Thị trưởng thủ đô London của Anh, ông Michael Mainelli, cho biết việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã khiến trung tâm tài chính này mất khoảng 40.000 việc làm. Đây là bằng chứng cho thấy tác động của Brexit lớn hơn nhiều so với ước tính trước đây.
Một cuộc điều tra của Reuters vào năm 2017 cho biết khoảng 10.000 việc làm sẽ được chuyển khỏi Anh hoặc tạo ra ở nước ngoài trong vòng vài năm, sau khi Anh rời khỏi liên minh châu Âu.
Ông Mainelli khẳng định: "Brexit là một thảm họa”. Theo ông, London có 525.000 việc làm vào năm 2016 và đã bị mất gần 40.000 việc làm sau Brexit. Trong khi đó, Dublin - thủ đô của Ireland - nhận được nhiều lợi ích nhất từ Brexit khi thu hút được 10.000 việc làm mới. Các thành phố như Milan (Italy), Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan) cũng được hưởng lợi từ số việc làm dịch chuyển từ London sau khi Anh rời EU.
Tuy nhiên, ông Mainelli cũng cho biết London đang phát triển nhiều việc làm mới trong và ngoài lĩnh vực tài chính để bù đắp cho hậu quả của Brexit. Đã có thêm 615.000 việc làm được tạo ra nhờ sự phát triển của các ngành bảo hiểm và phân tích dữ liệu.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, hầu hết người Anh coi Brexit là sự thất bại. Những người ủng hộ thì cho rằng Anh có nhiều quyền tự do hơn để theo đuổi con đường riêng của mình và không phải chịu hệ quả từ những khó khăn nảy sinh trong khối như sự suy giảm kinh tế ở Đức hay chính trị bất ổn ở Pháp...
Nhưng kể từ đó đến nay, số người nhập cư và nhập cư bất hợp pháp vào Anh chỉ tăng lên chứ không giảm đi.
Brexit tiếp tục tác động mạnh tới thương mại Anh - EU
Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Đại học Aston (Anh) cho thấy trong giai đoạn 2021 - 2023, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU giảm 27% và nhập khẩu hàng hóa giảm 32% so với mức Anh vẫn là thành viên EU. Số lượng mặt hàng xuất khẩu thương mại sang các nước EU cũng giảm 1.645 loại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của thỏa thuận thương mại Brexit với EU tăng theo thời gian, với năm 2023 chứng kiến thương mại giảm rõ rệt so với những năm trước. Nông sản, dệt may và sản xuất gỗ và giấy là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ một số ít ngành như đường sắt, hàng không và thuốc lá có thể duy trì tăng trưởng, đặc biệt trong xuất khẩu sang các nền kinh tế EU lớn như Đức và Pháp.
Theo nghiên cứu, thương mại với EU giảm mạnh do nhiều nhà sản xuất nhỏ ở Anh từ bỏ xuất khẩu sang một số quốc gia châu Âu sau khi đối mặt với quy định gia tăng và thủ tục hành chính rườm rà.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Aston, Jun Du, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết việc tăng các quy định như tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm tra an toàn và yêu cầu về dán nhãn gây nhiều khó khăn và làm tăng chi phí cho thương nhân.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thỏa thuận thương mại hậu Brexit (TCA) kìm hãm hoạt động thương mại khi chuỗi cung ứng Anh - EU bị gián đoạn và suy yếu nghiêm trọng sau TCA. Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh những thách thức dai dẳng của Brexit đối với khả năng cạnh tranh thương mại của Anh.
Nghiên cứu của Đại học Aston tiếp nối nghiên cứu của tổ chức Resolution Foundation, theo đó cảnh báo Brexit đang đẩy Anh khỏi các hoạt động năng suất cao, vốn phụ thuộc vào sự hội nhập với chuỗi cung ứng của EU.
Nhà kinh tế tại Resolution Foundation, Sophie Hale, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy những thiệt hại kinh tế của Brexit vẫn chưa kết thúc. Bà cho rằng chính phủ Công đảng cần khẩn trương thực hiện chiến lược thiết lập lại quan hệ Anh - EU để ngăn chặn các tác động xấu hơn và bảo vệ lợi ích kinh tế của Anh.
Theo nhà kinh tế John Springford tại Trung tâm nghiên cứu cải cách châu Âu, kết quả nghiên cứu phù hợp với số liệu tổng hợp về thương mại hàng hóa của Anh. Theo đó xuất nhập khẩu của Anh với EU cũng như với phần còn lại của thế giới đều tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế tương đương, đặc biệt trong năm 2023.
Giáo sư Jun Du cho rằng chính phủ cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính để cải thiện quan hệ thương mại với EU, gồm đàm phán theo từng ngành cụ thể như nông sản thực phẩm và dệt may; sử dụng công nghệ số tốt hơn để quản các giao dịch thương mại; và liên kết chặt chẽ hơn với EU về mặt quy định.
Phản ứng trước kết quả của nghiên cứu, Văn phòng Nội các cho biết Anh sẽ hướng về tương lai thay vì quá khứ khi giải quyết những thách thức do Brexit, khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư với EU và xóa bỏ các rào cản thương mại không cần thiết. Tuy nhiên, chính phủ Công đảng loại trừ khả năng tái gia nhập thị trường chung EU hoặc thành lập liên minh thuế quan.
Theo TTXVN