Tiệm nail bị khách quỵt tiền, làm sao để đòi?

“Quản lý tiệm phải biết chọn lọc khách hàng, đừng nên thấy khách nào cũng ‘hốt,’ để rồi ‘hốt’ phải ‘rác.’ Nếu thấy khách có dấu hiệu không đàng hoàng, tốt hơn hết là quý vị nên tìm cách từ chối phục vụ hoặc yêu cầu khách trả tiền trước.”

Đó là chia sẻ của chị Gina Nguyễn, ở Garden Grove, người đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành nail hiện đang làm việc tại tiệm Passion Beauty Salon, khi phóng viên nhật báo Người Việt hỏi về kinh nghiệm “chặn” hành vi quỵt tiền của khách.

“Ngày trước, tiệm tôi có để một bảng nhỏ, ghi dòng chữ ‘We reserve the right to refuse serving’ (Chúng tôi có quyền từ chối phục vụ). Chúng tôi treo bảng này vào vị trí không dễ nhìn thấy ở khu vực lễ tân. Chỉ khi gặp khách không tử tế, thì mình  mới chỉ cho họ thấy cái bảng này. Thế là họ không kiếm chuyện được với  mình,” chị nói.

Để đề phòng khách kiếm cớ kêu mất đồ trong tiệm, chị Gina tiết lộ: “Ngoài ra, chúng tôi còn có một dòng chữ nhỏ, gắn ngay sau bảng hiệu ‘OPEN’ của tiệm như sau: ‘Chúng tôi không chịu trách nhiệm về tài sản tư trang của quý vị.’”

Nhiều cách để “đòi” tiền

Chị Vickie Ngô, quản lý tiệm Star Nails ở Long Beach, kể chuyện khách đưa ba thẻ credit card đều không có tiền: “Khi ‘cà’ ba cái thẻ đều không có tiền, chúng tôi đề nghị khách để lại điện thoại, khi nào có tiền thì tới chuộc. Nhưng cô ta viện lý do nhà xa, quên đường về, cần điện thoại để nhìn bản đồ chỉ đường… Sau đó, chúng tôi đề nghị cô ta ngồi đó gọi điện thoại cho người thân mang tiền tới. Chúng tôi gồm ba người, cả thợ, quản lý và chủ tiệm đều kiên nhẫn ngồi chờ. Cuối cùng, cô ta phải nhờ người nhà mang tiền tới, lúc đó mới biết, nhà cô ta chỉ cách tiệm có vài phút lái xe.”

Chị Gina Nguyễn gợi ý cách giải quyết: “Có rất nhiều cách lấy tiền của khách hàng muốn quỵt. Nếu họ lấy lý do như quên ví, quên thẻ thì có thể trả bằng cách chuyển tiền qua Zelle, PayPal, Venmo trên điện thoại. Điều quan trọng là chúng ta phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, lịch sự với khách và đưa ra các giải pháp cốt để lấy được tiền.”

“Nếu khách vẫn không có tiền trả, thì có thể yêu cầu khách để lại ID và hẹn họ thời hạn phải trả tiền, nếu quá thời hạn sẽ báo cảnh sát. Hoặc chúng ta có thể cho họ trả góp làm nhiều lần,” chị nói tiếp.

“Nếu khách từ chối đưa ID, lên xe bỏ chạy, thì cứ bình tĩnh lấy điện thoại ra chụp thật rõ bảng số xe rồi báo cảnh sát. Đừng bao giờ bám theo xe để bị kéo lê theo xe, bị đánh hoặc bị tông xe. Hoặc chủ tiệm nên gắn camera ở trong và ngoài tiệm, giúp ghi lại toàn bộ thông tin của người khách quỵt tiền và bỏ chạy, để cung cấp cho cảnh sát,” chị Gina Nguyễn nói thêm.

Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, chị Thúy Huỳnh, chủ tiệm Nails & Spa ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, rút ra bài học khi bị khách dùng thẻ “ăn cắp” để trả tiền và kết quả là ba tuần sau chị bị mất $200 trong ngân hàng: “Từ đó về sau, tôi học được bài học là không bao giờ đưa máy ‘cà’ thẻ của mình cho khách đánh số vào mà phải tự mình làm cho chắc. Đồng thời phải kiểm tra kỹ tên trên thẻ ID của khách xem có trùng với tên trên thẻ tín dụng của họ không. Nhìn kỹ hình trên thẻ và mặt họ xem có giống nhau không, phòng khi người ta lấy cả thẻ cả ID của người ở cùng nhà. Bởi vì chuyên gia ở nhà băng giải thích cho tôi biết, ngay cả khi khách mang thẻ và ID của người thân họ cho mình ‘cà,’ cũng không hợp pháp, nếu không được sự đồng ý của người đó.”

Đề phòng khách trả bằng thẻ tín dụng “ăn cắp,” quản lý tiệm nail nên kiểm tra thẻ căn cước (ID) cẩn thận, không nên đưa máy “cà” thẻ cho khách tự nhập số bằng tay. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Giữ điện thoại, ghi lại ID, chụp bảng số xe…

Là người chuyên xây dựng những tiệm nail với quy mô cả triệu đô la ở Dallas, Texas, rồi đào tạo thợ, quản lý tiệm, sau khi gây dựng cho có khách thì bán tiệm, nên anh Đạt Phạm có hẳn một quy trình “tân tiến” về quản lý tiệm nail.

Anh cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ quản lý của nhà hàng vào để quản lý tiệm nail. Tiệm của chúng tôi có ba khu vực riêng biệt: Lễ tân, khu phục vụ nail-spa cho khách và khu vực riêng cho thợ. Tất cả các khu đều có camera và màn hình ti vi hiển thị các thông tin quan trọng.”

Anh giải thích tiếp về mô hình “quản lý nhà hàng” như sau: “Khách bước vào quầy lễ tân, muốn làm dịch vụ gì, có màn hình máy tính bảng (iPad hoặc tablet) để khách tự chọn giống như là tới nhà hàng chọn món ăn (gọi là order). Mỗi dịch vụ có hiện giá tiền rõ ràng, khách đồng ý thanh toán, mới bước vào trong phòng phục vụ, ngồi vào ghế có đánh số thứ tự. Đồng thời, ‘order’ sẽ gửi xuống khu vực thợ, màn hình ti vi sẽ hiện rõ các thông tin như order số mấy, khách đang ngồi ghế số mấy, khách cần làm dịch vụ gì, tên nhân viên phục vụ là ai?”

“Khi thấy tên mình trên ti vi, người thợ đó mang dụng cụ nail, massage lên để phục vụ khách. Làm xong thợ lại mang dụng cụ xuống phòng chờ. Khách ra quầy tính tiền với người quản lý tiệm,” anh nói tiếp.

“Nguyên tắc của chúng tôi là nhân viên không được nói chuyện riêng ồn ào trong phòng phục vụ khách, không phải lo mất lượt (còn gọi là turn) vì đã chia ‘turn’ tự động bằng máy tính, bảo đảm tính công tâm. Các thợ đều được đào tạo kỹ để có trình độ tay nghề đồng đều như nhau .Khách không phải lo chọn thợ này, từ chối thợ kia. Hệ thống như trên hạn chế tối đa việc khách kiếm cớ không trả tiền,”  anh Đắc nói thêm. 

Trong trường hợp vẫn gặp phải chuyện khách quỵt tiền không muốn trả, anh Đắc khuyên: “Quản lý tiệm cứ bình tĩnh, không nên lớn tiếng dọa nạt, xúc phạm hay xô xát với khách hàng. Bởi vì khách có thể sẽ kiện ngược lại chúng ta về những tội nặng như kỳ thị, phỉ báng, đánh người, đe dọa… Lúc đó sẽ tốn rất tiền bạc, thậm chí còn bị bỏ tù. Chúng ta chỉ cần giữ lại điện thoại hoặc ID của khách, hoặc chụp bảng số xe và báo cảnh sát.”

Mới đây, vào ngày 17 Tháng Tám, đài truyền hình ABC10 đưa tin một người đàn ông 40 tuổi, tên Chinh Van Tran, chủ tiệm Rose’s Nails ở thành phố Hallandale Beach, tiểu bang Florida, bị bắt vì tội rút súng ra đe dọa người khác tại tiệm nail của ông. Hiện ông Chinh đang bị giam giữ chờ ngày xét xử với số tiền tại ngoại hậu tra $15,000 và có thể đối mặt với nhiều rắc rối liên quan tới tội hình sự.

Chị Gina Nguyễn và anh Đắc Phạm đều có quan điểm giống nhau về vấn đề kỳ thị: “Nếu nói khách Mỹ đen là khách hay quỵt tiền thì hoàn toàn không đúng. Tôi đã chứng kiến rất nhiều khách quỵt tiền có đủ màu da chủng tộc khác nhau.”

“Trong trường hợp khách đi một nhóm đông 3-4 người, quản lý tiệm phải hỏi họ ai là người trả tiền? Trả một mình hay cho cả nhóm? Quản lý tiệm chính là người phải để mắt tới người chịu trách nhiệm trả tiền, không để họ đùn đẩy trách nhiệm hoặc lẩn trốn,” anh Đắc Phạm nói thêm.

Có nên kiện ra tòa?

Mới đây, nhiều người trên Facebook có chia sẻ kinh nghiệm của người có tên là Angie Huong Le, kể về việc ra tòa để lấy lại $85 từ một khách quỵt tiền làm nail. Chị cho biết đã thu ID của khách và do khách không quay lại trả tiền nên chị báo cảnh sát và kiện ra tòa án địa phương.

Chị viết: “Hôm nay ngày ngày 8 Tháng Tám, 2019, khách phải ra tòa. Cô ta [khách hàng quỵt tiền] phải trả tiền cho mình và còn bị đi tù nữa. Nhưng mình xin xóa cho cô ta không bị đi tù, mình chỉ muốn dạy cho cô ta một bài học để nhớ đời. Đừng có giỡn mặt với luật pháp nói chung và ngành nail nói riêng của cộng đồng Việt Nam của chúng ta…”

Chị đưa ra lời khuyên: “Cho nên cả nhà mình đừng có đánh lộn hay gây lộn với khách làm gì. Cứ lấy thông tin của khách sau đó gọi cảnh sát đến làm việc. Ở Mỹ này luật pháp không tha cho bất cứ ai làm gì sai luật.’”

Kinh nghiệm mới mẻ của chị Angie Huong Le nhận được hơn hai ngàn lượt chia sẻ, bình luận trên Facebook.

Tuy nhiên, theo ông Simon Nguyễn tại văn phòng Simon Nguyen ở Westminster, tuy không phải là luật sư nhưng ông là người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong việc hỗ trợ thủ tục giấy tờ để giúp người dân tự bào chữa tại tòa, nhất là trong các vụ kiện nhỏ, thì: “Chuyện người khách quỵt $85 thì có thể lấy lại tiền là đúng. Nhưng nếu nói khách này bị đi tù vì tội quỵt tiền là không chính xác. Luật pháp Mỹ không có chuyện bắt bỏ tù một người vì hành vi dân sự như quỵt tiền, cho dù có quỵt số tiền lớn hàng trăm ngàn đô la.”

“Quý vị chỉ cần lấy thông tin khách hàng như tên, địa chỉ, số nhà, số điện thoại là đủ. Không ai có quyền giữ bản chính ID của khách cho dù là lý do gì. Nếu làm vậy, quý vị sẽ gặp rắc rối khi khách thông báo lên DMV là họ bị quý vị lấy cắp ID. Hoặc khi khách phải lái xe mà không có ID, nếu gặp cảnh sát tra hỏi họ sẽ bị phạt rất nặng. Khi ấy, người khách có thể tố cáo với cảnh sát là quý vị đang thu giữ ID của họ một cách trái phép. Lúc đó quý vị có thể sẽ gặp rắc rối về luật pháp,” ông Simon giải thích thêm.

Theo báo Los Angeles Times, một cơ sở thương mại có thể đòi số tiền lên đến $5,000 (đối với cá nhân, số tiền đòi lên đến $10,000) thông qua các vụ kiện nhỏ. Mức án phí nộp cho tòa tùy vào số tiền đòi nợ và tùy địa phương, nhưng nhìn chung chỉ từ $30 đến dưới $100. Bên nào bị xử thua kiện, sẽ phải trả toàn bộ tiền lệ phí cho bên thắng kiện. Muốn tìm địa chỉ tòa án và văn phòng hỗ trợ pháp lý tại địa phương, có thể vào trang web www.courts.ca.gov/selfhelp-advisors.htm và điền đơn ngay trên website.

Tuy nhiên, thực tế thì đa số các thợ nail, vốn không quen với việc kiện tụng, đều cho rằng: “Với số tiền nhỏ, việc ra tòa là không đáng làm, vì mất thời gian và phải rành về tiếng Anh và luật pháp mới làm được. Thôi đành bỏ qua. Chỉ cần nhớ mặt khách đó lần sau không phục vụ. Thời gian đi kiện thôi để làm nail kiếm lại từ khách khác hay hơn!”

Bài liên quan: Các dấu hiệu nhận biết khách hàng dỏm, muốn quỵt tiền tiệm nail

Tâm An/Người Việt