• Các nguồn tin quốc phòng cấp cao nói với tờ báo rằng trong 15 năm nữa, những loại đạn như vậy 'sẽ có thể tấn công nước Anh từ bất cứ nơi nào trên thế giới'.

    ten lua dan dao
    Quân đội Iran tiến hành diễn tập với tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Ảnh: Getty.

    “Những lỗ hổng” trong hệ thống phòng không của Anh đang gây lo ngại ở London và phần còn lại của khối NATO, The Times đưa tin, trích dẫn các nguồn tin quốc phòng. Những nguồn tin này nhấn mạnh về khả năng dễ bị tổn thương của Anh trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

    Một hội đồng độc lập dẫn đầu cuộc đánh giá quốc phòng chiến lược do chính phủ Anh ủy quyền đã tỏ ra “quan ngại sâu sắc” về tình trạng lá chắn tên lửa của nước này và dự kiến sẽ tập trung vào nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào nó, theo The Times.

    Bài báo lưu ý, một số thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu gần đây cũng bày tỏ “thất vọng” rằng Vương quốc Anh không đóng góp đủ vào các lá chắn phòng thủ để bảo vệ châu Âu khỏi các cuộc tấn công tầm xa có thể xảy ra.

    Báo cáo dự đoán, cuối năm nay, NATO sẽ kêu gọi Thủ tướng Anh Keir Starmer tăng đáng kể chi tiêu cho hệ thống phòng không trên mặt đất (SBAD) để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân và căn cứ quân sự.

    Nhu cầu được nêu trong bài viết nghiên cứu của NATO có tên “Mục tiêu năng lực 2025”, đã được The Times dẫn lại.

    Tờ báo cho biết các quan chức quốc phòng giấu tên và các chuyên gia quân sự, những người được phỏng vấn, nhấn mạnh “nguy cơ ngày càng tăng đối với Anh và các tài sản quân sự của nước này ở nước ngoài, khi Trung Quốc, Nga và Iran nhanh chóng phát triển tên lửa đạn đạo có thể xuyên lục địa với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh".

    Các nguồn tin quân sự cấp cao nói với The Times rằng Vương quốc Anh “hiện đang gặp nguy hiểm”, và trong 15 năm nữa, một tên lửa đạn đạo “sẽ có thể tấn công nước Anh từ bất cứ nơi nào trên thế giới”.

    Họ cảnh báo, các nhóm phiến quân ở các quốc gia Trung Đông như Libya có thể nhắm mục tiêu vào London nếu họ có được tên lửa tầm xa.

    Các nguồn tin cho biết, các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đang tham gia chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại lực lượng Houthi ở Yemen, do vậy có nguy cơ bị tấn công trả đũa bởi các tên lửa đạn đạo tiên tiến hơn do các đồng minh của Houthi cung cấp cho nhóm này.

    Họ cũng tuyên bố rằng các căn cứ quân sự ở nước ngoài của Vương quốc Anh, bao gồm cả những căn cứ ở Cyprus, đang phải đối mặt với “nguy cơ ngày càng tăng” từ các chủ thể phi nhà nước và những kẻ khủng bố.

    Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng nếu Ukraine tiếp tục tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp, Moscow có quyền “sử dụng vũ khí của chúng tôi chống lại các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ chống lại các cơ sở của chúng tôi”.

    Ông Putin cũng nói rằng Moscow có thể đưa ra phản ứng bất cân xứng trước những hành động như vậy bằng cách vũ trang cho các nhóm hoặc các quốc gia thù địch với phương Tây, như Triều Tiên, bằng vũ khí tiên tiến.

    Theo Viettimes

  • Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin khẳng định tình hình hạt nhân mà thế giới hiện đối mặt là 'phức tạp hơn', với các mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

    thoi dai hat nhan
    Các xe quân sự chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 đi qua quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Trung Quốc hồi năm 2019 - Ảnh: REUTERS

    Phát biểu tối 4-12-2024, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin cho rằng thế giới đang đối mặt với "thời đại hạt nhân thứ ba", cảnh báo Trung Quốc đang là thế lực hạt nhân lớn đe dọa phương Tây.

    Theo đó, Đô đốc Radakin nhận định tình trạng ổn định hạt nhân mà thế giới đạt được sau Chiến tranh lạnh đã chấm dứt.

    Ông điểm tên các nước Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đều là các mối đe dọa hạt nhân, trong đó Bắc Kinh là một thách thức đặc biệt cho vấn đề này đối với Mỹ.

    Theo báo Telegraph, trong nhiều thập kỷ qua Trung Quốc không được xem là quốc gia có mối đe dọa hạt nhân đáng kể. Tuy nhiên nước này hiện đang mở rộng kho vũ khí hủy diệt với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và được cho là sẽ chạm mốc ngang bằng với Nga và Mỹ vào năm 2030.

    Ông Radakin cho biết thời đại hạt nhân đầu tiên là Chiến tranh lạnh, trong khi thời đại hạt nhân thứ hai được xác định bằng giai đoạn của "những nỗ lực giải trừ vũ khí và chống phổ biến vũ khí hạt nhân".

    Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh đánh giá tình hình mà thế giới phải đối mặt hiện nay "hoàn toàn phức tạp hơn".

    "Chúng ta chứng kiến việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, cùng các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn và các cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào các nước NATO", báo Telegraph dẫn lời ông Radakin.

    Ông Radakin cũng dẫn ra các nguy cơ hạt nhân khác, như việc Trung Quốc tăng cường hạt nhân trong thách thức ngang hàng với Mỹ, hay việc Iran không hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, cùng chương trình tên lửa đạn đạo và các hành vi bất ổn của Triều Tiên.

    Theo Telegraph, Trung Quốc trong những năm gần đây nổi lên như một siêu cường hạt nhân. Nước này xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. Đến cuối thập kỷ này, kho dự trữ của Trung Quốc dự kiến có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Bên cạnh sự leo thang mỗi ngày của hai cuộc chiến Nga-Ukraine và Israel-Hamas có một thực tế khác, là loạt tập đoàn quốc phòng châu Âu liên tục ghi nhận số lượng đơn hàng kỷ lục.

    Các công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ lớn nhất châu Âu như Rheinmetall của Đức, BAE Systems của Anh, Thales của Pháp và Saab của Thụy Điển đang ghi nhận số đơn hàng kỷ lục khi các đơn đặt hàng vũ khí mới từ các chính phủ tăng vọt, tờ Euronews đưa tin ngày 26-8.

    Nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ đơn hàng của các tập đoàn quốc phòng châu Âu là sự gia tăng bất ổn địa chính trị, do cuộc chiến Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas đang diễn ra. Trước bối cảnh này, các nước bắt đầu gia tăng ngân sách quốc phòng, dẫn tới nhiều đơn đặt hàng hơn cho các nhà thầu quốc phòng.

    ban vu khi 1
    Trong bối cảnh bất ổn từ hai cuộc chiến Nga-Ukraine và Israel-Hamas, loạt tập đoàn quốc phòng châu Âu ghi nhận số lượng đơn hàng kỷ lục. Ảnh: REUTERS

    Theo đó, Thales - tập đoàn hệ thống điện và quốc phòng của Pháp - gần đây đã báo cáo mức tăng 26% về lượng đơn đặt hàng trong nửa đầu năm, lên tới 10,8 tỉ euro. Điều này đã đưa tổng giá trị đơn hàng của công ty cao kỷ lục mới, ở mức 47 tỉ euro.

    Thales cũng báo cáo lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) tăng 10,4% lên 1.096 triệu euro trong nửa đầu năm 2024, trong khi doanh số cũng tăng vọt 8,9%, đạt 9,5 tỉ euro.

    Đầu tháng 5 năm nay, nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall cũng thông báo rằng một khách hàng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặt đơn hàng lớn với số lượng hàng chục nghìn quả đạn pháo. Đơn hàng này sẽ được giao trong khoảng thời gian từ năm nay đến năm 2028. Trong quý II của năm nay, các đơn đặt hàng mà Rheinmetall nhận được lên tới gần 300 triệu euro.

    Công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Anh BAE Systems cũng đang thu lợi khi các đơn đặt hàng tăng. Công ty gần đây đã tăng hướng dẫn bán hàng sau khi ghi nhận số lượng đơn đặt hàng đã tăng 1,6 tỉ Bảng Anh (1,89 tỉ euro) trong nửa đầu năm, đưa tổng số đơn đặt hàng lên 59,6 tỉ Bảng Anh (70,34 tỉ euro) tính đến ngày 30-6.

    Với xu hướng trên, BAE Systems ước tính mức tăng trưởng doanh số sẽ ở mức từ 12% đến 14% cho cả năm 2024, tăng so với dự báo trước đó là từ 10% đến 12%.

    ban vu khi 1
    Binh sĩ Israel tại Gaza hồi đầu năm 2024. Ảnh: REUTERS

    Ông Charles Woodburn - Giám đốc điều hành của BAE Systems - cho biết rằng lượng đơn hàng tăng cho thấy nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của công ty vẫn cao và “chúng tôi đang ở vị thế tốt để tăng trưởng bền vững trong những năm tới".

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các công nghệ mới, cơ sở vật chất và con người để có thể hoàn thành lượng đơn hàng tồn đọng kỷ lục và giúp khách hàng là chính phủ của chúng tôi luôn đi đầu trong một thế giới không chắc chắn" - ông Woodburn nói.

    Công ty quốc phòng Thụy Điển Saab gần đây cũng thông báo rằng họ đã nhận được đơn đặt hàng gồm 10 tàu chiến đấu hải quân từ Cục Quản lý Vật liệu Quốc phòng Thụy Điển. Đơn đặt hàng này trị giá 400 triệu krona Thụy Điển (35,04 triệu euro) và sẽ được chuyển giao trong những năm tới.

    Đơn hàng trên cho thấy những nỗ lực tăng cường của Thụy Điển nhằm củng cố khả năng phòng thủ hải quân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình địa chính trị bất ổn ở châu Âu.

    Ông Micael Johansson - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Saab - cho biết trong quý II-2024, công ty đã ghi nhận lượng đơn đặt hàng lớn là 40 tỉ krona Thụy Điển (3,51 tỉ euro), là quý cao thứ hai trong lịch sử công ty.

    Công ty cũng chứng kiến doanh số tăng vọt 22% trong quý II của năm nay. Thu nhập trước lãi vay và thuế cũng tăng 25%.

    Các công ty quốc phòng lớn của Mỹ như Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Dynamics và RTX cũng dự kiến sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng các đơn đặt hàng của các chính phủ.

    Theo Plo

  • Tuyên bố trên được Đại sứ Nga tại Mỹ đưa ra trong bình luận mới nhất về vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream chạy dưới Biển Baltic hồi tháng 9/2022.

    no duong ong nord stream
    Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass

    Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Tass hôm 5/8, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng "châu Âu đang trong cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất" sau vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

    Nhà ngoại giao Nga cho biết, Mỹ hiện là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất cho châu Âu và đang quyết định giá cả.

    "Về cơ bản, châu Âu đã trở thành con tin của Mỹ. Ai hưởng lợi từ tình hình hiện tại? Chính là Mỹ" - Đại sứ Antonov cho hay.

    Theo Đại sứ Antonov, Mỹ "cần EU phải hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước này, đồng thời điều đó đem lại lợi ích kinh tế cho Washington và quyền kiểm soát chính trị với EU”.

    Tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được xây dựng để vận chuyển trực tiếp khí đốt đến Đức đã bị rò rỉ bởi những thủ phạm không rõ danh tính trong một loạt vụ nổ vào tháng 9/2022.

    Sau vụ việc, Đan Mạch cùng Thụy Điển và Đức, 3 quốc gia gần hiện trường nhất, đã mở cuộc điều tra riêng rẽ, kết luận đây là hành động phá hoại, nhưng từ chối cho phép Nga tham gia nỗ lực tìm nguyên nhân.

    Tuy nhiên, hồi tháng 2 năm nay, Thụy Điển và Đan Mạch thông báo dừng cuộc điều tra về vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream. Các nhà điều tra Thụy Điển không đưa ra kết luận nào. Trong khi đó, nhóm điều tra của Đan Mạch kết luận rằng “có hành vi phá hoại”, nhưng không đổ lỗi vụ tấn công cho bất kỳ ai.

    Nga và phương Tây đã đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ này. Các bên phủ nhận mọi sự liên quan và cho đến nay vẫn không có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm.

    Truyền thông phương Tây ban đầu cáo buộc Nga muốn vô hiệu hóa đường ống Nord Stream. Các bài báo sau đó cho hay, các nhà điều tra châu Âu không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh giả thuyết này.

    Ngày 9/2 vừa qua, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng vụ phá hoại hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 là do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện.

    Trước đó, đầu tháng 2 năm ngoái, phóng viên điều tra Mỹ Seymour Hersh đã trích dẫn các nguồn ẩn danh và công bố một bài báo cho rằng Nhà Trắng đã ra lệnh đặt bom các đường ống Nord Stream. Washington bác bỏ cáo buộc này, nhưng Tổng thống Putin nói ông thấy nhận định của nhà báo Hersh là hợp lý.

    Theo Kinhtedothi

  • Chấn động khi phần mềm cho tàu ngầm hạt nhân Anh do chuyên gia Nga - Belarus phát triển

    tau ngam anh phan mem 1

    Các kỹ sư người Anh đã vi phạm các quy định của Bộ Quốc phòng nước này khi bí mật cho phép những chuyên gia công nghệ thông tin Nga và Belarus tham gia viết phần mềm cho thiết bị tích hợp trên tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Hoàng gia. Thông tin này do tờ Telegraph đăng tải và ngay lập tức gây chấn động.

    Ấn phẩm lưu ý rằng Công ty Rolls-Royce Submarines Limited của Anh (một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Rolls-Royce nổi tiếng) đã tham gia sản xuất các thiết bị tạo hơi nước từ lò phản ứng hạt nhân dưới nước, cũng như các hệ thống đẩy thứ cấp cho tàu ngầm nguyên tử.

    tau ngam anh phan mem 1
    Phần mềm trên tàu ngầm hạt nhân Anh được tham gia phát triển bởi các chuyên gia công nghệ thông tin tới từ Nga và Belarus.

    Bộ Quốc phòng Anh đã giao hoạt động phát triển phần mềm cho công ty tư vấn WM Reply Limited (đăng ký kinh doanh từ tháng 12 năm 2010, văn phòng tại London), từ đó họ chiêu mộ các chuyên gia công nghệ thông tin từ Nga và Belarus đến thực hiện công việc.

    Cuộc điều tra cho thấy WM Reply Limited đã cố gắng che giấu sự tham gia và vai trò của kỹ sư phần mềm Nga - Belarus, từ đó gây nguy cơ nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Anh.

    Theo công bố, phần mềm này có khả năng được sử dụng để xác định vị trí đối với tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Hoàng gia.

    Đáp lại những lời nghi ngại, Công ty Rolls-Royce Submarines Limited đảm bảo rằng “hệ thống vẫn còn nguyên vẹn” và việc hợp tác với WM Reply Limited đã chấm dứt.

    Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố rằng vụ việc được mô tả trên tờ Telegraph "không ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của vương quốc".

    Giaoducthoidai (theo Telegraph)

  • Anh đã cung cấp hơn 12.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine như một phần viện trợ quân sự kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

    vu khi anh 1

    Thông tin này được ông Luke Pollard - Thứ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết theo yêu cầu của nghị sĩ James Cartledge.

    Khi được hỏi về số lượng vũ khí chống tăng đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện, ôngPollard trả lời vào ngày 25 tháng 7 năm 2024 rằng: “Bộ Quốc phòng đã giao hơn 12.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột giữa nước này với Nga bắt đầu”.

    Tuy nhiên đại diện Bộ Quốc phòng Anh không tiết lộ chi tiết về ý nghĩa chính xác của thuật ngữ "vũ khí chống tăng". Thứ trưởng Pollard cũng nhấn mạnh mong muốn của Anh trong việc hợp tác với các đồng minh quốc tế để hỗ trợ Ukraine.

    "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác quốc tế để sắp xếp và điều phối hỗ trợ của chúng tôi cho Ukraine như cách thể hiện cam kết tập thể, bền vững nhằm tạo ra một Lực lượng vũ trang Ukraine có đủ khả năng ngăn chặn Quân đội Nga về lâu dài", ông Pollard nói thêm.

    vu khi anh 1
    Tên lửa dẫn đường Brimstone do Tập đoàn MBDA sản xuất.

    Tại Anh, "vũ khí chống tăng" không chỉ bao gồm loại tên lửa vác vai như NLAW và Javelin mà còn cả Brimstone. Ukraine đã nhận được tất cả các loại đạn này, bắt đầu từ năm 2022.

    Vào đầu tháng 7, có tin Ukraine sẽ nhận thêm một lô 90 tên lửa dẫn đường Brimstone như một phần của gói viện trợ quân sự mới.

    Tên lửa Brimstone đã được binh sĩ Ukraine sử dụng từ năm 2022, khi Anh bàn giao lô đầu tiên thuộc biến thể Brimstone 1. Sau đó Kyiv nhận phiên bản Brimstone 2 mới hơn. Nói chung, chúng ta đang nói về hàng trăm tên lửa thuộc cả hai biến thể.

    Mặc dù là tên lửa không đối đất nhưng do Ukraine không có máy bay phù hợp nên Brimstone được triển khai từ các bệ phóng mặt đất di động, nó trở thành vũ khí đất đối đất.

    Bên cạnh tên lửa Brimstone, trên chiến trường Ukraine, tổ hợp chống tăng hạng nhẹ NLAW đã cho thấy hiệu quả đặc biệt cao trong việc chống lại xe bọc thép của Nga ở cự ly gần.

    Giaoducthoidai (theo UK Defence Journal)

  • Cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ Karen Kwiatkowski đã giải thích tại sao việc Washington triển khai tên lửa ở Đức lại nguy hiểm.

    con tin cua my
    Tên lửa Pershing II từng được Mỹ triển khai tại châu Âu trước khi Hiệp ước INF có hiệu lực.

    Phát biểu trước truyền thông Nga hôm 18 tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố rằng kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa siêu thanh của Mỹ tại trung tâm châu Âu có thể khiến Nga có hành động đáp trả.

    "Trong tình hình này, tính đến tổng thể tiềm năng quân sự của các quốc gia thành viên NATO, chúng ta phải hiệu chỉnh các phản ứng của mình mà không cần phải có bất kỳ ràng buộc nội bộ nào, có thể nói như vậy, về việc nên triển khai vũ khí gì, khi nào và ở đâu.

    Đây không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai. Đây là phương tiện để tìm ra thuật toán hiệu quả nhất, theo quan điểm về chi phí, để ứng phó với những thách thức đang thay đổi", Thứ trưởng Ryabkov nói.

    Nhà ngoại giao cấp cao của Nga nhấn mạnh rằng khu vực Kaliningrad - nơi dự kiến ​​sẽ là mục tiêu của tên lửa tầm xa của Mỹ từ Đức, sẽ tiếp tục được đảm bảo an ninh nếu và khi vũ khí của Mỹ được triển khai tại quốc gia Trung Âu này.

    Nhà ngoại giao Nga cho biết thêm: "Nếu các đại diện của chính phủ Đức coi việc bắt đầu một số biện pháp leo thang nào đó là hợp lý với lý do đối phó với nguy cơ từ năng lực quân sự mà Nga có, chúng tôi sẽ phản ứng bằng các biện pháp bù trừ theo cách mà chúng tôi cho là chấp nhận được nhất".

    Trước đó trong ngày, truyền thông Đức đã đăng tải một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong đó ông cho rằng thỏa thuận của Berlin về việc triển khai vũ khí tầm xa của Mỹ "không gì khác hơn là nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga liên quan đến việc triển khai tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad".

    Bộ trưởng Pistorius đảm bảo rằng các kế hoạch hiện tại của Mỹ không giống với cuộc khủng hoảng tên lửa ban đầu tại châu Âu vào những năm 1980, đã đưa hành tinh này đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt thế giới vào năm 1983, và đi kèm với các cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại.

    Ba triệu người ở Tây Âu và hai triệu người khác ở những nơi khác đã phản đối việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hạt nhân Pershing II vào mùa thu năm 1983.

    Đánh giá về quyết định triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tại Đức, Karen Kwiatkowski, Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói với RIA rằng, quyết định này nhằm lặp lại cuộc khủng hoảng tên lửa những năm 1980.

    "Một phần của động thái này là nỗ lực khóa chặt thị trường NATO đối với những tên lửa này thông qua các đơn đặt hàng sản xuất của Mỹ cho các nhà thầu như RTX và Lockheed Martin", Trung tá Karen Kwiatkowski nói.

    Chuyên gia Kwiatkowski giải thích: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chính quyền Mỹ hy vọng sẽ tận dụng được tác động kích thích trong nước - cộng với cảm giác cấp bách của Chính quyền Biden khi họ và phần lớn NATO thừa nhận rằng chính sách NATO của Mỹ có thể nhanh chóng bị đảo ngược dưới thời Chính quyền Trump nếu ông này đắc cử".

    Cũng giống như cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu những năm 1980 đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng hạt nhân bằng cách di chuyển các hệ thống tấn công đến vị trí chỉ cách Moscow vài phút bay, có nghĩa là các quan chức Liên Xô sẽ chỉ có vài phút để xác định, phân tích và phản ứng với một cuộc tấn công có thể xảy ra của kẻ thù.

    Học giả Kwiatkowski cho rằng kế hoạch triển khai tên lửa đến Đức của Mỹ lần này sẽ làm dấy lên nỗi lo về một cuộc leo thang hạt nhân không thể đảo ngược theo cách tương tự.

    "Lý do tên lửa tầm trung và tầm xa bị loại khỏi châu Âu cách đây hơn ba thập kỷ chính xác là vì lý do này – chúng không cần thiết và khiêu khích", bà Kwiatkowski giải thích.

    "Cụ thể, tên lửa tấn công tầm xa ở châu Âu đã tạo ra, cũng như sẽ tạo ra (vào năm 2026), các mục tiêu trả đũa hoặc phủ đầu mới không thể bảo vệ hiệu quả về mặt chi phí, khiến người dân châu Âu trở thành con tin cho chính sách đối ngoại của Mỹ", bà nhấn mạnh.

    Theo nghĩa đó, việc triển khai này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực không chỉ giữa NATO và các đối thủ mục tiêu, mà còn giữa người dân châu Âu với chính phủ của họ và Nghị viện châu Âu.

    Trong số những người biểu tình phản đối việc triển khai tên lửa của Mỹ vào những năm 1980 có ông Olaf Scholz (đương kim Thủ tướng Đức), khi đó là phó chủ tịch nhóm thanh niên của Đảng SPD, đã nhận ra những rủi ro hạt nhân vốn có trong những bước đi như vậy mà chính phủ của ông hiện nay dường như đã không nhìn thấy.

    Vào tháng 11 năm 1983, quân đội Liên Xô đã đặt lực lượng hạt nhân của mình vào tình trạng báo động cao để chuẩn bị ứng phó với sự xâm lược của NATO sau khi liên minh này khởi động cuộc tập trận chiến tranh Able Archer, mô phỏng một cuộc tấn công toàn diện vào Liên Xô.

    NATO không nhận ra mức độ nghiêm trọng của mối nguy hiểm hạt nhân do hành động khiêu khích của mình gây ra cho đến nhiều năm sau.

    Nếu Mỹ tiến hành triển khai tên lửa đến Đức sau hai năm nữa theo đúng kế hoạch, không ai có thể đoán được một bước đi như vậy có thể gây ra những loại khủng hoảng an ninh nào, đặc biệt là khi xét đến việc liên minh phương Tây đã tiến 1.000 km về phía đông tới biên giới Nga thông qua việc mở rộng NATO.

    Cùng với đó là cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra, cực kỳ nguy hiểm ở Ukraine, kế hoạch của Lầu Năm Góc với sáng kiến ​​được gọi là Đòn tấn công nhanh chóng toàn cầu (Đòn tấn công nhanh thông thường), theo một khái niệm nguy hiểm hơn nhiều so với bất kỳ điều gì được hình thành trong Chiến tranh Lạnh.

    Sáng kiến này của Mỹ hình dung ra một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường ồ ạt vào các đối thủ chiến lược để chặt đầu nhóm lãnh đạo của họ và loại bỏ càng nhiều tiềm năng hạt nhân của đối phương càng tốt.

    Liên Xô và Mỹ đã ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung để loại bỏ các bệ vũ khí hạt nhân trên bộ trong phạm vi 500-5.000 km vào năm 1987, để giảm rủi ro hạt nhân ở châu Âu.

    Washington đã rút khỏi thỏa thuận đó vào năm 2019 và ngay lập tức tiếp tục thử nghiệm và phát triển một loạt tên lửa tầm trung và tầm xa phóng từ mặt đất mới.

    Theo giaoducdaotao

  • Pannalossy, 17 tuổi, bị bạn bè tẩy chay do làn da sáng nổi bật ở thị trấn quê nhà và chưa từng biết gì về người cha làm lính Anh.

    "Họ gọi tôi là 'mzungu Maskini', nghĩa là 'cô gái da trắng tội nghiệp'. Họ nói tôi không thuộc về nơi này, không nên ở nơi này", Marian Pannalossy, 17 tuổi, nói. Cha cô là một lính Anh, nhưng chưa bao giờ gặp ông, thậm chí tên cũng không biết.

    Pannalossy là một trong nhiều con lai mà các binh sĩ Anh bỏ lại ở Kenya trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở nước sở tại. Mẹ cô, Lydia Juma, là một trong số hàng trăm nạn nhân nộp đơn kiện lên quân đội Anh trong nhiều năm trời, cáo buộc những binh sĩ này có hành vi cư.ỡng bức họ.

    "Tôi không hiểu tại sao Chúa trừng phạt tôi", Juma trả lời phỏng vấn trong phim tài liệu Vụ cư.ỡng hiếp phụ nữ Samburu gây chấn động năm 2011, thời điểm Pannalossy mới 4 tuổi.

    Juma từng sống cùng bạn trai và có hai con. Nhưng khi nhìn thấy màu da của Pannalossy lúc chào đời, người đàn ông này đã bỏ đi. Juma qua đời hai năm sau cuộc phỏng vấn năm 2011.

    con roi con rot 1
    Marian Pannalossy trả lời phỏng vấn ở Kenya. Ảnh: CNN

    Những đứa trẻ lai đang tiếp tục chào đời ở nhiều ngôi làng hẻo lánh, nơi quân đội Anh huấn luyện binh sĩ ở Kenya. Anh trả Kenya 400.000 USD mỗi năm để cho phép binh sĩ huấn luyện trên lãnh thổ quốc gia Đông Phi, chủ yếu tại các khu bảo tồn động vật hoang dã rộng lớn ở các hạt như Laikipia, Samburu.

    Đơn vị Huấn luyện Quân đội Anh ở Kenya (BATUK), có trụ sở chính tại thị trấn Nanyuki, Laikipia, đang bị quốc hội Kenya điều tra. Trong các phiên điều trần công khai tại một số khu vực nơi lính Anh huấn luyện, quan chức Kenya đã thu thập rất nhiều khiếu nại của cộng đồng bản địa về hành vi lạm dụng, tấn công tình d.ục, giết người xảy ra kể từ những năm 1950.

    Một trong những cáo buộc gây tranh cãi là trường hợp của Agnes Wanjiru. Theo điều tra, Agnes, 21 tuổi, mất tích năm 2012 khi vào khách sạn cùng nhóm lính Anh.

    Thi thể cô sau đó được phát hiện trong bể phốt. Giới chức Kenya coi đây là một vụ giết người và đã xác định được nghi phạm, song người lính Anh liên quan chưa phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào.

    Gia đình Wanjiru cho rằng các quan chức Anh ngó lơ vụ án, nên đã gửi thỉnh cầu đến Vua Charles III khi ông tới thăm Kenya năm 2023.

    Ntoyie Lenkanan, 72 tuổi, không kìm được xúc động khi kể rằng bà bị một nhóm lính Anh cư.ỡng bức cạnh bờ sông gần 40 năm trước, khi bà đi lấy nước. Bà đã tố cáo và yêu cầu được bồi thường, nhưng không nhận được kết quả nào.

    Cách nhà Lenkanan không xa, Saitet Noltwalal, 70 tuổi, ngồi dưới gốc cây, cũng kể từng bị một lính Anh cư.ỡng bức trên ngọn đồi gần nhà cách đây vài thập kỷ. Bà sảy thai, mất thị lực ngay sau đó.

    "Tôi đã chờ đợi quá lâu, không còn tự đứng lên đòi công lý được nữa. Tôi không muốn bất kỳ ai phải chịu những gì xảy ra với mình", bà Noltwalal nói. Sức khỏe bà đã suy giảm, sinh hoạt đều phải dựa vào người thân. Nhiều nạn nhân cùng lứa với bà đã qua đời sau khi chờ giải quyết đơn khiếu nại lính Anh.

    Năm 2007, Bộ Quốc phòng Anh bác gần 2.200 đơn kiện của phụ nữ Kenya, trong đó có Lenkanan và Noltwalal, do "không có bằng chứng đáng tin cậy", nhưng giới chức Anh không tiến hành xét nghiệm ADN đối với bất kỳ ai trong số 69 trẻ lai có mẹ được cho là nạn nhân bị lính Anh cư.ỡng bức.

    con roi con rot 1
    Bà Ntoyie Lenkanan, 72 tuổi, trả lời truyền thông tại khu nhà riêng. Ảnh: CNN

    Năm 2008, quốc hội Kenya lập ủy ban điều tra, thu thập lời khai của các nạn nhân một năm sau đó, nghiêm trọng nhất là cáo buộc cư.ỡng bức tập thể 30 phụ nữ Kenya năm 1997. Ủy ban sau đó tuyên bố chính phủ đã làm mất các hồ sơ vụ án mà không có lời giải thích.

    Khi BATUK đang bị ủy ban quốc hội Kenya đẩy mạnh điều tra, phát ngôn viên Cao ủy Anh tại Nairobi khẳng định sẽ xem xét, điều tra mọi cáo buộc mà cộng đồng bản địa đưa ra.

    Năm 2021, Kenya gia hạn hiệp ước cho phép lính Anh huấn luyện trên lãnh thổ, bất chấp người dân phản đối. Nhưng hai nước đã bổ sung điều khoản mới, cho phép người dân kiện lính Anh vì bất kỳ hành vi sai trái nào, không quy định thời hiệu điều tra đối với các vụ vi phạm nhân quyền.

    Điều này đồng nghĩa nhiều nạn nhân cuối cùng cũng có thể tìm công lý ở tòa. Ba năm sau, luật sư bản địa Kelvin Kubai đã thu thập đơn khiếu nại của hơn 300 nạn nhân nữ, với Pannalossy, 17 tuổi, là nguyên đơn chính.

    Phụ nữ Kenya sinh con sau khi quan hệ tình d.ục đồng thuận với lính Anh cũng đang đấu tranh đòi quyền lợi nuôi con.

    Generica Namoru, 28 tuổi, cho biết cô bắt đầu mối quan hệ đồng thuận với một binh sĩ Anh phục vụ tại trụ sở BATUK ở Nanyuki từ năm 2017. Người lính này đã gửi hộ chiếu và thông tin cá nhân để làm giấy khai sinh cho đứa trẻ. Đứa bé mang họ cha, tên Nicole.

    Nhưng Namoru cho biết cô phải làm việc vất vả một mình để nuôi Nicole, hiện 5 tuổi, nhờ bán nước ngọt ở thị trấn. "Là mẹ của con lai không dễ dàng gì ở cộng đồng. Tôi cũng chỉ muốn anh ấy lo việc học, khám chữa bệnh và nơi ở cho con, không có mong muốn gì khác", Mamoru nói.

    con roi con rot 1
    Generica Namoru, 28 tuổi, cùng con gái Nicole, 5 tuổi. Ảnh: CNN

    Luật sư Kabui đã thiết lập chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ học phí và chi phí pháp lý cho "những đứa con bị lính Anh ở Kenya bỏ rơi". Cao ủy Anh khẳng định sẽ hợp tác với các cơ quan hỗ trợ trẻ em địa phương để giải quyết điều này. Nicole và Pannalossy đều không có quốc tịch Anh, dù có thể được cấp nếu chứng minh được cha mình người Anh.

    "Những đứa trẻ này xứng đáng có quốc tịch Anh, nhưng không phải chỉ đang tìm vé miễn phí đến nước này. Chúng tôi chỉ muốn họ xứng đáng nhận sự chăm sóc, giáo dục từ cha họ", Marian Mutugi, thành viên ủy ban nhân quyền Kenya, nói.

    VnExpress (theo CNN)

  • NATO đang đặt tất cả vũ khí hạt nhân của mình trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu trước sức ép từ Nga và Trung Quốc.

    ban do vu khi hat nhan 1
    Số lượng vũ khí hạt nhân rải rác khắp thế giới. Ảnh: Getty

    NATO có bao nhiêu vũ khí hạt nhân?

    NATO có 32 thành viên, nhưng chỉ 3 nước có vũ khí hạt nhân là Mỹ, Pháp và Vương quốc Anh. Số lượng vũ khí hạt nhân đang vận hành là một thông tin tuyệt mật, nhưng trang thống kê Statista ước tính NATO có khoảng 4,223 vũ khí. Trong đó, Mỹ có 3,708 vũ khí hạt nhân, Pháp có 290 và Anh có 225. 

    Dưới chương trình chia sẻ của NATO, các quốc gia như Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ. Nhưng Nhà Trắng giữ quyền kiểm soát toàn bộ số đầu đạn này và canh giữ tất cả các vũ khí mà Mỹ triển khai ở các nước thành viên.

    7 quốc gia trong khối liên minh quân sự NATO cũng có loạt máy bay vừa có thể ném bom vừa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Những chiến đấu cơ này luôn sẵn sàng cho mọi cuộc đụng độ.

    ban do vu khi hat nhan 1
    Chỉ 3 nước thành viên NATO có vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp. Ảnh: Metro

    Số lượng đầu đạn hạt nhân mà các quốc gia sở hữu:

    • Triều Tiên: 50
    • Israel: 90
    • Pakistan: 170
    • Ấn Độ: 172
    • Vương quốc Anh: 225
    • Pháp: 290
    • Trung Quốc: 500
    • Mỹ: 5,044
    • Nga: 5,580
    • Iran: chưa biết

    Nguồn: Statista

    Những quốc gia nào khác sở hữu vũ khí hạt nhân?

    Tổng cộng, có 7 quốc gia ngoài khối NATO đã tuyên bố họ có vũ khí hạt nhân, bao gồm Nga, Triều Tiên, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Iran và Pakistan. 

    Nga đứng top đầu với 5,580 vũ khí hạt nhân. Nga đã luôn sử dụng loại vũ khí này như lời đe dọa cuối cùng đối với các quốc gia chống đối. Nga vẫn luôn muốn chứng minh kho thuốc súng của mình đủ sức đánh bại Mỹ. 

    Triều Tiên được cho là có 50 đầu đạn hạt nhân, nhưng họ sở hữu số lượng đạn dược đủ để chế tạo gấp đôi con số này. 

    Với 90 đầu đạn hạt nhân, Israel đã phát triển chương trình vũ khí hạt nhân từ những năm 1960, nhưng quốc gia này chưa bao giờ thừa nhận sự tồn tại của hạt nhân ở nước mình. Đây được xem là bí mật quốc gia, vì thế quy mô vũ khí của Israel vẫn còn là 1 ẩn số. 

    ban do vu khi hat nhan 1
    Tàu ngầm hạt nhân Kazan của Nga, neo tại cảng Havana. Ảnh: Reuters

    Ấn Độ có 172 vũ khí hạt nhân, nhưng chúng không được thiết kế để tấn công các nước ở châu lục khác. Mục đích của chúng là phòng vệ, chống lại Trung Quốc và Pakistan.

    Số lượng đầu đạn hạt nhân ở Trung Quốc rơi vào khoảng 500, nhưng Mỹ cảnh báo con số này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2030. 

    Iran cho biết nước này có chương trình hạt nhân nhưng khẳng định sẽ không sản xuất đầu đạn hạt nhân. 

    Viethome (theo Metro)

  • di nghia vu quan su

    Thanh niên sẽ phải đi nghĩa vụ 12 tháng nếu Đảng Bảo Thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

    Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố, thanh niên 18 tuổi sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự nếu Đảng Bảo Thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 4 tháng 7 tới. 

    Thủ tướng nói rằng thế hệ trẻ ở Vương Quốc Anh đã không có được cơ hội cọ xát mà họ xứng đáng. Ông nói việc đi nghĩa vụ sẽ giúp xã hội đoàn kết và giúp thế giới này vững chãi hơn.

    Trong tương lai, người 18 tuổi sẽ được chọn lựa giữa việc đi nghĩa vụ full-time trong lực lượng quân đội trong 12 tháng, hoặc chỉ cần làm công ích một cuối tuần mỗi tháng trong vòng 1 năm. Các nhiệm vụ công ích bao gồm giúp chữa cháy, giúp lực lượng cảnh sát, phục vụ trong NHS hoặc trong các quỹ từ thiện, giúp đỡ người đơn côi, người già, người sống ẩn dật...

    Thủ tướng đang cố gắng vạch rõ lằn ranh với Đảng Lao Động trên phương diện an ninh toàn cầu, ông hứa sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên bằng 2.5% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2030.

    Những thanh niên chọn đi nghĩa vụ 12 tháng sẽ được tạo điều kiện "học và làm trong lĩnh vực logistics, an ninh mạng, học kỹ năng thu mua hàng hóa, kỹ năng phản ứng dân sự".

    Đảng Bảo Thủ cho biết họ sẽ quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực quân sự và dân sự để thiết kế nên một chương trình học hiệu quả cho thanh niên.

    Ai muốn tham gia vào quá trình thử nghiệm có thể nộp đơn vào tháng 9/2025. Sau khi kết thúc đợt thử nghiệm, chính phủ sẽ xây dựng "Luật Nghĩa Vụ quốc gia" để biến việc đi nghĩa vụ thành bắt buộc vào cuối nhiệm kì quốc hội kế tiếp.

    Ước tính kế hoạch này sẽ tiêu tốn 2.5 tỉ bảng/năm vào cuối thập kỷ này.

    Sáng sớm hôm thứ Bảy, Thủ tướng Anh cũng chỉ trích Đảng Lao Động vì họ "không có kế hoạch  nào cả". Việc không hoạch định cụ thể sẽ khiến thế giới này rơi vào cảnh không chắc chắn và trở nên nguy hiểm. "Bạn, gia đình bạn và đất nước này sẽ rơi vào nguy cơ nếu Đảng Lao Động thắng", ông Sunak nói.

    Viethome (theo Metro)

  • Nga có thể tấn công Anh bằng các loại tên lửa từng được sử dụng trên chiến trường Ukraine, và London khó lòng có thể ngăn cản các đợt không kích này, một cựu tướng Anh cho biết.

    Theo Tướng Sir Richard Barrons, các loại vũ khí này sẽ có khả năng đến Anh chỉ trong 90 phút, di chuyển với tốc độ khoảng 965km/giờ. Ông Barrons ước tính rằng trong một cuộc tấn công như vậy, Nga sẽ bắn tên lửa theo từng đợt từ 60 đến 90 quả/đợt. Điều này xảy ra sau khi có thông tin tiết lộ vào tháng trước rằng Anh có thể không đủ khả năng ngăn chặn các đợt tấn công của Nga nếu không có khoản đầu tư "khẩn cấp" vào hệ thống phòng không mới.

    Những nhà lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng đã bày tỏ lo ngại rằng một ngày nào đó Nga có thể phóng các tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) vào các căn cứ quân sự quan trọng và các thành phố của Anh, trong một cuộc tấn công tương tự như cuộc tấn công của Iran vào lãnh thổ Israel hồi tháng 4.

    ban ten lua
    Hệ thống phòng không Vòm sắt (Iron Dome) của Israel chặn rocket phóng từ Dải Gaza hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

    Lãnh đạo Hạ viện Anh Penny Mordaunt, người ủng hộ việc sử dụng Hệ thống phòng không Vòm sắt (Iron Dome), đã đề nghị Vương quốc Anh có thể "xem xét tấm gương của Israel" trong cách đầu tư vào công nghệ quốc phòng mới. "Chúng ta có thể noi gương Israel trong việc bảo đảm an ninh cho Anh. Không phải lời nói, chỉ có hành động mới đảm bảo được nền an ninh ấy. Nâng cao sức mạnh quốc phòng là một sự lựa chọn", Lãnh đạo Hạ viện nói.

    Hệ thống phòng thủ hiện tại của Anh được mô tả như "một chiếc ô" bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ trên không. Các máy bay tàng hình F-35 và Typhoon của RAF có thể đánh chặn máy bay chiến đấu của đối phương ở khoảng cách xa - trong khi máy bay phản lực của Anh đã bắn hạ một số UAV trong quá trình hỗ trợ phòng thủ Israel hồi đầu tháng này.

    Cụm Phòng không số 7 của Quân đội Anh, gồm các binh sĩ chính quy từ Trung đoàn 12 và 16, Pháo binh Hoàng gia, và quân dự bị từ Trung đoàn 106, có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời. Ngoài ra, quân đội Anh cũng được trang bị hệ thống tên lửa Sky Sabre, có thể tiêu diệt đồng thời 24 mục tiêu khác nhau di chuyển với tốc độ siêu thanh. Các binh sĩ cũng được huấn luyện để bắn tên lửa tốc độ cao Starstreak, loại tên lửa này có thể được phóng từ phương tiện, bệ gắn hoặc vác vai.

    Tuy nhiên, các chỉ huy quân đội Anh nói rằng mặc dù London có trong tay những khí tài phòng không này nhưng hệ thống tổng thể của nước này vẫn chưa tiến bộ bằng của Israel. Đô đốc Lord Alan West, cho biết Anh “không có gì giống như Vòm Sắt” và sẽ không thể đẩy lùi “300 tên lửa và UAV” như Israel đã làm.

    Cựu Thống chế Không quân RAF Edward Stringer cho biết hệ thống Iron Dome đơn giản là không khả thi đối với Vương quốc Anh. Ông Air Marshall Stringer, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Trao đổi Chính sách, cho biết: "Vương quốc Anh lớn hơn Israel rất nhiều. Israel là một quận có diện tích bằng một nửa xứ Wales. Nếu đặt Iron Dome trên khắp Vương quốc Anh thì đó sẽ là một chi phí đáng kể cho quốc phòng".

    Ông Greg Bagwell, một Thống chế Không quân RAF đã nghỉ hưu khác, nói thêm: "Những gì chúng ta thực sự cần là một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không phù hợp với Vương quốc Anh. Chúng ta có một số lỗ hổng cần lấp đầy ngay lập tức để ngăn chặn một cuộc tấn công trước cả khi xảy ra. Tuy nhiên, Anh không cần phải cố gắng bao phủ từng inch vuông của đất nước, giống như cách Israel đã làm”.

    Theo VOV

  • Chính quyền Moscow đã đưa ra cảnh báo cuối cùng về việc trả đũa trước bất kỳ cuộc tấn công nào có sử dụng vũ khí của Anh.

    nga canh bao anh
    Đại sứ Anh tại Nga Nigel Casey rời Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow (Ảnh: Sputnik)

    Nga sẽ trả đũa bằng cách tấn công các mục tiêu của Anh ở Ukraine hoặc nơi khác nếu như chính quyền Kiev sử dụng tên lửa do Anh cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, Bộ Ngoại giao Nga nói với Đại sứ Anh tại Nga hôm đầu tuần này.

    Đại sứ Anh Nigel Casey đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga sau khi Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố với hãng thông tấn Reuters rằng Ukraine có quyền sử dụng tên lửa tầm xa do Anh gửi để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

    “Ông Casey đã được cảnh báo rằng, trước các cuộc tấn công do Ukraine thực hiện sử dụng vũ khí của Anh nhằm vào lãnh thổ Nga, phản ứng (của Nga) có thể là nhằm vào bất kỳ cơ sở và thiết bị quân sự nào của Anh trên lãnh thổ Ukraine và hơn thế nữa”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp.

    Mỹ và các đồng minh trước đây đã xác nhận việc giao vũ khí tầm xa cho Kiev, nhưng khẳng định rằng chúng chỉ có thể được sử dụng trên các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố là của mình – Crimea, Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporozhye.

    Theo Bộ Ngoại giao Nga, những tuyên bố ngược lại của Cameron “trên thực tế đã công nhận đất nước của ông là một bên trong cuộc xung đột”.

    Bộ này cho biết thêm, Nga hiểu những bình luận của ông Cameron là “bằng chứng về sự leo thang nghiêm trọng và xác nhận sự tham gia ngày càng tăng của London vào các hoạt động quân sự bên phía Kiev”.

    Ông Casey được Moscow đề nghị “nghĩ về những hậu quả thảm khốc không thể tránh khỏi của những bước đi thù địch như vậy từ London và ngay lập tức bác bỏ một cách dứt khoát và rõ ràng nhất những tuyên bố khiêu khích hiếu chiến của người đứng đầu Bộ Ngoại giao”.

    Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo về cuộc tập trận nhằm kiểm tra việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Quân đội cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh tập trận sau khi xuất hiện “những tuyên bố khiêu khích và đe dọa” của các quan chức phương Tây.

    Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, các cuộc tranh luận ở phương Tây về khả năng triển khai quân đội NATO tới Ukraine, cũng như việc phương Tây tích cực khuyến khích Kiev sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công toàn bộ lãnh thổ Nga là lý do Moscow tiến hành tập trận hạt nhân chiến thuật.

    Cựu Tổng thống Nga cảnh báo Moscow "sẽ phải đáp trả" đề xuất triển khai binh lính phương Tây tới Ukraine. Ông Medvedev tuyên bố đòn đáp trả này "không chỉ xảy ra" ở Ukraine, mà trong trường hợp đó, "sẽ không còn nơi ẩn náu nào ở Đồi Capitol, Điện Elysee hoặc số 10 Phố Downing".

    Theo ông Medvedev, tình hình hiện nay có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Ông cho rằng giới tinh hoa phương Tây không nhìn thấy rủi ro về tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay.

    Moscow hy vọng cuộc tập trận sẽ “làm mát những cái đầu nóng” ở các thủ đô phương Tây và giúp họ hiểu được những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do những rủi ro chiến lược mà họ tạo ra, cũng như “ngăn họ khỏi việc hỗ trợ Kiev trong các hành động khủng bố và bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga”, Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố tiếp sau đó.

    Được biết, Đại sứ Pháp Pierre Levy cũng được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga. Moscow vẫn chưa tiết lộ chi tiết cuộc gặp.

    Viettimes (Theo RT)

  • Phó tham mưu trưởng quân đội Anh thừa nhận thiếu ngân sách, vũ khí khiến London không thể cầm cự quá hai tháng nếu bùng phát xung đột với Moskva.

    "Chúng tôi đã thể hiện rất rõ ràng nguồn tiền để mua đạn dược vào thời điểm này không thể đối phó với mọi mối đe dọa. Cần tăng ngân sách ngoài những dự án đã có, nhằm xây dựng hệ thống phòng không và lá chắn tên lửa tích hợp", Phó tư lệnh quân đội Anh Rob Magowan nói trong cuộc họp tại Ủy ban Quốc phòng Hạ viện hôm 26/3.

    Tướng Magowan cũng xác nhận tuyên bố của nghị sĩ Mark Francois, cựu bộ trưởng quốc phòng, rằng quân đội Anh "chỉ đủ sức đối đầu với lực lượng Nga trong hai tháng khi nổ ra cuộc chiến toàn diện" do tình trạng thiếu thốn đạn dược và dự trữ vũ khí.

    khong qua 2 thang
    Binh sĩ Anh diễn tập bắn đạn thật hồi năm 2023. Ảnh: BQP Anh

    "Chúng ta không thể giao tranh trong thời gian dài với Nga, hãy bỏ hết những câu từ hoa mỹ về đối thủ ngang hàng. Chúng ta không sẵn sàng cho cuộc chiến kéo dài, ngài có đồng tình không?", nghị sĩ Francois đặt câu hỏi, trước khi tướng Magowan nói rằng "hoàn toàn đúng vậy".

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps trấn an các nghị sĩ rằng các đồng minh NATO sẽ sát cánh cùng London trong mọi xung đột với Moskva, thay vì để quân đội Anh đơn độc tác chiến. "Cần nhớ rằng Anh là thành viên NATO và Điều 5 hiến chương vẫn tồn tại. Chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào tình huống một mình đối đầu với Nga", ông nói.

    Các phát biểu được đưa ra sau khi Bộ trưởng Shapps cho biết ông đã kêu gọi Thủ tướng Rishi Sunak tăng ngân sách cho quốc phòng trong gói chi tiêu mới nhất của chính phủ, nhưng không thành công.

    Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh hồi tháng 2 công bố báo cáo cho thấy quân đội nước này "ngày càng bị kéo căng" và không đủ sức đối phó xung đột quy mô lớn.

    Một số cựu bộ trưởng quốc phòng Anh thừa nhận khả năng chiến đấu của quân đội "đã bị khoét rỗng" từ năm 2010, cảnh báo lực lượng vũ trang Anh sẽ cạn kiệt nguồn lực chiến đấu chỉ sau vài tháng tham gia xung đột với đối thủ ngang hàng.

    Anh là một trong các nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất sau khi chiến sự với Nga bùng phát, tổng số tiền mà London viện trợ cho Kiev từ đầu xung đột đã lên hơn 15 tỷ USD. Quân đội Anh viện trợ nhiều loại vũ khí hiện đại cho Ukraine, trong đó có xe tăng chủ lực Challenger 2 và tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow.

    VnExpress (theo Telegraph)

  • Rút kinh nghiệm từ chiến sự Nga - Ukraine, tư lệnh quân đội Anh muốn huấn luyện một "đội quân nhân dân" sẵn sàng tham chiến nếu xung đột bùng phát.

    Đại tướng Patrick Sanders, tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh, trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước cho biết các quốc gia châu Âu như Đức và Thụy Điển đã thực hiện những động thái nhằm tăng cường trạng thái "sẵn sàng cho chiến tranh" kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

    "Chúng ta cần có động thái chuẩn bị tương tự và phải thực hiện điều đó trên phạm vi toàn quốc", tướng Sanders nói. "Chiến sự ở Ukraine đã minh chứng rằng quân đội chính quy là lực lượng phát động xung đột, nhưng chỉ có đội quân nhân dân mới giành được chiến thắng".

    Nga ban đầu chỉ điều binh sĩ chuyên nghiệp tham chiến ở Ukraine, nhưng sau gần hai năm xung đột, nước này đã phải phát lệnh động viên một phần, huy động hơn 300.000 quân để bù đắp tổn thất trên chiến trường. Ukraine cũng phải thi hành chính sách gọi nhập ngũ diện rộng để tăng quân cho tiền tuyến.

    Tướng Sanders nói lời thông điệp "cảnh tỉnh đất nước" của ông không đồng nghĩa Anh sẽ áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc hoặc sắp huy động tình nguyện viên nhập ngũ. Truyền thông Anh nhận định ông đang thúc giục giới chức này "chuẩn bị cho kịch bản phải động viên hàng chục nghìn người nếu chiến tranh nổ ra".

    doi quan nhan dan 1
    Binh sĩ lục quân Anh tham gia huấn luyện đổ bộ bằng đường không ngày 24/1. Ảnh: BQP Anh

    Theo kế hoạch của tướng Sanders, đội quân nhân dân của Anh sẽ bao gồm những thường dân không phải binh sĩ chuyên nghiệp và có thể triệu tập bất cứ khi nào cần thiết. Trong Thế chiến II, độ tuổi người nhập ngũ ở Anh là 18-41. Tuy nhiên, tại Ukraine hiện nay, do tổn thất lớn trên chiến trường, nam giới 27-60 tuổi có thể được gọi nhập ngũ, ngay cả khi họ không có kinh nghiệm quân sự.

    Lực lượng vũ trang Anh từ năm 2018 cho phép nữ giới đảm nhận vị trí chiến đấu, do đó có khả năng họ sẽ được triệu tập. Giới chuyên gia quân sự Anh hy vọng lời kêu gọi của tướng Sanders sẽ tạo ra lực lượng dự bị đông đảo, với quân số có thể lên tới nửa triệu tình nguyện viên đã qua huấn luyện.

    Một nguồn tin chính phủ Anh cho biết việc quân đội nước này huấn luyện cho dân thường và binh sĩ Ukraine "có thể đóng vai trò như một đợt diễn tập" cho sứ mệnh xây dựng đội quân nhân dân. Quân đội Anh đã huấn luyện hơn 30.000 công dân Ukraine, "nhiều người trong số họ là dân thường chưa bao giờ cầm súng".

    Những công dân Ukraine này, trong đó nhiều người từng làm tài xế hoặc chủ cửa hàng, trải qua khóa huấn luyện chuyên sâu kéo dài 5 tuần trước khi được điều tới chiến trường. Các quan chức Bộ Quốc phòng Anh tin rằng họ thu được những bài học hữu ích từ những khóa huấn luyện như vậy để chuẩn bị cho đội quân nhân dân tương lai ở nước này.

    Tướng Sanders cho biết những người tham gia đội quân nhân dân của Anh cần được huấn luyện và trang bị để chiến đấu. Tuy nhiên, họ sẽ không tự động bị đẩy ra tiền tuyến, mà có thể đảm nhận nhiều vị trí trong lực lượng vũ trang.

    Họ có thể đảm nhận những nhiệm vụ chuyên biệt hơn của các lực lượng đặc biệt, vận hành máy bay không người lái (UAV), kỹ thuật viên cơ giới, bác sĩ cấp cứu cùng nhân sự phụ trách lĩnh vực công nghệ cao ở xa tiền tuyến.

    doi quan nhan dan 1
    Binh sĩ Anh tham gia huấn luyện tác chiến đô thị tại thao trường ở Đức tháng 9/2023. Ảnh: BQP Anh

    Dù chưa lên kế hoạch gọi nhập ngũ, giới chức Anh có thể sử dụng số liệu nhân khẩu học của người tham gia quân đội trước đây để định hướng thành lập đội quân nhân dân mang tính khả thi.

    Những người làm việc trong các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò duy trì hoạt động của đất nước sẽ được miễn nhập ngũ trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Thời Thế chiến II, những lĩnh vực nói trên tại Anh bao gồm làm bánh, trồng trọt, y học, khai thác than và kỹ thuật.

    Tuy nhiên, chính phủ Anh dường như không mấy hứng thú với ý tưởng về đội quân nhân dân của tướng Sanders. Một phát ngôn viên chính phủ Anh cho biết kịch bản giả định mà ông Sanders đưa ra "không hữu ích". Trong khi đó, một tờ báo Anh nhận định kế hoạch nói trên "khó được người dân chấp thuận rộng rãi".

    Trong cuộc thăm dò ý kiến với 2.000 người Anh, chưa đến 10% tuyên bố sẵn sàng đảm nhận vị trí chiến đấu trong trường hợp nước này đối mặt với mối đe dọa quân sự. 27% trong số này khẳng định "chắc chắn tham gia" nỗ lực chiến tranh nếu Anh rơi vào xung đột như Ukraine với Nga.

    Tướng Sanders cho hay kế hoạch xây dựng "đội quân nhân dân" là cần thiết bởi quy mô quân đội Anh đã giảm một nửa trong 30 năm qua, trong khi kỷ nguyên hòa hoãn sau Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Anh tin rằng người dân sẽ có nhiều động lực nhập ngũ để bảo vệ đất nước hơn trong thời chiến.

    VnExpress (Theo Week, Reuters, AFP)

  • Mỹ đang lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân ở Vương quốc Anh 15 năm sau khi dỡ bỏ, Telegraph đưa tin dựa trên các tài liệu từ Lầu Năm Góc mà báo này thu thập.

    dat vu khi hat nhan
    Một chiếc F-35A Lightning II của Mỹ hạ cánh tại sân bay quân sự Lakenheath vào tháng 12/2021 (Ảnh: Không quân Mỹ).

    Telegraph đưa tin, các hợp đồng mua sắm trang bị cho một cơ sở mới tại sân bay không quân Lakenheath ở Suffolk (Anh) cho thấy rằng Mỹ có ý định đặt tại đây đầu đạn hạt nhân có sức mạnh gấp 3 lần quả bom từng phát nổ ở Hiroshima.

    Tờ báo Anh nói đã phát hiện các tài liệu trên trong cơ sở dữ liệu mua sắm của Bộ Quốc phòng Mỹ.

    Các tài liệu hé lộ kế hoạch thực hiện "sứ mệnh hạt nhân" trong thời gian cận kề tại sân bay không quân Lakenheath, nơi từng đặt vũ khí hạt nhân trong thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã chuyển tên lửa hạt nhân ra khỏi Anh vào năm 2008 sau khi cho rằng mối đe dọa từ Moscow đã giảm bớt.

    Cụ thể, các tài liệu cho thấy Lầu Năm Góc đặt mua thiết bị mới cho căn cứ, bao gồm lá chắn đạn đạo để bảo vệ quân nhân trước các cuộc tấn công vào "trang thiết bị có giá trị cao". Việc xây dựng cơ sở nhà ở mới cho lực lượng Mỹ đồn trú tại địa điểm này sẽ bắt đầu vào tháng 6.

    Sân bay Lakenheath - thuộc sở hữu Không quân Hoàng gia Anh nhưng chủ yếu đồn trú quân nhân Mỹ - dự kiến tiếp nhận bom trọng lực B61-12, có sức công phá dao động lên tới 50 kiloton.

    Mỹ hiện có đầu đạn đặt ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO.

    Bình luận về thông tin trên, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết: "Mỹ thường xuyên nâng cấp cơ sở quân sự của mình ở các nước đồng minh. Hoạt động này thường đi kèm giấy tờ ngân sách hành chính không thuộc diện mật".

    "Những giấy tờ này không mang tính chất dự báo và cũng không nhằm tiết lộ bất cứ chi tiết nào về thế trận hay căn cứ", phát ngôn viên nói thêm. "Chính sách của Mỹ là không xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện hoặc sự không hiện diện của vũ khí hạt nhân tại bất kỳ địa điểm cụ thể hay nói chung nào".

    Telegraph có thông tin trên trong bối cảnh phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang căng thẳng với Nga. Gần đây, một số nhân vật tại các nước NATO cảnh báo cần chuẩn bị sẵn sàng cho công dân trong cuộc chiến với Nga.

    Tuần trước, Đô đốc Rob Bauer, một quan chức quân sự cấp cao của NATO, nói rằng người dân nên chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực với Nga trong 20 năm tới.

    Sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, một bản đánh giá của Lầu Năm Góc về thế trận hạt nhân của Mỹ cảnh báo về "các mối đe dọa hạt nhân đối với đất nước, cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ".

    Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ "tăng cường lực lượng ở châu Âu để ứng phó với sự thay đổi trong môi trường an ninh".

    Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm, có khả năng mang bom B61-12, cùng với phi đội máy bay chiến đấu số 48 tới sân bay Lakenheath.

    Nga từng tuyên bố rằng việc Mỹ đặt vũ khí tại Anh sẽ được Moscow coi là "sự leo thang" và sẽ gặp phải "các biện pháp đáp trả".

    Dân Trí (theo Telegraph)

  • Anh đã rót hàng triệu đô la để bảo vệ các tàu của Israel ở Biển Đỏ kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas lần đầu tiên bắt đầu vào tháng 10 năm 2023.

    bo quoc phong anh vay tien
    Chiến hạm HMS Diamond hoạt động tại Trung Đông.

    Một báo cáo được công bố trên Declassified UK hôm 12 tháng 3 tuyên bố rằng Anh đã chi tới 19 triệu bảng chỉ riêng chi phí tên lửa cho các cuộc không kích vào lực lượng Houthi ở Yemen.

    Báo cáo cho biết có tới 53 tên lửa - một số trong số đó có giá hơn một triệu bảng Anh mỗi quả - đã được Hải quân và Không quân Hoàng gia bắn.

    Tuy nhiên, số tiền thực tế mà Anh đã chi cho chi phí quốc phòng hiện đang được phân loại, báo cáo làm rõ và sẽ được công bố khi Bộ Quốc phòng (MoD) công bố báo cáo tài chính hàng năm vào tháng 7.

    Báo cáo cũng cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps đang bị buộc phải vay tiền từ các bộ khác để chi trả cho cuộc chiến, kể cả từ Quỹ dự phòng của Bộ Tài chính sau khi "yêu cầu tài trợ từ Cục Dự trữ Đặc biệt cho Biển Đỏ".

    Bộ trưởng Shapps cho biết trước quốc hội rằng cho đến nay Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) đã tấn công 40 mục tiêu trên khắp Yemen trong bốn đợt không kích kể từ tháng Giêng.

    Báo cáo viết rằng RAF đã sử dụng bom Paveway IV với giá khoảng 70.000 bảng Anh mỗi quả vào năm 2014. Nếu 40 quả trong số đó được khai hỏa, chi phí ước tính sẽ là 2,8 triệu bảng Anh.

    Các hoạt động do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đỏ nhằm chống lại sự phong tỏa của Houthi và các cuộc tấn công bên trong Yemen đã không ngăn được hoạt động của lực lượng dân quân.

    Kể từ ngày 12 tháng 1, khi Mỹ và Anh bắt đầu tấn công vào Yemen, lực lượng Houthi đã nhắm mục tiêu vào ít nhất một chục tàu thương mại và quân sự trong khu vực.

    Trong khi đó, trên biển, Hải quân Hoàng gia Anh đã sử dụng tàu khu trục HMS Diamond để bắn hạ máy bay không người lái của Houthi bắt đầu từ ngày 16 tháng 12 năm 2023 và sử dụng tên lửa Sea Viper có giá ít nhất 1 triệu bảng Anh mỗi quả.

    Chiếc tàu khu trục đã bắn từ ba đến tám quả Sea Vipers trong một loạt cuộc giao tranh vào tháng 12 và tháng 1.

    Diamond kể từ đó đã được thay thế bằng tàu khu trục HMS Richmond, tàu đã bắn hạ hai máy bay không người lái của Houthi vào ngày 9 tháng 3, và một đoạn video được Bộ Quốc phòng Anh chia sẻ dường như cho thấy con tàu này bắn bốn tên lửa Sea Ceptor.

    Báo cáo ước tính rằng mỗi quả Sea Ceptor có giá khoảng 2 triệu bảng, và do đó, nếu tàu khu trục nhỏ thay thế bắn bốn quả thì chi phí sẽ là 8 triệu bảng. Báo cáo viết: "Tổng cộng, số đạn mà Anh bắn vào lực lượng Houthi kể từ tháng 12 có thể có giá lên tới 19 triệu bảng Anh".

    Kenny MacAskill, một nghị sĩ của Đông Lothian (một trong 32 khu vực hội đồng của Scotland thuộc Anh) nói trong báo cáo: "Chúng ta luôn có tiền để tiến hành chiến tranh ở nước ngoài và không bao giờ có tiền để chống lại nghèo đói ở trong nước".

    MacAskill nói thêm: "Chi phí kinh tế mà chúng ta phải trả khi tiến hành các cuộc không kích chống lại một số người nghèo nhất hành tinh sẽ cộng thêm thiệt hại về môi trường đối với hành tinh của chúng ta.

    Trong khi đó, người dân ở đây đói và hành tinh của chúng ta bị cháy. Tầng lớp thượng lưu được làm giàu nhưng số còn lại phải trả giá".

    Lực lượng dân quân Houthi ở Yemen cho biết vào tháng 11 năm 2023 rằng họ sẽ tấn công bất kỳ tàu nào liên kết với Israel đi qua Biển Đỏ để trả đũa việc Israel tấn công Dải Gaza, khiến Mỹ phải tuyên bố thành lập một liên minh đa quốc gia nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực.

    Mỹ và Anh đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của Houthi nhằm làm suy giảm khả năng nhắm vào các tàu thương mại của lực lượng này. Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ và Anh gần như chưa đạt được bởi tấn công càng nhiều, hành động của Houthi trong khu vực càng quyết liệt hơn.

    Theo giaoducthoidai

  • Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Anh mới đây đã công bố kết quả cuộc rà soát toàn diện khả năng tác chiến của quân đội nước này. Bản báo cáo thẳng thắn thừa nhận rằng quân đội Anh đang mắc vào một vòng tròn luẩn quẩn: 'Thiếu ngân sách khiến các trang thiết bị khí tài không được bảo dưỡng hay sắm mới, mà sĩ quan cũng không được huấn luyện sử dụng vũ khí một cách bài bản. Trong khi đó việc liên tục phải triển khai diễn tập hoặc thực chiến khiến các hệ thống vũ khí nhanh hỏng hóc, từ đó tăng thêm gánh nặng về ngân sách'.

    Lạc hậu

    Lý do lớn nhất cho sự trì trệ kể trên là thiếu ngân sách. Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) thuộc Chính phủ Anh cho biết quân đội nước này cần khoảng 305,5 tỷ bảng chỉ để mua sắm trang thiết bị khí tài mới trong giai đoạn 2023-2033, vượt 16,9 tỷ bảng so với mức ngân sách đã được thông qua. Cần nhớ rằng từ năm 2020 đến nay, năm nào ngân sách chi cho quốc phòng của Anh cũng tăng để đáp ứng yêu cầu đạt 2% GDP của NATO. Hiện nay Anh là nước Tây Âu chi nhiều cho quân đội nhất, nhưng từng đó vẫn là chưa đủ.

    NAO cho biết đến 1/5 ngân sách quốc phòng năm của Anh được chi vào kho vũ khí hạt nhân. Chi phí bảo trì các tên lửa, trạm phóng, tàu ngầm hạt nhân,... đã tăng 62% chỉ trong vòng một năm giữa những lần NAO kiểm tra. Các bộ phận khác của quân đội Anh đang buộc phải hy sinh ngân sách và khả năng tác chiến để duy trì hệ thống vũ khí hạt nhân. Đấy là chưa kể khoản tiền dự chi cho việc thay mới vũ khí hạt nhân. Khoản này dự kiến chiếm tới 34% ngân sách quốc phòng của Anh trong vòng 10 năm tới.

    anh muon thay moi vu khi 1
    Hải quân Anh luôn lo sợ tàu sân bay Queen Elizabeth của họ lại hỏng.

    Theo ông Anthony King, giáo sư quân sự tại Đại học Warwick, thì: “Các biện pháp cắt giảm ngân sách quốc phòng theo kiểu “thắt lưng buộc bụng” đã khiến quân đội mất đi phần lớn khả năng tác chiến. Hiện quân đội Anh chỉ có khoảng 82.000 lính bộ binh. Trong khi đó số xe tăng tạm gọi là hoạt động được cũng chỉ trên dưới 50, mà toàn là những xe đã cũ, hỏng hóc thường xuyên”.

    Kho vũ khí của quân đội Anh cũng đang rất thiếu những loại pháo hạng nặng, phương tiện bay không người lái (UAV), các hệ thống phòng không hiện đại, là những thứ khí tài đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trên chiến trường Ukraine. Nếu như quân đội Anh bắn nhiều đạn pháo như quân Ukraine vào thời điểm hiện tại, kho đạn của họ chỉ đủ dùng trong… hai ngày.

    Từ thất bại đến thất bại

    Lục quân Anh là lực lượng đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Theo tướng Rupert Jones, cựu Chỉ huy các lực lượng JEF (lực lượng tác chiến chung giữa Anh và 9 nước Bắc Âu khác) thì: “Lục quân Anh không còn có đủ khả năng tác chiến ở mặt trận Châu Âu. Chiến tranh trên bộ bao giờ cũng cần nguồn nhân lực và khí tài rất, rất lớn, mà chúng ta không có đủ cả người lẫn tiền”.

    Ngân sách hiện nay của lục quân Anh không đủ để mua mới những loại xe bọc thép. Lấy ví dụ như xe tăng Challenger 3 do liên doanh Rheinmetall BAE Systems Land của Anh và Đức phát triển. Lục quân Anh hiện mới chỉ đặt hàng 148 chiếc Challenger 3, trong khi quân đội Ba Lan đã đặt đến 1.600 xe.

    Chưa hết, trong những năm gần đây lục quân Anh liên tục “dính” phải những scandal liên quan đến việc mua sắm thiết bị, mà tai tiếng nhất là vụ xe thiết giáp Ajax. Năm 2014, Chính phủ Anh ký kết hợp đồng mua 589 xe thiết giáp Ajax với Tập đoàn General Dynamics của Mỹ. Số xe trên được kỳ vọng sẽ thay thế toàn bộ các xe thiết giáp Warrior còn trong biên chế. Nhưng quân đội Anh đã phát hiện ra vấn đề ngay từ những chiếc xe Ajax đầu tiên họ nhận được vào năm 2018. Xe chạy xóc và ồn đến mức tổ lái xe bị đau xương khớp, ù tai, buồn nôn và suy giảm thính lực cấp tính. Nếu xe chạy nhanh hơn 32 km/h thì thiết bị điện tử trong buồng lái đều hỏng hóc do bị rung lắc quá mạnh. Nghiêm trọng hơn nữa là bộ giảm xóc không đạt yêu cầu, khiến cho xe không thể vừa chạy vừa bắn. Hiện nay quân đội Anh đã phải tạm ngừng việc bàn giao xe Ajax mới để cùng với nhà sản xuất tìm cách khắc phục những khuyết điểm nghiêm trọng trong thiết kế.

    Giữa lúc chưa có đủ nguồn vốn để mua xe bọc thép mới, quân đội Anh đang quay sang việc đại tu, nâng cấp những loại xe cũ như tăng Challenger 2 và xe Warrior, nhưng việc này cũng chỉ đang diễn ra ì ạch do thiếu vốn. Trong khi đó, giới nghị sỹ Anh lại đang gây sức ép lên quân đội phải minh bạch trong việc sử dụng ngân sách. Một hạ nghị sỹ giấu tên trả lời phỏng vấn tờ The Guardians: “Tôi sẵn sàng bỏ phiếu vào dự luật tăng chi quốc phòng thêm 16,5 tỷ bảng Anh, nhưng trước hết tôi phải biết rõ Bộ Quốc phòng định phân bổ số tiền đó như thế nào? Tôi phải chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục “ném tiền” vào những “hố đen” như xe Ajax”.

    Hải quân Hoàng gia Anh, “niềm tự hào” một thời của quốc gia này cũng đang ở trong tình thế khó khăn. Điều này nghe có vẻ vô lý khi nước Anh hiện sở hữu hai tàu sân bay là tàu Queen Elizabeth và Prince of Wales. Nhưng theo những nhà quan sát thì đây không phải là kết luận đáng ngạc nhiên.

    Hạ nghị sỹ Tobias Ellwood, nguyên thành viên Ủy ban Quốc phòng, phàn nàn: “Hai tàu Queen Elizabeth và Prince of Wales đội giá gần như gấp đôi dự toán ban đầu mà lại còn chậm bốn năm so với thời hạn bàn giao. Đấy là sau khi Bộ Quốc phòng đã phải cắt bỏ một số tính năng của tàu như dàn phóng máy bay để vừa với ngân sách và tiến độ. Chưa hết, hai tàu liên tục hỏng hóc và phải nằm ở cảng trong thời gian dài để sửa chữa”.

    Mới đây nhất thì tàu Queen Elizabeth đã phải rút khỏi một cuộc tập trận chung giữa hải quân các nước NATO ở Na Uy. Ngay trước ngày tàu rời cảng Portsmouth, thủy thủ trên tàu phát hiện ra trục chân vịt bên phải có vấn đề. Hải quân Anh phải vội vã cho tàu Prince of Wales xuất cảng đi thay tàu Queen Elizabeth tham gia cuộc tập trận. Bản thân tàu Prince of Wales cũng từng gặp vấn đề với trục chân vịt vào năm 2022. Khi đó thì trục chân vịt của tàu bị vỡ do lắp đặt không đúng quy trình. Đấy là lần hỏng hóc lớn thứ ba của tàu Prince of Wales sau chỉ ba năm đi vào phục vụ. Trước đó khoang tàu đã bị rỉ nước và ngập đến hai lần.

    Ngoài tàu sân bay ra thì Hải quân Anh cũng phải đau đầu về các loại tàu chiến khác. Họ đang cần thêm rất nhiều tàu khu trục và khinh hạm để “lấp đầy” khoảng trống trong các hạm đội. Đáng lẽ những tàu khinh hạm lớp Type 31 đầu tiên phải được bàn giao cho Hải quân Anh vào năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao được tàu nào. Nhà thầu cho biết nhanh nhất cũng phải đến 2027 thì chiếc tàu Type 31 đầu tiên mới hạ thủy. Điều đó có nghĩa Hải quân Anh sẽ phải tiếp tục tìm cách hoàn thành nhiệm vụ trong vòng 4 năm tới với chỉ 19 tàu hộ tống trong biên chế.

    Vào thời Chiến tranh Lạnh, không quân Anh có 31 phi đoàn máy bay phản lực. Hiện nay họ chỉ có 7 phi đoàn. Không quân Anh đã phải cho “nghỉ hưu sớm” nhiều loại máy bay như Typhoon T1A, C-130 Hercules,... vì không đủ phụ tùng thay thế. Họ cũng buộc phải cắt giảm hợp đồng đặt mua máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail từ 7 xuống còn 3 chiếc. Ngay cả việc lắp mới radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) lên chiến đấu cơ Typhoon cũng đang diễn ra vô cùng chậm chạp. AESA được coi là bộ phận tối quan trọng của bất kỳ máy bay chiến đấu hiện đại nào. Ngoài việc thiếu kinh phí và linh kiện, việc lắp đặt AESA còn gặp khó khăn ở chỗ máy bay Anh hiện đang phải liên tục triển khai từ sân bay quân sự Akrotiri ở Cyprus để tấn công quân Houthi ở Yemen.

    anh muon thay moi vu khi 1
    Những chiếc xe bọc thép Ajax vẫn còn nằm trong giấc mơ của quân đội Anh.

    Khủng hoảng con người

    Thiếu ngân sách để mua sắm, nâng cấp thiết bị là một chuyện, nhưng quân đội Anh cũng thiếu cả người vận hành thiết bị.

    Nhân lực đã thiếu mà lại còn yếu cả chuyên môn. Tướng Rupert Jones nhận xét: “Thời tôi còn là trung úy đóng quân ở Đức, đơn vị tôi dành ra năm tháng mỗi năm để luyện tập vượt đúng 20 dòng sông, quả núi. Phải làm vậy thì chúng tôi mới sẵn sàng đối phó được với quân đội Liên Xô. Bây giờ thì các khoa mục huấn luyện chỉ còn gói gọn trong hai tháng, mà nhiều đơn vị còn chẳng đủ kinh phí để hoàn thành kế hoạch luyện tập... Nhiều binh sỹ không hề có bất kỳ kinh nghiệm sử dụng UAV nào vì cấp chỉ huy không dám đem UAV ra diễn tập vì sợ hỏng”.

    “Búa rìu” dư luận Anh đang hướng về Capita, một doanh nghiệp tư được Bộ Quốc phòng Anh thuê để vận hành đường dây liên hệ tuyển quân. Capita hoạt động tắc trách đến mức mấy tháng sau khi có người nộp đơn xin nhập ngũ thì phía quân đội mới nhận được đơn. Chưa hết, nhiều người trẻ cũng chẳng mặn mà gì chuyện nhập ngũ vì lương thấp, chế độ thấp, doanh trại tồi tàn lại đầy rẫy tệ nạn.

    Vào ngày 25/1 qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh là tướng Patrick Sanders đã có một bài phát biểu kêu gọi lòng ái quốc của người Anh nhằm mong có thêm nhiều người nhập ngũ. Dư luận Anh hiểu lầm rằng tướng Patrick muốn đưa trở lại chế độ quân dịch và đã phản ứng vô cùng mạnh mẽ. Tuy sau đó hiểu lầm đã được xóa bỏ, nhưng có một điều mà các nhà quan sát không thể bỏ qua, đó là quân đội Anh không thể giải quyết được vấn đề thiếu nhân lực trong tương lai gần. Họ sẽ phải đưa ra không ít cải cách mang tính căn bản về tổ chức bộ máy và quy cách hoạt động nếu như muốn lấy lại lòng tin của người dân.

    Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh kết luận trong bản báo cáo của họ rằng: “Chúng ta đã quen với việc làm ngơ trước những vấn đề cố hữu của quân đội. Nhưng đó là câu chuyện thời bình, còn vào thời chiến thì chính những vấn đề đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn... Nếu như quân đội và chính phủ Anh không thực hiện ngay những bước cải cách mạnh mẽ thì cả hai chỉ có thể chấp nhận thất bại ngay từ trước khi chiến tranh xảy ra”.

    Theo cand

  • Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, chiến hạm lớn nhất của Anh, gặp phải một vụ hỏa hoạn trong quá trình con tàu đang được sửa chữa.

    tau hai quan anh hoa hoan
    Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh (Ảnh: Quân đội Anh).

    Một đám cháy đã bùng phát trên tàu sân bay trị giá 4,5 tỷ USD của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Queen Elizabeth vào cuối tuần trước.

    Ngọn lửa bùng phát trên con tàu lớn nhất và mạnh nhất của Anh khi nó đang cập cảng Glenmalan ở Scotland để được sửa chữa. Một phát ngôn viên của Hải quân Anh nói rằng vụ cháy có quy mô nhỏ và ngọn lửa đã nhanh chóng được kiểm soát.

    Không có thương vong nào được ghi nhận và không có vật liệu nổ nào liên quan đến vụ cháy. Các quan chức đang điều tra để tìm nguyên nhân ngọn lửa bùng phát.

    Đây là lần thứ 2 trong vài tuần qua HMS Queen Elizabeth gặp phải vấn đề. Đầu tháng trước, con tàu không thể tham dự cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì nó bị hỏng chân vịt.

    Tàu chị em HMS Prince of Wales đã được cử đi tham gia thay thế cho HMS Queen Elizabeth. Sau đó, HMS Queen Elizabeth được đưa tới Rosyth ở Scotland để sửa chữa phần chân vịt bên phải gặp trục trặc.

    Với việc HMS Queen Elizabeth bị hỏng, hải quân Anh có thể không thể triển khai nó tới Biển Đỏ như kế hoạch mà Bộ trưởng lực lượng vũ trang James Heappey đã đề xuất trước đó.

    Anh tính đưa con tàu tới khu vực đang nóng lên khi nhóm Houthi ở Yemen liên tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào tàu chở hàng ở vùng biển nối liền châu Á với châu Âu và Mỹ.

    HMS Queen Elizabeth - tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay của hải quân Anh - đã lần đầu tiên ra khơi thử nghiệm vào tháng 6/2017. Với thiết kế tiên tiến cùng hệ thống vũ khí hiện đại, đây là tàu chiến chủ lực của Hải quân Anh trong 50 năm tới. Lượng choán nước của tàu khoảng 65.000 tấn, dài 280m và có khả năng mang gần 40 máy bay chiến đấu cùng khoảng 700 thủy thủ.

    Đây không phải là lần đầu tiên HMS Queen Elizabeth gặp sự cố. Vào năm 2017, báo chí Anh đưa tin rằng, 200 lít nước biển đã tràn vào trong con tàu vì phần trục chân vịt gặp sự cố, gây ra một lỗ hổng lớn. Năm 2019, con tàu tiếp tục gặp trục trặc với một ống nước biển cao áp bị vỡ dẫn nước rò rỉ vào trong tàu.

    Năm 2021, con tàu tiếp tục bị ngập nước biển sau khi một đường ống của tàu bị rò rỉ vào lúc nó di chuyển từ Portsmouth tới Scotland.

    Dân Trí (theo Independent)

  • Hiện vụ việc đang được cảnh sát ở Indonesia điều tra, trong khi đó thân nhân của những người này mong muốn mọi người không nên tự đưa ra những suy diễn vô căn cứ.

    4 nguoi di thang may 1

    Một vụ việc vừa xảy ra ở thủ đô Jakarta của Indonesia khiến tất cả những người chứng kiến đều rùng mình sợ hãi. Một số nhân chứng cho biết họ đã vô cùng ám ảnh và xót xa thay cho thân nhân của những người liên quan.

    Thông tin trên tờ Mothership của Singapore cho thấy, sự việc xảy ra vào buổi chiều ngày thứ Bảy, 9/3 vừa qua.

    Từ hình ảnh do camera an ninh ghi lại được, có thể thấy một gia đình 4 người gồm bố mẹ và 2 con, một trai, một gái ở tuổi vị thành niên đã cùng nhau bước vào tòa nhà Teluk Intan Tower ở quận Penjaringan, phía Bắc Jakarta.

    Trước đó, họ đã lái xe đến bãi đậu xe của tòa nhà này và thời gian lúc đó 4 giờ 2 phút chiều.

    Sau đó chừng 2 phút, họ xuất hiện ở sảnh chính của tòa nhà và đi thang máy lên tầng 21. Camera an ninh trong thang máy đã ghi lại được hình ảnh người bố đã hôn lên trán vợ con của mình. Sau đó, người đàn ông này đã lấy hết điện thoại của các thành viên và để vào một chiếc túi.

    4 nguoi di thang may 2
    Hiện trường vụ việc khiến nhiều người rùng mình.

    Đến khoảng 4 giờ 21 phút chiều, những người dân ở đây bỗng nghe thấy một tiếng động lớn, giống tiếng của một vật gì đó rơi từ trên cao xuống đất và báo cho bảo vệ của tòa nhà.

    Sau đó, thi thể của 4 người trong gia đình đã được phát hiện ở dưới mặt đất. Người ta thấy rằng tay của người bố và con gái bị buộc lại với nhau bằng dây thừng. Tay của người mẹ và con trai cũng bị buộc lại bằng dây thừng.

    Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện người bố 50 tuổi, người mẹ 52 tuổi, con gái 15 tuổi và con trai 13 tuổi. Vì hình ảnh từ camera an ninh cho thấy không có bất kỳ ai đi cùng hay tiếp xúc gần với gia đình này nên họ cho rằng, đây là một vụ tự sát tập thể. Dựa trên các tình tiết được nêu trên, cảnh sát kết luận họ đã lên kế hoạch từ trước.

    Hiện thi thể các nạn nhân đã được đưa đến Bệnh viện Cipto Mangunkusumo để phục vụ cho công tác khám nghiệm tử thi. Hiện chưa rõ lý do tại sao 4 người trong gia đình này lại lựa chọn một cái kết tiêu cực như vậy. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra, thân nhân của các nạn nhân hy vọng dư luận không tự đưa ra những suy đoán vô căn cứ.

    Theo Đời sống & Pháp luật

  • Những tranh luận về khả năng răn đe hạt nhân của Anh đang tiếp tục dấy lên sau vụ thử tên lửa Trident từ tàu ngầm hạt nhân thất bại lần thứ hai liên tiếp. Cho dù thế nào, lần thất bại này chắc chắn sẽ khiến Anh phải đối mặt với những thách thức duy trì khả năng răn đe hạt nhân.

    Theo Báo Le Monde, trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine và bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, khả năng duy trì kho vũ khí hạt nhân của Anh được coi là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Điều này cũng quan trọng đối với các nước châu Âu khác, khi thực tế đã nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi về vị trí của năng lực hạt nhân và khả năng răn đe hạt nhân của Anh trong hệ thống phòng thủ chung của lục địa.

    Trong một phản ứng liên quan tới vụ thử tên lửa thất bại, Công đảng mới đây đã yêu cầu chính phủ đương nhiệm phải bảo đảm hiệu quả của hệ thống răn đe hạt nhân quốc gia. Người phụ trách chính sách quốc phòng của Công đảng, ông John Healey cho biết, các báo cáo về thất bại của vụ bắn thử là “đáng lo ngại”. Công đảng, mà tất cả cuộc thăm dò đều dự đoán sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp dự kiến sẽ diễn ra trước tháng 1-2025, đã cam kết bằng mọi giá đổi mới và duy trì lực lượng răn đe hạt nhân của Vương quốc Anh.

    Khả năng răn đe hạt nhân của Anh được cung cấp bởi một hạm đội gồm 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Trident do Lockheed Martin sản xuất. Đầu đạn được chế tạo ở Anh. Theo trang web của hải quân Hoàng gia Anh, nước này luôn triển khai một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoạt động trên biển kể từ năm 1969. Đại tá Richard Kemp, cựu chỉ huy lực lượng bộ binh Anh nhận xét: “Khả năng răn đe hạt nhân của Anh là nền tảng tuyệt đối cho hệ thống phòng thủ. Một khi bị coi là thất bại một cách công khai, việc đó sẽ làm giảm giá trị của khả năng răn đe nói chung”.

    tau ngam hat nhan HMS Vanguard
    Tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard tại căn cứ hải quân Anh gần Glasgow (Scotland), tháng 12-2006. Ảnh: Reuters

    Chính vì vậy, vụ thử tên lửa Trident thất bại hai lần liên tiếp càng làm gia tăng quan ngại về khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Giới phân tích cho rằng, thất bại của các cuộc thử nghiệm tên lửa Trident có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại về khả năng sẵn sàng của hải quân Anh trong trường hợp nước này bị lôi kéo vào một cuộc xung đột toàn diện.

    Chuyên gia David Cullen thuộc nhóm nghiên cứu độc lập có tên Dịch vụ thông tin hạt nhân (NIS) cho biết, thất bại hồi tháng 1 của hải quân Hoàng gia Anh nghiêm trọng hơn so với lần thử thất bại năm 2016, “không chỉ vì đây là lần thứ hai liên tiếp mà còn vì tên lửa Trident đã được kéo dài tuổi thọ, lẽ ra chúng sẽ đáng tin cậy hơn so với năm 2016”.

    Hệ thống răn đe hạt nhân của Anh tiêu tốn khoảng 3 tỷ bảng mỗi năm để vận hành, tương đương khoảng 6% tổng ngân sách quốc phòng. Quốc hội nước này đã bỏ phiếu năm 2016 để thông qua việc đóng một lớp tàu ngầm mới, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2030, với chi phí ước tính lần cuối là 31 tỷ bảng.

    Là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Vanguard của Anh được trang bị tên lửa Trident là cốt lõi của phương tiện tấn công/phản công hạt nhân của Anh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lực lượng tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của hải quân Hoàng gia Anh liên tục gặp tai nạn. Vào tháng 11 năm ngoái, một tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của hải quân Anh chở 140 thủy thủ và một số tên lửa Trident 2 đã gặp trục trặc khi thực hiện nhiệm vụ ở Đại Tây Dương, khiến tàu ngầm này lao vào vùng nguy hiểm và suýt bị phá hủy.

    Bất chấp vụ thử thất bại và những tranh cãi đang diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps khẳng định khả năng răn đe hạt nhân của Anh vẫn “vững chắc, hiệu quả và đáng tin cậy”. Ông Shapps nhấn mạnh cuộc thử nghiệm bất thường này “không ảnh hưởng gì đến độ tin cậy của các hệ thống cũng như kho dự trữ tên lửa Trident. Cũng không có bất kỳ tác động nào đến khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân của chúng tôi”. Chính phủ Anh vẫn giữ “niềm tin tuyệt đối” vào hệ thống vũ khí hạt nhân Trident mặc dù đây là lần thử nghiệm thất bại thứ hai liên tiếp của tên lửa này, sau sự cố bắn hỏng vào năm 2016. Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm, hệ thống Trident do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất là “hệ thống vũ khí đáng tin cậy nhất trên thế giới” với 190 lần phóng thử thành công được ghi nhận. Lần thử nghiệm thành công gần đây nhất của tên lửa Trident diễn ra vào tháng 10-2012. Việc bắn thử tên lửa Trident rất ít khi được thực hiện vì rất đắt tiền, mỗi tên lửa trị giá khoảng 17 triệu bảng Anh (19,84 triệu euro).

    Do tính nhạy cảm, cho đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết liên quan đến vụ thử thất bại được thông báo. Phát biểu trên truyền hình mới đây, bà Victoria Atkins, Bộ trưởng Y tế đại diện cho chính phủ đương nhiệm, đã viện dẫn vấn đề an ninh quốc gia để che giấu sự việc. Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Tobias Ellwood, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Anh tỏ ra cởi mở hơn khi tiết lộ trên kênh truyền hình GB News, cho biết vấn đề xuất phát từ “một thiết bị được gắn vào tên lửa và làm trục trặc cơ chế của tên lửa sau khi rời tàu ngầm”.

    Theo qdnd