• Thủ tướng Rishi Sunak theo Hindu giáo và có sở thích dùng nhiều đồ ngọt, nên ông thường nhịn ăn 36 tiếng vào đầu mỗi tuần để "khởi động lại" cơ thể.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak gần đây lên truyền hình giải thích về chế độ ăn của mình, sau khi truyền thông nước này tiết lộ ông không ăn gì từ 17h ngày Chủ nhật đến 5h sáng thứ ba hàng tuần.

    Trong thời gian thực hiện chế độ nhịn ăn (fasting) liên tục 36 giờ này, Thủ tướng 43 tuổi chỉ uống nước, trà hoặc cà phê đen. Việc nhịn ăn đầy kỷ luật này của Thủ tướng Sunak khiến nhiều người Anh kinh ngạc và khâm phục.

    Ông Sunak cho hay thời gian nhịn ăn này là một phần không thể thiếu do ông theo đạo Hindu giáo và là một trong những cách để ông cân bằng lối sống. "Sau khi nhịn ăn, tôi có thể thưởng thức những món đồ ngọt mà tôi thích trong thời gian còn lại của tuần", ông cho biết.

    thu tuong anh nhin an
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak dùng bữa tại một nhà hàng ở London. Ảnh: HM Treasury

    Thủ tướng Rishi Sunak cũng là người hoàn toàn không uống bia rượu, ăn thuần chay. Năm 2022, ông tiết lộ hầu như không ăn sáng. Nếu ăn, ông sẽ dùng sữa chua Hy Lạp, việt quất hoặc các loại bánh ngọt.

    Ông cũng từng cho biết bản thân "nghiện coca cola", đặc biệt là sản phẩm của Mexio vì được sản xuất từ đường mía, thay vì xiro ngô chứa hàm lượng fructose cao.

    "Vấn đề là tôi mê đồ ngọt, tôi ăn rất nhiều bánh ngọt nhưng không thể dục thường xuyên như trước vì bận việc. Do đó, tôi nhịn một chút để tái khởi động vào ngày đầu tuần, thải độc một chút", ông nói.

    Các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau áp dụng chế độ nhịn ăn từ hàng nghìn năm trước vì nhiều lý do. Chế độ ăn này gần đây nổi tiếng trong giới ăn kiêng, song tạo nhiều tranh cãi.

    Thủ tướng Australia Anthony Albanese từng giảm 15 kg trước cuộc bầu cử năm 2022 nhờ bỏ rượu trong ba tháng, đồng thời cắt giảm tinh bột. "Tôi ăn hai quả trứng luộc cho bữa sáng, giúp tôi cầm cự đến bữa trưa. Không ăn vặt giữa các bữa là điều rất quan trọng", ông Albanese chia sẻ bí quyết giảm cân của mình.

    VnExpress (Theo Sydney Morning Herald, Telegraph)

  • Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã thực hiện cuộc cải tổ nội các lần thứ hai kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10-2022. Đây được xem là động thái bất ngờ của người đứng đầu 'xứ sở Sương mù'.

    Trong rất nhiều vị trí thay đổi nhằm phục hồi uy tín đang có dấu hiệu đi xuống, việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao được đánh giá là bước ngoặt trong một loạt biến động của đảng Bảo thủ cầm quyền thời gian gần đây.

    Quyết định cải tổ nội các được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman trước sức ép dư luận và nội bộ do bị chỉ trích về cách xử lý của cảnh sát trước các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine trong cuộc xung đột Israel - Hamas.

    Thủ tướng Rishi Sunak đã điều chuyển Ngoại trưởng James Cleverly thay thế bà Suella Braverman. Một loạt vị trí chủ chốt khác trong nội các cũng có sự thay đổi như: Bộ trưởng Y tế Steve Barclay thay thế bà Therese Coffey làm Bộ trưởng Môi trường; bà Victoria Atkin được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Y tế; bà Laura Trott thay thế ông John Glen làm Bộ trưởng Ngân khố; ông Ridchard Holden thay thế ông Gregs Hands làm Chủ tịch đảng Bảo thủ...

    cai to noi cac

    Việc bà Suella Braverman bị cách chức gây không ít bất ngờ cho dư luận Anh bởi lâu nay, nữ chính trị gia thiên về cánh hữu này được xem là cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Rishi Sunak và đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ ông lên nắm quyền vào năm ngoái. Tuy nhiên, dù được nhiều nghị sĩ theo chủ nghĩa dân túy trong đảng Bảo thủ ủng hộ, song bà Suella Braverman được nhận định là “ngòi nổ” trong nội các bởi thường xuyên đưa ra những quan điểm gây tranh cãi, nhất là vấn đề người nhập cư. Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa là tới cuộc bầu cử quốc hội, việc ông Rishi Sunak đưa bà Suella Braverman ra khỏi chính phủ là bước đi nhằm củng cố lại sự đoàn kết nội bộ.

    Tính tới thời điểm này, đảng Bảo thủ đã nắm quyền được 13 năm. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đảng này đang bị đảng Lao động dẫn điểm với khoảng cách khá xa. Tại cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ giành được 23% số phiếu bầu, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Lao động lên tới 47%. Nếu xu hướng này không bị đảo ngược, đảng Lao động sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 2-5-2024.

    Theo các nhà phân tích, việc đưa cựu Thủ tướng David Cameron với trường phái trung dung trở lại chính phủ sẽ giúp ông Rishi Sunak cân bằng được các bên trong nội bộ đảng Bảo thủ. Bản thân tân Ngoại trưởng Anh đã khẳng định: “6 năm làm thủ tướng, 11 năm lãnh đạo đảng Bảo thủ mang lại cho tôi một số kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ và kiến thức hữu ích để có thể giúp Thủ tướng Rishi Sunak bảo đảm việc xây dựng các liên minh, quan hệ đối tác và giữ cho đất nước vững mạnh”. Ông David Cameron cũng cam kết sẽ ủng hộ người đứng đầu nội các để giúp đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

    Tuy thế, cũng không ít ý kiến cho rằng, Thủ tướng Rishi Sunak đang mạo hiểm khi mời một nhà lãnh đạo từng góp phần tạo nên câu chuyện chia rẽ nhất nước Anh mà “di chứng” vẫn còn kéo dài đến hiện tại. Đó là việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 với sự tự tin rằng người dân "xứ sở Sương mù" sẽ bỏ phiếu để ở lại khối. Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra hoàn toàn trái ngược buộc ông David Cameron phải rời bỏ vị trí thủ tướng và thôi làm nghị sĩ từ đó đến nay.

    Ngày 14-11, Thủ tướng Rishi Sunak đã gặp nội các mới của mình. Hiện, chưa rõ cuộc cải tổ mạnh mẽ này sẽ giúp đảng Bảo thủ thu hút được sự ủng hộ của các cử tri để lật ngược “thế cờ” hay không. Song, chắc chắn con đường bảo vệ vị trí hàng đầu trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ không dễ dàng đối với Thủ tướng Rishi Sunak.

    Theo Hanoimoi

  • Thủ tướng Anh Sunak hy vọng ông sẽ nhận được sự tiếp đón ấm áp với tư cách là "con rể" khi tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G20.

    Chuyên cơ chở Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng phu nhân Akshata Murty ngày 8/9 hạ cánh ở sân bay New Delhi, thủ đô Ấn Độ, nơi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20. Khi khởi hành, Thủ tướng Sunak kỳ vọng việc là "con rể" của Ấn Độ sẽ giúp ông nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt từ người dân địa phương.

    Bà Akshata Murty, vợ ông Sunak, là con gái Narayana Murty, tỷ phú được gọi là "Bill Gates của Ấn Độ".

    thu tuong anh an do
    Ông Rishi Sunak và vợ, bà Akshata Murty. Ảnh: PA.

    "Thật đặc biệt. Tôi sắp đến thăm một đất nước rất gần gũi và thân thương với mình. Đã nhiều năm rồi tôi chưa quay lại nơi đó", Thủ tướng Sunak nói với các phóng viên trên đường tới Ấn Độ.

    Ông Sunak thường đưa gia đình tới Ấn Độ vào tháng 2 mỗi năm, nhưng đã không thể thực hiện chuyến đi thường niên đó từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính năm 2020. Ông được bầu làm Thủ tướng Anh năm 2022.

    "Tôi thấy đâu đó họ gọi tôi là 'con rể Ấn Độ', điều mà tôi cho là mang ý nghĩa trìu mến. Tôi rất vui khi được quay lại Ấn Độ và thật vui khi có cả vợ Akshata đi cùng", ông Sunak cho biết thêm.

    Thủ tướng Anh dự kiến tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi khi dự hội nghị G20. Ông cũng kỳ vọng có cơ hội trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, dù cuộc gặp chưa được xác nhận.

    G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế và 2/3 dân số toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy chính sách liên quan đến ổn định tài chính và định hướng phát triển kinh tế thế giới. Ấn Độ là chủ nhà hội nghị G20 năm nay, diễn ra ngày 9-10/9.

    VnExpress (theo Guardian)

  • Quốc hội Anh đã công bố ngày 24/8 một báo cáo cho biết Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã không kê khai chính xác cổ phần của vợ mình trong một công ty chăm sóc trẻ em được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ.

    chiec ao tri giaÔng Rishi Sunak mặc bộ vest của thương hiệu Henry Herbert trị giá 3,500 bảng. 

    Tuy nhiên, báo cáo kết luận sai phạm này là “vô tình,” lưu ý rằng ông Sunak đã nhầm lẫn giữa khái niệm đăng ký với khái niệm tuyên bố lợi ích.

    Ủy viên Quốc hội về tiêu chuẩn Daniel Greenberg, người chủ trì xây dựng báo cáo trên, tuyên bố: “Tôi quyết định kết thúc cuộc điều tra của mình bằng thủ tục cải chính.”

    Như vậy, cuộc điều tra từ tháng 4/2023 do Quốc hội Anh tiến hành đối với Thủ tướng Sunak về khả năng vi phạm các quy tắc minh bạch liên quan số cổ phần mà vợ ông - bà Akshata Murthy sở hữu trong một công ty chăm sóc trẻ em, đã chính thức kết thúc.

    Trong một thư ngỏ gửi Ủy viên Greenberg, Thủ tướng Sunak bày tỏ hài lòng về việc “vấn đề này giờ đây sẽ được kết thúc bằng cách cải chính”.

    Bà Akshata Murthy, phu nhân của Thủ tướng Sunak và là con gái của tỉ phú Ấn Độ N.R. Narayana Murthy cũng có cổ phần trong công ty phần mềm Ấn Độ của cha là Infosys, trị giá khoảng 715 triệu USD. Con số này đại diện cho phần lớn giá trị tài sản ròng ước tính của vợ chồng Thủ tướng Anh là 830 triệu USD, theo bảng xếp hạng hằng năm về những người giàu nhất nước Anh của tờ Sunday Times.

    Phu nhân Thủ tướng Anh từng thành lập thương hiệu quần áo nữ Akshata Designs, được mô tả trong bài viết về tiểu sử của bà trên tờ Vogue Ấn Độ năm 2011 là "đưa nghề thủ công truyền thống Ấn Độ đáp ứng kiểu dáng phương Tây đương đại".

    Theo TTXVN

  • Bất chấp việc Thủ tướng Rishi Sunak tiếp tục thành công với những tin tức kinh tế tốt đẹp, các đồng minh của Thủ tướng Anh nói rằng họ đang nhìn thấy lâu đài của ông được xây trên cát.

    Trong bài báo với tựa đề “Rishi Sunak vẫn có thể chịu chung số phận với Boris Johnson”, tờ The Guardian của Anh đưa ra những bình luận có vẻ tiêu cực nhiều hơn những gì được thể hiện.

    Tờ báo này viết: “Đầu tiên là tin tốt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong tuần này rằng Anh không còn đi theo hướng suy thoái nữa. Lạm phát và giá năng lượng đang giảm, mặc dù chậm hơn ông Sunak mong muốn. Tuy mọi thứ vẫn chưa đến mức tuyệt vời, nhưng với mớ hỗn độn mà ông Sunak thừa hưởng từ người tiền nhiệm Liz Truss - với canh bạc kinh tế lớn đã khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ so với đồng USD - có thể nói ông Sunak đã ổn định con tàu kinh tế Anh ở một mức độ nào đó”.

    Còn đây là tin xấu: “Đảng Bảo thủ của ông vẫn còn chia rẽ và đầy những cá nhân có “ân oán” để giải quyết với nhau. Cách đây chưa tròn 1 năm, ông Boris Johnson vẫn còn là thủ tướng, cố gắng hết sức để bám lấy quyền lực mặc dù chìm trong những bê bối do chính mình tạo ra. Chính ông Sunak, khi đó là Bộ trưởng Tài chính của ông Johnson, đã giáng đòn chí mạng bằng cách từ chức khỏi nội các của ông Johnson vì những vụ bê bối”.

    thu tuong rishi sunak lung lay

    Các đồng minh quyết liệt nhất của ông Johnson đã không tha thứ cho sự phản bội của ông Sunak. Tất cả họ đều tập hợp lại phía sau bà Truss khi bà này đấu tay đôi với ông Sunak để tiếp quản chiếc ghế do ông Johnson để lại. Chỉ 49 ngày sau, chính bà Truss cũng bị buộc phải từ chức, nhờ đó ông Sunak về cơ bản không cần ứng cử cũng trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 25/10 và ngay lập tức bắt đầu “trả thù” bà Truss.

    Trong chính sách cầm quyền của mình, ông Sunak đã làm dịu đi mối quan hệ với châu Âu và tránh xa chủ nghĩa bảo thủ như 2 người tiền nhiệm Johnson và Truss từng làm. Đối với một số người theo phe bảo thủ, ông Sunak về cơ bản là một sự “bán tháo”. Điều này khiến ông dễ bị thương tổn trước chính trị nội bộ hỗn loạn của đảng Bảo thủ.

    Có 2 chuyện đã xảy ra nhắc nhở một số đảng viên Bảo thủ rằng mọi thứ có thể đi xuống nhanh thế nào. Đầu tiên, ông Sunak phải đưa ra quyết định làm gì với Bộ trưởng Nội vụ của mình, bà Suella Braverman, sau khi có thông tin tiết lộ rằng bà này đã nhờ các công chức giúp mình tránh bị phạt quá tốc độ bằng cách tổ chức một khóa học nâng cao nhận thức lái xe riêng.

    Ông Sunak khẳng định rằng hành động của bà Braverman không vi phạm Bộ luật Bộ trưởng (nếu vi phạm sẽ buộc phải từ chức theo quy định). Ông Sunak ngay lập tức bị buộc tội đã để bà Bộ trưởng Nội vụ thoát tội vì ông quá mềm yếu khi đối mặt với một thành viên kiên quyết của đảng, khiến nhiều người trong đảng coi thường ông.

    Vụ việc diễn ra chỉ 1 tuần sau khi bà Braverman có bài phát biểu tại một hội nghị chống ông Sunak ở London. Ông Sunak không chỉ cho bà này quyền tự do phát biểu tại hội nghị mà trong bài phát biểu của mình, bà Braverman còn tuyên bố rõ ràng về mục tiêu giành quyền lãnh đạo của mình vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

    Vụ việc thứ hai, ông Johnson đã lại lên mặt báo sau khi có người báo cáo với cảnh sát rằng ông đã nhiều lần vi phạm các quy định về phòng chống COVID. Các đồng minh của ông Johnson đã tận dụng cơ hội để buộc tội ông Sunak đứng sau tất cả những điều này.

    Một số đồng minh của ông Sunak chỉ trích ông vì đã đưa bà Braverman vào nội các của mình. Bà này đã từng phải từ chức khỏi chính phủ của bà Truss vì vi phạm Bộ luật Bộ trưởng một lần. Tham vọng của bà Braverman đã được nhiều người biết đến và bà đứng đầu danh sách các bộ trưởng nội các tự mình “hy sinh” trước cuộc bầu cử sắp tới nhằm ra ứng cử cho vị trí lãnh đạo nếu đảng Bảo thủ mất quyền lực. “Ông ấy bước vào Số 10 phố Downing với suy nghĩ rằng mình yếu hơn ông Boris Johnson và bà Liz Truss”, một nghị sĩ cấp cao của đảng Bảo thủ nhận xét.

    Một cựu cố vấn của đảng Bảo thủ cho biết “rủi ro đối với ông Rishi sẽ đến nếu các kết quả thăm dò dư luận không được cải thiện”. Một khi các nghị sĩ bắt đầu nghĩ rằng cuộc bầu cử tiếp theo sẽ thất bại, một số người trong số họ sẽ quyết định ra đi.

    Một đảng đoàn kết thống nhất là rất quan trọng nếu đảng đó muốn tìm cách giành chính quyền. Về mặt lịch sử, đảng Bảo thủ đã làm tốt điều này hơn nhiều so với các đảng khác của Anh. Tuy nhiên, một cố vấn chiến dịch cấp cao của đảng Bảo thủ nói rằng cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ có vô vàn khó khăn đang chờ đón đảng Bảo thủ.

    Nhiều đảng viên Bảo thủ quyết định trò chơi đã kết thúc. Danh sách các nghị sĩ quyết định không tham gia cuộc bầu cử sắp tới đang tăng lên và những người đứng sau hậu trường, cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đang tìm kiếm công việc thay thế.

    Ông Rishi Sunak lên nắm quyền hứa hẹn một cách tiếp cận chính phủ chuyên nghiệp hơn so với những gì nước Anh đã thấy trong 3 năm trước. Phong cách quản lý chậm rãi và ổn định của ông đã cải thiện những vấn đề khủng khiếp mà ông được thừa hưởng. Và, ngay bây giờ, chưa ai nghĩ đến việc sẽ tìm cách loại ông khỏi chiếc ghế ông đang ngồi. Cụ thể hơn: không ai nghĩ rằng mọi thứ sẽ đột nhiên bùng phát hoặc rằng ông Boris Johnson sẽ gây ra “cơn bão” nào đó để quay trở lại nắm quyền. Hầu hết đều chấp nhận rằng họ sẽ gắn bó với ông Sunak cho đến cuộc bầu cử tiếp theo và hy vọng nền kinh tế sẽ cải thiện để mọi người cảm thấy giàu có hơn.

    Theo ANTG

  • thu tuong anh dong thue

    Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak, bản thân là triệu phú trước khi bước vào chính trường cuối cùng đã công bố tờ khai thuế của mình.

    Trong ba năm tài khóa ở Anh 2019-2022, ông Sunak, 42 tuổi, đã đóng thuế thu nhập hơn một triệu bảng Anh (1,23 triệu USD) từ thu nhập ở Mỹ và từ lương.

    Khoản đầu tư của ông trong một quỹ đầu tư đóng ở Hoa Kỳ đem lại lợi tức trước thuế là 4,7 triệu bảng nhưng ông phải đóng thuế ở Anh. Chỉ trong năm tài khoá 2021-22, ông Sunak có thu nhập cả thẩy 1,9 triệu bảng.

    Trước đó, ông Sunak bị chỉ trích vì vợ ông, bà Akshata Murty, con gái một tỷ phú Ấn Độ, đã hưởng quy chế không định cư (non-dom) ở Anh.

    Cách đăng ký chỗ ở bên ngoài Vương quốc Anh trong khi trên thực tế vẫn sống nhiều tháng tại Anh là chiêu thức của nhiều đại gia tài chính áp dụng nhằm trả thuế ở hải ngoại, thấp hơn ở Anh. Nhưng khi ra tranh cử chức thủ tướng Anh năm ngoái, ông bà Sunak đã cam kết họ sẽ đóng thuế ở Anh.

    Trước khi vào chính trường, ông Sunak làm việc trong ngành ngân hàng và có thời gian sống, kinh doanh tại Mỹ. Tháng 10/2021, ông phải trả lại thẻ xanh (thẻ định cư) ở Mỹ sau làn sóng phê phán.

    Khi đó, báo chí Anh vạch ra rằng trong khi làm Bộ trưởng Tài chính thời thủ tướng Boris Johnson, ông Sunak vẫn giữ thẻ xanh Mỹ, điều gây ra câu hỏi về xung đột lợi ích.

    Ông là một trong những nghị sĩ quốc hội giàu nhất Anh Quốc và khoản tài sản kếch xù của vợ chồng ông (844 triệu USD) hay là đối tượng chỉ trích của các đảng đối lập.

    Các khoản tiền này của nhà ông Sunak đều hợp pháp.

    Chính khách giàu có thì sao?

    Chuyện có thu nhập cao và hợp pháp không phải là vấn đề với các chính trị gia tại Anh, nhưng một phần dư luận tin rằng chính khách và quan chức giàu có dễ trở nên thiếu sự đồng cảm với người dân.

    Thậm chí có e ngại rằng các chính sách giới chính trị giàu có đưa ra có thể không thực tiễn, hoặc thậm chí "làm lợi cho thiểu số nhà giàu".

    Việc công bố tờ khai thuế như của ông Sunak - đăng trên trang web của Chính phủ Anh - là động tác làm giảm đi luồng dư luận "không tin vào chính khách giàu có" qua cách công khai, minh bạch nguồn thu và nhấn mạnh đến phần đóng góp của họ vào ngân sách nhà nước, qua các khoản thuế.

    Toàn cầu hóa những năm qua tạo ra một thiểu số (1%) các đại gia tài chính, công nghệ và những chính khách rất giàu, thậm chí siêu giàu.

    Điều này, theo một số nghiên cứu, có thể làm tăng lên cảm giác bất công xã hội, thậm chí tạo nghi ngờ rằng tầng lớp trên có quyền lại có tiền sẽ vô tình hay cố ý phân biệt đối xử với tầng lớp bị thua thiệt trong xã hội.

    Tâm lý này về lâu dài có thể gây tổn hại cho nền dân chủ vì cử tri giảm độ tin tưởng vào chính trị.

    Một điều tra dư luận tại Mỹ trên Washington Post hồi 2016 cho thấy đa số cử tri không thích các chính khách triệu phú, tỷ phú.

    Năm 2020, trang The Guardian ở Anh đăng một điều tra dư luận khác cho thấy đa số người Anh muốn thay đổi hệ thống thuế, buộc giới siêu giàu đóng thuế cao hơn, thay vì "chỉ trích, bất mãn với các khoản thu của họ".

    Tại Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới, hồi tháng 6/2022 có bài trên trang India Times đặt câu hỏi 'Why India is a poor country with rich politicians?' (Vì sao Ấn Độ là nước nghèo với các chính trị giàu có?).

    Bài báo nói nghị viện, chính phủ Ấn Độ "chật cứng các triệu phú" và cho rằng việc các gia tộc giàu có đẩy con em họ vào chính trị khiến nền dân chủ trở thành "rạp xiếc".

    Còn tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, sự giàu có của các quan chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản thường bị cho là nhờ các nguồn bất minh, lạm dụng quyền lực để kiếm lợi.

    Tuy thế, ở một số nước theo mô hình cộng sản, việc công khai hóa tài sản của quan chức vấp phải cản trở từ chính họ.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Bể bơi nước nóng mới tại nhà của Thủ tướng Anh Rishi Sunak sử dụng nhiều năng lượng đến mức mạng lưới điện địa phương phải được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của nó.

    thu tuong rishi sunak be boi
    Ông Sunak đã bất động sản này vào năm 2015, ngay sau khi trở thành nghị sĩ của Richmond. Ảnh: Observer

    Trong khi nhiều người Anh đang phải đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng cao và cố gắng hạn chế mức sử dụng năng lượng, gần đây, thiết bị bổ sung đã được lắp đặt ở khu vực North Yorkshire để tăng công suất từ lưới điện quốc gia cho khu vực có nhà có thủ tướng Sunak, Guardian đưa tin.

    Điều này xảy ra sau khi ông Sunak xây dựng một bể bơi nước nóng, phòng tập thể dục và sân tennis mới trong khuôn viên một ngôi nhà ông thường ở vào cuối tuần. Các kỹ sư đã phải lắp đặt một lượng lớn thiết bị và dây nối với lưới điện quốc gia.

    Ông Sunak sẽ tự trả chi phí nâng cấp điện - ước tính tốn hàng chục nghìn bảng Anh. Công trình xây dựng hồ bơi tư nhân dài 12 m của ông Sunak đã hoàn thành ngay khi nhiều phòng tắm do hội đồng quản lý, bao gồm cả ở địa phương ông Sunak sống, buộc phải giảm giờ mở cửa do chi phí năng lượng tăng.

    Vào tuần trước, ủy ban chuyên trách văn hóa của Hạ viện Anh đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ thêm cho các bể bơi trong gói ngân sách sắp tới. Theo đó, 350 bể bơi đã đóng cửa hoặc cắt giảm giờ hoạt động do chi phí năng lượng.

    Ngôi nhà này, nằm tại khu vực bầu cử của ông Sunak, là một trang viên hùng vĩ rộng lớn, với một hồ nước riêng, đập nước và nhà thuyền. Ông Sunak đã mua ngôi nhà với giá 1,5 triệu bảng (hơn 1,8 triệu USD) vào năm 2015, ngay sau khi trở thành nghị sĩ của khu vực bầu cử Richmond. Ông vẫn thường xuyên đến thăm ngôi nhà này.

    Independent cho biết không có dấu hiệu nào chỉ ra ông Sunak nhận được đối xử đặc biệt nào liên quan đến việc nâng cấp. Nhiều công ty có thể trả tiền để nâng cấp lưới điện địa phương trong quá trình xây dựng các tòa nhà mới.

    Trang viên của thủ tướng ở Richmond là một trong số những ngôi nhà thuộc sở hữu của ông và người vợ Akshata Murty.

    Theo Zing

  • nha cua thu tuong rishi sunak 1
    Căn thái ấp của Thủ tướng Anh ở North Yorkshire đã tăng giá đáng kể, cao hơn £296,422 so với mức giá nhà trung bình. Hiện giá của nó là hơn 2 triệu bảng.

    Biệt thự xa hoa có hồ bơi của ông Rishi Sunak hiện có giá cao hơn 593% so với giá nhà trung bình toàn quốc. Thủ tướng Anh hiện đang sống trong căn thái ấp thuộc khu vực bầu cử của ông ở North Yorkshire, bất động sản này có giá hơn 2 triệu bảng, tăng 37% so với thời điểm vợ chồng ông mua nó cách đây 8 năm.

    Vào năm 2021, ông đã được cấp phép xây dựng một phức hợp giải trí hình chữ L với 1 phòng gym, 1 hồ bơi nước ấm, sân tennis ngoài trời trong một diện tích rộng 12 héc-ta.

    Căn dinh thự sở hữu lối kiến trúc Georgian. Giá của nó cao hơn giá nhà trung bình toàn quốc £296,422, theo phân tích của Đại lý bất động sản Barrows and Forrester.

    Ngôi nhà được xếp hạng di tích loại II, nằm gần Northallerton, Hambleton. Gia đình Sunak đã mua nó với giá 1.5 triệu bảng vào tháng 7-2015. Từ đó đến nay, giá nhà đã tăng 37%, tương đương £555,500.

    Các con số này vừa được tiết lộ giữa lúc hàng triệu gia đình đang đối mặt với chi phí thuê nhà và lãi suất cho vay tăng cao trong năm nay. Tài sản tích lũy của vợ chồng ông Sunak ước tính 730 triệu bảng, đối lập sâu sắc với thu nhập của những gia đình bình thường.

    nha cua thu tuong rishi sunak 1
    Ngôi nhà của ông Sunak có cả một khu tiêu khiển riêng. Ảnh: TeesPix/North News

    nha cua thu tuong rishi sunak 1
    Việc xây dựng được tiến hành vào tháng 10-2022. Ảnh: TeesPix/North News

    Ông James Forrester, giám đốc điều hành Barrows and Forrester nói: "Trong khi hầu hết người dân phải đối mặt với chi phí sống tăng cao, lãi suất tăng và giá nhà giảm, thì tình hình tài chính của ông Sunak vẫn rất vững vàng. Dinh thự của ông có giá thị trường trên 2 triệu bảng".

    "Dù 2 triệu bảng chưa thể gọi là cao so với thị trường nhà đất London, nhưng nó lại là con số không tưởng với túi tiền của những người mua nhà ở North Yorkshire. Giá trị của căn nhà này dường như không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường".

    "Huống chi đây lại là một căn nhà di tích, vốn dĩ những căn nhà này khá hiếm trên thị trường, do những đặc điểm độc nhất của nó, uy danh của ngôi nhà giúp nó được định giá cao".

    "Một phần nữa là do hiệu ứng Sunak. Một người chủ nhà với địa vị như ông chắc chắn sẽ thu hút nhiều người mua giàu có. Họ sẵn sàng vung tiền để sở hữu ngôi nhà của Thủ tướng".

    nha cua thu tuong rishi sunak 1
    Ông Rishi Sunak đã nâng cấp căn nhà với những tiện tích như hồ bơi nước ấm và sân chơi thể thao. Ảnh: TeesPix/North News

    nha cua thu tuong rishi sunak 1
    Căn thái ấp được định giá 2 triệu bảng. Ảnh: File Image

    nha cua thu tuong rishi sunak 1
    Bất động sản ở North Yorkshire của Thủ tướng Anh rất kín đáo và rộng rãi, đủ để xây dựng thêm nhiều tiện ích. Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images

    Ông Sunak hiện là nghị sĩ khu vực Richmond. Ông thường dành cuối tuần ở thái ấp này. Nơi đây không chỉ có bể bơi ấm mà còn có nhà ươm.

    Hồi tháng 10-2022, tờ Guardian nói rằng ông Sunak cần phải trả £14,000/năm để làm ấm bể bơi, một con số "phóng túng" so với giá nhà trung bình £284,164 ở North Yorkshire. Thái ấp này từng là nhà của một cha xứ vào những năm 1826. Ông Sunak đã mua nó trước khi trở thành Thủ tướng.

    Sự thấu hiểu của ông đối với các gia đình nghèo sẽ được kiểm chứng khi mục tiêu chính của ông trong năm 2023 là giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sống. 

    Ông đã tuyên bố sẽ tìm cách kiềm chế lạm phát, giảm nợ công và thúc đẩy kinh tế. Vào ngày 4-1-2023, ông Sunak cho biết đã giải ngân 26 tỉ bảng nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chi phí sống.

    Viethome (theo Metro)

  • Ông Rishi Sunak đã là một trong những người giàu nhất nước Anh trước khi trở thành thủ tướng hồi tháng 10 và việc này từng được cho là có thể là trở thành điểm yếu của ông trên cương vị.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã phải đối mặt với những lời chỉ trích hôm 24.12 vì dường như thiếu sự thấu hiểu đối với những người bình thường khi ông hỏi một người vô gia cư rằng liệu anh có đang "làm việc trong lĩnh vực kinh doanh" và muốn bước chân vào ngành tài chính hay không.

    Ông Sunak, cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs và là một trong những người giàu nhất nước Anh, đã phục vụ bữa sáng tại một cơ sở trú ẩn dành cho người vô gia cư ở London hôm 23.12. Tại đây, ông trò chuyện với một người đàn ông tự gọi mình là Dean, theo Reuters.

    "Anh làm việc trong lĩnh vực kinh doanh?", vị thủ tướng hỏi người đàn ông khi đưa cho anh ta một đĩa xúc xích, bánh mì nướng và trứng.

    "Không, tôi vô gia cư. Tôi thực sự là một người vô gia cư", người đàn ông trả lời.

    thu tuong anh nguoi vo gia cu
    Ông Sunak (phải) phục vụ bữa sáng cho người vô gia cư tại London hôm 23/12. Ảnh: NO10 DOWNING STREET

    Phó lãnh đạo Công đảng Angela Rayner mô tả cuộc trao đổi này là "rất đáng xấu hổ". Trong khi đó, nữ nghị sĩ Công đảng Stella Creasy nói rằng: “Khi xem đoạn video, tôi lo ngại thủ tướng nghĩ rằng vô gia cư đồng nghĩa với 'không có một đất nước'".

    "Thật khó hiểu khi Rishi Sunak đến thăm một bếp ăn từ thiện dành cho người vô gia cư và hỏi họ có làm việc trong ngành tài chính không", nghị sĩ Công đảng Bill Esterson chia sẻ trên Twitter.

    Trước đó, hôm 23/12, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến thăm một tổ chức từ thiện trước khi kỳ nghỉ lễ Giáng sinh bắt đầu. Tại đây, ông Sunak đeo tạp dề và đứng phục vụ trong bếp ăn.

    Đáng chú ý, trước ống kính truyền hình, vị thủ tướng Anh hỏi một người đàn ông vô gia cư tên Dean rằng liệu anh ta có làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hay không.

    Sau đó, người đàn ông trả lời: "Không, tôi vô gia cư. Dù vô gia cư nhưng tôi quan tâm đến tài chính".

    Thủ tướng Sunak tiếp tục thảo luận với Dean về tình hình tài chính và hỏi liệu rằng anh có “muốn tham gia” vào ngành này không.

    “Tôi không phiền nhưng tôi không chắc. Điều tôi muốn là vượt qua mùa Giáng sinh trước đã”, Dean đáp lại. Người đàn ông vô gia cư bày tỏ hy vọng tổ chức từ thiện sẽ tìm cho anh ấy một chỗ ở tạm thời để tránh cái rét giá lạnh trong dịp Giáng sinh.

    Chuyến thăm tới bếp từ thiện hôm 23/12 nằm trong kế hoạch thực hiện cam kết sử dụng 2 tỷ bảng Anh nhằm giải quyết tình trạng vô gia cư báo động ở Anh.

    Theo Thanh Niên

  • Bà Akshata Murty, vợ Thủ tướng Anh, nhận khoản cổ tức 7,9 triệu USD từ cổ phần trong tập đoàn Infosys.

    Truyền thông Anh ngày 28/10 đưa tin bà Akshata Murty, vợ Thủ tướng Anh Rishi Sunak, nhận được khoản thanh toán cổ tức 6,8 triệu GBP (khoảng 7,9 triệu USD) cho 39 triệu cổ phiếu trong tập đoàn Infosys, đặt trụ sở tại thành phố Bangalore, Ấn Độ. Số cổ phiếu bà Murty sở hữu tương đương 0,9% cổ phần tập đoàn.

    Phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh sau đó từ chối bình luận về việc bà Murty nhận cổ tức, song thông báo danh sách các lợi ích liên quan tới vợ chồng Thủ tướng Anh sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp. Phát ngôn viên của bà Murty từ chối bình luận.

    vo ong rishi sunak nhan co tuc
    Ông Rishi Sunak và bà Akshata Murty tại một sự kiện ở London hồi tháng 2. Ảnh: SkyNews.

    Bà Murty hồi tháng 4 thông báo sẽ tự nguyện nộp thuế tại Anh đối với tất cả thu nhập trên toàn thế giới, dù theo quy định bà được phép làm vậy do là công dân Ấn Độ và không phải thường trú nhân tại Anh. Bà Murty cho biết quyết định này để tránh vấn đề trở thành đề tài gây tranh cãi.

    Bà Murty cùng chồng sở hữu khối tài sản ước tính gần 848 triệu USD, khiến ông Sunak trở thành người giàu nhất giữ chức Thủ tướng Anh trong lịch sử. Thủ tướng giàu thứ hai trong lịch sử Anh là Edward Stanley với khối tài sản tương đương khoàng 516 triệu USD ngày này.

    Vợ chồng Thủ tướng Sunak gặp nhau khi còn là sinh viên đại học Standford ở California. Bà Murty là con gái của tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy, đồng sáng lập tập đoàn Infosys năm 1981.

    Tỷ phú Murthy sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 4,5 tỷ USD và 0,4% cổ phần tập đoàn Infosys khi rời đi vào năm 2014. Bà Murty và gia đình không liên quan đến hoạt động điều hành tập đoàn Infosys.

    Thủ tướng Sunak cũng có danh mục đầu tư riêng của mình và đặt dưới quyền kiểm soát của một quỹ tín thác sau khi trở thành Bộ trưởng Tài chính Anh năm 2019. Chưa có thông tin nào về hành vi sai trái của bà Murty hay ông Sunak liên quan đến hoạt động tài chính của họ.

    VnExpress (theo AFP)

  • Ngày 25-10, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố dàn nội các của ông, giữ lại một số vị trí quan trọng dưới thời người tiền nhiệm Liz Truss.

    noi cac moi rishi sunak
    Nội các mới của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak (từ trái sang): Ngoại trưởng James Cleverly, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, và Chủ tịch Đảng Bảo thủ Nadhim Zahawi - Ảnh: SKY NEWS

    Ông Sunak cam kết sẽ thành lập một chính phủ "toàn người tài" trong bối cảnh nhiều thành viên cấp cao của Đảng Bảo thủ kêu gọi tân thủ tướng chỉ định những bộ trưởng tốt nhất, thay vì tập trung vào những người trung thành với ông Sunak như cách hai người tiền nhiệm của ông đã làm, theo Đài Sky News.

    Bộ trưởng tài chính vẫn là ông Jeremy Hunt, người đã đảo ngược phần lớn gói "Ngân sách nhỏ" khiến thị trường hỗn loạn của bà Truss. Ông Hunt được coi là một người cứng tay, nên việc giữ ông lại vị trí này có thể là một nỗ lực của ông Sunak để ổn định thị trường.

    Ông James Cleverly được tái bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Khi bà Truss từ chức, ông Cleverly đã ủng hộ cựu thủ tướng Boris Johnson trong cuộc đua ghế thủ tướng. Tuy nhiên, khi ông Johnson rút lui, ông đã quay sang ủng hộ ông Sunak.

    Ông Ben Wallace được tái bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. Ông từng giữ chức vụ này dưới thời ông Johnson và bà Truss.

    Ông Sunak tái bổ nhiệm bà Suella Braverman làm bộ trưởng nội vụ. Bà Braverman đã từ chức bộ trưởng nội vụ vào tuần trước dưới thời cựu thủ tướng Truss, khi chỉ trích bà Truss không tôn trọng những cam kết đã hứa với cử tri.

    Những người phản đối cáo buộc ông Sunak đã thỏa thuận với bà Braverman về chức vụ này để đổi lấy sự ủng hộ của bà trong cuộc đua vào số 10 Phố Downing, theo Hãng tin Reuters.

    Trong khi đó, ông Sunak bổ nhiệm ông Dominic Raab làm phó thủ tướng, đồng thời làm bộ trưởng tư pháp. Ông Raab từng giữ chức bộ trưởng tư pháp dưới thời ông Johnson, và là một trong những người đầu tiên ủng hộ ông Sunak trong cuộc đua tuần qua.

    Ông Grant Shapps, người từng thay thế vị trí của bà Braverman tuần trước, được bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh doanh và năng lượng. Ông Michael Gove được bổ nhiệm làm bộ trưởng giao thông, công việc cũ dưới thời ông Johnson.

    Ngoài ra, ông Steve Barclay sẽ thay thế bà Therese Coffey để trở thành bộ trưởng y tế. Ông Nadhim Zahawi cũng được bổ nhiệm làm chủ tịch Đảng Bảo thủ.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Thủ tướng Rishi Sunak đang tái xem xét việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công ở mức lớn sau khi tình hình tài chính của Anh đã được cải thiện đáng kể, tờ Telegraph cho hay.

    ong sunak lai tang thue
    Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt (trái) và ông Rishi Sunak.

    Tờ Telegraph đưa ra thông tin trên sau khi ông Sunak thông báo trì hoãn công bố kế hoạch tài chính. Ông sẽ dời quyết định này tới ngày 17/11, chậm hơn 2 tuần so với kế hoạch trước đó, Reuters đưa tin.

    Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Resolution Foundation, việc trì hoãn 2 tuần so với dự kiến thu nhỏ quy mô “lỗ đen” trong tài chính công lên tới 11,6-17,4 tỷ USD.

    Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cảnh báo “một số loại thuế sẽ tăng lên”, trong khi số khác “sẽ không được cắt giảm nhanh chóng như kỳ vọng”. Tuần trước, Telegraph đưa tin ông Hunt đang xem xét tăng khoản thuế lên tới 20 tỷ bảng Anh trong gói ngân sách dự kiến ​​được đưa ra vào ngày 31/10.

    Việc trì hoãn kế hoạch mới đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Anh sẽ thiết lập lãi suất vào ngày 3/11 mà không biết tới chính sách thuế và chi tiêu mới.

    Cùng ngày 26/10, ông Sunak nói với nội các mới rằng thời kỳ kinh tế đầy thách thức đang ở phía trước.

    “Thủ tướng nói với nội các rằng ổn định kinh tế và tài khóa bền vững sẽ là trọng tâm trong sứ mệnh của chính phủ”, người phát ngôn văn phòng thủ tướng cho hay. “Ông ấy nhấn mạnh điều này đòi hỏi một số quyết định rất khó khăn, nhưng chính phủ sẽ hành động với lòng trắc ẩn, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất và tiếp tục tìm kiếm sự tăng trưởng dài hạn”.

    Kế hoạch tài chính của chính quyền Thủ tướng Sunak được chờ đợi bởi nó sẽ cho biết London làm thế nào để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách lên đến 46 tỷ USD.

    Zing (theo Telegraph)

  • Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ chuyển vào sống trong căn hộ số 10 phố Downing, nơi ông từng ở khi còn làm bộ trưởng tài chính.

    Phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 26/10 thông báo ông Rishi Sunak sẽ chuyển vào sống tại số 10 phố Downing, chứ không phải số 11 như những người tiền nhiệm. Bà không rõ gia đình ông Sunak có kế hoạch trang trí lại căn hộ hay không.

    Thực tế, ông Sunak mới chuyển khỏi căn hộ số 10 sau khi từ chức bộ trưởng tài chính dưới thời ông Johnson hồi tháng 7. Khi được hỏi tại sao ông Sunak lại chọn căn hộ số 10 chứ không phải căn số 11 có diện tích lớn hơn, phát ngôn viên cho hay "trước đây họ từng sống rất vui vẻ ở căn số 10".

    can ho so 10 pho downing
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak rời số 10 phố Downing để tới Hạ viện ngày 26/10. Ảnh: AFP.

    Các thủ tướng Anh có truyền thống sống ở căn hộ số 10, bên trên văn phòng làm việc của mình. Tuy nhiên, truyền thống này đã thay đổi khi ông Tony Blair, thủ tướng Anh năm 1997 - 2007, chuyển tới sống ở căn hộ số 11, tầng trên của văn phòng bộ trưởng tài chính, vì nó rộng hơn số 10 và gia đình ông có 4 con.

    Các thủ tướng tiếp theo đều ở số 11. Cựu thủ tướng Boris Johnson từng bị chỉ trích vì chi 280,000 USD tiền công quỹ để sửa sang lại căn hộ.

    Việc gia đình ông Sunak chọn sống tại căn hộ số 10 đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Anh sống ở đây kể từ thời John Major, người tiền nhiệm của ông Blair đã lãnh đạo nước Anh năm 1990-1997. Đương kim Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cùng vợ và ba con dự kiến chuyển vào căn hộ số 11.

    Vợ chồng ông Sunak có hai con gái và một con chó giống Labrador. Ngoài căn hộ số 10 phố Downing, gia đình ông cũng có thể dành thời gian tại ngôi nhà 5 phòng ngủ ở Kensington, phía tây London. Phu nhân Akshata Murty và hai con gái đã sống trong ngôi nhà này thay vì ở số 10 phố Downing trong những tháng cuối ông Sunak làm bộ trưởng tài chính, để con gái có thể đi bộ tới trường.

    Tài sản chung của hai vợ chồng Rishi Sunak ước tính 730 triệu bảng Anh (826 triệu USD), theo Danh sách Người giàu năm 2022 của Sunday Times. Họ xếp thứ 222 trong danh sách những người giàu nhất nước Anh.

    VnExpress (theo AFP/Telegraph)

  • Ông Sunak sẽ trở thành thủ tướng Anh là khoảnh khắc “Barack Obama” đối với người gốc Ấn ở Anh, người đứng đầu đền thờ Hindu Veda ở Southampton, nói.

    khoanh khac obama 1
    Ông Rishi Sunak thắp nến bên ngoài số 11 Phố Downing trước lễ hội Diwali tháng 11/2020. Ảnh: PA.

    “Đó chắc chắn là khoảnh khắc đáng tự hào đối với chúng tôi. Một người từ ngôi đền sẽ đảm nhận vị trí cao nhất đất nước với tư cách là thủ tướng của Vương quốc Anh”, ông Sanjay Chandarana, người đứng đầu Đền thờ Hindu Veda ở Southampton, nói với CNN hôm 24/12. Ngôi đền do ông bà của ông Sunak đồng sáng lập năm 1971.

    “Đó là khoảnh khắc giống như ông Barack Obama đối với chúng tôi. Sẽ có một thủ tướng gốc Ấn Độ ở Anh. Mọi người ở đây đều rất vui mừng khi biết tin đó”, ông Chandarana nói thêm.

    Ông Rishi Sunak sẽ trở thành người theo đạo Hindu và người gốc Ấn đầu tiên giữ chức thủ tướng của Vương quốc Anh. Ông từng đề cập công khai về nguồn gốc của mình trong cuộc phỏng vấn với Business Standard năm 2015 rằng ông đánh dấu vào mục gốc Ấn trong cuộc điều tra dân số.

    “Tôi hoàn toàn là người Anh, đây là quê hương và đất nước của tôi, nhưng di sản văn hóa và tôn giáo của tôi là người Ấn Độ, vợ tôi là người Ấn Độ. Tôi hoàn toàn cởi mở về việc bản thân theo đạo Hindu”, ông Sunak nói với Business Standard.

    Cột mốc quan trọng với nước Anh

    Chương trình pháo bông tại ngôi đền để ăn mừng lễ hội Diwali của người Hindu hôm 24/10 đã được kéo dài tới 20 phút so với kế hoạch ban đầu chỉ có 12-15 phút, để đánh dấu chiến thắng của ông Sunak.

    Ông Chandarana hồ hởi: “Chúng tôi đang có một lễ hội trong lễ hội lúc này”.

    khoanh khac obama 1
    Ông Sunak được các đồng nghiệp đảng Bảo thủ chào đón nồng nhiệt ngày 24/10. Ảnh: AP.

    Vị lãnh đạo đền thời nói rằng Sunak là một vị khách thường xuyên đến thăm ngôi đền và ông đã ở đó vào tháng 7/2021, một vài ngày trước khi ông từ chức Bộ trưởng Tài chính.

    Sau khi đảng Bảo thủ Anh thông báo ông Sunak đã chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng hôm 24/10, vị giáo sĩ chính của ngôi đền đã tổ chức một “buổi cầu nguyện đặc biệt” cho thủ tướng tương lai.

    Người đứng đầu ngôi đền cho hay ông chắc chắn ông Sunak sẽ sớm thăm ngôi đền.

    “Cha mẹ và họ hàng của ông ấy cũng đến đây khá thường xuyên. Dì của ông ấy cũng mới tới thăm ngôi đề và vừa rời khỏi đây”, ông Chandarana chia sẻ cùng nụ cười trên môi.

    Ông bà của ông Sunak sinh ra ở Ấn Độ và cha mẹ ông di cư đến Vương quốc Anh từ Đông Phi vào những năm 1960.

    Nhận định với Guardian, các chuyên gia cho rằng việc ông Sunak sắp trở thành thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Vương quốc Anh và là thủ tướng theo đạo Hindu đầu tiên, cả hai đều là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của nước Anh với tư cách là một xã hội đa văn hóa và đa tín ngưỡng.

    Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể các chính trị gia da màu được bổ nhiệm vào những vai trò nội các cấp cao, bao gồm các chức vụ chủ chốt như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại trưởng nhưng trước đây Vương quốc Anh chưa từng có thủ tướng không phải người da trắng.

    Đó là "khoảnh khắc lịch sử mà chẳng ai có thể nghĩ tới dù chỉ một hay hai thập kỷ trước", ông Sunder Katwala - thuộc tổ chức nghiên cứu British Future chuyên về chủng tộc và bản sắc, đánh giá.

    “Điều này cho thấy cơ quan công quyền ở văn phòng cao nhất của nước Anh có thể mở cửa cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc. Đây sẽ là nguồn tự hào cho nhiều người Anh gốc Á - bao gồm nhiều người không chia sẻ nền chính trị Bảo thủ của ông Rishi Sunak", ông Katwala cho hay.

    "Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi"

    Hai năm trước, khi Sunak là Bộ trưởng Tài chính, ông đã thắp nến để đánh dấu ngày lễ Diwali trên bậc cửa của số 11 Phố Downing vào thời điểm các quy định phòng dịch Covid-19 vẫn còn hiệu lực.

    “Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi khi có thể thực hiện nghi lễ đó trên những bậc thang của Phố Downing. Đó là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của tôi về công việc mà tôi đã có trong hai năm qua”, ông nói với tờ Times vào đầu năm nay.

    Niềm tin tôn giáo đã “mang lại cho tôi sức mạnh, và đích đến. Đó là một phần của con người tôi", ông trải lòng.

    Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017, ông tuyên thệ trước Quốc hội cùng sách thiêng của người Hindu là Bhagavad Gita.

    Grant Shapps, người trở thành Ngoại trưởng Anh tuần trước, đã thể hiện một góc nhìn khác, cho rằng không nên đẩy quá cao tầm quan trọng của việc Sunak trở thành thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Vương quốc Anh.

    "Việc ông ấy được bổ nhiệm sẽ là một khoảnh khắc của quốc gia", ông Shapps nói với chương trình Today của BBC Radio 4. "Nhưng mặt khác nó cũng không có gì quá xa vời hay cần nói tới nhiều. Đó chỉ là một thứ nằm trong nhiều điều tốt đẹp ở Anh mà chúng ta đã quen thuộc. Tôi có thể tưởng tượng ở những nước khác, một dấu mốc như vậy có thể trở thành đề tài duy nhất trên trang nhất. Ở đây, nó không quá lạ thường tới mức đó, và như thế không tuyệt vời sao".

    khoanh khac obama 1
    Ông Grant Shapps cho rằng việc nước Anh có thủ tướng gốc Ấn đầu tiên không phải điều gì đó quá bất ngờ. Ảnh: Reuters.

    Tuy nhiên, Tariq Modood, giáo sư xã hội học, chính trị và chính sách công tại Đại học Bristol, lại cho rằng: “Dù quan điểm chính trị của ông ấy là gì, việc Sunak trở thành thủ tướng là một thời khắc lịch sử cho chủ nghĩa đa văn hóa và bình đẳng chủng tộc. Điều đó đã xảy ra sớm hơn nhiều so với dự đoán của bất kỳ ai thậm chí chỉ ở vài năm trước - và cũng không ai có thể dự đoán rằng thủ tướng thuộc nhóm thiểu số đầu tiên sẽ là người đảng Bảo thủ.

    Chuyên gia Neema Begum, phó giáo sư về chính trị Anh tại Đại học Nottingham, nhận định rằng việc ông Sunak sẽ trở thành thủ tướng Anh “cho thấy sự đại diện của các nhóm dân tộc thiểu số đã tiến xa như thế nào trong nền chính trị”.

    Bà nói thêm: “Tỷ lệ đại diện dân tộc thiểu số trong đảng Bảo thủ đã tăng lên đáng kể kể từ khi ông David Cameron hiện đại hóa đảng và đưa nhiều ứng cử viên nhóm thiểu số vào các ghế nội các. Nhưng đa số cử tri dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho Công đảng".

    “Việc ông Sunak sẽ trở thành thủ tướng không nhất thiết là lý do ăn mừng cho tất cả dân tộc thiểu số. Cũng chẳng thể dùng chiến thắng của ông để bác bỏ sự tồn tại đang diễn ra của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc che khuất thực tế rằng có những bất bình đẳng về chủng tộc và sắc tộc một cách có hệ thống vẫn còn hiện hữu trong lĩnh vực nhà ở, y tế và giáo dục", bà Begum chỉ rõ.

    Nội các của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Liz Truss có 5 người da màu: James Cleverly, Nadhim Zahawi, Alok Sharma, Kemi Badenoch và Ranil Jayawardena. Hai người khác, Kwasi Kawarteng và Suella Braverman, đã bị sa thải trong những ngày gần đây.

    Cha mẹ của Sunak là người gốc Ấn Độ. Cha ông, Yashvir, sinh ra ở Kenya và mẹ ông, Usha, chào đời ở Tanzania. Họ di cư đến Vương quốc Anh vào những năm 1960.

    Gia đình của một loạt các nghị sĩ cấp cao khác thuộc đảng Bảo thủ, bao gồm Priti Patel, Braverman, Cleverly và Kwarteng, cũng di cư đến Vương quốc Anh từ Đông và Tây Phi.

    Ông Sunak cũng có thể sẽ là thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh bài rượu bia kể từ thời ông David Lloyd George. Không có quy định rõ ràng về việc cấm rượu bia trong đạo Hindu, nhưng nhiều người theo đạo này chọn không uống.

    "Tôi đã dự đoán điều này cách đây một thập kỷ"

    Gửi lời chức mừng tới ông Sunak hôm 24/10, cựu Thủ tướng Anh David Cameron chia sẻ rằng cách đây 10 năm, ông đã nói rằng đảng Bảo thủ sẽ là đảng đầu tiên ở Anh có một thủ tướng gốc Ấn Độ.

    Trên Twitter, cựu Thủ tướng Anh David Cameron viết: "Xin chúc mừng ông Rishi Sunak sẽ trở thành thủ tướng Anh để dẫn dắt chúng tôi vượt qua thời gian đầy thử thách này", theo Guardian.

    "Cách đây một thập kỷ, tôi đã dự đoán rằng đảng Bảo thủ sẽ chọn ra một thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên cho nước Anh. Chúng tôi tự hào vì điều đó thành hiện thực trong hôm nay. Tôi cầu chúc ông Rishi những điều tốt đẹp nhất. Ông ấy đã hết lòng ủng hộ tôi", ông Cameron nói thêm.

    khoanh khac obama 1
    Sir Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, thông báo trước Hạ viện Anh rằng ông Rishi Sunak sẽ trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ hôm 24/10. Ảnh: Reuters.

    Ông Sunak từng học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford sau khi theo học tại Đại học Oxford và Đại học Winchester.

    Năm 2001-2004, ông Sunak là nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, rồi tham gia vào hai quỹ phòng hộ. Ông Sunak kết hôn với bà Akshata Murty năm 2009 và có hai con gái. Phu nhân của ông là con gái của tỷ phú N. R. Narayana Murthy, nhà sáng lập công ty công nghệ thông tin đa quốc gia Infosys của Ấn Độ.

    Năm 2015, ông là nghị sĩ đảng Bảo thủ đại diện cho Richmond, hạt Bắc Yorkshire.

    Ông giữ vị trí Thứ trưởng về chính quyền địa phương trong Bộ Nâng cấp, Nhà ở và Cộng đồng dưới thời Thủ tướng Theresa May. Ông được chọn làm Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson vào tháng 2/2020.

    Theo CNN, trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu đảng Bảo thủ, ông Sunak đã đề cao bà Truss: “Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đến bà Liz Truss vì sự phục vụ của bà ấy cho đất nước. Bà ấy đã dẫn dắt nước Anh bằng phẩm giá và sự uyển chuyển qua một thời kỳ có sự thay đổi lớn".

    “Đây là đặc ân lớn nhất trong cuộc đời tôi khi được phục vụ cho đảng mà tôi yêu mến và có thể cống hiến cho đất nước mà tôi mang ơn rất nhiều”, ông Sunak nói.

    “Vương quốc Anh là một đất nước tuyệt vời, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức kinh tế to lớn. Chúng ta cần sự ổn định và thống nhất. Ưu tiên hàng đầu của tôi là mang đảng Bảo thủ và nước Anh của chúng ta quay lại với nhau”.

    “Tôi cam kết sẽ phục vụ các bạn bằng sự chính trực và khiêm tốn. Tôi sẽ làm việc ngày này qua ngày khác để mang lại lợi ích cho người dân Anh”, ông nói thêm.

    Theo Zing

  • "Tôi tin rằng Rishi Sunak sẽ làm hết sức mình vì người dân Vương quốc Anh", ông Narayana Murthy dành lời chúc dành cho người con rể vừa trở thành Thủ tướng Anh.

    bo vo thu tuong 1
    Ông Narayana Murthy, bố vợ của tân Thủ tướng Anh, đồng thời là một trong những doanh nhân giàu có nhất của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

    "Chúng tôi tự hào về Rishi Sunak và chúc con rể sẽ đạt được thành công", NDTV dẫn lời ông Narayana Murthy, bố vợ của ông Rishi Sunak.

    Kể từ khi ông Sunak trở thành người kế nhiệm vị trí lãnh đạo nước Anh, sự chú ý bắt đầu đổ dồn về gia đình thủ tướng tương lai, đặc biệt là người bố vợ giàu có của ông - tỷ phú Narayana Murthy.

    Ông Murthy là Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của Infosys và là một trong những doanh nhân giàu có nhất của Ấn Độ.

    Theo Independent, ông Murthy được ca ngợi là người cha của ngành công nghệ thông tin tại Ấn Độ. Ông đã lãnh đạo công ty Infosys từ năm 1981 và đã tạo dựng được danh tiếng trong giới chuyên gia và nhà phân tích thị trường như một trong những doanh nhân thành đạt nhất của đất nước.

    Theo Washington Post, Infosys là một trong những công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Ấn Độ, với giá trị thị trường khoảng 71,41 tỷ USD. Chính phủ Anh là một trong số rất nhiều khách hàng của họ.

    Ông Murthy có 0,9% cổ phần trong Infosys. Số cổ phần này nghe tuy nhỏ nhưng đối với một công ty tầm cỡ Infosys, nó có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. Phần lớn khối tài sản của vợ chồng ông Sunak đến từ cổ phần của ông Murthy trong Infosys.

    bo vo thu tuong 1
    Ông Rishi Sunak, bà Akshata Murthy cùng hai cô con gái Anoushka và Krishna. Ảnh: Reuters

    Trước đó, ngày 24/10, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, chính thức giành chiến thắng trong cuộc đua cho vị trí người đứng đầu đảng Bảo thủ và sẽ trở thành tân thủ tướng của Anh.

    Ông Rishi Sunak từng theo học tại một trong những ngôi trường danh tiếng nhất của Anh - Winchester - và sau đó theo học tại Oxford. Ông cũng đã dành 3 năm làm việc tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs Group Inc. và sau đó đạt được bằng MBA tại Đại học Stanford, California.

    Ông đã kết hôn với bà Akshata Murthy - con gái của người đồng sáng lập Infosys Narayana Murthy - vào năm 2009.

    Theo Zing

  • thu tuong khong ai bau 1

    Thông tin ông Rishi Sunak giành chiến thắng trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng chiếm trọn trang nhất của các tờ báo lớn số ra ngày 25/10 ở Anh.

    thu tuong khong ai bau 1

    Guardian đặt tiêu đề "Đoàn kết nếu không thì chết - Lời cảnh báo của ông Sunak với các nghị sĩ đảng Bảo thủ". Tờ báo dùng hình ông Sunak được chào đón tại trụ sở chính của đảng ở London, kèm theo lời trích ông Sunak nói sẽ "chấm dứt tâm lý bảo thủ" và "ưu tiên các chính sách chứ không phải thể hiện cá tính". Ngoài ra, tờ báo cũng lưu ý ông Sunak sẽ trở thành thủ tướng thứ ba của đảng Bảo thủ trong chưa đầy hai tháng và thứ năm trong 6 năm. “Ông ấy cũng sẽ làm nên lịch sử với tư cách là người theo đạo Hindu đầu tiên lãnh đạo đất nước”, tờ báo ghi.

    thu tuong khong ai bau 1

    Dưới dòng ngữ "Thủ tướng mới (không được bầu) của chúng ta", Mirror hỏi "Ai bỏ phiếu cho ông?", đồng thời nói "Lại thêm một thành viên đảng Bảo thủ nắm quyền mà không nhờ một phiếu bầu nào". Tờ báo khai thác khía cạnh ông Sunak "giàu hơn vua và không rõ về những người dân bình thường". Ngoài ra, họ cũng trích yêu cầu "Chúng ta cần một cuộc bầu cử ngay bây giờ" từ phó lãnh đạo đảng Lao động Angela Rayner.

    thu tuong khong ai bau 1

    Tờ Daily Mail ghi ông Sunak sẽ trở thành "thủ tướng trẻ nhất trong thời hiện đại - và người đầu tiên có gốc châu Á". Dòng chữ "Bình minh mới cho nước Anh" được in đậm ở phía bên phải.

    thu tuong khong ai bau 1

    Financial Times tập trung vào những thách thức kinh tế đang đợi tân thủ tướng ở phía trước. Tờ báo trích dẫn lời các nghị sĩ đảng Bảo thủ hy vọng ông Sunak sẽ trấn an thị trường và giúp giảm chi phí đi vay.

    thu tuong khong ai bau 1

    Câu nói "Đoàn kết nếu không thì chết" của ông Sunak nói với đảng Bảo thủ lại tiếp tục xuất hiện trên tờ Times. Ngoài ra, tờ báo cũng ghi "tân thủ tướng cảnh báo nếu không hàn gắn rạn nứt có thể sẽ 'kết liễu' đảng".

    thu tuong khong ai bau 1

    Telegraph có cách tiếp cận tương tự, ghi "vị thủ tướng có mục tiêu tập hợp các phe phái đối đầu nhau nhằm 'một phát' chấm dứt khủng hoảng kinh tế".

    thu tuong khong ai bau 1

    Tờ Daily Record có cách tiếp cận gay gắt, với dòng chữ in đậm "Cái chết của nền dân chủ". Tờ báo ghi "Chỉ vài tuần trước, đảng còn từ chối ông ấy, nhưng với tư cách là là ứng cử viên duy nhất có 100 nghị sĩ ủng hộ, Rishi Sunak sẽ trở thành thủ tướng mới của Anh”.

    Theo Zing

  • Vợ ông Rishi Sunak là con gái của tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy. Bà là người thừa kế khối tài sản trị giá hàng tỷ USD.

    Akshata Murty 1

    Hôm 25/10, BBC đưa tin ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành thủ tướng Anh sau cuộc yết kiến với nhà vua tại Cung điện Buckingham. Việc ông Sunak lên nắm quyền đã thu hút sự quan tâm ở Ấn Độ nhưng không chỉ vì ông là thủ tướng Anh gốc Á đầu tiên. Sự chú ý cũng đổ dồn vào vợ ông Sunak, bà Akshata Murty, con gái của tỷ phú Narayana Murthy. Ảnh: PA.

     Akshata Murty 2

    Bà Murty đã được chú ý khi đầu năm nay xuất hiện thông tin bà không đăng ký cư trú dù đã sống ở Anh gần 10 năm. Điều này có nghĩa là bà không phải nộp bất kỳ khoản thuế nào đối với thu nhập của mình từ bên ngoài Vương quốc Anh. Sau thông tin này, bà Murty đã đồng ý trả thuế cho Vương quốc Anh đối với thu nhập trên toàn thế giới của mình. Ảnh: Tristan Fewings.

     Akshata Murty 2

    Bất chấp khối tài sản kếch xù của gia đình, bà Murty có tuổi thơ không mấy dễ dàng. Trong một bức thư gửi cho con gái được công bố năm 2013, tỷ phú Narayana Murthy kể lại việc ông nghe tin con gái chào đời ở thành phố Hubballi vào tháng 4/1980 thông qua đồng nghiệp vì gia đình lúc đó không đủ tiền mua điện thoại để báo tin. "Mẹ của con và cha khi đó còn trẻ và đang vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng của mình trong sự nghiệp", ông viết. Khi mới được vài tháng tuổi, bà Murty được gửi đến sống với ông bà nội vì cha mẹ bận rộn với công việc ở Mumbai. Một năm sau, ông Murthy đồng sáng lập Infosys, một công ty dịch vụ công nghệ thông tin, nơi sau này đưa ông trở thành một trong những người giàu nhất Ấn Độ. Ảnh: EPA.

     Akshata Murty 2

    Cha mẹ bà Murty cũng tập trung vào giáo dục cho hai con. Tỷ phú Murthy cho biết ông không sắm TV để các con dành thời gian cho "những việc như học tập, đọc sách, thảo luận và gặp gỡ bạn bè". Bà Murthy tiếp tục theo học kinh tế và tiếng Pháp tại trường cao đẳng tư thục Claremont McKenna ở California, sau đó lấy bằng tốt nghiệp tại một trường cao đẳng thời trang trước khi làm việc cho Deloitte và Unilever. Bà cũng theo học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford. Tại trường đại học, bà đã gặp ông Sunak. Cặp đôi kết hôn năm 2009 và hiện có hai con gái. Ảnh: Joshua Bratt.

     Akshata Murty 2

    Bà Murty bắt đầu sự nghiệp tài chính ở California trước khi thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình, Akshata Designs, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào năm 2011. Bà nói với Vogue India rằng bà đã làm việc với các nghệ sĩ ở những ngôi làng xa xôi của Ấn Độ để tạo ra các thiết kế của riêng mình nhằm "bảo vệ một di sản phong phú". Tuy nhiên, Guardian đưa tin rằng việc kinh doanh đã sụp đổ trong vòng 3 năm. Ảnh: Telegraph.

     Akshata Murty 2

    Một trong những doanh nghiệp chính, tạo ra nhiều lợi nhuận của bà Murty là chi nhánh của Catamaran Ventures có trụ sở tại London, được thành lập bởi vợ chồng bà vào năm 2013. Trên trang Enterprises House, bà Murty cũng được liệt kê là giám đốc của Digme Fitness, một chuỗi phòng tập thể dục trả tiền. Công ty đã rơi vào tình trạng bị giám sát vào tháng 2 năm nay, sau khi doanh thu sụt giảm trong đại dịch Covid-19. Ảnh: The Times.

     Akshata Murty 2

    Hồ sơ LinkedIn của bà Murty cũng liệt kê bà là giám đốc của New & Lingwood, chuyên bán quần áo nam cao cấp. Bà sở hữu 0,9% cổ phần của Infosys, theo báo cáo thường niên mới nhất của công ty, ước tính trị giá khoảng 700 triệu bảng Anh (790 triệu USD). Ảnh: The Times

     Akshata Murty 2

    Cho đến nay, bà Murty dường như không tìm kiếm sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, việc chồng bà trở thành tân thủ tướng Anh có nghĩa là sự quan tâm đối với bà Murty sẽ gia tăng trong thời gian tới, theo BBC. Ảnh: Reuters.

    Theo Zing

  • Ông Rishi Sunak, tân Thủ tướng Vương quốc Anh, không chỉ đơn thuần là cựu Bộ trưởng Tài chính, mà còn là một triệu phú có khối tài sản “kếch xù” và từng làm nhân viên ngân hàng cũng như làm chủ quỹ đầu cơ.

    chan dung rishi sunak
    Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak

    Ngày 24/10, một trong những chính trị gia giàu có nhất ở Westminster, ông Rishi Sunak (42 tuổi) đã trở thành thủ tướng trẻ nhất của Anh Quốc trong thời hiện đại, tính trong 200 năm trở lại đây. Ông đồng thời cũng là nhà lãnh đạo thứ ba của đất nước trong vòng chưa đầy 2 tháng. Không chỉ vậy, ông cũng là thủ tướng gốc Ấn, thủ tướng da màu đầu tiên của Vương quốc Anh.

    Ông Rishi Sunak từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson cho tới tháng 7/2022, trước khi từ chức và tranh cử làm người lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh, tuy nhiên đã thua cuộc sít sao trước bà Liz Truss trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua.

    Chính trị gia giàu có hàng đầu Anh Quốc

    Ông Rishi Sunak sinh năm 1980 trong một gia đình gốc Ấn có điều kiện. Mẹ ông từng là giám đốc của hiệu thuốc Weston Pharmacy tại Southampton, trong khi bố ông là một bác sĩ đa khoa.

    Ông Sunak theo học trường dự bị Oakmount của Southampton cho đến khi trường này đóng cửa vào năm 1989. Ông Rishi cũng từng học nội trú tại Winchester College ở Hampshire, một trong những trường công lập lâu đời nhất tại Anh, và có mức học phí cho năm 2022 – 2023 là 45.936 bảng/năm.

    Tân Thủ tướng Anh từng theo học Đại học Oxford và nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế, trước khi nhận bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford ở Mỹ. Ngay khi còn là sinh viên năm 2 ở Oxford, ông đã nhận được đề nghị làm việc từ các ngân hàng nhờ thành tích học tập xuất sắc. Thời điểm học ở Stanford, ông đã gặp người vợ tương lai của mình, bà Akshata Murthy.

    Trước khi tham gia chính trị, ông Sunak từng làm việc cho ngân hàng Goldman Sachs 4 năm với vị trí chuyên gia phân tích, nơi ông tiếp xúc với giới siêu giàu trong lĩnh vực công nghệ. Sau đó ông chuyển qua công việc quản lý quỹ vào năm 2006, tại quỹ đầu tư TCI chuyên các dự án cho trẻ em. Có nguồn tin cho rằng ông đã kiếm được hàng triệu bảng từ một chiến dịch mà đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

    Ba năm sau, ông rời TCI và đồng sáng lập quỹ đầu tư Theleme với nguồn vốn ban đầu là 536 triệu bảng. Quỹ này đăng ký kinh doanh ở thiên đường thuế - Quần đảo Cayman thuộc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

    Năm 2009, ông kết hôn với bà Akshata Murthy, con gái của tỷ phú Ấn Độ NR Narayana Murthy, người thành lập công ty Công nghệ thông tin Infosys.

    Đầu năm nay, gia đình ông Sunak và bà Murthy được đưa vào danh sách những người giàu có của Sunday Times, đưa tin chi tiết về những người giàu nhất Vương quốc Anh. Theo Guardian, điều này giúp ông trở thành chính trị gia đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng hàng năm của Sunday Times kể từ khi thành lập vào năm 1989.

    Theo danh sách này, giá trị tài sản ròng của vợ chồng ông Rishi là 730 triệu bảng Anh (823,4 triệu USD), với nguồn tài sản được liệt kê là bắt nguồn từ "công nghệ và quỹ đầu cơ". Tài sản của Vua Charles và Hoàng hậu Camilla ước tính từ 350 - 600 triệu bảng.

    Tờ Guardian cũng cho biết ông Sunak còn sở hữu danh mục đầu tư gồm 4 bất động sản trải dài khắp thế giới và được định giá hơn 15 triệu bảng Anh.

    Bộ trưởng Tài chính và màn từ chức gây xôn xao

    Ông Sunak lần đầu tiên được bầu làm nghị sĩ vào năm 2015. Đến năm 2018, cựu Thủ tướng Johnson đã trao cho ông Sunak vai trò lớn đầu tiên, bổ nhiệm ông làm thư ký trưởng Bộ Tài chính vào năm 2019 và thăng chức lên Bộ trưởng Tài chính vào năm 2020.

    Chẳng bao lâu sau, ông Sunak trở thành “đầu tàu” đưa nền kinh tế Vương quốc Anh vượt qua đại dịch Covid-19, khởi động các kế hoạch như “Eat Out To Help Out”.

    Trong thời gian xảy ra đại dịch, ông Sunak đã đưa ra các biện pháp trị giá 400 tỷ bảng Anh (452 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm kế hoạch hào phóng, cho vay kinh doanh và giảm giá khi ăn uống tại các nhà hàng. Nhưng các kế hoạch kích thích này cũng đã phải trả một cái giá quá lớn và khiến chính phủ phải loay hoay tìm kiếm các khoản tiết kiệm.

    Tháng 3/2020, ông Sunak giới thiệu một chương trình cung cấp 330 tỷ bảng Anh hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp, duy trì nhân viên, cung cấp các khoản trợ cấp cho người sử dụng lao động trả 80% lương cho nhân viên và chi phí việc làm mỗi tháng, lên đến tổng cộng 2.500 bảng Anh/người/tháng. Chi phí vận hành ước tính khoảng 14 tỷ bảng Anh/tháng và liên tục được gia hạn tới năm 2021.

    Ngoài ra, ông Sunak cũng từng đưa ra kế hoạch chi 70 tỷ bảng để rút ngắn thời kỳ suy thoái tại Anh.

    Trong thời kỳ tại nhiệm, ông Sunak đã thúc đẩy một thỏa thuận cải cách thuế, tìm cách thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia và công nghệ trực tuyến; đề xuất thuế xanh và đề xuất kinh doanh khí thải nhiên liệu hóa thạch nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải; thúc đẩy một luật mới mở đường cho stablecoin và NTF.

    Ông Rishi Sunak được đánh giá là một Bộ trưởng Tài chính có nhiều thành tựu trong 2 năm tại nhiệm, trước khi bất đồng quan điểm với cựu Thủ tướng Johnson và từ chức vào tháng 7/2022. Màn từ chức gây xôn xao đã khiến cựu Bộ trưởng Tài chính và cựu Thủ tướng Anh “từ bạn thành thù”, khi ông Johnson cho rằng ông Sunak đã “phản bội” và khiến con đường chính trị của mình sụp đổ.

    Tân Thủ tướng đối mặt nhiều thách thức

    Sau khi chính thức trở thành Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán khó, khi quốc gia đang trong tình trạng bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị.

    Vương quốc Anh đang ở giữa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sâu sắc và bất bình đẳng tăng cao. Thị trường tài chính vẫn còn hoang mang sau những sai lầm chính sách kinh tế của bà Truss.

    Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Sự bất ổn chính trị và kinh tế gia tăng đã khiến hoạt động kinh doanh tại Anh giảm với tốc độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không tính đến những tháng bế tắc đại dịch”.

    Đảng Bảo thủ, vốn không được lòng dân sau 12 năm cầm quyền, đã rơi vào tình trạng hoàn toàn hỗn loạn trong 4 tháng qua và hiện đang đứng sau đảng Lao động đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận.

    Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi trở thành Thủ tướng, ông Rishi thừa nhận Vương quốc Anh đang đối mặt với “thách thức kinh tế sâu sắc” và hứa hẹn sẽ kết nối đảng của mình với đất nước, tạo ra sự thống nhất và ổn định để vượt qua các thách thức.

    Hiện chưa rõ ông Sunak sẽ sử dụng những biện pháp cụ thể nào để vực dậy nền kinh tế Anh, hay sẽ một lần nữa “thay máu” Bộ Tài chính. Trong khi đó, tân Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt dự kiến sẽ đưa ra các chính sách tài khoá mới vào ngày 31/10.

    Vietnam Finance (theo CNN, Oxford Mail, The Guardian)

  • Cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak đủ điều kiện trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ là thủ tướng Anh, sau khi đối thủ Mordaunt rút lui.

    Lãnh đạo Ủy ban 1922, cơ quan giám sát bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh, hôm nay tuyên bố cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak chiến thắng sau khi đối thủ Penny Mordaunt rút khỏi cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng.

    ong sunak thanh thu tuong
    Ông Rishi Sunak rời văn phòng chiến dịch ở London ngày 24/10. Ảnh: AP.

    Kết quả này đồng nghĩa ông Sunak sẽ kế nhiệm bà Liz Truss, trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong chưa đầy hai tháng. Ông dự kiến phát biểu kín trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi nhận tin chiến thắng.

    "Các thành viên trong đảng cần hiểu rằng đây là phương án công bằng và đã được kiểm tra kỹ lưỡng bởi Ủy ban 1922. Chúng ta đã chọn được Thủ tướng Anh tiếp theo. Đây là quyết định mang tính lịch sử, một lần nữa cho thấy tài năng và sự phong phú trong nội bộ đảng Bảo thủ. Tôi hoàn toàn ủng hộ Rishi", ứng viên Mordaunt cho biết trong phát biểu rút lui.

    Ông Sunak, 42 tuổi, sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức như vực dậy nền kinh tế đang trên đà rơi vào suy thoái trong bối cảnh giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt. Trong khi đó, nội bộ đảng Bảo thủ gần đây có sự chia rẽ về ý thức hệ và người dân Anh ngày càng không hài lòng về đảng này.

    Ông Sunak là bộ trưởng tài chính dưới thời cựu thủ tướng Boris Johnson. Việc Sunak từ chức hồi tháng 7, khi ông Johnson dính vào bê bối tiệc tùng trong thời gian Anh phong tỏa, là một trong những yếu tố gây sức ép khiến ông Johnson quyết định rời ghế.

    Sunak cũng là đối thủ của cựu thủ tướng Liz Truss trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi mùa hè. Trong quá trình tranh cử, ông nhiều lần chỉ trích các kế hoạch kinh tế của bà Truss, cảnh báo nó sẽ khiến nền tài chính công Anh "lâm nguy" và lạm phát tăng cao.

    Bà Truss đầu tháng 9 được công bố là người kế nhiệm ông Johnson trong vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh, trở thành nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của bà Truss kết thúc chóng vánh hôm 20/10, khi bà đối mặt chỉ trích vì không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử. Bà Truss trở thành thủ tướng Anh có số ngày tại nhiệm ít nhất trong lịch sử.

    VnExpress (theo Telegraph)

  • rishi sunak qua giau 1
    Rishi Sunak và vợ Akshata Murthy. Cựu Bộ trưởng Tài chính bị kết tội phô trương sự giàu có một cách vụng về. Ảnh: Francis Dias/Newspix

    Nếu ông Rishi Sunak trở thành thủ tướng, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử chủ nhân số 10 phố Downing còn giàu hơn cả Quốc vương ở Buckingham Palace. Điều này liệu có phù hợp khi hàng triệu người Anh đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sống?

    Sunak và vợ là bà Akshata Murty có tổng tài sản vào khoảng 730 triệu bảng, gần gấp đôi số tài sản ước tính 300 - 350 triệu bảng của Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla.

    Đầu năm nay, ông Sunak đã trở thành chính trị gia đầu tiên được đưa vào sách Những người giàu nhất Vương quốc Anh do tờ Sunday Times công bố. Ông cũng là đối thủ đáng gờm của Vua Charles III nếu xét trên phương diện số lượng bất động sản sở hữu chính thức. 

    Ông có 4 bất động sản trị giá hơn 15 triệu bảng nằm rải rác ở nước ngoài. Vợ chồng ông Sunak cùng 2 con gái Krishna và Anoushka thường trú ngụ trong ngôi nhà 5 phòng ngủ trong khu phố giàu có ở Kensington. Ngôi nhà này được định giá hơn 7 triệu bảng.

    rishi sunak qua giau 1
    Ngôi nhà nằm tại khu vực tranh cử của ông Rishi Sunak ở Kirby Sigston, North Yorkshire. Ảnh: Richard Saker/The Observer

    Vào cuối tuần, họ thường về nghỉ ngơi trong một thái ấp di tích hạng Grade II trong ngôi làng thơ mộng ở Kirby Sigston thuộc khu vực tranh cử của ông, Richmond ở North Yorkshire. Thái ấp này được vợ chồng ông mua với giá 1.5 triệu bảng trước khi ông được chọn làm nghị sĩ vào năm 2015. Hiện bất động sản này được định giá hơn 2 triệu bảng và đã được cải tạo thành một nơi nghỉ dưỡng sang trọng với hồ bơi trong nhà, phòng gym, phòng tập yoga, bồn sục và sân tennis. Các tiện nghi này tiêu tốn đến 400,000 bảng chi phí xây dựng và lắp đặt.

    Sự gia tăng chi phí năng lượng đồng nghĩa ông Sunak sẽ tốn hơn 14,000 bảng/năm để làm ấm hồ bơi rộng 12x5m. Chi phí này cao gấp 6 lần hóa đơn năng lượng trung bình của một gia đình bình thường.

    Khối tài sản không chút giấu giếm của ông Sunak khiến người ta tự hỏi liệu ông có quá giàu để hiểu được cuộc sống chật vật ngày qua ngày của các cử tri. Ashley Blakely, một bồi bàn và nhân viên điều phối tại khu vực bầu cử Darlington, cho rằng Sunak có quá nhiều tiền để ném vào hồ bơi và tổ chức tiệc tùng, trong khi những bố mẹ đơn thân, người già và người lao động sẽ chết cóng trong mùa đông này.

    Rachael Maskell, nghị sĩ Đảng Lao động khu vực York, thì cho rằng Rishi Sunak đang "sống ở một hành tinh khác".

    Tuy nhiên, cũng có người ủng hộ ông Sunak. Carmel Carrick, chủ một cửa hàng rượu ở Northallerton, cho rằng ông Sunak nên được bầu là Thủ tướng vì "Gần như mọi thứ ông ấy dự đoán đều đã xảy ra. Ông ấy đã cảnh báo việc cắt giảm thuế sẽ khiến lãi suất tăng. Tôi nghĩ ông ấy biết cách điều hành chiếc ghế thủ tướng".

    Carrick, 54 tuổi, đã gặp ông Sunak vài lần khi ông mở các sự kiện trong thị trấn. Carrick nói rằng ông Sunak là một người đáng yêu, đã làm được rất nhiều điều cho người dân địa phương và các doanh nghiệp. Nói về sự giàu có của ông Sunak, Carrick cho rằng: "Trên thế giới này, có người nhiều tiền có người lại không xu dính túi. Bạn không thể trách ông ấy được, nhưng bạn có thể tin rằng ông ấy điều hành một chính phủ vì dân".

    Gary Stevenson, một thương nhân triệu phú gần đây đã ghé thăm ngân hàng thực phẩm ở Northallerton, nhằm tìm hiểu sự bất bình đẳng trong khu vực bầu cử của ông Sunak. Ông Stevenson cho rằng hầu hết người dân không biết về sự giàu có của nghị sĩ Sunak. "Họ quá bận rộn với cuộc sống của họ. Họ không biết nghị sĩ khu vực này lại giàu như vậy. Ông Sunak có thể là người giàu nhất từng ngồi ở quốc hội, với tư cách là Bộ trưởng Tài chính ông ấy chắc hẳn hiểu rõ sự bất bình đẳng giàu nghèo hiện đang rõ rệt như thế nào".

    Nhưng Stevenson cho rằng chúng ta không nên loại bỏ một ứng cử viên tiềm năng chỉ vì ông ấy quá giàu, tuy nhiên sự giàu có của ông Sunak có thể trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận khi ông trở thành thủ tướng và chứng kiến "một sự sụp đổ về tiêu chuẩn sống trên khắp cả nước".

    Tài sản của ông Sunak chủ yếu đến từ vợ ông, vốn là con gái của một tỷ phú phần mềm Ấn Độ. Vấn đề này đã luôn bị đem ra mổ xẻ trong chiến dịch tranh cử lần trước và có thể là cả lần này. Đôi giày Prada 450 bảng hay cốc cà phê thông minh 180 bảng càng khiến cựu sinh viên Đại học Winchester bị chỉ trích vì sự giàu có ngoài tầm với.

    Trong một podcast với Telegraph vào mùa hè này, ông Sunak cho biết mình không ngại trả lời các câu hỏi về tài sản của mình. Được biết ông đầu tư vào ngân hàng Goldman Sachs, quỹ đầu tư TCI và Theleme Partners.

    Ông nói: "Tôi không ngại, thậm chí còn chờ đón những câu hỏi ấy. Tôi không giận dữ. Rất ít người hỏi tôi về tài chính của tôi. Khi còn là Bộ trưởng Tài chính, tôi thường xuyên gặp gỡ người dân và chẳng ai hỏi tôi điều đó cả".

    Sunak cho rằng cử tri không quan tâm việc ông mặc vest Henry Herbert trị giá £3,500 hay mang giày Prada khi đi thăm một dự án xây dựng. "Giá trị là điều quan trọng nhất, những gì tôi mặc lên người chẳng nói lên điều gì (về công việc của tôi) cả".

    Bên cạnh dinh thự ở Yorkshire và ngôi nhà ở Kensington, gia đình Sunak còn sở hữu một căn hộ trên đường Old Brompton ở tây London, một căn penthouse ở bãi biển Santa Monica trị giá 5.5 triệu bảng. 

    Tuy nhiên, nếu trở thành Thủ tướng, ông Sunak nhiều khả năng sẽ dọn về ở trong căn hộ phía trên Số 10 phố Downing nơi ông từng sống khi còn là Bộ trưởng Tài chính cách đây vài tháng. "Tại sao lại không quay về đó, tất cả giấy dán tường mà chúng tôi dán vẫn còn trong căn hộ. Đây cũng là nơi cố Thủ tướng Margaret Thatcher từng sống, khiên tôi cảm thất thật vinh dự mỗi khi nghĩ tới".

    Viethome (theo Guardian)