• Theo một nghiên cứu gần đây, ở Vương quốc Anh có đến 13 điếu thuốc lá điện tử bị vứt bỏ mỗi giây, tương đương với hơn một triệu điếu mỗi ngày, gây ra 'cơn ác mộng về môi trường'.

    Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử (vape) dùng lâu dài cũng ngày càng trở nên phổ biến. Những thiết bị này có thể chứa tới 6.000 hơi mỗi lần sử dụng, trong khi các loại vape dùng một lần thông thường chỉ chứa khoảng 600 hơi.

    Theo nghiên cứu được ủy quyền bởi Material Focus và thực hiện bởi Opinium, mỗi tuần có khoảng 3 triệu vape dùng lâu dài được mua, trong khi có 8,2 triệu vape bị vứt bỏ hoặc tái chế không đúng cách mỗi tuần.

    Từ tháng 6/2025, việc bán thuốc lá điện tử dùng một lần sẽ bị cấm hoàn toàn tại Anh. Đây là biện pháp nhằm giảm tác động môi trường và ngăn ngừa việc trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử. Theo đó, thuốc lá điện tử chỉ được phép bán nếu chúng có thể sạc lại hoặc có hộp tinh dầu có thể nạp lại.

    thuoc da dien tu
    Ảnh minh họa: AI

    Tuy nhiên, tất cả các loại vape đều chứa pin lithium-ion, loại pin rất nguy hiểm nếu bị hư hỏng hoặc đè nát, vì chúng có thể gây ra hỏa hoạn trong các xe chở rác hoặc trung tâm tái chế. Các vụ cháy do thuốc lá điện tử đang gia tăng trên khắp Vương quốc Anh, với mức tăng 71% so với năm 2022.

    Các nhà môi trường cũng cảnh báo rằng thuốc lá điện tử gây lãng phí tài nguyên và hủy hoại hệ sinh thái vì chúng chứa các vật liệu quý giá như lithium và đồng, nhưng những vật liệu này thường bị vứt bỏ vào thùng rác.

    Material Focus ước tính rằng lượng thuốc lá điện tử bị vứt bỏ mỗi năm có thể tạo ra đủ năng lượng để cung cấp cho 10.127 xe điện. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng gây hại cho động vật hoang dã nếu bị vứt bừa bãi, điều này thường xuyên xảy ra.

    Ngọc Ánh (theo Guardian, Independent)

  • Nhóm chuyên gia theo dõi quần đảo Franz Josef của Nga qua ảnh chụp từ vệ tinh từ năm 2020 đến nay và nhận thấy hòn đảo Mesyatsev có diện tích 53 ha đã hoàn toàn biến mất.

    dao bang Mesyatsev
    Hòn đảo băng Mesyatsev đã hoàn toàn biến mất. Ảnh: Vera Kostamo/Sputnik

    Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 31/10, Hiệp hội địa lý Liên bang Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.

    Nhóm chuyên gia do Phó Giáo sư - Phó Tiến sĩ Khoa học Kỹ thuật Alexey Kucheiko dẫn đầu đã theo dõi quần đảo này qua ảnh chụp từ vệ tinh từ năm 2020 đến nay và nhận thấy vùng lãnh thổ băng giá có diện tích 53 ha (530,000 mét vuông) này đã hoàn toàn biến mất.

    Sự biến mất dần này đã được nhóm cảnh báo từ năm 2020 và giờ đây, bản đồ dẫn đường tàu thuyền ở khu vực này sẽ phải điều chỉnh.

    Đảo Mesyatsev hình thành từ một bán đảo cùng tên do băng tan trên đảo Eva - Liv từ trước năm 1995.

    Đoàn thám hiểm quần đảo Bắc Cực năm 2018 và các nhân viên Công viên quốc gia "Bắc Cực Nga" năm 2021 đã xác nhận việc này.

    Tính đến ngày 19/8/2015, đảo Mesyatsev có diện tích 53 ha song vào ngày 12/8/2024, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy diện tích hòn đảo chỉ còn 3 ha. Một tháng sau (13/9/2024), hòn đảo đã hoàn toàn biến mất khỏi các bức ảnh.

    Theo tính toán, đảo băng Mesyatsev đã tan chảy với tốc độ khoảng 5-13 ha mỗi năm. Hòn đảo mất tích nằm gần Eva-Liv Lớn, một trong những hòn đảo ở cực bắc của quần đảo này.

    Về nguyên nhân khiến hòn đảo biến mất, nhóm nghiên cứu cho rằng đó là do tình trạng ấm lên ở Bắc Cực khiến các sông băng tan chảy và mực nước biển dâng cao. Điều này gây ra sự xói mòn và kết quả là sự biến mất một số địa hình.

    Nhóm chuyên gia nhấn mạnh sẽ nghiên cứu thêm để xác nhận sự biến mất của đảo Mesyatsev và xác định những thay đổi có thể xảy ra.

    Theo Zing

  • Vào thứ Hai 30/9, Anh đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên chấm dứt sản xuất điện từ than với việc đóng cửa nhà máy cuối cùng - Ratcliffe-on-Soar (Uniper) ở vùng Midlands của nước Anh.

    tu bo dien than
    Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar ở Ratcliffe-on-Soar, Nottinghamshire, Anh. Ảnh Reuters

    Sự kiện này đã chấm dứt hơn 140 năm sử dụng điện than ở Anh. Năm 2015, Anh công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than trong thập kỷ tới, như một phần của các biện pháp rộng hơn để đạt được mục tiêu khí hậu. Vào thời điểm đó, gần 30% điện của đất nước đến từ than nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 1% vào năm ngoái.

    Julia Skorupska, Trưởng ban thư ký Liên minh Không sử dụng Than, một nhóm gồm khoảng 60 Chính phủ quốc gia đang tìm cách chấm dứt sử dụng năng lượng than, cho biết: "Vương quốc Anh đã chứng minh rằng có thể loại bỏ dần năng lượng than với tốc độ chưa từng có".

    Việc giảm sản lượng điện than đã giúp cắt giảm lượng khí thải nhà kính của Anh, vốn đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1990.

    Anh, quốc gia có mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng có kế hoạch khử cacbon trong ngành điện vào năm 2030, một động thái đòi hỏi phải tăng nhanh năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.

    Bộ trưởng Năng lượng Michael Shanks cho biết trong một tuyên bố qua email rằng: "Kỷ nguyên than đá có thể sắp kết thúc, nhưng kỷ nguyên mới với nhiều việc làm năng lượng tốt cho đất nước chúng ta mới chỉ bắt đầu".

    Lượng khí thải từ năng lượng chiếm khoảng ba phần tư tổng lượng khí thải nhà kính, do đó các nhà khoa học cho biết việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải được hạn chế để đạt được các mục tiêu đặt ra theo thỏa thuận khí hậu Paris.

    Vào tháng 4, các nước công nghiệp lớn G7 đã nhất trí loại bỏ điện than trong nửa đầu thập kỷ tới, nhưng cũng dành một số ưu đãi cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào than, điều này đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm xanh.

    Christine Shearer, Nhà phân tích nghiên cứu của Global Energy Monitor cho biết: “Còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo đáp ứng mục tiêu năm 2035 và đưa mục tiêu này vào thực hiện sớm hơn vào năm 2030, đặc biệt là ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức”.

    Điện than vẫn chiếm hơn 25% sản lượng điện của Đức và hơn 30% sản lượng điện của Nhật Bản.

    Petrotimes (theo Reuters)

  • Tính đến cuối tháng Chín, các tổ chức, hội đoàn người Việt tại Anh và một số tổ chức của Anh đã quyên góp được hơn 1,96 tỷ đồng để ủng hộ bà con tại các vùng bị thiệt hại do bão Yagi.

    nguoi viet o anh quyen gop bao yagi 1
    Ngày 27/9, tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc Trung ương ở Hà Nội, ông Tăng Tuấn Tú (trái), Chủ tịch Hội người Việt tại Anh (VAUK), đại diện VAUK trao tặng 100 triệu VND ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. (Ảnh: TTXVN phát)

    Trước những thiệt hại to lớn do cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) gây ra cho các tỉnh miền Bắc, cộng đồng người Việt tại Anh đã thực hiện nhiều hoạt động vận động quyên góp để chia sẻ phần nào những khó khăn, mất mát của đồng bào chịu thiệt hại sau cơn bão.

    Tính đến cuối tháng Chín, các tổ chức, hội đoàn người Việt tại Anh và một số tổ chức của Anh đã quyên góp được tổng số tiền 61.367 bảng (hơn 1,96 tỷ đồng) để ủng hộ bà con tại các vùng bị thiệt hại do bão Yagi.

    Các tổ chức này gồm Hội người Việt tại Anh (VAUK); Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK); Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS); Hội sinh viên Oxford; Hội phụ nữ và trẻ em Việt Nam tại Anh; cộng đồng người Việt tại thành phố Birmingham và Liverpool; Mạng lưới hữu nghị Việt Nam-Anh (VUKN) và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Anh.

    Việc vận động quyên góp được thực hiện linh hoạt thông qua nhiều hoạt động khác nhau, từ kêu gọi sự ủng hộ từ các thành viên hội trực tiếp hoặc trực tuyến, tới việc tổ chức các hoạt động cộng đồng, các sự kiện văn hóa, thể thao trong đó lồng ghép hoạt động gây quỹ.

    Các hoạt động này đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ nhiệt tình của kiều bào tại Anh và người dân sở tại.

    nguoi viet o anh quyen gop bao yagi 1
    Ngày 22/9, đại diện Hội phụ nữ và trẻ em Việt Nam tại Anh (thứ hai, từ phải sang) tặng quà cho người dân tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: TTXVN phát)

    Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch VIS, chia sẻ chỉ trong 2 ngày vận động, hội đã quyên góp được tổng số tiền 4.000 bảng (131 triệu đồng), trong đó có cả sự ủng hộ một chính trị gia địa phương.

    Giáo sư Huấn cho biết cảm thấy tự hào vì sự chia sẻ không chỉ đến từ các trí thức Việt tại Anh mà cả bạn bè Anh. Điều này phản ánh sự phát triển và uy tín của VIS ở sở tại.

    Ông Đinh Đức Kiên, thành viên Ban tổ chức sự kiện Trung Thu cho em tại thành phố Liverpool, nêu rõ trước những thiệt hại do bão Yagi gây ra đối với một số tỉnh miền Bắc, Ban tổ chức quyết định chuyển 1.000 bảng (33 triệu đồng) tới tài khoản Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngay khi lễ hội Trung thu của cộng đồng kết thúc.

    Ông Kiên chia sẻ đây là tâm nguyện của cộng đồng người Việt tại Liverpool, cùng hướng về quê hương với mong muốn làm vơi những mất mát của đồng bào vùng tâm bão, động viên bà con vượt qua thời điểm khó khăn này.

    Bà Lâm Oanh, Trưởng ban từ thiện, Hội phụ nữ và trẻ em Việt Nam tại Anh, cho biết hội đã phát động phong trào ủng hộ bà con vùng bão lũ ngay từ những ngày đầu sau bão Yagi và rất cảm động nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên hội, cũng như đông đảo kiều bào tại Anh.

    Theo bà Jane Hương - một thành viên của hội, không những vận động trong hội và cộng đồng người Việt, hội cũng có nhiều sáng kiến nhằm kêu gọi sự ủng hộ của người dân sở tại và bạn bè quốc tế như tổ chức cho thiếu nhi Việt Nam vận động gây quỹ thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sự kiện giao lưu văn hóa Asia Festival ở London; vận động các thành viên hội dán thông báo kêu gọi ủng hộ tại các cửa hàng của họ; tổ chức cho trẻ em người Việt thực hiện các hoạt động gây quỹ.

    nguoi viet o anh quyen gop bao yagi 1
    Tại lễ hội Trung Thu cho em ở thành phố Liverpool, Ban tổ chức sự kiện trích quỹ 1.000 bảng gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. (Ảnh: TTXVN phát)

    Bà Lâm Oanh cho biết đến cuối tháng Chín, hội đã quyên góp được tổng số tiền 10.588 bảng (349 triệu đồng). Thông qua Mặt trận Tổ quốc ở địa phương, đại diện của hội ngày 22/9 đã trực tiếp tới tỉnh Cao Bằng và Lào Cai, thăm hỏi và tặng quà cho hơn 100 hộ dân với số tiền 1 triệu đồng/hộ. Tới đây, đại diện của hội sẽ trực tiếp trao tặng 5.000 bảng (164 triệu đồng) thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội.

    Các hội đoàn khác cũng nhanh chóng trao tặng số tiền quyên góp với mong muốn hỗ trợ kịp thời tới những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bão Yagi.

    Ông Tăng Tuấn Tú, Chủ tịch VAUK, trao tặng số tiền 100 triệu đồng do hội quyên góp tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội vào ngày 27/9, trong khi VBUK đã chuyển khoản hơn 236,7 triệu VND tới Mặt trận Tổ quốc.

    Trong khi đó, số tiền 33.060 bảng (1,08 tỷ USD) do cộng đồng người Việt tại thành phố Birmingham quyên góp dự kiến sẽ được đại diện của cộng đồng trao trực tiếp tại Việt Nam trong thời gian tới.

    Tấm lòng, sự chia sẻ của cộng đồng người Việt tại Anh với đồng bào ở quê hương là minh chứng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống tương thân tương ái của những người con đất Việt cho dù họ sống ở nơi đâu.

    Theo TTXVN/Vietnam+

  • Thế giới từng biết đến một hòm thư 'mai mối' vô cùng độc đáo trên thân một cây sồi già trong khu rừng nước Đức. Nhưng cũng thú vị không kém đó là một bưu điện được biết đến với tên gọi 'chim cánh cụt' ở Nam Cực.

    lap buu dien o nam cuc
    Bưu điện Port Lockroy. Nguồn: iflscience.

    Vào khoảng tháng 11 năm ngoái, nhiều người ngạc nhiên trước thông tin Bưu điện chim cánh cụt tuyển 4 người đến Nam Cực chỉ để đếm số lượng loài chim này mỗi ngày. Mỗi năm họ phải làm việc ở vùng khí hậu băng giá khắc nghiệt nhất hành tinh 5 tháng, và tất nhiên vào với mức lương hậu hĩnh.

    Thực ra, tên chính thức của bưu điện này là Port Lockroy. Nó đã trở nên “khét tiếng” qua những câu chuyện của những người từng phục vụ ở đây khi đã trở về quê hương. Họ mô tả rằng mọi thiếu thốn về sinh hoạt cũng như cái giá lạnh thấu xương cũng không đáng sợ bằng sự cô đơn. “Một tuần chịu được. Một tháng chịu được. Ba tháng chịu được. Nhưng đến tháng thứ tư sự cô đơn khiến người ta phát điên” - Mich Jefflan, một người từng làm ở bưu điện này kể lại.

    Port Lockroy là bưu điện xa xôi nhất thế giới, nằm trên một hòn đảo chỉ lớn hơn diện tích một sân bóng đá. Nơi đây chỉ có chim cánh cụt là sinh vật duy nhất.

    Nhưng rồi biến đổi khí hậu ngày một rõ ràng hơn ảnh hưởng cả đến cộng đồng chim cánh cụt ở Nam Cực. Người ta cho rằng môi trường sống thay đổi có thể khiến loài chim này biến mất. Vì thế, Quỹ Di sản Nam Cực của Vương quốc Anh đã tài trợ để thuê người tới làm việc ở bưu điện này. Họ sẽ làm việc từ tháng 11 năm trước tới hết tháng 3 năm sau, chủ yếu là thay phiên nhau đếm chim cánh cụt và dọn dẹp phân cho chúng do chúng rất thích tới gần khu nhà của họ.

    Ngoài ra, họ cũng sẽ là hướng dẫn viên du lịch trong trường hợp có những nhóm người ưa mạo hiểm tới hòn đảo băng giá này. Du khách rất thích thú viết thư gửi về cho người thân. Có năm, bưu điện “chim cánh cụt” nhận chuyển tới 8.000 bức thư, tất cả đều do khách du lịch viết.

    Vậy, công việc chính của họ là đếm chim cánh cụt thực ra như thế nào? Thực chất, đó được coi là việc thu thập nguồn dữ liệu thực tế phục vụ cho nghiên cứu về môi trường và quần thể chim cánh cụt. Hàng ngày, 4 người trong nhóm sẽ thay nhau đếm số lượng chim cánh cụt, bao gồm tổ, trứng và chim con của chúng. Sau đó ghi lại cẩn thận, không được phép tô vẽ hay là thêm vào nhận xét của cá nhân.

    “Sống ở Port Lockroy bao giờ cũng thừa thời gian vì đêm cũng trắng như ngày. Bạn hầu như không cảm thấy buồn ngủ. Và cũng chính vì thế mà càng thấy nặng nề hơn. Hàng ngày phải theo dõi từng tí từng tí bầy chim cánh cụt mà hầu hết không có một thay đổi đáng kể nào càng khiến cuộc sống bí bách. Vì thế, mỗi khi có một nhóm khách du lịch đến, chúng tôi lại có những hoạt động giao lưu như một cách tái hòa nhập với thế giới. Càng vui hơn khi đón nhận những lá thư viết bằng tay của họ, vì ở đây không có internet hay là máy tính. Tất cả các bức thư đều phải viết bằng tay” - Lucy Dorman, người từng là lãnh đạo căn cứ tại Port Lockroy vào năm 2019-2020, nói.

    Dẫu cho cuộc sống tại hòn đảo quanh năm băng giá này là vô cùng khó khăn, nhưng vẫn có không ít người ứng tuyển. Không hẳn vì mức lương nhận được (khoảng 3.300 USD/tháng) mà chủ yếu là do tò mò và muốn được thử sức.

    “Tôi muốn biết giới hạn của bản thân mình đến đâu, không phải chỉ là mức chịu đựng về độ giá buốt của cơ thể, mà còn xem mình tổ chức cuộc sống đơn độc ra sao trong điều kiện của thời hồng hoang”- Claire, một cô gái có bằng đại học cho biết. Tuy nhiên, cô đã thất vọng vì không được tuyển trong đợt tháng 11/2023 vì có tới 1.500 ứng viên nhưng chỉ 4 người được chọn mà thôi.

    Camilla Nichol, một du khách từng ghé lại Port Lockroy cho biết, không một nơi nào trên thế giới có vẻ đẹp ấn tượng như hòn đảo này. Chỉ cần một lần đặt chân tới, người ta sẽ nhớ suốt đời. Nhưng nếu như muốn sống được ở đây thì cần phải có sức khỏe và sức chịu đựng cực kỳ dẻo dai, không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần.

    “Những tình nguyện viên đếm chim cánh cụt ở Port Lockroy là những người kiên cường trong những người kiên cường” - cô Camilla nhận xét.

    Vào năm 1944, người Anh xây dựng một căn cứ mà lúc đó người ta gọi là "bảo tàng sống" Nam Cực. Ban đầu nó nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Tới nay, nó vẫn được duy trì. Với 4 người thay nhau sống tại đây trong vòng 5 tháng mỗi năm. Họ sống chung với khoảng 2.000 chú chim cánh cụt.

    Theo Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh thì việc thống kê số chim cánh cụt trên đảo trong điều kiện khí hậu thay đổi và du lịch ngày một mạnh hơn là không hề dễ dàng. Và đáng tiếc là những dấu hiệu gần đây đã cho thấy sinh hoạt của chim cánh cụt trên hòn đảo này đã có sự thay đổi.

    Mặc dù có nhiều quốc gia từng tuyên bố chủ quyền đối với các phần lãnh thổ của Nam Cực, nhưng cho đến nay lục địa này vẫn là lãnh thổ chung của toàn nhân loại. Đây cũng là nơi chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình và nghiên cứu khoa học.

    Nam Cực là nơi lạnh nhất, khô nhất và nhiều gió nhất hành tinh. Nhiệt độ có thể đạt mức cao nhất là âm 30 độ C vào mùa hè và mức thấp nhất là âm 80 độ C vào mùa đông. Trong số những điều hấp dẫn có câu chuyện vào năm 1977, với ý định tạo ra “cư dân bản địa”, Argentina đã dùng máy bay quân sự đưa bà Silvia Morello de Palma đang mang thai và nhóm bác sĩ đến căn cứ Esperanza của quốc gia này ở Nam Cực. 2 tháng sau, con trai bà tên là Emilio đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử sinh ra tại Nam Cực.

    Nói như nhà bác học Stephen Hawking thì Argentina đã tạo ra một tiền lệ để con người có thể tạo ra những nhóm công dân đặc biệt tại Nam Cực - nơi tưởng chừng như chỉ là “đất sống” của riêng loài chim cánh cụt mà thôi.

    Nam Cực không chỉ thu hút khách du lịch mạo hiểm mà còn là hấp lực lớn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, sức khỏe và sự an toàn của họ luôn phải đặt lên hàng đầu. Tất cả mọi người đều phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra sức khỏe khác nhau trước khi đến làm việc ở Nam Cực. Trong trường hợp làm việc trong mùa đông tại các trạm ở Nam Cực, thì mọi người đều phải cắt bỏ ruột thừa để tránh sự cố sức khỏe nhưng không thể được chăm sóc y tế kịp thời, do không có bệnh viện gần.

    Theo Daidoanket

  • Với sự trợ giúp của tàu phá băng và robot dưới nước, mới đây, một nhóm nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sông băng Thwaites ở Nam Cực đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh và có thể sụp đổ theo cách không thể đảo ngược, gây ra thảm họa nước biển dâng toàn cầu.

    song bang ngay tan the
    Một góc của sông băng Thwaites. Ảnh: NASA

    Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng sông băng Thwaites, còn được biết đến với tên gọi “sông băng Ngày tận thế”, rất dễ bị tác động, một phần vì vị trí địa lý của con sông này. Sông có diện tích tương đương bang Florida của Mỹ, nằm trên nền địa hình dốc xuống, đồng nghĩa rằng khi tan chảy, sẽ có nhiều băng tiếp xúc với nước biển ấm hơn. Trước đây có rất ít hiểu biết về cơ chế đằng sau sự sụt giảm mực băng trên con sông này. Trong 6 năm qua, các nhà khoa học đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm để mang lại những hiểu biết rõ ràng hơn.

    Theo đó, kể từ năm 2018, một nhóm các nhà khoa học tham gia Tổ chức Hợp tác sông băng Thwaites quốc tế (ITGC) đã nghiên cứu dòng sông băng phức tạp và luôn thay đổi này để hiểu rõ hơn về cách thức và thời điểm mà sông băng có thể sụp đổ. Những phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được trình bày qua một loạt nghiên cứu, cung cấp bức tranh rõ ràng nhất về dòng sông băng này.

    Mới nhất, trong báo cáo công bố ngày 19/9, các nhà khoa học cảnh báo về một kịch bản “nghiệt ngã” đồng thời tiết lộ những kết luận chính sau 6 năm nghiên cứu. Theo đó, các nghiên cứu chỉ ra tốc độ mất băng dù đã ở mức nhanh nhưng sẽ còn tăng hơn nữa trong thế kỷ này. Rob Larter, nhà địa vật lý biển tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và là thành viên của nhóm ITGC, cho biết mực băng trên sông Thwaites đã sụt nhanh đáng kể trong 30 năm qua. Các kết quả nghiên cứu cho thấy mực băng sẽ còn sụt nhanh và nhiều hơn nữa.

    Nhóm nghiên cứu đã đưa 1 robot hình ngư lôi có tên Icefin đến dải tiếp đất của Thwaites, điểm mà băng bắt đầu nổi lên từ đáy biển, một điểm dễ bị tổn thương. Thông qua những hình ảnh mà Icefin gửi lại, nhóm đã phát hiện ra sông băng đang tan chảy theo những cách không ngờ tới, nước biển ấm có thể chảy qua các vết nứt sâu và tạo ra những bậc thang trong băng. Một nghiên cứu khác sử dụng dữ liệu vệ tinh và GPS để xem xét tác động của thủy triều và phát hiện ra rằng nước biển có thể len lỏi sâu hơn 9,6 km bên dưới Thwaites, đưa theo nước ấm xuống dưới lớp băng và gây ra hiện tượng tan chảy nhanh chóng.

    Đi sâu nghiên cứu về lịch sử phát triển của Thwaites, nhóm nhà khoa học, trong đó có Julia Wellner, giáo sư tại Đại học Houston, đã phân tích lõi trầm tích biển để dựng lại quá khứ của sông băng và nhận thấy mực băng đã bắt đầu rút lui nhanh chóng vào những năm 1940. Tình trạng này có thể là do sự tác động của một đợt El Ninõ rất mạnh.

    Các nhà khoa học dự đoán toàn bộ Thwaites và khối băng Nam Cực phía sau có thể biến mất vào thế kỷ 23, gây ra hậu quả tàn khốc. Khi tan chảy hoàn toàn, sông băng Thwaites sẽ giải phóng ra lượng nước có thể làm tăng mực nước biển lên hơn 0,6m. Ngoài ra, dòng sông băng này cũng đóng vai trò như một nút chai, chặn giữ dải băng Nam Cực rộng lớn, nên nếu cuối cùng sông băng này sụp đổ thì mực nước biển có thể sẽ dâng cao khoảng 3m, tàn phá các cộng đồng ven biển từ Miami và London đến Bangladesh và các quần đảo ở Thái Bình Dương.

    Các nhà khoa học cảnh báo kể cả khi con người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức thì cũng có thể đã quá muộn để cứu sông băng này. Tuy nhiên, nhóm cũng cho biết vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu thêm về dòng sông băng phức tạp này và để hiểu liệu tình trạng sụt giảm mực băng có thể đảo ngược hay không.

    Theo Baotintuc

  • Bella Nilsson tự hào là "bà chúa xử lý, tái chế rác" ở Thụy Điển, nhưng bị cáo buộc chỉ chôn lấp chúng, đe dọa sức khỏe con người và môi trường.

    Tòa án quận Attunda ở Stockholm ngày 3/9 bắt đầu phiên xét xử Bella Nilsson, cựu giám đốc điều hành công ty Think Pink, cùng chồng cũ là Thomas Nilsson, và 9 đồng phạm trong vụ án về môi trường lớn nhất Thụy Điển.

    Công ty xử lý rác thải Think Pink được thành lập năm 2015, với thời kỳ hoàng kim là giai đoạn 2018-2020. Những chiếc túi rác lớn màu hồng đề chữ Think Pink quảng cáo dịch vụ tái chế và xử lý chất thải giá rẻ xuất hiện tràn ngập thủ đô Thụy Điển.

    cong ty tai che rac 1
    Những túi rác màu hồng của Think Pink. Ảnh: TT News Agency

    Bella Nilsson, người tự gọi mình là "bà chúa rác", thời kỳ này giành được vô số giải thưởng với tư cách là giám đốc điều hành công ty.

    Tuy nhiên, công ty này sau đó bị điều tra với cáo buộc xử lý không đúng cách ít nhất 200.000 tấn rác. Thay vì tái chế và xử lý số rác này, Think Pink chỉ đơn giản là chôn lấp hoặc tập kết chúng thành bãi rác lộ thiên tại 21 địa điểm ở Thụy Điển.

    Trong hồ sơ điều tra dài 50.000 trang, điều tra viên cho biết lượng rác này chứa nhiều chất gây hại như asen, dioxin, kẽm, chì, đồng và các sản phẩm dầu mỏ. Một số bãi rác bốc cháy, trong đó một bãi rác cháy suốt nhiều tháng.

    cong ty tai che rac 1
    Bãi rác lộ thiên của Think Pink ở Botkyrka, phía nam Stockholm, bốc cháy. Ảnh: AFP

    Vợ chồng Nilsson đối mặt cáo buộc vi phạm hàng loạt tội danh về môi trường và kinh tế nghiêm trọng liên quan tới công ty. Những người khác đối mặt nhiều cáo buộc về môi trường và kinh tế, nhưng tất cả đều phủ nhận cáo trạng.

    Think Pink đóng cửa năm 2020 sau khi "bà chúa rác" Bella Nilsson bị bắt.

    Trong phiên tòa hôm 3/9, công tố viên Anders Gustafsson cáo buộc Think Pink đã chôn lấp rác trái phép và làm giả hồ sơ để lừa dối chính quyền hòng trục lợi.

    "Một số nơi yêu cầu bồi thường tới 260 triệu SEK (25,2 triệu USD), chủ yếu là các thành phố lớn, nơi họ phải dọn sạch những núi rác khổng lồ", Gustafsson nói. "Điều đáng nói là hành vi này diễn ra trên quy mô lớn, kéo dài ở nhiều nơi tại Thụy Điển".

    cong ty tai che rac 1
    Bella Nilsson trong giờ giải lao của phiên tòa tại tòa án Attunda, Stockholm, ngày 3/9. Ảnh: AFP

    VnExpress (theo AP)

  • Đảng Lao động của tân Thủ tướng Keir Starmer sẽ tiến hành nhiều chính sách về khí hậu và năng lượng đột phá, thậm chí đảo ngược với chính quyền tiền nhiệm. Sự thay đổi này được dự báo sẽ tác động sâu sắc tới khu vực và toàn cầu…

    nang luong sach 1
    Các chính sách về khí hậu và năng lượng của tân chính quyền Thủ tướng Keir Starmer thu hút sự chú ý lớn của giới quan sát.

    Vương quốc Anh là một trong những quốc gia gây ô nhiễm khí hậu lớn nhất trong lịch sử. Đây là nơi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ 18, khiến nền kinh tế toàn cầu bị ô nhiễm do than, dầu và khí đốt và cùng với đó là khí thải nhà kính làm nóng hành tinh. Vì vậy, tốc độ và quy mô chuyển đổi năng lượng của Anh sẽ có tác động toàn cầu sâu sắc, được các quốc gia công nghiệp hóa khác và các nền kinh tế mới nổi theo dõi chặt chẽ.

    Là nơi khởi nguồn của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất và từng là đế quốc khổng lồ đốt than, Vương quốc Anh sẽ trở thành "siêu cường năng lượng sạch". Đây là lời hứa của tân Thủ tướng Keir Starmer.

    Đảng Lao động của ông Keir Starmer đã chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ vào tháng 7 vừa qua. Khí hậu và năng lượng là những chương trình nghị sự quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Đảng Lao động.

    TRỞ THÀNH SIÊU CƯỜNG NĂNG LƯỢNG “SẠCH”

    Những cam kết chính bao gồm đạt được mục tiêu năng lượng không phát thải carbon vào năm 2030, tái khởi động tham vọng trở thành quốc gia đi đầu về khí hậu trên trường quốc tế và viết lại chiến lược quốc gia về phát thải ròng bằng 0.

    Để đạt được những cột mốc như vậy, chính phủ Đảng Lao động sẽ phải ban hành những thay đổi sâu rộng trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ việc đại tu hệ thống quy hoạch đến việc xây dựng kế hoạch "chuyển đổi công bằng" cho ngành dầu khí Biển Bắc.

    Bên cạnh việc thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử, Đảng Lao động cũng sẽ giải quyết các khuôn khổ, chiến lược và cam kết quốc tế tồn đọng đã quá hạn mà chính phủ tiền nhiệm chưa hoàn thành, theo đánh giá của Carbon Brief.

    CẢI CÁCH ĐÁNG KỂ VỀ CHÍNH SÁCH

    Cương lĩnh tranh cử trong chiến dịch của ông Keir Starmer đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt được "điện không phát thải carbon vào năm 2030" (zero-carbon electricity) cho Vương quốc Anh. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một nguồn lượng lớn năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi công suất điện gió và điện mặt trời.

    Mục tiêu này đầy tham vọng, nhưng được cho vẫn khả thi khi xét đến tình trạng hiện tại của ngành năng lượng Anh.

    nang luong sach 1
    Phân tích cho thấy lượng khí thải CO2 của Vương quốc Anh đã giảm 29% (đường màu đỏ) trong thập kỷ qua kể từ năm 2010. Đồng thời, GDP (màu xanh) đã tăng 18%. Nguồn: Carbon Brief.

    Quốc gia châu Âu đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm sự phụ thuộc vào than. Nhà máy điện đốt than cuối cùng dự kiến sẽ đóng cửa vào tháng 9 năm nay. Như vậy, các nhà máy điện sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng than vào sản xuất điện từ 40% (năm 2012) xuống gần bằng không.

    Thách thức lớn tiếp theo là giải quyết tình trạng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên - hiện cung cấp hơn 30% điện năng của Vương quốc Anh. Chính phủ sẽ cần phải loại bỏ hoàn toàn khí đốt hoặc tìm ra những cách hiệu quả để thu giữ và lưu trữ khí nhà kính do các nhà máy điện khí thải ra.

    Chiến lược của Đảng Lao động bao gồm việc mở rộng đáng kể công suất năng lượng tái tạo. Thủ tướng Keir Starmer có kế hoạch tăng gấp 2 lần công suất điện gió trên bờ, gấp 4 lần công suất điện gió ngoài khơi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời.

    Để đạt được những mục tiêu này, cần phải cải cách đáng kể trong quy trình phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo, theo nhận định của chuyên gia về khí hậu Joss Garman.

    Khai thác dầu từ Biển Bắc đã liên tục giảm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trái ngược với cách tiếp cận của Đảng Bảo thủ là tối đa hóa các nguồn tài nguyên Biển Bắc, Đảng Lao động đã cam kết tôn trọng các giấy phép khai thác dầu khí hiện có nhưng sẽ không cấp giấy phép mới. Các công ty dầu khí hiện phải chịu mức thuế 75% và Đảng Lao động đề xuất tăng lên 78%.

    Sự suy giảm sản lượng dầu khí Biển Bắc sẽ tác động đến Scotland, đặc biệt là các cộng đồng phụ thuộc vào ngành công nghiệp này. Tuy vậy, những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland đã ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn tài nguyên này do chúng nằm trong vùng biển của Scotland.

    Trước đây Đảng Bảo thủ từng bị chỉ trích vì trì hoãn các chính sách xanh, chẳng hạn như gia hạn lệnh cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới từ 2030 sang 2035. Đảng Lao động đặt mục tiêu khôi phục lệnh cấm này đến năm 2030 và có kế hoạch tăng gấp đôi kinh phí cho các chương trình tiết kiệm năng lượng.

    THÀNH LẬP CÔNG TY NĂNG LƯỢNG THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

    Một dự án trọng điểm khác là thành lập công ty năng lượng do nhà nước sở hữu, Great British Energy (GB Energy), hoạt động như một tổ chức đầu tư cho năng lượng tái tạo và có trụ sở tại Scotland.

    Mục tiêu là khai thác "cơ hội của nguồn năng lượng sạch của Anh, giúp quốc gia này độc lập về năng lượng, loại bỏ sức ảnh hưởng năng lượng của Nga mãi mãi", theo tân Thủ tướng Keir Starmer.

    Cụ thể, ngày 5/7/2024, tân Bộ trưởng An ninh Năng lượng và Net Zero Ed Miliband đã đưa ra thông báo chính thức đầu tiên trên cương vị mới, nêu rõ các ưu tiên của mình là biến Vương quốc Anh thành siêu cường năng lượng sạch với việc thành lập GB Energy.

    nang luong sach 1
    Người dân chứng kiến cảnh phá hủy các tháp giải nhiệt mang tính biểu tượng của nhà máy điện Didcot A, hạt Oxfordshire (Anh) vào năm 2014. Ảnh: Tom Wren SWNS.

    Các chức năng chính của GB Energy bao gồm phát triển các dự án năng lượng sạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và hỗ trợ các sáng kiến năng lượng địa phương.

    Theo tổ chức Energy Saving Trust, chính phủ Anh sẽ đầu tư 8,3 tỷ bảng Anh vào GB Energy để thúc đẩy năng lượng sạch. Một phần kinh phí khác cho GBE sẽ được cung cấp từ thuế bổ sung đối với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ cũng tìm cách thu hút 60 tỷ bảng Anh đầu tư tư nhân và để GB Energy tham gia vào nhiều dự án năng lượng tái tạo khác nhau, bao gồm thu giữ carbon và năng lượng thủy triều, theo BBC.

    GB Energy sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tạo ra 8 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030. Crown Estate (tổ chức quản lý các bất động sản của Hoàng gia Anh) sẽ hợp tác với GB Energy để mở rộng các trang trại điện gió ngoài khơi và thu hút đầu tư tư nhân, với mục tiêu hỗ trợ tới 20-30GW công suất điện gió ngoài khơi mới vào năm 2030.

    GB Energy sẽ không cung cấp điện trực tiếp nhưng sẽ đồng đầu tư vào các công nghệ mới nổi như hydro xanh, các trang trại điện gió ngoài khơi nổi và năng lượng thủy triều, cũng như mở rộng quy mô các công nghệ tiên tiến như năng lượng gió trên bờ, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân.

    Dù nhà nước sở hữu nhưng GB Energy sẽ tiến hành các dự án cùng với các hội đồng địa phương. Các lợi ích dự kiến bao gồm phát triển các dự án năng lượng tái tạo, hóa đơn tiền điện thấp hơn, tăng cường an ninh năng lượng và tạo ra 650.000 việc làm.

    Chính phủ cũng dự kiến đưa ra Dự luật Năng lượng Anh để tạo khung pháp lý thuận lợi cho tổng thể hoạt động của GB Energy.

    Luôn muốn đi tiên phong về nỗ lực khí hậu toàn cầu, từ 2008, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong số các cường quốc công nghiệp hóa thông qua luật về biến đổi khí hậu. Lượng khí thải của nước này đã giảm đáng kể kể từ đó.

    Năm 2021, nước này đã thông qua một trong những đạo luật khí hậu tham vọng nhất thế giới, đặt ra mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý là giảm 78% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035, so với mức năm 1990.

    Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này là khá khó khăn. Chính phủ của Đảng Lao động sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong nước, tình hình bất ổn địa chính trị khu vực và một loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt do lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch gia tăng.

    Theo VnEconomy

  • bien anh nhiem mt 1
    (Ảnh: gov.uk)

    Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự xuất hiện của cocaine và thuốc lắc trong sinh vật biển ở vùng biển quanh Vương quốc Anh.

    Theo các nhà khoa học tại Đại học Portsmouth và Đại học Brunel London, cocaine và thuốc lắc chỉ là một số loại ma túy và dược phẩm được tìm thấy trong sinh vật biển ở vùng nước ven biển quanh Vương quốc Anh.

    Sau các nghiên cứu thu thập hàng trăm mẫu nước tại vùng biển phía Nam nước Anh, các nhà khoa học đã tìm thấy hàm lượng cao các hóa chất có khả năng gây hại trong nước. Các sinh vật biển như cua, hàu, rong biển, giun sống trong trầm tích… đều bị nhiễm các loại chất ma túy.

    Không chỉ có ma túy, các nhà khoa học còn tìm thấy hóa chất vĩnh cửu PFAS, Polyclo Biphenil (PCB) trong các sinh vật biển, một số hóa chất ở nồng độ cao có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của các loài vật.

    Giáo sư Alex Ford, nhà sinh vật học biển tại Đại học Portsmouth, cho biết: "Chúng tôi tìm thấy cocaine, thậm chí cả methamphetamine trong các sinh vật biển".

    Theo các nhà khoa học, các vùng biển bị nhiễm các chất độc một phần là do nước thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra biển và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong điều kiện trời mưa to, hệ thống chứa nước thải của con người sẽ bị tràn. Lúc đó, nhà máy nước được phép xả nước thải thô ra sông. Tuy nhiên, các nhà máy nước ở Anh đã làm trái quy định, họ xả nước thải thô ngay cả khi trong điều kiện thời tiết khô ráo, không có mưa. Các thành phần thuốc, ma túy... đã theo nước tiểu của người sử dụng trôi ra sông.

    bien anh nhiem mt 3
    Lượng nước thải thô từ nhà máy nước xả thẳng ra sông và biển của Anh đã tăng gấp đôi so với năm 2022 (Ảnh: Greenpeace.uk)

    Năm 2021, Southern Water - Công ty chịu trách nhiệm xử lý nước và nước thải trên một địa bàn nước Anh, đã thừa nhận hơn 50 tội danh về xả nước thải trái phép ra môi trường từ năm 2010 đến năm 2015. Các hành vi vi phạm được xác định là do cố ý vi phạm và công ty này đã bị phạt khoản tiền kỷ lục tên tới 90 triệu Bảng.

    Theo số liệu thống kê của Cơ quan Môi trường Vương quốc Anh, lượng nước thải thô từ nhà máy nước xả thẳng ra sông và biển của nước này đã tăng gấp đôi so với năm 2022, đạt kỷ lục 3,6 triệu giờ. Vấn đề này được đánh giá là rất nghiêm trọng vì theo một nghiên cứu ở khu vực cảng Langstone, các sinh vật sống tại đây đều có kết quả dương tính với ma túy khiến chúng có những hành vi bất thường.

    "Nếu bạn nhốt một con cá ở hạ lưu nhà máy xử lý nước thải, nó sẽ bắt đầu nữ tính hóa trong vòng vài tuần. Nếu bạn cho một con cua hoặc một con cá sử dụng thuốc chống trầm cảm, nó sẽ thay đổi hành vi rất nhiều theo cách nó được thiết kế để thay đổi chúng ta", Giáo sư Alex Ford nói.

    Trước tình hình xả nước thải thô bừa bãi, chính phủ Anh đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của các nhà máy nước.

    Theo VTV

  • Trong 4 thập kỷ qua, trên khắp thế giới từ California Mỹ đến các vùng đất trồng trọt ở Iran, nước ngầm ngày một cạn kiệt.

    Theo một nghiên cứu mới phân tích số đo từ 170.000 giếng tại hơn 40 quốc gia, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Chile, Tây Ban Nha, Mexico và các quốc gia khác, mực nước ngầm đã giảm nhanh chóng do nước được bơm mạnh để tưới cho đất nông nghiệp.

    bao dong nguon nuoc can kiet 1
    Một công ty khoan giếng trong vườn trồng quả pistachi gần Terra Bella, California, vào năm 2021 - Ảnh: LOS ANGELES TIMES

    80% khu vực giảm nước ngầm lẫn giảm lượng mưa

    Theo đó, việc bơm nước ngầm quá mức đang gây thiệt hại trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng. Nhiều khu vực phải đối mặt với những đợt khô hạn dữ dội hơn do biến đổi khí hậu.

    Phân tích cho thấy các vùng của bang California có mực nước ngầm suy giảm nhanh nhất trên thế giới.

    Tiến sĩ Debra Perrone - phó giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học UC Santa Barbara (UCSB) và là một trong những tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Ở những nơi mực nước giảm do bơm quá mức, hậu quả có thể bao gồm giếng cạn, dòng suối suy giảm nước và mặt đất chìm. Có những vùng mất nguồn dự trữ nước quý giá tích tụ dưới lòng đất qua nhiều thế kỷ hoặc hàng nghìn năm".

    Tiến sĩ Scott Jasechko - đồng tác giả và phó giáo sư về tài nguyên nước của Đại học UCSB - cho hay kiểm tra 1.693 tầng ngậm nước trên toàn thế giới, họ phát hiện 36% tầng ngậm nước đã giảm đáng kể từ năm 2000 - 2022. Tốc độ giảm trung bình ít nhất 10,16cm/năm.

    Họ cũng nghiên cứu các xu hướng từ năm 1980 đến nay ở 542 tầng ngậm nước và ghi nhận sự suy giảm đã trở nên tồi tệ hơn hoặc tăng tốc ở mức 51%.

    bao dong nguon nuoc can kiet 1
    Hệ thống tưới tiêu tưới cho cánh đồng cà rốt ở Cuyama Valley của California vào tháng 10-2023 - Ảnh: LOS ANGELES TIMES

    Nhiều vùng khác nhau của California nằm trong số những vùng bị cạn kiệt nước ngầm nhanh chóng kể từ năm 2000. Cùng chung số phận còn có các khu vực phía tây nước Mỹ, Iran, Chile, Nam Phi.

    Nghiên cứu cũng cho thấy hơn 80% các khu vực có mực nước ngầm suy giảm nhanh chóng, đồng thời chứng kiến lượng mưa giảm trong 40 năm qua.

    Vẫn còn hy vọng

    Tuy nhiên, trong khi kiểm tra, các nhà nghiên cứu lại phát hiện 6% tầng ngậm nước có mực nước tăng ít nhất ở mức 10cm, và những tầng ngậm nước khác có mực nước thay đổi nhỏ.

    Những nơi có mực nước đang phục hồi có thể kể như vùng Arkansas, New Mexico, Arizona, California và thủ đô Bangkok của Thái Lan.

    Nghiên cứu cũng ghi nhận mực nước ngầm được phục hồi sau nhiều thập kỷ suy giảm nhờ những nỗ lực can thiệp. Chẳng hạn như áp dụng các biện pháp quản lý và giảm bơm nước ngầm hoặc vận chuyển nước từ sông về để sử dụng đồng thời để nạp lại tầng ngậm nước.

    Tại thung lũng Avra của Arizona, phía tây Tucson, nước được chuyển từ sông Colorado đã được sử dụng để bổ sung tầng ngậm nước, làm tăng mực nước ngầm.

    Và tại một số khu vực thuộc thung lũng Coachella của California, mực nước đã tăng lên do dòng nước được bổ sung từ sông Colorado, được vận chuyển qua các kênh rạch, giúp giảm bớt nhu cầu về nước ngầm và cho phép tái nạp tầng ngậm nước.

    Được công bố trên tạp chí khoa học Nature danh tiếng, nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học từ các trường đại học ở Mỹ, Anh, Thụy Sĩ và Saudi Arabia thực hiện.

    Các nhà khoa học cho biết họ đã tổng hợp khoảng 300 triệu phép đo mực nước trong suốt 6 năm nghiên cứu. Kết quả đã cung cấp những phân tích sâu rộng nhất từ trước đến nay về mực nước trong các giếng trên toàn thế giới.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Một dòng suối ở Birmingham, Anh đã chuyển sang màu đỏ tươi và mọi người đều bất ngờ trước cảnh tượng này.

    Sự việc kỳ lạ này đã được một người dân phát hiện tại Perry Common Meadows ở Birmingham, Anh vào sáng hôm 24/1.

    Các nhà điều tra môi trường tại Hội đồng thành phố Birmingham hiện đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này.

    Ủy viên hội đồng Perry Common Ward, Jilly Bermingham, đã đăng trên X, trước đây là Twitter: "Tôi đã được biết về điều kỳ lạ đang xảy ra ở Perry Common Meadows và tôi đang điều tra nó. Ngày hôm nay, nước phần lớn đã trở lại bình thường, tuy nhiên, tàn dư màu đỏ vẫn còn nhìn thấy ở hạ lưu".

    suoi do o birmingham

    Bà Bermingham nói với BirminghamLive: "Tôi đã nhờ các nhân viên môi trường xuống kiểm tra. Hiện tại tôi không biết nó là gì. Tôi chỉ được kể về nó tối qua. Tôi đã đăng tải nó trên X chủ yếu để cảnh báo mọi người trong trường hợp họ bị sốc nếu đi xuống đó.

    Nếu là sơn thì phải dùng rất nhiều sơn mới làm cho nó tối như vậy. Tôi không biết liệu đó có phải là một loại phản ứng hóa học nào đó không".

    Một số người đã phản hồi bài đăng của bà Berminghem trên X.

    David Barker, ủy viên hội đồng Brandwood và Kings Heath nói: "Cái quái gì vậy? Nó trông giống như sự khởi đầu của một bộ phim kinh dị!".

    Tháng 7 năm ngoái, một phần sông Trent ở Bắc Staffordshire chuyển sang màu cam sáng và xanh sau khi thuốc nhuộm quần áo vô tình bị đổ xuống nước.

    Cơ quan môi trường trấn an công chúng rằng không có loài cá hay động vật hoang dã nào gặp nạn và các mẫu không có lý do gì đáng lo ngại.

    Nguoiduatin (theo Metro)

  • Nhân viên xã hội phát hiện thi thể của bé Bronson và ông Kenneth Battersby tại nhà sau khi không thấy ai ra mở cửa trong những lần ghé thăm trước đó. 

    be chi doi 1
    Bé Bronson Battersby được hàng xóm nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày Boxing Day.

    Một bé trai 2 tuổi đã chết đói sau khi người bố lên cơn đau tim đột ngột. Nhiều ngày sau nhân viên xã hội mới phát hiện ra hai bố con. Lúc đó bé Bronson Battersby đang cuộn tròn trong bộ pyjama, nằm cạnh bố là ông Kenneth 60 tuổi. Đó là ngày thứ 14 kể từ lần cuối cùng họ được nhìn thấy. 

    Nhân viên xã hội đã tới thăm nhà họ ở Skegness, Lincolnshire vào ngày 2/1/2024, một tuần trước khi hai cố con được phát hiện. Lúc đó không có ai ra mở cửa, nhân viên xã hội đã báo cảnh sát vì họ không có quyền phá cửa vào nhà. 

    Cũng là người nhân viên xã hội ấy quay lại ngôi nhà 2 ngày sau đó. Lần này cũng không ai trả lời và người này lại báo cảnh sát.

    Đến ngày 9/1/2024, nhân viên xã hội mới được chủ nhà cấp quyền vào ngôi nhà, và họ phát hiện ra thi thể của hai bố con ông Battersby. 

    Một cuộc khám nghiệm tử thi sơ bộ cho thấy bé Bronson chết vì đói và mất nước. Em nằm cuộn tròn bên cạnh bố, 14 ngày sau lần cuối cùng họ được nhìn thấy. Một người hàng xóm cho biết cô đã nghe thấy tiếng Bronson khóc vào đêm giao thừa. 

    be chi doi 1
    Mẹ của Bronson cho rằng nếu nhân viên xã hội hoàn thành trách nhiệm, có thể họ đã cứu được Bronson.

    Mẹ của em là chị Sarah Piesse, 43 tuổi, cho rằng "Nếu nhân viên xã hội làm tròn trách nhiệm của họ thì Bronson có thể vẫn còn sống. Tôi đã xem kết quả khám nghiệm tử thi. Họ nghĩ Kenneth chết sau ngày 28/12/2023. Nghĩa là nếu nhân viên xã hội cố phá cửa vào khi không thấy ai ra mở cửa vào ngày 2 tháng 1, thì có thể lúc đó Bronson vẫn còn sống". 

    Bronson được hàng xóm nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày Boxing Day, khi họ ghé thăm nhà em. Ông Battersby không có việc làm và có tiền sử bệnh tim, điều này khiến ông bị vàng da nghiêm trọng vài tháng trước khi mất. 

    Bé Bronson được dịch vụ xã hội xếp vào dạng "dễ bị tổn thương", nên hàng tháng đều có nhân viên xã hội đến kiểm tra tình hình của em. 

    Hội đồng Lincolnshire đang khẩn trương điều tra vụ việc. Người nhân viên xã hội đã xin nghỉ phép trong khi chờ điều tra. 

    Con gái của ông Battersky cho biết: "Đã có rất nhiều cơ hội để cứu Bronson, một cuộc điều tra là cần thiết để xác định trách nhiệm thuộc về ai".

    Viethome (theo Telegraph)

  • Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khối G20 giảm một nửa lượng khí thải carbon.

    giam khi thai carbon 1
    Tháp giải nhiệt tại một nhà máy điện than đã ngừng hoạt động ở Anh. Ảnh: Yahoo News

    Bộ trưởng Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero của Anh, Claire Coutinho cho biết theo dữ liệu mới nhất cho thấy lượng khí thải đã giảm một nửa sau 50 năm cho thấy Anh là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

    Dữ liệu do Dự án Carbon toàn cầu, một đối tác nghiên cứu của chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới, tổng hợp, cho thấy lượng khí thải CO₂ của Vương quốc Anh hiện đã giảm 52% so với mức đỉnh điểm vào những năm 1970.

    Theo dữ liệu được cập nhật vào tháng trước, lượng khí thải của Vương quốc Anh từ sản xuất năng lượng hóa thạch là 319 triệu tấn vào năm 2022 – giảm từ mức 660 triệu tấn vào năm 1971.

    Tính đến cuối năm 2010, Vương quốc Anh vẫn thải hơn 500 triệu tấn mỗi năm.

    Bộ trưởng Claire Coutinho đã chia sẻ phân tích dữ liệu trong một bài đăng trên blog từ tạp chí The Spectator, trong đó lần đầu tiên nêu bật các số liệu.

    “Anh là quốc gia đầu tiên trong nhóm G20 giảm một nửa lượng khí thải carbon. Chúng tôi là những nhà lãnh đạo thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là chúng tôi đảm bảo không tạo gánh nặng cho nhiều gia đình tại Anh khi tiếp tục quá trình chuyển đổi carbon về 0”, bà nhận định.

    giam khi thai carbon 1
    Một trang trại gió ngoài khơi nước Anh. Ảnh: Innovations

    Theo dữ liệu, Anh lần đầu tiên đạt được cột mốc giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2020 khi nước này phong tỏa vì đại dịch Covid, nhưng dữ liệu cho thấy nước này hiện đã đạt được mục tiêu trong một năm bình thường khi nền kinh tế không bị tê liệt bởi đại dịch.

    Lượng phát thải cao nhất của mỗi quốc gia khác nhau tùy thuộc vào nền kinh tế hoặc hoàn cảnh của họ, nhưng trong cùng thời gian đó, Mỹ đã tăng từ 4,36 tỷ tấn lên 5,05 tỷ tấn. Lượng khí thải của Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 2005 ở mức 6,13 tỷ tấn.

    Lượng khí thải của Pháp thấp hơn Anh ở mức 298 triệu tấn, nhưng chỉ giảm so với mức đỉnh 539 triệu tấn vào năm 1973 trong khi Đức đang phát thải 666 triệu tấn, giảm từ mức 1,11 tỷ tấn vào năm 1979.

    Ngược lại, lượng khí thải từ các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng.

    Lượng khí thải của Trung Quốc hiện là 11,39 tỷ tấn so với 808 triệu tấn vào năm 1970 và 3,64 tỷ tấn vào năm 2000 trong khi của Ấn Độ là 2,83 tỷ tấn so với 182 triệu tấn vào năm 1970 và 978 triệu tấn vào năm 2000.

    Dữ liệu này được đưa ra khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak xem xét lại các chính sách về “Net Zero” của chính phủ được thiết kế để giúp Anh đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050.

    Ông Sunak đã đẩy lùi lệnh cấm bán ô tô chạy bằng động cơ diesel và xăng mới từ năm 2030 đến năm 2035 và từ bỏ kế hoạch áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với các hộ gia đình.

    Đây là một dốc mốc quan trọng đánh dấu bước tiến thực hiện cam kết”xanh hoá” trái đất của Anh, trong bôi cảnh  Anh hiện có dân số và nền kinh tế lớn hơn nhiều so với 50 năm trước.

    Báo Tin Tức (Theo The Age)

  • Daily Mail ngày 8/12 đưa tin, hàng ngàn tấn cá chết đã trôi dạt vào một bãi biển phía bắc Nhật Bản.

    ca chet trang xoa bien nhat ban
    Hàng loạt cá chết được nhìn thấy dạt vào bờ biển phía bắc Nhật Bản, ngày 8/12/2023

    Theo nguồn tin, hàng ngàn tấn cá - chủ yếu là cá mòi và một số cá thu - được nhìn thấy dạt vào bờ biển Hakodate trên đảo chính cực bắc Hokkaido vào sáng ngày 7/12. Nó tạo ra như một tấm thảm màu bạc trải dài nửa dặm dọc theo bờ biển.

    Người dân địa phương cho biết, họ chưa bao giờ nhìn thấy điều gì tương tự. Các quan chức đã đăng một cảnh báo trực tuyến kêu gọi người dân không tiêu thụ cá sau khi một số người được nhìn thấy đóng gói chúng để ăn hoặc bán.

    Takashi Fujioka, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thủy sản Hakodate, cho biết, ông đã từng nghe nói về hiện tượng tương tự trước đây nhưng đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy nó. “Một nguyên nhân có thể là đàn cá bị một con cá lớn hơn đuổi theo, kiệt sức và bị sóng cuốn trôi.

    Một nguyên nhân khác có thể là đàn cá đi vào vùng nước lạnh trong quá trình di cư và sau đó bị dạt vào bờ. Nhưng chi tiết thì không chắc chắn”, ông Fujioka nhận định, và cho biết thêm, cá đang phân hủy có thể làm giảm nồng độ oxy trong nước và ảnh hưởng đến môi trường biển.

    “Chúng tôi không biết chắc chắn những con cá này bị trôi dạt theo hoàn cảnh nào, vì vậy tôi khuyên mọi người không nên ăn chúng”, ông Fujioka đưa ra lời khuyên.

    Vào tháng 3/2011, nhà máy điện Fukushima bị phá hủy sau một trận động đất và sóng thần, sau đó đã phá hủy hệ thống làm mát của nhà máy, khiến ba lò phản ứng tan chảy.

    Hiện nay, một đường hầm dưới biển đang được sử dụng để xả nước phóng xạ đã được xử lý bằng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến, sử dụng quy trình gọi là pha loãng đồng vị để làm cho nước ít nguy hiểm hơn.

    Quá trình này cho thấy tritium - một đồng vị phóng xạ ít độc hại hơn - được thêm vào nước bị ô nhiễm, sau đó được hòa lẫn với “nước biển sạch”, làm loãng nồng độ của các chất có hại hơn. Các quan chức Nhật Bản khẳng định nước đã qua xử lý là an toàn.

    Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, việc thiếu dữ liệu dài hạn có nghĩa là không thể nói chắc chắn rằng, tritium không gây ra mối đe dọa nào cho sức khỏe con người hoặc môi trường biển.

    Tổ chức Greenpeace cho biết, rủi ro phóng xạ chưa được đánh giá đầy đủ, và tác động sinh học của tritium “đã bị bỏ qua”.

    Giaoducthoidai (theo Daily Mail)

  • Cua lông Trung Quốc - loài xâm lấn với số lượng cá thể ngày càng tăng nên chính quyền khuyến cáo người dân ở Anh gửi báo cáo khi bắt gặp chúng.

    cua long trung quoc
    Cua lông trung Quốc có thể lớn bằng chiếc đĩa, có lông đặc trưng ở các chân. Ảnh: Mikelane45/Getty

    Cua lông Trung Quốc (Eriocheir sinensis), còn gọi là cà ra hoặc cua lông Thượng Hải, là động vật giáp xác có nguồn gốc từ Đông Á, New Scientist hôm 13/10 đưa tin. Điểm đặc trưng của chúng là những chiếc càng phủ đầy lông giống như găng tay. Cơ thể chúng màu xám xanh hoặc nâu sẫm, thường dài tới khoảng 8 cm, nhưng chân có thể vươn dài gấp đôi mức đó.

    Trong thế kỷ qua, cua lông Trung Quốc lan rộng đến nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và Bắc Mỹ, nơi chúng bị coi là loài xâm lấn. Chúng thường sống trong môi trường nước ngọt như sông, kênh rạch và cửa sông.

    Cua lông Trung Quốc có thể phá hoại môi trường bằng cách đào hang dưới lòng sông, chặn đường nước và làm hỏng ngư cụ bằng những chiếc càng sắc nhọn. Giới chuyên gia cũng lo ngại chúng có thể ăn trứng cá và chiếm tài nguyên của sinh vật bản địa.

    Loài vật này được phát hiện lần đầu tiên ở Anh vào năm 1935 trên sông Thames. Từ đó đến nay, chúng đã hiện diện trên khắp nước Anh. Gần đây, người dân thậm chí bắt gặp hàng loạt cua lông bò quanh các vùng nước ở Cambridgeshire.

    Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên đang thực hiện chương trình "Theo dõi cua lông" - kêu gọi người dân báo cáo những lần họ trông thấy chúng. Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Nông thôn Anh cũng khuyến khích mọi người gửi báo cáo khi bắt gặp cua lông. Điều này có thể giúp các chuyên gia theo dõi quần thể và ngăn chặn sự di chuyển của trứng.

    "Số lượng đang tăng lên vì chúng có lối sống rất khác thường. Sau khi di cư xuôi dòng, những con cái trưởng thành có thể đẻ ba lứa trứng", chuyên gia Paul Clark tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên giải thích. Clark cho biết, mỗi lứa có thể gồm 500.000 - 1.000.000 quả trứng.

    Nhằm giải quyết tình trạng số lượng cua lông ở Anh ngày càng tăng, tổ chức Lincolnshire Wildlife Trust, Cơ quan Thoát nước Welland và Deepings, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên đã phối hợp lắp đặt bẫy cua lông cố định đầu tiên ở Pode Hole, Lincolnshire, hồi tháng 8.

    VnExpress (Theo New Scientist)

     

  • Lệnh cấm đĩa, dao, kéo bằng nhựa dùng một lần cũng như một số loại cốc và hộp đựng bằng polystyrene bắt đầu có hiệu lực ở England từ ngày 1/10.

    Lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần có hiệu lực tại England sau một động thái tương tự của Scotland vào năm 2022, trong khi lệnh cấm ở xứ Wales sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 10 này.

    Lệnh cấm cũng bao gồm các khay, bát và que bóng bay bằng nhựa dùng một lần, trong đó chính quyền Westminster cho biết, mục đích là để giảm ô nhiễm nhựa.

    Bally Singh, người điều hành Hooked Fish and Chips ở phía Tây thủ đô London, đang phải chuyển đổi từ hộp đựng bằng nhựa polystyrene sang hộp và cốc bằng bìa cứng với chi phí gần 1.000 Bảng Anh mỗi năm.

    Ông Singh nói: "Tôi đồng thuận với sự thay đổi này, chúng ta cần phải bảo vệ hành tinh của mình một cách bền vững hơn. Nhưng điều đó tạo ra chi phí rất lớn đối với chúng tôi, một doanh nghiệp nhỏ.

    Chúng tôi phải thực hiện một sự thay đổi quá nhanh, thật đột ngột. Tôi không cảm thấy có nhiều (phương án thay thế) để chúng tôi có thể lựa chọn.

    cam do nhua dung 1 lan
    Doanh nghiệp nhỏ tại Anh lo lắng về gánh nặng chi phí chuyển đổi bao bì. (Ảnh: Sky News)

    Chúng tôi đã phải gánh chịu chi phí mà tôi không thể chuyển nó sang khách hàng. Chúng tôi đã tăng giá rồi, vì cá, dầu, điện, gas đều tăng giá, chúng tôi có thể chuyển thêm bao nhiêu (chi phí) nữa cho người tiêu dùng của chúng tôi?".

    Theo ước tính, nước Anh sử dụng 2,7 tỷ mặt hàng dao kéo dùng một lần, hầu hết là nhựa, và 721 triệu đĩa dùng một lần mỗi năm, nhưng chỉ 10% được tái chế. Trung bình một người sử dụng 37 chiếc dao kéo và 18 chiếc đĩa nhựa dùng một lần trong năm.

    Bộ trưởng Bộ Môi trường Anh Thérèse Coffey, người đã công bố lệnh cấm vào tháng 1 năm nay, cho biết: "Tất cả chúng ta đều biết những tác động tàn khốc mà nhựa có thể gây ra đối với môi trường và động vật hoang dã.

    Chúng tôi đã lắng nghe người dân và lệnh cấm nhựa sử dụng một lần mới này sẽ tiếp tục công việc quan trọng của chúng tôi là bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

    Tôi tự hào về những nỗ lực của chúng tôi trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã cấm hạt vi nhựa, hạn chế sử dụng ống hút, que khuấy, tăm bông. Và chúng tôi đã cắt giảm thành công trên 97% chi phí túi nhựa, nylon đựng hàng tại các siêu thị chính".

    Các cửa hàng bán đồ mang đi, xe bán đồ ăn, nhà cung cấp, quầy hàng và cơ sở kinh doanh khách sạn đều bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới. Bất kỳ người nào vi phạm lệnh cấm đều có thể phải đối mặt với án phạt và có thể phải thanh toán chi phí điều tra.

    Thực phẩm đóng gói sẵn được miễn lệnh cấm, nhưng các nhà sản xuất sẽ được khuyến khích sử dụng bao bì có thể tái chế.

    Chính phủ Anh cũng đang xem xét các biện pháp nhằm hạn chế việc xả rác các loại nhựa khác, chẳng hạn như khăn ướt, đầu lọc thuốc lá và túi.

    Theo VTV

  • Trang Interesting Engineering cho biết, nước Anh sẽ triển khai camera trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm tra xem tài xế hoặc hành khách có vứt rác bừa bãi ra đường hay không.

    Nếu ghi nhận camera lập tức gửi hình ảnh ghi lại hành vi xả rác cho cơ quan chức năng. Họ sẽ dựa vào đây xử phạt 100 bảng. Nhiều cao tốc tại Anh có camera thông thường và việc phạt người xả rác cũng chẳng phải chuyện mới thực hiện. Nhưng thay vì phải bỏ ra hàng giờ xem lại băng ghi hình như lâu nay thì việc sử dụng camera AI giúp công việc của cơ quan chức năng trở nên dễ dàng hơn.

    vut rac bua bai 3

    Chương trình thí điểm chuẩn bị được Cơ quan Cao tốc quốc gia Anh (NH) phối hợp chính quyền địa phương triển khai tại vùng đông nam đất nước.

    Trước đó, Clean Up Britain Campaign - Tổ chức bảo vệ môi trường tập trung tìm cách giải quyết hiệu quả nạn xả rác tại Anh - từng dọa khởi kiện NH nếu tình hình không cải thiện. Tổ chức này chỉ ra Bộ Giao thông Anh không giám sát những gì NH thực hiện, hoạt động cắt cỏ và nhặt rác do chính quyền hai cấp (hạt và địa phương) phụ trách dẫn đến lượng rác lớn trên cao tốc.

    Hành vi vứt rác bừa bãi bị xử phạt tại các nước như thế nào?

    Tại Mỹ, mức xử phạt đối với hành vi xả rác phụ thuộc vào luật của từng bang. Hình phạt đối với việc vứt đầu mẩu thuốc lá ra nơi công cộng đặc biệt nghiêm khắc ở tại những bang mà tình trạng cháy rừng, hỏa hoạn thường dễ xảy ra.

    Chẳng hạn, tại bang California, vứt một đầu mẩu thuốc lá ra đường sẽ khiến bạn phải nộp phạt 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) và phải thực hiện 24 giờ lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh.

    Tại Áo, mức phạt đối với hành động xả rác bừa bãi đang ở mức 100 euro (hơn 2 triệu đồng). Một đầu mẩu thuốc lá, một chiếc vỏ kẹo, một lon nước đã uống hết... nhưng không được vứt đúng nơi quy định hoàn toàn có thể khiến bạn gặp rắc rối tại Áo và tốn một khoản tiền phạt.

    Tại Anh, mức phạt đối với hành vi xả rác có thể từ 80 bảng trở lên (hơn 2 triệu đồng). Nếu rác thải có kích thước và khối lượng lớn, chẳng hạn như đồ nội thất, đồ gia dụng, mức phạt có thể lên tới 400 bảng (hơn 11 triệu đồng).

    Tại Ireland, mức phạt có thể từ 150 euro tới 4.000 euro (tương đương từ 3,5 triệu đồng tới gần 120 triệu đồng) đối với hành vi vứt rác bừa bãi.

    Tại Thụy Sĩ, mức phạt có thể từ 300 franc Thụy Sĩ (hơn 7 triệu đồng), mức phạt này còn áp dụng đối với cả những cư dân không thực hiện nghiêm túc theo các hướng dẫn về phân loại rác thải sinh hoạt. Nếu lượng rác thải vứt không đúng nơi quy định lớn về kích thước và khối lượng, mức phạt có thể lên tới 20.000 franc Thụy Sĩ (hơn 480 triệu đồng).

    Tại Đức, hình phạt đối với hành vi xả rác có thể lên tới 300 euro (hơn 7 triệu đồng) tùy thuộc vào kích thước, khối lượng của rác thải. Với một đầu mẩu thuốc lá hay một chiếc cốc giấy vứt không đúng nơi quy định, mức phạt có thể ở mức 10 - 25 euro (240.000 đồng - 600.000 đồng).

    Tại Pháp, mức phạt dao động trong khoảng từ 35 - 70 euro (835.000 đồng - 1,7 triệu đồng) phụ thuộc vào quy định tại từng địa phương đối với hành vi xả rác. Đối với rác to và nặng, chẳng hạn như đồ nội thất bị vứt bỏ không đúng nơi quy định, mức phạt có thể lên tới 150 euro (3,6 triệu đồng).

    Tại Singapore, các hình phạt được áp dụng đối với hành vi xả rác rất nặng. Trong năm 2020, Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) của Singapore đã thực hiện 19.000 phiếu phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi.

    Một cá nhân bị phạt vì hành vi xả rác tại Singapore có thể đối diện mức phạt 2.000 đô la Singapore cho lần đầu vi phạm (gần 34 triệu đồng), 4.000 đô la Singapore cho lần vi phạm thứ 2 (gần 67,5 triệu đồng), 10.000 đô la Singapore cho lần vi phạm thứ 3 và các lần sau đó (gần 169 triệu đồng).

    Ngoài ra, nhà chức trách cũng có quyền yêu cầu người vi phạm thực hiện hoạt động công ích, dọn dẹp vệ sinh không gian nơi công cộng với tổng thời lượng 12 tiếng đồng hồ.

    Tại Nhật Bản, việc không vứt rác bừa bãi đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống đại chúng. Đa phần người dân Nhật Bản sẵn sàng... mang rác về nhà mới vứt, nếu họ đang ở bên ngoài và không tìm được nơi phù hợp để vứt rác.

    Xét về quy định của nhà chức trách, vứt rác bừa bãi là hành vi bị cấm tại Nhật Bản. Nếu không tìm được nơi vứt rác, du khách được khuyên nên... mang rác theo mình, cho tới khi tìm được nơi vứt rác đúng quy định, bởi nếu xả rác tại các khu vực công cộng, một cá nhân có thể bị phạt tới 30.000 yên Nhật (hơn 5 triệu đồng).

    Theo 1thegioi

  • Một tên lửa mang theo vệ tinh giám sát của Mỹ được phóng vào không gian đã tạo ra một lỗ hổng ở tầng điện ly của bầu khí quyển Trái đất.

    Vụ phóng vệ tinh Victus Nox lên bầu khí quyển Trái đất không được công bố rộng rãi hoặc phát trực tiếp và chỉ được thông báo trước 27 giờ, khiến cộng đồng thám hiểm không gian hoàn toàn bất ngờ, theo trang Live Science.

    tang dien ly
    Nhiên liệu bị đốt cháy của tên lửa đã tạo ra một lỗ hổng trong tầng điện ly - Ảnh: LIVE SCIENCE

    Firefly Aerospace, một công ty do Lực lượng Không gian Mỹ ký hợp đồng, đã phóng tên lửa Alpha của họ từ Căn cứ lực lượng không gian Vandenberg ở California vào ngày 14-9.

    Tên lửa mang theo vệ tinh Victus Nox của Lực lượng Không gian Mỹ. Vệ tinh này sẽ thực hiện sứ mệnh giám sát không gian, để giúp Lực lượng Không gian theo dõi những gì đang xảy ra trong môi trường quỹ đạo.

    Tên lửa bất ngờ thu hút sự chú ý của mọi người sau khi tạo ra một luồng khí thải khổng lồ có thể nhìn thấy từ khoảng cách hơn 1.600km.

    Nhưng sau khi đám khói tan đi, một quầng sáng đỏ mờ vẫn còn trên bầu trời, đó là dấu hiệu nhận biết tên lửa đã tạo ra một lỗ hổng ở tầng điện ly trong thượng tầng khí quyển bao quanh Trái đất.

    Tầng điện ly là lớp bên trên của khí quyển, là biên giới cuối cùng của Trái đất. Đây là một tập hợp các lớp của khí quyển Trái đất ở độ cao từ 60 - 1.500km và là một phần quan trọng trong cấu trúc khí quyển Trái đất. Nó mang những thông tin về hoạt động của Trái đất trong Hệ Mặt trời nói riêng và vũ trụ nói chung.

    Đây không phải vụ "thủng tầng điện ly" đầu tiên được quan sát thấy trong năm nay.

    Vào tháng 7, vụ phóng tên lửa SpaceX Falcon 9 cũng đã tạo ra một mảng màu đỏ như máu khổng lồ phía trên bang Arizona, có thể nhìn thấy từ xa hàng trăm km.

    Firefly Aerospace đã được trao hợp đồng phóng vệ tinh Victus Nox vào tháng 10-2022. Mục đích của sứ mệnh giám sát không gian nhằm chứng minh khả năng của Mỹ trong việc nhanh chóng đưa vệ tinh vào quỹ đạo bất cứ khi nào và ở đâu họ cần mà không cần thông báo nhiều, theo trung tá MacKenzie Birchenough - sĩ quan Bộ chỉ huy Hệ thống không gian của Lực lượng Không gian Mỹ.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Tái chế là việc vô cùng quan trọng với môi trường, bạn còn có thể kiếm được chút tiền lẻ với nó. Những lọ mỹ phẩm, các hộp giày, điện thoại cũ, lon nhôm, lõi giấy toilet... đều có thể bán kiếm tiền.

    Nếu không còn sử dụng một mặt hàng nào đó, bạn có thể đem đến H&M hoặc Marks & Spencers để đổi lấy voucher, hoặc mang đến Boots để được tích điểm.

    1. Bán lon nhôm

    Đối với các lon bia, lon nước ngọt... bạn có thể bóp dẹp chúng rồi đem bán tại 500 địa điểm Cash for Cans ở UK. Bạn sẽ nhận được từ 40-60p cho 1kg lon. Trong đó, 1kg tương đương 65 lon. Rất khó làm giàu bằng cách này nhưng ít nhất bạn cũng góp phần bảo vệ môi trường.

    Chỉ lon nhôm mới có thể tái chế. Vì vậy, nếu nghi ngờ, bạn có thể tìm kiếm ký tự "Alu" trên sản phẩm, hoặc dùng một thỏi nam châm. Nếu nam châm hít, đó không phải là lon nhôm. Nếu nam châm không hít, thì đó là lon nhôm.

    ban chai lo kiem tien

    2. Bán lõi giấy vệ sinh

    Trung bình một người Anh thải ra 127 lõi giấy vệ sinh mỗi năm. Lõi giấy này có thể là một dụng cụ giảng dạy trong lớp học, do đó nó bán rất được giá.

    Trên cửa hàng online Beebeecraft, người ta bán 20 lõi giấy toilet với giá tới £16, vì thế nhiều nghệ nhân thủ công hoặc giáo viên đã lên eBay để mua. Nếu bạn thu thập được nhiều lõi giấy, bạn có thể bán trên eBay. Với 50 lõi giấy, bạn có thể bán với giá £5. Có người từng rao bán 250 lõi giấy sạch với giá £30.

    3. Bán điện thoại cũ và thiết bị công nghệ

    Trang Music Magpie sẽ nhanh chóng báo giá cho bạn biết thiết bị của bạn có thể bán được bao nhiêu, kể cả khi nó đã cũ mòn hoặc vỡ.

    Chẳng hạn, một chiếc iPhone 12 Pro Max 512GB trong điều kiện tốt, họ chào mua với giá £470.00. Nếu nó bị lỗi hoặc trầy xước thì bạn vẫn có thể bán với giá £141.00.

    Music Magpie thu mua mọi loại thiết bị từ đĩa CD, DVD, máy chơi game, LEGO, tai nghe, loa, tablet, laptop... Họ còn mua cả sách, sách giáo khoa cũ.

    4. Bán chai nước hoa rỗng

    The Perfume Shop sẽ tặng bạn voucher giảm giá 10% nếu bạn mang chai nước hoa rỗng đến cửa hàng, đây là một phần trong chính sách của họ.

    Nhưng bạn có thể kiếm tiền nhiều hơn nếu bán chai rỗng trên eBay. Một chai nước hoa hàng hiệu có thể bán với giá £5-10. Nếu có những chai nước hoa cổ xưa, bạn có thể kiếm được nhiều hơn nữa. Một người trên Etsy đã bán 1 lọ nước hoa Antique Jean Toutin Gold & Enamel Perfume rỗng và kiếm được tới £7,115.54. Thật đáng kinh ngạc!

    5. Bán quần áo cũ

    Bạn có thể mang quần áo cũ đến các shop từ thiện, hoặc tận dụng chích sách tái chế quần áo cũ của các cửa hàng. H&M sẽ nhận lại các quần cũ của bạn, và tặng bạn voucher £5 để mua sắm trong cửa hàng. Bạn phải mua ít nhất £25.

    Marks & Sparks tặng bạn £5 trên hóa đơn £35. Schuh tặng bạn £5 cho mỗi đôi giày cũ bạn mang đến cửa hàng. Bạn nên kiểm tra chính sách tái chế của các hãng trước khi mang đồ cũ đến.

    Ngoài ra bạn có thể bán quần áo và giầy cũ theo kg tại các địa điểm của Cash For Clothes. Họ sẽ trả bạn 50p/kg quần áo và giày cũ. Những đồ này phải sạch sẽ, khô ráo và còn mặc được.

    6. Bán nút chai rượu vang (wine cork) và chai rượu

    Tái chế chai thủy tinh tương đối dễ, nhưng tái chế nút chai lại không dễ chút nào. Tuy nhiên bạn vẫn có thể kiếm được ít tiền khi bán nút chai. Trên eBay, một tài khoản "uy tín" đã bán 20 nút chai và kiếm được £5, kiếm được £195 nhờ bán 2000 nút chai. Và người này có tới hơn 300 giao dịch bán nút chai.

    Ngoài ra, bạn có thể quyên góp nút chai cho tổ chức từ thiện Recorked. Họ sẽ bán chúng và dùng tiền đó làm công ích.

    Đối với chai rượu, bạn có thể bán trên eBay hoặc Amazon. Một số người đã kiếm được £29.99 cho một thùng 24 chai thủy tinh xanh.

    7. Bán chai nhựa

    Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, nhưng theo Tổ chức Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), chúng ta vẫn mua lại 1 triệu chai nhựa mỗi phút. Sainsbury's sẽ tặng bạn coupon 5p cho mỗi chai nhựa bạn nhét vào máy thu mua của họ. Iceland và Tesco tặng bạn coupon 10p cho mỗi chai nhựa. Morrisons tặng bạn 100 điểm cho mỗi chai nhựa bạn mang tới cửa hàng (tối đa 20 chai mỗi ngày).

    8. Bán khay mực (ink cartridges)

    Bạn có thể refill khay mực khi hết mực, và cũng có thể đem bán nếu không dùng nữa. Khay mực rất đắt tiền, hàng trăm công ty sẵn sàng mua nó. Bạn vào website Cartridge Recycling UK để xem báo giá khay mực cũ của mình. Nếu bạn đồng ý, họ sẽ tới mua ngay hôm sau. Một số khay mực màu đơn có giá chỉ 10p, nhưng một số khay giá £3-4, khay mực đen XL có thể bán được giá £20.

    9. Bán lọ, hộp mỹ phẩm

    Các hộp lọ mỹ phẩm rất khó tái chế, hầu hết đều bị vứt ra bãi rác. Tuy nhiên một số nhà sản xuất và nhà bán lẻ ở UK lại sẵn sàng trả tiền nếu bạn mang tới những hộp lọ rỗng.

    Hãng MAC sẽ tặng bạn một cây son giá £17.50 nếu bạn mang tới 6 hộp lọ rỗng, đây là chính sách Back to Mac của hãng. The Body Shop tặng bạn £5 nếu mang tới 5 hộp, lọ, ống rỗng. Đây là chính sách Return, Recycle, Repeat mà hãng liên kết với TerraCycle.

    Nếu là thành viên của John Lewis Rewards Member, bạn có thể được tặng voucher £5 cho 5 hộp lọ rỗng mà bạn mang tới cửa hàng. Đây là chính sách BeautyCycle của hãng.

    10. Bán hộp cũ

    Trên eBay, bạn có thể bán hộp đựng giày, hộp đựng đồng hồ, hộp đựng trang sức. Nếu đó là sản phẩm của những nhãn hàng xa xỉ, bạn có thể kiếm được hàng trăm bảng. Những chiếc hộp đồng hồ Rolex có thể bán với giá tới £825, hay hộp giày Chanel có giá £80, hộp trang sức Tiffany & Co giá £175. Chỗ tiền bán hộp này đủ để bạn mua một đôi giày Jimmy Choo’s mới.

    11. Bán lọ đựng nến

    Lọ thủy tinh đựng nến rất khó tái chế và bạn không nên vứt vào thùng rác sinh hoạt. Bạn có thể bán các lọ thủy tinh Jo Malone Candle Jar trên eBay với giá £15. Chỉ cần bán 3-4 lọ rỗng là bạn đủ tiên mua lọ nến mới.

    Viethome (theo recyclingbins)

  • Khai thác nước quá mức và ô nhiễm nguồn nước đang làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên của con người. Để thế giới không còn đối mặt với hạn hán, con người cần phải hành động.

    Có một thực tế là nước đang bị lấy từ thiên nhiên, rút cạn từ sông hồ rồi quay về thiên nhiên trong trạng thái ô nhiễm. Điều này cần phải dừng lại, bởi lượng nước sớm sẽ không còn nữa.

    Ở nhiều nơi trên thế giới, nguồn cung nước đang không đáp ứng được nguồn cầu. Khi mực nước bề mặt và nước ngầm càng suy giảm thì sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nước.

    Vấn nạn nước sạch ở Anh

    Nước Anh nhỏ bé cổ kính đang phải giải quyết nhiều vấn nạn về nước: Kham hiếm, khai thác quá mức, ô nhiễm, đầu tư kém, sự quản lý thất bại của giới chức trách, ô nhiễm môi trường và vi phạm của các công ty, theo Guardian.

    Lượng mưa trung bình năm của Anh là khoảng 1.100 mm, so với mức dưới 300 mm ở Pakistan hay gấp đôi so với Ai Cập. Bất chấp những cơn bão mùa đông, một số khu vực ở Anh đang chạm ngưỡng thiếu nước. Phần lớn lượng mưa tập trung ở Scotland, Wales và miền bắc nước Anh.

    Ở phía đông nam nước Anh, lượng mưa chỉ khoảng 600 mm, tương đương ở Lebanon hoặc Kenya, khô hơn Sydney, Australia. Đây là khu vực đông dân nhất nước Anh, với khoảng 18 triệu cư dân trong 19.000 km2, trong đó có 1.500 km2 của London.

    han han o anh 1
    Hồ Baitings ở Ripponden, Tây Yorkshire Pennines, Anh, vào mùa hè năm 2022. Ảnh: PA.

    Số liệu của chính phủ cho thấy nước ở Anh có 28% tầng chứa nước ngầm, các lớp cát và đá xốp giữ nước dưới lòng đất, và tới 18% sông và hồ chứa, có nhiều nước bị khai thác hơn là được bơm lại. Điều này thể hiện sự không bền vững.

    Không một con sông nào ở Anh được đánh giá là có sức khỏe sinh thái tốt, kể cả địa hình suối phấn. Nhưng phần lớn người ta không biết rằng vấn đề một phần do con người gây ra. Hơn 1/2 lượng nước ngọt được khai thác dùng cho mục đích sinh hoạt. Một người Anh trung bình sử dụng 153 lít nước/ngày. Các dự bán thời tiết cho biết mùa khô ở Anh sẽ tăng tới 50%, lượng nước sẵn có giảm ít nhất 10-15%.

    "Là đại dịch tiếp theo không có vaccine"

    Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã coi khủng hoảng nước là một trong năm rủi ro hàng đầu với nền kinh tế toàn cầu. Một nửa dân số, gần 4 tỷ người đang sống ở những khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một tháng mỗi năm, trong khi nửa tỷ người phải chịu cảnh kham hiếm nước nghiêm trọng quanh năm.

    han han o anh 1
    Sông Derwent ở Cumbria đã cạn kiệt ở các phần của thung lũng Borrowdale trong năm thứ ba liên tiếp. Ảnh: Guardian.

    Chỉ có một lượng nước hữu hạn luân chuyển trong vòng tuần hoàn nước của chúng ta. Mỗi giọt nước trên Trái Đất đã tồn tại từ thưở sơ khai và được tái sử dụng liên tục. Cơ thể người trưởng thành có 60% là nước, khi chết và được hỏa táng/chôn cất, nước đó sẽ được thải ra môi trường.

    Thế nhưng, từ sông Hoàng Hà ở Trung Quốc đến sông Colorado ở Mỹ, nhiều con sông đã không còn đổ ra biển. Các con sông đã bị uốn thẳng, đắp đập nhân tạo, hút nước ra ngoài và dẫn tới các trang trại, khu công nghiệp và các hộ gia đình. Các hồ lớn từ Biển Aral ở Trung Á đến Hồ Umia ở Iran, gần như đã biến mất.

    Các tầng chứa nước ngầm từ Ogallala và Thung lũng Trung phần California đến thượng nguồn sông Hằng ở Ấn Độ và hạ nguồn Indus của Pakistan, có tốc độ cạn nhanh hơn tốc độ hồi nước. Lượng nước ngọt ngày càng bị ô nhiễm do nước thải và phân bón, khiến tảo nở hoa, làm nước đục xanh và giết chết các hệ sinh thái.

    Theo ông Torgny Holmgren, giám đốc điều hành tại Viện Nước Quốc tế Stockholm, nếu xu hướng này còn tiếp tục, con người sẽ cần thêm 50% nước vào năm 2050.

    Covid-19 xuất hiện càng làm nổi trội vấn đề nước hơn. Gary White, Giám đốc điều hành cảu Water.org nói rằng: "Trước đây chúng ta chưa từng coi việc thiếu nước và điều kiện vệ sinh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu".

    Vào tháng 6/2021, Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai phát biểu rằng: "Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine để chữa trị".

    Phần lớn các cuộc khủng hoảng nước thường do sự quản lý yếu kém của con người, chứ không do khí hậu gây ra. Tuy nhiên, khi có biến đổi xảy ra, mô hình mưa thay đổi và những người tị nạn vì khí hậu buộc phải di chuyển, thời giờ để con người hành động ngày càng ngắn hơn. Chúng ta đang sống dựa vào nguồn nước cạn kiệt cuối cùng. Hoặc chúng ta có thể thay đổi cách tiếp cận trước khi quá muộn. Thế giới không cạn nước, mà con người đang thiếu nước.

    Vào ngày 9/7/2020, Ủy ban Công cộng phản bác rằng tất cả cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp nước của Anh, gồm Bộ Môi trường Anh (Defra), Cơ quan Quản lý dịch vụ nước (Ofwat) và Cơ quan Môi trường của Bevan (EA) đã buông lỏng quản lý, cần phải hành động khẩn cấp để đảm bảo nguồn cung nước.

    Nếu không hành động, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia (NAO) dự báo rằng nhu cầu sẽ vượt quá nguồn cung ở Anh không trễ hơn năm 2034. Do các công ty khai thác nước đã khai thác quá nhiều, dẫn đến suy thoái môi trường, làm cạn các dòng sông. Cần giảm 480 triệu lít mỗi ngày vào năm 2045 để hạ mức khai thác nước ngầm hiện tại xuống mức bền vững, nếu không Anh sẽ cạn nước trong vòng 10 năm tới.

    Ảnh hưởng đến nông nghiệp

    Andrew Tucker, Giám đốc sử dụng hiệu quả nước tại Thames Water, nói rằng có một số lý do dẫn đến tình trạng thiếu nước dự trữ tương đối lớn ở Anh. Đầu tiên, mỗi tấc đất ở Anh đã được sử dụng khá nhiều trong hàng nghìn năm qua và không còn chỗ để khai thác.

    Thứ hai, phía đông nam tương đối bằng phẳng, không có thung lũng để đắp đập. Thứ ba, Anh có một lượng dân số không được giáo dục bài bản về việc tiết kiệm nước hoặc cách sống chung với hạn hán. Và khi nước quá rẻ thì nó không được coi trọng.

    Khác với miền tây nước Mỹ, nơi có hệ thống tưới tiêu nhân tạo, nông nghiệp ở Anh hầu như hoàn toàn dựa vào nước mưa tự nhiên. Những cơn mưa ngày càng ít hơn.

    James Alexander đến từ một gia đình làm nông ở Oxfordshire qua nhiều thế hệ, nói rằng: "Trong 3 năm qua, trời có lạnh một chút vào mùa đông nhưng không giống ngày xưa. Hai mùa đông vừa qua là hai mùa đông ẩm nhất được ghi nhận, nhưng mưa chỉ xuất hiện khoảng 6 tuần".

    Ở bờ biển phía nam của nước Anh, Southern Water hiện đang trả tiền cho nông dân giữ nguyên cánh đồng cây trồng qua mùa đông thay vì để đất trống. Điều này không chỉ vì lợi ích bổ sung nước ngầm mà còn để giảm lượng nitrat từ hoạt động canh tác thông thường ngấm vào nước.

    Gánh nặng

    Chất thải trong hệ thống nước, sự ô nhiễm của các dòng sông, sự rò rỉ trong các đường ống nước ngầm, các dự án xây dựng nhà ở thiết kế hệ thống nước ẩu... cũng là những nguyên nhân cho vấn đề khủng hoảng nước.

    Có rất nhiều điều mà con người có thể hành động, nhưng lại đều quy về tiết kiệm nước, thu gom nước mưa và tái chế nước xám. Tất cả những điều này nên là một phần trong quy trình hoạt động của các công ty cấp nước và quy định của các tòa nhà. Ví dụ ở Bỉ, việc lắp bể chứa nước mưa khi xây nhà là bắt buộc, chứ không phải là một lựa chọn.

    Con người có nên tắm bằng cách dội nước từ xô và tái sử dụng nước không? Đó không phải là một ý tưởng tồi.

    Ở những nơi đã từng phân phối nước theo phần, như ở Cape Town hay các thị trấn khai thác mỏ ở Australia, điều này vẫn được áp dụng. Các khoản thanh toán dịch vụ quản lý đất đai môi trường của Defra có thể khuyến khích canh tác tái tạo và che phủ cây trồng, bù đắp cho việc khôi phục vùng đồng bằng ngập lũ. Điều này còn góp phần đưa hải ly trở lại, tái tạo và phục hồi các dòng sông và vùng đất ngập nước.

    Con người đào kênh, xới đất, bơm nước ngầm quá mức, làm khô hạn vùng đất ngập nước, đốt than bùn, giết những loài động vật chủ chốt trong hệ sinh thái, tất cả đều tỉn rằng kỹ thuật hiện đại sẽ giúp con người không cần phụ thuộc vào tự nhiên. Cuộc khủng hoảng nước chính là hậu quả của khủng hoảng khí hậu.

    Theo Zing