• bien the omicron 15 ca

    Tính đến thứ Năm, ngày 2/12 đã có thêm 2 trường hợp ở London bị phát hiện nhiễm Omicron. Một người ở Bexley và một người ở Lambeth. Như vậy ở thủ đô đã có ít nhất 15 ca nhiễm biến thể Omicron, bao gồm:

    • Barnet (2 ca)
    • Bexley (1 ca)
    • Camden (2)
    • Westminster (3)
    • Haringey (1)
    • Sutton (1)
    • Wandsworth (1)
    • Newham (1)
    • Lewisham (2)
    • Lambeth (1)

    Những người dương tính với Omicron và người tiếp xúc với họ đều đang bị cách ly. Cơ quan An ninh Y tế UK (UKHSA) đang chạy đua với thời gian để truy vết những người đã tiếp xúc với các ca dương tính. 

    Như vậy, cả England đã có 29 ca dương tính với Omicron, chưa kể 13 ca ở Scotland, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn UK lên 42 ca. Bên ngoài London, các ca dương tính nằm ở những địa phương sau:

    • Brentwood – 1
    • Buckinghamshire – 1
    • Chiltern - 1
    • Lancaster – 1
    • Liverpool – 1
    • North Norfolk – 1
    • Nottingham – 1
    • Oxford - 1
    • South Cambridgeshire – 1
    • South Northamptonshire - 1
    • Spellthorne - 1
    • Three Rivers – 1

    Tiến sĩ Jenny Harries, CEO UKHSA, nói: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để hiểu hơn về cách hoạt động của biến thể này. Vaccine là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus. Do đó hãy tiêm mũi 1,2 hoặc 3 để bảo vệ bản thân và người xung quanh''.

    Hôm 30/11, Chính phủ đã ra thông báo tất cả người trên 18 tuổi đều sẽ được tiêm mũi tăng cường trong vòng 2 tháng tới. Các nhà khoa học hy vọng trong 1-2 tuần nữa sẽ có báo cáo đầy đủ về biến thể Omicron. 

    Tin thế giới: Na Uy nghi bùng phát 'ổ Omicron' sau bữa tiệc Giáng sinh

    Ít nhất 60 người ở Na Uy đã mắc COVID-19 sau khi dự tiệc Giáng sinh cùng một người vừa trở về từ Nam Phi. Các chuyên gia lo ngại những người này có thể đã nhiễm biến thể Omicron.

    Nếu mối lo ngại này được xác nhận, đây sẽ là ổ dịch Omicron trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, theo RT.

    Trước đó, khoảng 120 nhân viên công ty năng lượng Scatec đã tụ tập để tổ chức tiệc Giáng sinh tại một quán ăn ở thủ đô Oslo (Na Uy) hôm 26/11. Các nhân viên được cho là đã tổ chức tiệc trong phòng kín, sau đó giao lưu với những thực khách khác trong quán ăn.

    Một trong những vị khách của bữa tiệc vừa trở về từ Nam Phi - “điểm nóng” của biến thể siêu đột biến Omicron.

    Ít ai ngờ rằng bữa tiệc Giáng sinh sẽ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm, khiến ít nhất 60 người mắc COVID-19. Hầu hết những người này đều là nhân viên Scatec, nhưng một số người khác không liên quan đến công ty này cũng nhiễm bệnh. Hiện chưa rõ "ca bệnh số 0" của ổ dịch này có phải vị khách từ Nam Phi hay không.

    Jorum Thaulow - người đứng đầu nhóm truy vết COVID-19 ở Tây Oslo cho biết: “Chúng tôi chưa xác nhận, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron là nguyên nhân gây nên ổ dịch này.”

    Theo ông Thaulow, ít nhất 41 người trong số các F0 là cư dân Oslo. Họ đã được yêu cầu tự cách ly trong 7 ngày. Những người tiếp xúc gần cũng phải cách ly trong 10 ngày nếu họ xuất hiện các triệu chứng.

    Tine Ravlo - một chuyên gia y tế quận Frogner (Oslo) cũng cho rằng có khả năng các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron. Bà cho biết mẫu bệnh phẩm từ các F0 này đang được giải trình tự gien để xác định chính xác.

    Tính đến ngày 1/12, ít nhất 60 ca nhiễm Omicron đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia châu Âu. Cơ quan y tế Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/12 cảnh báo chủng đột biến mới có thể sẽ chiếm một nửa số ca COVID-19 ở khu vực này trong vài tháng tới.

    Viethome (theo myLondon)

  • Giới chức trách Anh phê duyệt thuốc Sotrovimab điều trị bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ bị triệu chứng nặng trong khi phía hãng dược nói thuốc này có thể hiệu quả với biến chủng mới.

    Cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA) ngày 2/12 phê duyệt liệu pháp điều trị kháng thể đơn dòng Sotrovimab, để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ phát triển triệu chứng nặng, theo Reuters.

    MHRA khuyến khích dùng loại thuốc này sớm nhất có thể và trong vòng 5 ngày kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng.

    Sotrovimab "được chứng minh an toàn và hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người mắc Covid-19 từ nhẹ đến trung bình và đối mặt với nguy cơ trở nặng cao", MHRA cho biết trong tuyên bố đưa ra ngày 2/12.

    thuoc tri bien the omicron 2
    Liệu pháp điều trị kháng thể đơn dòng Sotrovimab do công ty GlaxoSmithKline (hợp tác với tập đoàn công nghệ sinh học Vir Biotechnology phát triển. Ảnh: The National.

    Thuốc Sotrovimab do công ty GlaxoSmithKline (GSK) của Anh hợp tác với tập đoàn công nghệ sinh học Vir Biotechnology có trụ sở ở California, Mỹ phát triển.

    Tuyên bố GSK cho biết các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm và trên chuột lang cho thấy kháng thể đơn dòng Sotrovimab có khả năng chống lại các virus mang một số đột biến đặc trưng của biến chủng Omicron.

    “Tới nay, trong các thử nghiệm, Sotrovimab đã chứng minh khả năng chống lại tất cả biến chủng thuộc diện lo ngại và quan tâm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định", tuyên bố cho biết thêm.

    Các thử nghiệm đang tiếp tục được tiến hành "để xác định hoạt động trung hòa của Sotrovimab chống lại sự kết hợp của tất cả đột biến ở biến chủng Omicron, với mục đích đưa ra phiên bản cập nhật của loại thuốc này vào cuối năm".

    Theo MHRA, một liều Sotrovimab được phát hiện có tác dụng giảm thiểu nguy cơ nhập viện và tử vong tới 79% ở người trưởng thành có nguy cơ mắc Covid-19 với triệu chứng nặng.

    Loại thuốc này theo dạng kháng thể đơn dòng, với một loại protein gắn vào protein đột biến của virus, làm giảm khả năng xâm nhập của virus vào các tế bào của cơ thể.

    Theo Zing

  • Các nhân viên Tàu điện ngầm sẽ bắt đầu thu tiền phạt 200 bảng đối với những hành khách không đeo khẩu trang ở London. 

    Khẩu trang đã trở thành quy định bắt buộc tại các cửa hàng, ngân hàng, bưu điện, tiệm làm tóc và phương tiện công cộng trong nỗ lực đối phó với biến thể Omicron. 

    Vào hôm thứ Ba, đã có thêm 8 trường hợp mới mắc Omicron ở England, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 22 ca trên toàn UK. Thị trưởng London, ông Sadiq Khan cho rằng việc thu tiền phạt sẽ giúp mọi người tuân thủ kỹ cương hơn. 

    Những ai vi phạm quy định lần đầu sẽ bị phạt 200 bảng. Con số này sẽ nhân đôi mỗi lần tái phạm, và lên tới tối đa là 6,400 bảng. 

    London là thành phố đầu tiên ở England bắt buộc người dân đeo khẩu trang sau khi các hạn chế được gỡ bỏ hồi tháng 7/2021. Từ tháng 7 trở về trước, khoảng 85% hành khách chịu đeo khẩu trang ở phương tiện công cộng. Số lượt phạt là khoảng 2,000 lượt. 

    bi phat neu khong deo khau trang

    Hiện tại, mặc dù hầu hết người dân đều chấp hành việc đau khẩu trang, tuy nhiên vẫn có một nhóm nhỏ người chống đối. Chẳng hạn một người đàn ông 56 tuổi và một cụ bà 71 tuổi, đi tuyến từ Paddington đến West Drayton. 

    Người đàn ông nói: ''Tôi không chích vaccine. Điều đó thật điên khùng. Chích vaccine hay đeo khẩu trang đều chẳng đem lại lợi ích gì cả. Đây đều là phương pháp kiểm soát con người để sau này chúng ta đều trở thành rô-bốt. Họ đang muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản vào đất nước này. Chính quyền muốn kiểm soát chúng ta và phá hủy Giáng sinh này''. 

    Một người khác, ông Marc Zinnendor, đi từ Kingham đến Oxfordshire, thì nói nhẹ nhàng hơn: ''Tôi cảm thấy hơi bực khi nhìn mọi người đeo khẩu trang, xã hội con người đâu có hoạt động như thế. Một nửa gương mặt chúng ta biến mất. Tôi chẳng biết bạn đang cười hay đang giận dữ''.

    Tuy nhiên nhân viên tài chính Michelle Carroll, 40 tuổi, thì lại thấy tức giận khi ai đó không đeo khẩu trang. Cô nói: ''Mỗi người đều có lựa chọn và cách tiếp nhận riêng về vấn đề này [dịch bệnh]. Nhưng đừng vì sự ích kỹ của mình mà khiến dịch bệnh lây lan cho người khác''.

    Vào hôm thứ Tư 1/12/2021, đã có thêm 159 ca tử vong vì dịch bệnh và 39,716 ca mắc mới. Giảm từ 42,484 ca nhiễm mới và 165 ca tử vong vào tuần trước.

    Viethome (theo Metro)

  • Nhiều quốc gia trên khắp thế giới đang dốc sức ngăn chặn chủng Omicron khi các chuyên gia cảnh báo đây có thể là "biến thể tồi tệ nhất".

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại Omicron là “biến thể gây lo ngại”, trong khi một số quốc gia - bao gồm cả Anh quốc - đã ghi nhận các ca mắc đầu tiên.

    Chủng đột biến này lần đầu tiên được tìm thấy ở Botswana và được cho là nguyên nhân làm tăng số ca mắc ở Nam Phi. Omicron được cảnh báo có thể trốn tránh các loại vắc-xin hiện có.

    Ngoài việc cấm các chuyến bay từ một số quốc gia châu Phi, Anh cũng bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng. Hành khách cũng phải làm xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính.

    2omicronAnh đã ghi nhận những ca mắc đầu tiên 

    Các triệu chứng của biến thể Omicron là gì?

    Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện tại không có thông tin cho thấy Omicron gây ra triệu chứng khác so với các biến thể như Alpha và Delta.

    Các triệu chứng chính của người mắc Covid là:

    • Mất (hoặc thay đổi) về mùi hoặc vị
    • Ho liên tục
    • Thân nhiệt tăng cao (nóng khi chạm vào ngực hoặc lưng).

    Tuy nhiên, bác sĩ người Nam Phi đầu tiên ghi nhận chủng vi khuẩn mới cho rằng các triệu chứng sẽ hơi khác một chút. Tiến sĩ Angelique Coetzee cho biết dựa trên các bệnh nhân mà bà đã chăm sóc, triệu chứng chính là mệt mỏi, đau nhức cơ thể và đau đầu.

    Bà Angeline giải thích: “Trong khoảng 8 đến 10 tuần, chúng tôi đã không ghi nhận bất kỳ trường hợp mắc Covid mới nào trong khu vực làm việc. Bất ngờ vào ngày 18/11, những nam thanh niên nhập viện với triệu chứng giống như nhiễm siêu vi. Chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm nhanh và kết quả là họ dương tính với Covid-19".

    Tiến sĩ cho biết không có bệnh nhân nào bị mất vị giác hoặc khứu giác, hoặc bị giảm nồng độ oxy - và các bệnh nhân còn khá trẻ: bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông 30 tuổi.

    "Rất bất thường khi thấy một người đàn ông 30 tuổi phải đi khám, rất hiếm khi xảy ra, sau đó đột nhiên họ phàn nàn vì cảm thấy rất mệt mỏi trong hai ngày, kèm theo đau nhức cơ thể và đau đầu", bà Angeline nói, “Vì những người còn lại trong gia đình cũng không khỏe, tôi quyết xét nghiệm cho họ”.

    Nếu cảm thấy không khỏe với các triệu chứng nghi mắc Covid-19, lời khuyên vẫn là nên tự cách ly và làm xét nghiệm PCR.

    Liệu vắc-xin có hoạt động chống lại biến thể mới không?

    Bằng chứng hiện tại cho thấy Omicron có thể kháng vắc xin hơn các biến thể khác.

    Điều này là do số lượng đột biến của biến thể này - và protein đột biến của nó có những thay đổi khác nhau.

    Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định, và các nhà khoa học cho biết có thể mất vài tuần trước khi họ biết chắc chắn chủng mới có thể né tránh vắc xin hay không.

    Chương trình tiêm tăng cường của Anh đang được đẩy nhanh để đối phó với biến thể mới - với hy vọng hình thành khả năng miễn dịch chống lại Omicron.

    Tất cả người trên 18 tuổi sẽ được cung cấp mũi vắc-xin tăng cường sớm hơn dự định - ba tháng sau lần tiêm thứ hai.

    Pfizer cho biết đã bắt đầu nghiên cứu tác động của biến thể đối với vắc-xin của họ, trong khi Đại học Oxford chỉ ra vắc-xin AstraZeneca có thể nhanh chóng được điều chỉnh để đối phó với biến thể mới.

    Viethome (Theo Metro)

  • Cơ quan An ninh Y tế UK (UKHSA) đã xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở England, nâng tổng số người nhiễm ở England lên 5 người. 

    2 ca nhiễm mới này không liên quan tới nhau và cũng không liên quan tới những ca nhiễm trước. 1 ca ở Camden, London. Ca còn lại ở Wandsworth, London. Cả hai đều từng đi đến miền nam châu Phi.

    Những người bị nhiễm và gia đình của họ đang được yêu cầu tự cách ly. UKHSA đang tiến hành truy vết tại những nơi mà hai cá nhân này đã đi qua.

    Tại Scotland cũng đã có 6 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 4 ca được xác nhận tại Lanarkshire, 1 ca ở Greater Glasgow và 1 ca còn lại ở Clyde.

    Giám đốc điều hành UKHSA, Tiến sĩ Jenny Harries cho biết: ''Khả năng là chúng ta sẽ xác minh thêm được nhiều ca nhiễm Omicron nữa trong những ngày tới. Do đó những người xuất hiện các triệu chứng giống như nhiễm Covid-19 hãy tự cách ly và làm xét nghiệm PCR ngay lập tức''.

    Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cũng đã xác nhận có 5 ca Omicron ở England và 6 ca ở Scotland. Ông phát biểu trước Hạ viện rằng: ''Những con số này sẽ tăng trong những ngày tới. Biến thể Omicron đã lan rộng toàn cầu, rất nhiều quốc gia đã xác nhận ca nhiễm từ Áo, Bỉ, Séc, Đan Mạch, Đức, Italy, đến Hà Lan và Bồ Đào Nha. Cuộc chiến giữa vaccine và virus chắc hẳn sẽ còn kéo dài''.

    Professor Jonathan Van Tam
    Phó Giám đốc Y khoa England, Giáo sư Jonathan Van Tam phát biểu tại một cuộc họp báo ở Phố Downing, London vào hôm 29/11/2021.

    Những người lữ hành khổ sở vì Omicron

    Lauren Kennedy Brady hạ cánh ở Johannesburg ngày 26/11 với hàng loạt tin nhắn và tin tức cảnh báo về biến chủng Omicron mới xuất hiện tại Nam Phi.

    Kennedy Brady, nghệ sĩ kỳ cựu ở bang Bắc Carolina, Mỹ đang trên đường trở về nhà sau 11 ngày lưu diễn ở châu Phi cùng mẹ, con gái và cháu. Johannesburg là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình trở về qua nhiều điểm quá cảnh từ Zambia tới thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina.

    Mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ trước khi tới Johannesburg. Nhưng khi xem điện thoại, nghệ sĩ 47 tuổi biết biến chủng mới đã xuất hiện ở Nam Phi. Không lâu sau, cả gia đình bị mắc kẹt khi chuyến bay tiếp theo bị hủy vì các lệnh hạn chế mới.

    "Chúng tôi đã không gặp bất kỳ vấn đề gì trong hành trình trước đó. Tất nhiên vẫn có các quy định nhưng đó đơn giản là thế giới mà chúng ta đang sống", Kennedy Brady nói. "Nhưng với điều vừa xảy ra chỉ trong vài phút này, mọi thứ dường như đã dừng lại".

    khach du lich kho so vi omicron 1
    Hành khách tại sân bay quốc tế OR Tambo, thành phố Johannesburg, Nam Phi hôm 27/11 sau khi một số quốc gia cấm các chuyến bay từ Nam Phi vì biến chủng mới Omicron. Ảnh: AFP.

    Hành trình bị gián đoạn của Kennedy Brady và gia đình cô, cũng như nhiều người khác xảy ra khi chính phủ hàng loạt nước nhanh chóng áp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới với các nước phía nam châu Phi do lo ngại biến chủng Omicron.

    "Chúng tôi tưởng mình đã thoát khỏi đường hầm dài tăm tối. Nhưng giờ mọi thứ về cơ bản quay lại vạch xuất phát", Julian Harrison, chủ công ty du lịch Premier Tours ở Philadelphia, chuyên cung cấp dịch vụ du lịch tới châu Phi, chia sẻ.

    Sau khi Omicron được phát hiện, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước khác yêu cầu dừng đi lại tới Nam Phi và các nước lân cận, dù nhiều quan chức châu Phi và một số chuyên gia y tế chỉ trích động thái này. Israel thậm chí còn cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh, trong khi Morocco thông báo đình chỉ các chuyến bay đến trong hai tuần. Quy định xét nghiệm và cách ly mới cũng được nhiều nước ban hành.

    "Mọi người đã quá mệt mỏi và muốn nó kết thúc", David Freedman, lãnh đạo Hiệp hội Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Mỹ, nói.

    Sean Park-Ross có kế hoạch trở về Nam Phi và tận hưởng mùa Giáng sinh bên gia đình, bạn bè. Sau đó, tin tức về biến chủng ập đến. Park-Ross, một người chuyên về phát triển phần mềm và hiện ở Mexico City, cho rằng ngay cả khi đến được Nam Phi, anh có thể phải ở lại một thời gian trước khi có thể rời đi.

    "Tôi thực sự muốn được gặp họ bởi nhiều năm nay tôi đã đi khắp thế giới", Park-Ross nói về bố mẹ ngoài 70 tuổi và đứa cháu trai 5 tuổi. "Điều này thật tệ".

    Lin Chen, giám đốc Trung tâm Y học Du lịch tại Bệnh viện Mount Auburn ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, nói các biện pháp hạn chế có thể không ngăn được virus, nhưng giúp cho thế giới thêm thời gian để tìm hiểu về Omicron.

    "Đi lại tới các khu vực bị ảnh hưởng sẽ vướng nhiều bất tiện và quy định mới do lo ngại về biến chủng", Chen nói. Bà thêm rằng du khách nên cân nhắc xem liệu có chấp nhận được những thách thức đó hay "tốt hơn là chờ tới khi biết thêm về Omicron".

    Tin tốt là giới khoa học đang tăng tốc rất nhanh trong cuộc đua với biến chủng. "Chúng ta sẽ có câu trả lời cho một số câu hỏi phức tạp trong vài tuần thay vì vài tháng", Freedman nói.

    Tuy nhiên, ông cho rằng có thể mất vài tuần trước khi biết liệu vaccine có hiệu quả với Omicron hay không. Ông thêm rằng mình sẽ không đi du lịch tới bất kỳ nước nào từ giờ tới cuối năm, để tránh nguy cơ bị mắc kẹt.

    Khi tin tức về biến chủng xuất hiện, Kennedy Brady cho biết cảnh tượng ở sân bay thực sự hỗn loạn. Những hàng người xếp dài trước các quầy dịch vụ khách hàng, lo lắng về cách họ tới các điểm đến ngoài Nam Phi.

    "Không khí thật hoảng loạn bởi có quá nhiều cuộc trao đổi xung quanh chúng tôi. Mọi người dường như chỉ có một câu hỏi là họ phải làm gì tiếp theo", Kennedy Brady kể.

    Sự thất vọng có thể được cảm nhận rõ nhất ở nhiều du khách quốc tế, những người vừa lấy lại được chút cảm giác an toàn để ra nước ngoài lần nữa.

    Ayesha Shaw, một cư dân Johannesburg, nói cô đã chắc rằng mình có thể gặp lại bạn trai ở Mỹ sau nhiều tháng chia cách vì các biện pháp hạn chế. Shaw đã mua vé chuyến bay ngày 27/11 tới New York để gặp người yêu, nhưng bắt đầu thấy lo lắng khi tin tức về biến chủng xuất hiện nhiều vào ngày 26/11. Vài phút sau khi bước sang ngày 27/11, cô nhận được email từ hãng Turkish Airlines rằng chuyến bay rời Johannesburg bị hủy.

    "Lúc đó tôi mệt mỏi và chán nản tới mức chỉ muốn đi ngủ", cô gái 28 tuổi nhớ lại. "Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên tôi làm là khóc".

    khach du lich kho so vi omicron 1
    Hành khách được xét nghiệm trước khi lên máy bay ở sân bay Sydney, Australia hôm 29/11. Ảnh: Reuters

    Park-Ross, người ở Mexico City, nói anh hiểu các biện pháp hạn chế là điều cần thiết, nhấn mạnh anh luôn tin tưởng và làm theo khoa học. "Nhưng tôi hy vọng khi chúng ta biết nhiều hơn về chủng Omicron, các lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ nhanh như cách chúng được áp đặt", Park-Ross nói.

    Shaw cũng cảm thấy thất vọng về các biện pháp hạn chế đi lại khi cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến nghị cách làm như vậy. Cô đã tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và tiêm vaccine. "Có cảm giác là ngay cả khi bạn thực hiện mọi điều đúng đắn, bạn vẫn không thể làm những điều mình muốn", cô nói.

    Freedman thừa nhận tâm lý hoảng loạn do xuất hiện chủng mới là điều không nên. Ông tin giống như virus cúm, loại luôn tiến hóa và yêu cầu tiêm chủng vào mỗi mùa đông, thế giới phải học cách sống chung với nCoV và các biến chủng của nó.

    "Chúng ta không thể sống như thế này mãi, không thể mỗi lần xuất hiện chủng mới ở đâu đó trên thế giới là lại thấy hoảng loạn", ông nói.

    Kennedy Brady và gia đình đang cố tìm một khách sạn ở Johannesburg và hạn chế tiếp xúc với người khác vì lo ngại biến chủng. Họ tìm kiếm những cách khác để rời khỏi Nam Phi với sự hỗ trợ từ gia đình ở Mỹ. Là công dân Mỹ, họ được phép trở về nhưng đang gặp khó khăn để tìm được một chuyến bay.

    Cho tới giờ, cô vẫn cô nghĩ tới những điều tích cực. "Chúng tôi vẫn an toàn, khỏe mạnh và ở bên nhau", cô nói.

    Viethome (theo myLondon)

  • nguoi thu 3 nhiem bien chung omicron

    Thông tin mới đây cho thấy ở UK đã xác định được một trường hợp nữa nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên người này hiện đã xuất ngoại. 

    Người này được xét nghiệm kết quả dương tính với virus Omicron khi ở UK, và đã từng đi đến miền nam châu Phi. Cơ quan An ninh Sức khỏe (UK Health Security Agency - UKHSA) hiện đang truy vết những nơi mà người này đã đến. Cụ thể là khu vực Westminster ở trung tâm London. 

    Nhiều khả năng vài ngày tới sẽ xét nghiệm thêm được nhiều người mắc Omicron nữa, đây cũng là tình hình chung trên toàn thế giới. Hiện những người có liên quan tới 2 trường hợp đầu tiên ở Brentwood, Essex và Nottingham cũng đang được truy vết.

    Theo quy định hiện tại, bất cứ ai đến UK đều phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 2 đặt chân đến UK. Chỉ những công dân Anh và Ireland là được phép đến UK từ các nước nằm trong danh sách đỏ. Họ sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 3 ngày trước khi khởi hành. Sau đó họ phải cách ly 10 ngày trong khách sạn do chính phủ chỉ định, với chi phí hơn 2,000 bảng.

    Từ thứ Ba ngày 30/11, việc đeo khẩu trang ở trong shop và tàu xe công cộng sẽ là bắt buộc tại England. Ở Wales, người dân được khuyên làm việc tại nhà. 

    Dù thế đang run sợ trước biến thể Omicron, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, bà Angelique Coetzee ngày 27/11 cho biết, biến thể Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và không có dấu hiệu gì nổi bật.

    “Biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ như đau cơ và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày và người bệnh sẽ cảm thấy không được khỏe. Cho đến nay chúng tôi phát hiện thấy những người bị nhiễm không bị mất vị giác hoặc khứu giác. Họ có thể bị ho nhẹ và không có triệu chứng gì nổi bật. Nhiều người bị nhiễm có thể điều trị tại nhà”, bà Angelique Coetzee cho biết.

    Quan chức này cho biết thêm, các bệnh viện không bị quá tải do bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron và chủng mới này cũng không được phát hiện ở những người đã tiêm phòng. Tuy vậy, đối với những người chưa tiêm thì vấn đề lại khác.

    “Chúng tôi chỉ biết được điều này sau 2 tuần theo dõi. Đúng là biến thể Omicron rất dễ lây lan nhưng chúng tôi không biết tại sao lại xuất hiện quá nhiều thông tin cường điệu hóa về nó khi chúng tôi vẫn đang nghiên cứu”.

    Bà Angelique Coetzee cũng chỉ trích quyết định của một số nước cấm các chuyến bay từ Nam Phi, cho đây là quyết định quá vội vã trong khi không có đủ thông tin về sự nguy hiểm của biến thể mới.

    Viethome (theo Sky News)

  • xet nghiem pcr bien chung omicron
    Những người từ nước ngoài trở về sẽ phải cách ly cho đến khi nhận kết quả âm tính. Ảnh: Getty

    Bất cứ ai đến England sẽ phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 2 sau khi đến nơi, và tự cách ly 10 ngày cho đến khi nhận kết âm âm tính với virus Covid-19.

    Ông Boris Johnson đã công bố các hạn chế mới sau khi 2 trường hợp nhiễm Omicron được phát hiện ở England. 

    "Sau khi giải trình tự bộ gene đêm qua, Cơ quan An ninh Y tế Anh xác nhận hai ca Covid-19 có đột biến phù hợp với biến chủng Omicron", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm nay cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi đã hành động nhanh chóng và người bị nhiễm đang tự cách ly, trong khi truy vết tiếp xúc tiếp tục diễn ra".

    Một ca được phát hiện tại thành phố Chelmsford, đông bắc London, và một ca ở thành phố Nottingham, miền trung nước Anh. Hai ca nhiễm liên quan đến nhau, trong đó một người đến từ phía nam châu Phi.

    Các nhà khoa học tin rằng Omicron có khả năng chống lại kháng thể và tăng khả năng tái nhiễm ở người đã tiêm 2 mũi vaccine. Hiện nay đeo khẩu trang là quy định bắt buộc ở các shop, cửa hàng bán lẻ và tàu xe công cộng. 

    10 quốc gia châu Phi đã liệt vào danh sách đỏ cấm đi lại với Anh, bao gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Malawi, Mozambique, Zambia và Angola.

    Trước đó, những người đã tiêm 2 mũi thì không phải cách ly dù có tiếp xúc với người nhiễm Covid. Tuy nhiên, hiện nay dù đã tiêm 2 mũi và không tiếp xúc với người bệnh, thì khi đến Anh cũng phải làm PCR và tự cách ly 10 ngày. 

    Các biện pháp tạm thời này sẽ được áp dụng trong 3 tuần, sau đó chính phủ sẽ đánh giá lại tình hình. Khi được hỏi tại sao không áp dụng Plan B (giải pháp chiến lược của UK khi có lây nhiễm diện rộng), ông Johnson cho rằng những biện pháp mới hiện nay là đã đủ ngăn chặn Omicron.

    Ông Johnson cũng tự tin rằng Giáng sinh năm nay sẽ vui hơn Giáng sinh năm ngoái. Trong khi đó, các nhà khoa học Anh tuyên bố rằng một loại vaccine được thiết kế riêng để đối phó với Omicron sẽ được chế tạo trong khoảng 100 ngày tới.

    Tuy nhiên nước Anh cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với hững hạn chế gắt gao hơn nếu tình hình không được kiểm soát. 

    Biến chủng Omicron đã lan rộng khắp châu Âu

    Cơ quan y tế bang Hesse của Đức cũng xác định được ca nghi nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này, là người trở về từ Nam Phi.

    "Biến chủng Omicron rất có khả năng đã đến Đức", Kai Klose, quan chức phụ trách các vấn đề xã hội ở bang Hesse, phía tây nước Đức, đăng Twitter hôm nay.

    Theo Klose, các xét nghiệm đêm 26/11 đối với một người trở về từ Nam Phi cho thấy "một số đột biến điển hình của Omicron". "Vì mức độ nghi ngờ cao nên người này đã được cách ly ở nhà. Quá trình giải trình tự gene đầy đủ đang được hoàn tất", quan chức này cho biết thêm.

    Máy bay chở ca Covid-19 này hạ cánh tại sân bay quốc tế Frankfurt, nơi tấp nập nhất ở Đức. Ca nghi nhiễm biến chủng Omicron xuất hiện khi Đức, quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu (EU), đang vật lộn với đợt bùng phát nghiêm trọng.

    Bỉ là quốc gia châu Âu đầu tiên phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron, là người chưa được tiêm chủng trở về từ Ai Cập ngày 11/11. Hà Lan phát hiện 61 ca Covid-19 trên hai chuyến bay đến từ Nam Phi và đang phân tích thêm để xác định liệu có liên quan biến chủng Omicron.

    Biến chủng mới được phát hiện trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với sự gia tăng ca Covid-19, khi châu lục này một lần nữa trở thành tâm điểm bùng phát. Các cơ quan y tế của Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận châu lục này chịu nguy cơ "cao đến rất cao" trước biến chủng mới.

    Omicron được báo cáo lần đầu ở Nam Phi, một số ca nhiễm khác cũng được ghi nhận tại Botswana, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn ngày 26/11, xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.

    Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee trả lời trên Sputnik rằng biến chủng mới gây triệu chứng nhẹ và chưa được phát hiện ở người đã tiêm chủng ở Nam Phi. Phần lớn ca nhiễm được theo dõi thời gian qua là người trẻ, dưới 40 tuổi.

    Viethome (theo Metro)

  • Gavin Screaton, nhà miễn dịch học tại Đại học Oxford, cho rằng chỉ những người rất bàng quan mới tin nCoV đã hết mánh khóe đột biến sau chủng Delta.

    Lời cảnh báo từ Screaton, người đứng đầu bộ phận khoa học y tế thuộc Đại học Oxford của Anh, được chứng minh trên thực tế, khi giới khoa học thế giới dành cả tuần qua để nghiên cứu về B.1.1.529, biến chủng nCoV mới được phát hiện tại Nam Phi, Botswana và đã xuất hiện tại Hong Kong, Israel.

    B.1.1.529 là biến chủng mới nhất trong số hơn 1.500 nhánh của nCoV xuất hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu, được coi là nguyên nhân khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Nam Phi tăng 12 lần trong chưa đầy một tháng. Tâm lý lo ngại thúc đẩy giới chức nhiều quốc gia đồng loạt phát cảnh báo và áp đặt hạn chế đi lại với nhóm các nước phía nam châu Phi.

    Các nhà khoa học và giới chức y tế luôn cảnh giác cao độ trước câu hỏi lớn rằng liệu có biến chủng nào dễ lây lan và chết chóc hơn, thậm chí kháng vaccine, xuất hiện và lấn át chủng trội Delta hiện nay hay không.

    Virus luôn biến đổi theo thời gian, mỗi lần sao chép lại tạo ra những đột biến mới trên chuỗi gồm 30.000 nucleotide hình thành nên bộ gene của nó. Thông thường, các đột biến sẽ dần mất đi, nhưng mỗi đột biến lại đi kèm với khả năng virus trở nên mạnh hơn, có nguy cơ tạo ra tải lượng virus lớn hơn, bám dính dễ dàng hơn với tế bào trong đường hô hấp, hoặc né tránh được hệ miễn dịch của cơ thể.

    noi lo sieu bien the ncov
    Biển cảnh báo về biến chủng nCoV đáng lo ngại tại Bolton, phía tây bắc Anh, hôm 14/5. Ảnh: AFP.

    Trước khi biến chủng Delta xuất hiện lần đầu từ Ấn Độ, mối đe dọa lớn nhất đến từ biến chủng Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh, với khả năng lây lan nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại hơn 10 biến chủng là "đáng lo ngại" hoặc "đáng quan tâm", gần đây nhất là chủng Mu xuất hiện tại Colombia hồi tháng 1.

    Tháng trước, giới chức Anh bắt đầu theo dõi AY.4.2, một nhánh của biến chủng Delta được cho là có khả năng lây lan cao hơn 10% so với chủng Delta ban đầu. Hai nhánh khác của Delta, được phát hiện gần đây tại Canada và Indonesia, cũng mang những đặc điểm chung với AY.4.2.

    "Sự xuất hiện của biến chủng Alpha và Delta vào cuối năm ngoái phần lớn không gây ngạc nhiên. Mặc dù vậy, virus luôn tìm cách thực hiện động thái tiếp theo", Emma Hodcroft, nhà di truyền học tiến hóa tại Đại học Basel của Thụy Sĩ, cho biết.

    Trước khi vaccine được triển khai, virus đối mặt "môi trường miễn dịch đơn giản hơn", nơi hầu hết mọi người đều dễ nhiễm, nên tập trung vào khả năng lây truyền là "cách chiến thắng dễ dàng nhất", Hodcroft giải thích.

    Giờ đây, với hơn 53% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và thêm khoảng 30 triệu liều được tiêm mỗi ngày, nước đi tiếp theo của virus sẽ "tinh vi hơn". "Chúng có thể trở nên dễ lây lan hơn hoặc tìm cách lọt qua hệ miễn dịch, hoặc bao gồm cả hai đặc điểm đó", bà nhận định.

    Một số nhà khoa học đánh giá mức độ lây nhiễm của nCoV đã đạt đỉnh với chủng trội Delta. Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền thuộc Đại học London, cho biết hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) cao nhất của các virus corona đặc hữu lưu hành trước khi nCoV xuất hiện là 7, sau nhiều thập kỷ chọn lọc tự nhiên.

    Do hệ số R0 của Delta là 6-7, hơn gấp đôi so với chủng gốc tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, biến chủng này có lẽ "không có nhiều cơ hội để trở nên dễ lây nhiễm hơn trong ngắn hạn", Balloux đánh giá. Ông dự đoán nCoV sẽ dần tiến hóa với mục tiêu nhắm đến là hệ miễn dịch, quá trình có thể kéo dài cả thập kỷ, thay vì không ngừng hướng đến khả năng lây lan. Bệnh cúm cũng có quá trình tiến hóa kéo dài như vậy.

    Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn nơm nớp với kịch bản virus đột biến bất ngờ, khiến nỗ lực ứng phó toàn cầu và chiến dịch tiêm chủng hiện nay đi chệch hướng. Biến chủng B.1.1.529 làm dấy lên lo ngại vì lý do này, bởi nó có tới 32 đột biến trong protein gai, phần cấu tạo giúp virus xâm nhập vào tế bào của người, dẫn đến nguy cơ nó có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch và lây lan nhanh hơn.

    "Mối lo ngại là khi có quá nhiều đột biến, cách thức hoạt động của virus có thể bị tác động", tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, hôm 25/11 nói về biến chủng B.1.1.529.

    Tulio de Oliveira, giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch bệnh tại Nam Phi, bày tỏ lo ngại về biến chủng mới khi nó chiếm tới 90% trong khoảng 1.100 ca nhiễm mới được ghi nhận ở tỉnh Gauteng hôm 24/11. Ông chỉ ra điều bất thường là biến chủng có thể được phát hiện thông qua phân tích kết quả xét nghiệm PCR, không cần giải trình tự gene.

    "Câu hỏi chủ chốt cần được giải đáp là ảnh hưởng của biến chủng này đối với các loại vaccine Covid-19", Oliveira nói thêm.

    Nhưng ngay cả khi B.1.1.529 dần biến mất, các biến chủng khác vẫn có khả năng trỗi dậy. Venky Soundararajan, nhà khoa học trưởng tại công ty phân tích dữ liệu Nference, lo ngại rằng chiến dịch tiêm chủng có thể khiến virus "lâm vào bước đường cùng" và không còn cách nào khác ngoài tiến hóa để tìm cách lọt qua hệ miễn dịch.

    "Vaccine giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm và bệnh trở nặng, nhưng nghịch lý là cũng khiến chúng ta ngày càng cần theo dõi những đột biến vô cùng đặc biệt có thể né tránh hệ miễn dịch", Soundararajan nhận định.

    Mặc dù không ai chắc chắn chủng trội mới có thể xuất hiện ở đâu và khi nào, giới khoa học nhất trí rằng Delta sẽ không chiếm ưu thế mãi mãi. Kevin McCarthy, giáo sư di truyền học vi sinh tại Đại học Pittsburgh của Mỹ, cho rằng quá trình tiến hóa của nCoV "đang gần đến đỉnh điểm", sau đó lo ngại sẽ dồn về một biến chủng thoát được hệ miễn dịch.

    "Tôi nghĩ virus có khả năng sẽ biến đổi và làm suy yếu hiệu quả của vaccine. Nếu virus đối mặt với hai lựa chọn là tiến hóa hoặc tuyệt chủng, nó sẽ tiến hóa", McCarthy đánh giá.

    VnExpress (theo Financial Times)

  • Omicron khiến giới khoa học lo ngại vì số đột biến "chưa từng có", trong khi nhiều chuyên gia cho rằng biến chủng này còn nhiều bí ẩn cần giải đáp.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 tuyên bố B.1.1.529 là biến chủng "đáng lo ngại" và đặt tên nó là Omicron. Biến chủng này xuất hiện lần đầu tại Botswana, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần.

    Điều khiến giới khoa học lo ngại nhất về Omicron là số đột biến của nó. nCoV liên tục đột biến, hàng loạt biến chủng của nó đã trỗi dậy trong hai năm qua, nhưng phần lớn không làm thay đổi đáng kể hành vi và mức độ gây bệnh của nó.

    Nhưng lần này, tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown của Mỹ, cho rằng Omicron "hành xử rất khác" và "có vẻ có khả năng lây lan còn cao hơn cả Delta".

    bien chung omicron nguy hiem hon ca delta
    Hình ảnh virus nCoV được phân lập ở một bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: Reuters.

    Phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.

    "Đây là phiên bản virus đột biến nhiều nhất mà chúng ta thấy cho tới nay", nhà virus học Lawrence Young, giáo sư chuyên ngành ung thư phân tử tại Trường Y Warwick ở Anh, cho biết. "Omicron chứa một số thay đổi chúng ta từng thấy ở các biến chủng khác, nhưng chưa từng có loại virus nào hội tụ hết các đặc điểm đó. Nó thậm chí còn có những đột biến mới".

    Theo Young, biến chủng này "rất đáng lo ngại" bởi những virus có số đột biến cao bất thường có thể dễ lây lan hơn, thậm chí né tránh miễn dịch và vô hiệu hóa vaccine.

    Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Anh, cũng nhận định số đột biến trên protein gai của Omicron là "chưa từng có tiền lệ". "Protein gai trên virus chính là mục tiêu của phần lớn vaccine Covid-19 hiện nay", giáo sư Ferguson giải thích. "Bởi vậy chúng tôi lo ngại rằng biến chủng này có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn so với những chủng trước đây".

    Nỗi lo lắng về Omicron đã thúc đẩy hàng loạt quốc gia siết hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đánh giá "nguy cơ cao tới rất cao" biến chủng sẽ lây lan khắp lục địa này.

    Tuy nhiên, một số chuyên gia dịch tễ cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron có nguy hiểm hơn các biến thể hiện tại hay không, bởi biến chủng này vẫn còn quá mới và còn quá nhiều bí ẩn.

    "Nó là biến chủng đáng lo ngại, đồng nghĩa chúng ta sẽ phải nâng cấp ứng phó. Nhưng không nên vội vàng kết luận nó sẽ trở thành vấn đề", tiến sĩ Chris Smith, nhà virus học lâm sàng Đại học Cambridge, Anh nói.

    Ông thêm rằng hiện chưa có cơ sở nào đảm bảo Omicron sẽ là một Delta khác hoặc nguy hiểm hơn Delta. "Tôi chỉ muốn trấn an mọi người rằng ở giai đoạn này, chúng ta chưa biết nhiều thông tin, ngoài việc nó đã được phát hiện", ông nói.

    Smith chia sẻ Omicron đã được phát hiện ở một số nơi và lan rộng "một chút", nhưng quy mô lây lan của biến chủng chưa được xác định rõ. Câu hỏi liệu nó có làm suy yếu khả năng bảo vệ của vaccine, có nguy cơ lây lan cao hơn và gây bệnh nặng hơn hay không cũng chưa có đáp án.

    "Hiện tại, chúng ta không biết", ông nói.

    Nhiều nhà khoa học chia sẻ quan điểm với Smith, khi cho rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định chắc chắn về tác động của Omicron với hiệu quả của các loại vaccine hiện có. Họ nhấn mạnh cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định mức độ nghiêm trọng của Omicron so với các biến chủng trước.

    William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trừng Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cho rằng nhiều biến chủng trước đây cũng từng gây lo ngại tương tự, nhưng chúng sau đó đều gây ra rất ít tác động, ngoại trừ Delta.

    "Giới dịch tễ học đang tìm cách nói rằng: 'Hượm đã nào, mọi người'", Hanage nói. "Biến chủng này có thể trở nên tồi tệ, thậm chí rất tệ. Nhưng chúng ta chưa biết đủ nhiều để khẳng định chắc nịch như vậy".

    Các nhà khoa học cũng cảnh báo không nên vội vàng kết luận nguồn gốc của Omicron từ Botswana hay Nam Phi, dù những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở đây.

    Nghiên cứu sự khác biệt về mã di truyền sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa về những bí ẩn của Omicron, theo Smith.

    "Giờ đây, tất cả virus đều có những thay đổi về mặt di truyền, chúng đều khác nhau theo một cách nào đó và trong nhiều trường hợp, các đột biến lớn không tạo ra khác biệt nào trong hành vi của virus. Chúng chỉ là những thay đổi thầm lặng", ông cho hay.

    Tuy nhiên, Smith khuyến nghị giới khoa học nên tập trung vào những đột biến ở protein gai của Omicron, vốn là vũ khí quyết định mức độ lây lan và gây bệnh nặng của virus. Các nhà khoa học sẽ chú trọng nghiên cứu kỹ 32 đột biến trên protein gai của Omicron để xác định chúng tác động thế nào tới virus.

    "Tôi đảm bảo những nghiên cứu đó đang được tiến hành trong phòng thí nghiệm ở nhiều nơi ngay bây giờ", tiến sĩ Smith nói.

    Giáo sư Michael Baker của Đại học Otago, New Zealand, cho rằng "sẽ là thảm họa" nếu thế giới xuất hiện một biến thể có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các loại vaccine hiện nay, nhưng nhận định khả năng này rất khó xảy ra.

    Giáo sư miễn dịch học Miguel Quinones-Mateu của Đại học Otago đồng tình với Baker.

    "Đây có phải là điều mà tất cả chúng ta lo sợ? Một biến chủng nguy hiểm hơn, mức độ lây truyền cao hơn và tránh né được vaccine? Tôi nghĩ rất khó để một virus tiến hóa có đủ bộ ba đặc điểm này", ông nói, nhưng cảnh báo nguy cơ này vẫn có thể xảy ra trong tương lai.

    Giới khoa học cho hay bản chất của virus là luôn luôn biến đổi và nCoV cũng vậy. Nó sẽ tiếp tục biến đổi cho tới khi không còn thay đổi hơn được nữa.

    "Theo lý thuyết tiến hóa, một loại virus rất nguy hiểm sẽ tự hủy hoại mình nếu giết sạch vật chủ, bởi khi đó nó sẽ không còn vật chủ để lây truyền", Smith nói. "Virus không có suy nghĩ, cảm xúc hay mong ước, nhưng chúng ta có thể nói điều nó muốn là lây lan càng rộng càng tốt với số lượng nhiều nhất có thể. Nó không thể làm được điều đó nếu giết hết vật chủ".

    Do đó, Smith cho rằng virus và vật chủ của chúng sẽ học cách cùng tiến hóa và tồn tại. "Điều này đã xảy ra suốt hàng triệu năm qua", ông nói.

    VnExpress (Theo CNN, BBC, Radio New Zealand)

  • Đức và Italy thông báo ghi nhận những ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên, Hà Lan và Đan Mạch phát hiện các trường hợp nghi nhiễm khi nhập cảnh.

    Cơ quan y tế bang Bavaria, miền nam Đức, hôm nay ghi nhận hai ca nhiễm biến chủng Omicron là người nhập cảnh tại sân bay Munich hôm 24/11, trước khi Nam Phi công bố thông tin về chủng virus này. Tuy nhiên, giới chức không cho biết họ có đến từ Nam Phi hay không. Cả hai người đã tự cách ly và chủ động thông báo cho giới chức sau khi nghe thông tin về biến chủng Omicron.

    Cơ quan y tế Bavaria khuyến cáo người từng đến Nam Phi trong 14 ngày cần hạn chế tiếp xúc, thực hiện xét nghiệm PCR và liên hệ với giới chức địa phương. "Bang Bavaria đã phản ứng sớm và nhanh chóng với biến chủng mới nhất. Cần làm mọi thứ để ngăn nó lây lan", phát ngôn viên cơ quan y tế bang cho hay.

    bien chung omicron lay lan chau au
    Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tại sân bay Muenster Osnabruck, miền bắc Đức, hôm 26/11. Ảnh: AFP.

    50 người xuất phát từ Cape Town, Nam Phi, hôm 26/11 đang được cách ly tại bang Bavaria. Hai hành khách nước ngoài trong số này đã xét nghiệm dương tính nCoV và đang được điều tra có nhiễm chủng Omicron hay không.

    Quan chức bang miền đông Hesse trước đó cũng thông báo một ca nghi nhiễm chủng Omicron trong những hành khách đến từ Nam Phi. Truyền thông Đức cho biết trường hợp này nhập cảnh cuối tuần trước và đã tiêm chủng đầy đủ.

    Đức hôm nay xếp Nam Phi vào danh sách khu vực có biến chủng virus, khiến các hãng hàng không chỉ được đưa công dân Đức từ Nam Phi trở về nước. Những người đã tiêm vaccine Covid-19 cũng phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.

    Viện Y tế Quốc gia Italy (ISS) hôm qua cũng phát hiện một ca nhiễm biến chủng Omicron sau khi giải trình tự gen của một hành khách trở về từ Mozambique, cho biết người này và gia đình vẫn trong trạng thái sức khỏe tốt.

    Bệnh viện thành phố Liberec, miền bắc Cộng hòa Czech, hôm 27/11 xác nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là một nữ bệnh nhân từng ở Namibia và trở về nước sau khi quá cảnh tại Nam Phi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

    "Các đồng nghiệp của tôi tại cơ quan phân tích gen xác nhận với tỷ lệ tới 90% sau khi phân tích trình tự gen. Địa điểm xuất phát và tình huống di chuyển khiến chúng tôi kết luận sự xuất hiện của chủng mới", phát ngôn viên bệnh viện Vaclav Ricar nói, thêm rằng mẫu xét nghiệm sẽ được chuyển cho viện nghiên cứu quốc gia để xác nhận.

    Bộ Y tế Đan Mạch thông báo nước này nhiều khả năng đã tìm thấy chủng Omicron trong hai người trở về từ Nam Phi. "Giới chức có cơ sở để nghi ngờ rằng đây là hai ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Đan Mạch", Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nói.

    Tuy nhiên, các trường hợp này chỉ được xác nhận sau khi hoàn tất giải trình tự gen trong vài ngày tới.

    Viện Sức khỏe Hà Lan (RIVM) nhận định có những ca nhiễm biến chủng Omicron trong 61 trường hợp dương tính nCoV trên hai chuyến bay từ Nam Phi đáp xuống sân bay Schiphol hôm 26/11.

    Phát ngôn viên RIVM cho biết cơ quan này "gần như chắc chắn" một số ca dương tính đã mang biến chủng mới, nhưng sẽ cần kiểm tra thêm để bảo đảm chính xác. Giới chức từ chối cho biết có bao nhiêu ca nghi nhiễm chủng Omicron trong số người dương tính nCoV.

    Biến chủng B.1.1.529 được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn sau đó hai ngày và đổi tên biến chủng này thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.

    Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và có cần điều chỉnh vaccine Covid-19 hiện tại hay không.

    Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

    Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

    Israel dự kiến cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ đêm 28/11, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập.

    VnExpress (theo Reuters, AFP)

  • deo khau trang bien the omicron
    Nhiều biện pháp đang được triển khai nhằm ngăn chặn biến thể Omicron ngay từ trong trứng nước. Ảnh: Getty Images/Reuters

    Thủ tướng Boris Johnson cho biết quy định đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện công cộng sẽ được thắt chặt. Ông đã ra tuyên bố trong cuộc họp tại số 10 phố Downing trước nguy cơ chủng mới Omicron lây lan tới Anh quốc. 

    Hiện chưa rõ quy định này sẽ được ''thắt chặt'' như thế nào và việc giám sát sẽ tiến hành ra sao. Phóng viên Nick Martin của Sky News thì cho rằng: ''Trọng điểm hiện tại là các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ công cộng. Bạn sẽ phải đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng và trên tàu xe công cộng. Sắp tới Bộ trưởng Y tế Sajid Javid sẽ công bố chi tiết hơn''.

    Trang Twitter của Thủ tướng có viết: ''Khẩu trang là bắt buộc trên phương tiện công cộng và các shop. Nhưng không bao gồm khách sạn''.

    Ông Johnson cũng yêu cầu bất cứ ai đặt chân đến England phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 2 sau khi trở về, và phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính. 

    Biến thể Omicron được mô tả là biến chủng nguy hiểm nhất, có chứa rất nhiều đột biến mà các nhà khoa học tin là có khả năng kháng thể và dễ lây lan gấp nhiều lần so với Delta. 

    Trong một nỗ lực chạy đua với thời gian trước khi biến thể này lây lan rộng ở Anh quốc, chính phủ đã liệt 6 quốc gia châu Phi vào danh sách cấm di chuyển đến England. 

    Những ai đến từ các quốc gia này phải cách ly trong những khách sạn được chính phủ chỉ định. Mới đây là 6 quốc gia bao gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Namibia, nhưng hiện nay đã thêm 4 nước Malawi, Mozambique, Zambia và Angola bị liệt vào danh sách đỏ.

    Tuy nhiên, thật đáng buồn khi hôm qua 27/11, đã có 2 trường hợp bị xác định dương tính với Omicron tại UK. 

    "Sau khi giải trình tự bộ gene đêm qua, Cơ quan An ninh Y tế Anh xác nhận hai ca Covid-19 có đột biến phù hợp với biến chủng Omicron", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm nay cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi đã hành động nhanh chóng và người bị nhiễm đang tự cách ly, trong khi truy vết tiếp xúc tiếp tục diễn ra".

    Một ca được phát hiện tại thành phố Chelmsford, đông bắc London, và một ca ở thành phố Nottingham, miền trung nước Anh. Hai ca nhiễm liên quan đến nhau, trong đó một người đến từ phía nam châu Phi.

    Tại cuộc họp cấp bách với chính phủ, ông Johnson nói: ''Giai đoạn đầu này còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về biến chủng mới, vì vậy phải hành động thật nhanh và sớm''.

    ''Mỗi giờ trôi qua các nhà khoa học đều cố gắng hiểu hơn về biến thể này nhưng Omicron lây lan rất nhanh, kể cả ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine''.

    ''Điều cấp thiết bây giờ là phải làm chậm tốc độ lây lan của virus, để các nhà khoa học có thêm thời gian nghiên cứu, và giúp nhiều nhiều người được tiêm vaccine hơn. Chúng ta đang chạy đua với thời gian''.

    Dù hiệu quả của các vaccine hiện tại đối với Omicron là chưa rõ, nhưng ông Johnson tin rằng ít nhất chúng ta cũng có một lớp bảo vệ. 

    Hiện Ủy ban tiêm chủng Joint Committee on Vaccination and Immunisation (JCVI) sẽ đẩy mạnh tiêm mũi 3, cũng như rút ngắn thời gian giữa mũi 2 và mũi 3.

    Viethome (theo Metro)

  • bien the omicron 1

    Ông Boris Johnson sẽ công bố nhiều lệnh cấm đi lại vào dịp Giáng sinh nhằm tránh cho Vương quốc Anh bị rơi vào nguy cơ phong tỏa, sau khi có nhiều lo ngại khẩn cấp về biến thể Omicron (tên chính thức của biến thể B.1.1.529)

    Tuần này, Anh quốc đã liệt Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Namibia vào danh sách đỏ cấm đi lại. Tối qua, một trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở châu Âu đã xuất hiện tại Bỉ.

    Nhiều quốc gia khác có thể sẽ bị cấm đi lại với Anh, hàng triệu người có thể bị buộc phải hủy kế hoạch du lịch mùa đông này. 

    ''Giáng sinh năm nay đang xuất hiện một câu hỏi lớn. Danh sách đỏ chắc chắn sẽ mở rộng và đây sẽ là một đòn nặng giáng vào ngành công nghiệp hàng không và du lịch'', một nguồn tin nói với The Times. 

    Giới chức Nam Phi thì cho rằng lệnh cấm bay mà các nước áp đặt là quá vội vã. Tuy nhiên Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã tuyên bố trước Hạ viện rằng Chính phủ sẽ không ''chậm trễ hành động nếu điều đó là cần thiết''. 

    Các bộ trưởng đã thề sẽ ngăn ngừa nguy cơ phong tỏa tại nhà bằng mọi giá, kể cả nếu điều đó buộc họ phải giáng một đòn đau xuống ngành du lịch.

    Những công dân Anh đang mắc kẹt tại các quốc gia Nam Phi kể trên đang gấp rút trở về trước 4h sáng ngày Chủ nhật (28/11) để tránh phải mất hàng ngàn bảng cách ly tại khách sạn trong 10 ngày. 

    bien the omicron 1
    Người trở về từ Nam Phi đang xếp hàng test Covid sau khi bị giữ lại tại đường bay ở sân bay Schiphol, Hà Lan. Ảnh: Reuters

    Châu Âu, Mỹ, Canada và Nga đã áp lệnh cấm bay đối với một số quốc gia châu Phi. Tổng thống Joe Biden tuyên bố: ''Tôi tin rằng chúng ta phải thận trọng do sự lây lan thần tốc của biến thể Omicron''. 

    Trong khi đó, WHO đã cảnh báo các nước không nên hành động thái quá trước biến thể mới, các nhà khoa học cũng khuyên công chúng nên bình tĩnh.

    Biến thể Omicron (tên gọi ban đầu là B.1.1.529) được phát hiện lần đầu tiên ở Nam phi, sau đó lại xuất hiện ở Botswana, Hong Kong, Israel và Bỉ.

    "Lệnh cấm đi lại sẽ không thể ngăn cản Omicron lây lan tới UK", nhà miễn dịch học và thành viên hội đồng vaccine chính phủ, Sir John Bell cho biết, "tuy nhiên các lệnh hạn chế sẽ giúp giảm số ca dương tính trong kỳ nghỉ lễ, giúp bảo vệ NHS''.

    Các hãng dược đang gấp rút chạy đua với thời gian để nâng cấp những vaccine hiện có. Đại học Oxford đang tiến hành nghiên cứu những nơi mà virus được ghi nhận để tiến hành chỉnh sửa AstraZeneca.

    Một số nhà khoa học cảnh báo biến chủng mới có thể chiến thắng hệ miễn dịch, tuy nhiên giới chuyên gia cũng tin rằng Omicron sẽ không thể đẩy nước Anh trở lại bế tắc và quá tải như trước đây, vì phần đông dân chúng đã được tiêm vaccine. Các vaccine hiện có được cho là vẫn hữu hiệu với biến thể mới.

    Bài liên quan: Anh gấp rút áp hạn chế vì biến chủng ''tồi tệ nhất'' hơn cả Delta

    Viethome (theo Metro)