Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh (Birthright Citizenship) ngay khi nhậm chức. Quyền này, được quy định trong Tu chính án thứ 14, nêu rằng “mọi cá nhân sinh ra hoặc nhập tịch tại Hoa Kỳ, và thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ, đều là công dân Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ cư trú”.
Vấn đề chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh hiện đang thu hút nhiều chú ý, đặc biệt sau chiến thắng lần thứ hai của ông Trump. Dưới đây là quan điểm của ông Trump về chính sách này.
Trump nói gì về quyền công dân theo nơi sinh?
Trong nhiệm kỳ thứ nhất (2017 – 2021), Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách tự động cấp quốc tịch Mỹ cho trẻ em sinh ra trên đất Mỹ. Ông từng dự định ký một sắc lệnh hành pháp nhằm loại bỏ chính sách này.
Trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, ông tiếp tục khẳng định ý định chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh ngay sau khi nhậm chức.
Trump và những người cùng quan điểm cho rằng chính sách này khuyến khích hiện tượng “du lịch sinh con” (Birth Tourism), khi phụ nữ nước ngoài đến Mỹ sinh con để trẻ được tự động nhận quốc tịch. Ông cũng cho rằng đây là lý do người nhập cư bất hợp pháp tìm cách sinh con tại Mỹ.
Theo thống kê, giai đoạn 2012 – 2016 có khoảng 4.1 triệu trẻ em sinh tại Mỹ sống cùng ít nhất một cha hoặc mẹ không có giấy tờ hợp pháp.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Meet the Press”, ông Trump khẳng định: ”Chúng tôi sẽ chấm dứt điều này vì nó thật lố bịch”, ám chỉ chính sách quyền công dân theo nơi sinh.
Ông cũng nhấn mạnh rằng quyền này chỉ nên áp dụng khi trẻ sinh tại Mỹ có ít nhất cha hoặc mẹ có tình trạng cư trú hợp pháp, chẳng hạn như thường trú nhân hoặc công dân.
Trump có thể chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh không?
Theo kế hoạch, Trump có thể ban hành một sắc lệnh hành pháp để tái định nghĩa quyền công dân theo nơi sinh. Ông có thể yêu cầu ít nhất một phụ huynh phải là công dân Hoa Kỳ, thường trú nhân hoặc thành viên của quân đội Hoa Kỳ để con sinh tại Mỹ có quốc tịch.
Trump cũng có thể chỉ đạo các cơ quan liên bang từ chối cấp hộ chiếu, giấy tờ, hoặc các phúc lợi khác nếu đứa trẻ không đáp ứng các yêu cầu mới.
Theo luật, Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền cho Quốc hội quản lý các quy định về quyền công dân. Tính đến hiện tại, chưa có tổng thống nào từng thay đổi các quy tắc về quyền công dân thông qua sắc lệnh hành pháp.
Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng, sắc lệnh hành pháp của ông Trump có thể bị các tòa án từ chối, sau đó được đưa lên Tòa án Tối cao, buộc thẩm phán phải quyết định liệu quyền công dân theo nơi sinh sẽ được Hiến pháp bảo vệ hay loại bỏ.
Nếu Tòa án Tối cao phán quyết chính sách này được Hiếp pháp bảo vệ, thì ông Trump phải nhận được hai phần ba số phiếu ủng hộ từ cả Hạ viện và Thượng viện và ba phần tư các cơ quan lập pháp tiểu bang đồng ý thì mới có thể sửa đổi Hiến Pháp. Quá trình này phải mất nhiều năm và rất khó để đạt được trong thực tế.
Icaviet (Nguồn tham khảo: Reuters, NBC News, PBS News)