• Xu hướng nhà đầu tư Việt Nam chọn đầu tư theo dạng EB-5 với khoản vốn ban đầu 500.000 USD để có cơ hội định cư lâu dài tại Mỹ nhưng cẩn trọng.

    Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại toạ đàm "Giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản khi đầu tư định cư EB-5", do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 22-5, tại TP HCM.

    Hiện nhiều người Việt quan tâm đến chính sách đầu tư định cư và thị thực theo chương trình EB-5 của Mỹ. Nhưng đi cùng với xu hướng đầu tư EB-5 là sự gia tăng tình trạng rủi ro và lừa đảo.

    Theo quy định, để có được thị thực EB-5, mỗi nhà đầu tư cá nhân phải bỏ ra ít nhất 500.000 USD (tương đương khoảng 12 tỉ đồng) đầu tư vào một dự án mới được Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) chấp thuận ở khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao hoặc khu vực nông thôn nhằm tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian cho người lao động Mỹ.

    Nhà đầu tư cần bỏ ít nhất 500.000 USD để đầu tư định cư tại Mỹ theo dạng EB-5. Ảnh: Linh Anh

    Nhà đầu tư phải chứng minh được nguồn tiền sạch và dự án tạo ra được công ăn việc làm cho người dân địa phương, cộng thêm khoảng 85.000 USD phí cho một dự án được Mỹ chấp thuận. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, nếu dự án không hiệu quả, phá sản hoặc ngừng hoạt động thì nhà đầu tư sẽ mất trắng số tiền đã bỏ ra.

    Ông Kenneth K. Nguyen, Giám đốc cấp cao American Immigration Group & Global Residents LLP, cho biết trong quá trình đầu tư, vẫn có trường hợp không may gặp phải rủi ro nên mất trắng số tiền đầu tư.

    Năm trước, một dự án du lịch của Mỹ ở ngay trung tâm New York thu hút khoảng 400 nhà đầu tư từ các nước đến theo dạng EB-5. Nhưng sau đó dự án này phải ngưng hoạt động vì hiệu quả sinh lời thấp, không có du khách nào đến. Kết quả, dự án chỉ mới hoàn thành khoảng 20% tiến độ đặt ra khiến không ít nhà đầu tư lao đao. Những nhà đầu tư đến sau sẽ mất trắng.

    Đã đầu tư là phải có rủi ro. Do đó, việc lựa chọn dự án đầu tư rất quan trọng, đòi hỏi người đầu tư am hiểu kinh tế, đặc thù khu vực ở nước Mỹ. Nhà đầu tư cần đánh giá các dự án cẩn thận, nếu được nên sang Mỹ quan sát, tìm hiểu thực tế dự án trước khi quyết định, ông Kenneth K. Nguyen nhận định.

    Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có kế hoạch định cư ở Mỹ cần chọn những dự án đã hoàn thiện 50-80% thay vì chọn những dự án mới bắt đầu, chưa khởi công, khả năng hoàn thiện còn lâu… Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ kế hoạch, giá trị dự án, nguồn vốn vay, nhu cầu của thị trường và tìm đến các tổ chức uy tín, được cấp giấy phép hoạt động từ Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) để được tư vấn, đưa ra lựa chọn hợp lý.

    Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia của American Immigration Group & Global Residents LLP đã đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường Việt Nam với chương trình định cư EB-5. Chẳng hạn, không thể đầu tư EB-5 với giá rẻ vì yêu cầu bắt buộc mức vốn tối thiểu với chương trình này là 500.000 USD; nhà đầu tư có thể làm visa nhanh chóng trong vòng 2 năm cũng không thể xảy ra. Bởi hiện ở Mỹ có một danh sách dài nhà đầu tư đang đợi để được nhận thị thực và điều này còn phụ thuộc vào dự án đầu tư.

    Nếu trả thêm tiền, nhà đầu tư sẽ được nhận thẻ xanh nhanh hơn cũng là thông tin sai lệch. Không có cách nào để nhanh hơn hay chậm hơn khi đầu tư EB-5, ngoài thông qua quy định của USCIS. Về lý thuyết, đây là chương trình "first come, first serve" (đến trước, được phục vụ trước). Những gia đình đầu tư trước thường sẽ được nhận thẻ xanh trước.

    Hiện chỉ có trẻ em dưới 14 tuổi mới được đảm bảo thẻ xanh với gói đầu tư của cha mẹ (14 tuổi tính từ lúc nộp hồ sơ). Trẻ em trên 14 tuổi có thể đăng ký dưới dạng gói riêng - gói bổ sung 500.000 USD.

    Ngay cả thông tin về việc đầu tư EB-5 được nhận lãi suất tới 40% là sai, bởi theo các chuyên gia, chương trình này không được thiết kế để trả lãi suất, cổ tức cho nhà đầu tư. Nếu mong muốn tìm kiếm môi trường đầu tư để nhận lãi suất cao thì EB-5 không phải là chương trình đó…

    Viethome (theo Người Lao Động)

  • Sống trên đời, có lẽ ai ai cũng theo đuổi thành công, hạnh phúc. Tuy nhiên, có những người, sống đến cuối đời vẫn không thể trả lời được câu hỏi thành công thực sự là gì? Hạnh phúc rốt cuộc ở nơi đâu…

    Để thực hiện giấc mơ của cha mẹ tôi cũng như hầu hết các bậc phụ huynh Ấn Độ, tôi đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư máy tính và xin được công việc ở một công ty phần mềm có trụ sở tại Mỹ, mảnh đất hứa của những con người dũng cảm và giàu khát vọng.

    Cha tôi là một công chức nhà nước bình thường. Sau khi ông nghỉ hưu, tài sản duy nhất ông có thể kiếm được là một căn hộ chỉ có một phòng ngủ. Tôi muốn làm một điều gì đó nhiều hơn ông. Tôi quyết định sẽ làm việc ở Mỹ trong vòng 5 năm để kiếm đủ tiền trở về mua nhà và sống tại quê hương Ấn Độ.

    cuoc song buon o my
    Ảnh minh họa: Unsplash

    Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà và cô đơn. Tôi thường gọi điện về nhà để trò chuyện với bố mẹ mỗi tuần bằng cách sử dụng các thẻ điện thoại gọi quốc tế giá rẻ. Hai năm trôi qua cũng là 2 năm tôi luôn phải gặm bánh Burger tại các cửa hàng McDonald’s hoặc pizza mà không có bữa ăn nào tử tế.

    Cuối cùng, tôi quyết định mình nên lập gia đình. Tôi nói với cha mẹ mình rằng tôi chỉ có 10 ngày nghỉ phép và mọi thứ phải hoàn thành nội trong vòng 10 ngày ngắn ngủi đó. Tôi đặt vé máy bay trên một chuyến bay thuộc loại giá rẻ nhất, cảm giác vô cùng hạnh phúc vì sắp được quay về gặp lại gia đình và các bạn bè của mình.

    Sau khi về đến nhà, tôi dành ra một tuần để xem các bức hình của tất cả các cô gái mà bố mẹ tôi đã nhờ người mai mối tìm. Cuối cùng, tôi đã chọn được cho mình một “ứng cử viên” để làm vợ. Ông bà sui gia vô cùng sửng sốt khi tôi nói với họ rằng đám cưới sẽ phải tổ chức trong vòng 2 đến 3 ngày, vì tôi sẽ không có thêm kỳ nghỉ nào nữa. Lễ cưới vừa kết thúc, vợ chồng tôi gấp rút quay trở lại Mỹ cho kịp thời gian làm việc.

    Khoảng hai tháng đầu, vợ tôi cũng thích thú với lối sống ở Mỹ, nhưng sau đó cô ấy bắt đầu cảm thấy cô đơn. Số lần gọi điện về Ấn Độ tăng dần từ 2 lần/tuần lên 3 lần/tuần. Hai năm sau đó thì chúng tôi bắt đầu có con. Hai đứa bé rất dễ thương, một trai và một gái.

    Mỗi lần mà tôi gọi điện nói chuyện với cha mẹ mình, họ thường hỏi tôi khi nào thì quay về Ấn Độ để ông bà có thể nhìn thấy mặt các cháu của mình. Năm nào tôi cũng suy nghĩ về việc thu xếp một chuyến quay về Ấn Độ thăm gia đình, nhưng một phần vì lý do công việc, phần khác là tài chính không cho phép nên tôi đã không làm được điều đó. Số tiền tiết kiệm của tôi liên tục vơi dần kể từ khi lập gia đình và có con. Nhiều năm trôi qua, việc quay về thăm Ấn Độ là một giấc mộng quá xa vời.

    Một ngày kia, tôi đột ngột nhận được tin cha mẹ tôi đang bị bệnh rất nặng. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng không thể có được kỳ nghỉ phép nào để có thể quay về Ấn Độ. Tin tiếp theo mà tôi nhận được là cha mẹ tôi đã qua đời và không có một ai thân thích để thực hiện những nghi lễ cuối cùng trong đám tang. Tôi hoàn toàn suy sụp: Cha mẹ tôi thậm chí còn chưa được gặp mặt những đứa cháu của mình.

    Sau đó vài năm, mặc dù hai đứa con không thích nhưng tôi và vợ vẫn quyết định quay về Ấn Độ để sống. Tôi bắt đầu tìm mua một ngôi nhà phù hợp với số tiền mà mình có, nhưng tôi đã thực sự choáng váng vì giá nhà đất ở Ấn Độ thì đã tăng một cách chóng mặt. Cuối cùng, tôi quyết định quay trở lại Mỹ. Vợ tôi không muốn điều đó, vì vậy tôi cùng 2 con đã quay lại Mỹ cùng lời hứa với vợ là tôi sẽ quay về Ấn Độ sau 2 năm nữa khi tình hình kinh tế khá hơn.

    Thời gian dần trôi qua, con gái tôi quyết định kết hôn với một người đàn ông Mỹ, và con trai tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi sống tại đây. Mọi thứ đã ổn và không còn vương vấn điều gì ở đất nước xa xôi này, tôi quyết định quay về Ấn Độ với số tiền tiết kiệm đủ để có thể mua một căn hộ có 2 phòng ngủ khá tốt ở một khu vực mới xây dựng của địa phương.

    Chẳng bao lâu sau, người vợ thủy chung đã rời bỏ tôi để đi về nơi chín suối. Bây giờ tôi đã 60 tuổi, hầu hết thời gian tôi chỉ dành cho việc viếng thăm những thánh đường Hồi giáo gần nhà.

    Thật cay đắng, tôi nhận ra mình đã mất cả bố mẹ, vợ và hai đứa con để đổi lấy THÊM MỘT PHÒNG NGỦ. Bố tôi, thậm chí chỉ sống tại Ấn Độ cũng đã có căn hộ của riêng ông, còn tôi bôn ba xứ người hơn nửa đời cũng chỉ hơn ông một phòng ngủ mà thôi!

    Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thư từ 2 đứa con để hỏi thăm về sức khỏe. Vâng, điều an ủi lớn nhất là ít ra chúng vẫn nhớ còn có tôi tồn tại trên đời. Có lẽ sau khi tôi chết đi, tôi sẽ phải nhờ những người hàng xóm thực hiện nghi lễ rửa tội cuối cùng dành cho mình. Một câu hỏi luôn dằn vặt tôi mỗi đêm là “Tất cả cuộc sống chỉ có vậy thôi sao?”

    Nhìn ra ngoài từ cửa sổ, tôi thấy rất nhiều trẻ em Ấn Độ đang nhảy các điệu nhảy hip-hop theo những hình ảnh trên truyền hình. Cái TV truyền hình cáp đó đã lôi kéo những đứa trẻ và khiến chúng không còn nhận ra giá trị của chính mình nữa. Tôi nhìn theo, bất lực và buồn…

    (Câu chuyện được lược dịch từ Sulekha.com)

    Viethome (theo dkn)

  • Sau khi đặt chân lên đất Mỹ, hầu như ai cũng có một “tuần trăng mật”. Khoảng thời gian này dài hay ngắn cũng tùy vào hoàn cảnh từng người. Thường nếu người mới đến có thân nhân, sẽ có vài màn đón tiếp vui vẻ, chở đi chơi chỗ này chỗ kia, ăn món này món nọ, mua sắm thứ này thứ khác…

    Nỗi nhớ, bơ vơ và ngơ ngác

    Không khí thoáng đãng, cảnh quan mới mẻ, siêu thị nhà hàng đầy ắp các món đồ… Ai cũng thích. Thêm nữa, trong đầu không thể không có cơ chế so sánh giữa đất cũ và đất mới, thấy mình như vừa đặt chân tới… thiên đàng. Khoảng thời gian ấy ắt phải qua, người thân tiếp tục vòng quay công việc. Mọi thủ tục cần thiết để thích nghi bắt đầu ập đến.

    Hoàn cảnh sống khởi đầu tất yếu là “ăn nhờ ở đậu”, nên không tránh khỏi những bức bối so với sự tự chủ trước đây. Thêm nữa là sự cộng hưởng của nỗi nhớ, của bơ vơ, ngơ ngác… Rất nhiều người bắt đầu cảm thấy “dập mật”. Chưa hết. Hàng loạt công việc, thủ tục “hành chánh” phải trải qua. Đăng ký an sinh xã hội, tìm chỗ khám chữa bệnh, thi bằng lái xe, tất cả đều phải nhờ cậy, thu xếp… trong khi hai chân mình có mà như không, vì đường sá, môi trường sống tất cả đều lạ hoắc.

    song o my de hay kho
    Ảnh minh họa: Unsplash

    Thêm nữa, tiền bạc bắt đầu bước sang phía gạch đỏ, mọi thứ đều quy đổi từ đồng sang đô – đô sang đồng, thấy xài cái gì cũng như phá. Công việc xoay vài chỗ, thấy chỗ nào cũng gian nan. Người thân vừa đón tiếp tưng bừng hôm nào, giờ đây bắt đầu… lạnh dần, vì ai cũng có việc riêng. Tệ hơn, nhiều mâu thuẫn bắt đầu phát sinh, vì kẻ ở Mỹ thì nhìn “lũ mới sang” như đám nhà quê, thậm chí… man rợ, ứng xử quái đản; người mới sang thì nhìn “đám ở Mỹ” như bọn thờ ơ, thực dụng, nghiệt ngã… Và còn tệ hơn cả tệ, nếu kẻ nhập cư bắt đầu hòa nhập với những công việc phổ thông ban đầu.

    Trả về “số 0”

    Qua Mỹ, mọi bằng cấp – đẳng cấp cũ vứt hết, chẳng mấy ai có thể bắt đầu ngay với công việc chuyên môn, thu nhập cao, được tôn trọng… Hầu hết sẽ lò mò với mức dưới 0, tệ hơn cả một đứa trẻ bị tống ra đường ở VN. Vì đứa trẻ ở VN, nếu bị tống ra đường còn có thể nói tiếng Việt với người xung quanh, còn có thể đi xin ăn, còn có thể lò mò đường sá… Ở đây thì không thể, vì vậy mới nói là mức dưới 0.

    Thường thì mấy thứ công việc có thể làm ngay là hầu bàn, phụ bếp, đi học nail, hoặc vào hãng xưởng… Sẽ có những ngày rã rời, khủng khiếp, quần quật, đầy nghiệt ngã, từ sáng sớm tới đêm thâu. Vợ chồng hiếm khi gặp mặt nhau, con cái ở gần mà cả ngày phải nhớ chúng. Nhớ lại những ngày còn ở VN, ta là thế nọ, ta là thế kia, tại sao qua đây kinh khủng vậy nè, tủi thân, thậm chí mang cảm giác nhục nhã, sai lầm. Và đây không còn là “tuần trăng mật” mà chính là “tuần trăn trối” đối với không ít người.

    Nhưng đây cũng chính là hình ảnh thu nhỏ của một “cuộc cách mạng” đối với bản thân, đối với gia đình của mỗi người nhập cư. Và các cuộc cách mạng xưa nay vẫn khởi đầu với không khí tưng từng – kế đến là những khó khăn, thậm chí tan nát, sau đó, khi trật tự mới dần được thiết lập, chân trời sẽ rạng dần.

    Quê nhà phía sau

    Thực sự cá nhân tôi và gia đình đã không phải trải qua những cú sốc tâm lý thời gian đầu hội nhập – tôi nhấn mạnh là thời gian đầu, theo bối cảnh chung của bài này, chứ chưa dám chủ quan nói về thời gian sau. Bởi chúng tôi xác định ngay, mọi khó khăn về mặt khách quan là tất yếu. Quan trọng là mình điều chỉnh được phía chủ quan.

    Xác định lớn nhất, khi đặt chân đến Mỹ nghĩa là đặt chân đến một đất nước toàn cầu. Mỗi công dân Mỹ trong lịch sử luôn có một quê nhà phía sau. Quê nhà ấy không phải để quên, để vứt bỏ, mà quê nhà ấy như một tiếng nói riêng, mình mang tới góp mặt trong cuộc hội nhập toàn cầu hóa nơi đây.

    Sống ở Mỹ nghĩa là đã xác định, quê hương chính là trái đất. Mình là một con người từ vũ trụ bước tới trái đất. Mình đặt quê nhà nơi một ngăn thiêng liêng trong trái tim, chớ không tự biến nó thành hòn núi khiêng vác nó trong cả cái quãng thời gian ngắn ngủi lướt qua trái đất này. Và mình đã thu xếp xong khó khăn lớn nhất là nỗi nhớ bằng cách ấy.

    Kế theo, ngay từ khi còn ở trong nước mình đã lựa chọn một thái độ sống, mình chẳng là cái đinh gì giữa cuộc đời này. Không chức tước, không quyền lực, không ông này bà nọ, và ngay cả sự nghiệp, danh tiếng, đẳng cấp đều là vô nghĩa hết. Vì vậy nếu sang đây quẳng mình vô bếp phụ rửa chén, hay đặt mình ngồi cạnh giá vẽ như một tay họa sĩ, tất cả đều được, vì mình chưa bao giờ phân biệt điều đó. Ở nhà, mình toàn chơi với anh em cực kỳ bình dân. Vì vậy mình làm gì cũng được, không tủi thân. Về tâm lý hội nhập, may mắn mình từng lang bạt kỳ hồ, chịu bầm dập tha hương nhiều, nên có phải “bụi đời” quốc tế cũng chẳng sao!

    Còn lại mọi khó khăn khác, đều là một phần của cuộc chơi hội nhập, nếu có phải nhận lãnh, trả giá, cũng không sao hết. Cũng như một cầu thủ, được ra sân là hạnh phúc, nếu có bị chấn thương, phải điều trị, cũng là tất yếu, không có gì phải rên rỉ, cằn nhằn, than trách… Nhưng trên hết, có rất nhiều điều đã mở toang ra trước mắt mình, kể từ khi đặt chân đến mảnh đất này, mình sẽ kể lại các bạn ở những kỳ sau. Từ việc đi học của các con, việc thi bằng lái, mua xe, mua nhà…

    Tác giả: Nguyễn Danh Lam

    Viethome (theo Thời Đại)

  • Giá nhà trung bình tại các bang của Mỹ thường dao động từ mức 300.000 USD đến 1.02 triệu USD. Để trả góp cho ngôi nhà này, thu nhập của người mua phải đạt từ 51.000 USD tới gần 200.000 USD mỗi năm.

    Thuế là rào cản ban đầu

    Mua nhà ở Mỹ khá dễ dàng, bởi thị trường bất động sản tại quốc gia này nhìn chung không có lệnh cấm đầu tư vào đại ốc, dù là với cá nhân hay với các công ty. Nhưng xét về luật, những phức tạp từ luật tiểu bang và liên bang có thể là điều ít người lường hết được bởi mỗi tiểu bang có quy định khác nhau về chuyển nhượng tài sản, có nghĩa là có tới 50 bộ quy tắc khác nhau.

    Theo đó, thuế nhà đất của Mỹ quy định khách hàng sẽ phải chi ít nhất 10% tổng giá trị nhà, tức khoảng 3.000 – 4.000 USD nếu mua một bất động sản trị giá 300.000 USD. Với nhà trả góp, khách hàng sẽ trả theo tháng, nếu không sẽ phải đóng theo năm.

    Ở nhiều tiểu bang, mức thuế bất động sản này rất cao với những người mua không phải công dân Mỹ. Nhưng cũng có trường hợp, nhà mua với mục đích kinh doanh thì khách hàng sẽ không phải thuế nhà đất, mà sẽ bị đánh thuế đầu tư hoặc kinh doanh, với tỷ lệ khoảng 30%/năm.

    Nhà “có xích” và “không xích”

    Theo điều tra dân số Mỹ, 70% nhà ở Mỹ bị thế chấp tại ngân hàng. Những ngôi nhà này thường bị rao bán khi chủ nhân không đủ tài chính để trả nợ đến kỳ cho ngân hàng. Thông thường, nhà sẽ bị niêm phong sau khi chủ đã dọn đồ đạc khỏi nhà, để lại hiện trạng hầu như không còn nguyên vẹn.

    Trong nhiều trường hợp, những người mua nhà để có vào diện thường trú không thẻ xanh của Mỹ đồng sở hữu tới 2 căn nhà, và một trong số chúng nằm dưới diện khoản đầu tư. Những ngôi nhà này bị tính thuế cao hơn, các nội dung trả góp (nếu có) siết chặt hơn và chủ nhà buộc phải bán lại khi không còn nguồn tài chính để trả nợ thì thường bị bán lại với mức giá siêu rẻ.

    Quà tặng kèm “thẻ xanh” không dành cho tất cả mọi người

    Rất nhiều thông tin trong nước cho rằng việc bỏ khoảng 250.000 USD để mua nhà, sau đó chi tiết 250.000 USD để đầu tư lĩnh vực khác có liên quan đến địa ốc thì người nước ngoài nghiễm nhiên sẽ được nhận một chiếc thẻ xanh tại Mỹ. Nhưng sự thật không phải như vậy.

    Sở hữu nhà ở Mỹ có thể mang lại cho chủ nhà chứng nhận thường trú, nhưng không hẳn sẽ có quốc tịch Mỹ nếu không có giấy phép lao động. Trong trường hợp người sở hữu nhà không có giấy phép lao động, họ sẽ phải đi xin cấp, và vấn đề có nhà ở sẽ không phải là một ưu tiên khi tìm việc tại nhiều bang tại Mỹ.

    Tài chính mua nhà cho những người không giàu có

    Hầu hết bất động sản ở Mỹ được phép trả góp, tức là mua từ công ty hoặc mua lại từ người dân, khách hàng cũng sẽ được tạo điều kiện để vay tín dụng từ ngân hàng.

    Thời gian trả góp trên lý thuyết là 20-30 năm. Thông thường, người có nhu cầu sẽ phải đặt cọc một khoảng tương ứng 20% giá trị căn nhà, phần còn lại sẽ trả gốc lãi theo tháng.

    Giá trị nhà sẽ phải tính thêm cả phần thuế nhà đất nộp cho Chính phủ. Rất ít người có thể mua được những ngôi nhà nằm trên phố chính tại Mỹ, mà đích đến thường là những ngôi nhà ở vùng ngoại ô, phụ cận, với kết cấu thông thường có nhà, gara, vườn. Với những ngôi nhà như vậy, chi phí hàng tháng không chỉ là tiền trả góp (đã bao gồm thuế) mà còn là chi phí an ninh, cắt cỏ, tưới cỏ, làm vườn và đổ rác, chi phí công cộng theo quy định địa phương.

    Thu nhập nào để mua được nhà?

    Năm 2014, giá nhà trung bình tại 20/50 bang của Mỹ thường dao động từ mức 230.000 USD tới hơn 900.000 USD. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, năm 2017, giá nhà tại các bang này đã tăng lên mức 300.000 – 1,02 triệu USD.

    Theo tính toán của Hiệp hội Quốc gia Các nhà bất động sản Mỹ (NAR), để trả góp cho những ngôi nhà tại Mỹ, trung bình mỗi gia đình phải đạt thu nhập từ 51.000 USD tới gần 200.000 USD mỗi năm, nhằm đảm bảo tài chính cho khoản trả nợ thông thường 1.000 – 4.000 USD/tháng. Con số này dựa trên tính toán khoản đặt cọc 20% giá trị nhà, lãi suất vay mua nhà thế chấp 3,9%/năm đối với tất cả các khu vực và tổng số tiền trả nợ chiếm 25% thu nhập hàng năm của các gia đình.

    Viethome (theo Nhịp sống kinh tế)

  • Bài liên quan: Người đàn ông gốc Việt giết chết 4 người trong nhà rồi tự sát

    Bốn người mà cảnh sát nói bị ông Tạ Đình Chi bắn chết tối Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu, sau một vụ cãi nhau liên quan đến việc bảo lãnh gia đình từ Việt Nam sang, vừa được Phòng Giảo Nghiệm Santa Clara County xác định danh tính hôm Thứ Năm, 27 Tháng Sáu, theo đài truyền hình KRON.

    Theo cảnh sát, ông Chi bắn chết bốn người này trước khi tự tử trong căn nhà mang số 568 ở đường Habbitts, San Jose (Mỹ), gần góc đường Senter và đường Tully, ngay khu có đông đảo người Việt cư ngụ.

    Hai nạn nhân được xe cứu thương chở vào bệnh viện và sau đó qua đời. (Hình chụp từ màn hình đài KRON)

    Bốn nạn nhân này là:

    - Bà Hoàng Lệ Thủy, 51 tuổi, cư dân Milpitas.

    - Ông Hoàng Ngọc Phụng, 48 tuổi, cư dân San Jose.

    - Cô Hoàng Thanh Hoa, 23 tuổi, cư dân San Jose.

    - Bà Phạm Thị Quế, 42 tuổi, cư dân San Jose.

    Theo nhật báo The San Jose Mercury News, nguồn tin cảnh sát và hàng xóm cho biết ông Chi năm nay 66 tuổi.

    Ông Alan Bùi, 47 tuổi, hàng xóm kế bên nhà, kể với San Jose Mercury News rằng, lúc đó, ông đang ở sân sau với con trai nhỏ, thì nghe nhiều tiếng nổ như pháo.

    “Tôi biết ngay là tiếng súng, thế là tôi đẩy con và vợ vào trong phòng ngủ chính và trốn. Tuy nhiên, tôi lại quên kéo cửa lại,” ông Alan kể hôm Thứ Hai. “Thế là bà vợ ông hàng xóm nhảy qua hàng rào, chạy vào nhà tôi, vào phòng con tôi, rồi khóa cửa lại.”

    Ông Alan kể tiếp: “Sau đó, tôi chạy ra ngoài, đóng cửa lại. Tôi thấy ông ấy đi tìm bà vợ.”

    Ông Alan cho biết, trước đó, ông có nghe tiếng cãi nhau bên nhà ông Chi, và cho biết tất cả mọi người trong nhà là cùng một gia đình.

    Cảnh sát được báo cho biết sự việc và đến hiện trường lúc 7 giờ 30 tối, bao vây căn nhà, thấy vợ ông Chi, con gái 17 tuổi của ông, và một cháu gái thoát được ra ngoài. Sau đó, cảnh sát đưa được hai người bị thương vào bệnh viện, nhưng họ qua đời vì những vết đạn.

    Đến 1 giờ 25 phút sáng Thứ Hai, cảnh sát ập vào nhà, phát hiện hai người chết bên trong, và tìm thấy nghi can chết, rõ ràng là do tự sát, ở sân bên hông nhà, theo cảnh sát.

    Theo ông Khuất Văn Tô, có vợ là em họ của ông Chi, nói với San Jose Mercury News, ông Chi bực mình vì vợ bảo lãnh được gia đình sang Mỹ, trong khi ông không được bảo lãnh gia đình ông. Ông Tô nói những người bị bắn chết “vừa từ Việt Nam sang” và “cư ngụ ở Mỹ chưa được bao lâu.”

    Hôm Thứ Ba, cảnh sát chưa có bình luận gì về phát biểu của ông Tô, và họ vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ án.

    Bài liên quan: Người đàn ông gốc Việt giết chết 4 người trong nhà rồi tự sát

    Viethome (theo Người Việt)

  • Chính quyền Mỹ đồng ý cấp visa cho anh em của ông Tu Le sau nhiều nỗ lực vận động từ các chính trị gia địa phương.

    Ông Tu Le và vợ, bà Melody Bui, tại nhà riêng ở thành phố San Jose, bang California, Mỹ, hôm 6/6. Ảnh: SFC

    "Tôi không thể hạnh phúc hơn cho ông Tu Le và gia đình", nghị sĩ Zoe Lofgren, thành phố San Jose, bang California, cho biết trong một thông cáo hôm 18/6. "Hãy tưởng tượng rằng một ca ghép tủy có thể là cách duy nhất để cứu sinh mạng của bạn, nhưng rồi bạn phải nhìn những người anh em hiến tủy cho mình bị từ chối trao cơ hội đến cứu bạn".

    Ông Tu Le, một người gốc Việt 63 tuổi, đang bị ung thư máu và cần được ghép tủy gấp, nếu không chỉ sống thêm được vài tuần. Hai anh em của ông ở Việt Nam là Lam Le và Hiep Nguyen được xác định có gen trùng khớp 100% với bệnh nhân nhưng hồi đầu tháng bị Lãnh sự quán Mỹ từ chối cấp visa B-2 với lý do không đủ bằng chứng cho thấy họ sẽ quay lại Việt Nam sau khi hoàn thành việc hiến tuỷ. B-2 là loại visa du lịch dành cho khách đến Mỹ với mục đích nghỉ dưỡng, giải trí hoặc y tế.

    Sau khi biết hoàn cảnh của ông Tu Le, ông Lofgren và thượng nghị sĩ Kamala Harris đã thay mặt gia đình vận động Bộ Ngoại giao Mỹ, gửi một bản kiến nghị chung đến Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM để nhấn mạnh trường hợp khẩn cấp trên.

    Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Dan Kritenbrink sau đó đã đồng ý tổ chức một cuộc phỏng vấn visa thứ hai cho Lam Le và Hiep Nguyen. Tối 17/6, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo visa của hai người đã được phê duyệt.

    "Tôi rất vui rằng Bộ Ngoại giao đã nhận ra sự cấp thiết cần phải hành động về mặt đạo đức và ông Tu Le sẽ được khẩn trương cứu sống như ông cần", thượng nghị sĩ Harris nói. Đơn kiến nghị của ông đã thu thập được hơn 18.000 chữ ký sau khi một tờ báo địa phương đưa tin về hoàn cảnh của ông Tu Le. "Tôi luôn hướng về Tu Le, con gái ông Diem Trinh Colisao và phần còn lại của gia đình họ suốt chặng đường phía trước".

    Ông Tu Le tại bệnh viện Good Samaritan, thành phố San Jose, bang California, Mỹ, tháng 3/2018. Ảnh: SFC

    Ủy viên gốc Việt trong hội đồng thành phố San Jose Lan Diep cũng đã đề cập với các chính trị gia của bang về trường hợp trên và cho hay vừa nhận được tin vui.

    "Tôi nhận ra rằng điều này diễn ra khắp các cộng đồng nhưng là một người Việt, sự việc khiến tôi đồng cảm hơn", ông Diep nói.

    Hồi tháng ba, ông Diep là người bảo trợ một nghị quyết lên án kế hoạch của Tổng thống Donald Trump trục xuất hàng nghìn người nhập cư gốc Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995. Kế hoạch này nhắm vào những người chưa phải là công dân Mỹ và có tiền án tiền sự.

    Ủy viên gốc Việt cho hay trong những trường hợp này và cả trường hợp của ông Tu Le, hội đồng thành phố San Jose sẽ luôn ủng hộ người dân của mình. "Tôi biết những quan chức chúng ta bầu ra sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết và trong quyền hạn của họ để đảm bảo người dân tiếp cận được những gì họ cần để tồn tại", ông nói.

    Bài liên quan: Hai anh em người Việt bị từ chối cấp thị thực đến Mỹ hiến tủy cứu người thân

    Viethome (theo VnExpress)

  • Chỉ cần có ý chí phấn đấu nỗ lực không ngừng là có thể đạt được “giấc mơ Mỹ” với cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng dường như lý tưởng này tại Canada ngày nay vượt trội hơn so với Mỹ.

    Tạp chí thông tin Maclean’s có bài phân tích từ nhiều góc độ, có thể khiến bạn cảm thấy hào hứng muốn được sớm có ngày đến Canada thử vận may.

    Giấc mơ Mỹ

    Trước tiên hãy hồi tưởng lại ngọn nguồn của “giấc mơ Mỹ”:

    Từ thời lập quốc, người Mỹ đã ôm ấp nhiều hoài bão, và Mỹ đã trở thành nơi lý tưởng về cơ hội lập nghiệp trong các vùng đất trên thế giới. Trong «Tuyên ngôn độc lập», Thomas Jefferson viết rằng, “Mọi người đều có quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc”, nghĩa là mỗi người đều cần có cơ hội và có thể thực hiện nó tại nước Mỹ. Đây là lý tưởng hấp dẫn và có sức mạnh nhất trong lịch sử hiện đại, đã khích lệ hàng triệu triệu người di dân đến Mỹ tìm công việc tốt đẹp, mưu cầu thụ hưởng nền giáo dục tốt đẹp…

    giac mo my

    Giấc mơ Canada

    Nhưng hiện nay có hàng chục nước đang vượt qua Mỹ, một trong số đó là nước láng giềng phương Bắc Canada của Mỹ.

    Hiện nay, về các phương diện như tự do và theo đuổi hạnh phúc, Canada tuyệt đối không thua kém Mỹ. Tuổi thọ trung bình của người Canada hiện nay hơn người Mỹ 2,5 năm, khả năng bị ngồi tù thấp hơn 6 lần. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng Canada là nước hạnh phúc thứ 6 trên thế giới, còn người Mỹ kém xa, chỉ đứng thứ 13 trên thế giới.

    Hiện nay, các phương diện mà một thời từng là “giấc mơ Mỹ” rất dễ tìm thấy tại Canada. Tại Mỹ, có 46% dân số có trình độ Đại học, còn Canada là 59%. Sau khi tốt nghiệp, người Canada dễ dàng kiếm được công việc hơn gấp 4 lần người Mỹ. Tại Canada, bạn không khó để mua được nhà với hàng rào tường trắng bao quanh, tỉ lệ nhà gia tăng cao hơn Mỹ 5%. Người Canada cũng có thời gian thụ hưởng cuộc sống nhiều hơn, vì thời gian làm việc hàng năm của người Canada ít hơn của người Mỹ 80 tiếng, thời gian nghỉ phép cũng nhiều hơn 3 ngày.

    So với Canada, thậm chí Mỹ còn không xứng là “mảnh đất tự do”. Theo chỉ số tự do của Viện Nghiên cứu Cato (Mỹ), chỉ số tự do của Canada đứng hàng thứ 6 trên thế giới, còn người Mỹ xếp hạng 23, sau cả Ba Lan. Theo xếp hạng của Quỹ HeritageWashington, xếp hạng tự do kinh tế của Canada và Mỹ lần lượt là 7 và 17. Còn về tự do ngôn luận, theo bảng xếp hạng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Canada hạng 18, Mỹ hạng 41.

    Giấc mơ Mỹ hứa hẹn về môi trường cạnh tranh bình đẳng và công bằng, giúp mọi người có thể tự lực cánh sinh, nhưng về phương diện này còn thua kém Canada. Chỉ số Gini (đánh giá độ công bằng thu nhập) của Canada vượt trội so với Mỹ và đã duy trì kéo dài 80 năm. Tại Canada, cơ hội để có thể từ vị trí nằm trong nhóm 1/5 dân số nghèo nhất tiến vào lớp giàu có nhất cao gấp hai lần Mỹ. Ngoài ra, độ thân mật giữa cha mẹ và con cái của người Mỹ cũng chỉ bằng một nửa của Canada.

    Viethome (theo trithucvn)

  • Tổng thống Trump vừa bổ nhiệm cựu lãnh đạo tư pháp tiểu bang Virginia Ken Cuccinelli làm quyền giám đốc Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS), bất chấp phản đối của phe Dân chủ gọi ông Cuccinelli là "một kẻ chống đối nhập cư".


    Tân quyền giám đốc của Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS), ông Ken Cuccinelli - Ảnh: REUTERS

    Ông Cuccinelli được cho là người ủng hộ trung thành đối với chính sách nhập cư mạnh tay của tổng thống Mỹ.

    Trong bức thư mới nhất gửi đến các nhân viên của mình ngày 10-6, quyền giám đốc mới này phần nào truyền tải chính sách nhập cư mạnh tay của ông Trump, BuzzFeed News nhận định.

    Ông Cuccinelli viết: "Chúng ta phải cùng sát với các đồng nghiệp tại Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS), cũng như với các đồng sự liên bang khác để giải quyết các thách thức trong hệ thống nhập cư hợp pháp, đồng thời củng cố luật nhập cư hiện nay. Cùng nhau chúng ta sẽ tiếp tục giải quyết khủng hoảng ở biên giới tây nam (biên giới với Mexico)".

    "Chúng ta sẽ làm việc để tìm ra giải pháp dài hạn, nhằm kết thúc các lỗ hổng tị nạn đang khiến nhiều người tìm tới Mỹ, thậm chí thông qua những hành trình nguy hiểm. Việc này sẽ giúp những người thật sự cần sự bảo vệ nhân đạo và đáp ứng các tiêu chí theo luật pháp sẽ được hưởng quyền lợi của mình", ông nhấn mạnh.

    Với cương vị nhà lập pháp của bang Virginia năm 2008, ông Cuccinelli đã giới thiệu và ủng hộ một nghị quyết kêu gọi sửa đổi hiến pháp, nhằm từ chối cấp quyền công dân cho những người Mỹ là con cái của dân nhập cư bất hợp pháp.

    Nay, với vị trí mới tại USCIS, ông Cuccinelli đang lãnh đạo cơ quan nắm quyền đánh giá các đơn xin và giám sát quy trình nhập tịch, bao gồm các cuộc phỏng vấn và đọc lời tuyên thệ.  

    Tuy nhiên theo tờ Time, phía Dân chủ phản đối kịch liệt việc bổ nhiệm ông Cuccinelli. Dân biểu Bennie Thompson của Đảng Dân chủ tại Mississippi gọi ông Cuccinelli là "một kẻ chống đối nhập cư không có liên quan gì" đến công việc điều hành một cơ quan quan trọng trong hệ thống nhập cư quốc gia.

    Hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Donald Trump có tiếp tục bổ nhiệm ông Cuccinelli cho vị trí chính thức hay không. Giới quan sát nhận định điều này sẽ rất khó khăn vì buộc phải được thượng viện thông qua, trong khi chính các thượng nghị sĩ Cộng hòa đều kịch liệt phản đối việc bổ nhiệm ông Cuccinelli.  

    Tờ Time cho biết điều khiến các nghị sĩ Cộng hòa phản đối ông Cuccinelli không xuất phát từ quan điểm của ông về vấn đề nhập cư. Một số thành viên Đảng Cộng hòa nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông Cuccinelli, thông qua sự thể hiện tệ hại tại vị trí giám đốc quỹ thượng viện của đảng này trước đây.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Dù được bác sĩ ở Mỹ gửi thư báo nhu cầu cần người hiến tủy khẩn cấp cho bệnh nhân gốc Việt Tu Le, hai người là anh em của ông này ở Việt Nam vẫn bị từ chối cấp thị thực, theo người thân bệnh nhân. 

    “Chúng tôi không biết phải làm gì”, cô Trinh Colisao (33 tuổi), con gái ông Tu Le, người đang mắc một dạng ung thư máu, theo tờ San Francisco Chronicle.

    Ông Tu Le  (63 tuổi) sang Mỹ vào năm 1992 và sau đó cùng vợ là bà Melody Bui trở thành công dân Mỹ, đang sống ở thành phố San Jose thuộc bang California (Mỹ). Hồi tháng 1.2018, ông  Tu Le được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic syndrome), xảy ra khi tế bào tạo máu trong tủy xương trở nên bất thường. Muốn giữ được mạng sống, ông Tu Le, hiện có 4 người con, cần được ghép tủy gấp. 

    Ông Tu Le đang được vợ chăm sóc tại nhà. 

    Cô Colisao nói khi không tìm được người hiến tạng phù hợp tại Mỹ, cha cô buộc phải nhờ đến họ hàng ở quê nhà. Bệnh viện Stanford Health Care, nơi ông Tu Le đang được điều trị, đã gửi bộ xét nghiệm đến hai anh em của ông là Lam Le và Hiep Nguyen cùng nhiều thành viên gia đình khác ở Việt Nam. Kết quả xét cho thấy, Lam Le và Hiep Nguyen có sự trùng khớp gien 100% với bệnh nhân.

    Để cứu ông Tu Le, Lam Le và Hiep Nguyen hôm 21.5 nộp hồ sơ xin thị thực du lịch B-2. Nhằm hỗ trợ hai ông có thể xin được thị thực này, bác sĩ điều trị cho Tu Le tại Stanford Health Care là Laura Johnston đã gửi thư tới Lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam, nói rõ nhu cầu hai người này cần đến Mỹ khẩn cấp để hiến tủy cho ông Tu Le. “Trong số 9 người hiến tạng tiềm năng, chỉ có 2 người phù hợp hoàn toàn. Có được người hiến tạng phù hợp hoàn toàn sẽ tăng cơ hội ghép tạng thành công và giảm rủi ro biến chứng”, bác sĩ Johnston viết trong thư.

    Tuy nhiên, đến ngày 3.6, hồ sơ xin thị thực của hai ông Lam Le và Hiep Nguyen vẫn bị bác. Theo Cô Colisao, nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam đã gọi điện cho ông Lam Le và Hiep Nguyen để thông báo họ bị từ chối cấp thị thực, nhưng không nói rõ nguyên nhân. Họ cũng không nhận được bất cứ tài liệu nào giải thích lý do bị từ chối cấp thị thực. Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về vụ việc, nhưng một đại diện của bộ này cho hay nhân viên lãnh sự có quyền từ chối cấp thị thực nếu người nộp hồ sơ không đáp ứng đủ các điều kiện mà luật pháp Mỹ quy định.

    B-2 là thi thực dành cho khách du lịch hoặc đến điều trị bệnh tại Mỹ. Để được cấp thị thực này, người xin phải nộp đơn đăng ký, ảnh, hộ chiếu còn hạn và hoàn thành phỏng vấn tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Mỹ. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể yêu cầu thêm các thông tin và tài liệu trong khi phỏng vấn, như mục đích tới Mỹ, ý định rời khỏi sau chuyến đi và khả năng chi trả.

    Ông Tu Le hiện được chăm sóc tại nhà.

    Cô Colisao cho biết nếu không được ghép tủy, căn bệnh ung thư của ông Tu Le sẽ xấu đi rất nhanh và ông chỉ có thể sống được vài tuần. Trước tình hình này, gia đình ông Tu Le đã liên lạc với Thượng nghị sĩ Kamala Harris và Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren với hy vọng họ sẽ can thiệp. Văn phòng bà Lofgren cho hay sẽ làm việc để giúp đỡ ông Tu Le còn đại diện của Thượng nghị sĩ Harris từ chối bình luận.

    Cô Colisao cho biết thêm hai anh em của ông Tu Le sẽ cố gắng xin sang Mỹ theo chương trình nhân đạo. Nếu bị từ chối, gia đình sẽ xem xét nhờ người hiến tạng không phù hợp hoàn hảo dù điều này làm giảm cơ hội ghép tủy thành công của bệnh nhân. Trong khi đó, gia đình lại không có đủ tiền để đưa ông Tu Le về Việt Nam hay sang bất cứ nước nào để tiến hành ghép tủy. “Chúng tôi phải xem xét những lựa chọn mạo hiểm vì không còn cách nào khác", cô Colisao cho San Francisco Chronicle hay.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Một công dân Việt Nam nộp đơn xin thị thực nhà đầu tư nhập cư Hoa Kỳ năm nay có thể sẽ phải đợi tới năm 2027 mới được chấp thuận.

    Tại một hội nghị gần đây, ông Charlie Oppenheim, Trưởng phòng kiểm soát và báo cáo thị thực nhập cư, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một công dân Việt Nam sẽ phải đợi từ 7,6 năm để được cấp thị thực EB-5 của Hoa Kỳ.

    Bởi lẽ, thị thực EB-5 không thu hút được nhiều sự chú ý từ Nhà Trắng như chương trình xổ số visa Diversity Lottery hay thị thực lao động có tay nghề cao H-1B. Hạn ngạch thẻ xanh diện EB5 là 10.000 visa mỗi năm và không một quốc gia nào được phân bổ trên 7% hạn ngạch.

    Tuy vậy, lượng thị thực còn lại có thể được phân bổ cho những quốc gia chưa dùng hết số visa này. Ngoài ra, visa được cấp theo quy chế người đăng kí trước được phục vụ trước.

    Các nhà đầu tư Trung Quốc dù nhiều năm chiếm đa số trong danh sách ứng cử viên EB-5 vẫn đang phải chờ đợi lâu nhất, dù số lượng công dân Ấn Độ và Việt Nam xin visa này cũng tăng nhanh chóng. Hiện tại, 32.169 công dân Trung Quốc đang xếp hàng xin visa EB-5 và 17.368 người đang chờ các kiến ​​nghị của họ được chấp thuận.

    Đáng chú ý, sự chờ đợi kéo dài này đe dọa làm suy yếu một chương trình đã mang lại cho Mỹ hàng tỷ USD và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người dân nước này. Hiện tại, chính quyền Trump đang siết chặt quá trình cấp visa nhằm giảm gian lận trong chương trình và đảm bảo đầu tư nhiều hơn vào các khu vực nông thôn như dự định.

    American Lending Center - một công ty có trụ sở tại Long Beach, California đã sử dụng quỹ của các nhà đầu tư nhập cư để tài trợ cho hơn 80 dự án kinh doanh nhỏ ở 18 tiểu bang, bao gồm nhượng quyền khách sạn, văn phòng nha khoa và bệnh viện phục hồi chức năng trẻ em. Thế nhưng ông John Shen - Giám đốc điều hành doanh nghiệp này lo ngại việc kéo dài thời gian chờ đợi thị thực EB-5 có thể khiến nguồn tài trợ cho các dự án hiện tại và tương lai cạn kiệt. 

    Mặt khác, tình trạng tồn đọng hồ sơ vẫn có thể ảnh hưởng đến độ tuổi của con cái theo Đạo luật Bảo vệ Tuổi Trẻ em (CSPA), cũng như khả năng xin thẻ xanh Mỹ theo hồ sơ của bố mẹ. 

    Chương trình EB-5 cho phép con cái độc thân dưới 21 tuổi (và trên 21 tuổi được bảo vệ bởi Đạo luật Bảo vệ Tuổi Trẻ em) có thể đi cùng bố mẹ. Nếu phải chờ đợi quá lâu, trẻ có thể bị “quá tuổi” vào thời điểm xin thẻ xanh EB-5.

    Mặc dù việc đầu tư vào Hoa Kỳ có thể giảm sút, nhưng ông Bernard Wolfsdorf của Wolfsdorf Rosenthal ở Santa Monica, California nói rằng ông không thấy các nhà đầu tư giảm hứng thú với EB-5. Nguyên nhân là do sự chờ đợi là xứng đáng đối với cha mẹ.

    “Nhiều người cảm thấy rằng cơ hội để con cái họ sống trong giấc mơ Mỹ và học tập ở Mỹ vô cùng giá trị. Tất cả những điều họ làm là để con được học ở Mỹ”. Và nhiều người vẫn đang lạc quan rằng Quốc hội sẽ sớm đồng hành và giảm bớt danh sách chờ đợi còn tồn đọng.

    Được biết, chương trình thị thực EB-5 sẽ cấp thẻ xanh (thẻ thường trú) cho các công dân nước ngoài nếu họ đầu tư ít nhất 500.000 đô la Mỹ vào doanh nghiệp thương mại hoặc dự án bất động sản ở các khu vực tạo việc làm mục tiêu ở Mỹ, giúp tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian.

    Dự án EB-5 phải nằm trong vùng nông thôn hoặc trong khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao để đủ tiêu chuẩn được gọi là khu vực tạo việc làm mục tiêu. Nếu đầu tư ngoài khu vực này, mức đầu tư tối thiểu phải là một triệu đô la Mỹ.

    Một nghiên cứu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ tháng 1 năm 2017 cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng góp 5,8 tỷ USD trong tổng số 16,7 tỷ USD đầu tư vào các dự án liên quan đến EB-5 trong năm tài khóa 2012 và 2013. Các dự án dự kiến ​​sẽ tạo ra hơn 174.000 việc làm.

    Viethome (theo Vietnamnet)