Thủ tướng Rishi Sunak đóng hơn 1 triệu bảng tiền thuế ba năm qua

thu tuong anh dong thue

Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak, bản thân là triệu phú trước khi bước vào chính trường cuối cùng đã công bố tờ khai thuế của mình.

Trong ba năm tài khóa ở Anh 2019-2022, ông Sunak, 42 tuổi, đã đóng thuế thu nhập hơn một triệu bảng Anh (1,23 triệu USD) từ thu nhập ở Mỹ và từ lương.

Khoản đầu tư của ông trong một quỹ đầu tư đóng ở Hoa Kỳ đem lại lợi tức trước thuế là 4,7 triệu bảng nhưng ông phải đóng thuế ở Anh. Chỉ trong năm tài khoá 2021-22, ông Sunak có thu nhập cả thẩy 1,9 triệu bảng.

Trước đó, ông Sunak bị chỉ trích vì vợ ông, bà Akshata Murty, con gái một tỷ phú Ấn Độ, đã hưởng quy chế không định cư (non-dom) ở Anh.

Cách đăng ký chỗ ở bên ngoài Vương quốc Anh trong khi trên thực tế vẫn sống nhiều tháng tại Anh là chiêu thức của nhiều đại gia tài chính áp dụng nhằm trả thuế ở hải ngoại, thấp hơn ở Anh. Nhưng khi ra tranh cử chức thủ tướng Anh năm ngoái, ông bà Sunak đã cam kết họ sẽ đóng thuế ở Anh.

Trước khi vào chính trường, ông Sunak làm việc trong ngành ngân hàng và có thời gian sống, kinh doanh tại Mỹ. Tháng 10/2021, ông phải trả lại thẻ xanh (thẻ định cư) ở Mỹ sau làn sóng phê phán.

Khi đó, báo chí Anh vạch ra rằng trong khi làm Bộ trưởng Tài chính thời thủ tướng Boris Johnson, ông Sunak vẫn giữ thẻ xanh Mỹ, điều gây ra câu hỏi về xung đột lợi ích.

Ông là một trong những nghị sĩ quốc hội giàu nhất Anh Quốc và khoản tài sản kếch xù của vợ chồng ông (844 triệu USD) hay là đối tượng chỉ trích của các đảng đối lập.

Các khoản tiền này của nhà ông Sunak đều hợp pháp.

Chính khách giàu có thì sao?

Chuyện có thu nhập cao và hợp pháp không phải là vấn đề với các chính trị gia tại Anh, nhưng một phần dư luận tin rằng chính khách và quan chức giàu có dễ trở nên thiếu sự đồng cảm với người dân.

Thậm chí có e ngại rằng các chính sách giới chính trị giàu có đưa ra có thể không thực tiễn, hoặc thậm chí "làm lợi cho thiểu số nhà giàu".

Việc công bố tờ khai thuế như của ông Sunak - đăng trên trang web của Chính phủ Anh - là động tác làm giảm đi luồng dư luận "không tin vào chính khách giàu có" qua cách công khai, minh bạch nguồn thu và nhấn mạnh đến phần đóng góp của họ vào ngân sách nhà nước, qua các khoản thuế.

Toàn cầu hóa những năm qua tạo ra một thiểu số (1%) các đại gia tài chính, công nghệ và những chính khách rất giàu, thậm chí siêu giàu.

Điều này, theo một số nghiên cứu, có thể làm tăng lên cảm giác bất công xã hội, thậm chí tạo nghi ngờ rằng tầng lớp trên có quyền lại có tiền sẽ vô tình hay cố ý phân biệt đối xử với tầng lớp bị thua thiệt trong xã hội.

Tâm lý này về lâu dài có thể gây tổn hại cho nền dân chủ vì cử tri giảm độ tin tưởng vào chính trị.

Một điều tra dư luận tại Mỹ trên Washington Post hồi 2016 cho thấy đa số cử tri không thích các chính khách triệu phú, tỷ phú.

Năm 2020, trang The Guardian ở Anh đăng một điều tra dư luận khác cho thấy đa số người Anh muốn thay đổi hệ thống thuế, buộc giới siêu giàu đóng thuế cao hơn, thay vì "chỉ trích, bất mãn với các khoản thu của họ".

Tại Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới, hồi tháng 6/2022 có bài trên trang India Times đặt câu hỏi 'Why India is a poor country with rich politicians?' (Vì sao Ấn Độ là nước nghèo với các chính trị giàu có?).

Bài báo nói nghị viện, chính phủ Ấn Độ "chật cứng các triệu phú" và cho rằng việc các gia tộc giàu có đẩy con em họ vào chính trị khiến nền dân chủ trở thành "rạp xiếc".

Còn tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, sự giàu có của các quan chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản thường bị cho là nhờ các nguồn bất minh, lạm dụng quyền lực để kiếm lợi.

Tuy thế, ở một số nước theo mô hình cộng sản, việc công khai hóa tài sản của quan chức vấp phải cản trở từ chính họ.

Theo BBC News Tiếng Việt