vấn) vào công ty”.

    Để chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp, anh Trường đã tích cực trau đồi kiến thức, kỹ năng. Anh học thạc sĩ và sau đó lên tiến sĩ ngành quan trị kinh doanh. Chưa hết, để khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, anh còn theo học về hệ thống đào tạo, giáo dục cấp cao.

    Những kiến thức và sự nỗ lực này đã trở thành nền tảng vững chắc, đặt nền móng cho hoạt động của công ty John&Partners trong hơn 15 năm qua.

    visa nhan tai 1
    "Với nền công nghiệp 4.0, AI và Internet phổ biến như hiện nay, đây là cơ hội cho Việt Nam để vươn ra toàn cầu" - TS Ngô Công Trường

    Được nước Mỹ công nhận

    Năm 2022, anh Ngô Công Trường sang Mỹ sinh sống và làm việc dưới diện nhân tài được Chính phủ Mỹ công nhận. Chia sẻ về lý do lựa chọn nước Mỹ, người sáng lập John&Partners tâm sự mục đích đầu tiên là vì con anh, nhưng hơn cả, anh muốn trở thành cầu nối và thúc đẩy nhiều người Việt Nam lựa chọn con đường giống mình và được nhận chứng nhận nhân tài ở Mỹ.

    “Mình tin rằng người Việt Nam, so về mặt trí tuệ, không thua bất kỳ quốc gia nào. Lúc đó, mình nghĩ nếu nộp đơn EB-1A và thành công, mình sẽ tạo niềm tin cho rất nhiều người sau đó rằng họ cũng làm được. Nhiều người Việt Nam rất giỏi”, anh Trường bộc bạch.

    Anh chia sẻ, đối với visa EB-1A, Chính phủ Mỹ đặt ra rất nhiều yêu cầu khó, bao gồm: học vị từ Tiến sĩ trở lên; phải giữ chức vụ quan trọng trong tổ chức của mình; phải có ảnh hưởng trong cộng đồng, xã hội, có thành tích nghiên cứu, có ấn phẩm như sách, báo, xuất hiện trên ti vi, là người của công chúng; phải chứng minh bạn là người có thu nhập cao nhất trong lĩnh vực đó, có thành tựu mang tầm quốc tế… Ngoài ra, người xin visa diện nhân tài cũng cần tới 12 thư giới thiệu từ những chuyên gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu khác.

    May mắn thay, trước đó năm 2015 - 2016, anh Trường từng có cơ hội qua Mỹ làm chuyên gia. Khi ấy, anh đã có nhiều đóng góp nên việc xin thư giới thiệu không phải vấn đề khó khăn. Năm 2018, anh cũng được Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) công nhận là nhân tài trong top 40 chuyên gia xuất sắc toàn cầu, anh đồng thời cũng giữ chức vụ Giám đốc ASQ tại Việt Nam. Những yếu tố này cộng lại giúp việc xin visa của anh trở nên dễ dàng hơn và anh trở thành người Việt Nam đầu tiên được Chính phủ Mỹ cấp chứng nhận nhân tài vào năm 2022.

    visa nhan tai 1
    TS Ngô Công Trường nhận giải thưởng với vai trò Giám đốc hiệp hội chất lượng Mỹ tại Việt Nam, thành viên ban giám đốc hiệp hội xe hơi Mỹ và thành viên ban giám đốc của ASQ (Hiệp hội chất lượng Mỹ) tại Houston, Texas.

    Thay đổi hình ảnh về tri thức Việt

    Là người Việt Nam đầu tiên nhận chứng nhận nhân tài EB-1A, anh Ngô Công Trường đã phần nào giúp thay đổi hình ảnh, suy nghĩ về tri thức Việt. Chia sẻ thêm về quá trình nộp hồ sơ xin visa EB-1A, nam doanh nhân cho biết 2 quốc gia châu Á có nhiều người cũng tham gia chương trình visa nhân tài này nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này đặc biệt dễ hiểu khi CEO các tập đoàn lớn trên thế giới phần lớn là người gốc Ấn. Để chuẩn bị cho tấm "thẻ xanh" quyền lực này, anh Trường nói rằng nhiều người thậm chí đã được cha mẹ định hướng sẵn từ nhỏ để chuẩn bị cho các điều kiện khắt khe của EB-1A.

    Trong khi đó, trường hợp của anh Trường, là người Việt Nam đầu tiên nhận EB-1A, cũng được đánh giá rất cao, bởi đa số người Việt xin visa sinh sống ở Mỹ thường theo 2 cách: Xuất khẩu lao động hoặc tham gia đầu tư ở nước sở tại. Việc có người Việt được công nhận là nhân tài ở Mỹ sẽ giúp thay đổi cách người nước ngoài nhìn nhận về người Việt và trí thức Việt. Anh nói thêm, sau anh, cũng có thêm vài người Việt nộp hồ sơ xin chứng nhận visa nhân tài, điều này là một sự thay đổi vô cùng tích cực.

    Với việc có tẩm thẻ xanh diện nhân tài, được chính phủ Mỹ công nhận, anh Trường cho biết mọi người cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều khi sinh sống và làm việc, kinh doanh tại Mỹ. Diện visa được cấp sẽ in trên tấm thẻ xanh, do đó, mọi người sẽ hiểu được vị trí và vai trò của người được coi là "nhân tài".

    "Trên thẻ xanh có in loại hình visa mình ở lại Mỹ, do đó khi nhìn vào người ta sẽ biết mình ở lại Mỹ theo diện gì, người ta cũng đối xử với bạn theo diện đó. Do đó, khi xem hồ sơ, thấy bạn và gia đình ở lại Mỹ theo diện nhân tài EB-1A, mọi thứ sẽ thuận lợi hơn nhiều. Khi có thẻ xanh này, mình làm việc cũng thuận lợi hơn, chỉ cần đưa thẻ xanh này ra là người ta hiểu mình là ai và được tạo điều kiện hơn", anh kể lại.

    Thành công nơi xứ người

    Sau khi sang Mỹ, anh Ngô Công Trường tiếp tục công việc tại John&Partners, đồng thời anh cũng tận dụng các cơ hội để mở thêm một vài doanh nghiệp mới tại nền kinh tế hàng đầu thế giới.

    Chia sẻ về những thành công ở đất Mỹ, nam doanh nhân cho biết chìa khóa của anh nằm ở sự nỗ lực. Anh Trường chia sẻ, điều quan trọng cần có khi khởi nghiệp là phải quyết tâm, ngay cả khi được công nhận là “nhân tài” nhưng anh vẫn tận tâm với công việc.

    Anh nói: “Mình là người làm việc không có cuối tuần và không ngày nghỉ, luôn cố gắng hết mình không ngừng nghỉ”.

    visa nhan tai 1
    Anh Ngô Công Trường và công ty John&Partners đã gặt hái nhiều thành công sau 15 năm hoạt động.

    Ngoài ra, anh Trường chia sẻ anh cũng đã thích ứng để nắm bắt cơ hội khi sống tại Mỹ. Theo nam doanh nhân, ở những quốc gia như châu Âu và Mỹ, mọi người thừa hưởng nhiều thuận lợi từ sự phát triển sẵn có, từ hệ thống tiên tiến. Do đó, họ thường ngại bước khỏi vùng an toàn và thử sức trước những cái mới. Tư duy này rất khác so với Việt Nam. Vậy nên, khi qua Mỹ, anh đã nhận thấy nhiều cơ hội và tiềm năng khởi nghiệp tại đây và đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ.

    Thật vậy, với tài năng và sự quyết tâm, doanh nghiệp của anh Trường đã “lội ngược dòng” ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới “lao đao”.

    Anh Trường chia sẻ, COVID-19 là thời điểm rất nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề và đóng cửa. Nhưng với anh thì ngược lại, đây là thời điểm John&Partner phát triển mạnh mẽ nhất và anh kiếm được hàng triệu USD trong thời gian này. Khi Mỹ cùng nhiều quốc gia khác áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, các công ty phải chuyển về làm việc tại nhà, nhu cầu đi học thêm các khóa kỹ năng của mọi người cũng tăng lên. Hệ thống học trực tuyến của anh lúc này phát huy tác dụng.

    "Thời điểm COVID-19 bùng phát, mình chỉ việc mở khóa học và thu hút rất nhiều người tham gia trong khi những đối thủ khác mới bắt đầu nghiên cứu và đào tạo nhân viên sử dụng hệ thống học trực tuyến”, anh kể lại.

    Đối với anh Trường, COVID-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các công ty khởi nghiệp vươn lên. Bởi COVID-19 một mặt đã kéo cả xã hội chậm lại, bao gồm cả những công ty đa quốc gia với kinh nghiệm lên tới cả trăm năm. Công ty càng lớn thì việc thay đổi và thích ứng càng gặp khó khăn vì bộ máy của họ đã hoạt động từ lâu. Theo đó, anh cho rằng việc nắm bắt cơ hội “le lói” từ thách thức này là chìa khóa giúp các công ty khởi nghiệp vươn lên và bắt kịp với những công ty lớn.

    Đồng thời, anh Trường cũng lưu ý rằng các công ty nên có sự chuẩn bị sẵn sàng. Với việc đã tích hợp tự động hóa vào hệ thống công ty từ lâu, khi COVID-19 xảy ra, John&Partners đã có thể nhanh chóng thích ứng và nắm bắt cơ hội vươn lên. Nhờ vậy, công ty của anh hiện đang duy trì đà tăng trưởng ổn định qua từng năm.

    Chia sẻ thêm về thành công khởi nghiệp, nam doanh nhân người Việt cho rằng một điều quan trọng khác cần lưu ý là lối tư duy “Think big, Do small” - tức là "nghĩ lớn nhưng bắt đầu làm từ những việc nhỏ". Ngoài ra, nhà khởi nghiệp cũng cần làm việc một cách chăm chỉ và thông minh. Với việc làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên, đây là thời điểm thích hợp để những người trẻ, những người ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, nắm bắt và tận dụng công cụ này.

    “Với nền công nghiệp 4.0, AI và Internet phổ biến như hiện nay, đây là cơ hội cho Việt Nam để vươn ra toàn cầu”, anh Trường khẳng định.

    Hiện TS Ngô Công Trường cùng đội ngũ cộng sự tại Silicon Valley đang khởi tạo nhiều doanh nghiệp thành công về AI, tiêu biểu như XpertPro.AI, AI SMARTUP, XpertBrains, RocketAgent, 10Metrics Realty, IVBB,…

    Theo VTC News

  • Sau 6 năm rưỡi làm việc cho tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới và hiện đang sinh sống tại Vương quốc Anh, Võ Tường Vân Thủy xem suất học bổng mình từng giành được như nguồn cảm hứng bất tận về việc kiến tạo ảnh hưởng.

    vo tuong van thuy 1
    Võ Tường Vân Thủy trong ngày tốt nghiệp

    "Tôi may mắn nhận được suất học bổng 25% của trường đại học", Võ Tường Vân Thủy, cựu sinh viên Truyền thông chuyên nghiệp, ĐH RMIT Việt Nam, chia sẻ.

    Cũng từ đó, Thủy nhận ra rằng cô cảm thấy tích cực trong các vai trò chia sẻ và cố vấn. Thủy đã nảy ra sáng kiến lập nên một nhóm cùng các bạn nhận được học bổng khác với mục tiêu tìm đến các em học sinh trung học để gieo sự tự tin và giúp các em giải quyết những vướng mắc trong quá trình ứng tuyển học bổng.

    Nhờ suất học bổng nhận được mà Thủy hiểu được ý nghĩa của việc cho đi và nhận lại. Cô mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nguồn cảm hứng này tiếp tục lan tỏa vào dự án cộng đồng Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 do Google khởi xướng, nơi cô đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên kỹ năng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như phụ nữ nông thôn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ trong 2 năm.

    Qua các buổi đào tạo miễn phí, chương trình tạo điều kiện cho người tham gia tiếp cận các công cụ kỹ thuật số, từ đó nâng cao sinh kế và khả năng kinh doanh.

    "Tôi tập trung truyền tải 2 chủ đề riêng biệt: kinh doanh số và trao quyền cho phụ nữ", Thủy cho hay.

    vo tuong van thuy 1
    Võ Tường Vân Thủy đảm nhận vai trò huấn luyện viên kỹ năng số tại Việt Nam Digital 4.0

    Cô đã đầu quân cho GroupM và gia nhập tập đoàn truyền thông toàn cầu danh tiếng Wavemaker trước khi bắt đầu tham gia giảng dạy tại Việt Nam Digital 4.0. Nhờ vậy, các bài giảng của cô về kinh doanh kỹ thuật số đều đúc kết từ kinh nghiệm làm việc trong ngành.

    Thủy chia sẻ: "Thời điểm đó, tôi mới 24-25 tuổi, trong khi các chị, các cô tham gia chương trình thường lớn gấp đôi tuổi tôi. Làm sao để nói và thuyết phục họ về việc trao quyền cho phụ nữ với kinh nghiệm sống ít ỏi như vậy? - đó là câu hỏi tôi thường tự vấn bản thân".

    Cô nỗ lực truyền tải bài học một cách thiết thực, đan xen bằng những câu chuyện cá nhân hằng ngày để chạm được đến người tham gia.

    "Tôi lớn lên ở một khu phố có thành phần, tầng lớp đa dạng nên giờ đây dễ đặt mình vào vị trí của các chị, các cô hơn", Thủy kể.

    Bằng cách thấu hiểu đối tượng mục tiêu và tùy chỉnh nội dung, Thủy đã hướng dẫn cho khoảng 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cá nhân có nguyện vọng bắt đầu kinh doanh. Nhiều người trong số họ đã bày tỏ lòng biết ơn với những chia sẻ giá trị của Thủy và vẫn giữ liên lạc cũng như tìm cô xin lời khuyên ngay cả sau khi chương trình kết thúc.

    Thủy nhớ lại: "Tôi được Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) của RMIT giới thiệu đến chương trình này. Đây là sáng kiến của trường nhằm thúc đẩy đổi mới và sáng tạo dựa trên nền tảng kỹ thuật số trong giáo dục và đào tạo".

    Đối với Thủy, các mối quan hệ tạo dựng được mang đến cho cô những giá trị đáng kể. "Học bổng đã mở ra cho tôi không chỉ cơ hội nghề nghiệp mà còn là những tình bạn quý báu". Thủy vẫn thường xuyên liên lạc với các bạn khác nhận học bổng, "nhiều người trong số họ đã đạt được thành công trong cả sự nghiệp lẫn học vấn", cô cho hay.

    Cô từng có cơ hội cọ xát trực tiếp với các công ty quảng cáo lớn trong khi đang theo học ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại trường đại học. "Thầy cô của tôi từng là chuyên gia trong các công ty quảng cáo trước khi chuyển sang giảng dạy".

    Thủy đã có thể nhận và thực hiện yêu cầu của khách hàng thực tế từ những ngày đi học. "Tôi chủ động làm việc với khách hàng, lắng nghe phản hồi của họ và biến các bài thuyết trình trên lớp thành các buổi đàm phán. Tôi áp dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề của khách hàng và hợp tác với đội ngũ phụ trách thương hiệu, một trải nghiệm gần giống với những gì diễn ra ở các công ty quảng cáo", Thủy nhớ lại.

    Cô đã lấy bằng thạc sĩ về Marketing từ Đại học Bath và hiện đang giữ vị trí Giám đốc Kế hoạch toàn cầu tại trụ sở chính của Wavemaker Global ở London, Vương quốc Anh.

    vo tuong van thuy 1
    Vân Thủy và các đồng nghiệp tại Wavemaker Global

    Biết cách nắm bắt mọi cơ hội

    Nhìn lại hành trình sự nghiệp của mình, cô chia sẻ: "Tôi đã làm việc cho GroupM ở Việt Nam trong 3 năm rưỡi trước khi chuyển đến Vương quốc Anh. Thị trường lao động ở London rất cạnh tranh. Một sinh viên mới tốt nghiệp có thể phải "rải" từ 50 đến 100 đơn ứng tuyển để nhận được một vị trí làm việc toàn thời gian".

    Thủy khiêm tốn nhìn nhận bản thân mình không hẳn nổi bật hoặc xuất sắc nhưng cô biết cách nắm bắt mọi cơ hội, sử dụng kỹ năng mềm và chú ý quan sát để nâng cao khả năng.

    "Thành tựu của tôi là kết quả của việc được tiếp xúc với những cá nhân xuất sắc, nhờ được bao quanh bởi nhiều người tài năng và học hỏi từ họ. Đối với tôi, áp lực từ bạn bè đồng trang lứa là một cách để tự phát triển và hoàn thiện bản thân".

    Sau nhiều năm làm việc trong ngành truyền thông và phỏng vấn hàng trăm ứng viên, Thủy đúc kết: "Các yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tuyển dụng là thái độ, sự quyết tâm và kiên định".

    Đó chính là cách mà Võ Tường Vân Thủy đạt được thành tựu đáng kể trong sự nghiệp mà vẫn duy trì được cam kết tạo sự khác biệt cho xã hội.

    Theo Phunuvietnam

  • Sở hữu kênh TikTok Sergioinuk với hơn 121,5 nghìn lượt theo dõi và hơn 4,5 triệu lượt yêu thích, Sergio Nguyễn gây ấn tượng bởi loạt video cuộc sống của du học sinh tại Anh.

    Không có những khung hình “đẹp như mơ”, không các nội dung “động trời”, cậu bạn chọn cách chia sẻ về 7749 điều đã xảy đến với bản thân theo những cách hài hước và và hóm hỉnh: Từ chuyện chờ 9 tiếng để được sơ cứu vết thương hay câu chuyện “cười ra nước mắt” về vòi nước nóng lạnh ở Anh.

    1 phút “biết tuốt” nhân vật:

    Tên thường gọi: Sergio Nguyễn

    Ngày sinh: 15/2/2002, cung Bảo Bình

    “Tọa độ” hiện tại: Chuyên ngành Quản lý thể thao, Đại học Manchester Metropolitan, Anh quốc.

    Nhắn nhủ của nhân vật: Lý do mình chọn tên Sergio là vì nó cũng bắt đầu bằng S (trùng với tên tiếng Việt), là họ của một cầu thủ bóng đá mình yêu thích và… lạ tai nữa.

    sergio nguyen 1
    Khi có cơ hội du học, Sergio không ngần ngại chọn Anh - "quê hương" của đội bóng yêu thích.

    Đâu là lí do khiến bạn được ngôi trường đại học nổi tiếng của Anh “gật đầu”?

    Sơn Sergio: GPA của mình tại thời điểm đó là 3.4/4.0, một số điểm không quá cao để cạnh tranh với các bạn khác. Điều khiến trường đồng ý nhận mình hẳn là bởi câu chuyện cá nhân - hành trình gắn bó với bóng đá của mình.

    Khi còn ở Việt Nam, mình từng có khoảng 6 năm theo chương trình đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp, 1 năm chơi cho đội tuyển U19 TP.HCM. Tuy nhiên, sau một chấn thương, mình đành tạm gác lại giấc mơ khoác áo đấu. Không thể trực tiếp chơi bóng đá nhưng đam mê thể thao thì vẫn còn. Vì vậy, mình mạnh dạn chọn nước Anh, chọn thành phố Manchester (cũng là quê hương của đội bóng đá yêu thích Manchester City) để theo học chuyên ngành Sport Management

    Bạn hãy tóm tắt ngành học của bạn một cách dễ hiểu nhất?

    Sơn Sergio: Cũng như các ngành quản lý khác, mình cũng phải “chạy KPI”. Nhưng thay vì là lượt tương tác, tiếp cận như của của các ngành về Social Media (truyền thông mạng xã hội), Marketing; KPI của mình sẽ là lượt tham gia, độ phổ biến của các sự kiện thể thao mà chúng mình tổ chức. Ngoài ra, các khía cạnh về điều hành - tổ chức, quản lý tài chính, định hướng phát triển… của các câu lạc bộ thể thao cũng là một phần của ngành học này.

    sergio nguyen 1
    Sergio đang theo học chuyên ngành Sport Management (Quản lý thể thao).

    Trong hành trình du học, điều gì với bạn là giá trị hơn cả?

    Sơn Sergio: Sau gần 2 năm du học, mình đã nhận kha khá hợp đồng hợp tác thương mại về làm nội dung TikTok. Nhưng thứ khiến mình lại cảm thấy “lãi to” là về trải nghiệm, tư duy và nhất là tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

    Mình không rõ các du học sinh khác thế nào, nhưng du học làm mình gắn kết hơn với gia đình. Ngày trước lúc còn ở nhà, việc gặp nhau mỗi ngày làm mình đôi khi phớt lờ việc tỉ tê cùng gia đình. Tới khi du học, không gặp gia đình cả mấy ngày là mình hào hứng gọi điện để gặp mặt bố mẹ và kể mọi người nghe đủ thứ chuyện. Mình chợt nhận ra là, đi xa rồi mới thấy bố mẹ mình “rất gì và này nọ”!

    sergio nguyen 1
    Du học khiến Sergio và gia đình gắn kết hơn.

    Cơ duyên nào đưa bạn trở thành một nhà sáng tạo nội dung?

    Sơn Sergio: Nếu bóng đá là đam mê từ bé, du học là cơ hội mà gia đình đã tạo điều kiện cho mình, thì công việc sáng tạo nội dung là do mình chủ động dấn thân. Lúc chuẩn bị du học, mình có một bài viết có lượt tương tác khá “khủng” chia sẻ về một trường đại học ở Việt Nam, thế là mình nảy ra ý tưởng sẽ chia sẻ hành trình của bản thân. Thời điểm đó, YouTube là lựa chọn hàng đầu. Nhưng có vẻ YouTube với những video dài không phải là lựa chọn phù hợp cho mình, thế là mình nghĩ đến TikTok. Ban đầu cũng có không ít khó khăn, nhưng chưa đầy một năm sau, mình đã có gần 100 nghìn lượt theo dõi.

    Từ lúc nào bạn xác định việc làm nội dung là một công việc kiếm tiền?

    Sơn Sergio: Chắc là từ lúc mình bắt đầu “thấy mệt” sau chuỗi ngày dành rất nhiều thời gian, tâm sức để hoàn thiện 1 video nhưng lượt xem thì vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Khi đó mình đã tự hỏi rất nhiều rằng mình có định sẽ dành ra 20 tiếng một tuần để chỉnh 1 video, 80 tiếng một tháng để chỉnh 4 video nhưng không đổi lại được gì? Thế là mình bắt đầu đăng tải các video một cách bài bản, có dụng ý hơn, khai thác đa dạng các đề tài hơn cho đến khi video đầu tiên viral và mình có hợp đồng thương mại đầu đời.

    Mục tiêu trong năm 2024 của bạn là gì?

    Sơn Sergio: Bật mí là kênh TikTok của mình đang không khả quan lắm, lượt tương tác gần đây cũng chưa nổi bật. Tuy nhiên, mình vẫn mong bản thân có thể duy trì được kênh và tiếp tục lan tỏa năng lượng, cảm hứng đến mọi người. Tuy nhiên, thay vì công việc, năm 2024 sẽ là năm mình tập trung nhiều hơn cho việc học để tốt nghiệp đúng hạn, đi ngủ đúng giờ và… không đổ bệnh.

    Mình đã từng không thể làm gì vì bệnh trong suốt 1 tuần. Trong khi một ngày bình thường, mình có thể làm việc tới 10 tiếng. Vậy là trong 1 tuần đó, mình đã lãng phí tới 50 tiếng. Thế nên, mình sẽ cố gắng để đi ngủ sớm hơn và chăm sóc bản thân nhiều chút để có thể thực hiện những điều mình muốn làm.

    sergio nguyen 1
    Sergio mong năm nay đạt được KPI của chính mình: Ngủ đủ giấc và khỏe mạnh hơn.

    Theo hoahoctro.tienphong

  • Mới đây trên nhóm Flex đến hơi thở cuối cùng, một nickname tên Hoan Ngo đã chia sẻ hình ảnh chụp 2 tấm thẻ visa định cư của mình, chính là loại mà chúng ta luôn ao ước: Indefinite Leave to Remain. Và thẻ còn lại là thứ bạn ước cũng khó có được: T1 Migrant Talent Leave to Remain (visa Siêu Tài Năng - Exceptional Talent).

    Hoan Ngo (Ngô Văn Hoàn) cho biết anh đã được cấp thẻ visa định cư chỉ sau vỏn vẹn 3 năm làm việc tại Anh. Đại đa số mọi người mất ít nhất 5 năm làm việc tại Anh, hoặc 10 năm sống và học tập tại Anh thì mới có được thẻ này.

    visa dinh cu vinh vien 1

    visa dinh cu vinh vien 1

    Vào năm 2018, các báo VN đã chia sẻ khá nhiều thông tin về chàng trai sinh năm 1988 này. Ở thời điểm đó, Ngô Văn Hoàn vừa tròn 30 tuổi và anh là một tiến sĩ khoa học. 

    30 tuổi, giành hàng loạt học bổng trên thế giới

    Tiến sĩ khoa học Ngô Văn Hoàn (1988) không nhớ đã đặt chân đến bao nhiêu nước, trải qua bao nhiêu việc làm thêm, từng cố gắng ra sao để giành được các suất học bổng và có công việc như hiện tại.

    Sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn nên ngay cả trong những giấc mơ đẹp nhất, Ngô Hoàn không từng nghĩ mình sẽ đi du học, đặc biệt là với vốn tiếng Anh còn khá hạn hẹp ngày đó.

    Ngô Hoàn chỉ mong có thể đỗ vào một trường đại học nào đó, rồi kiếm một công việc ổn định và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Tuy nhiên, một lựa chọn sai lầm về ngành học tại đại học đã trở thành bước ngoặt lớn để tôi luyện nên một Ngô Hoàn như hiện tại.

    visa dinh cu vinh vien 5
    Ngô Hoàn và tấm bằng tiến sĩ khi theo học tại New Zealand.

    Chàng tiến sĩ trẻ cho biết: “Cuộc đời mình thay đổi từ chính sai lầm trong việc lựa chọn ngành học ở Đại học Y Hà Nội. Ngày đó mình chọn Khoa Kỹ thuật Y học với mộng tưởng sẽ được làm về máy móc thiết bị y tế. Nhưng đời không như mơ, Khoa đó chỉ đơn thuần là làm về xét nghiệm. Trong khi nhiều bạn bè cùng lứa chán nản bỏ sang trường khác học hoặc đợi năm sau thi lại, thì mình quyết định học tiếp và tìm hướng đi riêng cho mình. Thời điểm đó, ước mơ du học của mình mới bắt đầu nhen nhúm. Mình quyết tâm đầu tư học thời gian, công sức để học tiếng Anh và sau đó là tìm kiếm các suất học bổng nhằm thực hiện ước mơ của mình".

    Sau khi tốt nghiệp trường Y và làm một thời gian tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Ngô Hoàn lại tiếp tục “con đường học mòn mỏi” của mình để sang Hàn Quốc học Thạc sĩ, rồi sang New Zealand học Tiến sĩ. Tất cả khóa học này đều có được bằng việc săn học bổng từ các tổ chức nước ngoài.

    Đặc biệt, Ngô Hoàn quan niệm rằng, mỗi suất học bổng khác nhau, dù lớn nhỏ cũng đều rất đáng quý và coi đó là cột mốc trên chính con đường học hành. Có những học bổng nho nhỏ (dù đối với nhiều người nó không là gì) nhưng với anh chàng này lại vô cùng quan trọng, vì nó giúp CV (hồ sơ) của bạn đẹp hơn và là bàn đạp để đạt được những học bổng lớn hơn sau này.

    visa dinh cu vinh vien 5
    Chàng trai trẻ được trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi trên thế giới. 

    Ngô Hoàn cho biết: “Mình thừa nhận là mình khá may mắn trong việc xin học bổng. Tuy nhiên, may mắn không chưa đủ mà nhiều khi phải sử dụng những 'tiểu xảo' để hồ sơ mình nổi bật hơn! Ngoài ra, việc xin học bổng là một quá trình cần sự bền bỉ và không được chán nản mỗi khi thất bại. Không mấy ai đủ giỏi để nộp một cái là được luôn, mà phải nộp rất nhiều nơi thì mới được một nơi nhận".

    Nhớ lại quãng chặng đường đi xin học bổng của mình, Ngô Hoàn kể: “Trong những lần xin học bổng, nơi mình tiếc nuối nhất là Đại học Havard, vì lúc phỏng vấn mình nghĩ 90% sẽ được nhận nhưng lại bị loại. Tuy nhiên cảm giác tiếc nuối cũng nhanh chóng biến mất bởi khi một cách cửa khép lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra".

    Tính đến năm 2018, Ngô Hoàn đã sở hữu trong tay 9 học bổng (từ 2008 – 2018) như: 

    • Năm 2008: Học bổng Mitsubishi của Nhật Bản, dành cho 20 sinh viên xuất sắc nhất ĐH Y Hà Nội
    • Năm 2008: Học bổng Linnaeus/Palme của Thụy Điển dành cho 4 sinh viên xuất sắc nhất ĐH Y Hà Nội
    • Năm 2010: Học bổng Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc
    • Năm 2012: Học bổng du lịch, báo cáo hội nghị tại Nhật Bản do Đại học Osaka cấp
    • Năm 2014: Học bổng Tiến sĩ, Đại học Otago, New Zealand
    • Năm 2016: Học bổng Elizabeth, báo cáo hội nghị tại Anh
    • Năm 2017: Học bổng du lịch do Đại học Otago cấp , báo cáo hội nghị tại Mỹ
    • Năm 2017: Được mời qua phỏng vấn xin việc tại Đại học Y Havard
    • Năm 2018: Học bổng quốc tế Newton, trao cho 40 Tiến sĩ trẻ (người nước ngoài đến Anh làm việc) xuất sắc nhất do Hiệp hội Hoàng gia Anh cấp.

    Chia sẻ thêm về học bổng quốc tế Newton danh giá, tiến sĩ trẻ bật mí: “Hàng năm, hồ sơ từ khắp các trường đại học và Viện nghiên cứu của Anh gửi về một tổ chức có tên là Hiệp hội Hoàng gia Anh (The Royal Society) và họ chỉ trao 40 suất học bổng cho tất cả các ngành (Khoa học kỹ thuật, Luật, Nghệ thuật, Triết học...) do đó tính cạnh tranh là rất cao. Đây là một học bổng danh giá, ghi nhận tiềm năng của các tiến sĩ trẻ và hỗ trợ họ bước đầu trên con đường sự nghiệp. Đồng thời, với việc nhận được học bổng này thì visa của mình sẽ được chuyển từ hạng 2 (loại visa lao động cho tất cả người nước ngoài đang làm việc tại Anh) lên hạng 1 (loại dành cho các chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó). Và với visa hạng 1 này, mình chỉ cần sống 3 năm ở Anh là có thể nhập quốc tịch”.

    Nối tiếp hành trình học bổng và giải thưởng

    Theo học lĩnh vực Y sinh (Biomedical Science) - làm nghiên cứu khoa học, thời điểm năm 2018 chàng tiến sĩ trẻ tuổi đang làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London - nơi tiên phong về phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Sau đó anh tiếp tục dành được các học bổng và giải thưởng như:

    • Năm 2019: Học bổng du lịch (NHẬT BẢN cấp), tham gia Hội nghị chuyên ngành tại Nhật Bản.
    • Năm 2021: Học bổng Chính phủ HÀN QUỐC, sang làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul.
    • Năm 2023: Là Tiến sĩ thứ 3 của Việt Nam được lựa chọn trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học trẻ Toàn cầu (Global Young Academy, GYA) trụ sở tại Berlin ĐỨC, nơi quy tụ 200 nhà khoa học xuất sắc từ 6 châu lục trên thế giới.
    • Năm 2023: Học bổng du lịch của GYA và của Hội nghị Thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ thế giới (WYSS) (ĐỨC và TRUNG QUỐC cấp), sang tham gia diễn đàn tại Rwanda (Châu Phi).
    • Năm 2023: Là một trong 20 Tiến sĩ xuất sắc trên thế giới được lựa chọn sang tập huấn tại CROATIA (Châu Âu).
    • Năm 2024: Học bổng của Hiệp hội Vi sinh Anh (Microbiology Society) sang tham gia hội nghị chuyên ngành lớn nhất tại Anh.

    Ngoài ra anh còn giúp cho hàng chục sinh viên Việt Nam sang du học tại Anh, Úc, Mỹ, Hungary, Đan Mạch, Đức, Pháp, và Hàn Quốc thông qua các loại học bổng khác nhau. Hiện tại năm 2024, anh đang làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc).

    visa dinh cu vinh vien 1Tiến sĩ Ngô Văn Hoàn phát biểu tại Diễn đàn các nhà khoa học trẻ thế giới tại Rwanda (Châu Phi) vào tháng 6/2023, trước Bộ trưởng Bộ giáo dục Rwanda, Cựu Bộ trưởng Y tế Rwanda, Tổng biên tập tạp chí Nature, và hàng trăm nhà khoa học xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới.
     

    visa dinh cu vinh vien 1
    Hình ảnh tiến sĩ Hoan Ngo trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy, GYA).

    BÍ QUYẾT SĂN HỌC BỔNG CHO CÁC SINH VIÊN NGÀNH Y SINH

    Thay vì tự nộp hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học để xin học bổng ngành Y sinh (Biomedical Science), theo Ngô Hoàn còn có một cách xin học bổng "dễ đậu" lại giảm tỷ lệ cạnh tranh: Liên hệ trực tiếp với giáo sư hướng dẫn.

    Lĩnh vực Y sinh là một ngành đã và đang phát triển rất mạnh, mở ra rất nhiều cơ hội du học, làm việc cũng như định cư cho sinh viên Việt Nam. Do đặc thù của ngành này nên cách xin học bổng cũng khác rất nhiều so với các ngành khác.

    *) PHÂN LOẠI HỌC BỔNG CHO SINH VIÊN NGÀNH Y SINH

    • Học bổng chính phủ Việt Nam
    • Học bổng của nước sở tại hoặc trường Đại học
    • Học bổng của Giáo sư (Giáo sư lấy tiền từ quỹ nghiên cứu để trả cho sinh viên)

    *) TÌM THÔNG TIN HỌC BỔNG Ở ĐÂU?

    • Google: Gõ keyword (từ khóa): học bổng du học sinh, săn học bổng ngành Y...
    • Facebook: “Thông tin học bổng Giáo sư Hàn Quốc”; “Scholarships for Vietnamese Students”
    • Thông tin từ chính những anh chị đi trước.

    *) BÍ KÍP SĂN HỌC BỔNG GIÚP GIẢM TỈ LỆ CẠNH TRANH

    Bước 1: Vào website của trường đại học và của Khoa bạn muốn theo học để tìm kiếm thông tin về giáo sư hướng dẫn

    Bước 2: Chuẩn bị CV và thư giới thiệu bản thân (Cover letter)

    Bước 3: Liên hệ với giáo sư hướng dẫn

    Bước 4: Nếu hồ sơ của bạn đủ gây ấn tượng, Giáo sư sẽ mời bạn phỏng vấn qua điện thoại hoặc Skype và như vậy bạn đã có 50% cơ hội và 50% còn lại nằm ở buổi phỏng vấn. Nếu bạn phỏng vấn tốt và giáo sư nhận bạn sẽ có 2 tình huống xảy ra:

    + Giáo sư sẽ giúp bạn xin học bổng của trường đại học hay của nước sở tại

    + Hoặc giáo sư sẽ tự lấy quỹ nghiên cứu ra trả lương cho bạn sang học.

    Bằng cách này, tỷ lệ cạnh tranh sẽ giảm xuống rất nhiều và đôi khi bạn chẳng cần cạnh tranh với ai cả vì có một mình bạn liên hệ với giáo sư tại thời điểm họ đang cần sinh viên.

    *) LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỒ SƠ DỰ TUYỂN GÂY ẤN TƯỢNG VỚI GIÁO SƯ?

    • Làm đẹp CV bằng cách đạt được những học bổng hay giải thưởng (dù nhỏ thôi cũng được).
    • Chuẩn bị CV và một bức thư giới thiệu bản thân (Cover Letter) ngắn gọn và đủ ý, tránh sai lỗi chính tả. Nên tham khảo CV và Cover Letter của những anh chị từng giành được học bổng.
    • Viết email trình bày nguyện vọng của bản thân. Đối với tiêu đề email, cần phải gây được ấn tượng ngay khi đọc. Nhiều bạn thành tích rất nổi bật, nhưng cái tiêu đề email không gây ấn tượng để người ta nhấn vào đọc nội dung bên trong thì coi như thất bại.

    Với riêng ngành Y sinh thì bạn có thể gửi hồ sơ vào tất cả thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mỗi nước lại có những kỳ nhập học khác nhau nên bạn cần tìm hiểu để nộp hồ sơ sớm cho kịp nhập học. Ví dụ ở Hàn Quốc có 2 học kỳ mùa thu (tháng 10) và mùa xuân (tháng 3).

    Viethome / Ione 

  • Vượt qua nỗi ám ảnh bị kỳ thị, Khuất Nguyễn Bảo Châu quyết tâm "săn" học bổng Anh với mong muốn theo đuổi ước mơ và dùng vẻ đẹp của trang phục để giúp phái nữ tự tin hơn.

    Từng tự ti vì vẻ bề ngoài lệch chuẩn

    Khuất Nguyễn Bảo Châu (sinh năm 2004, Hà Nội) là cựu học sinh chuyên sử Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Bảo Châu đang theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang tại Đại học Westminster - một trong 10 trường đại học thiết kế nổi tiếng thế giới.

    Châu còn nhận được học bổng từ các trường đại học hàng đầu về ngành thời trang từ Anh và Úc như: Đại học Anglia Ruskin, Học viện Istituto Marangoni, Đại học Northampton, Đại học Công nghệ Sydney.

    Bảo Châu có sở thích vẽ từ nhỏ, cô từng ước bản thân sẽ trở thành nhà thiết kế thời trang. Để nuôi ước mơ, Châu thường tham gia một số câu lạc bộ nghệ thuật và tự làm những dự án cá nhân khi có thời gian rảnh.

    du hoc sinh anh westminster 1
    Bảo Châu đại diện du học sinh Trường Đại học Westminster đón Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đến thăm Vương quốc Anh nhân dịp Vua Charles III đăng quang. (Ảnh: NVCC).

    Tuy nhiên, năm 14 tuổi, Châu trải qua giai đoạn khó khăn trên hành trình theo đuổi ước mơ vì bị kỳ thị ngoại hình.

    "Khi đó, em là cô gái có vẻ bề ngoài lệch chuẩn. Em cao và đô con hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Điều đó khiến em khá ngại khi đứng trước đám đông, sự tự ti cũng vì thế mà ngày một tăng thêm. Những suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình khiến em có rất ít bạn. Em đã từng ghét bản thân đến mức không muốn soi gương hay từ chối những lời mời chụp ảnh. 

    Em tức giận và tổn thương trước những lời nhận xét kém duyên từ bạn bè. Nhưng em cảm thấy may mắn khi có thể biến thương tổn thành động lực để vượt qua. Khi đó, em đã tìm mọi cách để cải thiện ngoại hình và phát triển bản thân như giảm cân, học trang điểm và vẽ tranh. Em đã giảm hơn 10kg nhờ kiên trì tập thể dục", Bảo Châu tâm sự.

    Sau khi thoát ra khỏi tổn thương, Bảo Châu nhận thấy thời trang là ngành nhân văn vì giúp cho con người tự tin hơn về ngoại hình, phá vỡ nhiều định kiến trong cuộc sống về giới tính, cơ thể, màu da.

    "Thời trang đã thay đổi cuộc sống của em. Em hy vọng có thể trở thành nhà thiết kế và tạo ra những bộ trang phục phù hợp với tất cả mọi người, giúp người mặc tự tin hơn về bản thân họ", Châu nói.

    Trải qua bạo lực ngôn từ và miệt thị ngoại hình, Bảo Châu hy vọng, trước khi buông lời cay đắng làm tổn thương ai đó, mọi người hãy thực sự tìm hiểu kỹ về con người họ.

    Từng trượt học bổng 2 lần

    Châu muốn đi du học từ năm lớp 9 nhưng đến năm lớp 12 cô nàng mới bắt đầu hành trình chinh phục học bổng. "Để đạt được kết quả mong muốn em đã chuẩn bị học bạ, IELTS, một bài luận và phỏng vấn (tùy từng trường) để xin học. 

    Ngoài ra, với đặc thù của ngành thời trang, em cần nộp thêm portfolio (hồ sơ nghệ thuật) bao gồm những tác phẩm về thời trang, nghệ thuật để thể hiện cá tính riêng", Châu cho hay.

    du hoc sinh anh westminster 1
    Chân dung Khuất Nguyễn Bảo Châu. (Ảnh: NVCC).

    Châu tâm sự, cô lựa chọn nước Anh là điểm đến tiếp theo cho con đường học tập của mình vì Luân Đôn là một trong bốn kinh đô thời trang lớn nhất thế giới. Anh còn là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển về mọi mặt và đa dạng về văn hóa. Nhờ đó, Châu có thể học hỏi và phát triển bản thân nhiều hơn.

    Ngoài ra, Châu lựa chọn đi du học Anh bởi đây là quốc gia cho phép học sinh đi làm thêm 20 giờ/tuần. Do đó, nữ sinh có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập và giúp đỡ gia đình.

    Để theo đuổi ước mơ, Bảo Châu đã trải qua hành trình gian nan, vất vả. Năm 2022, nữ sinh cảm thấy chán nản, thất vọng về bản thân khi trượt học bổng 2 lần. Tuy nhiên, cô đã lấy lại được tinh thần khi nhận ra: "Việc bị từ chối trong học bổng là điều bình thường, đôi khi không hẳn là vì mình không giỏi mà do bản thân chưa phù hợp với tiêu chí của trường".

    Trong quãng thời gian trượt học bổng, Châu đứng trước nguy cơ "thất học". Nữ sinh cảm thấy chán nản và hoài nghi về ước mơ của mình. "Thời trang là ngành nghệ thuật, khó để thể hiện rõ ràng nên em khá mông lung về khả năng của mình cũng như tương lai của bản thân. 

    Em đã từng có ý định từ bỏ và đổi sang học một ngành khác nhưng sự quyết tâm của bản thân không cho phép em làm điều đó. Sau này, em đã kiên định hơn với đam mê và tiếp tục hành trình chinh phục ước mơ", Châu bộc bạch.

    Học cách ngừng so sánh bản thân với người khác

    Bảo Châu cho biết, trải nghiệm du học Anh đã giúp cô trưởng thành và học hỏi được nhiều bài học quý giá. "Em học được cách bao dung với bản thân sau khi gặp gỡ, tiếp xúc với môi trường mới. Em không còn cảm thấy tự ti và áp lực đồng trang lứa", Châu nói.

    "Sự tiếp xúc với con người mới cùng nền văn hóa đa dạng khiến em hiểu ra mỗi người có một "dòng thời gian" khác nhau. Bạn học đại học cùng khóa của em tuy đã 40 tuổi nhưng vẫn quyết tâm học lại vì nhận ra ước mơ của bản thân muộn so với bạn cùng trang lứa, cũng có bạn mới 27 tuổi đã chuẩn bị học xong tiến sĩ. 

    Tuy nhiên, điều đó không thể chứng minh được người này thất bại hơn người kia. Từ đó, em đã có cái nhìn bao dung hơn với bản thân, sẵn sàng chấp nhận thất bại và ngừng so sánh mình với người khác", Châu bộc bạch.

    du hoc sinh anh westminster 1
    Hình ảnh Châu đón mùa thu Hà Nội trước khi đến với xứ sở sương mù. (Ảnh: NVCC).

    Chị Diệu Thu, mẹ Bảo Châu tâm sự: "Từ bé đến lớn Bảo Châu luôn là niềm tự hào của gia đình. Tôi hy vọng con sẽ cố gắng theo đuổi ước mơ đến cùng và trở thành nhà thiết kế tài giỏi, đạt được nhiều thành công trong tương lai".

    Nhận được quả ngọt sau quãng thời gian đầy gian nan, Châu hy vọng các bạn trẻ sẽ luôn kiên định với ước mơ của bản thân và ngừng so sánh mình với người khác để tránh áp lực nhân đôi.

    Theo Dân Trí

  • Từ học sinh trường làng đến á khoa đầu vào khoa tiếng Anh, thủ khoa đầu ra xuất sắc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nữ sinh Hoàng Thị Cẩm Tú (SN 2000, quê ở Hà Tĩnh) được giữ lại làm giảng viên của trường. Trước đó, Cẩm Tú đã nhận được học bổng du học thạc sĩ của trường đại học top đầu nước Anh ngay từ năm 4 đại học.

    du hoc huddershire 1

    Nhìn về những kết quả đạt được thời gian qua, Hoàng Thị Cẩm Tú nói rằng, mọi bí quyết đều bắt nguồn từ sự cố gắng để tự tạo cơ hội cho mình.

    "Nói vậy là bởi, mình sinh ra trong gia đình làm nông, bố mẹ nuôi 4 anh em ăn học. Dù khó khăn, bố mẹ rất tiết kiệm nhưng chưa bao giờ tiếc tiền đầu tư giáo dục cho các con. Bố mẹ không nói nhiều mà làm nhiều, là tấm gương về sự kiên nhẫn, chăm chỉ để mình viết nên hành trang tươi sáng hơn", Tú chia sẻ.

    Vì thế, mặc dù suốt 12 năm học "trường làng", địa phương ít có trung tâm ngoại ngữ, gia đình không có điều kiện cho theo học với giáo viên bản ngữ nhưng Tú vẫn giành nhiều giải thưởng lớn về tiếng Anh. Để tự tạo cơ hội cho mình, Tú đã cải thiện kỹ năng nghe nói qua việc nghe nhạc tiếng Anh và lặp lại. "Ngày ấy, những từ cơ bản như “book”, “puzzle” mà mình phát âm mấy chục lần cũng không chính xác. Nhưng mình cố gắng chỉnh từng âm một, dần dần cũng đúng", Tú kể.

    du hoc huddershire 1
    Hoàng Thị Cẩm Tú là thủ khoa đầu ra xuất sắc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022.

    Lên đại học, với danh hiệu Á khoa đầu vào khoa tiếng Anh, Tú càng giống một cô gái "mọt sách". Năm nhất, Tú học cả ngày, nghiên cứu trước giáo trình mỗi khi lên lớp, học thuộc cả quyển sách dày mấy trăm trang.

    Nhưng rồi, Tú nhận ra bản thân đã học chăm, nhưng chưa học đúng. Từ việc ghi nhớ suông, Tú đã chuyển thành tìm hiểu logic của vấn đề, tự đặt ra và trả lời các câu hỏi “vì sao”, gắn kiến thức học thuật tưởng như khô khan vào các tình huống của chính mình.

    "Mình còn nhớ nhờ môn Ngữ âm – Âm vị học của tiếng Anh mà mình đã chữa ngọng “ch”/”tr” cho em trai mình. Nhờ đó, cùng một đơn vị kiến thức mà thời gian học của mình đã giảm đáng kể, không cần học nhồi nhét mỗi khi tới kỳ thi mà kết quả tốt hơn rất nhiều. Hầu hết kỳ học sau, mình gần như đạt điểm tuyệt đối, giành nhiều học bổng xuất sắc, và còn có thêm nhiều thời gian cho các hoạt động khác", Tú chia sẻ.

    du hoc huddershire 1
    Hoàng Thị Cẩm Tú luôn nỗ lực để tự tạo cơ hội cho chính mình.

    Thời sinh viên, Tú làm nhiều nhiệm vụ một lúc như dạy thêm gia sư, làm trợ giảng, biên tập nội dung, đánh máy, chấm bài kiểm tra… để tích lũy kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập. Để cân bằng các nhiệm vụ, Tú thường lên kế hoạch trước cho một tuần làm việc. Trong ngày, cô bạn dành thời gian mình tập trung nhất cho các đầu việc "khó nhằn" như soạn bài, tự nghiên cứu. Ngoài ra, Tú cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội như chiến dịch Mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo... để tăng số điểm rèn luyện.

    Nhờ điểm GPA xuất sắc, thành tích từ nghiên cứu khoa học, các hoạt động xã hội, Tú đã nhận được học bổng du học thạc sĩ của Đại học Huddersfield (Anh) ngay từ năm 4 đại học.

    du hoc huddershire 1
    Cẩm Tú năng động, nhiệt huyết tham gia các hoạt động xã hội.

    Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, Tú được biết đến nhiều hơn và may mắn nhận vài lời mời hợp tác và làm việc từ các trường đại học, trường THPT, các trung tâm ngoại ngữ lớn với mức lương cao. Trước những cơ hội đó, Tú quyết định trở về và gắn bó với mái nhà Sư phạm, nơi chắp cánh cho cô thực hiện ước mơ.

    "Dù là một giảng viên trẻ nhưng mình nhận được sự tôn trọng tuyệt đối từ các em sinh viên, kể cả các em sinh viên chỉ thua mình vài tuổi.

    Đối với những sinh viên khả năng tiếng Anh còn yếu, mình nghĩ việc quan trọng nhất là tạo ra một lớp học thân thiện, thoải mái, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy như trò chơi, video, và các hoạt động tương tác để tạo hứng thú cho các em. Mình chú trọng việc đưa những phần kiến thức học thuật vào những chủ đề mà các em quan tâm, vào các tình huống thực tiễn để giúp việc ghi nhớ dễ dàng và áp dụng hiệu quả", Tú nói.

    Tháng 1/2024, Tú sẽ bắt đầu hành trình du học Thạc sĩ ở Anh để tiếp tục hành trình nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Tú cho rằng, ở mỗi giai đoạn, thành tích chỉ mang tính khoảnh khắc. Vì thế, cô luôn trân trọng những cơ hội mới để nâng cấp bản thân và xứng đáng với tên gọi "giảng viên trẻ".

    du hoc huddershire 1

    Những thành tích nổi bật của Hoàng Thị Cẩm Tú:

    - Huy chương Đồng cuộc thi tiếng Anh trên Internet lớp 11;

    - Giải Nhì thi học sinh giỏi tiếng Anh tỉnh Hà Tĩnh;

    - Á khoa đầu vào khoa tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018;

    - Giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp khoa và giải Nhì cấp trường;

    - Thủ khoa đầu ra xuất sắc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022;

    - Nhận học bổng du học Thạc sĩ tại Anh khi còn là sinh viên năm 4;

    - Trở thành giảng viên khoa tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngay sau khi tốt nghiệp.

    Theo Tiền Phong

  • Hàn Bằng Thành, thạc sĩ kép Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) từ bỏ công việc lương triệu USD/năm về quê khởi nghiệp, ở tuổi 27, thu nhập khoảng 20 triệu NDT/năm.

    Hàn Bằng Thành (SN 1996) sinh ra ở Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc) là anh cả trong gia đình có em trai kém 14 tuổi. Bố mẹ của anh trước làm trong lĩnh vực kỹ thuật và xây dựng, sau chuyển sang kinh doanh.

    Thức tỉnh sau lời chỉ trích của bạn

    Hồi nhỏ, anh thường nghe mẹ kể về chú ruột là thủ khoa đại học TP Vũ Hán và đỗ vào Đại học Thanh Hoa. "Lúc đó, tôi học lớp 1 chưa hiểu chuyện, chỉ nghĩ chú làm được mình cũng làm được. Mẹ tôi nói về thành tích vẻ vang của chú, nhưng không đề cập đến quá trình học", Hàn Bằng Thành nhớ lại.

    Lên cấp 2, trong khi bạn bè tập trung học để chuẩn bị thi cấp 3, anh lại ngày đêm chơi game. "Bố mẹ biết tôi thích chơi game nhưng không cản, còn đăng ký tài khoản để tôi mua đạo cụ. Sau này, tôi mới nhận ra đây là bài học bố mẹ dạy mình".

    thac si my 1
    Hàn Bằng Thành 27 tuổi, thạc sĩ kép duy nhất của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). (Ảnh: Baidu)

    Kết quả kỳ thi cấp 3, anh đỗ Trường Trung học 1 trực thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông, nhưng điểm đứng 'đội sổ' của lớp chọn. Ngày nhập học, Hàn Bằng Thành nhớ lại từng bị các bạn cười nhạo vì điểm thấp nhất lớp: "Khoảnh khắc này, buộc tôi phải nhận bản thân kém, nếu không mải chơi kết quả đã khác. Bình tĩnh lại, tôi nghĩ cần phải học hành chăm chỉ". 

    Nguồn cơn này thôi thúc nam sinh, học nghiêm túc từ lớp 10. Sau 23h, ký túc xá tắt điện, Hàn Bằng Thành ra ban công học. Đến cuối năm, thành tích của nam sinh vươn lên đầu lớp. Với đà này, anh cho rằng nếu không thể vào Đại học Thanh Hoa, vẫn đỗ được Đại học Giao thông Thượng Hải. 

    Nghỉ hè năm lớp 10, bố mẹ thông báo hết lớp 12 Hàn Bằng Thành đi du học. Khi đó, bạn bè lại chỉ trích anh không đủ năng lực thi đại học nên phải 'chạy' ra nước ngoài. Không bận tâm đàm tiếu xung quanh, nam sinh 'lao đầu' học tiếng Anh: "Tôi học rất tâm huyết, ngồi ăn cũng cầm theo quyển từ vựng". 

    Công sức của Hàn Bằng Thành được đền đáp bằng kết quả đỗ vào khoa Toán của Đại học New York (Mỹ) với TOEFL 112/120, SAT 2260/2400, đạt điểm tuyệt đối SAT II và 5 môn AP (Chương trình xếp lớp nâng cao).

    Bắt đầu cuộc sống sinh viên tuổi 18 ở Mỹ, anh sốc văn hóa vì không tìm được sự kết nối với bạn bè. Chủ đề buổi họp lớp, mọi người chỉ đề cập nhà có bao nhiêu tiền. "Mặc dù điều kiện gia đình tôi khá tốt, nhưng so với các bạn tôi đủ tư cách để nói chuyện. Thời gian đầu, tôi cảm thấy cô đơn và trầm cảm", nam sinh bộc bạch.

    Để giải tỏa tâm trạng, anh quay lại sở thích làm ảo thuật giúp bản thân cân bằng cảm xúc. Ban đầu, anh mời 5 - 6 bạn thân đến nhà xem. Về sau, có nhiều người biết nên tối thứ 7, khoảng 30 - 40 khán giả ngồi chờ anh làm ảo thuật. Trong số đó, sau này có người vừa là bạn vừa là đối tác của Hàn Bằng Thành.

    23 tuổi thành lập công ty du học trực tuyến

    Không cho phép bản thân nới lỏng yêu cầu, ở Mỹ, Hàn Bằng Thành vẫn chăm chỉ học tập. Năm 2018, nam sinh tốt nghiệp loại xuất sắc GPA đạt 3.95/4.00.

    Kết quả này giúp anh nhận được lời mời học thạc sĩ của ĐH Columbia, Cornell và New York. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc anh quyết định học thạc sĩ kép tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ngành Phân tích Kinh doanh và Tài chính. 

    thac si my 1
    Từ bỏ vị trí Quản lý cấp cao tại tập đoàn hàng đầu Mỹ để về nước lập nghiệp, ở tuổi 27, thu nhập của Hàn Bằng Thành khoảng 20 triệu NDT/năm (hơn 68 tỷ đồng). (Ảnh: Baidu)

    Anh được bạn bè gọi là 'kẻ thu hoạch lời mời' vì sở hữu thành tích nổi bật nên được nhiều đại học danh tiếng chú ý. Sau đó, học sinh cấp 2 bắt đầu tìm đến anh, hỏi cách làm hồ sơ và thủ tục xét tuyển vào trường Mỹ. Vì nhiều người có nhu cầu, Hàn Bằng Thành nảy ra ý tưởng cung cấp dịch vụ tư vấn du học trực tuyến trả phí.

    Năm 2019, sau khi đăng tải dịch vụ này lên Tweet, vị khách đầu tiên tìm đến anh. Người này cho biết, tin vào trải nghiệm thực tế của Hàn Bằng Thành: "Hy vọng, anh có thể giúp tôi đỗ vào ngôi trường danh tiếng". Đáp lại niềm tin của khách, anh tận tâm hướng dẫn viết từ sơ yếu lý lịch đến cách trả lời phỏng vấn. Kết quả, vị khách đầu tiên của Hàn Bằng Thành đỗ vào MIT.

    "Mặc dù phí giao dịch lần đầu thấp, nhưng là cú hích quan trọng giúp tôi thành lập công ty tư vấn và cung cấp dịch du học trực tuyến. Đối tượng khách hàng của tôi, là sinh viên có nguyện vọng đỗ vào đại học danh tiếng ở Anh và Mỹ".

    Nói về khó khăn ban đầu, anh cho biết, đa phần khách hàng chưa hiểu rõ, nhưng lại muốn đốt cháy giai đoạn. Thành lập công ty riêng ở tuổi 23, Hàn Bằng Thành thiếu kinh nghiệm quản lý, mong muốn gia nhập tập đoàn lớn để học hỏi. Năm 2019, tốt nghiệp thạc sĩ anh nộp CV vào các tập đoàn lớn ở Mỹ.

    24 tuổi kiếm hàng triệu USD/năm

    Là thạc sĩ kép duy nhất của MIT, anh được tập đoàn McKinsey nhận vào vị trí Chuyên gia dữ liệu. Hàn Bằng Thành quyết định dừng chân ở tập đoàn tư vấn lớn nhất thế giới, sở hữu hệ thống quản lý hoàn chỉnh. Đây cũng là thứ anh còn nhiều thiếu sót khi điều hành công ty riêng.

    Áp lực công việc lớn, khiến anh cảm thấy ngột ngạt. Năm 2022, sau 3 năm làm việc tại McKinsey, anh rời vị trí Quản lý cấp cao với mức lương hàng triệu USD/năm và chiếc thẻ xanh để về nước lập nghiệp. Gia đình phản đối Hàn Bằng Thành nghỉ việc. Họ cho rằng, anh tốt nghiệp thạc sĩ tại MIT chỉ để điều hành công ty trực tuyến là việc phụ thấp kém. 

    Bất chấp lời nói của bố mẹ, anh vẫn về nước điều hành Công ty Tư vấn và Cung cấp dịch vụ du học trực tuyến - PH Education. Công việc hàng ngày của anh là giảng dạy, sửa bài luận và hướng dẫn trả lời phỏng vấn cho sinh viên quốc tế. 

    "Việc tôi giúp đỡ các sinh viên đỗ vào đại học top 1 thế giới, là thành tựu lớn không thể so sánh với hào quang ở McKinsey. Sinh viên nói cuộc sống của gia đình thay đổi là nhờ tôi. Với sự khẳng định này, tôi càng chắc chắn về sự lựa chọn của bản thân", Hà Bằng Thành cho hay.

    27 tuổi lương 68 tỷ đồng/năm

    Khách hàng chủ yếu của công ty là sinh viên Bắc Mỹ và số ít ở Trung Quốc. Đến nay, công ty hoạt động được 5 năm, giúp hàng nghìn sinh viên đỗ đại học top 1 ở Anh và Mỹ: "PH Education là công ty du học trực tuyến duy nhất, 5 năm liền có nhiều sinh viên đỗ vào MIT và học viên tốt nghiệp thạc sĩ có thể gia nhập công ty hàng đầu thế giới".

    Tiết lộ về mức lương, thạc sĩ 27 tuổi nói: "Tôi may mắn đạt được tự do tài chính ở tuổi 20. Hiện tại, thu nhập mỗi năm của tôi khoảng 20 triệu NDT (hơn 68 tỷ đồng)". Chia sẻ về dự định, CEO trẻ tuổi cho biết, thời gian tới công ty sẽ chuyển sang hoạt động trực tiếp, thay vì chỉ cung cấp dịch vụ trực tuyến như trước.

    Với Hàn Bằng Thành đây là thử thách mới, vì quản lý công ty ngoại tuyến khó hơn xây dựng lộ trình khóa học và kết nối khách hàng. Tuy nhiên, anh không rụt rè vẫn cảm thấy phấn khích với trải nghiệm này. Nhờ những năm tháng học tập, xin việc và khởi nghiệp, anh nhận ra khó khăn giúp bản thân bộc lộ nhiều khả năng.

    Luôn kiên định vào con đường bản thân lựa chọn là phương châm hành động của CEO 27 tuổi. Minh chứng cho điều này, là hành trình từ một học sinh ở Vũ Hán, tốt nghiệp Đại học New York và có thạc sĩ kép tại MIT. Sau này, từng đảm nhiệm vị trí Quản lý cấp cao tại tập đoàn McKinsey, đến CEO của công ty du học đạt doanh thu cao hiện nay. 

    Vietnamnet (theo Sina)

  • Chàng trai sinh năm 1995 đang giảng dạy ở 2 đại học danh tiếng là nhà khoa học Việt vừa nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh.

    Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chỉ trong 2 năm; giảng dạy tại 2 trường đại học danh tiếng; sở hữu bằng lái máy bay hạng nhẹ… Đó là những điều mà ít người nghĩ chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Huyền Đức đã làm được.

    nguyen huyen duc 1
    Tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức đã có bằng lái máy bay hạng nhẹ vào năm 2017.

    Nhận giải thưởng danh giá

    Học hết lớp 11 chuyên vật lý tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trước khi lên đường sang Anh, tại London, Nguyễn Huyền Đức hoàn thành chương trình trung học A-level sớm 1 năm và đoạt huy chương bạc trong kỳ thi học sinh giỏi vật lý toàn quốc tại Anh năm 2013.

    Năm 2019, anh tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol, trước khi theo học bậc tiến sĩ tại đây và hoàn thành năm 2021.

    Cuối tháng 11 vừa qua, Nguyễn Huyền Đức được vinh danh là Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022 (Young Persons’ Achievement Award) của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society- RaeS).

    Đây là giải thưởng của RAeS dành cho các cá nhân hoặc đoàn thể dưới 30 tuổi có thành tựu hoặc triển vọng đặc biệt trong ngành.

    Giải thưởng năm nay, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức là nhà khoa học duy nhất nhận giải thưởng cao nhất của RAeS dành cho những người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, có 9 gương mặt trẻ khác được tuyên dương hoặc nhận các hình thức khen thưởng ở mức độ thấp hơn.

    nguyen huyen duc 1
    Nguyễn Huyền Đức nhận giải Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022.

    Anh cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society- RAeS).

    Giải thưởng của RAeS là một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín nhất của cộng đồng hàng không toàn cầu nhằm tôn vinh những cá nhân và các nhóm có thành tựu và phát minh xuất sắc trong ngành công nghiệp hàng không thế giới.

    Phát biểu tại Lễ trao giải năm 2022 diễn ra tại London, Chủ tịch RAeS Peter Round cho biết, giải thưởng của Hiệp hội ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc hàng năm của các giám đốc điều hành cấp cao, cũng như các nhà lãnh đạo tương lai của ngành hàng không trong lĩnh vực kỹ thuật, bay quốc phòng, đào tạo, nghiên cứu và giáo dục.

    “Thành tích của những cá nhân đoạt giải năm nay thể hiện các cam kết và đổi mới không ngừng hướng tới những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ toàn cầu”, ông khẳng định.

    Đam mê bầu trời từ nhỏ

    Nếu điểm lại các thành tích của tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức, có thể thấy anh luôn đạt được các thành tích học tập trong thời gian rất ngắn: Hoàn thành chương trình trung học A-level sớm 1 năm; tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol vào năm 2019; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol trong 2 năm (2019 - 2021) - chỉ bằng một nửa thời gian quy định để hoàn thành luận án tiến sĩ tại Anh.

    Tuy đạt được những thành tích lớn trong thời gian rất ngắn nhưng anh thừa nhận lý do và động lực lớn nhất là vì… ngại học.

    Ngại ở đây không phải là “chán học” mà bởi chàng trai trẻ mong muốn bên cạnh việc học, “bản thân còn được bay nhảy, nhìn ngắm, hưởng thụ cuộc sống”.

    Do đó, anh luôn tìm cách chuẩn bị sớm, sắp xếp khoa học để làm sao hoàn thành khối lượng bài đúng theo yêu cầu.

    “Trước khi sang Anh, tôi đã tìm hiểu nội dung các môn học chương trình trung học A-level bên này và chọn những môn có nhiều điểm tương đồng với chương trình học ở Việt Nam (thường là các môn tự nhiên) để giảm sức ép, nhờ đó có thêm thời gian để tìm hiểu cuộc sống, ngôn ngữ, văn hóa của người Anh.

    Tôi cũng đặt vấn đề học tiến sĩ với các thầy từ năm thứ ba đại học nên có thêm thời gian chuẩn bị và tìm hiểu đề tài trước khi chính thức bắt đầu khóa học tiến sĩ”, anh chia sẻ.

    Có lẽ chính việc hiểu rõ đam mê, biết rõ mong muốn và cả những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cùng cách sắp xếp công việc hợp lý, thông minh nên anh không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có thời gian để học và sở hữu bằng lái phi công tư nhân, dù chỉ mới 27 tuổi.

    “Tôi yêu thích máy bay từ bé, từ việc làm máy bay bằng bìa, bằng xốp đến những trò chơi điện tử trên máy tính của bố mẹ. Đó cũng là lý do tôi ham mê môn vật lý.

    Sau này qua các bài học lịch sử, tôi càng ngưỡng mộ tính sáng tạo, táo bạo của các chiến sĩ phòng không không quân Việt Nam.

    Tôi rất thích xem các chương trình phim tài liệu và phóng sự về ngành hàng không của đất nước và thế giới, đặc biệt là bộ phim Vùng trời.

    Sau này, tại Anh, tôi được tiếp cận với các ứng dụng của máy bay không người lái cho các dự án nghiên cứu núi lửa và bảo tồn động vật hoang dã của giáo sư Thomas Richardson. Những điều này càng củng cố đam mê chinh phục bầu trời của tôi”, anh chia sẻ.

    Luôn hướng về nguồn cội

    nguyen huyen duc 1
    Thông báo Giải thưởng Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022 được trao cho Nguyễn Huyền Đức.

    Đi du học rồi làm việc xa đất nước đã hơn 10 năm nhưng khi chia sẻ với báo giới quốc tế và trong nước tại thời điểm nhận được giải thưởng danh giá, Nguyễn Huyền Đức luôn dành tình cảm đầu tiên và đặc biệt dành cho đất nước, cội nguồn.

    Anh cho hay, quãng thời gian học tập và lớn lên tại Việt Nam đã rèn cho mình nhiều kĩ năng quan trọng để có được thành công.

    “Người Việt mình luôn biết cách tận dụng, chắt lọc những tinh hoa dù là nhỏ nhất mà trời đất ban cho để biến nó thành những tác phẩm tinh xảo, phát triển thành những làng nghề.

    Điển hình như các sản phẩm thủ công từ lụa tơ sen, một loại vải mềm nhẹ được dệt từ những sợi tơ được lấy từ phần cuống của hoa sen, nay đã được bạn bè quốc tế công nhận là tinh xảo, có giá trị lớn.

    Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society - RAeS) được thành lập năm 1866, là tổ chức hàng không uy tín gồm những hội viên là các tổ chức và tập đoàn hàng không trên toàn thế giới, trong đó có những tên tuổi lớn như Boeing, Airbus, BAE Systems, Viện Hàng không và Du hành vũ trụ Mỹ (AIAA), Hiệp hội doanh nghiệp hàng không châu Á (AsBAA), Cơ quan vũ trụ Anh (UKSA), Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA).

    Được lớn lên và bồi đắp từ tinh thần ấy, ở những năm đầu khi công việc còn nhiều khó khăn, tôi vẫn luôn giữ vững niềm tin, tập trung học tập, nghiên cứu để hướng tới đạt một trình độ nào đó trong lĩnh vực mình yêu thích. Và may mắn là cũng có những đóng góp được bạn bè quốc tế ghi nhận”, anh chia sẻ.

    Chàng tiến sĩ trẻ nhớ lại, khi mới sang Anh, một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa bản địa. Từ giỏi ngoại ngữ đến hội nhập là một khoảng cách lớn.

    Sự tự chủ và chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề, đòi hỏi phải lên kế hoạch từ sớm. Song, anh cho biết, thời gian học tập tại Việt Nam, anh đã được rèn luyện sẵn những kĩ năng này nên công việc nhẹ đi rất nhiều.

    Chàng trai cũng tự nhận mình may mắn khi được sang Anh cùng với gia đình và luôn có bố mẹ động viên, ủng hộ trong việc học tập và lựa chọn công việc.

    Từ chối tiết lộ những thông tin liên quan đến gia đình, anh cho hay hiện tại vẫn chưa kết hôn và sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy vẫn được anh đặt lên hàng đầu.

    “Bên cạnh đó, tôi cũng luôn hướng đến những tấm gương các anh chị, cô chú người Việt đã gặt hái nhiều thành công ở nước bạn để từng bước định hướng và xác định lộ trình của riêng mình tại môi trường học thuật cạnh tranh như Anh Quốc”, anh nói thêm.

    Mong muốn đóng góp cho khoa học nước nhà

    Chia sẻ về ngành hàng không Việt Nam, tiến sĩ Đức cho biết, ngành hàng không trong nước đã phát triển mạnh trong lĩnh vực thương mại và kĩ thuật qua việc hợp tác với các công ty tên tuổi như Airbus, Boeing. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp hơn tới đời sống của người dân.

    “Ở Anh và nhiều nước phát triển, máy bay hạng nhẹ và không người lái dân sự được xem là vượt trội cho nhiều vấn đề cấp bách về môi trường và nghiên cứu khoa học, điển hình như các dự án của Giáo sư Thomas Richardson và khóa học Thạc sĩ về máy bay không người lái duy nhất tại Anh tại trường Đại học Bristol.

    Qua đó, tôi mong muốn sẽ có nhiều dự án tương tự tại Việt Nam trong tương lai, góp phần cải thiện những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp hay năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, anh nói.

    Trong thời gian tới, Nguyễn Huyền Đức kỳ vọng có thể tiếp tục mở rộng nghiên cứu và nâng cao kiến thức chuyên môn với mong muốn được kết nối, hợp tác với bạn bè trong nước và quốc tế.

    Chàng trai trẻ cũng hy vọng được tham gia những dự án cụ thể với các đơn vị và cá nhân trong nước.

    Đầy hoài bão, lý tưởng và mạnh mẽ nhưng nét hồn nhiên, vô tư của chàng trai 27 tuổi vẫn thể hiện rõ ở Đức khi anh chia sẻ, dù học tập, làm việc tại Anh suốt thời gian dài, đi không ít quốc gia trên thế giới nhưng thú vui lớn nhất của Đức chính là được về thăm gia đình, bạn bè tại Việt Nam với lý do đơn giản là… được ăn ngon.

    Hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức đang đảm nhiệm hai vị trí: Nghiên cứu về điều khiển tự động trong sản xuất vật liệu tổng hợp (composites) cho ngành hàng không tại Đại học Bristol và giảng dạy bộ môn điều khiển tự động cho một khóa học trực tuyến của trường đại học Cambridge (University of Cambridge), là nhà phê bình cho nhiều tạp chí học thuật hàng đầu.

    Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Đức xếp dài với 8 tài liệu khoa học trên tạp chí khoa học nhóm Q1 (Quartile 1 - nhóm tạp chí uy tín nhất) và giới thiệu 11 tài liệu khoa học tại các hội nghị chuyên ngành hàng không quốc tế tại Anh, Mỹ, Đức, Italy và Thụy Sĩ về nhiều chủ đề như động lực học máy bay, các phương pháp phân nhánh và điều khiển tự động, sản xuất vật liệu tổng hợp…

    Theo Baogiaothong

  • Nguyễn Hưng Quang Khải (sinh năm 2000) đang là nghiên cứu sinh ngành Toán tài chính tại Đại học Manchester, Anh Quốc với học bổng toàn phần dài 3,5 năm. Trước đó nam sinh cũng xuất sắc nhận học bổng 100% tại trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM và học bổng bán phần tham dự kỳ trao đổi sinh viên 6 tháng tại đại học UTS ở Úc.

    Nguyễn Hưng Quang Khải (quê Phú Yên) gây ấn tượng với nhiều giảng viên và bạn bè với thành tích đáng nể từ thời sinh viên. Quang Khải theo học ngành Toán tài chính tại trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM và tốt nghiệp hạng xuất sắc với vị trí Á khoa của ngành.

    Theo chia sẻ của Khải, anh chàng còn có kinh nghiệm 2 năm làm việc tại một quỹ đầu tư tài chính với vị trí là Quantitative Researcher.

    Sau khi tốt nghiệp, Quang Khải không học thạc sĩ mà học thẳng lên tiến sĩ. Hiện tại anh chàng đang là nghiên cứu sinh ngành Toán tài chính tại Đại học Manchester, Anh Quốc với học bổng toàn phần do khoa Toán của trường cấp kéo dài 3.5 năm.

    tien si viet tai anh 1
    Nguyễn Hưng Quang Khải (sinh năm 2000) đang là nghiên cứu sinh ngành Toán tài chính tại Đại học Manchester, Anh Quốc với học bổng toàn phần dài 3,5 năm.

    Khoảnh khắc nhận được tin giành được học bổng toàn phần hệ Tiến sĩ, Quang Khải không che giấu được sự vui mừng và hãnh diện. Bởi Đại học Manchester là một trong những trường đại học nổi tiếng nhất Vương Quốc Anh và trên toàn thế giới với bề dày lịch sử gần 200 năm về đào tạo và nghiên cứu.

    Hiện tại, trường Khải theo học nằm trong top 32 trường đại học ở thế giới và top 10 trường đại học lớn nhất tại châu Âu.

    “Vậy là niềm mong ước bấy lâu để trở thành sự thật. Mình đã may mắn được theo học bậc Tiến sĩ ngành Toán tài chính vì đây cũng là ngành mình học ở đại học. Đây cũng là ngành khá thú vị đối với mình, khi mình được thấy những ứng dụng thiết thực, tuyệt đẹp trong thế giới tài chính”, Quang Khải nói thêm.

    Chia sẻ về quyết định theo đuổi ngành học chuyên sâu, anh chàng Phú Yên cho biết tài chính là ngành còn khá mới ở Việt Nam, Khải mong muốn dành ra thời gian dài để nghiên cứu, học tập để trong tương lai có kiến thức chuyên sâu hơn, từ đó có một số đóng góp nhỏ cho ngành Tài chính tại Việt Nam.

    Để chinh phục học bổng du học Tiến sĩ theo Khải là cả quá trình dài, bắt đầu từ những sự cố gắng phấn đấu khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

    Ngay khi vào đại học, Quang Khải đã đặt ra nhiều mục tiêu, bao gồm có một bảng điểm thật tốt, tham gia và đạt giải nhiều cuộc thi lớn, tham dự trao đổi sinh viên, các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời bắt tay vào nghiên cứu và tạo ra thành quả cho những dự án khoa học.

    Tất cả điều này sẽ giúp cho CV của anh chàng có tính cạnh tranh cao, từ đó thuận lợi hơn để đạt được học bổng. Quang Khải tâm sự: “Trải qua quá trình này điều mình nhận lại nhiều nhất không phải là học bổng, mà là sự nhẫn nại, kiên nhẫn, tư duy giải quyết vấn đề và bộ óc luôn tìm tòi, học hỏi”.

    tien si viet tai anh 1
    Để chinh phục học bổng du học Tiến sĩ theo Khải là cả quá trình dài, bắt đầu từ những sự cố gắng phấn đấu khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

    Một số thành tích Khải đã đạt được như: Giải Nhất Olympic Kinh tế Lượng toàn quốc năm 2021, Huy chương Vàng kỳ thi Toán học Không Biên Giới tại Bulgaria năm 2018, Giải Vàng cuộc thi AlphaThon do World Quant tổ chức năm 2019, Top 8 học sinh đại diện Việt Nam tham dự Trại hè Khoa học Châu Á tại Indonesia năm 2018, giành bổng toàn phần 4 năm học tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, học bổng Trao đổi Sinh Viên ISEP tại Úc năm 2020,... Tất cả đã tạo một bước đà vững chắc để anh chàng thực hiện ước mơ du học của mình.

    Trong quá trình chinh phục học bổng Tiến sĩ, Khải luôn nhận được sự trợ giúp của thầy quá trình apply có phần thuận lợi. Tuy nhiên, anh vẫn gặp phải những khó khăn liên quan tới giấy tờ, chuẩn bị khá gấp rút để kịp thời hạn. Trở thành nghiên cứu sinh ở độ tuổi khá trẻ nên Quang Khải cũng có nhiều áp lực vì vẫn còn non nớt về kinh nghiệm nghiên cứu, hơn nữa là phải sinh sống và học tập ở đất nước có văn hóa khác xa Việt Nam đôi lúc khiến anh chàng hơi lạ lẫm, cô đơn.

    tien si viet tai anh 1
    Sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ Quang Khải hy vọng có cơ hội làm việc trong các tổ chức tài chính lớn hoặc quỹ đầu tư hàng đầu.

    Nhưng vượt lên những tâm lý khó khăn đó, chàng trai vẫn quyết tâm chinh phục con đường học thuật. Khải nhận thấy bản thân cần tiếp tục duy trì tinh thần học hỏi và sẵn sàng để thay đổi, phát triển. Khải luôn thử thách bản thân, nắm vững kiến thức mới, và tìm kiếm cơ hội học hỏi từ người khác mọi lúc mọi nơi.

    Đồng thời, theo Khải việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân cũng rất quan trọng để duy trì tinh thần sáng tạo và năng suất trong công việc nghiên cứu.

    Quang Khải hiện đang tập trung tối đa cho kế hoạch ngắn hạn là hoàn thành chương trình Tiến sĩ, xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai. Sau khi hoàn thành chương trình, Quang Khải hy vọng có cơ hội làm việc trong các tổ chức tài chính lớn hoặc quỹ đầu tư hàng đầu.

    “Mình muốn áp dụng kiến thức và mô hình tài chính mà mình học được vào thực tế để đóng góp cho ngành Tài chính và tạo ra giá trị cho tổ chức mà mình phục vụ. Điều này sẽ giúp mình phát triển nghề nghiệp của mình và đóng góp tích cực cho lĩnh vực này”, Khải cho biết.

    Theo Tiền Phong

  • Từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính ở Anh, làm ngân hàng quần áo là lượt, trắng trẻo, Đình Sơn sụt gần 20kg, da nhuộm đen màu nắng vì bỏ phố về vườn khởi nghiệp trồng ớt ngoại.

    Chưa đến 10 giờ, cái nắng Khánh Hòa táp vào gương mặt thư sinh của người đàn ông gốc Hà Nội. Tăng Đình Sơn (36 tuổi) gác cuốc sang một bên, tìm bóng mát nghỉ ngơi giữa khu vườn 10 hecta.

    "Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ muốn thay đổi cuộc sống của mình. Sau dịch Covid -19 từ 2 năm trước, thấy cuộc sống ở thành phố gò bó, ngột ngạt, mình quyết định về vườn khởi nghiệp", Sơn vui vẻ nói.

    dinh son trong ot 1
    Sơn cũng không ngờ từ sở thích ăn cay lại khiến bản thân có động lực khởi nghiệp với trái ớt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Phải có kế hoạch

    Sơn quyết định nhanh chóng. Song, ít ai biết trước đó, anh đã ấp ủ kế hoạch về vườn từ lâu bằng cách mua một mảnh đất để "làm vốn". Là dân kinh tế, tài chính, Sơn tính toán trước điều bất cập khi bỏ phố về vườn nhưng không có đất canh tác. Nếu thuê đất, anh có thể gặp rủi ro vì chủ có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Khi đó sẽ rất khó khăn cho việc bắt đầu lại.

    "Mình không bỏ phố về vườn theo 'trend'. Mình có sự chuẩn bị và khuyên những người có ý định khởi nghiệp ngành nông nghiệp nên tính phương án đầu tư một mảnh đất trong khả năng", anh Sơn nói.

    Tự tin mình là dân thể thao, nhưng những ngày đầu, Sơn bị cái nắng miền Trung đánh gục. Chưa kể, vốn là sinh ra ở thành phố, việc cầm cuốc, phát cỏ với Sơn cũng là những trải nghiệm mới mẻ.

    Trong khi tập quen với những công việc nhà nông, Sơn tình cờ đọc 1 bài báo nước ngoài viết về cuộc thi ăn cay. Nhớ lại 2 năm học thạc sĩ ở Anh, anh mê nhất là những loại tương ớt ở đó. Bản thân anh cũng là người rất thích ăn cay, nên thấy bị thu hút bởi loại trái này.

    "Ớt là một loại gia vị phổ biến, có tiềm năng kinh tế nên mình nảy ra ý tưởng lập một nông trại trồng đủ loại ớt trên thế giới", Sơn chia sẻ. 

    Vậy là anh lập tức nhờ bạn ở nước ngoài mua giúp hạt giống loại ớt Carolina Reaper đỏ về ươm. Đây là loại ớt đang nắm giữ danh hiệu cay nhất thế giới với hơn 2 triệu đơn vị cay (SHU), gấp 7 lần ớt chỉ thiên của Việt Nam. Giá bán đến gần 1 triệu đồng/kg. Sau nhiều ngày chờ đợi, tỉ lệ hạt nảy mầm chỉ được 30%.

    dinh son trong ot 1
    Vườn của Sơn cũng đón khách đến tham quan khu vực trồng 50 loại ớt trên thế giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Nhận thấy thời tiết Khánh Hòa nắng nhiều, phù hợp để ớt đạt đến độ cay tốt nhất. Song, cũng vì thế mà tỉ lệ hạt gieo nảy mầm thấp. Vậy là anh đầu tư thêm một mảnh vườn để ươm mầm ở Đà Lạt. Khi cây giống lớn khỏe, anh mới đem về vườn chăm sóc. Ớt ngoại Sơn trồng có ưu điểm, không chỉ thu hoạch 1 vụ mà có thể hái lai rai đến 3 năm.

    Trồng số lượng ít vài trăm cây thì phát triển tốt, năng suất cao. Nhưng khi số lượng lên trên 1.000 cây, sâu bệnh phát triển nên thiệt hại nhiều. Chưa kể, bỏ nhiều mua nhiều giống ớt nhưng vì không hợp thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam nên cây chết, mất trắng vốn đầu tư. 

    Sơn tìm đến các vườn ở Đà Lạt, Đak Lak... học hỏi các quy trình trồng ớt thành công ở Việt Nam về áp dụng cho mình. Sơn rút ra, kinh nghiệm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" vẫn là cách tốt nhất cho cây.  Bằng cách phun thuốc trước cho cây con như một "liều liều vắc xin" phòng bệnh, Sơn khắc phục được tình trạng sâu bệnh về sau. 

    Thay đổi cách làm nông truyền thống

    Hiện tại, Sơn xây dựng một nông trại nhỏ với đủ các dịch vụ, trồng 50 loại ớt ngoại để khách tham quan. Cạnh bên, một khoảng vườn rộng trồng chủ lực các loại ớt: hơi thở rồng; carolina đỏ, vàng; palermo; habanero để làm tương ớt.

    Nhiều người cũng cho rằng Sơn ôm đồm khi khởi nghiệp trồng ớt và làm sản phẩm thương mại cùng lúc.

    Tuy nhiên, Sơn nhìn ra được vấn đề: "Nông dân xưa nay chỉ tập trung trồng trọt, tới mùa thu hoạch thì bị thương lái ép giá, không chủ động đầu ra. Làm thêm xưởng chế biến tương ớt là cách giải quyết bài toán muôn thuở".

    dinh son trong ot 1
    Đình Sơn khoe mẻ ớt Carolina Reaper đỏ cay nhất thế giới vừa thu hoạch để làm tương ớt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Ban đầu là những mẻ nhỏ gửi bạn bè dùng, khi đúc kết được quy trình riêng anh bắt đầu sản xuất số lượng lớn. Thương hiệu tương ớt của anh đã có mặt ở những nhà hàng, siêu thị chuyên bán đồ hữu cơ ở Hà Nội, TP.HCM. Những chuyến công tác về thủ đô gặp khách hàng, Sơn tranh thủ thăm gia đình.

    "Đến giờ, bố mẹ mình vẫn xót khi thấy mình gầy và đen đi nhiều. Tuy nhiên, không có con đường nào trải đầy hoa hồng, miễn là mình hiện tại mình vẫn hài lòng và vui với chọn lựa này", Sơn nói.

    Điều may mắn của Sơn trên chặng đường khởi nghiệp làm nông đó là được người bạn đời ủng hộ. Vợ anh là người thường quay, chỉnh sửa video để chồng đăng lên mạng xã hội chia sẻ về những loại ớt ngoại chưa được nhiều người biết đến.

    Từ anh nhân viên ngân hàng suốt ngày ngồi phòng máy lạnh, giờ đây Sơn đứng trước ống kính, hướng dẫn cách trồng ớt bằng những bài học đã đổi bằng tiền, mồ hôi mà có được.

    dinh son trong ot 1
    Mẻ ớt Carolina vàng, một trong những loại dùng làm tương ớt của Sơn.

    Ông Bùi Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch xã Ninh Tây, TX.Ninh Hòa cho biết, công ty TNHH Nông nghiệp xanh Ninh Tây Farm của Sơn đã tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Bên cạnh những người làm thuê thì Sơn cũng hướng dẫn để mọi người chuyển đổi từ mía, mì sang trồng ớt, bao tiêu đầu ra.

    "Địa bàn xã có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn. Những năm qua, nhờ những doanh nghiệp như Sơn về đây phát triển nhiều mô hình làm ăn mới, giúp đỡ bà con nên chính quyền rất hoan nghênh và hỗ trợ", ông Hưng nói.

    Đầu tháng 7, những trận mưa lớn và sạt lở đất ở Đà Lạt cũng làm ảnh hưởng đến vườn ươm giống của anh. Từ Khánh Hòa lên thăm vườn, nhìn những cây ớt hơi thở rồng lần đầu tiên thử nghiệm trồng ở Việt Nam của mình ngã rạp, Sơn chợt nghĩ, con đường khởi nghiệp này sẽ còn vô vàn thử thách buộc anh phải vượt qua. Vậy là xắn ngay tay áo, anh nông dân bắt đầu dọn dẹp, tiếp tục ươm thêm những mầm xanh mới cho vụ sau.

    Theo Thanh Niên

  • du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0

    Là sinh viên khoa Điện ảnh, Phim và Kịch nghệ nhân văn, Ngô Hải Nhất Minh (sinh năm 2003) đã hoàn thành xuất sắc chương trình ba năm và trở thành người đầu tiên trong lịch sử trường Đại học Manchester nhận bằng cử nhân chỉ sau một năm theo học.

    Từng được biết đến là chàng trai nói tốt 8 thứ tiếng cùng thành tích đứng đầu trong suốt những năm học tại trường quốc tế Pháp - Alexandre Yarsin (Hà Nội), Ngô Hải Nhất Minh đã lựa chọn một mình sang Mỹ du học tại trường trung học phổ thông nội trú Iolani, bang Hawaii, Mỹ với học bổng toàn phần 60.000 USD (1,37 tỷ đồng) một năm.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0
    Nhất Minh lựa chọn một mình đi du học ở bậc THPT.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0
    Nam sinh từng giành rất nhiều giải thưởng, cúp, huy chương Vàng từ các kỳ thi trong hệ thống trường quốc tế và các CLB thuộc nhiều lĩnh vực như Toán học, ngôn ngữ, cờ vua, võ thuật, thể thao.

    Cuối tháng 5/2021, Nhất Minh tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình (GPA) 3.95/4.0, sau đó đỗ 5 đại học Mỹ, trong đó ba trường có chuyên ngành làm phim hàng đầu là Đại học New York, Đại học Dartmouth và Đại học Loyola Marymount.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0
    Thi thoảng nam sinh vẫn chia sẻ một vài khoảnh khắc đời thường trên trang cá nhân.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0
    Bên cạnh việc học, Minh còn đam mê tập gym và môn đấu vật.

    Thế nhưng, Nhất Minh đã quyết định sang Anh học tiếp để có thể trải nghiệm văn hóa và giáo dục nơi đây. Đồng thời, bậc đại học ở Anh chỉ kéo dài ba năm thay vì bốn năm như ở Mỹ sẽ giúp nam sinh tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn. Minh nộp hồ sơ ứng tuyển và đỗ vào khoa Điện ảnh, Phim và Kịch nghệ nhân văn của trường Đại học Manchester - ngôi trường từng lọt top 5 trường đại học hàng đầu ở Anh và top 30 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2021, theo bảng xếp hạng QS World University Rankings.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0
    Nhất Minh đã quyết định sang Anh học tiếp để có thể trải nghiệm văn hóa và giáo dục nơi đây.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0
    Song song với việc học ở trường, Minh còn tham gia nhiều dự án làm phim, kịch ở bên ngoài tại các studio và các nhà hát lớn ở London, Bristol, Liverpool...

    Nhất Minh dự định sau khi tốt nghiệp sẽ quay lại Mỹ học bậc thạc sĩ. Nhưng đến tháng 6/2022, nam sinh đã hoàn thành xuất sắc chương trình học ba năm và trở thành sinh viên đầu tiên trong lịch sử trường Đại học Manchester nhận bằng cử nhân chỉ sau một năm theo học.

    Ban đầu, Nhất Minh không hề nghĩ đến việc mình sẽ đạt được thành tích đó. Chàng trai chỉ luôn cố gắng làm mọi việc tốt nhất có thể trong khả năng của mình và tận dụng tối đa mọi thời gian cho niềm đam mê của bản thân.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0

    Theo Nhất Minh, có hai yếu tố quan trọng để nam sinh có được kết quả như ngày hôm nay: “Yếu tố phải kể đến đầu tiên và có tác động lớn nhất chính là sự may mắn. Mình cảm thấy bản thân rất may mắn khi có điểm tựa là gia đình luôn khuyến khích và ủng hộ mỗi một quyết định của mình. Mười năm học tại trường quốc tế Pháp - Alexandre Yarsin đã cho mình những trải nghiệm quý báu suốt những năm đầu tuổi học trò. Tiếp đó, mình đã có cơ hội học bậc trung học phổ thông ở Mỹ, tại một ngôi trường hội tụ những giáo viên có tâm và có tầm, giúp mình nuôi dưỡng đam mê theo đuổi sự nghiệp. Và yếu tố quan trọng thứ hai với mình chính là sự nỗ lực. Nếu bạn không biết cố gắng bao nhiêu là đủ, thì hãy cố gắng hết sức. Vì thiên tài không do bẩm sinh mà do sự nỗ lực rèn luyện.”

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0

    Tiến sĩ Robert Watts, giảng viên ngành Truyền hình & Công nghiệp sáng tạo tại Đại học Manchester nhận xét: “Minh là một tài năng trẻ đã tạo ra những tác phẩm chất lượng tuyệt vời. Minh luôn chăm chỉ, nghiêm túc, sáng tạo, đam mê và tràn đầy nhiệt huyết. Cường độ làm việc của Minh đôi khi có thể sánh bằng nhiều sinh viên khác cộng lại. Tài năng và sự tận tâm đã giúp Minh hoàn thành xuất sắc chương trình đại học ba năm chỉ trong một năm, điều chưa từng có ở trường chúng tôi. Chúng tôi mong chờ được chào đón Minh trở lại khuôn viên Đại học Manchester vào năm 2024 để tham dự lễ tốt nghiệp của trường.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0

    Với việc tốt nghiệp sớm, Nhất Minh đã tiết kiệm được khoảng 3,5 tỷ đồng tiền học phí và sinh hoạt phí. Ở tuổi 19, nam sinh quyết định quay lại Mỹ để học bằng đại học thứ hai, chuyên ngành Đạo diễn và Sản xuất phim. Nhất Minh tiết lộ đã chọn nộp hồ sơ và đỗ vào ngôi trường mà bản thân cảm thấy tốt nhất, phù hợp nhất với tất cả những tiêu chí mình mong muốn. Điều này khiến chàng trai hài lòng đến mức chỉ có thể nói rằng cho dù vô cùng bận rộn ngày đêm nhưng Nhất Minh đang thực sự tận hưởng từng khoảnh khắc quý giá ở ngôi trường này.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0

    Trong thời gian tới, Nhất Minh dự định sẽ tiếp tục thực hiện các dự án sáng tạo cá nhân, đồng thời tìm cách đưa sản phẩm của mình ra toàn cầu, tìm kiếm và hợp tác với những đối tác có thể tài trợ cho các dự án của những sinh viên tài năng nhưng có nguồn lực tài chính hạn chế để hiện thực hóa những ý tưởng tuyệt vời của họ.

    du hoc sinh anh ngo hai nhat minh 0

    Nhất Minh hi vọng sẽ sớm trở thành một nhà làm phim độc lập, tìm ra cách quảng bá những ý tưởng khác với công thức chủ đạo của những bộ phim bom tấn tốn kém. Chàng trai muốn chứng minh rằng: Bạn không cần hàng triệu đô la để tạo ra thứ gì đó đặc biệt.

    Theo SVVN

  • Từng dở tiếng Anh nhất lớp thời phổ thông, bằng nỗ lực tự học, Nguyễn Chí Hiếu là cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, lấy bằng tiến sĩ Đại học Stanford (Mỹ), thủ khoa MBA Đại học Oxford (Anh)...

    Đoạt học bổng 100% dù dở tiếng Anh, đi xe đạp…

    Nguyễn Chí Hiếu là CEO Tổ chức Giáo dục IEG và cũng được biết đến là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, cố vấn cao cấp cho nhiều hệ thống trường phổ thông, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục tại Việt Nam.

    Hiếu tham gia giảng dạy đa môn từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học, đại học và sau đại học.

    Đặc biệt, anh còn được biết đến với việc giới thiệu và nhân rộng các phương pháp giảng dạy mới.

    Riêng năm 2019, Nguyễn Chí Hiếu đã thực hiện 63 buổi đào tạo cho hơn 2.500 giáo viên, tham gia 46 buổi hội thảo, chia sẻ, đến 20 trường nói chuyện với học sinh/sinh viên…

    nguyen chi hieu 1
    Từng dở tiếng Anh nhất lớp thời phổ thông, bằng nỗ lực, Nguyễn Chí Hiếu là cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004.

    Chia sẻ về hành trình từ cậu bé "nhà quê", trở thành sinh viên xuất sắc nhất nước Anh năm 2004 và một loạt thành công sau này, Chí Hiếu cho rằng, đó là quãng thời gian lăn lộn tự học, biết cách quản lý thời gian hiệu quả, mặc dù trong tay không có gì so với các bạn.

    "Năm 2001, ở tuổi 17, từ Bình Định, tôi được bố mẹ cho vào TP Hồ Chí Minh học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

    Lúc ấy bố mẹ chỉ nghĩ, cho tôi vào làm quen với thành phố một năm để chuẩn bị thi đại học. Không ngờ chỉ sau một năm, tôi giành học bổng 100% để sang Anh du học.

    Nhiều người hỏi, học bổng của Nguyễn Chí Hiếu đến từ đâu. Tôi nghĩ, nó đến từ một thứ đó là nỗ lực tự học và quản lý thời gian hiệu quả", Hiếu nói.

    Theo lời kể của Chí Hiếu, lúc mới vào trường, cậu bé thật bỡ ngỡ vì mình chỉ là một đứa nhà quê, đi xe đạp.

    Hiện nay, xe Mercedes là bình thường nhưng vài chục năm trước, nhiều bạn trong lớp Hiếu lúc bấy giờ đã được gia đình đưa đón bằng xe Mercedes.

    Các bạn diện quần áo hàng hiệu sành điệu, trong khi bộ đồ trên người cậu học trò Chí Hiếu chắc chỉ đáng giá vài trăm ngàn.

    "Thời đó, tôi chưa biết nước ngoài là gì nhưng các bạn trong lớp đã du lịch nước ngoài như đi chợ. Không có gì trong tay nhưng vì sao đến cuối năm, tôi là người duy nhất đoạt học bổng", Hiếu đặt câu hỏi.

    Và rồi anh cho hay: "Tôi không có đồ đẹp nhưng chịu khó đi dự tất cả các hội thảo du học. Tôi không đi Mercedes, không có đồ đẹp, không có laptop... nhưng tôi đi dự 24 buổi hội thảo, ghi chép toàn bộ vào sổ tay, làm bài thử, phỏng vấn thử…

    Đến buổi hội thảo thứ 25, tôi có học bổng 100%. Điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn con đường của tôi".

    nguyen chi hieu 1
    Dù sang đến đâu, cũng không bằng chuyến bay về nhà vào giây phút cuối năm, không bằng bữa cơm quê và giường chiếu cói.

    Sang đến đâu cũng không bằng về nhà

    TS Nguyễn Chí Hiếu, 36 tuổi, quê Bình Định, là cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004 theo kết quả của Hội đồng khảo thí A-level; top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 do Viện Giáo dục quốc tế IIE bình chọn. Anh lấy bằng tiến sĩ từ Đại học Stanford (Mỹ), từng đạt thủ khoa MBA Đại học Oxford (Anh).

    Để đạt được điều này, theo Nguyễn Chí Hiếu, nhiều thứ đến không phải vì người đó giỏi và thông minh nhất, mà vì họ biết mình đang dành thời gian như thế nào.

    Anh chia sẻ: "Thậm chí đến bây giờ, một số người vẫn ngạc nhiên kiểu 'ủa, hồi cấp 2, Hiếu học cũng bình thường mà'. Nhưng tôi nghĩ, những nỗ lực nhỏ sẽ mang lại thay đổi lớn".

    Nỗ lực đó bắt đầu từ những ngày đầu tiên Hiếu đến xứ sở sương mù. Vốn dở tiếng Anh nhất lớp thời phổ thông nên khi du học Anh quốc, thời gian đầu, Hiếu nghe nhưng không hiểu gì cả.

    Lúc đó cậu cứ bật ti vi lên, nghe triền miên. Bật đến chương trình "Ai là triệu phú" gì đó của nước bạn, Hiếu chỉ nghe được "Hello" là "tịt".

    Bằng nỗ lực tự học, sau 2 năm, Chí Hiếu đạt danh hiệu Thủ khoa nhóm Toán - Thống kê và Sinh viên A-level xuất sắc nước Anh năm 2004.

    Chí Hiếu cho rằng, không phải vì mình thông minh mà vì biết cách dùng thời gian hơn người khác, đồng thời có độ cam kết.

    Theo chuyên gia này, một người có thể sinh ra với tài năng, được học trong môi trường tốt nhưng còn cần đến khả năng cố gắng từng chút, từng chút để đi đến cùng ở môi trường đó.

    Cuối cùng, tài năng thực sự nằm ở sự sáng tạo. Tiền bạc, thành công, sự nổi tiếng, hạnh phúc, tự do đều đến từ tài năng này.

    Chia sẻ với PV Dân trí trong những ngày Tết Nguyên đán đang đến gần, Hiếu cho biết, mình làm việc rất nhiều nhưng thi thoảng anh off (tắt) để bản thân có khoảng thời gian nghỉ ngơi.

    "Có giai đoạn mới về nước, thấy khó hòa nhập với cuộc sống quá, tôi quyết định tắt mọi thứ, khoác ba lô đi du lịch bụi trong nước và một số nước Đông Nam Á.

    Tôi ăn "bụi", ngủ "bụi" để cảm nhận hết mọi ngóc ngách của đời sống, để cuộc sống va đập vào mình mới biết mình chịu được được đến nhường nào", Hiếu cho hay.

    Một năm trôi qua với chuyên gia giáo dục bận rộn như Hiếu đang dần khép lại với hàng trăm chuyến bay và 365 bữa cơm ngoài đường, dăm mươi bữa chăn nệm khách sạn.

    Nhưng dù sang đến đâu, cũng không bằng chuyến bay về nhà vào giây phút cuối năm, không bằng bữa cơm quê và giường chiếu cói.

    Vì ở đó, có góc phố quen, có ký ức bình yên, có tuổi thơ trong vắt. Vì đó là "Nhà".

    TS. Nguyễn Chí Hiếu đoạt học bổng toàn phần A-level của Trường Cambridge Tutors College (Anh) năm 2002/

    Anh là sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, là một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006...

    Nguyễn Chí Hiếu 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại Đại học Stanford, là thủ khoa chương trình MBA- Đại học Oxford năm 2016.

    Hiếu cũng là người nhỏ tuổi nhất của Chương trình Eisenhower Fellowship năm 2018...

    Theo Dân Trí

  • Bây giờ, nhìn hình ảnh nhà thiết kế thời trang Quí Trần trên sân khấu sự kiện hay khi giới thiệu các bộ sưu tập mới, không ai hình dung được cậu từng có một tuổi thơ nhọc nhằn.

    Trần Văn Quí Em (Quí Trần) là con út trong một gia đình thuộc xã khó khăn của tỉnh Đồng Tháp, gần biên giới Việt Nam - Campuchia.

    Cha của Quí Em bị tai biến mạch máu não khi cậu mới lên lớp 3. Mẹ là thợ may gia công tại nhà với một loạt bệnh kinh niên đeo bám. Còn anh hai, do khù khờ nên công việc làm thêm không ổn định.

    Ngay từ nhỏ, trong suy nghĩ của mình, Quí Em đã nhận ra được khó khăn của gia đình, vất vả mà ba mẹ đang gồng gánh từng ngày. “Em ý thức rằng phải biết kiếm ra tiền” – cậu nhớ lại.

    nha thiet ke qui tran 1
    Trần Văn Quí Em (Quí Trần) là thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ảnh: NVCC

    Vậy nên, Quí Em đã bắt đầu hành trình mưu sinh bằng công việc bán vé số ngay từ hè năm lớp một. Sau hai năm, khi cha của Quí Em bắt đầu tập đi như một đứa trẻ, cậu bé chưa hết tiểu học lại vụt trưởng thành.

    “Bản thân em lúc bấy giờ ý thức hơn bao giờ hết về hoàn cảnh gia đình, mình phải tự nỗ lực vươn lên để vừa không là nỗi lo mà còn là sự hãnh diện của gia đình”.

    Công việc bán vé số được cậu duy trì đến hè năm lớp 9. Khi Quí Em chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10, cha của cậu qua đời vì những di chứng căn bệnh năm xưa.

    “Mọi thứ trong em như vỡ tan, suy nghĩ rất nhiều đến việc buông xuôi tất cả, để rồi một lần nữa em tự vực dậy bản thân: Phải đứng dậy! Vì sự kỳ vọng của gia đình và tương lai bản thân”.

    nha thiet ke qui tran 1
    Một sản phẩm trong BST Mùa an của Quí Trần. Ảnh: NVCC

    Với suy nghĩ đó, sau khi đỗ vào cấp 3, vì công việc bán vé số ế ẩm, Quí Em xin vào làm cho một xưởng may gần nhà. Sang hè lớp 11, cậu đã có thể nhận đồ về nhà may đo cho khách.

    Quí Em cho biết, vất vả kiếm sống, nhưng từ nhỏ đã luôn xác định chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi cảnh khó khăn, có thể giúp đỡ được gia đình và xã hội tốt hơn.

    “Mình đã nỗ lực hết sức để 12 năm liền đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi, tham gia đều đặn các cuộc thi năng khiếu vẽ và đạt các giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh.

    Đến năm lớp 12, mình xác định Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và chuyên ngành Thời trang là lựa chọn tiên quyết và duy nhất khi bước "vào đời” – Quí Em khẳng định.

    nha thiet ke qui tran 1
    Quí Trần nhận giải thưởng trong show thực tế thời trang online. Ảnh: NVCC

    Năm 2016, cậu thi đỗ đúng ngôi trường, ngành học mơ ước. Hơn thế nữa, Quí Em còn đứng đầu danh sách trúng tuyển, nhận danh hiệu Thủ khoa đầu vào.

    Cuộc sống mới

    Túng thiếu nhưng mẹ vẫn cho Quí Em vào Sài Gòn học tập. Ngay trong vòng nửa năm đầu xa nhà, cậu đã nếm đủ những khó khăn nơi đô thị.  

    “Từ việc đi lại mất hơn 2 tiếng bằng xe buýt, ăn uống đắt đỏ, tới việc học với họa cụ, đồ án, bài tập, máy móc, nguyên - phụ liệu, dụng cụ may và cả những khóa học kỹ năng dành cho chuyên ngành…” - cậu liệt kê.

    Chi phí học tập phần do mẹ gửi từ quê, còn một phần - vẫn còn chút ngại ngùng, Quí Em nhớ lại - cậu đã rất nỗ lực để “săn” học bổng.

    “Khi còn là sinh viên, mình luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất các bài tập và đồ án. Tất cả các phong trào của nhà trường, đoàn, hội, mình đều đăng kí tham gia để trau dồi kĩ năng mềm.

    Và may mắn, những điều đó cộng gộp lại giúp mình cơ hội nhận được nhiều học bổng, thêm chi phí trang trải trong suốt quá trình đại học”.

    Cậu cũng làm thêm một loạt công việc, từ vẽ tranh tường, vẽ diễn hoạ thời trang đến thiết kế rập, may đồ cho khách…

    nha thiet ke qui tran 1
    Một sản phẩm trong BST mới nhất của Quí Trần. Ảnh: NVCC

    Định hình phong cách từ sớm, chàng sinh viên Quí Em - và sau này là nhà thiết kế (NTK) trẻ Quí Trần - liên tục tham gia các cuộc thi để khẳng định tên tuổi.

    Cậu đã giành các giải thưởng như: Gương mặt Tài năng triển vọng năm 2020 do SR Fashion Awards bình chọn, Top 5 Hạng mục Fashion Designer cuộc thi TikTok Fashup 2021 - Show thực tế thời trang online 2021… Năm 2020, Quí Trần “gặt” được một danh hiệu nữa là Thủ khoa đầu ra của trường.

    Cậu đã không lựa chọn đi làm ở bất kỳ công ty nào, ngay khi ra trường bắt tay luôn vào xây dựng thương hiệu cá nhân mang tên QEM. Song song với đó, Quí Trần cũng nhận thêm nhiều dự án làm trang phục cho nghệ sĩ, khách hàng…

    “Danh hiệu Thủ khoa mở ra cho mình rất nhiều cơ hội. Mình được nhận nhiều suất học bổng, những khoá học kỹ năng. Bên cạnh đó là các cơ hội làm việc tốt hơn lúc tốt nghiệp”.

    “Thu nhập của mình đang ở mức 8/10 kỳ vọng”

    Những thiết kế của Quí Trần luôn hướng đến giá trị tinh thần cậu đúc kết được trong quá trình trưởng thành và trải nghiệm riêng. Thông qua các BST của QEM như: “Mùa an”, “Con nước nhảy”, “Ầu ơ” hay “Rong”, dường như người con đất miền Tây nào cũng có thể cảm nhận được những mẩu chuyện thân thuộc.

    nha thiet ke qui tran 1
    "Áp lực là việc cân bằng cái tôi trong thiết kế và tính thương mại". Ảnh: NVCC

    Ngành thời trang có tính đào thải rất cao, nên NTK trẻ này cho biết phải luôn nỗ lực sáng tạo, tìm hiểu thị trường, xu hướng để thương hiệu có chất riêng nhưng đảm bảo được tính mới mẻ.

    “Có thể nói đó là khó khăn nhất ở hiện tại của mình. Điểm thuận lợi là thị trường càng ngày càng mở rộng và đa dạng, đặc biệt nhóm đối tượng GenZ có sự sáng tạo và gu ăn mặc hiện đại hơn, xu hướng hơn. Còn áp lực là việc cân bằng cái tôi trong thiết kế và tính thương mại hóa”. Quí Trần chia sẻ có đặt mục tiêu cho thu nhập, và hiện tại đạt khoảng 8/10 kỳ vọng.

    “Điều mình đặt nặng hơn là thu nhập có đủ để tái đầu tư và phát triển thương hiệu hay không. Và xa hơn là thu nhập có thể đủ lo được cho gia đình cũng như san sẻ cùng các hoàn cảnh khó khăn ngoài xã hội.  

    Mình sẽ không ngừng "kể chuyện" bằng áo quần cho mọi người thưởng thức; cho ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn, mở thêm thương hiệu con, dần hiện thực hóa những mong muốn trước đây”.

    Theo Vietnamnet

  • nguyen thi sao ly 1

    5 năm trước, Nguyễn Thị Sao Ly (SN 1993, Đà Nẵng) từng là hiện tượng nổi đình đám khi được 8 ngôi trường đại học danh tiếng ở Mỹ cấp học bổng chương trình Tiến sĩ. Đó lần lượt là các trường: MIT, Johns Hopkins, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.

    Vượt qua nhiều ứng viên tiềm năng, Sao Ly quyết định học tập tại Đại học Johns Hopkins – ngôi trường top 5 thế giới về lĩnh vực nghiên cứu Y học, có bệnh viện Johns Hopkins nổi tiếng toàn thế giới. Mức học bổng mà chị nhận được là 9,3 tỷ đồng cho quá trình học. Trước đó, chị cũng tốt nghiệp thủ khoa ngành Hóa Sinh tại Đại học California, Los Angeles.

    Sao Ly cũng là một trong những nhân vật đặc biệt được nhắc đến trong cuốn sách "Rạng danh tài trí Việt năm châu" và chương trình Hành trình nước Mỹ của Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ.

    Hiện tại, chị đang sinh sống và làm việc tại khu Boston, bang Massachusetts, nước Mỹ, trở thành nhà khoa học cấp cao của công ty dược Intellia Therapeutics của Giáo sư Douglas (người nhận giải Nobel Y học thế giới năm 2020) sáng lập.

    Hãy cùng trò chuyện với Sao Ly để hiểu hơn về quá trình nỗ lực không ngừng chinh phục những mục tiêu lớn lao!

    Thất bại bầm dập không ngăn được ý chí tiến bước của "bông hồng" Johns Hopkins

    - Chị có thể chia sẻ hơn về công việc hiện tại của mình được không? Đâu là lý do chị chọn trở thành nhà khoa học thay vì nghề bác sĩ?

    Hiện tại, tôi đang là nhà khoa học thuộc Công ty Công nghệ sinh học Intellia Therapeutics. Tôi nhận việc sau khi kết thúc chương trình học Tiến sĩ vào cuối tháng 12/2022.

    Công việc của tôi là nghiên cứu những liệu trình chữa ung thư mới hoặc tìm ra loại thuốc chữa ung thư để đưa vào thị trường. Hiện tôi đang tập trung nghiên cứu để chữa ung thư máu và ung thư thận. Cột mốc gần nhất mà nhóm chúng tôi hướng tới là thí nghiệm trên cơ thể con người. Đây là dấu mốc rất lớn và có ý nghĩa lớn lao. Tôi hy vọng cuối năm nay, liệu trình sẽ được triển khai để có thể giúp đỡ các bệnh nhân.

    nguyen thi sao ly 1

    Công ty tôi đang làm là một công ty công nghệ sinh học tầm trung. Hiện công ty có 600 người và mới thành lập cách đây 5 năm. Tuy nhiên cách đây 2 năm, công ty dành được giải Nobel Hóa học năm 2020 cho cơ chế chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9. Vì thế, tôi tin vào hướng nghiên cứu mà công ty đang sử dụng để tạo ra liệu trình mới. Tôi cảm thấy đây là môi trường mang đến cho bản thân nhiều cơ hội cho mình phát triển.

    Về lý do chọn nghề nghiệp, nhiều người cũng thắc mắc vì sao tôi không chọn nghề bác sĩ mà lại đi theo hướng nghiên cứu khoa học. Đây là 2 công việc hoàn khá khác nhau. Đối với nghề bác sĩ thì sẽ dùng kiến thức mà nhà khoa học đã tìm ra như thuốc hay liệu trình để cứu bệnh nhân. Bác sĩ sẽ làm theo một quy trình có sẵn.

    Trong khi đó, nghiên cứu khoa học yêu cầu phải dùng trí tò mò, thời gian để tìm ra phương pháp mới, liệu trình mới cho cả cộng đồng. Công việc này có quy mô rộng lớn rất nhiều. Ngoài ra, tôi cũng thích môi trường hợp tác cùng nhau để tìm ra một thứ gì mới trong lĩnh vực nghiên cứu.

    - Từ khi đi học đến khi đi làm, chị có cơ hội trải nghiệm ở những môi trường toàn người ưu tú. Chắc hẳn chị phải đối mặt với không ít thách thức, áp lực?

    Đúng vậy, tôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại ngã bầm dập. Thất bại gần đây nhất và cũng là đau đớn nhất là vào tháng 9/2022 - khi tôi bắt đầu tìm việc làm. Tôi phải tìm được việc càng sớm càng tốt bởi đến tháng 12 sẽ tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ. Tôi gặp khó khăn vì thời điểm cuối năm, phần lớn các vị trí đều được lấp đầy, cơ hội mở ra không còn nhiều. Hơn nữa, các công ty sẽ ưu tiên người bản địa hơn là sinh viên quốc tế như tôi.

    Tôi không chỉ phải cạnh tranh với người bản địa mà còn phải cạnh tranh với những người đã đi làm sau Tiến sĩ một vài năm. Khoảng thời gian đầu, tôi nộp đơn và đi phỏng vấn nhiều nhưng không nhận được lời mời. Thật sự lúc đó, tôi rất chán nản, nghi ngờ khả năng bản thân. Trước đây, tôi đạt được một số thành tích nhất định nên khi rơi vào tình cảnh như vậy khiến tôi nảy sinh cảm giác mình không đủ giỏi để đi theo con đường này.

    nguyen thi sao ly 1

    Tuy nhiên, dù nản chí nhưng tôi luôn cố gắng gạt bỏ tâm trạng hoang mang. Tôi bắt đầu lên kế hoạch trau dồi kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng nộp đơn để tạo ra cơ hội khác. Sau 1-2 tuần để tâm trạng ổn định, tôi mới tiếp tục nộp đơn tìm việc và lựa chọn được công ty phù hợp.

    Qua thất bại đó, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là phải luôn yêu bản thân. Tôi đã và đang trong quá trình ấy, luôn nhìn vào gương để chấp nhận con người của mình, dù còn nhiều điều chưa hoàn thiện. Điều này giúp tôi trở nên tự tin, nhiều năng lượng tích cực hơn. Chỉ khi tin vào bản thân thì mới có thể làm được rất nhiều việc ý nghĩa.

    - Trước những thách thức như vậy, đâu là người đặc biệt luôn theo sát, đồng hành cùng chị?

    Giáo sư Douglas là người đã luôn đồng hành cùng tôi trên hành trình chinh phục học thuật và hỗ trợ tôi tìm việc làm. Chính niềm đam mê lớn lao, sự nỗ lực không ngừng của giáo sư đã truyền cảm hứng cho tôi để theo đuổi ngành học Hóa Sinh.

    Đặc biệt, vào những giai đoạn căng thẳng khiến tôi mệt mỏi, áp lực, giáo sư đã hỗ trợ tinh thần cho tôi rất nhiều. Ngài Douglas là người luôn nhìn được ra điểm sáng của người khác, mang lại sự tích cực cho những người xung quanh. Tôi có được công việc với mức thu nhập hấp dẫn như hiện nay cũng một phần nhờ giáo sư hỗ trợ.

    nguyen thi sao ly 1

    "Chuẩn bị cho những thất bại" - 1 kỹ năng quan trọng mà bạn không được bỏ qua!

    - Từ kinh nghiệm của bản thân, chị có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ về phương pháp học tập, cách xin việc?

    Mỗi người có cho mình những phương pháp học tập khác nhau. Với chương trình ở Mỹ, các bài giảng đều được lưu lại. Vì thế khi kết thúc buổi học trên lớp, tôi sẽ dành thời gian ngồi xem lại. Tôi muốn chắc chắn tất cả những gì giáo sư nói đều phải hiểu rõ, hiểu sâu. Những gì chưa hiểu, tôi sẽ tìm tòi đến khi hiểu mới tiếp tục học điều mới. Vì thế, tôi nắm bài học rất chắc.

    Về cách xin việc, theo tôi sự kết nối là điều quan trọng. Các bạn trẻ cần kết nối được với nhà tuyển dụng và nói chuyện với người đi trước để họ đưa ra lời khuyên. Về bản CV (hồ sơ xin việc) cần chuẩn bị một cách chỉn chu và hoàn hảo nhất. Chỉ cần một lỗi chính tả hay sai sót nhỏ cũng có thể khiến bạn bị loại vì để lại ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng.

    Ngoài ra, một điều quan trọng không kém là bạn cần chuẩn bị cho cả những thất bại. Khi bị nhà tuyển dụng từ chối, nhiều bạn rơi vào trạng thái buồn phiền, thất vọng, thậm chí có thể bị trầm cảm. Vì thế, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để tránh bị sốc. Thất bại là mẹ thành công, làm sai đâu phải đã hết cơ hội.

    nguyen thi sao ly 1

    - Không ít sinh viên có thành tích học tập rất tốt nhưng khi ra nước ngoài học tập lại rơi vào cảm xúc tiêu cực, dẫn đến kết quả sụt giảm, thậm chí nhiều bạn còn bỏ về nước. Chị suy nghĩ gì về tình trạng trên?

    Tôi nghĩ quá trình đó, bất kỳ sinh viên quốc tế nào cũng sẽ trải qua. Nếu bạn rơi vào tình cảnh không ổn đó, hãy suy nghĩ về lý do mà bạn từng muốn bắt đầu. Với tôi, động lực ở lại lớn hơn khó khăn nên tôi luôn vững bước để có thể phát triển bản thân. Và đừng quên vỗ về bản thân: "Những khó khăn đó chỉ là khó khăn ban đầu, còn khi vượt qua mình sẽ nhanh chóng thích nghi".

    Thực ra, mọi sự bất an, thiếu tự tin đều do mình mà ra. Mọi người không để ý đến việc các bạn nói tiếng Anh không hay so với người bản địa hay bạn có chút khác biệt với mọi người. Nhưng nhiều bạn đang tự cảm thấy mất tự tin, lo sợ mình kém cỏi. Tôi thấy mỗi người đều có những điểm khác biệt, dấu ấn riêng, chỉ là đang thiếu dũng cảm để thể hiện. Sau 13 năm ở Mỹ, tôi đã nhận ra điều đó. Bạn đừng để sự khác biệt gây cản trở mà hãy cố gắng vượt qua để nhanh chóng chinh phục những mục tiêu mới.

    nguyen thi sao ly 1

    - Ngoài sự nỗ lực không ngừng của bản thân, gia đình có phải yếu tố quan trọng giúp chị vươn tới thành công?

    Mỗi thành viên trong gia đình đều đóng vai trò quan trọng trên con đường tôi đi. Cha mẹ luôn luôn dành cho tôi sự tin tưởng tuyệt đối và tôn trọng vào quyết định của tôi. Họ cho phép tôi chọn lựa, dẫn có sai lầm cũng luôn ở bên chia sẻ. Còn anh chị của tôi lại đưa ra lời khuyên hữu ích từ những trải nghiệm đã qua.

    - Có một vài thắc mắc rằng tại sao chị không về Việt Nam làm việc để cống hiến cho quê hương. Chị suy nghĩ gì về ý kiến trên?

    Là người Việt, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, như bao người, tôi cũng muốn thấy đất nước phát triển, tiến bộ. Nhưng có quay về nước để làm việc hay không còn tùy thuộc vào cơ duyên, điều kiện, hoàn cảnh mỗi người. Rất khó để biết trước được cuộc sống sẽ dẫn mình về đâu nên hiện giờ tôi chỉ cố gắng làm tốt việc của mình ngày hôm nay.

    Phụ nữ số (Ảnh: NVCC)

  • Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh luôn mong muốn truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở London, vốn ít có điều kiện theo đuổi niềm đam mê này.

    giao su nguyen thi kim thanh trai khoa hoc 1
    Nhóm tổ chức Trại khoa học bao gồm giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh và các cộng sự - tiến sỹ Mark Fuller và Stanley Smith thuộc Đại học UCL, Phó Giáo sư Martin Dominik thuộc Đại học St Andrews, tiến sỹ Linh Nguyễn thuộc Viện Nha khoa UCL Eastman. (Nguồn: Vietnam+)

    Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh làm việc tại Đại học University College London (UCL), Vương quốc Anh, là trí thức người Việt nổi tiếng thế giới và viện sỹ của 4 viện khoa học tại Anh với nhiều giải thưởng khoa học quốc tế danh giá (bà được bầu chọn là nhà khoa học nữ xuất sắc của Liên minh quốc tế về hóa học cơ bản và hóa học ứng dụng - IUPAC).

    Bà luôn tâm huyết và trăn trở với mong muốn truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở London, vốn ít có điều kiện theo đuổi niềm đam mê này.

    Năm 2019, giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã được trao Giải thưởng danh giá Rosalind Franklin từ Viện Hàn lâm Khoa học của Vương Quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung do những thành tựu nghiên cứu của bà trong lĩnh vực vật liệu nano cho y sinh.

    giao su nguyen thi kim thanh trai khoa hoc 1
    Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở London là đối tượng chính được tạo cơ hội tham gia Trại khoa học. (Ảnh: Vietnam+)

    Bà đã đề nghị sử dụng khoản tiền thưởng để tổ chức Trại khoa học dã ngoại ở một trung tâm giải trí phiêu lưu để truyền cảm hứng và động lực nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học từ lớp 8 đến lớp 10.

    Trại khoa học được tổ chức vào tháng 4/2023 tại trung tâm giải trí phiêu lưu PGL Liddington thuộc vùng Wiltshire của Vương quốc Anh dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh và các cộng sự.

    Tổng cộng có 46 học sinh trung học ở London đã được tham gia trải nghiệm Trại khoa học, trong đó chủ yếu là các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguồn gốc thuộc các cộng đồng dân thiểu số từ các khu vực kém thịnh vượng ở London, ít có điều kiện theo đuổi sự nghiệp STEM (các ngành học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

    Sự kiện này không chỉ mang đến cho những học sinh cơ hội đắm mình vào khoa học mà còn phát triển tính độc lập và sự tự tin của các em khi hòa nhập với các em từ các lớp và hoàn cảnh khác.

    Tham gia Trại khoa học của giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, các em học sinh được tham gia những thí nghiệm thực hành khoa học trong lĩnh vực công nghệ nano tiên tiến nhưng rất thú vị và gần gũi với đời sống hằng ngày như tổng hợp các hạt nano vàng bằng nước cốt chanh và muối vàng, thử nghiệm làm đổi màu các hạt nano trong dung dịch bằng nước muối (chất điện phân), khám phá sự ổn định của các hạt nano khi chúng được bảo vệ bởi một lớp protein (lòng trắng trứng) chống lại nồng độ cao của nước muối.

    Các em cũng chứng kiến cách tạo ra các hạt nano vàng, hạt oxit sắt từ tính, các hạt nano từ tính tương tác với từ trường bằng cách sử dụng chất lỏng sắt từ và nam châm.

    giao su nguyen thi kim thanh trai khoa hoc 1
    Các em học sinh tham gia chơi trò chơi khoa học tìm kiếm trí tuệ ngoài Trái Đất. (Nguồn: Vietnam+)

    Các học sinh thực sự tò mò, thích thú khi được thực hiện các thí nghiệm khoa học dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ nano hiện nay - giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, nhất là được khám phá quá trình sử dụng công nghệ nano để phát hiện và điều trị một số bệnh như ung thư.

    Một học sinh đã thốt lên rằng: "Tôi chưa bao giờ biết giáo sư Thanh có thể tạo ra các hạt nano vàng bằng nước chanh. Thật tuyệt vời khi thấy dung dịch đổi màu và tìm hiểu cách sử dụng những hạt siêu nhỏ này trong chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như COVID-19."

    Phó Giáo sư Martin Dominik từ Đại học St Andrews cũng khuyến khích các em suy ngẫm về việc liệu Trái Đất có phải là một hành tinh đặc biệt trong vũ trụ bao la hay không và cuối cùng là ý nghĩa của việc làm người.

    Bên cạnh các thí nghiệm khoa học, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động bổ trợ, trò chơi khoa học rất lý thú khác. Đó là trò chơi “Thông điệp từ xa,” trong đó các học sinh sẽ thảo luận việc tìm kiếm trí tuệ ngoài Trái Đất và tạo ra một mã để truyền tin nhắn bằng các khối màu và sau đó phân tích cấu trúc mã của chúng (so sánh mã của các học sinh với một loạt các mẫu có sẵn, bao gồm chữ tượng hình, chữ Latinh có pixel, Tetris, mã Morse, ASCII và mã di truyền).

    Trong một hoạt động khác, các em mô tả về nền văn minh nhân loại và viết một thông điệp cho người ngoài hành tinh khác. Hoạt động này ban đầu được thiết kế cho Triển lãm khoa học mùa Hè của Viện Hàn lâm Khoa học Vương quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung năm 2019.

    giao su nguyen thi kim thanh trai khoa hoc 1
    Các hoạt động thể chất khác của trung tâm giải trí phiêu lưu PGL thu hút các em học sinh tham gia. (Nguồn: Vietnam+)

    Bên cạnh giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, tiến sỹ Mark Fuller của UCL, người kết nối quan hệ giữa trường đại học UCL và các trường phổ thông, cũng tham gia với vai trò người hướng dẫn hoạt động chế tạo tên lửa và năng lượng bền vững.

    Các em học sinh cũng rất thích các hoạt động thể chất khác của trung tâm giải trí phiêu lưu PGL như thử thách thẳng đứng, dựng bè, thang Jacob, đu dây, leo núi, bắn cung, đoạt cờ, giải quyết vấn đề và một giải thi đấu PGL.

    Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh bày tỏ vui mừng khi tổ chức được Trại khoa học sau một thời gian dài bị trì hoãn do dịch COVID-19 và truyền đạt những kiến thức khoa học tiên tiến của bà đến với các em học sinh.

    Bà cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều đằng sau hậu trường để thiết kế mọi thứ thật đơn giản và ấn tượng với các em học sinh. Chúng tôi rất vui khi thấy các em khám phá khoa học và hòa mình vào nhiều hoạt động thể chất mạo hiểm."

    Về kế hoạch tiếp theo, giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại UCL cho các em học sinh này, đồng thời sẽ dịch và cung cấp các video cho các giáo viên trên toàn thế giới để họ có thể mô phỏng quá trình tổng hợp các hạt nano trong điều kiện của họ.

    Bà cho biết sẽ mở rộng hợp tác với các trường trung học để tăng số lượng học sinh theo học các môn Sinh học, Hóa học và Vật lý đạt trình độ A (tiên tiến) lên 50% vào năm 2025-2026.

    Bà nhấn mạnh: “Trại khoa học chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực của chúng tôi nhằm thúc đẩy giáo dục STEM và truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học tiếp theo. Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy những thay đổi tích cực, đặc biệt là ở các em gái và các nhóm dân tộc thiểu số, để các nhóm này trong tương lai sẽ khám phá và theo học các môn STEM ở cấp đại học”.

    Theo TTXVN