• Ông Joe Biden đã thành công trong lần thứ ba tranh cử tổng thống. Ở tuổi 78, người đàn ông đã trải qua những thời điểm bi kịch nhất của cuộc đời, giờ đây bước vào Nhà Trắng với thông điệp đoàn kết và hàn gắn.

    bi kich biden

    Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên sau khi được các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin, Tổng thống tân cử Joe Biden đã nhấn mạnh thông điệp hàn gắn nước Mỹ. 

    Kỳ bầu cử vừa qua cho thấy một nước Mỹ phân cực sâu sắc, số cử tri đi bỏ phiếu cao nhất lịch sử. Cử tri ủng hộ hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden thể hiện những kỳ vọng khác nhau. Quan điểm chính sách của từng ứng viên cũng rất khác biệt. 

    Do đó, ông Biden khi tiếp quản Nhà Trắng sẽ đứng trước thách thức lớn để đoàn kết và hàn gắn nước Mỹ, như chính cam kết đầu tiên ông đưa ra vào sáng 8.11 (giờ Việt Nam). 

    "Hãy giữ vững niềm tin" - đó là chia sẻ của ông Biden khi kết thúc bài phát biểu. Thông điệp của ông Biden gợi nhắc tới hành trình đứng dậy sau nhiều lần nếm trải thất bại và nỗi đau, tưởng như không thể vượt qua. Ở tuổi 78, ông ra tranh cử tổng thống với khẩu hiệu xuyên suốt: Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn), như cách ông vượt qua và "xây dựng lại" cuộc đời nhiều bi kịch của mình.

    Chuỗi bi kịch cuộc đời

    Sinh ra và lớn lên tại thành phố Scranton, bang Pennsylvania với cư dân chủ yếu là tầng lớp lao động, ông Biden từ nhỏ phải học cách thích nghi với hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi thường xuyên phải chuyển chỗ ở. Từ nhỏ, Biden hay bị bạn bè bắt nạt và châm chọc vì tật nói lắp. Tuy nhiên, sự cứng rắn, kiên trì mà cậu nhóc Biden học được từ người cha, người buôn xe hơi cũ lúc đó đang sa cơ, đã giúp ông vượt qua những khó khăn. “Thước đo đối với một người đàn ông không phải là anh ta bị đánh gục bao nhiêu lần, mà là cách anh ta đứng dậy nhanh như thế nào”, ông Biden nhớ lại lời cha dạy.

    “Thước đo đối với một người đàn ông không phải là anh ta bị đánh gục bao nhiêu lần, mà là cách anh ta đứng dậy nhanh như thế nào”

    Tính cách đó đi theo ông trong suốt con đường trưởng thành và sự nghiệp chính trị sau này. Con đường chính trị của Biden khởi đầu vào năm 1970 khi ông gia nhập đảng Dân chủ và đắc cử vào Hội đồng quận New Castle một năm sau đó. Năm 1972, ông Biden được các thành viên đảng Dân chủ vận động tranh cử ghế thượng nghị sĩ tại bang Delaware. Trước đối thủ sừng sỏ của đảng Cộng hòa J. Caleb Boggs với 12 năm làm thượng nghị sĩ và được Tổng thống Richard Nixon ủng hộ, ông Biden gần như không có mảy may cơ hội nào. Tuy nhiên, với ban quản lý chiến dịch toàn là thành viên trong gia đình, gương mặt non trẻ đó bất ngờ giành chiến thắng vang dội. Ông Biden trở thành một trong số những thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử Mỹ.

    Khi sự nghiệp chính trường còn chưa bắt đầu, bi kịch đầu tiên bất ngờ ập đến với gia đình ông Biden. Ngày 18.12.1972, người vợ Neilia và cô con gái chỉ mới 1 tuổi Naomi thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Vụ tai nạn còn khiến 2 đứa con trai còn lại của ông, Beau và Hunter, bị thương nặng.

    Thời điểm đó, ông sắp đặt chân vào thượng viện nhưng bi kịch gia đình khiến ông suýt gục ngã và định từ bỏ cả vị trí mới đạt được. Sau khi được an ủi, ông Biden quyết định bước tiếp và tuyên thệ nhậm chức ngay bên cạnh giường bệnh của con. Dù vậy, bi kịch khiến ông Biden suy sụp một thời gian dài sau đó, đến mức các nhân viên của ông còn đặt cược với nhau xem ông sẽ trụ lại được bao lâu. Biden quyết định ở cạnh các con và mỗi ngày dành tổng cộng 180 phút để đi tàu Amtrak cả đi và về từ nhà ở Wilmington đến Washington D.C làm việc trong suốt thời gian làm thượng nghị sĩ và kể cả sau đó là phó tổng thống. Trừ đi những ngày không làm việc, tổng thời gian ông Biden dành ra để đi làm trên tàu Amtrak tương đương với 4 năm cuộc đời và người ta đặt cho ông biệt danh là “Amtrak Joe”.

    Ông Biden “gà trống nuôi con” trong suốt 5 năm và để tưởng nhớ đến người vợ và cũng là bạn đồng môn trường luật, ông không làm việc vào ngày 18.12 hằng năm. Ông Biden kết hôn với người vợ thứ hai là bà Jill Jacobs vào năm 1977 và có một con gái.

    Năm 1988, biến cố lại ập đến khi bác sĩ phát hiện ông bị phình mạch máu não và phải trải qua hai cuộc phẫu thuật với nhiều rủi ro. “Thượng nghị sĩ, ông có thể không còn nói được sau cuộc phẫu thuật”, vị bác sĩ đã nói với ông như vậy trước cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, với câu khẩu hiệu phải luôn “đứng dậy” mà người cha chỉ dạy, ông Biden đã vượt qua và tiếp tục sự nghiệp chính trị. Trớ trêu thay, số phận vẫn quyết định không buông tha cho ông. Ngày 30.5.2015, người con trai Beau Biden qua đời sau trận chiến chống lại căn bệnh ung thư não khi mới 46 tuổi.

    Ông Biden cho rằng chính những biến cố đã mang lại mục đích để ông bước tiếp, đó chính là giúp đỡ những người đã và đang phải trải qua những mất mát, theo CNN. “Nhiều người đến đến gặp tôi và nói họ vừa mất con trai, con gái và hỏi rằng liệu họ có ổn không? Mỗi người đều có cách khác nhau nhưng đối với tôi: cách để bạn vượt qua thảm kịch to lớn là bạn phải tìm mục đích trong cuộc đời. Tôi cảm nhận được mục đích đó khi có thể giúp đỡ người khác”, ông Biden nói.

    Hành trình nhận được tư cách ứng viên đại diện đảng Dân chủ của ông Biden là một chuỗi những vấp ngã và đứng dậy. “Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được làm thế nào người ta có thể đưa ra quyết định tự sát một cách có ý thức”, ông Biden hồi tưởng về khoảnh khắc đen tối sau khi mất vợ con. Tuy nhiên, chính nhờ bài học thuở nhỏ từ người cha về việc đứng lên sau mỗi lần vấp ngã đã giúp ông Biden trở thành con người mạnh mẽ. Ông muốn chứng minh cho hàng triệu người đang đối diện với thực tại khủng khiếp đó rằng việc vơi bớt mất mát và vượt qua nó là điều hoàn toàn có thể.

  • Ít được chú ý với chỉ 6 phiếu đại cử tri, Nevada bất ngờ trở thành nơi có thể quyết định ông Donald Trump hay ông Joe Biden là chủ nhân mới của Nhà Trắng.

    Do có số phiếu đại cử tri ít như vậy nên Nevada không được coi là bang chiến trường chủ chốt như Ohio, Florida hay Pennsylvania.

    Tuy nhiên, sau khi đánh bại đối thủ ở Wisconsin và Arizona, ứng viên Dân chủ Joe Biden chỉ cần đúng 6 phiếu đại cử tri nữa là đạt con số 270 phiếu cần thiết để vào Nhà Trắng.

    nevada
    Ảnh: Las Vegas Review Journal

    Đến thời điểm hiện tại, Nevada nằm trong danh sách 5 bang chưa kiểm phiếu xong, cùng với Alaska, Georgia, Bắc Carolina và Pennsylvania. Ứng viên Biden đang dẫn trước với 264 đại cử tri, so với 213 đại cử tri của ông Trump.Về phía Tổng thống Trump, trong trường hợp ông giữ vững ưu thế tại các bang Bắc Carolina, Georgia và Pennsylvania thì ông cũng buộc phải thắng ở Nevada mới có thể đảm bảo chiến thắng.

    Theo số liệu 10 cuộc bầu cử gần nhất của Mỹ, số lần chiến thắng của ứng viên hai đảng Cộng hòa - Dân chủ ở Nevada là 5 - 5.

    Tuy nhiên, kể từ năm 2008, cử tri Nevada liên tục bầu cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.

    Trong cuộc bầu cử năm 2016, lần thứ 2 trong gần 50 năm, ứng viên được người dân Nevada tín nhiệm không đắc cử tổng thống. Khi đó, bà Hillary Clinton dẫn trước ông Donald Trump chỉ với 2 điểm phần trăm tại bang này (48% - 46%).

  • Cảnh sát đã đụng độ với những người chống đối khi họ biểu tình ở trung tâm London hô vang khẩu hiệu ''Đây không phải Thủ tướng của tôi''. 

    Những người biểu tình giương cao những tấm bảng ghi ''Phản đối Luật lệ của Đảng Bảo thủ'' và ''Người tị nạn được chào đón''. Họ đi bộ từ Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing đến quảng trường Trafalgar.

    Theo Mirror, cảnh sát đã phải tách những người biểu tình gây hấn với phe ủng hộ Brexit. Những người chứng kiến cho biết đám đông rất hỗn loạn. Ít nhất một người đã phải ôm gương mặt đầm đìa máu, theo Guardian.

    Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một đám đông khổng lồ đang xô đẩy cảnh sát, buộc cảnh sát phải rút gậy để ứng phó. (Clip: Damien Gayle)

    Một đoạn clip cho thấy cảnh sát cố gắng đẩy lui những người chống đối trên Phố Parliament. Cảnh sát la lớn: ''Lùi lại nếu không các người sẽ bị đánh''. (Clip: Damien Gayle)


    Người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình chống Boris Johnson tại Quảng trường Trafalgar. (Ảnh: AP)

    Các con đường xung quanh Whitehall đã bị chặn khi những người biểu tình tiếp tục di chuyển xuống các nơi khác ở Central London. Nhiều nhóm biểu tình do các tổ chức Stand up to Racism, Love Music Hate Racism và Antifascist Action (Antifa) chỉ đạo, đã đối đầu với các nhóm thân chính phủ.

    Damien Gayle, phóng viên Guardian, cho biết đã có những cuộc đụng độ giữa các phe ủng hộ cánh tả và phe ủng hộ cánh hữu của Thủ tướng Boris Johnson.


    Cuộc biểu tình xảy ra sau khi Đảng Bảo thủ tái lập chiến thắng. (Ảnh: Reuters)

    Tại Quảng trường Trafalgar, người biểu tình di chuyển vào Haymarket. Họ gào to khẩu hiệu: ''Cứu lấy NHS của chúng ta'', sau đó bị cảnh sát phong tỏa ở Victoria Street. 

    Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/12 kêu gọi nên hàn gắn những bất đồng sâu sắc đã chia rẽ Vương quốc Anh về giải pháp Brexit, nói rằng chiến thắng lớn của ông trong cuộc bầu cử đã trao cho ông nhiệm vụ đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31 tháng 1.


    Người biểu tình giơ cao khẩu hiệu ''Người di cư và người tị nạn được chào đón ở đây''. Ảnh: AP


    Những người chống đối Brexit xuống đường vào tối 13/12. Ảnh: AP


    Người biểu tình chống lại vấn nạn phân biệt chủng tộc trong Đảng Bảo thủ. Ảnh: AP


    Biểu tình xảy ra sau khi ông Johnson tuyên bố sẽ hàn gắn đất nước. Ảnh: AP


    Cảnh sát tách một người ra khỏi cuộc biểu tình nhuốm màu bạo động. Ảnh: AP


    Người biểu tình cho rằng ''Đảng Bảo thủ đang giết chết tầng lớp lao động''. Ảnh: AP


    Những phe cánh đối lập không tin chính sách của ông Johnson có thể cứu NHS. Ảnh: AP


    Cảnh sát dùng gậy đẩy lùi những người biểu tình. Ảnh: AP

    Là gương mặt của chiến dịch “Rút khỏi EU” trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông Johnson dự tranh dưới khẩu hiệu “Get Brexit Done – Hãy Hoàn tất Brexit”, ông hứa sẽ đả thông bế tắc và tăng chi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và cảnh sát.

    Giành được chiến thắng lớn nhất cho phe bảo thủ kể từ sau sự đắc thắng của bà Margaret Thatcher năm 1987, ông Johnson đánh bại đối thủ Jeremy Corbyn của Đảng Lao động. Đảng Bảo thủ của ông giành được 365 ghế. Đảng Lao động chỉ chiếm được 203 ghế.

    Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, Brexit đã chia rẽ Vương quốc Anh và khiến người dân tự vấn về mọi vấn đề, từ vấn đề ly khai khỏi EU, vấn đề nhập cư cho đến chủ nghĩa tư bản, đế chế, cho tới thế nào là tính cách của người Anh.

    Với đa số áp đảo đó, giờ đây ông Johnson có thể nhanh chóng thông qua thỏa thuận Brexit mà ông đã đạt với EU để Vương quốc Anh có thể rời khối này vào ngày 31 tháng 1, nhiều tháng trễ hơn dự kiến ban đầu.

    Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chúc mừng ông Johnson, nói rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể mang nhiều lợi lộc về cho nước Anh, hơn bất cứ thỏa thuận nào với EU, khối kinh tế lớn nhất thế giới.

    Scotland bác bỏ Brexit

    Kết quả bầu cử được ca tụng là một chiến thắng cho chủ nghĩa dân tộc Anh, Scotland và Ireland - nhưng chiến thắng của ông Johnson đang khơi dậy những lo ngại về tương lai của Vương quốc Anh.

    Đảng Quốc gia Scotland (SNP) chủ trương chống Brexit, ủng hộ giải pháp độc lập, giành được 48 ghế trong tổng cộng 59 ghế tại quốc hội Scotland, đánh bại cả đảng Bảo thủ lẫn Đảng Lao động.

    Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo của SNP và cũng là bộ trưởng đầu tiên của Scotland nói.

    “Cử tri Scotland đã lên tiếng. Bây giờ là lúc chúng ta phải quyết định tương lai của chính mình.”

    Bà cho biết chính phủ bán tự trị của bà vào tuần tới sẽ công bố các lập luận bênh vực giải pháp chuyển giao quyền lực từ London đến Edinburgh, cho phép bà tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa về giải pháp độc lập cho Scotland.

    Ở Bắc Ireland, lần đầu tiên từ năm 1921 khi Ireland bị chia đôi thành Bắc Ireland thuộc vương quốc Anh, và Cộng hòa Ireland ở miền Nam, cử tri ủng hộ giải pháp một nước Ireland thống nhất giành được nhiều ghế hơn so với cử tri muốn ở lại trong vương quốc Anh. 

    Theo Metro/Guardian

  • Kết quả khảo sát ngoài phòng phiếu cho thấy Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson có thể giành tới 365/650 ghế, bỏ xa đối thủ Công đảng được dự báo sẽ chỉ giành được khoảng 191 ghế.

    Cụ thể, theo Hãng tin Reuters, Đảng Bảo thủ sẽ giành được 365 ghế, Công đảng đối lập giành được 191 ghế, Đảng Quốc gia Scotland về thứ ba với 55 ghế, Đảng Dân chủ Tự do được 13 ghế.

    Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố ngay trong ngày hôm nay 13-12 nhưng ông Johnson và các cộng sự tin chắc phần thắng đã thuộc về mình nên đã lên tiếng kêu gọi ăn mừng từ sớm.

    Ông cảm ơn tất cả cử tri đã bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ, nhấn mạnh kết quả này cho thấy người dân Anh đang được sống tại một nền dân chủ "vĩ đại nhất thế giới".

    Đây rất có thể sẽ là chiến thắng đẹp nhất của Đảng Bảo thủ kể từ năm 1987, thời kỳ cầm quyền của "bà đầm thép" Margaret Thatcher.

    Theo quy định, chính đảng nào giành đủ 326 ghế tại Hạ viện Anh sẽ được trao quyền tự đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với các chính đảng thiểu số khác.

    Tỉ lệ dự đoán kết quả bầu cử của truyền thông Anh thường có độ chính xác cao. Trong 5 cuộc tổng tuyển cử gần đây, chỉ có 1 lần truyền thông Anh dự đoán sai là vào năm 2015. 

    Đương kim thủ tướng Johnson (mặc áo vest, góc phải) đăng ảnh đứng cùng các cử tri kèm lời cảm ơn vì đã ủng hộ đảng của ông - Ảnh: TWITTER

    Báo chí Anh khi đó cũng tiến hành khảo sát ngoài phòng phiếu và khẳng định chắc nịch sẽ có "Quốc hội treo" - tức không có đảng nào giành được thế đa số 326 ghế để tự thành lập chính phủ. Thực tế là Đảng Bảo thủ giành được thế đa số và nhiều hơn 14 ghế so với dự báo.

    Nếu Đảng Bảo thủ thực sự giành được 365 ghế trong cuộc tổng tuyển cử lần này, ông Johnson từ nay có thể thoải mái với các kế hoạch Brexit và thành lập chính phủ đa số mà không cần liên minh với bất kỳ đảng phái nào.

    Nhiều người đã gọi cuộc tổng tuyển cử lần này là một canh bạc của ông Johnson bởi lo ngại đảng do ông dẫn dắt có thể mất thêm nhiều ghế vào các đảng phản đối Brexit như Công đảng.

    Với kết quả này, thủ tướng Johnson sẽ dễ dàng thúc đẩy Hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit mà chính phủ của ông và EU đã ký kết hồi giữa tháng 10.

    Một khi được Hạ viện thông qua, việc Anh rời khỏi EU vào ngày 31-1-2020 như lời cam kết của ông Johnson là trong tầm tay.

    Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, thông điệp của thủ tướng Boris Johnson thuộc đảng Bảo thủ là "chúng ta hãy cùng nhau hoàn tất Brexit," trong khi thông điệp của ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng lại nhấn mạnh "cơ hội cuối cùng để cứu hệ thống dịch vụ y tế công". 

    Theo Zing

  • Lãnh đạo các chính đảng Anh tích cực vận động cử tri nhằm có thêm phiếu bầu chỉ 1 ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, trong bối cảnh nước Anh chia rẽ vì Brexit.

    Theo AP, lãnh đạo các đảng chính trị lớn của Anh hôm 11/12 đã xuống đường xâm nhập vào các cộng đồng dân cư để vận động nhằm có thêm sự ủng hộ từ các cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào trong cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra.

    Đương kim Thủ tướng Boris Johnson từ sáng sớm đã tham gia giao sữa và nước trái cây tới các gia đình ở Leeds, miền Bắc nước Anh. Đảng Bảo thủ của ông Johnson hiện kiểm soát Hạ viện Anh. 

    Thủ tướng Anh Boris Johnson đi giao sữa ở Leeds. Ảnh: AP

    "Tôi chỉ có thể nói với mọi người về nguy cơ rất thật đó là ngày mai chúng ta có thể sẽ lại có một quốc hội treo. Điều đó sẽ dẫn tới chia rẽ hơn, lạc lối hơn, chậm trễ và tê liệt hơn nữa cho đất nước", ông Johnson nói, ám chỉ khả năng không đảng nào giành đủ số ghế để thành lập chính phủ.

    Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, đảng đối lập lớn nhất ở Hạ viện Anh, tiến hành chiến dịch vận động ở Scotland. Ông Corbyn kêu gọi người dân bỏ phiếu lựa chọn một chính phủ "mang lại hy vọng thật sự".

    "Tại thành phố Glassgow này, nơi có những người nghèo nhất cả nước, nơi có những xóm có tuổi thọ thấp nhất cả nước, họ cần chấm dứt sự khốn khổ này. Họ cần một chính phủ Anh sẵn sàng đầu tư cho khắp cả nước", ông Corbyn phát biểu.

    Trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong ngày 12/12, cử tri Anh sẽ bỏ phiếu lựa chọn toàn bộ 650 ghế tại Hạ viện. Theo kết quả thăm dò mới nhất, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson đang dẫn đầu với 43% ý kiến ủng hộ. Công đảng và đảng Dân chủ tự do xếp sau với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 33% và 13%.

    Thủ tướng Anh trốn vào kho đông lạnh

    Vị thủ tướng được đội nhà báo của nhà sản xuất chương trình Good Morning Britain - Jonathan Swain, chờ sẵn để phỏng vấn trực tiếp trong chuyến thăm tới nhà máy sữa Modern Milkman.

    Khi Swain tiếp cận Thủ tướng Johnson trước tiên, ông hỏi: “Xin chào thủ tướng, ông có thể trả lời phỏng vấn chương trình Good Morning Britain không?”. Có thể nghe thấy phụ tá của thủ tướng mấp máy một câu chửi thề, theo Guardian.

    Hai người dẫn chương trình Piers Morgan và Susanna Reid dường như đã bị sốc bởi phản ứng khó ngờ từ phụ tá của nhà lãnh đạo.

    Khi Swain tiếp tục những lời đề nghị phỏng vấn và nói với thủ tướng Anh rằng ông đang trên sóng truyền hình trực tiếp, ông Johnson trả lời: “Đợi tôi một giây” và biến mất sau cánh cửa kho đông lạnh.

    Sự việc xảy ra vào đêm trước cuộc bầu cử quốc hội sớm ở Anh.

    Theo Zing

  • Người dân Anh bỏ phiếu để chọn ra 650 nghị sĩ quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử thứ ba kể từ năm 2015, giữa những rối ren mà Brexit mang lại.

    Người dân Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ngày 12/12 sẽ bỏ phiếu để quyết định tương lai trước mắt của Brexit, trong cuộc bầu cử được xem là quan trọng nhất một thế hệ.

    Hơn 4.000 điểm bỏ phiếu tại Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland sẽ đồng loạt mở cửa lúc 7h và dự kiến đóng cửa lúc 22h, giữa tiết trời mùa đông giá rét, theo AFP.

    Đây là lần đầu tiên trong gần một thế kỷ nước Anh tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12. Nhiệt độ ở mức đóng băng cùng mưa và tuyết khắp nơi có thể ảnh hưởng đến số lượng cử tri đi bỏ phiếu. 

    Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn trong một cuộc tranh luận trên đài BBC hôm 6/12. Ảnh: Reuters

    Nằm trên lá phiếu là 650 ghế của nghị viện Anh, nơi đã rơi vào tình trạng bế tắc kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, với kết quả là đa số người dân đi bỏ phiếu ủng hộ việc Anh rời EU.

    Thủ tướng Boris Johnson, người thay thế bà Theresa May hồi tháng 7 sau khi bà không thể có được sự ủng hộ của quốc hội cho thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU, đang hy vọng vừa giữ được ghế thủ tướng vừa giành được thế đa số tại quốc hội.

    Đảng Bảo thủ của ông Johnson chỉ cần thêm 9 ghế để chiếm đa số, và việc này sẽ cho phép ông thúc đẩy thỏa thuận Brexit với Brussels và đưa Anh rời EU trong tháng 1/2020.

    Ông Johnson nói cuộc bầu cử ngày 12/12 là cơ hội để chấm dứt hơn 3 năm bế tắc và bất định chính trị.

    "Hãy tưởng tượng bữa tối Giáng Sinh với gà tây sẽ tuyệt vời thế nào khi Brexit đã được định đoạt", ông nói trong thông điệp cuối cùng gửi đến cử tri.

    Cuộc bầu cử ngày 12/12 thực sự mang tính lịch sử. Ảnh: Jane Barlow/PA
    Cử tri chờ bên ngoài 1 điểm bỏ phiếu ở Caversham, Reading trước 7 giờ sáng. Ảnh: Geoffrey Swaine/REX/Shutterstock
    Một cử tri đi bầu tại Trường tiểu học Hazlehurst ở l Bury North. Ảnh: Christopher Thomond/The Guardian
    Một bà mẹ đưa con rời nhà thờ St Johns ở London sau khi đã bỏ phiếu. Ảnh: Andy Rain/EPA
    Một người dân đi bầu ở London. Ảnh: Neil Hall/EPA
    Một điểm bỏ phiếu ở làng West Harptree. Ảnh: Ian Walton/Reuters

    Hy vọng cản đường ông Johnson là Công đảng, phe đối lập chính. Nếu đảng này giành chiến thắng, lãnh đạo 70 tuổi Jeremy Corbyn sẽ trở thành thủ tướng đầu tiên của Công đảng kể từ thời Gordon Brown năm 2010.

    Ông Corbyn đề xuất tái đàm phán thỏa thuận Brexit với các điều khoản "mềm" hơn trong vòng 3 tháng và sau đó đưa ra trưng cầu dân ý, bên cạnh phương án ở lại EU.

    Ông nói Anh đang ở ngã tư đường và cuộc bầu cử ngày 12/12 "thực sự mang tính lịch sử".

    "Hãy bầu chọn cho hy vọng. Hãy bầu chọn cho thay đổi thực sự", ông nói.

    Có tổng cộng 3321 ứng viên, từ 18 tuổi cho đến 80 tuổi. Kết quả chung cuộc sơ bộ sẽ có sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 22h, trong khi kết quả thực sự đầu tiên dự kiến được hé lộ vào khoảng 23h. 

    Theo Zing

  • Trong giai đoạn đầu của chiến dịch tổng tuyển cử, các đảng chính trị đều đưa ra những tranh luận về vấn đề thuế.

    Kế hoạch của họ rất quan trọng bởi vì thuế là nguồn lực củng cố mọi hoạt động của chính phủ. Số tiền thu về sẽ được chi cho tất cả mọi thứ, từ trường học đến NHS.

    Vậy Vương quốc Anh lấy phần lớn tiền ở đâu? Và so với các nước khác thì thế nào?

    Người dân phải đóng bao nhiêu thuế?

    Số tiền mà chính phủ Anh thu được nhờ thuế đang ở mức cao trong lịch sử.

    Tổng thu thuế của Anh như một phần thu nhập quốc dân - tổng số tiền mà quốc gia này kiếm được - đang ở mức cao nhất được duy trì kể từ những năm 1940.

    Mức thuế hiện nay đang ngang bằng những năm 1940.

    Các loại thuế mà nhiều người trong chúng ta biết rõ nhất là thuế thu nhập và đóng góp Bảo hiểm Quốc gia (NIC).

    Đây là những khoản tiền nằm trong lương nhưng không bao giờ đến được tài khoản ngân hàng của chúng ta, cũng như các khoản đóng góp lương hưu hoặc trả nợ vay của sinh viên.

    Chúng chiếm phần lớn tổng thu thuế ở Anh.

    Mức thuế được khấu trừ từ thu nhập của bạn phụ thuộc vào số tiền bạn kiếm được. Những người có mức lương cao hơn phải đóng một phần thuế thu nhập cao hơn.

    Một nhân viên kiếm được 28.000 bảng – tương đương mức trung bình ở Anh - sẽ trả gần 6.000 bảng tiền thuế thu nhập và NIC. Hơn nữa, chủ lao động của họ phải trả gần 3.000 bảng Anh tiền NIC đối với nhà tuyển dụng.

    Nhìn chung, điều đó có nghĩa là khoảng 28% chi phí tuyển dụng sẽ nằm trong tay chính phủ.

    Nếu tuyển dụng ai đó với mức lương 340.000 bảng – cao gấp 10 lần so với nhân viên toàn thời gian trung bình ở Anh – một nửa số tiền đó sẽ là tiền thuế.

    Các quốc gia khác thì sao?

    Vương quốc Anh đang nằm ở khúc giữa trong bảng xếp hạng tổng thu thuế. Nhiều nước châu Âu khác tính thuế thu nhập cao hơn nhiều.

    Ví dụ: nếu Vương quốc Anh áp dụng hệ thống thuế của Pháp, mức thuế dành cho việc tuyển dụng ai đó với mức lương 28.000 bảng sẽ là 48% thay vì 28%. Đó là một sự khác biệt lớn - thêm 10.000 bảng cho chính phủ.

    Mức thuế trung bình cho người có thu nhập cao hơn sẽ tăng từ 51% lên 67% nếu Anh dùng hệ thống thuế của Bỉ, thêm 91.000 bảng doanh thu thuế trên mỗi đầu người.

    Các quốc gia tăng thuế nhiều hơn Vương quốc Anh hầu như đều áp dụng cách tăng thêm thuế thu nhập và đóng góp an sinh xã hội.

    So với các nước châu Âu, Vương quốc Anh đi đầu trong việc đánh thuế tương đối nhẹ đối với người có thu nhập trung bình. Mức thuế cho người có thu nhập cao khá tương đồng với các nơi khác.

    Nếu Anh áp dụng hệ thống thuế của một quốc gia EU khác, mức thuế trung bình sẽ tăng nhẹ đối với người có thu nhập cao nhưng người có thu nhập trung bình sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

    Mức thuế ở Anh thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
    Thu nhập từ thuế của Anh chỉ chiếm 33% tổng thu nhập quốc dân, thấp hơn so với nhiều nước khác.

    Chính phủ còn thu những loại thuế nào khác?

    Số tiền mà chính phủ Anh thu được từ các loại thuế khác cũng tương tự như các nước phát triển khác.

    Ví dụ: VAT – mức thuế 20% được tính khi chúng ta mua nhiều hàng hóa và dịch vụ - gần với mức được thấy ở những nơi khác. Điều tương tự cũng xảy ra với thuế doanh nghiệp - 19% tính trên lợi nhuận của doanh nghiệp.

    Thuế thu nhập, đóng góp an sinh xã hội và thuế VAT mang lại phần lớn doanh thu thuế ở tất cả các nước phát triển. Chúng thường chiếm hơn 70% tổng thu nhập từ thuế của chính phủ.

    Nhưng sự tương đồng về một số loại thuế nhất định có thể che giấu sự khác biệt quan trọng trong đối tượng thực sự phải chi trả tiền thuế.

    Ở Anh, thuế VAT bằng 0 được tính cho nhiều mặt hàng, bao gồm cả thực phẩm và quần áo trẻ em. Tổng cộng, thuế suất 0% và mức thuế ưu đãi khiến chính phủ mất đi 57 tỷ bảng mỗi năm.

    Cách tiếp cận này được áp dụng với mục đích hỗ trợ những người có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, vì các hộ giàu hơn chi tiêu nhiều nhất cho các mặt hàng này, họ lại là người được hưởng lợi nhiều hơn.

    Một cách tiếp cận khác có thể là áp dụng thuế suất VAT 20% đầy đủ cho một phạm vi hàng hóa rộng hơn, để tăng thêm thu nhập thuế. Số tiền này có thể được sử dụng để tài trợ cho các loại trợ cấp hoặc cắt giảm thuế thu nhập cho những người nghèo hơn.

    Lựa chọn cẩn trọng

    Việc Vương quốc Anh chọn thu thuế nhiều hơn hay ít hơn sẽ gây ảnh hưởng đến mức độ và chất lượng dịch vụ công mà chính phủ cung cấp.

    Có rất nhiều điều để suy nghĩ trong thời gian chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử.

    Ví dụ, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng lên NHS, phần lớn là do dân số đang già đi của chúng ta. Điều đó sẽ khiến dịch vụ chăm sức khỏe và chăm sóc xã hội trở nên đắt đỏ hơn.

    Có khả năng chúng ta sẽ cần thuế cao hơn trong tương lai nếu chúng ta muốn duy trì chất lượng dịch vụ công cộng. Nhưng tăng thuế ra sao có thể cũng quan trọng ngang với tăng bao nhiêu.

    Dù đưa ra bất cứ lựa chọn nào, chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ một điều quan trọng - ai sẽ là người đóng thuế?

    VietHome (Theo BBC)

  • Đảng Lao động đã đưa ra tuyên ngôn tranh cử năm 2019, với khẩu hiệu It’s Time For Real Change. Tuyên ngôn đề ra các chính sách mà đảng này sẽ áp dụng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Sau đây là 12 thay đổi chính sách quan trọng mà Đảng Lao động đang theo đuổi.

    1. Tăng ngân sách y tế lên 4,3%

    Đảng Lao động cũng muốn cắt giảm các nguồn cung cấp tư nhân trong NHS.

    Mức tăng 4,3% mỗi năm là mức cao nhất mà các chuyên gia lĩnh vực chính sách y tế kêu gọi. Đảng Lao động cũng sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền để bù đắp cho chi phí thuốc men, nha khoa cơ bản và phí đỗ xe của bệnh viện.

    Một phần quan trọng khác bao gồm kế hoạch cắt giảm các nguồn cung cấp tư nhân trong NHS, hiện chiếm khoảng 7% ngân sách y tế ở England. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng thuê ngoài, ví dụ cho vật lý trị liệu và sức khỏe cộng đồng.

    Chính sách này chỉ được áp dụng cho England, nhưng các lãnh thổ khác thuộc UK cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài trợ công.

    2. Tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit

    Đảng Lao động sẽ đàm phán lại một thỏa thuận Brexit mới trong vòng ba tháng. Và trong vòng sáu tháng, Đảng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về các thỏa thuận hoặc khả năng ở lại EU.

    Đảng Lao động hứa sẽ đàm phán lại một thỏa thuận Brexit mới trong vòng ba tháng, dựa trên một liên minh hải quan Anh-EU mới và đóng cửa liên kết thị trường duy nhất của EU. Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép các công dân EU hiện sống và làm việc tại Vương quốc Anh quyền được ở lại mà không cần nộp lại hồ sơ. Sau đó, thỏa thuận sẽ được đưa ra trong một cuộc trưng cầu dân ý, song song với lựa chọn ở lại EU.

    Lao động muốn kêu gọi ý kiến của cả hai phe, Leavers (Ra đi) và Remainers (Ở lại), và để cho người dân được quyền đưa ra quyết định cuối cùng.

    Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.

    3. Tăng mức lương tối thiểu từ £8,21 lên £10

    Chính sách tăng mức lương tối thiểu, được gọi là National Living Wage, sẽ áp dụng cho tất cả những người lao động trên 25 tuổi.

    Đảng Bảo thủ đã tuyên bố mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 10,50 bảng trong sáu năm tới. Lao động hiện đang đưa ra lời hứa hẹn hấp dẫn hơn, tuyên bố tất cả người lao động trên 16 tuổi sẽ nhận được 10 bảng một giờ ngay trong năm sau. Đó là một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói đang gia tăng.

    Đảng Lao động cũng hứa hẹn các biện pháp bổ sung để tăng cường quyền của người lao động, bao gồm tiền lương thai sản và thời gian thai sản dài hơn, và trợ cấp khi người thân qua đời.

    Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.

    4. Ngừng tăng độ tuổi nhận lương hưu nhà nước

    Tuổi nghỉ hưu vẫn sẽ ở mức 66 trong khi tuổi nghỉ hưu đối với những người làm công việc nặng nhọc và áp lực cao sẽ được xem xét thêm.

    Theo tính toán của chính phủ cách đây không lâu, những người lao động dưới 30 tuổi không thể nhận được tiền lương hưu nhà nước cho đến khi họ tròn 70 tuổi.

    Thế nên, chính sách ngừng tăng độ tuổi này sẽ tiêu tốn nhiều hơn hàng tỷ bảng Anh so với hầu hết các kế hoạch gần đây, như tăng tuổi cho nam và nữ lên 68 vào năm 2039. Tuy nhiên, nó rõ ràng sẽ được các cử tri trung niên ủng hộ.

    Hiện tại, các đảng lớn đều nhắm vào ba cam kết chính đối với cử tri hưu trí: tính lương hưu nhà nước hàng năm theo mức thu nhập trung bình cao nhất, theo mức chi phí sinh hoạt, hoặc cố định ở mức 2,5%. Ngoài ra còn có các chính sách riêng cho các nhóm người cụ thể. Những người được gọi là thế hệ phụ nữ Waspi - sinh ra trong những năm 1950 và bị thay đổi tuổi hưu "bất ngờ" – được hứa hẹn sẽ nhận được bồi thường.

    Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.

    5. Giới thiệu Dịch vụ Chăm sóc Quốc gia

    Cung cấp hỗ trợ "dựa vào cộng đồng, tập trung vào con người", bao gồm chăm sóc cá nhân miễn phí.

    Kế hoạch Dịch vụ Chăm sóc Quốc gia toàn diện của Đảng Lao động rất táo bạo. Câu hỏi đặt ra sẽ là vấn đề chi phí. Đó không chỉ là về khả năng tài chính hiện tại, mà còn là mức chi phí khi dân số già đi. Trọng tâm của chính sách này là dịch vụ chăm sóc cá nhân miễn phí cho những người lớn tuổi cần giúp đỡ trong các công việc hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo và thuốc men.

    Hệ thống này đã được áp dụng ở Scotland. Nhưng tại England, ý tưởng này từng bị chính Đảng Lao Động phản đối cách đây 20 năm vì quá tốn kém. 

    Ngoài ra, Đảng này còn hứa sẽ tăng gấp đôi số lượng người được nhận giúp đỡ, như vậy sẽ giúp giảm áp lực lên NHS. Kế hoạch thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe thường bị các đảng phái chính trị đá qua đá lại như trái bóng, do đó đây sẽ là thách thức lớn đối với Lao Động.

    Chính sách này sẽ chỉ áp dụng cho England.

    6. Đặt mục tiêu giảm lượng khí thải về 0

    Mục tiêu là đến những năm 2030, đưa Vương quốc Anh đi đúng hướng đưa lượng khí thải carbon về 0.

    Tuy nhiên, đây không phải là cam kết cắt hoàn toàn khí thải vào năm 2030 như nhiều nhà hoạt động mong muốn (và Đảng Xanh đã hứa). Thay vào đó, tuyên ngôn chỉ nói là sẽ cố gắng ''giảm phần lớn khí thải'' vào năm 2030.

    Mặt khác, nó đề cập đến việc đưa Vương quốc Anh "đi đúng hướng để đạt tới một hệ thống phát thải năng lượng carbon bằng 0 trong những năm 2030". Có lẽ thời lượng đủ lớn để đạt được mục tiêu cắt giảm hoàn toàn vào năm 2040 - sớm hơn 5 năm so với năm mục tiêu của đảng Dân chủ Tự do và sớm hơn 10 năm so với đảng Bảo thủ.

    Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh

    7. Quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt

    Đảng Lao động sẽ quốc hữu hóa sáu công ty năng lượng lớn, National Grid, ngành công nghiệp nước, Royal Mail, đường sắt và nhánh băng thông rộng của BT.

    Tuyên ngôn của Labour là một trong những đề xuất cải cách triệt để nhất về việc sở hữu và điều hành các doanh nghiệp. Nó sẽ đánh dấu sự tiếp quản quyền sở hữu lớn nhất của nhà nước kể từ khi quốc hữu hóa xảy ra vào Thế chiến thứ hai.

    Những công ty mà đảng Lao động không muốn sở hữu cũng sẽ phải đối mặt với một sự thay đổi lớn trong cách giám sát của chính phủ.

    Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.

    8. Loại bỏ Universal Credit

    Bắt đầu nghiên cứu một một hệ thống trợ cấp mới để thay thế hệ thống đang gây tranh cãi.

    Kế hoạch của đảng Lao động là loại bỏ Universal Credit. Tuy nhiên, đảng không nói họ sẽ thay thế nó bằng thứ gì. Universal Credit ban đầu được áp dụng để giải quyết những phức tạp và không công bằng của hệ thống trợ cấp hiện hành. Nhưng nhiều thay đổi đi kèm với nó dẫn đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng như mức trần trợ cấp.

    Đảng Lao động cho biết họ sẽ bắt đầu thực hiện các ý tưởng cho một hệ thống mới ngay lập tức, nhưng sẽ mất nhiều năm để hệ thống có thể thực sự đi vào hoạt động.

    Chính sách này sẽ được áp dụng trên toàn Vương quốc Anh.

    9. Hủy bỏ ưu đãi miễn thuế cho trường tư

    Ngoài ra còn có kế hoạch bãi bỏ học phí và tài trợ sinh hoạt phí cho sinh viên nghèo.

    Chính sách gây tranh cãi về việc lọai bỏ các trường tư thục, được bỏ phiếu thông qua tại hội nghị, hiện đang được tạm dừng. Nhưng đảng Lao động cam kết sẽ chấm dứt ưu đãi miễn thuế cho trường tư.

    Cam kết quan trọng nhất, như hồi năm 2017, là bãi bỏ học phí. Các trường đại học lo lắng rằng cam kết này sẽ khiến họ phải chịu áp lực nếu nguồn tài chính công bị thắt chặt. Bãi bỏ học phí sẽ có lợi nhất cho những sinh viên giàu. Trợ cấp sinh hoạt phí sẽ được khôi phục cho những sinh viên nghèo nhất. Chi phí kết hợp ước tính khoảng 12 tỷ bảng mỗi năm.

    Chính sách này sẽ chỉ áp dụng cho England.

    10. Xe buýt miễn phí cho người dưới 25 tuổi

    Đảng Lao động cũng sẽ đưa đường sắt quay trở về sở hữu công cộng.

    Đảng Lao động nói rằng họ sẽ đưa đường sắt trở lại sở hữu công cộng sau khi nhượng quyền thương mại đường sắt hiện tại hết hạn. Tuy nhiên, họ không rõ ai sẽ sở hữu đường sắt và chịu trách nhiệm các chi phí liên quan.

    Các loại tàu lửa dùng chế độ Driver Only Operation (DOO) cũng sẽ bị ngừng do tình trạng đình công của nhân viên ngành đường sắt đã gây nhiều gián đoạn cho hệ thống. (DOO nghĩa là trên tàu chỉ có lái tàu quyết định việc đóng mở cửa và rời khỏi platform, mà không có nhân viên an ninh đảm bảo an toàn cho khách khi lên xuống).

    Hệ thống xe buýt sẽ lại nằm dưới sự kiểm soát của hội đồng và hàng ngàn tuyến đường đã bị cắt sẽ được khôi phục. Xe buýt miễn phí cũng được hứa hẹn áp dụng cho những người dưới 25 tuổi.

    Xe buýt miễn phí cho những người dưới 25 tuổi chỉ áp dụng ở England, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng và tái quốc hữu hóa sẽ được áp dụng trên toàn Vương quốc Anh.

    11. Trao cho công dân EU quyền lưu lại Anh

    Điều đó có nghĩa là công dân EU ở Anh không còn phải nộp đơn xin được tiếp tục sống và làm việc tại quốc gia này.

    Lộ trình Định cư là chính sách được chính phủ Bảo thủ đề ra để chính thức hóa quyền tiếp tục sống và làm việc tại Vương quốc Anh của công dân EU sau Brexit. Các bộ trưởng tuyên bố hệ thống này đang hoạt động tốt với khoảng 2,45 triệu hồ sơ nhận được tính đến hiện tại.

    Nhưng con số này có nghĩa là gần một triệu công dân EU vẫn chưa đăng ký, gây lo ngại rằng những người gặp khó khăn trong việc chứng minh rằng họ đã ở Anh có thể có nguy cơ bị trục xuất. Đề xuất của Đảng Lao động sẽ chấm dứt nỗi lo lắng và tình trạng không chắc chắn cho các công dân EU ở Anh, nhưng nó có thể gây khó khăn cho nhân viên biên giới sau Brexit trong việc phân biệt giữa những người đã sống ở Anh và những người mới đến.

    Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.

    12. Xây dựng 100.000 nhà hội đồng mỗi năm

    Lời hứa sẽ xây dựng 100.000 căn nhà hội đồng và 50.000 nhà ở xã hội mỗi năm cho đến hết nhiệm kỳ 5 năm của Chính phủ đánh dấu một sự thay đổi to lớn. Bởi suốt 40 năm nay chưa có Đảng nào làm được như vậy.

    Dân số Vương quốc Anh đang già đi và một phần năm dân số bị khuyết tật, vì vậy cấu trúc nhà được đề xuất sẽ phải đối mặt với sự thẩm định và giám sát chặt chẽ.

    Chính sách này sẽ chỉ áp dụng cho England.

    VietHome (Theo BBC)

  • Hệ thống nhập cư của Vương quốc Anh đang tồn tại quá nhiều vấn đề và gây tổn thương cho tất cả mọi người.

    Người sử dụng lao động không thể tuyển dụng những người lao động họ cần, khiến NHS thiếu y tá và lĩnh vực chăm sóc xã hội rơi vào khủng hoảng. Những người không có giấy tờ nhập cư bị từ chối chăm sóc sức khỏe và không được cấp nhà ở. Quá nhiều người bị giam giữ vô thời hạn, trong điều kiện vô nhân đạo và tạo nên khoản chi phí lớn. Các gia đình bị ngăn cách bởi các yêu cầu visa không công bằng và phức tạp. Niềm tin của công chúng vào hệ thống đã vỡ nát.

    Chính sách thù địch kéo dài hàng thập kỷ và những lời hứa hẹn hoa mỹ từ chính phủ Lao động và Bảo thủ đã tạo ra một hệ thống coi thường nhân phẩm và không còn có thể tin tưởng.

    Đảng Dân chủ Tự do sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, với một hệ thống nhập cư công bằng.

    Sau đây là một số điểm chính trong cam kết của Đảng Dân chủ Tự do về vấn đề nhập cư.

    Ngăn chặn Brexit và thúc đẩy tự do di chuyển

    Tự do di chuyển giúp công dân UK thực hiện quyền sống, làm việc, học tập và nghỉ ngơi ở bất cứ đâu trên khắp châu lục, trong khi công dân EU cũng có thể làm điều tương tự ở UK.

    Thế nhưng, cả đảng Bảo thủ và đảng Lao động đều cam kết thực hiện bằng được Brexit và chấm dứt tự do di chuyển. Đối với nước Anh, điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong các ngành dịch vụ, nợ công tăng và kinh tế đình trệ. Trong khi đó, công dân EU buộc phải nộp đơn xin định cư, và một thế hệ Windrush mới sẽ ra đời. Hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn người sẽ rơi vào tình cảnh không giấy tờ.

    Băng cách ngăn chặn Brexit, đảng Dân chủ Tự do cam kết thúc đẩy quyền tự do di chuyển và bảo vệ quyền của công dân UK ở bất cứ đâu trong EU cũng như quyền của công dân EU ở UK.

    Chấm dứt môi trường thù địch

    Bê bối Windrush đã chứng minh chính sách Môi trường thù địch của đảng Bảo thủ có thể khiến những người vốn có quyền sống ở Anh bị từ chối chăm sóc NHS, từ chối cấp nhà ở và các dịch vụ khác chỉ vì họ không có giấy tờ phù hợp để chứng minh quyền của mình.

    Những người vô tội trở thành người vô gia cư, bị giam giữ và thậm chí bị trục xuất. Cảnh sát chia sẻ dữ liệu cá nhân với Bộ Nội vụ, răn đe nạn nhân và gây khó khăn cho các nhân chứng.

    Đảng Dân chủ Tự do cam kết loại bỏ Môi trường thù địch bằng cách:

    • Hủy bỏ đạo luật “Right to Rent” đầy tính phân biệt đối xử
    • Chấm dứt kiểm tra nhập cư và tính phí trả trước trong NHS.
    • Thiết lập tường lửa để ngăn chặn các cơ quan công cộng – ví dụ như trường học, NHS và cảnh sát - chia sẻ thông tin cá nhân với Bộ Nội vụ cho mục đích thực thi di trú.
    • Xóa bỏ quy định miễn trừ người nhập cư trong Đạo luật bảo vệ dữ liệu (tức người nhập cư cũng được luật này bảo vệ thông tin cá nhân).
    • Đảo ngược Đạo luật Di trú 2016, chấm dứt việc hình sự hóa hành vi ''lao động bất hợp pháp''.
    • Các ngân hàng không còn phải kiểm tra tình trạng nhập cư hàng quý đối với khách hàng của họ.

    Sửa chữa sai lầm trong hệ thống

    Sau hàng loạt bê bối, Bộ Nội vụ đã cho thấy họ không hoạt động hiệu quả và đúng với mục đích của cơ quan này.

    Bộ đưa ra quá nhiều quyết định nhập cư và tị nạn sai lầm, với 52% vụ kháng cáo dẫn đến đảo ngược quyết định ban đầu. Các quy tắc tùy tiện và phức tạp khiến hàng ngàn gia đình xa cách nhau, tách biệt công dân Anh khỏi người thân và con cái với cha mẹ.

    Sửa chữa hệ thống nhập cư này đồng nghĩa với việc tước đi quyền lực của Bộ Nội vụ.

    Đảng Dân chủ Tự do sẽ:

    • Tước quyền cấp giấy phép làm việc và visa sinh viên từ Bộ Nội vụ và trao nó cho Bộ Kinh doanh và Bộ Giáo dục.
    • Thành lập một cơ quan phi chính trị chuyên tiếp nhận xử lý các đơn xin thị thực và đưa ra quyết định nhanh chóng và công bằng.
    • Đầu tư vào nhân lực, đào tạo và công nghệ để ngăn chặn tình trạng xâm nhập bất hợp pháp tại biên giới nước Anh.
    • Giải quyết nạn buôn người và chế độ nô lệ hiện đại thông qua việc thực thi các tiêu chuẩn thị trường lao động chủ động, thông minh. Thiết lập Cơ quan Thực thị Bảo vệ Người lao động đối với những công việc bấp bênh.
    • Giảm phí đăng ký tư cách công dân Anh cho trẻ em từ £1,012 xuống bằng mức phí quản lý.
    • Hủy bỏ các yêu cầu thu nhập tối thiểu đối với hồ sơ xin thị thực của vợ/chồng và đối tác (partner).
    • Miễn lệ phí nộp đơn xin nghỉ phép vô thời hạn cho các thành viên của Lực lượng Vũ trang khi xuất ngũ và gia đình của họ.
    • Cho phép những người đến Anh khi còn nhỏ được đăng ký tư cách lưu trú.

    Tái thiết hệ thống Di cư hiệu quả cho Vương quốc Anh

    Hệ thống thị thực làm việc quan liêu và không hiệu quả của Đảng Bảo thủ, bao gồm giới hạn 20.700 thị thực Tier 2 mỗi năm, đang gây thiệt hại ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp và dịch vụ công cộng của Vương quốc Anh.

    Nó gây ra khó khăn và tốn kém trong việc tìm kiếm và tuyển dụng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự có kỹ năng như chăm sóc sức khỏe & xã hội, khách sạn, du lịch và nông nghiệp.

    Đảng Dân chủ Tự do sẽ:

    • Thay thế visa làm việc Tier 2 bằng một hệ thống linh hoạt hơn.
    • Cấp visa hai năm cho sinh viên đi làm sau khi tốt nghiệp.
    • Giới thiệu một chương trình ‘Training up Britain’ để tận dụng tối đa kỹ năng của lao động di cư.

    Tạm giữ nhập cư sẽ là lựa chọn bất khả kháng cuối cùng

    Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất ở châu Âu giam giữ người nhập cư vô thời hạn. Việc giam giữ trong nhiều tháng liên tục - mà không cho họ biết họ sẽ ở đó trong bao lâu - rõ ràng là hành động vô nhân đạo. Nó cũng gây tốn kém và hoàn toàn không cần thiết.

    Hơn 24.000 người bị đưa vào các trung tâm giam giữ mỗi năm, với chi phí áp lên người đóng thuế lên đến 90 triệu bảng mỗi năm. Tồi tệ hơn, Bộ Nội vụ đã phải trả 8 triệu bảng vào năm ngoái để bồi thường cho 312 trường hợp bị giam giữ sai.

    Đảng Dân chủ Tự do sẽ:

    • Đưa ra giới hạn thời gian 28 ngày đối với việc tạm giữ nhập cư, và yêu cầu phải có lệnh từ tòa án nếu muốn giam giữ ai đó quá 72 tiếng.
    • Chấm dứt việc giam giữ những người dễ bị tổn thương, bao gồm những người sống sót sau khi bị tra tấn, nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ hiện đại, phụ nữ mang thai.
    • Đóng cửa 7 trong số 9 trung tâm tạm giữ nhập cư ở Vương quốc Anh.

    Lòng trắc ẩn và phẩm giá cho những người tìm nơi trú ẩn

    Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ những người bị buộc phải tha hương để thoát khỏi chiến tranh và đàn áp.

    Vương quốc Anh có một lịch sử đáng tự hào về việc cung cấp nơi trú ẩn cho những người có nhu cầu, nhưng chính phủ Lao động và Bảo thủ đã đưa ra một hệ thống khắc nghiệt không hề tôn trọng nhân phẩm.

    Hàng ngàn người xin tị nạn buộc phải chờ đợi nhiều tháng để nhận quyết định, không thể làm việc, thuê nhà hoặc hỗ trợ gia đình họ. Quá nhiều người bị từ chối tị nạn một cách sai lầm, với 40% các quyết định từ chối đã bị bác sau kháng cáo. Đơn xin tị nạn của người LGBT+ bị ghẻ lạnh vì chính quyền cho rằng họ khai man.

    Đảng Dân chủ Tự do sẽ:

    • Trao cho người xin tị nạn quyền làm việc ba tháng sau khi họ nộp đơn, cho phép họ làm bất kỳ công việc gì để có thể tự kiếm sống, hòa nhập cộng đồng và đóng góp thông qua nộp thuế.
    • Tái định cư 10.000 người tị nạn dễ bị tổn thương mỗi năm và hơn 10.000 trẻ em tị nạn không có người đi kèm từ các quốc gia châu Âu trong 10 năm tới.
    • Mở rộng quyền đoàn tụ gia đình tị nạn.
    • Tài trợ cho các dự án hỗ trợ cộng đồng cho người tị nạn và tặng thưởng cho các nhóm cộng đồng phát triển được những phương thức kết nối cộng đồng sáng tạo và thành công.
    • Cấp quyền tị nạn cho những người chạy trốn khỏi nguy cơ bạo lực vì khuynh hướng tình dục hoặc giới tính của họ, chấm dứt văn hóa không tin tưởng đối với những người xin tị nạn LGBT+ và không bao giờ từ chối người nộp đơn LGBT+ do đa nghi về độ chân thực của họ.
    • Chuyển quyền quyết định chính sách tị nạn từ Bộ Nội vụ sang Bộ Phát triển Quốc tế (Department for International Development).
    • Thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên cải thiện tốc độ và chất lượng của quá trình đưa ra quyết định tị nạn.
    • Cung cấp các khóa học tiếng Anh cơ bản miễn phí cho người tị nạn và người xin tị nạn, bỏ quy tắc 16 giờ mỗi tuần liên quan đến hỗ trợ tài chính cho những người không thể làm việc do tiếng Anh kém.
    • Cung cấp các dịch vụ y tế công cộng, bao gồm cả dịch vụ thai sản, cho mọi người ngay từ khi họ đến Vương quốc Anh.
    • Tăng thời gian hỗ trợ chuyển đổi (‘move-on period’) cho người tị nạn từ 28 ngày lên 60 ngày.

    VietHome (Theo Libdem.org.uk)

  • Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa Thủ tướng Anh và lãnh đạo Công đảng Corbyn tập trung vào vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là Brexit.

    Hôm qua (19/11) diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn hướng đến cuộc bầu cử vào ngày 12/12 tới. Cuộc tranh luận được đánh giá là khá ôn hòa, với cả hai ứng cử viên đều tập trung vào vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu ( Brexit).

    Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa Thủ tướng Anh và lãnh đạo Công đảng Corbyn tập trung vào vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là Brexit. Ảnh: ITV và AP

    Cuộc tranh luận kéo dài khoảng 60 phút, trong đó một nửa thời gian tập trung vào vấn đề Brexit. Thủ tướng Johnson một lần nữa khẳng định quyết tâm sẽ đưa nước Anh rời EU đúng hạn vào ngày 31/1/2020, trong khi ông Corbyn muốn có thêm 3 tháng để tiến hành đàm phán thỏa thuận với EU và 6 tháng để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân đối với nội dung thỏa thuận giữa Anh và EU.

    Trong cuộc tranh luận đầu tiên này, cả hai nhà lãnh đạo đều cố gắng tấn công đối phương về chính sách đang được cử tri quan tâm, cũng như khẳng định định hướng của mình là đúng đắn.

    Thủ tướng Johnson cho rằng, với cam kết trưng cầu ý dân lần 2 của Công Đảng sẽ khiến tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu bị kéo dài, đồng thời chỉ trích ông Corbyn không có lập trường rõ ràng là ủng hộ ra đi hay ở lại trong EU nếu tiến hành trưng cầu ý dân lần nữa.

    “Ông Corbyn đang cố gắng tránh đi điều quan trọng nhất trong chính sách Brexit của mình, từ chối trả lời câu hỏi là sẽ đứng về phía bên nào. Công luận quan tâm và có quyền biết về điều này”, ông Johnson nói. 

    Trong khi đó, ông Corbyn cũng bảo vệ quyết định của mình, với cam kết sẽ tôn trọng quyết định của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân. Lãnh đạo Công Đảng đối lập cũng đặt câu hỏi về độ tin cậy trong cam kết của Thủ tướng Johnson khi nhà lãnh đạo Anh nhiều lần “sống chết” khẳng định đưa nước Anh ra khỏi EU đúng hạn chót 31/10 vừa qua, nhưng vẫn không thực hiện được. Ông cũng cho rằng việc Thủ tướng Johnson cam kết thỏa thuận tự do thương mại với EU sẽ đạt được vào cuối năm 2020 là điều không tưởng.

    Ngoài vấn đề Brexit, hai bên cũng tập trung vào những vấn đề cử tri Anh quan tâm như hệ thống y tế công đang quá tải nghiêm trọng. Người đứng đầu hai đảng chính trị lớn nhất tại Anh đều khẳng định sẽ tăng chi tiền cho hệ thống y tế công (NHS) và chấm dứt thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" của nền kinh tế Anh.   

    Với cuộc tranh luận đầu tiên được đánh giá là khá ôn hòa, chưa có các nét mới đột phá trong cam kết có thể khiến nhiều cử tri do dự. Một cuộc khảo sát được tiến hành ngay lập tức sau cuộc tranh luận của Tập đoàn Yougov cho thấy, dư luận đang bị chia rẽ trong việc ủng hộ đảng nào, với tỉ lệ ủng hộ cho ông Corbyn đang cao hơn Thủ tướng đương nhiệm Johnson. Mặc dù có 51% người được hỏi cho rằng ông Johnson có màn tranh luận tốt hơn, trong khi 49% ủng hộ ông Corbyn, nhưng điều này phản ánh một kết quả tốt hơn cho lãnh đạo đối lập khi khoảng cách giữa hai đảng đang bị thu hẹp dần.

    Với lời kêu gọi bầu cử sớm, Thủ tướng Johnson hi vọng sẽ giúp khôi phục thế đa số cho đảng Bảo thủ cầm quyền và trao cho ông thêm tầm ảnh hưởng ở Quốc hội. Tuy nhiên chỉ còn tầm 3 tuần trước bầu cử, tỉ lệ ủng hộ Công đảng đang ở mức 42%, giảm 3 điểm trong khi Công đảng tăng lên 2 điểm lên mức 30%. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh tiến trình Brexit kéo dài khiến nhiều cử tri mệt mỏi và giận dữ, với lòng tin đối với hai đảng lớn đang bị xói mòn.

    Lãnh đạo Đảng Brexit của Anh Farrage bày tỏ thất vọng với chiến dịch tranh cử của hai đảng lớn, với các cam kết không  thực tế: “Cảm giác của tôi hiện giờ đó là tôi chưa bao giờ thấy một tâm lý ít quan tâm của người dân đến bầu cử như hiện nay. Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến bầu cử và mọi thứ có thể thay đổi. Sẽ có sự kịch tính lớn trong cuộc đối đầu giữa ông Corbyn và ông Johnson. Nhưng ngay bây giờ, sự hoài nghi của chúng ta về chính trị đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Hàng loạt các lời hứa và cam  kết nhưng điều quan trọng là chúng ta nên tin ai?”

    Dư luận hiện hi vọng lãnh đạo hai đảng sẽ đưa ra các bước đi cụ thể và thực tế hơn trong việc thực hiện hóa cam kết của mình trong cuộc tranh luận trên kênh truyền hình BBC vào ngày 6/12 tới, cũng như 4 cuộc tranh luận với các chính đảng khác, giúp cử tri nước Anh có thêm động lực và niềm tin cho quyết định quan trọng của mình vào ngày 12/12 tới./.

    Theo VOV

  • BT sẽ được quốc hữu hóa một phần và mọi hộ gia đình sẽ được cung cấp băng thông rộng hoàn toàn miễn phí nếu đảng Lao động giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đang đến gần.

    Nhà lãnh đạo Jeremy Corbyn đã công bố kế hoạch này vào thứ Sáu, 15/11, cho biết một khi kế hoạch này được triển khai, đảng Lao động sẽ đánh thuế các đại gia công nghệ như Amazon, Facebook và Google.

    Trong một bài phát biểu tại Lancaster, ông Corbyn đã mô tả dịch vụ công cộng miễn phí mới - được đặt tên là British Broadband - là "trung tâm trong kế hoạch của đảng Lao động nhằm biến đổi đất nước và nền kinh tế của chúng ta".

    Ông cho biết kế hoạch sẽ chấm dứt các khoản phí internet và tiết kiệm cho các hộ gia đình trung bình 30 bảng mỗi tháng.

    Tuy nhiên, giám đốc điều hành của techUK mô tả chính sách này là một "thảm họa" đối với viễn thông và được thủ tướng Boris Johnson gọi là kế hoạch "viễn tưởng".

    "Những gì chúng tôi sẽ cung cấp là băng thông rộng gigabyte cho tất cả mọi người và những gì chúng tôi sẽ không làm là đưa ra những kế hoạch ngớ ngẩn tiêu tốn hàng chục tỷ tiền thuế để quốc hữu hóa một doanh nghiệp Anh", ông Vladimir Johnson nói khi trả lời các câu hỏi từ công chúng trên BBC 5 Live.

    Lao động đặt chi phí ở mức 20 tỷ bảng. Trong khi đó, người đứng đầu BT cho rằng chi phí ước tính phải lên đến gần 100 tỷ bảng.

    Cổ phiếu của BT đã giảm gần 4% trong phiên giao dịch sáng sớm trước khi ông Corbyn chính thức công bố kế hoạch.

    Đảng Lao động nói rằng băng thông rộng trước tiên sẽ được triển khai trong các cộng đồng có khả năng tiếp cận kém nhất ở Anh, ví dụ như khu vực nông thôn, trước khi được mở rộng trên toàn quốc cho tất cả các hộ gia đình và doanh nghiệp vào năm 2030.

    Có hơn 27 triệu hộ gia đình ở Anh, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia.

    Ông Corbyn cho biết "cuộc nâng cấp cơ sở hạ tầng internet quy mô lớn của Vương quốc Anh" sẽ tiết kiệm cho người dân 30.30 bảng mỗi tháng, với nguồn tài trợ cũng đến từ Quỹ chuyển đổi xanh của đảng.

    Bộ trưởng tài chính đảng đối lập John McDonnell nói với Sky News: "Chúng ta không thể không làm điều này, chúng ta đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Hàn Quốc đã làm điều này, họ đã phủ sóng gần 97% đất nước của họ.

    "Chúng ta đang tụt lại phía sau. Nhật Bản cũng đã làm được điều này, Stockholm đang làm điều này.

    "Đây là cách để làm điều đó và nếu không làm, chúng ta sẽ mất đi tính cạnh tranh."

    Trước bài phát biểu của mình, ông Corbyn đã đăng trên Twitter: "Chỉ 8-10% cơ sở ở Anh được kết nối với băng thông rộng.

    "Con số này là 97% tại Nhật Bản. Tám trong số 10 người chúng ta gặp phải sự cố internet trong năm ngoái. Vì vậy, chúng tôi sẽ cung cấp băng thông rộng nhanh nhất và miễn phí cho mọi người, ở mọi nhà. Đó là sự thay đổi thực sự."

    Phóng viên chính trị của Sky News, Jon Craig, nói rằng đây là một "thời điểm quan trọng" và là một "cam kết lớn và gây tranh cãi".

    Bộ trưởng kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao Nicky Morgan, người đã rút khỏi cuộc cuộc bầu cử, nói: "Ông Corbyn rõ ràng đang cố gắng trong tuyệt vọng để đánh lạc hướng mọi người khỏi tình hình chia rẽ của đảng đối với vấn đề Brexit và nhập cư, đến mức ông ấy sẵn sàng hứa hẹn bất cứ điều gì, bất kể chi phí mà người nộp thuế phải gánh chịu và tính khả thi của kế hoạch. Ý tưởng liều lĩnh nào sẽ được đưa ra tiếp theo? "

    Ông McDonnell khẳng định kế hoạch này là khả thi, và chi phí đã được tính toán đầy đủ.

    Ông nói quốc hội sẽ mua công ty con của BT là Openreach bằng cách lấy trái phiếu chính phủ hoán đổi cho cổ phiếu, như trong các trường hợp quốc hữu hóa trước đây.

    Ông McDonnell cũng lập luận rằng mức chi phí được tính toán trong một báo cáo độc lập do chính phủ ủy quyền và hứa rằng "đó sẽ là một kế hoạch tốt", thêm vào đó "sẽ không gây tình trạng mất việc làm, nhiều khả năng còn có thể tăng số lượng việc làm".

    Ông nói: "Mọi phần của kế hoạch này đã được xem xét về tính hợp pháp, tham khảo các chuyên gia và tính toán chi phí."

    Phóng viên công nghệ Rowland Manthorpe của Sky News cho biết chính sách này có thể sẽ được cử tri yêu thích, nhưng anh cũng cho rằng các nhà cung cấp băng thông rộng khác có thể cảm thấy "bị đe dọa nghiêm trọng".

    Anh phát biểu: "Mua BT là phần dễ. Phần khó là những ảnh hưởng của kế hoạch này đối với các công ty khác, những đối tượng có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi một nhà cung cấp quốc doanh."

    Đảng Lao động từng nói rằng họ muốn quốc hữu hóa khí đốt, điện và đường sắt và nhận được ủng hộ của phần lớn công chúng, theo một cuộc thăm dò của Sky News.

    Julian David, giám đốc điều hành của techUK và là thành viên của hội đồng kinh tế kỹ thuật số của chính phủ, cho biết kế hoạch này sẽ là một "thảm họa" cho ngành viễn thông, đồng thời bổ sung rằng nó sẽ chuyển gánh nặng chi phí đầu tư từ khu vực tư nhân lên vai người nộp thuế.

    Ông nói thêm: "Tái quốc hữu hóa sẽ ngay lập tức ngăn chặn dòng đầu tư, vốn đang được thúc đẩy không chỉ bởi BT mà còn nhờ số lượng ngày càng tăng các công ty mới và sáng tạo cạnh tranh với BT. Full Fibre và 5G là những công nghệ nền tảng của nền kinh tế và xã hội tương lai của chúng ta.

    "Những đề xuất này sẽ đẩy lùi nền kinh tế kỹ thuật số của Vương quốc Anh, lĩnh vực vốn là động lực lớn cho tăng trưởng."

    Philip Jansen, giám đốc điều hành BT, nói với BBC: "Đây là những ý tưởng rất, rất tham vọng và Đảng Bảo thủ cũng có ý tưởng đầy tham vọng của riêng họ, cung cấp cáp quang hoàn toàn vào năm 2025 và cách thực hiện không hề đơn giản.

    "Nó cần có tài trợ, đó là một con số rất lớn, 30 - 40 tỷ bảng, và nếu muốn thực hiện trong khung thời gian tám năm thì sẽ tốn thêm 30 - 40 tỷ bảng nữa."

     

     

    Cùng lúc, Thủ tướng Johnson cũng đề cập đến vấn đề cơ sở hạ tầng trong chiến dịch tranh cử, hứa hẹn một kế hoạch đầu tư giúp thông thoáng thị trường kinh doanh trên phố lớn.

    Theo kế hoạch của ông, các quán rượu, cửa hàng, rạp chiếu phim và địa điểm âm nhạc sẽ đủ điều kiện được cắt giảm lãi suất kinh doanh, và đảng Bảo thủ cho biết họ cũng sẽ đảo ngược một số cắt giảm đường sắt của những năm 1960.

    Những địa điểm được cân nhắc cho kế hoạch trị giá 500 triệu bảng bao gồm Ashington, Seaton Delaval và Blyth ở Northumberland và Skelmersdale, Thornton-Cleveleys và Fleetwood ở Lancashire.

    Ông cũng muốn mở rộng cơ sở hạ tầng cho người đi xe đạp mà ông từng áp dụng ở thủ đô cho phần còn lại của đất nước.

    Ông Johnson nói: "Đã từ lâu rồi, quá nhiều thị trấn và làng mạc trên khắp nước Anh đã bị bỏ mặc và bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi sẽ đầu tư vào các cộng đồng này và giúp mọi người mang trái tim về lại những nơi họ gọi là nhà.

    "Chúng ta sẽ có thể cứu được các đường phố lớn, giữ cho các quán rượu và bưu điện mở cửa và kết nối lại các địa điểm với mạng lưới đường sắt nửa thế kỷ sau khi chúng bị cắt đứt."

    Đảng Dân chủ Tự do cũng tuyên bố cam kết chiến dịch của riêng họ vào thứ Sáu, hứa hẹn bơm thêm 100 tỷ bảng Anh vào công cuộc chống biến đổi khí hậu nếu đảng này lên nắm quyền.

    Phát ngôn viên tài chính của đảng kiêm cựu bộ trưởng nội các Sir Ed Davey sẽ sử dụng một bài phát biểu tại Leeds vào thứ Sáu tới để đưa ra thông báo và cũng sẽ tung ra các đòn tấn công nhắm vào các kế hoạch tài chính của cả Lao động và Bảo thủ.

    "Đảng Bảo thủ đã khiến cho nền kinh tế của chúng ta yếu đi - yếu hơn nhiều so với nhận thức của nhiều người", ông nói.

    "Quá nhiều người không thể sống một cuộc sống an toàn, hạnh phúc và trọn vẹn. Và quá nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với sự không chắc chắn về tương lai của họ. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc tranh luận về kinh tế trong cuộc bầu cử này là một cuộc tranh luận giữa những ảo tưởng.

    "Ảo tưởng sinh ra từ nỗi nhớ về quá khứ huy hoàng của Đế quốc Anh. Đối chọi với nó là những ảo tưởng xuất phát từ hệ tư tưởng những năm 1970 vốn đã thảm bại.”

    VietHome (Theo Sky News)

  • Các đảng phái lớn của Vương quốc Anh đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12 tháng 12. Cuộc bầu cử trên toàn quốc để chọn ra một chính phủ điều hành đất nước thường được tổ chức 5 năm một lần. Nhưng đây sẽ là lần thứ ba kể từ năm 2015.

    Ứng cử viên gồm những ai?

    Tổng số 650 người sẽ được các cử tri lựa chọn vào vị trí thành viên của Nghị viện (nghị sĩ), những người có vai trò quyết định luật pháp và chính sách.

    Các nghị sĩ được bầu vào Hạ viện, một trong hai viện Quốc hội ở London.

    Cử tri quan tâm đến điều gì hơn, NHS hay Brexit?

    Các đề xuất chi tiết cho tất cả mọi vấn đề, từ nền kinh tế đến quốc phòng và chính sách, được đặt ra trong các bản tuyên ngôn của các đảng phái trước mọi cuộc tổng tuyển cử.

    Theo các cuộc thăm dò, những vấn đề cử tri Anh quan tâm nhất đã thay đổi rất nhiều. Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và nhập cư là những vấn đề được cử tri quan tâm nhất trong năm 2015. Liên minh châu Âu (EU) không nhận được nhiều chú ý.

    Tuy nhiên hiện tại, Brexit - việc Anh rời khỏi EU - đang là vấn đề lớn nhất.

    Tại sao lại tổ chức tổng tuyển cử vào lúc này?

    Gần ba năm rưỡi sau khi Vương quốc Anh thực hiện cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 với đa số phiếu ủng hộ, Brexit vẫn chưa thể diễn ra.

    Giới chính trị gia bị chia rẽ: một số người muốn Vương quốc Anh rời khỏi EU càng sớm càng tốt, một số người muốn có thêm một cuộc trưng cầu dân ý khác và một số người cực lực phản đối Brexit.

    Thủ tướng Boris Johnson không có đủ nghị sĩ ủng hộ để có thể dễ dàng thông qua luật mới. Ông hy vọng một cuộc bầu cử sớm sẽ giúp tăng số lượng nghị sĩ bảo thủ, giúp kế hoạch Brexit của ông dễ dàng được chấp thuận hơn.

    Giờ đây, ngay cả các đảng đối lập cũng đã chuyển sang ủng hộ một cuộc bầu cử sớm, với hy vọng họ có thể giành thêm ghế để thúc đẩy các kế hoạch của riêng họ.

    Quá trình bỏ phiếu diễn ra thế nào?

    Trong một cuộc tổng tuyển cử, 46 triệu cử tri của Vương quốc Anh sẽ chọn một nghị sĩ cho khu vực của họ - với tổng cộng 650 khu vực bầu cử.

    Bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên đều có thể bỏ phiếu, miễn là họ đã được đăng ký và là công dân Anh hoặc công dân đủ điều kiện của Khối thịnh vượng chung hoặc Cộng hòa Ireland.

    Số lượng người già đi bỏ phiếu thường nhiều hơn người trẻ. Tại cuộc tổng tuyển cử năm 2017, 59% trong số những người từ 20 đến 24 tuổi đã tham gia bỏ phiếu, so với 77% người từ 60 đến 69 tuổi.

    Việc bỏ phiếu diễn ra tại các điểm bầu cử địa phương, được dựng lên ở những nơi như nhà thờ và hội trường. Các cử tri sẽ đánh dấu một chữ thập bên cạnh tên của ứng cử viên họ đã chọn trên lá phiếu và thả phiếu vào một thùng phiếu kín.

    Những người chiến thắng được lựa chọn như thế nào?

    Ứng cử viên có nhiều phiếu nhất trong mỗi khu vực bầu cử sẽ đắc cử vào Hạ viện.

    Để giành chiến thắng, họ chỉ cần được nhiều phiếu hơn đối thủ, ngay cả khi số phiếu bầu cho họ ít hơn một nửa tổng số phiếu trong khu vực bầu cử của họ.

    Hầu hết các nghị sĩ đại diện cho một đảng chính trị nhưng một số người cũng ra ứng cử với tư cách là ứng cử viên độc lập.

    Bất kỳ đảng nào có hơn một nửa số nghị sĩ (326) trong Hạ viện sẽ được quyền thành lập chính phủ. Hệ thống bỏ phiếu của Vương quốc Anh cho phép các đảng nắm quyền với dưới 50% phiếu bầu toàn quốc.

    Nếu không có bên nào giành được đa số trong hạ viện, bên có số ghế nhiều nhất có thể thành lập liên minh - hoặc hợp tác - với một hoặc nhiều bên khác để giành quyền kiểm soát.

    Thủ tướng không được công chúng bầu trực tiếp. Thủ tướng được chọn bởi các nghị sĩ của đảng chiến thắng và được chỉ định bởi Nữ hoàng, người có nghĩa vụ phải tuân theo lời khuyên của các nghị sĩ.

    Điều gì đã xảy ra tại cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2017?

    Phần thắng trong tất cả cuộc bầu cử kể từ năm 1922 đều thuộc về đảng Bảo thủ hoặc đảng Lao động.

    Họ một lần nữa là hai đảng lớn nhất trong cuộc bỏ phiếu năm 2017 nhưng không có đủ nghị sĩ để thành lập chính phủ đa số. Đảng Bảo thủ có số ghế lớn nhất và họ đã hợp tác với Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) để giành phiếu bầu trong Hạ viện.

    Kể từ cuộc bầu cử đó, đảng Bảo thủ và Lao động đều đã mất đi nhiều nghị sĩ, trong khi đảng Dân chủ Tự do lại dần trở nên hùng mạnh hơn.

    Thượng viện là viện thứ hai của Quốc hội. Các thành viên của Thượng viện không được cử tri bầu ra mà do Nữ hoàng bổ nhiệm theo lời khuyên của thủ tướng.

    Ai có thể đứng ra ứng cử vị trí trong Quốc hội?

    Hầu hết những người trên 18 tuổi tính đến ngày bỏ phiếu có thể trở thành ứng cử viên - miễn họ là công dân Anh hoặc là công dân Khối thịnh vượng chung hoặc Cộng hòa Ireland ở Anh.

    Họ cũng phải ứng trước khoản tiền gửi £500, và khoản tiền này sẽ không được hoàn trả nếu họ không nhận được ít nhất 5% số phiếu trong khu vực bầu cử của mình.

    Các ứng cử viên phải đáp ứng một số điều kiện – không được phép là tù nhân, công chức, thẩm phán và các thành viên của cảnh sát và lực lượng vũ trang.

    Khi nào kết quả được công bố?

    Vào ngày tổng tuyển cử, việc bỏ phiếu diễn ra trong khoảng thời gian từ 07:00 đến 22:00. Kết quả được tuyên bố trong đêm và ngày hôm sau.

    Khi biết kết quả chung, nhà lãnh đạo của đảng chiến thắng, nếu có, sẽ đến thăm Cung điện Buckingham để xin Nữ hoàng cho phép thành lập một chính phủ mới.

    Một khi họ được Nữ hoàng phê chuẩn, vốn chỉ là hình thức, họ sẽ trở lại số 10 phố Downing, căn nhà truyền thống của thủ tướng.

    Thường thì họ sẽ đứng ngoài cửa để phát biểu về kế hoạch của đảng trong những năm tới.

    VietHome (Theo BBC)

  • Ông Boris Johnson sẽ tiếp quản vị trí thủ tướng của bà Theresa May và dự kiến thực hiện một loạt thay đổi trong nội các vào những ngày tới. 

    Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay được bầu làm lãnh đạo mới của đảng cầm quyền Bảo thủ, đồng nghĩa với việc ông trở thành tân thủ tướng Anh. Ông sẽ tiếp quản vị trí của bà Theresa May từ ngày 24/7. 

    Khoảng 160.000 thành viên của đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu trong vòng hai tuần rưỡi để chọn ra lãnh đạo mới. Johnson giành được 66,4% số phiếu ủng hộ trong khi tỷ lệ ủng hộ đối thủ Jeremy Hunt là 33,6%. 

    Boris Johnson, 55 tuổi, là một chính trị gia nổi tiếng và từng giữ chức thị trưởng London. Hồi năm 2016, ông được bà May bổ nhiệm làm ngoại trưởng Anh, sau đó từ chức vào tháng 7/2018, trước khi ông Jeremy Hunt lên thay thế. 

    Chiến thắng của Johnson được cho là không bất ngờ, bởi ông nhận được nhiều sự ủng hộ từ khi bà May tuyên bố từ chức sau thất bại trong việc mang lại thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu (EU). Johnson dự kiến thực hiện một loạt thay đổi trong nội các vào những ngày tới trong khi chuẩn bị các cuộc đàm phán về thỏa thuận Brexit. Ông chủ trương bằng mọi giá tiến hành Brexit vào ngày 31/10 tới, kể cả khi không đạt được thỏa thuận với EU.

    Ngay sau chiến thắng của Johnson, các lãnh đạo EU đã chúc mừng tân thủ tướng Anh và cho biết họ muốn làm việc với ông để thông qua thoả thuận Brexit. "Chúng tôi mong chờ được làm việc một cách tích cực với Thủ tướng Boris Johnson khi ông nhậm chức, nhằm tạo điều kiện phê duyệt thoả thuận rút khỏi EU và đạt được một Brexit có trật tự", nhà đàm phán EU Michel Barnier viết trên Twitter.

    Trở thành thủ tướng Anh lúc này đồng nghĩa với việc ông Boris Johnson sẽ "thừa hưởng" di sản Brexit từ bà Theresa May và nhiều vấn đề đau đầu khác như bê bối tấn công tình dục của nghị sĩ đảng Bảo thủ hay hàng loạt quan chức cấp cao từ chức ngay trước khi công bố kết quả, trong đó có Alan Duncan – Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề châu Âu và châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Anh, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng Giáo dục Anne Milton.

    Bên cạnh thách thức trong nước, ông Boris Johnson còn phải đối mặt với vấn đề đối ngoại như căng thẳng với Iran sau khi nước này bắt giữ tàu chở dầu của Anh. Hay việc Anh cùng các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và quan hệ Anh – Mỹ có phần xấu đi sau việc rò rỉ nhận xét tiêu cực của đại sứ Anh tại Washington về tổng thống Donald Trump.

    Tổng thống Mỹ cũng vừa chúc mừng ông Johnson trở thành tân thủ tướng Anh. "Ông ấy sẽ rất tuyệt!", Trump viết trên trang cá nhân và tuyên bố là một fan "bự" của Johnson. Tuần trước, Tổng thống Mỹ nói rằng Johnson sẽ sửa chữa những gì ông gọi là "thảm hoạ" mà bà May gây ra khi nỗ lực đưa nước Anh rời khỏi EU.

    Theo Reuters, thị trường phản ứng có phần không tích cực với tin ông Boris Johnson đắc cử do chủ trương Brexit không thỏa thuận của ông. Đồng bảng Anh đã giảm ngày thứ ba liên tiếp với mức giảm 0,5% so với đồng đô la, xuống còn 1,2418 USD, gần sát mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay.

    Viethome (theo VnExpress/Zing)

  • Ít nhất hai bộ trưởng Anh bất hợp tác nếu Johnson kế nhiệm bà May trở thành Thủ tướng nước này, do bất đồng quan điểm về Brexit.

    "Không, chắc chắn tôi sẽ không bị sa thải, vì tôi sẽ từ chức trước khi chúng tôi đến thời điểm đó", Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 21/7 tuyên bố, khi được hỏi về khả năng bị sa thải nếu Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh thay thế bà Theresa May.

    Bộ trưởng tài chính (phải) tuyên bố sẽ từ chức nếu ông Boris Johnson đắc cử Thủ tướng Anh.

    Hammond giải thích rằng điều kiện để Johnson đắc cử Thủ tướng là phải chấp nhận nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào 31/10 mà không có thỏa thuận, điều mà ông không thể chấp nhận.

    Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke cũng cho biết rằng ông không thể tiếp tục tại nhiệm nếu tân thủ tướng là Johnson. "Tôi cho rằng tôi đã ở trong nội các kể từ khi Theresa May lên nắm quyền và tôi nghĩ điều thích hợp là tôi phải từ chức", ông Gauke nói hôm 21/7. "Nếu thử thách lòng trung thành bằng việc ủng hộ Brexit không thỏa thuận vào 31/10, đó không phải là điều tôi chuẩn bị".

    Cựu thị trưởng London Johnson và Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đang bước vào giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua thay thế Thủ tướng May, người sẽ từ chức vào ngày 24/7 sau khi không đạt được thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU. Tuy nhiên, Johnson được cho là có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn khi kết quả bầu cử được công bố vào ngày 23/7.

    Boris Johnson, 55 tuổi, một chính trị gia có tiếng và nhà báo người Anh, cựu thị trưởng thành phố London. Năm 2016, ông được Thủ tướng Theresa May bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh, trước khi từ chức vào tháng 7/2018.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nước Anh những ngày này nóng hực với chuyện ai sẽ vào ghế thủ tướng, với kết quả sẽ được công bố vào ngày 22-7.

    Ông Donald Trump (phải) và ông Boris Johnson không chỉ giống nhau về mái tóc vàng hoe mà còn về cách xử sự. Giống như ông Trump, ứng cử viên Johnson được biết đến với cách hành xử được cho là “không tính tới hậu quả” - Ảnh: REUTERS

    Hai ứng cử viên cuối cùng của Đảng Bảo thủ là ông Boris Johnson và ông Jeremy Hunt đều đang thực hiện các chiến dịch vận động 160.000 thành viên Đảng Bảo thủ cầm quyền để giành chiến thắng trong vòng đua cuối.

    Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình của họ vào tối 9-7 gần như chỉ xoay quanh vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Người thắng cuộc sẽ trở thành lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ và đương nhiên làm thủ tướng của nước Anh.

    Trong cuộc tranh luận giữa cựu ngoại trưởng Boris Johnson và đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt, người ta thấy vị đương kim có vẻ sắc sảo hơn hẳn. Nếu cuộc chạy đua thực sự được quyết định bởi kết quả tranh luận trên truyền hình thì Ngoại trưởng Jeremy Hunt hoàn toàn có cơ hội trở thành chủ nhân mới của "nhà số 10 phố Downing".

    Nhưng thực tế 160.000 đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc, dù chiếm chưa đầy 0,25% dân số Anh, mới là những người quyết định ai sẽ trở thành lãnh đạo mới của đất nước. Hầu hết các đảng viên Bảo thủ đều đã nhận được lá phiếu của mình qua đường bưu điện từ vài ngày trước, và có lẽ rất nhiều người trong số đó đã kịp điền tên ứng cử viên mà họ ủng hộ.

    Cần nhớ, hầu hết các thành viên Bảo thủ đều có quan điểm ủng hộ Brexit, và các cuộc thăm dò đều cho thấy những người này cho rằng các nguy cơ của kịch bản Brexit không thỏa thuận (còn gọi là Brexit cứng) đã bị "phóng đại". 

    Hầu hết họ cũng ủng hộ quan điểm của ông Johnson cho rằng chiến lược đàm phán của bà Theresa May với EU là một "thảm họa", gây nhiều thiệt thòi cho nước Anh.

    Có thể nói đến thời điểm này, không ai ở Anh tin rằng ông Johnson sẽ thất bại trong cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo. Cách đây hơn một tháng, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai khen ngợi chính trị gia có mái tóc vàng của nước Anh là người phù hợp cho chiếc ghế thủ tướng mà bà May để lại. 

    Vì vậy, chuyện tờ Mail On Sunday tung hê những đánh giá không tốt của đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đối với chính quyền của ông Trump hiện đang được xem là "âm mưu có chủ đích". 

    Ông Darroch từng là đại sứ của Anh tại EU và là người ủng hộ quan điểm ở lại với EU nên đương nhiên khó phù hợp với ông Johnson lẫn... ông Trump. Trong khi đó, chuyện rò rỉ thông tin mật cho truyền thông cũng là chuyện rất lạ đối với giới ngoại giao Anh vốn nổi tiếng "bảo mật rất tốt".

    Một số nhà phân tích nhanh chóng cho rằng chuyện rò rỉ cũng như tranh cãi vài ngày qua là "cuộc khủng hoảng ngoại giao" của đôi bạn thân Mỹ - Anh. Nhưng nhìn kỹ thì đó như một màn diễn nhiều hơn. Việc bà May quyết tâm chống lưng ủng hộ đại sứ của mình ở Mỹ chỉ như chuyện nói cho vui vì quyền lực của bà giờ đây chỉ đếm từng ngày. 

    Thậm chí ngay tại buổi tranh luận truyền hình, người ta đã hỏi ông Johnson về chuyện thay ngay đại sứ tại Mỹ (nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 1-2020). Có thể thấy điều đó sẽ khó tránh khỏi khi ông Johnson ngồi vào ghế thủ tướng.

    Nước Mỹ đang ủng hộ Anh rời khỏi EU và Anh rất cần Mỹ như một thị trường cởi mở thay thế cho thị trường EU mà mình sắp thoát ly. Phía sau những tranh cãi có vẻ căng thẳng ấy, thấp thoáng một kịch bản đầy chất Hollywood...

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)