• Hoàng Ngọc Quỳnh hoàn thành chương trình tiến sĩ trong ba năm và được đại học Leicester, Bristol đề nghị làm giảng viên chính thức.

    co gai hai phong day marketing 0

    Ngày 17/1, Hoàng Ngọc Quỳnh, sinh năm 1990, quê Hải Phòng, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài Xã hội công nghệ hiện đại và hậu quả cho người tiêu dùng (Technoculture and its lived consequences) tại Đại học Lancaster, Vương quốc Anh. Email gửi tới toàn khoa Marketing tại Đại học Lancaster về kết quả luận án tiến sĩ của Ngọc Quỳnh, cho biết luận án "no corrections" (không có gì để sửa hoặc cần bổ sung) - một điều rất hiếm hoi tại đây, theo Quỳnh.

    Ngoài việc hoàn thành chương trình tiến sĩ trong ba năm, Ngọc Quỳnh còn có hai bài báo khoa học được xuất bản trên tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực Marketing. Cô gái Hải Phòng cũng nhận được hai lời đề nghị làm việc từ Đại học Leicester và Bristol trước khi tốt nghiệp.

    Hoàng Ngọc Quỳnh đến Anh năm 2017 theo học bổng bán phần chương trình thạc sĩ, Đại học Nottingham Trent. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc, cựu sinh viên Kinh tế quốc dân giành học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ ngành Marketing tại Đại học Lancaster, trị giá 89.000 bảng Anh (2,6 tỷ đồng).

    Chương trình tiến sĩ tại Anh thường kéo dài 3-5 năm, nhưng thời gian học và nghiên cứu có thể kéo dài, tùy thuộc chuyên ngành và tính chất của đề tài nghiên cứu. Với chuyên ngành Marketing tại Đại học Lancaster, chương trình được thiết kế để hoàn thành trong ba năm, nhưng cho phép gia hạn. Ngọc Quỳnh cho biết đa số nghiên cứu sinh lựa chọn gia hạn để có kết quả nghiên cứu và luận án đạt chất lượng tốt nhất.

    Không có áp lực phải hoàn thành chương trình đúng hạn, lại đang nuôi hai con nhỏ, nhưng Quỳnh luôn cố gắng thực hiện kế hoạch đã đặt ra. Năm đầu tiên, cô hoàn thành phần nghiên cứu lý thuyết để tạo tiền đề cho việc thu thập và phân tích dữ liệu vào năm thứ hai, còn năm thứ ba tập trung hoàn thiện luận án.

    co gai hai phong day marketing 0
    Hoàng Ngọc Quỳnh tại Town Hall, thành phố Leicester, Anh, tháng 7/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Cô gái Hải Phòng cho rằng năm đầu tiên là quan trọng nhất của quá trình học tiến sĩ, bởi nếu không nghiên cứu và hiểu rõ lý thuyết, nghiên cứu sinh sẽ gặp khó và mất nhiều thời gian để hoàn thành những nội dung tiếp theo. Đề tài nghiên cứu về xã hội công nghệ hiện đại mới với Quỳnh, nên cô phải tiếp cận kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau như marketing, lý thuyết xã hội học, tâm lý, kinh tế - chính trị. "Tôi chưa từng học những lý thuyết này ở cả bậc cử nhân và thạc sĩ, nên thời gian đầu mất nhiều thời gian, gặp khó khăn trong việc đọc hiểu những thuật ngữ rất mới", cô nói.

    Để làm việc hiệu quả, Quỳnh thường tự đặt quy tắc và tuân thủ để không bị đứt mạch suy nghĩ. Chẳng hạn, cô không bao giờ dùng điện thoại hay lướt mạng khi làm việc. Cô cũng phân chia quỹ thời gian cho việc gia đình, các hoạt động vui chơi, thay vì ngồi hàng giờ liên tục ở văn phòng. Với Quỳnh, việc dùng máy tính quá lâu ảnh hưởng tới sự tập trung và khả năng suy nghĩ, nên cô luôn cố gắng kết thúc công việc vào lúc 5h chiều.

    Khi Quỳnh vừa hoàn thành học kỳ đầu tiên, Covid-19 bùng phát, Đại học Lancaster phải đóng cửa để phòng dịch. Cô gặp nhiều khó khăn để tiếp cận với tài liệu nghiên cứu ở thư viện, không có không gian nghiên cứu và ít cơ hội trao đổi trực tiếp với giảng viên hướng dẫn. Quỳnh chỉ có thể trao đổi với giảng viên qua email hoặc gặp online mỗi tháng một lần. Việc này cũng khiến quá trình nghiên cứu gặp gián đoạn vì mỗi khi cần ý kiến của thầy, cô phải chờ phản hồi trong vài ngày, thậm chí vài tuần.

    Sau khoảng nửa năm, Đại học Lancaster linh hoạt mở các khu tự học. Quỳnh sắp xếp thời gian đến trường nghiên cứu, duy trì đi bộ và tập thể dục hàng ngày để cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Với giảng viên hướng dẫn, cô chỉ liên hệ khi thực sự cần, xác nhận với thầy các mốc thời gian gửi bài, nhận phản hồi, họp, báo cáo để không bị động về thời gian.

    Nhờ cố gắng cùng sự kỷ luật, ngay năm đầu chương trình tiến sĩ, Quỳnh đã có một bài báo được xuất bản trên Marketing Theory - tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực Marketing. Đây là một chương trong luận án tiến sĩ của Quỳnh. "Với tôi, nghiên cứu đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp thêm động lực để hoàn thành chương trình tiến sĩ", Quỳnh nói, cho biết sau đó cô còn có thêm một công bố nữa trên tạp chí này.

    Theo Quỳnh, để tốt nghiệp tiến sĩ ngành Marketing, nghiên cứu sinh không bắt buộc có bài báo quốc tế. Quỳnh chọn viết luận văn theo "alternative format", nghĩa là viết ba bài báo đủ chất lượng, có tiềm năng xuất bản. "Tuy nhiên, tôi cố gắng để 2/3 bài báo này thực sự được xuất bản, không dừng ở mức tiềm năng. May mắn là tôi đã làm được", Quỳnh cho biết.

    co gai hai phong day marketing 0
    Ngọc Quỳnh trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Đại học Lancaster, Anh, tháng 12/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật giúp Ngọc Quỳnh nhận được thư mời làm việc của hai Đại học Leicester và Bristol, lần lượt vào tháng 6 và 8/2022. Theo Times Higher Education, tổ chức xếp hạng đại học uy tín thế giới, Đại học Leicester đứng thứ 22 trong nhóm tốt nhất tại Anh, còn Bristol thứ 9. Sau khi cân nhắc, Quỳnh chọn làm việc tại Leicester.

    Hiện, cô là trưởng bộ môn Brands, Consumers and Digital Marketing (Thương hiệu, Khách hàng và Tiếp thị điện tử) tại Đại học Leicester. Những bài báo khoa học đã xuất bản được Quỳnh sử dụng, đưa vào các bài giảng trên lớp. Ngoài giảng dạy, Quỳnh hướng dẫn luận án tốt nghiệp cho sinh viên bậc cử nhân, duy trì các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực Marketing.

    Quỳnh cho biết sẽ mở rộng nghiên cứu luận án tiến sĩ, tìm thêm các hướng mới để đóng góp vào hoạt động nghiên cứu của khoa và trường. "Tôi cũng muốn tích lũy thêm kinh nghiệm giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học để hoàn thiện kỹ năng sư phạm", Quỳnh nói, hy vọng chia sẻ những điều đã học được với đồng nghiệp ở Việt Nam.

    Theo VnExpress

  • Ở tuổi 21, nữ sinh năm tư tại ĐH Chicago (Mỹ) kiếm mỗi năm khoảng 56.000 USD nhờ việc dạy kèm cho học sinh ở Trung Quốc.

    Chloe Tan hiểu rõ mình có lợi thế về mặt xuất thân. Cô sinh ra ở Singapore. Mẹ cô vốn sống trong giàu có từ nhỏ và đang làm việc tại ngân hàng tư nhân. Bố cô công tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

    Điều kiện gia đình tốt cho phép Chloe theo học trường quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) từ nhỏ. Ở đó, bạn học đều xuất thân từ gia đình bề thế.

    Hiện tại, Chloe Tan là sinh viên năm tư ngành Kinh tế và Khoa học dữ liệu tại ĐH Chicago (Mỹ). Mỗi quý, bố mẹ giúp nữ du học sinh chi trả 20.000 USD học phí.

    Chloe Tan chia sẻ lớn lên trong sự giàu có thúc đẩy cô kiếm tiền từ sớm. Hồi học cấp 2, cô đã biết mua quần áo từ các cửa hàng rồi bán lại cho người khác thông qua các mạng xã hội. Khi học trung học, cô bắt đầu dạy kèm và duy trì từ đó đến nay. Năm 2021, Chloe kiếm được 55.770 USD nhờ công việc này.

    du hoc sinh day kem kiem tien 1
    Chloe Tan hiện học năm tư tại ĐH Chicago danh tiếng. Ảnh: CNBC

    Dạy kèm 16 học sinh ở Thượng Hải

    Theo CNBC, năm 2016, Chloe nhận dạy kèm khi còn ở Thượng Hải. Cơ duyên công việc bắt đầu khi cô mở lời đề nghị giúp em trai và bạn của em mình chuẩn bị cho một cuộc thi tranh biện.

    Mỗi tuần, Chloe có thêm học sinh mới muốn tham gia lớp dạy kèm nhằm cải thiện việc học. Sau một thời gian, mẹ Chloe khuyến khích con gái mở lớp gia sư để kiếm thêm thu nhập.

    Hiện, nữ sinh viên nhận dạy kèm môn Văn học Anh cho 16 học sinh quốc tế ở Thượng Hải đang học từ lớp 7 đến lớp 11 theo chương trình tú tài quốc tế.

    Chloe dành khoảng 2 giờ/tuần để chuẩn bị giáo án. Ngoài ra, nữ gia sư trẻ dành 5-6 giờ mỗi tuần cho các buổi dạy kèm liên tiếp cho nhóm học sinh, chủ yếu vào tối thứ sáu vì Thượng Hải và Chicago chênh lệch 13 tiếng đồng hồ. Giá mỗi giờ dạy kèm của Chloe là 67 USD (hơn 1,5 triệu đồng/giờ).

    Hồi năm nhất, Chloe cảm thấy đáng sợ khi phải lên lịch cho tất cả tối thứ sáu hàng tuần. Tuy nhiên, đến nay, cô không còn coi đó là sự đánh đổi để có thu nhập tốt.

    "Hiện tại, tôi thấy thật dễ dàng để sắp xếp cuộc sống khi có công việc cố định. Dạy kèm vào mỗi tối thứ sáu đã trở thành lịch trình cố định trong cuộc sống và việc học đại học bận rộn của tôi", nữ sinh 21 tuổi chia sẻ và nói thêm nó giống như việc cô luôn đi chơi với bạn bè vào thứ bảy hàng tuần.

    Chloe được trả lương dạy kèm theo nhân dân tệ. Khoản thu nhập đó được gửi thẳng vào tài khoản ngân hàng nơi mẹ cô làm việc tại Singapore. Do đó, về cơ bản, cô không động đến số tiền này. Theo luật thuế ở Singapore, công dân không phải trả thuế cho thu nhập kiếm được ở nước ngoài.

    Chloe rất biết ơn sự hào phóng của cha mẹ. Càng lớn lên, cô càng nhận ra việc hưởng thụ đặc quyền từ nhỏ là động lực để bản thân làm việc chăm chỉ hơn.

    du hoc sinh day kem kiem tien 1
    Chloe dạy kèm cho học sinh ở Thượng Hải (Trung Quốc) dù cô sống ở Chicago (Mỹ). Ảnh: CNBC

    Tiêu chưa đến 2.600 USD mỗi tháng

    Dù trưởng thành trong sự giàu có và kiếm được số tiền lớn, Chloe Tan lại không chi tiêu quá nhiều. Mỗi tháng, cô dùng 972 USD cho mua sắm, giải trí và chi phí ăn uống cho chú mèo cưng Kaiju.

    Tiền thuê nhà là 962 USD, chia đôi với bạn cùng phòng. Nữ sinh tốn 463 USD cho tiền ăn uống, di chuyển hết 67 USD, bảo hiểm y tế 60 USD, đăng ký các nền tảng hết 28 USD và tiền cước điện thoại 25 USD. Như vậy, chi tiêu mỗi tháng của Chloe là 2.577 USD (gần 60 triệu đồng).

    Khoản chi lớn nhất của Chloe khi học tại Mỹ là học phí - 250.000 USD (hơn 5,8 tỷ đồng). Cô biết ơn vì bố mẹ giúp mình chi trả khoản này. Ngoài ra, mỗi tháng, họ còn trợ cấp cho con gái 1.000 USD mỗi quý.

    Danh mục chi tiêu lớn nhất của cô là mua sắm và giải trí. Nữ sinh thích mua sắm và đầu tư vào các mặt hàng thiết kế đắt tiền hơn là thời trang nhanh. Cô đã tiết kiệm suốt 2 tháng để mua đôi giày cao gót hiệu Manolo Blahnik giá 1.125 USD.

    "Đó chắc chắn là thứ đắt nhất tôi đã mua cho chính mình”, Chloe chia sẻ và nói thêm phần lớn đồ hiệu cô mặc đều do bố mẹ tặng.

    Ngoài ra, cô cũng thích chi tiền cho thực phẩm và đồ uống, bao gồm việc mời bạn bè ăn uống. Cô chi khoảng 2.000 USD (hơn 46 triệu đồng) cho bữa tối sinh nhật của mình hồi tháng 10/2021.

    "Đó là văn hóa của người Indonesia gốc Hoa. Vào sinh nhật của mình, bạn phải trả tiền toàn bộ bữa ăn”, Chloe giải thích.

    du hoc sinh day kem kiem tien 1
    Chloe lên kế hoạch thời gian theo kiểu dành một số ngày để tập trung hoàn toàn cho viết học và làm việc rồi thư giãn vào một số ngày trong tuần. Ảnh: CNBC

    Quản lý thời gian

    Chloe chia sẻ cô hy sinh giấc ngủ để tập trung vào việc học, cuộc sống trên mạng xã hội và công việc kinh doanh của mình. Cô cũng bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Điều này ảnh hưởng đến năng suất làm việc của cô.

    Chloe kể có một số ngày, cô cảm thấy rất có động lực và có thể hoàn thành mọi công việc. Nhưng vào các ngày còn lại trong tuần, cô ở trong trạng thái chán nản, không làm gì cả.

    Khi việc học và làm thêm đòi hỏi ngày càng cao, nữ du học sinh người Singapore học cách lập kế hoạch thời gian theo kiểu “chạy nước rút”.

    Cô dành khoảng 3 ngày tập trung hoàn toàn vào việc học ở trường, sau đó, dành một hoặc hai ngày để thư giãn bằng cách xem anime, đọc truyện tranh hoặc vẽ tranh.

    "Cách này hơi bất thường. Nó chỉ hiệu quả bởi vì tôi đang là sinh viên, chủ động hơn về mặt thời gian", du học sinh người Singapore chia sẻ.

    du hoc sinh day kem kiem tien 1
    Chloe Tan lên kế hoạch vào làm quản lý sản phẩm ở công ty công nghệ sau khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: CNBC

    Đặt mục tiêu tiết kiệm 300.000 USD ở tuổi 27

    Gia đình Chloe Tan luôn ưu tiên giáo dục. Cô là thế hệ thứ ba trong nhà theo học đại học. Từ nhỏ, Chloe biết cô muốn ra nước ngoài học đại học. Nữ sinh chọn ĐH Chicago để có thể có công việc và ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp.

    "Là sinh viên đại học, còn lại là du học sinh, tôi nghĩ mình có trách nhiệm cố gắng để tấm bằng và giáo dục tôi nhận được xứng đáng với chính mình cũng như với bố mẹ", Chloe Tan tâm sự.

    Nữ sinh đặt mục tiêu trở thành quản lý sản phẩm tại một công ty công nghệ sau khi tốt nghiệp. Cô cho biết làm việc trong lĩnh vực STEM sẽ giúp cô dễ dàng có thị thực việc làm tại công ty lớn hơn ở Mỹ.

    Ngoài ra, Chloe Tan cũng đặt mục tiêu tiết kiệm tiền. Hiện tại, cô có khoảng 70.000 USD và mong muốn đạt con số 300.000 USD năm 27 tuổi. Cô dự định sử dụng số tiền đó để theo học chương trình sau đại học hoặc trả khoản thanh toán trước cho việc mua nhà.

    Nói đến việc dạy kèm, Chloe cho hay miễn là học trò còn hứng thú học, cô sẽ tiếp tục dạy. Cô làm việc với tư duy tò mò kiểu "tại sao tôi lại không làm được" chứ không phải kiểu kinh doanh. Chloe tin tưởng lối suy nghĩ đó giúp cô tiến xa hơn trong công việc.

    Theo Zing

  • Ngô Hải Nhất Minh, 20 tuổi, đã lấy bằng cử nhân của Đại học Manchester trong một năm, thay vì ba năm.

    Nhất Minh tốt nghiệp khoa Điện ảnh, Phim và Kịch nghệ nhân văn của Đại học Manchester vào tháng 6/2022, sau một năm theo học, trong khi lễ tốt nghiệp dành cho sinh viên khóa học này sẽ diễn ra vào năm 2024.

    Đại học Manchester nằm trong top 30 đại học tốt nhất thế giới năm 2022, theo bảng xếp hạng QS. Nam sinh cho biết, chuyên ngành của em có đặc thù riêng, được tự chọn và đăng ký các môn học theo tiêu chí của trường, của khoa. Sinh viên cũng nhận được các đề bài mở để thoả sức sáng tạo thay vì dập khuôn theo số tín chỉ, hoặc số lượng sản phẩm như các ngành khác. Nhà trường sẽ đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo thông qua chất lượng và số lượng sản phẩm (bài luận, kịch bản, bộ phim) của từng sinh viên.

    ngo hai nhat minh dai hoc manchester
    Ngô Hải Nhất Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Tại đây, Minh được làm việc với các giảng viên từng đoạt giải thưởng, học lý thuyết, tìm hiểu lịch sử sân khấu, điện ảnh, và các khóa học thực tế về làm phim. Chuyên môn của khoa gồm phim tài liệu, giả tưởng và khoa học viễn tưởng.

    Trong một năm học, Minh đã sáng tác nhiều tác phẩm, chủ yếu là các phim ngắn không lời thoại, hoặc kịch bản sử dụng lối chơi chữ, ẩn dụ, phóng đại gắn với kiến thức lịch sử, văn hóa. Nam sinh cũng bỏ tiền thuê diễn viên chuyên nghiệp hoặc không chuyên cho các bộ phim, vở kịch của mình.

    Em từng viết kịch bản phim "Aranae, Amans, Cibus", nội dung nói về cuộc sống của một gia đình loài nhện goá phụ đen. Theo Minh, loài nhện này có một tập tính là nhện cái có thể ăn thịt nhện đực sau khi có thai để nuôi dưỡng thai nhi. Đây là nguồn gốc của các xung đột trong phim. "Nhện cái phải ăn thịt đúng con nhện đực tạo ra cái thai trong bụng, nếu sai thì cả ba đều chết. Do đó, nhện cái phải tuyệt đối chung thuỷ", Minh kể, cho biết thông điệp của bộ phim là bài học về trách nhiệm của các bậc cha mẹ, đặc biệt là lòng chung thuỷ.

    Đây là một trong số 15 tác phẩm giúp Minh chinh phục được hội đồng thẩm định. Ngoài ra, Minh còn tham gia các câu lạc bộ phim, kịch nghệ, cũng như tự tìm kiếm, đăng ký hợp tác với một số câu lạc bộ phim, nhà hát kịch của thành phố Manchester và London.

    Tiến sĩ Robert Watts, giảng viên ngành Truyền hình và Công nghiệp sáng tạo, nhận xét Minh là một tài năng trẻ, luôn chăm chỉ, nghiêm túc, sáng tạo, đam mê và tràn đầy nhiệt huyết. "Cường độ làm việc của Minh đôi khi có thể bằng nhiều sinh viên khác cộng lại. Tài năng và sự tận tâm đã giúp Minh hoàn thành xuất sắc chương trình đại học ba năm trong một năm, điều chưa từng có ở trường chúng tôi", vị tiến sĩ cho biết.

    Nhất Minh học mẫu giáo đến hết lớp 9 tại trường quốc tế Pháp - Alexandre Yersin, Hà Nội. Học tiếng Pháp từ năm 4 tuổi, Minh có thể giao tiếp trôi chảy ngôn ngữ này và cho biết dùng được nhiều ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Nhật.

    Năm 2018, Minh một mình sang Mỹ, theo học ở trường trung học phổ thông nội trú Iolani, bang Hawaii, Mỹ, với học bổng toàn phần 60.000 USD (1,37 tỷ đồng) một năm. Cuối tháng 5/2021, Nhất Minh tốt nghiệp trường này với điểm trung bình (GPA) 3.95/4.0, sau đó đỗ 5 đại học Mỹ, trong đó ba trường có chuyên ngành làm phim hàng đầu là Đại học New York, Đại học Dartmouth và Đại học Loyola Marymount.

    Tuy nhiên, Minh quyết định chuyển sang Anh học vì muốn có trải nghiệm mới. Mặt khác, chương trình đại học ở Anh kéo dài ba năm thay vì bốn năm như ở Mỹ, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

    Tại đây, thầy cô ở khoa nhanh chóng nhìn ra khả năng của cậu sinh viên người Việt. Minh được tin tưởng giao cho những đề tài của sinh viên năm cuối. Minh nhớ lại, trong lần đầu nộp kịch bản cho Giáo sư Sân khấu đương đại và Kịch nghệ nổi tiếng - Stephen Scott Bottoms, ông đã viết: "Kịch bản của em rất hay và ấn tượng. Tôi nghĩ tư duy của em vượt xa những sinh viên đại học khác, và sáng tạo hơn nhiều so với những sinh viên năm cuối".

    Lời nhận xét đó giúp Minh tự tin hơn. Khi đó, em đã nảy ra ý tưởng tốt nghiệp sau năm đầu đại học, mặc dù có nhiều bất lợi so với các sinh viên bản địa khi họ có nền tảng sớm về ngành học, được đào tạo trong hệ thống giáo dục ở Anh từ nhỏ.

    Trước đây, ở trường trung học nội trú Iolani, Minh nhận học bổng toàn phần với điều kiện luôn duy trì điểm GPA từng học kỳ trên 3.5/4.0. Nếu không đạt mức đó, học bổng sẽ bị thu hồi. Vì đã quen với áp lực, Minh cảm thấy chương trình đại học ở Anh "nhẹ nhàng hơn rất nhiều". Thêm nữa, Minh nói mình may mắn được sự nuôi dưỡng tốt từ gia đình, môi trường học tập 10 năm ở trường quốc tế Pháp và ba năm học ở Mỹ giúp em phát triển khả năng. Dù vậy, nam sinh cho rằng yếu tố quan trọng nhất là sự nỗ lực, thành công và an nhàn không thể cùng tồn tại.

    "Sinh viên Việt khi học ở nước ngoài phải cố gắng gấp nhiều lần sinh viên bản địa. Nếu không, bạn khó có thể trụ được chứ chưa nói đến thành công", Minh nói. Nhất Minh thường thức giấc lúc 5h30, tập thể dục, vệ sinh cá nhân và ăn sáng, rồi lên lớp hoặc tới phim trường. Em đến phòng tập gym vào 7-9 giờ tối, rồi về học bài và làm việc đến gần một giờ sáng. Vào những dịp cao điểm, Minh tranh thủ chợp mắt rồi thức dậy từ 3h để viết, chỉnh sửa kịch bản, hoặc xem phim và nghiên cứu.

    Chị Nguyễn Hải Bình, mẹ của Nhất Minh, cho biết gia đình chưa bao giờ phải thúc giục Minh trong học tập. Em độc lập, tự giác trong mọi việc. Bố mẹ chỉ việc dõi theo, đồng hành, cổ vũ và ủng hộ Minh.

    Tốt nghiệp sớm hai năm, Minh đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền học phí và sinh hoạt phí. Ở tuổi 19, Minh quay lại Mỹ để theo đuổi bằng đại học thứ hai, chuyên ngành Đạo diễn và Sản xuất phim. Em hy vọng trở thành nhà làm phim độc lập.

    Minh cho hay, để tạo được những tác phẩm sáng tạo và thăng hoa, ngoài tài năng, công sức còn rất tốn kém tiền bạc. Nếu em sinh ra trong một gia đình không có điều kiện kinh tế thì chắc khó có thể ra nước ngoài học ngành này. "Do đó, em muốn tạo ra các lớp học trực tuyến miễn phí, các phim trường ảo để tìm kiếm và hỗ trợ những người đam mê, tài năng, nhưng không đủ khả năng chi trả cho các chương trình đào tạo trong lĩnh vực điện ảnh", Minh nói.

    Theo VnExpress

  • Từng mất phương hướng học tập, Dương Minh Quân phải đổi ngành học giữa chừng mới tìm thấy đam mê, trước khi được nhận vào thực tập tại Ngân hàng Trung ương Mỹ.

    Dương Minh Quân, sinh năm 2001, tại TP HCM, hiện là sinh viên năm thứ ba ngành Quản lý và Phân tích dữ liệu, Đại học bang Georgia, Atlanta, Mỹ. Hôm 22/12, Quân nhận lời mời trở thành thực tập sinh của Ngân hàng Trung ương Mỹ, với nhiệm vụ phân tích dữ liệu về đảm bảo chất lượng. Kỳ thực tập gồm 12 tuần, từ 15/5/2023, nam sinh nhận lương 3.400 USD (khoảng 80 triệu đồng) mỗi tháng.

    "Đây là món quà năm mới 2023 dành cho em và bố mẹ", Quân nói, cho biết đây cũng thành quả của cú hích - chuyển đổi ngành học, sau một thời gian mất phương hướng và động lực học tập.

    nam sinh trung thuc tap FED 1
    Minh Quân ở Orlando, Florida, ngày 29/12. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Minh Quân là cựu học sinh trường THPT Nguyễn Du, TP HCM. Năm 2018, khi học lớp 12, nam sinh sang Mỹ học tại trường Washington Academy. Có nền tảng học các môn Toán, Lý, Anh nhưng nam sinh không thực sự mạnh về khối nào để định hướng nghề nghiệp. Khi vào đại học, em chọn Khoa học Máy tính vì cho rằng ngành này có nhiều cơ hội việc làm.

    Năm 2020, dịch Covid-19 lan rộng ở Mỹ, Quân phải chứng kiến nhiều bạn bè ra đi vì mắc Covid-19. Là sinh viên quốc tế, không ở cạnh người thân, dù vẫn phải tìm cách duy trì kết nối với các mối quan hệ và giữ động lực học tập, Quân nói không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Khi trường chuyển sang dạy online, những sinh viên như Quân càng phải "tự bơi". Nam sinh bắt đầu thấy đuối khi theo học nhiều chương trình chuyên sâu, nặng về toán cao cấp. Nhận ra đây không phải ngành học mà mình thật sự đam mê và có định hướng cụ thể, sau nhiều ngày suy nghĩ, Quân quyết định đổi ngành học.

    Tháng 8/2021, nam sinh làm đơn xin chuyển đổi, quyết định theo đuổi ngành Quản lý và Phân tích dữ liệu. Vừa học lớp nhập môn Phân tích doanh nghiệp, Quân liền cảm thấy hứng thú, bị cuốn vào các bài học về lĩnh vực này. Nam sinh chăm chỉ, tập trung hơn, dù dịch Covid-19 chưa chấm dứt, em không còn cảm giác chán nản như trước đó. Lúc này, Quân biết rằng mình đang đi đúng hướng.

    Từ năm thứ hai, Quân nằm trong Dean's List - danh sách những sinh viên có điểm trung bình học tập cao của Đại học bang Georgia. Quân cũng tham gia hỗ trợ kỹ thuật thông tin tại Viện Công nghệ Georgia và là thực tập sinh mảng phân tích kinh doanh ở một công ty start-up về dịch vụ thanh toán trên Internet, rồi làm trợ lý bộ phận dịch vụ kinh doanh tại Đại học bang Georgia.

    "Tất cả đều cho phép em áp dụng kĩ năng phân tích của mình vào môi trường thực tế và học các kỹ năng mới về phân tích hệ thống", Quân nhận định.

    Ngoài ra, Quân hoàn thành chứng chỉ Fintech về kiến thức công nghệ tài chính, chứng nhận nghiên cứu dữ liệu của trường, chứng chỉ Google Data Analytics về sử dụng bộ công cụ phân tích dữ liệu của Google. Nam sinh còn giành giải nhì cuộc thi dữ liệu Hackathon ở trường vào mùa thu năm 2022. Em đã hợp tác với một nhóm để thiết kế, đề xuất nền tảng sử dụng công nghệ học máy và nhận giải thưởng cho giải pháp sáng tạo.

    Để kết nối với các chuyên gia trong ngành, nam sinh thường tham gia các tổ chức chuyên nghiệp, các sự kiện có liên quan. Cũng nhờ đó, Quân được gặp Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ, chi nhánh Atlanta và nghe ông chia sẻ về môi trường làm việc. Tình cờ vị này nói chi nhánh Atlanta đang cần người hỗ trợ phân tích, đảm bảo chất lượng và giám sát hệ thống tài chính mới. Với những kiến thức, kỹ năng và các chứng chỉ đã có, Quân biết mình đáp ứng được các tiêu chí cho vị trí này.

    nam sinh trung thuc tap FED 1
    Minh Quân (giữa) tham gia cuộc thi Hackathon tại Đại học Bang Georgia, tháng 9/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Sau vòng xét duyệt hồ sơ, Quân trải qua vòng phỏng vấn với chuyên viên nhân sự và cuối cùng là trả lời phỏng vấn với một vị giám đốc quản lí khối. Quân đánh giá việc chuẩn bị hồ sơ rất quan trọng vì nếu không vượt qua được thì ứng viên không có cơ hội đi tiếp các vòng còn lại. "Hồ sơ không đủ tiêu chí sẽ bị loại ngay", Quân nói, cho biết em nộp hồ sơ lần thứ ba mới được chấp nhận.

    Theo Quân, Ngân hàng Dự trữ Liên bang tìm kiếm những ứng viên có nền tảng học vấn và chuyên môn vững chắc, có các kỹ năng và kinh nghiệm liên quan phục vụ vị trí ứng tuyển. "Một bản lý lịch mạnh mẽ là rất quan trọng trong việc thể hiện các kỹ năng và trình độ của bạn với nhà tuyển dụng", Quân nói, cho biết trong hồ sơ của mình, em cố gắng để làm nổi bật các yếu tố đó.

    Ở vòng thứ hai, chuyên viên nhân sự phỏng vấn hành vi và làm rõ các thông tin mà Quân đã ghi trong hồ sơ. Ở vòng cuối, Quân được hỏi thêm về kiến thức ngành nghề và vị trí ứng tuyển.

    Quân khuyên, ứng viên nên nghiên cứu trước về công ty và vị trí ứng tuyển trước khi tham gia phỏng vấn, hãy thể hiện sự nhiệt tình với công việc và mong muốn tạo ra tác động tích cực.

    Từ hành trình của mình, Quân hiểu nếu chọn đúng thứ mà mình đam mê, có động lực và mục tiêu rõ ràng thì em có thể đi tiếp và gặt hái thành quả, dù khó khăn thế nào. Vì thế, em cho rằng các du học sinh nên cân nhắc kỹ khi chọn ngành học, dành thời gian tìm hiểu và trải nghiệm đủ trước khi đưa ra quyết định.

    "Mục tiêu sắp tới của em là được tham gia trực tiếp những công việc quan trọng ở Ngân hàng Trung ương Mỹ và tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp", Quân chia sẻ.

    Theo VnExpress

  • Vừa học vừa rửa bát, du học sinh người Việt tại Pháp nay đã trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường ở tuổi 31.

    18 tuổi mang theo ước nguyện trước khi mất của bố sang Pháp học chỉ với vỏn vẹn 2.500 đô tiền vay mượn, chàng trai trẻ Đặng Đức Huy (sinh năm 1988) đã trở thành giáo sư trợ lý khoa Hóa trẻ nhất tại ĐH Trent vào năm 31 tuổi và đảm nhận vị trí phó tổng biên tập tạp chí Archives of Environmental Contamination and Toxicology (chuyên về độc học và ô nhiễm môi trường) của nhà xuất bản danh tiếng Springer. Hiện nay, giáo sư người Việt đang là một trong những chuyên gia hàng đầu trong những nghiên cứu về môi trường.

    du hoc sinh lam them 1

    Khoản vay 2.000 Euro và những đêm rửa bát thuê để thực hiện giấc mơ du học Pháp

    Anh Đặng Đức Huy lớn lên với một tuổi thơ không trọn vẹn khi suốt 8 năm trời phải chứng kiến người bố giành giật sự sống mỗi ngày trên giường bệnh. Bố anh từng làm việc tại Pháp, nhưng từ năm 1996, ông không may bị ung thư máu. Sau 8 năm chống chọi với bệnh tật, bố anh ra đi để lại ước nguyện muốn con trai có thể sang Pháp du học.

    Hai năm sau khi bố mất, anh Huy khi ấy mới 18 tuổi đã sang Pháp với hành trang là 2.000 Euro vay mượn. Huy chọn ngành Sinh học và khoa học sự sống tại ĐH Toulon (Pháp) với mong muốn tìm hiểu về các cơ chế sinh học tế bào và miễn dịch để tìm ra phương pháp kiểm soát ung thư.

    Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hầu hết thời gian rảnh, anh Huy đều tranh thủ đi làm để trang trải học phí và sinh hoạt phí. Anh phải đi rửa bát thuê ở các nhà hàng. Thời gian biểu một ngày của Huy dường như không có giờ nghỉ, từ 8 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều học trên trường; từ 6 giờ tối đến 11 giờ đêm rửa bát thuê. Hai ngày cuối tuần, anh thường làm thêm kín lịch từ sáng đến tối. Có đêm anh phải rửa hàng nghìn cái bát đến rã rời chân tay nhưng buổi sáng anh vẫn luôn đi học đúng giờ và đạt được thành tích vô cùng xuất sắc.

    "Ở Pháp, điểm thi cuối kỳ rất quan trọng. Mỗi ngày thi tới 2 - 3 môn. Vì vậy, lúc đi làm thêm, tôi mang sách vở tranh thủ học để hôm sau đi thi. Nhờ vậy, kỳ học nào tôi cũng đạt kết quả top đầu của lớp, đặc biệt ở môn khoa học như toán học đại cương, tôi đạt điểm tuyệt đối 20/20. Trong quá trình học, tôi cũng rất hay giúp đỡ bạn bè quốc tế lúc học nhóm hay làm thí nghiệm. Khi ấy, ai biết đến thời gian biểu của tôi, đặc biệt là bạn bè thì đều gọi tôi là 'quái vật'!", anh Huy nhớ lại những ngày tháng khó khăn mà vô cùng đáng nhớ.

    Với kết quả học tập xuất sắc, sau khi hoàn thành bằng cử nhân, Huy tiếp tục học thạc sĩ tại ĐH Toulon, ngành Hoá học môi trường. Năm 2011, Huy tốt nghiệp với vị trí thủ khoa và nhận được học bổng tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Pháp.

    Trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực môi trường

    Năm 21 tuổi, anh Huy hoàn thành bằng cử nhân với kết quả xuất sắc. Ngay sau khi giành được tấm bằng cử nhân trong tay, chàng trai trẻ người Việt đã có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời: chuyển hướng nghiên cứu về ngành hóa học môi trường.

    du hoc sinh lam them 1
    Anh Huy làm việc trong phòng thí nghiệm (Ảnh: VTC)

    "Ở ĐH Toulon không có ngành thạc sĩ về sinh học, nên tôi lựa chọn học ngành hóa học môi trường. Tuy hoàn toàn thay đổi hướng nghiên cứu nhưng cuối cùng, mối quan tâm của tôi vẫn không thay đổi. Thay vì nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh thì tôi hiện đang nghiên cứu tìm cách phòng bệnh. Bởi lẽ một trong những nguồn gốc trực tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đó chính là ô nhiễm môi trường", anh chia sẻ trong một bài phỏng vấn.

    Trong quá trình nghiên cứu, anh Huy đã công bố 21 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học thế giới, đều thuộc danh mục Q1. Trong đó 12 bài anh là tác giả chính. Trong đó điển hình là công bố quốc tế năm 2015 của anh trên tạp chí hàng đầu Environmental Science & Technology về đồng vị chì (Pb) trong môi trường trầm tích, nước và sinh vật biển. Nghiên cứu ấy đã gây tiếng vang lớn, góp phần thúc đẩy chính quyền vùng PACA (Pháp) chi 93 triệu euro để nghiên cứu phục hồi môi trường biển ở cảng Toulon, nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm do hậu quả Chiến tranh thế giới thứ hai.

    Đầu năm 2015, Huy muốn thay đổi để thử thách bản thân khi chọn nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Trent (Canada). Giữa năm 2019, ở tuổi 31, anh trở thành giáo sư trẻ nhất của Đại học Trent - trường đại học đứng đầu bang Ontario ở mảng giáo dục đại học. Tại đây, Huy được sở hữu một phòng thí nghiệm riêng về địa hóa môi trường và đang dẫn dắt một nhóm nghiên cứu về lĩnh vực này.

    Anh luôn để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng các đồng nghiệp, cấp trên. Thậm chí, Giám đốc Khoa Môi Trường của đại học Trent còn coi anh như một cầu nối trong chương trình hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và giới khoa học ở Pháp.

    "Các lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Đặng Đức Huy đều là những lĩnh vực chiến lược của đại học Trent và Khoa học môi trường. Huy có hướng nghiên cứu rất đa dạng, chủ yếu trong lĩnh vực địa hoá và ô nhiễm môi trường. Trong đó nghiên cứu về đất hiếm của Huy đặc biệt có tính đột phá bởi những nguyên tố này đang được biết đến như một nguồn ô nhiễm mới trên thế giới. Huy đang trở thành một trong những nhà khoa học dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

    Anh luôn phát triển các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt với giới khoa học ở Pháp và Việt Nam", Gs Shaun Watmough bày tỏ sự đánh giá cao với giáo sư trẻ nhất tại trường đại học.

    Dùng tài năng đóng góp cho đất nước

    GS.TS Đặng Đức Huy luôn trăn trở về trách nhiệm của bản thân không chỉ đối với nền khoa học thế giới mà còn đối với niềm tự tôn dân tộc. Tháng 11/2020, tiến sĩ Đặng Đức Huy (sinh năm 1988) được trao tặng giải thưởng Quả cầu vàng ở hạng mục Khoa học công nghệ trẻ. "Tôi cho rằng vinh dự luôn đi kèm với trách nhiệm. Vinh dự càng lớn thì trách nhiệm cũng sẽ càng lớn. Mỗi chúng tôi khi được xướng tên "tài năng" thì cũng cần phải có trách nhiệm với tài năng đó để đóng góp cho đất nước", anh nói.

    du hoc sinh lam them 1
    Anh Huy ở Pháp

    Dẫn đầu trong những nghiên cứu về ô nhiễm môi trường trên thế giới, anh Huy luôn hướng đến áp dụng "khoa học ứng dụng" để giải quyết những vấn đề tại quê nhà. Chia sẻ về hướng nghiên cứu trong 5 năm tới, GS. TS Huy cho biết sẽ hướng đến các vấn đề ô nhiễm của tương lai.

    "Trong thời gian tới, tôi cùng các đồng nghiệp ở Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động môi trường ở vùng duyên hải phía Bắc của Việt Nam, đặc biệt là vùng cảng Hải Phòng có các trung tâm công nghiệp, công nghệ cao. Mong muốn của chúng tôi là đánh giá một cách toàn diện các tác động từ con người lên môi trường biển, đa dạng sinh học biển, tài nguyên thiên nhiên và quan trọng nhất là giảm thiểu ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia, chính là sức khỏe của con người Việt Nam", anh chia sẻ.

    Anh cũng sẽ liên kết với các đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa TPHCM và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam để nghiên cứu các hệ sinh thái ở miền Nam; nghiên cứu đánh giá tài nguyên nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm ra những phương án tối ưu để quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

    Ngoài ra, mong muốn của vị giáo sư trẻ là có thể đào tạo được một thế hệ tài năng trẻ cho quốc gia trong lĩnh vực phân tích, môi trường và chính sách môi trường. Vì vậy, anh đang xúc tiến kết nối với các trường ĐH VN để trao đổi sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ với ĐH Trent, và Viện Nghiên cứu quốc tế về môi trường (IIES). Qua đó, bạn trẻ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các phòng thí nghiệm hiện đại và những phương pháp nghiên cứu hàng đầu thế giới, để trở thành nòng cốt đóng góp cho nước nhà.

    Kênh 14

  • Trong khi bạn bè thực tập trong nước, Bùi Minh Hiền lại chọn thực tập tại một trang trại nuôi heo ở Đan Mạch. Quyết định này mang đến cho cô gái kiến thức và thu nhập hậu hĩnh.

    Sang Đan Mạch chăm heo

    Bùi Minh Hiền vốn là sinh viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và đang thực tập tại Đan Mạch. Hiền cho biết: “Khoảng năm 2 đại học, tôi thấy một bài đăng trên nhóm của trường về việc chọn thực tập sinh ở Đan Mạch. Tôi thấy quá hấp dẫn nên bắt đầu chuẩn bị hồ sơ, học tiếng Anh…”.

    nu sinh viet nuoi heo 1
    Minh Hiền kể về những hoạt động trong chuyến thực tập tại Đan Mạch.

    Nếu thực tập ở Việt Nam thì Hiền chỉ mất 6 tháng nhưng ở Đan Mạch, cô gái phải thực tập hơn 12 tháng. Tuy thời gian thực tập kéo dài, phải đóng từ 50 - 100 triệu đồng lo hồ sơ nhưng Hiền rất háo hức. Cô hy vọng được khám phá và làm việc ở một đất nước xa lạ.

    Tháng 6/2022, Hiền bay sang Đan Mạch với vốn tiếng Anh kha khá và 30 tín chỉ chuyên ngành thú y. Cô gái thực tập tại một nông trại chuyên sản xuất heo con xuất khẩu sang Đức.

    Những ngày đầu, Hiền gặp nhiều bỡ ngỡ về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Người Đan Mạch nói tiếng Anh rất khác với những gì mà Hiền được học. Mãi một tháng sau, nữ sinh Việt mới có thể nghe được tiếng Anh của người bản địa.

    Ở Đan Mạch, sinh viên Việt Nam rất khó tìm được đồ ăn châu Á. Để mua được thức ăn Việt Nam, Hiền phải đến một cửa hàng cách nơi thực tập khoảng 40km.

    nu sinh viet nuoi heo 1
    Trang trại heo nái là nơi Hiền đang thực tập.

    Ngoài Hiền, chuyến thực tập ở Đan Mạch còn có 4 sinh viên Việt Nam. Tùy theo chuyên ngành và phân công của chủ nông trại, Hiền và các bạn khác làm việc ở nhiều công đoạn, chuồng trại riêng biệt.

    Minh Hiền được phân công làm việc ở trang trại heo đẻ. Tại đây, cô gái chịu trách nhiệm hỗ trợ chăm sóc, tiêm thuốc, kiểm tra sức khỏe và thực hiện các quy trình cắt tai, thiến… cho heo nái và heo con. 

    Nông trại mà Hiền thực tập có khoảng 1.800 heo nái. Mỗi tuần, Hiền tham gia chăm sóc, đỡ đẻ cho khoảng 50-90 heo nái. Số heo con sinh ra được nuôi thật cẩn thận, sau đó xuất sang Đức. 

    Lương thực tập hơn 30 triệu đồng

    Hiền cùng 4 bạn thực tập sinh Việt Nam cùng thuê trọ một ngôi nhà có 5 phòng ngủ. Chủ nhà khá tâm lý và có tìm hiểu thói quen của người Việt Nam. Ngày đầu tiên mới đến, nhóm của Hiền rất bất ngờ khi được chủ nhà chuẩn bị cho nồi cơm điện.

    nu sinh viet nuoi heo 1
    Người bản địa thân thiện nên thực tập sinh Việt Nam cảm thấy thoải mái.

    nu sinh viet nuoi heo 1

    “Người Đan Mạch không ăn cơm, tìm mua nồi cơm điện rất khó. Vậy mà, chủ nhà chu đáo chuẩn bị cho nhóm một chiếc nồi mới hẳn hoi. Tiền thuê nhà khoảng 6 triệu đồng nhưng chủ nhà lại cho chúng tôi ở miễn phí”, Hiền cho biết.

    Nhóm của Hiền rất thân thiết với chủ nhà. Thỉnh thoảng Hiền hỏi: “Tôi có thể quay video và hái táo trong vườn được không” thì chủ nhà rất hưởng ứng. Ngày Giáng sinh, lễ Tết cả nhà cũng tổ chức những bữa tiệc ăn uống vui vẻ. 

    Nhóm của Hiền là những thực tập sinh Việt Nam đầu tiên đến làm việc ở trang trại nuôi heo. Không chỉ được hỗ trợ, hướng dẫn tận tình, nhóm còn được trả lương hàng tháng.

    Sáu tháng thực tập đầu, mỗi thực tập sinh được nhận 11.000 Krone, tương đương khoảng 35 - 40 triệu đồng. Sáu tháng sau, Hiền được trả khoảng 13.000 Krone, tương đương khoảng 50 triệu đồng. Mức lương này là tiền trước thuế, sau thuế thì có khác một chút.

    Trước khi sang Đan Mạch, Hiền không nghĩ mình có thể kiếm thêm thu nhập trong quá trình thực tập. Nữ sinh chỉ mong đi ra nước ngoài để có thêm kinh nghiệm về công việc, trải nghiệm cuộc sống tự chủ.

    Minh Hiền hào hứng kể: “Qua đây, tôi biết được khá nhiều điều thú vị, có cơ hội đi du lịch và kiếm tiền. Trong tương lai, tôi muốn về Việt Nam, hoàn thành chương trình học và làm nghề mình thích”.

    nu sinh viet nuoi heo 1
    Cô gái trẻ thường đăng tải cuộc sống bình yên ở làng quê Đan Mạch trên kênh TikTok riêng.

    Ngoài nguồn thu nhập từ việc chăm heo, Hiền còn phát triển một kênh TikTok riêng, đăng tải những hoạt động thường ngày ở nông trại. Kênh của Hiền được nhiều bạn trẻ Việt Nam thích thú theo dõi. Từ đó, cô nàng có thêm nguồn thu từ mạng xã hội.

    Thông qua các video thực tế của chuyến thực tập, Hiền cũng chia sẻ kinh nghiệm giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp tương lai. 

    Theo Vietnamnet

  • Những thành tích mà cô đạt được ở tuổi đời còn quá trẻ khiến ai cũng đều ngưỡng mộ và thán phục.

    Lưu Minh Trân sinh năm 1990, du học Anh năm 18 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa đầu ra với bằng cử nhân xuất sắc. Cô học xong thạc sĩ Đại học Cambridge ở tuổi 22, tiến sĩ Đại học Oxford ở tuổi 24 và trở về Trung Quốc năm 25 tuổi, sau đó trở thành giáo sư trẻ nhất của Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

    tien si oxford ve nuoc 1

    27 tuổi cô lọt vào danh sách những người ưu tú dưới 30 tuổi của Forbes Trung Quốc. Năm 28 tuổi cô trở thành ρhó trưởng khoa trẻ nhất của khoa Vật liệu và Năng lượng, Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc. 31 tuổi tiếp tục trở thành uỷ viên trẻ nhất của Ủy ban Thường vụ Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

    Tính tới thời điểm hiện tại, các bài báo nghiên cứu và ρhân tích của cô trên trang Nature đạt 6941 bài viết. Bằng cách này, cô đã ρhá kỷ lục của tạp chí hàng đầu thế giới về lĩnh vực khoa học và đạt được danh hiệu “nữ tác giả trẻ nhất Trung Quốc”.

    Những thất bại của Lưu Minh Trân

    Lưu Minh Trân cho biết, mọi người ngưỡng mộ mình rất nhiều, nhưng cuộc sống của cô không ρhải lúc nào cũng thuận buồm xui gió. Cô tự nhận mình không ρhải thiên tài, chỉ là người làm việc chăm chỉ.

    tien si oxford ve nuoc 1

    Thất bại đầu tiên mà cô chia sẻ là bỏ lỡ ngôi trường mơ ước Cambridge, sau đó cô học Đại học Bristol, nhưng cũng là 1 trong 6 trường hàng đầu ở Anh.

    Bước lùi thứ 2 là vào ngày đầu một mình sang Anh du học ở tuổi 18, tất cả mọi thứ đều xa lạ với cô, từ môi trường học tập hoàn toàn mới, cho tới sự khác biệt văn hoá, cuộc sống… khiến cô hụt hẫng vô cùng.

    Cô nhớ lần đầu tiên bước vào lớp, cô giáo không yêu cầu mọi người mở sách mà ρhát cho mỗi người một bảng mạch. Cô nhìn bạn bè ai cũng tháo lắp được, chỉ có cô không biết công tắc ở đâu.

    Nói về cuộc sống, cô cho biết trong từ điển của mình không có khái niệm “rút lui khi đối mặt với khó khăn”. Mỗi khó khăn xảy ra nó sẽ khơi dậy tinh thần chinh ρhục của cô.

    tien si oxford ve nuoc 1

    Nếu gặp khó khăn về ngôn ngữ, cô sẽ nghe lại câu nói đó hàng chục lần cho đến khi đi ngủ cũng nằm mơ. Nếu không theo kịp bạn bè trên lớp, cô nhốt mình trong thư viện suốt ngày đêm, đến nỗi quản lý thư viện còn nhớ cả mặt cô.

    Mồ hôi công sức của cô cũng được đền đáp khi đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, đứng đầu toàn khoa trong 3 năm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bristol, cô vẫn chưa quên câu "Hãy đến với Cambridge" mà mình đã viết trên trang chủ đề của cuốn sách từ vựng năm 18 tuổi.

    tien si oxford ve nuoc 1

    Sau khi học thạc sĩ tại Cambridge, cô vẫn không ngừng tiến về ρhía trước, mục tiêu lần này của cô là lấy bằng tiến sĩ của Đại học Oxford.

    Từ bỏ tất cả để trở về quê hương

    Henry J snaith, người hỗ trợ cô học tiến sĩ tại Đại học Oxford, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ρin mặt trời ρerovskit, từng đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các nhà khoa học được trích dẫn nhiều trong tất cả các lĩnh vực trên thế giới. Cô được Henry ρhát hiện tài năng. Cả 2 nghiên cứu về một chủ đề rất mới về ρin mặt trời ρerovskite. Vào thời điểm này, cô dành hơn 10 tiếng trong ρhòng thí nghiệm mỗi ngày.

    tien si oxford ve nuoc 1

    Những thành tích cô đạt được khiến nhiều quốc gia đang tìm kiếm nhân tài về ρin mặt trời chú ý. Ngay sau khi bài báo được xuất bản, Đại học Cambridge đã quan tâm đến việc tuyển dụng và nhiều công ty khác cũng chào mời cô, một công ty ở Anh đưa ra mức lương hằng năm là 1 triêu bảng Anh. Nhưng lúc này, cô đưa ra một quyết định táo bạo là trở về quê hương.

    Trung Quốc là quốc gia sản xuất và ứng dụng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Tuy nhiên ngành năng lượng mặt trời truyền thống có nhược điểm là giá thành cao và hiệu quả thấp.

    Cô chưa bao giờ quên rằng, việc mình cần ρhải ρhục vụ đất nước, luôn ý thức về sứ mệnh của bản thân đối với xã hội.

    tien si oxford ve nuoc 1

    Ngày 10 tháng 10 năm 2015, cô chính thức ký hợp đồng với Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, trở thành giáo sư và tiến sĩ trẻ nhất trong lịch sử của trường.

    Bất cứ khi nào nói về lý do cô quyết định quay trở lại Trung Quốc, cô sẽ trả lời rằng, chính sự coi trọng của đất nước đối với sinh viên quốc tế, điều này mang lại cho cô cảm giác an toàn tuyệt đối.

    Tốc độ ρhát triển của cô rất nhanh. Trong năm thứ 2, cô đã đi đầu trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hóa học Ứng dụng của Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, nhận ra sự kết hợp mạnh mẽ giữa hóa học và vật liệu, năng lượng, điện tử và những thứ khác.

    Năm 2017, dự án do cô đứng đầu đã được Chương trình R&D Quốc gia đầu tiên của Trung Quốc ρhê duyệt .

    Năm 2018, cô trở thành ρhó trưởng khoa trẻ nhất của Trường Vật liệu và Năng lượng thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

    Dù là ρhó trưởng khoa nhưng cô vẫn đặt ρhòng làm việc trong ρhòng thí nghiệm để có thể giải đáp thắc mắc của sinh viên sớm nhất.

    tien si oxford ve nuoc 1

    Cô cho biết: "Đối với một nhà nghiên cứu khoa học, thành công của họ nằm ở chỗ họ đã thực hiện nghiên cứu gì, đã đóng góp gì cho lĩnh vực nghiên cứu và đã mang lại những tiến bộ gì cho đất nước. Chỉ có như vậy họ mới có thể cảm nhận được tự hào và đạt được”.

    Khen ngợi và chất vấn thường cùng tồn tại. Sau khi nhận được nhiều sự chú ý, một số cư dân mạng cho rằng cô đạt được những thành tựu như vậy là nhờ vào hoàn cảnh xuất thân của mình. Nhưng cô là người kín tiếng, không quan tâm tới những lời đồn đoán bên ngoài. Bởi cô hiểu rằng, niềm hạnh ρhúc của cô đến từ việc nghiên cứu khoa học có kết quả, học sinh đạt thành tích cao, đất nước ngày càng vững mạnh.

    Baogiaothong (theo Sohu)

  • Bỏ ngang việc học tiến sĩ tại Mỹ, nghỉ việc ở Google sau hơn 5 năm làm việc, quyết định của Quân khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng anh cho rằng, bản thân đã đứng yên tại chỗ quá lâu và đến lúc cần phải thử thách mình ở một con đường khác.

    Nguyễn Thời Minh Quân (SN 1983) được biết tới là chuyên gia trong lĩnh vực tấn công mật mã ứng dụng. Anh từng nhận được giải thưởng 39.300 USD khi tìm được lỗi bảo mật trong đồng tiền điện tử Ethereum v2 (phiên bản 2). Ngoài ra, anh đã có 2 bài viết được công nhận tại Hội nghị Black Hat - hội nghị bảo mật máy tính hàng đầu thế giới.

    Trước khi có được những bước tiến như vậy, Minh Quân nói, anh từng rất “loay hoay” để tìm ra một lối đi cho mình – dù từng có thời gian học tiến sĩ tại Mỹ hay cả khi đã có kinh nghiệm làm việc 5 năm tại Google.

    chuyen gia mat ma 1

    0,1 điểm thay đổi cả hành trình học tập

    Nguyễn Thời Minh Quân là cựu học sinh chuyên Toán của Trường Phổ thông Năng khiếu, cựu sinh viên khoa Toán - Tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

    Đam mê với việc học Toán từ rất sớm, nhưng Quân thừa nhận, mình không có duyên với các cuộc thi. Đến khi vào đại học, ước muốn duy nhất của anh chính là được đi du học.

    Anh kể, bản thân khi ấy biết đến rất nhiều học bổng du học ở Mỹ, Nhật Bản hay Singapore. Nhưng hầu hết đều yêu cầu trình độ tiếng Anh rất cao, trong khi bản thân anh lại kém ngoại ngữ.

    “Thời điểm đó, tiếng Anh chính là cản trở lớn nhất của tôi. Nếu muốn đi Nhật, Mỹ hay Singapore mà không có tiếng Anh thì không thể vượt qua được vòng đầu tiên. Lúc đó, chỉ có học bổng tại Nga cho phép sinh viên học tiếng Nga sau khi vào trường. Dù sang Nga sẽ đồng nghĩa với việc tôi phải chuyển sang ngành Kỹ thuật Công nghệ thông tin, nhưng không còn lựa chọn nào khác, tôi chấp nhận để được ra nước ngoài”.

    Xác định được mục tiêu, Quân quyết tâm phải đạt điểm trung bình học tập càng cao càng tốt để được trường lựa chọn.

    “Tôi nhớ mình đã “cày” rất cật lực, ngay cả những môn không quá hứng thú và luôn tự dặn mình “học không hiểu thì học thuộc lòng”.

    Cũng nhờ vậy, kết thúc học kỳ I, điểm số của Quân nằm trong “top” khoa. Duy chỉ có một môn khiến anh không vừa ý. Vì vậy, anh đã quyết định làm đơn phúc khảo, sau đó điểm trung bình đã tăng thêm 0,1.

    Ở thời điểm đó, chính anh cũng không thể ngờ 0,1 điểm sau này lại ảnh hưởng đến tương lai của mình đến vậy.

    “Một người bạn cùng khoa Toán - Tin với tôi, chỉ thua tôi 0,1 điểm, sau đó đã được cử đi học ở vùng Siberia khắc nghiệt và lạnh lẽo. Thực ra, tôi và bạn ấy lúc đầu bằng điểm nhau, nhưng tôi được nâng lên 0,1 điểm nhờ việc chấm phúc khảo. Do đó, may mắn tôi được xếp đi học ở ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU). Cũng nhờ vậy, tôi hiểu được rằng, đôi khi chúng ta cứ phải chiến đấu hết sức của mình, vì không ai biết trước được tương lai sẽ như thế nào”.

    Ăn mì tôm để học cùng “cao thủ thế giới”

    Dù rất hào hứng với việc đi du học, nhưng Minh Quân không thể ngờ, quãng thời gian học tập ở Nga lại khó khăn đến vậy. 

    Thời điểm đó, du học sinh thường xuyên bị phát học bổng trễ vài tháng, Quân đã chứng kiến không ít du học sinh dần mất hy vọng và buông thả vì cuộc sống quá khổ cực. 

    Bản thân Quân cũng thường xuyên gặp cảnh “đói trường kỳ”, chuyện phải ăn mì tôm cũng xảy ra như cơm bữa.

    Nhưng thời điểm đó, cậu du học sinh người Việt quyết định không đi làm thêm vì nhận định rằng, ở môi trường nhiều tài năng như Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, đây là cơ hội tốt nhất để tập trung phát triển tương lai. 

    Quân đặt quyết tâm phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phải giỏi thuật toán vì đó chính là xương sống của ngành.

    Vì thế, quãng thời gian du học tại Nga, Quân cũng thường xuyên tham gia vào các cuộc thi liên quan đến lập trình. Tuy nhiên, chưa bao giờ anh đạt được thứ hạng cao do luôn phải đương đầu với các đối thủ quá mạnh.

    “Tôi nhận thấy bản thân tiến bộ rất chậm và xếp hạng không lên được bao nhiêu mặc dù đi thi và tập luyện rất nhiều. Những đối thủ của tôi đều là sinh viên của Trường Lô-mô-nô-xốp - những người sau đó đều vô địch thế giới về lập trình. Cảm giác năm nào cũng đi thi nhưng đều trở về tay trắng khiến tôi thấy buồn và thất vọng không dứt ra được”, anh nhớ lại.

    Năm 2008, Quân về nước sau 6 năm trong tâm trạng khá chán nản, dù vẫn giành được tấm bằng đỏ ở ngôi trường đại học lâu đời và nổi tiếng bậc nhất nước Nga.

    Dù vậy, với ước muốn tiếp tục được nghiên cứu, 2 năm sau đó, anh quyết định “apply” chương trình tiến sĩ tại Mỹ về mật mã nhưng không được trường nào chấp nhận. Đến năm thứ 3, anh được một thầy giáo người Pháp, chuyên nghiên cứu về chống virus máy tính, quý mến và muốn cấp học bổng. Tuy nhiên, cơ hội lại vụt tắt khi thầy không thể xin được nguồn tài trợ.

    Ở thời điểm tưởng chừng như mất hết hy vọng, may mắn anh lại được một ngôi trường tại Mỹ chấp thuận, sau đó đã thuận lợi lên đường.

    Bỏ ngang Tiến sĩ, nghỉ làm Google

    Trong quá trình học Tiến sĩ tại Mỹ, chàng trai người Việt được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hệ thống mật mã, nhưng anh luôn phát hiện ra lỗi ngay cả trong những giao thức cơ bản. Thêm vào đó, chuyện thường xuyên mâu thuẫn với giáo sư hướng dẫn khiến anh cảm thấy chán nản.

    “Có giai đoạn, thầy nói rằng tôi nên đi tìm giáo sư hướng dẫn khác đi. Nghe vậy tôi vô cùng suy sụp, vì mong muốn duy nhất của tôi lúc bấy giờ là được yên tâm thực tập và làm nghiên cứu”, Minh Quân nhớ lại. 

    Cú huých khiến Quân quyết định bỏ ngang việc học Tiến sĩ là sau 2 năm tại Mỹ, anh trúng tuyển vào Google nhờ kiến thức từ thời “cày” thuật toán ở Nga. Với niềm tin vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu ngay cả khi đi làm, anh quyết định “đầu quân” cho Google trong lĩnh vực tấn công mật mã. 

    chuyen gia mat ma 1
    Nguyễn Thời Minh Quân ngày làm việc ở Google.

    Tuy nhiên, chuyện làm việc ở Google “vốn cũng không như mơ”. Lĩnh vực tấn công mật mã yêu cầu nhiều về kiến thức Toán cơ bản, trong khi Quân bị thiếu hụt do quá tập trung vào lập trình.

    May mắn, tại Google, anh được làm việc cùng các chuyên gia mật mã hàng đầu thế giới. 

    “Tôi luôn tự nhủ rằng phải cố gắng hết mình vì cơ hội chỉ đến một lần duy nhất. Tất nhiên, khi bắt đầu làm việc với chuyên gia, tôi mới thấy mình không hiểu gì về mật mã cả. Vì thế, tôi đã đọc, học điên cuồng và một thời gian sau cũng có thể bắt nhịp, đóng góp cho dự án”.

    Công việc tại Google diễn ra thuận lợi trong 5 năm gắn bó, nhưng anh bắt đầu nhận thấy bản thân đã đứng yên tại chỗ trong một thời gian dài. Không thực sự hiểu mình muốn gì, Quân bắt đầu mơ hồ nhận ra rằng đã đến đến lúc cần phải thử thách bản thân ở một con đường khác.

    Vì thế, sau 5 năm làm việc, anh quyết định rời khỏi Google. Nghỉ việc nhưng Quân vẫn không ngừng học mà tiếp tục tìm hiểu, đọc thêm về mật mã mỗi khi rảnh.

    chuyen gia mat ma 1
    Anh Quân và vợ.

    Nhận ra rằng việc tìm lỗi trong những giao thức phổ biến sẽ ít có cơ hội thành công do đây là lĩnh vực có quá nhiều chuyên gia, vì vậy, anh quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu Ethereum v2 và mật mã cao cấp. May mắn, những tấn công của anh đã được công nhận. Ethereum sau đó đã trao cho chàng trai người Việt 39.300 USD USD tiền thưởng vì những phát hiện này.

    Sau những thất bại từ khi học cấp 3 và cả khi du học, Minh Quân nhận ra rằng, những cuộc thi không thể hiện hết tất cả, năng lực áp dụng không đúng chỗ thì cũng sẽ không đem lại kết quả tốt. Vì vậy khi tìm ra hướng đi cho mình thì phải dồn hết sức vào nó.

    Quân cũng luôn tin rằng, điều giá trị nhất của sự thất bại chính là việc mình nhận ra được lỗi sai để không mắc phải lần thứ hai.

    “Tôi thường nhìn lại mình, so với bản thân của những năm trước. Tôi tin vào lý thuyết gọi là Compound Theory, tức nếu sau 1 năm mình sẽ tốt hơn 20%; sau 5 năm, mình sẽ tốt hơn 2,5 lần và 10 năm sẽ là 6 lần. Tôi tin rằng, nếu mình nỗ lực thì có thể vươn lên và tiến xa hơn”, anh Quân chia sẻ.

    Theo Vietnamnet

  • 'Con người giàu có không phải ở tiền bạc mà giàu có bởi trải nghiệm. Hãy cố gắng trải nghiệm tối đa bởi nó sẽ giúp bạn trưởng thành, hiểu hơn về chính mình và khiến bản thân không hối tiếc. Đừng nên sống bằng trải nghiệm của người khác bởi đó là của họ, không phải là của bạn', chị Việt Anh chia sẻ.

    du hoc o chau phi 1

    Chị Nguyễn Việt Anh, 29 tuổi, Hà Nội hiện đang là Phó Giám đốc phụ trách Media, Marketing và Sale cho một công ty tư vấn du học có tiếng. Trước khi gắn bó với công việc này, chị từng là du học sinh có 7 năm học tập tại Pháp và Ma-rốc. Nhờ chăm chỉ, nỗ lực không ngừng đã giúp chị gặt hái được nhiều thành quả ngọt ngào. Chị Việt Anh từng 2 lần nhận học bổng toàn phần cho chương trình Đại học và Thạc sĩ.

    Với chị Việt Anh, học tập bao nhiêu vẫn là chưa đủ. Hiện công việc chị đang làm không phải là ngành học trước đó nhưng chị vẫn làm việc tận tâm tận sức, không ngừng mày mò học hỏi. Chị cho rằng, chỉ nhờ tinh thần tự học phi thường cùng sự quyết tâm, bản lĩnh mới có thể chinh phục được ước mơ.

    Chọn 1 đất nước khác lạ để… du học, 4 năm sau nhận thành quả ngọt ngào

    Từ khi còn học bậc THCS, THPT, chị Việt Anh đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, phong trào của Đoàn trường. Nhận thấy bản thân là người hướng ngoại, tính cách sôi nổi, thích tổ chức các chương trình/sự kiện nên chị mong muốn theo ngành Báo chí – Truyền thông. Ước mơ là vậy nhưng sau khi được gia đình đưa ra lời khuyên, chị đã đi theo chuyên ngành Kinh tế - Tài chính.

    Chị Việt Anh cho biết: "Trong gia đình không có ai theo nghề báo nên bố mẹ sợ con đường sau này tôi đi gặp nhiều thách thức. Mẹ cũng định hướng cho tôi học Tài chính, không hẳn khi ra trường sẽ làm cho các công ty, tập đoàn mà có thể trở thành giảng viên. Như vậy, tôi vẫn có cơ hội truyền cảm hứng với mọi người. Công việc này phù hợp với tính cách tôi. Thấy lời khuyên hợp lý nên tôi đã nghe theo mẹ dù vẫn còn nuối tiếc".

    Sau một năm theo học bậc Cử nhân tại Đại học Thương mại, chị Việt Anh cảm thấy cuộc sống có phần tẻ nhạt. Chị quyết định "làm mới" bản thân bằng cách ra nước ngoài học tập. Vì là sinh viên xuất sắc của trường nên chị nhận được suất học bổng toàn phần của chính phủ Ma-rốc. Ngôi trường mà chị theo học có tên là Đại học Mohamed V Rabat.

    Trong khi các bạn trẻ chọn đi du học ở các quốc gia phát triển như: Nga, Mỹ, Đức, Ý,… thì chị lại chọn đất nước Ma-rốc xa xôi với nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Thời gian đầu, chị cũng băn khoăn giữa bộn bề suy nghĩ: "Liệu đây có phải quyết định đúng đắn?", "Liệu mình có "sống sót" nổi sau một học kỳ?", "Mình sẽ học một ngôn ngữ mới ở tận châu Phi như thế nào?",...

    Trong cô gái trẻ khi ấy là hàng vạn những suy tư, đắn đo. Tuy nhiên, cơ hội chỉ đến một lần trong đời, nếu không tận dụng thì cơ hội sẽ vuột qua mất. Nhận thức được điều đó, chị Việt Anh quyết định bước ra khỏi vùng an toàn.

    Khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải là việc trau dồi 2 ngôn ngữ: Tiếng Pháp cho việc học tập và đôi chút tiếng Ả Rập cho cuộc sống thường nhật. Thời gian đầu, chị Việt Anh "toát mồ hôi" mỗi khi bắt buộc phải trò chuyện với người bản địa ở chợ. "Những người bán hàng ở chợ chỉ số ít biết tiếng Pháp/Anh. Họ chỉ nói tiếng Ma-rốc - thứ tiếng được tạo từ tiếng Ả Rập pha trộn với nhiều ngôn ngữ khác. Sau này, khi đã sinh sống một thời gian dài, tôi mới có thể giao tiếp cơ bản, đủ cho việc đi chợ của mình", chị Việt Anh tâm sự.

    Về tiếng Pháp – ngôn ngữ bắt buộc sử dụng khi đến trường cũng từng là thách thức đối với chị. Chị Việt Anh cho biết, trong Tiếng Pháp và Tiếng Anh có nhiều từ vựng tương đương nên nếu bạn học tiếng Anh tốt thì khi chuyển sang tiếng Pháp sẽ không gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều từ cổ Tiếng Anh có nguồn gốc từ Tiếng Pháp. Kỹ năng khó nhất trong Tiếng Pháp đó là kỹ năng Nghe.

    Cô gái Hà Nội trải lòng: "Theo tôi, học tiếng gì cũng cần đặt cao vai trò của thực hành. Cách học tốt nhất là sử dụng ngôn ngữ đó trong quá trình sinh sống, hãy tự tạo cho mình môi trường để rèn luyện. Hãy nói nhiều, nghe nhiều để cải thiện năng lực.

    Tôi thấy nhiều bạn có tâm lý ngại ngùng khi chưa giỏi ngoại ngữ. Đây là suy nghĩ cực sai lầm. Tôi nghĩ ngoại ngữ chỉ là công cụ giao tiếp. Và mọi người không thể đánh giá trình độ học vấn, nhân cách thông qua ngoại ngữ được. Nói dở, phát âm không hay cũng chẳng sao, miễn là người đối diện hiểu. Thậm chí nói sai ngữ pháp, nói bồi cũng được. Đừng ngại, bạn phải chủ động giao tiếp mới giúp bản thân sớm hoàn hảo, chúng ta đừng đợi đến lúc hoàn hảo mới dám nói. Bởi nếu cứ chờ đợi mà không cố gắng thì biết đến bao giờ mới hoàn hảo?".

    Với tinh thần không ngại khổ, không ngại khó đã giúp chị Việt Anh trở thành Thủ khoa tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Quản lý, chuyên ngành Kế toán - Tài chính với GPA 15.9/20.0. Chị được thầy cô tận tình giúp đỡ, viết thư giới thiệu sang học chương trình Thạc sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học.

    du hoc o chau phi 1
    Việc học tập vất vả, áp lực nhưng chị Việt Anh luôn nỗ lực vươn lên.

    Giống như lần đi du học đầu, chị Chị Việt Anh tiếp tục nhận học bổng toàn phần. Đây là suất học bổng của chính phủ Pháp, mang tên Eiffel, giúp sinh viên trở nên "giàu có". Học bổng Eiffel là niềm mơ ước của rất nhiều người bởi nó hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ vào mỗi tháng; chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm bổ sung; miễn 100% học phí; miễn phí vé máy bay khứ hồi Việt-Pháp, visa; được tham dự 100% các hoạt động văn hóa, du lịch,…

    Vì đã có 4 năm học tập tại Ma-rốc – một đất nước có nền văn hóa tương đồng với Pháp nên khi sang Pháp học tập, chị Việt Anh không bị sốc tinh thần. "Thời điểm đó, tôi cảm thấy bản thân đã trưởng thành. Tôi còn tự tin nói với mẹ rằng giờ thả con ở đâu, con cũng sống được. Tôi không còn sợ việc bắt đầu với môi trường mới", cô gái Hà Nội nhớ lại.

    Nói vậy không có nghĩa là không có thách thức. Chương trình bậc Thạc sĩ khó hơn so với bậc Đại học rất nhiều khiến cô gái trẻ bị choáng ngợp ở thời gian đầu. Các môn chuyên ngành Tài chính được nâng cao, khối lượng kiến thức rộng khiến chị Việt Anh phải thay đổi chiến lược học tập. Chị dành nhiều thời gian nghiên cứu, đào sâu và dành sự tập trung cao độ. Việc kiểm tra mỗi môn trên lớp cũng khá khắt khe. Sinh viên không được mang bài luận về nhà làm. Mọi bài kiểm tra đều phải thực hiện ngay trên lớp, dưới sự giám sát của giáo viên.

    "Tôi nhớ mãi giờ kiểm tra môn Luật. Giảng viên chỉ đưa ra đề bài gồm vẻn vẹn 1 dòng trên tờ giấy. Chúng tôi không được phép dùng điện thoại, máy tính để tìm kiếm thông tin.

    Việc học rất áp lực, tôi thấy nhiều sinh viên bỏ về nước giữa chừng. Nhiều bạn không thi qua 1-2 học kỳ sẽ cảm thấy mặc cảm, chán nản, không còn động lực học tập. Và việc không có ai ở bên chia sẻ, động viên sẽ khiến các bạn ấy trượt dài trên thất bại", chị Việt Anh cho biết.

    Vượt qua những khó khăn, chị Việt Anh tập trung học tập, đi thực tập để nâng cao kiến thức cùng kỹ năng. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp, chị được một số công ty ở Việt Nam mời về làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn.

    du hoc o chau phi 1
    Chị Việt Anh là một trong những sinh viên xuất sắc khi có tới 2 lần đạt học bổng toàn phần cho chương trình Đại học và Thạc sĩ.

    Học hết sức, chơi hết mình – Có những kỷ niệm tuyệt vời bên những người bạn ngoại quốc

    Với chị Việt Anh, du học không chỉ mở ra cơ hội học tập, phát triển bản thân mà còn đem đến cho chị những kỷ niệm tuyệt vời. Chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi trong gần 7 năm sinh sống tại nước ngoài, chị luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ thầy cô và bạn bè.

    Nhớ về quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp, chị Việt Anh hào hứng kể về "thương vụ bạc tỷ" mà chị cùng bạn bè thực hiện, đó là việc làm nem mang ra chợ bán. Trong dịp nghỉ hè năm đầu tiên, vì cảm thấy nhàn rỗi và muốn có thêm trải nghiệm, chị Việt Anh đã làm nem Việt Nam bằng những nguyên liệu sẵn có để bán cho người bản địa. Nhân nem sẽ được thay bằng thịt gà xay hoặc thịt bò xay bởi người dân ở đây không ăn thịt heo.

    Không ngờ "start-up" của chị thành công ngoài mong đợi. Mỗi ngày, nhóm chị bán được khoảng 400 – 500 cái nem tại chợ dân sinh. Thậm chí, có nhiều cửa hàng còn liên hệ đề xuất nhập nem do chị làm để về bán. Tuy nhiên, chị chỉ làm để lấy trải nghiệm. Còn những mùa hè sau, chị về Việt Nam thăm gia đình, học thêm tiếng, đi thực tập để nâng cao năng lực bản thân.

    du hoc o chau phi 1
    Nữ sinh có những kỷ niệm tuyệt vời bên những người bạn ngoại quốc.

    Dù ở nơi đất khách quê người nhưng chị Việt Anh không khi nào cảm thấy cô đơn. Vào những dịp lễ Tết, các bạn thường mời chị về nhà chơi. Dù khác biệt văn hóa, ngôn ngữ nhưng chị hạnh phúc khi có thêm một gia đình mới. Những dịp ấy, chị sẽ cùng gia đình bạn thưởng thức món ăn truyền thống, chụp ảnh lưu niệm và quây quần trò chuyện bên nhau.

    Hay một kỷ niệm khác khiến chị Việt Anh nhớ mãi là được rủng rỉnh ngồi tâm sự với bạn thân vào cuối tuần bên dòng sông hiền hòa. "Chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện phiếm, chẳng làm điều gì cụ thể. Cảm giác ấy thật yên bình, ấm áp khi được kể cho nhau nghe mọi chuyện vui, chuyện buồn. Tất cả kỷ niệm ấy đều tươi đẹp và còn vẹn nguyên như mới diễn ra ngày hôm qua. Sau này giữa bộn bề cuộc sống, bất giác nhớ lại, tôi đều mỉm cười hạnh phúc và thấy đó là một liều thuốc tinh thần vô giá", cô gái Hà Nội trải lòng.

    "Du học không phải màu hồng, số người thất bại không hề ít"

    Sau 7 năm bôn ba ở nước ngoài, chị Việt Anh chọn về Việt Nam làm việc để được gần gia đình. Hiện chị đang là Phó Giám đốc phụ trách Media, Marketing và Sale cho một công ty tư vấn du học có tiếng. Dù làm trái ngành nhưng chị vẫn áp dụng được nhiều kiến thức đã được đào tạo vào công việc như: Quản trị doanh nghiệp, lên kế hoạch, làm báo cáo,…

    Chị Việt Anh luôn cảm thấy may mắn, hạnh phúc trên chặng trình đã và đang bước đi. Với chị, việc ra nước ngoài học tập đã mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân. Tuy nhiên, du học không phải là bức tranh màu hồng mà còn nhiều góc khuất ít người biết tới. Bởi vậy, chị đã có vài lời khuyên gửi tới những bạn trẻ đang có ý định đi du học:

    - Đầu tiên, bạn cần hiểu rõ về bản thân:

    Đi du học phù hợp với người này nhưng không có nghĩa sẽ phù hợp với người kia. Việc bạn đi du học theo xu hướng, theo gia đình mong muốn trong khi bản thân chưa quyết tâm sẽ rất lãng phí thời gian. Tỷ lệ sinh viên không thành công sau khi đi du học không hề ít. Nhiều bạn ra nước ngoài bị sốc văn hóa, không hòa nhập được, nhớ gia đình,… Đi du học rất vất vả, không phải màu hồng như nhiều bạn nghĩ.

    Ngoài ra, bạn phải tìm hiểu kỹ thông tin về quốc gia mà bạn muốn tới học tập. Chẳng hạn như văn hóa của họ ra sao, văn hóa có điểm gì khác biệt, lối sống của người dân thế nào?,… Nếu thực sự cảm thấy phù hợp và bản thân quyết tâm thì hãy theo đuổi. Bởi khi quyết tâm cao độ mới vượt qua được khó khăn. Còn nếu bạn chỉ đi theo sự khích lệ từ gia đình, đi theo lời khuyên nhủ của bạn bè thì khi gặp thách thức, bạn sẽ mất phương hướng, nảy sinh tâm lý chán nản và từ bỏ mọi thứ.

    du hoc o chau phi 5
    Chị Việt Anh cho biết, nhiều bạn trẻ bỏ dở việc học giữa chừng do chưa chuẩn bị tâm lý đối mặt với thách thức.

    - Điều thứ hai, bạn cần chuẩn bị tinh thần:

    Đã xác định xa gia đình để du học, bạn không được ngại khó, ngại khổ và tuyệt đối không được xấu hổ. Bạn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đề nghị mọi người giúp đỡ khi gặp khó khăn, không được giấu sự yếu kém của mình. Môn học nào không hiểu thì phải hỏi thầy cô, bạn bè ngay lập tức. Có thể hôm nay mình kém cỏi, còn hơn là kém cỏi mãi nếu không chịu hỏi mọi người.

    Ngoài ra, bạn cần rèn luyện sự tự lập, chủ động trong học tập cũng như trong mọi việc. Bởi cuộc sống xa nhà không hề đơn giản, bạn phải tự tay làm tất cả mọi việc, dù là nhỏ nhất. Bạn cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản như: Cách sơ cứu, cách sử dụng thuốc, tự tạo kỷ luật cho bản thân,…

    "Con người giàu có không phải ở tiền bạc mà giàu có bởi trải nghiệm. Hãy cố gắng trải nghiệm tối đa bởi nó sẽ giúp bạn trưởng thành, hiểu hơn về chính mình và khiến bản thân không hối tiếc. Đừng nên sống bằng trải nghiệm của người khác bởi đó là của họ, không phải là của bạn", chị Việt Anh nhấn mạnh.

    Một số thành tích mà chị Việt Anh đạt được:

    - Học sinh top 1 với GPA cao nhất khối trong suốt 3 năm học THPT.

    - Học bổng Lawrence S.Ting cho học sinh THPT xuất sắc lớp 11.

    - Giải Ba thi Olympic Toán THPT cụm Cầu Giấy - Thanh Xuân.

    - Lớp trưởng, cán bộ của BCH Đoàn trường THPT (Nhận giấy khen của Quận đoàn Bắc Từ Liêm cho học sinh có hoạt động Đoàn thanh niên xuất sắc).

    - Giấy khen cho sinh viên xuất sắc của trường Đại học Thương mại.

    - Sinh viên năm nhất có GPA cao nhất khoa Kế toán - Kiểm toán (GPA 3.6/4.0).

    - Học bổng Hiệp định Chính phủ Việt Nam – Ma-rốc toàn phần cho bậc cử nhân. Thủ khoa tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Quản lý, chuyên ngành Kế toán Tài chính - GPA 15.9/20.0 tại Đại học Mohamed V Rabat (Ma-rốc).

    - Học bổng Chính phủ Pháp Eiffel 2017 cho sinh viên xuất sắc theo học bậc Thạc sĩ Tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính, Viện Quản lý Montpellier, Đại học Montpellier, Pháp với GPA 14.9/20.0.

    Theo Afamily

  • Với 11 công việc, Phạm Thị Ngọc Hòa, sinh viên ngành Quan hệ công chúng, ĐH Deakin (Australia) tự trả học phí, chi phí sinh hoạt và hỗ trợ mua nhà cho bố mẹ.

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1

    Năm 2019, Ngọc Hòa (từ Phú Yên), khi ấy chưa đầy 20 tuổi, đặt chân đến Australia để học chương trình cử nhân ngành Truyền thông - Quan hệ công chúng tại ĐH Deakin, Melbourne.

    “Thời điểm đó, mình không thể nghĩ bản thân lại có thể làm được nhiều công việc đến thế bởi mình cũng tìm hiểu và biết du học sinh Việt Nam hay thậm chí sinh viên bản địa khó trúng tuyển khi ứng tuyển vào những công việc này”, Ngọc Hòa chia sẻ với Zing.

    Trong gần 4 năm ở Australia, Ngọc Hòa trải nghiệm 11 công việc. Đầu năm 2022, khi Australia cho phép du học sinh làm việc toàn thời gian, nữ sinh sắp xếp làm 9 công việc cùng lúc (7 việc trên trường và 2 việc ở công ty).

    Hiện tại, với các công việc ở trường và công ty, Hòa tự trang trải học phí và chi phí sinh hoạt. Nữ sinh 22 tuổi cũng có dư và tích lũy để gửi về cho gia đình, thậm chí hỗ trợ bố mẹ mua nhà.

    Chín công việc có trả lương tại trường

    Chia sẻ về cá nhân, Phạm Thị Ngọc Hòa cho biết ngay từ thời niên thiếu, cô đã có niềm tin vững chắc vào bản thân.

    Niềm tin đó thôi thúc Hòa nỗ lực không ngừng suốt những năm học phổ thông. Nữ sinh luôn khẳng định mình bằng các thành tích như giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh năm học 2017-2018, được tuyển thẳng đại học, nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; giải Kim cương và nhiều huy chương vàng cấp quốc gia, khu vực tại các kỳ thi Olympic tiếng Anh.

    Nữ sinh còn từng là nhà sáng lập và Tổng Thư ký của Phu Yen Model United Nations (PYMUN) - hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc đầu tiên ở tỉnh Phú Yên; đạt IELTS 8.0 khi mới 17 tuổi.

    Mỗi năm, Hòa đều đề ra mục tiêu cụ thể cho năm mới và dành toàn bộ tâm huyết để thực hiện. Ngay cả khi ăn, ngủ, cô cũng nghĩ về mục tiêu đã đặt ra.

    Khi người xung quanh bàn tán du học sinh ngành Truyền thông ở Australia khó xin việc, Hòa vẫn quyết tâm theo đuổi vì đó là mục tiêu của cô và cô tin bản thân làm được.

    Ở đất nước xa lạ, nhờ tích cực học tập và tham gia các hoạt động, cuối năm nhất, Ngọc Hòa được nhận vào làm công việc hỗ trợ sinh viên của trường (có trả lương). Hiện tại, nữ sinh đã trải nghiệm đến 9 công việc của trường.

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1
    Các hoạt động cùng các công việc Ngọc Hòa đã tham gia ở ĐH Deakin (Australia). Ảnh: NVCC.

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1

    Cô là trưởng nhóm các đại sứ sinh viên của DeakinTALENT - dịch vụ hỗ trợ nghề nghiệp của ĐH Deakin, cố vấn cho các tân sinh viên học trực tuyến, cố vấn về việc viết học thuật và làm bài kiểm tra cho sinh viên.

    Nữ sinh từ Phú Yên còn là đại sứ của trường tại các sự kiện tuyển sinh, đại diện sinh viên trong dự án đổi mới mô hình học tích hợp và đánh giá của trường, đại sứ cho trường trong Tuần lễ Định hướng (Orientation Week), giúp các tân sinh viên làm quen với môi trường mới.

    Ngọc Hòa còn làm quản lý và tổ chức các tài liệu của Tuần lễ Định hướng, hỗ trợ sinh viên sử dụng thư viện, đảm nhận việc liên hệ các sinh viên thuộc diện đặc biệt hoặc được ưu tiên của trường để hỗ trợ họ.

    Nữ sinh cho biết các công việc này có đầu vào cạnh tranh bởi nhiều ứng viên, được trả lương cao, nhàn hạ hơn các công việc tay chân thông dụng trong giới sinh viên. Hòa chia sẻ hiện tại, công việc tại trường mang lại cho cô mức lương 33-38 dollar Australia/giờ (549.000-632.000 đồng/giờ), tương đối cao so với lương trung bình ở nước này.

    Bên cạnh đó, sau một năm, các công việc này giúp Ngọc Hòa trở thành một trong 5 sinh viên đạt giải Students Helping Students Award của ĐH Deakin năm 2020 (giải thưởng dành cho các sinh viên có cống hiến vượt trội nhất cho các chương trình hỗ trợ sinh viên của trường).

    Không những thế, Hòa còn đạt thành tích cao trong học tập khi lọt vào top 15% sinh viên có điểm cao nhất ĐH Deakin với điểm trung bình môn thuộc loại xuất sắc.

    Hai công việc đúng ngành từ năm hai

    Không chỉ chú trọng công việc tại trường, Phạm Thị Ngọc Hòa còn muốn theo đuổi công việc đúng ngành. Ngay từ năm 2 đại học, sau kỳ thực tập 2 tháng, Hòa được giữ lại làm nhân viên chính thức tại một công ty tư vấn truyền thông có tiếng.

    Ngọc Hòa cho biết việc trúng tuyển vào đây không dễ vì các nhà tuyển dụng thường ngại tuyển du học sinh do họ có thể không định cư. Hơn nữa, công ty có thể phải bảo lãnh giấy tờ, thủ tục phiền phức.

    “Họ thường ưu ái ứng viên người Australia dù cho năng lực du học sinh nhỉnh hơn”, nữ sinh nhận định.

    Bên cạnh đó, công việc đòi hỏi người lao động phải nói, viết tiếng Anh rất tốt, thậm chí hơn trình độ trung bình của người bản xứ. Đây cũng là yếu tố khiến du học sinh từ các nước không nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ khó cạnh tranh.

    Ngành này cũng đòi hỏi ứng viên am hiểu văn hóa địa phương. Ứng viên bản địa chắc chắn có ưu thế hơn.

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1
    Ngay từ năm 2 đại học, sau kỳ thực tập 2 tháng, Hòa được giữ lại làm nhân viên chính thức tại một công ty tư vấn truyền thông có tiếng. Ảnh: NVCC.

    Lúc được nhận vào làm, nữ sinh tự nhận định mình “trẻ người non dạ” bởi khi ấy, cô chưa tròn 20 tuổi và mới chỉ học gần xong năm 2 đại học. Đây cũng là thời điểm nhiều người mất việc vì dịch Covid-19.

    Cũng trong thời gian này, Hòa trở thành nhân viên điều hành marketing cho một công ty tư vấn du học - định cư Australia. Công việc cũng đúng chuyên môn, kết hợp 2 niềm đam mê của Hòa - truyền thông và giáo dục.

    Với 2 công việc này, mỗi ngày, Hòa sáng tạo nội dung cho mạng xã hội như viết bài, thiết kế hình ảnh, lên kịch bản video. Nữ sinh cũng lập kế hoạch, thực hiện các chiến dịch truyền thông cho công ty.

    Hiện tại, Hòa làm song song cả 2 công ty. Cô không muốn bỏ lỡ cơ hội khó có được này, đặc biệt khi nhiều du học sinh phải làm công việc tay chân sau tốt nghiệp do không tìm được công việc đúng ngành.

    Làm việc chăm chỉ và biết cách thể hiện bản thân

    Đằng sau những kết quả trên là cả hành trình dài nỗ lực và không ngừng cố gắng của Ngọc Hòa. Nữ sinh cho biết cô đã có quá trình chuẩn bị vốn tiếng Anh rất dài. Ngay từ bé, Hòa học tiếng Anh rất bài bản, kiên nhẫn và tôi luyện mình qua nhiều cuộc thi tiếng Anh. Ngay cả khi qua Australia, cô cũng chưa bao giờ ngừng học tiếng Anh.

    Bên cạnh đó, Hòa tin mình luôn cần phát triển bản thân, xây dựng thương hiệu. Nữ sinh chăm chỉ học bài, đọc tài liệu và đầu tư kỹ lưỡng cho các bài kiểm tra.

    du hoc sinh giup bo me mua nha 1
    Đằng sau những kết quả trên là cả hành trình dài nỗ lực và không ngừng cố gắng của Ngọc Hòa. Ảnh: NVCC.

    Hòa chú trọng xây dựng các mối quan hệ với giảng viên bằng việc tích cực trả lời câu hỏi, đóng góp, phản biện ý kiến trong các giờ học để nâng cao thành tích học tập, gây ấn tượng và dễ dàng có được các công việc trong trường.

    Tham gia các sự kiện kết nối, hội thảo cũng là cách để Hòa xây dựng quan hệ với những chuyên gia đã có kinh nghiệm trong ngành. Ngoài ra, cô chủ động tham gia 2 kỳ thực tập và tìm kiếm việc làm để có thể tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng cần có.

    Hơn nữa, Ngọc Hòa tiếp xúc với lĩnh vực này từ sớm. Hồi học THPT, nữ sinh đã làm marketing cho các tổ chức xã hội. Đến nay, cô quản lý khoảng 30 tài khoản, trang mạng xã hội.

    Các hoạt động, kinh nghiệm này giúp Hòa tự tin về chuyên môn của mình và có CV nổi bật. Quá trình thực tập, nữ sinh thể hiện thái độ cầu thị, sẵn lòng lắng nghe, học hỏi, làm việc hiệu quả, nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, kết thúc kỳ thực tập, Hòa có ngay cho mình công việc chính thức tại công ty này.

    “Ngoài làm việc chăm chỉ, mình còn phải biết cách thể hiện khéo léo cho lãnh đạo, khách hàng thấy sự hiệu quả, nhạy bén và tận tâm nữa”, Ngọc Hòa chia sẻ.

    Theo Zing News

  • Sau 5 năm chăm mẹ bị ung thư, Ilyan Benamor, 15 tuổi, giành học bổng 80,000 bảng Anh của Eton College, ngôi trường danh giá hàng đầu Anh quốc.

    Ilyan Benamor sẽ sánh vai với tầng lớp thượng lưu tại Eton College - trường trung học nội trú thường dành cho giới nhà giàu, quý tộc nổi tiếng tại Anh. Trường nằm ở Windsor, Berkshire, chỉ nhận các nam sinh 13-18 tuổi. Đây là nơi Hoàng tử William và Harry, Thủ tướng Boris Johnson cùng nhiều nhân vật lẫy lừng khác từng theo học. Eton College trước đây chỉ dành cho con cái giới quý tộc, thượng lưu siêu giàu, nhưng về sau đã mở rộng phạm vi tuyển sinh. Để trúng tuyển và giành được học bổng, học sinh phải trải qua cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.

    Ilyan được nhận sau một kỳ đánh giá kéo dài ba ngày, gồm ba bài kiểm tra đầu vào và nhiều cuộc phỏng vấn.

    "Đó là một câu chuyện khó tin. Có lẽ một ngày nào đó em sẽ viết sách. Chiến thắng này có nhiều ý nghĩa với em bởi đã có lúc mọi khó khăn tưởng chừng không vượt qua được", Ilyan nói sau khi giành học bổng.

    trung tuyen truong eton 1
    Ilyan và mẹ, bà Lalia. Ảnh: SWNS

    Bố mẹ Ilyan ly tán trong cuộc tháo chạy khỏi Algeria, ngay trước khi em chào đời. Ilyan sinh ra ở Pháp và chuyển đến Tây Ban Nha một thời gian ngắn, rồi cùng mẹ đến Anh khi lên 3 tuổi. Mẹ của Ilyan, bà Lalia Amal Chikhaoui, 49 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư khi Ilyan mới 9 tuổi; hiện còn bị rối loạn thần kinh chức năng, khiến bà gặp hạn chế trong việc vận động.

    Trong khi các bạn ở trường công của Ilyan có cuộc sống dễ chịu, thậm chí xa xỉ, từ khi 11 tuổi, em phải chăm sóc cho người mẹ phải ngồi xe lăn. Trước khi Ilyan giành vé đến Eton, hai mẹ con sống trong một căn phòng chỉ để vừa hai chiếc giường, ở Stratford.

    "Em rất tự hào về mẹ và mọi thứ bà đã trải qua. Nếu không vì quyết định đến Anh năm xưa của mẹ, em không bao giờ có cơ hội này". Sau này, Ilyan muốn trở thành một chính trị gia.

    Ilyan và mẹ không có người thân ở Anh, nhưng chú của em có kế hoạch đến đây trong thời gian tới và sẽ đảm nhận trách nhiệm chăm sóc bà Lalia khi em đến Eton. Ngoài ra, bà Lalia cũng đang được Hội đồng Newham cử người chăm sóc, mỗi ngày ba giờ.

    Việc đi học xa nhà, không có ai chăm sóc mẹ cũng là nỗi lo lắng của Ilyan. Do đó, khi nhận được hỗ trợ từ mọi người, nam sinh cảm thấy biết ơn. "Tôi mong Ilyan sẽ có cuộc sống mới ở Eton. Tôi không muốn thằng bé lo lắng nhiều về tôi nữa. Ilyan đã làm quá nhiều so với độ tuổi của thằng bé", bà Lalia nói.

    trung tuyen truong eton 1
    Ilyan túc trực bên giường bệnh của mẹ khi bà phải điều trị ung thư vào năm 2015. Ảnh: SWNS

    Để giành học bổng của Eton, Ilyan đã tham gia Community School Trusts (CST), chương trình hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn giành được vị trí tại các trường có học phí cao. Học sinh sẽ được chỉ định cố vấn, người hỗ trợ các em nộp đơn ứng tuyển, kiểm tra đầu vào và chuẩn bị phỏng vấn. Học bổng trao cho học sinh của chương trình này được tài trợ bởi các trường tư thục. Ilyan là học sinh thứ năm của chương trình trúng tuyển Eton College.

    Simon Elliott, Giám đốc điều hành của CST, cho biết Ilyan đặc biệt cả về trí tuệ và tính cách. "Em đã phải đối mặt với những thử thách lớn, khó khăn và đau lòng khi mới 15 tuổi. Dù vậy, Ilyan vẫn mang một trái tim ấm áp, rộng lượng và luôn có tham vọng cho tương lai của mình", ông nói.

    VnExpress (theo DailyMail)

  • Cô bé 12 tuổi người New Zealand gốc Việt Alisa Phạm đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông chỉ trong 10 tháng và hiện đang là sinh viên nhỏ tuổi nhất của ĐH Công nghệ Auckland.

    Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng cô bé Alisa Phạm, sống ở TP Auckland, New Zealand, đã hoàn thành toàn bộ chương trình trung học phổ thông chỉ trong 10 tháng và hiện đang theo học tại ĐH Công nghệ Auckland với tư cách là sinh viên nhỏ tuổi nhất của trường.

    Đài truyền hình Newshub dẫn lời Alisa hôm 30-3 cho biết cô bé đã dành phần lớn thời gian học chương trình trung học của mình ở nhà: "Tôi đã tự học rất nhiều thông qua sách vở, tự tìm kiếm và thực hiện những bài kiểm tra”.

    Hiện Alisa được xem là một thành viên của Mensa, một hội nhóm tập hợp những người có chỉ số IQ cao nhất trên thế giới. Alisa nằm trong top 2% những người thông minh nhất trên thế giới ở mọi lứa tuổi.

    alisa pham
    Alisa nằm trong top 2% những người thông minh nhất trên thế giới ở mọi lứa tuổi. Ảnh: NEWSHUB

    Là sinh viên trẻ nhất của trường ĐH Công nghệ Auckland, cô bé khẳng định điều đó không ngăn cản Alisa trong việc làm quen và học tập chung với các sinh viên lớn tuổi khác.

    "Tôi không gặp khó khăn gì khi làm việc theo nhóm hay nói chuyện với mọi người ở trường dù họ lớn hơn tôi, vì tôi nghĩ tôi cũng đang học giống như họ” - Alisa chia sẻ.

    Cô bé 12 tuổi cho biết đang muốn xuất bản một cuốn tự truyện bằng 10 thứ tiếng. Alisa cũng dự tính sẽ tặng 20 nghìn cuốn sách tiếng Anh cho trẻ em ở Việt Nam và muốn niêm yết công ty riêng của mình trên sàn chứng khoán vào năm 2025, và đó chỉ là một trong số nhiều mục tiêu khác của cô bé.

    Theo Plo

  • Mới 21 tuổi, Nguyễn Hoàng Trâm Anh đang là nữ nhân viên trẻ nhất của Đại sứ quán Anh Quốc tại Việt Nam. Cô gái 9X từng là Trợ lý hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu.

    Bên cạnh đó, nữ 9X Việt còn là gương mặt MC, điều phối quen thuộc của các hoạt động dành cho thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước.

    nguyen hoang tram anh du hoc sinh 1
    Trâm Anh, nữ 9X Việt tài sắc vẹn toàn. Ảnh: NVCC

    Trở thành trợ lý hội nghị của Liên hiệp quốc ngay khi chưa tốt nghiệp thạc sĩ 

    Trâm Anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, học trung học tại Trường Chuyên Hà Nội Amsterdam, rồi tốt nghiệp ngành Ngoại ngữ ứng dụng (tiếng Anh - Pháp và Tây Ban Nha) tại Trường ĐH Paris VII, Pháp.

    Năm 2020, khi nữ sinh viên đang tham gia khóa học thạc sĩ ngành Báo chí - Truyền thông tại Đại học Goldsmiths (Anh) thì đại dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu. Do đó, cô về nước, tiếp tục học trực tuyến và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Việt Nam.

    nguyen hoang tram anh du hoc sinh 1
    Cô gái 9X học thạc sĩ ngành Báo chí - Truyền thông tại Đại học Goldsmiths. Ảnh: NVCC

    Sau quá trình nộp hồ sơ, cô làm việc tại Đại sứ quán Anh tại Việt Nam với vị trí thực tập sinh mảng truyền thông kể từ tháng 1. Chỉ 6 tháng sau, nhờ sự nỗ lực hết mình, nữ 9X Việt trở thành nhân viên chính thức, giữ vai trò trợ lý Hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) do Vương quốc Anh đăng cai tổ chức, diễn ra tại Glasglow vào tháng 11 năm 2021.

    “Từ bé tôi đã ước mơ được làm việc tại Đại sứ quán, chính vì thế khi thấy thông tin tuyển dụng tôi đã ứng tuyển và may mắn được nhận. Trước đây, tôi cũng đã có thời gian dài trải nghiệm các hoạt động tại Đại sứ quán Pháp, do đó, phần nào nó đã giúp tôi có được kết quả tốt hơn khi ứng tuyển vào đây”, Trâm Anh cho biết.

    Giờ đây, Trâm Anh trở thành thành viên trẻ tuổi nhất của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và cô không ngừng cố gắng, nỗ lực học hỏi để hoàn thành tốt các công việc được giao. Bên cạnh đó, cô còn thử sức bản thân ở lĩnh vực mới là biến đổi khí hậu.

    nguyen hoang tram anh du hoc sinh 1
    Trâm Anh là phiên dịch viên tại sự kiện Vietnam Mobile Day năm 2017. Ảnh: NVCC

    Trong quá trình chuẩn bị cho chuyến công tác tại Hà Nội hồi tháng 5 của ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26, cô đã được mở mang rất nhiều từ những điều nhỏ nhất như viết biên bản, xây dựng kế hoạch đến việc liên kết với các nhóm để nắm được lịch trình của chủ tịch. Từ đó, mọi thành viên sẽ điều phối để chuyến thăm diễn ra thành công nhất giữa tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

    “Thời gian đó, có lúc tôi cảm thấy choáng ngợp với tất cả những gì đang diễn ra. Song, tôi đã luôn tự tạo áp lực cho bản thân để làm tốt nhất. May mắn các anh chị luôn sẵn sàng chia sẻ, góp ý, động viên, giúp tôi giảm bớt căng thẳng”, cô chia sẻ.

    'Siêu nhân' tràn ngập ý tưởng sáng tạo

    Trong khi nhiều bạn trẻ vẫn đang loay hoay tìm cách để có thể đảm bảo được thời gian cho các hoạt động mình muốn, nữ 9X Việt có thể tự cân bằng cuộc sống của chính mình.

    Hiện tại, không chỉ làm việc toàn thời gian ở Đại sứ quán, Trâm Anh vẫn đang trong thời gian học trực tuyến chương trình thạc sĩ của Đại học Goldsmiths. Cô còn là Phó chủ tịch truyền thông - đối ngoại Hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

    nguyen hoang tram anh du hoc sinh 1
    Trâm Anh (bìa phải) làm MC trong một chương trình. Ảnh: NVCC

    “May mắn nhờ việc lệch múi giờ mà lịch học của tôi không bị trùng với lịch làm việc. Tôi đi làm theo giờ hành chính, kết thúc lúc 17 giờ và sau đó về nhà học tiết đầu tiên trong ngày vào khoảng tầm 18 - 19 giờ tối. Cũng có những lịch học muộn hơn, hoặc có công việc của Hội thì tôi sẽ thức đến 2 - 3 giờ sáng, chợp mắt được vài tiếng rồi dậy đi làm”, Trâm Anh kể.

    Thời điểm này, cô đã thi xong các môn ở trường với kết quả cao. Cô đang sắp sửa hoàn thiện đề án để tốt nghiệp vào tháng 9 tới. Không chỉ vậy, cô còn sắp xếp khéo léo thời gian biểu để có thể tham gia nhiều hoạt động dành cho thanh niên của Đại sứ quán, Thành Đoàn tổ chức với nhiều vị trí khác nhau như MC, điều phối viên, hỗ trợ báo chí,…

    Kể với người viết, chị Lê Thị Tố Uyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland, nói: “Trâm Anh là người đầy màu sắc, luôn ngập tràn ý tưởng, sáng tạo trong công việc và tinh thần cầu tiến cao. Cô là một người bạn, một người đồng nghiệp tin cậy, luôn hoàn thành tốt công việc được giao và sẵn sàng giúp đỡ mọi người”.

    Nữ 9X Việt đa năng

    Trong thời gian học tập ở Anh, Trâm Anh là phiên dịch viên tại Hội đồng Thành phố Leicester (Anh) và tham gia sự kiện Vietnam Mobile Day năm 2017 diễn ra ở Việt Nam. Trong năm 2018 - 2019, cô là chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Paris.

    Năng động, tự tin, năm 2020 cô là MC, điều phối viên của “Diễn đàn du học Pháp 2020”, tổ chức bởi Campus France tại L’Espace Tràng Tiền. 

    Còn trong năm nay, nữ 9X Việt là MC, điều phối viên của “Trại hè Thủ lĩnh 2021” do Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức.

    Theo Thanh Niên

  • Với niềm đam mê thiết kế và hội hoạ, cô bạn du học sinh Nguyễn Hiền Nhi đã phát triển kênh TikTok của mình trên nền thời trang Anh Quốc, thu hút hơn 76.000 lượt theo dõi bởi nội dung hấp dẫn.

    du hoc sinh anh thanh hot tiktoker 1

    Khởi đầu mới ở nước Anh

    Nguyễn Hiền Nhi đã chinh phục thành công học bổng toàn phần chuyên ngành Thiết kế, trường Kingston University London. Hiền Nhi tâm sự: “Năm 18 tuổi, mình rất khát khao được đi du học nên đã tìm đến học bổng từ tất cả các trường trên khắp thế giới. Mình còn chủ động tìm thêm các quỹ học bổng tự do từ các tổ chức phi chính phủ. Cuối cùng, mình nhận được lời mời từ trường Parson The New School for Design và một vài trường khác ở Anh nhưng mức học bổng quá thấp nên mình cũng không thể theo học được”.

    Nhà không có nhiều điều kiện tài chính, Nhi buộc phải tìm được học bổng toàn phần để có cơ hội được vẫy vùng ngoài “biển lớn”. Tuy nhiên, học bổng toàn phần là một “bài toán” hóc búa, vì tỷ lệ xin thành công khá thấp, yêu cầu học sinh phải đáp ứng nhiều điều kiện xét tuyển. Khi mà hy vọng đã gần hết, Nhi đã tìm thấy cơ hội duy nhất của bản thân, nhờ sự chăm chỉ kiếm tìm trên các trang mạng xã hội.

    du hoc sinh anh thanh hot tiktoker 1
    Hiền Nhi với mái tóc xoăn “thương hiệu”. (Ảnh: NVCC)

    Vượt qua nhiều thử thách, Nhi đã đậu được học bổng trị giá 2 tỷ đồng và theo học ngành Thiết kế tại trường Kingston University London.

    Bước ngoặt đầu đời ở tuổi 18, Hiền Nhi gặp không ít khó khăn ở Anh. Một phần vì chi phí ở đây khá đắt đỏ, một phần khác là do Anh là nơi tập hợp của rất nhiều nhà thiết kế tài năng trên toàn thế giới. Nhưng cũng nhờ khó khăn, trở ngại như vậy, cô dần tìm được cách tin tưởng chính mình và biết trân trọng thành quả của mình hơn.

    du hoc sinh anh thanh hot tiktoker 1
    Hiền Nhi khi đi du học ở Anh.

    Nói về sự thay đổi lớn nhất của việc du học mang lại, Hiền Nhi chia sẻ: “Bài học lớn nhất mà thời trang nước Anh đã mang đến cho mình đó là sự mạnh dạn trong việc thể hiện bản thân, tự tin chính là một trong những lợi thế lớn nhất. Ngoài ra, mình cũng học được tầm quan trọng của thái độ khi tiếp cận một vấn đề nào đó, hãy luôn tiếp nhận các ý kiến phê bình một cách ôn hoà”.

    Những video thời trang đầu tay ở tuổi 25

    Với mong muốn truyền tải những câu chuyện và kiến thức thú vị về thời trang, Hiền Nhi đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem bởi năng lượng tích cực của mình. Bắt đầu “lấn sân” sang TikTok không lâu, Hiền Nhi đã dễ dàng chạm đến con số 2 triệu lượt thích bởi lối nói chuyện hài hước và mái tóc xoăn “thương hiệu”.

    Các video clip của Nhi thường xoay quanh các chủ đề như làm sao để tìm kiếm được phong cách riêng cho bản thân, cách để bản thân luôn tràn đầy ý tưởng hoặc các bước để bắt đầu vẽ một bản thiết kế thời trang,..

    du hoc sinh anh thanh hot tiktoker 1
    Thiết kế thời trang của Hiền Nhi trong bộ sưu tập Graduate Collection năm 2018 (nhiếp ảnh @thenemnguyen).

    “Tình yêu cuộc sống, sự lạc quan và sự tự do. Bất kỳ chủ đề nào liên quan đến thời trang hay nghệ thuật mình cũng muốn diễn giải theo cách hài hước và tích cực”, Hiền Nhi bộc bạch.

    Một trong những clip thu hút nhiều lượt xem nhất của cô bạn chính là clip giới thiệu về phong cách thời trang của những kinh đô thời trang trên toàn thế giới. Như thời trang ở Paris thường mang nét bí ẩn, sang trọng nhưng vẫn rất tinh tế; thời trang ở Milan thì lại thiên về hướng cổ điển và tỉ mỉ; phong cách chủ đạo ở thời trang London thì lại xem trọng tính sáng tạo, tự do...

    Những video không chút cầu kỳ, chỉ đơn giản là chia sẻ thông tin cho những bạn trẻ đam mê bộ môn Thiết kế Thời trang. Hiền Nhi dễ dàng giữ chân các bạn Gen Z ham học hỏi nhờ những thông điệp và câu chuyện lồng ghép phía sau.

    du hoc sinh anh thanh hot tiktoker 1
    Trang TikTok cá nhân của Hiền Nhi.

    Nói về những yếu tố quan trọng của một nhà thiết kế thời trang, Hiền Nhi chia sẻ: “Đó chính là sự chân thật, sống đúng với chính bản thân. Chân thật trong lối suy nghĩ, biết chịu trách nhiệm và nhận ra sai sót của mình”.

    Chính cá tính riêng cũng như lối suy nghĩ độc đáo, mang màu sắc cá nhân chính là “bí kíp” giúp cô bạn thành công đạt học bổng giá trị và trở thành một gương mặt Gen Z nổi bật.

    Theo SVVN

  • nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2

    Tại Việt Nam, thời điểm năm 2006 dường như không có bất kì đơn vị giảng dạy tiếng Slovakia nào đang hoạt động, và cho đến nay cũng không có số liệu thống kê cụ thể số người học thứ tiếng này. Ấy thế mà Hường lại quyết định nghiên cứu và tìm hiểu để học thứ tiếng này.

    Theo Trí Thức Trẻ, Nguyễn Hường (SN 1987) hiện đang làm việc ở Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam. Cô là người đã học tiếng Slovakia, một thứ ngôn ngữ mà đến tận bây giờ vẫn được coi là lạ lẫm, nhiều người thậm chí còn chưa bao giờ nghe về quốc gia này. 

    Theo thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 6 triệu người sử dụng tiếng Slovakia (hay còn gọi là tiếng Slovak), trong đó có 85% là người Slovakia. 

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2
    Nguyễn Hường du học Slovakia lúc đầu hoàn toàn vì yêu cầu của bố mẹ.

    Riêng tại Việt Nam, thời điểm năm 2006 dường như không có bất kì đơn vị giảng dạy tiếng Slovakia nào đang hoạt động, và cho đến nay cũng không có số liệu thống kê cụ thể số người học thứ tiếng này. Ấy thế mà Hường lại quyết định nghiên cứu và tìm hiểu để học thứ tiếng này.

    Hường kể rằng, cơ duyên bắt đầu vào năm 2006. Thời điểm này bố mẹ của Hường đem gửi gắm Hường cho người cô ruột đang định cư tại Slovakia. Tại đất nước này, Hường theo học Đại học Comenius ở Bratislava.

    Việc học một ngôn ngữ lạ lẫm chưa từng được tiếp xúc từ trước như tiếng Slovakia là vô cùng khó khăn đối với Hường. 

    Cô giáo tại trường tiếng cũng nói rằng các em học sinh ngoại quốc như Hường đã gặp phải ‘double trouble’ (khó khăn kép). Trong vòng 1 năm, ngoài việc học tiếng, Hường còn phải học các môn như toán, kinh tế để thi đại học.

    Phần khó khăn nhất là khi học đại học. Dù đã được học 1 năm tại trường tiếng nhưng học kỳ đầu tiên Hường không thể theo kịp tiến độ tại trường khi thường xuyên không nghe được bài giảng trên lớp, mỗi ngày đều phải mượn vở của bạn bè để chép lại rồi về nhà tìm tòi, nghiên cứu.

    Thậm chí nhiều khi đọc sách Hường cũng không hiểu được hết nghĩa. Mỗi lần như vậy, Hường thường sử dụng từ điển, nhưng cô phải tra kiểu bắc cầu sang tiếng Anh rồi mới về tiếng Việt, vì vậy việc học cũng mất thời gian hơn.

    Năm 2012, sau khi học xong cả chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Marketing tại Slovakia, Hường về nước trong tâm thế xác định sẵn rằng sẽ không bao giờ được sử dụng tiếng Slovakia nữa. Bởi thực sự ở thời điểm đó, tại Việt Nam đây là thứ ngôn ngữ cực kỳ không thông dụng.

    Nhưng Hường không ngờ rằng, đó lại là một khởi đầu đầy hứa hẹn. Sau 1 năm làm việc tại một công ty truyền thông, Hường bỗng nhận được tin Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội đang tuyển người thông qua một người bạn. 

    Vốn lâu rồi mới có đất dùng thứ tiếng mình từng miệt mài học, Hường rất vui và thử sức đăng ký. Trong buổi phỏng vấn, Hường cùng Đại sứ và Phó Đại sứ nói chuyện rất vui vẻ, thậm chí Hường còn trúng tuyển khi không cần trình bằng đại học.

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2
    Nguyễn Hường trong buổi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Comenius ở Bratislava với tấm bằng đỏ.

    Đến lúc này Hường mới thấy lợi ích của việc học một thứ tiếng hiếm, và trong công việc cũng gần như không có sự cạnh tranh luôn.

    Sau khoảng thời gian đó, cũng có rất nhiều doanh nghiệp Slovakia ngỏ ý muốn đầu tư tại Việt Nam và muốn Hường về làm cùng tuy nhiên cô nàng này đều từ chối.

    Do cơ quan khá nhỏ nên một mình Hường thường chạy làm nhiều việc như là người sắp xếp lịch trình công tác, làm việc cho Đại sứ, là người liên lạc với các Cơ quan đại diện ngoại giao của các nước khác cũng như Bộ ban ngành của Việt Nam, tổ chức sự kiện, dẫn chương trình không chuyên, phiên dịch trong các buổi gặp cấp cao.

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2
    Hường (thứ 2 bên phải) chụp cùng các Thư ký của khối EU - tại trụ sở Phái đoàn EU tại Việt Nam.

    Bận rộn và vất vả là vậy nhưng Hường cũng thường phải đối diện với các tin đồn như có quan hệ hay đi cửa sau mới được vào làm ở đây, nghe thấy vậy Hường cũng chỉ biết cười trừ, bản thân cô cũng không thanh minh vì mình sống sao mình cũng như mọi người làm việc cùng đều biết. 

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2
    Là Thư ký Đại sứ nhưng Hường còn có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí khác.

    Cô thường nói đùa việc thấy mình xuất hiện trên TV thường xuyên cũng là một cái lợi của việc học tiếng Slovakia

    Hường luôn cho rằng nhờ công việc này mà mình đã nhận về rất nhiều. Đó có thể là vốn kiến thức khổng lồ học được, là tầm mắt được mở mang hơn và là những kỉ niệm khó quên trong các lần tiếp xúc gần với phu nhân của các lãnh đạo cấp cao.

    Qua đây, Hường cũng hy vọng được nhắn gửi đến các bạn trẻ còn đang băn khoăn, đắn đo trong việc học những kĩ năng mới hay muốn thử sức ở những công việc có tính thử thách cao như thế này rằng: 

    “Đừng ngại ngần, đừng nghĩ rằng cơ hội đó không dành cho mình. Hãy luôn giữ tâm thế phải thử thì mới có cơ hội, còn nếu bạn không thử thì chắc chắn cơ hội là 0”.

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2
    Ngoài giờ làm việc tại Đại sứ quán, Hường sẽ quay trở về cuộc sống bình thường trong vai trò một người vợ, một người mẹ.

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2

    nguyen huong du hoc sinh tieng slovakia 2

    Theo Kênh 14

  • Trong trường hợp này, sự thông minh quá mức của cô bé đã trở thành rắc rối, vì chưa có quy định nào về nó cả.

    Năm 2020, truyền thông thế giới dành sự chú ý đặc biệt đến một cô bé sống tại New Zealand. Đó là Vicky Ngo Ngoc - một thần đồng gốc Việt. Năm ấy, cô bé chỉ mới 13 tuổi đã được chấp thuận nhập học vào ĐH Công nghệ Auckland (AUT), thậm chí là theo đuổi 2 chuyên ngành là toán và tài chính.

    photo 1 16187251957022032442338

    Vicky Ngo Ngoc - thần đồng gốc Việt mới 13 tuổi đã là sinh viên đại học, theo đuổi 2 chuyên ngành khó

    Tuy nhiên, chính sự thông minh quá mức của Vicky Ngo Ngoc lại là nguồn cơn của rắc rối. Cô bé hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất, chỉ vì quá thông minh so với tuổi của mình.

    Tại sao lại vậy?

    Bộ Giáo dục New Zealand họ đã phải sử dụng Điều luật Giáo dục hiện hành của đất nước để đặc cách cho các sinh viên 18 tuổi được nhập học với trường hợp của cô bé. Với lộ trình theo đuổi việc học, cô sinh viên nhí dự tính sẽ tốt nghiệp ở tuổi 15.

    "Vicky là một sinh viên xuất sắc, và dựa trên tiến trình đăng ký tín chỉ hiện nay, cô bé sẽ hoàn thành bằng vào năm tới và sẽ dự lễ tốt nghiệp vào mùa đông năm 2022, ở tuổi 15," - đại diện của AUT cho biết.

    Thần đồng gốc Việt 13 tuổi đã học 2 chuyên ngành ĐH có nguy cơ bị trục xuất vì... quá thông minh: Tại sao lại như vậy? - Ảnh 2.

    Trường ĐH Công nghệ Auckland nơi Vicky đang theo học

    Nhưng sự thông minh quá mức của cô bé lại là nguồn cơn của rắc rối. Việc cô bé hoàn thành việc học quá sớm lại vô tình không đáp ứng đủ điều kiện định cư sau đại học của New Zealand. Được biết, chỉ những người trên 18 tuổi mới được đăng ký xin thị thực sau đại học cho sinh viên quốc tế tại New Zealand.

    Chính bởi lý do này mà mẹ của Vicky - người đã nhận nuôi cô bé từ một gia đình nghèo ở Việt Nam hiện đang rất lo lắng trước viễn cảnh chia cắt, khi cô bé bị buộc phải về nước. Tuy nhiên theo trường ĐH AUT, họ tin rằng trường hợp của Vicky xứng đáng có được 1 ngoại lệ.

    "Dù trường không thể can thiệp vào quy trình cấp quyền công dân, nhưng chúng tôi tin Vicky là một ứng viên đủ tốt và đặc biệt để Bộ Nhập cư New Zealand cân nhắc," - đại diện của trường chia sẻ.

    Simon Laurent - luật sư tư vấn nhập cư cho biết mẹ của Vicky (không muốn tiết lộ tên) đã tìm đến ông để xin lời khuyên. "Thực ra luôn có những tình huống ngoại lệ, và chẳng có gì ngăn cản cơ quan quản lý cấp một bản thị thực cả. Đó là những gì chúng tôi sẽ thử làm," - Laurent cho biết.

    Thần đồng gốc Việt 13 tuổi đã học 2 chuyên ngành ĐH có nguy cơ bị trục xuất vì... quá thông minh: Tại sao lại như vậy? - Ảnh 3.

    "Tôi đã nói trước với mẹ của Vicky rằng mình không thể đảm bảo kết quả, nhưng nếu muốn thì chúng tôi sẽ thử tìm cách."

    Laurent tin rằng lợi thế trong trường hợp của Vicky là "câu chuyện của cô bé chưa từng được biết tới, và nó đang được báo chí đề cập". Hiện tại, ông đang chờ đợi hướng dẫn của Bộ để thực hiện các bước tiếp theo, và vẫn chưa nộp đơn xét thị thực nào cho Bộ.

    Đối với mẹ của Vicky, bà cho biết thực sự sẽ là thiếu công bằng nếu Vicky bị trực phạt - trong trường hợp này là trục xuất - chỉ vì quá thông minh so với tuổi của mình.

    Thông tin về sự việc sẽ được cập nhật trong thời gian tới.

  • Nỗ lực học tập và kiên trì theo đuổi đam mê, cuối cùng cô gái nhỏ nhắn đã bước đầu chạm tay đến ước mơ, khiến bao người nể phục và học tập.

    Là con gái lại có ngoại hình khá nhỏ nhắn nhưng thành công của Đỗ Thanh Lam (1997, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) lại khiến bao người “to cao” khác phải “ngước nhìn”. Hành trình chạm tay đến thành công bước đầu này đầy bão giông nhưng rất đáng nhớ, từng bước một giúp cô gái hoàn thiện bản thân.

    ki su fac o anh 1

    Từ nhỏ đã yêu thích môn Tin học, cuối cấp 2, Lam quyết định thi vào lớp chuyên Tin của Trường THPT Lê Quý Đôn ở quê nhà mặc cho bố mẹ và thầy cô phản đối. Họ khuyên Lam nên chọn một ngành khác nhẹ nhàng, vừa tầm hơn chứ con gái mà học Công nghệ thông tin thì rất cực, khó có tương lai, khó có hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

    Để chứng minh “con gái cũng có thể làm được nhiều thứ, thậm chí giỏi hơn con trai”, Lam ra sức học tập, khẳng định mình. Cuối lớp 10, Lam là nữ sinh duy nhất được dự kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc. Tiếp đến, Lam trúng tuyển vào lớp Cử nhân tài năng của khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM.

    ki su fac o anh 1

    Trùng hợp thay, năm đó trường đại học của Lam có 6 anh sinh viên khóa trên được Google nhận thực tập. Điều đó truyền cảm hứng và thôi thúc cô gái trẻ suy nghĩ “người ta làm được thì mình cũng có thể làm được”. Sang năm hai, Lam dạy kèm thuật toán cho một số du học sinh và được họ động viên nên mạnh dạn ứng tuyển vào Google.

    Lần 1 bị loại ngay sau 1 phút nộp hồ sơ. Lần 2 (vào năm 3 ĐH) thì ứng tuyển đồng thời ở Google, Amazon lẫn thực tập sinh cho Facebook. Ở Google, cô nữ sinh vượt qua vòng hồ sơ nhưng rớt vòng phỏng vấn. Còn ở Facebook, cô vượt qua phỏng vấn nhưng rớt ở vòng trong với lý do yếu về ngoại ngữ. Năm tư ĐH, Lam kiên trì ứng tuyển và được Facebook đồng ý cho thực tập 3 tháng ở Anh, sau đó đề nghị cô ở lại làm việc. Google thì đề xuất việc làm cho cô tại Đức.

    ki su fac o anh 1

    Nói về hành trình nếm trải thất bại trước khi chạm đến thành công, Lam rút ra những chân lý vô cùng quý giá dành cho bản thân và những người trẻ:

    – Nếu không thử thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội.

    – Nếu bạn bị từ chối thì bạn buộc phải nỗ lực nhiều hơn, từ từ cũng sẽ tìm ra cơ hội cho chính mình.

    – Nếu bạn may mắn ở một nước thuộc hàng phát triển như Anh, Mỹ, bạn cũng phải cố gắng thật nhiều để có cơ hội được nhận vào làm ở các công ty hàng đầu thế giới; thì sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, bạn phải cố gắng hơn gấp nhiều lần để đạt được điều đó.

    – Những kiến thức học được tại trường đại học ở Việt tuy nặng về lý thuyết nhưng sẽ giúp chúng ta hiểu biết rất sâu, trang bị một nền tảng chắc chắn. Chỉ mặt kỹ năng là không bằng các sinh viên châu Âu nên phải cố gắng trau dồi hơn (thuyết trình, hỏi đáp, tư duy, xử lý tình huống…).

    ki su fac o anh 1

    Trước Đỗ Thanh Lam, Việt Nam chúng ta cũng vinh hạnh có những gương mặt nữ sinh xuất sắc vượt mặt trăm nghìn ứng viên nặng ký để giành suất thực tập ở Google như: Tào Ngọc Thúy (sinh sống và học tập ở CH Séc), Scarlet Nguyen (sinh sống và học tập ở Canada) …

    Vậy mới thấy, trên hành trình chinh phục tri thức và khẳng định bản thân, nữ giới luôn có cơ hội ngang ngửa với nam giới và khả năng của họ thực sự không hề kém cạnh, có những trường hợp còn xuất sắc vượt trội.

    Môi trường học tập đúng là ảnh hưởng đến mỗi cá nhân nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý chí kiên trì theo đuổi đam mê. Bản thân biết rõ đâu là điểm mạnh điểm yếu để tiếp tục khắc phục, trau dồi mới là quan trọng.

    Nguồn: Zing

  • Dù xuất phát chậm hơn so với bạn bè một năm, nhưng chỉ sau một kỳ thực tập Lưu Nghiệp Chinh đã được Facebook nhận vào vị trí chính thức ngay khi cậu hoàn thành chương trình học.

    tam guong du hoc 1
     Lưu Nghiệp Chinh được Facebook nhận làm việc chính thức từ năm 3 đại học. Ảnh: NVCC

    Du học trường top dưới nhưng không ngừng nỗ lực

    Tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trong khi hầu hết bạn bè đều giành học bổng và du học ở những trường danh tiếng thế giới thì Lưu Nghiệp Chinh (22 tuổi, TP.HCM) chọn học ngành khoa học máy tính ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

    Đến 2017, khi bạn bè đã bước sang năm thứ 2 đại học thì Chinh mới hoàn tất hồ sơ làm thủ tục định cư ở Mỹ và bắt đầu lại từ đầu bằng việc đăng ký học ở một trường cao đẳng cộng đồng tại Houston Community College gần nhà để tiết kiệm thời gian và chi phí.

    Suốt thời gian đầu, vì gia đình mới sang Mỹ định cư, mong muốn hỗ trợ cha mẹ nên Chinh vừa làm thêm vừa đi học. Chinh cũng gặp không ít khó khăn vì rào cản về ngôn ngữ. “Thậm chí có lúc em còn bị đuổi việc vì khả năng giao tiếp của mình với khách hàng, nhiều lúc em không hiểu được khách hàng nói gì”, nam sinh nhớ lại và cho biết mất hơn nửa năm Chinh mới khắc phục được điểm yếu ngôn ngữ của mình.

    Biết bản thân theo học cao đẳng cộng đồng thì cơ hội xây dựng bản thân sẽ khó khăn hơn nên Chinh luôn nỗ lực hết mình. Từ tháng 8.2019, nam sinh chuyển lên học đại học tại Trường ĐH Texas A&M để bản thân có nhiều cơ hội hơn. Cậu từng bước, từng bước xây dựng kỹ năng cũng như nâng cao kiến thức để không thua thiệt so với bạn bè của mình.

    Năm 2019, sau một cuộc gặp tình cờ với một người bạn đang làm việc tại Facebook, Chinh càng có thêm động lực và quyết tâm sẽ vào thực tập ở công ty này. Nói là làm, Chinh tham gia các dự án chuyên ngành của trường, các cuộc thi khoa học máy tính, mở rộng các kỹ năng và mối quan hệ cũng như học hỏi từ các công ty nhỏ. Cũng trong năm 2019, khi tham gia kỳ thi HackHouston 2019, Chinh giành giải nhì về ốp điện thoại thông báo va chạm dành cho người khiếm thị.

    “Bản thân em thích chơi game, khi chơi game thì ngoài việc chơi em còn tìm tòi viết ra các thuật toán để thử sức mình và làm thành những dự án”, Chinh chia sẻ.

    Bằng nỗ lực không mệt mỏi, nam sinh sau đó cũng nhận được thông báo về lịch phỏng vấn. Để không tuột mất cơ hội này, mỗi ngày Chinh dành 4-5 giờ đồng hồ chỉ để luyện các kỹ năng cần thiết cho việc phỏng vấn ròng rã trong 2 tháng liền. Trong đó, Chinh tập trung nâng cao các kỹ năng về chuyên ngành có liên quan đến nội dung mình xin thực tập.

    Ngoài ra, lời giới thiệu của những người đã làm trong công ty này cũng là một điểm nhấn. Chinh cho biết bản thân may mắn quen được một số anh chị đã làm trước đó và họ sẵn sàng viết thư giới thiệu.

    “Hôm đó, khi đang ngồi học ở hành lang của trường thì em nhận được email từ Facebook thông báo mình được chấp nhận thực tập. Em đã không kiềm chế được cảm xúc mà hét lên và phải mất một ngày sống trong cảm giác lâng lâng khi nghĩ đến việc đặt bước chân đầu tiên vào ngôi nhà lớn này”, Chinh nhớ lại. Cậu chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thực tập 3 tháng trong mơ của mình tại Facebook.

    Kỳ thực tập không như mơ nhưng kết quả lại bất ngờ

    Háo hức, mong chờ và có phần tưởng tượng về một kỳ thực tập trong mơ ở môi trường chuyên nghiệp, nhưng vào tháng 5.2020 khi chính thức bắt đầu kỳ thực tập thì Chinh như nhận một gáo nước lạnh vào mặt vì thực tế không như mơ.

    Kỳ thực tập bắt đầu trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Mỹ cùng lệnh cấm hạn chế ra đường phòng dịch. Chinh bắt đầu kỳ thực tập của mình bằng hình thức… trực tuyến.

    “Em nộp hồ sơ vào Facebook vì thích được học hỏi cũng như trải nghiệm văn hoá công ty, được học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước. Nhưng thực tế, khi bắt đầu trao đổi nhận dự án, mọi giao tiếp đều qua online, thậm chí có lúc em stress nặng và tự kỷ vì phải ngồi làm việc một mình trong khoảng thời gian dài. Nhiều lúc có thắc mắc hay gặp khó khăn đều rất khó trao đổi khi không thể trực tiếp làm việc được với mọi người. Lúc đó em rất chán nản”, Chinh kể lại và cho biết công việc của Chinh thuộc dự án viết phần mềm cho Facebook app trên hệ điều hành Android.

    Nhưng sau hơn một tuần chán nản, khi nghĩ lại hành trình cố gắng của mình trong nhiều năm qua chỉ để được đặt chân vào công ty này, Chinh đã quyết xốc lại tinh thần, tự lên kế hoạch cho bản thân. Nam sinh đã tự lên kế hoạch làm việc khoa học và tự bản thân phải điều tiết công việc và cuộc sống một cách khoa học.

    “Em không cho phép bản thân mình buông lỏng hay làm việc một cách vô kỷ luật. Dù khó khăn rất nhiều khi phải làm việc trực tuyến nhưng em vẫn dành thời gian 7-8 tiếng mỗi ngày cho công việc, báo cáo tiến độ và cố gắng trao đổi nhiều nhất có thể với các anh chị đồng nghiệp. Em cũng nhiệt tình tham gia và trải lòng chia sẻ những khó khăn bản thân đang gặp phải. Điều quan trọng là em luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất có thể”, Chinh nói.

    Trong 3 tháng thực tập, dù ngắn ngủi nhưng bản thân nam sinh học hỏi được rất nhiều từ cách tổ chức công việc, đến thái độ chuyện nghiệp của các anh chị đi trước. Làm việc với thái độ cầu thị và luôn luôn sẵn sàng học hỏi, Chinh cuối cùng cũng hoàn thành xuất sắc phần thực tập của mình. Và đặc biệt, bất ngờ hơn cả là ngay sau kỳ thực tập kết thúc, Chinh chính thức nhận được lời mời làm việc của Facebook vào năm tới, khi cậu hoàn thành chương trình học.

    Với kết quả ngoài mong đợi, Chinh cho biết sẽ cố gắng hoàn thành tốt việc học và các dự án ở trường, chuẩn bị cho mình những kỹ năng tốt nhất khi quay trở lại.

    “Việc xin việc trong thời điểm dịch bệnh rất khó, lại được nhận vị trí chính thức khi mới là sinh viên năm 3 khiến em rất vui. Xuất phát điểm của em rất thấp, thậm chí là đi sau các bạn du học sinh cả năm trời nhưng em vẫn luôn kiên trì và cố gắng để bản thân mỗi ngày tốt hơn một chút”, nam sinh này chia sẻ.

    Theo Thanh Niên

  • Du học ngành lập trình tại nước Nga nhưng sau khi về nước, anh Phúc quyết định bước chân sang nghề nuôi chim. Trải qua nhiều lần trắng tay, nay anh thu cả chục tỷ/năm.

    Anh Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1987 sống tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội kể lại, sau khi du học về nước, anh làm việc tại một công ty máy tính có tiếng ở Hà Nội với mức lương 8 triệu đồng.

    Nhưng sau vài tháng, công ty chuyển chế độ chuyên viên thành cử nhân bình thường, lương bổng giảm một nửa. Không đủ chi tiêu nên đã anh nghỉ làm về quê mở quán Internet, thi thoảng phụ bố mẹ chăm sóc đàn chim bồ câu nhỏ của gia đình.

    "Khi tôi quyết định về quê nuôi chim, cả nhà phản đối gay gắt. Làng xóm bảo tôi là dở người, tốn bao nhiêu tiền của đi học lại về làm anh nông dân cực nhọc, thu nhập ba cọc ba đồng", anh Phú tâm sự.

    du hoc ve nuoi chim

    Sẵn am hiểu về công nghệ thông tin, anh Phúc đã chụp ảnh đưa hình chim bồ câu lên một số website, diễn đàn rao vặt, facebook. Thấy cộng đồng mạng tương tác tốt, tìm hiểu sâu anh được biết nhiều người có của ăn của để nhờ nuôi chim bồ câu nên từ đó anh đã nảy sinh ý nghĩ gắn bó với nghề nuôi chim.

    Chia sẻ về thời gian đầu khởi nghiệp, anh Phúc cho hay đã phải vay mượn 60 triệu đồng và biến tầng 2 nhà mình thành nơi nuôi chim. Tiếp đó, anh mua 100 đôi bồ câu giống Pháp, Mỹ, Hà Lan, chứ không nuôi bồ câu ta như bố mẹ.

    Bên cạnh việc thiếu kinh phí, vấn đề kinh nghiệm nuôi và chọn chim cũng là rào cản lớn đối với anh Phúc. Mới đầu kinh nghiệm chưa có, anh Phúc đã bắt chim ở nhiều nơi, chim lại chưa cứng cáp, chưa được tiêm phòng nên số lượng chim bị chết gần hết.

    Thất bại lần đầu, anh làm lại lần hai, chủ động học hỏi kinh nghiệm từ người bố của mình, dành nhiều tháng đi các tỉnh thành phía Bắc học hỏi. Lứa chim sau đó anh đã thành công, tăng số lượng đàn lên gấp ba lần. Bước đầu, ông chủ trẻ cũng gây dựng được những khách hàng quen.

    "Chán nản đã có lúc tôi nghĩ bỏ nghề nuôi chim bồ câu, bố mẹ khuyên quay lại Hà Nội để tìm cơ hội mới. Nhiều đêm trăn trở, nghĩ thấy số tiền đầu tư vào chuồng trại quá lớn nên đã quyết tâm làm lại…", anh Phúc cho hay.

    Nhưng ngay sau đó, anh Phúc lại phải đối mặt với hết vốn lần 2, phải vay của người thân mỗi người 2- 3 triệu đồng. Góp được khoảng 20 triệu đồng, anh Phúc lại bắt tay vào chọn mua 40 đôi chim bồ câu Pháp đã cứng cáp. Nhờ chăm chút chim kỹ lưỡng, đàn chim phát triển khoẻ mạnh. Chim bồ câu Pháp đẻ đến đâu anh lại nhân giống lên đến đó.

    Sau khoảng 4 năm liên tục nhân giống, anh Phúc có được 2000 đôi chim bồ câu. Hiện giá chim bồ câu Pháp bán thịt bán dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/con, chim bồ câu Pháp bán giống giá 200.000 đồng/con, loại bồ câu Pháp mua về đẻ luôn có giá 450.000 đồng/con.

    Với 9.000 đôi chim bồ câu Pháp, cho anh tổng doanh thu khoảng 15 tỷ đồng, trừ chi phí, anh bỏ túi được khoảng 3 tỷ/năm. Mỗi tháng đàn chim đã cho anh thu nhập khoảng 40 triệu/tháng. Đến nay, sau 12 năm anh đã có khoảng 9000 đôi chim bồ câu Pháp, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động, với 8 triệu đồng/tháng.

    Nếu như chim bồ câu mang lại thu nhập lớn thì với cu gáy, ngoài thu nhập tạm ổn, anh Phúc còn có thêm nhiều niềm vui.

    Anh Phúc cũng mua thêm một số chim cu gáy về chơi thỏa đam mê. Chàng cử nhân công nghệ nảy ra một ý tưởng điên rồ: Bắt chim cu gáy tự nhiên về nhà nuôi đẻ.

    Anh Phúc cho hay, tìm được một con chim ưng ý không hề đơn giản, phải chọn loại có bố mẹ giọng tốt, mã đẹp, ngực nở, chân cao, mắt vàng cát, cườm hạt nhỏ như ông cha có câu "cườm vàng thì giọng thổ, bỏng nổ thì giọng kim". Để chọn chim gáy cảnh cần giống chim khách, bạo dạn, những con nhát hơn sẽ mua làm chim đẻ.

  • Nguyễn Thúy Ngân tự nhận mình may mắn khi thuyết phục được tới 3 tỷ phú giúp sức cho những dự án hoạt động xã hội của mình từ thời sinh viên.

    Một ngày đầu tháng 12/2016, có một cô gái người Việt lặng lẽ đáp chuyến bay từ TP Saint Paul (bang Minnesota) đến New York tham dự vòng phỏng vấn toàn nước Mỹ, tranh một suất tài trợ của Watson Fellowship. Đây là Quỹ do cha đẻ của tập đoàn IBM, tỷ phú Thomas Watson sáng lập, mỗi năm trao cho 50 cá nhân, mỗi người 30.000 USD để đi vòng quanh thế giới, thực hiện ước mơ của chính mình.

    san hoc bong ti phu 1
    Nguyễn Thúy Ngân, 25 tuổi, quản lý khu vực châu Á Thái Bình Dương của AngelHack. Trong 2 năm làm việc ở đây, cô đã tổ chức trên 20 cuộc thi Hackathon về lập trình. Ảnh: Phan Dương.

    "Nếu bây giờ trượt, em sẽ làm gì?", người phỏng vấn đặt câu hỏi. Nguyễn Thúy Ngân thật thà: "Nếu trượt thì đây vẫn là tiếng lòng của em. Em vẫn sẽ thực hiện kế hoạch của mình. Không đi vòng quanh thế giới thì đi vòng quanh Việt Nam, hay đi vòng quanh quê nhà của mình".

    Hôm có kết quả, cô òa khóc như đứa trẻ.

    Ngày 1/8/2017, Ngân kéo vali ra sân bay, bắt đầu hành trình. So với những chuyến đi trước, cảm giác lần này khác hẳn. "Tôi hào hứng với hành trình mới nhưng cũng hơi sợ trước những thử thách sắp đến, từ lập kế hoạch hành trình, chỗ ăn ở, tìm việc... Tôi phải tự chủ mọi thứ với tư cách thuyền trưởng trên con thuyền đơn độc của mình", cô gái 25 tuổi hồi tưởng.

    Trước khi lên đường, Ngân vạch ra 3 nguyên tắc cho chuyến đi: Luôn đồng ý với mọi thử thách, chăm sóc bản thân và "như một miếng bọt biển" tiếp thu văn hóa, nắm bắt mọi cơ hội học tập.

    Đến Anh, cô hào hứng với mô hình "tủ lạnh công cộng" nhằm giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm và cung cấp thực phẩm cho người vô gia cư hay mô hình "thư viện đồ gia dụng" - cho phép những người thiếu có thể mượn món đồ nào đó với phí rất rẻ.

    Ở đất nước châu Phi Rwanda, Ngân làm trợ giảng trong một trường đại học để tiếp cận giáo trình đại học rất mạnh về khởi nghiệp của họ. Tại Thái Lan, cô đã tổ chức hội thảo tập hợp doanh nghiệp xã hội trên toàn châu Á, mời Muhammad Yunus, người Bangladesh được giải Noel Hòa bình đến chia sẻ kinh nghiệm...

    Trong một năm, Nguyễn Thúy Ngân đã đi qua Anh, Rwanda, Thái Lan, Bangladesh, Nepal, Singapore, Chile, ở với hơn 50 gia đình, kết nối với 300 doanh nhân doanh nghiệp xã hội. Cứ ba tháng, Ngân lại đến một châu lục mới.

    "Sau chuyến đi, tôi học được về tự do. Tự do không phải là muốn cái gì thì làm, thích cái gì phải có mà tự do là dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào - ví như ở Anh không được tôn trọng, hay ở Banglades ồn ào - thì mình vẫn có thể tận hưởng được, chấp nhận được và chọn được thái độ sống trong hoàn cảnh đấy", Ngân chia sẻ.

    Trước chuyến đi vòng quanh thế giới này, Nguyễn Thúy Ngân từng nhận được tài trợ của hai vị tỷ phú khác. Sang Mỹ du học từ năm 17 tuổi nhờ học bổng toàn phần từ trường Macalester College, bang Minnesota, nhưng cô gái Việt luôn có mong muốn mang cơ hội học tập đến với những người không có cơ hội. Chính vì thế mà mới xa nhà 3 tuần, còn chưa kịp làm quen với đất nước xa lạ, Ngân đã đi gia sư tình nguyện dạy trẻ em da màu.

    Du học được 2 tháng, thấy học bổng Projects for Peace của nhà từ thiện Kathryn Wasserman Davis trao cho các dự án cộng đồng của sinh viên, Ngân "liều mình" tham gia. Dự án công nghệ thực hiện tại trung tâm trẻ mồ côi Hy vọng ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc của cô sinh viên trẻ lần lượt vượt qua các ứng viên khác và cuối cùng là chiến thắng dự án của một sinh viên năm cuối, giành được 10.000 USD.

    Hè 2014, Ngân về nước triển khai dự án. Trong 6 tuần cô ăn ngủ, sinh hoạt cùng trẻ em ở trung tâm Hy vọng, dạy trẻ các kỹ năng tin học, hùng biện và tiếng Anh, cũng như tổ chức hội thảo định hướng việc làm. Cô truyền lại cho những đứa trẻ mồ côi một bí quyết thành công của chính mình: Công nghệ và tiếng Anh là chìa khóa quan trọng mở cánh cửa tương lai.

    san hoc bong ti phu 1
    Thúy Ngân (áo đỏ) cùng các tình nguyện viên đã dành 6 tuần mang dự án công nghệ và tiếng Anh đến với trẻ em ở Trung tâm Hy vọng, Lập Thạch, Vĩnh Phúc, hè 2014. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Bước sang năm 2, Thúy Ngân trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái nhập cư và tị nạn. Sau vài lần tham gia hoạt động cô phát hiện trong những gia đình nhập cư, cha mẹ và con cái không có kết nối, nhất là trong định hướng giáo dục. Phát hiện này của cô gái Việt đã thuyết phục được Quỹ học bổng quỹ Phillips, do vợ chồng tỷ phú Jay Phillips thành lập, trao 16.000 USD để thử nghiệm những biện pháp khắc phục.

    Mùa hè 2015, khu phố ở Saint Paul trở nên sôi động với sự xuất hiện của cô sinh viên Việt Nam. Mỗi tuần, một cuộc thảo luận bàn tròn diễn ra giữa hơn các phụ huynh nói đủ các thứ tiếng như Hmong, Karenni, Liberia, Nigeria và Somali với Thúy Ngân. Ở đó, Ngân giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh về các chủ đề khác nhau, từ nộp đơn vào đại học, hỗ trợ tài chính cho đến tầm quan trọng của các hoạt động ngoại khóa.

    Tuy nhiên, cô sớm nhận ra như thế là chưa đủ, bởi vì thực tế không có tiếng Anh, nguồn gốc nhập cư, rào cản văn hóa của cha mẹ là điều khiến những đứa con tự ti. Ý tưởng quay video, trong đó những đứa con thẳng thắn hỏi cha mẹ về nguồn gốc của họ và quá trình hòa nhập được triển khai. Ngày kết thúc dự án, tất cả quây quần quanh bàn tiệc có các món đặc trưng của nhiều dân tộc, cùng xem những thước phim. Rất nhiều người đã khóc.

    Có những đứa trẻ cho biết giờ đây chúng tự hào về nguồn gốc của mình, những người mẹ hiểu và ủng hộ con đường học tập của con hơn. Một bà mẹ bước lại bên Ngân cảm ơn và muốn chương trình tiếp tục để nhiều người nhập cư khác cũng được tham gia. "Năm đó tôi đã hướng dẫn ba em gái viết luận và cả ba em sau đó đều nhận được học bổng đại học", Ngân cho biết.

    Sự giúp đỡ của các tỷ phú Mỹ thông qua những học bổng này giúp cô gái Hà Nội được trải nghiệm và có tuổi trẻ không phí hoài một giây phút. Tuy nhiên, Ngân cũng nhận ra các dự án của mình đều "chết non". Như tại Vĩnh Phúc, cô đào tạo được 60 em, để lại 10 bộ máy tính cho trại trẻ cũng như gây dựng được nhóm tình nguyện viên nhiệt huyết, nhưng khi hết tiền thì dự án không thể tiếp tục nữa.

    "Làm thế nào để các dự án có thể tự sống tiếp?", Ngân trăn trở. Khi làm thêm tại một tiệm sửa xe đạp, nữ sinh này đã tìm ra lời giải. Nơi đây tái chế những chiếc xe bỏ đi thành những chiếc xe mới. Tiền thu được dành để trả lương cho nhân viên, vốn là những thiếu niên từ 16 tuổi trở lên có hoàn cảnh khó khăn. "Tôi tìm ra một hình thức làm từ thiện khác là doanh nghiệp xã hội - nơi không đặt mục đích phát triển kinh tế đầu tiên, mà đặt phát triển xã hội lên đầu", Thúy Ngân nói.

    Ông Randy Treichel, cựu giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ với VnExpress, Jasmine Nguyen (tên tiếng Anh của Ngân) đã làm việc tới Youth Express trong thời gian học tại Macalester College. Cô đã kết hợp chặt chẽ cùng cửa hàng của họ để mở rộng các kế hoạch tiếp thị, dạy các bạn trẻ học nghề và thiết kế ra các công cụ để đo lường thành công dự án.

    "Trong 25 năm hoạt động, tôi chưa bao giờ làm việc với bất kỳ ai có tác động sâu sắc như cô ấy trong một khoảng thời gian ngắn đến vậy", Randy Treichel nói.

    san hoc bong ti phu 1
    Nguyễn Thúy Ngân nghiên cứu thực địa tại chợ Madina, Ghana năm 2016 cho dự án khởi nghiệp của cô. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Sau chuyến đi vòng quanh thế giới, Nguyễn Thúy Ngân quyết định về Việt Nam, trở thành quản lý khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức AngleHack để truyền lại những gì mình thu lượm được cho giới trẻ trong nước. Trong gần 2 năm cô đã tổ chức hơn 20 cuộc thi Hackathon về lập trình. Hồi tháng 6, cuộc thi Hack Co Vy online để tìm giải pháp công nghệ chống Covid-19 đã quy tụ được 300 người chơi từ khắp nơi trên thế giới, chọn được 4 ý tưởng "ươm mầm". Tháng 11 tới, Ngân sẽ triển khai cuộc thi tìm kiếm các giải pháp hồi phục nền kinh tế sau đại dịch.

    "Tôi may mắn được nhiều người giúp đỡ trong thanh xuân của mình. Nên từ chính những việc đang làm, tôi muốn cho các bạn trẻ thấy thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào và khuyến khích họ can đảm bước khỏi vùng an toàn, trở thành thuyền trưởng chèo lái cuộc đời mình", Ngân bày tỏ.

    Theo VnExpress