Vấp phải sự phản đối gay gắt từ các thành viên trong chính phủ, Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định dừng bước, khép lại gần 3 năm cầm quyền với hàng loạt vụ việc gây tranh cãi.
Mở đầu bài phát biểu trước Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing, London, ông Boris Johnson (58 tuổi), nói "xin chào" một cách vui vẻ.
"Rõ ràng ý nguyện của đảng Bảo thủ là cần phải có một lãnh đạo mới trong đảng, do đó sẽ có thủ tướng mới", ông cho biết. "Thời gian bầu lãnh đạo mới của đảng sẽ được công bố vào tuần tới".
Hôm 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, sau khi hơn 50 quan chức nội các rời đi. Dù vậy, ông vẫn sẽ giữ cương vị thủ tướng Anh cho đến khi đảng Bảo thủ tìm được người kế nhiệm.
Quyết định của ông Johnson được đưa ra sau 48 giờ đầy biến động trên chính trường Anh, bắt đầu vào tối 5/7 với bức thư từ chức của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid.
Việc từ chức đột ngột kết thúc một nhiệm kỳ đầy giông bão của ông Johnson, mở đầu với chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử cách đây ba năm và thành công khi tách Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Nhưng những điều đó đã sụp đổ dưới sức nặng của một loạt vụ bê bối, New York Times đánh giá.
Keir Starmer, người đứng đầu đảng Lao động đối lập, cho biết đây là "tin tốt cho đất nước khi ông Boris Johnson từ chức", nhưng nói thêm: "Điều này đáng lẽ đã xảy ra từ lâu".
Người biểu tình phản đối Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London. Ảnh: Reuters.
Sóng gió ập đến chính trường Anh
Thủ tướng Anh đã phải hứng chịu đòn giáng mạnh mẽ về chính trị, khi bị hàng loạt nhà lập pháp trong đảng của mình quay lưng chỉ trong thời gian ngắn.
Hôm 5/7, hai bộ trưởng quan trọng nhất của nội các - Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid - đã tuyên bố từ chức, mở màn cho cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất của nước Anh.
“Tôi trung thành phụng sự ông (Johnson) như một người bạn, nhưng tất cả chúng ta trước hết đều phụng sự đất nước. Khi phải lựa chọn giữa những sự trung thành đó, chỉ có thể có một câu trả lời”, ông Sajid Javid nói.
Kể từ cuối năm 2021, ông Johnson đã phải vật lộn với một loạt báo cáo về việc tổ chức tiệc ở phố Downing trong thời gian Anh phong tỏa phòng dịch Covid-19.
Làn sóng chỉ trích nhà lãnh đạo Anh tiếp tục lên đến đỉnh điểm sau khi ông thăng chức cho nhà lập pháp đảng Bảo thủ Chris Pincher, người đã có hành vi say xỉn và quấy rối hai người đàn ông khác tại một club ở London.
Đến ngày 5/7, phố Downing thừa nhận ông Johnson đã được báo cáo về những cáo buộc này - điều mà ông từng nói dối rằng bản thân không biết.
Sự ủng hộ dành cho ông Johnson đã nhanh chóng biến mất trong những giờ phút biến động nhất của lịch sử chính trị Anh.
Ngay khi phiên chất vấn thủ tướng diễn ra vào ngày 6/7, một phái đoàn, gồm “những người đàn ông mặc vest xám”, đã đứng chờ trước căn nhà số 10 phố Downing để nói với ông Johnson rằng mọi thứ đã kết thúc.
Chưa đầy hai ngày sau khi được thủ tướng bổ nhiệm, Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi cũng kêu gọi ông Johnson từ chức ngay.
Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi tại số 10 phố Downing, ở London. Ảnh: Reuters.
Priti Patel - Bộ trưởng Nội vụ Anh - nói rằng đã đến lúc ông Johnson phải rời đi. Trong khi đó Grant Shapps - Bộ trưởng Giao thông Anh - cảnh báo thủ tướng đang mất dần sự ủng hộ và có nguy cơ thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thứ hai.
Ban đầu, nguồn tin của Guardian cho biết ông Johnson vẫn “ngang ngạnh" khẳng định không từ chức.
“Ông ấy nói rằng: ‘Chỉ hai năm trước, hàng triệu người đã bỏ phiếu cho tôi, vì vậy, tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Tôi không thể chỉ kết thúc như vậy’", nguồn tin cho biết.
Các nguồn tin khác cũng cho hay không ai có thể làm gì để thuyết phục ông Johnson. Bộ trưởng Gove từng chia sẻ thẳng thắn với thủ tướng Anh rằng đảng Bảo thủ đã mất niềm tin vào ông.
Ông thúc giục ông Johnson tự mình từ chức. Với giọng điệu nghiêm trọng, bộ trưởng Anh cam kết thêm rằng ông sẽ không đứng ở vị trí đối lập với nhà lãnh đạo và không tham gia bất cứ chiến dịch chính trị nào.
Thế nhưng, không chấp nhận lời khuyên này, Thủ tướng Johnson đã giáng cho ông Gove “quả bom hạt nhân". Ngay tối hôm đó, Bộ trưởng Michael Gove bị sa thải.
Trong bối cảnh như vậy, đối với ông Hart, người đã từ chức một giờ sau đó, mọi thứ là quá đủ. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xứ Wales nói thêm rằng ông từng “hy vọng" mình sẽ không phải viết lá đơn này.
Phiên điều trần kỳ lạ
Hôm 6/7, các chính trị gia - nhiều người giờ chỉ còn là cựu bộ trưởng - cho biết họ rất kinh ngạc khi ông Johnson vẫn tiến hành phiên điều trần.
Vào thời điểm bước vào phiên điều trần, ông Johnson đã nhận được thông báo mới từ 11 nghị sĩ nói rằng họ không thể ủng hộ ông. Hai người nữa đã từ chức trong khi thủ tướng Anh đứng phát biểu trong phòng.
Thế nhưng, mặc kệ những câu hỏi đặt ra về việc liệu nhiệm kỳ thủ tướng có kết thúc vào cuối phiên điều trần hay không, ông Johnson vẫn tiếp tục thảo luận về Ukraine và chi phí sinh hoạt.
“Điều này thật kỳ cục”, một thành viên ủy ban nhắn tin từ phòng họp. "Ai quan tâm những gì ông ấy nghĩ về điều này".
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong phiên điều trần tại Hạ viện ngày 6/7. Ảnh: Reuters.
Ông Johnson đã tỏ ra điềm đạm và mỉm cười khi nói chuyện với các nghị sĩ có khuôn mặt như tiền, nhưng ông dường như cũng lo lắng, và có phần “chao đảo" khi trả lời câu hỏi của họ.
Chủ tịch Ủy ban Giao thông Quốc hội Huw Merriman đã gửi thư bất tín nhiệm đến thủ tướng ngay khi ngồi đối diện với ông trong phòng.
Không chỉ vậy, khi thủ tướng Anh đưa ra những câu trả lời “thách thức", các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong ủy ban đã lắc đầu, truyền ghi chú và cho nhau xem màn hình điện thoại khi đơn từ chức liên tục được gửi đến.
Nghị sĩ Tobias Ellwood cho biết đó là "thời điểm kỳ lạ nhất trong sự nghiệp chính trị” của ông.
Ngay sau bài phát biểu của cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid, hàng loạt nghị sĩ thậm chí đã hô to “Tạm biệt, Boris!”, trực tiếp ngắt lời của người chủ trì phiên họp của hạ viện chất vấn thủ tướng.
Câu hỏi về người kế nhiệm
Đến sáng 7/7, hàng loạt đơn từ chức vẫn tiếp tục đổ về, chính phủ Anh phải đối mặt với nguy cơ tê liệt và không có ai sẵn sàng tiếp nhận các vị trí trống.
"Mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn: đối với ông, đối với đảng Bảo thủ và quan trọng nhất là với cả nước", ông Zahawi viết trong một bức thư đăng trên Twitter. “Thủ tướng, trong thâm tâm ông biết điều đúng đắn cần làm là gì và hãy rời đi ngay bây giờ”.
Trước sức ép ngày càng lớn, cuối cùng ông Johnson đã thỏa hiệp. Với việc ông sẵn sàng từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, tâm điểm chú ý hiện nay tập trung vào người sẽ kế nhiệm vị trí này.
Ít nhất hai chính trị gia - Bộ trưởng Tư pháp Anh và xứ Wales Suella Braverman và cựu Bộ trưởng Brexit Steve Baker - đã bày tỏ ý định tranh cử chức vụ này.
“Có nhiều người khẩn nài tôi ứng cử, nên tôi đã nghĩ về việc này một cách nghiêm túc”, ông Baker nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/7 với Guardian.
Trong khi đó, Telegraph đánh giá ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ vào thời điểm này là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak - chính trị gia thường được coi là “người kế vị tự nhiên” của ông Johnson.
Các chính trị gia tiềm năng khác bao gồm ông Javid, Ngoại trưởng Liz Truss, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, cựu Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt, tân Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi hay Phó thủ tướng Dominic Raab.
Mới đây, Nghị sĩ đảng Bảo thủ Steve Brine nói với BBC rằng ông đã thảo luận với các đồng nghiệp và có một "quan điểm nhất trí" rằng việc ông Johnson tiếp tục làm thủ tướng cho đến mùa thu không chắc chắn.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chỉ đơn giản tổ chức một cuộc đua với 20 ứng cử viên có sẵn. Chúng ta cần những người nghiêm túc trong việc trở thành thủ tướng tiếp theo và làm việc một cách đáng tin cậy”.
Tại cuộc bầu cử cuối cùng vào năm 2019, các ứng cử viên cần ít nhất 5% số nghị sĩ đề cử để có quyền được bỏ phiếu trong vòng đầu tiên. Với quy mô hiện tại của đảng Bảo thủ, ngưỡng 5% có nghĩa là các ứng cử viên cần có sự ủng hộ của 18 nghị sĩ mới được đề cử.
Theo Zing