Anh sẽ ngả theo Mỹ hay nghiêng về châu Âu?

Chiến thắng của ông Donald Trump có khả năng đẩy Anh vào thế tiến thoái lưỡng nan: Ngả theo Mỹ - đồng minh lớn mạnh nhất, hay nghiêng về châu Âu - đối tác thương mại lớn nhất?

tien thoai luong nan 1

Ngày 11/11, Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kỷ niệm Ngày Đình chiến tại Parris. Ông Stamer là lãnh đạo Anh đầu tiên làm điều này kể từ thời Winston Churchill năm 1944, một minh họa nổi bật về mong muốn tái thiết quan hệ với châu Âu của Công đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu nồng ấm giữa 2 nhà lãnh đạo trung dung, chuyến thăm này bị lu mờ bởi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ một tuần trước đó. Với lịch sử đối đầu với Liên minh châu Âu (EU), sự trở lại của ông Trump gây rối rắm kế hoạch “bước sang trang mới trong vấn đề Brexit” và theo đuổi “cơ hội hiếm có khó tìm” kết nối lại với châu Âu của thủ tướng Anh.

Theo New York Times, những gì từng được coi là bài toán có lợi về mặt kinh tế với chính phủ Anh giờ đây có nguy cơ biến thành một lựa chọn đau đầu: Hoặc EU, hoặc Mỹ.

Muốn có cả hai

Các nhà ngoại giao và những người trong quỹ đạo của ông Trump cảnh báo quan hệ thương mại chặt chẽ hơn giữa Anh và châu Âu có thể gây tổn hại đến mối quan hệ với tổng thống Mỹ sắp tới. Tổng thống đắc cử được cho là người ủng hộ Brexit và cổ vũ cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson thách thức EU.

“Việc Vương quốc Anh quay lại các mối quan hệ chính trị và kinh tế sâu rộng với EU giảm khả năng ông Trump đạt được thỏa thuận thương mại tự do với nước này”, Stephen Moore - cố vấn kinh tế cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông Trump - nhận định.

Trong một buổi phỏng vấn, ông từng phát biểu trước công chúng Anh rằng: “Các vị phải quyết định. Các vị muốn giống châu Âu hay giống Mỹ hơn?”.

Hiện tại, ông Starmer cân bằng hoạt động ngoại giao với châu Âu, cùng lúc nỗ lực không ngừng nghỉ vun đắp mối quan hệ với ông Trump. Hai chính trị gia đã gặp nhau và ăn tối tại Trump Tower hồi tháng 9. Trong buổi hôm đó, ông Trump nói với ông Starmer: “Chúng ta là bạn”.

p style="text-align: center;">tien thoai luong nan 1Ông Trump ủng hộ Brexit và cổ vũ cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson thách thức EU. Ảnh: New York Times.

Peter Mandelson - một nhân vật quan trọng của Công đảng đang được cân nhắc trở thành Đại sứ Mỹ tại Anh - gần đây nhắc tới quan hệ Anh, châu Âu và Mỹ: “Chúng ta phải tìm cách vừa có bánh vừa ăn bánh”, ý nói sẽ cân bằng và hưởng lợi từ cả hai bên.

Các nhà kinh tế học cho biết kịch bản này có thể triển khai theo hai hướng.

Với châu Âu, Anh có thể quyết liệt xoa dịu căng thẳng thương mại, như điều chỉnh các quy tắc về nông nghiệp, liên kết hệ thống thuế carbon và cho phép người trẻ di chuyển thuận tiện qua biên giới.

Với Mỹ, Anh có thể theo đuổi thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược, như nền kinh tế kỹ thuật số, nếu không thể ký kết thỏa thuận thương mại tự do toàn diện.

Theo Marley Morris, phó giám đốc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Công, kết nối kinh tế chặt chẽ hơn với EU không đồng nghĩa Anh phải đánh đổi mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. “Họ sẽ làm mọi thứ để hợp tác với ông Trump”, ông nhắc tới chính phủ Anh.

Tuy nhiên, ngay cả khi Anh đồng điệu hơn về mặt tư tưởng với Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Johnson và ông Trump trước đó, hai bên vẫn không thể đàm phán được một thỏa thuận thương mại.

Lần này, chính sách của ông Trump dường như tập trung hơn vào kế hoạch áp thuế toàn diện lên tới 20% với các đối tác thương mại, bao gồm EU và Anh. Trong kịch bản đó, giới ngoại giao nhận định kỳ vọng lớn nhất của ông Starmer có thể không phải là một thỏa thuận thương mại, mà là các mục tiêu miễn trừ thuế quan.

Ở cấp độ nào đó, mức thuế quan của Mỹ với EU “có thể vô tình trở thành món quà cho Vương quốc Anh”, khi điều này “gây áp lực cho EU mở rộng thị trường” và rõ ràng đây là cơ hội của Anh, Abraham L. Newman - nhà khoa học chính trị tại Đại học Georgetown - nhận định.

Giáo sư Newman nói thêm thuế quan "đẩy hai bên gần nhau theo cách họ đẩy nhau ra xa trong vài năm qua”.

Đứng giữa ngã 3 đường

Song dù Anh và EU có chung lý do để phản ứng với thuế quan của Mỹ, làn sóng bảo hộ mới có thể chia rẽ họ, đặc biệt nếu Anh tìm cách tự thỏa thuận với ông Trump để miễn một số loại thuế nhất định.

“Nếu Anh hành động một mình, họ sẽ phải trả giá”, Peter Ricketts - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Anh - cho biết. "Mỹ sẽ yêu cầu nhượng bộ, như tiếp cận thịt bò biến đổi gene, và điều này dẫn tới vấn đề cho người tiêu dùng Anh và châu Âu”.

p style="text-align: center;">tien thoai luong nan 1Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kỷ niệm Ngày đình chiến vào tuần trước tại Paris. Ảnh: New York Times.

Mark Blyth - giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Brown - cho rằng Anh sẽ không thể dỡ bỏ quy định thương mại với Mỹ trong khi vẫn tuân thủ các quy tắc của EU. “Nếu theo Trump, sẽ không bao giờ có thể tiếp cận thị trường EU”, ông nói.

Áp lực này gia tăng hơn nữa nếu ông Trump khơi mào căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Starmer đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tuyên bố muốn có mối quan hệ “nhất quán, bền vững, tôn trọng” giữa Anh và Trung Quốc.

Kim Darroch - cựu Đại sứ Anh tại Mỹ - cho rằng nếu Mỹ chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Washington có thể kêu gọi châu Âu và Trung Quốc chung tay trong lĩnh vực thuế quan.

Nếu Anh buộc phải đưa ra lựa chọn, một số người cho rằng nước này nên chung thuyền với châu Âu. Thương mại qua eo biển Manche gấp 2,5 lần so với thương mại giữa Anh và Mỹ. Xuất khẩu của Anh sang EU đạt 433 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Nhập khẩu từ EU đạt 590 tỷ USD, chiếm 52%.

Việc tái kết nối mối quan hệ sẽ phục hồi một phần tăng trưởng sụt xuống do Anh rời khỏi EU. Mớ thủ tục hành chính rườm rà, thông quan chậm trễ và các chi phí phát sinh đang làm rối loạn hoạt động thương mại xuyên kênh. Mặc dù các cuộc đàm phán thương mại cho đến nay chỉ giới hạn ở các vấn đề tương đối nhỏ như chấp nhận tiêu chuẩn an toàn thú y của châu Âu, Phòng Thương mại Anh đã đưa ra danh sách dài các cải cách.

Sự hoài nghi của ông Trump với NATO và niềm tin châu Âu cần giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ ngày càng lớn là một động lực khác. Anh và Pháp chiếm 1/2 năng lực quân sự của châu Âu, vào thời điểm các chính sách an ninh và kinh tế gắn kết chặt chẽ.

François Hollande, cựu Tổng thống Pháp, gần đây nói rằng ông Starmer "cần định vị bản thân là một nhà lãnh đạo châu Âu".

Nhưng việc xích lại gần châu Âu không hề dễ dàng với thủ tướng Anh, ngay cả khi không có ông Trump cản bước. Báo chí Anh thiên về đảng Bảo thủ vẫn công khai thái độ không thân thiện với EU và sẽ nhanh chóng lên án bước đi này. Các chính trị gia đảng Lao động lo ngại chiến lược ủng hộ châu Âu có thể gây tổn hại cho đảng ở một số khu vực “bức tường đỏ”, nơi nhiều người từng ủng hộ Brexit nhưng sau đó hậu thuẫn đảng Lao động trong cuộc bầu cử gần đây.

Theo lý thuyết, Anh cũng ít khi làm bất cứ thứ gì có thể gây tổn hại tới “mối quan hệ đặc biệt” với Mỹ.

“Trong thời gian tới, ông Starmer sẽ làm mọi cách để có được thỏa thuận có lợi với châu Âu lẫn Mỹ. Nhưng tôi nghĩ đến lúc nào đó, họ không thể cưỡi cả hai con ngựa, họ sẽ phải lựa chọn”, Peter Kellner - cựu Giám đốc công ty thăm dò ý kiến YouGov - kết luận.

Theo ZNews