Heathrow náo loạn vì nhân viên British Airways đe dọa đình công

Theo Sky News, làn sóng bất bình của người lao động trên khắp nước Anh đang kéo theo tình trạng “đình công tập thể” trong những tháng gần đây. Nhiều người đang đòi hỏi mức lương cao hơn để đối phó với khủng hoảng lạm phát đang xảy ra.

Mới đây, 16,000 nhân viên British Airways (BA), bao gồm tiếp viên hàng không cho đến các kỹ sư, có thể tham gia cùng các nhân viên làm thủ tục tại Sân bay Heathrow, để đi bộ đình công.

ezgif 3 ead1d0f47b

Những nhân viên này cáo buộc hãng hàng không đã làm tổn hại tới tinh thần và thể chất của họ sau "hai năm làm việc và bị cắt giảm lương".

Một phát ngôn viên của công đoàn cho biết: "Ban lãnh đạo của BA giờ đây không còn có thể phớt lờ sự bất mãn đang tồn tại trong lực lượng lao động của họ, theo cách họ đã phớt lờ nhu cầu của khách hàng.”.

Trong một cuộc bỏ phiếu, các nhân viên của BA đã giành được đa số áp đảo ủng hộ hành động đình công có thể xảy ra. Nếu không đạt được thỏa thuận với BA, công đoàn sẽ chính thức bỏ phiếu bầu các thành viên của mình. Có tới 700 nhân viên sẵn sàng đình công trong khoảng thời gian hai tuần nữa tại Heathrow.

Thời gian đình công chưa được ấn định, nhưng công đoàn cho biết sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay. Được biết, đã có ít nhất 13,000 nhân viên của BA bị cắt giảm nhân sự. Những nhân sự còn lại thì vừa bị giảm giờ làm, vừa bị giảm lương.

British Airways “vô cùng thất vọng”

Ban quản lý của British Airways cho rằng người lao động đang đòi hỏi quá nhiều, họ tỏ ra thất vọng vì nhân viên đã lựa chọn thực hiện “đình công”.

"Bất chấp việc ngành hàng không gặp khủng hoảng trầm trọng và hãng BA chịu thua lỗ hơn 4 tỷ bảng Anh, chúng tôi vẫn đưa ra lời đề nghị tăng thêm 10% lương và được đa số các đồng nghiệp khác chấp nhận. Nhưng số còn lại thì muốn nhiều hơn thế…”, đại diện của BA nói với Sky News.

Được biết, hành động đình công có nguy cơ gây thiệt hại thêm cho BA và cả ngành hàng không nước Anh. Bởi đây có thể là tiền lệ cho hàng loạt cuộc đình công, đòi quyền lợi khác trong tương lai.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh kêu gọi công đoàn và BA hãy nhanh chóng giải quyết vụ việc: "Chúng tôi không muốn thấy thêm bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hành khách và các chuyến bay tại Anh trong tương lai. Tôi không muốn đây trở thành hình ảnh xấu xí trong mắt các du khách đến nước Anh".

Làn sóng “đình công” trải dài khắp nước Anh

Chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt đang làm cạn kiệt túi tiền của nhiều hộ gia đình, khiến các tổ chức công đoàn yêu cầu tăng lương cao hơn cho các thành viên của họ. Trong khi đó, chính phủ Anh đã kêu gọi kiềm chế tiền lương để tránh vòng xoáy lạm phát.

Hàng loạt cuộc đình công đã diễn ra khiến tình trạng giao thông ở Anh trở nên tê liệt. Đơn cử như vụ việc 40,000 công nhân đường sắt đình công vào thứ Ba vừa rồi, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo công đoàn, các công ty vận hành xe lửa và chính phủ phải đối mặt với yêu cầu tăng lương để theo kịp với lạm phát gia tăng và lời hứa không cắt giảm việc làm.

Chính phủ Anh đã chỉ trích các cuộc đình công đường sắt, gọi chúng là phản tác dụng và gây thiệt hại nhiều nhất cho những người có thu nhập thấp, những người phụ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng và không thể làm việc tại nhà.

Viethome (Theo Sky News)