Hơn 47.000 doanh nghiệp ở Anh trên bờ vực sụp đổ

Theo báo cáo của của tập đoàn tư vấn phá sản Begbies Traynor, hơn 47.000 công ty ở Anh đang trên bờ vực sụp đổ sau khi số lượng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn tài chính “nghiêm trọng” tăng 25% trong ba tháng cuối năm 2023.

Theo đó, báo cáo mới nhất được các chuyên gia tại Begbies Traynor đưa ra cho thấy đây là quý thứ hai liên tiếp ghi nhận tình trạng khó khăn tài chính trầm trọng tăng 25%.

Lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm 30% tổng số doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng.

cong ty pha san o anh
Begbies Traynor cho biết mức tăng 25% ở các công ty đang đối mặt với khó khăn tài chính 'nghiêm trọng', trong đó lĩnh vực bất động sản và xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề. 

Tỷ lệ tăng hàng quý về số lượng công ty gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng tăng 32,6% trong ngành xây dựng, 41,3% trong y tế và giáo dục, 1/4 trong lĩnh vực bất động sản - dịch vụ tài sản và 24% trong dịch vụ hỗ trợ.

Thậm chí, 18 trong số 22 lĩnh vực được báo cáo đề cập đã ghi nhận mức tăng trưởng ở mức hai con số về số lượng doanh nghiệp có tài chính rơi vào tình trạng nguy kịch.

Bà Julie Palmer, đối tác tại Begbies Traynor, cho biết điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” cho các doanh nghiệp Anh.

“Nhiều doanh nghiệp tại Anh phải đối diện với một năm khó khăn, với hàng loạt thách thức như lãi suất cao, lạm phát tràn lan, niềm tin của người tiêu dùng yếu và chi phí đầu vào tăng cao và khó lường. Tất cả những yếu tố này gây nên một cơn bão hoàn hảo, tác động đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế”, bà nói.

Ngân hàng Anh tăng lãi suất từ 0,1% vào cuối năm 2021 lên 5,25% nhằm cố gắng kiềm chế lạm phát. Điều đó đã làm tăng đáng kể chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp Anh, khiến nhiều doanh nghiệp không thể giải quyết các vết nứt bằng các khoản nợ giá rẻ.

“Hàng trăm nghìn doanh nghiệp ở Vương quốc Anh từng gánh trên mình khoản nợ phải chăng trong những ngày thanh bình đó, giờ đây đang phải đối mặt với gánh nặng gia tăng, sẽ gây ra đối với tài chính của họ”, bà Julie Palmer nói thêm.

Báo cáo cũng cho thấy 539.900 công ty ở Anh đang phải đối mặt với căng thẳng tài chính “đáng kể” vào cuối năm ngoái, tăng 12,9% so với quý 3 năm 2023.

Hầu hết các công ty đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng đều có trụ sở tại London và phía đông nam, với số ít nhất ở phía đông bắc và Bắc Ireland.

Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Năm ngoái, số lượng công ty phá sản đã đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008”.

“Một lượng lớn các công ty gửi tín hiệu cảnh báo dự kiến sẽ sụp đổ trong năm tới, làm tăng thêm kỳ vọng rằng một cuộc suy thoái ở Anh sắp xảy ra”, ông nhấn mạnh.

The Guardian đưa ra “Top 10 lĩnh vực các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn tài chính 'nghiêm trọng' tại Anh”: Xây dựng (7.849); Dịch vụ hỗ trợ (7.096); Bất động sản & dịch vụ bất động sản (6.228); Dịch vụ chuyên nghiệp (4.347); Các nhà bán lẻ tổng hợp (3.133); Viễn thông & CNTT (2.830); Y tế & giáo dục (2,719); Phương tiện truyền thông (1,828); Dịch vụ tài chính (1.373); Nhà bán lẻ thực phẩm và dược phẩm (1.343).

Congluan (Theo The Guardian)