• Tiệm cắt tóc Castiel đã tặng cho khách hàng một mái tóc hoàn hảo nhưng cô ta lại trơ trẽn quỵt tiền. 

    khach hang quyt tien lam toc 1
    Thẻ thanh toán và clip từ CCTV đã được giao cho cảnh sát. Ảnh: NVCC

    Một thợ cắt tóc ở Central London đã nổi giận sôi sục khi một nữ khách hàng bỏ đi mà không thanh toán hóa đơn £210 cho 3 giờ đồng hồ làm tóc. Beata Castiel, 49 tuổi, đã làm việc tại tiệm tóc gia đình Castiel's L'Oreal Hair Studio trên đường Theobald's Road gần British Museum trong suốt 24 năm qua. Cô cho biết mình chưa từng gặp phải khách hàng quỵt tiền.

    Cô cho biết người phụ nữ trẻ khoảng 20 tuổi, bước vào tiệm hôm 13/5/2023, nói rằng mẹ cô ta đã cho cô ta mượn một thẻ thanh toán để đi làm tóc chuẩn bị cho lễ cưới vào ngày hôm sau. "Tóc của cô ta rất kinh khủng, đủ màu do cô ta tự nhuộm. Chúng tôi không nói về giá, cô ta bảo giá bao nhiêu cũng được", Beata kể lại. 

    Nhưng sau đó Beata "đánh hơi thấy có điềm" khi cô gái cư xử kì lạ và liên tục nói về mẹ mình. Dẫu vậy Beata vẫn tiếp tục làm tóc, thậm chí còn giảm giá cho cô gái £70 vì nghĩ cô ta còn là sinh viên. Nhưng đến lúc tính tiền, mọi chuyện bắt đầu khó hiểu. 

    khach hang quyt tien lam toc 1
    Hình ảnh CCTV cho thấy một cô gái bị tình nghi bỏ đi mà không thanh toán. Ảnh: NCVV

    Beata nói: "Tôi làm tóc cho cô ta mất 3 tiếng, chỉnh sửa lại màu tóc, nhuộm tóc balayage cho cô ta. Trông cô ta rất sáng sủa, mái tóc thành phẩm tuyệt đẹp. Nhưng đến lúc thanh toán, cô ta lấy thẻ ra và mã pin không đúng. Cô ta gọi điện cho mẹ và nhập mã pin 3 lần vẫn sai, vậy là thẻ bị khóa. Cô ta nói sẽ để lại thẻ".

    "Cô ta trở nên rất giận dữ làm tôi sợ, tôi sợ cô ta nhào đến cái kéo. Tôi bảo "Nghe này, để tôi nói chuyện với mẹ cô được không?". Nhưng cô ta cứ thế bỏ đi. Ít ra thì chúng tôi không lao vào đánh nhau".

    Từ sau khi vụ việc xảy ra, lần đầu tiên sau 44 năm, tiệm tóc quyết định yêu cầu các khách hàng mới phải thanh toán trước. Vụ việc được báo cho cảnh sát. Cảnh sát đã xuống tiệm 2 lần, thu thập đoạn phim CCTV và chiếc thẻ. 

    Beata tin rằng cô gái biết mình đang làm gì, rõ ràng cô ta chỉ giả vờ. Beata đã đăng tải vụ việc trên ứng dụng Nextdoor. Bài đăng thu hút 6,000 lượt xem nhưng sau đó đã bị gỡ xuống vì lời phàn nàn từ 1 người vô danh. 

    Viethome (Theo MyLondon)

  • Cộng đồng người gốc Việt và gốc Á Châu ở Utah (Mỹ) đang báo động một trò lường gạt tiệm nail bằng cách “ăn gian” tiền thối đang xảy ra khắp tiểu bang này.

    Theo đài FOX 13, một doanh nghiệp mới bị kẻ gian nhắm vào, nhưng thoát được trò lường gạt đó là tiệm US Nails ở Draper do cô Tâm Lê và cha mẹ làm chủ.

    cuop tiem tiem nail 1
    Hai kẻ gian xuất hiện trong một tiệm nail ở Utah. (Hình: Tammy Nguyễn Lưu cung cấp)

    Cô kể lại sự việc xảy ra vào ngày 3 Tháng Ba: “Hai người nói họ muốn làm lông mày, và mẹ tôi nói giá là $10. Họ đưa mẹ tôi tờ $100 và bà thối lại họ $90.”

    Sau đó, hai người kia nói họ không muốn làm nữa, rồi kêu bà chủ đưa lại tờ $100 để vừa lấy lại tiền vừa giữ tiền thối rồi bỏ chạy.

    Cô Tâm kể tiếp: “Lúc đó mẹ tôi nói họ phải đưa lại hết tiền thối rồi mới đưa lại tờ $100 cho họ. Họ chỉ đưa lại $50, nhưng mẹ tôi nói họ phải đưa lại đủ tiền thối mới trả lại tờ $100.”

    Nghe vậy, hai người đó tức giận và quăng số tiền $90 vào bà chủ, lấy lại tờ $100 rồi bỏ đi.

    Tuy tiệm US Nails của cô Tâm Lê và gia đình thoát được trò lường gạt, nhưng nhiều tiệm nail khác ở khắp Utah không may mắn như vậy.

    Cô Tammy Nguyễn Lưu, phó chủ tịch cộng đồng Việt Nam Utah, cho biết có đến hơn 50 tiệm nail ở Utah bị lường gạt chỉ trong ba ngày. Không chỉ vậy, cô còn nói có nhiều tiệm ở California và Nevada liên lạc với cô và kể họ từng bị hai kẻ gian này tìm cách lường gạt.

    Theo cô Tammy, một tiệm nail mất ít nhất khoảng $40 trong một vụ lường gạt tiền thối.

    “Bây giờ đang là mùa Đông, là mùa tiệm nail không quá đông khách, nên từng đồng đô la rất quan trọng,” cô Tammy nói.

    Cô Tâm Lê cho hay gia đình cô may mắn không bị lường gạt, nhưng sự việc này sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng nail rất nhiều.

    “Bốn mươi đô la không phải là số tiền lớn, nhưng nếu nhiều tiệm nail bị lường gạt như vậy nó sẽ là một số tiền lớn,” cô Tâm nói.

    Cô Tammy và cô Tâm cho rằng các tiệm nail bị kẻ gian nhắm vào vì chủ là người gốc Á Châu, gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ nên không muốn báo cảnh sát.

    Cô Tâm cho biết: “Không phải ai cũng nói tiếng Anh lưu loát, nên họ không muốn phiền phức, không muốn gọi cảnh sát đến và viết báo cáo.”

    Cô Tammy thì khuyến cáo cộng đồng nên cảnh giác: “Quý vị không nên cho khách trả tiền trước, đợi đến lượt họ rồi mới lấy tiền, rồi nói họ đợi khi quý vị đếm tiền. Quý vị cũng nên có camera ở ngoài tiệm để thu hình được bảng số xe của họ.”

    Ngoài ra, cô còn đăng trên mạng xã hội, cho biết hai kẻ gian nói tiếng Anh với giọng Ấn Độ, lái một xe minivan Toyota màu trắng có bảng số Texas.

    Theo Người Việt

  • Một chuyên gia làm đẹp nổi tiếng đã chỉ trích hai mẹ con trốn khỏi phòng khám của chị và không thanh toán hóa đơn 510 bảng.

    Jade Adams - 28 tuổi, cho biết cặp đôi tuyên bố họ là mẹ con và đã dàn dựng một vụ lừa đảo phức tạp. Chị đăng ảnh 2 người phụ nữ trên Facebook và liên lạc với cảnh sát sau khi vụ việc xảy ra vào thứ Hai ngày 13 tháng 6.

    Jade cho biết hai người đã đặt lịch hẹn tại Bệnh viện thẩm mỹ của chị - Jade Louise Aesthetic, ở Coventry. Sau một giờ thực hiện nhiều liệu trình, họ để lại một chiếc áo khoác trong phòng chờ và nói sẽ quay lại. Nhưng sau đó, cả hai biến mất.

    20jadeJade Adams đã đăng tải hình ảnh của những kẻ lừa đảo lên MXH.

    Jade nói: "Nó thực sự khá kinh tởm vì tất cả là một trò lừa đảo. Họ đặt hẹn chăm sóc sắc đẹp cho hai người nhưng từ chối trả tiền đặt cọc. Tôi nghĩ có gì đó bất thường nhưng sau đó họ hẹn tái khám trong hai tuần, do đó tôi nghĩ họ có thể tin được. Người mẹ thực sự rất đáng yêu và nói chuyện với tôi trong suốt buổi trị liệu. Cả hai đều tiêm Botox và cô con gái tiêm chất làm đầy môi”.

    “Sau đó, bà ta bảo con gái dùng điện thoại gọi cho thợ làm móng để đặt lịch hẹn lại. Người này rời khỏi phòng và sau một vài phút, người mẹ nói cần đi tìm con để lấy lại điện thoại. Bà ấy để lại áo khoác parka xanh trên một chiếc ghế nên tôi nghĩ hai người sẽ quay lại. Nhưng họ đều biến mất. Tôi cảm thấy mình đã khá ngớ ngẩn và khó chịu về điều đó".

    Jade cần chụp ảnh khách hàng cho mục đích bảo hiểm. Chị đã đăng những hình ảnh này lên Facebook để tìm kiếm hai người.

    Viết trên trang Facebook của mình, Jade nói: "Thật không may, tôi đã thực hiện một số liệu pháp làm đẹp cho người phụ nữ này và con gái ở cơ sở Jade Louise của tôi. Bà ấy để lại một chiếc áo khoác trong phòng và đi gọi con gái. Hai người không quay trở lại. Cả hai đều nói giọng Ailen và gia đình có nhiều con gái. Tôi được thông báo gia đình này quỵt tiền các cơ sở làm đẹp ở Warwickshire trong nhiều năm! Hãy chia sẻ để mọi người nhận ra những người phụ nữ này!”

    Jade nói thêm: “Tôi khá sốc vì rõ ràng người phụ nữ này có rất nhiều cách để lừa đảo. Một số người nói bà ấy đi đến quán rượu, ăn uống và không trả tiền vì tuyên bố đã tìm thấy thủy tinh trong món ăn. Một cơ sở làm đẹp khác bị bà ấy hét vào mặt vì bà ấy cho rằng lông mày của mình bị làm lệch. Tôi đăng những bức ảnh lên Facebook để cảnh báo những người khác. Tôi đang chuyển những bức ảnh cho cảnh sát. Tôi chỉ hy vọng họ bị bắt trước khi họ lừa người khác”.

    Cảnh sát West Midlands xác nhận Jade Adams đã báo cáo về hành vi trộm cắp.

    Viethome (Theo Metro)

  • Một phụ nữ ở Las Vegas đã bị kết án từ 10 đến 25 năm tù hôm thứ Sáu vì đã giết một chủ tiệm nail gốc Việt 

    Luật sư của Krystal Whipple cho biết thân chủ mình đã nhận trọng tội cấp độ hai vào tháng 12, thừa nhận cô đã giết Nhu “Annie” Ngoc Nguyen, 51 tuổi , một bà mẹ 3 con đến từ Garden Grove, California, vào tháng 12 năm 2018.

    Thẩm phán Tierra Jones của Tòa án Quận Clark đã kết án Whipple, người đã nhận tội cho phép cô ta tránh bị xét xử về các tội danh trọng tội, trộm cắp, cướp và cướp xe.

    675189c2c1c162a4ab5f09d5e0f70b22
    Bị cáo Whipple và chủ tiệm nail Annie Nhu (phải)

    Trước đó, sự việc xảy ra vào 15 giờ 45, chiều 29-12, bị cáo Whipple đến tiệm Crystal Nails & Spa để làm móng và định thanh toán hóa đơn 35 USD bằng thẻ tín dụng nhưng chiếc thẻ bị từ chối giao dịch. Whipple sau đó nói ra xe để lấy tiền nhưng lại nổ máy xe rời đi.

    Khi đó, cô “Annie” Nhu trông thấy liền đuổi theo và bám lên nóc capô chiếc Chevrolet Camaro 2017 màu đen, nhằm mục đích không cho bị cáo bỏ trốn. Tuy nhiên, Whipple đã đạp mạnh ga, nhằm hất người phụ nữ này xuống đất, khiến bà bị chấn thương nặng và tử vong trong bệnh viện sau đó.

    Cũng theo cảnh sát, Whipple từng bị bắt hai lần vào năm 2016 và 2018 vì các tội danh như: ăn cắp xe và sử dụng thẻ tín dụng giả. Cảnh sát sau đó thông báo tìm thấy chiếc xe hơi do bị cáo bỏ lại vào chiều cùng ngày xảy ra vụ việc.

    Cô “Annie” Nhu là mẹ đơn thân, cô làm chủ tiệm làm móng cùng người bạn trai lâu năm Sonny Chung. “Annie” Nhu được nhiều người yêu quý bởi cô là người hết sức chăm chỉ, làm việc 12 giờ/ngày, cả tuần không nghỉ để nuôi gia đình, trong đó có cả một người mẹ già.

    Nguồn: Yahoo

  • “Quản lý tiệm phải biết chọn lọc khách hàng, đừng nên thấy khách nào cũng ‘hốt,’ để rồi ‘hốt’ phải ‘rác.’ Nếu thấy khách có dấu hiệu không đàng hoàng, tốt hơn hết là quý vị nên tìm cách từ chối phục vụ hoặc yêu cầu khách trả tiền trước.”

    Đó là chia sẻ của chị Gina Nguyễn, ở Garden Grove, người đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành nail hiện đang làm việc tại tiệm Passion Beauty Salon, khi phóng viên nhật báo Người Việt hỏi về kinh nghiệm “chặn” hành vi quỵt tiền của khách.

    “Ngày trước, tiệm tôi có để một bảng nhỏ, ghi dòng chữ ‘We reserve the right to refuse serving’ (Chúng tôi có quyền từ chối phục vụ). Chúng tôi treo bảng này vào vị trí không dễ nhìn thấy ở khu vực lễ tân. Chỉ khi gặp khách không tử tế, thì mình  mới chỉ cho họ thấy cái bảng này. Thế là họ không kiếm chuyện được với  mình,” chị nói.

    Để đề phòng khách kiếm cớ kêu mất đồ trong tiệm, chị Gina tiết lộ: “Ngoài ra, chúng tôi còn có một dòng chữ nhỏ, gắn ngay sau bảng hiệu ‘OPEN’ của tiệm như sau: ‘Chúng tôi không chịu trách nhiệm về tài sản tư trang của quý vị.’”

    Nhiều cách để “đòi” tiền

    Chị Vickie Ngô, quản lý tiệm Star Nails ở Long Beach, kể chuyện khách đưa ba thẻ credit card đều không có tiền: “Khi ‘cà’ ba cái thẻ đều không có tiền, chúng tôi đề nghị khách để lại điện thoại, khi nào có tiền thì tới chuộc. Nhưng cô ta viện lý do nhà xa, quên đường về, cần điện thoại để nhìn bản đồ chỉ đường… Sau đó, chúng tôi đề nghị cô ta ngồi đó gọi điện thoại cho người thân mang tiền tới. Chúng tôi gồm ba người, cả thợ, quản lý và chủ tiệm đều kiên nhẫn ngồi chờ. Cuối cùng, cô ta phải nhờ người nhà mang tiền tới, lúc đó mới biết, nhà cô ta chỉ cách tiệm có vài phút lái xe.”

    Chị Gina Nguyễn gợi ý cách giải quyết: “Có rất nhiều cách lấy tiền của khách hàng muốn quỵt. Nếu họ lấy lý do như quên ví, quên thẻ thì có thể trả bằng cách chuyển tiền qua Zelle, PayPal, Venmo trên điện thoại. Điều quan trọng là chúng ta phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, lịch sự với khách và đưa ra các giải pháp cốt để lấy được tiền.”

    “Nếu khách vẫn không có tiền trả, thì có thể yêu cầu khách để lại ID và hẹn họ thời hạn phải trả tiền, nếu quá thời hạn sẽ báo cảnh sát. Hoặc chúng ta có thể cho họ trả góp làm nhiều lần,” chị nói tiếp.

    “Nếu khách từ chối đưa ID, lên xe bỏ chạy, thì cứ bình tĩnh lấy điện thoại ra chụp thật rõ bảng số xe rồi báo cảnh sát. Đừng bao giờ bám theo xe để bị kéo lê theo xe, bị đánh hoặc bị tông xe. Hoặc chủ tiệm nên gắn camera ở trong và ngoài tiệm, giúp ghi lại toàn bộ thông tin của người khách quỵt tiền và bỏ chạy, để cung cấp cho cảnh sát,” chị Gina Nguyễn nói thêm.

    Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, chị Thúy Huỳnh, chủ tiệm Nails & Spa ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, rút ra bài học khi bị khách dùng thẻ “ăn cắp” để trả tiền và kết quả là ba tuần sau chị bị mất $200 trong ngân hàng: “Từ đó về sau, tôi học được bài học là không bao giờ đưa máy ‘cà’ thẻ của mình cho khách đánh số vào mà phải tự mình làm cho chắc. Đồng thời phải kiểm tra kỹ tên trên thẻ ID của khách xem có trùng với tên trên thẻ tín dụng của họ không. Nhìn kỹ hình trên thẻ và mặt họ xem có giống nhau không, phòng khi người ta lấy cả thẻ cả ID của người ở cùng nhà. Bởi vì chuyên gia ở nhà băng giải thích cho tôi biết, ngay cả khi khách mang thẻ và ID của người thân họ cho mình ‘cà,’ cũng không hợp pháp, nếu không được sự đồng ý của người đó.”

    Đề phòng khách trả bằng thẻ tín dụng “ăn cắp,” quản lý tiệm nail nên kiểm tra thẻ căn cước (ID) cẩn thận, không nên đưa máy “cà” thẻ cho khách tự nhập số bằng tay. (Hình: Tâm An/Người Việt)

    Giữ điện thoại, ghi lại ID, chụp bảng số xe…

    Là người chuyên xây dựng những tiệm nail với quy mô cả triệu đô la ở Dallas, Texas, rồi đào tạo thợ, quản lý tiệm, sau khi gây dựng cho có khách thì bán tiệm, nên anh Đạt Phạm có hẳn một quy trình “tân tiến” về quản lý tiệm nail.

    Anh cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ quản lý của nhà hàng vào để quản lý tiệm nail. Tiệm của chúng tôi có ba khu vực riêng biệt: Lễ tân, khu phục vụ nail-spa cho khách và khu vực riêng cho thợ. Tất cả các khu đều có camera và màn hình ti vi hiển thị các thông tin quan trọng.”

    Anh giải thích tiếp về mô hình “quản lý nhà hàng” như sau: “Khách bước vào quầy lễ tân, muốn làm dịch vụ gì, có màn hình máy tính bảng (iPad hoặc tablet) để khách tự chọn giống như là tới nhà hàng chọn món ăn (gọi là order). Mỗi dịch vụ có hiện giá tiền rõ ràng, khách đồng ý thanh toán, mới bước vào trong phòng phục vụ, ngồi vào ghế có đánh số thứ tự. Đồng thời, ‘order’ sẽ gửi xuống khu vực thợ, màn hình ti vi sẽ hiện rõ các thông tin như order số mấy, khách đang ngồi ghế số mấy, khách cần làm dịch vụ gì, tên nhân viên phục vụ là ai?”

    “Khi thấy tên mình trên ti vi, người thợ đó mang dụng cụ nail, massage lên để phục vụ khách. Làm xong thợ lại mang dụng cụ xuống phòng chờ. Khách ra quầy tính tiền với người quản lý tiệm,” anh nói tiếp.

    “Nguyên tắc của chúng tôi là nhân viên không được nói chuyện riêng ồn ào trong phòng phục vụ khách, không phải lo mất lượt (còn gọi là turn) vì đã chia ‘turn’ tự động bằng máy tính, bảo đảm tính công tâm. Các thợ đều được đào tạo kỹ để có trình độ tay nghề đồng đều như nhau .Khách không phải lo chọn thợ này, từ chối thợ kia. Hệ thống như trên hạn chế tối đa việc khách kiếm cớ không trả tiền,”  anh Đắc nói thêm. 

    Trong trường hợp vẫn gặp phải chuyện khách quỵt tiền không muốn trả, anh Đắc khuyên: “Quản lý tiệm cứ bình tĩnh, không nên lớn tiếng dọa nạt, xúc phạm hay xô xát với khách hàng. Bởi vì khách có thể sẽ kiện ngược lại chúng ta về những tội nặng như kỳ thị, phỉ báng, đánh người, đe dọa… Lúc đó sẽ tốn rất tiền bạc, thậm chí còn bị bỏ tù. Chúng ta chỉ cần giữ lại điện thoại hoặc ID của khách, hoặc chụp bảng số xe và báo cảnh sát.”

    Mới đây, vào ngày 17 Tháng Tám, đài truyền hình ABC10 đưa tin một người đàn ông 40 tuổi, tên Chinh Van Tran, chủ tiệm Rose’s Nails ở thành phố Hallandale Beach, tiểu bang Florida, bị bắt vì tội rút súng ra đe dọa người khác tại tiệm nail của ông. Hiện ông Chinh đang bị giam giữ chờ ngày xét xử với số tiền tại ngoại hậu tra $15,000 và có thể đối mặt với nhiều rắc rối liên quan tới tội hình sự.

    Chị Gina Nguyễn và anh Đắc Phạm đều có quan điểm giống nhau về vấn đề kỳ thị: “Nếu nói khách Mỹ đen là khách hay quỵt tiền thì hoàn toàn không đúng. Tôi đã chứng kiến rất nhiều khách quỵt tiền có đủ màu da chủng tộc khác nhau.”

    “Trong trường hợp khách đi một nhóm đông 3-4 người, quản lý tiệm phải hỏi họ ai là người trả tiền? Trả một mình hay cho cả nhóm? Quản lý tiệm chính là người phải để mắt tới người chịu trách nhiệm trả tiền, không để họ đùn đẩy trách nhiệm hoặc lẩn trốn,” anh Đắc Phạm nói thêm.

    Có nên kiện ra tòa?

    Mới đây, nhiều người trên Facebook có chia sẻ kinh nghiệm của người có tên là Angie Huong Le, kể về việc ra tòa để lấy lại $85 từ một khách quỵt tiền làm nail. Chị cho biết đã thu ID của khách và do khách không quay lại trả tiền nên chị báo cảnh sát và kiện ra tòa án địa phương.

    Chị viết: “Hôm nay ngày ngày 8 Tháng Tám, 2019, khách phải ra tòa. Cô ta [khách hàng quỵt tiền] phải trả tiền cho mình và còn bị đi tù nữa. Nhưng mình xin xóa cho cô ta không bị đi tù, mình chỉ muốn dạy cho cô ta một bài học để nhớ đời. Đừng có giỡn mặt với luật pháp nói chung và ngành nail nói riêng của cộng đồng Việt Nam của chúng ta…”

    Chị đưa ra lời khuyên: “Cho nên cả nhà mình đừng có đánh lộn hay gây lộn với khách làm gì. Cứ lấy thông tin của khách sau đó gọi cảnh sát đến làm việc. Ở Mỹ này luật pháp không tha cho bất cứ ai làm gì sai luật.’”

    Kinh nghiệm mới mẻ của chị Angie Huong Le nhận được hơn hai ngàn lượt chia sẻ, bình luận trên Facebook.

    Tuy nhiên, theo ông Simon Nguyễn tại văn phòng Simon Nguyen ở Westminster, tuy không phải là luật sư nhưng ông là người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong việc hỗ trợ thủ tục giấy tờ để giúp người dân tự bào chữa tại tòa, nhất là trong các vụ kiện nhỏ, thì: “Chuyện người khách quỵt $85 thì có thể lấy lại tiền là đúng. Nhưng nếu nói khách này bị đi tù vì tội quỵt tiền là không chính xác. Luật pháp Mỹ không có chuyện bắt bỏ tù một người vì hành vi dân sự như quỵt tiền, cho dù có quỵt số tiền lớn hàng trăm ngàn đô la.”

    “Quý vị chỉ cần lấy thông tin khách hàng như tên, địa chỉ, số nhà, số điện thoại là đủ. Không ai có quyền giữ bản chính ID của khách cho dù là lý do gì. Nếu làm vậy, quý vị sẽ gặp rắc rối khi khách thông báo lên DMV là họ bị quý vị lấy cắp ID. Hoặc khi khách phải lái xe mà không có ID, nếu gặp cảnh sát tra hỏi họ sẽ bị phạt rất nặng. Khi ấy, người khách có thể tố cáo với cảnh sát là quý vị đang thu giữ ID của họ một cách trái phép. Lúc đó quý vị có thể sẽ gặp rắc rối về luật pháp,” ông Simon giải thích thêm.

    Theo báo Los Angeles Times, một cơ sở thương mại có thể đòi số tiền lên đến $5,000 (đối với cá nhân, số tiền đòi lên đến $10,000) thông qua các vụ kiện nhỏ. Mức án phí nộp cho tòa tùy vào số tiền đòi nợ và tùy địa phương, nhưng nhìn chung chỉ từ $30 đến dưới $100. Bên nào bị xử thua kiện, sẽ phải trả toàn bộ tiền lệ phí cho bên thắng kiện. Muốn tìm địa chỉ tòa án và văn phòng hỗ trợ pháp lý tại địa phương, có thể vào trang web www.courts.ca.gov/selfhelp-advisors.htm và điền đơn ngay trên website.

    Tuy nhiên, thực tế thì đa số các thợ nail, vốn không quen với việc kiện tụng, đều cho rằng: “Với số tiền nhỏ, việc ra tòa là không đáng làm, vì mất thời gian và phải rành về tiếng Anh và luật pháp mới làm được. Thôi đành bỏ qua. Chỉ cần nhớ mặt khách đó lần sau không phục vụ. Thời gian đi kiện thôi để làm nail kiếm lại từ khách khác hay hơn!”

    Bài liên quan: Các dấu hiệu nhận biết khách hàng dỏm, muốn quỵt tiền tiệm nail

    Tâm An/Người Việt

  •  “Hầu như tiệm nail nào cũng từng gặp trường hợp khách kiếm chuyện để không trả tiền, hoặc quỵt tiền bỏ chạy.” Đó là chia sẻ của chị Gina Nguyễn, ở Garden Grove, người đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành nail hiện đang làm việc tại tiệm Passion Beauty Salon.

    “Gặp tình huống quỵt tiền, người quản lý tiệm phải biết giải quyết tình huống. Làm sao để chúng ta vừa lấy được tiền, vừa tránh các rắc rối pháp lý,” chị nói thêm.

    Muôn kiểu quỵt tiền ở các tiệm nail 

    Còn nhớ vào Tháng Mười Hai, 2018, cộng đồng người Việt rúng động khi nghe tin một phụ nữ là chủ tiệm Crystal Nails & Spa ở Las Vegas, Nevada, bị thiệt mạng chỉ vì lấy thân mình chặn đầu xe hơi của khách đang bỏ chạy vì quỵt số tiền vỏn vẹn… $35.

    Mới đây, vào đầu Tháng Tám, 2019, đài truyền hình địa phương KRQE News 13 đưa tin về một nhóm năm cô gái da trắng, ở độ tuổi vị thành niên, đột nhiên nhảy lên xe truck bỏ chạy, cố tình ăn quỵt $250 tiền công của tiệm Happy Nails ở thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico. Camera giám sát của tiệm cho thấy, năm cô này đã có âm mưu “ăn quỵt” ngay từ đầu, khi bốn cô làm móng vừa xong, một cô nhắn tin phối hợp với một đồng phạm đang chờ sẵn ở xe truck bên ngoài. Cả năm cô gái hớn hở nhảy lên xe truck, lao đi nhanh chóng, trong sự “chưng hửng” của những người thợ nail.

    Điều đáng nói là trong tám tháng qua, đây là lần thứ sáu, tiệm này gặp phải cảnh quỵt tiền, bỏ chạy như trên.

    Nhóm năm cô gái tuổi vị thành niên, đột nhiên nhảy lên xe truck bỏ chạy, cố tình ăn quỵt $250 tiền công của tiệm Happy Nails ở tiểu bang New Mexico. (Hình chụp màn hình đài KRQE News 13)

    Chị Vickie Ngô, hiện đang làm quản lý tiệm Star Nails ở Long Beach, cho hay: “Có một lần cách đây sáu tháng, lúc đó chỉ còn 15 phút nữa là tiệm đóng cửa, thì có hai gã thanh niên người Hispanic bước vào. Có hai người ở ngoài xe, một người làm nail, còn một người ngồi trong tiệm chờ. Thợ chúng tôi phải phục vụ họ hơn một tiếng đồng hồ, từ ngâm chân, cắt da chết, cắt móng, rồi nhúng sáp paraffin, sau đó họ đòi đấm bóp massage. Trong khi đó anh chàng ngồi chờ thì bắt đầu đi tới đi lui, hết xin vô nhà vệ sinh lại xin vô rửa tay, rồi xin xỏ chai nước sơn… Tới khi tính tiền thì anh ta giả bộ quên ví ngoài xe rồi bất ngờ bỏ chạy. Thì ra có hai gã thanh niên khác đã đợi sẵn ở ngoài xe. Chúng tôi mất $55 mà vừa đói vừa mệt vì làm muộn.”

    Dấu hiệu khách quỵt tiền: Thường vẽ ra đủ thứ, đòi làm cái này, rồi lại đòi làm cái kia, rồi có khi kiếm chuyện không ưng, bắt tháo ra làm lại, đổi màu khác, kiểu khác… (Hình minh họa: Thiện Tâm/Nails-Hair Artist)

    “Cách đây hai tuần, chúng tôi đã suýt bị quỵt $52. Có một phụ nữ trẻ, tới tiệm cũng vào gần giờ đóng cửa. Cô ta đòi làm đủ thứ từ cắt da, cắt móng, design, gắn hột… Rồi cô ta tỏ ý không ưng lại bắt thợ tháo ra làm lại, mất gần hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng khi ra tính tiền, cô ta đưa ra ba thẻ credit, debit mà không cái nào có tiền,” chị kể tiếp.

    Chị Dương Thúy Hằng, chủ tiệm nail ở thành phố Phoenix, Arizona, cho hay: “Cách đây hai tuần, có hai khách tới làm nail và cả massage chân, tay hết $110. Sau một tuần, họ quay lại kiếm chuyện là tại thợ ở tiệm em bào móng mỏng quá nên dễ gãy. Tụi em đã cố gắng hết sức để làm hài lòng khách bằng cách tháo ra làm mới. Nhưng khách vẫn không chịu, họ cố tình đòi tiền lại. Họ còn dọa nạt tụi em là nếu không trả tiền, thì họ sẽ báo cảnh sát và State Board (Hội Đồng Quản Trị Nghề Tóc và Thẩm Mỹ Tiểu Bang – State Board of Barbering and Cosmetology, còn gọi tắt là State Board).”

    “Thậm chí có khách ‘lầy’ tới nỗi, làm nail xong tới khi ra quầy tính tiền, họ nói tỉnh bơ là họ mới bị mất ví tiền nên không có tiền trả?! Trong khi tiệm của tôi ở khu dân giàu, ‘Mỹ trắng’ là chính, trước giờ ít gặp khách kiểu này,” chị chia sẻ thêm.

    Đó là chưa nói tới tình cảnh thường xuyên gặp phải khách trả tiền giả, chi phiếu lủng (không có tiền) hoặc cao siêu hơn, họ đưa thẻ tín dụng “ăn cắp” của người khác để trả tiền.

    Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, chị Thúy Huỳnh, chủ tiệm Nails & Spa ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, chia sẻ câu chuyện điển hình về quỵt tiền có tính chất lừa đảo ăn cắp: “Có một khách vô tiệm tôi, ăn mặc rất sang trọng và chị ta đòi làm toàn những dịch vụ cao cấp. Tôi nói giá bao nhiêu họ đều gật đầu cái rụp, có vẻ như rất dễ dãi và chịu chi. Tổng số tiền làm móng và spa là $174, chị ta còn hào phóng tip $26 là chẵn $200, khiến tôi mừng húm.”

    “Tới khi chị ta đưa một thẻ tín dụng cho tôi ‘cà’ (tức là cho vào máy lấy tiền), nhưng thẻ bị cong, ‘cà’ không được. Rồi chị ta nói đưa máy ‘cà’ thẻ để chị ta tự bấm số thẻ vô bằng tay. Tôi đưa máy cho chị ta tự bấm số và tôi không để ý số chị ta ‘cà’ là gì, chỉ biết rằng máy ‘cà’ thẻ báo đã lấy thành công số tiền $200, và đúng là tài khoản tôi có số tiền đó,” chị kể.

    “Có ai ngờ đâu, ba tuần sau, tự nhiên tôi bị nhà băng lấy lại số tiền $200 đó. Gọi lên nhà băng mới biết, tôi đã bị chị ta lấy số thẻ ăn cắp của người khác để trả tiền. Người chủ thẻ đó giờ mới phát hiện ra và khiếu nại với nhà băng lấy lại tiền của họ. Thế là tôi mất toi tiền mà không làm được gì,” chị Thúy ấm ức nói.

    Người thợ nail phải mất cả tiếng đồng hồ để làm được một bộ móng tay đính đá như thế này với giá khoảng $50. (Hình: Vickie Ngô/Star Nails)

    Những dấu hiệu nhận biết khách quỵt tiền 

    Sau gần 45 năm người Việt di cư tới Mỹ, dường như mỗi thị trấn, mỗi góc phố, con đường hay trung tâm thương mại, đều có tiệm nail của người Việt làm chủ. Ngành dịch vụ làm đẹp này tuy mang về lợi tức cao mỗi năm nhưng lại rất thiếu những người được đào tạo bài bản về quản lý doanh nghiệp và phục vụ khách hàng, đồng thời cần giỏi tiếng Anh giao tiếp.

    “Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc các tiệm nail thường xuyên vướng phải chuyện quỵt tiền ở tiệm nail nói chung,” anh Đắc Phạm, người có thâm niên trên 20 năm kinh nghiệm xây dựng và quản lý hàng chục tiệm nail tại tiểu bang Texas, nhận định. 

    “Rất nhiều người đến Mỹ với hai bàn tay trắng, bắt đầu bằng nghề nail, sau vài ba năm dành dụm, họ bắt đầu có tiền để mua một tiệm nail và trở thành chủ. Nhưng thực ra họ chỉ có nghề và vốn. Họ không có hiểu biết về các kỹ năng làm chủ một cơ sở thương mại ra sao, nhất là kỹ năng phục vụ khách hàng,” anh nói thêm.

    Cùng quan điểm, chị Gina Nguyễn chia sẻ: “Tôi đã từng đi học một khóa đào tạo ở Mỹ về quản lý tiệm nail nên nhờ đó mà tôi hiểu được nguyên tắc căn bản để giải quyết những tình huống này là phải hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng và hiểu luật pháp. Bị quỵt tiền mồ hôi nước mắt, ai chẳng muốn nổi điên lên. Nhưng điều này là không có lợi cho chúng ta.”

    Theo anh Đắc Phạm, người quản lý tiệm nail phải giỏi tiếng Anh giao tiếp và có hiểu biết về văn hóa, tâm lý khách hàng. “Chỉ cần nói chuyện với khách hàng, thông qua ngôn ngữ cử chỉ, những câu ‘slang,’ tiếng lóng của họ, thì mình có thể đoán được khách là người tốt hay xấu, muốn kiếm chuyện hay là đàng hoàng,” anh giải thích.

    Anh Đắc Phạm, chị Gina Nguyễn và chị Vickie Ngô đều đưa ra dấu hiệu nhận biết những khách có thể quỵt tiền như sau:

    -Thứ nhất, những khách kiếm chuyện quỵt tiền hay tới vào lúc tiệm đông khách, để chủ mất tập trung, để thoái lui không trả tiền hoặc tới vào giờ sắp đóng cửa.

    -Thứ hai, những người này thường vẽ ra đủ thứ, đòi làm cái này, rồi lại đòi làm cái kia, rồi có khi kiếm chuyện không ưng, bắt tháo ra làm lại, đổi màu khác, kiểu khác. Mục đích của họ là làm cho thợ nản có thể bỏ cuộc và họ kiếm cớ không trả tiền.

    -Thứ ba, những khách dùng nhiều tiếng lóng, những câu “slang,” chửi thề hoặc tư cách không đàng hoàng, cũng có nguy cơ bị quỵt tiền cao.

    “Vậy nên quan trọng nhất là người quản lý phải được đào tạo bài bản, có kỹ năng giao tiếp để nhận dạng sớm những khách như thế này và có kỹ năng giải quyết tình huống mau lẹ,” anh Đắc chia sẻ. 

    Chưa có trường đào tạo quản lý tiệm nail

    Nghề nail là một nghề nuôi sống rất nhiều người Việt ta trong hơn 40 năm di cư tới Mỹ. Theo thống kê của tạp chí Nails, hiện nay có khoảng 130,000 tiệm nail trên toàn nước Mỹ do người Việt làm chủ. Nếu mỗi năm, chỉ cần một tiệm gặp một khách kiếm chuyện quỵt tiền, thì đã có khoảng 130,000 trường hợp quỵt tiền tiệm nail.

    Cũng theo thống kê từ tạp chí Nails, có khoảng 370,000 người gốc Việt đã hoàn thành các chương trình đào tạo nghề nail và có bằng hành nghề. Tuy nhiên, chưa có một trường lớp bài bản nào, đào tạo về ngành quản lý tiệm nail.

    Tâm An (theo Người Việt)

  • Cảnh sát Las Vegas Metropolitan (Mỹ) đang tìm kiếm 2 người khách đã tấn công vợ chồng chủ tiệm nail khiến họ phải nhập viện.

    Cảnh sát nhận được cuộc gọi vào chiều tối hôm thứ Ba ngày 17/9 từ tiệm gLee Nail Lounge nằm trên góc đường Boulder Highway và Harmon Avenue. Hai vị chủ tiệm, bà Leesa Fujita 68 tuổi và ông George Fujita 76 tuổi, đã tranh cãi với một nữ khách hàng khi người này trả họ tờ $20 giả.

    ''Tôi nhận ra tờ tiền là giả, nên chúng tôi đưa trả lại vị khách nhưng họ chối'', ông George nói.

    Nữ khách hàng đi cùng với một người đàn ông. Vợ chồng ông Fujita yêu cầu 2 người này trả tiền bằng hình thức khác nhưng họ không chịu. Nhà Fujita quyết định báo cảnh sát.

    Đoạn camera ghi lại được cảnh đôi khách hàng cố chạy thoát khỏi tiệm và ông George cố ngăn họ lại, nhưng ông bị cả 2 người họ xô ngã vào chiếc bàn gần đó. 

    ''Tất cả những gì tôi biết là tôi ngã sầm xuống sàn'', ông George nói khi đang được điều trị những vết bầm và trầy xước trong bệnh viện, ''Tôi mừng là sự việc đã không tồi tệ hơn''.

    Bà Leesa nhìn thấy chồng bê bết máu trên nền nhà thì lập tức chống trả người phụ nữ. 

    ''Tôi thấy chồng mình ngã lăn ra nhà và bê bết máu. Chồng tôi là một người đàn ông tốt. Ông ấy đã giúp rất nhiều người. Đó là lý do tôi nổi giận và túm tóc cô ta'', bà Leesa nói.

    Đoạn clip cho thấy trong lúc ẩu đả, nữ khách hàng đã đấm vào đầu bà Leesa. Gã đàn ông còn đạp vào mặt bà Leesa khi bỏ chạy. Bà Leesa đã được hồi sức tích cực trong bệnh viện vì bị xuất huyết não.

    Gia đình Fujita nói với kênh FOX5 rằng họ đã quá mệt mỏi vì liên tục nhận phải tiền giả hoặc khách quỵt tiền tiệm nail.

    ''Khách hàng nói họ đang chờ bạn trai, đang chờ ai đó. Họ để quên ví trên xe. Họ phải đi lấy tiền. Họ ra xe và chạy mất. Rất nhiều khách làm vậy'', cô Dion Awang, con gái của bà Leesa nói. 

    Cảnh sát đang điều tra vụ việc theo hướng cướp tài sản. Nhiều tội khác có thể sẽ được quy kết cho 2 vị khách xảo quyệt. 

    ''Tôi chỉ hy vọng điều này không bao giờ xảy ra nữa, nhưng tôi nghĩ sẽ cứ mãi vậy thôi'', ông George buồn bã nói.  

    Bất cứ ai có thông tin gì vui lòng liên hệ với cảnh sát.

    Viethome (theo FOX5)

     

  • Sự việc xảy ra vào tuần trước tại Happy Nails trên đường Montgomery, thành phố Albuquerque. Chủ tiệm cho hay, 5 cô gái trẻ vào tiệm, nhưng chỉ 4 cô làm móng. Sau khi được thợ làm xong dịch vụ, đến lúc trả tiền, cả nhóm bất ngờ bỏ chạy.

    5 ''kẻ cướp'' hớn hở đào tẩu bằng xe bán tải.

    Băng hình giám sát cho thấy, 5 cô gái vị thành niên xô cửa, chạy ào ra ngoài. Một chiếc xe bán tải màu đỏ trờ tới trước tiệm đúng lúc, cả bọn cười hớn hở trèo lên xe, chạy trốn. Có vẻ như, những “nữ tặc” đã âm mưu quỵt tiền ngay từ đầu, và chúng phối hợp với đồng phạm bên ngoài.

    Cô Liza Nguyen, con cái của chủ tiệm cho biết: ''Hãy đặt mình vào vị trí của chúng tôi. Chúng tôi chỉ là doanh nghiệp nhỏ và chúng tôi có gia đình cần chăm lo. Làm sao chúng tôi tiếp tục kinh doanh nếu cứ bị ăn cướp trắng trợn như thế. 

    Happy Nails đã bị quỵt tiền 6 lần kể từ tháng 12 năm ngoái tới nay. 

    Trước đó, một chủ tiệm nail là chị Angie Huong Le đã chia sẻ về cách chị lấy lại $85 từ một khách hàng quỵt tiền, hy vọng các bạn có thể tham khảo. Chị Angie viết: 

    Sáng nay đi dự phiên Tòa xử về tội Khách ăn quịt...

    Tháng 10 -2018

    Một buổi chiều Trời mưa tầm tã...có một em Quạ da không đen lắm. Vào làm Tay dip & chân deluxe...Ra bill la $85....E lấy thẻ trả mà ko có Tiền....E ấy bảo ra Bank rút rồi quay lại..trước khi đi mình bảo em để lại ID....Em ấy đưa mình cái ID học sinh. Và mình không quên ghi lại bản số xe của ẻm rồi cho ẻm đi... Ẻm ra đi không quay lại... Sau đó mình gọi Police đến làm việc...

    Mãi đến cách đây hơn một tháng...gọi vào Police office update... thế là cảnh sát lam việc ngay.. Sau vài ngày cảnh sát gọi cho mình là đã làm xong và gửi giấy chờ ngày ra Tòa...

    Chị Angie đã lấy lại được tiền sau khi ra tòa.

    Hôm nay ngày 08/08/19 ẻm ra Tòa trả tiền cho mình và còn bị đi Tù nữa. Nhưng mình xin xóa cho ẻm không bị đi Tù chỉ dạy cho ẻm Bài Học để nhớ đời. Đừng có giỡn mặt với Luật Pháp nói chung và Trong Business Nails nói riêng của cộng đồng VN của chúng Ta...

    Cho nên Cả Nhà mình đừng có đánh Lộn hay gây lộn với Khách làm gì .. cứ lấy Thông Tin của khách sau đó gọi Police đến làm việc..ở Mỹ này Luật Pháp ko tha cho bất cứ ai làm j khi sai luật...chúc cả nhà cuối tuần may mắn và Tháng Hiếu Binh An ..LOVE all family Nails''.

    Viethome (theo krqe)

  • Một tiệm nail gốc Việt ở Chicago, Hoa Kỳ bị biểu tình sau khi đoạn băng ghi lại hình ảnh chủ tiệm ẩu đả, đá một nữ khách hàng quỵt tiền làm móng, còn nhân viên quản lý cũng nhảy vào tìm cách giữ người phụ nữ này, được lan truyền với tốc độ chóng mặt.  

    Sự việc xảy ra bên ngoài tiệm thẩm mỹ móng “Nails Show Design” nằm trong khu thương xá ngay ngã tư đường 103rd và Saint Lawrence vào hôm thứ Tư ngày 31 tháng 7. 

    Nhân viên quản lý tiệm, cô Phương Nguyễn cho hay, ông chủ đã sai khi đá người phụ nữ nhưng đoạn băng không đầy đủ, không cho thấy phần đầu của sự việc. Theo cô Phương, một thợ đã rút cây súng điện phòng lỡ có gì xảy ra, đó là lúc nữ khách hàng phóng ra quả đấm đầu tiên. “Cô ta đấm vào mặt cô gái, rồi quay sang đấm tôi, trúng bên mặt, làm mắt kiếng tôi rớt xuống đất,” Phương nói. 

    Nhà hoạt động cộng đồng Ja’mal Green dẫn đầu nhóm biểu tình, vào hỏi chuyện chủ tiệm dưới sự giám sát của cảnh sát. Green bảo, người phụ nữ trong băng hình có vấn đề sức khỏe tâm thần. 

    Có vẻ như cuộc nói chuyện chỉ làm nóng thêm căng thẳng sắc tộc ở Roseland phía Nam thành phố. “Chúng tôi chỉ tìm cách sinh sống ở đây, hoà nhập, trở thành một phần của cộng đồng, nhưng giống như, tôi chưa từng gặp chuyện gì như vậy trước đây, tôi có cảm giác ít nhiều bị đe doạ,” Phương nói. 

    “Họ nên cảm thấy bị đe doạ trước sự thật là chúng tôi sẽ ngăn chặn tiền chảy vào tiệm đó,” Green nói. “Họ cần đem tiệm mình trở về nơi của họ. Nếu quý vị không tôn trọng chúng tôi khi chúng tôi cho phép quý vị ở đây, kiếm tiền từ chúng tôi, thì hãy đưa tiệm mình trở về xứ quý vị.”

    Theo chủ tiệm, số tiền dịch vụ $40 của người phụ nữ được ai đó trả, rọi chút ánh sáng vào khu phố bất hoà. 

    Viethome (theo danvietnews)

  • Hai cô gái đỏ mặt xấu hổ khi bị cảnh sát chặn lại vì lý do chuồn khỏi tiệm nail ở Bromley mà không trả tiền làm móng. 

    Tiệm nail này đã gọi điện khẩn cho cảnh sát vào tối ngày thứ Hai, 5 tháng 8, để báo cáo trường hợp 2 nữ sinh vừa được làm móng xong nhưng đã quỵt tiền tháo chạy. 

    Thông báo của cảnh sát Bromley có đoạn: ''Khi được thông tin vụ việc, chúng tôi đã nhanh chóng phát hiện và chặn 2 cô gái này. Hai cô gái cho biết họ làm mất thẻ ngân hàng và chỉ đang định đi lấy tiền. 

    ''Bạn có thể lấy tiền ở đâu khi không có thẻ ngân hàng vào lúc 7h30 tối, khi ngân hàng đã đóng cửa? Chắc hẳn là tiền mọc ở trên một cái cây nào đâu đây''.

    ''Vì 2 cô gái còn nhỏ tuổi, chúng tôi ghét phải nhìn thấy những người trẻ phạm phải những tội lỗi như thế này, nên cảnh sát đã liên hệ với phụ huynh các em và tiệm nail sẽ được bồi hoàn tiền đầy đủ.  

    ''Chúng tôi sẽ thường xuyên đi tuần Bromley để ngăn chặn những vụ phạm tội nghiêm trọng hơn''.

    Cảnh sát Bromley không tiết lộ tên tiệm nail để tránh tình hình leo thang: ''Cũng may là chúng tôi đã bắt được 2 cô gái ngay tại trận, nếu không chúng tôi đã phải công khai hình ảnh của tiệm nail để tìm ra 2 vị khách hàng này''.

    Hiện tượng quỵt tiền tiệm nail ở UK không thường thấy nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Vào tháng 4/2018, anh Duke Nguyen ở London gặp phải một khách hàng bịa cớ bị mất tiền trong tiệm nail để không phải trả tiền.

    Nguyên văn bài chia sẻ của anh Duke Nguyen như sau:

    ''Làm cho khách bộ shellac manicure xong khách nói ráo hoảnh tao bị mất tiền nên ko có tiền trả, mà chắc chỉ mất trong tiệm mày. Ôi, cái bài này mới nha các chị em. 

    Mình thấy bựa nên điện cho cảnh sát, nó thấy mình điện cho cảnh sát nó cũng đòi gọi cho cảnh sát luôn để tố mình tội hỗn, vô lễ, mắng chửi nó và mất tiền trong tiệm (cái chửi thì đúng, chửi nó cho thích mồm mình đi chứ, ai lại mất tiền mà ko chửi cho nó nhục mặt thì hơi phí, còn việc mất tiền là nó tự nghĩ ra nó nói).

    Rồi 2 anh cảnh sát đến nói là nó làm nail ko trả tiền thì mày có quyền kiện nó ra toà, chứ tao ko có quyền bắt nó trả tiền cho mày. Biết thế thì gọi cảnh sát đến làm gì cho mệt. Đòi mấy chục mà phải hầu toà hết cả hơi.

    Mà con mụ khách này là khách bựa biết luật và hiểu biết nhé nó còn bảo với cảnh sát là yêu cầu mình ko dc đưa nó ra toà với cả xoá hết dữ liệu về nó trong điện thoại thì nó cũng cam kết ko nhờ cảnh sát điều tra vụ mất tiền £30 trong tiệm mình. Hài vãi luôn. Nên mình đã ko đồng ý với yêu cầu của nó. Mình chỉ đồng ý không kiện nó ta toà thôi.

    Cuối cùng chốt lại là giờ nó bảo tao bị mất tiền nên ko có tiền trả. Và còn nhờ cảnh sát đưa về nhà vì sợ mình đánh chửi nó khi không có cảnh sát bảo vệ.

    Loại hình làm nail quỵt tiền này mới nha các anh chị em. Nó vào lúc muộn để tránh gặp khách khác để dễ bề nói phét. Mọi người cẩn thận nhé, tốt nhất là nên lấy tiền trước với khách lạ mặt.

    CCTV mình always on, mà mỗi tội ko record. Mà con khách nó còn đòi CCTV để show với cảnh sát mình chửi nó thậm tệ như thế nào cơ mà. Tố sư gặp con ăn quỵt ko chửi cho sấp mặt thì chẳng lẽ lại bảo lạy mẹ mẹ trả tiền cho con à.

    P/s: Tiệm mình ở North London, khu dân giàu, giá cao mà còn lạc đâu con khách bựa vào. Chị này rất thông minh điện gọi cảnh sát ko tố mình tội ăn cắp nhưng yêu cầu tìm số tiền mất trong tiệm. Tố mình tội hỗn vô lễ, mắng chửi xua đuổi ra khỏi tiệm. Rồi 2 anh cảnh sát đến bắt mình chứng minh trong sạch. Ai ngờ bật CCTV thì ko thấy đc gì chứ ko có khi hầu toà hết hơi. Nhục nhất là còn phải ký cam kết là sau này ko đc tố cáo chị đó, và còn yêu cầu xóa hết dữ liệu ảnh và video của chị''.

    Do đó, các tiệm nail tốt nhất nên thu tiền khách trước khi cung cấp dịch vụ, để tránh mọi trường hợp đáng tiếc. 

    Viethome tổng hợp

  • Hai nữ khách hàng bỏ trốn sau khi từ chối thanh toán hóa đơn dịch vụ và trộm tiền tại một tiệm nail Việt.

    Hai nữ nghi phạm quỵt tiền và trộm tiền ở tiệm nail Red Persimmon hôm 30/6. Ảnh: Abc7

    Sự việc xảy ra hôm 30/6 ở tiệm nail và spa Red Persimmon, thành phố Riverside, bang California, khi hai nữ nghi phạm đến đây làm móng trong hơn hai giờ.

    Chủ tiệm Yến Ngô cho biết nhiều khách hàng khác đã phải chờ khá lâu vì hai phụ nữ trên yêu cầu rất nhiều dịch vụ với tổng giá trị hóa đơn gần 215 USD. Tuy nhiên, khi mọi thứ hoàn tất, họ liền thay đổi thái độ, tuyên bố sẽ không trả tiền.

    "Họ đi qua đi lại rồi ra xe và chạy đi mất", Yến Ngô kể.

    Cô đã trình báo sự việc với sở cảnh sát Riverside và một phát ngôn viên cho biết họ đang truy tìm các nghi phạm với cáo buộc trộm cắp, lừa đảo.

    "Tôi không tiếc tiền nhưng tôi tiếc công phục vụ họ tận tình", Yến Ngô nói. "Chúng tôi đã chăm chút cho họ. Họ muốn mọi thứ".

    Yến Ngô làm móng tay cho một khách hàng. Ảnh: Abc7

    Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, hàng trăm người đã gửi lời động viên Yến Ngô, trong đó nhiều người đề nghị quyên tiền cho tiệm nail của cô. 

    Yến Ngô cho biết cô rất cảm kích trước sự ủng hộ của mọi người. "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mọi người yêu mến mình. Xin cảm ơn các bạn", cô nói.

    Tháng 12 năm ngoái, một vụ quỵt tiền tương tự xảy ra tại tiệm nail của người Việt ở thành phố Las Vegas, khiến bà chủ Nhu "Annie" Ngoc Quynh Nguyen thiệt mạng. Nữ khách hàng Krystal Whipple đã sử dụng thẻ tín dụng giả để thanh toán 35 USD tiền làm móng, sau đó lái xe bỏ chạy. Bà chủ 51 tuổi tử vong khi bám theo xe của nghi phạm và bị hất ngã xuống đường. Whipple đã bị bắt và vừa bị truy tố cuối tuần trước.

    Viethome (theo VnExpress)