• Giá tiêu dùng tăng chậm lại, một phần là do tốc độ tăng giá lương thực giảm bớt, đã khiến lạm phát chung thấp hơn mức dự báo 3,5% của các nhà kinh tế và là mức thấp nhất kể từ năm 2021.

    lpg
    Các số liệu đáng khích lệ cho thấy khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất vào mùa Hè sắp tới - Ảnh: Les Echos

    Theo phóng viên TTXVN tại London, lạm phát tại Anh trong tháng 2/2024 đã giảm xuống còn 3,4%. Đây là mức lạm phát thấp nhất được ghi nhận trong vòng hơn hai năm, đồng thời cũng thấp hơn so với con số dự báo của các nhà kinh tế trước đó.

    Tin tức mới được công bố đang củng cố thêm kỳ vọng của thị trường về khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất vào mùa Hè này.

    Theo số liệu được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 20/3, giá tiêu dùng đã tăng ở mức 3,4% hàng năm trong tháng 2/2024, giảm từ mức 4% trong tháng 1/2024.

    Giá tiêu dùng tăng chậm lại, một phần là do tốc độ tăng giá lương thực giảm bớt, đã khiến lạm phát chung thấp hơn mức dự báo 3,5% của các nhà kinh tế và là mức thấp nhất kể từ năm 2021.

    Lạm phát cơ bản, chưa bao gồm lương thực và năng lượng, đã giảm xuống còn 4,5% trong tháng 2/2024 từ mức 5,1% trong tháng 1/2024. Trước đó, các nhà phân tích đã dự đoán lạm phát trong tháng vừa qua có thể là 4,6%.

    Sau khi các số liệu kinh tế tích cực được công bố, các nhà giao dịch trên thị trường hoán đổi càng củng cố suy đoán cho rằng BoE có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành từ tháng 6 tới, hiện đang được duy trì ở mức 5,25%.

    Cũng theo số liệu mới của ONS, lạm phát giá dịch vụ trong tháng 2 đã giảm xuống còn 6,1% so với mức 6,5% trong tháng 1, và phù hợp với kỳ vọng của BoE.

    Những tin tức tích cực này ngay sau khi được công bố đã khiến đồng Bảng Anh giảm 0,2% so với đồng USD với mức quy đổi là 1 GBP đổi 1,2694 USD.

    BoE vào tháng 2 dự đoán rằng mức tăng giá đang trên đà giảm xuống mục tiêu là 2% trong quý 2 năm nay nhờ chi phí năng lượng giảm và số liệu hôm 20/3 cho thấy BoE có thể đạt được mức mục tiêu ngay sau tháng 4 tới.

    Chi phí sinh hoạt leo thang đang gây thiệt hại nặng nề về tài chính đối với các hộ gia đình ở Anh và ngay cả sau khi lạm phát đang chậm lại trong thời gian gần đây thì mức giá cao vẫn gây áp lực lên mức sống của người dân.

    Trong khi đó, theo dự báo mới nhất từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, cơ quan giám sát tài chính độc lập tại Anh, thu nhập sau thuế của mỗi người trong hộ gia đình sẽ chỉ khôi phục lại mức đỉnh trước đại dịch vào năm 2025-2026.

    Theo TTXVN

  • sua cong thuc
    Cuộc khủng hoảng chi phí đã khiến nhiều gia đình phải nhịn ăn để dành tiền mua sữa công thức cho con. Ảnh: PA

    Giá sữa công thức tăng cao đã tác động lớn đến nhiều gia đình, buộc họ phải thắt lưng buộc bụng để có tiền mua sữa cho con. Theo một khảo sát do Dịch vụ Tư vấn Thai kì Anh (British Pregnancy Advisory Service - BPAS) tiến hành, 65% phụ nữ cho biết họ cảm thấy lo lắng về giá sữa tăng. Trong vòng 2 năm qua, giá sữa công thức đã tăng 25%.

    Một hộp sữa công thức rẻ nhất cũng đắt hơn £8.50 - đây là số tiền tương đương 1 voucher trợ cấp Healthy Start mà mỗi gia đình nhận được để mua thực phẩm trong 1 tuần. 

    Hộp sữa Mamia First Infant Milk 900g ở Aldi là có giá rẻ nhất trên thị trường. Hộp sữa này đã tăng giá 34% trong 2 năm qua, từ £6.99 lên £9.39.

    Trong khi đó, 1 hộp sữa SMA Little Steps First Infant Milk 800g ở Tesco cũng đã tăng từ £8.25 - £9.75 – tương đương tăng 18% trong cùng kỳ.

    1 hộp sữa Aptamil 1 First Milk 800g đã tăng giá từ £11.50 - £14.50, tương đương tăng 26% trong 2 năm qua.

    sua cong thuc
    Sữa công thức, rau củ quả và các loại sữa khác đều tăng giá trong năm qua. Ảnh: ITV News

    Một số phụ nữ cho biết họ phải cắt khẩu phần ăn của các thành viên khác trong gia đình, hoặc cho bé uống sữa bò thay sữa công thức vì sữa bò rẻ tiền hơn. Tuy nhiên sữa bò được khuyến cáo là không thích hợp đối với trẻ sơ sinh. Các bà mẹ cũng cố gắng cho con bú sữa mẹ nhiều hơn để bù đắp cho sữa công thức, tuy nhiên điều này càng khiến tinh thần và thể chất của người mẹ thêm suy kiệt.

    83% những người tham gia khảo sát muốn các đơn vị ngay lập tức triển khai các phương pháp để giúp giảm gánh nặng sữa công thức, chẳng hạn cho phép bố mẹ tích điểm thẻ thành viên và voucher khi mua sữa trong siêu thị. Đồng thời ngăn chặn việc tiếp thị sữa công thức.

    BPAS thì cho rằng những giải pháp dài hạn và hiệu quả hơn cần được áp dụng. Chẳng hạn chính phủ có thể trợ giá hoặc miễn phí sữa công thức trên toàn quốc, áp mức trần giá sữa công thức, đồng thời xây dựng chính sách dài hạn để mọi trẻ sơ sinh đều được tiếp cận nguồn dinh dưỡng một cách bình đẳng. 

    BPAS cho biết 99% trẻ sơ sinh được cho uống sữa công thức hoàn toàn hoặc một phần trong 6 tháng đầu đời. 

    Giá sữa công thức đã tăng 25% trong 2 năm qua, trong đó chỉ 2 nhà cung cấp đã chiếm tới 85% doanh thu sữa công thức. Và có rất ít lựa chọn sữa công thức. Aldi là siêu thị duy nhất sản xuất dòng sữa công thức riêng. Do đó dù giá tăng thì các bậc phụ huynh cũng ít có cơ hội đổi sang loại sữa khác rẻ hơn. 

    Bà Clare Murphy, CEO của BPAS cho biết: "Báo cáo của chúng tôi cho thấy cái giá mà sữa công thức đang đè nặng lên phụ nữ và gia đình của họ. Người mẹ thường cảm thấy tội lỗi khi không thể cho con bú sữa mẹ đầy đủ. Điều này phải thay đổi. Việc ủng hộ sữa mẹ không đồng nghĩa với việc đẩy giá sữa công thức lên quá cao. Nguồn dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, dù là sữa mẹ hay sữa bình, thì đều là lựa chọn tốt cho đứa trẻ".

    CEO của diễn đàn Mumsnet, bà Justine Roberts cho biết: "Chúng tôi thường xuyên bắt gặp những bà mẹ than thở về giá sữa tăng. Hầu hết đều cho rằng sữa càng đắt tiền thì càng tốt cho trẻ. Tuy nhiên tất cả các loại sữa công thức đều bị kiểm soát chặt chẽ về mặt thành phần, sữa nào dù đắt hay rẻ cũng phải đảm bảo các thành phần dinh dưỡng theo quy định. Các bậc phụ huynh thường bị quảng cáo tiếp thị làm cho nhầm lẫn, và họ nghĩ rằng sữa được quảng cáo nhiều, đến từ các thương hiệu đắt đỏ thì sẽ tốt hơn".

    Viethome (theo ITV News)

  • Một dự báo cho thấy giá cả ở Anh sẽ tăng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào khác trong năm nay, BBC đưa tin.

    Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết lạm phát ở Anh sẽ ở mức trung bình 7,2% vào năm 2023. Cơ quan này cho biết đây sẽ là tỷ lệ cao nhất trong nhóm G7, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada và Ý.

    lam phat cao nhat the gioi

    Chính phủ London cho biết họ tin tưởng rằng họ đang "đi đúng hướng để giảm một nửa lạm phát" vào cuối năm 2023. London nói thêm rằng dự báo của OECD “minh họa một lần nữa lý do tại sao chúng ta cần bám sát kế hoạch mà chúng ta đã đặt ra”.

    OECD, một tổ chức tư vấn được công nhận trên toàn cầu, đã nâng dự báo lạm phát ở Anh lên 0,3 điểm phần trăm so với ước tính trước đó cho năm 2023.

    Ở mức 7,2%, nó sẽ cao hơn ở Đức và Ý, được dự báo có tỷ lệ 6,1%, Pháp (5,8%), Mỹ (3,8%), Canada (3,6%) và Nhật Bản (3,1%). OECD dự đoán lạm phát ở Anh sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024.

    'Ngân hàng có quyền tăng lãi suất'

    Dữ liệu lạm phát mới nhất của Vương quốc Anh trong tháng 8 sẽ được công bố vào hôm nay 20/9 và được dự đoán sẽ tăng từ 6,8% lên 7%, sau khi giảm đều đặn trong những tháng gần đây.

    Clare Lombardelli, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết Vương quốc Anh đã "chứng kiến lạm phát cao hơn một chút so với dự kiến trước đây" và Ngân hàng Trung ương Anh đang "thực hiện hành động đúng đắn trong việc tăng lãi suất" để giải quyết vấn đề này.

    Ngân hàng Anh đã tăng lãi suất 14 lần kể từ tháng 12 năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lại vào thứ Năm 21/9, từ 5,25% lên 5,5%.

    Lý thuyết kinh tế đằng sau điều này là nó khiến mọi người đi vay tiền đắt hơn, nghĩa là họ sẽ có ít tiền dư thừa hơn để chi tiêu, các hộ gia đình sẽ mua ít đồ hơn và giá cả sẽ giảm bớt.

    Nhưng việc tăng lãi suất quá mạnh có thể gây ra suy thoái.

    Các nhà kinh tế của OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm tới do áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp từ lãi suất cao hơn.

    Cơ quan cố vấn này nói thêm rằng hoạt động kinh tế đã "suy yếu" ở Anh do "tác động chậm trễ đến thu nhập từ cú sốc giá năng lượng lớn vào năm 2022".

    OECD dự đoán mức tăng trưởng 0,3% vào năm 2023, yếu thứ hai trong G7 và tăng trưởng 0,8% vào năm tới.

    Darren Jones, Giám đốc Bộ Tài chính của Đảng Lao động Anh cho biết các dự báo kinh tế của OECD "cho thấy Đảng Bảo thủ đang mang lại nhiều điều tương tự hơn".

    Người phát ngôn chính thức của thủ tướng nói thêm rằng chính phủ đang "đạt được tiến bộ đáng kể" trong việc giảm giá nhưng "không tự mãn".

    Ông nói thêm rằng những dự đoán của OECD về tăng trưởng kinh tế đã không tính đến những sửa đổi gần đây ở những nơi khác cho thấy nền kinh tế Anh đã phục hồi nhanh hơn các nước khác sau đại dịch Covid.

    Dự báo nhằm mục đích đưa ra hướng dẫn về những gì có nhiều khả năng xảy ra nhất trong tương lai, nhưng có thể không chính xác và có thể thay đổi. Chúng được các doanh nghiệp sử dụng để giúp lập kế hoạch đầu tư và được chính phủ sử dụng để hướng dẫn các quyết định chính sách.

    Theo SGGP

  • Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết, lạm phát hàng năm đã giảm từ mức 8,7% trong tháng 5/2023 xuống 7,9% trong tháng 6/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

    lam phat dau hieu suy giam
    Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

    Con số này thấp hơn mức dự báo 8,2% của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Anh Reuters. Con số trên cũng phù hợp với dự báo 7,9% của Ngân hàng Trung ương Anh vào tháng 5 vừa qua và sẽ được sử dụng làm cơ sở để Ngân hàng Trung ương Anh xem xét, đưa ra quyết định về lãi suất vào tháng 8 tới.

    Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá) cũng giảm xuống 6,9%, từ mức cao nhất trong 31 năm là 7,1% trong tháng trước.

    Các nhà phân tích cho rằng mức lạm phát cơ bản này sẽ không thay đổi trong thời gian tới. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ giảm xuống 7,2% từ mức cao nhất trong 31 năm là 7,4% trong tháng 5 vừa qua.

    Ông Paul Dales, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics dự báo lạm phát cơ bản và lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ sẽ giảm dần khi tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó có tác dụng.

    Capital Economics nhận định “các áp lực dai dẳng” hiện chưa chấm dứt sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Anh tăng nhẹ lãi suất và có nhiều khả năng đạt đỉnh trong khoảng từ 5% đến 6%.

    Theo TTXVN

  • Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Anh là nước duy nhất trong G7 mà lạm phát vẫn đang gia tăng.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Anh tăng 7,9% so với cùng kỳ, nhích nhẹ so với mức 7,8% của tháng 4, theo OECD. Trong khi đó, các thành viên còn lại của G7 gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản đều ghi nhận lạm phát giảm tốc.

    Tính chung cả nhóm G7, lạm phát đã giảm xuống 4,6% trong tháng 5, từ mức 5,4% hồi tháng 4, là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Nhiều ngân hàng trung ương lớn đã bắt đầu xem xét chấm dứt việc tăng lãi suất khi giá cả hạ nhiệt.

    Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tháng trước đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lớn hơn so với dự đoán của nhiều người. Lần tăng thứ 13 liên tiếp của BOE đưa lãi suất cơ bản lên mức 5%, cao nhất kể từ năm 2008.

    Chỉ số giá tiêu dùng do OECD tính toán cho Anh đã bao gồm chi phí sở hữu và sinh sống trong một gia đình nên được xem là thước đo lạm phát toàn diện nhất. Còn CPI do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) đo đạc ghi nhận là 8,7% trong tháng 5, không đổi so với tháng 4.

    lam phat nuoc giau
    Một nhân viên sắp xếp sản phẩm bên trong siêu thị Sainsbury ở Richmond, London, ngày 27/6/2022. Ảnh: Reuters

    Hôm 4/7, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhìn nhận lạm phát đang "dai dẳng hơn nhiều người dự đoán".

    Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu công ty nghiên cứu đầu tư Edison Group, lý giải sự kết hợp của khủng hoảng giá năng lượng và tình trạng thiếu lao động đã dẫn đến lạm phát của Anh nghiêm trọng hơn nhiều so với các nền kinh tế G7. "Brexit có một phần nguyên nhân, định hình lại thị trường lao động và gây áp lực buộc các nhà tuyển dụng phải tăng lương để thu hút nhân tài", ông nói thêm.

    Nền kinh tế của Anh vốn phụ thuộc nhiều vào dịch vụ hơn sản xuất, là một điểm khác biệt đối với các nền kinh tế cân bằng hơn ở châu Âu như Đức. Ở eurozone, lạm phát cũng đã dần hạ nhiệt dù còn chậm. Eurostat cho hay CPI tháng 6 của nhóm đồng tiền chung euro còn 5,5%, giảm nhiều hơn dự báo.

    Theo kết quả khảo sát tháng 6 của ngân hàng Citi và công ty nghiên cứu thị trường YouGov, kỳ vọng của công chúng Anh về lạm phát trong 12 tháng tới đã tăng lên 5%, cao hơn mức 4,7% trong khảo sát vào tháng 5. BoE đang theo dõi các kỳ vọng về lạm phát vì lo ngại áp lực tăng giá trong nền kinh tế. Mục tiêu của họ là đưa lạm phát trở về mức 2%.

    Bà Megan Greene, Thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Boe mới đây cảnh báo rằng lãi suất có thể ổn định ở mức cao hơn trong thời gian dài. "Sẽ là sai lầm nếu các ngân hàng trung ương thoải mái với quan điểm rằng lạm phát và lãi suất sẽ tự động quay trở lại mức thấp mà chúng ta đã thấy trước đại dịch", bà đánh giá.

    VnExpress (theo CNBC, FT)

  • 7% dân số Anh phải tìm kiếm hỗ trợ từ các quỹ từ thiện, bao gồm các ngân hàng thực phẩm, trong khi 71% số người lâm vào cảnh thiếu ăn không tiếp cận được bất kỳ kênh hỗ trợ thực phẩm từ thiện nào.

    khung hoang lam phat o anh
    Người dân mua sắm tại một chợ ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Trong năm 2022, cứ 7 người ở Anh thì có 1 người lâm vào cảnh thiếu ăn trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Đây là ước tính của Trussell Trust - mạng lưới ngân hàng thực phẩm lớn nhất nước Anh - đưa ra trong báo cáo công bố ngày 28/6.

    Trong báo cáo, Trussell Trust ước tính có tới 11,3 triệu người ở Anh thiếu ăn trong năm 2022, gấp hơn 2 lần dân số hiện tại ở Scotland.

    Đáng chú ý, 7% dân số Anh phải tìm kiếm hỗ trợ từ các quỹ từ thiện, bao gồm các ngân hàng thực phẩm, trong khi 71% số người lâm vào cảnh thiếu ăn không tiếp cận được bất kỳ kênh hỗ trợ thực phẩm từ thiện nào.

    Cũng theo báo cáo, trong một năm tính đến tháng 3/2023, tổ chức Trussell Trust với hơn 1.300 trung tâm cung cấp thực phẩm trên cả nước đã phân phát hơn 3 triệu gói thực phẩm, tăng 37% và gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước đây.

    Theo Trussell Trust, thực trạng này đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống an sinh xã hội ở Anh hơn là khủng hoảng chi phí sinh hoạt hay hệ lụy của đại dịch COVID-19. Tổ chức này kêu gọi Chính phủ Anh đảm bảo hệ thống phúc lợi có khả năng chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu.

    Trong hơn 1 năm qua, người dân Anh chịu nhiều sức ép từ lạm phát dù Anh là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Tiền lương chi trả cho người lao động ở Anh không theo kịp tốc độ lạm phát.

    Dữ liệu chính thức mới đây nhất cho thấy lạm phát thực phẩm và đồ uống tiếp tục ở mức cao, 18,3% trong tháng 5 và 14,6% trong tháng 6. Chính phủ Anh ước tính, trong 2 năm qua, các hộ gia đình nước này đã phải sống trong điều kiện eo hẹp nhất kể từ những năm 1950.

    Nhằm đối phó với tình trạng trên, một người phát ngôn cơ quan của Bộ Lao động và Lương hưu của Anh cho biết chính phủ đã triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ người dân như tăng trợ cấp và lương hưu theo kịp lạm phát, tăng mức lương tối thiểu, hỗ trợ các hộ gia đình giải quyết vấn đề thực phẩm, năng lượng và nhiều chi phí thiết yếu khác.

    Trong số đó, Chính phủ Anh đang duy trì mức hỗ trợ tài chính kỷ lục trung bình 3.300 bảng Anh (4.206 USD) cho mỗi hộ gia đình.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak trước đây đã cam kết giảm 50% lạm phát vào năm 2023, tạo tiền đề hướng tới cuộc tổng tuyển trong năm 2024.

    Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khó có thể đạt được mục tiêu trên do lạm phát lương thực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vượt xa tỷ lệ lạm phát chung của toàn bộ nền kinh tế, gây áp lực lớn đối với ngân sách hộ gia đình vốn đã chịu nhiều sức ép từ các khoản thuế và vay thế chấp tăng cao.

    Theo TTXVN

  • Các nhà sản xuất bia ở Anh quyết định chỉ cắt giảm hàm lượng cồn nhưng không cắt giảm giá của một số loại bia phổ biến trong bối cảnh vương quốc này đối mặt tình trạng lạm phát dai dẳng.

    Giảm cồn không giảm giá

    Hãng tin CNN cho biết, Greene King, một nhà sản xuất bia lớn của Anh đang giảm hàm lượng cồn trong dòng bia nhạt Old Speckled Hen nổi tiếng của hãng từ 5% xuống 4,8%.

    Hay vào tháng 3, nhà sản xuất bia lâu đời nhất nước Anh Shepherd Neame đã giảm hàm lượng cồn của bia Spitfire và Bishops Finger đóng chai lần lượt từ 4,5% và 5,4% xuống 4,2% và 5,2%.

    Theo tờ Mail on Sunday, các nhà sản xuất bia đã giữ nguyên kích thước của chai/lon với lượng chất lỏng như cũ nhưng cắt giảm lượng cồn.

    Truyền thông Anh nhận định, tình trạng "lạm phát đồ uống" này phản ánh tình trạng "lạm phát thu nhỏ" trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống của Anh: Nhiều nhà sản xuất thực phẩm và siêu thị tuy giảm quy mô nhưng không giảm giá thành sản phẩm.

    Vì theo luật của Vương quốc Anh, các nhà sản xuất bia sẽ phải trả ít thuế cho loại đồ uống có nồng độ cồn thấp hơn. Vì thế có ý kiến cho rằng, các công ty sản xuất đã bỏ túi khoản tiền này thay vì chuyển nó cho khách hàng thông qua mức giá thành thấp hơn.

    lam phat nganh bia
    Nhà sản xuất bia Greene King đã cắt giảm nồng độ cồn trong bia nhạt Old Speckled Hen từ 5% xuống 4,8%. Ảnh: CNN

    Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Greene King, việc giảm hàm lượng cồn chỉ nhằm mục đích bù đắp một số chi phí gia tăng sau nhiều năm chịu áp lực lạm phát đối với nguyên liệu thô, chi phí đóng gói và giá năng lượng.

    Người này khẳng định, việc cắt giảm hàm lượng cồn không ảnh hưởng đáng kể đến hương vị của bia.

    Người phát ngôn của Shepherd Neame thì tiết lộ, hãng hạ thấp hàm lượng cồn trong các dòng bia để "tăng sức hấp dẫn" vì người tiêu dùng "ngày càng chọn đồ uống có nồng độ cồn thấp hơn như một phần của lối sống lành mạnh".

    Ngoài ra, do chi phí nguyên liệu thô như năng lượng và thủy tinh tăng cao nên hãng đã tăng giá tất cả các loại bia của mình.

    Lạm phát dai dẳng

    CEO Hiệp hội Bia và Quán rượu Anh Emma McClarkin cho biết mặc dù lạm phát ở Anh đã hạ nhiệt nhưng các doanh nghiệp "vẫn cảm thấy rất khó khăn" và chỉ đơn giản là tìm cách giảm chi phí cho các mặt hàng.

    "Các nhà sản xuất bia đã phải đối mặt với việc tăng giá ngày càng tăng trong các chuỗi cung ứng trong hai năm qua và trong khả năng có thể, họ đã giảm bớt chi phí để tránh việc khách hàng phải trả quá nhiều tiền cho bia của họ", bà McClarkin nói với CNN.

    Tuy lạm phát ở Anh đã giảm trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Nhóm G7. Lạm phát giá tiêu dùng ở Anh vẫn ở mức cao đạt 8,7% trong tháng 4.

    Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney nói với tờ The Daily Telegraph hôm 16/6 cho rằng, Brexit chính là nguyên nhân khiến lạm phát ở Anh kéo dài chưa hồi kết.

    Theo Toquoc

  • Các số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố sáng ngày 19/4 cho thấy, lạm phát tại Anh trong tháng 3/2023 vẫn trên 10%, cao nhất Tây Âu, trong đó riêng tỷ lệ lạm phát với các mặt hàng thực phẩm lên tới 19%, cao nhất trong vòng 45 năm.

    Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, chỉ số giá tiêu dùng hàng năm tại Vương quốc Anh trong tháng 3/2023 là 10,1%. Tuy đã giảm 0,3% so với tháng 2/2023 nhưng con số này vẫn cao hơn dự báo trước đó của chính phủ Anh (9,8%), khiến tỷ lệ lạm phát tại Anh hiện vẫn ở mức cao nhất trong số các nước Tây Âu, xếp trên hai nước phía sau là Áo (9,2%) và Italy (8,2%). Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp tỷ lệ lạm phát tại Anh vượt trên mức 10%.

    lam phat thuc pham tai anh
    Giá thực phẩm tại Anh liên tục tăng cao. 

    Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát đối với thực phẩm và đồ uống không có cồn tại Anh trong tháng 3/2023 lên tới 19,1%, cao nhất trong vòng 45 năm (từ tháng 8/1977). Điều này cho thấy áp lực đối với người tiêu dùng Anh vẫn chưa được giảm nhẹ, bất chấp các nỗ lực từ phía chính phủ.

    Ngay sau khi các số liệu kinh tế mới được công bố, giới tài chính nhận định, gần như chắc chắn Ngân hàng Anh quốc sẽ nâng lãi suất lên 4,5% trong tháng 5/2023 để kiềm chế lạm phát. Đến mùa Thu năm nay, lãi suất thậm chí có thể lên tới 5%.         

    Tình trạng lạm phát giá thực phẩm đang đẩy hàng triệu hộ gia đình có thu nhập thấp tại Anh rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đầu tuần này, các hiệp hội thiện nguyện tại Anh đã cùng gửi thư yêu cầu chính phủ Anh trợ cấp giá cho 90 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng cơ bản.

    Theo bà Kathy Schmuecker, tư vấn chính sách cho Quỹ Joseph Rowntree, một trong những quỹ thiện nguyện chống đói nghèo tại Anh, giá thực phẩm tăng cao đang đe doạ hàng triệu người dân Anh.

    “Tất cả chúng ta đều biết thực phẩm là vấn đề sống còn trong cuộc sống, không thể bỏ qua, mà nếu như bắt buộc phải cắt bỏ thì sẽ có những tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ và tinh thần của người dân. Do đó, tỷ lệ lạm phát hiện nay là tin tức khủng khiếp với hàng triệu hộ gia đình và chúng tôi đang gây sức ép để các chính đảng thống nhất rằng chính sách tín dụng phổ thông sẽ đủ để đảm bảo tất cả các nhu cầu thiết yếu này”, bà Schmuecker cho hay.

    Viethome (theo Metro)

  • Hầu hết các nhà phân tích của Trung tâm tài chính London trước đó dự đoán chỉ số tăng giá hàng năm của tháng 11 sẽ giảm về mức 10,9% từ 11,1% trong tháng 10.

    Tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 11 giảm mạnh nhất trong 16 tháng về mức 10,7% do đà tăng giá quần áo và xăng dầu bắt đầu giảm trong bối cảnh lo ngại về một cuộc suy thoái kéo dài. Hầu hết các nhà phân tích của Trung tâm tài chính London trước đó dự đoán chỉ số tăng giá hàng năm của tháng 11 sẽ giảm về mức 10,9% từ 11,1% trong tháng 10.

    lam phat giam
    Ảnh: portfolio-adviser

    Tuy nhiên, giá cả vẫn tăng dù với tốc độ chậm hơn và chi phí ngày càng tăng sẽ tạo thêm áp lực buộc các quan chức chính phủ phải tăng lương trong khu vực công để thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập và giá cả tăng.

    Chỉ số giá bán lẻ, vốn là thước đo lạm phát được hầu hết các nghiệp đoàn sử dụng làm cơ sở để đòi tăng lương hàng năm, chỉ giảm nhẹ từ 14,2% xuống 14% trong tháng 11.

    Dự báo về một cuộc suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023 đã khiến giá dầu thô giảm kể từ năm ngoái, kéo theo chi phí vận chuyển giảm. Trong khi đó, chi phí quần áo tăng cao đã bắt đầu giảm nhiệt, buộc các nhà bán lẻ ở châu Âu và Mỹ phải tăng hàng hoá lưu kho khi người tiêu dùng cắt giảm mua sắm.

    Giá nhiên liệu trong năm đã tăng 17,2% tính đến tháng 11/2022, giảm từ mức tăng 22,2% tính đến tháng 10, trong khi giá quần áo và giày dép tăng 7,5%, giảm từ mức tăng 8,5% trong tháng 10.

    Giá ô tô đã qua sử dụng cũng góp phần làm giảm chỉ số lạm phát. Sau khi tăng lên 31% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3, mức tăng giá ô tô cũ trong năm đã giảm xuống 5,8% tính đến tháng 11.

    Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết chi phí dịch vụ du lịch, khách sạn và ăn uống nhà hàng đóng vai trò lớn nhất trong việc khiến giá các dịch vụ này tăng cao hơn trong tháng 11 lên 10,2% từ mức 9,6% trong tháng 10.

    Các quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hiện đang chịu áp lực mạnh về việc tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 15/12 để thiết lập lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương. Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) được dự đoán sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 3,5%. Các thành viên MPC đang lo ngại rằng lạm phát hai con số sẽ gây ra làn sóng đấu tranh đòi lương cao, dẫn đến một đợt tăng giá tiếp theo vào năm 2023.

    Jack Leslie, nhà kinh tế cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation, nhận định: “Nước Anh hiện có thể đã vượt qua đỉnh lạm phát, đây là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách ở cả Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính khi họ phải vật lộn với lãi suất và nợ công tăng cao”. Tuy nhiên, ông này cũng lo ngại mức tăng giá vượt xa mức tăng lương sẽ khiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ tiếp tục trầm trọng hơn vào năm 2023.

    Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt dự đoán kinh tế Anh sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa trước khi được cải thiện. Ông này lý giải nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát cao ở các nước châu Âu là do hậu quả của đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định giảm lạm phát để tăng tiền lương cho người lao động là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Anh.

    Lạm phát đã bắt đầu giảm ở hầu hết các nước công nghiệp hóa lớn sau khi giá xăng giảm và tốc độ tăng giá nhiều mặt hàng phổ thông đã chậm lại. Số liệu công bố ngày 13/12 cho thấy lạm phát giá tiêu dùng hàng năm ở Mỹ đã giảm xuống 7,1% trong tháng 11, giảm từ mức 7,7% trong tháng 10.  

    Vietnambiz (theo NY Times)

  • Giá thực phẩm tăng mạnh được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng lạm phát của Anh quay lại mức cao nhất trong vòng 40 năm, AP đưa tin.

    lam phat tang ky luc 1
    Giá thực phẩm tại Anh trong tháng 9 đã tăng 14,6%, khiến lạm phát tại quốc gia này trở lại mức cao nhất trong vòng 40 năm. Ảnh: Reuters

    Theo Văn phòng Số liệu Quốc gia Anh, so với cùng kỳ năm 2021, giá thực phẩm trong tháng 9 tại Anh đã tăng 14,6%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1980. Theo đó, các mặt hàng chủ đạo khiến giá thực phẩm tăng mạnh là thịt, trứng, sữa và bánh mì.

    Việc giá thực phẩm tăng mạnh đã đẩy chỉ số lạm phát giá tiêu dùng quay trở lại mức 10,1%, mức cao nhất kể từ đầu năm 1982 và tương đương với mức lạm phát vào tháng 7. Bên cạnh giá thực phẩm, chỉ số lạm phát tại Anh cũng được thúc đẩy bởi tình trạng lạm phát của một số mặt hàng khác.

    Trong tháng 9, chi phí vận chuyển đã tăng 10,9%, chi phí đồ nội thất và gia dụng tăng 10,8%. Trong khi đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng, chi phí nhà ở tại Anh cũng tăng 9,3%.

    Trả lời BBC, ông Glenn Sanderson, hiệu trưởng Học viện Thiên chúa giáo St. Aidan tại thành phố Sunderland cho biết các trường học trên toàn nước Anh đang gặp khó khăn trong việc cung cấp bữa ăn cho học sinh nghèo.

    "Các phụ huynh đang phải đưa ra những quyết định khó khăn. Liệu họ sẽ trả tiền xe buýt để đưa con họ tới trường hay giữ lại khoản tiền trên để mua đồ ăn cho con", ông Sanderson cho biết.

    Sau khi thông tin chỉ số lạm phát tại Anh gia tăng trở lại được công bố, chính phủ Anh đang chịu áp lực phải kiềm chế lạm phát và giúp đỡ các gia đình nghèo khó cùng những người cao tuổi.

    lam phat tang ky luc 1
    Giá thực phẩm tăng mạnh đã khiến nhiều bậc phụ huynh tại Anh phải đưa ra những lựa chọn khó khăn nhằm cung cấp đủ đồ ăn cho con cái. Ảnh: Mirror.

    Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã cảnh báo mùa đông tới sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn đối với người dân Anh. Tuy nhiên, khi phát biểu trước Hạ viện Anh trong tuần này, ông Hunt cũng cho biết chính phủ sẽ ưu tiên giúp đỡ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời cố gắng đem lại sự ổn định cho nền kinh tế.

    Thủ tướng Anh Liz Truss cũng nhấn mạnh quan điểm trên vào hôm 19/10 khi cam kết sẽ tăng lương hưu tương ứng với tình trạng lạm phát. Bà Truss không đảm bảo nhưng gợi ý rằng phúc lợi xã hội của người dân sẽ tăng với mức tương tự.

    Theo Zing

  • lam phat o argentina 1

    Tích trữ hàng hóa, đi chục cửa hàng tìm nơi có giá "dễ thở" nhất, hay dùng tiền thay giấy dán tường là một trong những cách người dân Argentina đương đầu với đà tăng lạm phát.

    Irina Werning có ý định mua pin cho đèn flash máy ảnh vào hôm trước. Ban đầu, nhiếp ảnh gia từ Buenos Aires đến siêu thị địa phương, nhưng giá quá cao. Sau đó, cô lần lượt đi tới cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng tiện lợi, kiosk, cửa hàng bán dụng cụ, và thêm một siêu thị nữa.

    Công việc này trở thành “cuộc thám hiểm”, tìm hiểu về giá cả leo thang tại một quốc gia được dự đoán có tỷ lệ lạm phát đạt 3 con số, biến Argentina nằm trong nhóm nước lạm phát hàng đầu thế giới, theo Guardian.

    “Bạn lớn lên mà quen với điều này. Kể từ khi tôi sinh ra đã có lạm phát. Lạm phát thậm chí có trước cả khi cha tôi ra đời. Đó là một phần của cuộc sống hàng ngày, nó ở bên trong chúng tôi”, Werning nói.

    “Tôi 46 tuổi, và có 36 năm cuộc đời trải qua lạm phát 2 con số. Lạm phát trung bình mỗi năm là 80%”, cô nói thêm.

    "Lạm phát là một phần trong cuộc sống chúng tôi"

    Việc mua sắm đơn giản trở thành “nhiệm vụ” kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ để tìm ra nơi có giá tốt nhất. Đây là một trong những cách Werning học được để thích ứng với cuộc sống tại Argentina.

    Argentina chứng kiến lạm phát hàng năm cao nhất trong 30 năm, bị thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, nguồn cung lương thực toàn cầu hạn chế, chi phí năng lượng tăng và suy thoái kinh tế vì chiến sự Ukraine.

    Theo Reuters, nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng đã khiến hàng nghìn người Argentina phải đổ xuống đường vào tuần trước. Những người biểu tình muốn chính phủ hành động để đối phó với mức lạm phát trên trời và hỗ trợ những người nghèo.

    Dù vậy, theo số liệu chính thức, tỷ lệ nghèo đói tại quốc gia này đã giảm nhẹ từ mức 37,3% trong nửa cuối năm 2021 về 36,5% vào nửa đầu năm nay.

    Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất 550 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn lên 75%. Ngân hàng trung ương nâng lãi suất 9 lần trong năm nay, nhưng chưa có ý định chấm dứt chu kỳ tăng.

    Trong khi phần còn lại của thế giới vật lộn với tình trạng giá cả leo thang, không có nền kinh tế lớn nào hiểu cách quản lý cuộc sống trước lạm phát tốt hơn Argentina.

    Người Argentina đã sống cùng lạm phát trong gần nửa thế kỷ qua. Thậm chí hiện tại, Ngân hàng Trung ương Argentina vẫn tiếp tục in tiền để bù vào khoảng trống thâm hụt tài khóa, trong khi nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế hàng tỷ USD.

    lam phat o argentina 1

    lam phat o argentina 1
    Các cửa hàng có kệ trống thường do vấn đề về chuỗi cung ứng, nhưng cũng có thể là do người dân đổ xô tích trữ hàng vì lo sợ biến động giá cả (ảnh trước). Trong khi đó, các sản phẩm nhỏ xíu đại diện cho "shrinkflation" - ý chỉ cách các công ty quản lý chi phí gia tăng bằng cách giảm kích thước gói hàng. “Ở Argentina, chúng tôi luôn nói về điều này, so sánh kích thước cùng một gói bánh quy với năm ngoái", Werning nói.

    lam phat o argentina 1
    "Bất cứ khi nào thấy hàng giảm giá, tôi sẽ mua ngay", Sara - một người bạn của Werning - nói. "Tôi đã mua đủ dầu gội trong một năm rưỡi. Miễn là không hết hạn, tôi sẽ chất thành đống".

    Werning - sống ở thủ đô cùng chồng và hai con gái - theo học ngành kinh tế trước khi trở thành một nhiếp ảnh gia.

    “Tôi từng nghĩ mình sẽ không cần sử dụng bằng đại học. Nhưng khi trở về nước, tôi dùng nó gần như mọi lúc”, cô nói.

    Khi Werning chứng kiến ​​ngày càng có nhiều quốc gia bất ngờ bị ảnh hưởng bởi lạm phát trong năm nay, cô bắt đầu chụp từng khoảnh khắc ghi lại cảnh người Argentina học cách sống chung với tình trạng tài chính không chắc chắn.

    “Phần còn lại của thế giới đang chứng kiến ​​lạm phát. Tôi cho rằng trong khái niệm kinh tế, lạm phát 10% hay 100% thì đều ra kết quả như nhau. Cơ chế bảo vệ bản thân, thay đổi thói quen tiêu dùng, mặc cả mức lương phù hợp với tình hình thực tế, tất cả đều như nhau”, cô giải thích.

    Vị nhiếp ảnh gia muốn kể câu chuyện lạm phát trong thực tế là như thế nào, ví dụ như tích trữ đồ dùng khi tìm thấy nơi bán giá tốt, luôn mang theo tiền mặt trong trường hợp thấy đồ giảm giá, hay thậm chí đổi xe hơi lấy xe đạp.

    Câu chuyện trong những bức ảnh của Werning là từ chính bạn bè và gia đình cô. “Giống như cách người Anh nói về thời tiết, chúng tôi nói về lạm phát mỗi ngày với người lạ, với bạn bè, với gia đình, khi xếp hàng ở siêu thị. Đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi”, cô nói.

    lam phat o argentina 1
    Romina - người dắt chó dạo - đã nhận thêm 2 con chó nữa để có đủ tiền tiêu xài. "Tôi không thể tiếp tục tăng giá vì như vậy sẽ mất khách", cô gái 20 tuổi nói. "Tôi biết dắt thêm chó sẽ ảnh hưởng tới lưng, nhưng tôi còn trẻ và chọn sống cho hiện tại".

    "Nghèo nhưng phải tiêu tiền mọi lúc có thể"

    Mặc dù các bức ảnh đầy màu sắc và mang vẻ vui tươi, rõ ràng nó phản ánh tình trạng bất bình đẳng và nghèo khổ.

    Cứ 10 người Argentina thì có 4 người sống dưới mức nghèo khổ. Trong thời kỳ đại dịch, ước tính 60% trẻ em sống trong cảnh nghèo đói.

    “Những gì đang xảy ra là điều tồi tệ nhất mà một xã hội có thể hứng chịu”, Werning nói. “Những người dễ bị tổn thương nhất trở nên dễ bị tổn thương hơn, và những người giàu nhất thì ngày càng giàu. Ai muốn sống trong một xã hội như vậy?”.

    Người Argentina có mối quan hệ phức tạp và độc đáo với tiền bạc. Đất nước này vận hành gần như hoàn toàn bằng tiền mặt. Hầu hết không còn tin tưởng vào ngân hàng, và cất tiền dưới đệm hoặc trong két.

    Mọi người cũng cố gắng tiêu hết tiền ngay khi nhận được.

    “Cảm giác giống như tiền đang cháy trong tay bạn”, Werning nói. "Thật kỳ lạ khi rõ ràng là bạn nghèo, nhưng bạn phải cố gắng tiêu hết tiền mọi lúc để bảo vệ bản thân trước đà lạm phát”.

    Nhiều người có mức lương cao hơn thường sẽ đổi peso (mệnh giá tiền của Argentina) sang USD, hoặc bất kỳ loại tiền nào mất giá thấp hơn peso, ngay sau khi nhận tiền. Hoạt động này gần như diễn ra ở chợ đen.

    Tỷ giá hối đoái chính thức là 147 peso sang 1 USD. Werning cho biết tỷ giá trên thị trường chợ đen trung bình là 290 peso sang 1 USD.

    lam phat o argentina 1
    Năm 2001, một peso bằng 1 USD. Vào tháng 7, cần 335 peso để đổi 1 USD. Đồng peso được bao quanh bởi các mác giá. Các sản phẩm trong cửa hàng liên tục dán đè mác giá vì doanh nghiệp thay đổi nhằm cố gắng kiểm soát theo tỷ lệ lạm phát.

    Theo Bloomberg, dự đoán tỷ giá cuối năm sẽ rơi vào mức 173 peso/USD. Tuy nhiên, vào cuối năm sau, con số này có thể đạt 310 peso đổi 1 USD.

    Tiền giấy trở nên vô giá trị đến mức trong một bức ảnh, chồng của Werning dán những tờ 10 peso lên tường, vì những tờ tiền này còn rẻ hơn cả tiền mua giấy dán tường. Trong bức ảnh khác, cô chụp tờ 1 USD có khuôn mặt của diễn viên Heath Ledger trong vai Joker. Tờ tiền này được vẽ bởi nghệ sĩ người Argentina Sergio Diaz.

    “Hình vẽ xuất phát từ ý tưởng nghệ thuật sẽ cứu thế giới, và trong trường hợp này, nghệ thuật sẽ cứu chúng ta khỏi lạm phát”, ông Diaz giải thích.

    lam phat o argentina 1
    Chồng Werning dán những tờ tiền 10 peso lên tiếng, vì làm thế này còn rẻ hơn cả tiền mua giấy dán tường. Chiếc quần bị kéo trễ, để chứng minh rằng "chúng tôi không được bảo vệ và trần trụi thế nào trước lạm phát", Werning nói.

    lam phat o argentina 1
    Việc giới nghệ thuật dùng tiền để dụng ý cho tình hình tài chính của Argentina ngày càng trở nên phổ biến. Trong ảnh là tác phẩm của nghệ sĩ Sergio Diaz.

    Werning cũng chụp Lara - 29 tuổi - làm việc trong một cửa hàng làm đẹp. Trong bức ảnh, Lara đại diện cho tổ chức công đoàn. Cô khỏa thân, khoe những hình xăm, đội mũ trùm đầu, trang điểm đậm trong khi mắt nhìn thẳng vào ống kính.

    Lương tháng của Lara là khoảng 140.000 peso (933 USD). Số tiền giấy này chất trước mặt Lara và che đi một phần ngực của cô. Bức chân dung gợi lên cảm giác quyền lực, khi các tổ chức nghiệp đoàn là bên đàm phán mức lương tăng 2 lần/năm để theo kịp đà tăng giá.

    Việc Lara khỏa thân trong bức ảnh nhằm thể hiện tính dễ bị tổn thương mà tất cả người dân Argentina đều cảm nhận.

    Werning nói đây là một lời cảnh báo cho mọi người. “Đây là cách chúng tôi cảm nhận trước lạm phát. Chúng tôi trở nên dễ bị tổn thương. Và càng dễ bị tổn thương, bạn sẽ càng chứng kiến những vấn đề tồi tệ hơn”, cô nói.

    Theo Zing

  • Lạm phát tại Anh tiếp tục lập đỉnh mới trong tháng 7 do giá thực phẩm và năng lượng leo thang. 

    Theo dữ liệu vừa được công bố bởi Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh tăng 10,1% trong tháng vừa qua. Con số thực tế cao hơn dự báo tăng 9,8% của Reuters và mức tăng 9,4% ghi nhận trong tháng 6. 

    CPI cơ bản, không bao gồm chi phí năng lượng, thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự báo 5,9%. Giá thực phẩm tăng cao đóng góp lớn nhất đà tăng của lạm phát trong tháng vừa qua, theo nội dung báo cáo của ONS.

    “Nhiều đơn vị bán lẻ khôngcó lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng giá sản phẩm. Các nhà cung cấp cũng đang phải đối diện với tình trạng chi phí nguyên liệu thô đầu vào tăng cao”, theo Kien Tan, Giám đốc khối chiến lược bán lẻ tại PwC. 

    lam phat tai anh tang manh

    Lạm phát tăng cao làm xói mòn thu nhập thực tế của người dân Anh. Trong báo cáo công bố ngày 16/8 của ONS, tiền lương thực tế của người dân Anh giảm 3% trong quý II, mức giảm mạnh nhất từng được ghi nhận. 

    Tiền lương trung bình, không bao gồm các khoản thưởng, tăng 4,7% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng chi phí sống, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân Anh gặp khó. 

    “Dữ liệu lạm phát ngày hôm nay tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào các hộ gia đình tại Anh trong bối cảnh họ đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn về mặt tài chính”, theo Dan Howe, Giám đốc đầu tư tại Janus Henderson. 

    Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trước đó dự báo lạm phát tại Anh sẽ đạt đỉnh ở ngưỡng 13,3% trong tháng 10. Cơ quan này đã 6 lần tăng lãi suất từ cuối năm 2021 trong đó có lần tăng lãi suất 0,5% đầu tháng 8, mức tăng cao nhất 27 năm qua.  

    Richard Carter, Trưởng nhóm nghiên cứu tới từ Quilter Cheviot dự báo BoE có thể tiếp tục tăng lãi suất 0,5% trong kỳ họp tháng 9 tới nhằm đương đầu với lạm phát trên đỉnh bốn thập kỷ. Ông nhận định cuộc khủng hoảng chi phí sống sẽ diễn biến xấu đi trước khi tình hình được cải thiện. 

    Theo Người Đồng Hành

  • sua cong thuc 1
    Sữa công thức được gắn khóa an toàn tại một siêu thị Tesco ở Northwich, England, vào tuần trước. Ảnh: Getty Images

    Nhiều gia đình phải dùng đến biện pháp ''ăn trộm'' những mặt hàng thiết yếu như sữa công thức trước tình trạng giá cả tăng vọt như tên lửa. Vì thế khóa an toàn đã được gắn vào một số sản phẩm thiết yếu như biện pháp phòng ngừa trộm cắp.

    Tại các siêu thị Sainsbury's ở Kent, giá một hộp sữa công thức 800g đã tăng 1.50 bảng chỉ trong 1 tuần. Mặt hàng này đã được gắn khóa an toàn. 

    Các bộ trưởng đang cảnh báo về tình trạng lạm phát leo thang ở Anh quốc, và cơn khủng hoảng chi phí đang đè nặng lên các gia đình. 

    Bà Alison Thewliss, nghị sĩ Đảng Dân tộc Scotland ở Glasgow Central, phát biểu trước Hạ viện: ''Một trong những lo ngại lớn nhất về chi phí thực phẩm là sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Sữa hiện nay rất đắt đến nỗi chúng được gắn khóa an toàn và bị giấu phía sau các quầy hàng nhằm ngăn ngừa các gia đình tìm cách đánh cắp''.

    ''Chính phủ đang làm gì để đảm bảo nguồn cung sữa công thức cho trẻ em? Với giá cả như hiện nay nhiều gia đình không thể nào mua nổi'', bà nói.

    Bộ trưởng Văn phòng Nội các Kit Malthouse trả lời rằng nguồn tài chính hỗ trợ các gia đình khó khăn hiện đang liên tục được xem xét. Ông nói: ''Chính phủ luôn cố gắng kiểm soát giá, đặc biệt ở những mặt hàng thiết yếu như sữa công thức. Hôm nay (14/7), 8 triệu hộ gia đình đã nhận được trợ cấp. Vào mùa thu họ sẽ tiếp tục nhận được một khoản trợ cấp nữa''. Ông Malthouse nói rằng 37 tỉ bảng đã được giải ngân để hỗ trợ các hộ gia đình. 

    Vào tháng trước, giá của một hộp bơ Lurpak đã tăng lên tới 7.20 bảng. Các mặt hàng như phô mai, sữa công thức, bơ đều đã được gắn khóa an toàn.

    sua cong thuc 1
    Bơ được gắn khóa an toàn. Ảnh: Getty Images

    Các bậc cha mẹ đang chật vật xoay xở để chu cấp cho gia đình. Tuần trước, giám đốc điều hành của chuỗi siêu thị Iceland cho biết đã có một sự gia tăng đáng kể nạn trộm cắp trong siêu thị, cũng như những hành vi thái quá khác. Những người vi phạm có nguy cơ bị cấm đến siêu thị. 

    YaelSelfin - nhà kinh tế trưởng tại KPMG Vương quốc Anh, cho biết: “Lạm phát gia tăng đang gây thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình, đồng thời khiến nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương Anh phức tạp hơn. Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu hơn, tăng lãi suất mạnh có thể khiến Ngân hàng Trung ương Anh không đạt được mục tiêu trung hạn”.

    Rob Morgan, nhà phân tích đầu tư chính tại Charles Stanley, nói thêm: "Rõ ràng lạm phát không còn là “nhất thời” nữa, nhưng câu hỏi không thể trả lời là lạm phát đã ăn sâu đến mức nào. Kỳ vọng lạm phát dài hạn đang tăng lên, khiến Ngân hàng Trung ương Anh có thể phải áp dụng các biện pháp thắt chặt”.

    Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát này sẽ nằm trong khoảng 9% -10% trong những tháng tới trước khi tăng vọt trở lại vào tháng 10 - đợt điều chỉnh tiếp theo đối với giá trần năng lượng. Các ước tính mới nhất của Cornwall Insight cho thấy các hộ gia đình cơ bản có thể phải trả thêm trung bình 1,000 bảng mỗi năm cho chi phí năng lượng.

    Trong bản cập nhật mới nhất, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo lạm phát sẽ lên tới 11% vào mùa thu khi họ tăng lãi suất lần thứ năm liên tiếp và báo hiệu nhiều biện pháp hà khắc khác trong tương lai.

    Viethome (theo Metro)

  • Đối mặt với điều kiện kinh tế khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ, các siêu thị của Anh đang cắt giảm phạm vi sản phẩm, tìm cách tiết kiệm chi phí.

    Bên cạnh đó, các siêu thị ở Anh rà soát, so sánh giá cả và chủng loại sản phẩm ở các cửa hàng của nhau khi họ cố gắng đi trước một bước với đối thủ.

    Giống như các nhà bán lẻ trên toàn thế giới, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị của Vương quốc Anh, bao gồm chuỗi bán lẻ hàng tạp hóa và hàng hóa tổng hợp đa quốc gia Tesco và Sainsbury's số 2 đang đứng đầu trên thị trường, đang phải vật lộn với chi phí nguồn cung tăng cao, sự thiếu hụt các sản phẩm chủ chốt và nhân công cũng như người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu.

    sieu thi anh trong bao gia

    Các siêu thị bước vào thời kỳ suy thoái sau thời gian cắt giảm chi phí vốn đã kéo dài do cạnh tranh khốc liệt, buộc họ phải tìm kiếm những phương cách mới để tiết kiệm chi phí trong khi ngày càng sử dụng nhiều dữ liệu để dự đoán phản ứng của khách hàng nhằm thay đổi kịp thời.

    "Tôi dành nhiều thời gian ở (cửa hàng) của đối thủ cạnh tranh, tất cả đội ngũ của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi liên tục xem xét những gì họ đang làm", Giám đốc điều hành Simon Roberts của Sainsbury's nói với Reuters.

    Trong khi đưa ra một số đợt tăng giá đối với khách hàng và tự thu lợi nhuận, các siêu thị đang nỗ lực hạn chế mức ảnh hưởng cho người tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu quan trọng nhất của họ như trái cây tươi và rau quả, thịt, cá và gia cầm trong bối cảnh chi phí tăng cao.

    Theo VTV

  • Theo Sky News, làn sóng bất bình của người lao động trên khắp nước Anh đang kéo theo tình trạng “đình công tập thể” trong những tháng gần đây. Nhiều người đang đòi hỏi mức lương cao hơn để đối phó với khủng hoảng lạm phát đang xảy ra.

    Mới đây, 16,000 nhân viên British Airways (BA), bao gồm tiếp viên hàng không cho đến các kỹ sư, có thể tham gia cùng các nhân viên làm thủ tục tại Sân bay Heathrow, để đi bộ đình công.

    ezgif 3 ead1d0f47b

    Những nhân viên này cáo buộc hãng hàng không đã làm tổn hại tới tinh thần và thể chất của họ sau "hai năm làm việc và bị cắt giảm lương".

    Một phát ngôn viên của công đoàn cho biết: "Ban lãnh đạo của BA giờ đây không còn có thể phớt lờ sự bất mãn đang tồn tại trong lực lượng lao động của họ, theo cách họ đã phớt lờ nhu cầu của khách hàng.”.

    Trong một cuộc bỏ phiếu, các nhân viên của BA đã giành được đa số áp đảo ủng hộ hành động đình công có thể xảy ra. Nếu không đạt được thỏa thuận với BA, công đoàn sẽ chính thức bỏ phiếu bầu các thành viên của mình. Có tới 700 nhân viên sẵn sàng đình công trong khoảng thời gian hai tuần nữa tại Heathrow.

    Thời gian đình công chưa được ấn định, nhưng công đoàn cho biết sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay. Được biết, đã có ít nhất 13,000 nhân viên của BA bị cắt giảm nhân sự. Những nhân sự còn lại thì vừa bị giảm giờ làm, vừa bị giảm lương.

    British Airways “vô cùng thất vọng”

    Ban quản lý của British Airways cho rằng người lao động đang đòi hỏi quá nhiều, họ tỏ ra thất vọng vì nhân viên đã lựa chọn thực hiện “đình công”.

    "Bất chấp việc ngành hàng không gặp khủng hoảng trầm trọng và hãng BA chịu thua lỗ hơn 4 tỷ bảng Anh, chúng tôi vẫn đưa ra lời đề nghị tăng thêm 10% lương và được đa số các đồng nghiệp khác chấp nhận. Nhưng số còn lại thì muốn nhiều hơn thế…”, đại diện của BA nói với Sky News.

    Được biết, hành động đình công có nguy cơ gây thiệt hại thêm cho BA và cả ngành hàng không nước Anh. Bởi đây có thể là tiền lệ cho hàng loạt cuộc đình công, đòi quyền lợi khác trong tương lai.

    Người phát ngôn của Thủ tướng Anh kêu gọi công đoàn và BA hãy nhanh chóng giải quyết vụ việc: "Chúng tôi không muốn thấy thêm bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hành khách và các chuyến bay tại Anh trong tương lai. Tôi không muốn đây trở thành hình ảnh xấu xí trong mắt các du khách đến nước Anh".

    Làn sóng “đình công” trải dài khắp nước Anh

    Chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt đang làm cạn kiệt túi tiền của nhiều hộ gia đình, khiến các tổ chức công đoàn yêu cầu tăng lương cao hơn cho các thành viên của họ. Trong khi đó, chính phủ Anh đã kêu gọi kiềm chế tiền lương để tránh vòng xoáy lạm phát.

    Hàng loạt cuộc đình công đã diễn ra khiến tình trạng giao thông ở Anh trở nên tê liệt. Đơn cử như vụ việc 40,000 công nhân đường sắt đình công vào thứ Ba vừa rồi, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo công đoàn, các công ty vận hành xe lửa và chính phủ phải đối mặt với yêu cầu tăng lương để theo kịp với lạm phát gia tăng và lời hứa không cắt giảm việc làm.

    Chính phủ Anh đã chỉ trích các cuộc đình công đường sắt, gọi chúng là phản tác dụng và gây thiệt hại nhiều nhất cho những người có thu nhập thấp, những người phụ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng và không thể làm việc tại nhà.

    Viethome (Theo Sky News)

  • Tuần báo The Observer đưa tin, giá xăng và dầu diesel cao kỷ lục ở Anh có thể khiến số lượng tài xế taxi giảm mạnh.

    Theo đó, do chi phí nhiên liệu tăng mạnh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chống Nga, các tài xế taxi và lái xe cá nhân của Anh buộc phải nhận thêm công việc thứ hai hoặc làm việc 6 ngày một tuần để nuôi gia đình.

    Observer lưu ý rằng, tình trạng thiếu hụt tài xế taxi trầm trọng ở London đã được ghi nhận trước đây, nhưng đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm trầm trọng thêm tình hình.

    Được biết, chi phí đổ đầy một chiếc xe với bình xăng 55 lít tiêu chuẩn ở Anh lần đầu tiên vượt mốc 100 bảng Anh (khoảng 125 USD). Việc tăng giá xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục bất chấp việc chính phủ Anh đã giảm phụ phí xăng dầu thêm 5 xu/lít cho đến tháng 3/2023.

    taxi o Anh
    Anh lo ngại tình trạng thiếu tài xế taxi do giá xăng cao kỷ lục. (Ảnh: RIA)

    Theo ghi nhận, một số người phải chi tới 350 bảng Anh (khoảng 431,1 USD) một tuần cho nhiên liệu để đến nơi làm việc. Các nhà kinh tế cho rằng, giá nhiên liệu cao kỷ lục ở Anh chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng xu hướng lạm phát. Vào tháng 4, lạm phát hàng năm ở Anh đã tăng tốc lên 9% - mức cao nhất trong 40 năm.

    Ngân hàng Trung ương Anh ước tính lạm phát ở nước này sẽ vượt quá 10% vào cuối năm nay. Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh có trụ sở tại London đã đưa ra một báo cáo cảnh báo rằng Anh có nguy cơ đối mặt với mức sống giảm mạnh nhất kể từ những năm 1950.

    Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak hôm 26/5 thông báo gói hỗ trợ cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng của chi phí năng lượng tăng, với một loại thuế tạm thời đánh vào các tập đoàn dầu lửa.

    Gói hỗ trợ của chính phủ trị giá 15 tỉ bảng Anh (19 tỉ USD). Một phần số tiền này sẽ lấy từ tiền thu thuế đặc biệt, đánh vào lợi nhuận mà các tập đoàn dầu khí như BP và Shell được hưởng lợi từ việc giá dầu khí tăng mạnh thời gian gần đây.

    Quyết định trên đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt của Thủ tướng Boris Johnson, người trước đó cho rằng động thái này sẽ ngăn cản các nỗ lực đầu tư vào năng lượng xanh của các công ty dầu khí lớn.

    Giải pháp trên được đưa ra sau khi lạm phát năm của Anh đã lên tới mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây do chi phí năng lượng tăng quá nhanh, làm thu hẹp ngân sách của hộ gia đình và khiến nhiều người rất vất vả để xoay sở đủ sống.

    “Chúng ta cần đảm bảo hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn và đối mặt nguy cơ”, Bộ trưởng Sunak nhấn mạnh.

    Ông Sunak cho biết thuế năng lượng mới sẽ đánh vào phần lợi nhuận của các công ty dầu khí, với mức thuế suất là 25%. Và thuế này sẽ chỉ mang tính tạm thời, khi giá dầu và khí đốt trở lại mức bình thường, thuế sẽ được huỷ bỏ.

    Theo Infonet

  • Mẹ tôi luôn nói “đừng có tiết kiệm quá, nhớ ăn uống đủ” nhưng tôi cũng không dám tin lời mẹ nữa vì nếu không chắt bóp, tôi sẽ chẳng thể sống sót ở London. Đám sinh viên ở London thường đùa rằng: Chỉ cần đi ra đường và thở một cái rồi về cũng tốn tiền.

    Từ hồi tháng 3, thị trưởng London đã thông báo việc tăng vé tàu và xe buýt. Vé tàu đi lại trong nội thành London đã tăng từ 2,65 bảng (3,32 USD) lên 3,2 bảng (4 USD)/lượt. Mỗi lượt đến trường đại học, tôi phải trả 6,4 bảng (8 USD), chưa kể tiền ăn nếu hôm đó lỡ không kịp mang theo đồ ăn trưa.

    Giá vé xe buýt cũng tăng so với trước. Dùng thẻ sinh viên đi lại ở London không rẻ nếu bạn không phải thường xuyên đến trường. Vé tháng đi lại trong khu vực zone 1 và 2 ở London là hơn 100 bảng (125 USD) sau khi đã giảm 30% cho sinh viên.

    london dat do 1
    Vé tàu và xe buýt - phương tiện đi lại của phần lớn sinh viên - ở London đều tăng. Ảnh: Mộc Hà.

    Không dám tới nhà hàng món Việt

    Trong các group người Việt, nhiều du học sinh chia sẻ việc tiêu 200 bảng (250 USD) mỗi tháng cho việc mua thực phẩm là điều khả thi.

    Đúng, điều đó khả thi vào 6 tháng đầu tiên khi tôi đến London. Nhưng từ sau tháng 3, mọi việc đã thay đổi. Giá mỗi thứ rau trong siêu thị đã tăng thêm 20-50 pence. Bạn sẽ không coi đó là vấn đề vì “chỉ là 50 pence thôi mà”, nhưng với những sinh viên luôn phải đau đầu đong đếm làm sao 200 bảng đủ mua thực phẩm cho 30 ngày thì đó là cả một vấn đề.

    Khoản tiền 5 bảng (6,2 USD) đi chợ mỗi ngày sẽ tăng thêm vài bảng dù bạn chỉ dám mua những thứ thiết yếu, nâng lên đặt xuống các món đồ có giá trên 2 bảng.

    So với Việt Nam, giá thực phẩm ở Anh không quá chênh lệch. Đó như một sự bù đắp cho giá nhà cao chót vót tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng điều đó đã không còn đúng nữa khi bạn nhìn thấy bảng giá ở siêu thị được thay mới hàng tuần.

    Tôi sống ở căn hộ 3 phòng ngủ tầng 4 trong một khu lao động đa sắc tộc ở phía tây bắc London, không thang máy hay bất cứ dịch vụ xa xỉ nào. Từ cửa sổ phòng ngủ, tôi vẫn nghe tiếng mấy người say xỉn cãi vã và đánh chửi nhau vào lúc 2-3h sáng. Phía sau nhà thì tiếng tàu chạy qua lại suốt ngày đêm. Mỗi tháng, số tiền nhà cộng các loại chi phí chiếm phần lớn khoản tiền mà tôi có. Phải chi tiêu rất dè sẻn nếu không rơi vào cảnh “âm” vào tuần cuối tháng.

    Cảnh “cháy túi” ở London nó như thế nào ư? Nó giống như chú gấu Paddington một mình cô đơn đứng ở ga tàu điện trong một buổi chiều mưa, lạnh và chiếc bánh mì kẹp mứt cam đã bị bọn chim ăn mất. Một người lạc quan nhất cũng khó tránh khỏi hoảng loạn.

    Khi còn sống ở Việt Nam, tôi chẳng bao giờ phải nhìn giá khi đi mua hàng ở siêu thị hay phải cân nhắc khi ăn ở một nhà hàng tầm trung giữa TP.HCM. Sống ở London 9 tháng, tôi chỉ dám đến nhà hàng (nhà hàng thực sự) một lần duy nhất vào ngày sinh nhật. Tôi chưa từng đến nhà hàng Việt Nam vì nó khá xa xỉ so với số tiền trong túi của mình. Để ăn một bữa với chất lượng tạm ổn, tôi phải tiêu ít nhất 20 bảng (25 USD), một bữa lẩu có giá 150-300 bảng (188-375 USD).

    Trong khi đó, nhà hàng Trung Quốc ở khu Chinatown có giá rẻ hơn nhiều, chỉ từ 12-15 bảng (15-21 USD) cho một bát mì vịt. Nhưng nếu không phải là dịp gặp bạn bè, tôi cũng sẽ hạn chế vào trung tâm để tiết kiệm tiền đi tàu.

    Fish and chips (cá và khoai tây chiên), loại thức ăn nhanh của người Anh cũng không còn rẻ nữa. Giờ chẳng ai còn ngẫu hứng mua một suất cá bọc trong giấy báo và ăn trên đường đi làm về.

    Giá fish and chips đã “kín đáo” tăng lên 1-2 bảng trong vài tháng vừa qua dù chủ cửa hàng than thở rằng nếu tính đủ chi phí thì nó phải tăng thêm 4 bảng.

    Một thống kê cho thấy 30% cửa hàng fish and chips trên toàn nước Anh phải đóng cửa do giá cá, dầu ăn, gia vị tăng. Nhà hàng Brazil yêu thích gần nhà tôi cũng đã gạch giá cũ và chính thức viết mức giá mới bên cạnh từ đầu tháng 6.

    Giống như một sự phản bội

    Tuy nhiên, tiền nhà mới là cơn đau đầu của những người sống ở London. Tới tháng 9 khi hết hạn hợp đồng, khoản thuê nhà có thể chiếm gần hết khoản tiền hàng tháng. Học bổng dĩ nhiên không tăng theo lạm phát như hàng hóa ở siêu thị.

    Ở London thời điểm này, mọi người chẳng lạ gì nếu nhận thông báo tăng tiền nhà từ chủ nhà. Bạn tôi sống ở khu bên cạnh trong căn hộ một phòng ngủ với giá 1.600 bảng (2.000 USD) mỗi tháng.

    london dat do 1
    Giá nhà ở London tăng vọt trong quý đầu tiên của năm nay. Ảnh: Mộc Hà.

    Hai tháng trước, chủ nhà thông báo sẽ tăng tiền nhà thêm 20% vì trượt giá. Hoàn toàn không có nỗ lực thương lượng nào và tỷ lệ lạm phát theo chính phủ là 8%.

    Nhiều người trong khu nhà đã phải chuyển ra ngoài, đặc biệt là những người vẫn đang thất nghiệp vì mất việc trong 2 năm đại dịch.

    Đôi vợ chồng bạn tôi nhận thông báo tăng 40% giá thuê nhà. Ở London thời điểm này, dịch Covid-19 dường như đã kết thúc, các rào cản đi lại được dỡ. Chủ nhà cũng không tha thiết giữ người thuê vì kể cả khi họ tăng giá lên 40%, căn nhà sẽ được lấp đầy nhanh chóng bởi người mới.

    Mọi người đều tin rằng chủ nhà đang muốn bù đắp khoản tiền nhà họ đã mất suốt 2 năm đại dịch do không thể tăng giá.

    Về mặt cảm xúc, nó giống như một sự phản bội. Những người thuê nhà đã ở lại và trả tiền nhà đều đặn trong suốt đại dịch nhưng khi thị trường khởi sắc, họ bị đẩy ra đường.

    Suốt 6 tháng qua, tôi đã không mua sắm quần áo mới, không đi du lịch, không đi nhà hàng nếu không phải dịp đặc biệt. Nhiều người trong số bạn bè tôi đang tính chuyện rời đi. Nhưng đi đâu cũng là câu hỏi đau đầu vì giá cả ở tất cả nơi có dấu chân con người đều đang tăng chóng mặt.

    Giá thực phẩm đang là mối lo ngại lớn đối với 3/4 người Anh

    Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh (FSA), chi phí thực phẩm đang là nỗi lo lớn đối với đa số người dân nước này trong khi số người cắt giảm bữa ăn hoặc cần tìm tới ngân hàng thực phẩm đã tăng vọt trong năm qua.

    Nghiên cứu của FSA cho thấy giá thực phẩm là mối quan tâm đáng kể trong ba năm tới đối với hơn ba phần tư người tiêu dùng Vương quốc Anh (76%) và số người cần tới ngân hàng thực phẩm đã tăng từ khoảng 1/10 vào tháng 3/2021, lên gần 1/6 trong tháng ba vừa qua.

    Hơn 1/5 (22%) những người được khảo sát vào tháng 3 cho biết họ cắt bỏ bữa ăn hoặc giảm khẩu phần ăn vì không đủ tiền mua thực phẩm.

    Gần 70% cho biết chi phí thực phẩm lành mạnh là mối quan tâm lớn trong tương lai, và gần 2/3 số người cho rằng nghèo đói và bất bình đẳng lương thực là mối quan tâm tương lai trong vấn đề thực phẩm ở Anh.

    Tình trạng mất an ninh lương thực phổ biến hơn ở những người có thu nhập thấp, người trẻ tuổi, những người sống trong các hộ gia đình lớn, và người châu Á, da đen, châu Phi và Caribe.

    Lạm phát ở Anh đã lên tới 9% trong tháng 4, mức cao nhất trong hơn 40 năm, với chi phí thực phẩm, năng lượng và đi lại leo thang.

    Theo số liệu của British Retail Consortium và NielsenIQ, giá cả tại các cửa hàng trong tháng 5 đã tăng ở mức nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Lạm phát lương thực tăng vọt lên 4,3% trong tháng 5, từ 3,5% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.

    Một nửa số người được khảo sát bày tỏ lo ngại về tiêu chuẩn lương thực kể từ Brexit. Đặc biệt, nhiều người lo ngại rằng những xáo trộn liên quan Brexit sẽ ngày càng làm giảm mức độ an toàn và chất lượng của thực phẩm ở Anh.

    FSA khẳng định cơ quan này đang làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo việc quyên góp sản phẩm đơn giản hết mức, đồng thời hỗ trợ những người làm việc trong ngân hàng thực phẩm cũng như những người cần sử dụng nguồn thực phẩm trong đó.

    Người đứng đầu FSA, giáo sư Susan Jebb, cho biết: “Trước áp lực tức thì đối với những người đang phải vật lộn để mua thực phẩm, các ngân hàng thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng của chúng tôi".

    “Chúng tôi đang khẩn trương làm việc với ngành công nghiệp và các nhà tài trợ lớn khác, cùng những tổ chức từ thiện của ngân hàng thực phẩm, để xem chúng ta có thể làm gì cùng nhau nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn có thể tới tay những người cần tới sự hỗ trợ này”, bà nhấn mạnh.

    Theo Zing

  • nong nghiep that thu

    Theo Daily Mail, một nửa số nhà kính của Vương quốc Anh đang bỏ trống do thiếu lao động và chi phí sưởi ấm tăng cao.

    Do đó, theo dự báo của các trang trại, sản lượng dưa chuột và ớt ngọt sẽ giảm hơn một nửa. Vì giá năng lượng tăng cao dẫn đến không thể sưởi ấm nhà kính và đã quá muộn để trồng cây mới.

    Theo ghi nhận, vào đầu năm ngoái chi phí xăng là 40 pence và hiện nay số tiền này đã tăng lên 8 bảng Anh.

    Đây chính là lý do tại sao đại diện cho các doanh nghiệp chiếm 3/4 sản lượng dưa chuột và ớt ngọt của Vương quốc Anh, cho biết các công ty đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng đáng kinh ngạc của giá cả.

    Ngoài ra, diện tích trồng các loại cây họ cải, bao gồm bông cải xanh và súp lơ trắng đã giảm 20% do tình trạng thiếu lao động. Tình trạng này được giải thích là năm ngoái hầu hết công nhân do nông dân Anh thuê đến từ Ukraine, những người đã không thể rời khỏi đất nước do hoạt động quân sự đặc biệt của Nga.

    Trước đó, hôm 23/5, người đứng đầu công ty năng lượng E.ON, Michael Lewis, cho biết vào mùa thu năm 2022, ngưỡng giá tài nguyên ở Anh có thể lên tới 3.000 bảng Anh dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu khoảng 40% đối với cư dân của đất nước.

    Theo ông Lewis, nếu chính phủ Vương quốc Anh không có bất kỳ hành động nghiêm túc nào, nước này có nguy cơ phải đối mặt với “đói nghèo về nhiên liệu”. Nếu ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ những người gặp tình trạng này là 20%, thì đến tháng 10, con số này sẽ tăng gấp đôi.

    Cùng ngày, tờ Independent đăng tải tuyên bố của Ian Wright, người đứng đầu Hiệp hội đồ uống và thực phẩm Anh, về việc người dân nước này không chuẩn bị trước tình trạng thiếu hụt và giá thực phẩm tăng cao.

    Trong khi đó, hôm 17/5, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey, nói rằng bộ phận của ông “bất lực” trước tình trạng lạm phát mà theo ông, nguyên nhân là do các hạn chế áp đặt đối với Moscow.

    Một ngày trước đó, Bộ trưởng phụ trách về bảo vệ thuộc Bộ Nội vụ Anh Rachel Maclean nói rằng nếu người Anh đang gặp khó khăn vì chi phí sinh hoạt tăng cao, họ nên chuyển sang một công việc được trả lương cao hơn hoặc làm việc nhiều hơn.

    Theo một cuộc khảo sát của Daily Mirror, hơn một nửa số người Anh sẽ không thể thanh toán hóa đơn trong tương lai gần, trong khi hơn 5 triệu người dân nước này buộc phải lựa chọn giữa sưởi ấm và thực phẩm. Theo ghi nhận, một số gia đình từ chối mua những thứ không cần thiết hoặc hủy bỏ các ngày lễ.

    Infonet (theo Independent)

  • Theo Guardian, giá điện tăng đã buộc nhiều gia đình Anh phải “sử dụng” các nhà hàng thức ăn nhanh làm nhà bếp, phòng tắm và phòng khách.

    “Mọi người mua cho con cái họ một bữa ăn với giá vài pound và hâm nóng bên trong cửa hàng McDonald’s. Sau đó, họ tắm rửa, đánh răng trong bồn rửa và xem truyền hình hàng giờ qua Wi-Fi miễn phí”, đại diện một ngân hàng giấu tên cho biết.

    Theo đó, cuộc sống của người Anh đang trở nên trầm trọng hơn do lạm phát hoành hành. “Các bậc cha mẹ hãy đưa con cái đến các trung tâm giải trí để vệ sinh cá nhân”, người này chia sẻ.

    Đại diện ngân hàng trên nhấn mạnh, nhóm của họ đã cố gắng thuyết phục người dân không đốt đồ đạc hoặc pallet gỗ để giữ ấm, vì sợ mọi người sẽ phóng hỏa gây cháy nhà.

    lam phat nang ne o anh

    Đầu tháng 5, Hiệp hội Bán lẻ Vương quốc Anh (BRC) công bố số liệu cho thấy, nước này đang đối mặt với tình trạng “bão giá”, khi giá cả các mặt hàng trong tháng 4 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu tỷ lệ lạm phát lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 9/2011.

    Theo BRC, lạm phát phi thực phẩm trong tháng 4 đã tăng 2,2% - mức cao nhất kể từ khi Anh bắt đầu thống kê số liệu này vào năm 2006. Trong khi đó, lạm phát thực phẩm tăng 3,5% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2013.

    Giám đốc điều hành BRC, bà Helen Dickinson, cho biết nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng tại Anh tăng “phi mã” là do tác động của giá năng lượng tăng và cuộc xung đột ở Ukraine.

    Bà Dickinson cho hay, giá thực phẩm toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục, tăng tới 13% riêng trong tháng 4, thậm chí giá dầu ăn và ngũ cốc còn cao hơn.

    Theo Reuters, lạm phát ở Anh đã tăng lên mức chưa từng thấy trong năm qua, tương tự hầu hết các nền kinh tế phát triển khác khi giá năng lượng tăng và thách thức về chuỗi cung ứng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

    Mặc dù Chính phủ Anh đã thông báo giảm thuế nhiên liệu 0,05 bảng Anh/lít trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 24/3, nhằm giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình, nhưng lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại.

    Cụ thể, chi phí vận tải ghi nhận mức tăng lớn nhất (13,4%), tiếp theo là đồ nội thất và dịch vụ gia đình (10,3%), quần áo và giày dép (9,8%), nhà ở và tiện ích (7,7%), thực phẩm và đồ uống không cồn (5,9%).

    Giá cả tăng cao đang gây ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân, nhất là lao động nghèo. Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy, mức tăng lương trung bình thời gian qua không theo kịp tốc độ lạm phát.

    Do đó, Chính phủ Anh đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 9,1 tỉ bảng Anh giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát tăng cao sẽ vẫn làm giảm thu nhập của các hộ gia đình mạnh hơn mức dự kiến. Theo đó, thu nhập thực tế của các hộ gia đình sẽ giảm 2,5% trong năm 2022 và không tăng trong năm 2023.

    Trước đó, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh cao nhất trong 40 năm vào khoảng 8,7% trong quý IV/2022.

    Theo Infonet

  • Lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 40 năm khi cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ngày càng trầm trọng. Tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt lên 9% vào tháng trước - mức cao nhất kể từ năm 1982.

    Dữ liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố cho thấy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng mạnh trong tháng 4, gần 3/4 mức tăng là do trần giá năng lượng tăng 54% vào đầu tháng. Giá xăng và dầu diesel cao kỷ lục là yếu tố lớn khác.

    22livingcostLạm phát hiện ở mức cao nhất kể từ năm 1982

    Những mặt hàng tăng mạnh trong 1 năm tính đến tháng 4 là:

    • Khí tự nhiên - 95.5%
    • Điện - 53.5%
    • Nhiên liệu động cơ - 31.4%
    • Nội thất và bảo trì - 10.7%
    • Nhà hàng và khách sạn - 8%
    • Thức ăn và đồ uống không cồn - 6.7%

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt mức 7% trong tháng 3 khi những tác động của cuộc chiến ở Ukraine thể hiện qua các yếu tố như dự báo nhiên liệu. Nguyên nhân lạm phát hiện cũng xuất phát từ việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch, khiến cầu vượt xa nguồn cung trên toàn thế giới.

    Nhà kinh tế trưởng Grant Fitzner của ONS cho biết: "Lạm phát tăng mạnh trong tháng 4, do giá điện và khí đốt tăng mạnh khi trần giá mới có hiệu lực. Khoảng 3/4 chi phí tăng trong tháng này đến từ hóa đơn điện nước".

    "Giá kim loại, hóa chất và dầu thô, cùng với giá hàng hóa cũng tăng mạnh. Nguyên nhân của xu hướng này là chi phí gia tăng đối với các sản phẩm thực phẩm, thiết bị vận tải và kim loại, máy móc và thiết bị”.

    Giá sản phẩm tại nhà máy là chỉ báo mạnh về lạm phát. Theo đó, giá nhiên liệu đã đạt kỷ lục mới - ở mức 167.64p một lít đối với xăng và 180.88p cho dầu diesel.

    AA cho biết kế hoạch cắt giảm thuế nhiên liệu của thủ tướng bị xóa sổ trong 55 ngày. Chi phí gas và điện tiếp tục là mối lo chính.

    Các hộ gia đình ở Anh đã tránh được điều tồi tệ nhất do chi phí khí đốt bán buôn tăng vọt, lần đầu tiên được ghi nhận vào mùa hè năm ngoái, bởi cơ chế giới hạn giá. Cơ chế này chỉ được điều chỉnh hai lần một năm - mặc dù điều đó sẽ sớm thay đổi.

    Chi phí trung bình hàng năm cho khí đốt và điện dưới mức giới hạn tăng từ 693 bảng vào ngày 1/4 lên 1,971 bảng. Con số được dự báo sẽ đạt mức gần 2,600 bảng ở lần điều chỉnh tiếp theo vào tháng 10.

    Ngân hàng Trung ương England đã đưa ra dự báo cập nhật vào đầu tháng này rằng lạm phát sẽ lên đến 10% vào cuối năm nay - với giá lương thực có thể tăng cao hơn do nguồn cung quan trọng như lúa mì bị kẹt ở Ukraine.

    Ngân hàng cũng cảnh báo căng thẳng chính trị có thể dẫn đến suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ủy ban thiết lập tỷ giá được cho là sẽ nâng lãi suất Ngân hàng vào tháng 6 lên 1.25%.

    Đây sẽ là lần tăng thứ năm liên tiếp để giải quyết lạm phát, với lo ngại việc tăng lương để bắt kịp với tốc độ lạm phát sẽ khiến lạm phát trở nên trầm trọng hơn trong tương lai.

    Bức tranh thảm khốc về chi phí sinh hoạt đã khiến thủ tướng chịu áp lực lớn trong việc cung cấp các biện pháp cứu trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

    Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nói: “Các quốc gia trên thế giới đang phải đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng. Con số lạm phát được thúc đẩy bởi mức tăng trần giá năng lượng trong tháng Tư, và giá năng lượng toàn cầu. Chúng ta không thể bảo vệ hoàn toàn mọi người khỏi những thách thức toàn cầu nhưng đang cung cấp hỗ trợ lớn nhất có thể và sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo”.

    “Chúng tôi đang tiết kiệm cho người lao động trung bình 330 bảng mỗi năm thông qua việc giảm thuế National Insurance, thay đổi Universal Credit, giúp đem lại cho hơn một triệu gia đình khoảng 1,000 bảng mỗi năm. Chúng tôi cũng cung cấp cho hàng triệu gia đình 350 bảng mỗi năm để thanh toán hóa đơn năng lượng".

    Các nhóm doanh nghiệp, đảng đối lập và công đoàn đã phản ứng dữ dội và yêu cầu Bộ Tài chính hành động khẩn cấp khi tốc độ lạm phát ngày càng gia tăng.

    Ông Rain Newton-Smith - nhà kinh tế trưởng của CBI, cho biết: "Điều quan trọng là chính phủ phải khám phá các lựa chọn để giúp những người đang gặp khó khăn và hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp dễ bị tổn thương".

    Tổ chức Nghị quyết - chuyên tư vấn về mức sống - tuyên bố lạm phát đối với các hộ gia đình khó khăn đã vượt 10% khi họ phải chi tiêu nhiều hơn cho năng lượng.

    Jack Leslie - chuyên gia kinh tế cấp cao của tổ chức, cho biết: "Áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục gia tăng do tác động của giá năng lượng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không ai biết những áp lực này sẽ kéo dài bao lâu, hoặc người lao động sẽ phản ứng như thế nào thông qua việc yêu cầu tăng lương, đó là lý do ngân hàng phải đối mặt với phán quyết khó khăn về tốc độ và quy mô của việc tăng lãi suất. Nhưng có một điều chắc chắn - chính phủ phải cung cấp hỗ trợ có mục tiêu hơn nữa cho những gia đình có thu nhập thấp vào giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng này”.

    Viethome (Theo Sky News)