• Tiết kiệm không phải là chuyện dễ dàng, nếu đề ra những mục tiêu quá lớn, có thể bạn sẽ không thành công. Thay vào đó, hãy đề ra những mục tiêu dễ làm và tuân thủ nghiêm ngặt với chiến lược đó.

    Lúc nào bạn cũng cần tiền dự phòng để trù bị cho những thời điểm khó khăn. Trang Machester Evening News đã chia sẻ một thử thách 12 tháng giúp bạn dành dụm £780. Và bạn chỉ cần bắt đầu với £10. Sau đó tăng dần số tiền lên mỗi tháng.

    Chẳng hạn, tháng 1 bạn để dành £10. Tháng 2 bạn để dành ra £20, tháng 3 là £30 và cứ thế. Nếu kiên trì, số tiền bạn dành dụm được vào đầu năm 2025 sẽ là £780.

    de danh tien cuoi nam

    Cụ thể như sau:

    • Tháng 1 – £10
    • Tháng 2 – £20
    • Tháng 3 – £30
    • Tháng 4 – £40
    • Tháng 5 – £50
    • Tháng 6 – £60
    • Tháng 7 – £70
    • Tháng 8 – £80
    • Tháng 9 – £90
    • Tháng 10 – £100
    • Tháng 11 – £110
    • Tháng 12 – £120
    • Tổng cộng: £780

    Ngoài ra bạn có thể tiến hành thêm một số thử thách khác, chẳng hạn thử thách tiết kiệm 1p mỗi ngày trong vòng 52 tuần (1 năm). Nghĩa là ngày đầu tiên bạn để dành ra 1p, ngày thứ 2 là 2p. Và cứ thế tăng thêm 1p mỗi ngày.

    Vào ngày thứ 365, bạn để dành ra £3.65. Tổng cộng 365 ngày, bạn đã để dành được £671.61. Số tiền ban đầu tưởng chừng như rất vặt vãnh, nhưng đến cuối năm bạn lại bỏ túi được một khoản kha khá.

    thu thach 1 xu

    Nếu muốn đẩy nhanh tốc độ tiết kiệm, bạn có thể tiến hành thêm thử thách £1 mỗi ngày. Nghĩa là mỗi ngày bạn để dành ra £1, trong vòng 1 năm bạn sẽ có thêm £365.

    Để tăng độ khó của thử thách này, bạn có thể tiết kiệm theo hình thức sau. Ngày đầu tiên bạn dành ra £1, ngày thứ 2 là £2... đến ngày thứ 7 là £7. Sang tuần thứ 2 bạn quay lại từ đầu, tức £1, ngày hôm sau là £1... Cứ thế cuối năm, bạn sẽ dành ra được £1,456.

    Viethome (theo The Sun)

  • Cuộc sống của 1 “nữ đại gia” đến từ Nhật Bản khiến nhiều người bất ngờ vì bên ngoài nhiều tiền, trong nhà lại sống vô cùng tằn tiện.

    Mỗi người lại có những lựa chọn riêng cho cuộc sống của mình. Phú bà Ogawa Eri, đến từ Tokyo, Nhật Bản cũng vậy. Đây là 1 phú bà có khối tài sản đáng nể đến từ xứ sở mặt trời mọc. Bà luôn được nhiều người ngưỡng mộ vì sống sang chảnh, toát lên mùi tiền. Tuy nhiên, khi giới truyền thông chia sẻ loạt hình ảnh Ogawa Eri sống ở nhà, nhiều người không thể tưởng tượng vì cô sống quá tiết kiệm, chi li.

    Dùng đồ đạc tới khi… hỏng, hơn 20 năm chưa thay khăn tắm

    Ogawa Eri từng kiếm được hàng triệu USD mỗi ngày. Vì vậy, nhiều người tin rằng cô sẽ sống sang chảnh, “tiêu tiền như nước”. Thế nhưng mới đây, khi truyền thông phát hiện đoạn video mà Ogawa Eri chia sẻ về nhà mình, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ, hoang mang. Trong không gian sang chảnh, Ogawa Eri lại “keo kiệt” với chính mình.

    Cô khiến nhiều người bàng hoàng vì ăn mặc quá xuề xòa mỗi lúc ở nhà. Phú bà Nhật Bản tiết kiệm tới mức mặc lại đồ lót giữ nhiệt đã 5 năm chứ không thay mới. Không chỉ vậy, cư dân mạng còn được phen choáng váng khi phát hiện món đồ nào trong nhà phú bà cũng có “thâm niên” khủng. Điển hình có lẽ phải kể tới việc Ogawa Eri sử dụng khăn tắm 21 năm nay và chưa thay cái mới. Cô cũng giữ bàn chải đánh răng cũ và dùng liên tục 3 năm, găng tay chơi golf cũng có “tuổi thọ” 13 năm.

    trinh tieu 1
    Phú bà đến từ Nhật Bản gây bão vì sống tằn tiện khi ở nhà.

    Dù giàu “nứt đố đổ vách” nhưng Ogawa Eri không chịu vứt bất kỳ món đồ cũ nào đi. Vì tuổi thọ quá cao, những món đồ của Ogawa Eri đã có dấu hiệu hỏng hóc, thủng lỗ chỗ, ố màu, nhăn nheo… Tuy vậy, phú bà Nhật Bản vẫn tỏ ra rất ổn khi trưng dụng những món đồ ấy.

    Ngoài ra, cô cũng không gọi đồ ăn mang về nhà mà chịu khó canh giờ giảm giá của siêu thị để mua thực phẩm giá rẻ. Khi không uống hết chai nước, cô để lại vào trong tủ lạnh và uống hết sạch mới bỏ đi.

    trinh tieu 1
    Ở nhà, nữ đại gia vô cùng xuề xòa.

    Mặc dù tiết kiệm là 1 tính cách tuyệt vời của con người nhưng nhiều người cho rằng Ogawa Eri đang tự làm khổ mình. Cô có thể tiết kiệm nhưng không cần trưng dụng những món đồ tuổi thọ quá cao vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.

    Ra ngoài dát toàn đồ hiệu

    Mỗi khi ra ngoài, Ogawa Eri lại toát lên vẻ sang chảnh và giàu có. Hình ảnh quen thuộc mà phú bà này mang đến chính là diện toàn đồ hiệu, sử dụng phụ kiện đồ hiệu, đắt xắt ra miếng. Cô thường xuyên chụp ảnh và khoe căn biệt thự siêu rộng, bên cạnh đó là bộ sưu tập rượu vang đắt đỏ cùng với những món phụ kiện sang trọng.

    trinh tieu 1
    Ogawa Eri thường mặc đồ hiệu khi ra ngoài.

    Trên mạng xã hội, Ogawa Eri còn giới thiệu rất kỹ về những món đồ hiệu mà mình sở hữu như túi xách, vali… Số tiền mà Ogawa Eri bỏ ra để mua túi xách hàng hiệu rơi vào khoảng 5 tỷ đồng.

    Thường ngày, Ogawa Eri còn có sở thích ngắm số dư tài khoản. Cô cũng được nhắc đến trong nhiều sự kiện lớn, tầm cỡ và mang trên mình những món đồ đắt đỏ tới tham dự. Cô cũng luôn chọn ghế máy bay hạng thương gia, sống như 1 bà hoàng mỗi khi bước chân ra khỏi nhà.

    Hiện cuộc sống trái ngược của phú bà Nhật Bản khi ra ngoài và khi ở nhà vẫn đang là chủ đề được nhiều người dùng mạng quan tâm. Bản thân Ogawa Eri cũng không ngại chia sẻ cuộc sống lựa chọn của mình lên mạng xã hội mà không quan tâm tới những lời khen chê.

    Kênh 14 (theo Sina)

  • Càng về già, họ càng nhận ra tầm quan trọng của tiết kiệm tiền và đạt được tự do tài chính.

    * Dưới đây là lời chia sẻ của Sunshine Finance (Trung Quốc) - một người phụ nữ 42 tuổi đã nghỉ hưu sớm để chăm sóc gia đình và quản lý 5 căn nhà cho thuê.

    Tôi và chồng đã tiết kiệm tiền trong suốt cuộc đời mình. Nhưng chúng tôi không muốn dùng từ “keo kiệt" để nói về các thói quen tài chính. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng đó là “quyết tâm không tiêu một đồng xu bừa bãi, từ đó có khoản chi phí để tiết kiệm tiền hoặc đầu tư".

    Trên đời này, không có quá nhiều người sinh ra đã giàu có. Của cải của chúng ta được tích lũy dần theo năm tháng. Khi chi tiêu tiết kiệm, chúng tôi có tiền để mua các tài sản khác, trả hết nợ vay mua nhà, mua xe, đồng thời có một quỹ dự phòng khi về già.

    Dưới đây là những thói quen tiết kiệm của vợ chồng tôi và cách dùng số tiền này sau đó.

    avatar1703159493041 1703159493358509935646

    1. Mua quần áo

    Chúng tôi cố gắng mua những trang phục kiểu dáng thoải mái, bình dân, chú trọng đến chất lượng. Với các con nhỏ, số lượng quần áo có thể nhiều hơn song với bố mẹ, mỗi người chỉ cần 3-5 bộ trang phục là đủ để thay và giặt. Khi mua quần áo, chúng tôi không quan tâm quá nhiều đến thương hiệu mà chú trọng đến sự thoải mái và tối giản.

    2. Ăn thực phẩm nấu sẵn

    Trong năm chúng tôi hiếm khi đi ăn ngoài. Kể cả trong những ngày lễ, sinh nhật thì gia đình cũng mua đủ loại nguyên liệu về nhà và nấu các bữa ăn thịnh soạn.

    3. Lên kế hoạch khi đi mua sắm

    Tất nhiên, bạn sẽ không bao giờ có thể tránh khỏi việc lỡ chi tiêu quá tay khi đi mua sắm hàng hoá. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng ghi chép lại cẩn thận kế hoạch mua sắm trước khi vào cửa hàng trong những dịp lễ lớn. Ngoài ra, với độ tuổi của chúng tôi, các trang thương mại điện tử không bao giờ là lựa chọn tốt để mua hàng, từ đó có thể hạn chế lãng phí tiền bạc và mua sắm quá đà.

    4. Quan tâm đến sức khoẻ

    Trước khi nghỉ hưu, nếu không có chuyện gì đặc biệt thì vợ chồng chúng tôi luôn dậy lúc 6h sáng, bắt đầu làm việc từ 8h và trở về nhà vào 18h tối. Sau đó, chúng tôi dành 1 tiếng đi bộ hàng ngày để nâng cao sức khoẻ. Chu trình đó gần như đã lặp đi lặp lại suốt 20 năm.

    Đến khi nghỉ hưu, sức khỏe của hai vợ chồng vẫn rất tốt và hiếm khi cần đến bệnh viện điều trị. Chúng tôi luôn tin rằng, khoản đầu tư cho sức khoẻ và chữa bệnh có thể lớn hơn rất nhiều số tiền bạn kiếm được, nếu một ngày bạn dính đến các căn bệnh nguy hiểm.

    5. Tiết kiệm trong từng món nhu yếu phẩm hàng ngày

    Giấy vệ sinh mua về là loại bình dân và bền nhất. Xà phòng dùng gần hết thì tận dụng để lau bồn rửa. Túi nước giặt, kem đánh răng, chai lọ mắm muội… đều được dùng đến khi hết sạch. Đó là những cách để vợ chồng tôi không lãng phí các món đồ nhu yếu phẩm hàng ngày. Chúng tôi luôn dùng mọi thứ đến khi hết sạch và tận dụng các đồ cũ, bởi chúng tôi hiểu rằng, một món đồ đánh đổi bằng bao nhiêu công sức lao động.

    Dành cả đời để tiết kiệm có đáng không?

    Nhiều người luôn nói rằng, mỗi ngày tiết kiệm từng khoản như vậy nhưng đánh đổi cuộc sống có nhiều gò bó thì có đáng không. Câu trả lời là “có".

    Sau khi dành cả cuộc đời để tiết kiệm, cuộc sống của vợ chồng tôi ra sao?

    - Do chúng tôi mua quần áo đơn giản và chất lượng nên không cần suy tính mỗi ngày ra đường mặc đồ gì. Từ đó chúng tôi rút ra kết luận: Cuộc sống hoàn thiện hơn nếu bạn bắt đầu sống tối giản và thay đổi từ những thói quen nhỏ.

    - Thói quen duy trì tập thể dục trong suốt nhiều năm giúp vợ chồng chúng tôi khoẻ, ít vào bệnh viện.

    - Nhờ tài khoản tiết kiệm tích lũy dần theo năm tháng, chúng tôi đã mua được những thứ có ý nghĩa hơn. Chúng tôi dùng tiền mua nhiều bất động sản, trong thời điểm giá cả thị trường đi xuống, từ đó có được 5 căn nhà cho thuê sau này.

    Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có khoản bảo hiểm và một quỹ lương nhỏ, đủ để nghỉ hưu sớm mà không cần theo đuổi công việc văn phòng. Giờ đây, tuy không quá giàu có nhưng chúng tôi không nợ nần và lo lắng sẽ tạo gánh nặng tài chính cho các con khi về già.

    Theo Kênh 14

  • Nếu biết tính toán, người kinh doanh tự do hoàn toàn chủ động được tài chính khi về già.

    Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chủ đề được quan tâm rất lớn vì nó ảnh hưởng đến kinh tế liên quan hàng triệu người. Sau đây là bài viết của tôi với mong muốn được góp ý về một chính sách lớn liên quan đến kinh tế chung của xã hội

    Tôi thấy có đề xuất là các chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một đề xuất không thực tế, không phản ánh được thực trạng của các hộ kinh doanh.

    Theo số liệu thống kê, có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam vào năm 2020. Trong số đó, có nhiều hộ kinh doanh có quy mô lớn, thu nhập cao và đã tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động của mình. Tôi cho rằng đề xuất đang nhầm lẫn giữa người đi làm thuê và người tự làm chủ. Thậm chí, với nhiều hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, thu nhập thấp và không có người lao động, chủ hộ vẫn chính là người tự cân đối thu chi và tính toán nguồn vốn, tất nhiên biết tự cân đối cho tài chính trong tương lai.

    tiet kiem tien le

    Để có căn cứ khách quan, chúng ta hãy thử làm một phép tính so sánh: Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng BHXH ít nhất 20 năm để được hưởng lương hưu (60 tuổi 6 tháng đối với nam và 55 tuổi 8 tháng đối với nữ). Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn (theo quy định). Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng: Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x mức bình quân thu nhập tháng đã đóng cho BHXH.

    Dựa trên mục tiêu GDP đầu người bình quân 2023 (hơn 8 triệu đồng một người), giả sử chủ hộ là nam, bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện vào năm 30 tuổi, lựa chọn mức thu nhập là 5 triệu đồng một tháng, để đóng BHXH cho đến khi 60 tuổi 6 tháng để được hưởng lương hưu phải đóng: 1,1 triệu x (30 x 12 + 6 ) = 402,6 triệu đồng.

    Khi đó, mức lương hưu hàng tháng của anh A là: 3,35 triệu đồng (67% theo cách tính tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP). Mức lương hưu này có vẻ không theo kịp với chi phí sinh hoạt.

    Theo số liệu thống kê của một tổ chức, chi phí sinh hoạt trung bình của một người Việt Nam vào năm 2020 là khoảng 6 triệu đồng một tháng. Nếu tính theo tỷ lệ lạm phát, chi phí sinh hoạt vào năm 2050 (khi người lao động bắt đầu hưởng lương hưu) sẽ cao hơn nhiều. Với cách tính mức lương hưu hiện tại, chất lượng cuộc sống của người lao động có thực sự ổn khi về già hay không?

    Bây giờ, chúng ta hãy so sánh quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện với quyền lợi khi gửi tiết kiệm ngân hàng, tức là hoạt động đầu tư kinh doanh với lãi suất thấp nhất.

    Trường hợp mang số tiền 1,1 triệu đồng một tháng đi gửi tiết kiệm ngân hàng trong thời gian tương ứng, thì tiền vốn và lãi sẽ là bao nhiêu? Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng đang dao động từ 5,8% - 7,2%. Ta sẽ chọn mức lãi suất trung bình là 6,5% để tính toán. Sau 30.5 năm (366 tháng), người đó sẽ nhận được 1,27 tỷ tiền lãi và gốc.

    Khi đó, chỉ cần mang số tiền này gửi kì hạn 36 tháng vào ngân hàng, anh ấy sẽ có tiền lãi hàng tháng, tất nhiên vẫn còn nguyên tiền gốc và cửa hàng mua bán.

    Chúng ta cũng nên nhớ đối tượng đang nhắc tới là người đi kinh doanh, họ cũng dùng những khoản lãi để đầu tư vào nhiều việc khác, như mua đi bán lại, nhà đất hay những khoản tiết kiệm dưới dạng đầu tư. Khoản tiền này chỉ là một hoạt động tiết kiệm trong nhiều danh mục của họ.

    Về BHXH tự nguyện: Cần điều chỉnh nhưng nên thực tế. Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách an sinh quan trọng của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại chính sách này đang gặp tình huống khá kiêng kị trong quản lý kinh tế - tài chính: đó là loay hoay chỉnh sửa nhiều lần.

    Tôi cho rằng người lao động đóng góp vào BHXH, thì họ có quyền quyết định cách sử dụng tiền của mình. Hơn nữa, việc rút tiền BHXH có thể giúp người lao động giải quyết các vấn đề khẩn cấp trong cuộc sống, như mua nhà, trả nợ, chữa bệnh hay kinh doanh. Trường hợp bên đề xuất muốn giữ quan điểm, xin hãy đưa ra căn cứ về pháp luật cũng như con số thống kê rõ ràng và thuyết phục để minh chứng.

    Tôi nghĩ, trước khi xem BHXH là nguồn an sinh chính, thì bản thân người làm BHXH phải tự tính toán để người tham gia có lợi ích tốt nhất. BH nhân thọ thuần túy kinh doanh, có lãi cao, họ làm được, tại sao BHXH với chủ trương không vì lợi nhuận mà không làm được?

    Một khi quyền lợi tốt, phục vụ lịch sự, có tâm, thì người tham gia sẽ nhiều mà không cần bắt buộc. Bằng không, thì ta hãy để ngân sách làm việc đó. Người dân sẵn sàng vui vẻ đóng góp bằng thuế hay con đường khác, nếu biết khoản đóng góp đó dành cho phúc lợi của chính mình và con cháu trong tương lai.

    Theo VnExpress

  • 23 tuổi, Vanessa Pereir tự hào là người trẻ sở hữu số tiền tiết kiệm đáng mơ ước - 30.000 bảng Anh.

    Từ khi còn nhỏ, Vanessa Pereira đến từ Anh đã ý thức về vấn đề tiền bạc. Cô được cha mẹ chỉ dạy về tầm quan trọng của vấn đề tài chính và tiết kiệm. Đến nay 23 tuổi, Vanessa Pereir tự hào là người trẻ sở hữu số tiền tiết kiệm đáng mơ ước - 30.000 bảng Anh. 

    Mới đây, cô nàng đã chia sẻ những thủ thuật đơn giản để có thể tăng dần số tiền hiện có. Đang nói, đây đều là những mẹo vô cùng đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng được.

    tiet kiem 30k bang 1
    Vanessa Pereira, 23 tuổi, đã tiết kiệm được số tiền đáng kinh ngạc 30.000 bảng Anh nhờ cách tiết kiệm của mình

    Vanessa Pereir nói với NeedToKnow.co.uk: "Tôi nghĩ rằng kỹ năng kiếm tiền của tôi bắt nguồn nhờ chính nền tảng về mặt giáo dục sau khi bố mẹ tôi di cư đến Vương quốc Anh từ Bồ Đào Nha 30 năm trước.

    Gia đình tôi là thế hệ đầu tiên sinh ra ở Anh, tôi và em gái đều sinh ra ở đây. Chúng tôi thường cùng bố mẹ đi làm thêm sau giờ học và vào cuối tuần. Điều này đã dạy cho tôi nhận thức rõ ràng về giá trị của đồng tiền và sự chăm chỉ, đồng thời định hình tư duy tài chính cũng như các giá trị vững chắc khác trong đời sống của tôi".

    Biết rõ mong muốn của bố mẹ là được trở lại Bồ Đào Nha, điều này đã thúc đẩy Vanessa bắt đầu làm việc và tiết kiệm một cách nghiêm túc từ nhiều năm trước.

    tiet kiem 30k bang 1
    Cô gái thành thạo các thủ thuật như săn ưu đãi, khuyến mãi, mã giảm giá để giúp bản thân tiết kiệm

    Khi đến tuổi thiếu niên, Vanessa đã thu thập phiếu giảm giá từ báo, tạp chí, nhà bán lẻ trực tuyến và nhà sản xuất. “Tôi trở nên khá đam mê những "nghệ thuật" tiết kiệm tiền khi tôi tìm ra cho mình các phương pháp để gia tăng ngân sách và tiếp tục tận hưởng những lợi ích từ điều đó. Tuy nhiên, nhiệm vụ tìm kiếm các giao dịch tốt nhất của tôi không dừng lại ở việc thu thập phiếu giảm giá. Tôi đã quyết tâm tìm ra những cách mới để có được mọi thứ miễn phí hoặc với mức giá chiết khấu cao", cô gái cho biết.

    Dần dần theo thời gian, đến năm 23 tuổi, cô gái này đã tiết kiệm được 30 nghìn bảng Anh (hơn 900 triệu đồng).

    "Bí thuật" tiết kiệm tiền của cô gái 23 tuổi này là:

    1. Lên danh sách những thứ muốn mua sắm

    Vanessa nói: "Đừng bao giờ mua sắm khi đang đói, bạn sẽ có xu hướng mua sắm bốc đồng hơn".

    2. Sử dụng tài khoản tiết kiệm

    Đảm bảo nhận và sử dụng một tài khoản tiết kiệm cá nhân là lựa chọn hoàn hảo để bạn tiết kiệm tiền.

    Cô nói thêm: “Khi bạn nhận được 1 khoản tiền nào đó, hãy chuyển thẳng một số tiền cố định vào tài khoản tiết kiệm. Vì những khoản này thường có lãi suất tốt hơn và tạo quỹ khẩn cấp. Bạn cũng không nên đụng đến trừ khi bạn thực sự rất cần".

    Tips là khi đã gửi tiết kiệm thì đừng nghĩ về khoản tiền trong đó nữa.

    tiet kiem 30k bang 1

    3. Phân biệt giữa cần và muốn

    Cô ấy nói: “Ngay khi bạn bắt đầu tự hỏi mình câu hỏi này, bạn sẽ nhận thấy rằng mình không chi tiêu quá nhiều vào những món đồ lặt vặt”.

    4. Mua sắm theo mùa

    Lựa chọn mua quần áo và vật dụng mùa đông trong thời gian chuyển sang mùa xuân, hạ hoặc thu sẽ giúp bạn tiết kiệm được 1 khoản lớn.

    Bởi "đây là lúc chúng rẻ nhất", Vanessa bật mí.

    Tương tự, nên mua quần áo và các mặt hàng mùa hè trong thời gian chuyển sang mùa thu vì đây là thời điểm chúng được giảm giá.

    5. Nghiên cứu thật kỹ thị trường

    Cô ấy nói: “Trước khi tôi đi vào một cửa hàng hoặc mua bất cứ thứ gì, tôi chắc chắn đã nghiên cứu. Bằng cách này, tôi có thể biết liệu mình có thể mua được cùng một mặt hàng ở nơi khác với giá rẻ hơn hay không.”

    Ngoài ra, Vanessa cũng tham gia các nhóm Facebook để tiết kiệm tiền.

    Cô ấy nói: “Tôi nhanh chóng trở thành thành viên của nhiều nhóm trao đổi mua bán trên mạng xã hội, nơi tôi chia sẻ các cơ hội giao dịch với những người dùng khác và học hỏi từ các mẹo và thủ thuật của họ.

    Đây là nơi tôi cũng tìm hiểu về các cuộc khảo sát mà bạn có thể điền vào để kiếm thêm thu nhập hoặc phiếu giảm giá. Tôi cũng có thể nhận được thẻ khách hàng thân thiết hoặc các mặt hàng giảm giá.

    Một người tiết kiệm vẫn có thể mua những mặt hàng chất lượng nhưng sẽ chờ giảm giá hoặc tìm các giao dịch, phiếu giảm giá và tiền hoàn lại để cố gắng giảm chi phí. Trong khi đó, một người ham rẻ sẽ đơn giản tìm mức giá thấp nhất có thể, tuy nhiên điều này thường ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm".

    Saostar (theo The Sun)

  • Chỉ nhờ những mẹo đơn giản này, số tiền tiết kiệm được đã tăng một cách nhanh chóng.

    Matilda Littler, 30 tuổi, đến từ Hertfordshire, Vương quốc Anh, đã tìm hiểu về tài chính từ khi còn trẻ. Nhưng mãi tới tận sau khi tốt nghiệp đại học, cô mới quyết định bắt tay vào công cuộc tích lũy, tiết kiệm tiền một cách nghiêm túc.

    tiet kiem 50000 bang 1
    Matilda Littler đã tiết kiệm được 50.000 bảng chỉ sau 2 năm bắt tay vào công cuộc tích lũy

    Ngay khi vừa mới tốt nghiệp và kiếm được những đồng tiền đầu tiên, Matilda Littler đã nghĩ ra nhiều cách để tăng thu nhập của mình bằng công việc tay trái và tuân theo 4 quy tắc chính.

    Kết quả là đến năm 28 tuổi, cô đã tiết kiệm được 40.000 bảng và bây giờ, 2 năm sau, số tiền tiết kiệm của cô ấy đã tăng lên mức 50.000 bảng Anh.

    Theo đó, đây là những cách mà cô áp dụng để tối đa hóa khoản tiết kiệm của mình và giúp cô tạo bước đà tốt để mua bất động sản trong tương lai, cảm thấy ổn định hơn về tài chính.

    1. Vạch kế hoạch và mục tiêu rõ ràng

    Để bắt đầu thuận lợi với việc tiết kiệm, cô ấy khuyên mọi người nên đặt ra cho mình một mục tiêu tài chính rõ ràng và nghiêm túc thực hiện.

    Matilda chia sẻ với NeedToKnow.co.uk rằng: “Tôi đã dành riêng cho mình một khoản để chi tiêu cho các hóa đơn cần thanh toán trong tháng. Theo đó, tôi đã cố gắng giữ nguyên khoản tiền này, bất chấp lạm phát hay bất cứ khoản chi phát sinh nào cũng không được phép sử dụng đến. Điều đó cũng có nghĩa là tôi chưa quen với lối sống khác nên khoản tiền đó vẫn khiến tôi cảm thấy thoải mái”.

    2. Bỏ qua các xu hướng trong đời sống

    tiet kiem 50000 bang 1
    Cô ấy cũng nhấn mạnh về tác động tích cực từ việc mua sắm trực tuyến, tăng cường kiếm thêm tiền từ các công việc phụ và hiểu biết về ngân hàng.

    Matilda nói rằng, điều quan trọng là phải bỏ qua các xu hướng nhất thời và từ bỏ việc mua sắm các món thiết bị mới nhất. Cô ấy nói: “Tôi không mua đồ công nghệ mới nhất. Và điều này đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền”.

    Không chỉ vậy, Matilda còn khuyến khích tìm kiếm những công việc phụ như một cách để kiếm thêm tiền. Matilda giải thích thêm: “Đầu tiên, hãy làm tất cả những gì có thể với số tiền bạn có, bắt đầu bằng việc lập ngân sách, tiết kiệm hết mức có thể và cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết. Khi bạn làm điều này, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy mình đang có khả năng tiết kiệm được nhiều tiền nhất có thể".

    "Có rất nhiều công việc làm thêm ngoài kia có thể mang lại cho bạn thu nhập tốt và bạn có thể làm bất cứ việc gì, miễn là chúng không phạm pháp hay sai trái", Matilda gợi ý thêm.

    3. Tìm hiểu thật kỹ để mua được những thứ cần thiết với mức giá rẻ nhất

    Matilda cũng bổ sung điều này bằng cách tìm hiểu thật kỹ trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch mua lớn nào.

    Cô nói: "Hãy tìm kiếm tất cả mọi thứ để chắc chắn rằng mình đã sở hữu được một món đồ cần thiết nào đó với mức giá thấp nhất, cho dù đó là các khuyến mãi, nhận tiền hoàn lại hay chuyển qua mua các loại thực phẩm không phải của thương hiệu nổi tiếng”.

    4. Nắm rõ về mức lãi suất và sự thay đổi trong cơ chế của các ngân hàng

    Cuối cùng, Matilda nói rằng: “Trong thời điểm như ngày nay, hãy đảm bảo rằng khoản tiết kiệm của bạn đang nằm trong một tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao.

    Ngoài ra, hãy xem xét các cách sử dụng tiền của bạn từ các khoản trợ cấp ISA và đầu tư nếu bạn muốn tiết kiệm số tiền đó lâu dài”.

    Matilda chia sẻ: “Tôi lớn lên với nhiều công việc khác nhau và tôi đã tiết kiệm được từ khi còn nhỏ. Tôi bắt đầu làm công việc rửa chén/bát vào năm 14 tuổi tại một quán cà phê địa phương và làm những công việc tương tự như trợ lý cửa hàng cho đến khi tôi 16 tuổi.

    “Trong thời gian này, mức lương của tôi chỉ ở mức trung bình nhưng tôi vẫn tự tin mình có thể dành dụm được một khoản nhỏ để tiết kiệm.

    “Khi tôi 16 tuổi, tôi bắt đầu làm đồ trang sức như một công việc kinh doanh phụ và bán món đồ này trên Etsy, tại các chợ đồ cũ cũng như bán tại các cửa hàng địa phương trong khu vực của tôi.

    Tôi đã gửi rất nhiều tiền lãi từ việc này vào khoản tiết kiệm. Năm 18 tuổi, tôi đã quyết định xin bố mẹ ra ở riêng. Lúc đó trong người tôi có khoảng 5.000 bảng tiền tiết kiệm.

    tiet kiem 50000 bang 1
    Matilda Littler nhấn mạnh rằng, để tích lũy tiền tiết kiệm, điều quan trọng là bạn phải dành riêng cho mình một khoản tiêu vặt và bỏ qua các xu hướng đang phổ biến trong đời sống thường ngày.

    18 tuổi, Matilda ngừng kinh doanh đồ trang sức và tập trung vào việc học đại học. Trong thời gian học đại học, cô không động đến tiền tiết kiệm của mình mà sống bằng tiền học bổng và tiền lương làm việc trong một cửa hàng.

    “Khi tôi tốt nghiệp đại học, tôi thực sự muốn tiết kiệm cho tương lai, chẳng hạn như mua một ngôi nhà. Thế nhưng, tôi cũng tự thấy nó quá xa vời và đó là lý do tôi muốn bắt đầu hành trình tiết kiệm của mình.

    Sau khi tốt nghiệp, tôi chuyển đến thuê nhà ở một thành phố mới với bạn bè và bắt đầu kế hoạch tốt nghiệp với mức lương khởi điểm ở tuổi 23. Tại thời điểm này, với mức lương ổn định từ công việc toàn thời gian, tôi bắt đầu theo dõi chi tiêu của mình nhiều hơn và cập nhật ngân sách mỗi tháng để xem tôi có thể cắt giảm chi phí ở đâu.

    Tôi cũng bắt đầu làm công việc phụ từ thử nghiệm người dùng, các trang web và ứng dụng và bán các kỹ năng quản lý dự án của mình trên Fiverr. Với mức lương khởi điểm của mình, tôi đã tiết kiệm được khoảng 750 bảng và 150 bảng mỗi tháng từ các công việc phụ.Trong năm đầu tiên, tôi đã có thể tiết kiệm được 11.000 bảng.

    Khi mức lương tăng lên, Matilda chủ yếu giữ nguyên khoản trợ cấp hàng tháng mà cô ấy đã dành cho mình để mua thực phẩm và chi phí sinh hoạt. Cũng kể từ đó, số tiền tiết kiệm cứ thế tăng dần lên."

    Cô ấy nói thêm: “Với số tiền tiết kiệm mà tôi có, tôi bắt đầu bỏ tiền vào cổ phiếu để đầu tư kể từ tháng 3 năm 2020 - ngay khi cả nước Anh thực hiện lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19.

    Tôi cũng làm các công việc phụ, chẳng hạn như thử nghiệm người dùng cho các ứng dụng hoặc trang web mới, khảo sát,... để kiếm thêm thu nhập.

    Nói 1 cách tích cực, việc tuân thủ nghiêm ngặt luật phong tỏa cũng giúp tôi tiết kiệm được nhiều hơn trong khoảng thời gian này. Theo đó, tôi đã tiết kiệm được khoảng 50.000 bảng trong suốt 2 năm, kể từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2022".

    Hy vọng những chia sẻ của Matilda sẽ giúp các bạn có thêm hướng đi trong việc quản lý tài chính cá nhân và tiết kiệm tiền bạc để đạt được những mục tiêu ở tương lai.

    Phunuvietnam (theo The Sun)

  • Sau 1 năm cắt giảm chi tiêu một cách tối đa, cặp đôi này đã có được số tiền tiết kiệm mà phải dành dụm 25 năm mới có thể sở hữu.

    1 năm cắt giảm chi tiêu tiết kiệm được khoản tiền bằng 25 năm

    Michelle McGagh là một nhà báo có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực tài chính. Nhiều người nghĩ rằng cô sẽ giỏi trong việc quản lý tiền bạc nhưng thực tế không phải như vậy. Điều này cô đã thừa nhận trong một bài viết trên tờ Telegraph. ''Thật không công bằng khi tôi có thể khuyên người khác làm gì để tiết kiệm nhưng lại gặp khó khăn trong việc quản lý tiền bạc của chính bản thân mình'', Michelle nói.

    Sau khi nhận thấy đã tiêu hàng nghìn USD vào những thứ không cần thiết như cà phê, quần áo, gọi đồ mang về… cô đã quyết định thực hiện thử thách cắt giảm chi tiêu tối đa trong vòng 1 năm.

    tien an chi tieu tiet kiem 1

    Cắt giảm nhưng không có nghĩa là Michelle không tiêu đến tiền. Cô đưa ra một danh sách những khoản bắt buộc phải thanh toán như: bảo hiểm, thanh toán thế chấp của ngân hàng, các dịch vụ điện nước, tiền điện thoại. Cô vẫn cho phép mình tiêu dùng những đồ cơ bản như kem đánh răng, dầu gội…

    Về tiền ăn, cô và chồng đã đồng ý chỉ tiêu 35 USD/tuần (khoảng 800.000 đồng), tương ứng với 140 USD/tháng (khoảng 3,2 triệu đồng).

    Để tiết kiệm, cô đã cắt bỏ toàn bộ các khoản chi cho những thứ xa xỉ như: đi xem phim, ăn ngoài hàng, đặt đồ mang về, mua quần áo mới hay mua thẻ phòng tập gym. Thậm chí cô cũng bỏ những món ăn yêu thích ra khỏi danh sách chi tiêu của mình.

    Việc tiết kiệm này cũng đồng nghĩa, thay vì di chuyển bằng phương tiện cá nhân, McGagh sử dụng xe bus và tàu điện ngầm. Thậm chí, với những nơi không tiện di chuyển bằng phương tiện công cộng, cô sẽ đạp xe đến.

    Mọi hoạt động giải trí trước đây đều được thay thế bằng những buổi picnic trong công viên, ở lều và xem các triển lãm miễn phí.

    Chồng cô tỏ ra khá lo lắng về mức độ khắc nghiệt của thử thách này. Song McGagh vẫn rất lạc quan. Bởi nhờ việc cắt giảm chi tiêu, cô bắt đầu chi trả được nhiều hơn khoản thế chấp cần phải thanh toán.

    Tuy nhiên, McGagh chia sẻ sẻ rằng cô thực sự nhớ cuộc sống trước kia: các cuộc tụ họp bạn bè hay những phút giây thoải mái thả mình trong rạp phim. Thêm vào đó, cơ thể cô cũng gần như khác hẳn trước kia. Bởi làn da và mái tóc chẳng mấy khi được chăm sóc cẩn thận.

    Đặc biệt, trong những dịp bạn bè mời đến nhà ăn tối, McGagh cảm thấy hơi ngại ngùng vì thường đi tay không. Tuy nhiên cô sẵn sàng chọn tự rửa hết đống bát đĩa sau khi kết thúc thay cho lời cảm ơn.

    Duy trì lối sống tiết kiệm, sau một năm cô đã để ra khoảng 23.000 USD (539 triệu đồng). Con số mà cô nghĩ rằng phải mất đến 25 năm tiết kiệm mới có được.

    Bài học lớn từ cuộc sống tiết kiệm

    McGagh cho biết để tập thói quen cắt giảm chi tiêu không phải là điều dễ dàng, đặc biệt trong những tháng đầu tiên. Cái khó nằm ở việc cô vẫn phải cố gắng giữ cuộc sống như cũ nhưng với một khoản tiền ít hơn. Đôi khi, cô muốn quên hết tất cả các kế hoạch và thả phanh trong những cuộc mua sắm.

    Tuy nhiên, sau tất cả, cô hiểu ra rằng chúng ta không cần phải mở ví mỗi khi muốn mua sự vui vẻ. Mặc dù, tiết kiệm tiền là mục tiêu hàng đầu. Song McGagh học được rằng việc tiêu tiền không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc.

    tien an chi tieu tiet kiem 1

    Khi phải đối mặt với việc mua sắm, bạn cần tự hỏi liệu món đồ có phải là nhu cầu thiết yếu hay chỉ là mong muốn nhất thời. Bạn có thể dễ dàng đưa ra lý do cần mua một món đồ nào nó. Song điều quan trọng bạn cần làm là phải phân tích để thấy được tính nghiệm trọng của vấn đề tiêu tiền. Đặc biệt, nếu như bạn đang có một món nợ ngân hàng như McGagh. Nếu xác định được lý do tại sao lại mua đồ hoặc làm chủ hành vi của mình, bạn có thể dừng trước khi quẹt thẻ.

    Để có thể thay đổi kế hoạch chi tiêu theo hướng tiết kiệm hơn, McGagh cho biết bạn cần có một mục tiêu cụ thể. Khi đã xác định được lợi ích lâu dài, bạn sẽ dám bỏ qua những lợi ích trước mắt. Như người phụ nữ này, cô chọn mục tiêu là dồn tiền để có thể thanh toán sớm nhất khoản nợ ngân hàng.

    Vốn là một người thích tiệc tùng, khi lựa chọn cuộc sống tiết kiệm, McGagh dần thích nghi với những hình thức giải trí không tốn kém. Cô khẳng định rằng chúng ta cần phải đón nhận những điều mới mẻ.

    Nhịp sống Thị trường (theo Esquire)

  • Lương, thu nhập của tôi là rùa còn giá vàng, thực phẩm, xăng... là thỏ. Ngoài đời thực, rùa không đuổi kịp thỏ.

    Cách đây một năm, tôi đã chia sẻ bài viết Mỗi tháng mua một chỉ, tôi sẽ có 36 cây vàng dưỡng già. Sau hơn một năm, tôi ngậm ngùi nói rằng, đến giờ phút này, kế hoạch cho lúc về hưu của tôi đã phá sản.

    Tôi đã thực hiện kế hoạch một cách khá đều đặn và nghiêm túc, trong sáu năm qua, nhưng đến năm thứ bảy, tôi đã hụt hơi và không đuổi kịp. Vậy nguyên nhân là ở đâu?

    mua vang duong gia

    Thứ nhất, tác động của ngoại cảnh:

    - Dịch bệnh: Tầm này năm ngoái, tôi bắt đầu được công ty cho làm ở nhà. Tháng đầu làm việc từ xa công ty còn chi trả nguyên lương. Đến tháng thứ 2,3 tài chính công ty đuối dần, chỉ chi trả 70%, 50% rồi dừng ở mức lương cơ bản.

    - Thu nhập không tăng: Tôi tìm mọi cách bù đắp phần thu nhập bị thiếu hụt nhưng bất lực. Hoàn cảnh đó, ai cũng khó khăn như ai. Từ tháng 6 đến tháng 12, tôi không mua được chỉ vàng nào thêm.

    Thứ hai, lý do chủ quan:

    - Tôi dự định không lấy chồng, nhưng đầu năm nay tôi đã lên xe hoa. Vậy mới thấy sống độc thân lương bao nhiêu cũng sống được. Nhưng khi lập gia đình rồi thật sự có rất nhiều việc phải chi.

    Chưa kể, sắp tới tôi nghỉ hộ sản và sinh em bé. Rất nhiều chi phí phải chi trả, chưa kể vợ chồng đang định mua nhà nên không thể nào mỗi tháng cũng dư tiền để mua vàng dưỡng già.

    Thứ ba, lương hụt hơi so với giá cả:

    - Tốc độ tăng của lương và thu nhập là tốc độ của rùa, trong khi giá của các loại hàng hóa, thực phẩm, nhất là giá vàng là tốc độ của thỏ. Mà trong cuộc đua giữa rùa và thỏ, có lẽ ảnh hưởng của yếu tố lãng mạn nên mới có chuyện rùa lật kèo vì thỏ ham chơi.

    Còn ngoài đời thực làm gì có chuyện đó. Thu nhập và lương của tôi hụt hơi với giá cả. Xăng tăng, giá vàng tăng. Giá vàng có thời điểm hơn 70 triệu đồng một lượng, tôi nghe mà chóng cả mặt.

    Tôi suy nghĩ rất lâu và không định viết bài thứ hai này, nhưng vì bài trước nhận được nhiều quan tâm của mọi người nên tôi nghĩ mình có trách nhiệm thông báo rằng: Kế hoạch đã phá sản. Tôi sẽ cố gắng bảo vệ số vàng tiết kiệm được trong sáu năm trước, còn phần về hưu sẽ tính sau.

    Theo VnExpress

  • Với nhiều người dù thu nhập cao song không có tiền để dành, nhưng một chàng trai trẻ chia sẻ có thể tiết kiệm 500 triệu đồng sau 3 năm đi làm dù chỉ nhận lương 12 triệu đồng mỗi tháng…

    Mới đây, trên một diễn đàn nói về kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm bao nhiêu là hợp lý, có một tài khoản có tên Thanh Tài đã chia sẻ câu chuyện về kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm tiền của bản thân. Câu chuyện sau khi chia sẻ đã thu hút hàng trăm lượt tương tác và bình luận.

    Cụ thể, Thanh Tài cho biết, mỗi lần nhận lương về là tôi gửi ngay 8,5 triệu đồng vào tiết kiệm, chi tiêu mỗi tháng chỉ gói gọn trong 3,5 triệu đồng.

    luong 12 trieu dong
    Chàng trai trẻ có thể tiết kiệm 500 triệu đồng sau 3 năm đi làm dù chỉ nhận lương 12 triệu đồng mỗi tháng.

    “Tôi đọc thấy có nhiều bài chia sẻ rằng lương hơn 10 triệu vẫn không có tiền để dành. Có thể do thói quen chi tiêu quá tay từ nhỏ, chi vượt thu dẫn đến tình trạng như vậy.

    Tôi xin chia sẻ câu chuyện của bản thân đã tích cóp 500 triệu trong 3 năm, dù mức lương chính là 12 triệu đồng. Khi lĩnh lương về tôi sẽ để riêng ra số tiền mình sử dụng hàng tháng cho những chi phí bắt buộc như thuê phòng, ăn uống, lặt vặt.

    Phòng trọ tôi thuê bao gồm điện nước chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Ăn trưa tại công ty nên chỉ tốn bữa sáng và tối, chi phí này vào khoảng một triệu/tháng. Những chi phí khác như xăng xe, các khoản phát sinh khác,... tôi gói gọn chỉ một triệu đồng.

    Vậy tổng cộng tôi sẽ tốn 3,5 triệu chi phí cố định hàng tháng. Mỗi tháng tôi dư ra 8,5 triệu gửi ngay vào tiết kiệm” – anh Tài chia sẻ.

    Cũng theo diễn giải của Thanh Tài, mỗi tháng dư 8,5 triệu, trong 3 năm số tiền dư là 300 triệu. Vậy còn 200 triệu kia ở đâu ra?

    “Đơn giản thôi, tiền lãi ngân hàng trong 3 năm đó tôi được khoảng 30 triệu. Còn lại là tiền tôi làm thêm giờ tại công ty, làm thêm bên ngoài. Việc công ty thì hàng tháng tôi có thêm khoảng 3 triệu đồng, nhận việc bên ngoài thì tôi kiếm được khoảng 20 triệu đồng một năm” – chàng trai cho hay.

    Như vậy, trong 3 năm Tài kiếm được 170 triệu từ làm thêm giờ và cộng tác bên ngoài, cùng 300 triệu từ khoản lương cứng hàng hàng kèm 30 triệu tiền lãi ngân hàng, chàng trai đã để ra tổng cộng số tiền 500 triệu đồng (300 + 30 + 170 = 500 triệu đồng).

    “Tôi nghĩ lương của bạn bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn tiết kiệm được bao nhiêu. Tôi vẫn sẽ tiết kiệm tiếp vì khi có tiền tích cóp mình sẽ thoải mái hơn, tạo động lực lao động hơn là làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu” – Thanh Tài nói thêm.

    Tuy nhiên, câu chuyện tài chính sau khi được Thành Tài chia sẻ đã thu hút hàng trăm lượt tương tác bình luận, trong đó có rất nhiều ý kiến bày tỏ nể phục khả năng chi tiêu và tiết kiệm của chàng trai.

    Tài khoản Khai Nguyen góp ý: “Ôi anh thật tài năng, thời điểm này ở thành phố mà anh chi tiêu mọi thứ chỉ 3.5 triệu thì quá nể luôn, anh không hề nói tới đi tiệc sinh nhật, thôi nôi, đám cưới xài tết gì hết,… Tôi không biết nói gì thêm!”

    Tài khoản Thanh Thanh cũng cho rằng: Chắc bạn này k bao giờ đi đám hiếu đám hỉ, gặp mặt bạn bè? Không bao giờ ốm đau, không bao giờ hỏng đồ, hỏng xe....

    -Đồng quan điểm với ý kiến của Thanh Thanh, tài khoản Quốc Việt cũng bày tỏ: Tôi dám chắc chắn ông này không bao giờ đi những đám này! Nếu ổng có người yêu, đi ăn, đi chơi, đi du lịch...chắc chắn người yêu phải bao từ a-z. Sống như thế này không nên khuyến khích, quá ngược đãi bản thân!

    Tài khoản Nam Minh cũng thẳng thắn cho rằng, kể cả không vướng bận gia đình thì 1.000 người cũng không chắc có 1 người làm được như tác giả đâu, cái này do bản tính con người. Với 2tr chi tiêu một tháng sau khi trừ tiền nhà trọ, thì phải nhận xét anh này chi tiêu quá "chặt chẽ", có lẽ không bao giờ bỏ phí dù chỉ một đồng…

    Tuy nhiên, một số tài khoản khác và đa số là người có gia đình rồi thì cho rằng cách chi tiêu như vậy hoàn toàn hợp lý, không có gì đáng lên án.

    Tài khoản Phạm Quân nói: “Chẳng nhẽ tháng nào cũng có đám cưới, đám hiếu rồi ốm đau à các bạn? Tôi thấy rất buồn cười khi các bạn cứ lấy cái lý do đó ra để làm nguyên nhân cho việc tiết kiệm và tiêu tiền thường xuyên. Về người viết bài này có thể anh ấy vẫn độc thân nên đã tự xây dựng kế hoạch chi tiêu cho bản thân và tương lai của mình.

    Tôi sinh năm 1996, đã có vợ và 2 con, lương vợ chồng tổng hơn 30tr nêu có phát sinh thì có tháng tổng thu nhập được hơn 40 triệu.

    Hiện tôi đang mua nhà trả góp hàng tháng. Một năm vẫn có thể để ra tầm 150 triệu thậm chí hơn. Cuộc sống không hề thiếu thốn, ăn vẫn no đủ, hoa quả mua ăn thường xuyên, con cái vẫn uống sữa, đóng bỉm hàng ngày. Tôi gửi con trường mẫu giáo tư ngay dưới chân toà nhà 1 đứa lớn và khi cần vẫn có tiền mặt dành cho công việc gia đình 2 bên…

    Rất nhiều bạn có gia đình, kêu thu nhập 2 vợ chồng 25, 30 triệu trở lên chút nhưng không dư giả được đồng nào hay lúc nào cũng thấy thiếu thì đúng là phải xem lại bản thân các bạn rồi, đừng đổ lỗi cho cuộc sống” – tài sản Phạm Quân phân tích.

    Nhẹ nhàng hơn, tài khoản Sao Lam tỏ ra xót xa, góp ý: Những chi tiết tác giả đưa ra khá hợp lý nhưng sống kiểu của tác giả làm sao có sức khoẻ để làm việc, nhất là tác giả nói có việc làm thêm? Với số tiền ít ỏi như vậy thì bạn chỉ có thể ăn sáng xôi, mỳ tôm, bánh mì liên tục. Số còn lại để ăn tối tính ra mỗi bữa tối chưa ới 25K, thì làm sao có dinh dưỡng, nhất là trong một thời gian dài 3 năm, và có thể còn kéo dài hơn nữa vì tác giả nói tôi sẽ tiếp tục tiết kiệm để có tiền…

    Hiện, bài viết đã thu hút 223 ý kiến bình luận và hàng nghìn lượt tương tác. Các ý kiến góp ý vẫn chưa dừng lại bởi quá nhiều người cùng muốn “mổ xẻ, tranh luận” đúng và sai.

    Theo Arttimes

  • Thay vì thuê nhà hàng tháng, cặp vợ chồng nảy ra ý tưởng táo bạo là mua lại xe cứu thương, cải tạo nó thành 1 ngôi nhà nhỏ nhắn. Cuộc sống của cặp đôi trở nên thú vị hơn, trải qua nhiều điều bất ngờ hơn từ khi sống trong chiếc xe cứu thương bé xíu.

    song tren xe cuu thuong 1

    Tiết kiệm tiền là vấn đề khiến không ít người đau đầu. Có người chọn cách cắt giảm chi tiêu, người lại đa dạng hóa thu nhập với mong muốn kiếm nhiều tiền hơn, cặp vợ chồng dưới đây lại quyết định sống trên 1 chiếc xe cứu thương. Bằng cách này, họ không cần tốn tiền thuê nhà lại tiết kiệm được chi phí sinh hoạt.

    Không gian chật hẹp, thiếu thốn đủ thứ

    Bài đăng trên The Sun nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả. Nick và Raychel đã quyết định mua 1 chiếc xe cứu thương để cải tạo thành nơi ở di động. Khi tậu chiếc xe này, chủ cũ của nó đã đi 337.000 km nhưng cặp vợ chồng Nick và Raychel vẫn bằng lòng mua lại. Nhiều người tự hỏi họ có thể bài trí đồ đạc ra sao trong 1 chiếc xe cứu thương bé xíu, thế nhưng cặp vợ chồng nhanh chóng hoàn thiện khâu cải tạo và sắp xếp những vật dụng cần thiết nhất.

    song tren xe cuu thuong 1

    “Chúng tôi muốn có 1 chiếc giường cố định trên xe và hoàn toàn hài lòng vì đã làm được. Chúng tôi rất vui và hào hứng vì có 1 chiếc giường để có thể nằm xuống bất kể khi nào cảm thấy mỏi” - Nick và Raychel chia sẻ. Theo đó, trên “ngôi nhà di động” của cặp đôi có 1 chiếc giường cố định, 1 ghế đôi và 1 ghế đơn đảm bảo có thể ngủ nghỉ thoải mái.

    Dù không gian chật hẹp nhưng cặp vợ chồng trẻ cũng cố gắng sắp xếp quần áo của mình vào 1 chiếc tủ nhỏ dưới ghế. Cũng ở dưới ghế ngồi, cặp đôi để đầy thức ăn khô. Nếu như còn thừa họ sẽ bỏ vào 1 chiếc giỏ và treo lên cao.

    song tren xe cuu thuong 1

    Cặp đôi cũng tự chế 1 không gian bếp nhỏ để có thể nấu nướng. Họ cũng có thêm 1 chiếc tủ lạnh dạng hộp nhỏ đựng những đồ ăn cần thiết để tránh ôi thiu. Không gian nhỏ hẹp, 2 vợ chồng Nick và Raychel ưu tiên sử dụng toàn đồ đạc “mini”.

    Họ thiết kế ra 1 hệ thống bồn rửa nhưng không có nhà tắm và nhà vệ sinh đàng hoàng. Đôi vợ chồng trẻ chỉ có 1 nhà vệ sinh di động không đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ.

    song tren xe cuu thuong 1

    Bài toán kinh tế khi tiết kiệm khoản tiền lớn mỗi năm

    Cặp vợ chồng thừa nhận rằng “ngôi nhà di động” này khá chật chội nhưng sau 2 năm sống ở đây họ đã quen dần. Đôi khi họ cũng cảm thấy bất tiện khi tìm đồ đạc và không gian nhỏ hẹp nhưng đó không phải vấn đề to tát.

    Khi được hỏi tại sao lại dùng xe cứu thương cũ làm nơi “tránh mưa tránh nắng”, cặp đôi đã thừa nhận cách làm này giúp vợ chồng cô tiết kiệm kha khá tiền. “Tôi nhận thấy việc cải tạo xe thành nhà ở tạm thời rẻ hơn rất nhiều so với thuê nhà hàng tháng. Nếu bạn không tốn khoảng 1.000 USD (23 triệu đồng) mỗi tháng cho tiền thuê nhà, bạn có thể dùng số tiền đó để làm việc khác.

    Chỉ cần có thể thích nghi với cuộc sống trên chiếc xe nhỏ bé, chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền và sớm đạt được mục tiêu trong tương lai” - Raychel giải thích.

    song tren xe cuu thuong 1

    Theo Raychel, tiền họ bỏ ra để thuê nhà sẽ rơi vào khoảng 23 triệu đồng/tháng. Như vậy, khi ở trên xe cứu thương 2 năm, họ đã “bỏ túi” hơn 500 triệu đồng.

    “Lãi” thêm trải nghiệm thú vị

    Không chỉ tiết kiệm được 1 khoản tiền, 2 năm sống trên xe cứu thương còn mang lại trải nghiệm thú vị cho cặp vợ chồng. Sau khi câu chuyện được chia sẻ, không ít người dùng mạng cảm thấy thích thú trước phong cách sống của cặp vợ chồng trẻ.

    song tren xe cuu thuong 1

    Cặp đôi tự tay cải tạo “tổ ấm” theo ý thích của mình, có thêm những kỷ niệm thú vị bên nhau. Họ có thể đi muôn nơi nhờ “ngôi nhà di động” đặc biệt mà mình đã cải tạo. Không chỉ vậy, họ còn được cảm nhận lối sống mới lạ, đối mặt với nhiều khó khăn thử thách mà không mấy ai trải qua. Dù đây chỉ là nơi ở tạm thời của đôi vợ chồng trẻ nhưng dù sao khoảng thời gian này họ cũng đã trải qua nhiều điều đáng nhớ, đáng trân trọng.

    Theo Phụ nữ Việt Nam

  • Thu nhập hàng tháng được chia đều theo từng khoản chi cụ thể của mỗi cá nhân, vấn đề này nghe có vẻ rất đơn giản tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được một cách dễ dàng.

    Theo các chuyên gia, quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không hề đơn giản và hoàn toàn không thể thực hiện ngày một ngày hai là thành công. Vậy nên cần phải bắt đầu từ những bước nhỏ và đơn giản nhất. Trước mắt là rèn luyện thói quen ghi chép lại các chi phí đã bỏ ra trong ngày để cuối ngày có thể tổng kết và phân bổ lại chi phí sao cho hợp lý hơn.

    Lúc mới bắt đầu thì thường gặp nhiều khó khăn bởi ta vẫn quen với lối sống buông thả và tự do trước đó. Vậy nên, việc này sẽ tạo thành một thói quen tốt và có ích cho tương lai sau này.

    Hoàng Anh Minh (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, mỗi tháng tổng thu nhập khoảng 35 triệu, anh chia ra 4 phần, 2 phần dành cho chi tiêu cá nhân gồm: chi phí điện nước và tiền học cho con, phần còn lại dùng để phục vụ mục đích hưởng thụ cá nhân như: Đi uống cafe, đi ăn nhà hàng với bạn bè…. Một phần dành để tiết kiệm cho mai sau, phần còn lại dùng làm quỹ dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng có thể xảy ra.

    Anh Minh cho biết, cả 2 vợ chồng anh đều áp dụng phương pháp này, nên mỗi năm cũng tiết kiệm được một khoản tiền nhất định, cộng với việc đầu tư thêm nên mỗi năm gia đình cũng dư dôi được khoảng 300 đến 400 trăm triệu đồng.

    cach tiet kiem tien
    Cách thức để hàng năm dư ra cả trăm triệu đồng (Ảnh: Minh họa)

    Trong khi đó, Anh Nguyễn Thế Phương (38 tuổi) quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 80 triệu, hàng tháng gia đình anh phân bổ làm 2 khoản, mỗi khoản 20 triệu đồng, gồm tiền học phí cho 2 con và các chi phí sinh hoạt gia đình khoảng 40 triệu, tùy theo mức chi tiêu hàng tháng, có tháng chỉ chi hết 25 đến 30 triệu, số dư còn lại sẽ đưa vào quỹ dự phòng cho những tháng tiếp theo.

    Trong khi đó, khoản tiền 40 triệu còn lại của gia đình được mang đi gửi tiết kiệm. Anh Phương chia sẻ: “Thường thì chúng tôi sẽ gửi vào tài khoản tiết kiệm khoảng 30 triệu đồng, 10 triệu đồng sẽ dùng để đầu tư chứng khoán, thời điểm thị trường có xu hướng tốt sẽ cũng sẽ cho dư ra một ít nữa, cứ như thế quay vòng, dần dân gia đình cũng tiết kiệm được một khoản tiền kha khá”.

    “Một khi nguồn vốn dư dả sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội phát triển bản thân và tài chính: theo đuổi học vấn cao hơn, học thêm ngôn ngữ mới, đầu tư sinh lợi,....Với cách này gia đình tôi mỗi năm cũng có dự từ 500 đến 600 triệu đồng”, anh Phương nói.

    Hiện nay, tại Việt Nam, có rất nhiều người vẫn còn mơ hồ về kỹ năng quản trị tài chính cá nhân, do chưa có được cách vận hành đúng. Vì vây, không ít người thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền bạc mỗi cuối tháng và phải đi vay mượn để bù đắp chi tiêu. Tệ hơn, khi căng thẳng về tài chính khiến tâm trạng chúng ta trở nên khó chịu hơn, dễ gắt gỏng, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong cuộc sống như vợ - chồng, cha mẹ - con cái, bạn bè...

    Vậy nên, hãy luôn rà soát những khoản chi tiêu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm… như học phí, tiền chợ búa, mua sắm quần áo, giày dép... Sau đó phân loại thành 2 loại cơ bản: có thể cắt giảm (ít hoặc không quan trọng) và không thể cắt giảm (quan trọng).

    Chẳng hạn, những khoản quan trọng và thường chiếm phần lớn chi tiêu của gia đình là học phí, phí sinh hoạt. Tuy nhiên, chúng ta không thể cắt giảm khoản này. Thay vào đó, cần phải cắt giảm những khoản ít quan trọng như mua sắm quần áo, xem phim, cà phê cùng bạn bè,...

    Tiết kiệm tối thiểu 10 - 15% thu nhập hàng tháng là một nguyên tắc quản lý tài chính cơ bản, cực kỳ có hiệu quả cho người mới bắt đầu tham gia hành trình này. Trong trường hợp chúng ta có tổng thu nhập 10 triệu đồng/ tháng, thì nên tiết kiệm từ 1 đến 1,5 triệu mỗi tháng.

    Khi đã thích ứng, thì có thể tăng mức tiết kiệm lên từ 20%, 25%, 30%... đến 50% thu nhập hàng tháng. Chúng ta chỉ nên nâng mức tiết kiệm dần dần, không nên đặt mục tiêu quá cao ngay từ đầu bởi dễ khiến bản thân mình bỏ cuộc sớm.

    Theo arttimes

  • Nhu cầu sống của tôi đơn giản đến mức chỉ cần nhận giặt đồ thuê cho thiên hạ là cũng có đủ cái ăn.

    Đọc bài viết "Sống tiết kiệm thay vì chạy đua kiếm tiền" chia sẻ về câu chuyện tự ủ phân, trồng rau, tự làm xà phòng từ bồ hòn, mua đồ cũ để mặc... để khỏi phải lao tâm khổ tứ chạy đua kiếm tiền, tôi phần nào đồng cảm với của tác giả Miss Tickle. Bản thân tôi cũng từng là một fan của lối sống tiết kiệm. Thậm chí, cách tiết kiệm của tôi còn có phần cực đoan hơn.

    tiet kiem mu quang
    Ảnh minh họa

    Từ nhỏ tôi đã thậm chí ăn thừa đồ của hàng xóm, mặc đồ bỏ của thiên hạ. Đến khi trở thành sinh viên, mỗi ngày đi học, trong túi tôi chỉ có đúng 200 đồng tiền gửi xe. Tới lúc đi làm, tôi cũng chọn công việc vì đam mê chứ không vì tiền. Nói vui, nhu cầu sống của tôi đơn giản đến mức chỉ cần nhận giặt đồ thuê cho thiên hạ là cũng có đủ cái ăn. Tóm lại, trong suy nghĩ của tôi hoàn toàn không nghĩ đến tiền, tôi luôn thấy chẳng biết mình cần nhiều tiền để làm gì?

    Vậy mà, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi khi ba mẹ tôi gặp biến cố và trở nên trắng tay, chị tôi cũng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, còn em tôi vật vã nuôi hai đứa con trong nghèo đói . Đến lúc này, tôi mới chợt nhận ra mình cần tiền thế nào, tôi hiểu được giá trị của vật chất. Từ một người nổi tiếng chê tiền, tôi thay đổi 180 độ, "tham tiền" và ham kiếm tiền hơn bao giờ hết.

    Tôi lăn lộn, bươn chải, thậm chí là "bươi móc" của thiên hạ, cố gom về không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Tất nhiên, số tiền đó không phải để tôi tiêu xài mà chỉ đơn giản là tôi không muốn thấy cảnh người thân mình khổ sở, đói rách, hèn kém. Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn.

    Nhưng cũng từ lúc lao vào đời để kiếm tiền, tôi mới hiểu rằng, cầm được đồng tiền không phải chuyện dễ dàng, tính toán chi tiêu ra sao để số tiền mình kiếm được trở nên có ích lại càng khó hơn.

    Khi nhận ra được ý nghĩa của những điều này, tôi quyết định dừng việc điên cuồng kiếm tiền của mình lại. Thay vào đó, tôi tìm cách kiểm soát đồng tiền của mình sẽ đi về đâu. Tôi hiểu rằng chi tiền không đúng chỗ chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn cả việc không có tiền mà thôi. Từ đó đến nay, bản thân tôi luôn tâm niệm sống tiết kiệm, cố gắng kiểm soát tình hình tài chính của gia đình và làm cho tiền bạc sinh sôi một cách ổn định.

    Thế nên, tôi cho rằng cuộc sống không thể thiên về một bên nào được. Bán sức kiếm tiền đến mức điên cuồng không tốt, nhưng bỏ bê chuyện kiếm tiền để chăm chăm vào tiết kiệm một cách cực đoan cũng không phải cách hay. Quan trọng nhất là mỗi người trong số chúng ta phải tìm được điểm cân bằng cho riêng mình. Có như vậy bạn mới thực sự tồn tại và được tận hưởng một cuộc sống có ý nghĩa.

    PTT / Theo VnExpress

  • Làm marketing cho một công ty ở Hà Nội, sau khi trừ chi phí bảo hiểm, cộng thêm phụ cấp, tôi nhận về hơn 10 triệu đồng một chút.

    Tôi ra trường được ba năm, do đặc thù công việc cộng thêm tâm lý ngại thay đổi, tôi gắn bó với công ty hiện tại 3 năm có lẻ. Lúc ra trường, mức lương chỉ hơn bảy triệu đồng, sau ba năm, mỗi năm chỉ tăng chưa đến một triệu đồng tiền lương.

    Công ty cũng mở thêm một chi nhánh, tôi cũng quản lý một nhóm nhỏ gồm năm người. Vì phải nuôi em gái học đại học, cộng thêm các chi phí ăn ở, sinh hoạt để duy trì cuộc sống, mỗi tháng tôi dư chỉ hơn một triệu đồng.

    tiet kiem 1 trieu

    Cụ thể: tiền nhà 3,5 triệu đồng, tiền ăn cho hai người là ba triệu đồng, tiền sinh hoạt cho em gái một triệu đồng, chi phí chung (xăng xe, đi lại, mua sắm) hơn một triệu đồng.

    Với mức lương hiện tại, cộng thêm tỷ lệ trượt giá theo từng năm, con số lương 10 triệu đồng ở Hà Nội dường như không đủ để sinh hoạt. Có những tháng, cưới hỏi, lễ lạt, thì số tiền lương ấy như... muối trôi sông.

    Dù vậy, tôi may mắn khi có thể làm được ngoài, đem lại một khoản tương đương với lương, tuy nhiên với nhiều người trẻ như bản thân tôi hiện nay, con số lương 10 triệu đồng là con số đáng mơ ước.

    Theo một số liệu không chính thức, lương trung của một nhân viên bán hàng tại Hà Nội rơi vào khoảng 8,2 triệu đồng cho một năm kinh nghiệm. Với nhân viên Marketing/quảng cáo, lương tương ứng xấp xỉ 9 triệu đồng.

    Kế toán nội bộ mức lương chỉ hơn tám triệu đồng một chút trong khi mức lương trung bình của một nhân viên hành chính văn phòng (kinh nghiệm dưới một năm chỉ khoảng bảy triệu đồng).

    Với những mức lương như vậy, chưa kể chi phí ăn uống, sinh hoạt, thật khó để tiết kiệm. Thậm chí trước 25 tuổi, có 20 triệu trong tài khoản đã là thành công chứ đừng nghĩ đến việc có 100 triệu đồng...

    Cuộc sống ngày càng hiện đại, đời sống vật chất - tinh thần càng được chú trọng, tuy nhiên, mức lương hiện tại theo tôi cảm thấy, nó dường như đang không thể theo kịp so với bước tiến của kinh tế. Điều này dẫn đến nhiều người trẻ gặp áp lực, giữa ranh giới lương 10 triệu nhưng phải có tiết kiệm và muôn vàn định kiến khác.

    Liệu bạn có tiết kiệm được tiền khi lương tầm đấy giữa muôn vàn chi phí sinh hoạt bủa vây?

    Theo VnExpress

  • Sau gần chục năm ra trường đi làm, cô nàng làm văn phòng này vẫn chẳng tiết kiệm được là bao, vẫn phải sống trong căn nhà trọ nhỏ với mức sống bình thường và chẳng dám yêu ai khi mới đủ nuôi bản thân. 

    Đó chính là câu chuyện của Nguyễn Thu Huyền, 30 tuổi, nhân viên truyền thông Công ty X. ở tòa nhà Hapulico, Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân (Hà Nội). Đã bước sang tuổi 30, sau 8 năm đi làm, cô gái này vẫn gần như trắng tay. Bởi thế mỗi khi về quê, cô luôn nhận được nhiều chỉ trích, lo lắng từ bố mẹ và người thân trong gia đình.

    tiet kiem 60 trieu
    Ảnh minh họa

    Năm 2014, sau khi ra trường, Huyền xin vào làm tại một công ty truyền thông với mức lương ban đầu chỉ 7 triệu đồng. Số tiền chỉ đủ để cô chi tiêu trong tháng cho bản thân và gửi 1 triệu về cho bố mẹ ở quê.

    “Mình thuê nhà với một người bạn nữa nên tiền phòng chia nhau, hết 1,5 triệu, thêm tiền điện nước hết khoảng 200.000 đồng/tháng/người. Mỗi tháng, hai đứa đóng 2 triệu tiền ăn uống. Rồi tiền xăng xe, điện thoại 300.000 đồng. Chi tiêu linh tinh và mua sắm quần áo, đi ăn với bạn bên ngoài hết 2 triệu nữa. Tổng mỗi tháng, mình tiêu hết 6 triệu đồng”, Huyền nhớ lại.

    Sang năm thứ hai đi làm, mức lương của Huyền tăng lên 8 triệu đồng. Vẫn cố gắng chi tiêu mức cũ, mỗi tháng Huyền gửi về nhà được 2 triệu đồng.

    Từ năm thứ 5, lương của Huyền tăng lên 10 triệu/tháng. Huyền vẫn cố dành dụm gửi về 2 triệu đồng về cho bố mẹ mỗi tháng, còn 1 triệu cô tiết kiệm. Tính ra mỗi năm, Huyền tiết kiệm được khoảng 12 triệu.

    “Bên mình làm chẳng có khoản thu nhập nào ngoài ra cả, chỉ có lương cứng. Thưởng Tết mỗi năm chỉ một tháng lương nên mình cũng đưa bố mẹ gần hết và chỉ giữ 2-3 triệu tiêu Tết. Nói chung, mỗi năm chỉ tiết kiệm được 12 triệu đồng. Hai năm đầu đi làm, mình để ra được 24 triệu đồng”, Huyền kể.

    Từ năm thứ 7, mức lương của Huyền mới được tăng lên 12 triệu đồng/tháng. Huyền vẫn gửi về quê 2 triệu và tiết kiệm 3 triệu/tháng. Tính ra năm ngoái, Huyền tiết kiệm được 36 triệu. 

    Năm nay, mức lương của Huyền vẫn như cũ nên từ đầu năm đến nay Huyền tiết kiệm được 30 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này Huyền dồn hết mua lại một chiếc xe Lead của bạn. “Bạn mình mua xe nhưng không thích màu xe này vì cho rằng không hợp phong thủy, nên bán lại với giá 30 triệu. Thấy giá mềm và cũng muốn thay chiếc xe cà tàng đang đi, mình quyết định mua lại. Chiếc xe số cũ mang về quê cho em trai đi học”, cô kể.

    Như vậy tính ra, sau gần 8 năm đi làm, Huyền chỉ tiết kiệm được 60 triệu đồng. Tiền tiết kiệm ít ỏi, nhà thì vẫn phải ở trọ, cô nàng công sở này chẳng có bất cứ một khoản đầu tư nào thêm. Đã vậy, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên năm nay, công ty của Huyền doanh thu kém hơn hẳn năm ngoái. Vì thế, chưa bị cắt giảm lương là may huống chi nói đến giấc mơ tăng lương.

    “Nhiều lúc, thấy tiền lương của mình chỉ nuôi được bản thân mà không dám yêu ai. Trong khi đó, bố mẹ lúc nào cũng muốn con gái có công việc lương cao, ổn định để mua được nhà và hối thúc chuyện kết hôn để họ yên tâm. Nhưng thật khó để thay đổi được tương lai của mình khi công việc hàng ngày cứ đều đều như thế, dù cũng nỗ lực trong công việc”, Huyền than thở.

    Để tăng thu nhập trong tương lai, cô chưa biết phải làm sao. “Tính mình không táo bạo, lại không thích kinh doanh bán hàng nên chắc không thể bỏ việc để bán hàng online được. Trước mắt mình cứ đi làm bình thường đã vì dịch như này có việc để làm đã là may rồi. Sau đó, mình sẽ tìm kiếm các công việc có mức lương cao hơn thì nhảy vậy, hoặc sắp tới phải nhận thêm việc bên ngoài về làm thêm”. 

    Theo Vietnamnet

  • Để mua nhà tiết kiệm chi tiêu là chưa đủ, nhiều người tăng xin giảm mua, chỉ tiêu vài đồng mỗi ngày với hi vọng an cư.

    Rebecca là bà mẹ đã có một con, sống ở Anh. Cô thường xuyên đăng tải video chia sẻ về quá trình cải tạo nhà lên Youtube. Ngoài ra, cô cũng nói về cách tiết kiệm 25.000 bảng để mua ngôi nhà đầu tiên năm 25 tuổi.

    Theo Rebecca, nếu có thể, bạn nên chuyển đến sống cùng thành viên trong gia đình mà không phải thuê nhà nữa. Đây là cách tiết kiệm nhiều tiền.  Nếu như không thể ở cùng bạn hay chuyển về ở với gia đình, bạn nên thuê căn phòng có diện tích lớn thay vì thuê toàn bộ căn hộ, như vậy sẽ tiết kiệm được một số chi phí. Với số tiền dành dụm được, Rebecca khuyên nên gửi tiết kiệm. 

    chieu tiet kiem mua nha 1
    Rebecca khuyên nên bán ô tô nếu không cần dùng.

    Mặc dù chiếc ô tô có thể giúp đi làm và về nhà, nhưng nếu có ô tô mà không sử dụng nhiều thì Rebecca khuyên nên bán. "Tôi có một chiếc ô tô mà không cần dùng, tốn xăng và hay gặp vấn đề. Vì vậy tôi bán nó với giá 2.000 bảng. Nó đưa lại khoản tiền lớn", cô nói. Trong trường hợp không có ô tô thì bạn nên xem thứ gì bán được trong nhà như TV, xe đạp hay điện thoại cũ.

    Theo Rebecca, nếu hài lòng với công việc và không muốn chuyển chỗ làm thì  nên làm thêm công việc khác. "Tôi trông trẻ vào buổi tối, số tiền kiếm được không nhiều, nhưng nếu làm vài ngày một tuần thì số tiền đó sẽ tăng lên. Trông trẻ là một trong những việc dễ dàng", Rebecca cho hay.

    chieu tiet kiem mua nha 1
    Căn nhà mà cô hay quay lên Youtube.

    Cô gái này cho rằng không có gì là xấu hổ khi mua đồ cũ. Theo Rebecca, nếu muốn có vài bộ trang phục mới trong tủ thì nên chọn đồ cũ.  Ngoài ra, Rebecca hiến kế, nên mượn quần áo của bạn bè hoặc anh chị em trong nhà khi cần ra ngoài.

    Về vấn đề chi tiêu, Rebecca cho rằng, dùng thẻ ghi nợ thì phổ biến nhưng thật khó để theo dõi đang tiêu những gì. Rebecca chỉ tiêu 80 bảng mỗi tuần và không chi tiêu nhiều hơn con số này. Một bí quyết khác mà bà mẹ một con này khuyên là nên viết các thứ cần mua khi đi mua sắm, nên nấu bữa trưa mang đến văn phòng để tiết kiệm tiền. 

    Nhịn ăn nhịn mặc nhiều năm

    Suốt 5 năm trời, Mattia Bondanza và vợ đã sống bằng cách chỉ ăn cá ngừ, cơm và salad để có thể tích đủ tiền cọc mua một căn nhà ở nội ô Sydney, Australia. Với chế độ ăn toàn món có giá rẻ, anh chàng này đã nhận được chìa khóa của căn hộ riêng một phòng ngủ ở Darlinghurst, Sydney có giá 1,15 triệu đô la Australia.

    chieu tiet kiem mua nha 1
    Vợ chồng Mattia Bondanza đã chọn cách ăn uống tằn tiện để mua nhà.

    Theo Mattia, hằng ngày chế độ ăn uống có cà phê tự pha vào buổi sáng, salad, cá ngừ và cơm cho bữa trưa và tối, đôi khi ăn thêm mỳ ống.

    Mattia chỉ mua quả bơ với giá chưa đến 2 đô la Australia tại các thùng bơ không "hoàn hảo" ở siêu thị đã được lựa ra. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Mattia còn chi 6.000 đô la Australia để trả khoản vay mua nhà. Phần lớn số tiền này nhờ tiết kiếm được từ công việc làm tại nhà và không mất chi phí di chuyển đi làm.

    Theo Mattia, tiết kiệm mua thực phẩm, hạn chế đi ra ngoài, mua sắm là những bước dễ dàng để tiết kiệm. Người đàn ông này cảm giác nhẹ nhõm khi ở trong nhà mình giữa lúc đại dịch. 

    Chỉ tiêu 200 yên/ngày

    Không chỉ có Mattia Bondanza mà cách đây không lâu người ta cũng từng xôn xao về câu chuyện tiết kiệm để mua nhà của một cô gái Nhật Bản thực sự gây choáng.

    Nhân vật đó là Saki (33 tuổi) ở Saitama, Nhật Bản. Saki  được phong là "cô gái tiết kiệm nhất Nhật Bản". Năm 18 tuổi, Saki xác định mua 3 căn nhà trước 34 tuổi. Để làm được điều đó, cô gái đã phải sống chắt chiu từng đồng. Đồ đạc trong nhà được Saki đi xin, cô chưa mua quần áo hay giày dép trong 15 năm.

    Về chuyện đi lại, Saki chọn đi xe đạp, ít tụ tập ăn uống với bạn bè. Khi đi ăn liên hoan, cô chọn trả phần lẻ, còn con trai sẽ trả tiền là chính.

    chieu tiet kiem mua nha 1
    Saki ăn uống tiết kiệm, xin đồ cũ của người khác để giảm chi phí.

    Với ăn uống, mỗi ngày cô chi không quá 200 yên (hơn 40.000 đồng). Bữa sáng cô ăn bánh mì có giá 77 yên, bữa trưa là cá hồi và cơm trắng có giá 154 yên (34.000 đồng) còn bữa tối chỉ ăn mỳ udon chay kèm rau giá khoảng 3 yên. Cô không dùng bát mà ăn trong nồi để tiết kiệm nước rửa bát.

    Nhờ sự tiết kiệm này mà cô mua được 3 bất động sản có giá 52 triệu yên (10 tỷ đồng). Trong đó căn nhà đầu tiên mua năm 27 tuổi, cho thuê 2 phòng trong 3 phòng của căn nhà. Sau đó tiếp tục mua 1 căn nhà nữa trị giá 18 triệu yên (3,7 tỷ đồng) và cho thuê. Năm 2019, cô mua căn thứ ba có giá 27 triệu yên (5,6 tỷ đồng).

    Vietnamnet (theo News/Dailymail/KKnews)

  • Từng hai lần loay hoay khởi nghiệp, có những lúc phải bán cả ô tô và tất cả cổ phiếu, chàng trai sinh 26 tuổi hiện tại đã có thu nhập trên dưới 1 tỷ mỗi tháng nhưng có tháng chỉ tiêu vỏn vẹn có 2 triệu đồng.

    Đặng Hoàng Sơn (sinh năm 1996, tại Hà Nội) vốn là cử nhân xuất sắc Khoa Kiến trúc và quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội). Với một niềm đam mê khởi nghiệp và một tinh thần ham học hỏi, không ngại khám phá, anh đã hai lần khởi nghiệp và tìm được con đường phát triển đúng đắn cho bản thân mình. 9x cũng có cách quản lý tài chính vô cùng đặc biệt giúp những con số trong tài khoản ngày càng tăng. 

    9x thu nhap tien ty 1
    Anh Đặng Hoàng Sơn, sinh năm 1996, tại Hà Nội

    Không cần thì một đồng cũng nhất quyết không chi

    Bắt tay vào khởi nghiệp ngay từ khi mới ra trường, anh Sơn luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những rủi ro. Với anh, quản lý tài chính tốt là luôn cho bản thân đủ thời gian để ứng phó với mọi thách thức. 

    “Dấn thân vào con đường start-up, anh ý thức rằng tình hình tài chính không cố định là điều hiển nhiên. Doanh thu hay việc lỗ, lãi đều tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhất là trong giai đoạn đầu làm thì lỗ nhiều, nên có khi mấy tháng không có thu nhập”, anh Sơn chia sẻ.

    9x thu nhap tien ty 1
    Anh Sơn làm việc với cả team.

    Vậy nên anh Sơn và các đồng nghiệp luôn tự nhắc nhở nhau khi nào lãi thì phải tiết kiệm phòng khi nào công việc kinh doanh gặp khó khăn. Đứng đầu một doanh nghiệp khi còn khá trẻ, anh Sơn cũng quan niệm  quản lý tài chính cá nhân tốt thì mới có thể quản lý được việc kinh doanh của công ty. 

    Chàng trai 9x khẳng định bản thân vốn không phải là người quá khắt khe hay là chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài chính. Anh chỉ đơn giản đầu tư và chi tiêu theo cách mà bản thân cho là hiệu quả với hoàn cảnh của chính mình. 

    “Quản lý tài chính với tôi mà nói thì chỉ gói gọn trong một câu: Cần thì bao nhiêu cũng chi, không cần thì một đồng cũng nhất quyết không chi", anh nói. Vì chưa có gia đình nên anh Sơn dễ dàng quản lý và hạn chế nhiều khoản phát sinh. “Chi tiêu cho các khoản ăn uống và sinh hoạt của tôi sẽ rơi vào khoảng 8-10 triệu/1 tháng. Tiền xăng xe di chuyển đi lại khoảng 6-7 triệu mỗi tháng. Tiền đi tiếp đối tác, cafe khoảng 3-4 triệu đồng mỗi tháng”, anh chia sẻ

    Tuy nhiên, các khoản chi tiêu đó không cố định. Anh Sơn có thói quen ăn uống ở nhà, vừa đảm bảo sức khỏe, chế độ ăn mà lại tiết kiệm, có nhiều kỷ niệm với gia đình. Những tháng anh có nhiều thời gian về nhà, tự nấu nướng, chi phí cho tiền ăn của anh giảm hơn một nửa. 

    Tuy nhiên, khi công việc chất đống, đơn hàng nhiều, phải liên tục ăn ở ngoài thì anh lại phải chi một khoản lớn hơn. Đồng thời, có những tháng phải tiếp đối tác và đi công tác nhiều, anh Sơn có khi phải bù thêm 4-5 triệu đồng so với dự định.

    “Tôi cũng quan niệm, quản lý tài chính tốt không đồng nghĩa với khuôn mẫu, rằng tháng nào cũng phải chi đúng các khoản đã đề ra mà là biết cân bằng và chi tiêu có hiệu quả, đạt được những mục tiêu lớn nhỏ đã đề ra, thậm chí là sự đầu tư lâu dài cho tương lai”, anh nói. 

    Anh Sơn cũng cho biết dù làm trong ngành thời trang nhưng anh cũng luôn hướng đến sự tối giản. Ngoài những bộ vest đắt tiền mỗi khi gặp đối tác hay các sự kiện trang trọng thì hầu hết những ngày khác anh đều mặc những bộ đồ đơn giản. 

    “Tôi thường xuyên mặc áo đồng phục của công ty, vừa là để làm gương cho nhân viên, vừa là cách tôi thể hiện sự tự hào về những thành quả nho nhỏ mà chúng tôi đã cùng nhau làm được. Trang phục với tôi chỉ cần đáp ứng tiêu chí lịch sự, phù hợp và thoải mái. Có những chiếc áo tôi đã mặc đến 2-3 năm và chắc chắn vẫn còn dùng lâu dài hơn nữa”, CEO 9x bộc bạch. 

    Luôn đầu tư cho bản thân và biết chịu khổ

    Ngay từ khi mới ra trường, tay trắng lập nghiệp, có khi thua lỗ, phải bán tất cả tài sản tích góp được đến khi doanh nghiệp đã có lợi nhuận, anh Sơn vẫn luôn dành một khoản lớn để đầu tư phát triển bản thân. 

    “Càng trưởng thành, càng dấn thân sâu vào kinh doanh, tôi càng nhận ra không có sự đầu tư nào tốt và an toàn hơn sự đầu tư cho việc học. Vật chất đều có thể mất đi nhưng những kiến thức của chúng ta là vĩnh viễn. anh nói. Việc đầu tư này không cố định, tùy vào các khóa học và các sự kiện tôi tham gia. Tôi thường dành khoảng từ 5 triệu đồng trở lên cho các hoạt động học tập và phát triển bản thân, mở rộng mối quan hệ như tham gia các khóa học hay tham gia hội thảo, event của các tổ chức”. 

    Ngoài ra, khi thu nhập đã ổn định hơn, anh Sơn cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đi du lịch, nghỉ dưỡng với gia đình: “Vì công việc bận rộn nên tôi ít có thời gian chăm sóc cho bố mẹ. Đó là những người thân luôn ở cạnh tôi những lúc khó khăn nhất. Chính vì vậy, mỗi tháng tôi để cố gắng tiết kiệm một khoản nhỏ để khi có thời gian sẽ sắp xếp đưa gia đình đi nghỉ dưỡng, vừa là để báo hiếu, vừa là cách tôi lấy lại tinh thần làm việc”, anh Sơn nói thêm.

    9x thu nhap tien ty 1
    Chuyến du lịch vui vẻ cùng gia đình và bạn bè.

    Tuy nhiên, tự chung lại, anh Sơn vẫn luôn gắn kết việc quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ với việc quản lý doanh nghiệp. Phần lớn thu nhập anh đều tiết kiệm để đầu tư và dự phòng cho thời điểm doanh nghiệp khó khăn và cần tăng vốn hay những lúc không có thu nhập.

    “Tôi là kiểu người có thể chịu khó khăn được, lúc không có tiền tôi tiêu kiểu không có tiền. Còn lúc dư dả hơn chút rồi thì tôi tích lũy cho bản thân và cho doanh nghiệp thôi chứ không tiêu xài hoang phí”, anh nói. “Thực tế hiện nay có những người tầm tuổi tôi hoặc trẻ hơn hay có thói quen tiêu xài không có kế hoạch, nhiều khi tiêu quá số tiền mình kiếm được để rồi phải đi vay thì không tốt, tôi chắc chắn không đồng tình với cách sống này” 

    Anh cũng kể lại những ngày đầu khởi nghiệp, nhiều tháng công ty không có lãi, thậm chí là lỗ rất nhiều, anh có khi chỉ tiêu đến 2 triệu mỗi tháng: “Tôi luôn nghĩ người có mục tiêu và hoài bão lớn thì mới có thể chịu khổ được. Những tấm gương về sự tiết kiệm để làm giàu như Warren Buffett, Steve Jobs luôn là những tấm gương đáng để học hỏi”.

    Nhưng với một người làm kinh doanh mà nói thì tiến kiệm không đồng nghĩa với keo kiệt với chính bản thân mình được. Có những thứ không chịu mất tiền nhỏ thì sẽ mất nhiều tiền hơn hoặc mất đi những cơ hội đáng giá hơn thế gấp trăm, triệu lần. Nên là "Cái gì đáng chi thì bao nhiêu cũng chi, cái nào không đáng chi thì không chi dù chỉ là một đồng".

    Hiện tại, thu nhập của chàng trai 9x đã đạt trên dưới 1 tỷ mỗi tháng. Với đà phát triển của công ty hiện tại, thu nhập của anh chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa. 

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Ăn thực phẩm thừa được tái chế, nhận đồ người khác vứt đi, đầu tư 50% thu nhập… đã giúp chàng kỹ sư phần mềm Tanner Firl tích lũy khoảng 380.000 USD.

    Tanner Firl - 29 tuổi, sống tại Mỹ, không hiểu tại sao mọi người lại cần lập ngân sách. "Hầu hết mọi người đều gặp vấn đề về tiêu tiền, còn tôi gặp vấn đề gần như ngược lại", anh nói.

    Firl và vợ của mình "dị ứng" với việc tiêu tiền vào bất cứ thứ gì họ thấy không cần thiết. Tư tưởng này chi phối lớn đến chiến lược tài chính của cặp đôi. Anh là thành viên của FIRE (phong trào độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm) và đặc biệt tuân thủ chiến lược "lean FIRE" - sống với ngân sách ít nhất có thể và chi tiêu thấp hơn so với trung bình. Các thành viên của trường phái này sẽ tăng tỷ lệ tiết kiệm của họ bằng cách cắt bỏ càng nhiều chi phí không liên quan càng tốt.

    tiet kiem thu nhap 1
    Tanner Firl cùng vợ Isabel và con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp cho CNBC

    Hiện Firl đã tích lũy khoảng 380.000 USD và anh hy vọng sẽ tiết kiệm được ít nhất 625.000 USD để nghỉ hưu sớm ở tuổi 35. Lượng tiền trên đổ vào các kênh đầu tư có thể tạo cho gia đình anh 25.000 USD mỗi năm thu nhập hàng năm.

    Firl đang là trụ cột chính của gia đình, gồm hai vợ chồng, một cậu con trai và ba chú mèo. Anh kiếm được 135.000 USD mỗi năm với nghề kỹ sư phần mềm. Khoảng một nửa tiền lương được dùng cho chi phí ăn uống và sinh hoạt hàng tháng. Phần còn lại đều được đầu tư.

    Lớn lên trong gia đình có 6 người con ở Rochester - thành phố lớn thứ ba của bang New York, Firl đã được học về tầm quan trọng của chi tiêu hợp lý. Gia đình anh không quá túng thiếu, cha mẹ chỉ muốn những người con học cách làm việc vì những thứ mà mình quý trọng. "Khi còn nhỏ, bất cứ khi nào muốn một thứ gì đó, chúng tôi sẽ phải tự bỏ tiền túi ra để mua hoặc đợi đến sinh nhật hay Giáng sinh", anh kể lại.

    Anh từng làm nhân viên giao báo khi còn là một đứa trẻ đang đi học và luôn làm việc thêm cho đến hết cấp ba. Khi vào đại học, Firl khám phá ra một blog về tài chính cá nhân. Đây trở thành một trong những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của anh.

    "Tất cả rất có ý nghĩa đối với tôi khi học được rằng, về cơ bản chỉ cần chi tiêu ít nhất có thể, bạn sẽ có cơ hội sống một cách trọn vẹn như mình mong muốn", Firl nói.

    Anh tốt nghiệp Đại học Minnesota năm 2015 với bằng toán học và có một chân làm kỹ sư phần mềm trong Cơ quan An ninh Quốc gia với mức lương hàng năm khoảng 66.000 USD. Cùng năm đó, anh và vợ - Isabel, kết hôn.

    Trong vòng hai năm rưỡi, cặp đôi đã tiết kiệm đủ để vay mua một ngôi nhà ở Minneapolis. Vợ chồng Firl sống trên lầu và cho thuê tầng trệt trên Airbnb để trang trải khoản vay. Firls đã mua ngôi nhà thứ hai với giá 185.000 USD vào năm 2018 và bán ngôi nhà đầu tiên không lâu sau đó. Họ xây tầng triệt trong ngôi nhà mới để cho thuê ngắn hạn, nhưng phải từ bỏ kế hoạch đó khi sinh đứa con trai vào năm 2021.

    tiet kiem thu nhap 1
    Gia đình Tanner Firl tại nhà của họ ở Minneapolis (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp cho CNBC

    Khi mức lương của Firl đã tăng lên mức 135.000 USD như hiện tại, cặp đôi vẫn kiên quyết tránh "lối sống phù phiếm" và duy trì tính tiết kiệm. Nếu gia đình cần thứ gì đó, họ sẽ tìm kiếm miễn phí trên các chợ trực tuyến trước khi quyết định bỏ tiền mua. Thêm vào đó, cặp vợ chồng này giảm được ngân sách ăn uống và nuôi thú cưng xuống còn 200 USD một tháng nhờ thường xuyên sử dụng thực phẩm thừa được tái chế từ các tổ chức phi lợi nhuận.

    "Bạn bè và gia đình hai bên đều biết đến chúng tôi là đôi vợ chồng rất tiết kiệm. Chúng tôi thường nhận được rất nhiều thứ miễn phí vì một thành viên trong gia đình vô tình thấy thứ gì đó được cho hoặc vứt đi và họ sẽ nghĩ rằng chúng tôi có thể thích", Firl kể.

    Ngoài ra, cặp đôi không cần phải bỏ nhiều tiền cho bất kỳ sở thích nào của họ. Firl là một người đam mê chạy, nghe podcast và chơi cờ, trong khi Isabel thích viết và trò chơi điện tử được phát trực tuyến. Cả hai đều dành thời gian tham gia trò chơi điện tử vào mỗi tối.

    Nghĩ về tương lai nếu Firl tiết kiệm được 625.000 USD, anh cho rằng không nhất thiết phải chuyển sang một cuộc sống nhàn hạ. "Nghỉ hưu không phải là ngồi trên ghế xem phim cả ngày hay đi biển và đón một buổi tối thật đẹp. Đó là lúc bạn có thể làm bất cứ điều gì mong muốn", anh định nghĩa

    Đối với Firl, nghỉ hưu sớm có nghĩa là từ bỏ một công việc không mang lại cho bản thân sự thỏa mãn và tham gia vào công việc có nhiều đam mê hơn dù thu nhập ít hơn. Dù nghỉ hưu thế nào, thói quen tiết kiệm sẽ không biến mất. "Cuộc sống luôn có nhiều trải nghiệm và những trải nghiệm khiến bạn hạnh phúc có thể không mất phí hoặc chúng cực kỳ rẻ", anh nói.

    VnExpress (theo CNBC)

  • Chi phí trung bình cho một đám cưới ở Anh là 22,000 bảng. Sau một cuộc suy thoái kinh tế cùng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, không phải hầu hết mọi người đều có khả năng chi trả khoản tiền này. Nếu đã quyết định kết hôn, các cặp đôi sẽ giải quyết vấn đề chi phí như thế nào?

    15weddingChi phí trung bình cho một đám cưới là 22,000 bảng.

    Theo truyền thống, phần lớn chi phí đám cưới do cha cô dâu chi trả. Đây là tục lệ của hồi môn, theo đó gia đình chú rể được “bù đắp” vì tương lai họ sẽ phải gánh nợ nuôi cô dâu và các em bé.

    Tuy nhiên truyền thống này đã thay đổi. Nghiên cứu năm 2012 của John Lewis Insurance cho thấy 52% người Anh mong muốn tự chi trả cho đám cưới trong khi 37% muốn cha mẹ hai bên đóng góp. Chỉ có 9% dự kiến ​​làm theo truyền thống và để cha của cô dâu đứng ra chi trả.

    Nguyên nhân được đưa ra là độ tuổi của các cặp vợ chồng ngày càng tăng khi kết hôn - tuổi trung bình của các cô dâu là 30, nhờ đó họ có tài chính tốt hơn so với thế hệ trước, đặc biệt là khi cô dâu và chú rể đều làm việc.

    Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân. Nếu cha mẹ của chú rể giàu có, họ có thể muốn trả phần lớn, trong khi cha mẹ cô dâu có thể đóng góp cho tuần trăng mật.

    Tăng cường chia sẻ chi phí

    Trừ khi bạn có điều kiện về tài chính, làm thế nào để đóng góp vào hóa đơn đám cưới? Ngay cả một khoản tương đối nhỏ cũng có thể lên tới hàng nghìn bảng Anh.

    Nhiều cặp đôi chuyển sang vay nợ, với 41% trong số 25-34 tuổi vay tín dụng để trang trải cho ngày trọng đại. Trong số đó, 69% vay dưới 5,000 bảng và 10% vay trên 10,000 bảng.

    Nợ nần hiếm khi là một ý kiến ​​hay, và theo đó, 28% cặp vợ chống nghĩ họ nên vay ít hơn, và 18% hoàn toàn hối hận về việc vay nợ.

    Tiết kiệm trước rõ ràng là lựa chọn tốt hơn và việc không nợ nần sẽ giúp các cặp đôi gắn bó lâu dài hơn. Thói quen sống chung trước đám cưới cũng giúp cắt giảm chi phí hàng ngày, đồng thời giúp cặp đôi tìm được sự chia sẻ về tài chính.

    Cách tốt nhất để tiết kiệm cho đám cưới là gì?

    Đầu tiên, hãy cắt giảm chi tiêu và tăng cường tiết kiệm. Sống chung và chia sẻ các hóa đơn, trì hoãn mua căn nhà đầu tiên (chi phí đám cưới và tiền đặt cọc mua nhà có thể bằng nhau). Do đó hãy tiết kiệm hết mức có thể.

    Sau đó, làm cho số tiền đó tăng lên. Nếu mở tài khoản tiết kiệm truyền thống, bạn có khả năng mất nhiều hơn được vì lãi suất rất thấp. Vì thế, hãy cân nhắc tận dụng lợi nhuận từ các tài khoản ISA miễn thuế.

    Bài liên quan: Chỉ cần tiết kiệm £70/tháng, con bạn sẽ có £21,000 khi bé tròn 18 tuổi

    Đầu tư vào cổ phiếu ISA có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, nhưng có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn. Hoặc để tiền vào quỹ đầu tư FTSE thụ động với ngân sách ít hơn 10,000 bảng (passive FTSE tracker fund) - cũng là một cách đầu tư ít rủi ro giúp đem lại lợi nhuận tốt.

    Trực tiếp giảm chi phí tổ chức đám cưới

    Tất nhiên, việc cắt giảm chi phí 20,000 bảng sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Một vài lát xúc xích Ý và món Vol-au-vent tự làm sẽ giúp tiết kiệm ngân sách.

    Khoản tiết kiệm lớn nhất nằm ở danh sách khách mời. Hầu hết các địa điểm tính phí theo người, vì vậy bạn có thể ngay lập tức tiết kiệm bằng cách mời ít người hơn.

    Tuy nhiên, cô dâu chú rể cũng có thể cắt giảm chi phí ăn uống, dao động từ 10 bảng/người đến hơn 100 bảng. Để tránh làm tổn thương tình cảm của mọi người, bạn luôn có thể thuê một địa điểm có sức chứa hạn chế.

    Các cặp đôi có thể tiết kiệm đến 70% chi phí bằng cách kết hôn ở nước ngoài. Danh sách khách mời chắc chắn sẽ giảm xuống - loại bỏ việc phải áy náy vì không mời ai đó, hoặc đơn giản là không mời ai cả trừ những người thân nhất.

    Trong thời gian ngắn ra nước ngoài,  bạn có thể giới hạn số lượng người có mặt trong buổi lễ chính và chi phí điểm tâm sáng. Nhiều khách được mời đến tiệc tối hơn - kết hợp phong cách phục vụ quầy bar sẽ giúp chi phí tính theo đầu người giảm đáng kể.

    Bạn có thể tiết kiệm hàng nghìn bảng bằng cách mua một chiếc váy cưới cổ điển, hoặc thậm chí là váy bình dân - H&M vừa tung ra một mẫu áo cưới với giá 59.99 bảng.

    Cắt bớt chi phí hoa bằng cách làm lễ ở ngoài trời. Giảm chi phí thiệp mời bằng cách gửi email và nhờ người quen thiết kế thiệp.

    Nhờ bạn bè là nhạc sĩ biểu diễn trong đám cưới và một người bạn là nhiếp ảnh gia chụp ảnh. Hầu hết mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ trong ngày trọng đại.

    Với một chút thỏa hiệp, tư duy sáng tạo và thiện chí của những người bạn tài năng, bạn có thể cắt giảm hàng ngàn bảng trong hóa đơn đám cưới, mà không phải trốn đến Las Vegas để có một kỷ niệm buồn.

    Viethome (Theo HuffingPost)

  • thiet bi tieu ton dien 2

    Hóa đơn năng lượng gia tăng khiến bạn lo lắng và suy tính nhiều cách để cắt giảm chi phí. Đôi khi cách đơn giản nhất chính là ngắt điện những thiết bị không dùng đến.

    Rất nhiều người có thói quen để bộ sạc điện thoại, bộ sạc máy tính xách tay, TV và đồng hồ kết nối vào nguồn điện - và không tắt đúng cách? Thói quen này có thể tiêu tốn khá nhiều tiền điện.

    Natalia Lachim từ Discount Code cho biết: “Nếu cắm và bật một thiết bị, ngay cả khi bạn không sử dụng, chúng vẫn tiêu hao điện năng. Nguyên nhân là điện có thể chạy qua thiết bị, do đó tăng lượng điện sử dụng, dẫn đến hóa đơn năng lượng tăng. Để giảm lượng điện sử dụng và chi phí, chỉ cần ngắt thiết bị khỏi nguồn để dòng điện không thể chạy qua".

    7 thiết bị tiêu tốn năng lượng nhất ở chế độ chờ:

    1. Tủ lạnh / tủ đông

    Natalia cho biết: “Vì tủ lạnh / tủ đông cần được bật liên tục, không có gì ngạc nhiên khi các thiết bị này tiêu tốn hơn 12% năng lượng của toàn bộ gia đình, lên đến khoảng 114.24 bảng mỗi năm”.

    Rõ ràng là bạn không thể tắt tủ lạnh khi không sử dụng, nhưng Natalia cho biết có nhiều cách để đảm bảo tủ hoạt động hiệu quả nhất có thể: “Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh, cả bên ngoài và bên trong, là cách đơn giản nhất để đảm bảo tủ hoạt động hiệu quả. Lau chùi bên ngoài để bụi không xâm nhập vào hệ thống và ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị. Dọn dẹp bên trong và vứt bỏ thực phẩm quá hạn giúp tủ lạnh không cần làm việc nhiều để giữ thực phẩm mát hoặc đông đá".

    2. Ti vi

    Natalia nói: “Nghiên cứu năm 2021 cho thấy 98% hộ gia đình ở Anh thừa nhận luôn để TV ở chế độ sleep. Nhiều người cho rằng chỉ cần nhất nút off trên điều khiển từ xa thì sẽ tắt thiết bị hoàn toàn - thực ra không phải lúc nào cũng vậy. Để TV kết nối vào nguồn điện sẽ tiêu tốn 1.3kWh. Chi phí điện trung bình hiện là 0.28 cho mỗi đơn vị, việc này thể làm tăng thêm 132.86 bảng tiền điện một năm”.

    3. Máy chơi game

    Natalia nói: “Máy chơi game có xu hướng được bật và kết nối nguồn điện như TV. Chỉ cần tắt thiết bị hoàn toàn có thể tiết kiệm 4.20 bảng mỗi ngày. Khi một máy chơi game thông thường được để ở chế độ chờ, nó sử dụng 15kWh mỗi giờ”.

    4. Ấm đun nước

    Mặc dù ấm đun nước không phải thủ phạm tồi tệ nhất gây tiêu hao năng lượng, nhưng Natalia cho biết thiết tốt nhất chúng ta nên rút phích cắm: “Vẫn cắm ấm đun nước vào ổ điện dù không sử dụng sẽ tiêu tốn khoảng 0.3kWh. Tất nhiên, con số này không quá lớn, nhưng vẫn lên tới 30.66 bảng vào hóa đơn hàng năm”.

    5. Dụng cụ tập thể dục tại nhà

    Vì muốn tập luyện tại nhà trong thời gian phong tỏa, bạn có thể đã đầu tư vào một số thiết bị tập thể dục - từ máy chạy bộ đến xe đạp tập thể dục.

    Natalia nói: “Chúng ta duy trì thói quen tập thể dục hay không là một câu chuyện khác, tuy nhiên, nếu thiết bị vẫn được kết nối với nguồn điện, nó có thể rất tốn kém. Một chiếc xe đạp tập thể dục trung bình sử dụng 7kWh khi ở chế độ chờ, tương đương 20 bảng vào hóa đơn hàng năm”.

    6. Sạc điện thoại

    Tất cả chúng ta đều cắm sẵn sạc vào ổ điện. Theo Natalia, quan điểm bộ sạc chỉ sử dụng điện nếu một thiết bị được sạc là sai lầm: “Cắm sạc vào ổ và không sử dụng có thể tiêu tốn thêm 20 bảng hóa đơn năng lượng hàng năm”.

    7. Đồng hồ báo thức

    Bạn đã mua một chiếc đèn SAD trong mùa đông này? Hoặc có lẽ bạn đã từng thất vọng với báo thức trên điện thoại nên đã mua một chiếc đồng hồ báo thức kiểu cũ?

    Dù lý do là gì, Natalia cho biết đồng hồ báo thức vẫn khiến chi phí năng lượng tăng: “Nếu đồng hồ báo thức luôn hoạt động và được kết nối với nguồn điện, chúng sử dụng 3kWh. Khi sử dụng 24 giờ một ngày, chúng sẽ tiêu tốn khoảng 7.36 bảng mỗi năm. Có vẻ không quá đắt, nhưng để tiết kiệm hơn nữa, bạn có thể cân nhắc tắt đồng hồ khi không sử dụng và chỉ cần đặt lại thời gian và báo thức trước khi đi ngủ”.

    Viethome (Theo Metro)

  • Trung Sơn tiết kiệm được gần 10 triệu đồng mỗi tháng nhờ chịu khó tự nấu ăn, mua đồ đã qua sử dụng và ở trong ký túc xá thay vì thuê nhà.

    Tháng 11/2021, Nguyễn Trung Sơn trở thành sinh viên năm nhất ngành Quản lý Kinh doanh Thể thao tại Manchester Metropolitan University, thành phố Manchester, Anh. Trước khi sang đây, nam sinh Sài Gòn đã tìm hiểu kỹ về phí sinh hoạt ở Anh. Sơn quan tâm tới vấn đề này vì dù nhận được học bổng, em vẫn phải chi trả phần lớn chi phí. Sau nửa năm ở Anh, Sơn có nhiều kinh nghiệm chi tiêu, giúp cuộc sống du học trở nên dễ dàng hơn.

    Theo Sơn, để được cấp visa du học, bạn phải trải qua thủ tục chứng minh tài chính, rằng mình có đủ 1.023 bảng (hơn 30 triệu đồng) mỗi tháng để trang trải chi phí cho những thành phố ngoài London, 1.330 bảng (gần 40 triệu đồng) mỗi tháng ở London, tổng cộng một năm 285 triệu đồng. Thực tế, Sơn có cách sắp xếp để chi phí sinh hoạt rẻ hơn mức này.

    tiet kiem chi phi du hoc 1
    Chi phí sinh hoạt được Sơn ghi chép cẩn thận từng tháng, từng mục để cân đối và điều chỉnh. Ảnh chụp màn hình

    Nam sinh chia các khoản chi tiêu thành ba loại: Chi phí cố định; chi phí ăn uống; chi phí mua sắm, di chuyển và tận hưởng. Trong những khoản này, phí cố định gồm tiền nhà, giặt đồ, điện thoại... là khó thay đổi nhất. Thay vì thuê nhà (16 -19 triệu đồng/ tháng), Sơn chọn ký túc xá của trường và chia sẻ cùng bảy bạn khác nên mỗi tháng chỉ tốn 460 bảng (13,7 triệu đồng). Cộng thêm tiền điện thoại và phí giặt đồ, em tốn khoảng 14,5 triệu đồng mỗi tháng.

    Tiền ăn uống là khoản có thể điều chỉnh. Mỗi lần ăn ngoài, Sơn tốn 7-11 bảng, tuy nhiên, chịu khó đi chợ và nấu ăn sẽ tiết kiệm hơn. "Tiền chợ hết khoảng 115 bảng một tháng và đó là mức hoàn toàn chấp nhận được. Siêu thị ở Anh có những đồ ăn rẻ hơn hoặc bằng Việt Nam như thịt, sữa, trứng, trái cây", Sơn nói.

    Theo Sơn, chi tiêu cho mua sắm, di chuyển và tận hưởng phụ thuộc nhiều vào thói quen, sở thích cũng như điều kiện tài chính từng người. Nếu mua những đồ thiết yếu, mỗi tháng em chi 20-30 bảng. Ban đầu, Sơn mất nhiều tiền để mua sắm đồ mới, sau đó, em biết cách tham khảo một số kênh để tìm đồ đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn tốt. Nam sinh cũng gợi ý nên mua đồ trong nhóm Facebook của các du học sinh ở Anh. Tại đó, nhiều anh, chị sắp rời Anh sẽ thanh lý đồ dùng với giá rẻ.

    "Mẹo để tiết kiệm là tính kỷ luật, chỉ mua khi mình thật sự cần", Sơn chia sẻ.

    Ở Anh, Sơn chủ yếu đi bộ, xe buýt, xe điện và tàu lửa (nếu đi liên thành phố). Mỗi lần đi bus hết 1,5- 2,5 bảng, tùy chặng. Nếu phải di chuyển nhiều, nam sinh gợi ý nên mua vé ngày hoặc tháng.

    Để cân bằng giữa việc học tập, làm việc và thư giãn, hàng tháng Sơn cũng dành ra một khoản cho tận hưởng. "Đây là chi phí không bắt buộc. Có tháng em đi xem bóng đá sẽ tốn nhiều tiền hơn nhưng nếu chỉ ăn uống cùng bạn bè và đi chơi thể thao thì hết 20-30 bảng. Tổng cộng mỗi tháng em tiêu 700 bảng (khoảng 21 triệu đồng)", Sơn tính toán.

    tiet kiem chi phi du hoc 1
    Sơn đi xem bóng đá ở Manchester mới đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    700 bảng một tháng là mức hợp lý, biết cách chi tiêu, theo anh Đặng Hữu Phước, giám đốc một công ty tư vấn du học tại TP HCM. Anh Phước cho hay, Anh là một trong những nước có chi phí du học đắt đỏ bậc nhất thế giới.

    "Trong các khoản, tiền thuê nhà chiếm phần lớn, ví dụ ở London là 600-1.000 bảng (18-30 triệu đồng). Du học sinh tại London tự nấu ăn thường hết 300-400 bảng (9-12 triệu đồng), trong khi nơi khác từ 200 đến 300 bảng (6-9 triệu đồng)", anh Phước - cũng là cựu du học sinh ở Anh - cho biết.

    Chuyên gia có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn du học chia sẻ, rất khó tiết kiệm các phí cố định nhưng các em có thể đi làm thêm để trang trải. Du học sinh được phép làm thêm 20 tiếng mỗi tuần trong thời gian đi học và 40 tiếng mỗi tuần vào thời gian nghỉ lễ.

    Ngoài tiền nhà, tiền học được gia đình hỗ trợ, Sơn có thể tự trang trải phí sinh hoạt nhờ đi làm thêm bán thời gian. Hiện Sơn cũng có kênh YouTube về du học, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm học tập và cuộc sống ở Anh.

    Theo VnExpress