• Các tiệm làm móng của người gốc Việt ở thành phố Salt Lake đang chịu thiệt hại vì sự đối đầu giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lập pháp. 

    "Nếu họ không có thu nhập để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, họ sẽ không thể đến chỗ chúng tôi làm móng tay, móng chân", nhân viên Sabrina Nguyễn nói. Tiệm làm móng WaterCreek Nails & Spa ở thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ cho biết doanh thu sụt giảm vì nhiều khách hàng của họ là viên chức chính phủ, những người phải làm việc không lương suốt một tháng qua do chính phủ đóng cửa, theo ABC 4

    Sabrina Nguyễn nói chuyện với phóng viên của đài ABC 4 tại Salt Lake City, Mỹ. Ảnh: ABC 4.

    Khi nhóm phóng viên của đài truyền hình địa phương đến ghi hình, mọi nhân viên đều có mặt ở tiệm, trong khi đó, có rất ít khách hàng. "Bình thường không có một chỗ trống. Giờ đây chúng tôi chỉ tiếp một hoặc hai khách một lúc", Sabrina Nguyễn trả lời phóng viên. "Các bàn làm móng lúc này đều trống trơn, việc kinh doanh đang đi xuống". 

    Nhân viên làm móng gốc Việt nói tình hình kinh doanh ảm đạm ảnh hưởng đến kế sinh nhai của các gia đình. "Giống như hiệu ứng domino", cô nói. "Chúng tôi gần như chẳng kiếm được đồng nào". 

    Theo Sabrina Nguyễn, việc chính phủ Mỹ đóng cửa là "không cần thiết" và "gây đau khổ". Cô hy vọng các nghị sĩ quốc hội sẽ tìm ra giải pháp để chấm dứt tình trạng này. "Thật không công bằng với người Mỹ chúng tôi", cô nói. "Chúng tôi bị mắc kẹt trong mớ hỗn độn mà chúng tôi không mong muốn". 

    Các nghị sĩ Mỹ hôm 25/1 đạt được thỏa thuận tạm thời mở cửa lại chính phủ sau 35 ngày ngừng hoạt động do bất đồng về ngân sách xây tường biên giới. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ vẫn chưa kết thúc khi ông Trump chỉ ký duyệt cấp ngân sách cho các cơ quan liên bang hoạt động đến ngày 15/2 và đe dọa sẵn sàng đóng cửa chính phủ lần nữa.

    Đợt đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ bắt đầu từ hôm 22/12 sau khi Hạ viện không duyệt chi ngân sách 5,7 tỷ USD để xây tường biên giới theo yêu cầu của Tổng thống Trump. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nghề làm nail trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có một ma lực khủng khiếp. Bất kể bạn là cô gái đang thanh xuân đẹp đẽ hay người sắp 60 gối mỏi tay run, một khi đã sống được với nail rồi thì khó rút chân ra.

    ma luc nghe nail
    Ảnh minh họa: freepik

    Nhiều bạn bè ở Việt Nam, sắp sang Mỹ định cư hay hỏi tôi:
    - Nghề nào dễ kiếm tiền nhất ở Mỹ?
    - Làm nail.
    - Nghề nào cực nhất ở Mỹ?
    - Làm nail.
    - Nghề nào dễ nổi khùng nhất ở Mỹ?
    - Làm nail.
    - Nghề nào bạc nhất nước Mỹ? Làm nail luôn hả?
    Họ tự hỏi rồi cũng tự trả lời luôn.

    Thời điểm cực thịnh nhất của nghề nail là những năm 1980 tới trước năm 2008. Nhà nhà làm nail, người người làm nail. Một bộ full-set ngày đó tới 50 USD. Tiệm nào cũng đông nườm nượp khách.

    Nhưng từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng, nghề nail cũng suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp. Các chủ tiệm cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá xuống cực thấp để hút khách về mình. Bộ full-set giảm xuống còn 30 USD, có nơi chỉ 20 USD. Nhiều người làm nail thường mua nhà to, xe đẹp, đâm ra thiếu nợ lớn ở ngân hàng. Tới khủng hoảng, trả không nổi nên bị lấy nhà, lấy xe.

    Những năm gần đây, nghề nail cũng dần trở lại vị trí “huy hoàng”. Nhiều tiệm mới được “build” (xây) mọc đầy đường. Chủ kiếm được nhiều tiền hơn. Thợ dư rủng rỉnh. Nhưng có điều giá vẫn rẻ òm, cố đẩy mà lên hổng nổi. Nhiều thành phố đông dân nghèo, một bộ full-set còn có 15 USD. Ngồi cả ngày làm gãy lưng chắc mới kiếm được tiền. Mùa hè còn vậy, mùa đông ế chắc lắm.

    Tôi giờ học hành thành tài, ra trường có việc làm quản lý bất động sản lương bổng ổn định, được đi đây đó khắp nơi, cũng nhờ những đồng tiền anh chị tôi chăm chỉ lẫn đắng cay kiếm được trong các hãng xưởng, tiệm tóc với nail, những ngày chập chững sang Mỹ định cư, để tôi yên tâm đến trường tìm cho mình con chữ.

    Tôi khẳng định một điều, ở Mỹ, không có nghề nào dễ kiếm tiền như nail hết. Nếu người mới sang không biết tiếng Anh tiếng u, phải đi lặt rau, làm cá, chặt thịt trong chợ hay phụ bếp, bồi bàn, lương chẳng được là bao đã vậy còn cực khổ kinh hồn. Xin vô mấy công ty của Mỹ làm lao công, quét dọn, nhặt rác, lau nhà vất vả cũng chẳng thua ai.

    Hai nghề chân tay nhiều người Việt theo đuổi là tóc với nail cũng có “số phận” khác nhau. Nếu như thợ hớt tóc phải học cả năm trời, tốn ngàn giờ, với giá mấy ngàn đô la, trải qua kỳ thi khó khăn mới được cấp bằng hành nghề thì nghề nail lại dễ thở hơn nhiều lần.  

    Nhiều người quen tôi tiếp xúc, dù luôn miệng bảo chán làm cái nghề này lắm nhưng nail có một ma lực khủng khiếp, đã đặt chân vào rồi, khó mà rút ra được. Nghề này không được đãi ngộ, phải chiều chuộng bao lượt khách lạ lẫn quen, ngày ngày hít hóa chất độc hại bay đầy trong tiệm hay cắn răng, nhắm mắt giả lơ trước sự chèn ép của đồng nghiệp. Bất kể bạn là cô gái hay chàng trai đang thanh xuân đẹp đẽ, hay những cô chú tuổi sắp sáu mươi, gối mỏi, tay run, một khi đã sống được với nail rồi khó mà rút chân. Đơn giản, số tiền kiếm được mỗi ngày đủ đảm bảo cho họ một cuộc sống đủ đầy.

    Vẫn chưa bỏ nghề dù rất muốn

    Tôi hay nhớ cô bạn xinh đẹp thuở sinh viên luôn từ chối sự giúp đỡ của gia đình vì ba má còn nuôi mấy đứa em. Cô xin vào tiệm nail làm kiếm tiền đóng học phí. Gặp tiệm cũng dễ, rảnh lúc nào vô lúc đó để làm. Thợ nào cũng né làm chân, đẩy hết qua cho cô.

    Bạn bảo nhiều bữa về nhà, hai tay mỏi nhừ, bưng tô cơm lên mà nghĩ tới những bàn chân to đùng, da dẻ dày khui, mang giày suốt tháng quanh năm của người Mỹ mà nuốt không trôi miếng ăn đang lừng khừng ngay cuống họng.

    Phải bỏ nghề khi ra trường kiếm việc văn phòng làm thôi. Đó là ước mơ giản dị và nhỏ nhoi nhất của bạn. Nhưng ông trời vốn trêu ngươi, bạn đi xin việc khắp nơi, được nhận rồi, nhưng hễ nghe tới lương là… rút.

    Có lần cô ấy xin vô công ty tôi làm. Tôi bảo bên này thư ký chỉ nhận chưa tới 15 USD/giờ, rồi phải đóng thuế thu nhập nữa. Chịu nổi không? Tất nhiên là không. Khi đã quen với xấp tiền mặt lãnh mỗi hai tuần, quen với những đồng tiền "tip" tuy lẻ tẻ nhưng dồn lại cũng lên cả ngàn USD mỗi tháng, thì việc lãnh cái check ra bị trừ một nùi thuế và phí, làm sao đủ để trả tiền xe, tiền nợ học phí và giúp đỡ ba má trả bớt tiền nhà và nuôi mấy đứa em.

    Hai đứa ra trường đã gần 15 năm. Bạn giờ có chồng, đẻ cái, sinh con. Thỉnh thoảng gặp nhau, những vết dị ứng hóa chất vẫn hằn trên đôi tay. Tôi vẫn một chỗ làm hoài. Bạn vẫn chưa bỏ nghề dù rất muốn. Hai vợ chồng mới mua cái nhà. Ráng cày thêm một hai năm nữa, rồi kiếm cái tiệm nào nho nhỏ cho bớt cực, có thời gian rảnh cho con.   

    Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Làm trong tiệm nail đôi khi rất phức tạp bởi tiền 'tươi' trước mắt, bà con tranh giành khách lẫn nhau, dẫn tới việc bất đồng, thù ghét. Nhiều tiệm nằm trong các khu tội phạm, sự an toàn cho thợ lẫn khách cứ... lơ lửng trên đầu.

    Phần lớn thợ nail thường được chủ trả bằng tiền mặt (hoặc nửa tiền mặt, nửa ngân phiếu) nên họ (và chủ tiệm) không đóng hay đóng rất ít thuế thu nhập cá nhân và phúc lợi xã hội. Bảo hiểm với họ là một điều xa lạ. Tất nhiên sau này, họ sẽ không được lãnh (hoặc lãnh rất thấp) social security (tiền hưu trí). Bị tai nạn hay bệnh tật (nhất là dị ứng với các loại hóa chất), sẽ không có bảo hiểm chữa trị và thất nghiệp sẽ không được lãnh trợ cấp.

    Tiệm nào cũng thế, luôn có ba “thế lực” đối đầu chan chát nhau: chủ, thợ và khách. Hiếm khi ba thành phần này hòa hợp với nhau. Có tiệm chủ hiền thì gặp thợ trời ơi. Thợ lành thì chủ keo kiệt, tính toán từng tờ giấy lau tay. Còn không thì có khách trên trời dưới đất, ngồi làm cho đã bị chê xấu rồi xù tiền.

    Nhiều người làm cho đã xong vài bữa sau tới mắng vốn, đòi… dặm lại. Lỡ cắt phạm phải da, họ làm rùm beng lên, đòi đi kiện tụng. Cách tốt nhất là thôi để họ đi. Chủ chẳng muốn mất lòng khách, làm ồn ào xấu mặt chứ chẳng được gì. Không khéo họ lên internet viết review bậy bạ, chê đủ điều, mất khách như chơi. Coi như hôm đó thợ bị xui, làm cả tiếng không công, đã vậy còn bị chủ lườm liếc.

    Mệt mỏi nhất có lẽ là quan hệ giữa các chàng, các nàng thợ với nhau. Làm chung trong một không gian nhỏ hẹp, nhìn mặt nhau mỗi ngày. Kèn cựa vài bữa, không sớm thì muộn cũng này nọ, khách của chị khách của tôi rồi nói ra nói vô, mất lòng. Hai tiệm gần bên, cạnh tranh hạ giá, giành khách một hồi, sinh ra lắm chuyện. Cũng đúng, khi đồng tiền trước mắt và nỗi lo cơm áo gạo tiền ở phía sau, tự nhiên làm con người đâm ra xấu tính đi. Tình cảm, tình thương lúc này hoàn toàn vô nghĩa.  

    Phần lớn người Mỹ chẳng quan tâm bạn làm nghề gì (hay có để ý khinh khi cũng thầm trong bụng chứ chẳng dám nói ra ngoài bởi sợ kiện cho hết gia tài). Nên dễ dàng thấy các cô cậu Mỹ trắng trẻ tuổi, đẹp gái đẹp trai, hay những người trưởng thành đạo mạo đi làm lao công, giúp việc, bảo vệ, bồi bàn… miễn kiếm tiền để trả tiền nhà, tiền xe, quần áo, thức ăn, không thất nghiệp bị đuổi ra đường lết lết ăn xin hay tới các trung tâm cứu trợ xin tem phiếu là được.

    Với người châu Á, đặc biệt là Việt Nam, ý thức muốn làm chủ hay làm thầy ăn sâu vào trong máu. Ở đất Mỹ này phải làm bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, quản lý công ty, chứ không thì... ê mặt. Chính vì vậy mà nhiều bậc cha mẹ, cố làm sống chết, vắt cạn hết sức để hy sinh kiếm tiền nuôi con ăn học thành ông nọ bà kia, nở mặt nở mày mà chẳng cần biết con cái mình thích hay giỏi ở lĩnh vực nào. Họ chỉ mong mai sau ra đời không phải làm việc chân tay như ba má chúng.

    Dù kiếm được nhiều tiền và vô cùng chân chính, nhưng không nghề nào bị nhiều người Việt nhìn bằng ánh mắt khó chịu, đôi khi có phần dè bỉu, rẻ khinh như nghề nail hết. Họ trực tiếp lẫn gián tiếp gọi bằng đủ thứ tên. Hết đi dũa, làm nai (đọc chệch từ nail), tới ôm chân Mỹ...

    Bỏ việc vì thành phố quá buồn

    Sau hơn bốn mươi năm phát triển ở Mỹ, hễ nhắc tới nghề nail là người ta nghĩ tới người Việt Nam. Ngoài những tiệm nhỏ, lẻ ra, thì nail đã thành một “đế chế” với những hệ thống franchise rải khắp đất nước rộng ba múi giờ này, tới tận vùng Alaska buốt giá hay hòn đảo nhỏ to của Hawaii của tỉ phú Charlie Tôn Quý, ông chủ hệ thống Regal Nails với hơn 1.100 tiệm trên khắp nước Mỹ, trong lòng các siêu thị của gã khổng lồ Walmart. Doanh thu mỗi năm lên tới 450 triệu USD, trong tổng số 8.5 tỉ USD của ngành nail.

    Có điều, phần lớn người đến Mỹ năm xưa giờ đã lớn tuổi, nghỉ hưu cả rồi. Con cháu họ học thành tài, làm bác sĩ, luật sư, cũng chẳng theo nghề nail nữa. Những người mới đến sau này cũng không nhiều. Các tiểu bang đã bắt đầu siết chặt, đi kiểm tra thường xuyên nên chủ tiệm cũng không đám thuê du học sinh hay người không có bằng cấp bởi lỡ bữa nào bị kiểm tra, phạt cho một đống tiền, thậm chí thu bằng, đóng cửa, lúc đó đói.

    Chính vì thế những người làm chủ bây giờ, nhất là các tiểu bang xa xôi, o bế thợ dữ lắm.

    Có lần, cô bạn từ Los Angeles, theo lời mời của một chủ tiệm tại thành phố Wausau (Wisconsin) sang làm giúp. Tiệm mới mở nhưng khách khá đông, có bữa làm không ngơi tay, chỉ kịp lua tô mì giữa trưa, rồi bắt tay làm tiếp. Cuối tháng, cô ấy khoe lương lên tới 9 ngàn đô la. Nhưng chỉ được hai tháng là phải bỏ về dù chị chủ năn nỉ hết lời, vì thành phố gì mà buồn quá. Ngày đi làm, tối về ở dưới tầng hầm, hết xem phim tới nghe cải lương, chuyển qua đánh bài tiến lên giữa mùa đông buốt giá. Mà cổ trụ hai tháng còn đỡ, vài người khác từ California nắng ấm bay qua, ở được ba ngày là lật đật kéo vali về liền, không thể ở thêm ngày nào nữa hết.

    Tôi có cô bạn mới mở tiệm khá đẹp, nằm trong khu shopping sang trọng gần Columbus (Ohio). Cô bé khá trẻ, sang Mỹ từ nhỏ, nhưng nhờ kinh nghiệm cày ải bao năm và sống trong môi trường toàn người Việt không nên cũng dữ dằn lắm. Em bảo do gần thủ phủ bang nên bị kiểm tra hoài, không thể thuê mướn người lậu được.

    Thợ ở đây phải có bằng. Mà ở cái chốn khỉ ho cò gáy, mùa đông lạnh kinh hồn này, tìm một người thợ lành nghề vô cùng khó. Thế là phải chiều chuộng, ưu đãi đủ người. Trả lương cao, mỗi tháng lên tới bảy, tám ngàn đô, lo chỗ ở chỗ ăn, lễ lộc cho nghỉ đầy đủ chứ họ buồn, giận, họ bỏ đi, hai mẹ con em ngồi dũa chắc gãy sống lưng. Nhưng đâu có yên. Hết người này õng ẹo, tới người khác đi sớm về trễ, rồi hạnh họe khách như chỗ không người. Tới lúc nhịn không nổi nữa thì em cho họ lên đường thôi. Con người chứ đâu phải gỗ đá mà hổng biết buồn biết giận.

    Mỗi lần tới hè, mở báo địa phương ra hay lên Facebook, thấy đầy những lời rao, bán tiệm thì ít, mà tìm thêm thợ thì nhiều. Nào là bao lương 1.200 đến 1.500 đô/tuần; đảm bảo lương mỗi tháng 6.000 đô. Các tiệm ở bang xa thậm chí bao ở với ăn. Nhưng hầu như năm nào cũng thiếu thợ.

    Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Tổng kết một năm làm nail, kiếm được cũng chút đỉnh chứ không dư nhiều như mấy anh chị khác . Nhiều khi cũng có mộng làm kiếm thật nhiều tiền, nhưng rồi nghĩ lại nhiều tiền quá để làm gì ??? 

    lam viec 5 ngay 1 tuan
    Ảnh minh họa: Freepik

    Nhiều tiền mà: 
    - Cày không nghỉ ngơi, làm 7 ngày/tuần, 10-12h/ngày...
    - Không du lịch 
    - Không giao tiếp, sáng đi làm, tối về ngủ, có khi quên luôn chuyện ấy ấy.
    - Không có thời gian ăn uống... 
    - Không có thời gian cho bản thân, con cái, cha mẹ...

    Thoắt một cái 50-60 tuổi (tuổi xế chiều):
    - Đủ thứ bệnh trên đời, ôm một đống tiền đi gặp bác sĩ
    - Không có sức đi du lịch 
    - Bị kiêng ăn đủ thứ vì cao máu, mỡ trong máu, răng yếu không nhai được thịt bò  
    - Não thiếu máu (do tuổi trẻ cứ sống trong lo sợ tiền nhiều quá không biết cất giấu ở đâu, lâu ngày làm khô máu trong não
    - Phụ nữ thì bị chứng khô âm đạo, phụ nam thì trên bảo dưới không còn nghe lời. Còn sức thở nhưng chưa chắc còn sức “múa kiếm, vật lộn” trên giường ! 
    - Con cái lớn lên sẽ không còn gần mình, lo cuộc sống riêng tư... 
    - Ôm một đống tiền sống trong cô độc .. 
    - Nhắm mắt xui tay không mang theo được đồng xu nào... 

    Nên thôi, chúng ta cũng đi làm nhưng làm vừa sức thôi các bạn. Mỗi năm biết mình dư được vài chục ngàn, sắm được vài món mình yêu thích chẳng hạn như hột xoàn, có thêm cái bảo hiểm nhân thọ vài trăm ngàn $ cho con là yên tâm rồi.

    Vậy đi, đừng làm nhiều quá dễ bị kiệt sức mấy bạn ơi! Mình chỉ làm 5 ngày/ tuần, 2 ngày cho con, nấu ăn và làm những việc mình thích, cơ thể cũng được nghỉ ngơi... (không cờ bạc, không đua đòi hàng hiệu đầy tủ, sống khỏe ru, cuối năm dư được chút chút ).

    Chúc anh chị em làm nail một năm mới nhiều sức khỏe, tiền rủng rỉnh trong ngân hàng. Hãy tận hưởng cuộc sống khi chúng ta vẫn còn cơ hội thở !

    20/1/2019

    Viethome (Từ Facebook bạn Crystal Nguyen)

  • Các cửa hàng làm móng tại Mỹ thận trọng hơn sau vụ chủ tiệm gốc Việt ở Las Vegas mất mạng vì cố đuổi theo xe của khách quỵt tiền.

    Thu nhập hàng ngày của các tiệm làm móng phụ thuộc vào số lượng dịch vụ mỗi khách hàng sử dụng. Và mỗi một đồng đôla kiếm được đều là những đồng tiền "mồ hôi xương máu". Tuy nhiên, hiện tượng khách hàng quỵt tiền thanh toán sau khi làm móng không phải là hiếm ở Mỹ, theo kênh truyền hình địa phương KTNV

    Cô Kimberlee Ruggerio, chủ tiệm Paint Beautique, nhớ lại vụ Ngoc Nhu Nguyen, một phụ nữ Mỹ gốc Việt 53 tuổi, chủ tiệm làm móng Crystal Nails & Spa trên đường West Flamingo, Las Vegas, thiệt mạng hôm 29/12 vì cố đuổi theo một nữ khách hàng không thanh toán hóa đơn trị giá 35 USD

    "35 USD nghe có vẻ không đáng bao nhiêu nhưng với chúng tôi, đó là số tiền lớn", cô Ruggerio nói và kể từng bị khách hàng quỵt tiền một lần. "Nữ khách hàng đó cũng nói là sẽ ra xe ôtô lấy tiền nhưng rồi chuồn mất". 

    Trong vụ chủ tiệm làm móng gốc Việt bị sát hại, video từ camera an ninh cho thấy nữ khách hàng Krystal Whipple định thanh toán hóa đơn 35 USD bằng thẻ tín dụng nhưng chiếc thẻ bị từ chối. Cô ta sau đó nói rằng sẽ ra ôtô lấy tiền mặt nhưng rồi lên chiếc xe Chevrolet Camaro 2017 màu đen và phóng đi. Nạn nhân Ngoc Nguyen chạy theo, nhảy lên trước mũi xe và bị ngã xuống đường khi nghi phạm tăng ga. Cảnh sát kết luận cái chết của bà Nguyen là một vụ án giết người.

    Sau sự việc gây phẫn nộ này, chủ tiệm Ruggerio suy nghĩ kỹ hơn về việc thay đổi cách thức nhận khách hàng và phương thức thanh toán. "Đầu tiên là tôi sẽ yêu cầu khách phải đặt cọc. Tiếp theo, lúc nhận làm dịch vụ, tôi sẽ lấy các thông tin như tên, số điện thoại và địa chỉ nhà của khách hàng, qua đó tôi cũng hiểu hơn một chút về lối sống của con người này". 

    Tiệm làm móng Blo Las Vegas cũng cùng chung suy nghĩ. Quản lý Nancy Ayala cho biết trước khi nhân viên tiệm không bao giờ hỏi về thẻ tín dụng trước khi khách vào làm dịch vụ nhưng họ đang cân nhắc thay đổi thói quen này. 

    "Chúng tôi làm việc 110% sức lực vì khách hàng và chúng tôi cũng muốn nhận lại sự nhã nhặn và lịch sự tương tự từ phía khách. Chúng tôi cũng có gia đình, cũng phải thanh toán hóa đơn hàng tháng, chúng tôi có những mục tiêu muốn hoàn thành trong đời", cô Ruggerio nói. 

    Đều tỏ ra thận trọng hơn, các chủ tiệm yêu cầu nhân viên không đuổi theo những khách hàng quỵt tiền, thay vào đó, họ nên cố gắng nhớ rõ đặc điểm nhận dạng và ghi lại biển số xe của khách.

    Hồi đầu năm ngoái, chỉ trong vòng một tuần, Happy Nails and Spa của phụ nữ gốc Việt tên Hanna Nguyen tại thành phố Avondale bị 5 nữ khách hàng làm móng xong rồi bỏ chạy, không trả tiền. Vào tháng 12, trước vụ chủ tiệm gốc Việt bị cán chết, một nhân viên của tiệm làm móng khác cũng ở Las Vegas bị dí súng đe dọa khi cố đuổi theo khách hàng nam quỵt tiền.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ngày 14/11/2018, cảnh sát và thuế quan Đức đã tiến hành một cuộc kiểm tra, lục soát lớn ở Bonn và huyện Rhein-Sieg để tìm kiếm những người làm chui.

    35 nhân viên, được chia làm nhiều đội đã tiến hành kiểm tra đồng thời ở nhiều tiệm Nails khu vực này và ngay lập tức đã phát hiện những người làm chui ở hai tiệm Nails đầu tiên. Họ phát hiện ba người phụ nữ Việt Nam không có giấy tờ tùy thân hoặc không có giấy phép lưu trú nên đưa về đồn vì tình nghi làm việc chui.

    Hải quan Đức tăng cường kiểm tra, bắt giữ nhiều người Việt Nam làm lậu tại các tiệm Nails.

    Tại một tiệm Nails ở quận Bad Godesberg, khi các nhà điều tra bước vào tiệm lúc 13 giờ 45 thì không nhìn thấy ai nên họ phải đi tìm và phát hiện một phụ  nữ Việt Nam ở dưới hầm nhà, mang hộ chiếu Slovakia. Người phụ nữ này lấy chồng người Slovakia nên có giấy tờ hợp pháp, cho dù các nhà điều tra thắc mắc trong lòng, vì sao người phụ nữ này lại bỏ chồng ở nhà sang Đức làm việc.

    Trong một tiệm Nails ở Sankt Augustin, các nhân viên thuế quan đã phát hiện hai người phụ nữ Việt Nam có lẽ làm chui và phát hiện được hai người phụ nữ Việt Nam khác trong một tiệm Nails ở Troisdorf, một người sinh sống bất hợp pháp ở Đức và người kia không có giấy phép lao động. Cả bốn người này được đưa về đồn để lấy lời khai.

    Trong đợt lục soát lớn này, các nhân viên cảnh sát và thuế quan muốn kiểm tra xem các nhân viên có kê khai đầy đủ giờ làm việc như yêu cầu không, cũng như hồ sơ, giấy tờ kinh doanh của tiệm. Tham gia đợt kiểm tra này có những nhân viên được đào tạo đặc biệt để có thể kiểm tra tại chỗ xem hộ chiếu thật hay giả. Trước khi các nhân viên mặc đồng phục tiến hành kiểm tra, họ cho nhân viên mặc thường phục vào trước để xem ai thực sự đang làm việc. Sau này cảnh sát ập vào thì các thợ làm chui không thể cãi bừa mình chỉ là khách tới làm Nails.

    Phát ngôn viên thuế quan Ahland cho biết, tiếp theo đó họ sẽ tiến hành thủ tục để đưa những người chủ thuê nhân viên làm lậu ra tòa. Theo luật pháp của Đức, một nhân viên làm chui có thể bị phạt tới 50.000 Euro, trong khi một người chủ thuê nhân viên làm chui có thể bị phạt tới nửa triệu Euro.

    Báo Express của Đức đăng tải hôm 14.11.2018 về các cuộc khám xét, kiểm tra của Hải quan, thuế vụ đối với hàng loạt cửa hàng Nails của người Việt tại Bonn và huyện Rhein-Sieg, CHLB Đức.( Ảnh chụp màn hình báo Express).

    Viethome (theo thoibao.de)

  • Bài viết dựa trên quan điểm của đọc giả Jessy Phan, Viethome xin đăng tải nguyên văn:

    ''Tôi vừa đi viếng đám tang về, một đứa em thân thiết qua đời vì ung thư máu. Đặc điểm của em là gương mặt xinh xắn, nụ cười duyên dáng nhưng thân hình lại rất gầy. Hầu như ai mang trong mình mầm bệnh ung thư cũng thường rất gầy gò, ăn gì cũng không khá, hoặc giả họ rất ít ăn. Vậy nên tôi khuyên ai quá gầy thì nên đi khám bệnh.

    Mà hầu hết chúng ta chỉ đi khám khi bị đau, bị thương... chứ chẳng ai đi khám vì bị gầy cả. Thế nên phát hiện ra bệnh thì đã lỡ rồi, muộn rồi. Cuộc đời tôi có 2 điều tâm niệm mà tôi ép gia đình mình phải thực hiện:

    1. Mua bảo hiểm nhân thọ để khi phát bệnh thì có tiền mà trả chi phí, có tiền để cầm hơi. Tôi chẳng rành bảo hiểm ở UK nên tôi mua bảo hiểm ở VN cũng được. 

    2. Đi tầm soát định kì bệnh ung thư. Tôi chẳng rõ chi phí ở UK thế nào (có thể là miễn phí) nhưng mỗi khi về VN thì tôi lại tranh thủ đi làm việc này. 

    Hầu hết chúng ta lại chẳng bao giờ đi tầm soát ung thư, trừ khi nhà bạn có người ruột thịt bị bệnh. Ung thư cũng giống như những vấn nạn thợ không giấy tờ, nô lệ hiện đại trong ngành nail. Chúng ta nói rất nhiều về nó, chúng ta bàn luận, chúng ta chửi bới, chúng ta sợ hãi nhưng mà không ai đi ngừa cả. Giống như vụ việc 3 người gốc Việt bị khép tội buôn nô lệ gần đây, chúng ta có biểu tình quyên góp sẻ chia... thì cũng chỉ là đi chữa, chữa một căn bệnh lẽ ra là ngừa được.

    Tôi nhớ hồi Viethome đăng bài Người Việt bị Bộ Nội vụ xỏ mũi nhiều năm mà không biết, một số đọc giả còn nhảy vào chửi tác giả là thất đức, chia rẻ cộng đồng Việt vì dám khuyên chủ tiệm đừng nhận thợ không giấy tờ. Có lẽ họ chưa từng biết vụ của anh Ken, hoặc giả là họ ích kỷ, chỉ nghĩ tới bản thân mình bị thiệt.

    Ai cũng chỉ muốn bảo vệ thân mình, và cách tốt nhất để làm điều đó chính là đâm sau lưng người khác. Thế nên các thợ không giấy tờ mới khai gian tuổi, mới bảo là làm không lương, bị hành hạ các kiểu. Họ từ người có tội trở thành kẻ ngây thơ được bảo vệ. 

    Biết thế sao các chủ tiệm vẫn nhận thợ không giấy tờ? Có thể là các bạn cũng giống như gia đình anh Ken, cho rằng chẳng đến lượt cảnh sát sờ tới mình. Ai cũng nơm nớp lo sợ ung thư phổi nhưng bảo bạn bỏ hút thuốc, bạn có bỏ không? Vì bạn nghĩ chắc mình không bị đâu.

    Nhưng mà người Việt mình thích lừa phỉnh nhau, thích nhìn vào túi của nhau, vào nhà của nhau cơ. Vì sao cả 1 làng, cả 1 tỉnh ở VN lại hùa nhau đi chui qua nước ngoài? Họ thích nghe bọn dịch vụ nịnh về một miền đất hứa. Khi người thân ở bên Tây bảo là đừng đi không sướng đâu, thì họ lại quay ra giận hờn trách móc: ''Mày đi được qua đấy làm giàu thì không muốn tao đi chứ giề?''.

    Thế là lớp thanh niên (học dở) đòi đi, bố mẹ họ cũng nhìn ngang ngó ngửa rồi vay tiền cho con đi. Vậy ai là người gánh nạn? Có phải chính là người thân của họ ở bên Tây phải dang tay ra mà cưu mang đùm bọc không?

    Cho nên vụ án của gia đình anh Ken phải share về cho người Việt ở VN đọc ấy, đừng tự đồng hóa lẫn nhau ai làm gì mình cũng phải làm y như vậy. Và tôi đặc biệt lên án những bố mẹ trẻ bỏ con nhỏ ở VN để mà đi chui sang nước ngoài. Cả thế hệ chúng ta phải thay đổi nhanh lên và lấy học vấn ra làm nền tảng. Học tốt vào sao phải đi chui. 

    Bệnh ung thư trong ngành nail dù sao cũng đã phát rồi, bao nhiêu năm có ai nghĩ tới chuyện ngăn ngừa đâu. Nên ngày 23/1 này tôi hy vọng là cộng đồng Việt mình sẽ tập trung đông đảo ở tòa án để giúp đỡ gia đình anh Ken và chị Jenny. Càng đông càng tốt, tôi hy vọng một tờ báo Tây nào đó sẽ đăng tải hành động đoàn kết (lần đầu tiên) này của chúng ta.

    Bài viết của tôi hơi có tính xúc phạm, xin rộng lòng tha thứ. Lời thật có bao giờ nuốt trôi!

    Viethome 

  • Cộng đồng người Việt đã và đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong nghề nail tại châu Âu với mức thu nhập thậm chí còn cao hơn so với thu nhập bình quân của người bản địa.

    Theo số liệu trong thời gian gần đây của Cục Thống kê Czech (Cộng hòa Séc), thu nhập bình quân của người Séc đạt xấp xỉ 345.000 Koruna tương đương gần 9.182 USD/năm (chưa trừ thuế thu nhập và trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Việt làm nghề nail tại đây dao động 2.500-3.500 USD/tháng, gấp gần 4 lần.

    Số liệu trên cho thấy, nghề làm nail của cộng đồng người Việt tại nước ngoài không chỉ phát triển và có tiềm năng ở Mỹ, Australia mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

    Ông chủ Việt sở hữu 20 tiệm nail ở Cộng hòa Séc

    Câu chuyện về ông tổ nghề nail – Đỗ Thuyên, người học và truyền nghề cho hàng nghìn lao động Việt đã từng được cộng đồng người Việt ở nước ngoài truyền tai nhau.

    Quê hương ở Vĩnh Phúc, năm 1984, ông Thuyên quyết định đặt chân đến mảnh đất xa lạ Đông Âu với công việc tại một nhà máy sản xuất ô tô. Năm 1993, khi nơi này chia tách, ông quyết định ở lại Czech (Cộng hòa Séc) và chuyển sang kinh doanh vải may mặc.

    Tuy nhiên, với kinh tế khó khăn, thị trường thay đổi chóng mặt, lượng tiêu dùng của người dân giảm kéo theo công việc kinh doanh của gia đình không được thuận lợi. Ông bắt đầu tham khảo các nghề của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó, chú ý nhất đến nghề nail khi đang rất phát triển ở Mỹ, Canada, Anh, Australia…

    Dù rất tâm huyết với nghề này, nhưng phải đến năm 2005, khi London cho phép người Việt có quốc tịch Châu Âu tự do đi lại, ông Thuyên mới có cơ hội sang Anh học nghề.

    Sau một tháng ở London, ông Thuyên lại tiếp tục sang Đức nâng cao trình độ. Khi có chứng chỉ học nghề, tin mình sẽ làm được, doanh nhân người Việt đã trở về Cộng hòa Séc với mong muốn phát triển nghề cho cộng đồng người Việt đang khó khăn ở đây.

    Khi ấy, nghề nail chưa được biết nhiều, tìm người theo học rất khó. Do vậy, ông quyết định về Việt Nam tuyển thợ. Dù nhiều người còn nghi hoặc, song ông thuyết phục bằng được người nhà, con cháu, hàng xóm… theo học. Cuối cùng, ông cũng tuyển được 60 người sang Séc làm việc.

    Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu tiến triển, ông Thuyên thành lập Công ty Euro Nail với chiến lược mở rộng địa bàn. Chỉ sau một năm, Euro Nail đã xuất hiện trong các trung tâm thương mại ở 4 quốc gia Slovakia, Czech, Đức, Thụy Điển.

    Sau hơn 10 năm miệt mài phát triển, ông Thuyên đã sở hữu tới 20 tiệm nail (đã cổ phần và nhượng quyền hơn 20 tiệm) với trên 250 thợ, cho mức thu nhập trung bình khoảng 2.500-3.500 USD/tháng/người – cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân người bản địa. Ông cho biết, đã rất nhiều người Việt tại Séc đã đi lên từ nghề này.

    Cạnh tranh khốc liệt nhưng nail vẫn là nghề hái ra tiền

    Nghề làm nail của cộng đồng người Việt đã phát triển ở Mỹ 40 năm, Anh hơn 30 năm, ở Cộng hòa Séc chỉ mới khoảng 10 năm, tuy nhiên, tiềm năng tại đây còn rất nhiều.

    Ông Thuyên cho biết, ước tính, Châu Âu cần khoảng ít nhất 5.000-7.000 thợ làm móng nữa vẫn đáp ứng được công ăn việc làm tốt cho người lao động. Khi thị trường càng cạnh tranh thì nghề này càng phát triển.

    Hiện chỉ tính riêng Cộng hòa Séc, khoảng 300 tiệm nail khác nhau đã mọc lên với hàng nghìn thợ. Cũng chính vì sự nở rộ của nghề này nên việc cạnh tranh là không tránh khỏi, kéo theo giá làm mail giảm hơn một nửa, từ 50 Euro (hơn 55 USD)/bộ xuống khoảng 20-30 Euro. 

    Tuy nhiên, theo ông Thuyên, giá rẻ, chất lượng nghề đi lên, nhu cầu người dân ngày càng nhiều nên doanh thu của các tiệm vẫn tăng cao.

    Có thể đánh giá một cách khách quan, hiện cộng đồng người Việt đã và đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong nghề nail tại châu Âu. Nghề này cũng đang đứng đầu danh sách những nguồn việc làm lớn nhất cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

    Tuy nhiên, để có mức thu nhập như hiện tại, thợ làm nail cũng vô cùng vất vả và chắc hẳn người bản địa khó mà làm được. Trung bình giờ làm việc của một thợ nail kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối cùng với đó là ảnh hưởng về sức khỏe khi tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại.

    Song có thể khẳng định, nail là nghề đã tạo nên thương hiệu của người Việt nơi xứ người. Và với mức thu nhập như hiện tại, cuộc sống của cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới sẽ sung túc hơn rất nhiều.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Bài viết do bạn Jayden Nguyen gửi đến Viethome, xin chia sẻ cùng bạn đọc:

    Sau khi lắng nghe ý kiến từ rất nhiều bạn đọc , tôi đồng tình với nhiều bạn rằng chúng ta cần có một hội nghề nail của người Viêt tai UK. Để hội nghề nails của chúng ta ra đời, điều khó khăn nhất, theo tôi, chính là ở quan điểm thờ ơ, thiếu niềm tin và một số, vô cùng ít, người phá đám.

    Chúng ta phải tập trung vào việc chúng ta làm. Mỗi người giơ cánh tay ủng hộ sẽ là tăng nguồn sức mạnh cho cộng đồng. Chỉ bằng việc làm nhỏ là kêu gọi mọi người tham gia, chia sẻ ý tưởng hay hoặc khuyến khích những người lần đầu trình bày ý tưởng của họ là chúng ta đã đóng góp cho cộng đồng người Việt rất nhiều. Tôi tin rằng, không có ai là người giỏi nhất, sức mạnh vô địch là ở sự đoàn kết. 

    Câu chuyện về hội nghề người Việt không phải tôi là người đầu tiên nêu ra, rất nhiều lần, nhiều người đã nêu ra nhưng cộng đồng chúng ta chưa chú ý, ủng hộ nhiệt tình và nó lại chìm vào quên lãng. Nhưng nếu không là chúng ta, không phải lúc này thì ai và khi nào chúng ta mới có hội nghề nail Việt, những người đang dành hết cuộc đời cho nó. Mỗi người bằng tài năng riêng hay tiếng nói của mình (nhiều khi không phải là tiền) có thể ủng hộ cộng đồng để tạo ra sức mạnh tổng hợp mang lại thay đổi cho chúng ta và cả tương lai thế hệ con cháu chúng ta sau này. Hội nghề nail Việt UK của chúng ta sẽ là nơi của những người có Tâm, có Uy Tín. 

    Shop nail của mỗi hội viên sẽ có những đặc trưng để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, nhận biết, tin tưởng và lựa chọn. Gia nhập hội là một vinh dự, lợi ích mà hội mang lại trở thành động lực để những ai chưa hành động vì cộng đồng (ví dụ phá giá, lừa gạt công đồng) tự nguyện tham gia hội, tự nguyện hành động theo điều lệ của hội. Trong hiểu biết hạn chế, tôi xin trình bày ý tưởng của mình. 

    Kính mong nhận được đóng góp ý kiến của mọi người. Tôi xin chân thành cảm ơn!

    1. Lợi ích của việc có hội nghề nails Việt

    Bất kỳ nhóm người nào có đặc điểm chung nhất định đều cần một tổ chức có cơ cấu cụ thể đại diện cho họ để cùng nhau đạt được mục tiêu chung, giống như lái một con thuyền vậy. Một đất nước cần có chính phủ, một doanh nghiệp cần ban giám đốc, một lớp học cần ban cán sự, một nhóm làm việc từ 2 người trở lên đã cần có tổ chức, ví dụ phi công trên máy bay, dù chỉ 2 người cũng có cơ trưởng và cơ phó. 

    Nếu bạn vỗ tay mà không có người dẫn nhịp cũng không thể thành bài. Tại sao người Việt chúng ta sống tại UK đã lâu mà chưa có một tổ chức đại diện cho chúng ta. Chúng ta có rất nhiều đặc điểm chung và điểm chung quan trọng nhất là cùng là người Việt sống ở UK. Chúng ta cùng làm một ngành nghề là nails vì thế chúng ta cần phải hợp tác với nhau để cùng nhau thành công. Đó là một điều tất yếu của cuộc sống. Trong phạm vi bài được viết vội tôi không thể nghĩ ra hết ích lợi của việc có một hội nghề cho người Việt nhưng tôi có thể lấy một vài ví dụ. Một lợi ích mà chúng ta đang bàn đến là làm thế nào để giữ giá rồi tăng giá làm nails. 

    Đó là điều ngay trước mắt có thể chúng ta làm được nếu chúng ta hợp tác, chỉ cần tăng £1/khách hàng chúng ta tăng khoảng 5% thu nhập hàng năm và số đó tương đương 2,5 tuần/năm, chúng ta đi du lịch mà vẫn có lương (cả chủ và thợ). Nếu tăng giá thì lương thợ cũng sẽ được tăng vì trả lương hình thức nào cũng gần như là chúng ta ăn chia. Thợ làm nhiều tiền cho chủ mà chủ trả ít thì chẳng ai làm cả, ngược lại nếu giá nail thấp thì chủ lấy đâu tiền để tăng lương nếu không yêu cầu thợ làm nhanh hơn, nhiều hơn.

    Vì thế hội chúng ta phải đoàn kết cả chủ và thợ vì đoàn kết mang lại lợi ích cho tất cả. Chúng ta là chủ shop, hàng năm đều phải đi mua bảo hiểm shop. Nếu tất cả chúng ta cùng nhau mua bảo hiểm của cùng một công ty, tôi tin rằng chúng ta có thể đàm phán với công ty bảo hiểm để giảm giá cho chúng ta, đó là sức mạnh nhóm mua. Một ví dụ khác, nếu không may shop chúng ta bị khách hàng bắt đền và phải ra toà, có thể chúng ta không có lỗi hoặc lỗi ít mà bị làm to chuyện. Tiếng nói của hội và chữ ký của hàng trăm người bênh vực sẽ được quan tâm hơn, công ty bảo hiểm cũng phải có trách nhiệm với chúng ta hơn. 

    Là người thợ làm nail, bạn cũng có thể tham gia hội nghề vì nếu bạn có vấn đề cần tư vấn, nhiều người cùng lắng nghe và giúp đỡ sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn, nếu bạn cần phải hỗ trợ giúp đỡ thì các thành viên trong hội sẽ lên tiếng hoặc ít nhất vấn đề của bạn sẽ được chia sẻ trong hội và biết đâu đó có ai sẽ giúp được bạn. Bạn cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác và một khi kinh nghiệm đó là thật và được kiểm chứng nó sẽ trở thành kinh nghiệm cho cả cộng đồng. Trước những vấn đề liên quan đến cả cộng đồng chúng ta có thể chung sức để tìm đến những luật sư giỏi( thường là khó tìm) để bảo vệ quyền lợi chúng ta. 

    Con nai đi một mình thì hay bị bắt phải không bạn? Rất nhiều, nhiều lợi ích nữa mà chỉ một nhóm người hợp sức lại mới có thể chiến thắng. Nước Anh , Mỹ, Đức hay Nhật mạnh vì họ đoàn kết. Một cây đũa thì rất dễ bị bẻ gãy phải không ạ. Tôi tin rằng chúng ta có thể đoàn kết lại và thành công. 

    2. Tầm nhìn và giá trị cốt lõi của hội.

    - Tầm nhìn: Vì cuộc sống hạnh phúc hơn cho người Việt ở UK (có thể cả người Việt nói chung). 

    -Giá trị cốt lõi: Hội sẽ lấy chữ Tâm - Tín (hoặc cái gì đó chúng ta cùng thống nhất) làm giá trị chung cho tất cả hội viên hướng tới và làm theo. 

    3. Phí hội viên, điều lệ hội và tài chính. 

    - Phí hội viên có thể qui định cho cá nhân và tổ chức. Thợ nail : £10/năm và chủ shop : £50/năm. Con số này được bàn bạc và thống nhất khi đại hội.

    - Điều lệ hội : Được soạn thảo và thông qua đại hội bằng phiếu bầu. Các thành viên tham gia là tự nguyện nên mọi điều khoản không ràng buộc pháp lý. 

    - Về tài chính: Hội có tài khoản riêng được mở tại ngân hàng. Hội viên đóng hội phí bằng chuyển khoản trực tiếp vào số tài khoản hội. Thu chi được công khai và trưởng hội được giao quản lý, Ban kiểm soát giám sát. 

    4. Thường trực hội: Hội trưởng, ban thường trực và ban kiểm soát (số thành viên: Do đại hội thống nhất) . 

    - Hội trưởng: do ứng cử, giới thiệu, tranh cử và trúng cử qua bỏ phiếu bầu bởi hội viên.
    - Ban thường trực : số lượng và nhân sự được phân theo vùng để dễ liên hệ và thuận lợi trong hoạt động của hội. Các thành viên ban thường trực là tự nguyện hoạt động vì lợi ích cộng đồng. 

    5. Hội trưởng sẽ là người nêu lên được tiêu chí, phương hướng hành động và mục tiêu đề ra cho nhiệm kỳ của mình. Kể cả kế hoạch chi tiêu khoản đóng góp của hội viên cũng phải giải trình trước và sau nhiệm kỳ.

    Nhiệm kỳ 2 hoặc 3 năm. Hội trưởng được bầu công khai bằng phiếu bầu. Cương lĩnh tranh cử được tuyên truyền tới các hội viên và các hội viên sẽ bầu trực tiếp hội trưởng. Người được bầu nhiều nhất sẽ trở thành hội trưởng. Nếu có quá nhiều người đăng ký tranh cử sẽ bầu 2 lần, sơ bộ và chính thức . 

    Bầu sơ bộ sẽ chọn ra tối đa 5 ứng cử viên theo số phiếu bầu từ cao đến thấp. Hội trưởng có thể hưởng lương hoặc không (nêu rõ trong cương lĩnh tranh cử). Trong nhiệm kỳ , nếu có quá bán số hội viên không tín nhiệm sẽ tổ chức bầu lại hội trưởng. Hội viên không tín nhiệm sẽ gửi thư cho ban kiểm soát. Đến khi nhận đủ 30% hoặc 50% số phiếu bất tín nhiệm sẽ tiến hành bầu lại hội trưởng. 

    6. Đại hội

    Đại hội được tổ chức hàng năm hoặc hàng nửa năm theo mong muốn của hội viên khi thành lập hội. 

    Với công nghê hiện nay, chúng ta có thể tổ chức đại hội trực tuyến nên không tốn kém và sẽ giúp đông đảo hội viên tham gia. Mọi ý kiến đều được ghi nhận qua ghi hình, ghi âm hoặc được gửi đến trước ban thường trực qua email, tin nhắn . 

    Lời kết : 

    Chắc chắn rằng những gì tôi mới nghĩ ra đây chỉ là những phần dễ dàng nhất mà chúng ta có thể làm. Để đi đến thành lập được hội, tôi tin rằng còn nhiều khó khăn. Để hội hoạt động hiệu quả và đạt kỳ vọng của mọi người lại càng là điều khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm, mỗi người nhiệt tình một chút nhất định chúng ta sẽ làm được. 

    Tôi chân thành cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết này. 

    Viethome (từ bạn Jayden Nguyen)

  • Bài viết của đọc giả Jayden Nguyen gửi về cho Viethome, xin chia sẻ cùng bạn đọc:

    Sau khi có bài về tìm ý tưởng để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng người Việt tại UK, tôi nhận ra rằng có mâu thuẫn không nhỏ trong suy nghĩ của cộng đồng chúng ta về việc ai là người hưởng lợi hơn trong shop nail. Tôi xin phép được nêu quan điểm của mình về vấn đề này và mong mọi người cùng đóng góp ý kiến. 

    Cá nhân tôi không thể nhìn thấy hết mọi vấn đề nên quan điểm có thể đúng hoặc sai, rất mong nhận được ý kiến đóng góp chia sẻ. Chân thành cảm ơn anh chị và các bạn. Theo thiển kiến của tôi, ở UK không có chủ shop thực sự. Hầu hết chủ shop cũng kiêm nhiệm là thợ và là người thợ tích cực nhất. 

    Chủ shop thường được thu nhập cao hơn thợ 1 vài lần nhưng lương đó cũng bao gồm tiền công của một người thợ, tiền lãi của nhà đầu tư (chủ shop phải dựng shop và xây dựng khách hàng), tiền công người quản lý, tiền công của người dọn dẹp vệ sinh, tiền công của người đi chợ nấu cơm cho thợ, tiền cho thuê nhà ở và quản lý nhà.Vào mùa đông vắng khách, thợ ung dung còn chủ thì ung thủ. 

    Nếu tính gộp lại mọi khoản lương mà chủ shop đã làm chưa chắc gì chủ shop đã có tiền lương xứng đáng. Ngoài ra chủ shop còn có thể gọi là nô lệ cho chính shop của mình vì ngay cả một ngày nghỉ cũng không dễ gì có được vì khi vắng chủ ai sẽ làm thay họ. Ngày nay, về cơ bản thợ làm nail đã nhận được tiền lương tương xứng với những gì họ bỏ ra. Làm cho chủ 10 họ được trả lương 6,7. 

    Tất nhiên, không chủ shop nào thuê thợ làm ra ít hơn số tiền mà họ phải trả lương cho thợ nhưng cũng không còn thợ nail nào chấp nhận làm 10 mà chỉ nhận 3,4 cả. Đôi khi gặp chủ không tốt, thợ cũng thấy không hài lòng nhưng họ hoàn toàn có quyền lựa chọn để đổi chỗ làm ngay lập tức. Thị trường việc làm trao cho họ quyền được lựa chọn đó.

    Điều thiệt thòi cho thợ là ở chỗ: Thường thì họ không có nhà cửa ổn định, cuộc sống nay đây mai đó sẽ làm họ mệt mỏi theo thời gian. Thợ không được hoặc không muốn báo thuế sẽ không được bảo đảm quyền lợi về lương hưu và khó khăn trong việc vay ngân hàng mua nhà, bảo lãnh người thân hoặc những việc cần có độ tín nhiệm cao trong xã hội. Khi thợ nhiều tuổi sẽ khó khăn tìm việc và cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Theo phân tích trên, cả chủ shop và thợ nail đều có thuận lợi và khó khăn của họ. 

    Nhưng cả hai có thật sự thành công, ai là người thắng cuộc ? Theo tôi thì chúng ta chưa thành công, chỉ có khách hàng là bên thắng cuộc. Thắng cuộc bởi họ nhận được sản phẩm tốt hơn nhưng giá thành lại luôn rẻ hơn. Người Việt chúng ta tham gia vào cuộc đua mà kiểu gì cũng thua, quân ta đánh quân mình thì làm sao không thua. Chủ shop có thể có thu nhập cao hơn chút ít nhưng công sức bỏ ra thì thêm rất nhiều. Còn thợ thì lương có cao, có được thoải mái hơn nhưng làm gì có chuyện lương cao mà năng suất thấp trên đất nước này. Là thợ, chúng ta luôn tạo ra giá trị thặng dư, tiền công nhận lại luôn nhỏ hơn công sức bỏ ra. 

    Vì thê nếu giá trên mỗi sản phẩm chúng ta làm ra ngày càng thấp thì chắc chắn là lương của chúng ta cũng ngày càng thấp. Chúng ta, những người Việt Nam thua cuộc, thua ở đâu? Theo tôi thua bằng sức lực bỏ ra quá nhiều, mầm mống bệnh tật trong cơ thể chưa biết ngày nào bùng phát, sức khỏe, sức lao động xuống nhanh hơn tuổi tác. Trên các chuyến bay của Vietnam airlines UK – VN, người Việt trông thật ốm yếu trong những trang phục đắt tiền, điện thoại mới nhất, túi, ví hàng hiệu.

    Nếu đánh giá về mức độ hạnh phúc, tôi không dám chắc chúng ta hạnh phúc hơn người Việt trong nước. Tôi nghĩ chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân thất bại này. Nghề nail đã mang đến sự đổi đời cho người Việt ở nước ngoài khắp năm châu, bản thân nó không phải không tốt. Lỗi là ở chúng ta những người đang là chủ của nó. Theo tôi, phần lỗi lớn là ở chính những người chủ shop. Họ cạnh tranh không cần biết thắng thua , không cần biết mình đang cạnh tranh với ai và được gì. 

    Tại UK, sau khi đảng bảo thủ lên cầm quyền năm 2007, một số lớn người Việt được cấp giấy tờ cư trú và được quyền mở shop. Shop nail mọc lên như nấm sau mưa. Để cạnh tranh với nhau, vũ khí duy nhất chúng ta có là giá, shop mở sau giảm giá thấp hơn shop mở trước và shop mở trước lại chống lại bằng cách giảm giá bằng hoặc thấp hơn. Cứ như thế chúng ta cùng nhau phá giá đến đáy. 

    Người Việt chiến đấu người Việt. Làm sao để bảo vệ và tăng giá? Câu hỏi này đang mong chờ câu trả lời từ ý kiến của các bạn !!! Tôi mong rằng chúng ta, những người Việt ở UK sẽ cùng nhau đoàn kết, xây dựng lại nghề nail, thương hiệu Nail Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường, chúng ta cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống và tầm vóc người Việt . 

    Tôi xin chắp bút ghi nhận mọi ý kiến và góp ý của các bạn. Xin cảm ơn đã đọc bài.

    Viethome