• Chính phủ Anh cần một kế hoạch khẩn cấp để ứng phó với sóng nhiệt – 'sát thủ thầm lặng' có thể cướp đi sinh mạng của 10.000 người mỗi năm ở quốc gia này.

    Trong bối cảnh nhiệt độ ở Anh từng có thời điểm tăng trên 40 độ C và 2023 là năm nóng nhất thế giới ghi nhận, Ủy ban Kiểm toán Môi trường của Hạ viện Anh quan ngại về sự thiếu chuẩn bị để ứng phó với những đợt nắng nóng cực đoan, theo Tân Hoa xã ngày 1-2.

    Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán môi trường Philip Dunne cho biết, thế giới đang nóng dần lên và nhiệt độ toàn cầu trong năm 2025 có thể vượt mức tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Viễn cảnh này nếu xảy ra sẽ khiến những mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu càng trở nên khó đạt được.

    Cũng theo ông Philip Dunne, nếu không có hành động kịp thời, những đợt nắng nóng cực đoan có thể gây ra 10.000 ca tử vong mỗi năm. Nhiệt độ cao cũng đang khiến nền kinh tế Anh thiệt hại khoảng 60 tỷ bảng/năm.

    song nhiet toan cau
    Những đợt nắng nóng cực đoan có thể đe dọa đến tính mạng của nhiều người. Ảnh: Reuters

    Tháng 7-2022, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh lần đầu tiên ban hành cảnh báo nhiệt cấp 4 khi ghi nhận nhiệt độ lên đến 40 độ C. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia, ước tính 4.500 ca tử vong liên quan đến nắng nóng cùng năm.

    Nhiệt độ cao làm tăng huyết áp và nhịp tim, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong do mất nước và say nắng. Những người trên 65 tuổi và những người mắc bệnh nền nằm trong nhóm nguy cơ cao nhất.

    Văn phòng Khí tượng, cơ quan thời tiết quốc gia của Vương quốc Anh, khuyến nghị đặt tên các đợt nắng nóng để giúp nâng cao nhận thức về các mối đe dọa. Các chuyên gia về biến đổi khí hậu cũng đồng tình rằng nhận thức của công chúng phải được thay đổi khẩn cấp.

    Các khuyến nghị khác bao gồm xây dựng thêm nhiều công viên và cơ sở hạ tầng xanh. Điều này được đánh giá đặc biệt quan trọng ở các đô thị lớn như thành phố London vốn có thể ấm hơn 8 độ C so với những khu vực xung quanh.

    Người phát ngôn của chính phủ cho biết, Anh đã đề ra kế hoạch 5 năm để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng phục hồi quốc gia thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế xanh và bảo vệ sản xuất lương thực.

    Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên giảm một nửa lượng khí thải và đã thực hiện các bước quản lý rủi ro liên quan biến đổi khí hậu với những hệ thống cảnh báo mới về các đợt nắng nóng. Các chương trình quản lý đất môi trường của quốc gia này cũng hỗ trợ nông dân ứng phó tốt hơn với tình trạng nắng nóng.

    Gần một nửa số ngôi nhà ở Anh hiện đạt hạng C về Chứng chỉ hiệu suất năng lượng, tăng từ mức chỉ 14% vào năm 2010. Anh cũng đang đầu tư hàng tỷ USD để bảo đảm các ngôi nhà và tòa nhà thậm chí còn tiết kiệm năng lượng hơn.

    Theo hanoimoi

  • Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khối G20 giảm một nửa lượng khí thải carbon.

    giam khi thai carbon 1
    Tháp giải nhiệt tại một nhà máy điện than đã ngừng hoạt động ở Anh. Ảnh: Yahoo News

    Bộ trưởng Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero của Anh, Claire Coutinho cho biết theo dữ liệu mới nhất cho thấy lượng khí thải đã giảm một nửa sau 50 năm cho thấy Anh là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

    Dữ liệu do Dự án Carbon toàn cầu, một đối tác nghiên cứu của chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới, tổng hợp, cho thấy lượng khí thải CO₂ của Vương quốc Anh hiện đã giảm 52% so với mức đỉnh điểm vào những năm 1970.

    Theo dữ liệu được cập nhật vào tháng trước, lượng khí thải của Vương quốc Anh từ sản xuất năng lượng hóa thạch là 319 triệu tấn vào năm 2022 – giảm từ mức 660 triệu tấn vào năm 1971.

    Tính đến cuối năm 2010, Vương quốc Anh vẫn thải hơn 500 triệu tấn mỗi năm.

    Bộ trưởng Claire Coutinho đã chia sẻ phân tích dữ liệu trong một bài đăng trên blog từ tạp chí The Spectator, trong đó lần đầu tiên nêu bật các số liệu.

    “Anh là quốc gia đầu tiên trong nhóm G20 giảm một nửa lượng khí thải carbon. Chúng tôi là những nhà lãnh đạo thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là chúng tôi đảm bảo không tạo gánh nặng cho nhiều gia đình tại Anh khi tiếp tục quá trình chuyển đổi carbon về 0”, bà nhận định.

    giam khi thai carbon 1
    Một trang trại gió ngoài khơi nước Anh. Ảnh: Innovations

    Theo dữ liệu, Anh lần đầu tiên đạt được cột mốc giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2020 khi nước này phong tỏa vì đại dịch Covid, nhưng dữ liệu cho thấy nước này hiện đã đạt được mục tiêu trong một năm bình thường khi nền kinh tế không bị tê liệt bởi đại dịch.

    Lượng phát thải cao nhất của mỗi quốc gia khác nhau tùy thuộc vào nền kinh tế hoặc hoàn cảnh của họ, nhưng trong cùng thời gian đó, Mỹ đã tăng từ 4,36 tỷ tấn lên 5,05 tỷ tấn. Lượng khí thải của Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 2005 ở mức 6,13 tỷ tấn.

    Lượng khí thải của Pháp thấp hơn Anh ở mức 298 triệu tấn, nhưng chỉ giảm so với mức đỉnh 539 triệu tấn vào năm 1973 trong khi Đức đang phát thải 666 triệu tấn, giảm từ mức 1,11 tỷ tấn vào năm 1979.

    Ngược lại, lượng khí thải từ các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng.

    Lượng khí thải của Trung Quốc hiện là 11,39 tỷ tấn so với 808 triệu tấn vào năm 1970 và 3,64 tỷ tấn vào năm 2000 trong khi của Ấn Độ là 2,83 tỷ tấn so với 182 triệu tấn vào năm 1970 và 978 triệu tấn vào năm 2000.

    Dữ liệu này được đưa ra khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak xem xét lại các chính sách về “Net Zero” của chính phủ được thiết kế để giúp Anh đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050.

    Ông Sunak đã đẩy lùi lệnh cấm bán ô tô chạy bằng động cơ diesel và xăng mới từ năm 2030 đến năm 2035 và từ bỏ kế hoạch áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với các hộ gia đình.

    Đây là một dốc mốc quan trọng đánh dấu bước tiến thực hiện cam kết”xanh hoá” trái đất của Anh, trong bôi cảnh  Anh hiện có dân số và nền kinh tế lớn hơn nhiều so với 50 năm trước.

    Báo Tin Tức (Theo The Age)

  • 'Nước biển sẽ tràn vào và nó không bao giờ dừng lại. Không có lối thoát đâu', một chuyên gia nhận định về thành phố này.

    jakarta 1

    Jakarta được mệnh danh là thành phố chìm nhanh nhất hành tinh. Trong suốt 25 năm, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thủ đô Indonesia đã lún sâu hơn 4 mét. Thành phố buộc phải tìm ra giải pháp từ nay cho đến năm 2030, nếu không, mọi thứ sẽ quá muộn để khắc phục.

    Air Berish Jakarta (ABJ), công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Anthoni Salim, được chính phủ khai thác để mở rộng khả năng tiếp cận nước máy cho 11 triệu cư dân thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, cứ 3 người dân Jakarta thì có 1 người không được tiếp cận nước máy. Thay vào đó, họ phải dựa vào hàng nghìn giếng nước trái phép nằm rải rác khắp Jakarta - thứ đang gián tiếp làm thành phố chìm sâu hơn.

    Nếu thành công, ABJ có thể đưa nước tới từng hộ gia đình Jakarta, song ngược lại, nếu thất bại, một sự hỗn loạn lớn sẽ xảy đến với đô thị lớn thứ hai thế giới này. JanJaap Brinkman, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu nước Deltares Hà Lan, cho biết: “Nước biển sẽ tràn vào và nó không bao giờ dừng lại. Không có lối thoát đâu”.

    Theo Bloomberg, ABJ có toàn quyền vận hành 5 nhà máy xử lý nước lớn nhất thành phố và dự kiến thu về khoảng 4,8 tỷ USD từ thương vụ này. Simon Melhem, giám đốc công ty mẹ Moya Holdings Asia thuộc sở hữu của Salim, cho biết ngay cả trong trường hợp xấu nhất, ABJ sẽ không mất tiền. “Chỉ là bạn không thu về được nhiều lợi nhuận thôi”, Simon Melhem nói.

    jakarta 1
    Với nguồn nước phần lớn bị ô nhiễm bởi nước thải, Jakarta phải mua nước thô từ bên ngoài thành phố.

    Với nguồn nước phần lớn bị ô nhiễm bởi nước thải, Jakarta phải mua nước thô từ bên ngoài thành phố, sau đó xử lý và phân phối chúng qua những mạng lưới đường ống hơn 100 năm tuổi. 40% bị thất thoát trên đường đi. Phần lớn trong 60% còn lại sẽ bị tái ô nhiễm khi chảy qua hệ thống.

    Chính quyền thành phố Jakarta dự định đầu tư 11 nghìn tỷ rupiah xây dựng các đường ống phân phối nước mới, song kế hoạch này nhanh chóng thất bại sau đại dịch, khi ngân sách thành phố bị cắt giảm 28%.

    Trên bờ biển phía bắc thành phố, hàng nghìn ngôi nhà chen chúc nhau trong khu phố Muara Baru. Giống như nhiều khu dân cư nghèo khác ở Jakarta, rất ít hộ gia đình tại đây được sử dụng nước máy. Sugiarti, một bà mẹ hai con 40 tuổi, thậm chí phải múc nước từ một cái hố trên mặt đất.

    “Nó mùi quá”, Sugiarti phàn nàn về chậu nước màu nâu đục trước mặt. “Chúng tôi chỉ muốn có nước sạch. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu. Chúng tôi xứng đáng được nhận nước”.

    Mất kiên nhẫn, nhiều hộ gia đình, trong đó có nhà anh Sigit Hariyanto, quyết định tự khai thác nước ngầm ngay bên dưới nhà mình để sử dụng.

    “Đôi khi, nước có màu trắng sữa và nồng nặc mùi clo. Thỉnh thoảng, nó còn có màu nâu đục và đầy bùn nữa’’, anh Sigit chia sẻ với tờ CNA.

    Hệ lụy bắt đầu vào năm 2019, khi một đường ống nước trong khu anh sống bị vỡ. Điều này khiến khoảng 200 hộ gia đình không có nước sạch sử dụng trong suốt 10 giờ đồng hồ. Công nhân địa phương sau đó đã phải đào một giếng nước sâu 40m để các hộ dân có nước đủ sạch sinh hoạt.

    jakarta 1

    Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân khiến Indonesia đối mặt với rủi ro sụt lún đất. Tại Jakarta, việc khai thác vô tội vạ của người dân khiến thành phố này sụt 26cm mỗi năm, qua đó trở thành một trong những siêu đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới.

    Tính đến năm 2022, hơn 90% khu vực ven biển của Jakarta đã nằm dưới mực nước biển; thành phố theo đó càng dễ bị ngập lụt. Việc các con sông không thể đổ ra biển nếu thiếu sự hỗ trợ của các trạm bơm cũng làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng và ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ gia đình.

    Dù chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, song có lẽ việc giải quyết tình trạng khai thác nước ngầm “nói” dễ hơn “làm”.

    “Mọi người đã đào giếng và khai thác nước ngầm từ nhiều thế hệ nay, vì thế, thật khó để thay đổi suy nghĩ và hành động của họ. Không dễ để họ hiểu được hậu quả của việc khai thác nước ngầm’’, Nila Ardhianie, Giám đốc Viện Amrta nhận định.

    “Thực tế là Jakarta bị ngập lụt hàng năm. Vào một số thời điểm nhất định, thủ đô ngập úng nghiêm trọng. Hệ thống quản lý nước rất tệ’’, Nirwono Joga, một chuyên gia quy hoạch đô thị từ Đại học Trisakti của Jakarta cho biết.

    jakarta 1
    Jakarta thiếu nước sạch.

    Theo nghiên cứu hồi năm 2019 do Cơ quan Môi trường Jakarta thực hiện, 96% nước từ các con sông đều bị ô nhiễm do chứa chất thải rắn, kim loại nặng và vi khuẩn. Việc thủ đô này thiếu cơ sở quản lý nước thải chuyên nghiệp được cho là một trong những nguyên nhân.

    “Nếu bạn nhìn vào hệ thống cống rãnh ở Jakarta, hầu hết chúng đều dẫn đến các con sông và lưu vực gần nhất. Mọi người đổ rác và chất thải thẳng vào các khu vực này”, Joga nói. “Việc khử muối cũng không khả thi bởi tất cả rác và chất thải cuối cùng sẽ trôi ra biển. Đây là lý do tại sao các con sông, lưu vực nước và biển không được sử dụng làm nguồn nước chính”.

    Để cải thiện mức độ tin cậy trong việc cung cấp nước máy cho người dân, bà Tarigan, điều phối viên đối thoại về nước, cho biết giới chức đang mở rộng mạng lưới đường ống của thủ đô. Jakarta cũng đang lên kế hoạch tối ưu hóa các hồ trữ lũ để chúng có thể hoạt động như hồ chứa.

    “Mục tiêu của chúng tôi là bao phủ 100% diện tích Jakarta vào năm 2030. Điều này đòi hỏi khoản chi lớn và chúng tốn kém hơn rất nhiều so với việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở một khu vực chưa phát triển”, bà Tarigan nói.

    CafeBiz (theo: Bloomberg, CNA)

  • Tuyết biến mất có thể khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu thêm trầm trọng, khiến người dân các khu vực sống phụ thuộc vào tuyết tan gặp khó khăn.

    Theo một nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) gần đây, lượngtuyếtrơi trên toàn cầu đang giảm đi, theo đài CNN. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính của việc tuyết biến mất dần là do nhiệt độ toàn cầu ấm hơn, dưới tác động của biến đổi khí hậu.

    Các nhà khoa học cho rằng có thể trong thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều cơn bão mùa đông khắc nghiệt hơn và lượng tuyết rơi có thể sẽ gia tăng trong một số năm. Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà khoa học nhận định nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên, tuyết sẽ giảm.

    tuyet bien mat 2
    Sông băng Khumbu ở Nepal. Ảnh: REUTERS

    Tác động khó lường từ việc tuyết biến mất

    Ông Brian Brettschneider – nhà khoa học khí hậu của NOAA ở bang Alaska (Mỹ) - dẫn dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho thấy lượng tuyết rơi toàn cầu hàng năm đã giảm 2,7% kể từ năm 1973.

    Tuyết biến mất là hiện tượng đáng báo động.

    Xu hướng lượng tuyết giảm đặc biệt đáng chú ý ở các khu vực có vĩ độ trung bình của bắc bán cầu. Đây là khu vực giữa phía bắc vùng nhiệt đới và phía nam Bắc Cực, bao gồm lãnh thổ Mỹ.

    Mặt trời ở tại khu vực này chiếu trực tiếp vào mặt đất hơn so với các khu vực có vĩ độ cao hơn, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa thu khi trời vẫn còn tuyết. Màu trắng của tuyết có tác dụng giống như tấm che nắng của ô tô, làm chệch hướng ánh sáng mặt trời và đẩy sức nóng của nó trở lại không gian.

    Nếu tuyết biến mất, mặt đất phải hấp thụ nhiều ánh nắng mặt trời hơn, làm bầu khí quyển ấm lên.

    “Cuối cùng, các định luật vật lý sẽ chứng minh khi Trái Đất tiếp tục ấm lên, nhiều tuyết sẽ biến mất hoặc chuyển thành mưa. Mọi thứ có thể thay đổi trong chốc lát” – ông Brettschneider nói.

    Tuyết biến mất có thể đe dọa nguồn cung thực phẩm và nước uống của hàng tỉ người.

    Ít tuyết rơi hơn cũng có nghĩa là ít băng được hình thành hơn.

    GS kỹ thuật môi trường Jessica Lundquist tại ĐH Washington (Mỹ) cho biết băng tuyết rất quan trọng đối với nguồn cung cấp nước vì nó hoạt động giống như một hồ chứa tự nhiên. Nước sẽ được lưu trữ dưới dạng băng tuyết và sau đó được giải phóng khi thời tiết nóng lên.

    Ông Lundquist cho biết các vùng giáp biển ở bang California và các khu vực khác ở miền Tây nước Mỹ sẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng khi lượng nước dự trữ dưới dạng tuyết giảm.

    “Bang California là khu vực điển hình. Trời không mưa vào mùa hè ở California và do đó, lượng tuyết tan là rất cần thiết cho tất cả các hệ sinh thái, nền nông nghiệp, các thành phố hoặc bất kỳ ai muốn có nước trong mùa khô” - ông Lundquist nói.

    Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy lượng nước dự trữ trong tuyết chiếm hơn 50% nguồn cung cấp nước cho miền tây nước Mỹ. Nghiên cứu cũng dự đoán mức băng tuyết ở khu vực này sẽ tiếp tục giảm hơn 1/3 từ nay đến năm 2100, nếu nhiệt độ tiếp tục ấm lên.

    Ông Justin Mankin – nhà khoa học khí hậu tại ĐH Dartmouth (Mỹ) - cho biết lượng tuyết rơi sẽ không giảm theo xu hướng dần đều. Thay vào đó, sẽ có một vài năm tuyết giảm mạnh hơn các năm khác. Điều này có nghĩa là khi đạt đến một ngưỡng nhiệt độ nhất định, tuyết sẽ giảm rất nhanh.

    “Điều đó có nghĩa là nhiều nơi sẽ bắt đầu chứng kiến lượng tuyết rơi giảm trong tương lai, khi nhiệt độ bắt đầu ấm lên” – ông Mankin nói.

    Khó khăn trong quản lý nguồn nước do tuyết giảm

    Ông Mankin cho biết tác động của việc tuyết rơi ít hơn đối với nguồn cung cấp nước toàn cầu là rất phức tạp. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của tuyết và nhiều yếu tố tác động khác.

    Ông Mankin cho biết một trong những yếu tố quan trọng nhất là lượng nước trong tuyết. Lượng nước này khác nhau phụ thuộc vào tính chất của tuyết. Tuyết nhẹ, mịn sẽ có hàm lượng nước thấp, tuyết dày sẽ có hàm lượng nước cao.

    Một nghiên cứu năm 2015 của ông Mankin cho thấy 2 tỉ người sống dựa vào tuyết tan để lấy nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng. Những người này thuộc các khu vực ở Nam Á (gần dãy Himalaya), Địa Trung Hải (Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp) và một số vùng ở Bắc Phi - nơi phụ thuộc vào lượng tuyết tan từ dãy núi Atlas.

    Tuy nhiên, ông Mankin cho biết nghiên cứu này không đề cập đến việc quản lý nước và cũng không chỉ ra nguồn nước thay thế cho lượng tuyết bị mất.

    “Việc mất tuyết trở thành một thách thức lớn về quản lý. Đây không hẳn là một thách thức không thể vượt qua ở mọi nơi nhưng nó là một thách thức lớn, đặc biệt là ở những nơi phụ thuộc nhiều vào lượng nước do tuyết tan như miền tây nước Mỹ”.

    Ông Mankin và ông Lundquist đều cho biết nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa tuyết và nguồn cung cấp nước. Điều này giúp các nhà quản lý lập kế hoạch tốt hơn để đối phó với tình trạng tuyết biến mất.

    ”Không dễ để tìm ra giải pháp đơn giản. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ là một tập hợp các giải pháp và tiền bạc ở nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp chỉ có thể được hình thành sau khi chúng ta hiểu và xác định được phạm vi của vấn đề” – ông Mankin nói.

    Ngoài ra, theo ông Mankin, nếu nhà chức trách ở các quốc gia tiếp tục quản lý nước theo cách hiện có, biến đổi khí hậu sẽ chứng minh họ đã sai lầm.

    Theo Plo

  • Tính đến hiện tại, đã gần 20 năm kể từ khi phát hiện ra viên ngọc dạ minh châu nặng 6 tấn với đường kính lên tới 1,6 mét. Nhiều người tò mò về số phận của nó sau khi được các bậc thầy thông thạo về chạm khắc kì công chạm trổ trong suốt 3 năm.

    da minh chau 1
    Tính đến hiện tại, viên dạ minh châu của Triệu Xã Lương vẫn là viên dạ minh châu lớn nhất đẹp nhất thế giới.

    Người tìm ra viên dạ minh châu lớn nhất thế giới

    Năm 2004, Triệu Xã Lương (Zhao Sheliang) đến từ Thiểm Tây, Trung Quốc bắt đầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh trang sức. Mặc dù đã dành toàn bộ thời gian, tâm sức để mày mò, tìm ra nguồn đá quý nhưng do không tìm ra sản phẩm có giá trị cao nên anh vẫn bị thua lỗ nặng nề.

    Tại thời điểm đó, trong tay Triệu Xã Lương chỉ còn lại vài viên ngọc bội nhưng lại không thể bán được với giá tốt. Trước nguy cơ phá sản, nghe theo gợi ý của một người bạn, anh quyết định đến La Bố Lạc, Tân Cương khai thác ngọc.

    Sau một thời gian kiên nhẫn tìm khắp các dãy núi, các khu vực được cho là tiềm năng, Triệu Xã Lương vẫn không tìm thấy một mỏ đá quý nào. Những người bạn đi cùng thấy tình hình khó khăn nên thuyết phục anh từ bỏ ý định tìm mỏ đá quý tại đây và trở về nhà. Tuy nhiên, Triệu Xã Lương từ chối lời đề nghị và quyết định ở lại.

    Tiếp đến, Triệu Xã Lương mua lại một cái mỏ đã được khai thác qua với hy vọng tìm được ít bảo vật. Để sớm sở hữu đá quý, anh thuê một nhóm thợ cùng máy xúc bắt đầu tiến hành đào lại vào sâu bên trong.

    Những ngày đầu, ai nấy đều không đặt nhiều hy vọng gì về việc tìm thấy bảo vật ở khu mỏ đã từng được khai thác. Riêng Triệu Xã Lương, anh vẫn cố gắng túc trực ở khu mỏ. Vào một buổi tối, Triệu Xã Lương cùng các công nhân vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra một thứ ánh sáng xanh lá cây mờ nhạt.

    Nhận thấy có gì đó khác thường, Triệu Xã Lương và toàn bộ công nhân dùng hết sức lực để khai thác đào bới khu quặng. Sau 10 ngày, ai nấy đều kinh ngạc khi mỏ ngọc lộ ra màu xanh ngọc bích kéo dài bất tận, gần như phủ kín cả một ngọn đồi nhỏ.

    Đến khi khối đá quý được đưa ra ngoài, Triệu Xã Lương tiến hành đo đạc và cảm thấy vô cùng ấn tượng khi khối lượng của nó lên tới 6 tấn. Những ngày tiếp theo, anh chạy đi khắp nơi tìm hỏi các bậc thầy thông thạo về chạm khắc với mong muốn cho ra thành phẩm tuyệt đỉnh.

    da minh chau 1

    3 năm sau, Triệu Xã Lương mới chính thức sở hữu một viên dạ minh châu kích thước vô cùng lớn. Được biết, đường kính của nó lên tới 1,6 mét với màu sắc bắt mắt. Các chuyên gia thẩm định, họ ước tính viên dạ minh châu khổng lồ như vậy trị giá 2,6 tỷ NDT (tương đương hơn 8.000 tỷ đồng).

    da minh chau 1

    Số phận của viên dạ minh châu lớn nhất thế giới

    Do viên dạ minh châu có kích thước lớn, giá trị quá cao nên không ai mua. Trước tình thế này, Triệu Xã Lương quyết mở triển lãm trưng bày tại thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Cách làm này vừa giúp anh trở nên nổi tiếng, lại có thể kiếm được tiền bù vào khoản chi phí khai thác, chạm trổ kì công.

    da minh chau 1

    Trong không gian mờ tối không ánh sáng, dạ minh châu lại tỏa sáng rực rỡ trong tủ kính triển lãm, khiến cả gian phòng rực rỡ mà không cần thắp đèn. Cứ như thế, viên dạ minh châu có một không hai trở thành "đèn đường" thông thường theo đúng nghĩa.

    da minh chau 1

    Tính đến hiện tại, viên dạ minh châu của Triệu Xã Lương vẫn là viên dạ minh châu lớn nhất đẹp nhất thế giới, không có viên nào lớn hơn và chói lọi hơn nó.

    Theo Doanhnghiepvn

  • Ngày 13/10, Ủy ban Kiểm toán môi trường (EAC) của Hạ viện Anh công bố báo cáo cho biết nước biển dâng do băng tan tại Bắc Cực có thể gây ra nguy cơ lụt lội lớn ở Anh.

    canh bao bang tan
    Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland, ngày 15/8/2019. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

    Theo EAC, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những thay đổi tại Bắc Cực có thể tạo ra các điều kiện thời tiết cực đoan hơn tại Anh.

    Kêu gọi chính phủ bổ nhiệm một “đặc phái viên về Bắc Cực”, Chủ tịch tiểu ban của EAC về nghiên cứu các vùng cực, nghị sĩ James Gray cho rằng hiện Chính phủ chưa chú ý đủ đến Bắc Cực và việc không có một chính sách đối với Bắc Cực là "bỏ lỡ cơ hội. Ông kêu gọi bộ trưởng các bộ liên quan phải nhóm họp định kỳ vì hiện đang diễn ra những thay đổi lớn tại khu vực này.

    Báo cáo trên kết luận rằng phần lớn Bắc Cực chưa được nghiên cứu đúng mức và cần có thêm thông tin về tác động của những thay đổi tại Bắc Cực đối với cuộc sống của người dân.

    Trong báo cáo trên, EAC chỉ rõ một nghiên cứu cho thấy Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp 4 lần các nơi khác trên thế giới. Ủy ban này kêu gọi Chính phủ Anh đưa Bắc Cực vào chương trình nghị sự chính trị, cam kết tham vọng hơn về giảm phát thải và đi đầu trong các nỗ lực nghiên cứu khoa học về Bắc Cực trên toàn cầu.

    Theo TTXVN

  • Kể từ năm 2014, châu Âu trải qua nhiều đợt hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng nhất trong hơn 2.000 năm.

    Dựa vào các vòng cây có niên đại từ thời La Mã, một nghiên cứu đã phân tích và đánh giá hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo nghiên cứu này, châu Âu đã trải qua nhiều đợt hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng nhất trong hơn 2.000 năm, Guardian đưa tin.

    Nghiên cứu, mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, đã phân tích 27.000 vòng sinh trưởng từ 147 cây sồi. Các mẫu gỗ được thu thập từ nhiều quốc gia như Cộng hòa Czech hay Đức, nhằm đại diện cho nhiều loại hình khí hậu trên khắp Trung Âu.

    Từ mật độ gỗ và chiều rộng thân cây, nhóm nghiên cứu đã tái tạo được mô hình khí hậu trong quá khứ.

    Giáo sư Ulf Büntgen từ Đại học Cambridge, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Trong vài năm qua, chúng ta đều cảm thấy mùa hè nóng và khô hanh hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng này chưa từng có tiền lệ trong hơn 2.000 năm qua”.

    nong toan chau au
    Bảng đo nhiệt độ tại thành phố Paris, Pháp, trong ngày 25/7/2019. Ảnh: Getty.

    Cũng theo nhóm nghiên cứu, các đợt nắng nóng đã gây ra nhiều hậu quả tàn khốc, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, phá hủy mùa màng và gây cháy rừng. Mực nước sông thấp còn làm giao thông đình trệ, ảnh hưởng đến công suất của các nhà máy điện hạt nhân.Nghiên cứu chỉ thu thập dữ liệu đến năm 2018, song mùa hè ở châu Âu vào năm 2019 và 2020 có nhiệt độ cao tương tự. Các nhà khoa học dự đoán hiện tượng nắng nóng, hạn hán sẽ còn khắc nghiệt hơn trong tương lai.

    Giáo sư Mrislav Trnka từ Trung tâm Nghiên cứu CzechGlob, cũng là một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết hạn hán gia tăng là lời cảnh báo với ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Ông Trnka nói: “Thiệt hại về rừng tại phần lớn vùng Trung Âu là minh chứng rõ ràng nhất”.

    Theo Zing

  • Nước Anh đã bị nhấn chìm trong thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục, trong đó Văn phòng Khí tượng Quốc gia Met cho biết nhiệt độ cao nhất ghi nhận là 33,2C (91,6F) khiến kỳ nghỉ bank holiday này trở thành kỳ nghỉ cuối tháng 8 nóng nhất mọi thời đại.

    Sân bay Heathrow là nơi nóng nhất ở Anh, cao hơn một chút so với khu vực Northolt ở phía tây London, nơi có nhiệt độ là 33C.

    Bala ở Công viên quốc gia Snowdonia là nơi nóng nhất ở xứ Wales, với nhiệt độ cao nhất là 25,5C (77,9F), trong khi lâu đài Fyvie ở Aberdeenshire, Scotland, đã ghi nhận nhiệt độ cao 25C (77F).

    Ở Bắc Ireland, nhiệt kế đạt đỉnh 21,9C (71,42F) ở vịnh Helen.

    Nhà khí tượng học Greg Dewhurst nói: “Nhiệt độ đạt 28,6C vào khoảng 11 giờ sáng ngày 26/8 và lên đến 28,9C một thời gian ngắn sau đó.

    “Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy nhiều thay đổi trong tuần, với khả năng có sấm sét và mưa rào trên khắp cả nước từ thứ ba.

    “Phía đông nam nước Anh sẽ nắng nóng một ngày nữa và nhiệt độ nằm ở mức trên dưới 30C.”

    Mức nhiệt cao nhất trong kỳ nghỉ lễ tháng 8 này là 33.3C (92F) tại Heathrow vào Chủ nhật (25/8), trong khi hàng trăm ngàn người thích thú tận hưởng  lễ hội Notting Hill Carnival nóng nhất chưa từng có ở phía tây London.

    Nhiệt độ cao nhất vào cuối tháng 8 trong quá khứ là 31,5C (88,7F) tại Heathrow năm 2001, 27,3C ở Velindre, Powys, ở Wales và 27C (80,6F) ở Knockareven, Co Fermanagh, năm 2003, 26,7C (80,06F), được ghi nhận ở Aviemore, Inverness-shire, ở Scotland năm 1984.

    Đợt nắng nóng cuối hè, gây ra bởi luồng khí nóng di chuyển tới từ Pháp, đánh dấu kết thúc một tháng Tám có phần ẩm ướt và lạnh lẽo.

    Thời tiết khắc nghiệt đã khiến các bác sĩ thú y gửi cảnh báo tới những người nuôi chó về hậu quả của việc dẫn chó đi dạo quá lâu dưới thời tiết nắng nóng.

    Công ty cấp cứu thú cưng Vets Now cho biết các giống chó như bulgie Pháp và pug đặc biệt dễ bị sốc nhiệt.

    VietHome (Theo Huffington Post)

     

  • Rừng là một trong những đồng minh tự nhiên lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

    Năm 2018, một báo cáo của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu nêu rõ: Nếu cả thế giới muốn kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu, chúng ta sẽ phải trồng thêm ít nhất 1 tỷ hecta rừng. Đó là một diện tích bằng với nước Mỹ mà bạn nhìn thấy trên bản đồ.

    Nghe có vẻ là một nhiệm vụ bất khả thi? Nhưng không, một báo cáo mới công bố trên tạp chí Science cho thấy mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được. Không tính đến diện tích đất nông nghiệp, thành phố và lượng rừng hiện tại, Trái Đất vẫn còn có thể quy hoạch thêm 0,9 tỷ hecta rừng.

    Diện tích này cho phép chúng ta trồng 1-1,5 nghìn tỷ cây. Lượng cây này có thể lưu trữ tới 205 giga tấn carbon, khoảng hai phần ba lượng carbon mà con người đã thải vào bầu khí quyển từ những năm 1800 đến nay.

    "Trồng rừng là giải pháp đơn giản nhất để đối phó với biến đổi khí hậu. Và đó cũng là giải pháp hiệu quả nhất", tác giả nghiên cứu Thomas Crowther, nhà sinh thái học đến từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ cho biết.

    "Rừng là một trong những đồng minh tự nhiên lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu", Laura Duncanson, một nhà nghiên cứu dự trữ carbon đang làm việc cho Đại học Maryland và NASA cho biết.

    Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng nếu có thể trồng thêm 1 tỷ hecta rừng, chúng ta sẽ ngăn được nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2050.

    Crowther và Jean-Francois Bastin, một nhà sinh thái học khác đến từ Đại học ETH-Zurich, Thụy Sĩ đã quyết định tìm hiểu liệu mục tiêu này có khả thi hay không. Họ đã phân tích khoảng 80.000 bức ảnh vệ tinh để xác định các khu vực trên Trái Đất có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của các loại rừng khác nhau.

    Sau đó, họ trừ đi các khu rừng hiện tại, khu vực nông nghiệp và khu vực đô thị để xác định diện tích đất trống còn lại. Kết quả, chúng ta đang có một quỹ đất lên tới 3,5 triệu dặm vuông, tương đương 9 triệu km vuông để trồng thêm rừng.

    Nó cho phép 1-1,5 nghìn tỷ cây có thể phát triển đến khi trưởng thành. Đó là một con số đáng kể so với 3 nghìn tỷ cây hiện vẫn còn trên Trái Đất. Hơn một nửa diện tích đất trống này nằm ở 6 quốc gia: Nga, Mỹ, Canada, Úc, Brazil và Trung Quốc.

    Kết quả chỉ ra mục tiêu phục hồi rừng của IPCC chắc chắn "khả thi trong điều kiện khí hậu hiện tại", các tác giả viết trong bài báo. Thế nhưng, chúng ta phải hành động nhanh chóng, bởi tốc độ biến đổi khí hậu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

    Trái Đất vẫn ở trong một quỹ đạo ấm lên. Nếu không tiến hành trồng thêm rừng ngay tại thời điểm này, quỹ đất dành cho cây xanh sẽ giảm mất 223 triệu hecta, tương đương gần một phần tư vào năm 2050.

    Viethome (theo Helino)

  • Các chú ỉn được cho sử dụng loại kem có chỉ số chống nắng SPF 30 và còn được xuất hiện trên nhiều bản tin nữa.

    Đợt nắng nóng kỷ lục tại Anh và nhiều nước châu Âu khác đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể chủ động tìm phương pháp tránh nóng thì đa số các con vật nuôi lại chẳng thể làm điều đó. Chính vì vậy, một trang trại ở làng Mountsorrel, gần thành phố Leicester (nước Anh) đã quyết định giúp đỡ bầy gia súc của họ.

    Cụ thể là vào ngày 15/7 vừa qua, trang trại tên Stonehurst Family đã xịt kem có chỉ số chống nắng SPF 30 cho những chú ỉn. Khoảnh khắc đáng yêu khi chú lợn nheo mắt lại, ra vẻ khoái chí đang được chia sẻ mạnh trên MXH ở Anh.


    Chú ỉn hoàn toàn thư giãn khi không bị “xông khói” quá sớm!

    Vào hôm xịt kem chống nắng cho lợn, nhiệt độ đo được tại trang trại đạt mức 35 độ C, trong khi ở những vùng khác của nước Anh, nhiệt độ đã tăng cao đến mức hơn 38 độ C, sắp vượt qua kỉ lục mùa hè năm 2003 là 38,5 độ C. Dự kiến, mức nhiệt sẽ giảm sâu tới 10 độ C trong ít ngày tới.

    Ở trang trại Stonehurst Family có 5 con lợn nái, hiện đang được nuôi trong chuồng thay vì ở cánh đồng – nơi chúng sẽ được đắm mình trong các vũng bùn. Nếu không có sự bảo vệ của lớp bùn, lợn sẽ dễ bị phồng rộp da, gây đau đớn và cả những căn bệnh khác.


    Gương mặt “phê pha” cười tít mắt khi được cưng như trứng.

    Quản lý trang trại – anh Jen Bevin (28 tuổi) giải thích rằng những con lợn nái – một trong số đó có thể đang mang thai – cần phải được bôi kem chống nắng để giữ chúng an toàn khi tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời. “Trong tự nhiên, lợn sẽ giữ mát cơ thể bằng cách tắm bùn nhưng vì chúng tôi chủ yếu nuôi trong chuồng nên các con lợn ở đây sẽ được dùng kem chống nắng để bảo vệ chúng khi ra ngoài” – anh Bevin chia sẻ.

    Dù sao thì việc xịt kem chống nắng cho lợn cũng rất kỳ lạ đúng không ? Một số người dùng cho rằng hành động của trang trại thật đáng yêu, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ đây là việc không cần thiết vì “lợn thường nằm trong bóng râm chứ ít khi nào ra nắng”… Thậm chí, tài khoản tên Les2050 còn bình luận rằng “tôi không muốn ăn thịt lợn xông khói phết kem chống nắng đâu đấy!”. Còn bạn thì nghĩ sao về việc làm của nông trại này?

    Viethome (theo Helino)

  • Một nghiên cứu mới phân tích sự thay đổi nhiệt độ của 520 thành phố lớn trên thế giới trong trường hợp tăng 2 độ C đã mang lại kết quả gây sốc, với dự đoán được đưa ra rằng Leeds có thể nóng ngang ngửa Melbourne và London có thể bị hạn hán.

    Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Crowther đã so sánh nhiệt độ ngày nay với thời kỳ tiền công nghiệp, giai đoạn từ năm 1850 đến 1900, thời điểm khi việc đốt nhiên liệu hóa thạch chưa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

    Mức tăng 2 độ C có thể dẫn đến việc 1/5 các thành phố kể trên, bao gồm Singapore và Kuala Lumpur sẽ gặp phải những điều kiện thời tiết mà họ chưa từng thấy trước đây.

    Ngoài ra, London có thể nóng như Barcelona và phải chịu hạn hán khắc nghiệt, giống như những gì thành phố của Tây Ban Nha phải trải qua trong năm 2008.

    Vào thời điểm đó, thành phố này buộc phải nhập khẩu nước uống từ Pháp với chi phí lên tới 20 triệu bảng vì nhiệt độ tăng quá cao.

    Jean-Francois Bastin, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Lịch sử đã nhiều lần cho chúng ta thấy rằng dữ liệu và những sự kiện riêng lẻ không thể khiến con người thay đổi niềm tin hoặc hành động của họ.”

    Mùa hè và mùa đông ở châu Âu sẽ ấm hơn, tăng lần lượt 3.5 độ C và 4.7 độ C, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.

    "Nghiên cứu này đã đặt biến đổi khí hậu trong bối cảnh trải nghiệm thực tế của con người - và quan trọng hơn, cho thấy nhiều nơi sẽ đón nhận hình thái khí hậu hoàn toàn khác biệt so với hiện nay", Giáo sư Richard Betts, từ Trung tâm Met Office Hadley nói.

    Mike Lockwood, giáo sư Đại học Reading, nói thêm: "Mang khí hậu của Barcelona đến London nghe có vẻ là một điều hay ho - nếu bạn không bị hen suyễn hoặc bị bệnh tim - ngoại trừ vấn đề là đất sét London co lại và dễ vỡ nếu nó quá khô và sau đó phồng lên và nở ra khi rất ẩm ướt.”

    VietHome (Theo Indy100)

  • Một luồng không khí nóng gay gắt từ châu Phi có thể khiến nhiệt độ tăng vọt trên khắp nước Anh.

    Các báo cáo cho thấy toàn bộ châu Âu sẽ đối mặt với thời tiết nóng khủng khiếp trong tháng Bảy này.

    Hiển nhiên, hình thái thời tiết tương tự có thể xảy ra với Vương quốc Anh khi lục địa này chìm trong ánh nắng mặt trời.

    Một luồng khí nóng ở châu Phi phủ rộng 400 dặm sẽ khiến nhiệt độ chạm đến ngưỡng trên dưới 35 độ C từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8.

    Theo Weather Channel, Vương quốc Anh chuẩn bị đón nhận bốn đợt nắng nóng - cứ sau hai tuần một lần, bắt đầu từ giữa tháng 7 và kết thúc vào đầu tháng 9.

    Người đứng đầu Weather Channel, ông Leon Brown cho biết: "Sau đợt nắng nóng chưa từng có trên khắp châu Âu hồi tháng 6, bốn đợt nắng nóng nữa được dự báo đổ bộ vào Anh trong mùa hè này.

    "Ở mỗi đợt, nhiệt độ tối thiểu sẽ là 28 độ C.

    "Nhiệt độ tối đa vào mùa hè này từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 có thể dao động quanh 35 độ C do ảnh hưởng của sức nóng từ châu Phi."

    Tuần này, Cơ quan Khí tượng Quốc gia (Met) dự báo nhiệt độ cao nhất ngày thứ Tư sẽ là 23 độ C, không khí khô ráo và trời quang.

    Tuy nhiên, trước đó, mây và một số cơn mưa nặng hạt sẽ đổ xuống từ phía tây bắc vào thời điểm bình minh.

    Ngày thứ Năm sẽ có nắng cùng mưa rào rải rác. Thời tiết khô với nhiều nắng vào thứ Sáu và thứ Bảy.

    VietHome (Theo Birmingham Live)

     

  • Bản đồ nền nhiệt châu Âu trong đợt nắng nóng 40 độ C được mô tả là rất giống biểu tượng của thần chết.

    Nhà khí tượng học người Pháp Ruben Hallali hôm qua đăng ảnh bản đồ dự báo nhiệt độ châu Âu và phát hiện biểu tượng rất giống một "đầu lâu tử thần" khổng lồ trên phần lãnh thổ Pháp, nơi đang phải đối mặt với mức nhiệt được dự báo cao kỷ lục.

    Bản đồ nhiệt độ châu Âu và bức họa "The Scream" được nhà khí tượng học Ruben Hallali đặt cạnh nhau. Ảnh: Twitter.

    Để người xem dễ hình dung, Hallali còn đặt tấm bản đồ cạnh bức họa "The Scream" (Tiếng thét) của danh họa người Na Uy Edvard Munch. Bức họa thể hiện một gương mặt đầy âu lo, tuyệt vọng và là một trong bốn bản sáng tác in trên đá, theo trường phái biểu hiện của Munch vào khoảng năm 1893 và 1910.

    "Tôi chưa từng thấy điều gì tương tự trong suốt 15 năm làm nghề khí tượng của mình", Hallali cho biết.

    Tấm bản đồ nhiệt châu Âu ở phần hiển thị lãnh thổ nước Pháp. Ảnh: BI.

    Tấm bản đồ nhiệt do trang web Meteociel của Pháp công bố, sử dụng các phương thức dự báo khác nhau nhằm trực quan hóa hiện tượng thời tiết. Theo phát ngôn viên của Meteociel, bản đồ này dựa trên Hệ thống Dự báo Toàn cầu của Mỹ và hình dạng đặc biệt trên hoàn toàn là tình cờ.

    "Việc hình dung ra một đầu lâu trong bản đồ này chỉ là ngẫu nhiên. Có rất nhiều bản đồ được xuất bản trên trang web của chúng tôi và mỗi dự báo đều có thể trông giống thứ gì đó", phát ngôn viên này cho biết.

    Theo dự báo, một đợt nắng nóng xuất hiện ở châu Âu cuối tháng 6 khi khối khí nóng từ vùng sa mạc ở Bắc Phi tràn lên châu lục này, được cho là do ảnh hưởng nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Khối khí nóng khiến mức nhiệt phổ biến ở nhiều thành phố lớn trên khắp châu Âu lên đến 44 độ C.

    Theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Pháp Meteo-France, mức nhiệt ở Pháp lần này sẽ vượt ngưỡng nhiều đợt trước đó, vượt qua cả đợt nắng nóng lịch sử 2003 khiến gần 15.000 người thiệt mạng. "Đây là mức nhiệt vượt xa ngưỡng trung bình trên khắp Trung và Tây Âu, cao hơn cả các cảnh báo nắng nóng nguy hiểm", nhà khí tượng học Brandon Miller nói. Ông cho rằng tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu độ ẩm trong không khí cao, nhiệt độ sẽ không hạ nhiều vào ban đêm.

    Giới chức Paris đã cấm xe ô tô cũ hoạt động và lên kế hoạch lắp đặt thêm các đài phun nước trên toàn thành phố, kéo dài giờ hoạt động của các bể bơi công cộng, mở cửa công viên suốt đêm và mở thêm các phòng làm mát trong các tòa nhà để đối phó với đợt nắng nóng. Tờ Midi Libre cho hay ít nhất ba người đã thiệt mạng ở Pháp do sốc nhiệt khi nhảy xuống nước để tìm cách thoát khỏi nắng nóng.

    Nhiệt độ cao kỷ lục ở Pháp, Đức, Ba Lan, Séc, hàng ngàn người có thể chết vì nắng nóng bất thường trên toàn châu Âu

    Biểu đồ nhiệt tại châu Âu trong tháng 6/2019.

    The Washington Post đưa tian, các nhà khoa học và chuyên gia khí tượng học châu Âu dự đoán rằng nắng nóng bất thường bắt đầu từ cuối tháng 6 năm 2019 có thể cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

    Mika Rantanen, nhà khí tượng học Phần Lan đã dựa trên kết quả mô phỏng máy tính về cường độ nhiệt để xác định rằng, đợt nắng nóng sắp tới là chưa từng có đối với Pháp.

    Theo Stefan Rahmstorf, một nhà khí hậu học tại Đại học Potsdam, nhiệt độ không khí cao là “kẻ giết người thầm lặng”. 

    Chuyên gia khí tượng này nhắc nhở rằng vào năm 2003, nắng nóng đã giết chết 70 nghìn người châu Âu và năm ngoái vào mùa hè ở Đức, ít nhất một nghìn người đã chết.

    Mức cao nhất của nhiệt độ sẽ được ghi nhận ở phía tây và trung tâm của châu Âu. Nhà khí tượng học người Tây Ban Nha Silvia Laplana đã mô tả thời tiết trong tương lai bằng cụm từ “địa ngục đang gần kề”.

    Trong lúc đó, một chuyên gia thời tiết khác là ông Gillaume Woznica tuyên bố rằng ông không nghi ngờ gì về việc nhiệt độ không khí ở Pháp sẽ lập kỷ lục quốc gia mới ở mức 45 độ. Năm 2003, khi nhiệt độ cao nhất là 44.1 độ C, hơn 11.000 người Pháp đã chết vì nắng nóng.

    Nguyên nhân gây ra cái nóng thảm họa này là một hệ thống gồm hai khu vực áp suất cao nằm gần Greenland và phía bắc trung tâm châu Âu.

    Hai hệ thống này đã chặn luồn gió từ phía nam vốn có khả năng làm mát không khí. Kết quả là xuất hiện một luồng không khí nóng kéo dài từ các sa mạc Tây Ban Nha và châu Phi, dẫn tới các đợt nắng nóng dữ dội và giông bão.

    Trpng đợt nắng nóng vào tháng 6 này, Pháp, Đức, Ba Lan, Séc là những quốc gia được ghi nhận có nhiệt độ tăng cao nhất lục địa già.

  • Người dân nhiều nước châu Âu trải qua đợt nắng nóng diện rộng cuối tháng 6, với mức nhiệt phổ biến ở một số thành phố hơn 40 độ C.

    Người dân Paris giải nhiệt tại đài phun nước trong vườn Trocadero, dưới chân tháp Eiffel trong thời tiết nắng nóng ngày 25/6.

    Theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Pháp Meteo-France, mức nhiệt ở Pháp cuối tháng 6 sẽ vượt ngưỡng nhiều đợt nắng nóng trước đó, vượt qua cả đợt nắng nóng lịch sử năm 2003 khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.

    Người dân Pháp giải nhiệt trong đài phun nước tại công viên Andre Citroen ở Paris hôm 25/6.

    Giới chức Paris đã lên kế hoạch lắp đặt 48 vòi hoa sen trên toàn thành phố, kéo dài giờ hoạt động của các bể bơi công cộng, mở cửa công viên suốt đêm và mở thêm phòng làm mát trong các tòa nhà để đối phó với đợt nắng nóng.

    Một thiếu niên nhảy xuống con kênh gần Reims, đông bắc nước Pháp khi nền nhiệt tăng cao hôm 25/6.

    Người dân phía bắc thủ đô Copenhagen, Đan Mạch cũng tìm đến các hồ bơi khi nhiệt độ tăng cao. Meteo-France hôm qua cảnh báo hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu sẽ hứng chịu mức nhiệt trên 40 độ C trong những ngày tới.

    Một công nhân xây dựng ở Paris uống nước trong thời tiết nắng nóng. Cơ quan dự báo thời tiết các nước Bỉ, Czech, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ khuyên người dân nên tránh lao động nặng vào buổi trưa và buổi chiều, uống nhiều nước và tránh ánh nắng mặt trời trong những ngày nhiệt độ tăng cao.

    Những người mộ đạo dùng ô che nắng và quạt khi dự buổi tiếp kiến Giáo hoàng Francis tại quảng trường St Peter ở Vatican hôm 26/6.

    Du khách ở Rome, Italy hôm 24/6 lấy nước từ vòi công cộng trong đợt nắng nóng bất thường đầu mùa hè. Chia sẻ với CNN, nhà khí tượng học Brandon Miller cho rằng mức nhiệt trong đợt nắng nóng ở Trung và Tây Âu lần này đã vượt xa ngưỡng trung bình, cao hơn cả các cảnh báo nắng nóng nguy hiểm. Ông cho rằng tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu độ ẩm trong không khí cao, nhiệt độ sẽ không hạ nhiều vào ban đêm. 

    Nữ du khách ở Rome lấy nước dội vào mặt để hạ nhiệt hôm 24/6.

    Người phụ nữ dắt chó qua một đài phun nước ở Lyon, Pháp ngày 24/6. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho hay các kỳ thi quốc gia ở Pháp tuần này cũng lần đầu tiên bị hoãn do thời tiết. 

    Người phụ nữ nằm nghỉ trên ghế trong công viên Retiro ở trung tâm thành phố Madrid, Tây Ban Nha ngày 25/6. Cơ quan thời tiết AEMET Tây Ban Nha cho biết đợt nắng nóng xuất hiện ở nước này từ ngày 25/6 và dự kiến kéo dài đến đầu tuần tới.

    Ngựa tại một trại ngựa giống ở Wehrheim gần Frankfurt, Đức được phun nước để làm mát ngày 26/6. Nhiệt độ tại nhiều vùng ở Đức tăng cao những ngày qua khiến nhựa đường trên các đường cao tốc có nguy cơ giãn nở và cơ quan thời tiết quốc gia khuyên các tài xế thận trọng hơn khi lái xe.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Quan chức Scotland cảnh báo nếu thế giới không nỗ lực ngăn chặn Trái Đất nóng lên, Scotland và nhiều khu vực khác trên thế giới sẽ phải đối mặt với hậu quả thảm khốc như 'tận thế'.

    Guardian dẫn lời Francesca Osowska, Giám đốc điều hành cơ quan Di sản Thiên nhiên Scotland, cho biết thế giới chỉ còn gần một thập kỷ để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, trước khi hiện tượng nóng lên toàn cầu mang lại hậu quả thảm khốc, không thể vãn hồi.

    Bà Osowska nói thêm Scotland cũng như các khu vực khác của nước Anh đang phải đối mặt với những mối đe dọa rất rõ ràng, và tình hình chỉ có thể được cải thiện nếu các quốc gia tích cực hành động trước năm 2030.

    "Hãy tưởng tượng đến ngày tận thế khi nước bị ô nhiễm, đất chảy ra thành bùn; các thị trấn và ngôi làng ven biển bị bỏ hoang sau khi nước biển dâng và bờ biển bị xói mòn; các khu vực lâm nghiệp rộng lớn bị bệnh dịch hoành hành; chỉ còn rất ít người ở vùng nông thôn; và không có tiếng chim hót nữa", Giám đốc Osowska nói với tổ chức từ thiện Royal Society of Edinburgh của Scotland hôm 30/5.

    Scotland đang phải đối mặt với mối đe dọa từ hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ảnh: Guardian. 

    "Tất cả những điều này đều có thể xảy ra, và chúng tôi cũng có thể nêu lên rất nhiều khu vực trên thế giới mà sự thờ ơ đã khiến những cơn ác mộng như vậy thành hiện thực", bà nhấn mạnh.

    Cũng theo Giám đốc Osowska, với mức độ xả thải khí nhà kính như hiện nay, việc Trái Đất nóng lên 1,5 độ C là gần như không thể tránh khỏi, đòi hỏi con người phải thích nghi.

    Nhằm ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ hơn xảy ra, con người phải thay đổi toàn diện cách khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất lương thực, hướng tới các phương pháp bền vững hơn. Ngoài ra, hệ thống giao thông, quy hoạch đô thị cần được xây dựng hợp lý với nhiều không gian xanh, nền kinh tế cũng cần được cải cách đáng kể.

    Nhấn mạnh mối quan hệ giữa khí hậu Trái Đất và sự đa dạng sinh học, bà Osowska cho biết trong quá khứ, mối quan hệ này từng nhiều lần thay đổi lớn.

    "Tuy nhiên, sự thay đổi hiện nay là chưa từng có và rất khác thường. Hoạt động của chúng ta phá vỡ mối quan hệ hòa hợp giữa Trái Đất và sự đa dạng sinh học vốn tồn tại trong 10.000-15.000 năm qua. Khí hậu Trái Đất trong tương lai có thể sẽ không có khả năng duy trì sự sống cho hành tinh với hàng tỷ người và cả thiên nhiên như hiện nay", bà Osowska nói thêm.

    Giám đốc cơ quan Di sản Thiên nhiên Scotland cho biết để cải thiện tình hình, thế giới phải chuyển đổi 20% đất nông nghiệp sang lâm nghiệp cùng nhiều biện pháp khác như tăng sản lượng năng lượng sạch lên 50%.

    Viethome (theo Zing)