Ở nơi dán tiền lên tường rẻ hơn dùng giấy

lam phat o argentina 1

Tích trữ hàng hóa, đi chục cửa hàng tìm nơi có giá "dễ thở" nhất, hay dùng tiền thay giấy dán tường là một trong những cách người dân Argentina đương đầu với đà tăng lạm phát.

Irina Werning có ý định mua pin cho đèn flash máy ảnh vào hôm trước. Ban đầu, nhiếp ảnh gia từ Buenos Aires đến siêu thị địa phương, nhưng giá quá cao. Sau đó, cô lần lượt đi tới cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng tiện lợi, kiosk, cửa hàng bán dụng cụ, và thêm một siêu thị nữa.

Công việc này trở thành “cuộc thám hiểm”, tìm hiểu về giá cả leo thang tại một quốc gia được dự đoán có tỷ lệ lạm phát đạt 3 con số, biến Argentina nằm trong nhóm nước lạm phát hàng đầu thế giới, theo Guardian.

“Bạn lớn lên mà quen với điều này. Kể từ khi tôi sinh ra đã có lạm phát. Lạm phát thậm chí có trước cả khi cha tôi ra đời. Đó là một phần của cuộc sống hàng ngày, nó ở bên trong chúng tôi”, Werning nói.

“Tôi 46 tuổi, và có 36 năm cuộc đời trải qua lạm phát 2 con số. Lạm phát trung bình mỗi năm là 80%”, cô nói thêm.

"Lạm phát là một phần trong cuộc sống chúng tôi"

Việc mua sắm đơn giản trở thành “nhiệm vụ” kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ để tìm ra nơi có giá tốt nhất. Đây là một trong những cách Werning học được để thích ứng với cuộc sống tại Argentina.

Argentina chứng kiến lạm phát hàng năm cao nhất trong 30 năm, bị thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, nguồn cung lương thực toàn cầu hạn chế, chi phí năng lượng tăng và suy thoái kinh tế vì chiến sự Ukraine.

Theo Reuters, nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng đã khiến hàng nghìn người Argentina phải đổ xuống đường vào tuần trước. Những người biểu tình muốn chính phủ hành động để đối phó với mức lạm phát trên trời và hỗ trợ những người nghèo.

Dù vậy, theo số liệu chính thức, tỷ lệ nghèo đói tại quốc gia này đã giảm nhẹ từ mức 37,3% trong nửa cuối năm 2021 về 36,5% vào nửa đầu năm nay.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất 550 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn lên 75%. Ngân hàng trung ương nâng lãi suất 9 lần trong năm nay, nhưng chưa có ý định chấm dứt chu kỳ tăng.

Trong khi phần còn lại của thế giới vật lộn với tình trạng giá cả leo thang, không có nền kinh tế lớn nào hiểu cách quản lý cuộc sống trước lạm phát tốt hơn Argentina.

Người Argentina đã sống cùng lạm phát trong gần nửa thế kỷ qua. Thậm chí hiện tại, Ngân hàng Trung ương Argentina vẫn tiếp tục in tiền để bù vào khoảng trống thâm hụt tài khóa, trong khi nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế hàng tỷ USD.

lam phat o argentina 1

lam phat o argentina 1
Các cửa hàng có kệ trống thường do vấn đề về chuỗi cung ứng, nhưng cũng có thể là do người dân đổ xô tích trữ hàng vì lo sợ biến động giá cả (ảnh trước). Trong khi đó, các sản phẩm nhỏ xíu đại diện cho "shrinkflation" - ý chỉ cách các công ty quản lý chi phí gia tăng bằng cách giảm kích thước gói hàng. “Ở Argentina, chúng tôi luôn nói về điều này, so sánh kích thước cùng một gói bánh quy với năm ngoái", Werning nói.

lam phat o argentina 1
"Bất cứ khi nào thấy hàng giảm giá, tôi sẽ mua ngay", Sara - một người bạn của Werning - nói. "Tôi đã mua đủ dầu gội trong một năm rưỡi. Miễn là không hết hạn, tôi sẽ chất thành đống".

Werning - sống ở thủ đô cùng chồng và hai con gái - theo học ngành kinh tế trước khi trở thành một nhiếp ảnh gia.

“Tôi từng nghĩ mình sẽ không cần sử dụng bằng đại học. Nhưng khi trở về nước, tôi dùng nó gần như mọi lúc”, cô nói.

Khi Werning chứng kiến ​​ngày càng có nhiều quốc gia bất ngờ bị ảnh hưởng bởi lạm phát trong năm nay, cô bắt đầu chụp từng khoảnh khắc ghi lại cảnh người Argentina học cách sống chung với tình trạng tài chính không chắc chắn.

“Phần còn lại của thế giới đang chứng kiến ​​lạm phát. Tôi cho rằng trong khái niệm kinh tế, lạm phát 10% hay 100% thì đều ra kết quả như nhau. Cơ chế bảo vệ bản thân, thay đổi thói quen tiêu dùng, mặc cả mức lương phù hợp với tình hình thực tế, tất cả đều như nhau”, cô giải thích.

Vị nhiếp ảnh gia muốn kể câu chuyện lạm phát trong thực tế là như thế nào, ví dụ như tích trữ đồ dùng khi tìm thấy nơi bán giá tốt, luôn mang theo tiền mặt trong trường hợp thấy đồ giảm giá, hay thậm chí đổi xe hơi lấy xe đạp.

Câu chuyện trong những bức ảnh của Werning là từ chính bạn bè và gia đình cô. “Giống như cách người Anh nói về thời tiết, chúng tôi nói về lạm phát mỗi ngày với người lạ, với bạn bè, với gia đình, khi xếp hàng ở siêu thị. Đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi”, cô nói.

lam phat o argentina 1
Romina - người dắt chó dạo - đã nhận thêm 2 con chó nữa để có đủ tiền tiêu xài. "Tôi không thể tiếp tục tăng giá vì như vậy sẽ mất khách", cô gái 20 tuổi nói. "Tôi biết dắt thêm chó sẽ ảnh hưởng tới lưng, nhưng tôi còn trẻ và chọn sống cho hiện tại".

"Nghèo nhưng phải tiêu tiền mọi lúc có thể"

Mặc dù các bức ảnh đầy màu sắc và mang vẻ vui tươi, rõ ràng nó phản ánh tình trạng bất bình đẳng và nghèo khổ.

Cứ 10 người Argentina thì có 4 người sống dưới mức nghèo khổ. Trong thời kỳ đại dịch, ước tính 60% trẻ em sống trong cảnh nghèo đói.

“Những gì đang xảy ra là điều tồi tệ nhất mà một xã hội có thể hứng chịu”, Werning nói. “Những người dễ bị tổn thương nhất trở nên dễ bị tổn thương hơn, và những người giàu nhất thì ngày càng giàu. Ai muốn sống trong một xã hội như vậy?”.

Người Argentina có mối quan hệ phức tạp và độc đáo với tiền bạc. Đất nước này vận hành gần như hoàn toàn bằng tiền mặt. Hầu hết không còn tin tưởng vào ngân hàng, và cất tiền dưới đệm hoặc trong két.

Mọi người cũng cố gắng tiêu hết tiền ngay khi nhận được.

“Cảm giác giống như tiền đang cháy trong tay bạn”, Werning nói. "Thật kỳ lạ khi rõ ràng là bạn nghèo, nhưng bạn phải cố gắng tiêu hết tiền mọi lúc để bảo vệ bản thân trước đà lạm phát”.

Nhiều người có mức lương cao hơn thường sẽ đổi peso (mệnh giá tiền của Argentina) sang USD, hoặc bất kỳ loại tiền nào mất giá thấp hơn peso, ngay sau khi nhận tiền. Hoạt động này gần như diễn ra ở chợ đen.

Tỷ giá hối đoái chính thức là 147 peso sang 1 USD. Werning cho biết tỷ giá trên thị trường chợ đen trung bình là 290 peso sang 1 USD.

lam phat o argentina 1
Năm 2001, một peso bằng 1 USD. Vào tháng 7, cần 335 peso để đổi 1 USD. Đồng peso được bao quanh bởi các mác giá. Các sản phẩm trong cửa hàng liên tục dán đè mác giá vì doanh nghiệp thay đổi nhằm cố gắng kiểm soát theo tỷ lệ lạm phát.

Theo Bloomberg, dự đoán tỷ giá cuối năm sẽ rơi vào mức 173 peso/USD. Tuy nhiên, vào cuối năm sau, con số này có thể đạt 310 peso đổi 1 USD.

Tiền giấy trở nên vô giá trị đến mức trong một bức ảnh, chồng của Werning dán những tờ 10 peso lên tường, vì những tờ tiền này còn rẻ hơn cả tiền mua giấy dán tường. Trong bức ảnh khác, cô chụp tờ 1 USD có khuôn mặt của diễn viên Heath Ledger trong vai Joker. Tờ tiền này được vẽ bởi nghệ sĩ người Argentina Sergio Diaz.

“Hình vẽ xuất phát từ ý tưởng nghệ thuật sẽ cứu thế giới, và trong trường hợp này, nghệ thuật sẽ cứu chúng ta khỏi lạm phát”, ông Diaz giải thích.

lam phat o argentina 1
Chồng Werning dán những tờ tiền 10 peso lên tiếng, vì làm thế này còn rẻ hơn cả tiền mua giấy dán tường. Chiếc quần bị kéo trễ, để chứng minh rằng "chúng tôi không được bảo vệ và trần trụi thế nào trước lạm phát", Werning nói.

lam phat o argentina 1
Việc giới nghệ thuật dùng tiền để dụng ý cho tình hình tài chính của Argentina ngày càng trở nên phổ biến. Trong ảnh là tác phẩm của nghệ sĩ Sergio Diaz.

Werning cũng chụp Lara - 29 tuổi - làm việc trong một cửa hàng làm đẹp. Trong bức ảnh, Lara đại diện cho tổ chức công đoàn. Cô khỏa thân, khoe những hình xăm, đội mũ trùm đầu, trang điểm đậm trong khi mắt nhìn thẳng vào ống kính.

Lương tháng của Lara là khoảng 140.000 peso (933 USD). Số tiền giấy này chất trước mặt Lara và che đi một phần ngực của cô. Bức chân dung gợi lên cảm giác quyền lực, khi các tổ chức nghiệp đoàn là bên đàm phán mức lương tăng 2 lần/năm để theo kịp đà tăng giá.

Việc Lara khỏa thân trong bức ảnh nhằm thể hiện tính dễ bị tổn thương mà tất cả người dân Argentina đều cảm nhận.

Werning nói đây là một lời cảnh báo cho mọi người. “Đây là cách chúng tôi cảm nhận trước lạm phát. Chúng tôi trở nên dễ bị tổn thương. Và càng dễ bị tổn thương, bạn sẽ càng chứng kiến những vấn đề tồi tệ hơn”, cô nói.

Theo Zing