Những tranh luận về khả năng răn đe hạt nhân của Anh đang tiếp tục dấy lên sau vụ thử tên lửa Trident từ tàu ngầm hạt nhân thất bại lần thứ hai liên tiếp. Cho dù thế nào, lần thất bại này chắc chắn sẽ khiến Anh phải đối mặt với những thách thức duy trì khả năng răn đe hạt nhân.
Theo Báo Le Monde, trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine và bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, khả năng duy trì kho vũ khí hạt nhân của Anh được coi là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Điều này cũng quan trọng đối với các nước châu Âu khác, khi thực tế đã nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi về vị trí của năng lực hạt nhân và khả năng răn đe hạt nhân của Anh trong hệ thống phòng thủ chung của lục địa.
Trong một phản ứng liên quan tới vụ thử tên lửa thất bại, Công đảng mới đây đã yêu cầu chính phủ đương nhiệm phải bảo đảm hiệu quả của hệ thống răn đe hạt nhân quốc gia. Người phụ trách chính sách quốc phòng của Công đảng, ông John Healey cho biết, các báo cáo về thất bại của vụ bắn thử là “đáng lo ngại”. Công đảng, mà tất cả cuộc thăm dò đều dự đoán sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp dự kiến sẽ diễn ra trước tháng 1-2025, đã cam kết bằng mọi giá đổi mới và duy trì lực lượng răn đe hạt nhân của Vương quốc Anh.
Khả năng răn đe hạt nhân của Anh được cung cấp bởi một hạm đội gồm 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Trident do Lockheed Martin sản xuất. Đầu đạn được chế tạo ở Anh. Theo trang web của hải quân Hoàng gia Anh, nước này luôn triển khai một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoạt động trên biển kể từ năm 1969. Đại tá Richard Kemp, cựu chỉ huy lực lượng bộ binh Anh nhận xét: “Khả năng răn đe hạt nhân của Anh là nền tảng tuyệt đối cho hệ thống phòng thủ. Một khi bị coi là thất bại một cách công khai, việc đó sẽ làm giảm giá trị của khả năng răn đe nói chung”.
Tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard tại căn cứ hải quân Anh gần Glasgow (Scotland), tháng 12-2006. Ảnh: Reuters
Chính vì vậy, vụ thử tên lửa Trident thất bại hai lần liên tiếp càng làm gia tăng quan ngại về khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Giới phân tích cho rằng, thất bại của các cuộc thử nghiệm tên lửa Trident có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại về khả năng sẵn sàng của hải quân Anh trong trường hợp nước này bị lôi kéo vào một cuộc xung đột toàn diện.
Chuyên gia David Cullen thuộc nhóm nghiên cứu độc lập có tên Dịch vụ thông tin hạt nhân (NIS) cho biết, thất bại hồi tháng 1 của hải quân Hoàng gia Anh nghiêm trọng hơn so với lần thử thất bại năm 2016, “không chỉ vì đây là lần thứ hai liên tiếp mà còn vì tên lửa Trident đã được kéo dài tuổi thọ, lẽ ra chúng sẽ đáng tin cậy hơn so với năm 2016”.
Hệ thống răn đe hạt nhân của Anh tiêu tốn khoảng 3 tỷ bảng mỗi năm để vận hành, tương đương khoảng 6% tổng ngân sách quốc phòng. Quốc hội nước này đã bỏ phiếu năm 2016 để thông qua việc đóng một lớp tàu ngầm mới, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2030, với chi phí ước tính lần cuối là 31 tỷ bảng.
Là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Vanguard của Anh được trang bị tên lửa Trident là cốt lõi của phương tiện tấn công/phản công hạt nhân của Anh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lực lượng tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của hải quân Hoàng gia Anh liên tục gặp tai nạn. Vào tháng 11 năm ngoái, một tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của hải quân Anh chở 140 thủy thủ và một số tên lửa Trident 2 đã gặp trục trặc khi thực hiện nhiệm vụ ở Đại Tây Dương, khiến tàu ngầm này lao vào vùng nguy hiểm và suýt bị phá hủy.
Bất chấp vụ thử thất bại và những tranh cãi đang diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps khẳng định khả năng răn đe hạt nhân của Anh vẫn “vững chắc, hiệu quả và đáng tin cậy”. Ông Shapps nhấn mạnh cuộc thử nghiệm bất thường này “không ảnh hưởng gì đến độ tin cậy của các hệ thống cũng như kho dự trữ tên lửa Trident. Cũng không có bất kỳ tác động nào đến khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân của chúng tôi”. Chính phủ Anh vẫn giữ “niềm tin tuyệt đối” vào hệ thống vũ khí hạt nhân Trident mặc dù đây là lần thử nghiệm thất bại thứ hai liên tiếp của tên lửa này, sau sự cố bắn hỏng vào năm 2016. Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm, hệ thống Trident do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất là “hệ thống vũ khí đáng tin cậy nhất trên thế giới” với 190 lần phóng thử thành công được ghi nhận. Lần thử nghiệm thành công gần đây nhất của tên lửa Trident diễn ra vào tháng 10-2012. Việc bắn thử tên lửa Trident rất ít khi được thực hiện vì rất đắt tiền, mỗi tên lửa trị giá khoảng 17 triệu bảng Anh (19,84 triệu euro).
Do tính nhạy cảm, cho đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết liên quan đến vụ thử thất bại được thông báo. Phát biểu trên truyền hình mới đây, bà Victoria Atkins, Bộ trưởng Y tế đại diện cho chính phủ đương nhiệm, đã viện dẫn vấn đề an ninh quốc gia để che giấu sự việc. Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Tobias Ellwood, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Anh tỏ ra cởi mở hơn khi tiết lộ trên kênh truyền hình GB News, cho biết vấn đề xuất phát từ “một thiết bị được gắn vào tên lửa và làm trục trặc cơ chế của tên lửa sau khi rời tàu ngầm”.
Theo qdnd