• Tòa Phúc thẩm London cho rằng quyết định của tòa cấp dưới về việc tước quốc tịch Anh của 'cô dâu IS' Shamima Begum là đúng theo luật.

    Năm 2015, cô Shamima Begum rời nước Anh để kết hôn với một phiến quân của tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Năm 2020, cô Begum bị tước quốc tịch Anh và không thể quay lại nước này.

    Sau đó, cô Shamima Begum nộp đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm Anh về việc cô bị tước quốc tịch nhưng bị xử thua kiện. Cô Begum giờ đây là người không có quốc tịch.

    co dau is bi tuoc quoc tich 1
    Cô Shamima Begum vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

    Chuyện gì đã xảy ra với cô Shamima Begum?

    Năm 2015, khi 15 tuổi, cô Shamima Begum cùng 2 người bạn bay từ Anh tới Syria để gia nhập IS. Khi ở đó, cô kết hôn với một phiến quân IS và sống vài năm ở Raqqa (Syria), theo đài CNN.

    Năm 2019, cô Begum xuất hiện trở lại trại tị nạn al-Hawl (Syria). Cùng năm này, cô gửi kiến nghị đến chính phủ Anh xin phép được quay về quê nhà để sinh con trai. Khi ấy, cô xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế với tên gọi “cô dâu IS”.

    Vào tháng 2-2019, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đã tước quốc tịch Anh của cô Begum. Trong tháng 3-2019, đứa con trai mới sinh của cô Begum chết trong trại tị nạn ở Syria.

    Vào tháng 2-2020, một tòa án ở Anh đã ra phán quyết rằng việc tước bỏ quốc tịch của cô Begum là hợp pháp vì cô là "công dân gốc Bangladesh". Do đó, việc tước quốc tịch Anh của cô sẽ không khiến cô trở thành người không quốc tịch.

    Tuy nhiên, phía Bangladesh cho biết quan điểm của tòa án Anh là không đúng và không cho phép cô Begum nhập cảnh vào nước này.

    Cô Begum sau đó đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm London, đề nghị xem xét lại quyết định tước quốc tịch của cô.

    Tuy nhiên, ngày 23-2, Tòa Phúc thẩm London giữ nguyên phán quyết của tòa án trước đó rằng quyết định của chính phủ Anh về việc tước quyền công dân của cô Begum là hợp pháp.

    Tòa phúc thẩm nói gì?

    Tại phiên tòa, Thẩm phán Sue Carr cho biết: "[Chúng tôi] lập luận rằng trường hợp của cô Begum là quá khó khăn. [Chúng tôi] cũng có thể lập luận rằng cô Begum là người gây ra bất hạnh cho chính mình".

    co dau is bi tuoc quoc tich 1
    Cô Shamima Begum bị chính phủ Anh tước quốc tịch vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

    "Nhưng tòa án này không có quyền đồng ý hay không đồng ý với các quan điểm được đưa ra. Nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi là đánh giá xem quyết định tước quyền công dân [của tòa án trước] có vi phạm pháp luật hay không. Chúng tôi kết luận là [phán quyết của tòa án trước] không vi phạm pháp luật và đơn kháng cáo bị bác bỏ" – Thẩm phán Sue Carr nói.

    Các chuyên gia nói gì về phán quyết của tòa phúc thẩm?

    Theo đài CNN, phán quyết của Tòa Phúc thẩm London không phải là dấu chấm kết thúc cuộc chiến pháp lý của cô Begum. Trả lời đài Sky News, luật sư Alexander dos Santos cho biết “có khả năng” các luật sư của cô Begum sẽ kháng cáo lần nữa.

    Trong khi đó, các luật sư của cô Begum cho rằng chính phủ Anh chưa xem xét đầy đủ hậu quả của việc tước đi quốc tịch của cô. Các luật sư này lập luận rằng cô là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em và quyết định này là trái pháp luật vì nó khiến cô không quốc tịch.

    Bà Maya Foa – Giám đốc tổ chức nhân quyền Reprieve có trụ sở tại London (Anh) – cho rằng “toàn bộ sự việc [của cô Begum] khiến các bộ trưởng xấu hổ. Họ thà bắt nạt nạn nhân buôn bán trẻ em, hơn là thừa nhận trách nhiệm của Anh”.

    “Tước bỏ quyền công dân hàng loạt và bỏ rơi các gia đình người Anh trong các nhà tù trên sa mạc là một chính sách khủng khiếp, không bền vững, được thiết kế để ghi điểm chính trị” – bà Foa nêu quan điểm.

    Trường hợp nào thì công dân Anh bị tước quốc tịch?

    Theo đài BBC, theo luật mới, Bộ Nội vụ Anh có thể tước quyền công dân Vương quốc Anh của ai đó mà không cần phải thông báo cho họ. Chính phủ Anh cho biết họ sẽ chỉ sử dụng điều khoản này trong những trường hợp "đặc biệt", chẳng hạn trường hợp đối tượng đang ở trong vùng chiến sự hoặc đang lẩn trốn và không thể liên lạc được.

    Hiện tại, Bộ trưởng Nội vụ Anh có thể tước quyền công dân của ai đó trong trường hợp (1) "vì lợi ích công cộng" và sẽ không khiến họ trở thành người không có quốc tịch; (2) người có được quốc tịch thông qua gian lận; (3) hành động của người đó có thể gây tổn hại đến lợi ích của Anh và họ có thể yêu cầu cấp quyền công dân ở nơi khác.

    Để thực thi quyền này, Bộ Nội vụ Anh phải thông báo cho đối tượng bị tước quốc tịch. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cần có bằng chứng để tin rằng người đó có đủ điều kiện để nộp đơn xin quốc tịch ở một quốc gia khác.

    Theo BBC, số liệu về công dân Anh bị tước quốc tịch đến nay vẫn chưa rõ ràng.

    Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Anh cho biết từ năm 2010 đến năm 2018, trung bình mỗi năm có 19 người bị tước quốc tịch vì lý do việc tước quốc tịch "có lợi cho lợi ích cộng đồng". Cũng theo bộ này, trung bình mỗi năm có 17 người bị tước quốc tịch ở Anh vì có gian lận trong quá trình xin quốc tịch.

    Thống kê của website luật nhập cư Free Movement cho thấy hơn 460 người đã bị tước quyền công dân Anh từ năm 2006 đến năm 2020. 175 người trong số này bị tước quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia và 289 người trong số này bị tước quốc tịch vì lý do gian lận.

    Theo Plo

  • Shamima Begum, người từng rời Anh để đến Syria kết hôn với một chiến binh IS, sẽ phải đối mặt với án t.ử hình nếu bị đưa đến Bangladesh, quê hương của cha mẹ cô.

    Tòa án khẳng định cô gái này hiện không có quốc tịch. Theo Sky News, Dan Squires KC, luật sư của Begum, hôm 23/11 cho biết cô sẽ bị tr.eo cổ nếu quay trở lại Bangladesh.

    Shamima Begum
    Shamima Begum

    Theo kháng cáo của cô gái 23 tuổi này tại Ủy ban Kháng cáo Nhập cư Đặc biệt, Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là ông Sajid Javid đã không xem xét “hậu quả nghiêm trọng” khi tước quyền công dân Anh của Begum vào năm 2019, Guardian đưa tin.

    Vào thời điểm đó, ông Javid cho rằng Begum cũng có quốc tịch Bangladesh. Chính phủ không được phép để Begum rơi vào tình trạng "vô quốc tịch" theo luật quốc tế.

    Begum rời nhà ở phía Đông London khi cô 15 tuổi và đến Syria. Tại đây, cô đã kết hôn với một chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) và gia nhập tổ chức này.

    Ông Javid lẽ ra nên xem xét ảnh hưởng của việc tước quốc tịch của Begum, khi cô chưa bao giờ đến Bangladesh và không có hộ chiếu nước này, ông Squires nói.

    Ngoài ra, ông Squires khẳng định bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó không có bằng chứng nào cho thấy đã cân nhắc các vấn đề về quyền công dân trên thực tế của Begum.

    Theo ông, những vấn đề này bao gồm liệu Begum có được Bangladesh công nhận là công dân, hay liệu cô được cung cấp bất kỳ sự bảo vệ hoặc hỗ trợ thiết thực nào.

    Vào tháng 5/2019, ngoại trưởng Bangladesh xác nhận Begum có thể đối mặt với án tử hình vì dính líu đến khủng bố nếu cô đến Bangladesh. Chính quyền Bangladesh cho biết họ không coi cô là công dân nước này và sẽ không hỗ trợ gì cho cô.

    “Rõ ràng là, nếu bộ trưởng Nội vụ đặt câu hỏi về tác động thực tế về việc tước quyền công dân của người kháng cáo, ông ấy có thể hiểu rằng người kháng cáo có thể không có sự bảo vệ của bất kỳ quốc gia nào”, các luật sư của Begum nói.

    Theo Zing

  • Cô dâu Is Shamima Begum đã thua trong giai đoạn đầu tiên của thách thức pháp lý chống lại quyết định thu hồi quyền công dân Anh của cô ta.

    Cô Begum, hiện 20 tuổi, là một trong ba nữ sinh rời phía đông London tới Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo vào tháng 2 năm 2015.

    Người mẹ này đã sống dưới sự cai trị của IS trong hơn ba năm và được phát hiện khi mang thai 9 tháng tại một trại tị nạn của người Syria vào tháng hai năm ngoái.

    Cuối tháng đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã tước quyền công dân Anh của cô ta - một quyết định được các luật sư của Begum cáo buộc là trái pháp luật vì nó đẩy cô ta vào tình trạng không quốc tịch.

    Một quyết định như vậy chỉ hợp pháp nếu một cá nhân có quyền công dân của một quốc gia khác và Begum là một công dân Anh.

    Begum đã cầu xin được phép quay trở lại Vương quốc Anh vì sự an toàn của đứa con vừa ra đời của mình, sau khi hai đứa con trước đó - một bé gái một tuổi và một bé trai ba tháng tuổi – qua đời trong trại.

    Phát biểu từ trại tị nạn al-Hawl ở miền bắc Syria, Begum nói với tờ The Times: ‘Tôi không phải là một nữ sinh 15 tuổi nhỏ bé ngốc nghếch chạy trốn khỏi Bethnal Green bốn năm trước. Và tôi không hối hận vì đã đến đây.’

    Sau quyết định của ông Javid, vào năm ngoái, Begum đã có hành động pháp lý chống lại Bộ Nội vụ tại Tòa án Tối cao và Ủy ban Kháng cáo Di trú Đặc biệt (SIAC) - một tòa án chuyên xử các vụ kiện liên quan đến các quyết định loại bỏ quốc tịch Anh của một người trên cơ sở an ninh quốc gia.

    Tòa án, đứng đầu là chủ tịch SIAC, bà Elisabeth Laing, đã ra phán quyết vào thứ Sáu (7/2) rằng quyết định thu hồi quyền công dân của cô Begum tại Anh không khiến cô ta trở thành người không quốc tịch.

    Khi công bố phán quyết tại tòa, thẩm phán Doron Blum nói rằng hành động này đã không vi phạm ‘chính sách nhân quyền ngoài lãnh thổ của Bộ Nội vụ bằng cách đẩy Begum vào tình cảnh nguy hiểm tính mạng, đối xử vô nhân đạo hay coi thường.’

    Begum, khi mới 15 tuổi, là một trong ba nữ sinh của Học viện Bethnal Green rời bỏ nhà cửa và gia đình để gia nhập IS.

    Kadiza Sultana, khi đó 16 tuổi và Amira Abase, 15 tuổi cùng Begum đã lên chuyến bay từ sân bay Gatwick đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 17 tháng 2 năm 2015, trước khi lên đường đến Raqqa ở Syria.

    Sultana đã bị giết trong một cuộc không kích vào năm 2016, không ai rõ tung tích Abase ở đâu.

    Begum cho biết cô ta kết hôn với người Hà Lan cải đạo Yago Riedijk 10 ngày sau khi đến lãnh thổ IS, và những người bạn học của cô ta cũng thông báo kết hôn với các chiến binh IS nước ngoài.

    Sau đó, cô nói với The Times vào tháng 2 năm ngoái rằng cô rời Raqqa vào tháng 1 năm 2017 cùng với chồng và những đứa con sau đó đã chết.

    Đứa con thứ ba của cô ta chết ngay sau khi chào đời.

    Begum nói: ‘Họ đang lấy tôi ra làm gương. Tôi hối hận vì đã nói chuyện với giới truyền thông. Tôi ước tôi đã kín đáo hơn và tìm thấy một cách khác để liên lạc với gia đình. Đó là lý do tại sao tôi nói chuyện với tờ the Times.’

    VietHome (Theo Metro)

  • Một cựu thành viên của quân đội Ai-len từng trở thành cô dâu của Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã bị bắt khi quay trở về Ai-len.

    Lisa Smith, 38 tuổi, từng hộ tống cựu tổng thống và lãnh đạo Ai-len trong các chuyến công du nước ngoài với tư cách là thành viên của Lực lượng Quốc phòng, nhưng sau đó cô ta lại chọn đến với đất nước Trung Đông bị chiến tranh tàn phá vào năm 2015 sau khi cải sang đạo Hồi.

    Smith đã sống với cô con gái hai tuổi của mình trong một trại tị nạn Syria. Hiện tại, cô bé đang được gia đình ở Ai-len chăm sóc trong khi người mẹ bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát Dublin.

    Lisa Smith (trùm khăn hồng) bị bắt ngay tại sân bay ở Dublin, Ai-len.
    Lisa Smith (trùm khăn hồng) bị cảnh sát đưa về đồn thẩm vấn.

    Smith đã bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và được đưa lên chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đến Ai-len, hạ cánh tại sân bay Dublin ngay trước 10h30 ngày 1/12.

    Lực lượng cảnh sát chống khủng bố, những người đang điều tra các hoạt động của cô ta, đã chờ sẵn ở sân bay và cô ta có thể bị thẩm vấn trong tối đa ba ngày.

    Cảnh sát Ai-len cho biết: 'Hôm nay, Chủ nhật ngày 1 tháng 12 năm 2019, tại sân bay Dublin, Cảnh sát đã bắt giữ một Công dân Ai-len vì nghi ngờ tấn công khủng bố sau khi cô ta bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Cô ta hiện đang bị giam giữ tại một nhà ga ở South Dublin Garda theo quy định tại Mục 30 của đạo luật Vi phạm chống lại Luật Nhà nước sửa đổi năm 1939.

    'Một đứa trẻ, cũng là một công dân Ai-len, đi cùng người phụ nữ và hiện đang được người thân chăm sóc.'

    Các kế hoạch chăm sóc cũng đã được đề xuất để đảm bảo an toàn cho con gái của Smith, được sinh ra ở Syria nhưng là một công dân Ai-len.

    Lisa Smith từng là thành viên của Bộ quốc phòng Ai-len nhưng lại quyết định sang Syria.

    Theo RTE, Smith đi cùng với ba viên chức lãnh sự của Bộ Ngoại giao, thành viên của Army Ranger Wing và một sĩ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

    Smith đã liên tục phủ nhận việc từng đào tạo những phụ nữ trẻ để chiến đấu cho ISIS và nói rằng cô ta chưa từng giết bất cứ ai.

    Từ trại tị nạn ở Syria nơi cô sống, Smith nói với kênh BBC Radio 4: 'Tôi muốn bản thân mình là một người Hồi giáo thực sự, như ở một quốc gia Hồi giáo. Không phải thành viên của một nhóm người, đặc biệt là một nhóm người tàn bạo '.

    Smith đến từ Dundalk ở Co Louth, gần biên giới Ai-len và Bắc Ai-len. Cô ta nói rằng cha của đứa bé bị nghi ngờ là thành viên IS và đã chết năm ngoái.

    Smith từng giữ cấp bậc tương đối thấp trong Lực lượng Quốc phòng nhưng làm việc trên máy bay phản lực chính thức của Chính phủ Ai-len.

    Cô ta từng hộ tống cựu tổng thống Mary Robinson và sau đó là cựu Thủ tướng Bertie Aotta trong những chuyến công du.

    Lisa Smith chụp cùng Thủ tướng Bertie Ahern vào năm 2008. 

    Một số lượng đáng kể người châu Âu đã đến Syria để gia nhập hoặc chiến đấu chống lại IS trong cuộc chiến đẫm máu đã tàn phá đất nước Trung Đông này và sản sinh ra hàng triệu người tị nạn.

    Smith đã phủ nhận có liên quan đến bạo lực.

    Thủ tướng Ai-len Leo Varadkar nói rằng cô ta nên có quyền trở về Ai-len và việc xóa bỏ quyền công dân của cô ta là việc làm thiếu tình người.

    Smith nói với BBC rằng FBI đã ghé thăm cô hai lần và đã lấy dấu vân tay cùng DNA của cô.

    Nói với tờ Daily Mail của Ai-len vào tháng 4, Smith cho biết: 'Tôi muốn quay trở lại đất nước của mình'.

    'Tôi chưa có con khi rời quê hương. Tôi đến đó như một người độc thân và tôi nghĩ nếu tôi chết ở đó, chỉ mình tôi chết. Nhưng khi tôi có một đứa con, tôi đã thay đổi, bạn biết đấy', cô nói.

    Smith khai mình chưa bao giờ làm hại ai khi ở Syria.

    'Tôi không muốn dùng súng. Tôi không muốn làm hại ai. Tôi vẫn là tôi. Tôi vẫn như một người hàng xóm tốt bụng. Tôi vẫn là một người bạn tốt. Tôi chỉ là tôi. Tôi không phải kiểu người sẵn sàng xông ra giết bất cứ ai. Tôi không tin vào các cuộc tấn công liều chết.'

    Khi được hỏi liệu có quay trở lại một nơi như vậy không, cô ta khẳng định sẽ không vì đó là 'sai lầm lớn nhất' của mình.

    Bộ trưởng Tư pháp Charlie Flanagan nói: 'Đây là một trường hợp nhạy cảm và tôi muốn trấn an mọi người rằng tất cả các cơ quan Nhà nước có liên quan đều đang giám sát chặt chẽ.’

    Bạn bè cho biết Smith là một người tốt, nhưng sau đó bị đổ vỡ hôn nhân, cải sang Đại hồi và trở thành kẻ cực đoan.
    Tuy nhiên sau khi có con, Smith đã hối hận vì quyết định của mình. 

    Tại Anh, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị bắt sẽ được đưa trở lại Anh để đưa ra xét xử nếu đó là nơi tốt nhất để họ đối mặt với công lý, cố vấn an ninh quốc gia cho biết.

    Shamima Begum, nữ sinh Bethnal Green trốn sang Syria để gia nhập IS năm 2015, đã bị bộ trưởng Sajid Javid tước quyền công dân Anh, khiến cô ta có hành động pháp lý chống lại Vương quốc Anh.

    Begum tuyên bố cô đã kết hôn với người Hà Lan cải đạo Yago Riedijk 10 ngày sau khi đến lãnh thổ IS.

    Cô nói với The Times rằng cô rời Raqqa vào tháng 1 năm 2017 cùng chồng nhưng những đứa con của cô, một bé gái một tuổi và một bé trai ba tháng tuổi, đều đã chết.

    Đứa con thứ ba của cô cũng chết ngay sau khi chào đời.

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Một phiên tòa mới đây được cho biết quyết định thu hồi quyền công dân Anh của cô dâu IS Shamima Begum đã khiến cô gặp phải "nguy cơ thực sự" bị tra tấn hoặc giết chết.

    Shamima, một trong ba nữ sinh từ đông London tới Syria để tham gia nhóm khủng bố, đã có hành động pháp lý chống lại quyết định tước quyền công dân của chính phủ.

    Luật sư của cô nói với Daily Mirror rằng luận điểm của cô là cô chính là nạn nhân bị chồng cưỡng hiếp.

    Tasnime Akunjee, đại diện cho Begum, nói: "Cô ấy đã kết hôn với một chiến binh 23 tuổi theo phong tục của Isis trong vòng hai tuần sau khi tới Syria. Bối cảnh khi đó là cô ấy là một nạn nhân bị hiếp dâm."

    Ủy ban Kháng cáo Di trú Đặc biệt (SIAC) đang bắt đầu phiên điều trần sơ bộ kéo dài bốn ngày tại trung tâm London, do gia đình và những người ủng hộ Begum đề nghị.

    Kháng cáo này dựa theo quyết định vào tháng Hai, được đưa ra bởi Bộ trưởng Nội vụ lúc đó là ông Sajid Javid, thu hồi quyền công dân Anh của cô, bởi vì sự trở về của cô có thể gây ra rủi ro cho công chúng.

    Tom Hickman QC nói với tòa án rằng quyết định tước quyền công dân của Begum là trái pháp luật và khiến cô gặp "nguy cơ thực sự" bị tra tấn hoặc sát hại.

    Cô Begum, hiện 19 tuổi, rời Vương quốc Anh vào năm 2015 để trở thành cô dâu thánh chiến - cùng với hai nữ sinh khác đến từ Bethnal Green ở phía đông London.

    Sau khi nhóm khủng bố tan rã, cựu học sinh của Học viện Bethnal Green đã được tìm thấy trong một trại tị nạn phía bắc Syria hồi tháng 2, cùng với các cô dâu IS khác và các con của họ.

    Ông Hickman nói trong bản đệ trình rằng các điều kiện tại trại al-Hawl nơi cô được tìm thấy và trại al-Roj nơi cô đã được chuyển đến vì sự an toàn của chính mình đều mang tính chất vi phạm nhân quyền.

    Ông mô tả điều kiện sinh sống ở những nơi này vô cùng "khốn khổ và tồi tệ", và nói thêm rằng cái chết của đứa con thứ ba của Begum trong trại al-Roj đã chứng minh điều này.

    Ông Hickman nói rằng quyết định tước quyền công dân của Begum "có hiệu quả - và được thiết kế - để ngăn" cô trở về Vương quốc Anh, khiến cô "bị bỏ rơi" trong trại tạm giữ.

    Ông cũng nói rằng tòa án sẽ phải phán quyết "liệu quyết định tước quyền có dẫn đến nguy cơ tử vong thực sự hay nguy cơ bị đối xử tệ bạc và vô nhân đạo" hay không.

    Cô Begum cho biết chỉ 10 ngày sau khi đến Raqqa, cô đã kết hôn với Yago Riedijk, một người Hà Lan đã cải sang đạo Hồi và trở thành một chiến binh IS.

    Nhưng cô gái này đã gây ra sự phẫn nộ lớn khi xuất hiện trong cuộc phỏng vấn và tuyên bố không cảm thấy sợ hãi trước những mối kinh hoàng mà nhóm khủng bố đã gây ra trong thời gian cô ở cùng họ.

    Cô nói với một phóng viên tờ báo Times: "Khi tôi nhìn thấy cái đầu bị cắt lìa đầu tiên trong một cái thùng, nó không hề làm tôi bối rối. Đó là đầu của một chiến binh bị bắt giữ trên chiến trường, một kẻ thù của đạo Hồi. Tôi chỉ nghĩ về những gì anh ta có thể đã làm với một phụ nữ Hồi giáo nếu anh ta có cơ hội."

    Ông Sajid Javid đã thu hồi quyền công dân Anh của Begum chỉ vài ngày sau cuộc phỏng vấn đó - một quyết định sẽ chỉ hợp pháp nếu nó không khiến Begum trở thành người không quốc tịch.

    Vào thời điểm đó, các nguồn tin cho rằng thiếu nữ có cha mẹ là người Bangladesh này cũng có thể có quốc tịch Bangladesh.

    Nhưng bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bangladesh Shahriar Alam tuyên bố thông tin đó không chính xác và cảnh báo rằng Shamima Begum sẽ không được phép vào nước ông.

    Ông Hickman nói trong thông cáo văn bản của mình rằng Begum "không được coi là công dân Bangladesh và do đó đã trở thành người không quốc tịch bởi quyết định tước quyền công dân".

    Begum, người hiện tuyên bố căm ghét IS, đã cầu xin được quay trở lại Anh để trị liệu, sau khi cả ba đứa con của cô đều chết ở Syria.

    Tòa án SIAC, nơi đã thông qua các quyết định loại bỏ quyền công dân Anh của Begum vì lý do an ninh, sẽ tổ chức phiên điều trần riêng tư để nghe một số bằng chứng nhạy cảm hơn liên quan đến tình báo.

    Bộ trưởng Nội vụ hiện tại, bà Priti Patel, đồng thuận với quyết định của người tiền nhiệm, loại bỏ quyền công dân của cô gái 19 tuổi.

    Bà nói với tờ Sun vào tháng trước: "Công việc của chúng tôi là giữ an toàn cho đất nước mình. Chúng ta không thể cho phép những người làm hại chúng ta được phép vào đất nước - và trong đó có người phụ nữ này.”

    VietHome (Theo Sky News)

  • Nhiều cô dâu IS đang bí mật tìm cách tái lập các đơn vị thánh chiến tại một số trại tị nạn ở Syria trong khi họ không ngừng cầu xin được phép hồi hương.

    Theo Daily Mail, dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sụp đổ nhưng hàng chục phụ phụ nữ đã tái thành lập "các đơn vị cảnh sát tôn giáo" khét tiếng của tổ chức này, còn được gọi là Hisba, và thực thi các quy định cũng như các khung hình phạt lên những người khác sống trong cùng trại.

    Trong khi đó, họ vẫn không ngừng lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách "cố hương" cho phép bản thân cùng gia đình quay về.

    Bốn cô dâu IS trò chuyện với phóng viên AP tại các trại al-Hol và Roj ở Syria tiết lộ, vì "đức tin tôn giáo lầm lạc" hay sự nổi loạn ngây ngô của tuổi trẻ đã khiến họ rời bỏ quê nhà đến Syria. Giờ đây, khi IS đã bị đánh bại, họ nhận ra mình đã phạm sai lầm và xin hồi hương.

    Đó chỉ là một số ít trong hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ nhỏ cả người Syria, Iraq và người ngoại quốc từng là thành viên của IS hiện đang bị giữ tại các trại ở miền bắc Syria. Những trại này thuộc sự giám sát của Các lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd đứng đầu và được Mỹ hậu thuẫn. Bốn phụ nữ khẳng định họ không phải là thành viên tích cực của IS và chồng của họ cũng không phải thánh chiến binh. Tuy nhiên, những lời này không thể kiểm chứng.

    "Làm sao tôi có thể ngu ngốc đến vậy? ", Kimberly Polman – một phụ nữ Canada 46 tuổi, tỏ ra hối hận về quyết định gia nhập IS của mình.

    Với nhiều người, biểu hiện ân hận của những cô dâu IS này là không thật tâm mà có ý đồ. Khi rời bỏ đất nước để đến với lãnh địa IS, họ gia nhập vào một tổ chức khét tiếng tàn bạo với hàng loạt vụ cưỡng hiếp phụ nữ Yazidi, giết người hàng loạt, trừng phạt dã man những ai vi phạm luật lệ, bắn giết nơi công cộng, thậm chí chặt đầu và quăng xác nạn nhân từ trên mái nhà xuống. 

    Hiện nay, nhiều chính phủ không muốn tiếp nhận trở lại những công dân của nước mình từng gia nhập IS. Một số quốc gia chỉ nhận về trẻ nhỏ và cấm cửa cha mẹ chúng.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Một họa sĩ minh họa đã bị đuổi khỏi trang web bán hàng Etsy vì rao bán những tấm thiệp cho Ngày của Mẹ có hình cô dâu IS Shamima Begum.

    Gần đây, cô gái 19 tuổi từng rời khỏi Anh để gia nhập IS đã hạ sinh một bé trai.

    Tấm thiệp, được thiết kế bởi họa sĩ Samuel Hague, có in dòng chữ: “Cảm ơn vì đã không gia nhập ISIS.”

    Họa sĩ sinh sống tại Chesterfield này cho biết anh không ngạc nhiên trước động thái của Etsy nhưng phản ứng của công chứng lại “khá tích cực.”

    Nghệ sĩ 30 tuổi này đăng lên Twitter ảnh chụp màn hình bức thư từ Etsy thông báo cho anh biết tài khoản của anh đã bị khóa.

    Đoạn thư cho hay: “Dù Etsy khuyến khích người bán hàng thể hiện quan điểm cá nhân trong các sản phẩm của mình, chúng tôi không cho phép bán các mặt hàng cổ vũ, ủng hộ hay tán thưởng thái độ thù hằn.

    “Chúng tôi cũng cấm các sản phẩm cổ vũ, ủng hổ và tán thưởng các hành động bạo lực thân thể và tình dục đối với các cá nhân hoặc nhóm người.”

    Cũng trong tháng Ba, nghệ sĩ minh họa tự do này đã bị NSPCC chỉ trích. Tổ chức này miêu tả những tấm thiệp Ngày của Mẹ và Ngày của Bố của anh, với hình ảnh Karren Matthews, Josef Fritzl và tên tội phạm tình dục Jimmy Savile, là những tác phẩm “vô tâm và vô trách nhiệm.”

    Tấm thiệp có hình Matthews, kẻ đã bị bỏ tù vì bắt cóc chính con gái mình với mục đích đòi tiền chuộc, có ghi dòng chữ: “Cảm ơn vì không bao giờ giấu con dưới gầm giường.”

    Tên tội phạm người Áo, Fritzl, là kẻ đã cầm tù chính con gái mình và ép cô sinh ra bảy đứa con của hắn.

    Tại thời điểm đó, họa sĩ Hague biện hộ rằng anh không ủng hộ “bất cứ hành động xâm hại trẻ em nào” nhưng muốn thể hiện tư tưởng của bản thân qua nghệ thuật và những hình ảnh châm biếm.

    VietHome (Theo BBC)

  • Tania Joya có cuộc hôn nhân 12 năm với một thủ lĩnh người Mỹ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Giờ đây, cô đang sống ở Texas, đã từ bỏ đạo Hồi và có cuộc sống hoàn toàn khác, Times of Israel ngày 7/1 cho hay.

    Câu chuyện về nữ sinh Shamima Begum người Anh, từng rời bỏ quê hương để trở thành cô dâu thánh chiến IS, nay muốn hồi hương để sinh con trong an toàn đã gây thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

    Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên cho Shamima Begum cơ hội trở về quê hương làm lại cuộc đời hay không. Và mới đây, Tania Joya, 35 tuổi, đã kể lại câu chuyện của cuộc đời mình để mong xã hội có cái nhìn khác về cô dâu thánh chiến.

    Tania Joya, một bà mẹ bốn con lớn lên ở Harrow, Middlesex, hiện đang sống trong một căn hộ tiện nghi ở Plano, Texas với người chồng thứ 2 đầy lịch lãm, một giám đốc điều hành công ty về công nghệ thông tin.

    Câu chuyện về nữ sinh Shamima Begum muốn hồi hương sau khi thành cô dâu thánh chiến đang gây thu hút sự chú ý.

    Nhìn vào cuộc sống đáng mơ ước của Tania, ít ai ngờ rằng, cô từng được gọi là "Đệ nhất phu nhân của IS" bởi vì người chồng đầu tiên của cô là một thủ lĩnh trong nhóm khủng bố IS.

    Cô dâu thánh chiến

    Tania Joya sinh ra trong một gia đình không theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhưng lại có mối quan hệ không được tốt với bố mẹ. Cô không khỏe mạnh và luôn nghĩ rằng đang bị Chúa trừng phạt. Từ đó, cô có thiên hướng sang Hồi giáo cực đoan và coi đó là là một điểm tựa tinh thần. “Tôi không muốn là kẻ dễ bị lừa bịp và bị “tẩy não”. Nhưng đó là sự thật không thể phủ nhận”, cô nói qua điện thoại từ Texas.

    Tania Joya lớn lên gần London. Cha mẹ cô sinh ra ở Bangladesh. Cô mô tả cha mẹ mình là những người “Hồi giáo văn hóa”. Khi được hỏi họ có cực đoan hay không, cô cười và nói: “Ồ, không. Tôi không thể dùng từ đó”.

    Khi được hỏi cô nghĩ cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu không phải là người Hồi giáo, Joya nói: “Đáng lẽ tôi phải hạnh phúc hơn ở Anh. Tôi đáng lẽ phải được phép hòa nhập. Tuy nhiên, cha mẹ tôi không cho phép điều đó. Họ cho rằng thật xấu hổ khi hòa nhập với phong tục Anh. Ngay cả việc mặc đồ Tây, trang điểm. Bạn bị công đồng bao gồm cha mẹ, bạn bè và cả giáo viên bêu xấu nếu bị Tây hóa”.

    Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với Texas Monthly hồi tháng 11/2017, Joya cho biết, gia đình cô nghèo khó, cha thường bị xúc phạm và khi bố mẹ cãi nhau, mẹ cô thường gào lên với cô rằng: “Tao ước chưa bao giờ sinh ra mày”.

    Khi được hỏi điều gì đã lôi kéo cô đến chủ nghĩa cực đoan, Joya ngay lập tức đề cập đến cuộc sống gia đình mình. “Tôi đoán nó có liên quan nhiều đến sự dạy dỗ mà tôi nhận được. Tôi không tin tưởng vào bố mẹ. Không có những hình mẫu tốt hoặc những người có thể tin tưởng là điều không tốt cho một đưa trẻ. Tôi có cảm giác không an toàn. Tôi có vấn đề gia đình nghiêm trọng. Tôi đã bị cuốn hút vào ý tưởng tìm một ngôi nhà khác, một gia đình khác. Tôi cần điều đó bởi vì nó khiến tôi cảm thấy như mình có một cộng đồng - những người có thể hỗ trợ tôi. Tôi cần hỗ trợ. Ngoài ra, tôi bị trầm cảm và bệnh tật. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về cái chết và rằng Chúa ghét tôi. Tôi muốn chuộc lại những thứ mà tôi nghĩ là tội lỗi dù đó không thực sự là tội lỗi. Tôi là một cô gái trẻ, ngây thơ, cả tin, mê tín, sợ khoa học vì nó mâu thuẫn với niềm tin và tôn giáo của tôi”, Tania Joya giải thích.

    Chính vì vậy, ở tuổi vị thành niên, Joya đã cuộn mình trong thứ mà cô coi là tấm khiên bảo vệ hay thánh chiến. 

    “Tôi 19 tuổi, anh ấy 18”

    Tania Joya tình cờ quen John Georgelas (tên theo đạo Hồi là Yahya al-Bahrumi) trên một trang web hôn nhân Hồi giáo năm 2003. Georgelas chuyển sang đạo Hồi và chủ nghĩa cực đoan kể từ sau sự kiện khủng bố 11/9 ở Mỹ. Khi quen Joya, Georgelas đang học tiếng Arab ở Damascus. Anh ta tán tỉnh cô qua email, và đến Anh để thăm cô. Khi gặp, anh ta mặc quần áo xù xì và rách rưới, để râu ngắn. “Tôi nghĩ anh ta giống một nhà tiên tri từ thời trung cổ. Tôi không thấy anh ta hấp dẫn, nhưng tôi cảm thấy cần phải thích anh ta. Tôi nghĩ, anh ta đến từ Syria; Tôi cảm thấy một nghĩa vụ”, Tania Joya nói với tờ Texas Monthly.

    Cô thích ý tưởng sẽ sinh sống ở Trung Đông. Cô ngày càng bị ý tưởng thánh chiến thu hút. Trong khi đó, cha mẹ cô cũng bị ấn tượng bởi việc anh ta là người Mỹ nên đã chấp thuận. Họ kết hôn gần như ngay lập tức, trong một buổi lễ bí mật vào tháng 3/2003. Khi đó, Joya 19 tuổi còn anh ta 18 tuổi.

    Sau lễ cưới, họ sống ở London, sau đó chuyển tới California và Dallas. Chồng cô cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho một trang web tuyên truyền thánh chiến trong khi công việc chính của anh ta là ở Rackspace, một công ty máy chủ lớn.

    Năm 2006, anh ta bị bắt và bị kết án gần ba năm tù vì có âm mưu tấn công trang web của nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel mang tên AIPAC lớn nhất ở Mỹ.

    Cuộc hôn nhân của họ bắt đầu rạn nứt khi anh ta ở trong tù còn cô và con trai đầu lòng sống ở London và sau đó là Plano. Họ tranh cãi nhiều hơn khi anh ta được thả ra. Khi đó, anh ta trở nên cực đoan hơn còn cô đi theo hướng ngược lại - nhưng họ vẫn ở cùng nhau. Sau đó họ có đứa con trai thứ hai trong khi anh ta lấy một người vợ thứ hai. Người vợ đó là bạn của Joya ở London. Hai người đã kết hôn qua điện thoại vì anh ta không thể tới London do đang bị cấm rời khỏi Mỹ. Sau này họ đã ly hôn.

    Khi được tự do rời khỏi Mỹ, Georgelas đã chuyển gia đình đến Ai Cập khi Mùa xuân Arab đang nổ ra và trở thành một nhân vật ngày càng nổi bật trong tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Anh ta cung cấp các cuộc hội thảo trực tuyến bằng tiếng Anh và tiếng Arab về kế hoạch của nhóm thánh chiến, thu hút tân binh từ châu Âu. Khi đó, trên phương tiện truyền thông xã hội, Joya bị cho là ủng hộ các quan điểm của chồng mình.

    Năm 2013, anh ta đưa vợ và ba con đến Syria.

    Theo Joya, chồng cũ của cô luôn cực đoan nhưng khi tới Syria, anh ta cực đoan hơn.

    Cô nói không bao giờ muốn đến Syria nhưng cô đã bị lừa. Khi đó cô đang mang thai và có ba con chỉ mới 8 tuổi, 5 tuổi và 18 tháng tuổi. Họ sống ở Azaz, phía tây bắc Syria. Joya nài nỉ chồng rời Syria nhưng vô ích. Anh ta nói sẽ không rời khỏi đó.

    Tania Joya cho biết đó không phải là lần đầu tiên cô bị chồng cũ ép buộc. “Thực tế anh ta sở hữu tôi. Tôi không phải là một cá nhân tự do. Tôi không bao giờ được nuôi dạy để trở thành một người phụ nữ vui vẻ. Tôi luôn bị nói tôi là người Hồi giáo. Đàn ông có quyền đối với phụ nữ. Bạn không thể đi du lịch mà không có bạn đồng hành hoặc người thân. Tất cả những điều đó bị đặt lên phụ nữ. Khi tôi còn trẻ tôi không đặt câu hỏi về những điều đó”.

    Lần đến Syria này quá sức chịu đựng của Joya. Họ đã tranh cãi. “Khi tôi nói sẽ rời Syria, anh ta trích dẫn câu trong Kinh Qur'an: “Nếu cô quay lưng lại với thánh chiến thì cô là một kẻ đạo đức giả”. Tôi nói tôi thà là một kẻ đạo đức giả và tôi không quan tâm. Tôi đã nói rằng tôi sẽ đi mà không có anh ta. Anh ta đã đồng ý. Anh ta đã chán ngấy tôi như tôi chán ngấy anh ta. Tôi luôn ngăn cản anh ta thực hiện giấc mơ chiến tranh của mình và anh ta cũng chán cuộc sống hôn nhân. Anh ta chán việc trả các hóa đơn, chăm sóc gia đình. Anh ta không thể thực hiện trách nhiệm đó và anh ta đã đổ điều đó cho tôi. Anh ta phản đối tránh thai. Tôi không có quyền”. Joya kể lại.

    Joya khẳng định cuộc hôn nhân đó thật nhiều rắc rối và khiến cô mệt mỏi.

     

    Tania và người chồng đầu tiên.
    Georgelas đưa vợ con sang Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

     

    Làm lại từ đầu

    Tania cho hay chồng cũ của cô sống dưới cái tên mới là Yahya al-Bahrumi, lãnh đạo đơn vị tuyên truyền của IS. 

    Trong một lần xuất hiện trên truyền hình Anh một năm trước, chương trình đã bị cắt ngắn với câu trả lời về chồng cũ của Joya. Khi được hỏi có còn yêu chồng cũ không, Joya trả lời: “Tôi yêu anh ấy vì anh ấy đã cho tôi 4 đứa con xinh xắn, đáng yêu. Nếu anh ấy bị bắt, dĩ nhiên anh ấy phải vào tù. Tôi yêu anh ấy như cách tôi yêu mọi người. Ai cũng có mặt tốt và mặt xấu”.

    Đáp lại, người phỏng vấn Piers Morgan nói một cách thận trọng: “Những kẻ khủng bố IS không có mặt tốt, vì vậy tôi e rằng chúng ta sẽ phải kết thúc cuộc phỏng vấn ngay tại đây”.

    Sau khi tìm cách trốn thoái khỏi Syria cùng các con, cô đã đến London sau đó tới Texas và chuyển đến sinh sống với bố mẹ đẻ.

    Cô vẫn giữ liên lạc với chồng cũ vài năm sau khi trốn khỏi Syria nhưng sau đó họ đã mất liên lạc vào năm 2015. Hiện cô không rõ chồng cũ của của cô còn sống hay đã chết.

    Khi được hỏi về cuộc hôn nhân với chồng cũ, Tania cho rằng đó là một sự lãng phí đáng tiếc trong cuộc đời của cô. 

    Tuy nhiên, trước nghị lực phi thường làm lại cuộc đời mình, Tania may mắn gặp được người chồng thứ hai là Craig Bruma, 49 tuổi, trên một trang web hẹn hò và họ kết hôn vào tháng 6/2018 tại Las Vegas.

    Cuộc sống hiện tại đáng mơ ước của Tania.

    Tania cho biết cô muốn giúp đỡ và ngăn chặn những người khác có ý định trở thành cô dâu thánh chiến giống như nữ sinh Shamima.

    "Shamima khi đó vẫn là một đứa trẻ và giờ cô ấy đã biết được sai lầm của mình. 

    Hãy cho Shamima và em bé sắp chào đời của cô ấy một cơ hội sống, giúp cô ấy thoát khỏi suy nghĩ cực đoan, làm lại cuộc đời", Tania nhắn gửi trong bài phỏng vấn với Daily Mail.

    Viethome (theo Helino)

  • Theo đó, người vợ này là Derya O, 35 tuổi. Nhiều năm trước, Derya O là bạn gái của một ông chủ câu lạc bộ xe máy Hells Angels nhưng cô cảm thấy không vui với cuộc sống khi đó.

    Sau khi mối quan hệ này tan vỡ, cô gặp gỡ một gã trai người Đức quen trên mạng tên Mario Sciannimanica, người đã nói cho cô nhiều điều về Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo đó, gã kể về việc mình đã thay đổi như thế nào từ sau khi tiếp cận với IS và thậm chí đã vứt bỏ con chó cưng của mình vì nó bị coi là "ô uế".

    Chân dung Derya O.

    Anh ta sau đó đã tới Syria. Hai tháng sau đó, Derya O bỏ lại cuộc sống ở Đức và tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà từ đó cô được đưa qua biên giới Syria. Cô chia sẻ, lần đầu nhìn thấy Mario trong trang phục quân đội với bộ râu dài, nhìn anh ta thật tuyệt. Nhưng trong đêm tân hôn, Derya O cho biết, họ đã phải trải qua một đêm kinh hoàng khi ở trong một căn phòng tra tấn đầy máu mà IS thường sử dụng.

    "Chúng tôi bị nhốt trong một căn phòng từng được sử dụng để làm nơi tra tấn, với những sợi xích treo trên trần nhà, máu vẫn còn vương trên tường, tất cả đều rất đáng sợ", cô kể lại ký ức đêm tân hôn kinh hoàng. Lúc đó, Derya O bị ép phải mặc một chiếc áo choàng đen toàn thân và được nghe những lời giải thích sai lệch về đạo Hồi. Sau đó, Derya O và Mairo chuyển tới Iraq và sinh con trai vào năm 2015, nhưng cả hai cãi vã liên tục và sớm chia tay.

    Sau đó, cô ngay lập tức nhận được lời cầu hôn từ Denis Cuspert, một người từng làm rapper được biết đến với nghệ danh "Deso Dogg". Người này sau đó trở thành trùm khủng bố IS nổi tiếng nhất tại Đức. Dù Derya nói rằng anh ta là một người đàn ông rất ngọt ngào nhưng cô từ chối kết hôn với anh ta vì "những người phụ nữ không biết phải nói gì với anh ấy".

    Sau đó, cô quyết định trở thành vợ lẽ của chỉ huy IS gốc Bỉ Abu Salahuddin. Mọi thứ đều ổn cho tới khi anh ta bị tấn công bằng máy bay không người lái và chết hai tháng sau đó, Derya O kể lại. Được biết, cô Derya O sau đó trở lại với người chồng đầu tiên Mario Sciannimanica nhưng người này không lâu sau đó bị buộc tội gián điệp chống lại ISIS, và bị các đồng đội cũ xử tử sau một phiên xét xử chóng vánh.

    Sau khi Mario bị bắt và bị tra tấn, cô đã trốn khỏi lãnh thổ IS qua biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây cô bị bỏ tù trong một nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ và bị dẫn độ về Đức vào mùa hè năm 2017. Hiện Derya O đang bị giam giữ để điều tra với cáo buộc là một trong 5 thành viên IS của Đức trở về quê hương sau khi di cư sang Syria.

    Viethome (theo baouc)

  • Với biệt danh "bà khủng bố", cô dâu thánh chiến người Anh là nhân vật tích cực nhất trong việc tuyển dụng phần tử khủng bố cho IS.

    Người phụ nữ này có tên trong danh sách của Chính phủ Anh về những kẻ nguy hiểm nhất chuyên tuyển dụng chiến binh cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây cũng là một trong 4 người âm mưu quay về tấn công khủng bố ngay trên đất Anh, theo Daily Mail.

    "Bà khủng bố" tên thật là Sally Anne Jones, 46 tuổi, sống ở thị trấn Chatham, hạt Kent tại Anh. Vào đầu những năm 1990, Jones từng là tay guitar chính trong ban nhạc rock nữ Krunch, khá được yêu thích trong vùng.

    Sally Anne Jones. (Ảnh: Tim Stewart News Limited)
    Bà ta từng là một tay chơi nhạc rock. (Ảnh: Twitter/Daily Mail)

    Theo các nhà điều tra, trước khi gia nhập IS, bà ta đã bị thu hút vào thế giới trực tuyến, thường xuyên viết bài trên các diễn đàn về thuyết âm mưu, phù thủy và ma thuật đen. Trong thời gian đó, Jones thường xuyên trò chuyện và say mê Junaid Hussain, mới 21 tuổi, đến từ Birmingham.

    Hussain là người đứng đầu Poison, một nhóm tin tặc chuyên tấn công trang web của các chính trị gia, doanh nghiệp và các cơ quan nhân đạo. Anh ta từng bị bắt vào năm 2012 vì tội ăn cắp và công bố thông tin cá nhân của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

    Junaid Hussain, chồng thánh chiến của "Mrs. Terror". (Ảnh: Daily Mail)

    Năm 2013, Jones rời bỏ gia đình tìm đến với người tình quen qua mạng. Cả hai cùng nhau đến Syria để gia nhập IS như đã bàn bạc trước đó. Jones kết hôn với Hussain và đổi tên thành Umm Hussain Britaniya.

    Kể từ đó, bà ta nhanh chóng trở thành một cái tên sáng giá trong việc dụ dỗ, tuyển dụng cô dâu và chiến binh thánh chiến qua mạng cho nhóm phiến quân.

    Cùng với vợ, Hussain cũng là một nhân vật nổi bật của IS, bị liệt vào danh sách mục tiêu cần tiêu diệt của Mỹ, do có vai trò tuyển dụng và khả năng đánh cắp thông tin qua mạng.

    Sự hoạt động tích cực của cặp “vợ chồng” này nhanh chóng khiến các nhà chức trách để ý. Cặp đôi bị đóng băng tài sản và bị đưa vào danh sách cấm bay của Liên Hợp Quốc.

    Ngày 21/8, khi đang trên đường đến thủ đô Raqqa, Iraq, chồng Jones đã bị giết chết trong một cuộc không kích bởi máy bay không người lái của liên quân Mỹ - Anh.

    Cái chết của chồng đã khiến sự cực đoan của bà ta tăng lên cực độ. Trên trang Twitter, bà ta viết: “Tôi tự hào vì anh ấy đã bị giết bởi kẻ thù lớn nhất của Thánh Allah. Tôi sẽ không bao giờ yêu ai như đã yêu anh ấy”.

    Jones còn khẳng định: “Những kẻ Thập Tự Chinh (ám chỉ liên minh chống IS) cho rằng chúng chiến thắng khi giết được chúng tôi. Nhưng không, chúng tôi mới là những người chiến thắng”.

    “Danh tiếng” của Jones đối với những kẻ cực đoan được khẳng định khi chỉ sau một vài giờ hoạt động, tài khoản Twitter của bà ta đã được lan truyền rộng rãi.

    Con đường từ một phụ nữ trung niên yêu nghệ thuật trở thành một góa phụ thánh chiến cực đoan khiến gia đình Jones không khỏi bất ngờ, đau xót. 

    Anh trai của Jones, ông Patrick, giám đốc một công ty gạch lát đường cho biết: “Đây là một khoảng thời gian rất khó chịu và đau khổ đối với gia đình tôi. Tôi không muốn họ bị dính dáng đến điều này. Em gái tôi đã yêu đương và dứt áo ra đi”.

    Trong danh sách những kẻ âm mưu khủng bố của Anh còn có nữ sinh Aqsa Mahmood, 20 tuổi, đến Syria để kết hôn với một chiến binh IS. Trước khi đi, cô ta tuyên bố với cha mẹ rằng, mình sẽ chết như “một liệt sỹ” và sẽ gặp lại họ trong “ngày phán xét”.

    Rời nhà từ cuối tháng 11/2014, Mahmood đổi tên thành Umm Layth. Cô từng là một nhân vật chủ chốt trong lữ đoàn al-Khanssaa, nhóm nữ cảnh sát IS khét tiếng được thành lập tại Raqqa để giám sát việc thi hành luật Hồi giáo Sharia.

    Cô dâu thánh chiến Aqsa Mahmood. (Ảnh: Daily Mail)

    Hai nhân vật khác trong danh sách này là cựu sinh viên y khoa Nasser Muthana, 20 tuổi, từ Cardiff và cựu nhân viên bảo vệ Omar Hussain, 27 tuổi, từ High Wycombe, Buckinghamshire. 

    Muthana từng khẳng định sẽ sử dụng “kỹ năng” khủng bố khi trở về Anh để thực hiện một âm mưu tàn bạo. Trong khi đó, Hussain cho biết: “Tôi căm ghét nước Anh, lý do duy nhất cho việc quay về đây là để đặt một quả bom ở đâu đó”.

    Viethome (theo Vietnamnet) 

  • Shamima Begum được phát hiện tại một trại tị nạn ở Syria vào tuần trước, 4 năm sau khi trốn khỏi Anh để gia nhập phiến quân IS ở Trung Đông. Mới đây, cô dâu IS này đã có phát ngôn gây sốc về những nô lệ tình dục Yazidi.

    Theo The Sun, cô dâu IS Shamima Begum, 19 tuổi, được phát hiện tại một trại tị nạn ở Syria tuần trước, 4 năm sau khi trốn khỏi Anh để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ở Trung Đông.

    Mới đây, Shamima gửi lời xin lỗi vì đã gia nhập nhóm khủng bố tàn bạo này. Tuy nhiên, cô gây sốc khi nói rằng vẫn ủng hộ việc cưỡng hiếp và giết hại những nô lệ tình dục Yazidi.

    Được biết, Yazidi là nhóm người thiểu số ở miền Bắc Iraq và Syria, từng phải chịu đựng nhiều sự áp bức tàn bạo dưới sự cai trị của phiến quân IS.

    Nhiều phụ nữ và trẻ em Yazidi bị đem bán làm nô lệ tình dục, trong khi hàng nghìn người khác bị tàn sát trong chiến dịch mà Liên Hợp Quốc mô tả là một cuộc diệt chủng.

    Trong nhiều trường hợp, những người vợ của các chiến binh IS trở nên ghen tuông với những nô lệ tình dục Yazidi của chồng, do vậy họ không quan tâm đến cách đối xử  tàn nhẫn của những tay súng IS này đối với người Yazidi.

    Theo phóng viên Quentin Sommerville của BBC, Begum vẫn tin vào chiến dịch tuyên truyền của phiến quân IS.

    “Khi tôi hỏi Begum về việc các tay súng IS bắt những người phụ nữ Yazidi làm nô lệ, cưỡng hiếp và thậm chí giết hại họ, cô ấy nói ‘người Shia cũng làm như vậy ở Iraq”, phóng viên Sommerville kể lại.

    “Shamima Begum thừa nhận với BBC News rằng cô được sử dụng cho hoạt động chiêu mộ tân binh của phiến quân IS, đồng thời gửi lời xin lỗi tới chính phủ Anh vì đã gia nhập IS và sẵn sàng đối diện án tù nếu được phép trở về quê nhà”, Sommerville cho hay. 

    Chỉ trước đó một ngày, Begum nói với Sky News rằng: "Khi tôi đến Syria, tôi làm nội trợ trong suốt 4 năm. Tôi chưa bao giờ làm điều gì nguy hiểm. Tôi chưa bao giờ tuyên truyền và khuyến khích mọi người tới Syria".

    Hiện chưa rõ Shamima có được cho phép quay trở về Anh hay không. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã cảnh báo Begum về những hậu quả nếu cô cố tìm cách về nước.

    Viethome (theo Kiến Thức)