• Một cô gái bị cáo buộc là tiểu tiện trên đống khoai bên trong một chợ Walmart ở tiểu bang Pennsylvania đã ra trình diện cảnh sát.

    Bản tin của Fox News nói nghi can này, được cho biết tên là Grace Brown, đã trình diện sở cảnh sát thành phố West Mifflin vào trưa ngày Thứ Ba, theo thông báo của ký giả Marcie Cirpriani thuộc đài truyền hình WTAE-TV, gửi qua Twitter.

    Sở cảnh sát thành phố West Mifflin đã truy lùng nghi can sau khi cô này bị cáo buộc là tiểu tiện trên đống khoai bên trong một chợ Walmart tại thành phố.

    Sự kiện quái lạ này xảy ra vào khuya ngày 24 Tháng Bảy, rạng ngày 25 Tháng Bảy. Sở cảnh sát West Mifflin nói họ công bố hình ảnh của nghi can, lấy từ máy ghi hình an ninh trong tiệm, với hy vọng là có ai đó trong cộng đồng sẽ nhận ra người này.

    Theo một phát ngôn viên công ty Walmart, một nhân viên trong tiệm nói nhìn thấy cô gái có hành động nêu trên. Phát ngôn viên không cho biết là nhân viên tiệm có tìm cách ngăn cản việc làm này hay không.

    Bản tweet của ký giả Marcie Cipriani thuộc đài truyền hình WTAE-TV về nghi can Grace Brown. (Hình: Twitter)

    Trong bản thông cáo gửi tới Fox News, công ty Walmart nói tiệm ở Westt Mifflin nhanh chóng giải quyết vấn đề.

    “Sự an toàn của các khách hàng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Hành động thô tục này là điều không thể chấp nhận. Chúng tôi ngay lập tức vứt bỏ các sản phẩm bị ảnh hưởng và chùi rửa sạch sẽ khu vực để bảo đảm vệ sinh và an toàn cho khách hàng. Chúng tôi đang cộng tác với sở cảnh sát West Mifflin để tìm ra người này và để truy tố,” theo bản thông cáo.

    Theo bản tweet của phóng viên Marcie Cirpriani thì nghi can sẽ bị truy tố mấy tội danh, gồm cả say rượu nơi công cộng và có hành vi thô tục trước công chúng. 

    Viethome (theo Người Việt)

  • Các nhà khoa học Anh vừa công bố kết quả nghiên cứu gây sốc khi cho biết đã phát hiện cocaine, chất diệt cỏ và nhiều loại chất cấm khác trong tôm nước ngọt ở nhiều con sông tại Suffolk, một vùng nông thôn ở miền đông nước này. 

    CNN dẫn lời các nhà nghiên cứu tại Đại học King’s College London và Đại học Suffolk cho hay, họ rất ngạc nhiên vì cocaine được tìm thấy trong gần như toàn bộ tôm được thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu tại đã thu được kết quả xét nghiệm đầy bất ngờ sau khi lấy mẫu tôm từ 15 địa điểm dọc các hạt tại Suffolk.

    Bên cạnh đó, nhiều chất dùng để gây tê, gây mê hay thuốc diệt cỏ fenuron và các chất trái phép khác như ketamine vốn bị cấm sử dụng ở Anh từ lâu cũng được phát hiện trong tôm.

    Tờ Guardian (Anh) cho biết nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environment International đã đi sâu vào phân tích mức “ô nhiễm vi mô” của tôm nước ngọt.

    Nhà nghiên cứu Thomas Miller tại King's College London nhận định rằng tuy mức độ khá thấp nhưng phát hiện cocaine trong tôm cho thấy mối nguy hiểm đối với tự nhiên. Hơn nữa, số lượng tôm bị nhiễm các chất này được tìm thấy nhiều hơn ở khu vực nông thôn chứ không phải gần thành thị.

    Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng một số chuyên gia nghi ngờ do việc xả thải các chất cấm vào nguồn nước và môi trường sống của tôm. Nước nhiễm rác thải y học đang là vấn đề ngày càng nhức nhối.

    Trong năm 2014, các nhà khoa học cũng phát hiện nồng độ cao benzoylecgonine, chất trao đổi chính của cocaine, trong nước thải tại London.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ngày 2/4/2019, trang web của thành phố Osaka đã đăng tải thông tin về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam do chứa chất cấm.

    Cục Y tế và Phúc lợi Thành phố Tokyo vừa tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam bởi Tập đoàn Javis, vì nghi ngờ vi phạm Luật về Vệ sinh Thực phẩm và Đạo luật Nhãn Thực phẩm. Cụ thể, các sản phẩm dưới thương hiệu "Tương ớt Chin-su" của Masan Consumer, thuộc Tập đoàn Masan Việt Nam.

    Các sản phẩm tương ớt Chin-su bị nhà chức trách Nhật Bản thu hồi.

    Vì Javis có trụ sở ở thành phố Osaka nên Trung tâm y tế công cộng của thành phố này đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra Tập đoàn này. Kết quả cho thấy lô hàng tương ớt Chin-su được nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 7/12/2018 có sử dụng phụ gia thực phẩm bị cấm là axit benzoic.

    Dưới đây là thông báo chi tiết của thành phố Osaka về kết quả kiểm tra do Hiệp hội Vệ sinh Thực phẩm Tokyo thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ Thực phẩm Tokyo tiến hành:Giám đốc y tế thành phố Osaka ngày 2/4.2019 đã ngay lập tức ra lệnh cho nhà nhập khẩu phải thu hồi tất cả các sản phẩm có chứa chất phụ gia bị cấm trên.

    Người vi phạm (nhà nhập khẩu) 

    Tập đoàn Javis - Giám đốc đại diện Yasuhiro Naka

    Trụ sở: Higashi-ku, Osaka

    Hàng hóa vi phạm

    Tên sản phẩm: Tương ớt Chin-su (Tun Otto Chili Sauce)

    Hình thức: Chai nhựa tổng hợp 

    Dung tích: 250ml

    Hạn dùng: 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019

    Xuất xứ: Việt Nam

    Người bán: Công ty TNHH Công nghiệp ISC

    Nội dung vi phạm

    Tương ớt Chin-su vi phạm điều 11 (2) của Luật Vệ sinh Thực phẩm. Theo đó, việc sử dụng axit benzoic không được chấp nhận trong tương ớt ở Nhật Bản. Theo kết quả phân tích, lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su giao động từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg. Tổng cộng có 757 thùng hàng (18.168 chai) đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC.

    Ảnh hưởng đối với sức khỏe

    Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hàng ngày mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày (tức 0,005g/kg/cân nặng/ngày). Nếu người nặng 50kg, có thể tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày. 

    Vì axit benzoic được phát hiện ở mức tối đa 0,45g/kg trong kết quả xét nghiệm, khi một người nặng 50 kg ăn 0,56 kg tương ớt Chin-su (tức khoảng 0,22g axit benzoic) một ngày thì vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, axit benzoic lại là chất cấm sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

    Viethome (theo tin24h)

  • Vốn là một tín đồ ăn chay nhưng cô gái 20 tuổi lại vô tình phát hiện ra xác giun dưới đáy hộp súp ăn liền mình mới dùng. Cô gái lo lắng rằng mình có thể đã ăn phải một số sinh vật tương tự như vậy nhiều lần trước đây.

    Natasha Goss, 20 tuổi tuyên bố rằng đã phát hiện ra sinh vật lạ sau khi hoàn thành bữa tối với món súp ăn liền vị cà rốt, rau mùi. Ngày hôm đó, cô quyết định rửa hộp thiếc đựng súp rồi vô tình nhìn thấy điều kinh khủng dưới đáy hộp.

    Natasha nghĩ rằng sinh vật dưới đáy hộp là "những con giun". Hiện tại, cô đang xem xét đưa vụ việc ra tòa hay ít nhất là có một hành động pháp lý nào đó để chống lại nhà sản xuất món súp đóng hộp này.

    "Những sinh vật ấy bị kẹt ở dưới đáy, trông có vẻ như không thể bò nữa. Chỉ có 2 con và một con trong số đó thực sự rất nhỏ. Tôi đã ăn súp trước đó", cô gái trẻ kể lại.

    Hai con giun chỉ bị phát hiện khi Natasha rửa hộp 

    Natasha nói rằng hãng Heinz cũng không thể giải thích lý do tại sao những con giun lại xuất hiện trong bữa ăn trưa của khách hàng. Tuy nhiên họ đề nghị sẽ trả cho cô 25 bảng Anh (gần 800 nghìn đồng) trong phiếu mua hàng.

    Natasha - người đang làm việc cùng những học sinh khuyết tật - nói rằng bản thân cảm thấy bị xúc phạm với phản hồi của công ty.

    "Tất cả mọi chuyện đều đang tốt đẹp và chúng tôi lấy làm tiếc khi nhận được khiếu nại của bạn về một trong số những sản phẩm của chúng tôi", Natasha kể về phản hồi gây phẫn nộ của công ty Heinz.

    "Họ đã nói cho tôi biết về quá trình làm ra súp và nói rằng họ thực sự không biết làm thế nào mà những con giun lại có thể chui lọt vào đó. Vì không thể đưa ra lời giải thích nên có vẻ như đó là lỗi của tôi. Mọi chuyện khiến tôi cảm thấy hết sức vô lý. Họ đã ngụ ý rằng tôi không nên cho giun vào trong hộp", cô gái trẻ nói thêm.

    Trước đây, Natasha từng ăn súp ăn liền vài lần một tuần nhưng kể từ khi vụ việc gây sốc xảy ra, cô đã hoàn toàn bỏ món này ra khỏi thực đơn. 

    VietHome (Theo Dân Trí)

  • Số ca nhiễm khuẩn Salmonella ở trẻ sơ sinh từ sữa công thức đang bùng phát trở lại tại Pháp với 26 ca nhiễm. Loại sữa này chủ yếu tiêu thụ ở châu Âu nhưng có mặt cả ở Việt Nam thông qua kênh bán lẻ trực tuyến Amazon.

    Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia Pháp (Santé publique France) mới phát đi thông báo xác nhận đã có 12 trường hợp được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn Salmonella Poona và 14 trường hợp khác vẫn đang được tiến hành kiểm tra.

    Tổng cộng, số ca nhiễm khuẩn Salmonella ở trẻ sơ sinh – được cho là có nguyên nhân bắt nguồn từ sữa công thức Modilac đang bùng phát trở lại tại Pháp với 26 ca nhiễm. Tại Luxembourg và Bỉ cũng phát hiện một trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn Salmonella .

    Cụ thể, trong số 26 trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella tại Pháp thì có 18 bé trai và 8 bé gái sinh sống tại 10 khu vực khác nhau. Trẻ nhiễm khuẩn đều trong độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi và các ca bệnh được phát hiện trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8/2018 đến 27/1/2019.

    Tất cả các trường hợp nhiễm khuẩn đều bị tiêu chảy, 13 trẻ xuất hiện dấu hiệu có máu trong phân và 25 trẻ bị sốt. Khi con số trẻ em phải nhập viện lên tới 12 ca, thì cơ quan y tế của Pháp đã chính thức thông báo rộng rãi về dịch nhiễm khuẩn Salmonella tại nước này.

    Các bậc phụ huynh đã xác định sữa công thức Modilac được sản xuất bởi một nhà máy ở Tây Ban Nha chính là nguyên nhân gây bệnh ở trẻ nhỏ. Công ty tiếp thị các sản phẩm này là Sodilac đã ban hành lệnh thu hồi vào cuối tháng 1. Tập đoàn sữa đa quốc gia Lactalis đã phải thu hồi sản phẩm sữa có tên Picot AR tại Tây Ban Nha.

    Sản phẩm sữa công thức của hãng này chủ yếu được tiêu thụ tại các quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Libya, Luxembourg, Morocco, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Syria, Tunisia, Vương quốc Anh và cả Việt Nam thông qua kênh bán lẻ trực tuyến Amazon. Những quốc gia nằm ngoài châu Âu như Morocco, Tunisia, Libya, Syria và Việt Nam cũng đã được thông báo về vấn đề này. 

    VietHome (Theo Báo Pháp Luật)

  • Ngày 28/1, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra thông báo khuyên người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm trà thảo mộc giảm cân Golean Detox.

    Dựa vào kết quả phân tích ở phòng thí nghiệm của FDA, sản phẩm này có chứa hai chất cấm nguy hại cho sức khỏe là Sibutramine và Phenolphthalein.

    - Sibutramine: Đây là một hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn, thường được dùng trong điều trị bệnh béo phì. Hợp chất này được quản lý chặt chẽ và bị đưa ra khỏi thị trường vào tháng 10/2010 vì lý do an toàn. Sản phẩm chứa chất này có thể gây hại cho người tiêu dùng vì có thể gây nên nguy cơ tăng huyết áp, tăng nhịp tim cho người bình thường và nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng, có thể dẫn đến nguy hiểm chết người.

    - Phenolphthalein: Một hóa chất thường được sử dụng trong việc đo độ kiềm/axit (pH) của dung dịch dựa vào khả năng đổi màu của nó. Chất này đã từng được sử dụng trong điều trị táo bón nhưng do các nghiên cứu cho thấy nó có khả năng là chất gây ung thư (carcinogen). Vì vậy, chúng đã được hạn chế và FDA cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này mà bán không cần toa bác sĩ từ năm 1999. Theo thông tin từ FDA, hiện nay Phenolphthalein không có trong thành phần hoạt tính của bất cứ thuốc nào đang được sử dụng ở Mỹ.

    Tìm từ khóa "Golean" trên Google, chỉ sau vài giây, chúng ta có hơn một triệu kết quả với rất nhiều website đăng tải về tác dụng của sản phẩm này. Trên "chợ mạng" Facebook, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox cũng được rao bán rầm rộ. Sản phẩm này được quảng cáo với những công dụng hữu hiệu như giảm 1-4 kg sau liệu trình 14 ngày hoặc 4-10 kg sau 28 ngày, không tác dụng phụ, 100% từ nguyên liệu từ thiên nhiên, nhập khẩu nước ngoài,... Thậm chí, loại trà giảm cân này còn có thể sử dụng cho phụ nữ sau sinh một tháng, trẻ trên 12 tuổi.

    Với những lời quảng cáo "có cánh", trà giảm cân Golean Detox nhanh chóng thu hút sự chú ý của những người mong muốn sở hữu vóc dáng chuẩn, đẹp.

    Để tăng thêm tính thuyết phục cho chất lượng của thương hiệu, các đơn vị phân phối còn sử dụng nhiều hình ảnh và chia sẻ sau khi trải nghiệm của các diễn viên, ca sĩ, MC nổi tiếng.

    Trước đó, thông tin của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, ngày 23/10/2018, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (The Health Sciences Authority - Has) thông báo thu giữ một số sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine được bán trực tuyến tại Singapore.

    Theo thông báo này, trong các sản phẩm bị tịch thu có Golean Detox được sản xuất tại Công ty Matxi S.g Co.Ltd có trụ sở tại 129 đường Võ Thị Sáu, quận Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhà máy sản xuất có địa chỉ tại 148/9 Đường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

    Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn và quyết định về việc rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất sibutramine ra khỏi Danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.

    Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cảnh giác với các loại thuốc giảm cân, trà giảm cân có tác dụng nhanh, cấp tốc. Cách giảm cân lành mạnh, đảm bảo an toàn nhất là thay đổi chế độ dinh dưỡng khoa học, không ăn quá nhu cầu cần thiết của cơ thể và tập luyện thể dục thường xuyên. 

    Viethome (theo Zing)

  • Người đứng đầu ngành thú y của Ba Lan Pawel Niemczuk cho biết Ba Lan đã xuất khẩu 2.700kg thịt bò bị nghi không đảm bảo an toàn thực phẩm sang các nước Liên minh châu Âu (EU).

    Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31/1, ông Niemczuk cho hay số thịt này đã được xuất sang các nước Romania, Thụy Điển, Hungary, Estonia, Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Litva, Bồ Đào Nha và Slovakia.

    Tại một lò mổ thịt bò ở Ba Lan. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

    Thông tin trên của ông Niemczuk được đưa ra sau khi kênh truyền hình TVN của Ba Lan phát sóng một phóng sự điều tra về một công ty giết mổ gia súc đã giết thịt những con bò bị bệnh và bán cho người tiêu dùng.

    Giới chức Ba Lan ngay lập tức ra lệnh điều tra vụ việc, huy động sự vào cuộc của cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông và văn phòng công tố, yêu cầu ngay lập tức thu hồi những lô thịt này.

    Trước đó, ngày 30/1, Cơ quan Thực phẩm Quốc gia Thụy Điển (NFA) xác nhận 240kg thịt bò xuất xứ từ lò mổ "bẩn" trên đã được nhập khẩu vào Thụy Điển và bán cho 4 công ty của nước này.

    NFA đưa ra tuyên bố này trên kênh truyền hình quốc gia (SVT). SVT cho biết các công ty liên quan trong vụ việc từ chối bình luận trước khi có kết quả điều tra rõ ràng. 

    Thông cáo báo chí của NFA chỉ trích đây là hành vi vi phạm "nghiêm trọng" các quy định an toàn thực phẩm và "không thể chấp nhận được." Trong quá trình giết mổ không có mặt bác sỹ thú y, còn thợ mổ tự đóng dấu chứng nhận thịt được phép tiêu dùng. Một nữ nhân viên nói thịt từ loại bò ốm này còn được chuyển thẳng ra bán tại các quán kebab.

    Ba Lan sản xuất khoảng 560.000 tấn thịt bò mỗi năm, trong đó khoảng 80-85% lượng thịt này được xuất khẩu./.

    Viethome (theo Vietnamplus)

  • Nhà hàng Taste of Khyber, tọa lạc trên đường Alum Rock, đã được các nhân viên sức khỏe môi trường thuộc hội đồng thành phố viếng thăm đến năm lần và bị buộc phải đóng cửa hai lần.

    Zahoor Khan, giám đốc của nhà hàng ổ chuột này, thậm chí đã bị kết án tù. Việc truy tố vị giám đốc và quyết định đóng cửa nhà hàng được đưa ra sau khi phân chuột được tìm thấy trong đồ ăn.

    Trước đó, Khan đã nhận tổng cộng 12 tội danh liên quan đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất thải được tìm thấy trong thức ăn và dấu vết nước tiểu nằm vương vãi trên khắp bề mặt khu vực chế biến thực phẩm.

    Khu vực bồn rửa của nhà hàng

    “Tình trạng của nhà hàng tồi tệ hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cơ bản của một nhà hàng cung cấp thực phẩm cho khách hàng,” bà Catherine Ravenscroft, công tố viên, phát biểu tại Tòa án Tối cao Birmingham.

    Bà cho biết nhà hàng có chuột và không được lau dọn cẩn thận. 

    Cuộc thăm viếng đầu tiên của hội đồng diễn ra vào ngày 4 tháng Chín. Các nhân viên hội đồng tìm thấy nhiều ruồi và phân chuột tại khu vực chế biến thực phẩm.

    Bồn rửa cáu bẩn và xung quanh không hề có xà phòng hay thiết bị sấy khô. Sốc hơn nữa, một hộp đường lẫn phân chuột cũng được tìm thấy.

    Sau đó, nhà hàng được kiểm tra một số lần nữa.

    Vào ngày 11 tháng Tư, một cuộc thăm viếng nữa được tiến hành sau khi một khách hàng phàn nàn họ nhìn thấy chuột trong nhà hàng.

    “Người này cho biết vài con chuột đã chạy qua lại trong bếp và cả khu vực bàn ăn.”

    Ở lần kiểm tra này, nhân viên hội đồng tìm thấy phân chuột trên cả thớt chặt lẫn một hộp đựng gừng và hộp đựng đồ ăn mang về. Thêm vào đó, có cà chua thối hỏng trong một chiếc hộp đựng thực phẩm này.

    Lệnh yêu cầu đóng cửa được ban hành lần thứ hai và nhà hàng mở cửa trở lại sau năm ngày.

    Bà Ravenscroft cho hay cuộc viếng thăm cuối cùng diễn ra vào ngày 5 tháng Sáu và chiếc bồn rửa vẫn ở nguyên tình trạng như lần trước.

    Luật sư biện hộ Duncan Craig cho rằng không có bằng chứng cho thấy tình trạng này gây ra tổn hại thực sự nào.

    Quan tòa Heidi Kubik đã quyết định phạt nhà hàng 20,000 bảng.

    Trong khi đó, ông Khan bị kết án bốn tháng tù giam với 12 tháng hoãn thi hành án cùng 60 giờ lao động công ích.

    Ông cũng bị yêu cầu trả khoản phí 3,393 bảng cho hội đồng thành phố.

    Hiện tại, nhà hàng này vẫn đang mở cửa và tòa án được biết các nhân viên đang tham gia các khóa đào tạo và kiểm tra vệ sinh thực phẩm.

    VietHome (Theo Birmingham Mail)

  • Sandusky, một công ty đóng gói các sản phẩm thịt lợn trụ sở tại bang Ohio (Mỹ) vừa qua đã thu hồi khoảng 1.700 pound (tương ứng với hơn 771 kg) sản phẩm thịt lợn xay do trong sản phẩm có "vật thể lạ".


    771 kg thịt lợn xay bị thu hồi. Ảnh: Food Safety News

    Nguyên nhân là do các sản phẩm có thể đã bị nhiễm bẩn từ các chất bên ngoài, đặc biệt là cao su.

    Các sản phẩm bị thu hồi bao gồm: các sản phẩm thịt xay Daisyfield Brand FRESH PORK SAUSAGE và Daisyfield Brand ITALIAN SAUSAGE loại 5 pound, được đóng gói trong hộp bìa cứng và túi nhựa và sản xuất từ ngày 01-04/01/2019.

    FSIS lo ngại rằng một số sản phẩm có thể đã được bán tại các cửa hàng bán lẻ và được mua bởi một số người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã mua các sản phẩm này được khuyến cáo không nên tiêu thụ chúng. Những sản phẩm này nên được loại bỏ hoặc trả lại nơi mua.

    Công ty đã phát hiện ra vấn đề và thông cho FSIS vào ngày 07 tháng 01 năm 2019.

    Hiện chưa có báo cáo về các trường hợp gặp các phản ứng bất lợi do tiêu thụ các sản phẩm này.

    VietHome (Theo Xã Luận)

  • Những con lợn đã chết thâm đen, bốc mùi hôi thối do dịch lở mồm long móng thay vì được đem đi chôn lấp thì các gian thương tại huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc thu gom về và phù phép thành thực phẩm thơm ngon phục vụ Tết.

    Cảnh tượng kinh hoàng những con lợn chết vì dịch lở mồm long móng, thâm đen, bốc mùi hôi thối… đáng lý ra được đem chôn cất, tiêu hủy lại được thu gom về đã được VTV24 đăng tải trong mấy ngày gần đây khiến dư luận bàng hoàng. Sự việc này diễn ra huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc.

    Ảnh được cắt từ Clip
    Người dân thực hiện quá trình “phù phép”.

    Sau khi tẩm ướp đủ loại gia vị, lợn chết được phù phép thành thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói… thơm ngon phục vụ thượng đế ăn Tết. 

    Lợn chết được đem đến xưởng “hô biến” thành thực phẩm thơm ngon. Nguồn: VTV.

    Đống thịt khô được đóng gói đàng hoàng rồi tung ra thị trường với giá từ 400 - 700 nghìn đồng. Các con buôn vô cùng thích thú kinh doanh mặt hàng này bởi lãi suất nó đem lại cao hơn bất kỳ mặt hàng nào.

    Kinh hãi lợn lở mồm long móng được “phù phép” thành trâu gác bếp. Clip: VTV24

    Đoạn phóng sự điều tra được VTV24 thực hiện sau nhiều ngày thâm thâm nhập, những thủ đoạn tàn nhẫn, độc ác, coi thường sức khỏe, tính mạng của chính bản thân mình và cộng đồng của các gian thương đã bị vạch trần. Rất mong chờ pháp luật ra tay xử lý.

    Viethome (theo VTV)

  • Paul nhắc nhở mọi người chú ý kiểm tra ngày hết hạn trên đồ ăn khi di chuyển bằng đường hàng không.

    Paul Wilkinson, hành khách Anh, vừa bay từ Tenerife (Tây Ban Nha) về London (Anh) vào ngày 13/1 trên chuyến bay của hãng hàng không Jet2. Paul chi 7,5 bảng (hơn 220.000 đồng) để mua một suất cơm gạo lứt, gà tikka masala, bánh mì giòn Ấn Độ và sốt chấm.

    Paul ăn xong món cơm gà mới nhận ra đồ hết hạn. (Ảnh minh họa)

    Hạn sử dụng của suất ăn là 5/1 nhưng Paul không để ý tới chi tiết này cho tới khi ăn xong. Chia sẻ câu chuyện của mình trên Twitter, Paul nhắc nhở mọi người nên chú ý xem ngày hết hạn trên đồ ăn hàng không.

    Hãng Jet2 đã liên hệ với Paul và sẵn sàng hoàn tiền nếu anh không hài lòng về bữa ăn trên máy bay.

    Trả lời Sun Online Travel, đại diện hãng hàng không Anh cho biết: "Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi tới Paul và sẽ giải quyết vấn đề này với nhà cung ứng. Dù quá hạn sử dụng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm vẫn được đảm bảo nhưng chất lượng có thể thay đổi".

    Năm 2017, Adrian Bell, một hành khách khác của easyJet, từng phát hiện mình ăn sandwich hết hạn từ 10 năm trước. Tuy nhiên, hãng bay này khẳng định chiếc bánh là đồ tươi mới, ngày ghi trên bao bì chỉ là lỗi đánh máy, theo Business Insider.

    Theo Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Anh, thực phẩm quá hạn có thể ăn được dù chất lượng giảm, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn nên cẩn trọng.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo mới đây đã phải thu hồi toàn bộ các sản phẩm chocolate của mình vì bị nghi nhiễm virus viêm gan A.

    Theo đó, công ty bánh kẹo Bauer’s Candies đã tự nguyện ra thông báo sản phẩm kẹo dẻo bọc chocolate và kẹo dẻo nhúng caramel bị nhiễm virus viêm gan A sau khi một công nhân làm việc trong nhà máy nhận kết quả xét nghiệm dương tính với viêm gan A - một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan.

    Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng không nên sử dụng bất cứ sản phẩm chocolate hay caramel nào của công ty Bauer’s Candies được sản xuất sau ngày 14/11/2018.

    Được biết, viêm gan A là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus, thường lây lan qua đường quan hệ tình dục, dùng chung kim tiêm với người bị bệnh hoặc qua các thực phẩm đã bị nhiễm virus. Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm gan A bao gồm những người sử dụng ma túy, những người quan hệ tình dục đồng giới và những người vô gia cư.

    Các triệu chứng của bệnh viêm gan A bao gồm sốt cao, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi tiểu nước sẫm màu kéo dài khoảng 5 - 7 ngày. Khoảng 2% các trường hợp mắc viêm gan A thường diễn biến nặng, có thể dẫn tới suy gan, hôn mê và thậm chí tử vong. 

    VietHome (Theo VTV)

  • Đó là lý do ta cần phải rửa tay thật kỹ với xà phòng trước khi bốc cái gì đó bỏ vào miệng.

    Bạn biết loại màn hình cảm ứng để order đồ ăn, thay vì phải nói chuyện với nhân viên tại McDonald's? The Metro, sau khi kiểm tra, người ta tìm thấy dấu vết của phân người trên mọi màn hình cảm ứng của thương hiệu đồ ăn nhanh này.

    Cụ thể, trong toàn bộ các mẫu vật thu thập được đều chứa vi khuẩn coliform (thường thấy trong đường ruột). Giảng viên cao cấp về vi sinh tại Đại học London Metropolitan, tiến sĩ Paul Matawee nói: "Chúng tôi rất ngạc nhiên với lượng vi khuẩn đường ruột và phân trên màn hình cảm ứng. Thông thường, loại nhiễm trùng này hay xảy ra tại bệnh viện."


    Tìm thấy dấu vết phân người trên toàn bộ màn hình cảm ứng của McDonald's


    Loại màn hình order đồ ăn này giúp tiết kiệm thời gian và rất phổ biến ở Anh.

    Những loại vi khuẩn tìm thấy trên màn hình cảm ứng của McDonald's thường có mặt trong hệ tiêu hóa của người và động vật có vú. Thực khách thường chọn món trên màn hình cảm ứng sau đó đi nhận bánh kẹp thịt và hầu như không rửa tay sau bước đó.

    Tuy nhiên, trên màn hình ở một chi nhánh còn có tụ cầu khuẩn, có thể gây ra ngộ độc và hội chứng sốc độc. "Tìm thấy Staphylococcus là điều thực sự đáng lo ngại vì nó rất dễ lây, chỉ cần một vết thương hở bé nhỏ cũng gây ra nguy hiểm."

    Trên thực tế, tụ cầu khuẩn đang có dấu hiệu kháng kháng sinh. Nó vẫn là mối nguy hiểm thường trực ở châu Phi.

    Nghiên cứu của The Metro đã lấy mẫu vật từ 8 cơ sở của McDonald's, 6 ở London và 2 ở Birmingham. Thậm chí vi khuẩn Listeria được tìm thấy ở các cơ sở tại Oxford Street và Holloway Road. Chúng có thể gây ra sẩy thai hoặc thai chết lưu ở phụ nữ mang thai. Tổng cộng, 3/4 số màn hình cảm ứng của McDonald's có sự xuất hiện của phân người cũng như vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm.


    Tiến sĩ Paul Matawee, giảng viên cao cấp về vi sinh tại Đại học London Metropolitan.

    "Công nghệ màn hình cảm ứng đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Mọi người tuyệt đối không được chủ quan, phải rửa tay rồi mới chạm vào thức ăn", Matawele cho hay.

    Dù McDonald's đã tẩy trùng toàn bộ màn hình cảm ứng nhưng Matawele nói rằng "không ăn thua".

    Một người phát ngôn của McDonald's khẳng định: "Màn hình cảm ứng của chúng tôi được vệ sinh thường xuyên. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích khách hàng rửa tay trước khi ăn".

    Dẫu vậy, có thể bạn sẽ muốn ngó qua các loại vi khuẩn được tìm thấy trên màn hình cảm ứng của McDonald's tại đây. 

    VietHome (Theo Kênh 14)