• The Sun đưa tin, các nhà tang lễ ở Anh đã bắt đầu cho thuê quan tài, để cắt giảm chi phí cho gia đình.

    Theo ấn phẩm này, các gia đình khó khăn chỉ có thể trả tiền cho quan tài bằng gỗ hoặc bìa cứng có thể tháo rời. Chúng được đặt trong một quan tài mẫu sau đó được đưa đi, điều này có thể giúp các gia đình người Anh đang gặp khó khăn cắt giảm chi phí trong bối cảnh giá năng lượng và nhiên liệu ngày càng tăng.

    “Giá thuê quan tài sẽ vào khoảng 250 bảng Anh. Trong khi, quan tài mới có giá trung bình là 750 bảng Anh”, các nhà tang lễ cho biết. “Nếu chúng tôi cho thuê đồ cho các sự kiện khác, chẳng hạn như đám cưới, vậy thì tại sao không làm điều tương tự cho đám tang?”, Sophia Campbell, Giám đốc điều hành của công ty mai táng chia sẻ với The Sun.

    thue quan tai

    Những chiếc quan tài đã thuê chỉ được cung cấp dịch vụ trong thời gian diễn ra buổi lễ. Sau khi kết thúc, thi thể cùng với phần bên trong có thể tháo rời của quan tài được đưa ra ngoài, sau đó hỏa táng hoặc chuyển đi chôn cất trong quan tài bằng bìa cứng.

    Sophia Campbell cho biết, dịch vụ này làm cho những chiếc quan tài đắt tiền phù hợp túi tiền của những gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, những người khác trong ngành tin rằng, việc cho thuê quan tài là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế đang “trở thành một vấn đề nguy hiểm” và cuối cùng sẽ dẫn đến sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần vốn đã phổ biến trong xã hội Anh.

    “Thị trường cho thuê quan tài tiết kiệm cho các gia đình hàng nghìn bảng Anh, nhưng thật đáng buồn khi họ phải chấp nhận thực tế là người thân của họ không thể nằm trong một chiếc quan tài bình thường”, một giám đốc nhà tang lễ ở Anh nói với The Sun.

    Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow.

    Các biện pháp hạn chế chủ yếu nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và việc cung cấp các sản phẩm công nghệ cao, ở châu Âu các lời kêu gọi ngày càng lớn hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, tất cả những điều này đã trở thành vấn đề kinh tế đối với các nước phương Tây, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh.

    Ở Anh, giá khí đốt đã tăng mạnh trong thời gian qua. Theo các cuộc thăm dò dư luận, người dân nước này phải giảm chi tiêu một cách nghiêm túc: “hơn một nửa số người được hỏi chi tiêu tiết kiệm cho các mặt hàng không thiết yếu, khoảng 1/3 cho khí đốt hoặc điện, và khoảng 1/3 cho thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu”.

    Theo dữ liệu chính thức, tỉ lệ lạm phát hằng năm ở Anh đã tăng từ mức 6,2% hồi tháng 2 lên 7% trong tháng 3 - mức cao nhất kể từ tháng 3/1992 và cao hơn dự báo của hầu hết các nhà kinh tế.

    Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh cao nhất trong 40 năm vào khoảng 8,7% trong quý IV/2022.

    Ông Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Kinh tế học vĩ mô Pantheon (Anh), dự báo lạm phát sẽ đạt 8,8% vào tháng 4 khi chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình tăng vọt nhưng sau đó giảm dưới mức mục tiêu 2% đề ra của Ngân hàng Trung ương Anh trong nửa cuối năm tới.

    Infonet (theo The Sun)

  • Giá thực phẩm, năng lượng và các hàng hóa khác liên tục tăng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga đang buộc người Anh phải mua thực phẩm và nhu yếu phẩm để sử dụng trong tương lai.

    Daily Telegraph trích dẫn dữ liệu từ một nghiên cứu được thực hiện bởi Barclaycard lưu ý rằng hầu hết người Anh thường mua mì ống, đồ hộp, trà, cà phê, sản phẩm tẩy rửa, giấy vệ sinh, cũng như thuốc, đặc biệt là paracetamol. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng, nhiều người lái xe đang cố gắng ít sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hơn.

    Trước đó, hôm 11/4, có thông tin cho rằng Vương quốc Anh có nguy cơ đối mặt với mức sống sụt giảm tồi tệ nhất kể từ những năm 1950 do các lệnh trừng phạt chống Nga khiến giá năng lượng tăng cao.

    nguoi anh tich tru thuc pham
    Người Anh bắt đầu tích trữ lương thực do giá cả tăng cao. (Ảnh: Global Look Press)

    Các chuyên gia dự đoán thu nhập của người Anh trong năm sẽ giảm 3% (so với năm ngoái) do giá điện cao hơn, giá nhiên liệu kỷ lục và lạm phát gia tăng.

    Hôm 3/4, cũng có thông tin cho rằng tại Anh, giá thực phẩm đang tăng chóng mặt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, giá rau và trái cây đã tăng 30%, dầu thực vật tăng 70%.

    Ở Anh, trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2022, tỷ lệ lạm phát là 6,2%. “Mức sống ở Anh đang tăng giá với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Đến cuối năm nay, mức tăng giá sinh hoạt có thể được tính bằng hai con số”, BBC cho biết.

    Theo chuyên gia lương thực Ged Futter, lạm phát thực phẩm có thể vượt quá 15% và những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến việc tăng giá cao một cách đáng sợ. Một trong những nguyên nhân của điều này là do giá nhiên liệu tăng, tác động đến nguồn cung nông sản.

    Mới đây, Cơ quan quản lý năng lượng Anh (Ofgem) đã chính thức cho phép tăng 50% hóa đơn của các hộ gia đình. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ phải chi nhiều hơn 620 bảng Anh cho tiền điện vào năm 2022 so với năm 2021.

    Giáo sư Ibragim Ramazanov đến từ Khoa chính sách thương mại của Đại học Kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Prime rằng, viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng trở nên hiện thực và không ai được hưởng lợi từ nó.

    Theo ông Ramazanov, cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra do đứt gãy những mối liên hệ kinh tế và hậu cần liên quan đến nguyên liệu thực phẩm và phân bón, do sự thiếu hụt và giá cả năng lượng ngày càng tăng.

    Ông Ramazanov nhắc lại rằng Nga là một trong những nước xuất khẩu chính các loại nguyên liệu thô để sản xuất ngũ cốc, phân bón, năng lượng và trong điều kiện hiện tại của nước này không thể bù đắp được sự thiếu hụt lương thực dự kiến sẽ xảy ra trên thế giới.

    Đồng thời, chuyên gia này cho hay, hiện không có nguồn cung cấp nào có thể hoàn toàn thay thế Nga trên thị trường thực phẩm, phân bón và năng lượng thế giới. Mặc dù thực tế ngoài Nga còn có những nguồn cung cấp ngũ cốc khác cho thị trường thế giới như Canada, Mỹ, Pháp, Australia, Ukraine, Argentina, Romania và một số quốc gia khác, nhưng ông Ramazanov dự đoán sản lượng nguyên liệu thô ở các nước này cũng giảm sút do thiếu hụt và tăng giá phân bón, năng lượng và dịch vụ hậu cần.

    Cũng theo giáo sư người Nga, không có điều kiện tiên quyết nào đảm bảo một số nước xuất khẩu lương thực nào đó có thể thắng thế trong tình hình hiện nay.

    Theo Infonet

  • Một thiếu niên 14 tuổi đã được đưa đến bệnh viện do “ngất xỉu vì đói” khi đang xếp hàng trong một ngân hàng thực phẩm ở London.

    Cậu bé được cho là đã nói với nhân viên tại Earlsfield Foodbank ở tây nam London rằng mình “đã lâu không ăn” và “tủ bếp ở nhà không còn đồ ăn”.

    Viết về vụ việc trên Twitter, chủ ngân hàng thực phẩm cho biết: “Hôm nay tại ngân hàng thực phẩm, một xe cấp cứu đã được gọi đến để đưa cậu bé 14 tuổi bị ngất và đập đầu xuống đất. Cậu bé đã lâu không ăn. Tủ bếp ở nhà thì trống rỗng. Sự khó khăn và đau khổ mà chúng tôi đang ghi nhận là cực kỳ nghiêm trọng, mỗi tuần càng trở nên tồi tệ hơn".

    2foodbankSố lượng người phải nhờ cậy ngân hàng thực phẩm đã tăng nhanh kể từ đầu đại dịch

    Các ngân hàng thực phẩm và tổ chức từ thiện đã cảnh báo về tình trạng nghèo đói trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng.

    Theo tổ chức Trussell, 2.5 triệu gói thực phẩm khẩn cấp đã được cung cấp trên khắp Vương quốc Anh vào năm ngoái - trong đó khoảng một triệu người nhận là trẻ em.

    Chủ ngân hàng thực phẩm nói: “Mọi người đã phải đưa ra quyết định hy sinh trong mùa đông này - ăn no hoặc sưởi ấm, cắt giảm mọi bữa ăn khác. Chúng tôi đã thấy trẻ em ngủ trong áo khoác, những người đến với chúng tôi chết đói theo đúng nghĩa đen, và được hỗ trợ rất ít. Họ đang cùng đường. Chúng tôi vô cùng lo lắng về những gì xảy ra tiếp theo. Họ là những người sở hữu ít nhất và đang chịu đau khổ nhất. Sao chúng ta có thể chịu đựng được điều này?”

    Số lượng người nhận giúp đỡ từ các ngân hàng thực phẩm trên khắp Thủ đô đã gia tăng kể từ khi đại dịch xảy ra. Từ năm 2020 đến năm 2021, hơn 420,000 người đã sử dụng ngân hàng thực phẩm chỉ riêng ở London - tăng gần 200,000 người so với năm trước.

    Sau sự việc, chủ ngân hàng thực phẩm cho biết thêm: “Rất nhiều người đã hỏi họ có thể giúp đỡ như thế nào. Hãy viết thư cho nghị sĩ của bạn để yêu cầu họ giải quyết nguyên nhân gây ra tình hình hiện tại. Tổ chức IFAN UK đã tạo ra một bức thư mẫu tại https://www.foodaidnetwork.org.uk/write-to-your-mp”.

    Dòng tweet nhanh chóng lan truyền, thu hút gần 42,000 lượt thích và 11,000 lượt retweet. Cuối cùng, cô ấy nói thêm rằng cậu bé “ổn”, hiện đang ở nhà và học tốt.

    Viethome (Theo Metro)

  • Dù là nước giàu nhưng hàng triệu người nghèo tại Anh đang kêu cứu vì thiếu lương thực.

    Vào một ngày đẹp trời tháng 2/2022 tại vùng West End-Newcastle, một hàng dài người xếp hàng ở ngã tư Benwell Grove và West Road. Những người này không xếp hàng để tiêm vaccine Covid-19, cũng chẳng phải để xin việc hay mua sắm giảm giá, họ xếp hàng để xin lương thực viện trợ từ ngân hàng thực phẩm cho người nghèo (Food Bank).

    Trên thực tế, dòng người này đã từng được quay phim từ năm 2015 với tác phẩm "I, Daniel Blake", một bộ điện ảnh chỉ trích sự tàn nhẫn và thất bại của hệ thống an sinh xã hội Anh. Dòng người đó vẫn xếp hàng đều đặn 2 lần mỗi tuần trong suốt những năm qua kể từ khi bộ phim trên được phát hành vào năm 2016.

    ngan hang thuc pham new castle

    Khi tác phẩm đó được công chiếu, ngân hàng thực phẩm cho người nghèo chi nhánh Newcastle West End được điều hành bởi The Trussel Trust chỉ có 2 chi nhánh thì giờ đây chúng đã phải mở rộng lên 7 địa điểm. Nguyên nhân thì ai cũng biết, ngày càng nhiều người Anh rơi vào cảnh thiếu lương thực vì đại dịch, lạm phát và bất ổn địa chính trị khiến giá nhiên liệu phi mã.

    Phóng viên của tờ The Big Issue đã có cuộc tác nghiệp một ngày hoạt động của ngân hàng thực phẩm cho người nghèo này. Họ có một nhóm 8 người tình nguyện viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng để xếp thực phẩm và phân loại. Khoảng 10 phút trước giờ mở cửa, nhóm này tụ tập thành vòng tròn để nghe người quản lý Carole Rowland nhắc nhở: "Hãy nhớ một điều qua trọng rằng áp lực đói nghèo hiện nay đang rất lớn và chúng ta cần chú ý cao độ. Người dân đang tuyệt vọng và hãy chú ý cách cư xử"

    Lời nhắc nhở của Rowland hoàn toàn đúng khi chi phí sinh hoạt tại Anh đã tăng mạnh vài tháng qua với tốc độ tên lửa, đẩy vô số người vào cảnh đói ăn. Trong tháng 1/2022, khảo sát của tổ chức Food Foundation cho thấy khoảng 1 triệu người lớn tại Anh đã phải nhịn đói qua ngày vì không đủ tiền mua lương thực.

    "Tôi thực sự lo lắng cho sức khoẻ tinh thần của người dân, thế rồi lòng tự trọng của họ, rồi đến mạng sống của nhiều người trong giai đoạn khó khăn này", quản lý Rowland than thở.

    Tình hình tại Anh đang tồi tệ thấy rõ nếu nhìn vào 2.200 chi nhánh ngân hàng lương thực cho người nghèo trên toàn quốc. Tất cả mọi người đều lo sợ khi giá cả sẽ còn tăng tiếp vào tháng 4 tới đây.

    Dòng người xếp hàng tại Newcastle West End Foodbank

    10h sáng: Dòng người xếp hàng dài

    Dòng người bắt đầu xếp hàng vào nhận phiếu tại bàn khi Rowland và phóng viên của The Big Issue ngồi gần đó. Những viên kẹo chocolate được đựng trong hộp phát cho lũ trẻ để động viên chúng trong mùa đông lạnh giá.

    Tại thời điểm này, Rowland bắt đầu kể về lịch sử hình thành của họ. Theo đó, khu vực Newcastle Central vốn là nơi có tỷ lệ trẻ em nghèo đói cao nhất miền Tây Bắc Anh. Khoảng 50% số trẻ em tại đây sống trong cảnh nghèo đói và 14% số hộ gia đình đang phải sống ở dưới đáy xã hội.

    Theo Rowland, tình hình đói nghèo tại đây chẳng cải thiện gì suốt bao năm qua bởi ngân hàng lương thực cho người nghèo chi nhánh này đã mở từ năm 2013 nhưng số người nghèo đến xin giúp đỡ chưa bao giờ giảm.

    Thậm chí kể từ năm 2017, số người cần trợ giúp lương thực còn tăng mạnh hơn nữa. Đến trước đại dịch, số người xin hỗ trợ lương thực tại các chi nhánh của mạng lưới này đã đạt 42.000 người và tiếp tục tăng lên 52.000 tính đến thời điểm hiện tại.

    Trong 5 năm qua, nhu cầu nhờ hỗ trợ với mạng lưới ngân hàng lương thực của The Trussel Trust đã tăng 5 lần. Giai đoạn tháng 4/2020-4/2021, tổ chức này đã gửi 2,5 triệu hộp nhu yếu phẩm ra toàn quốc với khoảng 1 triệu hộp là nhắm đến những trẻ em nghèo.

    Cái nghèo và đói thậm chí còn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nghiện ngập hay gặp vấn đề về tâm lý.

    "Kể từ khi trở thành tình nguyện viên 4 năm trước đây, tôi đã chứng kiến nhiều người ra đi vì tự sát, bị ung thư hay vì nghiện ngập", cô Rowland buồn bã nói.

    11h sáng: "Chẳng có gì theo kịp nổi lạm phát"

    Giữa câu chuyện bỏ dở, Rowland được gọi đến để giải quyết 1 trường hợp bé gái muốn xin hỗ trợ tiền đi xe buýt đến trường. Trên thực tế, tổ chức của Rowland không chỉ phân phát thực phẩm mà còn giải quyết vô số những lời kêu cứu của người nghèo. Có người thì mất thu nhập, người thì mất nhà không có chỗ ở hay người nhập cư không nói được tiếng Anh. Tất cả tạo nên thế giới riêng của những người sống dưới đáy xã hội trong nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

    Vậy nhưng chính phủ thì chẳng quan tâm lắm đến tầng lớp nghèo. Trong giai đoạn 2010-2019, ngân sách cho những tổ chức từ thiện đã bị cắt giảm 16 tỷ Bảng. Khoảng 1.000 trung tâm hỗ trợ trẻ em nghèo đã phải đóng cửa trong khi 940 trung tâm khác đang lay lắt vì thiếu kinh phí.

    "Mọi người vẫn nói về một xã hội phồn thịnh ở Anh. Nghe hay đấy, nhưng những tổ chức từ thiện như chúng tôi thì vẫn cần thêm tiền và nguồn lực để giúp đỡ người nghèo", cô Rowland mỉa mai.

    "Có quá nhiều người cần được giúp đỡ. Giờ chẳng có thứ gì theo kịp nổi đà tăng lạm phát nữa. Tôi đã phải chứng kiến một cặp vợ chồng già ngồi ôm nhau khóc vì khó sống nổi với chi phí hiện nay. Họ phải ngồi trong bóng tối với cái lạnh bởi không dám bật máy sưởi do tiền phí quá đắt", cô Rowland nghẹn ngào.

    *Nguồn: The Big Issue

  • Ngay cả vào sáng Chủ Nhật, hộp thư đến của nghị sĩ Robert Halfon vẫn đầy ắp những tin nhắn tuyệt vọng từ các gia đình lao động khó khăn.

    Ngồi trước máy tính xách tay của mình, thành viên Đảng bảo thủ đại diện cho thị trấn Harlow, Essex, thừa nhận: “Người dân đang thực sự rất sợ hãi. Mọi người đang bị chôn vùi dưới một núi hóa đơn. Họ vô cùng lo lắng. Tôi chưa từng thấy điều tương tự trong thời gian là nghị sĩ - kể cả trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng. Nếu bây giờ chúng ta không làm điều gì đó, tôi nghĩ nhiều người sẽ thực sự lâm vào đường cùng”.

    26oilNghị sỹ Robert Halfon

    Ông Robert đã đại diện cho thị trấn ở Essex trong suốt 12 năm qua. Harlow vốn là nơi sinh sống của tầng lớp lao động da trắng, với sáu trong số mười người chỉ còn ít hơn 125 bảng vào cuối tháng.

    Trừ khi ông Rishi Sunak giúp họ trong kế hoạch ngân sách mùa xuân vào thứ Tư 23/3, 125 bảng đó sẽ bị nuốt chửng bởi chi phí sinh hoạt gia tăng.

    Trên khắp Anh quốc, hàng triệu người tuyệt vọng ở hàng nghìn thị trấn như Harlow đang cầu nguyện Chính phủ cho họ được thở phào trong cơn “bão” giá.

    Là nơi sinh sống của 90,000 người, thị trấn Harlow là trung tâm chính trị của Anh. Nơi đây phản ánh xu hướng bỏ phiếu trên toàn quốc trong thời điểm bầu cử và luôn có một nghị sĩ từ đảng cầm quyền.

    Mức lương trung bình của những người lao động toàn thời gian ở Harlow là 25,000 bảng một năm. Gần một phần ba số hộ gia đình (29%) kiếm được ít hơn 20,000 bảng.

    Vì vậy, việc giá cả tăng cao - trong đó dầu diesel lên tới 1.80 bảng một lít trong thị trấn, đã có tác động nặng nề. Đó là trước khi Chính phủ tăng thuế National Insurance 1.25% điểm phần trăm. Giá trần năng lượng tăng trong tháng tới cũng đẩy các hóa đơn lên khoảng 2,000 bảng một năm. Ngoài ra, chi phí thực phẩm và các dịch vụ như điện thoại và mạng internet dự kiến ​​sẽ sớm tăng khoảng 8%.

    Người dân Harlow cho biết giá cả đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Họ đang hy vọng bộ trưởng tài chính sẽ giúp đỡ bằng cách cắt giảm thuế nhiên liệu.

    50 nghị sĩ đã kêu gọi ông Sunak cắt giảm thuế nhiên liệu 5 phần trăm một lít vào thứ Tư, khi giá xăng ở mức cao kỷ lục có thể mang lại cho bộ Tài chính 1.9 tỷ bảng. Tuy nhiên, bộ trưởng đã từ chối yêu cầu này và thừa nhận mọi thứ "sẽ không dễ dàng".

    Bà Julie Myers - 56 tuổi, đang ở trung tâm thị trấn Harlow để mua đồ ăn giá rẻ cho quán cà phê của mình.

    Bà Julie nói: “Tôi dành nhiều thời gian mua sắm hơn để tìm được nguyên liệu rẻ nhất, để khách hàng không phải trả thêm tiền cho bữa ăn của họ và tôi không thể mất bất kỳ khách nào. Giá thực phẩm đã tăng khoảng 20% ​​trong vài tuần qua, khiến việc kiếm lời trở nên khó khăn hơn nhiều”.

    Ông Tony - 54 tuổi, chồng bà Julie, là nhân viên chăm sóc khách hàng trên một công trường xây dựng ở Chelmsford.

    Ông Tony nói: “Chi phí nhiên liệu tăng cao khiến việc đi làm hàng tuần trở nên đắt đỏ, thêm vào đó, tôi phải chở Julie đi mua sắm. Tiền để đổ xăng của tôi đã tăng từ 85 bảng lên 105 bảng chỉ trong vài tuần”.

    Ông Tony đang ủng hộ chiến dịch của ông Halfon nhằm kêu gọi bộ trưởng tài chính cắt giảm thuế nhiên liệu trong tuần này. Mức thuế đã bị đóng băng ở 57.95p một lít kể từ năm 2011.

    Nghị sỹ Halfon nói: “Năm nào tôi cũng vận động cắt giảm thuế nhiên liệu, nhưng lần này chúng tôi cần cắt giảm lớn vì đây là những người dân lao động chăm chỉ nhưng lại không đủ tiền nuôi sống gia đình”.

    Bà Michelle Nicholls - 47 tuổi, kiếm được 8,000 bảng mỗi năm từ công việc dọn dẹp, không biết gia đình mình sẽ phải xoay như thế nào trong thời gian tới.

    Bà Michelle nói: “Chúng tôi không còn tiền để đi chơi hay giải trí. Số tiền đó cũng bị tiêu hết. Tôi biết họ không có cây tiền ở phố Downing nhưng hy vọng chính phủ có thể giúp chúng tôi”.

    Michelle và chồng là ông Wilf - một tài xế giao hàng với thu nhập 25,000 bảng một năm, đã ngừng các chuyến du lịch và đi chơi đêm sau khi chi phí hàng tuần của họ tăng từ 80 bảng lên 119 bảng.

    Hai vợ chồng cũng đang cân nhắc không cho cậu con trai 13 tuổi đi dã ngoại ở trường. Lớp học khiêu vũ của Michelle có thể sẽ là thứ tiếp theo bị cắt giảm.

    26oilBà Brenda Morton và cháu trai Sam Claydon - 24 tuổi, phải đi bộ gần 1 giờ để mua thức ăn

    Bà Brenda Morton - 72 tuổi, là người chăm sóc toàn thời gian cho cháu trai Sam Claydon, 24 tuổi, ở Harlow. 

    Bà Morton nói: “Sam cần được chăm sóc đặc biệt và tôi nhận thấy chi phí nhiên liệu tăng cao là một vấn đề lớn. Để tiết kiệm tiền, tôi cố gắng đi bộ với Sam bất cứ khi nào có thể, nhưng 45 phút đi bộ vào thị trấn để mua thức ăn là quá dài đối với tôi”. Bà Morton hiện ít ra ngoài hơn để giữ sức khỏe nhằm trang trải các hóa đơn.

    Chi nhánh Tư vấn Công dân của Harlow đã ghi nhận số người cần trợ giúp vì nợ hóa đơn năng lượng tăng 127% kể từ năm ngoái.

    Theo Laura Ciftci - hiệu trưởng tại Học viện Tiểu học Jerounds của thị trấn, số học sinh đủ điều kiện nhận bữa ăn miễn phí tại trường cũng đã tăng lên đều đặn.

    Siobhan Dean - trợ lý hỗ trợ học tập tại trường, có mức lương 1,000 bảng một tháng sau thuế. Chị đã ngừng sử dụng xe hơi. Chồng chị - một thợ bảo trì tòa nhà xây dựng, đã tình nguyện cắt 20% lương trong thời gian đại dịch. Gia đình với ba đứa con hiện đang gặp khó khăn.

    Siobhan nói: “Sẽ đến lúc những người như tôi bắt đầu bán mọi thứ. Chúng tôi đang thấy các gia đình phải lựa chọn giữa sưởi ấm hay cho con ăn”.

    Chị Siobhan tin Chính phủ nên buộc các công ty năng lượng và dầu mỏ tiết kiệm một số lợi nhuận khi thích hợp để bình ổn vào những thời điểm như hiện tại.

    Cabbie Martin Davies đã là tài xế taxi ở Harlow được 15 năm. Với giá dầu diesel 1,80 bảng một lít, anh cần kiếm được 550 bảng một tuần để hòa vốn sau khi trả cho đại lý và chi phí thuê xe.

    Nhưng khách hàng của anh ít sử dụng taxi hơn. Martin nói: “Nó giống như lúc đại dịch. Mặc dù tôi kiếm được nhiều tiền hơn, các chi phí lại ăn mòn hết lợi nhuận”.

    “NHU CẦU CƠ BẢN”

    Giám đốc kinh doanh Simon Green - 41 tuổi, đến từ Harlow, thông cảm rằng Chính phủ phải đối phó với đại dịch, và bây giờ là cuộc khủng hoảng Ukraine.

    Anh Green nói: “Nhưng Chính phủ cần giúp đỡ các gia đình như tôi với chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao. Tôi muốn thuế xanh được hoãn lại ngay bây giờ để trợ giúp nhu cầu cơ bản hàng ngày của mọi người”.

    Ông chủ công ty bảo mật đã nghỉ hưu Steve LeMay, 60 tuổi, người đã sống ở Harlow 40 năm, cho biết: “Họ là những con người làm việc chăm chỉ, và đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống và công việc kinh doanh của mình hậu Covid. Rất nhiều nhân viên của tôi từ Harlow đến làm việc ở London. Rất nhiều chàng trai có những chiếc xe tải cũ và phải trả tất cả các khoản phí của Thị trưởng, phí đậu xe đắt đỏ, và bây giờ giá diesel tăng cao quá mức. Họ sắp không thể chịu đựng được và cần sự hỗ trợ ngay bây giờ”.

    26oilAnh Dan Swords

    Dan Swords mới 21 tuổi và là thành viên nội các trong hội đồng Harlow của đảng bảo thủ. Hội đồng này sẽ cắt giảm 55 bảng tiền thuế hội đồng từ tháng tới nhờ khoản chiết khấu 150 bảng.

    Anh Dan nói: “Mọi người ở Harlow rất thích ông Boris Johnson. Ông ấy hiểu và là một trong số chúng ta.. Chúng tôi là những người theo chủ nghĩa hiện thực. Chúng tôi không đổ lỗi cho Chính phủ vì dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao hay chiến tranh ở Ukraine. Nhưng chính phủ sẽ bị đổ lỗi nếu người dân không được trợ giúp vào thứ Tư ngày 23/3. Có những lúc mọi người đều cần giúp đỡ, và đây là một trong số những thời điểm đó".

    Viethome (Theo Sun)

  • Chẳng còn gì cả

    "Khủng hoảng tồi tệ nhất sắp diễn ra" là những gì hãng tin CNN đã nhận định cho tình hình hiện nay tại Anh.

    Các ước tính cho thấy mức phí chiết khấu khí đốt trong tháng 4/2022 có thể tăng thêm 54%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, qua đó khiến 22 triệu người phải thanh toán 2.000 Bảng, tương đương 2.618 USD/năm cho tiền sưởi ấm. Ngân hàng Investec tại Anh dự đoán con số này có thể lên đến 3.000 Bảng (3.927 USD)/năm trong thời gian tới nếu tình hình bất ổn chính trị còn tiếp diễn.

    Ngoài ra, lạm phát tại Anh sẽ tăng lên mức cao kỳ lục 7% thời gian tới, đi cùng với đó là những khoản thuế mới đã được thông qua nhằm tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

    Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR), hàng loạt các tác động trên sẽ khiến số gia đình nghèo khổ, tức không đủ tiền để mua những nhu yếu phẩm cần thiết nhất tại Anh tăng 30% lên 1 triệu hộ.

    "Giờ đây thì chẳng còn gì để các hộ gia đình quyên góp làm từ thiện nữa. Ngay cả bản thân những hộ khá giả cũng gặp khó khăn thì chẳng đời nào họ đóng góp thêm nữa. Nhiều trẻ em nghèo hiện chẳng dám đòi hỏi có thêm khí đốt sưởi ấm mùa đông này vì chúng hiểu rằng nó quá đắt. Chúng cũng hiểu rằng cha mẹ đang gặp khó khăn nên nhiều đứa dù đói cũng không dám kêu", giám đốc chiến lược Lucy Bannister của tổ chức từ thiện Joseph Rowntree Foundation ngậm ngùi.

    lam phat doi ngheo tai anh 3
    Đến trẻ em cũng cảm nhận được khó khăn mùa lạm phát.

    Đứng trước tình hình đó, chính phủ Anh đang lên kế hoạch giảm thuế trong vài năm tới để cứu người dân. Các quan chức cho biết họ đã chi tới 12 tỷ Bảng, tương đương 16 tỷ USD cho an sinh xã hội trong năm nay để giúp người nghèo vượt quá mùa đông khắc nghiệt.

    Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ nâng mức lương tối thiểu thêm 1.000 Bảng (1.309 USD)/năm từ tháng 4/2022.

    Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng phản ứng này là quá chậm, quá muộn cũng như không thực tế khi người nghèo, đối tượng cần được hỗ trợ nhất lại chẳng được giúp đỡ nhiều. Trong khi các tập đoàn dầu mỏ như BP hay Shell lãi hàng tỷ USD năm vừa qua thì người dân Anh đang phải gồng mình chống chọi với mùa đông khắc nghiệt.

    Ví dụ như loại trợ cấp cho người thu nhập thấp hay thất nghiệp (Universal Credit) sẽ tăng 3,1% vào tháng 4/2022 nhưng tỷ lệ này chẳng là gì so với đà tăng lạm phát.

    Hệ quả là nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra đòi chính phủ cắt giảm giá khí đốt cũng như hỗ trợ kiềm chế lạm phát, đòi hỏi doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người dân.

    Mọi thứ đều tăng giá

    Hãng tin CNN cho biết cô Nazmin Begum sống tại Anh đã phải chi nhiều tiền hơn để nuôi gia đình 2 đứa con của mình khi lạm phát đã tăng lên mức cao nhất 30 năm qua.

    "Mọi thứ đều tăng giá", cô Begum nói với hãng tin CNN khi đang mua đồ ăn giảm giá tại The Boiler House, nơi chuyên cung cấp đồ hỗ trợ cho người nghèo.

    Hoá đơn năng lượng bao gồm tiền điện và khí đốt sưởi ấm của nhà Begum đã tăng thêm 70 Bảng, tương đương 92 USD mỗi tháng dù lượng sử dụng vẫn như vậy. Ngay cả tại siêu thị Tesco nơi Begum làm việc, mọi sản phẩm đều lên giá.

    "Giá sữa vốn chỉ khoảng 80 penny (1,05 USD) thì nay đã tăng lên đến 1 Bảng (1,31 USD). Loại bánh mỳ rẻ nhất cũng đã tăng từ 1 Bảng lên 1,2 Bảng (1,57 USD)", cô Begum than thở.

    Câu chuyện tăng giá tại Anh chẳng có gì khó hiểu khi lạm phát đã đạt 5,5% trong tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ năm 1992 do đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu tăng mạnh hậu đại dịch khi thị trường mở cửa trở lại. Cùng với đó là giá nhiên liệu tăng cao do những bất ổn địa chính trị hiện nay. Tồi tệ hơn, dù lạm phát đi lên nhưng tiền lương thì lại đi xuống.

    Tổng cục thống kê Anh (UKONS) cho biết mức lương bình quân tính theo quý đến tháng 1/2022 của lao động tại đây đã giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất trong hơn 7 năm qua. Trái ngược lại, những mặt hàng chủ chốt như giá xăng dầu thì lại tăng lên mức kỷ lục thời gian gần đây.

    Những tổ chức từ thiện như The Boiler House Youth hay Community Space đã bắt đầu bán lương thực giá rẻ từ khi đại dịch bùng nổ nhưng họ vẫn phải tiếp tục mở rộng kể cả khi nền kinh tế Anh mở cửa trở lại. Mọi người có thể mua lương thực trị giá 35 Bảng (46 USD) chỉ với 6,5 Bảng (8,5 USD) tại những cửa hàng này.

    Thế nhưng với đà lạm phát hiện nay, các tổ chức trên đã phải mở rộng sang cả các mặt hàng như quần áo, thuốc men hay thậm chí là hỗ trợ thanh toán tiền điện nước, xăng dầu khi có quá nhiều người gặp khó khăn.

    "Nhiều người phải lựa chọn giữa việc mua lương thực cho bọn trẻ đỡ đói hoặc dùng số tiền đó mua khí đốt sưởi ấm cho mùa đông", quản lý Davina Mathurin của The Boiler House cho biết vấn đề mà nhiều người Anh đang phải đối mặt hiện nay.

    Theo hãng tin CNN, ngành cung ứng khí đốt sưởi ấm tại Anh đã nâng mức lệ phí chiết khấu thêm 12%, khiến hàng triệu người dân phải thanh toán thêm tiền mỗi tháng.

    Đói, nghèo và nợ nần

    Tại một nhà thờ phía bắc thủ đô London, tổ chức từ thiện Cooking Champions đang chuẩn bị nhu yếu phẩm để đi phân phát cho những hộ nghèo. Đây là tổ chức được thành lập từ tháng 4/2020 nhằm giúp đỡ các gia đình khó khăn trong mùa dịch. Trớ trêu thay, dù nền kinh tế đã mở nhưng họ vẫn phải hoạt động vì quá nhiều người cần giúp đỡ.

    Cô Annaluisa Moseley, một tình nguyện viên của Cooking Champions cho biết nhiều gia đình thậm chí chẳng còn gì để ăn nếu không có đồ trợ cấp của tổ chức này. Thế nhưng nghĩ về những khó khăn trong tháng 4 tới mà Moseley lại nặng lòng.

    "Nghĩ về lũ trẻ nghèo không có gì để ăn hay không có đồ sưởi ấm là tôi lại nặng lòng. Thế nhưng tôi vẫn phải cố gắng để giúp đỡ mọi người", cô Moseley cho biết.

    Thế rồi chuyện đến trường của con trẻ tại Anh cũng trở thành gánh nặng khi kỳ học mới bắt đầu vào tháng 9/2022. Khảo sát của The Children’s Society cho thấy 1/10 số hộ gia đình tại Anh đã rơi vào cảnh nợ nần vì chi phí giáo dục, mua dụng cụ học tập cho con cái. Thậm chí nhiều gia đình đành phải chấp nhận cho con thiếu đồ học hoặc bỏ học vì không đủ điều kiện.

    "Tôi còn chẳng có 100 Bảng (131 USD) cho tiền mua khí đốt sưởi ấm thì làm sao đủ tiền cho con đi học", cô Caroline Rice sống tại miền Bắc nước Anh ngậm ngùi.

    Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nhận định lạm phát sẽ đạt đỉnh vào tháng 4/2022 rồi giảm nhẹ, thế nhưng giá cả các mặt hàng vẫn sẽ ở mức cao trong thời gian dài nữa. Tình hình này sẽ khiến hàng triệu hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần khó khăn.

    Nghiên cứu của Joseph Rowntree Foundation cho thấy 4,4 triệu hộ gia đình nghèo tại Anh đã phải vay nợ thêm trong năm vừa qua và 2/3 trong số đó đã mất khả năng trả nợ.

    Cafebiz (Nguồn: CNN)

  • Sau đại dịch, một số người đã nghỉ hưu ở Anh đang bắt đầu quay lại thị trường lao động, một phần vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

    nguoi ve huu o anh 1

    Một báo cáo của ủy ban các vấn đề kinh tế của Thượng viện Anh gần đây cho biết việc nghỉ hưu sớm ở những người từ 50 đến 64 tuổi chiếm phần lớn trong số 565.000 công dân Anh không có hoạt động kinh tế nào kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo Guardian.

    Báo cáo cho biết xu hướng này đặt nền kinh tế vào nguy cơ tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao liên tục.

    Tuy nhiên, sau khi con số kỷ lục người từ 50 tuổi trở lên ở Anh rời bỏ lực lượng lao động do đại dịch, xu hướng đang bắt đầu đảo ngược khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt buộc một số người phải xem xét lại việc nghỉ hưu sớm.

    Trở lại làm việc vì chi phí sinh hoạt

    Dave, 63 tuổi, đến từ Southport, Merseyside, nghỉ hưu ở tuổi 60 sau 33 năm làm việc tại Royal Mail, ngay trước khi đại dịch bắt đầu. Ông cho biết sau khi nghỉ hưu, ông “có kế hoạch làm một việc gì đó khác trong vài năm để tận hưởng”.

    nguoi ve huu o anh 1
    Ông Dave ở Southport tự nguyện nghỉ việc tại Royal Mail khi 60 tuổi. Ảnh: Dave.

    “Lương hưu của Royal Mail cũng ổn, nhưng không đủ cho cuộc sống hàng ngày và các kỳ lễ. Vì vậy, khoảng một năm rưỡi trước, tôi quay trở lại làm việc thời vụ tại nhà trẻ trong khu dân cư để có thể kiếm được thêm 500 bảng mỗi tháng”.

    Ban đầu, khoản thu nhập thêm kia đủ để chi tiêu hàng tháng, giúp ông bảo toàn khoản tiết kiệm của gia đình. Tuy nhiên, Dave dần không thể trang trải chi phí sinh hoạt như điện, nước nếu không sử dụng tiền tiết kiệm vì số giờ làm ngày càng ít.

    Tháng trước, ông bắt đầu công việc bán thời gian tại một công ty luật, với công việc trực điện thoại khách hàng gọi đến hỏi ý kiến về các sơ suất khi sử dụng dịch vụ y tế.

    “Tôi làm 17,5 giờ một tuần, tôi được chọn ca và thời gian thực sự linh hoạt. Công việc này giúp tôi có thêm 500-600 bảng Anh mỗi tháng. Tại thời điểm này, khoản thu nhập đó không chỉ quá tuyệt, mà còn cần thiết với tôi”, ông nói.

    Dave nói rằng quyết định của ông không liên quan gì đến mối lo ngại của chính phủ về việc hàng trăm nghìn người Anh nghỉ hưu sớm.

    “Tôi quay lại làm việc chủ yếu vì chi phí sinh hoạt, đó là lựa chọn cá nhân dựa trên hoàn cảnh cá nhân. Tôi dự định làm việc ít nhất cho đến khi 66 tuổi, khi tôi đủ điều kiện nhận lương hưu nhà nước. Sau đó tôi sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục làm việc hay không”, ông nói.

    Chán nản vì không đóng góp tài chính cho gia đình

    David, 62 tuổi, một nhà quản lý dữ liệu ở London, đã trở lại lực lượng lao động vào năm nay sau 3 năm gián đoạn sự nghiệp khi ông nghỉ việc vào năm 2019. Hiện ông làm việc 3 ngày/tuần cho một tổ chức từ thiện, và làm tình nguyện viên tại ngân hàng thực phẩm mỗi tuần một lần.

    “Công việc trước đây có mức lương cao và tôi có thể sống nhờ số tiền tiết kiệm trong một thời gian, đặc biệt là khi vợ tôi vẫn đi làm”, ông nói và cho biết thêm rằng ban đầu ông thích có nhiều thời gian hơn để đi bộ, xem phim rạp và gặp gỡ bạn bè.

    “Nhưng sau vài tháng, cảm giác mới lạ khi có thời gian cho bản thân mất dần và tôi bắt đầu cảm thấy bị cô lập, thiếu động lực và tội lỗi vì đã không đóng góp tài chính cho gia đình. Đại dịch rõ ràng đã làm cho điều này trở nên tồi tệ hơn”.

    nguoi ve huu o anh 1
    Một số người nghỉ hưu đã xin việc tại các tổ chức từ thiện và được trả lương. Ảnh: Jon Santa Cruz/Rex/Shutterstock.

    Ông David cũng chia sẻ mình không đủ tài lực để nghỉ hưu hẳn.

    “Tình trạng tài chính của tôi không thực sự khó khăn nhưng có công việc bán thời gian sẽ dễ dàng hơn.Tôi không kiếm được nhiều nhưng đủ để sống qua ngày và độc lập về tài chính”, ông nói. Ông dự định tiếp tục làm việc cho đến khi 67 tuổi.

    David cho biết công việc mới trong lĩnh vực từ thiện đã giúp ông tự tin hơn và ông hy vọng sẽ tiếp tục tham gia vào công việc tình nguyện sau khi nghỉ hưu. “Tôi hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu của tổ chức từ thiện, yêu thích công việc và yêu mến con người ở đây. Tôi cảm thấy có giá trị và lòng tự trọng của tôi đã trở lại”.

    Không nghĩ sẽ phải trở lại làm việc

    Nicky Dalglish bắt đầu làm việc trở lại cách đây 4 năm sau khi chồng bà bị sa thải. Người phụ nữ 63 tuổi hiện làm việc trong lĩnh vực từ thiện ở London.

    Trước đây, bà từng làm trợ lý hành chính trong ngân hàng đầu tư và đã ngừng làm việc trong 15 năm khi bà có con. “Tôi thấy rõ ràng rằng mình cần phải đóng góp, mặc dù mức lương từ thiện là mức lương tối thiểu”, bà nói.

    Bà Dalglish hiện làm quản lý dự án cho một chương trình làm việc với những người xin tị nạn và người tị nạn. Bà nhấn mạnh việc trở lại lao động sau thời gian dài không đi làm có thể đặc biệt khó khăn đối với phụ nữ.

    “Sau 15 năm ở nhà nội trợ, thật khó để quay lại làm việc ở tuổi 59. Hầu hết mọi người đều chê bai bạn”, bà Dalglish nói.

    nguoi ve huu o anh 1
    Bà Nicky Dalglish nghỉ việc được 15 năm trước khi quay trở lại lực lượng lao động cách đây 4 năm. Ảnh: Nicky Dalglish.

    “Lúc đầu thực sự rất đáng sợ và khó khăn. Tôi đã rất lo lắng về những tiến bộ của công nghệ khi tôi vắng mặt. Nhưng mọi chuyện vẫn ổn và tôi đã được thăng chức vài lần kể từ đó”, bà kể.

    Dalglish bắt đầu làm việc trở lại chủ yếu vì kinh tế. Bà cho biết ban đầu mình không có kế hoạch làm việc trở lại.

    “Tôi có đứa con đầu lòng ở tuổi 41. Tôi không thể nào nghĩ rằng mình sẽ quay trở lại”, bà Dalglish nói.

    Hiện bà làm việc 3 ngày/tuần và nói rằng mình “không thể nghĩ đến việc từ bỏ” công việc, đồng thời chia sẻ rằng bà hiện đi làm không chỉ đơn giản vì thu nhập mà còn vì yêu thích lĩnh vực từ thiện.

    “Tôi cần tiền”

    Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, Elizabeth Bradley, đến từ Somerset, đã rời bỏ lực lượng lao động vào cuối độ tuổi 50 của mình.

    Bradley, hiện 64 tuổi, cho biết: “Tôi đã làm việc cho hội đồng quận trong lĩnh vực chăm sóc xã hội dành cho người lớn trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng. Thật sự khó khăn khi đảm nhận vai trò đó”.

    Bà đã dành thời gian đi du lịch vòng quanh New Zealand và Australia, Covid-19 ập đến khiến bà bắt đầu cảm thấy “thiếu”. “Tôi cảm thấy buồn chán. Tôi đã bỏ lỡ tình bạn công sở và tương tác xã hội, không chỉ vì Covid-19, mà vì tôi không làm việc. Tôi cần có mục đích sống và tôi cần thu nhập để thúc đẩy mình”, bà nói.

    Bradley trở lại làm việc cách đây một năm, trở thành nhân viên hỗ trợ tại tổ chức từ thiện.

    Dù đưa ra quyết định ngừng nghỉ hưu chủ yếu vì muốn làm việc, bà nói rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện đã khiến tài chính của bà trở thành vấn đề cấp bách.

    “Trước khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nổ ra, tôi vẫn có thể xoay xở tốt tài chính của mình. Bây giờ không còn được như vậy nữa. Rõ ràng là tôi cần tiền”, bà nói.

    Bà hiện làm việc tới 35 giờ/tuần và dự định tiếp tục làm việc trong nhiều năm nữa. “Tôi nghĩ rằng mình có thể tiếp tục miễn là tôi vẫn có thể cống hiến. Tôi có thể làm việc đến 70 tuổi, hoặc lâu hơn”, bà Bradley cho biết.

    Zing (theo Guardian)